Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

KHUÔN MẶT HY VỌNG: Thông điệp Spe salvi của Đức Bênêđictô XVI trong bối cảnh thần học hiện đại

Thời sự Thần học - số 69 tháng 8/2015, tr. 36-62

_Domingo García Guillén_ 

1. Những hy vọng giả dối.
    1.1. Thời xưa: không có một Thiên Chúa để cầu khẩn.
    1.2. Thời nay: hy vọng vào sự tiến bộ.
2. Đức Giêsu Kitô: Hy vọng nhập thể.
    2.1. Dung mạo hy vọng.
    2.2. Hy vọng của chúng ta: một Thiên Chúa có dung nhan, một Thiên Chúa cá vị.
       2.2.1. Một niềm hy vọng mang lại tự do.
       2.2.2. Một niềm hy vọng đáng tin cậy.
       2.2.3. Một niềm hy vọng xây dựng trên yêu thương.
3. Đức Giêsu Kitô, kẻ hoà giải những nghịch lý.
    3.1. Hy vọng trần thế và hy vọng cánh chung.
    3.2. Hy vọng cá nhân và hy vọng cộng đồng.
    3.3. Công lý và ân sủng.
4. Những nơi hy vọng.
    4.1. Cầu nguyện.
    4.2. Hành động và đau khổ.
    4.3. Sự phán xét.
5. Những tấm gương hy vọng.
Kết luận: đối diện với Hy vọng.
 Viết tắt: SS = Spe salvi 
Spe salvi facti sumus (Chúng ta được cứu độ trong hy vọng: Rm 8, 24). Đó là những lời mở đầu thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cập đến đức hy vọng, được ban hành vào lúc sắp bước vào mùa Vọng năm 2007. Thực ra, trước khi được đắc cử vào chức vụ giám mục Rôma, ngài đã có nhiều lần viết và giảng về nhân đức này. Giai đoạn làm giáo sư được mở đầu với luận án về thần học lịch sử của thánh Bonaventura và kết thúc với khảo luận về cánh chung luận. Các bài giảng của ngài trong thời gian làm hồng y đã được thu thập và xuất bản dưới tựa đề “Những hình ảnh của hy vọng”.[1] Dựa trên những tài liệu ấy, tôi muốn trình bày một vài điểm liên quan đến thần học hy vọng được đề cập trong thông điệp. Theo tôi, điều mà đức Bênêđictô XVI muốn nêu bật là: hy vọng Kitô giáo có một khuôn mặt con người, đó là Đức Giêsu Kitô. (1) Tác giả mở đầu với việc lột trần những hình ảnh khiếm khuyết về hy vọng; (2) kế đến, ngài giới thiệu Đức Hy vọng nhập thể soi sáng những nghịch lý của cuộc sống con người; (3) sau cùng, tác giả cho thấy ba nơi chốn có thể cảm nghịêm được niềm hy vọng ấy: cầu nguyện, hành động và chịu đau khổ, cuộc phán xét. Các thánh nhân, những kẻ đã gặp gỡ Đức Hy vọng làm người, là bằng chứng rằng hy vọng là điều có thể được; các ngài trở nên những “hình ảnh của Hy vọng”.[2]

1. Những hy vọng giả dối


Thông điệp Spe salvi bắt đầu bằng việc điểm qua những hy vọng hão huyền, giả dối, giống như các ngôn sứ trước kia tố cáo những người đặt hy vọng vào ngẫu tượng không có khả năng mang lại ơn cứu độ (x. Is 45,20). Ai đặt tin tưởng vào cái gì không phải là Thiên Chúa thì sẽ đưa tới công dã tràng (x. Is 49,4). Thông điệp tố giác hai thứ hy vọng giả dối: một đàng là tình trạng trước Kitô giáo, một đàng là sự tục hóa hy vọng vào thời cận đại. Việc ôn lại tình trạng của thế giới trước khi Đức Kitô đến nhằm nhắc nhở các Kitô hữu hãy hâm nóng lại niềm hy vọng thoi thóp của mình. Mặt khác, thông điệp cũng cảnh báo rằng sự tiến bộ khoa học muốn thế chỗ cho niềm hy vọng, cũng có nguy cơ rơi vào hão huyền.

1.1. Thời xưa: Không có một Thiên Chúa để cầu khẩn


Tình hình tôn giáo vào thế kỷ I của Kitô giáo được tóm lại trong ba khuynh hướng như sau (SS 5): a) huyền thoại, nghĩa là tôn giáo Hy lạp; b) tôn giáo của Đế quốc Rôma; c) triết học. Sự phân chia ba khuynh hướng tôn giáo vào thời thượng cổ đã gặp thấy nơi triết gia Marcô Terenciô Varron, khi ông đề cập đến ba loại thần luận, nghĩa là ba đường hướng tiếp cận các thần linh: thần thoại (mythica), dân sự (civilis), thiên nhiên (naturalis). Sự khác biệt giữa ba khuynh hướng này có thể nhận thấy qua cách thức trả lời cho các câu hỏi sau: 1) ai bàn đến các thần; 2) nơi bàn về các thần; 3) nội dung ra sao; 4) thực tại như thế nào. Chúng ta hãy nhìn sơ đồ dưới đây.


Thần thoại Dân sự Thiên nhiên
Kẻ nói đến các thần Thi sĩ Nhân dân Triết gia
Nơi chốn Nhà hát Thành phố Vũ trụ
Nội dung Huyền thoại Cúng tế Thần linh như thế nào?
Thực trạng Các thể chế tôn giáo Bản tính các thần

Joseph Ratzinger đã đề cập đến tình hình tôn giáo trong Đế quốc Rôma trong nhiều tác phẩm. Thông điệp Spe salvi chỉ tóm tắt lại trong bối cảnh của niềm hy vọng.[3]

1. Dân tộc Hy lạp đã có một truyền thống lâu đời về các thần thoại, được các thi sĩ Homêrô và Hesiođô thu thập và xếp đặt gọn gàng. Tuy nhiên, các Kitô hữu tiên khởi đã tẩy chay các thần thoại, coi đó như là những ảo ảnh. Tại sao vậy? Câu trả lời có thể tìm thấy trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (2,12): tuy họ thờ nhiều thần linh, nhưng các vị thần ấy không mang lại hy vọng trước một thế giới đen tối, đầy bí ẩn.

2. Tôn giáo của đế quốc Rôma đã trở thành cơ chế, đóng khung vào các việc cúng tế. Việc thờ lạy các thần mang tính cách chính trị: nó là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia. Các Kitô hữu tiên khởi đã khước từ tham gia các buổi tế tự công khai, và bị tố cáo là “vô thần”. Đối lại, các nhà hộ giáo trả lời rằng các Kitô hữu thờ lạy Thiên Chúa (chứ không là vô thần)[4], nhưng họ không chấp nhận những tục lệ thờ cúng rỗng tuếch, thiếu sự thật[5].

3. Các triết gia suy tư về bản tính các thần, gột bỏ những lối hình dung quá phàm tục của các thần thoại. Tiếc rằng họ đã loại trừ một thần thoại cũ để tạo một thần thoại mới, đó là thần thoại của lý trí. Các thần linh của các triết gia chỉ còn là những ý niệm xa vời xa cách với nhân sinh. Không lạ gì mà người dân không thờ lạy các thần linh ấy, hoặc, nói chính xác hơn, không “cầu khẩn” các thần linh của các triết gia, những vị thần mà người ta chỉ tiếp xúc qua ý niệm trừu tượng.

