Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

GIỚI TRẺ VIỆT NAM TRƯỚC XU THẾ TOÀN CẦU HOÁ

Thời sự Thần học - Số 46, Tháng 12 Năm 2006, tr. 93-106. 

_Ánh Điệp 👨 


Toàn cầu hoá là xu thế được nhắc đến như một vấn đề nổi trội của thời đại hôm nay. Tác động của xu thế này - tuỳ vào cách nhìn nhận của mỗi người – có thể là cơ hội cho người này, nhưng đồng thời cũng là thách đố cho người khác. Như vậy, toàn cầu hoá là “con dao hai lưỡi”. Nó có ảnh hưởng trải rộng trên mọi người, mọi quốc gia, mọi tổ chức, và về mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Đứng trước xu thế toàn cầu hoá, Việt Nam – với chủ trương kinh tế thị trường – cũng không nằm ngoài luồng ảnh hưởng của nó.
Trong bài viết này, đối tượng nhắm đến là giới trẻ Việt Nam. Bởi lẽ, giới trẻ - những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đổi mới - là đối tượng nhạy cảm trước những biến đổi nhanh chóng của đất nước và thế giới. Với những đặc điểm như trẻ tuổi, có năng lực sáng tạo, khả năng tiếp nhận cái mới nhanh và linh hoạt, thích nghi kịp thời với sự thay đổi liên tục của xã hội hiện đại, nên toàn cầu hoá đã tác động không nhỏ đến giới trẻ. Họ đón nhận được gì từ những cơ hội do toàn cầu hoá mang lại; đồng thời, họ gặp những thách đố nào trong khi hội nhập với xu thế này? Riêng với giới trẻ Công giáo, cũng chịu sự tác động của xu thế này như bao người trẻ khác, thì họ còn thể hiện đời sống Đạo của mình như thế nào trong thời toàn cầu hoá? Nhưng trước tiên, toàn cầu hoá là gì sẽ được trình bày như một vấn đề của thời đại.

I. Toàn cầu hoá – vấn đề của thời đại


1. Toàn cầu hoá là gì?


Ngày nay, thế giới được nhắc đến như một “ngôi làng” rộng lớn, nơi con người không còn cảm thấy xa lạ với mọi sự chung quanh. Điều này có được là nhờ vào sự nối kết toàn cầu trên nhiều lãnh vực của cuộc sống mà chúng ta quen gọi là toàn cầu hóa. Vậy toàn cầu hoá là gì? Khái niệm này phổ biến từ khi nào?

Khi nêu lên khái niệm này, do nhìn từ nhiều góc độ, nên có những câu trả lời khác nhau, tuỳ vào góc nhìn của mỗi tác giả. Một cách đơn giản, theo Anthony Giddens nêu lên thì : 
Toàn cầu hoá là sự tăng cường các mối tương quan xã hội ở tầm thế giới, có thể nối kết những địa điểm xa cách theo một cung cách mà những gì xảy ra ở địa phương thì cũng bị định hình bởi các biến cố xảy ra cách đó nhiều cây số và ngược lại”[1]. Có tác giả khác cho rằng, toàn cầu hoá là “một tiến trình tổng quát kết hợp không những kinh tế mà cả văn hóa, kỹ thuật và quản trị[2].
Nhìn từ góc độ kinh tế, QuỹTiền tệ Quốc tế quan niệm toàn cầu hóa là:
Việc tăng trưởng mối tương quan đồng phụ thuộc kinh tế giữa tất cả các nước trên thế giới. Việc tăng trưởng này không những do gia tăng số lượng và tính đa dạng trong trao đổi quốc tế về hàng hóa và dịch vụ, cũng như do dòng chảy vốn quốc tế, mà còn do sự phổ biến kỹ thuật nhanh chóng và rộng rãi[3].
Tuy nhiên, thế giới toàn cầu không chỉ đụng đến vấn đề kinh tế nhưng, như giáo sư Victor Ferkiss, thuộc đại học Georges Town, Washington CD, còn cho rằng :
Toàn cầu hoá là sự nối kết tất cả con người trên hành tinh này vào một hệ thống tương tác duy nhất những ràng buộc kinh tế và văn hoá, được hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ bởi điện toán và trên hết là Internet[4].
Dù không thống nhất về cách phát biểu, nhưng mọi người đều chấp nhận toàn cầu hoá khởi đi từ lãnh vực kinh tế, và “toàn cầu hoá kinh tế đang lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia và có tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực : kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, khoa học-công nghệ…”[5].

