Hiển thị các bài đăng có nhãn Luân lý sinh thái. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Luân lý sinh thái. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

CUỐN SÁCH THIÊN NHIÊN

Lịch Sử Của Một Ẩn Dụ Nằm Giữa Khoa Học Và Thần Học


Thời sự Thần học – Số 88, tháng 5/2020, tr. 130-162.

_Giuseppe Tanzella-Nitti_ 

Gần đây, huấn quyền Công giáo thường sử dụng ẩn dụ “Cuốn sách Thiên nhiên” như cầu nối trong việc đối thoại giữa Khoa học và Thần học. Bài viết này muốn tìm hiểu nguồn gốc của ẩn dụ này, và việc giải thích ẩn dụ trải qua lịch sử, cách riêng khi đối chiếu giữa Sách Thiên nhiên và Sách Kinh thánh, như hai cách thức Thiên Chúa mặc khải cho loài người. Vì khuôn khổ của tờ báo, chúng tôi chỉ lược tóm nội dung chứ không dịch nguyên văn.
Nguồn : “Book of Nature, Origin and Development of the Metaphor”. INTERS – Interdisciplinary Encyclopedia of Religion and Science, edited by G. Tanzella-Nitti, I. Colagé and A. Strumia, www.inters.org, DOI: 10.17421/2037-2329-2019-GT-1. Tác giả là giáo sư thần học tại Giáo hoàng Đại học Santa Croce, Rôma.
Lưu ý : Vì muốn đối chiếu hai cuốn sách, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “Sách Thiên nhiên” và “Sách Kinh thánh”, mặc dù biết rằng “Kinh” và “Sách” đồng nghĩa với nhau! Bản PDF ở cuối trang.
Dàn bài :
I. Việc giải thích ẩn dụ trải qua lịch sử: A. Nguồn gốc. B. Kinh thánh. C. Các giáo phụ. D. Thời trung đại. E. Thời phục hưng. F. Thời cận đại
II. Những hàm ngụ của ẩn dụ: 1/ Trong lãnh vực triết học. 2/ Đối với khoa học tự nhiên. 3/ Trong lãnh vực thần học

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

LUẬT TỰ NHIÊN – THẦN HỌC LUÂN LÝ

Thời sự Thần học – Số 88, tháng 5/2020, tr. 58-98.

_Enrico Chiavacci_

“Luật tự nhiên” có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau trong khoa học tự nhiên và triết học. Phụ đề muốn giới hạn bài nghiên cứu vào phạm vi thần học luân lý, gồm hai phần: 1/ Phần “Lịch sử” cho thấy những quan niệm khác nhau về Luật tự nhiên, ngay cả trong thần học công giáo. 2/ Phần “Hệ thống” trình bày quan điểm Luật tự nhiên theo thánh Tôma, đối chiếu với các bản văn Thánh kinh và những quan niệm về “tự nhiên” trong tư tưởng cận đại. Trong phần phụ trương, chúng tôi sẽ bổ túc với vài khái niệm thuộc ngành luật học liên quan đến “Tự nhiên pháp” (droit naturel).

Tác giả là một linh mục, giáo sư thần học tại Firenze (1926-2013). Nguồn: “Legge naturale”, in: Nuovo Dizionario di Teologia Morale, Paoline, Cinisello Balsamo, 1990, p. 634-647.

I. Lịch sử

1Giai đoạn trước Kitô giáo; 2. Sứ điệp Kitô giáo và luật tự nhiên cho đến thế kỷ XIII; 3. Luật tự nhiên theo thánh Tôma; 4. Khúc ngoặt của Ockham; 5. Luật tự nhiên và nhân quyền

II. Hệ thống

1. Luật tự nhiên trong Kinh thánh: a) Cựu ước; b) Tân ước

2. Luật tự nhiên trong suy tư triết học và thần học: a) Lý trí, tự nhiên, thiên nhiên và luật tự nhiên; b) Luật tự nhiên và thần học luân lý; c) Luật tự nhiên và học thuyết chính trị.