Tóm lại, các tôn giáo cổ điển gặp bế tắc: các thần thoại trưng ra quá nhiều thần linh đến nỗi không biết đâu là thần đích thực; người Rôma có “tôn giáo” (cúng tế) nhưng lại không có thần linh; các triết gia có thần luận mà không có tôn giáo.

1.2. Thời nay: Hy vọng vào sự tiến bộ.


Các tôn giáo cổ thời không có hy vọng. Vào thời đại hôm nay, hy vọng của Kitô giáo bị biến thể do các trào lưu tục hóa, một tiến trình diễn ra ở các quốc gia Kitô giáo, được thông điệp Spe salvi đề cập ở các số 16-23.

Tiến trình này bắt đầu với Francis Bacon (1561-1626). Vào thời đại khám phá địa lý và kỹ thuật, ông đưa một lý thuyết về vai trò của khoa học đối với đời sống con người. Ông trở thành nhà tiên tri của “cuộc chiến thắng của kỹ thuật trên thiên nhiên”. Nhờ kỹ thuật, con người có thể trở về vườn địa đàng mà trước đây nó bị Thiên Chúa trục xuất. Không cần phải trông mong một Đấng Cứu thế nữa, con người có thể làm mọc lên thiên đường ở mặt đất. Lý trí và tự do có khả năng tạo nên một nhân loại mới. Hẳn nhiên, ông Bacon đã đoán trước những tiềm năng của cuộc tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên, tin rằng khoa học có thể cứu độ con người là hy vọng quá đáng: khoa học có thể giúp cho con người hạnh phúc hơn, nhưng nó cũng có thể tiêu diệt con người nếu không được hướng dẫn bởi những nguyên tắc bên ngoài khoa học.

Một đợt tục hóa nữa của hy vọng nằm trong lãnh vực chính trị, được đánh dấu bởi hai cuộc cách mạng và hai triết gia: cách mạng Pháp và cách mạng công nhân, Immanuel Kant và Karl Marx. Cuộc cách mạng 1789 của Pháp, hứa hẹn cuộc toàn thắng của lý trí và tự do, đã sớm trở nên hão huyền. Thông điệp đã trưng dẫn hai tác phẩm của Kant để cho thấy hai cách thức đánh giá khác nhau về cuộc cách mạng này. Trong tác phẩm thứ nhất (Der Siege des guten Prinzipen uber das bose und die Grundung eines Reichs Gottes auf Erden 1992: Chiến thắng của sự Thiện trên sự Ác và sự thiết lập vương quốc Thiên Chúa trên trần gian), ông chào đón sự chiến thắng của niềm tin tôn giáo (niềm tin lý trí) đối lại với niềm tin của Giáo hội, coi đó như là vương quốc của Thiên Chúa trên mặt đất. Thế nhưng, chỉ ba năm sau, khi biết được những kinh hoàng của cách mạng, Kant nói rằng thay vì lý trí và tự do thì sự sợ hãi và ích kỷ đã chiến thắng, [Das Ende aller Dinge 1795: Sự kết thúc của mọi sự] (x. SS 19). Chủ nghĩa Khai sáng bắt đầu nhận ra những nguy cơ của mình.

Cuộc cách mạng thứ hai, cách mạng công nhân năm 1848, có một nhà tiên tri là Karl Marx. Vương quốc của Thiên Chúa ở trần gian không còn là niềm tin lý trí (theo như Kant nghĩ) nhưng là phê bình chính trị, một thứ chính trị được suy nghĩ theo khoa học, biết nhận ra cấu trúc của lịch sử và xã hội. Mặc dù không nêu rõ tên trong thông điệp nhưng Đức Bênêđictô XVI hẳn muốn nói đến ông Ernst Bloch (1885-1977), một triết gia marxist, trong tác phẩm Das Prinzip Hoffnung (3 tập: 1938-1947): ông quả quyết rằng chỉ có người vô thần marxist mới có hy vọng bởi vì nắm bắt được con đường biến đổi thế giới. Bloch được biết đến trong thần học nhờ cuộc đối thoại với Jürgen Moltmann trong tác phẩm Thần học hy vọng. Tuy nhiên, hồi đó, Ratzinger đã cảnh báo rằng đối thoại với hy vọng marxist rất là nguy hiểm, bởi vì tuy dựa trên khái nịêm hy vọng của Kinh Thánh, nhưng nó loại trừ Thiên Chúa, thay vào đó là hoạt động chính trị của con người.

Để hiểu rõ tiến trình tục hóa hy vọng vào thời cận đại, thiết tưởng cần phải nói đến Hegel nữa. Đành rằng Marx là một người con tinh thần của Hegel, nhưng Hegel không chỉ ảnh hưởng đến thuyết marxist mà thôi. Hậu duệ của Hegel có thể nhận thấy nơi chủ nghĩa tân-tự-do, họ nhắm mắt tin rằng các cơ chế thị trường tự nó điều chỉnh, hoặc nơi học thuyết của Francis Fukuyama, theo đó nền văn minh đã đạt đến chóp đỉnh thiện toàn, tận điểm của lịch sử.

Dưới nhiều hình thức khác nhau, thời cận đại đã loại trừ đức hy vọng Kitô giáo, bằng việc hứa hẹn hạnh phúc ngay ở trần thế này. Có người đặt tin tưởng nơi khoa học, có người quả quyết rằng cách mạng chính trị sẽ mang lại công bằng xã hội; gần đây hơn, người ta nghĩ rằng kinh tế sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề. Những lời hứa hẹn này chưa được thực hiện; dù sao, những hy vọng ấy không giống với đức hy vọng Kitô giáo.

2. Đức Giêsu Kitô, Hy vọng nhập thể


Sau khi đã trình bày “mặt trái” của hy vọng, thông điệp bước sang “mặt phải” của nó, trình bày dung mạo của hy vọng Kitô giáo.

2.1. Dung mạo của hy vọng


Thông điệp dành một đoạn (số 24-31) để bàn đến “dung mạo” của hy vọng. Nguyên bản tiếng Đức là Gestalt, và có thể dịch là “chân dung, hình dung, hình thái”. Khi sử dụng từ ngữ này, đức Bênêđictô XVI muốn nói rằng niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm, một lý tưởng, một quyền lực; hy vọng Kitô giáo có một dung mạo, một khuôn mặt: “Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng, không phải là bất cứ chúa nào nhưng là Thiên Chúa có một dung mạo con người, đã yêu chúng ta đến cực độ, yêu từng người và toàn thể nhân loại” (SS 31). Đây là một đường lối trình bày thần học đã được Đức Bênêđictô XVI áp dụng cho những đề tài khác: các ý tưởng “chân lý, tình yêu, hy vọng” không còn là những ý niệm trừu tượng, nhưng tập trung vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Thông điệp đầu tiên về tình yêu Kitô giáo đã khẳng định: “Tính độc đáo của Tân Ước không phải hệ ở những tư tưởng mới, nhưng hệ ở dung mạo của Đức Kitô, Đấng đã cung cấp xương thịt cho các ý niệm”[6]. Một năm sau, tại đại hội toàn quốc của Giáo hội Italia, ngài đã nói “đức tin vào Thiên Chúa là Đấng có một khuôn mặt con người”[7]. Cụm từ “Thiên Chúa có một khuôn mặt con người” lại xuất hiện trong thông điệp Caritas in Veritate,[8] mà ngay từ đầu chúng ta đã đọc thấy những dòng sau đây: “Nơi Đức Kitô, tình yêu trong chân lý trở thành khuôn mặt của Người, trở thành một ơn gọi yêu mến anh em mình theo chân lý của kế hoạch của họ. Quả thế, Người chính là Chân lý (x. Ga 14,6).”[9]

