Hiển thị các bài đăng có nhãn Luân lý chính trị. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Luân lý chính trị. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH VỀ CHÍNH TRỊ

Thời sự Thần học – Số 87, tháng 2/2020, tr. 160-185.

_ Enrique Castillo Corrales_

Tác giả là linh mục, giáo sư đại học Javeriana, Colombia. Bài viết trình bày Giáo huấn của Giáo hội phổ quát và của các Giám mục Mỹ châu Latinh trong khuôn khổ chuẩn bị Đại hội các giám mục của lục địa này tại Aparecida năm 2007. Ban biên tập chỉ giới hạn vào những văn kiện có liên quan đến Giáo hội phổ quát.

Nguồn: La doctrina actual de la Iglesia acerca de lo político, in: “Theologica Xaveriana” 158 (2006) 229-256.

Chúng tôi không muốn trình bày tất cả Giáo huấn xã hội liên quan đến vấn đề chính trị xưa nay[1], nhưng chỉ giới hạn vào những văn kiện gần đây:

1/ Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (11/10/1992)
2/ Ghi chú đạo lý về việc dấn thân của người Công giáo vào đời sống chính trị, của Bộ Giáo lý đức tin (24/11/2002)
3/ Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội, do Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình (2/4/2004) biên soạn
4/ Bản toát yếu Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (28/6/2005)
5/ Thông điệp Deus caritas est của ĐGH Bênêđictô XVI (25/12/2005)

Viết tắt. GLCG = Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. TLHT = Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội.


I. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo

Chúng ta có thể tóm tắt đạo lý của sách GLCG về chính trị vào bốn vấn đề thần học:

1/ Nhân luận thần học. Hai lời khẳng định: a) việc loan báo Tin Mừng cần phải nhắm đến toàn thể bản chất con người, trong đó gồm cả chiều kích chính trị[2]; b) bản tính ấy đã bị “tổn thương” do tội lỗi[3].

2/ Kitô học, với hai điểm bổ túc cho nhau: a) nhớ rằng nhiều người đương thời với Đức Giêsu đã có một quan niệm trần tục về Đấng Mêsia (x. Mt 22,41-46) mang bản chất chính trị (x. GLCG 439); b) việc kết án Đức Giêsu có pha lẫn động lực chính trị, bởi vì Thượng Hội Đồng nộp Đức Giêsu cho người Rôma với lời tố cáo về tội gây rối chính trị (x. Lc 23,2), được đặt ngang với ông Baraba can tội bạo động (Lc 23,19). Các thượng tế cũng sử dụng những đe dọa chính trị để làm áp lực buộc ông Philatô kết án Đức Giêsu (x. Ga 19,12.15-21) (x. GLCG 596).

3/ Giáo hội học. Dân Thiên Chúa có những đặc trưng khác với tất cả các nhóm chính trị trong lịch sử, cũng như tất cả các nhóm tôn giáo, dân tộc và văn hóa khác (x. GLCG 782).

4/ Giáo luật. Dựa trên Công đồng Vaticanô II (Gaudium et spes, số 76) và thông điệp Centesimus annus (số 45 và 46), sách GLCG khẳng định rằng “sứ mạng và thẩm quyền của Giáo hội không thể nào lẫn lộn với cộng đồng chính trị” (số 2245). “Hội thánh có sứ vụ đưa ra phán đoán luân lý, cả trong những vấn đề liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền lợi căn bản của con người hay ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi, bằng cách sử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Tin Mừng và hòa hợp với lợi ích của mọi người, tùy theo các thời đại và hoàn cảnh khác nhau” (GLCG 2246; trích dẫn Gaudium et spes, số 76e).

Mặt khác, sách GLCG đưa ra ít là sáu tiêu chuẩn mục vụ liên quan đến hoạt động chính trị, mà chúng ta có thể tóm lại như sau:

1/ Vai trò của giáo dân. Các giáo dân có quyền lợi và sáng kiến để khám phá và phát minh ra những phương tiện khác nhau để “thấm nhập” đời sống chính trị phù hợp với những đòi hỏi của đạo lý và đời sống Kitô giáo (số 899). Điều này bao hàm quyền lợi được tạo ra những hiệp hội và tổ chức tư lập (số 1882) mang tính chính trị, ở trong mỗi quốc gia cũng như trên bình diện toàn cầu. Điều này có nghĩa là các giáo dân được thúc giục thành lập các đảng phái và phong trào chính trị. Về điểm này, sách GLCG nhấn mạnh đến trách nhiệm và sự tham gia của mỗi người tùy theo địa vị và vai trò đang đảm nhận (số 1913), nghĩa là “với trách nhiệm cá nhân” (số 1914). Điều này có nghĩa là các giáo dân được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống công, theo những cách thức khác nhau tùy nơi (số 1915).

2/ Về việc thi hành quyền bính. Sách GLCG cho rằng những khác biệt về thể chế chính trị là điều có thể chấp nhận được, “miễn là các thể chế này phục vụ lợi ích chính đáng của cộng đồng đã thừa nhận chúng” (số 1901). Chính quyền không được xử sự cách chuyên chế, không được ban hành những luật bất công (số 1902). Sách GLCG cũng nhìn nhận có những đe dọa cho nền tự do, và ghi nhận rằng, “những điều kiện về trật tự kinh tế và xã hội, chính trị và văn hóa cần thiết để thực thi tự do cách chính đáng, rất thường không được biết tới và bị vi phạm” (số 1740). Vì thế, theo thông điệp Centesimus annus (số 44), cần có sự cân bằng giữa các quyền lực trong tổ chức hiến pháp của mỗi quốc gia (GLCG số 1904).