Phụ thêm. Luật tự nhiên và Quyền tự nhiên

Những chú thích ở cuối trang là của người dịch. Legge naturale được dịch là “luật tự nhiên”, mặc dù đôi khi natura phải dịch là “bản tính” thì mới đúng. Viết tắt: LTN = Luật tự nhiên. Bản PDF ở cuối trang.

Xem thêm

I.   Lịch sử


1.  Giai đoạn trước Kitô giáo

Thuật ngữ “Luật tự nhiên” có một lịch sử của nó: LTN là một nhãn hiệu mà ở phía sau có rất nhiều nội dung khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau, tuy vẫn cố gắng tìm câu giải đáp cho một vài bận tâm không ngừng được nêu lên.

Xét theo lịch sử, khái niệm LTN nảy sinh từ lãnh vực chính trị. Vấn đề cơ bản của nhà cầm quyền, (nghĩa là việc biện minh cho chính mình), được giải quyết bằng cách quy chiếu nguồn gốc của quyền bính vào việc ban cấp bởi một vị thần linh nào đó. Nên ghi nhận rằng đây không chỉ là lý thuyết của các nền quân chủ thời xa xưa mà còn ảnh hưởng ngấm ngầm tới nhiều chế độ chính trị thời nay. Như thế, luân lý, pháp luật và tôn giáo là ba lãnh vực được chính quyền liên kết thành cái kiềng ba chân để củng cố thế lực. Cần mất nhiều thời gian để có thể tách rời chúng ra.

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Thời sự Thần học - số 69 tháng 8/2015, tr. 191-201

_Đức cha Giampaolo Crepaldi_[1]

Trong bài này, tác giả trình bày lập trường của Giáo hội Công giáo về môi trường, đặc biệt nhằm có cái nhìn trung thực về vấn đề, chống lại vài ý thức hệ sai lệch. Sau khi đã vạch ra những cái nhìn lệch lạc ấy, tác giả tóm tắt thành 10 điều (thập điều) những nét chính yếu của Giáo huấn xã hội, đúc kết từ sách Tóm Lược Học thuyết xã hội của Giáo hội do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2005. Trong phần phụ lục, toà soạn sẽ thêm danh mục các văn kiện quan trọng của Huấn quyền về vấn đề này.

Nhập đề


Người ta thường nói rằng Giáo huấn xã hội hơi nghèo nàn về những đề tài liên quan đến việc bảo vệ môi sinh. Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh về sự Phát triển có thể chống đỡ được họp tại Joannesburg năm 2002, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đã xuất bản một tài liệu tựa đề “From Stockholm to Johannesburg. An Historical Overview of the Concern of the Holy See for the Environment”. Khi giở các trang của tài liệu này, người ta thấy rằng Huấn quyền, từ công đồng Vaticanô II đến các giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Toà thánh đã có mặt trong sự phát triển cuộc tranh luận hiện hành về các đề tài môi trường và phát triển. Tôi cũng muốn thêm huấn quyền của các Hội đồng Giám mục, tiếp nối huấn quyền của Tòa Thánh và diễn tả thành áp dụng vào từng đại lục và quốc gia. Huấn quyền này cũng được phát biểu trong các tông huấn Ecclesia in America, Ecclesia in Asia, Ecclesia in Oceania, Ecclesia in Africa mang theo nhiều suy tư quan trọng về môi trường. Bởi vậy, Huấn quyền trong lãnh vực môi sinh đáng được quan tâm và tìm hiểu. Sau đây là một vài đường hướng chung của Huấn quyền ấy.

Thiên nhiên và tương quan của nó đối với Thiên Chúa và con người


Điều nhận xét đầu tiên là khi Giáo hội bàn về thiên nhiên thì không chỉ xem nó như là tự nhiên. Đây không phải chỉ là một lối chơi chữ[2]. Giáo hội nhìn thiên nhiên trong tương quan với Thiên Chúa và con người, chứ không phải chỉ là một tổng thể các đồ vật. Thật vậy, thiên nhiên được bàn dưới nhiều khía cạnh: tạo dựng, cứu chuộc, cánh chung. Thiên nhiên được dựng nên cho con người, và con người được dựng nên cho Thiên Chúa.