2. Nguồn gốc


Theo nghĩa nêu trên,
Toàn cầu hoá (Globalization) là khái niệm ra đời từ những năm 80 của thế kỷ XX, dùng để chỉ quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, ảnh hưởng, tác động và phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, làm biến đổi các quan hệ thế giới, từ đó nảy sinh những sự kiện mới”[6]. Tuy nhiên, tìm về nguồn gốc của quá trình này thì “toàn cầu hoá là bước phát triển mới về chất của quốc tế hoá, một khái niệm đã có từ trước đó”. Và, “nếu như trước đây, quốc tế hoá được chi phối và thúc đẩy bởi cuộc cách mạng công nghiệp; thì giờ đây, toàn cầu hoá là cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, với sự ra đời của một loạt ngành mới như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới… đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực khác[7].

Như vậy, toàn cầu hoá được biết như ngày nay đã trải qua hai giai đoạn : Giai đoạn một chịu sự chi phối và thúc đẩy của cuộc cách mạng công nghiệp; giai đoạn thứ hai chịu sự chi phối của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ. Đồng ý với quan điểm trên, nhà báo Thomas L. Friedman, trong tác phẩm Chiếc Lexus và Cây Ô Liu đã cho rằng : “Toàn cầu hoá lần đầu thu nhỏ thế giới từ cỡ ‘lớn’ thành cỡ ‘trung’, còn lần thứ hai thì thu nhỏ thế giới từ cỡ ‘trung’ thành cỡ ‘nhỏ”[8]. Cũng theo tác giả này, toàn cầu hoá lần đầu diễn ra trước Thế chiến thứ nhất ; còn kỷ nguyên toàn cầu hoá mới mà chúng ta đã chứng kiến và đang sống thì diễn ra từ khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989[9]. Tuy có nhiều điểm tương đồng giữa kỷ nguyên toàn cầu hoá trước đây và hiện nay, nhưng những dị biệt về mức độ, về tính chất, về kỹ thuật và về chính trị cũng lộ rõ. Chúng ta không có ý tìm hiểu chuyên sâu về vấn đề này, nhưng cũng đưa một ví dụ để dẫn chứng cho điều vừa nêu. Xét về mặt chính trị, “Kỷ nguyên toàn cầu hoá lần đầu do siêu cường Anh, đồng bảng Anh và Hải quân Anh thống trị. Kỷ nguyên toàn cầu hoá mới ngày nay do siêu cường Mỹ, văn hoá Mỹ, đôla Mỹ và Hải quân Mỹ thống trị”[10].

II. Ảnh hưởng của toàn cầu hoá – cơ hội và thách đố cho giới trẻ Việt Nam


Như đã nói, giới trẻ là thành phần chịu sự tác động mạnh mẽ nhất của xu thế toàn cầu hoá. Điều được - mất của người trẻ trong khi hội nhập vào thế giới toàn cầu đáng để mọi người quan tâm. Người trẻ – vốn linh hoạt, nhưng cũng dễ bốc đồng – rất cần được hướng dẫn để có thể đón nhận những cơ hội do toàn cầu hoá mang lại; nhưng đồng thời hoá giải được bao nhiêu có thể những thách đố của xu thế này là điều cần thực hiện. Những tác động của toàn cầu hoá thì đa dạng và ẩn chứa nhiều bất ngờ. Điều đó cho thấy, để nêu lên những ảnh hưởng của nó – dù tích cực hay tiêu cực – cũng không dễ dàng chút nào. Trong phần này, chỉ mong trình bày một số điểm mang tính cơ hội và thách đố, gắn liền với người trẻ Việt Nam trong khi hội nhập vào thế giới toàn cầu; trong đó có một phần trình bày về cung cách sống đạo của người trẻ Công giáo Việt Nam trong bối cảnh đất nước mở rộng giao lưu với thế giới bên ngoài.