Cuối cùng, “quyền bính chính trị có nghĩa vụ tôn trọng những quyền lợi căn bản của con người” (số 2237), và bảo đảm cho “những quyền lợi chính trị gắn liền với tư cách công dân … được công nhận theo các đòi hỏi của công ích” (ibidem). Mặt khác, sách GLCG nhìn nhận rằng “chính quyền có quyền lợi và bổn phận phải điều hợp việc thi hành quyền tư hữu sao cho phù hợp với công ích (số 2406. Điều này dựa trên đạo lý của Công đồng Vaticanô II (Gau­dium et spes, số 71d) và các thông điệp Sollicitudo rei sociales (số 42) và Centesimus annus (số 40 và 48). Nhà nước cũng có trách nhiệm trong hoạt động kinh tế, và cụ thể, đối với vấn đề lao động (GLCG số 2431), dựa trên giáo huấn của thông điệp Centesimus annus (số 48).

3/ Công ích. Công ích được hiểu trong tương quan với nhân vị (GLCG số 1905) và được định nghĩa dựa theo Công đồng Vaticanô II (Gaudium et spes số 26a và 74a). Công ích bao hàm ba yếu tố: tôn trọng nhân vị đúng nghĩa; đòi hỏi sự thịnh vượng xã hội và sự phát triển; hòa bình (GLCG số 1906-1909). Công ích được thực hiện cách trọn vẹn hơn cả trong cộng đồng chính trị (số 1910), và cũng mang theo một chiều kích hoàn cầu (số 1911). Nói cho cùng, công ích phải nhắm tới sự thăng tiến con người, được đặt nền trong chân lý, được xây dựng trên công bằng, được sinh động nhờ tình yêu (số 1912). Liên quan đến công ích, sách GLCG nhắc lại đạo lý của thánh Tôma Aquinô, đó là lề luật phải phù hợp với lẽ phải (số 1902, trích dẫn Summa Theologiae I-II, q.93, a.3 ad 2).

4/ Liên quan đến việc thực hành hoạt động chính trị, sách GLCG nhắc nhở các công dân về các nghĩa vụ yêu tổ quốc (số 2239), phục tùng chính quyền, bao gồm cả việc cầu nguyện cho họ (số 2240). Điều này có nghĩa là hoạt động chính trị một cách có trách nhiệm (số 1915). Các thành viên xã hội cũng có nghĩa vụ hối cải không ngừng, phải kết án nghiêm ngặt sự gian lận và những mánh lới khác (số 1916). Đối lại, trong mọi hoạt động chính trị, những người đang nắm giữ quyền bính có bổn phận khẳng định các giá trị đem lại sự tín nhiệm của các thành viên trong tập thể (số 1917).

5/ Về “vấn nạn lương tâm”. Đứng trước những luật bất công, Giáo hội, theo tiêu chuẩn do thánh Phêrô đưa ra trước mặt Thượng Hội đồng (Cv 4,19-20), đòi hỏi quyền được bất tuân hành dựa theo lương tâm (số 2242). Hơn thế nữa, sách GLCG vẫn chấp nhận quyền phản kháng bạo quyền, theo ngôn ngữ của thần học kinh viện, chống lại sự áp bức, miễn là hội đủ 5 điều kiện đã được đặt ra[4].

6/ Tôn trọng tự do tín ngưỡng. Theo tuyên ngôn Dignitatis humanae của Công đồng Vaticanô II (số 2), tự do tín ngưỡng không có nghĩa là được phép đi theo sự sai lầm[5], lại càng không thể nhìn nhận cho sự sai lầm cũng có quyền lợi[6], nhưng là một quyền lợi tự nhiên của nhân vị được hưởng tự do dân sự trong phạm vi tín ngưỡng, nghĩa là không bị cưỡng bách từ bên ngoài, trong những giới hạn chính đáng, về phía chính quyền. Quyền lợi tự nhiên cần được nhìn nhận trong hệ thống pháp luật của xã hội ngõ hầu trở thành một quyền lợi công dân (GLCG số 2108). Tự nó, quyền này không thể nào là vô giới hạn, cũng không được quan niệm theo chủ nghĩa duy thực nghiệm (số 2109).

II. Bản ghi chú đạo lý của Bộ giáo lý đức tin

Về một số vấn đề liên quan đến việc tham gia của người công giáo vào đời sống chính trị.[7]

Bản ghi chú này tiên vàn hướng đến các giám mục, kế đến là các nhà chính trị công giáo, và thứ ba là tất cả các giáo dân công giáo “được mời gọi tham gia vào đời sống công và chính trị trong các xã hội dân chủ” (lời dẫn đầu).

Văn kiện mở đầu với lời khẳng định rằng, việc dấn thân chính trị của người Kitô hữu là một chuyện thường hằng trong lịch sử ngay từ cổ thời, như chứng từ của Bức thư gửi ông Diognetus; điều này được ĐGH Gioan Phaolô II phê chuẩn khi tôn thánh Thomas More làm bổn mạng những người cầm quyền và chính trị gia, và đã tuyên bố rõ ràng trong tông huấn Christifideles laici (Số 42).