Vì thế, Huấn quyền không chấp nhận chủ trương tôn sùng thiên nhiên, cũng không chấp nhận chủ trương chỉ coi thiên nhiên như một dụng cụ. Thiên nhiên là một sân khấu văn hóa và luân lý, trong đó con người đảm nhận trách nhiệm đối với đồng loại, kể cả với các thế hệ tương lai, và đối với Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là thiên nhiên không phải là một cái gì tuyệt đối, nhưng là một tài nguyên được đặt trong bàn tay tài khéo và trách nhiệm của con người. “Hãy sinh sôi, nảy nở cho nhiều, cho đầy mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất. Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau cỏ mang hạt giống trên mặt đất... làm lương thực cho các ngươi” (St 1,28-29). Điều này cũng có nghĩa là con người có một vị trí trổi vượt lên trên các thụ tạo, và vì là một nhân vị với một linh hồn bất tử, cho nên con người không thể nào được đồng hóa ngang hàng với các sinh vật khác, lại càng không thể coi như yếu tố gây xáo trộn cho sự quân bình sinh thái thiên nhiên. Sau cùng, điều này cũng có nghĩa là thiên nhiên không phải là tất cả mà cũng chẳng phải là hư vô, và con người không có quyền tuyệt đối trên vạn vật nhưng có một uỷ nhiệm để bảo tồn và phát triển, trong bối cảnh của nguyên tắc các tài nguyên được ban cho hết mọi người.

Vài xác minh


Trong viễn cảnh này, tôi muốn đưa ra một vài sự điều chỉnh đối với những quan điểm mà đôi khi đã biến thành ý thức hệ, không phù hợp với giáo huấn xã hội của Giáo hội. Tôi xin tóm tắt vào ba ý kiến sau đây:

a) Ý-thức-hệ duy-sinh-vật (biologism). Từ ngữ này mang nhiều ý nghĩa. Ở đây tôi hiểu như hạ giá con người xuống hàng sinh vật. Sách Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội dùng từ “biocentrism” (độc tôn sinh thái, số 463). Đàng sau ý thức hệ này là quan điểm về một sinh quyển (biosphere) đồng nhất, không nhìn nhận sự khác biệt của con người trên các sinh vật khác. Vì vậy họ muốn rút gọn các chức năng và hoạt động con người vào phạm vi sinh học và di truyền. Thuyết duy-sinh-vật không phải là khoa học mà chỉ là một ý thức hệ. Một nhánh của thuyết này là “duy thú” (animalism), chủ trương rằng không có gì khác biệt giữa con người với các loài thú.

b) Ý-thức-hệ tai-biến (catastrophism). Nguồn gốc của thuyết này là bản báo cáo của trường MIT (Massachusets Institute of Technology) ở Boston dành cho “Câu Lạc Bộ Rôma” và được công bố năm 1972. Nhiều bản báo cáo khác cũng được tiếp tục công bố, dựa theo chủ thuyết cạn kiệt tài nguyên và nhân mãn. Đề tài nhân mãn tái xuất hiện nơi những ý thức hệ Tân Malthus, dựa trên ý tưởng rằng nguyên nhân chính của sự suy sụp môi trường là dân số quá đông đúc. Ý-thức-hệ tai-biến mang theo một cái nhìn bi quan về con người, đến nỗi không nhìn thấy con người như là một tài nguyên. Thái độ bi quan đối với con người mang theo niềm tin tưởng tuyệt đối vào những kỹ thuật tuyển lọc, kể cả việc phá thai, triệt sản, được bảo trợ bởi các cơ quan quốc tế và những công nghệ dược phẩm tìm lợi nhuận. Nhân dịp Hội nghị Liên Hợp Quốc về dân số và phát triển tại Cairo năm 1994, và Hội nghị về phụ nữ tại Bắc kinh năm 1995, hoạt động ngoại giao của phái đoàn Tòa thánh đã gây được sự ủng hộ của các nước nghèo trong việc tố cáo ý thức hệ Tân-Malthus chủ trương kế hoạch hóa gia đình qua việc gây sức ép trên các phụ nữ.