1. Cơ hội mở ra với thế giới


Ngày 7/11/2006, Việt Nam được chính thức kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới, gọi tắt là WTO[11]. Xét về mặt kinh tế, đây là thời điểm chính thức để Việt Nam bước vào “ngôi làng” thế giới. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc gia nhập WTO của Việt Nam – một hình thức rõ nét biểu hiện tính toàn cầu hoá – thì “thế hệ trẻ Việt Nam sẽ được lợi nhất. Họ sẽ có sự lựa chọn rộng lớn hơn không chỉ trong tiêu dùng mà trước hết là trong học tập, tìm kiếm việc làm, tiếp cận với thông tin toàn cầu, với khoa học công nghệ. Họ có điều kiện phát huy mạnh mẽ hơn tính sáng tạo, và các cản trở, các loại ràng buộc lớn nhỏ đối với họ sẽ giảm rất nhiều với những thế hệ trước đây”[12].

Thật vậy, sống trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, mà như tờ The Economist nhận xét là “được xây dựng nhờ vào giá viễn thông ngày càng giảm, nhờ bộ vi xử lý, vệ tinh, cáp quang và Internet. Công nghệ thông tin mới này đã kết nối thế giới càng chặt chẽ hơn”[13], thì có thể coi đây là yếu tố quan trọng giúp người trẻ tiếp cận với thế giới bên ngoài. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc sử dụng hệ thống Internet để truy cập những thông tin cần thiết trong học tập, trong kinh doanh và những tương quan khác nữa. Quả nhiên, trong điều kiện không phải ai cũng có thể đi du học, để tiếp cận với các nền văn minh lớn, những nền khoa học – kỹ thuật hiện đại, thì việc nối kết với bên ngoài nhờ vào mạng Internet là cách thế rất tốt giúp những người trẻ yêu thích học hỏi và nghiên cứu. Họ không cần đi nước ngoài, nhưng vẫn có thể tiếp cận được với những gì họ muốn khám phá. Đây là cách học từ xa, hoặc tự học để nâng cao kiến thức cho bản thân, giúp người trẻ tự tin hơn khi hội nhập với thế giới. Yếu tố này cũng đúng với các bạn trẻ đã tham gia vào lãnh vực kinh doanh. Họ có thể giao dịch, cũng như điều chỉnh yêu cầu với đối tác bằng hệ thống mạng mà không phải di chuyển. Họ ngồi tại chỗ, trao đổi trực tuyến, và chắc chắn là ít tốn kém. Tiện ích của công nghệ thông tin còn giúp cho người trẻ trao đổi thông tin, trò chuyện với nhau một cách thường xuyên, mà giá cả thì rẻ đến bất ngờ. Theo một thông tin mới nhất, nhờ vào sức mạnh của công nghệ Internet, thì việc dùng dịch vụ Internet phone để gọi điện thoại đi nước ngoài như Mỹ, Anh, Canada… với giá chỉ 282 đồng/phút[14].

Cùng một cách thức, tiến trình toàn cầu hoá đã làm cho các đường biên giới quốc gia trở nên mờ nhạt, không quá khó để tiếp cận với bên ngoài. Chính trong điều kiện đó, “Toàn cầu hoá đã tạo ra những mối liên kết, gắn bó giữa các nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường trao đổi hàng hoá, thúc đẩy phân công lao động và giao lưu văn hoá…”[15]. Các nước công nghiệp tiên tiến ra sức đầu tư vốn và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia đang được tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ và vốn đầu tư từ các nước phát triển. Đặc biệt, khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, thì điều này càng trở nên rõ nét hơn. Vì vậy, với khả năng hội nhập tốt với thế giới bên ngoài, giới trẻ là thành phần năng động để tiếp thu những công nghệ tiên tiến ấy. Họ không chỉ tiếp thu một cách thụ động, nhưng với sự sáng tạo của tuổi trẻ, họ còn làm cho các công nghệ ấy trở nên thích ứng với môi trường sử dụng trong nước. Đây cũng là điều kiện tốt để mỗi người trẻ trở nên những người thầy, người thợ có tri thức và tay nghề cao trong bối cảnh đẩy nhanh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Cơ hội này mở ra cho tất cả những người trẻ có tinh thần cầu tiến trên con đường tiếp cận với thế giới hiện đại.