Sự tham gia này mang tính cách khẩn trương trong các xã hội dân chủ; tuy nhiên, tại nhiều nơi, có những trường hợp phức tạp, vì thế Bộ Giáo lý Đức tin xét thấy thích hợp khi xuất bản Ghi chú này, dựa theo sách GLCG (x. số 1), và tập trung vào vài điểm hiện đang gây tranh cãi với các chủ trương của thuyết tương đối văn hóa và đa nguyên luân lý (số 2). Những chủ trương này chẳng liên quan gì đến “tự do hợp pháp mà các công dân Công giáo trong việc chọn lựa những đường hướng chính trị có thể hòa hợp với đức tin và luật luân lý tự nhiên” (số 3). Giáo hội không có nhiệm vụ đề nghị một giải pháp duy nhất có thể coi là chấp nhận được cho các vấn đề thế tục mà Thiên Chúa đã để cho mỗi người tự quyết định dựa theo sự phán đoán tự do và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Hội thánh có quyền và bổn phận cung cấp một sự phán xét về mặt luân lý cho các vấn đề trần thế khi đức tin và luật luân lý đòi hỏi.

Lương tâm Kitô hữu được đào tạo sẽ không cho phép ủng hộ bất cứ chương trình chính trị hoặc luật lệ “chứa đựng những đề nghị trái nghịch với nội dung căn bản của đức tin và luân lý” (số 4). Trong số các điểm ấy, văn kiện kể ra những lập trường không thể nào chấp nhận được: phá thai, an tử, những hình thức nô lệ mới; trái lại, người tín hữu phải cổ vũ sự bảo vệ bào thai, gia đình, giáo dục con cái, bảo vệ trẻ vị thành niên, kinh tế và hòa bình, tẩy chay bạo lực và khủng bố (ibidem).

Văn kiện chứa đựng một phụ lục về sự tự trị (laicidad): quan niệm này được hiểu như sự tự trị của lãnh vực dân sự và chính trị khỏi lãnh vực tôn giáo và giáo dục, chứ không hiểu như là tự trị về luân lý. Tự trị là một giá trị được Giáo hội nhìn nhận, nhưng điều này không có nghĩa là loại bỏ Kitô giáo khỏi các cuộc thảo luận (số 6).

III. Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội

Sách Tóm lược này đề cập đến vấn đề chính trị rộng hơn cả. Ngay từ số đầu tiên, văn kiện trích dẫn thông điệp Redemptoris missio (số 11) nói đến nguyên tắc thần học căn bản của “ơn cứu độ toàn diện, bao trùm toàn thể con người và toàn thể mọi người” (TLHT số 1). Nguyên tắc này thấm nhuần toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo hội, “muốn cống hiến một cái nhìn toàn diện và một sự hiểu biết đầy đủ về con người” (TLHT số 522), và đương nhiên là bao hàm vấn đề chính trị. Nguyên tắc thần học căn bản vừa nói được bổ túc bởi tiêu chuẩn nhân luận thần học về bản tính sa ngã của con người (TLHT số 27).

Việc trình bày tư tưởng Kinh Thánh như là nền tảng của học thuyết xã hội bao gồm một cuộc học hỏi Cựu Ước về ý nghĩa của giao ước, liên quan đến đời sống chính trị của Israel (số 24), và bước sang Tân Ước, về tương quan của Chúa Giêsu với nhà cầm quyền chính trị đương thời, cũng như loại trừ ý tưởng về Đấng Mêsia chính trị (số 379). Sách TLHT cũng nghiên cứu về ý nghĩa của Vương triều Thiên Chúa trong tương quan với đời sống chính trị để tách rời hai khái niệm, và nhấn mạnh “Vương triều Thiên Chúa không thể nào nắm bắt được từ viễn ảnh của một tổ chức chính trị nào cụ thể và nhất định; nhưng nó được tỏ hiện nơi sự phát triển một ý thức sống chung xã hội của con người, như một chất men làm cho con người được phát triển trọn vẹn, sống công bằng và liên đới, cởi mở với cõi Siêu việt như là điểm quy chiếu cho sự thành tựu đầy đủ của bản thân” (số 51).

Dưới khía cạnh thần học, sách TLHT đã xác định ba mối tương quan cần được học hỏi chặt chẽ với nhau:

1/ Giữa đức tin và thực tại chính trị, dựa trên nguyên tắc là “đức tin không chủ trương giam hãm các thực tại chính trị và xã hội vốn luôn thay đổi trong một khuôn khổ đóng kín”[8]; trái lại, “đức tin là men của sự thay đổi và sáng tạo”.[9]

2/ Giữa nhiệm cục cứu độ và chính trị, bởi vì Giáo hội muốn đem Tin Mừng như men trong xã hội nhân loại, cho nên chính trị không phải điều gì xa lạ đối với sứ điệp và nhiệm cục cứu độ”[10].

3/ Giữa Giáo hội và việc loan báo Tin Mừng cho chính trị. Giáo hội đòi hỏi quyền lợi (chứ không phải ân huệ) được loan báo Tin Mừng trong lãnh vực xã hội, bao gồm cả chính trị (số 70).

Dĩ nhiên, sách TLHT nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chính trị trong học thuyết xã hội của Giáo hội, và nhắc nhớ vai trò tiên phong của ĐGH Lêô XIII (số 521), rồi nêu bật tầm trọng của Công đồng Vaticanô II, đặc biệt khi phân tích những gì liên quan đến cộng đồng chính trị[11]; rồi đến huấn quyền của ĐGH Phaolô VI (số 99 và 100), huấn quyền xã hội của ĐGH Gioan Phaolô II, đặc biệt là thông điệp Centesimus annus (số 101-103).

