CHỦ ĐỀ : ĐỨC TIN & LUÂN LÝ
LỜI GIỚI THIỆU
Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 20 năm Đức thánh cha Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Veritatis splendor bàn về nền tảng luân lý Kitô giáo (6/8/1993). Không phải do tình cờ mà thông điệp ra đời gần một năm sau Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, như chúng tôi đã có dịp trình bày khi giới thiệu văn kiện . Lần này, trong khuôn khổ Năm Đức tin, chúng tôi muốn chú trọng đến vài khía cạnh của thần học luân lý có liên quan đến đức tin. Trước hết, thiết tưởng nên nói qua ý nghĩa của tựa đề “đức tin và luân lý”, bởi vì có thể hiểu ít là theo ba nghĩa.
1/ “Đức tin và luân lý” có thể hiểu là đức tin cần đi đôi với hành động. Kinh Thánh đã nhiều lần nhắc nhở điều này: “Đức tin cần được linh hoạt nhờ lòng yêu thương” (Gl 5,6). “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Nói cách khác, để được vào Nước Trời cần có “chính tri kiến” (orthodoxia) cũng như “chính hành động” (orthopraxis). Điều này được thông điệp Veritatis splendor nhắc nhở ở các số 26; 88-89.
2/ Ta có thể đảo ngược hai vế “đức tin và luân lý” thành “luân lý và đức tin”, và như vậy vấn đề sẽ là: luân lý cần phải phù hợp với đức tin. Thực vậy, không có một thứ luân lý “trung lập”, nhưng mỗi nền luân lý (ngày nay thường gọi là “đạo đức”) đều phản ánh một tín ngưỡng, một triết lý, một ý thức hệ nào đó: luân lý Kitô giáo, luân lý Phật giáo, luân lý Khổng Mạnh, đạo đức cách mạng, v.v.. Một câu hỏi đương nhiên được nêu lên: đâu là những nét đặc trưng của luân lý Kitô giáo? Luân lý Kitô giáo cũng giống như các đạo khác (đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành mà), hay có những nét độc đáo? Nếu luân lý Kitô quả thật là độc đáo thì liệu có thể áp dụng cho tất cả mọi người không?
3/ Riêng đối với Giáo hội Công giáo, cụm từ “đức tin và luân lý” còn mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là giới hạn phạm vi chuyên môn của quyền giáo huấn (huấn quyền). Huấn quyền không có thẩm quyền để phát biểu về bất cứ vấn đề nào trên thế giới (thiên văn, vật lý, chính trị, kinh tế, thể thao, v.v.), nhưng chỉ lên tiếng trong lãnh vực chuyên biệt của mình, đó là “đức tin và luân lý”. Nếu muốn dịch sát nguyên bản Latinh thì phải nói “đức tin và phong hoá” (fides et mores). Tuy nhiên, theo sự nghiên cứu lịch sử của cha Piet Fransen , vào thời các giáo phụ (điển hình nơi thánh Augustinô) và Trung cổ (với thánh Tôma Aquinô), thuật ngữ này ám chỉ tất cả đời sống đạo của Hội thánh (bao hàm đạo lý, các bí tích, luật pháp). Nhưng vào đời cận đại (với Francisco Suarez), thuật ngữ này chuyển sang nghĩa đối thể, đó là: “đạo lý đức tin và luân lý”, đối tượng của quyền giáo huấn (mores không còn là “phong hoá, phong tục” như nguyên ngữ nữa, nhưng được hiểu như là mệnh lệnh luân lý). Thuật ngữ này được sử dụng ở Vaticanô I (Hiến chế Pastor Aeternus), Vaticanô II (Hiến chế Lumen gentium và Dei verbum), các văn kiện Toà thánh (chẳng hạn Huấn thị Donum veritatis, Thông điệp Veritatis splendor) để nói đến thẩm quyền giảng dạy của các giám mục.
Vào những năm sau công đồng Vaticanô II, có những ý kiến cho rằng Huấn quyền không có thẩm quyền can thiệp vào các vấn đề luân lý (bởi vì các chân lý về luân lý không nằm trong “gia sản đức tin” – depositum fidei, nhưng thuộc lãnh vực lý trí). Không lạ gì mà ta thấy các văn kiện của Toà thánh đã nhấn mạnh đến khía cạnh này, chẳng hạn như Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2032-2040 .
Cho dù chấp nhận thẩm quyền của Huấn quyền trong lãnh vực luân lý trên nguyên tắc, nhưng một cuộc tranh luận đã diễn ra giữa các nhà thần học xét về thực tế: có bao giờ Hội thánh tuyên bố với tính cách bất khả ngộ một điều nào thuộc lãnh vực luân lý tương tự như trong phạm vi đức tin không? Nói cách khác, giáo huấn về luân lý có mang tính bất biến không, hay là có thể thay đổi? Không thiếu những bằng cớ về sự thay đổi như vậy, thí dụ như về việc cho vay ăn lời, nạn nô lệ, tự do tín ngưỡng . Một thí dụ khác về sự tiến triển có thể nhận thấy nơi quan điểm về án tử hình (số 2266-2267) giữa ấn bản đầu tiên của sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (bằng tiếng Pháp năm 1992) và ấn bản chuẩn (bằng tiếng Latinh năm 1997).