Cùng với sự tiếp thu công nghệ tiên tiến, người trẻ còn được tiếp nhận những trào lưu văn minh hiện đại từ các nước phát triển. Chính những trào lưu văn minh này giúp cho người trẻ dần thoát khỏi những thói quen lạc hậu, cổ hủ, ù lì. Một trong những phẩm chất văn minh hiện đại mà người trẻ học hỏi được, đó là ý thức về tính cá nhân. Điều này được thể hiện qua tinh thần tự lập nơi người trẻ, mà ngày nay được nhắc đến rất nhiều trong cuộc sống. Tính tự lập này khởi đi từ quan niệm đề cao vai trò cá nhân của người phương Tây. Trong quá trình giao lưu với thế giới bên ngoài, người trẻ đã dần tiếp nhận một cách tích cực quan niệm này, và đưa vào thực hành trong đời sống của họ. Chính khi “tự ý thức cá nhân, ít chịu ảnh hưởng bởi dư luận, đã tạo điều kiện phát huy sức sáng tạo cá nhân, làm cho cá nhân chủ động và nhanh chóng tiếp cận với những cái mới trong khoa học – kỹ thuật và công nghệ, chịu khó học hỏi kiến thức để phục vụ cho nghề nghiệp và công việc”[16]. Đề cao tính cá nhân để tự lập, ít chịu sự ràng buộc từ người khác, và dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm, thiết nghĩ đó là điều tích cực trong hành trình xây dựng bản thân của người trẻ khi hội nhập vào đời sống xã hội hôm nay.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, vẫn với những cơ hội được nêu lên ở trên, thì chính nó lại có nguy cơ trở thành thách đố cho một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt Nam trong quá trình hội nhập vào xu thế toàn cầu hoá.

2. Thách đố trong quá trình hội nhập


Biểu hiện tiêu cực đầu tiên có thể thấy là, nhiều người trẻ “khi đứng trước xu thế toàn cầu hoá với sự bùng nổ thông tin, sự hỗ trợ của công nghệ cao đang làm giảm giá thành và tăng tốc độ đường truyền, đã làm Internet trở nên phổ biến, thì họ lên mạng sử dụng tiện ích ‘chát’ như một thú tiêu khiển hơn là phương tiện liên lạc và tìm kiếm tư liệu học tập”[17]. Quả vậy, chỉ cần đi qua mấy tiệm Internet công cộng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy, có quá nhiều bạn trẻ chỉ lên mạng để ‘chát’ và chơi ‘game’, không biết làm gì khác hơn. Điều này sẽ “lấy cắp” của người trẻ nhiều thời gian, mà đáng ra họ có thể làm được nhiều việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Không chỉ là việc mất thời gian, nhưng “với môi trường giao tiếp ảo này, người ta có thể ảo hoá những thông tin cá nhân, và dễ dàng đi đến chỗ cung cấp thông tin giả (…) Nếu như chỉ dừng lại ở đó thì không có gì nghiêm trọng, nhưng điều đáng lưu tâm là ở chỗ, từ trò chơi giải trí trên mạng, sự giả dối dần ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là quan niệm sai lệch về đạo đức”[18]. Đây là lời cảnh báo cho người trẻ trong quá trình hội nhập vào thế giới toàn cầu. Chính họ – những người trẻ, chứ không ai khác - cần tiếp nhận những tiện ích do công nghệ – thông tin mang lại, nhưng cũng cần ý thức về những tác hại của chính phương tiện hiện đại này.

Một thách đố khác đặt ra cho người trẻ Việt Nam trong khi hội nhập vào thế giới toàn cầu hoá, đó là họ chưa chuẩn bị được những tri thức cần thiết để tiếp nhận nền khoa học – công nghệ của thế giới hiện đại. Một mặt, đại bộ phận người lao động trong công nghiệp, quen gọi là công nhân, đều làm việc “tay ngang”, nghĩa là họ không được học nghề đúng mức trước khi làm việc. Mặt khác, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tâm lý chung của giới trẻ Việt Nam là phải vào đại học, phải làm thầy, mà ít có người chịu học trung cấp nghề, để trở thành những người thợ thực thụ, có thể sử dụng được những loại máy móc hiện đại. Hơn nữa, việc đào tạo đại học của chúng ta cũng chưa xứng tầm với sự phát triển của thế giới, nên khi ra trường, người sinh viên đã không đáp ứng được đòi hỏi của nhà tuyển dụng. Chẳng vậy mà ông Jonah Levey, tổng giám đốc điều hành của Công ty tư vấn nhân sự Vietnamworks đã nhận xét:

Hiện Việt Nam đang thiếu nhân sự cao cấp trong mọi lĩnh vực, chẳng hạn ngành dịch vụ đang thiếu trầm trọng vị trí giám đốc tiếp thị; thiếu nhân sự có kinh nghiệm về kỹ thuật chuyên môn như chuyên viên kỹ thuật công nghệ cao… Nguồn nhân lực cao cấp, trung cấp ở Việt Nam cần nâng cao những kỹ năng, trước mắt là kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ[19].