Để tóm lại giáo huấn của sách TLHT về chính trị, chúng tôi xin gom lại vào 7 tiết mục, tất cả đều ít nhiều dựa trên 5 nguyên tắc của học thuyết xã hội của Hội thánh: công ích, các tài nguyên được dành cho mọi người, bổ trợ, tham gia và liên đới[12]; và ba chân lý nền tảng của đời sống xã hội: chân lý, tự do, công bình[13]. Bảy tiết mục đó như sau:

1. Nền tảng Kitô giáo của chính trị. Nền tảng này thuộc về nhân luận, đó là: phẩm giá con người. Con người không chỉ là cá thể (số 391), nhưng là một “bản tính có trí tuệ và tự do”[14], theo như tất cả các nguồn mạch của học thuyết xã hội của Hội thánh[15]. Chiều kích xã hội cũng nằm trong bản tính con người, nó là một yếu tố thiết yếu (số 384).

Từ đó, cần phải xem cộng đồng chính trị như là một thực tại “phù hợp với bản tính con người” và cần thiết để thực hiện công ích[16]. Việc nghiên cứu điểm nền tảng này đưa tới nghĩa vụ phải bảo vệ và thăng tiến các quyền lợi con người[17], và nó trở thành tiêu chuẩn để phê phán xem một cộng đồng chính trị có được đặt trên nền tảng vững chắc hay không (số 391).

2. Khía cạnh luân lý của tất cả mọi hành động chính trị. Thực hành chính trị không có mục đích nào khác ngoài việc chu toàn điều răn yêu thương, “cấu thành luật sống của dân Thiên Chúa”[18]. Luật yêu thương phải “gợi hứng, thanh lọc và nâng cao tất cả mọi tương quan giữa con người trong đời sống xã hội và chính trị” (số 33). Khía cạnh luân lý được sách TLHT đặt tên là “con đường bác ái”, giả thiết và vượt lên đức công bình (số 206). Nó giúp chúng ta yêu mến công ích, và tìm kiếm điều thiện hảo của tất cả mọi người, được nhìn không chỉ như là những cá nhân, mà còn trong chiều kích xã hội, nghĩa là chính trị, liên kết các cá nhân với nhau (số 207).

Từ đó, tất cả học thuyết xã hội của Hội thánh nhằm tới việc xây dựng một nền văn minh tình thương (số 575-583), và trong bối cảnh này, có thể nói đến “bác ái chính trị”[19] cần phải được mở rộng ra đến toàn thể nhân loại[20]. Khía cạnh luân lý này mang một tầm quan trọng đặc biệt cho mọi chính sách liên quan đến hiện tượng nghèo khổ dưới mọi hình thức[21].

3. Tương quan giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị khởi đi từ việc nhìn nhận sự tự trị và lệ thuộc lẫn nhau[22], điều mà dưới góc độ lịch sử phải được xem như một sự chinh phục đặc thù của Kitô giáo (số 50).

Sự tự trị hỗ tương không kèm theo một sự tách biệt đến nỗi loại trừ sự hợp tác (số 425). Điều này hàm ngụ sự “nhìn nhận pháp lý sự hiện diện của Hội thánh, và sự tự do phát biểu, giảng dạy, loan báo Tin Mừng, thực hành việc phụng tự công khai, tự do tổ chức và điều hành nội bộ; tự do lựa chọn, đào tạo, bổ nhiệm, thuyên chuyển các nhân viên; tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo; tự do thủ đắc và sở hữu những tài sản cần thiết cho hoạt động của mình; tự do lập hiệp hội không chỉ vì mục tiêu tôn giáo mà còn là giáo dục, văn hóa, sức khỏe và bác ái.”[23]

4. Vài nguyên tắc Kitô giáo cho mọi hành động chính trị. Giáo hội đi từ việc chấp nhận nguyên tắc thế tục (principio de laicidad) bao gồm việc Nhà nước tôn trọng các tôn giáo[24], nhưng không chấp nhận chủ trương duy thế tục (laicismo) bất khoan dung muốn gạt Giáo hội ra bên lề[25]. Vì thế Giáo hội nhìn nhận sự cần thiết của quyền bính chính trị (TLHT số 393) để bảo đảm một cuộc sống trật tự yên ổn cho cộng đồng trong việc tìm kiếm công ích[26].

Về phần mình, chính quyền phải thừa nhận rằng, chủ quyền thuộc về nhân dân, tuy nhiên chỉ duy sự thỏa thuận của nhân dân thì chưa đủ để việc hành sử quyền bính chính trị được coi là chính đáng (TLHT số 395).

Mặt khác, Kitô giáo nhấn mạnh rằng cộng đồng chính trị “đạt được chiều kích đích thực của mình nhờ biết tham khảo nhân dân” (TLHT số 385), nhưng hiểu rằng “nhân dân không phải là một đám đông không có hình thù, một quần chúng thụ động, dễ bị điều khiển và thao túng, nhưng là một tập thể những con người, trong đó người nào cũng có thể có ý kiến riêng về các vấn đề chung và được tự do bày tỏ những quan điểm chính trị riêng của mình, đồng thời tận dụng những ý kiến và quan điểm ấy để tìm lợi cho công ích”.[27]

Sau cùng, tuân theo một truyền thống được lãnh nhận từ các thánh Tông đồ, Giáo hội dạy rằng, các Kitô hữu có nghĩa vụ phục tùng chính quyền, không phải cách thụ động nhưng vì lý do lương tâm[28]; và cầu nguyện cho các nhà cầm quyền, ngay cả trong thời kỳ chịu bách hại[29].