Thiết tưởng nên ghi nhận vài điểm sau đây:
a- Trong thông điệp Evangelium vitae, Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố ba chân lý “bất khả ngộ” liên quan đến sự sống: Giáo hội chống lại việc trực tiếp giết người vô tội (số 57), sự phá thai (số 62), trợ tử (số 65). Nói khác đi, đã có những trường hợp Huấn quyền khẳng định rằng một đạo lý liên quan đến luân lý thuộc về gia sản đức tin, mặc dù không nhiều lắm.
b- Nhiều văn kiện liên quan đến luân lý đã được Bộ Giáo lý Đức tin xuất bản (chẳng hạn như về phá thai, luân lý giới tính, hôn nhân đồng tính, luân lý sinh học) , nhưng chắc chắn là không phải “bất khả ngộ” bởi vì đặc ân này chỉ dành cho Đức thánh cha và Tập đoàn giám mục chứ không nối dài sang một cơ quan của Toà Thánh.
c- Một lãnh vực mới mẻ của Huấn quyền là giáo huấn xã hội. Các Giáo hoàng đã viết nhiều thông điệp liên quan đến các vấn đề xã hội (xem danh mục trong Thời sự thần học số 60, trang 206-207). Khi bàn đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, Huấn quyền tuyên bố rằng mình can thiệp vào các lãnh vực này dưới khía cạnh “luân lý” (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2246; 2420, trưng dẫn Gaudium et spes số 76). Tuy nhiên, để giải thích đúng đắn các văn kiện, cần phải phân biệt ba cấp độ :
(i) những nguyên tắc suy tư (principes de réflection) có tính cách bền vững, bởi vì dựa trên Kinh Thánh hay luật tự nhiên;
(ii) những tiêu chuẩn phán đoán (critères de jugement) thì tùy thuộc vào hoàn cảnh nhất thời; c) những định hướng hành động (orientations pour l’action) mang tính thời sự, tùy nơi tùy thời . Thiết tưởng cũng có thể áp dụng sự phân biệt các cấp độ như vậy khi nghiên cứu các văn kiện Toà thánh về luân lý nói chung.
d- Mặt khác, đừng nên quên rằng một vấn đề nữa cũng được nêu lên từ sau công đồng Vaticanô II, đó là ý nghĩa của “thần học luân lý” (theologia moralis) khi đối chiếu với “thần học tâm linh” (theologia spiritualis). Trước đây, người ta quan niệm rằng thần học “luân lý” chú trọng đến mười điều răn, nhằm giúp cho các giáo dân tránh phạm tội trọng sa hoả ngục; còn thần học “tâm linh” (hay “thiêng liêng”) dành cho các tu sĩ muốn nên trọn lành qua việc thực tập các nhân đức. Công đồng Vaticanô II đã sửa lại quan niệm ấy, khi nhấn mạnh rằng tất cả các tín hữu đều được mời gọi nên thánh (Hiến chế tín lý về Hội thánh, Chương Năm). Vì thế, luân lý Kitô giáo cũng bao gồm các nhân đức nữa, như thánh Tôma Aquinô đã trình bày trong sách Tổng luận thần học. Hiểu như vậy, thiết tưởng phải kể tới hai thông điệp Deus caritas est và Spe salvi của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI vào “giáo huấn luân lý” và thông điệp Lumen fidei của vị kế nhiệm nữa. Thế nhưng ba văn kiện này không đặt ra vấn đề “thẩm quyền giảng dạy”.
e- Sau cùng, từ sau công đồng Vaticanô II, Bộ Giáo lý Đức tin có hai cơ quan tư vấn thần học, đó là Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh và Ủy ban Thần học quốc tế. Hai cơ quan này cũng phát hành nhiều văn kiện liên quan đến luân lý, mang tính cách nghiên cứu chứ không thuộc về huấn quyền . Liên quan đến vấn đề luân lý, gần đây có hai văn kiện. Ủy ban Kinh Thánh đã phát hành văn kiện Kinh Thánh và luân lý (11/5/2008), đề tài cho một bài của số này. Văn kiện của Ủy ban Thần học quốc tế, mang tựa đề “Đi tìm một nền luân lý phổ quát: một cái nhìn mới về luật tự nhiên (năm 2009), đã được giới thiệu trong Thời sự thần học số 55 (trang 81-109). Thoạt tiên xem ra hai văn kiện này đối lập với nhau: một bên nêu bật tính độc đáo của luân lý mạc khải của Kitô giáo, bên kia muốn đề ra một nền luân lý có giá trị cho hết mọi người, thuộc bất cứ tín ngưỡng tôn giáo nào. Trên thực tế, cần phải áp dụng cả hai nguyên tắc “tương đồng” và “tương phản”, khi đối chiếu luân lý Kitô giáo với luân lý của các dân tộc, như văn kiện “Kinh Thánh và luân lý” đã ghi nhận.