c) Ý thức hệ “trở về với thiên nhiên”, đôi khi mang hình thức của việc tôn sùng thiên nhiên (New Age) hoặc tìm về một thứ an bình tâm lý được đồng hóa với lành mạnh tâm linh. Thiên nhiên được xem như một xưởng chế sắc đẹp, một thứ sinh quyển, trong đó con người trở về với chính mình, thay vì được nhìn như một cuộc đối thoại giữa con người với Thiên Chúa, và như một nhiệm vụ cần đảm nhận với trách nhiệm.

Sinh thái môi trường và sinh thái con người


Để đáp lại các ý thức hệ vừa kể, Huấn quyền xã hội đã nêu bật sự bổ túc giữa môi trường thiên nhiên và thế giới con người, giữa những khía cạnh vật chất và phi vật chất của việc phát triển, giữa một bên là sinh thái và một bên là văn hóa và luân lý. Về mặt này, đức Gioan Phaolô II đã sử dụng thuật ngữ “sinh thái nhân bản”[3]. Ngài viết: Thiên Chúa không những đã ban trái đất cho con người mà còn ban con người cho con người. Vì thế con người phải tôn trọng không những thiên nhiên qua “sinh thái thiên nhiên” mà còn phải tôn trọng đời sống luân lý xứng đáng với con người, qua “sinh thái nhân bản”. Cả hai đều liên hệ chặt chẽ với nhau: nếu không tôn trọng thiên nhiên thì sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội; đồng thời, nếu không tôn trọng sinh thái của những tương quan nhân bản và xã hội thì môi trường cũng sẽ bị xáo trộn.

Trong viễn tượng của giáo huấn xã hội của Giáo hội, tình trạng khẩn cấp về sinh thái không chỉ là tình trạng khẩn cấp về thiên nhiên mà còn về nhân bản nữa. Cách thức đối xử với thiên nhiên tuỳ thuộc thái độ đối xử với con người. Nhưng nếu đọc lại đoạn văn nói trên của thông điệp Centesimus annus, cần phải thêm rằng cách thức con người nhìn vào nội tâm của mình tuỳ thuộc cách thức con người hướng về Thiên Chúa nữa. Sự lệch lạc về nhân luận (anthropology) cũng là một lệch lạc về thần luận (theology). Như thông điệp đã viết, một khi con người muốn đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa, thì con người đánh mất tầm nhìn về chính mình và về trách nhiệm của mình trong việc quản trị thiên nhiên.

Thập điều... để kết luận


Sử dụng chất liệu của quyển Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội về môi trường, chúng ta có thể nêu bật những điểm quan trọng nhất của Huấn quyền bằng cách phát biểu thập điều (decalogus). Dĩ nhiên, đây là một cách diễn tả chứ không thể nào đồng hóa với mười điều răn Đức Chúa Trời!

1. Kinh Thánh vạch ra những nguyên tắc luân lý căn bản để giải quyết vấn đề môi sinh: con người, được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa Tạo Thành, được đặt lên trên mọi thụ tạo trên trái đất; con người cần phải sử dụng và chăm sóc có trách nhiệm để đáp ứng kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa đối với tạo dựng. Cuộc Nhập Thể của Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa, và lời giảng của Người làm chứng cho giá trị của thiên nhiên: không có gì hiện hữu trên thế giới này nằm ngoài kế hoạch tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa (số 451-455).

2. Khi tiếp cận với vấn đề môi trường, Huấn quyền xã hội của Giáo hội nhắc nhở hãy lưu tâm đến hai yêu sách căn bản: a) không được lạm dụng thiên nhiên, chỉ coi nó như đối tượng để thao túng và khai thác; b) không được tuyệt đối hoá thiên nhiên, đặt nó lên trên cả phẩm giá con người (số 461-464).