5. Nhiệm vụ của Nhà nước và chính quyền. Giáo hội nhấn mạnh Nhà nước cũng như chính quyền hiện hữu là vì có trách nhiệm tìm kiếm công ích. Công ích được hiểu như là “điều tốt cho tất cả mọi người và cho toàn thể con người”[30], với những thay đổi tùy theo thời thế và nơi chốn (TLHT số 167-168), tuy vẫn luôn luôn bao hàm nghĩa vụ hòa hợp cách công bằng những ích lợi của các nhóm (số 169), và nhắm đến việc tạo ra một môi trường nhân sinh, trong đó các công dân có khả năng hành xử các quyền lợi của con người và thi hành các nghĩa vụ tương ứng (số 389). Cả hai nhiệm vụ này thường được chu toàn dễ dàng hơn trong một chính thể dân chủ[31].

Từ việc mưu cầu công ích, nảy sinh nhiều hệ luận mà chúng tôi chỉ kể ra vài thí dụ:

- Một chính sách kinh tế đúng đắn (số 352-355), điều này bao hàm việc kiểm soát tư sản phù hợp với nguyên tắc mục tiêu phổ quát của tài sản (số 176-181) và việc nhìn nhận cho hết mọi người được quyền lợi lao động[32];

- Một chính sách dân số phù hợp với phẩm giá con người (số 483);

- Một chính sách đúng đắn về các phương tiện truyền thông xã hội, không bị chi phối bởi ý thức hệ hoặc thương mại (số 416);

- Một chính sách mưu cầu hòa bình, với sự trợ giúp quốc tế, được phối hợp với việc mưu cầu phát triển, vượt lên trên sự kém phát triển (số 442, 448 và 449).

Một cách tương tự như vậy, chính quyền phải cố gắng diệt trừ mọi hình thức tham nhũng (số 411); kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu công (số 355); luôn luôn phải đi tìm hòa bình như là một giá trị của tất cả cộng đồng chính trị (số 495); luôn luôn phải hành động với đức khôn ngoan, thận trọng và can đảm[33]; cần tôn trọng nguyên tắc bổ trợ, trái ngược với các hình thức trung ương tập quyền, hình thức bàn giấy, quan liêu, cứu trợ an sinh, hiện diện phi lý và quá đáng của bộ máy Nhà nước (số 187), mặc dù “một vài hoàn cảnh đặc biệt ngoại thường có thể khuyến khích Nhà nước giữ vai trò bổ khuyết” (số 188).

Một vài điểm mang tầm quan trọng đặc biệt vào thời nay là nghĩa vụ của Nhà nước và công quyền phải bảo vệ gia đình và những giá trị của nó[34]; cổ võ cuộc đối thoại và hợp tác không những giữa cộng đồng Kitô giáo với cộng đồng dân sự và chính trị, mà cả giữa các giáo hội và tôn giáo với nhau (số 534-537) cũng như sự sống chung dựa trên tình bằng hữu dân sự (số 390-392). Điều này mang theo sự bảo đảm cho hoạt động tự do của các đảng phái (số 413), tự do thông tin chính trị (số 414), sự thay đổi nhiệm kỳ của các cấp lãnh đạo (số 189).

6. Vai trò khác biệt giữa giáo dân và giáo sĩ. Trong lãnh vực chính trị, tuy Giáo hội vẫn tuyên bố tất cả các Kitô hữu, không trừ một ai, “đều được kêu gọi trở thành chủ động của việc chứng tá chính trị” (số 538), nhưng cũng phân biệt vai trò của giáo sĩ và tu sĩ.

Vì thế sách TLHT trở lại nguyên tắc cho rằng, các giáo dân là những người phải đảm nhận cuộc dấn thân chính trị (số 531), phục vụ chính trị (số 565) và hoạt động chính trị (số 551, 555, 565, 567 và 573). Trái lại, hoạt động chính trị của các giám mục, linh mục và tu sĩ cần phải phù hợp với sự phục vụ Giáo hội, và cần hướng đến việc giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo hội (số 539 và 540).

7. Vài hiện tượng chính trị đáng được quan tâm đặc biệt. Có thể nêu lên 5 lãnh vực: a) vai trò chính trị của cộng đồng quốc tế và của các tổ chức quốc tế (số 440-443); b) vấn đề chính trị của hiện tượng toàn-cầu-hóa và lệ thuộc lẫn nhau[35]; c) vấn đề môi sinh[36]; d) tự do tôn giáo (số 421-423); e) việc cải cách điền địa (số 299-300).

IV. Bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo

Mặc dù Sách Toát Yếu (viết tắt TY) không chính thức nêu lên một câu hỏi nào về việc chính trị, nhưng chúng ta gặp lại ở đây tiêu chuẩn nhân luận thần học, nhắc lại tình trạng của bản tính của con người bị tổn thương vì tội lỗi (TY số 77). Sách TY cũng dành một chương cho “cộng đồng nhân loại”[37], trong đó chúng ta thấy một khẳng định khác của nhân luận thần học, đó là chiều kích xã hội là “phần cốt yếu” của bản tính cũng như của sứ mạng con người (TY số 401-402), và dĩ nhiên bao hàm lãnh vực chính trị.