Chúng ta cũng thấy nhiều thí dụ tương tự trong tác phẩm Đức Giêsu Nadarét: Đức Giêsu là hiện thân của Vương quốc Thiên Chúa, hiện thân của Lề Luật,[10] hiện thân của mạc khải Thiên Chúa[11] Trong một đoạn quen thuộc, tác giả đối thoại với rabbi Jacob Neusner, người Mỹ. Ông đã hiểu rõ tư tưởng của Tân Ước khi ông biết rằng: đứng trước ba mệnh lệnh của Torah (yêu mến cha mẹ, thánh hóa ngày sabat, nên thánh), “Đức Giêsu không muốn cho người ta tuân theo ba mệnh lệnh căn bản của Thiên Chúa, nhưng là đi theo Người.”[12] Trong một cuộc đối thoại giả tưởng với một môn đệ của đức Giêsu, ông đặt câu hỏi: “Người đã bỏ cái gì của Tora không? Trả lời: Không. Người có thêm cái gì không? Trả lời: Chính Người.”[13] Ratzinger lấy lại tư tưởng của ông và khai triển thêm:
Đức Giêsu đã thực sự mang lại cái gì cho thế gian, nếu không mang lại hoà bình cho thế giới, an lạc cho mọi người, một thế giới tốt đẹp? Người đã mang lại cái gì? Câu trả lời đơn giản: mang Thiên Chúa. Thiên Chúa mà khuôn mặt đã được tỏ lộ dần dần, từ ông Abraham cho đến văn chương khôn ngoan, xuyên qua ông Môsê và các ngôn sứ; Thiên Chúa đã được các dân tộc trên thế giới tôn thờ tuy còn mờ ảo; Đức Giêsu đã mang lại vị Thiên Chúa ấy, Thiên Chúa của ông Abraham, Isaac và Jacob, Thiên Chúa thật; Người mang Thiên Chúa cho các dân tộc trên thế giới. Người đã mang Thiên Chúa đến: giờ đây chúng ta biết được khuôn mặt của Người, giờ đây chúng ta có thể kêu cầu Người. Giờ đây chúng ta biết được con đường phải đi trên cõi đời này. Đức Giêsu đã mang Thiên Chúa đến, và cùng với Thiên Chúa, Người mang đến chân lý về nguồn gốc và vận mạng của chúng ta, niềm tin, hy vọng và tình yêu.[14]
Điều mới mẻ mà Đức Kitô mang lại là việc Người đến: chính Người là sự mới mẻ, như thánh Irenêô đã viết.[15] Bản thân Người là “đường, chân lý, sự sống”, tình yêu “trở thành huyết nhục”, hy vọng có một khuôn mặt trong lịch sử.

2.2. Hy vọng của chúng ta: một Thiên Chúa có khuôn mặt, một Thiên Chúa ngôi vị


“Thiên Chúa đã tỏ lộ khuôn mặt nơi Đức Kitô” (SS 4) là một Thiên Chúa ngôi vị. Trong các tác phẩm cũng như trong các văn kiện huấn quyền, Đức Benêđictô XVI đã nhiều lần bộc lộ đề nghị chiêm ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi khuôn mặt Đức Kitô.[16] Đây là sự mới mẻ của tư tưởng Kitô giáo về Thiên Chúa: một Thiên Chúa ngôi vị, một Chúa mà con người có thể gặp gỡ, lắng nghe, chiêm ngắm, khẩn nài,[17] một Thiên Chúa mà ta có thể cầu nguyện, (khác với các tôn giáo của cổ thời). “Điều mới mẻ và độc đáo của Thiên Chúa trong Kinh Thánh nằm ở chỗ không thể tạc hình tượng của Ngài; thế nhưng Ngài lại có một khuôn mặt, một danh tánh, một ngôi vị.”[18]

“Có một khuôn mặt”, “có một danh tánh”, “là một ngôi vị”: những thuật ngữ này đều đồng nghĩa để diễn tả hình ảnh của Kitô giáo về Thiên Chúa. Trong một bài thuyết trình ở Sicilia năm 2000, hồng y Ratzinger viết:
Có danh tánh nghĩa là có thể gọi, hiệp thông. Vì thế, Đức Kitô là ông Môsê đích thực, thể hiện việc mạc khải danh tánh. Việc mạc khải danh tánh của Thiên Chúa không hệ ở những tên mới, nhưng ở chỗ chính Người là khuôn mặt của Thiên Chúa, danh tánh của Thiên Chúa, khả năng có thể gọi Thiên Chúa như là một ngôi vị, một trái tim.[19]
Việc nhấn mạnh rằng hy vọng Kitô giáo là một ngôi vị có những hệ luận quan trọng sẽ được khai triển trong thông điệp này: a) hy vọng sẽ mang lại tự do, nghĩa là làm cho chúng ta trở thành ngôi vị; b) hy vọng của chúng ta chắc chắn; c) hy vọng dựa trên tình yêu và dẫn đến tình yêu.

2.2.1. Niềm hy vọng làm cho chúng ta trở nên con người tự do

Đối với đức Bênêđictô XVI, niềm hy vọng Kitô giáo đã giải thoát các tín hữu tiên khởi khỏi sự thống trị của “những yếu tố của vũ trụ” (Cl 2,8). Đứng trước tôn giáo Hy lạp bị thống trị bởi những tinh tú, người Kitô hữu biết rằng:
Không phải các yếu tố vũ trụ, các định luật vật chất, cuối cùng sẽ thống trị thế giới, nhưng là một Thiên Chúa ngôi vị (...), lý trí, ý chí và tình yêu: một Ngôi vị. Nếu chúng ta nhận biết Ngôi vị ấy và ngài nhận biết chúng ta, thì lực lượng cay nghiệt của những yếu tố vật chất không còn là điều tận cùng; chúng ta không còn là nô lệ của vũ trụ và các định luật của nó, chúng ta hoàn toàn tự do (SS 5).
Để minh họa cho sự tự do mà các Kitô hữu tiên khởi đã thủ đắc được, đức Bênêđictô XVI trích dẫn một bài thơ của thánh Grêgôriô Nazianzô: Ngôi sao mà các nhà chiêm tinh Đông phương đã quan sát, ngôi sao khác biệt các tinh tú khác, đã dẫn đưa họ về với ánh sáng thật là Đức Kitô, và họ đã chấm dứt sự thờ phượng các tinh tú (x. SS 5).[20]

Sự tự do này làm cho con người trở thành “ngôi vị”, có khả năng đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa. Trong một bài suy niệm mùa Chay năm 1973, hồng y Ratzinger đã viết:
Thiên Chúa... có một danh tánh và gọi đích danh chúng ta. Ngài là ngôi vị và đi tìm ngôi vị. Ngài có một khuôn mặt và đi tìm khuôn mặt chúng ta. Ngài có một trái tim và đi tìm trái tim chúng ta. Chúng ta không phải là những con quay trong bộ máy vũ trụ.[21]
2.2.2. Một niềm hy vọng chắc chắn