Như vậy, trau dồi kiến thức, ra sức học tập để trở nên những chuyên gia, có thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết cho quá trình hiện đại hoá hiện nay đang là thách đố lớn đặt ra cho người trẻ Việt Nam.

Trong khi trình bày những ảnh hưởng tích cực của toàn cầu hoá đến người trẻ, trong đó có giá trị ý thức cá nhân và khả năng sáng tạo của bản thân. Thế nhưng, trong khi ý thức cá nhân được nâng cao, và đó là điều tốt, thì nhiều người trẻ lại đi quá xa, bằng việc “họ để tính cá nhân lấn át tính cộng đồng, họ coi lợi ích cá nhân quan trọng hơn tất cả”[20]. Điều này xem ra chưa thể thích hợp trong môi trường văn hoá Việt Nam, vốn từ xưa vẫn coi trọng tính cộng đồng. Hệ quả kéo theo của việc đề cao cá nhân, xem nhẹ cộng đồng, đó là nơi một sống người trẻ “đang hình thành một thái độ bàng quan đối với những người xung quanh (…). Sự hy sinh và quan tâm đến người khác ở họ thấp đi, và nếu có thì thường được đánh giá dưới góc độ kinh tế thực dụng hơn là tình cảm và sự chia sẻ”[21]. Chính khi quá coi trọng cá nhân, đề cao xu hướng thực dụng, lấy đồng tiền làm chuẩn mực đo lường tương quan giữa con người với nhau, thì nhiều người trẻ “chạy theo lối sống hưởng thụ, ăn chơi đua đòi, chịu tác động của tệ nạn xã hội, dễ bị dao động về mặt định hướng đạo đức và lối sống trong xã hội thời mở cửa”[22].

Trước một lối sống chỉ biết “trau chuốt” cho bản thân như thế, thì thái độ “lạnh lùng” và ngại dấn thân cho người khác của người trẻ là điều dễ hiểu. Thế nhưng theo thiển ý, còn một lý do khác khiến người trẻ Việt Nam chỉ biết sống cho mình, không quan tâm đến tha nhân là vì họ thiếu đi chiều kích hướng thượng. Về điều này, khi nêu lên nhận xét chung về giới trẻ, cha Alday cũng cho rằng, “người trẻ ngày nay ngại dấn thân không phải họ thiếu lòng quảng đại, nhưng bởi vì thiếu vắng điểm quy chiếu chắc chắn và đáng tin cậy trong thế giới hậu hiện đại”[23]. Thật vậy, “điểm quy chiếu” mà cha Alday nói trên không gì khác hơn là hướng đến một Đấng Siêu Việt. Với người Công giáo, Đấng ấy chính là Thiên Chúa trong đời sống đức tin của họ.

Đứng trước xu thế toàn cầu hoá, người trẻ Công giáo Việt Nam sẽ biểu hiện đời sống đức tin của mình như thế nào? Họ có được những thuận lợi nào và gặp những khó khăn nào trong khi thể hiện đời sống đạo của mình? Những câu hỏi này sẽ được trình bày – có thể không đầy đủ – trong phần tiếp theo.

3. Người trẻ sống Đạo thời Toàn cầu hoá


Khi nhìn nhận những ảnh hưởng của toàn cầu hoá đến đời sống văn hoá- xã hội của con người, cách riêng là các bạn trẻ, ta cũng nhận ra những tác động tương tự về đời sống Đạo như vậy. Điều này cũng phù hợp với các bạn trẻ Công giáo Việt Nam trong thời đại mới của đất nước hôm nay.

Xét về mặt tích cực, công nghệ thông tin toàn cầu giúp người trẻ nắm bắt được những sinh hoạt của Giáo hội toàn cầu và các Giáo hội địa phương khác. Điều này tạo nên mối dây hiệp thông trong một Giáo hội duy nhất của Đức Kitô. Cụ thể nhất là ngày Đại hội Giới trẻ Quốc tế hàng năm được tổ chức vào dịp lễ Lá. Trong khi các bạn trẻ trên toàn thế giới tập trung về một địa điểm nào đó, chẳng hạn năm 2005 tổ chức tại thành phố Koeln, nước Đức, để cùng nhau cầu nguyện và chia sẻ – hẳn nhiên cũng có đại diện của Việt Nam, thì tại nhiều Giáo phận trong cả nước, các bạn trẻ cũng quy tụ lại với nhau để chia sẻ và cầu nguyện với cùng một đề tài. Họ nhận ra rằng, bản thân mỗi người được gắn kết, không chỉ với giáo hội Việt Nam, nhưng với toàn thể các Kitô hữu trên khắp thế giới. Chính trong sự hiệp thông này, người trẻ sẽ thể hiện cung cách sống Đạo một cách phổ quát hơn và sẵn lòng liên đới với những gì đang xảy ra cho con người ở mọi nơi. Nhắc đến sự liên đới này, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói:
Nhờ sự tươi trẻ và nhiệt tình, tình thần liên đới và luôn hy vọng, người trẻ có thể trở thành người hoà giải trong thế giới chia rẽ hiện nay; thật là khích lệ khi thấy người trẻ tham gia vào các chương trình trao đổi giữa các Giáo hội và các quốc gia châu Á, cũng như ở các nơi khác, nhằm cổ võ sự đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hoá[24].

Bên cạnh đó, cùng với xu thế toàn cầu hoá, khuynh hướng thực dụng, chủ nghĩa cá nhân đã theo đó đi vào trong cung cách sống đạo của người Việt Nam nói chung, đặc biệt rõ nét nơi những người trẻ. Tất cả những điều đó đã tác động mạnh đến suy nghĩ, cách hiểu và sống đạo của người trẻ[25]. Trong một mức độ nào đó, nhiều người trẻ đã có những đề nghị nên xét lại một số tiêu chuẩn và mức thang giá trị cũ không còn thích hợp với xã hội hiện tại. Họ mong muốn có sự cởi mở chân tình hơn giữa các giáo sĩ và người giáo dân[26].

Hơn nữa, nhìn ở góc độ nào đó, ra như các bạn trẻ Công giáo hiện nay đang phải đối mặt với một hình thức sống đạo nặng hình thức, không diễn tả được “cái hồn” của Tin Mừng. Trong khi đó, môi trường sống, trình độ văn hóa, kiến thức khoa học của người trẻ đã khác xa ngày xưa. Lại nữa, họ đang phải đau khổ bởi sự cách biệt quá sâu rộng giữa những gì tiếp thu ở nhà trường, nơi làm việc hoặc ngoài xã hội với nếp sống trong gia đình và xứ đạo[27]. Trong suy nghĩ của người trẻ, cách thế giữ đạo theo kiểu “đi lễ, đọc kinh” đã trở nên lạc hậu, là hình thức sống đạo của người già. Người trẻ dám đặt lại những hình thức sống đạo không còn thích hợp với hoàn cảnh mới, nhằm tìm kiếm một cách thế sống đạo phù hợp là một điều đáng khích lệ.

Tuy nhiên, một khi vượt quá những chuẩn mực cho phép thì sự tìm kiếm những cách thế mới, loại bỏ những hình thức cũ nhưng còn giá trị thiết thực, thì đi sang hướng tiêu cực. Trong đó, ta cần chú ý đến lối sống đạo một cách thực dụng và máy móc của rất nhiều người trẻ hiện nay. Thực dụng trong đời sống đạo dẫn người trẻ đến một cám dỗ là muốn vượt ra khỏi những ràng buộc của luật lệ, nghi thức. Hiện tượng người trẻ đi dự lễ chẳng lấy gì làm vui là một thực tế. Nhiều người chỉ vì để vui lòng cha mẹ, người thân mà phải đến nhà thờ vào ngày Chúa nhật. Nếu người già đi lễ vì nhu cầu tâm linh thật sự thì người trẻ đi lễ như là để giải trí. Cứ theo tiến trình này thì xem ra “thế gian đang vuốt ve, mơn trớn tôn giáo”[28].