3. Vấn đề môi trường hiện nay bao trùm toàn thể địa cầu và việc bảo vệ môi trường trở thành một thách đố cho toàn thể nhân loại: đây là một bổn phận của hết mọi người buộc phải tôn trọng tài sản tập thể. Trách nhiệm đối với môi trường mở rộng đến những đòi hỏi trong hiện tại cũng như trong tương lai. Đây là trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với các thế hệ tương lai (số 466-467).

4. Khi tiếp cận vấn đề môi trường, cần phải đặt luân lý lên trên kỹ thuật; vì thế, cần phải luôn luôn bảo vệ phẩm giá của con người. Điểm quy chiếu trọng yếu của mọi ứng dụng khoa học và kỹ thuật là sự tôn trọng con người; điều này cần được đi kèm một thái độ tôn trọng đối với các loài sinh vật khác (số 456-460).

5. Để đặt vấn đề môi trường cho đúng chỗ, không thể coi thiên nhiên như một thực tại thánh thiêng hoặc thần linh mà con người không được đụng đến. Thiên nhiên là một quà tặng của Đấng Tạo Hoá cho con người, được uỷ thác cho sự hiểu biết và trách nhiệm của con người. Vì thế con người không thực hiện một hành vi trái phép khi can thiệp để thay đổi một vài đặc trưng của thiên nhiên, miễn là tôn trọng trật tự, vẻ đẹp và ích lợi của mỗi sinh vật cũng như vai trò của nó trong hệ sinh thái. Những sự can thiệp của con người trở nên đáng trách khi làm tổn hại các sinh vật hoặc môi trường thiên nhiên; trái lại, những can thiệp để cải thiện chúng là điều đáng khen (số 472-480).

6. Vấn đề môi trường cho thấy rõ sự cần thiết phải phối hợp các chính sách phát triển với chính sách môi trường, ở cấp quốc gia và quốc tế. Việc soạn thảo kế hoạch phát triển kinh tế phải chú ý đến bổn phận tôn trọng sự toàn vẹn và những nhịp độ của thiên nhiên, bởi vì các tài nguyên thiên nhiên thì có hạn và một số tài nguyên không thể phục hồi. Mỗi hoạt động kinh tế sử dụng các tài nguyện thiên nhiên cũng cần phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và dự phòng những phí tổn, và những phí tổn này cần được tính như một mục các phí tổn của hoạt động kinh tế (số 469-470).

7. Vấn đề môi trường đòi hỏi phải hoạt động tích cực cho sự phát triển toàn diện và liên đới của những miền nghèo nhất của địa cầu. Về vấn đề này, giáo huấn xã hội mời gọi hãy nhớ rằng các tài sản trên mặt đất đã được Thiên Chúa tạo dựng để cho tất cả mọi người sử dụng cách khôn khéo: những tài nguyên cần được chia sẻ đồng đều, theo công bằng và bác ái. Trong việc thực hiện sự phát triển toàn diện và liên đới, nguyên tắc “các tài sản nhằm phục vụ tất cả mọi người” cung cấp một định hướng căn bản về luân lý và văn hóa, để giải quyết nỗi khúc mắc phức tạp gắn liền vấn đề môi trường với nghèo đói (số 481-485).

8. Vấn đề môi trường đòi hỏi sự hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường, qua việc phê chuẩn các thoả ước đã được luật quốc tế đề ra. Trách nhiệm đối với môi trường cần được diễn tả ra những biện pháp pháp lý. Nội dung của luật pháp về môi trường lành mạnh cần được soạn thảo hợp với những đòi hỏi của điều thiện chung, và trong ý định du nhập kể cả các chế tài cho những ai gây ra ô nhiễm (số 468).

9. Vấn đề môi trường thôi thúc một sự thay đổi não trạng dẫn đến những nếp sống mới. Những nếp sống này cần được hướng dẫn bởi đức thanh đạm, điều độ, khắc kỷ trên bình diện cá nhân và cộng đồng. Cần thoát ra khỏi cái luận lý chỉ biết tiêu thụ, và cổ võ những hình thức sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ biết tôn trọng trật tự của các thụ tạo, và làm thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng của mọi người. Thái độ ấy sẽ gia tăng ý thức về sự lệ thuộc lẫn nhau giữa tất cả mọi người trên địa cầu (số 486).