Thông điệp lấy tựa đề từ một câu văn của thánh Phaolô “Spe salvi facti sumus” (Rm 8,24), và có thể dịch hai cách: “chúng ta được cứu độ để hy vọng” hoặc “chúng ta được cứu độ nhờ/ bởi hy vọng”. Cách đọc thứ hai nêu bật rằng hy vọng giả thiết một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô, tựa như tin tưởng và yêu thương. Ngay từ đầu, tác giả đã viết rằng chủ đề của thông điệp là một niềm hy vọng độ trì và cứu chuộc (x. SS 1), một niềm hy vọng không chỉ là một ý niệm lý thuyết, nhưng là cái gì “performativa”, thực hiện điều mà mình diễn đạt:[22] đặc trưng của hy vọng Kitô giáo nằm ở chỗ “có thể biến đổi cuộc đời chúng ta đến độ làm cho chúng ta được cứu độ nhờ sự hy vọng mà nó diễn đạt” (SS 4) Tin tưởng (đức tin) và hy vọng (đức cậy) đều bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ Đức Kitô, vì thế trùng hợp với nhau. Thông điệp diễn tả sự trùng hợp ấy ở nhiều chỗ. Lúc đầu thì nói rằng đây là “hy vọng chắc chắn” (đáng tin cậy) (SS 1); lúc khác thì nói rằng trong đức hy vọng, điều quyết định không phải là sự chắc chắn chủ quan nhưng là sự hiện diện khách quan của Đức Kitô, là nơi mà chúng ta gặp thấy “bản chất” (substantia / hypostasis) (x. SS 2.7-9): Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta phần nào “thực tại trông mong, và sự hiện diện của thực tại ấy là “bằng chứng” của điều chưa thấy” (SS 7). Chứng tá của các vị thánh, như sẽ nói sau, cung cấp cho chúng ta những bằng chứng chưa thấy, mang lại cho ta thấy trước phần nào niềm hy vọng mà chúng ta tin cậy (x. SS 8-9). Tuy nhiên niềm hy vọng chưa kết thúc: chúng ta được cứu độ nhờ hy vọng, và đồng thời trong hy vọng. Ơn cứu độ đã được khởi đầu nơi chúng ta, nhưng còn chờ hoàn tất: “bởi vì đó là hy vọng chứ chưa hoàn tất; niềm hy vọng mang lại cho ta sức mạnh để chúng ta bám chặt vào điều thiện kể cả khi xem ra không còn hy vọng” (SS 36).
 
2.2.3. Một niềm hy vọng đặt nền trên yêu thương

Tương quan giữa ba nhân đức hướng Chúa (tin tưởng, hy vọng, yêu mến) được bổ túc với khẳng định rằng con người cần cảm thấy mình được yêu thương:
Con người cần đến một tình yêu vô điều kiện. Con người cần đến sự chắc chắn để có thể nói được rằng: “Dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay ma vương, dù hiện tại hay tương lại, dù quyền lực, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ thụ tạo nào đi nữa, không có gì tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39). Nếu có một tình yêu tuyệt đối với sự chắc chắn tuyệt đối như thế, thì khi đó và chỉ khi đó, con người mới được “cứu chuộc”, dù cho bất cứ chuyện gì xảy đến đi nữa. Khi nói rằng Đức Giêsu đã “cứu chuộc” chúng ta thì phải hiểu như thế. Nhờ Người, chúng ta được an toàn với Thiên Chúa, không phải là một Thiên Chúa xa vời như là “căn nguyên đệ nhất” của vũ trụ bởi vì Con Một của Ngài đã làm người, và mỗi người có thể thốt lên: “Tôi sống nhờ lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu tôi đến nỗi đã trao nộp mình cho tôi” (Gl 2,20) (SS 26).
Chúng ta lại thấy sự khác biệt giữa Kitô giáo với các tôn giáo thiên nhiên: thế giới không được cai quản bởi những sức mạnh mù quáng, chúng ta không phải là nô lệ cho định mệnh, tình cờ hoặc đồ chơi của các thần; thế giới được cai quản bởi tình yêu. Thi hào Dante Alighieri kết thúc tập thơ Divina Comedia với lời như sau: “Tình yêu làm chuyển động mặt trời và các tinh tú.” Khi vừa công bố thông điệp đầu tiên, Đức Bênêđictô XVI đã chú giải câu thơ vừa trích dẫn và cho thấy rằng điều quan trọng là nhận ra một khuôn mặt con người, khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô. Triết học Hy lạp đã nhìn thấy Ánh sáng như là trung tâm vũ trụ, nhưng giờ đây Ánh sáng ấy đã mang một khuôn mặt con người, và thậm chí một trái tim con người. Điều này thật là quan trọng vào thời đại hôm nay, khi mà người ta lạm dụng tôn giáo, phong thần cho sự thù ghét căm hờn, thì duy chỉ lý trí và tình yêu mới có thể bảo vệ chúng ta mà thôi. Chúng ta cần đến một Thiên Chúa yêu thương chúng ta cho đến chết.[23]

3. Đức Giêsu Kitô, vị hoà giải những nghịch lý của nhân sinh


Đức Kitô là hy vọng của con người, một khuôn mặt mang lại ơn cứu độ cho con người. Thế nhưng, con người là một hữu thể sống trong lịch sử, được cứu độ trong hy vọng, cảm nghiệm mỗi ngày những nghịch lý, mâu thuẫn:
Rõ ràng có một điều nghịch lý trong thái độ của chúng ta, làm nổi bật sự tương phản nội tại của hiện sinh chúng ta. Một đàng, chúng ta không muốn chết; những người thân yêu của ta không muốn cho chúng ta chết. Đàng khác, chúng ta cũng chẳng ước ao sống mãi, và trái đất cũng chẳng được dựng nên trong viễn tượng ấy. Như vậy, chúng ta thực sự muốn gì? Thái độ nghịch lý của ta làm nảy ra một câu hỏi sâu xa hơn: thế thì “sự sống” thực sự là gì? (SS 11).
Vài hàng sau đó, tính cách nghịch lý được diễn tả như thế này:
Một cách nào đó, chúng ta ước muốn chính sự sống, sự sống đích thực, không còn bị cái chết đụng tới; nhưng đồng thời, chúng ta không biết được điều mà chúng ta cảm thấy bị thúc đẩy hướng về. Chúng ta không thể nào ngưng không hướng tới nó nữa; tuy nhiên chúng ta biết rằng tất cả những gì chúng ta có thể cảm nghiệm hoặc thực hiện thì chưa phải là điều mà chúng ta ước mong (SS 12).
Chúng ta được dựng nên cho một cuộc sống bất tận, thế nhưng, chúng ta có cảm giác về cuộc đời đang sống: “từ hư vô, chúng ta sớm rơi vào hư vô” (SS 2).

