Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 62 - THÁNG 11/2013

CHỦ ĐỀ : ĐỨC TIN VÀ TÍN NGƯỠNG

Phát hành 24/11/2013, kết thúc Năm Đức Tin

LỜI GIỚI THIỆU


Nhân dịp Năm Đức tin, Thời sự thần học đã dành bốn số để trình bày những khía cạnh khác nhau của đức tin, đặc biệt nhân kỷ niệm ban hành những văn kiện của Toà thánh: “Năm Đức tin” (số 58 – Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo). “Thông truyền đức tin” (số 59 – Bộ giáo luật). “Đức tin và những vấn đề xã hội” (số 60 – Thông điệp Pacem in terris). “Đức tin và luân lý” (số 61 – Thông điệp Veritatis splendor). Chủ đề của số này là “Đức tin và tín ngưỡng” được phát hành vào dịp bế mạc Năm đức tin (24/11/2013). Có nhiều cách tiếp cận đề tài “Đức tin và tín ngưỡng”.

Lời giới thiệu PDF
1. Một luồng thần học Tin lành (đại biểu nơi Karl Barth) đối chọi giữa đức tin và tín ngưỡng (faith and religion), dựa theo sự đối chọi giữa đức tin và việc làm mà thánh Phaolô đề cập trong thư Rôma. Theo họ, “tín ngưỡng” (tôn giáo) tượng trưng cho nỗ lực của con người đi tìm sự cứu độ dựa trên những việc làm, thay vì đón nhận hồng ân bằng “đức tin”. Đức tin được xem như cái tinh ròng của Kitô giáo, còn tín ngưỡng là chung cho các tôn giáo. Vì thế Kitô giáo là đức tin chứ không phải là tôn giáo. Nên biết là trong bản dịch Kinh Thánh Vulgata, từ “religio” chỉ xuất hiện ba lần với ba nghĩa khác nhau (Cv 26,5; Cl 2,18; Gc 1,25-27). 

2. Thần học luân lý của trường phái Tôma cũng phân biệt giữa “đức tin” (fides: Summa Theologica II-II, q.1-16) là một nhân đức đối thần, và “tín ngưỡng” (religio: Summa Theologica II-II, q.81-99) là một nhân đức luân lý, quen dịch là nhân đức thờ phượng. Fides nhằm đến chính Thiên Chúa, còn religio là những hành vi diễn tả lòng tôn kính phụng sự Ngài. Sự phân biệt giữa hai nhân đức vẫn còn được duy trì trong Sách Hội thánh Công giáo: fides (đức tin, số 2087) thì khác với religio (đức thờ phượng số 2095) tuy cùng thuộc về điều răn thứ nhất.

3. Ngược lại, trong những khoa tôn giáo đối chiếu, các từ ngữ faith, belief, religion thường được dùng như đồng nghĩa để ám chỉ các tín ngưỡng hoặc tôn giáo, chẳng hạn như interfaith dialogue hoặc interreligious dialogue. Trong ngôn ngữ thần học ở Việt Nam, “đức tin” thường được dành cho nhân đức siêu nhiên, khác với “lòng tin, niềm tin” là một tâm tình tự nhiên; tuy vậy cả hai cùng chung một gốc “tin” (hoặc tín theo tiếng Hán). 

Trong số báo này, chúng tôi chỉ giới hạn vào một góc cạnh. Sau khi đã bàn về đức tin Kitô giáo (xem bài “Đức tin trong thần học”, số 58), chúng ta thử tìm hiểu: “Tin” có ý nghĩa gì nơi các tôn giáo khác?

1. Ba bài khảo cứu của Nhóm Nghiên cứu Đông phương thuộc Học viện Đa Minh tìm biểu quan niệm “tin” trong ba tôn giáo cổ điển châu Á:

– Lê Đức Thiện, Một số điểm căn bản trong niềm tin Ấn giáo cho thấy sự tiến triển về tin trải qua ba giai đoạn của tôn giáo này.

– Nguyễn Hải Đăng, Tin trong quan niệm giải thoát của Phật giáo cũng nêu bật sự tiến triển về “tin”, đặc biệt liên quan đến thân thế của Đức Phật: từ chỗ lắng nghe một vị thầy, đến chỗ quy y Tam Bảo, và niệm Phật của Tịnh độ tông (tín – nguyện – trì).

– Trần ngọc Thiện, Tin trong tư tưởng Nho giáo phân tích ba chiều kích khác nhau của chữ Tín: trong tương quan với bản thân, trong tương quan với mọi người, trong tương quan với Siêu việt.

Chúng ta nhận thấy những điểm nhấn khác nhau về Tin trong ba tôn giáo này cũng như sự tiến triển trong mỗi tôn giáo. 

2. Trong bài Thần học các tôn giáo dưới lăng kính của Công đồng Vaticanô II, linh mục Nguyễn Tiến Dưng trình bày những cái nhìn của thần học Công giáo về các tôn giáo trong thế kỷ XX.

3. Đối lại với “tin/tín ngưỡng” là “không tin/vô tín ngưỡng”. Tuy nhiên, bài thuyết trình “Giáo hội với những người vô thần, vô tín ngưỡng” của Linh mục Phan Tấn Thành tại Trung tâm Học vấn Đa Minh ngày 13/4/2013 đã lưu ý sự khác biệt ý nghĩa giữa “vô thần” và “vô tín ngưỡng”, hoặc nói đúng hơn, tính cách đa dạng của hai hiện tượng này.

4. Hai bài viết cuối cùng mang tính “thời sự”. 

– Năm nay kỷ niệm 25 năm phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam. Niên trưởng các linh mục Việt Nam là thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, O.P. Ngài được gán là tác giả tập sách “Hội đồng tứ giáo”. Bài viết của Nhóm Vinh sơn Liêm phân tích nội dung tác phẩm, và những vấn đề được đặt ra liên quan đến tác giả và phương pháp biên soạn. Nên coi tác phẩm như là một tài liệu huấn giáo hơn là một cuộc tranh luận lịch sử.

– Năm Đức tin được bắt đầu với kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng Vaticanô II (11/10/1962) và kết thúc vào dịp kỷ niệm 450 năm bế mạc công đồng Trentô (4/12/1563), hai công đồng quan trọng vào thời cận đại, đánh dấu những khúc ngoặt trong lịch sử Giáo hội. Trong bối cảnh ấy, Bình Hoà sẽ ôn lại “Các công đồng trong lịch sử Giáo hội”.

Đề tài “tín ngưỡng” sẽ còn được bàn trong những số tới, chẳng hạn: các giáo phái, các tôn giáo mới, tín ngưỡng dân gian, mê tín. Các chủ đề của những số Thời sự Thần học sẽ xuất bản tiếp theo trong Niên khoá 2013-14 :
– Số 63 (tháng 02/2013) : Thần học đại kết 
– Số 64 (tháng 05/2013) : Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân 
– Số 65 (tháng 08/2013) : Giáo hội học và Thánh mẫu học

Nhân đây, chúng tôi xin được nhắc lại các số Thời sự Thần học đã xuất bản liên quan đến chủ đề các tôn giáo và các bài viết cũng đã được đăng lại trên http://www.tsthdm.blogspot.com :
– Số 13 (tháng 09/1998) – Thần học về các Tôn giáo. 
– Số 21 (tháng 09/2000) – Đối thoại Liên tôn. 
– Số 35 (tháng 03/2004) – Những nẻo đường Tâm linh Châu Á.

Thân kính,
TTHVĐM

NỘI DUNG
177