10. Vấn đề môi trường cũng đòi hỏi một đáp trả trên bình diện linh đạo, được nuôi dưỡng bởi lòng xác tín rằng tạo dựng là một ân huệ mà Chúa đã đặt vào bàn tay có trách nhiệm của con người để được sử dụng và âu yếm chăm sóc. Thái độ căn bản của con người đối với tạo dựng là lòng biết ơn: thật vậy, thế giới này đưa con người về với mầu nhiệm Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và nâng đỡ nó. Nếu cắt đi mối tương quan của thiên nhiên với Thiên Chúa, thì nó sẽ trở nên nghèo nàn. Ngược lại, nếu biết tái khám phá thiên nhiên như là thụ tạo, thì ta có thể thiết lập với nó một tương quan thông diễn, nắm bắt được ý nghĩa biểu trưng của nó, đi sâu vào chân trời mầu nhiệm, mở cánh cổng cho con người hướng đến Thiên Chúa. Con người sẽ nhận thấy thế giới như là dấu vết của Thiên Chúa, nơi Ngài biểu lộ quyền năng tạo dựng, quan phòng và cứu chuộc (số 487).

Phụ thêm: Những văn kiện của Giáo hội về môi trường 


A. Các giáo hoàng và công đồng

  1. ĐGH Piô XII, Sứ điệp truyền thanh Col cuore, AAS 48 (1956), pp. 31-33.
  2. ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Mater et magistra (1961), số 196-197.
  3. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium (1964), số 36, 41 và 48.
  4. ________, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes (1965) số 34, 36, 37, 57 và 69.
  5. ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (1967), số 17, 22, 25, 27-28.
  6. ________, Diễn từ tại Tổ chức Lương nông Quốc tế (16-11-1970).
  7. ________, Tông thư Octogesima adveniens (1971), số 21.
  8. ________, Diễn từ tại Hội nghị quốc tế về môi trường (1-6-1972).
  9. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris hominis (1979), số 8, 15-16.
  10. ________, Diễn từ tại LHQ về môi trường, Nairobi (18-8-1985).
  11. ________, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (1988), số 26, 29, 30, 34, 48.
  12. ________, Thông điệp Centesimus annus (1991), số 37-38, 40, 52.
  13. ________, Thông điệp Evangelium vitae (1995), số 10, 27, 42.
  14. ________, Tông huấn Ecclesia in America (1999), số 25.
  15. ________, Sứ điệp ngày hoà bình thế giới năm 1990: “Hoà bình với Đấng Tạo hoá, hoà bình với mọi loài thụ tạo”.
  16. ________, Diễn từ tại Hội nghị quốc tế về “Môi trường và sức khoẻ” (24-3-1997)
  17. ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (2009), số 48, 50, 51, 61.
  18. ________, Sứ điệp ngày hòa bình thế giới năm 2010: “Nếu muốn hoà bình, hãy giữ gìn tất cả thụ tạo”.