“Nghịch lý” (paradoxe) không phải là mâu thuẫn luận lý. Nó đã được thần học sử dụng để diễn tả mầu nhiệm khôn tả, như các giáo phụ vốn quen làm.[24] Vào thời nay, Henri de Lubac cũng thường sử dụng “nghịch lý”, và định nghĩa nó như là: “mặt trái của cái mà tổng hợp (synthesis) là mặt phải. Thế nhưng mặt phải luôn vượt khỏi tầm của ta... bởi vì nó chỉ là điều ta mơ ước mà thôi. Nghịch cảnh là cách diễn tả tạm thời của một viễn tượng luôn luôn bất toàn, nhưng hướng về sự viên mãn.”[25] Tính cách nghịch lý nằm trong mầu nhiệm của con người, nơi kết hợp những chiều kích thoạt tiên xem ra mâu thuẫn: thể chất và tinh thần, sống trong thời gian nhưng khát khao cõi vĩnh hằng. “Mầu nhiệm con người chỉ được sáng tỏ ánh sáng mầu nhiệm Đức Kitô”; tư tưởng này của công đồng Vaticanô II (GS 22) đã trở thành hậu cảnh cho lời khẳng định sau đây trong thông điệp Spe salvi:
Đức Kitô nói cho chúng ta biết con người là gì, phải làm gì để trở nên người đích thực. Người chỉ cho chúng ta thấy con đường và con đường này là chân lý. Người là con đường và là chân lý, vì thế là sự sống mà chúng ta trông mong (SS 6).
Niềm hy vọng nghịch lý của con người chỉ tìm thấy giải thích nơi Đức Kitô là hy vọng của chúng ta: nơi Người, thời gian và vĩnh cửu, cá nhân và cộng đồng, công bằng và ân huệ gặp gỡ nhau.

3.1. Hy vọng trần thế - hy vọng cánh chung


Ba lần đức Bênêđictô XVI lặp lại câu hỏi của Kant (x. SS 22.24.35): Chúng ta có thể hy vọng điều gì? Hay đúng hơn: Cái gì cho phép chúng ta hy vọng? Tiến trình tục hóa đã dần dần thu hẹp viễn tượng hy vọng, chỉ cho phép hy vọng vào cái gì nhìn thấy được và nằm trong khả năng của con người. Thế nhưng tầm nhìn này không đáp ứng những khát vọng của con người:
Nếu chúng ta không thể hy vọng quá điều thực sự có thể thực hiện được vào mỗi giai đoạn và điều mà các cơ quan chính trị và kinh tế cung cấp, thì cuộc đời chúng ta sẽ chóng rơi vào chỗ mất hy vọng (SS 35).
Đứng trước sự thu hẹp chân trời hy vọng, Đức Bênêđictô XVI đề nghị trở về với thời khởi nguyên Kitô giáo. Hình ảnh về hai đô thành (trần thế và thiên quốc) được sử dụng (x. SS 14-15.2) để cho thấy rằng không thể nào xây dựng một đô thành này mà bỏ qua đô thành kia. Trong khi Nietzsche hô hào: “Hỡi anh em, hãy trung thành với trái đất,” hồng y Ratzinger đã viết từ năm 1992:
Niềm hy vọng trên trời không đi ngược lại với lòng trung thành với trái đất. Các Kitô hữu, tuy bén rễ trong điều tạm bợ, nhưng tin tưởng vào điều tốt hơn và vĩnh cửu, có thể và phải mang lại niềm hy vọng cho thế giới này.[26]
Việc xây dựng hai đô thành và hai niềm hy vọng không cho phép bỏ rơi bên này hay bên kia. Hơn thế nữa, người Kitô hữu, vì hy vọng vào một trời mới và đất mới, “sống một cách thế khác, một đời sống mới đã được ban tặng cho người đó” (SS 2). Thế giới quanh ta mang tính tạm bợ, vì thế chúng ta có thể biến đổi nó: đó là ý nghĩa hoạt động của người Kitô hữu. Chúng ta khám phá mỗi ngày tính cách “tạm bợ” của đời sống trên trần thế: đời sống mỗi ngày:
Trong suốt cuộc sống, con người có những hy vọng, khi lớn khi nhỏ, tuỳ theo từng giai đoạn, đôi khi xem mỗi mối hy vọng ấy đã làm họ thoả mãn và không cần gì hơn nữa. Khi còn trẻ, có thể đó là hy vọng vào tình yêu vĩ đại và tràn đầy; hy vọng vào một địa vị cụ thể trong nghề nghiệp, vào thành công này hay thành công khác quyết định cho cuộc sống tương lai. Tuy nhiên, khi niềm hy vọng ấy đã thành tựu, họ cảm thấy nó chưa phải là tất cả. Rõ ràng là con người cần đến một niềm hy vọng vượt lên trên nữa (SS 30).
Vì thế, “dù chúng ta cần đến nhiều hy vọng– lớn hoặc nhỏ– để nâng đỡ ta trên đường đời... nhưng những hy vọng này vẫn không đủ nếu thiếu một hy vọng vĩ đại để chống đỡ. Niềm hy vọng vĩ đại chỉ có là Chúa... không phải là bất cứ chúa nào, nhưng là Thiên Chúa mang khuôn mặt con người”(SS 31). Niềm hy vọng cá vị giả thiết một tiếng gọi liên tục, luôn luôn mở rộng ra đến sự mới mẻ của Thiên Chúa. Nếu thiếu sự mới mẻ này, thì không có sự phát triển thực sự:
Thiên Chúa là Kẻ bảo đảm cho sự phát triển đích thực của con người... Giả như con người chỉ là kết quả của tình cờ hay của tất yếu, hoặc phải hạn chế các khát vọng vào chân trời chật hẹp của những hoàn cảnh đang sống, giả như tất cả chỉ toàn là lịch sử và văn hóa, và con người không được gọi vào đời sống siêu việt, thì chỉ có thể gọi là tăng gia hoặc tiến hoá, chứ không phải là phát triển.[27]
Bởi vậy, nghịch lý giữa hy vọng trần thế và hy vọng cánh chung chỉ thấy giải đáp nơi Đức Kitô:
Không thể có sự sống đúng nghĩa nếu chỉ có một mình hay giữ riêng cho mình: sống thực là sống có tương quan. Và sự sống vĩnh cửu là sống với Đấng là nguồn sự sống. Nếu chúng ta có tương quan với Đấng bất tử, Đấng chính là Sự sống và Tình yêu, lúc ấy chúng ta ở trong sự sống. Lúc ấy chúng ta “sống” thực (SS 27).

3.2. Hy vọng cá nhân – hy vọng cho mọi người


Sự căng thẳng thứ hai được thông điệp đề cập là giữ hy vọng cá nhân và cộng đồng. Henri de Lubac đã chứng minh rằng đối với các Kitô hữu, “ơn cứu độ luôn luôn là một thực tại cộng đồng” (SS 14).[28] Thông điệp đặt câu hỏi: “Vì đâu nảy sinh ý tưởng rằng sứ điệp của Đức Giêsu chỉ có tính cách cá nhân và chỉ nhắm đến cá nhân?”(SS 16). Câu trả lời là: hy vọng đã bị thế tục hoá, đã bị rút gọn vào tin tưởng nơi sự tiến bộ; từ đó hy vọng hoặc bị cá-nhân-hóa đến tột độ (Kant), hoặc bị tập-thể-hóa đến độ huỷ diệt cá nhân (Marx). Việc chậm trễ thực hiện xã hội cộng sản mang lại cảm tưởng rằng:
Đây có lẽ là một hy vọng cho nhân loại ngày mai, nhưng không phải là hy vọng cho tôi. Và cho dù mối hy vọng “cho mọi người” nằm trong hy vọng vĩ đại... nhưng nếu không liên quan đến tôi thì không phải là hy vọng thật sự (SS 30).
Vì vậy, cần phải là hy vọng cho tất cả mọi người và đồng thời cũng liên quan đến tôi, tôn trọng tự do của mỗi người chứ không chỉ lo bảo vệ các cơ chế: “hoàn cảnh mọi chuyện của con người trong mỗi thế hệ tùy thuộc quyết định của mỗi người thuộc về thế hệ đó” (SS 30).

