Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

CÁC MÔ HÌNH GIÁO HỘI Á CHÂU

Thời sự Thần học, số 54 - tháng 11/2011, tr. 159-186

Peter N.V. Hai


Bài này khảo sát khuôn mẫu của các mô hình Giáo hội học được Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) đề nghị như một cách thức hiện diện mới mẻ cho Giáo hội tại Á Châu. Nó cũng khảo cứu những nền tảng thần học và những nét đặc trưng đáng lưu ý của Giáo hội học của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, và đưa ra lượng định về những điểm mạnh cũng như các giới hạn của nó.

Nguồn: “Models of the Asian Church”. Australian ejournal of Theology 18.1 (April 2011). Tác giả là một chuyên viên nghiên cứu của Đại học Công giáo Úc châu. Nguyễn Hoàng Vinh dịch.
Nếu nhiều người xem Vatican II như một công đồng của Giáo hội hoàn vũ, dành cho Giáo hội và bàn về Giáo hội, thì các tuyên ngôn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) là một trong những văn bản chính thức của Giáo hội địa phương dành cho Giáo hội tại Á Châu và nói về Giáo hội tại Á Châu.[1] Thực ra, ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên diễn ra vào năm 1970, các Giám mục miền Á Châu đã đưa ra nhiều tuyên ngôn nói về những khía cạnh đa dạng của Giáo hội Á Châu. Năm 1982, các ngài dành ra trọn Hội Nghị Khoáng Đại lần III để suy tư về chủ đề: “Giáo hội – Một cộng đoàn đức tin ở Á Châu”.[2] Tuy nhiên, vì hợp với chiều hướng thiên về truyền giáo và sứ vụ, các ngài đã không phát triển một Giáo hội học hệ thống. Những giải thích về Giáo hội học của các ngài được soạn tác cách chung để chỉ về những thách đố cụ thể mà Giáo hội tại Á Châu đang phải đối mặt. Trong phần đầu tiên của bài này, bắt đầu bằng bản tóm lược tuyên ngôn của Hội nghị Khoáng Đại lần III, chúng tôi sẽ truy lại sự phát triển của Giáo hội học của FABC, nêu bật sự liên tục căn bản và sự tiến triển từng bước. Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục với một nghiên cứu về nền tảng thần học và đặc trưng của nền thần học về Giáo hội này, và kết luận với lượng định về các điểm mạnh cũng như hạn chế của nó.

Tiến triển của khoa Giáo hội học của FABC


Tuyên ngôn của hội nghị khoáng đại lần III bao gồm bản văn chính, với năm phần: “Nghị quyết của Hội nghị” và “Bản liệt kê những Quan tâm”. Bản văn tập trung vào Giáo hội “như một cộng đoàn thể hiện sự hiệp thông và sứ vụ ngay trong bản tính và sự sống của mình, và trong tương quan với những cộng đoàn khác”.[3] Mục tiêu là nhằm phát triển một sự hiểu biết sâu hơn nữa về mầu nhiệm của Giáo hội từ viễn cảnh Ba Ngôi, và áp dụng vào mức độ địa phương và cộng đoàn. Mục tiêu mục vụ của nó là “làm cho các cộng đoàn địa phương ngày càng trở nên những cộng đoàn đức tin đích thực hơn”.[4] Phần 1 của bản văn nhìn lướt qua những hoạt động của FABC và những thành quả đạt được từ năm 1972 đến 1982. Trong phần 2, các Giám mục Á Châu giải thích căn tính, ơn gọi và sứ vụ của Giáo hội dưới đề mục “một cộng đoàn đức tin ở Á Châu”. Trong phần 3, các ngài thảo luận về “những điều bất cập và sai sót” của các Giáo hội tại Á Châu. Tiếp sau đó là phần 4 tích cực hơn, trong đó các Giám mục chỉ ra sự hiện diện của Thánh Thần và các dấu chỉ hy vọng trong các cộng đoàn của chúng ta ở Á Châu. Cuối cùng, phần 5 bàn sâu những viễn tượng và những ưu tiên mục vụ.

Tiêu đề của tuyên ngôn này thật ý nghĩa. Nó nói tới một “cộng đoàn” “đức tin” “ở Á Châu”. Nó nhấn mạnh đến một Giáo hội địa phương cụ thể, hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương khác, và được đâm rễ trong những thực tại cụ thể, hiện sinh và lịch sử của bối cảnh lục địa Á Châu. Cộng đoàn này được kết hợp bằng đức tin, “là thực tại tiên khởi và được chia sẻ mà nhờ đó Giáo hội hiện hữu”.[5] Với kiểu giải thích này, FABC tỏ ra đã đón nhận lối hiểu cổ truyền của Tân Ước về ekklesia như là một cộng đoàn địa phương – theo lối nhìn của Phaolô – hơn là nói đến Giáo hội như là một Giáo hội hoàn vũ.[6] FABC cũng trung thành với ý niệm thời giáo phụ về Giáo hội như hiệp thông,[7] một ý niệm phong phú mà Thượng hội đồng Giám mục năm 1985 đưa ra như khung sườn của Giáo hội theo Vatican II.[8]

Sau Hội nghị khoáng đại lần III, FABC dần dần lưu tâm đến việc cổ võ một lối hiện diện mới mẻ của Giáo hội tại Á Châu, được diễn tả qua bốn trọng tâm về Giáo hội: Giáo hội như hiệp-thông-trong-sứ-vụ,[9] như cộng đoàn của đối thoại và liên đới,[10] như cộng đoàn các môn đệ,[11] và như những cộng đoàn Giáo hội cơ bản.[12] Những lối hiểu về Giáo hội như thế này không phá hủy hay làm thuyên giảm, nhưng làm sáng tỏ và bổ túc cho định nghĩa ban đầu về giáo hội như một cộng đoàn đức tin ở Á Châu bằng cách liên hệ và sắp xếp lại thực tại về giáo hội với cảm nghiệm đức tin và những nhu cầu mục vụ và truyền giáo của các Kitô hữu Á Châu. Tất cả những lối hiểu như thế về Giáo hội tại Á Châu sẽ được thâu tóm trong một mô hình cấu trúc (Số 1) để làm nổi bật sự hỗ tương của chúng. Nó bao gồm ba vòng tròn đồng tâm nhấn mạnh các mô hình Giáo hội Á Châu của FABC. Vòng tròn đầu tiên, cái nằm trong cùng, nhấn mạnh trọng tâm của cái nhìn của FABC về ơn gọi của Giáo hội như một cộng đoàn đức tin ở Á Châu. Trong tất cả văn bản của FABC, không có một định nghĩa về Giáo hội nào mang tính nền tảng căn bản như định nghĩa này; chính cộng đoàn đức tin tại Á Châu này mà tất cả mọi hình ảnh về Giáo hội được nói đến, và cũng chính cộng đoàn đức tin này phân biệt Giáo hội với tất cả những cộng đồng khác trong lục địa Á Châu này.

