Thời sự Thần học – Số 20, tháng 06/2000, tr. 106-111.
_Georges Theotis_
Mặc dù ở những cấp độ khác nhau, tất cả các tôn giáo đều quan tâm tới sự thinh lặng. Đối với các tôn giáo độc thần, thinh lặng là một cách thức để đạt tới Thiên Chúa, nhưng đối với Phật giáo, đây lại là một mục đích tự thân. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu vài quan niệm về sự thinh lặng trong các tôn giáo. Giáo sĩ chuyển dịch.
“Đa số các tôn giáo đều duy trì một mối liên lạc đặc biệt với sự thinh lặng”. Nó nằm ở trung tâm của kinh nghiệm về cái thánh thiêng. Cho dù theo đường lối khác nhau, nhưng lại gặp nhau ở những cách thức để hiểu và sống sự thinh lặng. Thinh lặng được coi như “phương thuốc trị liệu để tránh xao lãng tâm trí và là dấu chỉ cho thấy người thực hành đã vượt qua tâm trí”. Bộ luật của thánh Benoit, đặt nền móng cho lối sống đan tu Kitô giáo tây phương, đã truyền phải tránh “tội hay nói”. Và trong lịch sử của lối sống đan tu này, miệng lưỡi được coi như “cánh cửa rất nguy hiểm”. Vào thời Trung cổ, tu sĩ Guillaume Peyraut, dòng Đa Minh, đã xếp tội nói tào lao thành “mối tội đầu” thứ tám. Các tu sĩ Phật giáo cũng coi việc làm chủ lời nói là “một trong những giới luật quan trọng”.