Giải pháp cho sự căng thẳng giữa cá nhân và cộng đồng cần phải tìm nơi Đức Kitô:
Đức Kitô là kẻ đã sống cho mọi người. Sống với Đức Kitô cũng đưa chúng ta chia sẻ lối sống của Người. Chúng ta dám dấn thân cho những người khác nếu chúng ta biết hiệp thông với Người, nhờ vậy chúng ta có thể trở nên hiện hữu cho những người khác, cho tất cả mọi người” (SS 28).

3.3. Công lý - Ân sủng


Lòng khao khát “hy vọng cho tất cả mọi người” mang theo ước muốn công lý cho hết mọi người khắp mọi nơi mọi thời. Đến đây, đức Bênêđictô XVI nhắc đến sự đóng góp của các triết gia thuộc trường phái Frankfurt: đối với Theodor Adorno (1903-1969), một nền công lý đích thực đòi hỏi một thế giới trong đó mọi đau khổ của quá khứ phải được gợi lại (x. SS 42), hoặc theo Max Horkheimer (1895-1973), thế giới trong đó các lý hình không còn đàn áp những kẻ vô tội. Những khao khát của công lý nảy lên từ bối cảnh của các chế độ toàn trị trong thế kỷ XX (như Auschwitz hoặc Gulag). Những tội phạm chống lại nhân loại đòi hỏi phải huỷ bỏ các tội phạm trong quá khứ, trừng phạt các thủ phạm và bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, theo thông điệp, công lý duy nhất có thể gợi lại quá khứ là sự phục sinh của những người chết, là một điều không thể chấp nhận đối với những nhà duy vật như Adorno và Horkheimer. Ở đây ta nhận ra giới hạn tư tưởng của các tác giả này, đồng thời ta thấy rõ là “công lý là một luận cứ mạnh mẽ bảo vệ cho đức tin vào cuộc sống vĩnh cửu” (SS 43). Trong những hoàn cảnh cùng cực như vậy, con người cảm thấy rằng công lý của mình còn thiếu sót; rằng con người không thể chế ra “công lý cao hơn” để xét xử: “một thế giới nào phải tự chế ra công lý cho chính mình thì là một thế giới không còn hy vọng” (SS 42).

Công lý không thể được đồng hóa với luật pháp của quốc gia. Nói cho cùng công lý chỉ đến trong một cuộc gặp gỡ với sự phán xét. Sự gặp gỡ Đấng Phán xét sẽ biến đổi chúng ta và giải thoát chúng ta, ngõ hầu chúng ta được trở về thực sự với chính mình (SS 47). Đó là cuộc gặp gỡ vừa với công lý vừa với ân sủng; nếu chỉ có ân sủng mà thôi thì mọi hành động trong lịch sử đều vô giá trị; còn nếu chỉ có công lý mà thôi thì sẽ đưa đến sợ hãi... Phải nhận rằng con người khó dung hòa công lý và ân sủng; hơn nữa, trong ngôn ngữ pháp luật, “ân sủng” có nghĩa là “ân xá”, đình chỉ mọi hình phạt do luật pháp đặt ra. Vì vậy có sự căng thẳng giữa công lý và ân sủng. Tuy nhiên, cũng như đã thấy trong sự căng thẳng giữa cá nhân và cộng đồng, giữa trần thế và cánh chung, sự căng thẳng chỉ có thể giải đáp nơi Đức Kitô. Sự căng thẳng này đã được các ngôn sứ loan báo trước, khi các ngài tuyên bố rằng “tình yêu của Thiên Chúa đối với dân của ngài lớn lao đến nỗi đặt Thiên Chúa chống lại chính ngài, tình thương của ngài chống lại công lý của ngài.”[29] Nhờ cuộc Nhập thể, công lý và ân sủng đã kết hợp với nhau khắng khít bền chặt, “đặt Thiên Chúa chống lại chính ngài” nơi Thập giá. Vì thế “Thiên Chúa là công lý và tạo ra công lý... Nhưng trong công lý cũng có ân sủng. Chúng ta khám phá điều này nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh” (SS 44).

4. Những nơi hy vọng


Vào cuối thông điệp, đức Bênêđictô XVI cung cấp ba nơi mà chúng ta có thể sống và thực tập hy vọng: cầu nguyện, hành động và sự phán xét.

4.1. Cầu nguyện [SS 32-34]


Nơi đầu tiên là cầu nguyện. Đức Thánh Cha trưng dẫn thánh Augustinô. Thánh nhân nói rằng cầu nguyện là trường của hy vọng, nơi mà chúng ta học cách mở rộng lòng ao ước và khuếch trương những hy vọng của ta hợp với viễn tượng của Thiên Chúa: “Khi làm trì hoãn ban ơn huệ, Thiên Chúa mở rộng lòng ước ao, lòng ước ao mở rộng linh hồn, và nhờ mở rộng linh hồn, Ngài làm cho nó có khả năng đón nhận ơn huệ.”[30]

Ai cầu nguyện thì không bao giờ hoàn toàn cô độc. Đức Bênêđictô XVI kể lại chứng từ của Hồng y Nguyễn Văn Thuận, bị biệt giam nhiều năm. Lời cầu của tôi đưa tôi ra trước mặt Chúa, một Thiên Chúa sống động: không phải vô tình mà Đức Giêsu, Đấng đã tỏ cho chúng ta khuôn mặt của Thiên Chúa cũng đã dạy chúng ta kinh Lạy Cha, qua đó Người muốn dạy các môn đệ ở mọi thời hãy đặt mình trước nhan Chúa; nhờ thế, việc cầu nguyện trở thành một cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa.[31] Khi cầu nguyện, chúng ta không bao giờ cô độc: điều này được tỏ rõ nơi phụng vụ, nơi đó chúng ta cầu nguyện với Giáo hội, Giáo hội dạy chúng ta cầu nguyện đúng cách.

4.2. Hoạt động và đau khổ [SS 35-40]


Hoạt động và đau khổ kết hợp với nhau tạo ra nơi thứ hai để thực tập hy vọng. Hoạt động dạy hy vọng: điều này khá dễ hiểu, bởi vì “tất cả mọi hoạt động nghiêm chỉnh và đúng đắn của con người đều là hy vọng trong hành động” (SS 35). Nhờ hành động, chúng ta có thể mở rộng chúng ta và trần gian để cho Thiên Chúa đến.

Thế còn đau khổ thì sao? Đau khổ có ăn nhập gì với hy vọng chăng? Đau khổ chẳng phải là điều mà chúng ta muốn chống lại đấy ư? Đúng vậy, cần phải dùng hết sức lực để làm giảm đau khổ (SS 36). Thế nhưng, việc huỷ diệt đau khổ hoàn toàn không nằm trong tay chúng ta. Chỉ duy Đức Kitô, Đấng xóa bỏ tội lỗi của trần gian, đã mở màn cho cuộc kết thúc đau khổ trên trần gian: Người đã đi xuống tận vực thẳm của đau khổ, đã đứng về phía những người chịu đau khổ. Tuy nhiên, cuộc đẩy lui đau khổ trên trần gian mới chỉ khởi đầu chứ chưa hoàn tất. Mỗi người chúng ta được mời gọi hãy kết hợp với cuộc đẩy lui sự dữ, một cuộc chiến không chỉ diễn ra bằng hành động mà thôi, nhưng còn bằng cách mang một ý nghĩa cho đau khổ nhờ việc dâng hiến nó, như Đức Kitô đã làm. Khi liên kết hành động và chịu đựng, Đức Bênêđictô XVI đã mở ra một chỗ hy vọng cho những người không có bàn tay để thay đổi thế giới bằng hành động, những người không được đếm xỉa trong các kế hoạch hiệu năng.

Những kẻ bề ngoài xem ra không có khả năng để “làm” gì cả, vẫn có thể kết hợp với hành động cao cả của thập giá Đức Kitô (cũng vừa là hành động vừa là chịu đựng). Nhờ vậy chịu đựng trở nên hoạt động.

4.3. Sự phán xét [SS 41-48]


Nơi thứ ba và cuối cùng của hy vọng là sự phán xét. Đức tin vào Đức Kitô sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết đã có từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo; tuy nhiên, trải qua dòng thời gian, niềm hy vọng vào sự phán xét đã biến thái thành ra sợ hãi sự phán xét.

Mọi sự sẽ thay đổi nếu chúng ta xem sự phán xét như là cuộc gặp gỡ với Đấng là hy vọng của chúng ta. Nói rằng Đức Kitô là hiện thân của sự phán xét thì xem ra là một điều hiển nhiên rồi. Sự thực không phải như vậy. Giáo lý cổ điển thường nhắc đến sự phán xét như là một thứ đe doạ gây ra sợ hãi. Thần học về cánh chung trong thế kỷ XX đã chuyển hướng từ “những sự cánh chung” (eschata, bốn sự sau hết: phán xét, thiên đàng, hoả ngục, luyện ngục) sang “Đấng Cánh chung” (Eschatos: Đức Kitô, Đấng đã mang lại những thời kỳ mới).

Sự tập trung của thần học cánh chung vào Đức Kitô giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời khẳng định sau đây của thông điệp Spe salvi: “Vài nhà thần học gần đây nghĩ rằng ngọn lửa vừa thiêu đốt vừa cứu độ là chính Đức Kitô, Thẩm phán và Đấng Cứu độ.” (SS 47). Tuy không nêu đích danh, nhưng ta có thể đoán được là bản văn nhắc đến Hans urs von Balthasar:
Thiên đàng là đạt đến Thiên Chúa, hoả ngục là mất Thiên Chúa, phán xét có nghĩa là Ngài là kẻ xét xử, luyện tội có nghĩa là Thiên Chúa thanh luyện [...] Tất cả những tình trạng ấy diễn ra theo như cách thức Thiên Chúa hướng đến thế gian, nghĩa là theo như Đức Giêsu Kitô, Quý tử của Ngài, mạc khải của Thiên Chúa, toát lược của mọi sự cánh chung.[32]
Như vậy, tất cả tập trung vào Đức Kitô. Thật vậy, sự phán xét là một kiểu nói hoán dụ (metonyme) của tứ chung (x. SS 45-46), những nét khác nhau của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô.

5. “Những mẫu gương hy vọng”


“Những bức gương hy vọng” là tựa đề “Sưu tập các bài giảng” của Hồng y Ratzinger nhân dịp các lễ trọng trong năm, được đọc tại nhiều nơi khác nhau: hoang toại đạo Rôma, vương cung thánh đường thánh Phêrô hoặc Đức Bà ở Rôma, nhà thờ Portiuncula ở Assisi. Mỗi chỗ ấy đều là “nơi hy vọng”, một di tích mời gọi các tín hữu hy vọng. Thông điệp Spe Salvi cũng trưng dẫn nhiều chứng tích hy vọng lấy từ những tấm văn bia hoặc kiến trúc nhằm cho thấy niềm hy vọng Kitô giáo trong dòng lịch sử.[33]

Tuy nhiên, những bức gương hy vọng tuyệt vời nhất không phải là những pho tượng khắc trên đá. Hy vọng có một khuôn mặt con người là Đức Kitô, và khuôn mặt này đã gặp thấy nhiều người dõi theo trong lịch sử, họp thành “đám mây nhân chứng” (Hr 12,12). Khuôn mặt Hy vọng đã hiển hiện nơi các khuôn mặt hy vọng, mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn.

Thông điệp Spe salvi trình bày Đức Maria như là “ngôi sao hy vọng” vào những đoạn cuối cùng, cũng như trước đây, thông điệp Deus caritas est cũng được kết thúc với tấm gương của Đức Maria. Đức hy vọng Kitô giáo cũng được phản chiếu nơi nhiều vị thánh khác được nhắc qua ở số 8 (chẳng hạn thánh Phanxicô Assisi). Thông điệp Spe salvi thêm ba nhân vật: nữ tu Giuseppina Bakhita người Sudan, thánh tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh và hồng y Nguyễn Văn Thuận người Việt Nam.[34] Cả ba đều không phải là người châu Âu. Họ là những người đã gặp gỡ Khuôn mặt Hy vọng và trở thành những chứng nhân hy vọng. Tác giả không chủ ý tôn vinh đời sống anh hùng cá nhân của họ cho bằng trình bày hình ảnh của Đức Kitô được phản chiếu nơi họ.
Đối với chúng ta là những người đang nhìn ngắm các bức gương này, cuộc đời và cách sống của họ thực sự là một bằng chứng của những thực tại sẽ đến, lời hứa của đức tin không còn là một thực tại đang chờ đợi, nhưng đã trở thành sự hiện diện thực sự (SS 8).

Kết luận: Đối diện với hy vọng


Có nhiều cách thức để phân tích thông điệp Spe salvi. Chúng tôi đã chú trọng đến khuôn mặt của Đức Kitô được trình bày trong thông điệp, nhằm cho thấy tính cách cá vị của hy vọng Kitô giáo, một tư tưởng đã được nói đến trong nhiều tác phẩm của Joseph Ratzinger khi làm giáo sư, hồng y và giáo hoàng. Thông điệp là lời mời gọi các Kitô hữu hãy cảm nghiệm “ơn cứu độ trong hy vọng” qua việc gặp gỡ Đức Kitô. Đối chiếu với Người, các hy vọng hão huyền đều không làm thỏa mãn tâm hồn con người, như thánh Augustinô đã nhận xét (“Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con vẫn khắc khoải bao lâu chưa được an nghỉ nơi Ngài”). Nhờ gặp gỡ Đức Hy vọng, con người tìm ra giải đáp cho những băn khoăn, những nghịch lý trên đường đời; nhờ gặp gỡ Người, con người được biến đổi để trở nên chứng nhân hy vọng cho đồng bào của mình. Đức hy vọng cứu độ dạy các Kitô hữu biết niềm hy vọng của họ nằm ở chỗ nào “điều gì họ có thể mang đến cho thế giới và điều gì họ không thể mang đến cho thế giới” (SS 22). Trong một thế giới mà Giáo hội thường tỏ ra yếu ớt, chúng ta học biết rằng chúng ta không có vàng không có bạc, nhưng chúng ta chỉ có thể cho đi điều mà chúng ta có, đó là Đức Giêsu Kitô (x. Cv 3,6). Người, chứ không phải cái gì khác, là lý do của niềm hy vọng chúng ta (x. 1Pr 2,15) mà chúng ta có thể cống hiến cho những ai yêu cầu.
____
[1] Về sự tiến triển trong suy tư thần học về hy vọng và cánh chung của J.Ratzinger x. S. Del Cura, “Spe Salvi y la escatología cristiana” en: S. Madrigal (ed.), El pensamiento de Joseph Ratzinger. Teólogo y papa, San Pablo-Universidad Pontificia de Comillas, 149-193 (151-154); T. Rowland, “Variations on the Theme of Christian Hope in the Work of Joseph Ratzinger-Benedikt XVI”, Communio (ấn bản tiếng Anh) 35 (2008) 200-220 (200-201); F. Schumacher, “Creo en la resurrección de los muertos. El fin de los tiempos en la teología de Joseph Ratzinger”, en: F. Meier-Hamidi–f. Schumacher (ed.), El teólogo Joseph Ratzinger, Herder, Barcelona 2007, 125-169 (127-132).
[2] Thông điệp Spe salvi không được phân chia thành “phần” hoặc “chương” (khác với các thông điệp Deus caritas est và Lumen fidei), mà chỉ có các “đoạn” kèm với các số. Ở Mục lục, chúng ta thấy các tiêu đề đặt cho các đoạn như sau: Dẫn nhập (1). Tin là hy vọng (2-3). Quan niệm về hy vọng dựa trên niềm tin trong Tân ước và trong Giáo Hội sơ khai (4-9). Đời sống vĩnh cửu là gì? (10-12). Phải chăng hy vọng Kitô giáo chỉ mang tính cách cá nhân? (13-15). Sự chuyển biến của niềm hy vọng Kitô giáo vào thời cận đại (16-23). Dung mạo đích thực của hy vọng Kitô giáo (24-31). Những chốn học hỏi và thực tập hy vọng: I. Cầu nguyện như là trường hy vọng (32-34). II. Hoạt động và đau khổ như là những chốn học hỏi hy vọng (35-40). Cuộc phán xét như là chốn học hỏi và thực tập hy vọng (41-48). Đức Maria, ngôi sao hy vọng (49-50).
[3] x. Volk und Haus Gottes in Augustinus Lehre von der Kirche, München 1954, Sankt Ottilien 1997. “So­bre la esperanza,” Communio 6 (1984/4), 325-336.
[4] Justinus, 1 Apologia 12.17 ; Tatianus, Oratio 4 ; Theophilus, Ad Autólicum, I, 11 ; III, 14.27.
[5] Tertullianus, De virginibus velandis I, 1.
[6] Deus caritas est, số 12.
[7] Diễn từ trước Đại Hội lần IV của Giáo hội Italia (19-10-2006).
[8] x. Caritas in Veritate 55.
[9] Caritas in veritate 1.
[10] x. Jesús de Nazaret I: Desde el Bautismo a la Transfiguración, Madrid 2007, 76-77.181-182. 211.228.
[11] x. Ibid., 361.
[12] Ibid., 136.
[13] J. Neusner, A Rabbi talks with Jesús. An Intermillenial Interfaith Exchange, NewYork 1993, 96 in: Jesús de Nazaret I, 135.
[14] Jesús de Nazaret I, 69-70.
[15] “Omnem novitatem attulit semetipsum afferens”: Ireneus, Adversus Haereses IV, 34,1.
[16] Caminos de Jesucristo, 15-32; Jesús de Nazaret I, 23-30. X. G. del Pozo Abejón, “Contemplar el rostro de Dios en el rostro de Cristo: la teología existencial de Joseph Ratzinger,” Revista Española de Teología 69 (2009) 547-583.
[17] x. “Sobre el concepto de persona en la Teología,” in: Palabra en la Igle­sia, Salamanca 1976, 165-180; El Dios de Jesucristo. Meditaciones, Salamanca 2005, 13-25; Fe, verdady tolerancia, 15-39
[18] Caminos de Jesucristo, 32. x. SS 43: “Thiên Chúa tự trao cho mình một hình ảnh.”
[19] “La Trinità fonte, modello e traguardo della Chiesa,” Ho Theológos 18 (2000) 134-147 (139). Đức Kitô là “Môsê mới”, x. Caminos de Jesucristo, 26-28; Jesús de Nazaret I, 23-30.
[20] x. Grêgôriô Nazianz, Poemi dogmátici 5 (Về sự quan phòng), câu 53-69: PG 37, 428-429.
[21] El Dios de Jesucristo, 23. Tư tưởng được lặp lại trong bài thuyết trình “La Trinità fonte, modello e traguardo della Chiesa,” 139.
[22] Chú thích của người dịch. Thông điệp SS (số 2 và 4) phân biệt giữa “informative” (thông tin) và “performative” (diễn đạt). Trong ngôn ngữ Tây phương cả hai từ đều có chung một gốc và chỉ khác nhau ở tiếp đầu ngữ “in” và “per”. Từ thứ nhất (informative) mang tính cách lý thuyết, từ thứ hai (performative) nói đến tác động thực hành.
[23] Diễn từ tại một hội nghị do Hội đồng “Cor unum” tổ chức (23-1-2006).
[24] x. T. Alexopoulos, "Die Paradoxie als Ausdrucksmittel tiefgründiger theologis­cher Gedanken bei Gregor von Nyssa," VigChr 60 (2006) 431-446; Idem, "Paradoxe Formulierungen bei Dionysios Areopagites mit speziellem Bezug auf Gregor von Nys­sa," VigChr 62 (2008) 43-78; T.A.Noble, "Paradox in Gregory Nazianzen's doctrine of the Trinity," en: E.A. Livingstone (ed.), Studia Patristica 27, Leuven 1993, 94-99.
[25] H. De Lubac, Paradojas y nuevas paradojas, PPC, Madrid 1997, 6.65. Tên của de Lubac được trưng dẫn hai lần trong thông điệp Spe Salvati, số 13-14.
[26] J. Ratzinger, Werte in Zeiten des Umbruchs. Die Herausforderungen der Zukunft bestehen, Herder, Freiburg im Breisgau 2005, 74.
[27] Caritas in Veritate 29. X. SS 22, về tính cách hàm hồ của tiến bộ.
[28] Trưng dẫn H. de Lubac, Catholicisme. Aspects sociaux du dogme, Paris 1983, VII (xuất bản lần đầu tiên năm 1937).
[29] Deus caritas est, 10.
[30] Augustinus, In I Iohannis IV, 6 (PL 35, 2008s) trích dẫn ở SS 33.
[31] Jesús de Nazaret I, 99
[32] H. urs von Balthasar, Eschatologie, in: J. Feiner-J. Trütsch-F. Böckle (ed.), Fragen der Theologie heute, Einsiedeln 1958, 407-408.
[33] x. SS số 2 (Một tấm bia ngoại giáo), số 6 (những bức tranh trên ngôi mộ cổ), số 41 (những bức hoạ vẽ cảnh phán xét).
[34] x. SS 3-5 (Bakhita), 32 và 34 (Nguyễn Văn Thuận), 37 (Lê Bảo Tịnh). Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận là tác giả cuốn Đường Hy vọng, và đã chọn đề tài Những chứng nhân hy vọng để giảng tĩnh tâm cho giáo triều Rôma năm 2000. Thánh Lê Bảo Tịnh được trích từ bài đọc Kinh Sách ngày 24 tháng 11 [ND].