Thật đáng tiếc khi sách TY không đả động đến khía cạnh chính trị trong câu hỏi về ý nghĩa “Mêsia” của Đức Giêsu (số 82), cũng như khi giải thích lý do kết án Người (số 113). Sách TY cũng không ghi nhận rằng dân Thiên Chúa khác biệt với các nhóm chính trị khác (số 154).

Đối lại, Sách TY giải thích khá tốt một tiêu chuẩn trong việc tổ chức chính trị, đó là “nguyên tắc bổ trợ” [38] và nhắc lại tầm quan trọng của “bác ái như là giới răn xã hội cao trọng nhất, bởi vì nó đòi hỏi và giúp thực hiện đức công bình” (TY số 404).

Sách TY có hai câu hỏi liên quan đến cách thức mà các Kitô hữu tham gia vào đời sống chính trị (TY số 464 và 519) và ba câu hỏi về quyền bính chính trị và việc thực thi nó cách hợp pháp (TY số 405-406), trong đó nhắc lại bốn tiêu chuẩn căn bản của chính trị:

1. Quyền của các giáo dân được can thiệp “trực tiếp vào đời sống chính trị và xã hội, thấm nhuần các thực tại trần thế với tinh thần Kitô giáo (TY số 519), tôn trọng chính quyền, yêu mến và phục vụ tổ quốc, thực thi quyền bầu cử và nộp thuế (TY số 464).

2. Bổn phận của nhà cầm quyền là luôn sử dụng các “phương tiện hợp pháp về mặt luân lý” (TY số 406), nghĩa là tránh những thủ đoạn gian dối.

3. Tôn trọng nguyên tắc Nhà nước pháp trị (ibidem).

4. Các Kitô hữu có quyền lợi được bất tuân dân sự hoặc nại đến vấn nạn lương tâm trước những luật bất công[39].

Ngoài ra, sách TY tóm tắt đạo lý cổ truyền về ba điểm có ảnh hưởng đến chính trị: công ích (TY số 407-410), công bình xã hội (TY số 411-414), và giá trị luân lý của học thuyết xã hội của Giáo hội (TY số 509-512).

V. Thông điệp Deus caritas est

Trong thông điệp đầu tiên của ĐGH Bênêđictô XVI bàn về đức bác ái trong đời sống của Giáo hội, phần thứ hai được dành để bàn đến chính trị. Sau khi đã ôn lại lịch sử của huấn quyền Giáo hoàng về học thuyết xã hội (số 27), và bàn đến sự dấn thân cho công bằng, thông điệp viết rằng “trật tự công bằng của xã hội và quốc gia là trọng trách chính của chính trị” (số 28). Điều này cần được hiểu trong cơ cấu nền tảng của Kitô giáo, trong đó có sự phân biệt giữa điều gì thuộc về Cesar và điều gì thuộc về Thiên Chúa (x. Mt 22,31), nghĩa là giữa Nhà nước và Giáo hội, hoặc, như Công đồng Vaticanô II nói, việc “nhìn nhận sự tự trị của các thực tại trần thế”[40].

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

GIÁO HỘI VÀ CHÍNH QUYỀN

Những Quan Điểm Thần Học Từ Thời Các Giáo Phụ Đến Thời Trung Cổ

Thời sự Thần học – Số 87, tháng 2/2020, tr. 98-118.

_Gustavo Irrazábal_

Tác giả là linh mục giáo sư luân lý tại đại học công giáo Argentina, tác giả của nhiều tác phẩm như: Iglesia y democracia en el magisterio universal, latinoamericano y argentino (2014), Ética de la sexualidad (2012), El camino de la comunión. Introducción a la teología moral (2010).

Nguyên tác: La Iglesia y el Imperio. Vì khuôn khổ của bài báo, chúng tôi xếp đặt lại bố cục cho gọn gàng hơn, phân thành hai giai đoạn: thời các giáo phụ và thời trung cổ.
https://institutoacton.org/2016/08/23/la-iglesia-y-el-imperio-gustavo-irrazabal/

1. Thời các giáo phụ
1.1 Từ tôn giáo bị bách hại đến tôn giáo chính thức của Nhà nước
1.2 Từ tôn giáo chính thức đến tôn giáo được bảo hộ: chủ trương của Eusebiô
1.3 Sau khi đế quốc Rôma sụp đổ: học thuyết hai thành đô của thánh Augustinô
1.4 Học thuyết Gelasiô: quyền uy và quyền lực
2. Thời Trung cổ
2.1 Sự liên kết giữa Đế chế và Giáo hội dưới thời các vua Francs
2.2 Giáo hoàng dành lại việc bổ nhiệm chức sắc giáo hội
2.3 Thuyết hai thanh gươm của thánh Bênađô
Phụ lục: Ba mô hình thần học về tương quan giữa thế quyền và giáo quyền