Trước khi giới thiệu các bài viết, chúng tôi xin lưu ý về việc sử dụng từ ngữ. Ở đây chúng tôi dùng từ “luân lý” (hay “thần học luân lý”), mặc dù ở Việt Nam, từ “đạo đức” xem ra phổ biến hơn. Điều này cũng xảy ra trong các ngôn ngữ châu Âu, với hai từ “éthique” và “morale” , tuy các tác giả chưa nhất trí khi giải thích sự khác biệt giữa hai từ này.
Có rất nhiều vấn đề “thời sự” về thần học luân lý, xét vì phạm vi nghiên cứu của nó càng ngày càng mở rộng, chẳng hạn như “Học thuyết xã hội của Giáo hội” (được trình bày trong Thời sự Thần học – số 60 vừa rồi). Những vấn đề luân lý liên quan đến đức tin cũng không phải là ít (chẳng hạn các nghĩa vụ cũng như những tội trái nghịch) mà chúng tôi hy vọng sẽ bàn trong số tới. Trong số này, chúng tôi chỉ chọn lựa một vài đề tài luân lý, được phân làm hai mục lớn: 1/ luân lý nền tảng; 2/ thời sự Việt Nam.
A. Vài vấn đề thuộc thần học luân lý nền tảng
1. Linh mục Phạm Hoàng Dũng, O.P. cho thấy sáu vấn đề tranh luận lớn của thần học luân lý từ sau công đồng Vaticanô II, (được gọi là sáu “công trường thi công”) đó là: tiêu chuẩn đánh giá hành vi luân lý; Kinh Thánh và thần học luân lý; luật tự nhiên; nền tảng của luân lý Kitô giáo; vai trò của huấn quyền; luân lý các nhân đức. Điều đáng lưu ý là thần học luân lý càng ngày càng xích lại gần Kinh Thánh, tín lý, phụng vụ.
2. Linh mục Cao Chu Vũ, O.P. đọc lại thông điệp Veritatis Splendor và vạch ra những vấn đề thần học luân lý được nêu lên.
3. Kinh Thánh và luân lý. Như đã nói trên, đây là tựa đề của một văn kiện của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh phát hành vào lễ Hiện xuống năm 2008, gồm hai phần chính. Phần thứ nhất mang tựa đề là “Một nền luân lý mạc khải: quà tặng của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người”, trình bày những nét chính của luân lý Kinh Thánh. Tựa đề của phần thứ hai là “Vài tiêu chuẩn Kinh Thánh để suy tư về luân lý”, trình bày vài nguyên tắc trong Kinh Thánh có thể giúp tìm ra những giải pháp cho các vấn đề luân lý thời nay.
4. Một áp dụng cụ thể của Kinh Thánh vào luân lý là tìm hiểu “Đức Kitô trong thần học luân lý”. Chủ đề này cũng là dịp để ôn lại những nét chính của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo và thông điệp Veritatis splendor: hai cách tiếp cận của cùng một ý hướng đặt Đức Kitô làm trung tâm của luân lý Kitô giáo.
B. Vài vấn đề thời sự
5. Một vấn đề luân lý nóng bỏng của thế giới và Việt Nam là hôn nhân đồng tính. Một bài viết của cha Nguyễn Anh Tuấn trình bày quan điểm của Giáo hội. Vấn đề cũng được trình bày dưới quan điểm khoa học do Hiệp hội các y sĩ Công giáo Hoa Kỳ.
6. Bác sĩ Trần Như Ý Lan, C.N.D. cho chúng ta biết tình hình của luân lý sinh học tại Việt Nam xét về lý thuyết cũng như thực tế.
7. Năm Đức tin cũng trùng với kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), với Đại Hội được tổ chức tại Xuân Lộc vào tháng 12 năm ngoái. Biến cố này được Đức Cha Bùi Văn Đọc thuật lại trong bài thuyết trình tại buổi Hội thảo diễn ra tại Trung tâm Học vấn Đa Minh ngày 19 tháng 4 vừa qua: “FABC và việc loan báo Tin Mừng tại châu Á”. Bài thuyết trình thứ hai mang tựa đề “Giáo hội với những người vô thần, vô tín ngưỡng” được thay thế bởi bài viết của linh mục Nguyễn Văn Am, S.D.B. Một vài ghi nhận về những đóng góp của Giáo hội tại Việt Nam về giáo dục.
8. Sau cùng là mục giới thiệu thông điệp Lumen fidei vừa được đức Phanxicô ban hành ngày 5/7/2013.
Trân trọng giới thiệu
TTHVĐM
TRONG SỐ NÀY__________