Không có thời gian cho đời sống đạo là một ảnh hưởng tiêu cực khác của bối cảnh xã hội hôm nay. Điều này ảnh hưởng đến mọi thành phần Kitô hữu, chứ không riêng gì giới trẻ. Thật vậy, “nếu được hỏi về vấn đề cầu nguyện, hầu hết các bạn trẻ hôm nay đều trả lời: không quan tâm hoặc không có thời giờ”[29]. Điều này không có gì làm lạ, vì vấn đề người trẻ quan tâm và đầu tư nhiều thời gian hiện nay là sự nghiệp, học vấn, việc làm, hưởng thụ, giải trí… Vấn đề tham dự Thánh lễ đều đặn vào mỗi Chúa nhật đã là một cố gắng lắm rồi, bởi trong thực tế, có rất nhiều bạn trẻ không còn thời gian để dự Lễ, vì phải làm tăng ca, học thêm giờ vào ngày Chúa nhật. Trình bày như thế để thấy rằng, “thói quen những buổi tối cả nhà cùng quây quần đọc kinh đã trở thành kỷ niệm, nhất là ở những vùng đô thị”[30]. Xem ra, bước vào thế giới toàn cầu hoá, yếu tố thời gian trở nên quan trọng theo phương châm: “Thời giờ là vàng bạc”. Người trẻ đang ra sức chạy đua với thời gian, nhằm tìm kiếm cho mình những hành trang cần thiết để bước vào đời. Tuy nhiên, bỏ quên giá trị tâm linh trong hành trình xây dựng bản thân, cụ thể là không dành cho Thiên Chúa những giờ phút cần thiết, thì nguy cơ không hoàn thành vận mạng cuộc đời là khả thể.

Kết luận


Xã hội mỗi lúc càng tiến bộ thì nhu cầu của con người cũng theo đó tăng lên. Khoa học- công nghệ phát triển thì đời sống của con người cũng văn minh hơn. Kinh tế tăng trưởng thì đời sống của con người đầy đủ và sung túc hơn. Chính trong những tiện nghi và dư giả ấy, con người như thể đang bị cuốn vào những đam mê của cải vật chất, mà bỏ quên những giá trị tinh thần và tâm linh. Đó chính là những thách đố đang đặt ra cho con người, đặc biệt là các bạn trẻ trong thời toàn cầu hoá hôm nay. Những thách đố ấy luôn mở ra cho người trẻ một chân trời mới, một diễn đàn mới, mời gọi người trẻ dấn thân với một thao thức mới, một nhiệt tình mới trong một phương cách mới[31]. Thế nhưng, họ có thể vươn lên và thoát ra khỏi những “cơn lốc xoáy” của thời đại hay không thì đó lại là chuyện khác.

Thật vậy, xã hội Việt Nam khi bước vào xu thế hội nhập toàn cầu hoá, còn biết bao yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp lên người trẻ như tình trạng di dân, quá trình đô thị hoá nông thôn, cơ khí hoá nông nghiệp, xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp… Chính trong bối cảnh đó, người trẻ đang phải đối diện với những tình trạnh như làm việc tăng ca, chỗ ăn ở không đạt yêu cầu tại các khu công nghiệp, các khu nhà trọ… Đó cũng là điều nhà nước cần quan tâm khi đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước trong thời đại mới. Với Giáo hội Việt Nam, vấn đề mục vụ cho người trẻ cũng phải là ưu tiên trong khi thi hành sứ mạng trần thế của mình.

Quả vậy hơn bao giờ hết, người trẻ ngày nay đang rất cần một sự hướng dẫn đúng đắn để có thể bước vào đời một cách tự tin và can đảm, nhằm cống hiến cuộc đời cho xã hội. Đang khi phải đối mặt với bóng đêm, chưa tìm thấy con đường phía trước, thì một tia sáng nhỏ cũng đã là niềm hy vọng to lớn cho người trẻ bước vào cuộc đời rồi. Nếu người trẻ cứ phải mò mẫm trong một bối cảnh xã hội còn nhiều phức tạp, chưa có được một định hướng nào rõ rệt từ những người có trách nhiệm thì đến bao giờ họ mới có thể vượt qua được những thách đố của thời đại, và đất nước này bao giờ mới có thể vươn lên để sánh bước cùng những quốc gia trong khu vực. Riêng trong đời sống đạo, nếu Giáo hội địa phương không có được một hướng đi phù hợp với tâm thức người trẻ trong thời đại mới, thì e rằng nguy cơ đẩy người trẻ đi ra ngoài sinh hoạt Giáo hội là rất lớn. Họ vẫn là những người Kitô hữu đấy, nhưng cung cách sống đạo của họ sẽ không còn phụ thuộc vào cơ cấu của Giáo hội. Rất có thể họ vẫn là những chứng tá sống động của Tin Mừng, nhưng không phải trong nhà thờ, khi râm ran đọc kinh, mà là trong chính đời sống thường nhật của họ.