Vòng tròn thứ ba, vòng tròn ngoài cùng, tóm kết cái nhìn của các Giám mục Á Châu về sứ vụ của Giáo hội. Đối với các ngài, rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ hàng đầu và ưu tiên đối với Giáo hội[13] với mục đích của mình là xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa.[14] Sứ vụ của Giáo hội nhắm đến thế giới,[15] và hình thức của nó là “cuộc đối thoại bằng cuộc sống với ba chiều” với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người nghèo.[16] Vòng tròn thứ hai, vòng tròn ở giữa nhấn mạnh đến bốn mô hình Giáo hội mà FABC dần dần hình thành từ năm 1982. Những mô hình Giáo hội này, nảy ra từ những ý tưởng căn bản đã hiện hữu trong hoặc trước Hội nghị khoáng đại lần III, thì không tách biệt với nhau nhưng trình bày những khía cạnh khác nhau về ơn gọi và sứ vụ của Giáo hội mà FABC nhấn mạnh nhằm đáp lại những nhu cầu và hoàn cảnh trong các Giáo hội Á Châu. Chúng được phát triển từ cái nhìn nguyên thủy và nền tảng về bản chất Giáo hội như được trình bày ở vòng tròn trong cùng, và viễn cảnh về sứ vụ của Giáo hội như biểu thị của vòng tròn ngoài cùng. Các mũi tên ở dải ngoài cùng không nhằm biểu thị bất kỳ một mối tương quan nhân quả nào giữa bốn khía cạnh này, nhưng nhằm nhấn mạnh tính năng động và tương tác lẫn nhau giữa các mô hình Giáo hội (trong dải giữa) và những khía cạnh chính của sứ vụ của các Giáo hội Á Châu (dải ngoài cùng)

Ơn gọi và Sứ vụ của Giáo hội Á Châu: Một Cấu trúc Giáo hội học

Với việc định nghĩa Giáo hội như một cộng đoàn đức tin ở Á Châu, các Giám mục Á Châu đã khéo léo kết hợp một cấu trúc thần học và một phạm trù xã hội để diễn tả những chiều kích ngang và dọc, nhân loại và thánh thiêng của Giáo hội. Tuy nhiên, các ngài cương quyết đi xa hơn, và phát triển những hình ảnh và ẩn dụ khác về Giáo hội để đáp lại những đòi hỏi mục vụ của những nơi chốn và thời gian đặc thù. Chúng tôi nhận thấy rằng bằng cách đề xuất những mô hình giáo hội này, hay là những cách thức mới thể hiện Giáo hội, FABC đã dùng phương pháp tiếp cận loại suy hơn là loại trừ. Chúng tôi cũng thấy rằng phương pháp tiếp cận này, trước hết mang đặc tính thần học bối cảnh, nhất quán, và trung thành với cái nhìn mục vụ của Vatican II,[17] tuy nhiên xem ra tiến hành theo một phương hướng ngược chiều với Avery Dulles; tác giả này khởi đi với một khám phá sự phong phú của thực tại Giáo hội dưới năm mô hình, và kế đó ông phát triển một mô hình toàn diện về giáo hội như một cộng đoàn các môn đệ.[18] Lợi thế rõ ràng của phương pháp giáo-hội-học của các Giám mục Á Châu, cũng tương tự như giáo-hội-học Tân Ước,[19] là cung cấp một sự chung sống linh hoạt giữa những viễn cảnh khác nhau về Giáo hội, và cũng tránh được sự căng thẳng do những viện dẫn giáo huấn của các ngài một cách đáng ngờ vực để biện hộ cho những mô hình xung khắc của Giáo hội tại Á Châu.[20] Nó cũng nhắc nhở các Kitô hữu Á Châu rằng không một hình ảnh đơn lẻ nào có thể hoàn toàn diễn tả được thực tại phong phú của Giáo hội, và tất cả mọi khuôn mẫu cũng chỉ là những ẩn dụ nghèo nàn cố gắng phản chiếu mầu nhiệm Giáo hội. Đối với FABC, Giáo hội ở Á Châu có một nền tảng chắc chắn về Kitô học, Thần khí luận và Ba Ngôi.

Các nền tảng thần học về Giáo hội của FABC


Các thần học gia hiện đại có xu hướng phát triển nền Giáo hội học của mình từ một trong ba viễn cảnh: Chúa Kitô, Thánh Linh, hoặc Ba Ngôi. Trong công trình đột phá về sứ vụ, Kenan Osborne chủ trương một hướng đi theo Kitô học, tiên đoán rằng “Kitô học đang không ngừng phát triển như hiện nay sẽ được nhìn như nền tảng và nòng cốt của Giáo hội học”.[21] Ngược lại, J.M.R. Tillard phát triển Giáo hội học của mình dựa trên ý niệm của hiệp thông, và chú trọng rất nhiều đến vai trò hướng dẫn của Thánh Linh trong Giáo hội. Theo tác giả, “cấu trúc của Giáo hội chỉ được biện minh bằng sự liên hệ và phục vụ cho hoạt động của Thánh Linh, cho dù đó là vấn đề bí tích, tác vụ hoặc giáo luật”.[22] Tập trung vào hai cực của niềm tin Kitô giáo, “tin vào duy Một Chúa Ba Ngôi và tin vào sự nhập thể của Ngôi Hai,” George Tavard nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Ba Ngôi trong lối hiểu về Giáo hội.[23] Ở đây, Tavard lặp lại quan điểm của Hans Kung nhấn mạnh đến ba ẩn dụ về Giáo hội như “dân của Thiên Chúa, thân thể của Chúa Kitô, và tác phẩm của Thánh Linh”.[24] Trong mục này, chúng tôi sẽ chứng tỏ rằng Giáo hội học của FABC mang trọn cả ba chiều kích Kitô học, Thần khí luận và Ba Ngôi.

Thực ra, trong những tuyên ngôn của FABC, người ta có thể phân biệt những đoạn thiên về Chúa Kitô, với những đoạn thiên về Thánh Linh và Ba Ngôi. Chẳng hạn như văn bản được Ủy Ban Cố Vấn Thần Học của FABC phát hành về “Giáo hội hiện diện ở Á Châu” mang điểm nhấn và cung điệu rõ rệt hướng Đức Kitô. Nó nhấn mạnh rằng bối cảnh của Á Châu đòi hỏi một ý thức sâu hơn về ý nghĩa của Giáo hội như là một mối thông hiệp của các dây thông hiệp, và đòi hỏi một cách thức hiện diện mới mẻ của Giáo hội ngõ hầu có thể trình bày một gương mặt mới của Đức Giêsu cho xã hội Á Châu.[25] Hơn nữa, các Giám mục còn củng cố nền tảng Kitô học của cái nhìn về Giáo hội bằng cách khích lệ các thần học gia Á Châu hãy phát triển một Kitô học mang chiều kích vũ trụ hướng tới sự hài hòa. Một nền Kitô học như thế sẽ làm nảy sinh ra một Giáo hội học vũ trụ vượt lên trên cơ cấu, “hầu hiểu rằng bản chất của Giáo hội mang tính cách phân tán, mở rộng đến toàn thể vũ hoàn và hiện diện trong và cho vũ hoàn”.[26]

Tuy vậy, mặc dù đặt nền sâu trên Kitô học, nhưng Giáo hội học của FABC vẫn duy trì chiều kích Thánh Linh hợp với giáo huấn của Vatican II về Giáo hội như một cộng đoàn của những tín hữu được tràn đầy Thần Khí sống động.[27] Dựa theo công đồng, Giáo hội học theo hướng ấy đã phát biểu một vài nguyên tắc. Trước hết, Thần Khí là nguyên uỷ đời sống của Giáo hội.[28] Thứ hai, Thần Khí giúp Giáo hội diễn giải và đánh giá các dấu chỉ thời đại ở Á Châu dưới ánh sáng Tin Mừng.[29] Thứ ba, nền Giáo hội học này được xem rất quan trọng và thích hợp bối cảnh Á Châu với giáo huấn của Vatican II về những yếu tố của Giáo hội hiện hữu bên ngoài biên giới hữu hình của Giáo hội Công giáo.[30] Thứ tư, Giáo hội không chỉ thuần tuý sống nhờ vào cơ cấu phẩm trật nhưng còn nhờ vào vô vàn những đặc ân và tác vụ mà Thần Khí ban tặng vì ích chung và để xây dựng Giáo hội.[31] Thứ năm, tất cả các thành viên của Giáo hội được xức dầu bởi Thần khí, nghĩa là họ được mời gọi để trở thành chứng nhân tiên báo về vương quốc của Thiên Chúa, với Thánh Thần như là tác nhân chính yếu của sứ vụ.[32] Thứ sáu, hiệp thông trọn vẹn trong Giáo hội đòi hỏi phải hiệp thông trong Thần khí.[33] Sau cùng, theo FABC, Thần khí “dường như thúc đẩy Giáo hội cách mạnh mẽ hướng về những cộng đoàn cơ bản.”[34] Và bất cứ nơi đâu con người quy tụ lại để xây dựng cộng đoàn nhân loại dựa trên tình yêu và công lý, thì ở đó có Thánh Thần hiện diện.[35]