B. Các tài liệu khác

  1. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992), số 226; 279-314; 337-349; 373; 2415-2418; 2432.
  2. Pontifical Council for Justice and Peace, From Stockholm to Johannesburg. An Historical Overview of the Concern of the Holy See for the Environment 1972-2002, (Vatican City 2002).
  3. Như đã thấy trong bài này, các văn kiện của Huấn quyền về môi trường được tổng hợp trong Sách Toát lược Học thuyết xã hội của Giáo hội do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2005, ở Chương Mười dưới tựa đề “Bảo vệ môi trường” (số 451-487) gồm bốn đoạn: 1/ Khía cạnh Kinh Thánh. 2/ Con người và vạn vật. 3/ Khủng hoảng trong tương quan giữa con người và môi trường. 4/ Trách nhiệm.
  4. Đó là chưa kể các văn kiện của các Hội đồng Giám mục thuộc nhiều đại lục và quốc gia, được trưng dẫn trong thông điệp Laudato si.
  5. Nên biết là để giải quyết các vấn đề môi sinh, thông điệp này không chỉ trưng dẫn các bản văn Huấn quyền liên quan trực tiếp, nhưng còn nhắc lại những nguyên tắc của Giáo huấn xã hội để tìm ra chìa khóa giải quyết, chẳng hạn như: nguyên tắc công thiện (số 156-158), các tài nguyên được dành cho hết mọi người (số 93), bổ trợ (số 157, 196), liên đới (số 14, 58, 142, 158, 159, 172, 210, 227, 240).
_____
[1] TGM Trieste (Italia), nguyên Tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình. Bài viết La questione ambientale nella dottrina sociale della Chiesa 9-5-2009. Nguồn: http://www.fondazionegiovannipaoloii.org/default.asp?id=189
[2] Đây không phải là chuyện chơi chữ, nhưng là chuyện ý nghĩa các từ ngữ. “Thiên nhiên” dịch bởi nature: danh từ này vừa có nghĩa là “cảnh vật” thiên nhiên (trời mây, đất nước, cây cối), vừa có nghĩa là “bản tính” của vật (do Đấng Tạo hoá đã ấn định). Nature còn được dịch sang tiếng Việt là “tự nhiên” (cái gì tự nó phát sinh, không có căn do). Một từ ngữ gần giống như vậy là creation quen dịch là “tạo dựng” (vừa ám chỉ chính sự tạo dựng, và ám chỉ kết quả của nó, tức là những vật được tạo nên). Trong khi từ “thiên nhiên” tự nó không nói gì đến Thiên Chúa, từ “tạo dựng” giả thiết một nguyên nhân tác thành [ND].
[3] Thông điệp Centesimus annus (số 38) nêu bật sự liên hệ giữa “sinh thái môi trường” (écologie environnementale) và “sinh thái nhân bản” (écologie humaine).

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

KHÔNG CÓ MÔI SINH LUẬN NẾU KHÔNG CÓ NHÂN LUẬN TƯƠNG XỨNG

Thời sự Thần học - số 69 tháng 8/2015, tr. 173-190

_Đức cha Juan Antonio Reig Pla_[1]

Ngày 26/6/2015, khi giới thiệu thông điệp Laudato si’ cho giáo phận, vị giám mục đã lấy một đoạn văn của chính thông điệp làm tựa đề “Không có môi sinh luận (ecologia) nếu không có nhân luận (anthropologia) tương xứng” (LS 118), để mời gọi đào sâu các khái niệm “môi sinh toàn diện”, “môi sinh nhân bản” dựa trên giáo huấn cổ điển của Giáo hội. Có thể đọc thông điệp từ những viễn cảnh khác nhau. Bài này nhấn mạnh đến khía cạnh thần học, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nhân luận Kitô giáo dưới ánh sáng lịch sử cứu độ. Sau đây là dàn bài:

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

THẦN HỌC SINH THÁI

Thời sự Thần học – Số 17 – Tháng 9/1999, tr. 50-59

_Phương Nam_


Xem ra từ ngữ “Thần học sinh thái” (THST – ecotheology) có vẻ “lạ tai”, bởi lẽ thần học vốn bị xem là một khoa học nghiên cứu về thần thánh – Thiên Chúa. Theology, “Theos” (Chúa) và “Logos” (Lời) tức là bàn về Thiên Chúa. Nhưng thực ra cũng cần phải xác định một điều: ngay từ ban đầu, mọi tạo vật đã được Thiên Chúa dựng nên và trong tình trạng tốt đẹp (St 1). Tạo vật đó chính là chiếc nôi tinh tuyền, là “sinh thái” để Thiên Chúa thực hiện cứu độ và giải thoát con người. Trái đất và muôn loài được giao cho con người để cai quản và phát triển. Con người có trách nhiệm về định mệnh của hành tinh nhỏ bé mà mình đang cư ngụ đây. Nhưng ngày nay tạo vật đó không còn là chiếc nôi tinh tuyền thuở ban đầu. Con người phải chịu trách nhiệm về điều này.