Hy vọng với sự cộng tác của nhiều người, đặc biệt là những người hết lòng vì giới trẻ thì việc tìm ra những giải pháp giúp cho người trẻ vượt qua những thách đố trong bối cảnh đất nước hội nhập vào thế giới toàn cầu sẽ không còn là vấn đề lớn. Và khi đó, những người trẻ sẽ sẵn sàng dấn thân để xây dựng cuộc sống tốt đạo đẹp đời, cống hiến cho đất nước và Giáo hội nhiều hơn những gì họ có. 

[1] F. Vital- Luca Nguyễn Hữu Quang, FSC, “Người trẻ trước thế giới toàn cầu hóa” Chia sẻ, số 46, tháng 6 năm 2005, tr. 86.
[2] Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, Đức tin và Văn hóa 2005, tr 106.
[3] Nguyễn Thái Hợp, Chút này làm tin, Dấn Thân, Houston 2003, tr. 181.
[4] F. Vital- Luca Nguyễn Hữu Quang, FSC, “Người trẻ trước thế giới toàn cầu hóa” Chia sẻ, số 46, tháng 6 năm 2005, tr. 91.
[5] PGS. Trường Lưu, Toàn cầu hoá và vấn đề bảo tồn văn hoá dân tộc, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2003, tr. 5.
[6]-[7] Võ Minh Tuấn, Tác động toàn cầu hoá đến đạo đức sinh viên hiện nay, http://chungta.com/suyngam/daoduc, ngày 25-8-2006.
[8] Thomas L. Friedman, Chiếc Lexus và Cây Ô Liu, Lê Minh dịch, NXB Khoa học Xã hội, 2005, tr 29.
[9] Xc. Thomas L. Friedman, Chiếc Lexus và Cây Ô Liu, Lê Minh dịch, NXB Khoa học Xã hội, 2005, tr 24-26.
[10] Thomas L. Friedman, Chiếc Lexus và Cây Ô Liu, Lê Minh dịch, NXB Khoa học Xã hội, 2005, tr 28.
[11] WTO : viết tắt từ tiếng Anh “World Trade Organization”.
[12] Tuổi trẻ, thứ tư ngày 8-11-2006, số 293, trang 3.
[13] Trích trong Thomas L. Friedman, Chiếc Lexus và Cây Ô Liu, Lê Minh dịch, NXB Khoa học Xã hội, 2005, tr 27.
[14] Xc. Tuổi trẻ, thứ hai ngày 13-11-2006, số 298, trang 13.
[15] Gioakim Vũ Xuân Việt Dũng,O.P, “Phân tích và định hướng xây dựng Toàn cầu hoá theo Giáo huấn xã hội của Giáo hội”, Luận văn tốt nghiệp, 2004, tr. 24
[16]-[18] Võ Minh Tuấn, Tác động toàn cầu hoá đến đạo đức sinh viên hiện nay, http://chungta.com/suyngam/daoduc, ngày 25-8-2006.
[19] Tuổi trẻ, thứ sáu ngày 17-11-2006, số 302, trang 11.
[20]-[22] Võ Minh Tuấn, Tác động toàn cầu hoá đến đạo đức sinh viên hiện nay, http://chungta.com/suyngam/daoduc, ngày 25-8-2006.
[23] Samuel H. Canilang, Hiệp thông và truyền giáo trong đời sống thánh hiến. Người dịch: Jos. Đinh Hữu Thoại, DCCT, NXB Tôn giáo, 2003, tr 32.
[24] Tông huấn Giáo hội tại Á châu, số 47.
[25] Sđd, tr. 138-139.[26] Sđd, tr. 140.
[27] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, Đức tin và Văn hóa, tr 138.
[28] Vương Đình Bích, Tâm linh trong bối cảnh duy tục, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 108.
[29] Lm Antôn Hà Văn Minh, Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam…, Sống Đạo theo cung cách Việt Nam, Tài liệu hội thảo mùa Phục sinh 2004, tr 100.
[30] Sđd.
[31] Xc. Sr. Phạm Thị Oanh, OP, “Người trẻ:Thách đố của thời đại”, Chia sẻ, số 46, tháng 6 năm 2005, tr. 35.