Một thoáng nhìn về những văn bản của FABC cho thấy rằng chiều kích Thánh Linh là một yếu tố thiết yếu và sinh động của Giáo hội học của FABC. Nhưng trong quá trình khảo luận về Thánh Linh, nó không ngừng khẳng định rằng sứ vụ của Thánh Linh không thể tách biệt khỏi sứ vụ của Chúa Cha và Chúa Con: Thánh Linh liên kết các Kitô hữu nên một bằng cách sát nhập họ vào một thân thể của Đức Kitô và đưa dẫn họ vào vương quốc Thiên Chúa.[36] Giáo hội, theo như FABC, là một đoàn dân được hợp nhất với sự kết hợp của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần.[37] Tự bản chất, Giáo hội là “một sự thông hiệp phát khởi từ Ba Ngôi”.[38] FABC khẳng định sứ vụ của Giáo hội là “missio Dei”[39], là chính sứ vụ của Ba Ngôi.

Chúng ta thấy, nền tảng Kitô và Thánh linh của Giáo hội học của FABC trên đây mang nặng tính chất hội nhập, bằng cách luôn quy chiếu về Tin Mừng và nhấn mạnh đến bối cảnh xã hội,[40] được nhập chung với việc đọc các dấu chỉ thời đại được phân định như là những tác động và thúc đẩy của Thánh Thần. Chiều kích Ba Ngôi, mặt khác, làm nổi bật khía cạnh tương quan bằng cách nhấn mạnh đến chủ đề về Giáo hội như cộng đoàn tín hữu được đâm rễ từ trong mối tương giao tuyệt hảo của Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Đặc điểm bối cảnh và tương quan này lại đưa ra một khung sườn để hiểu biết những đặc tính chính yếu của Giáo hội học của FABC, như sẽ được bàn tới trong phần tiếp theo.

Những đặc trưng của Giáo hội học của FABC

Đặc trưng đầu tiên của Giáo hội học của FABC là phương pháp “từ dưới lên” và “từ bên trong”, bao gồm việc phân tích các thực trạng của Á Châu từ bên trong, một suy tư về niềm tin, và một kế hoạch hành động. Phương pháp này phản ánh việc quay về với kinh nghiệm con người và một sự tín nhiệm vào việc phân tích của xã hội học đang khi vẫn nhận biết Thiên Chúa hiện diện và tác động bên trong sự thăng tiến lịch sử và xã hội. Nó có ba yếu tố hòa quyện vào nhau, đó là xã hội học, Kitô học và Thánh Linh học. Nó khởi đi từ những cảm nghiệm đức tin của cộng đoàn địa phương, và khơi nguồn từ ý thức nhạy bén của FABC về những thách đố của các xã hội Á Châu. Nó đặt trên một nền Kitô học không tách rời khỏi cứu độ luận, một chủ đề củng cố tuyên ngôn của Phiên họp Khoáng Đại thứ IV nhấn mạnh vai trò của Giáo hội như một gia bộc và công cụ của cuộc giải phóng Á Châu.[41]

Vì thế, nó cũng có thể được gọi là một Giáo hội học giải phóng, nghĩa là mang tính bối cảnh và lịch sử.[42] Nó gắn chặt nơi một nền Thánh linh học cũng phát triển từ dưới lên, một nỗ lực thần học mà FABC hy vọng sẽ “không phải là một phần tách biệt của thần học, nhưng là một nắm men sẽ làm dậy lên tất cả những thần học hiện nay tại Á Châu”.[43] Thần học, như bản tuyên ngôn xác quyết, phải phục vụ cuộc sống,[44] và trở thành “một phần của tiến trình trưởng thành và hiện diện của Giáo hội tại Á Châu”.[45] Đó không chỉ đơn thuần là một đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, nhưng là một “đức tin tìm kiếm sự sống, tình yêu, công lý và tự do”.[46] Tiến trình của nó là “từ bên dưới của lịch sử, từ viễn cảnh của những ai đấu tranh vì sự sống, tình yêu, công lý và tự do”.[47] Giáo hội học đi từ dưới và đi bên trong chủ yếu sẽ nhấn mạnh đến sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương được thực hiện nơi các cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Dĩ nhiên, việc nhấn mạnh nhiều lần những cộng đoàn Giáo hội cơ bản hay cộng đoàn Kitô giáo cơ bản là đặc điểm thứ hai đáng lưu ý của Giáo hội học FABC.[48] Trong những cộng đoàn này, các phần tử được tình yêu thúc đẩy và nhìn sự vật dưới viễn tượng của người nghèo. Việc nghiên cứu Lời Chúa và áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống thường nhật đóng vai trò trọng tâm trong những cộng đoàn này, những cộng đoàn thường dấn thân vào các hoạt động xã hội và chính trị. Tiến trình mục vụ của các cộng đoàn Giáo hội cơ bản được Tổng giám mục Orlando Quevedo, Philippines, giải thích rằng những cộng đoàn cơ bản này nói chung xử dụng phương pháp phân định “xoắn ốc”, phân tích hoàn cảnh được tiếp nối với suy tư trong ánh sáng đức tin, quyết định và lên kế hoạch thực thi.[49] Tiến trình này kết thúc với hành động và lượng định, và bắt đầu lại mỗi khi xuất hiện một hoàn cảnh khác. Trong những cộng đoàn này, các giáo dân được trao quyền lãnh đạo và các giáo sĩ giữ vai trò nâng đỡ. Các cộng đoàn này, đặc biệt là các cộng đoàn nhân bản cơ bản xuất phát từ đó, lớn lên bằng cách kiến tạo các mối tương quan qua đối thoại xuyên văn hóa và liên tôn, và bằng cách đến với tha nhân để tận tụy phục vụ. Qua các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, là một hình ảnh hiện đại của cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy như được phác họa trong Công vụ Tông đồ,[50] FABC nhìn ra một cách hiện hữu mới của Giáo hội,[51] đó là “một sự hiệp thông của các cộng đoàn Giáo hội tham dự vào sứ vụ và tác vụ của Đức Giêsu.”[52] Sự cộng sinh của hiệp thông và sứ vụ, được giải thích như hai cùng đích của Giáo hội, là nét thứ ba của Giáo hội học FABC.

Cho đến nay, các thần học gia thường khai triển hiệp thông và sứ vụ như là hai khuôn mẫu Giáo hội học riêng biệt tuy vẫn tương tác lẫn nhau mà qua đó có thể hiểu được Giáo hội.[53] Cũng như Yves Congar, Jerome Hamer là một trong những thần học gia Công giáo tiên khởi đề nghị sự hiệp thông như một mô hình thần học để hiểu biết Giáo hội.[54] Ngài mô tả sự hiệp thông như là “hình thái thường xuyên của sự duy nhất Giáo hội”.[55] Rất nhiều nhà Giáo hội học Công giáo khác cũng đã theo bước ngài để điều nghiên về chủ đề này. Sáng giá nhất trong đoàn quân đó là Dennis Doyle và Jean-Marie Tillard.[56] Tuy nhiên, sự thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho sự nhấn mạnh Giáo hội hiệp thông có lẽ từ một số văn kiện chính thức, bao gồm báo cáo tổng kết của Thượng hội đồng Giám mục 1985, khẳng định rằng “Giáo hội học về hiệp thông là ý tưởng cốt lõi và nền tảng của các văn kiện của Công Đồng”,[57] bức thư của Bộ Giáo lý và Đức tin,[58] tuyên ngôn của Ủy ban Quốc tế đối thoại giữa Công giáo – Anh giáo chung lần thứ II,[59] và tuyên bố chung của Uỷ hội quốc tế đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Hiệp hội Tin lành Thế giới.[60] Các văn phẩm viết về khía cạnh sứ vụ của Giáo hội thì khá dồi dào. Một trong những nhân vật điển hình là đức Gioan Phaolô II, người đã tuyên bố rằng “Giáo hội tự bản chất là truyền giáo”.[61] Chúng tôi ghi nhận rằng trong tất cả những khảo luận về Giáo hội , và có lẽ còn nhiều hơn nữa trong những văn bản của FABC, khái niệm hiệp thông có xu hướng nêu bật khía cạnh “bản tính” còn sứ vụ nhấn mạnh “mục đích” của Giáo hội.

Với việc đặt ra thuật ngữ “hiệp-thông-trong-sứ-vụ” các Giám mục Á Châu đã chọn một lối tiếp cận “cả hai/cùng” hơn là “hoặc/hoặc”, nhấn mạnh cả hiệp thông và sứ vụ như các chiều kích nền tảng của Giáo hội. Làm như vậy, các ngài không chỉ phản ảnh được giáo huấn của Công Đồng Vatican II mà còn dung hợp giáo huấn của Đức Thánh Cha Phaolô VI và Thượng hội đồng Giám mục 1985.[62] Thượng hội đồng này tạo nên một sự kết nối mặc nhiên giữa hai quan niệm về hiệp thông và sứ vụ bằng cách khẳng định “Giáo hội hiệp thông là một bí tích để cứu độ thế giới.”[63] Các giám mục Á Châu không nhìn sứ vụ như mục đích duy nhất của Giáo hội. Các ngài cũng không trình bày sự hiệp thông như có liên quan đến sứ vụ hay ngược lại. Nhưng thực ra, các ngài xem cả hiệp thông và sứ vụ đều là một “lý do hiện hữu” (raison d’etre) của Giáo hội. Lợi thế của lối nhìn này là nó tránh được những điểm yếu mà Louis J. Luzbetak đã vạch ra nơi mô hình “Giáo hội như một cộng đoàn”, chẳng hạn như Giáo hội đó “có thể dẫn người ta đến chỗ quá co cụm trong nội bộ mà không quan tâm đủ đến thế giới bên ngoài cộng đoàn Giáo hội”, hay “quên mất Vương Quốc mà vì đó mà Giáo hội hiện hữu”, hay “quên rằng Giáo hội là sứ vụ”.[64] Cặp đôi ý niệm về hiệp thông và sứ vụ cũng gắn chặt với nét thứ bốn của Giáo hội học FABC, đó là tính bí tích và hướng đến vương quốc Thiên Chúa.

Đối với các Giám mục Á Châu, “Giáo hội ở mức độ sâu nhất của mình là một sự hiệp thông được bám rễ trong cuộc sống Chúa Ba Ngôi”, và là bí tích của “tình yêu tự trao ban của Thiên Chúa và của nhân loại được cứu độ đáp trả nhờ ân sủng trong đức tin, hy vọng và tình yêu”.[65] Các ngài cũng nhấn mạnh rằng Giáo hội địa phương phải nỗ lực trở nên một bí tích của sự hợp nhất và hài hòa muôn người, vì Giáo hội là dấu chỉ và công cụ của sự giao hoà trong Chúa Kitô nhờ sự hiện diện và hành động của Thánh Thần.[66] Như “bí tích của sứ điệp của Thiên Chúa trong thế giới”,[67] Giáo hội “không ngừng tiến về phía trước trong sứ vụ, khi đồng hành với toàn thể nhân loại trên đường lữ hành về với Vương Quốc của Chúa Cha”.[68]

Trong Giáo hội học FABC, ý niệm vương quốc Thiên Chúa là một thực tại súc tích với bốn tư tưởng trổi vượt. Thứ nhất, có một cái nhìn cánh chung trong đó vương quốc Thiên Chúa được nhìn như vượt trên lịch sử.[69] Thứ hai, vương quốc Thiên Chúa được hiểu như là thực tại bao gồm vừa đã đến rồi vừa chưa đến.[70] Thứ ba, có một cái nhìn ngôn sứ coi vương quốc Thiên Chúa như những quy chuẩn cho luân lýcá nhân và chính trị.[71] Sau cùng, các Giám mục Á Châu nói về Giáo hội như là nữ tỳ khiêm hạ của vương quốc, và nhấn mạnh rằng Giáo hội cần phải thực hành sứ mạng truyền giáo, bởi vì Đức Giêsu đã dành cả đời mình cho vương quốc Thiên Chúa.[72] Bằng cách lặp đi lặp lại rằng Giáo hội hiện hữu vì vương quốc Thiên Chúa, các ngài đã cổ võ, theo như Peter Phan Văn Cho, “một Giáo hội học khác, làm thay đổi trung tâm của Giáo hội, theo nghĩa là đặt trung tâm của đời sống và phụng tự Kitô giáo không phải là Giáo Hội mà là vương quốc Thiên Chúa”.[73] Thực ra, đối với FABC, Giáo hội tại Á Châu được mời gọi để sống trung thành với Tin Mừng và dấn thấn vào những công cuộc của ba cuộc đối thoại là một sự đóng góp cho nền văn mình tình thương, một phác thảo về lối nhìn về vương quốc Thiên Chúa trên mặt đất này. Trong chiều hướng này, Giáo hội học FABC đụng chạm đến đời sống Kitô giáo trong nơi thâm sâu nhất của tinh thần cũng như trong thực tế thường ngày, vì cách thức tiếp cận của nó chủ yếu khởi đi từ dưới lên và từ trong ra, được biểu thị bằng sự nhấn mạnh Giáo hội địa phương và những cộng đoàn Giáo hội cơ bản, một sự cộng sinh của hiệp thông và sứ vụ như thể cứu cánh của Giáo hội, và nhấn mạnh đến chiều kích bí tích và vương quốc Thiên Chúa. Bây giờ chúng ta sẽ xét đến những điểm mạnh cũng như những hạn chế của Giáo hội học phong phú này.

Những điểm mạnh và những hạn chế của Giáo hội học FABC


Cũng giống như toàn bộ nền thần học của mình, Giáo hội học FABC được phát triển từ những hoàn cảnh lịch sử, hiện sinh và cụ thể của Á Châu, một châu lục nghèo đói và bị xâu xé bởi chiến tranh và nỗi thống khổ, và quê hương của nhiều nền văn hóa và tôn giáo cổ kính. Giáo hội học mang tính bối cảnh: điều này có thể thấy được nơi sự trung thành với giáo huấn của Vatican II và việc diễn tả chính yếu về Giáo hội như một cộng đoàn đức tin ở Á Châu. Đặc tính bối cảnh cũng có thể được thấy rõ trong mô hình Giáo hội như là hiệp thông-trong-sứ vụ, sự kết hợp đầy sáng tạo giữa đối thoại và liên đới, và suy tư sâu sắc về việc làm môn đệ như mẫu thức mới mẻ để hiểu về Giáo hội, được thể hiện trong những cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Tất cả những danh hiệu này của Giáo hội đều mang tính bối cảnh theo nghĩa là chúng không chỉ đơn thuần diễn tả “bản chất nội tại” của Giáo hội nhưng quan trọng hơn nữa chính là diễn tả sứ vụ “nhiệm cục”, không chỉ diễn tả Giáo hội là gì, nhưng còn Giáo hội là ai và là gì trong bối cảnh Á Châu.

Điểm mạnh khác của Giáo hội học FABC là việc nhấn mạnh đặc tính tương quan của Giáo hội, mà mức độ sâu xa nhất là sự hiệp thông được đặt nền trong đời sống của Ba Ngôi. Nền tảng Ba Ngôi này cung cấp một khung sườn rộng rãi cho việc kết hợp hiệp thông chiều dọc với Chúa Ba Ngôi và hiệp thông chiều ngang với hai khía cạnh: ad intra (đối nội) giữa các Kitô hữu với nhau và ad extra (đối ngoại xuất) với nhân loại. Nền tảng tương quan Ba Ngôi của Giáo hội gắn chặt sự nối kết giữa hiệp thông và sứ vụ. Giáo hội chu toàn sứ vụ của mình trong mức độ mà mình thực sự là một sự hiệp thông, bởi vì sứ vụ của Giáo hội trước hết và trên hết là sứ vụ của Ba Ngôi. Trong một Giáo hội học mang tính bối cảnh và tương quan, Giáo hội không chỉ là một cộng đoàn đức tin, nhưng cũng là một cộng đoàn của niềm tin, hy vọng và yêu thương ở Á Châu,[74] bởi vì nó cắm rễ căn bản trên mầu nhiệm của Đức Kitô, Thánh Linh và Ba Ngôi.

Trong khi đặc tính bối cảnh và tương quan chứng tỏ cho thấy tầm quan trọng và hữu ích đối với các nhu cầu của Giáo hội tại Á Châu, chúng tôi xét thấy rằng Giáo hội học của FABC vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thần học. Khó khăn trước hết liên quan đến “mối liên hệ giữa cách chúng ta hiểu về bản chất của Thiên Chúa và cách chúng ta hiểu về bản chất của Giáo hội”.[75] Theo Peter Fisher, chúng ta ghi nhận rằng FABC có vẻ như nhấn mạnh rằng hiệp thông “thâu tóm đặc điểm mà Chúa ban cho Giáo hội, đang khi mà, trong thực tế, nó chỉ có thể tượng trưng một vài khía cạnh của đặc điểm đó”, bằng cách ngụ ý “rằng chúng ta đã nhận biết Thiên Chúa, ba-trong-một, theo kiểu mà chúng ta không thực sự nắm bắt được” và bằng cách rút ra “những kết luận về Giáo hội mà có thể không chắc có thể suy diễn từ những xác quyết hay niềm tin về Ba Ngôi”.[76]

Hai là, cũng như Vatican II, các Giám mục Á Châu nhấn mạnh sự quan trọng của Giáo hội như thực tại vừa địa phương vừa hoàn vũ. Đối với Lumen Gentium, bốn yếu tố cấu tạo nên Giáo hội địa phương: sự hiện diện của Thánh Thần [các số 4,12], việc loan báoTin Mừng [số 5], cử hành Bí tích [số 7], và thừa tác vụ tông đồ của một Giám mục [số 8,20].[77] Trưng dẫn những yếu tố tương tự, các giám mục Á Châu tuyên bố rằng giáo phận và giáo xứ là những cộng đoàn đức tin thực sự (genuine), và những cộng đoàn Giáo hội cơ bản là cách hiện diện mới mẻ của Giáo hội tại Á Châu.[78] Tuy nhiên, có những điểm mập mờ trong tuyên ngôn của các ngài trong mối liên hệ giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Cho đến nay, giới lãnh đạo và thần học gia của Giáo hội dựa vào cụm từ “trong và từ đó” trong Lumen Gentium số 23 để tranh luận xem Giáo hội địa phương hoặc Giáo hội hoàn vũ hiện hữu trước. Đơn cử, trong lá thư nói về “Một vài khía cạnh của Giáo hội được hiểu như sự hiệp thông”, Bộ Giáo lý Đức Tin khẳng định rằng Giáo hội hoàn vũ là “một thực tại xét về hữu thể và thời gian có trước mỗi Giáo hội đặc thù địa phương”.[79] Ngược lại, Walter Kasper lập luận rằng Giáo hội địa phương có trước.[80] Đối với FABC, Giáo hội là một sự hiệp thông trong các hiệp thông, và câu hỏi then chốt không phải là Giáo hội nào - địa phương hay hoàn vũ – có trước, nhưng là làm thế nào để cho tính phổ quát của Giáo hội được cảm nghiệm và được diễn tả ở mức độ địa phương của một quốc gia, một giáo phận, giáo xứ, các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, và gia đình được hiểu như một Giáo hội thu nhỏ, Giáo hội tại gia.[81]

Thứ ba, Giáo hội học FABC có thể được thêm phong phú nhờ sự khám phá sâu hơn khía cạnh nội tại của thần học Ba Ngôi. Đến nay, cách thức tiếp cận của các Giám mục về vấn đề Ba Ngôi dường như nặng về lịch sử ơn cứu độ, trình bày “sức sống” của hiệp thông như một thực tại loại suy có hai chiều kích ngang và dọc với Ba Ngôi và giữa các Kitô hữu. Đối với các ngài, Giáo hội là “cộng đoàn của những ai được phục hồi lại vào trong sự hiệp thông và tương giao (koinonia) với nhau, đó là một sự hiệp thông và tương giao với Chúa Cha, với Con của Người là Đức Giêsu trong Thánh Thần”.[82] Các ngài thích dùng biểu tượng Ba Ngôi vì biểu tượng có thể giúp hiểu được các điểm đạo lý thần học và tạo điều kiện thuận lợi cho các tương quan liên tôn.[83] Tuy nhiên, các ngài quá ít quan tâm đến khía cạnh nội tại của Ba Ngôi. Phan Đình Cho nhận xét rằng “FABC không mấy thiết tha với những bàn luận triết học và thậm chí ngay cả thần học về Thiên Chúa”, nhưng các Giám mục tập trung vào Ba Ngôi cứu độ”, về “những hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới và tương quan của Thiên Chúa với chúng ta trong lịch sử, tức là về những gì Thiên Chúa Cha đã làm cho chúng ta và thế giới trong Quý Tử Giêsu bởi quyền năng Thánh Thần.”[84]
   
Sau cùng, không như đức Gioan Phaolô II, người đã tuyên bố rằng “nếu không nhìn lên Mẹ Thiên Chúa, thì không thể nào hiểu được mầu nhiệm Giáo hội, thực tại và sức sống thiết yếu của Giáo hội”,[85] FABC hầu như quên bẵng chiều kích liên quan đến đức Maria, ngoại trừ việc lặp lại lời nguyện xin đức Maria cầu thay nguyện giúp,[86] hoặc vài khẳng định ngắn gọn về Thánh Mẫu học và lòng sùng kính đức Maria.[87] Giáo hội học của các ngài cũng tương phản với Joseph Ratzinger, người coi rằng việc hiểu biết dưới chiều hướng Đức Maria như “sự tái lập quân bình cho quan niệm về Giáo hội thuần túy cơ cấu và bàn giấy”.[88] Với Ratzinger, “chỉ khi nào trở nên Maria thì chúng ta mới trở nên Giáo hội”.[89]

Kết luận


Bài viết này đã khảo sát những cách thức mà FABC diễn giải về Giáo hội, nhằm làm cho bản chất và sứ mệnh của Giáo hội được dễ hiểu hơn, cho việc rao giảng thêm tín lực hơn, và cho sứ vụ loan báo Tin Mừng ảnh hưởng hơn đến xã hội.. Đối với các giám mục Á Châu, đức tin là yếu tố cấu thành nên Giáo hội, và Giáo hội được định nghĩa trước hết như một cộng đoàn đức tin ở Á Châu. Ở mức độ sâu nhất của nó, Giáo hội là một sự hiệp-thông-trong-sứ vụ, cắm rễ trong đời sống của Ba Ngôi, bao gồm toàn bộ cộng đoàn địa phương, nhập thể trong một dân tộc, một nền văn hóa nhất định, một nơi chốn cụ thể, vào một thời gian đặc thù. Mầu nhiệm của Giáo hội địa phương được thể hiện trong giáo phận, giáo xứ, những cộng đoàn Giáo hội cơ bản, và trong các gia đình Kitô hữu. Ưu tiên cao nhất của sứ vụ của Giáo hội là loan báo Tin Mừng, nhằm xây dựng Vương quốc Thiên Chúa. Sứ vụ này được hướng tới thế giới, và được diễn tả theo bối cảnh qua ba cuộc đối thoai ba chiều với các tôn giáo, các nền văn hóa và người nghèo ở Á Châu.

Từ định nghĩa đầu tiên về Giáo hội như cộng đoàn đức tin ở Á Châu, các giám mục đã đào sâu hơn ơn gọi và sứ vụ của Giáo hội trong bối cảnh Á Châu. Đối với các ngài, Giáo hội cũng là một cộng đoàn môn đệ, một sự hiệp-thông-trong-sứ-vụ, một cộng động đối thoại và liên đới, và những cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Những cách diễn tả Giáo hội ấy là cái nhìn của các ngài về cách thức hiện diện mới mẻ của Giáo hội tại Á Châu. Tất cả các lối diễn tả này cho thấy vừa có sự liên tục căn bản và vừa có một phát triển tiệm tiến trong Giáo hội học FABC, về cơ bản mang các chiều hướng Kitô học, Thánh Linh học và Ba Ngôi. Thần học về Giáo hội này mang vài nét nổi bật chẳng hạn như phương pháp từ bên dưới và từ bên trong, sự nhấn mạnh đến những cộng đoàn Giáo hội cơ bản, sự kết hợp của hiệp thông và sứ vụ như là cứu cánh toàn diện của Giáo hội, và cuối cùng là sự nhấn mạnh đến các chiều kích bí tích và hướng về vương quốc Thiên Chúa. Những yếu tố này, vừa trung thành với truyền thống vừa hữu hiệu trong bối cảnh Á Châu, thật đáng trân trọng, tuy nhiên Giáo hội học FABC có thể còn được đào sâu thêm bằng cách làm sáng tỏ sự nối kết giữa sự hiệp thông của Thiên Chúa và sự hiệp thông của Giáo hội. Nó cũng có thể được bổ khuyết nhờ sự trao đổi rộng hơn về mối tương quan giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ, một bàn luận đầy đủ hơn về thần học Ba ngôi nội tại, và một khám phá sâu đậm về chiều kích Thánh mẫu học của Giáo hội.
 __________________ 

[1] Tất cả những tài liệu quan trọng của FABC từ năm 1970 đến 2006 đã được phát hành trong bốn tập: For All the Peoples of Asia: Federation of Asian Bishops' Conferences, Documents from 1970 to 1991, vol. 1, ed. G.B. Rosales and C.G. Arevalo (Quezon City: Claretian Publications, 1992]; For All the Peoples of Asia: Federation of Asian Bishops' Conference, Documents from 1992 to 1996, vol. 2, ed. Franz-Josef Eilers (Quezon City: Claretian Publications, 1997]; For All the Peoples of Asia: Federation of Asian Bishops' Conferences, Documents from 1997 to 2001, vol. 3, ed. Franz-Josef Eilers (Quezon City: Claretian Publications, 2002]; For All the Peoples of Asia: FABC Documents from 2002 to 2006, vol. 4, ed. Franz-Josef Eilers (Manila: Claretian Publications, 2007]. Những tập này sẽ được trích dẫn là: FAPA Vol. 1, FAPA Vol. 2, FAPA Vol. 3, and FAPA Vol. 4, với bảy phiên họp khoáng đại của FABC được trích dẫn là FABC I, II, III, IV, V, VI, và VII. Các ủy ban và viện nghiên cứu của FABC được viết tắt như sau: Office of Evangelization (OE], Office of Ecumenical & Interreligious Affairs (OEIA], Office of Human Development (OHD], Office of Laity (OL], Office of Social Communication (OSC], Theological Advisory Commission (TAC], về sau được đổi tên là Office of Theological Concerns (OTC], Asian Movement for Christian Unity (AMCU], Bishops' Institute for Lay Apostolate (BILA], Bishops' Institute for Missionary Apostolate (BIMA], Bishops' Institute for Interreligious Affairs (BIRA], and Bishops' Institute for Social Action (BISA].
  
[2] FABC III, FAPA Vol. 1, 49-65.

[3] FABC III, art. 5, FAPA Vol. 1, 55. 

[4] FABC III, art. 14, FAPA Vol. 1, 60. 

[5] Yves Congar, "The Conciliar Structure or Regime of the Church," Concilium 167 [September 1983]: 3-9, at 4. 

[6] Phân tích sự xuất hiện của thuật ngữ ekklesia ở 17 trong số 27 quyển sách Tân Ước, Raymond F. Collins kết luận rằng ekklesia được dùng với hai nghĩa: nghĩa đầu tiên được sử dụng cổ hơn nói về cộng đoàn địa phương, nghĩa thứ hai, được sử dụng sau này, ám chỉ Giáo hội toàn cầu. Xc. "Did Jesus Found The Church? Which Church?" Louvain Studies 21, no. 4 [1996]: 356-64, at 357, 359, 363.

[7] J.-M.R. Tillard khẳng định rằng bản chất của Giáo hội, theo Truyền thống ban đầu, được tóm kết trong sự hiệp thông, koinonia." X. Church of Churches: The Ecclesiology of Communion, R.C. De Peaux dịch [Collegeville, Minn.: The Liturgical Press, 1992], 29.

[8] Thượng Hội Đồng Giám Mục, "The Final Report of the 1985 Extraordinary Synod of Bishops." Origins 15, no. 27 [19 December 1985]: 444-50

[9] OE, "Consultation on Evangelization and Communication," art. 4, FAPA Vol. 3, 210; OE, "Consultation on Asian Local Churches and Mission Ad Gentes: A New Way of Being Church-in-Mission in Asia," arts. 8-9, FAPA Vol. 3, 222; OE, "Consultation on 'Evangelization and Inculturation," FAPA Vol. 3, 216-7.

[10] BIRA IV/12, art. 48, FAPA Vol. 1, 332; OEIA, "Consultation on Christian Presence among Muslims in Asia," art. 4, FAPA Vol. 1, 166; OESC, "Dialogue between Faith and Cultures in Asia: Towards Integral Human and Social Development," art. 25, FAPA Vol. 2, 25; BIMA 1, art. 11, FAPA Vol. 1, 94; BISA I, art. 2, FAPA Vol. 1, 199; BISA V, arts. 6, 12-14, FAPA Vol. 1, 218-9; BISA VI, arts. 3, 8-9, FAPA Vol. 1, 223, 225; BISA VII, arts. 20-21, FAPA Vol. 1, 233; FABC V, arts. 2.3.3-2.3.4, FAPA Vol. 1, 278; FABC VI, arts. 3, 14.2, 15, FAPA Vol. 2, 2, 8, 10; FABC VII, arts. I.A.8, III, FAPA Vol.3, 4, 8.

[11] FABC VI, arts. 14, 52, FAPA Vol. 2, 1-12, 226.

[12] OHD, "Walking Humbly, Acting Justly, Loving Tenderly in Asia," art. 7, FAPA Vol. 2, 44; OL, "Second Southeast Asian Regional Laity Meeting," art. 8, FAPA Vol. 3, 90; OTC, "The Spirit at Work in Asia Today," art. 2.3.10, FAPA Vol.3, 277.

[13] FABC I, arts. 8, 25, FAPA Vol. 1, 13, 16; FABC III, art. 17.3, FAPA Vol. 1, 60; FABC V, art. 3, FAPA Vol. 1, 279­81; FABC VII, art. III, FAPA Vol. 3, 8; BIMA IV, art. 7, FAPA Vol. 1, 292.

[14] FABC IV, art. 4.4.4, FAPA Vol. 1, 193; FABC V, arts. 1.7, 2.3.9, 4.1, FAPA Vol. 1, 275, 279, 282; BIRA IV/2, arts. 8.1-8.2, FAPA Vol. 1, 252; BILA III, art. 12.2, FAPA Vol. 1, 245.

[15] FABC III, art. 17.1, FAPA Vol. 1, 60; FABC V, art. 3, FAPA Vol. 1, 279-81; FABC VII, art. III, FAPA Vol. 3, 8; BILA III, art. 13.4, FAPA Vol. 1, 245.

[16] FABC I, arts. 12-24, FAPA Vol. 1, 14-6; FABC III, art. 17.1, 17.4, FAPA Vol. 1, 60-1; FABC V, arts. 4.1-4.2, FAPA Vol. 1, 282; FABC VI, arts. 3, 15, FAPA Vol. 2, 2, 10; FABC VII, art. I.A.8, III, FAPA Vol. 3, 4, 8.

[17] Đối với Joseph A. Komonchak, "sở dĩ có nhiều hình ảnh [về Giáo Hội] là do Công đồng đã muốn diễn tả bằng ngôn ngữ mang màu sắc Kinh thánh, giáo phụ và phụng tự " ["The Significance of Vatican II for Ecclesiology," in The Gift of the Church: A Textbook on Ecclesiology in Honour of Patrick Granfield, ed. Peter C. Phan [Collegeville, Minn.: The Liturgical Press, 2000], 69-92, at 76].

[18] Lúc đầu Avery Dulles phát hiện năm mô hình Giáo hội, như là cơ chế, hiệp thông huyền nhiệm, bí tích, loan truyền, và tôi tớ. See Models of the Church [Dublin: Gill and Macmillan, 1976]. Về sau, theo sự hướng dẫn của thông điệp Redemptor hominis no. 21, của đức Gioan Phaolô II, ông sửa đổi và kết hợp các hình ảnh Giáo hội này vào trong một mô hình mới về Giáo hội như cộng đoàn các người môn đệ. X. Avery Dulles, A Church to Believe In: Discipleship and the Dynamics of Freedom [New York: Crossroad: 1982], 7-14, 18.

[19] Theo T. Howland Sanks, "ngay trong Tân Ước chúng ta gặp thấy nhiều hình ảnh và nhiều lối hiểu về Giáo hội, nhưng đồng thời, chúng ta thấy rằng sự đa dạng được duy trì trong mối hiệp thông, koinonia, giữa các giáo hội. Ngay từ hồi đó chúng ta đã gặp sự duy nhất và đa nguyên trong Giáo hội học." [See Salt, Leaven, and Light: The Community Called Church [New York: Crossroad, 1992], 51]. Ông cũng ghi nhận rằng, theo Paul Minear, có hơn 80 "hình ảnh và biểu tượng nói về cộng đoàn trong Tân Ước." Ibid., 44

[20] FABC nhận ra rằng "trong Giáo hội, có những mâu thuẫn giữa các ý niệm và mô hình Giáo hội." See BILA V, FAPA Vol. 2, 78.

[21] Kenan B. Osborne, Ministry: Lay Ministry in the Roman Catholic Church: Its History and Theology (New York: Paulist Press, 1993], 603-07.

[22] J.-M.R Tillard, Church of Churches: The Ecclesiology of Communion (Collegeville, Minn.: The Liturgical Press, 1992], 29, 32, 52-3.

[23] George H. Tavard, The Church, Community of Salvation: An Ecumenical Ecclesiology (Collegeville, Minn.: The Liturgical Press, 1992], 244, 29-76.

[24] Hans Kung, The Church (London: Burns & Oates, 1967], vii-viii, 107-260.

[25] TAC, "Being Church in Asia: Journeying with the Spirit into Fuller Life," art. 24, FAPA Vol. 2, 221.

[26] TAC, "Asian Christian Perspectives on Harmony," art. 5.2.4, FAPA Vol. 3, 294.

[27] Lumen gentium no. 4 tóm tắt tác động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.

[28] FABC III, art. 15, FAPA Vol. 1, 60.

[29] OTC, "The Spirit at Work in Asia Today," arts. 4.2.2.7, 4.3.1.2, FAPA Vol. 3, 309, 311.

[30] FABC III, art. 8.2, FAPA Vol. 1, 57; BIRA II, art. 12, FAPA Vol. 1, 115; BIRA IV/2, art. 8.5, FAPA Vol. 1, 253; BIRA IV/3, arts. 2, 6, 12, FAPA Vol. 1, 258-60; BIRA IV/4, art. 2, FAPA Vol. 1, 300; BIRA IV/7, arts. 12-13, FAPA Vol. 1, 310; BIRA IV/12, art. 7, FAPA Vol. 1, 326; OTC, "The Spirit at Work in Asia Today," art. 3.10.2.4, FAPA Vol. 3, 299.

[31] FABC, Asian Colloquium on Ministries in the Church [hereafter ACMC], art. 31, FAPA Vol. 1, 73; BIRA IV/3, art. 9, FAPA Vol. 1, 260; OTC, "The Spirit at Work in Asia Today," arts. 4.2.1.1, 4.3.1.2, 4.3.2.1, 5.6, 5.7, FAPA Vol. 3, 306, 311, 314, and 323-4 respectively.

[32] OE, "Asian-Born Missionary Societies of Apostolic Life [AMSAL]," art. 2.d, FAPA Vol. 3, 206.

[33] ACMC, art. 23, FAPA Vol. 1, 72; FABC III, art. 7.2, FAPA Vol. 1, 56.

[34] OTC, "The Spirit at Work in Asia Today," art. 4.3.2, FAPA Vol. 3, 313.

[35] BIRA IV/3, art. 13, FAPA Vol. 1, 260.

[36] FABC III, arts. 7.2, 15, FAPA Vol. 1, 56, 60; BIRA IV/3, arts. 10-1, 13, FAPA Vol. 1, 260.

[37] FABC III, art. 6, FAPA Vol. 1, 55.

[38] OSC, "Communication Challenges in Asia," FAPA Vol. 2, 185-6; OSC, "Church and Public Relations," FAPA Vol. 3, 185.

[39] OE, "Consultation on Asian Local Churches and Mission Ad Gentes: A New Way of Being Church-in-Mission in Asia," art. 5, FAPA Vol. 3, 222.

[40] Đối với FABC, lời khẳng định "bối cảnh xác định sứ vụ của Giáo hội," là một nguyên tắc quan trọng của đường lối mới để xây dựng Giáo hội. X. OESC, "A Renewed Catechesis for Asia: Towards the Year 2000 and Beyond," FAPA Vol. 2, 31.

[41] FABC IV, art. 4.1.1, 4.1.3, FAPA Vol. 1, 191.

[42] Camil Menard khẳng định rằng Giáo hội Châu Mỹ Latin là "contextuelle et historique." X. "L'ecclesiologie des theologiens de la liberation: Contexte general and analyse de quelques questions ecclesiologiques discutees par Leonardo Boff," Eglise et Theologie 19 [1988]: 349.

[43] BIRA IV/3, art. 7, FAPA Vol. 1, 259; OTC, "The Spirit at Work in Asia Today," art. 4.2.2.1, FAPA Vol. 3, 307.

[44] TAC, "Asian Christian Perspectives on Harmony," art. 1.1, FAPA Vol. 3, 232.

[45] TAC, "Being Church in Asia: Journeying with the Spirit into Fuller Life," art. 49, FAPA Vol. 2, 226.

[46] Ibid., art. 48, FAPA Vol. 2, 226.

[47] Ibid.

[48] FAPA Vol. 1, 249, FAPA Vol. 3, 433.

[49] Orlando B. Quevedo, "Seeds of the Kingdom," The Tablet (30 May 1998]: 696.

[50] German Martinez, "An Ecclesiology of Peace," Theology Digest 38, no. 3 (Fall 1991]: 238

[51] OHD, "Colloquium on Church in the 21st Century," art. III, 13, FAPA Vol. 3, 36; OHD, "Walking Humbly, Acting Justly, Loving Tenderly in Asia," art. 7, FAPA Vol. 2, 44.

[52] OE, "Consultation on Evangelization and Communication: Orientations and Recommendations," art. 1, FAPA Vol. 3, 209.

[53] See The Jurist 36 (Winter and Spring 1976], and The Jurist 39 (Winter and Spring 1979].

[54] Yves Congar, Ministeres et communion ecclesiale (Paris: Les Editions du Cerf, 1970]; Diversity and Communion (London: SCM Press, 1984].

[55] Jerome Hamer, The Church is a Communion (London: G. Chapman, 1964], 209.

[56] Dennis M. Doyle, Communion Ecclesiology: Vision and Versions (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2000; J.-M.R Tillard, Churches of Churches: The Ecclesiology of Communion, translated by R.C. De Peaux (Collegeville, Minn.: The Liturgical Press, 1992].

[57] THĐGM, "The Final Report of the 1985 Extraordinary Synod of Bishops," art. II.C.1, Origins 15, no. 27 (19 December 1985]: 448.

[58] Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố rằng ý niệm về hiệp thông là "rất thích hợp cho việc diễn tả cốt lõi của mầu nhiệm Giáo hội và có thể là một chìa khóa canh tân Giáo hội Công giáo." X. "Letter to the Bishops of the Catholic Church Understood as Communion," Origins 15, no. 27 (19 December 1985]: 108.

[59] Anglican-Roman Catholic International Commission, "The Church as Communion: Agreed Statement of by the Second Anglican-Roman Catholic International Commission," Origins 20, no. 44 (11 April 1991]: 719-27.

[60] International Consultation between the Catholic Church and the World Evangelical Alliance, "Church, Evangelization and the Bonds of 'Koinonia'," Origins 33, no. 19 [16 October 2003]: 310-20.

[61] John Paul II, "Redemptoris Missio," art. 62, Origins 20, no. 34 [31 January 1991]: 559.

[62] Vatican II, "Ad Gentes. Degree on the Church's Missionary Activity," in Vatican Council II: Vol. 1: The Conciliar and Post Conciliar Documents, edited by Austin Flannery, new. rev. ed., [Northport, N.Y.: Costello Publishing Co., 1996], 813-56; Paul VI, "Evangelii Nuntiandi," ibid., 427-32.

[63] Synod of Bishops, "The Final Report of the 1985 Extraordinary Synod of Bishops," art. II.D.1, Origins 15, no. 27 [19 December 1985]: 449.

[64] Louis J. Luzbetak, The Church and Cultures: New Perspectives in Missiological Anthropology, American Society of Missiology Series, no. 12 [Maryknoll, New York: Orbis Books, 1988], 377.

[65] FABC III, arts. 7.1, 15, FAPA Vol. 1, 56, 60.

[66] X. FABC III, arts. 3.6, 7.2, 7.4, 7.9, 13, FAPA Vol. 1, 55-6, 59.

[67] BIRA II, art. 11, FAPA Vol. 1, 115.

[68] FABC III, art. 15, FAPA Vol. 1, 60.

[69] OE, "Consultation on Evangelization and Communication: Orientations and Recommendations," art. 4, FAPA Vol. 3, 210; OTC, "The Spirit at Work in Asia Today," arts. 4.2.2.7, 5.1, FAPA Vol. 3, 309, 318 respectively.

[70] BIRA IV/2, arts. 8.1-8.2, FAPA Vol. 1, 252.

[71] TAC, "Being Church in Asia: Journeying with the Spirit into Fuller Life," art. 45, FAPA Vol. 2, 225.

[72] Ibid., art. 44, FAPA Vol. 2, 225.

[73] Peter C. Phan, Being Religious Interreligiously: Asian Perspectives on Interfaith Dialogue (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2004], 237. 

[74] FABC III, arts. 7.1, 15, FAPA Vol. 1, 56, 60.

[75] Peter Fisher, "Koinonia and Conflict," Theology 104 [November-December 2001]: 420-8, at 422.

[76] Ibid. 422-3.

[77] Bốn yếu tố này được đề cập trong sắc lệnh Christus Dominus, no. 11. Các thần học gia người Pháp thường viết tắt những yếu tố này bằng bốn chữ E: "Esprit," "évangile," "eucharistie," và "évêque."

[78] FABC V, art. 3.3.2, FAPA Vol. 1, 281; ACMC, arts. 38-40, FAPA Vol. 1, 75-6; OTC, "The Spirit at Work in Asia Today," art. 4.3.2, FAPA Vol.3, 312-3.

[79] Bộ Giáo lý Đức tin. "Letter to the Bishops of the Catholic Church on Some Aspects of the Church Understood as Communion," no. 9, Origins 22, no. 7 [25 June 1992]: 108-12, at 109.

[80] Walter Kasper, "On the Church: A Friendly Reply to Cardinal Ratzinger," America [23-30 April 2001]: 8-14; Joseph Ratzinger, "The Local Church and Universal Church: A Response to Walter Kasper," America [19 November 2001]: 7-11.

[81] BIMA III, art. 6, FAPA Vol. 1, 104.

[82] TAC, "Asian Christian Perspectives on Harmony," arts. 3.3.3.1, 4.11, FAPA Vol. 3, 274-5, 285.

[83] OEIA, "Fourth Formation Institute for Inter-Religious Affairs (FIRA IV]," art. 14, FAPA Vol. 3, 2 285.

[84] Peter C. Phan, Being Religious Interreligiously: Asian Perspectives on Interfaith Dialogue (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2004], 121.
[85] See "Apostolic Letter Mulieris Dignitatem of the Supreme Pontiff John Paul II on the Dignity and Vocation of Women on the Occasion of the Marian Year [15 August 1988]," no. 22, http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_15081988_mulieris-dignitatem_en.html (accessed 17 December 2008].

[86] Chẳng hạn như, FABC III, art. 24, FAPA Vol. 1, 61; FABC IV, art. 5.4, FAPA Vol. 1, 198; FABC I, art. 33, FAPA Vol. 1, 25; FABC VII, Conclusion, FAPA Vol. 3, 16.

[87] OL, "BILA on Women II," art. 4.2.8, FAPA Vol. 3, 76; OTC, "The Spirit at Work in Asia Today," art. 4.3.3.1, FAPA Vol. 3, 315-6.

[88] Joseph Ratzinger, Church, Ecumenism and Politics: New Essays in Ecclesiology (Middlegreen, Slough, England: St Paul Publications, 1988], 20.

[89] Ibid.