Tân ước chỉ để lại vài câu nói rời rạc về thái độ của người tín hữu đối với chính quyền tựa như: “Trả lại cho Cêsar cái gì của Cêsar, trả lại cái gì của Thiên Chúa cho Thiên Chúa” (Mc 12,13-17), hoặc “Hãy tùng phục chính quyền” (Rm 13,5). Từ những đoạn văn như vậy, chắc chắn không thể nào xây dựng một học thuyết hệ thống về tương quan giữa Giáo hội và chính quyền. Học thuyết này thành hình tiệm tiến trong lịch sử Giáo hội, trải qua nhiều hoàn cảnh khó lường. Vào lúc đầu, các Kitô hữu chỉ là các công dân bình thường, và những câu Tân Ước vừa trưng dẫn đã đủ để hướng dẫn cuộc sống. Vấn đề được đặt ra kể từ khi Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của đế quốc Rôma. Vào lúc đầu, các hoàng đế tiếp tục vai trò theo truyền thống, nghĩa là bảo vệ tôn giáo. Hoàng đế Constantinô và những người kế vị cảm thấy bổn phận phải can thiệp vào các vấn đề tín lý, điển hình là cuộc tranh luận về lạc giáo Ariô, bởi vì sự rối loạn về đạo lý có nguy cơ làm xáo trộn ân ninh xã hội. Đây là chế độ được mang danh là cesaropapisme, được giám mục Eusêbiô Cêsarea hậu thuẫn. Thế nhưng với việc hoàng đế dời đô sang mạn Đông, thì mạn Tây bị bỏ ngỏ trước sự tấn công của quân “man di”, và Giám mục Rôma đảm nhận vai trò duy trì an ninh chính trị. Đây là cơ hội tốt để Giáo hội thoát lý khỏi sự bảo hộ của chính quyền, và thánh Augustinô đã nêu ra học thuyết về hai thành đô. Nguyên tắc sẽ được áp dụng vào thời Trung cổ trong cuộc tranh chấp giữa Giáo hội và những ông chủ mới của đế quốc Rôma. Học thuyết về hai quyền bính (thiêng liêng và thế trần, được phát biểu dưới hình ảnh hai thanh gươm) không khó chấp nhận, nhưng phải diễn tả thế nào trên thực tế: phải chăng đó là hai quyền bính song hành, hay bên này phải chịu sự điều khiển của bên kia?

Chúng ta hãy theo dõi sự tiến triển của những học thuyết về tương quan giữa Giáo hội và Đế quốc Rôma trải qua hai giai đoạn: thời các giáo phụ và thời trung cổ.

I. Thời các giáo phụ

1.1 Từ tôn giáo bị bách hại đến tôn giáo chính thức của Nhà nước

Tuy ý thức rằng mình sống trên trần thế với các tổ chức chính trị, nhưng các Kitô hữu tiên khởi không tỏ ra quan tâm lắm đến các thể chế ấy, bởi vì họ nóng lòng mong đợi Chúa quang lâm. Không lạ gì khi khó tìm được trong Tân Ước những nguyên tắc định hướng tổng quát về cách thức tổ chức xã hội trần thế.

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

KINH THÁNH VỚI CHÍNH TRỊ

Thời sự Thần học – Số 87, tháng 2/2020, tr. 61-97.

_Giorgio Jossa_

I. Chính trị trong Cựu Ước. 1) Những diễn biến lịch sử của Israel. 2) Các định chế chính trị. 3) Các khuôn mẫu chính trị. 4) Các ngôn sứ với chính trị. 5) Sự phân biệt giữa tôn giáo và chính trị.

II. Chính trị trong Tân Ước. 1) Tình hình chính trị vào thời Đức Giêsu. 2) Hoạt động của Đức Giêsu. 3) Câu chuyện nộp thuế. 4) Thánh Phaolô với chính trị. 5) Những bản văn khác của Tân Ước về chính trị. 6) Tân Ước có quan điểm chính trị nào hay không?

Nguồn: “Politica”, trong: Nuovo Dizionario di Teologia Biblica, Edizioni Paoline, Cinisello Balsamo 1988, p.1171-1189. Tác giả là giáo sư khoa lịch sử Kitô giáo cổ đại, đại học Napoli.


Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

THẦN HỌC CHÍNH TRỊ THẾ KỶ XX

Thời sự Thần học – Số 87, tháng 2/2020, tr. 40-60.

_Bozena Stencel, F.M.M._ 

Tác giả, một nữ tu dòng Phan-sinh Thừa sai, giảng viên thần học tại học viện thần học Manaus (Brasil), trình bày những ý nghĩa khác nhau của thuật ngữ “thần học chính trị” được sử dụng trong hai trào lưu chính của Carl Schmitt (đầu thế kỷ) và của Johann Baptist Metz (giữa thế kỷ), và nêu lên tính cách thời sự của nó.
Nguồn: Teologia política: la storia e l'attualitá di un concetto, in SEDOS BULLETIN 2014 vol. 46, n. 5-6, p.120-127.

Viết tắt: THCT (Thần học chính trị)

I. Khởi đầu: Carl Schmitt và Erik Peterson
II. Thập niên 60: Johann Baptist Metz và Jurgen Moltmann
III. Thần học giải phóng ở châu Mỹ Latinh
IV. Kết luận


Bài này muốn trình bày vài yếu tố của khái niệm thần học chính trị và những ý nghĩa liên quan đến thuật ngữ. Tuy mục tiêu của bài mang tính cách lý thuyết, nhưng tiến trình giải thích khái niệm có thể gợi lên vài ý tưởng và tiêu chuẩn về hoạt động của các Kitô hữu trong lãnh vực chính trị xã hội, cách riêng trên bình diện cá nhân.

THCT không phải là một khái niệm mới lạ. Nguồn gốc của nó đi lùi mãi đến thời Hy-lạp cổ đại, và đã mặc nhiều ý nghĩa khác nhau trải qua lịch sử, và vào cuối thể kỷ XX đã trở thành một chủ đề học thuật nổi tiếng. Khi phân tích khái niệm này, linh mục Carlos Corral Salvador S.J. nhận xét rằng, mặc dù nó không luôn luôn xuất hiện rõ ràng, nhưng nó đã cung cấp một chìa khóa để hiểu biết thực tại chính trị xã hội trải qua các thời đại, những cơ cấu quyền lực trong một bối cảnh nhất định nào đó[1]. Thực vậy, trong lịch sử Kitô giáo, các quan điểm về tổ chức chính trị đã thay đổi rất nhiều, từ chỗ chống lại việc tôn thờ các hoàng đế hoặc chống lại các chế độ độc tài trong thế kỷ XX, đến chỗ biện hộ hoặc hợp tác như là trong vài hình thức của thời Đế chế Kitô giáo và thậm chí trong một vài chế độ độc tài của thời cận đại.

Thời nay, THCT là một thuật ngữ đa nghĩa: có người hiểu là suy tư về chính trị dưới ánh sáng mặc khải; có người hiểu là cơ sở cho việc các Kitô hữu lãnh trách nhiệm trong môi trường chính trị mình đang sống; có người cho đây là sự lẫn lộn giữa tôn giáo và chính trị, đưa tới sự can thiệp của Giáo hội vào lãnh vực chính trị. Và cũng như thường xảy ra đối với câu chuyện ngôn ngữ, các ý nghĩa khác nhau của nó phản ánh những quan điểm và thái độ khác nhau về mối tương quan giữa đức tin và dấn thân xã hội, giữa tôn giáo và công dân, giữa Giáo hội và Nhà nước.

Khái niệm THCT có một lịch sử khá dài và phức tạp. Bài này chỉ tập trung vào các tác giả trong thế kỷ XX. 

I. Khởi đầu: cuộc tranh luận về Thần học chính trị giữa Carl Schmitt và Erik Peterson

Vào thập niên 20, Carl Schmitt, một luật gia và nhà nghiên cứu triết học ở Đức, đã xuất bản một tác phẩm mang tựa đề Thần học chính trị (Politische Theologie. Vier Kapitel zur Lehre von der Souveränität, Berlin 1922). Theo ông “tất cả những khái niệm quan trọng của học thuyết hiện đại về Nhà nước đều là những khái nhiệm thần học nhưng đã bị thế tục hóa”[2], và “cái khung siêu hình của mỗi thời đại để xây dựng thế giới cũng mang một cơ cấu giống y như hình thức tổ chức chính trị”[3]. Như thế ông Schmitt nhìn nhận một sự tương đồng giữa một bên là thế giới đức tin và bên kia là các hệ thống và cơ cấu chính trị, và ông muốn sử dụng sự tương đồng này như một dụng cụ khoa học để phân tích.

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

THẦN HỌC CHÍNH TRỊ TRẢI QUA LỊCH SỬ

 Thời sự Thần học – Số 87, tháng 2/2020, tr. 19-39.

_Michele Nicoletti_

Tác giả là giáo sư môn triết học chính trị tại đại học Trento, chủ tịch quốc hội của Liên hiệp châu Âu vào năm 2018, tác giả của nhiều tác phẩm về thần học và triết học chính trị. Trascendenza e potere: la teologia politica di Carl Schmitt, Morcelliana, Brescia: 1990; L. Sartori – M. Nicoletti (eds.), Teologia politica, EDB, Bologna 1991. Religion and Empire: Carl Schmitt's Kathechon between International Relations and the Philosophy of History, International Law and Religion ed. by M. Koskenniemi, M. García-Salmones Rovira and P. Amorosa, Oxford University Press, 2017. – Bài viết này trình bày những khái niệm đại cương về thần học và triết học chính trị: “Teologia politica” e filosofia politica, trong: www.millepiani.net/archivesfilosofici/2005/10/16/ michele_nicoletti_teologia_politica_e_filosofia_politica.html

I. Thuật ngữ: Thần học chính trị (teologia politica). Những ý nghĩa trải qua lịch sử
A. Nguồn gốc: Varrone (teologia mitica / fisica / politica)
B. Thời cận đại. 1/ Thế kỷ XVII-XVIII: tôn giáo dân sự (religion civile). 2/ Thế kỷ XIX: thần học chính trị
C. Thế kỷ XX. Hai khuynh hướng: 1/ Cổ điển (C. Schmitt). 2/ Tân thời (J.B. Metz)
II. Thực chất: Tương quan giữa tôn giáo và chính trị. Bốn mô hình
A. Tôn giáo chính trị (religione politica) của Hy-lạp cổ đại
B. Tôn giáo Nhà nước hay Quốc giáo (religione di Stato) của Kitô giáo thời Trung cổ
C. Tôn giáo dân sự (religione civile) của Cách mạng Pháp
D. Tách rời tôn giáo và chính trị. Mô hình của Hoa kỳ

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ CHÍNH TRỊ

Thời sự Thần học - Số 60, tháng 5/2013, tr. 162-205

Phan Tấn Thành

I. Luân lý Công giáo về chính trị.
  • A. Tiền đề: luân lý và chính trị.
  • B. Một thoáng nhìn các văn kiện Giáo huấn Xã hội về chính trị.
  • C. Quyền bính chính trị.
  • D. Chế độ dân chủ.
  • E. hính quyền và tôn giáo.
  • F. Người tín hữu giáo dân và chính trị.
II. Huấn quyền Giáo hội về chiến tranh và Hòa Bình.
  • A. Chiến tranh.
  • B. Hòa bình.
Chữ viết tắt.
  • GHXH : Giáo huấn Xã hội.
  • GLCG : Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.
  • TLHT : Sách Tóm lược Học Thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo.