Hiển thị các bài đăng có nhãn Thần học Tôn giáo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thần học Tôn giáo. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

SUY TƯ VỀ VĂN KIỆN TOÀ THÁNH “ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG MANG ĐẾN NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG”

Thời sự Thần học - Số 34, tháng 12/2003, tr. 73-100. 

👦Tất Trung - Minh Tuấn👨 


I. Dẫn nhập


Trong những năm gần đây, hiện tượng Thiền, Nhân Điện, Yoga... bắt đầu xuất hiện khá phổ biến trong sinh hoạt tâm linh của người Công giáo. Một số người ngay từ đầu đã dị ứng với những phương cách thực hành tâm linh “ngoại lai” này; số khác thì khăng khăng cho đây là những cách hành đạo có “màu sắc” tà ma ám khí, số nữa lại hồ hởi tiếp nhận vì coi đây chỉ là một trong những cách thế khai mở và tiếp cận tâm linh vốn rất am hợp với truyền thống Kitô giáo. Bên cạnh đó, theo nhận định của những Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm về Thiền, Yoga, Nhân điện..., phần đông đều khẳng định những cách thực hành tâm linh theo kiểu phương Đông này đều đem lại cho trực giác của mình những diệu cảm khó tả. Mặt khác, có người ban đầu chỉ đến với Thiền, Yoga, Nhân điện... như một phương dược trị liệu, nhưng sau một thời gian luyện tập, họ cảm nhận rằng những phương pháp tiếp cận tâm linh này cũng rất đắc dụng giúp họ thăng tiến đời sống tâm linh Kitô giáo.

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

NEW AGE TRONG VÒNG TRANH LUẬN : MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH

Thời sự Thần học - Số 34, tháng 12/2003, tr. 66-72. 

_Tsth biên tập_ 


Ngày 3 tháng hai, năm 2003, Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Văn hoá và Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Đối thoại liên tôn đồng công bố một văn kiện tổng quát về New Age.

Dưới đây là những ý kiến về văn kiện này của triết gia Michel Lacroix, của nhà thần học và nhân học Bernard Ugeux.

1. Michel Lacroix[1] : Một hồi chuông cảnh giác đúng lúc


Trước khi tiếp cận văn kiện này, nên có một câu hỏi trước : vào năm 2003, phải chăng còn cần nói đến New Age ? Phong trào văn hoá này ra đời ở Hoa Kỳ vào những năm 1960, nay phải chăng đã lỗi thời ? Một số người nghĩ như thế, nhưng chúng ta đừng lầm : nếu nhãn hiệu là thành viên của “New Age” thường bị nhiều người đương thời chối bai bải, thì vấn đề vẫn còn nguyên si đấy và lại còn “bám rể sâu” trong cảm tính tập thể. Nhiều cá nhân, tuy cứ “la toáng” lên là sao người ta lại kể họ vào số tín đồ của New Age, nhưng thực tế họ đã đồng hoá thâm sâu với New Age rồi. Những người ấy gắn chặt với những đề tài cơ bản : chờ đợi thiên niên, những chủ đạo dẫn dắt tâm trí, phát triển cá nhân, thượng tôn cái hoà đồng và nỗ lực nhằm mở rộng ý thức. Bốn mươi năm sau khi ra đời, New Age vẫn khoẻ mạnh. Chính vì thế, cần phải tiếp tục nói đến New Age.

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

GIỚI THIỆU VĂN KIỆN TÒA THÁNH VỀ NEW AGE

Thời sự Thần học - Số 34, tháng 12/2003, tr.50-65. 

_Trung Nguyễn biên tập_ 


I. BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC HỒNG Y PAUL POUPARD


1. Phong trào New Age đã được nói đến nhiều rồi, và sẽ còn được nói đến nhiều hơn nữa. Tôi đã từng xin chuyên gia Jean Vernette một mục cho “Các phong trào New Age” trong cuốn sách in lần thứ ba của tôi bằng tiếng Ý, Grande Dizionario delle Religioni (Từ điển giải thích các Tôn giáo). Trong mục này, ông miêu tả các phong trào này như sau : “Các phong trào New Age, tựa như một dòng sông cuồn cuộn chảy bắn tung toé những làn nước, là một hình thái đặc trưng của sự thức tỉnh tôn giáo hiện đại thành một lòng sùng đạo mới mang nhiều nét của “Ngộ đạo vĩnh cửu” (Piemme, 2000, p.1497-1498). Mới đây, một tờ báo Italia về văn hoá tôn giáo có tựa đề là Religioni e sette nel mondo (Các tôn giáo và Giáo phái trên thế giới, 1996, 1-2) mỗi quí ra một số, đã dành hẳn hai số đặc biệt để nói về Phong trào New Age. Còn trong cuốn sách của tôi, tôi trình bày hiện tượng này như sau : “Hiện tượng Phong trào New Age, cùng với nhiều phong trào tôn giáo khác là một trong những thách đố cấp bách nhất đối với Đức tin Ki-tô giáo. Đó là một thách đố tôn giáo nhưng cũng đồng thời là một thách đố văn hoá. Phong trào New Age đưa ra những lý thuyết và đạo lý liên can đến Thiên Chúa, con người và thế giới không dung hợp được với Đức tin Ki-tô giáo.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

SUY TƯ VỀ PHONG TRÀO NEW AGE - THỜI ĐẠI MỚI

CÙNG ĐỌC QUA VĂN KIỆN TÒA THÁNH “ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG MANG ĐẾN NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG”

 Thời sự Thần học - Số 34, tháng 12/2003, tr. 18-49.

_Trung Nguyên 👨 

Bài này xin lược qua văn kiện “ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG MANG ĐẾN NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG” của Hội Đồng giáo hoàng đặc trách Văn hoá và của Hội Đồng giáo hoàng đặc trách Đối thoại liên tôn, được công bố ngày 3-2-2003. Văn kiện này dài khoảng 90 trang giấy, khổ A5, cỡ chữ 12, gồm 9 phần chính, cùng với phần nhập đề ở đầu và phần ghi chú ở cuối văn kiện.
TSTH xin mời bạn đọc cùng “rảo” qua văn kiện này với những phần trích dịch được chọn.

 Nhập đề


Văn kiện đã nhập đề như sau:

“Đây là một văn bản nghiên cứu hiện tượng phức tạp, tức là New Age, đang ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của nền văn hoá. Nhưng đây chỉ là một bản tường trình tạm, kết quả của suy nghĩ chung giữa các nhóm đang nghiên cứu về các Phong trào tôn giáo mới, gồm các thành viên của các Bộ trong Toà Thánh : các Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Văn hoá và Đối thoại liên tôn (giữ vai trò chính yếu trong việc này), Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc và Hội đồng Giáo hoàng cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Suy tư này trước hết gửi đến những người đang làm việc mục vụ, giúp hiểu Phong trào New Age khác với Đức tin Kitô giáo như thế nào, giúp người đọc để ý tới cách thế lòng đạo New Age tác động vào những con người hiện đại đang khao khát tâm linh như thế nào. Một phần có thể là do các cộng đoàn Kitô hữu thiếu chú ý nghiêm túc đối với những chủ đề đang là một phần của tổng hợp Công giáo, ví dụ như tầm quan trọng của chiều kích thiêng liêng của con người và việc hội nhập chiều kích ấy vào toàn thể cuộc đời, việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, mối dây liên hệ giữa con người với phần còn lại của công trình sáng tạo, ao ước cho bản thân và xã hội biến đổi, loại bỏ cái nhìn duy lý cũng như duy vật về nhân loại.

Nghiên cứu này kêu gọi chú ý đến yêu cầu hiểu và biết New Age là một trào lưu văn hoá, cũng như kêu gọi người Công giáo cần phải am hiểu giáo lý Công giáo và linh đạo của mình nhiều hơn, đặng có thể đánh giá đúng các chủ đề của New Age. Hai chương đầu văn kiện trình bày New Age như là một khuynh hướng văn hoá đa diện, đưa ra một phân tích các nền tảng căn bản của tư tưởng được truyền đạt trong bối cảnh này. Từ chương ba trở đi là một số chỉ dẫn để tìm tòi New Age khi so sánh với sứ điệp Kitô giáo. Cũng sẽ có một vài gợi ý có tính chất mục vụ nữa.

Ai muốn tìm hiểu New Age sâu hơn, có thể dùng những qui chiếu ở phần Phụ trương. Hy vọng công trình này sẽ là một nhân tố kích thích nghiên cứu sâu hơn, thích hợp với mỗi bối cảnh văn hoá khác nhau. Mục đích của suy tư này cũng nhằm khích lệ sự phân định nơi những người đang chờ đợi những điểm qui chiếu lành mạnh để có thể có một đời sống sung mãn hơn. Vì thế, xác tín của chúng tôi là thông qua nhiều người đương thời với chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm, chúng ta có thể khám phá ra đúng là có một sự khát khao Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với nhóm các Giám mục Hoa Kỳ : “Các chủ chăn phải lương thiện và tự hỏi rằng mình đã quan tâm đủ cho cơn khát của trái tim con người muốn tìm được “nước sống” mà chỉ có Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, mới có thể ban tặng hay không?” (x. Ga 4,7-13). Tương tự như thế, chúng ta “cậy dựa vào nét tươi tắn vĩnh hằng của sứ điệp Tin Mừng và khả năng của Tin Mừng để biến đổi và canh tân những ai đón nhận” (AAS 86/4,330).
 

Phần 1: Xác định bối cảnh, hoàn cảnh, tương quan với thế giới hiện đại, với Kitô giáo


Theo các nhà thiên văn cho rằng Thời Song Ngư (chỉ thời đại của Kitô giáo-Pisces) đang chấm dứt và Thời Đại Mới, New Age, bắt đầu. Thời mới này gọi là Thời Bảo Bình (Aquarius).

Thời này, nhiều người phân vân giữa cái chắc chắn và cái không chắc chắn, nhất là những vấn đề liên can đến căn tính của mình.

Một số người cho rằng Kitô giáo là gia trưởng, là trịch thượng.

Các thể chế chính trị thì không có khả năng làm cho thế giới tốt hơn lên, phương tiện y tế hiện nay không thể chữa trị hiệu quả. Sự kiện những yếu tố từng là chủ lực trong xã hội nay bị coi là không đáng tin và thiếu uy tín.

Do đó, người ta thay đổi, hướng cái nhìn vào nội tâm, vào bản thân để truy tìm ý nghĩa và sức mạnh, cố gắng tìm các định chế thay thế (alternative institutions) với hy vọng đáp ứng được những nhu cầu thâm sâu nhất.

Đời sống không có tổ chức và hỗn độn của các cộng đồng thay thế (alternative communities) vào những năm 1970 mở đường cho việc tìm kiếm kỷ luật và tổ chức, rõ ràng nay là những yếu tố cơ bản trong phong trào “huyền bí” rất là phổ biến. New Age hấp dẫn vì nhiều cái nó đưa ra lại đáp ứng những con đói khát mà những thể chế cố định vững chãi không thoả mãn được.

Trong khi New Age là một phản ứng đối với văn hoá đương đại, thì có nhiều cách cho thấy chính New Age lại là con đẻ của nền văn hoá này. Thời Phục hưng và Cải cách đã hình thành nên cá nhân phương tây hiện đại, không chịu ràng buộc bởi quyền bính và truyền thống hoàn toàn ngoại tại. Người ta càng ngày càng cảm thấy ít cần “thuộc” về một cơ chế nào (và nỗi cô đơn hẳn là một bóng đen của đời sống hiện đại)

Vì hướng chiều về tôn thờ nhân loại, tôn giáo trở thành một cách thế chuẩn bị mảnh đất cho việc tôn vinh bản thân, bản thân trở thành thiêng thánh, bất khả xâm phạm. Thiên Chúa bị một số thực hành New Age nào đó giản lược vào sự tiến bộ của cá nhân.

New Age lôi cuốn những con người đang bị những giá trị của văn hoá hiện đại nhận chìm. Tự do, chân thực, tự tín và những gì giống như thế được coi là thiêng thánh. Nó “không đòi niềm tin hay tín ngưỡng gì hơn là đi xem xi-nê”, và như thế nó tự hào là thoả mãn được những ham muốn tinh thần của con người.

Các biến chuyển về truyền thông ít năm gần đây làm cho hoàn cảnh hoàn toàn mới. Thông tin dễ dàng và nhanh chóng là một trong những lý do tại sao New Age lại lôi cuốn được nhiều người thuộc mọi lứa tuổi và mọi nền văn hoá chú ý, rồi nhiều người theo Đức Kitô cũng không chắc chắn tất cả là cái gì nữa. Cách riêng Internet ảnh hưởng vô cùng rộng lớn nhất là với giới trẻ, họ thấy đó là cách lấy thông tin thích hợp và lôi cuốn. Nhưng đó cũng là phương tiện chuyển tải dễ dãi về nhiều phương diện của tôn giáo : không phải bất cứ cái gì mang nhãn hiệu là “Kitô giáo” hay “Công giáo” đều có thể tin được rằng đó là phản ánh giáo huấn của Hội thánh Công giáo và, đồng thời, lại có cả một lô những nguồn New Age từ nghiêm túc đến vui cười. Cần có thông tin đáng tin cậy về những dị biệt giữa Kitô giáo với New Age.

Nghiên cứu nhiều truyền thống New Age, thấy ngay là thực ra trong New Age có ít yếu tố mới. Danh xưng đã được lưu hành qua Rosicrucianism và Freemasonry, thời Cách mạng Pháp và Hoa Kỳ, nhưng trong thực tiễn nó lại cho thấy có những khác biệt của chủ nghĩa thần bí phương Tây. Có thể trở về những nhóm Ngộ đạo thời Kitô giáo sơ khai và được mạnh mẽ lên thời Cải cách ở châu Âu. Nó bao gồm một sự chối bỏ dần dần một Đấng Thiên Chúa hữu ngã và tập trung vào những thực thể thường được miêu tả như là những trung gian giữa Thiên Chúa với nhân loại trong Kitô giáo truyền thống, và càng ngày càng thích nghi thêm.

Một xu hướng mạnh trong văn hoá phương Tây dành vị trí cho những tư tưởng của New Age là chấp nhận tổng quát thuyết tiến hoá của Darwin. Hướng này, cùng với sự tập trung vào những năng lực tinh thần còn ẩn giấu hoặc những sức mạnh trong thiên nhiên, đã trở thành nét chính của nhiều cái nay được coi là lý thuyết về New Age. Về cơ bản, New Age đã có được mức độ chấp nhận đáng kể bởi vì quan điểm về thế giới của New Age được đón nhận rộng rãi. Mảnh đất đã được chuẩn bị do sự tăng trưởng và lan rộng của tương đối chủ nghĩa, kèm theo thái độ ác cảm hoặc dửng dưng với đức tin Kitô giáo.

Cũng có tranh luận mạnh mẽ về chuyện có thể miêu tả New Age như là hiện tượng của thời hậu hiện đại. Sự hiện hữu và nhiệt tình của tư tưởng cũng như thực hành New Age cho thấy cái ước muốn không thể dập tắt được của tinh thần con người là ao ước sự siêu việt và ý nghĩa tôn giáo, là điều không phải chỉ là hiện tượng văn hoá đương đại mà rõ ràng đã có từ trong thế giới cổ xưa, cả Kitô giáo lẫn ngoại giáo.

Cho rằng là lòng đạo New Age có đáp ứng được cách nào đó ao ước hợp lý của bản tính con người, thì cũng phải nhìn nhận rằng những cố gắng của nó như thế đi ngược với mạc khải Kitô giáo. Ở phương Tây, những lối tiếp cận linh đạo “alternative” rất thịnh. Đàng khác những hình thức mới khẳng định tâm lý của cá nhân trở thành rất phổ thông nơi những người công giáo, các nơi tĩnh tâm, các chủng viện và học viện các dòng tu. Đồng thời, càng ngày càng thấy gia tăng sự nhớ nhung và tò mò đối với minh triết và lễ nghi của thời xa xưa, đó là một trong những lý do giải thích sự lớn mạnh của thần bí và ngộ đạo trong đại chúng. Nhiều người còn bị cuốn hút bởi cái được gọi – đúng hoặc khác – là linh đạo “Celtic” hoặc những tôn giáo của những dân tộc cổ xưa. Sách vở, giảng khoá về linh đạo hay các tôn giáo phương Đông được quảng cáo rầm rộ, và thường mang nhãn hiệu “New Age” nhằm những mục đích thương mãi.

Cần phải nhận rằng có một cái gì đó giống như tổng hợp những lập trường mà Hội thánh đã coi là dị giáo, giống như hồi thế kỷ thứ hai và thứ ba. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Một thí dụ được đưa ra là “enneagram” (Thuyết cửu loại hay là hành trình khám phá bản thân, nếu được dùng như là một phương thế giúp tăng trưởng về thiêng liêng có thể dẫn tới một sự lưỡng nghĩa trong giáo lý và việc sống đức tin Kitô giáo).

Sự thành công của New Age đưa tới một thách đố cho Hội thánh. Nhiều người cảm thấy Kitô giáo không – hoặc có thể chẳng bao giờ – đem tới cho họ cái họ thực sự đang cần. Và việc đi tìm kiếm thường dẫn người ta tới với New Age là một sự khao khát đặc biệt : để có một linh đạo sâu xa hơn, để tìm được một cái gì đó đụng chạm được tới trái tim của họ, và để tìm được một cách ý thức được về một cái thế giới hỗn độn và thường là vong thân. Có một nét tích cực trong những phê bình của New Age về “duy vật chủ nghĩa của đời sống thường nhật, của triết lý và cả y dược và phân tâm ; giản lược chủ nghĩa, không chịu lưu tâm đến những kinh nghiệm tôn giáo và siêu nhiên ; văn hoá kỹ thuật của cá nhân chủ nghĩa vô giới hạn dạy ích kỷ và không chú ý đến những người khác, đến tương lai và môi trường. Nếu như Hội thánh không bị tố cáo là đã giả điếc làm ngơ đối với những khát vọng của con người, thì các phần tử của Hội thánh cần thực hiện hai điều : chính bản thân mình phải càng ngày càng chắc chắn hơn trong những nền tảng của đức tin, và phải am hiểu tiếng kêu thường là thinh lặng của trái tim con người, dẫn họ tới một nơi nào đó nếu như họ không được Hội thánh thoả mãn. Cũng có một lời kêu gọi tới gần Đức Giêsu Kitô hơn nữa và sẵn sàng đi theo Người, vì Người là con đường đưa đến hạnh phúc, sự thật về Thiên Chúa và sự sung mãn của đời sống cho mỗi người nam nữ sẵn sàng đáp lại tình yêu của Người.
 

Phần 2 : Về linh đạo New Age


Các Kitô hữu trong các xã hội phương Tây và càng ngày càng ở những nơi khác trên thế giới thường xuyên giáp mặt với những phương diện khác nhau của hiện tượng gọi là New Age. Nhiều người muốn biết rõ cái hiện tượng vừa lôi cuốn, vừa phức tạp, vừa co dãn lại vừa đảo lộn này thế nào. Những suy tư ở đây sẽ giúp các Kitô hữu hai điều :
  • Nhận ra những yếu tố trong việc phát triển truyền thống New Age ;
  • Chỉ cho thấy những yếu tố nào không tương hợp được với mạc khải Kitô giáo.
New Age không phải là Phong trào đúng nghĩa, cũng không phải là “cult”, là “giáo phái”, vì lan truyền qua các nền văn hoá, trong các hiện tượng như âm nhạc, phim ảnh, hội thảo, hội nghị, tĩnh tâm, các thứ trị liệu và nhiều hoạt động cũng như biến cố, cho nên phổ biến hơn và không chính thức hơn, dù có một số nhóm tôn giáo hoặc bán tôn giáo chủ ý nhận những yếu tố của New Age. New Age còn là nguồn mạch cho nhiều giáo phái.

Cũng không phải là phong trào đơn độc, nhất thể mà là một mạng lưới lỏng lẻo những hành giả, theo phương châm suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương (think globally but act locally). Những người trong mạng lưới này không cần biết nhau và hiếm, thậm chí không bao giờ, gặp nhau. Để tránh lẫn lộn có thể có do việc dùng từ “Phong trào”, một số muốn coi New Age là một “cảnh vực”, hay một “audience cult” (tín-ngưỡng-thính-thị).

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng “đây là một dòng tư tưởng rất mạnh”, một thách đố chủ ý đối với nền văn hoá hiện đại. Đây là một cơ cấu tổng hợp (syncretistic) thu thập nhiều yếu tố khác nhau, giúp con người chia sẻ những quan tâm hoặc những liên kết với những mức độ khác nhau và trên những bình diện dấn thân khác nhau. Có thể hiểu New Age theo nghĩa đó là phong trào xã hội rộng lớn, tựa như Phong trào Quyền Dân Sự, Phong trào Hoà Bình : lực lượng những người ở khắp nơi liên kết với những mục đích chính của Phong trào, nhưng rất khác nhau trong đường lối dấn thân thực hiện và cách hiểu những vấn đề riêng.

Cách gọi “tôn giáo New Age” còn gặp nhiều tranh cãi hơn, dầu New Age thường là câu trả lời cho những nhu cầu và những vấn đề của con người, cũng như mời con người khám phá hoặc tái khám phá chiều kích tâm linh trong cuộc đời họ. Tránh dùng cách gọi “tôn giáo New Age” không hề có ý chất vấn tính cách đặc biệt của việc con người đi tìm ý nghĩa và ý thức về đời sống. Nó tôn trọng sự kiện là nhiều người ngay trong New Age phân biệt cẩn thận “tôn giáo” với “linh đạo”. Nhiều người bác bỏ tôn giáo có tổ chức, vì theo phán đoán của họ tôn giáo như thế không giải đáp được những nhu cầu của họ, và chính vì lẽ này mà họ đi chỗ khác để tìm “linh đạo”.

Hơn nữa, ở trung tâm điểm của New Age là niềm tin cho rằng thời của các tôn giáo này tôn giáo kia đã kết thúc, nên cho mình là tôn giáo tức là đi ngược lại với chính suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, thật là xác đáng khi đặt New Age vào bối cảnh rộng của tính tôn giáo bí truyền, tính cách này đang gia tăng.

Có một vấn đề khiến cho có văn kiện này, đó là một cố gắng hiểu và đánh giá một cái gì đó căn bản là sự tôn dương kinh nghiệm phong phú nơi con người.

Những chủ đề chính của New Age:


New Age không phải là một tôn giáo, nhưng lại chú ý nhiều vào cái gọi là “thần thiêng” (divine). Cốt lõi của New Age là một sự kết hợp lỏng lẻo nhiều sinh hoạt, tư tưởng và con người khác nhau. Vì thế không có một mạch lạc duy nhất giống như giáo lý của những tôn giáo lớn hiện hành. Dù thế và dù trong chính New Age cũng có nhiều khác biệt, vẫn có những điểm chung :
  • Vũ trụ được coi như một toàn thể hữu cơ
  • Được sống động nhờ một Năng Lực, cũng gọi được là Hồn hoặc Thần thiêng
  • Tin vào sự trung gian của nhiều thực thể tinh thần khác nhau
  • Con người có khả năng vươn lên tới những lãnh vực vô hình cao hơn và kiểm soát được cuộc đời mình vượt qua cả bên kia cái chết nữa
  • Dính dáng tới một “tri thức vĩnh cửu” có trước từ lâu và vượt lên trên mọi tôn giáo và văn hoá
  • Con người ta phải đi theo những vị thầy đã được khải đạo.

Về con người:


New Age tin rằng nơi con người có một khả năng nên hoàn hảo nhờ vào nhiều những kỹ thuật và phương pháp trị liệu khác nhau (ngược với cái nhìn của Kitô giáo là tin tưởng vào sự cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa). Ở đây chung chung có một sự thoả thuận với tư tưởng của Nietzsche cho rằng Kitô giáo cản trở sự bộc lộ trọn vẹn của nhân tính đích thực. Theo quan điểm này, hoàn hảo có nghĩa là hoàn thành việc thể hiện bản thân mình, làm cho bản thân mình hoàn hảo, theo một thang giá trị do chính bản thân chúng ta tạo ra và cũng hoàn tất dựa vào sức riêng của chúng ta mà thôi : thế cho nên người ta có thể nói đến chuyện tự sáng tạo bản thân mình. Theo cái nhìn như thế, con người như họ bây giờ đang là khác con người như họ sẽ là khi họ đã thể hiện hết tiềm năng của mình không giống như con người với con vượn.

Các kỹ thuật mở rộng tâm trí nhằm để tỏ lộ cho con người thấy năng lực thần thiêng của họ, nhờ sử dụng năng lực này, con người ta chuẩn bị con đường để đến Thời Đại Ánh Sáng. Việc tôn dương con người như thế đảo lộn mối tương quan đúng đắn giữa Đấng Sáng Tạo với thọ tạo, và một trong những thái cực là Satan chủ nghĩa. Satan trở thành biểu tưởng của sự bạo loạn chống lại những qui ước và qui tắc luật lệ, một biểu tượng thường là gây hấn, ích kỷ và những hình thức bạo lực. Một vài nhóm Tin Mừng đã nói thẳng ra mình quan tâm đến sự hiện diện ngầm bên dưới của cái họ gọi là biểu tượng chủ nghĩa Satan ở một số hình thức nhạc rock, ảnh hưởng mạnh vào giới trẻ. Chuyện này còn rất xa sứ điệp bình an và hài hoà tìm thấy trong Tân ước. Thường đó là một trong những hệ quả của việc tôn dương con người, khi việc tôn dương như thế lại bao gồm việc chối bỏ vị Thiên Chúa siêu việt.

Nhưng đó không phải chỉ là cái gì ảnh hưởng vào giới trẻ. Những chủ đề chính của văn hoá bí truyền cũng còn có mặt trong một số thực thể chính trị, giáo dục và luật pháp nữa. Nhất là trong trường hợp có liên can đến vấn đề môi trường. Việc vấn đề môi trường sâu xa nhấn mạnh đến duy sinh thái (biocentrism) chối bỏ cái nhìn nhân học của Kinh thánh, theo đó con người ở trung tâm điểm của thế giới, vì thế được coi là cao về mặt phẩm hơn các hình thức tự nhiên khác. Nó nổi rõ hẳn lên trong luật pháp và giáo dục ngày nay, bất kể sự kiện là nó xem thường nhân tính bằng đường lối này… Cũng chính ma trận văn hoá huyền bí có thể được nhận diện trong các lý thuyết có tính cách ý thức hệ nằm ở bên dưới các chính sách kiểm soát dân số và thử nghiệm kỹ thuật gen, ra như là diễn tả ước mơ của con người là làm sao lại sáng tạo bản thân mình nữa. Làm thế thì người ta hy vọng cái gì khi giải mã được gen, đổi được những qui luật tự nhiên của giới tính, thách thức những giới hạn của cái chết.

Theo hướng đi của New Age kinh điển, thì con người sinh ra mang theo một tia lửa thiêng. Theo nghĩa nào đó, đây là hoài niệm của một thứ chủ nghĩa ngộ đạo cổ xưa. Tia lửa này nối con người với sự thống nhất của Toàn Thể. Vì thế, cơ bản con người được coi là thần thiêng, cho dù họ tham gia vào sự thần thiêng vũ trụ này ở nhiều cấp độ khác nhau của ý thức. Chúng ta là những người đồng-sáng-tạo, và chúng ta sáng tạo chính thực tại của chúng ta. Nhiều tác giả New Age chủ trương rằng chúng ta chọn những hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta (thậm chí cả bệnh tật và sức khoẻ của chúng ta nữa), trong cái nhìn ở đó mỗi cá nhân được coi như là nguồn mạch sáng tạo của vũ trụ. Nhưng chúng ta cần thực hiện một cuộc hành trình để hiểu chúng ta hợp với sự thống nhất của vũ trụ ở chỗ nào. Cuộc hành trình là tâm trị liệu và sự nhận biết ý thức vũ trụ là sự cứu độ. Không hề có tội lỗi, chỉ có tri thức không hoàn hảo mà thôi. Căn tính của mỗi cá nhân con người bị tan loãng trong hữu thể vũ trụ và tiến trình nhập thể liên tục (luân hồi) này.

Con người phải suy phục những ảnh hưởng tất định của các vì sao, nhưng có thể mở ra đến tận thần thiêng đang sống ngay bên trong mình, trong nỗ lực tìm kiếm không ngừng của mình (bằng những kỹ thuật thích hợp) để đạt tới một sự hài hoà mỗi ngày mỗi lớn hơn giữa bản thân mình với năng lực vũ trụ. Không cần Mạc khải hoặc Sự Cứu Độ là những gì đến từ bên ngoài con người, nhưng chỉ cần cảm nghiệm ơn cứu độ đang được giấu ẩn bên trong con người mình (tự cứu độ), bằng cách làm chủ các kỹ thuật tâm-vật lý là những cái đưa đến chỗ khải sáng hoàn toàn.

Một vài bậc trên con đường tự cứu chuộc có tính cách chuẩn bị (suy niệm, hài hoà thân thể, các năng lực tự chẩn trị bằng cách thư giãn). Đấy là điểm khởi hành cho tiến trình tâm linh hoá, hoàn hảo và khải sáng giúp con người tự kiểm soát xa hơn và tập trung tinh thần vào “sự biến đổi” cá thể mình thành “ý thức vũ trụ”. Vận mệnh của con người là một chuỗi những tái nhập của linh hồn vào những thân thể khác nhau. Đây không hiểu như là vòng luân hồi (samsara), theo nghĩa là thanh tẩy trừng phạt, nhưng như là một hướng đi lên dần dần tới chỗ phát triển hoàn hảo tiềm năng của mình.

Tâm lý được dùng để giải thích sự mở rộng tâm trí như là những kinh nghiệm “thần bí”, Yoga, Zen, suy niệm siêu vời và những tập luyện của giới thần bí Hindu hay Phật giáo (tantric exercises) dẫn đến một kinh nghiệm hoàn thành bản thân hoặc khải sáng. Những kinh nghiệm hồng (sống lại sự ra đời của mình, chu du qua các cổng của tử thần, biofeedback, khiêu vũ và cả ma tuý – bất cứ thứ gì có thể khơi lên một tình trạng ý thức được nâng cao lên) đều được người ta tin là dẫn tới sự thống nhất và khải sáng. Vì chỉ có một Trí Tuệ duy nhất, cho nên một số người có thể là kênh (channels) để đạt tới những hữu thể cao hơn. Mỗi phần của hữu thể vũ trụ độc nhất này đều có liên lạc với mỗi phần khác. Lối tiếp cận cổ điển trong New Age là tâm lý chuyển ngã (transpersonel), những quan niệm chính của nó là Trí Tuệ Vũ Trụ, Ngã Cao Cả, vô thức tập thể và cá nhân và chính cái tôi cá thể nữa. Ngã Cao Cả là căn tính đích thực của chúng ta, là chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa tức là Trí Tuệ thần thiêng với nhân loại. Phát triển tâm linh là liên lạc với Ngã Cao Cả, tức là thực tại vượt lên trên mọi hình thức nhị nguyên giữa chủ thể và đối tượng, sống và chết, tâm linh và thể xác, cái ngã và những phương diện vụn vặt của cái ngã. Nhân cách giới hạn của chúng ta giống như cái bóng của một giấc mơ do cái ngã đích thực của chúng ta sáng tạo nên. Ngã Cao Cả gồm chứa những ký ức của những lần tái nhập (luân hồi) trước.

Về Thiên Chúa


New Age chuộng các tôn giáo phương Đông hoặc tiền-Kitô-giáo hơn, bởi lẽ những tôn giáo này được coi như là không bị lây nhiễm bởi những bóp méo của Do thái Kitô giáo. Cho nên những nghi lễ đồng áng cổ và những kiểu thờ kính sinh sản rất được trọng. “Gaia”, Mẹ Đất, được coi là một thay thế cho Thiên Chúa là Cha, hình ảnh Thiên Chúa là Cha bị coi như có liên hệ với quan niệm phụ quyền, giới nam thống trị giới nữ. Có nói đến Thiên Chúa, nhưng không phải là Thiên Chúa hữu ngã.

Thiên Chúa được New Age nói đến không hữu ngã mà cũng chẳng siêu việt. Cũng chẳng phải là Đấng Sáng Tạo và đỡ nâng vũ trụ, nhưng là một “năng lực vô ngã” nội tại trong thế giới, nhờ năng lực ấy mà “sự thống nhất vũ trụ” hình thành : “Tất cả là một”. Sự thống nhất này có tính cách nhất nguyên, phiếm thần. Thiên Chúa là “nguyên lý-sống”, là “thần trí hoặc hồn của thế giới”, là tổng số của ý thức đang hiện hữu trong thế giới. Hiểu theo một nghĩa thì cái gì cũng là Thiên Chúa.

Khi được người nam người nữ đón nhận một cách có ý thức, “năng lực thiên linh” thường được miêu tả là “năng lực Kitô”. Thế là Đức Kitô cũng được nói đến, nhưng không có ý chỉ Đức Giêsu Nadarét. “Kitô” là một tước hiệu áp dụng cho một số người đã đạt tới được tình trạng ý thức, ở đó người ấy nhận thức được mình hoặc chính mình là thần linh và vì thế có thể xưng mình là “Thầy vũ trụ”. Đức Giêsu Nadarét không phải là Chúa Kitô [lịch sử], nhưng chỉ là một trong số nhiều dung mạo lịch sử trong đó bản tính “Kitô” này được biểu lộ, chẳng hạn như trường hợp Đức Phật và những vị khác nữa. Mỗi một sự thực hiện có tính cách lịch sử Đức Kitô này tỏ cho thấy rõ rằng mọi hữu thể nhân linh đều là thiên nhân và thần nhân.

Về thế giới


Chuyển động từ một kiểu cơ học của vật lý cổ điển sang một “toàn thể” (holistic) vật lý nguyên tử và hạ nguyên tử, đặt căn bản trên quan niệm vật chất tựa như những làn sóng năng lực hơn là những hạt nhân, là trọng tâm cho nhiều tư tưởng New Age.

Vũ trụ là một biển năng lực, một toàn thể độc nhất hay một mạng lưới các dây nối. Năng lực làm cho cơ quan duy nhất này tức là vũ trụ sinh động là “tinh thần”. Không có sự thay đổi (alterity) giữa Thiên Chúa với thế giới. Thế giới tự nó là thần thiêng và trải qua một tiến trình biến hoá đi từ vật chất vô tri đến “ý thức cao hơn và hoàn hảo”. Thế giới không do sáng tạo mà có, nhưng vĩnh cửu và tự đầy đủ. Tương lai của thế giới đặt nền tảng trên một sức năng động nội tại nhất thiết là tích cực và đi đến một thể thống nhất hài hoà (thần thiêng) bao gồm mọi sự đang hiện hữu. Thiên Chúa và thế giới, hồn và xác, trí khôn và tình cảm, trời và đất là một rung động bao la của năng lực.

Cuốn sách của James Lovelock về Giả thuyết Gaia tuyên bố rằng “toàn thể hàng vật chất có sinh hồn trên mặt đất, từ con cá voi đến con ký sinh trùng, từ cây lúa đến cây tảo, đều có thể được coi như là làm thành một đơn vị sống độc nhất, có khả năng chi phối khí quyển của Trái Đất… Đối với một số người, giả thuyết Gaia là “một tổng hợp lạ thường cá nhân chủ nghĩa và tập thể chủ nghĩa. Tất cả những cái đó ra như thể New Age, khi kéo con người ra khỏi những chính sách vụn vặt, không thể chờ đợi ném con người vào cái vạc lớn là tâm trí toàn cầu”. Bộ não toàn cầu cần những định chế để thống trị, nói bằng nhũng từ khác, một điều hành thế giới.

“Trước những vấn đề của thời nay, New Age mơ về một thứ quí tộc tinh thần theo kiểu Republic của Plato, tiến hành nhờ những xã hội bí mật…” Đây có thể là một cách xác định phóng đại, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng chiết trung ngộ đạo và điều phối toàn cầu trùng hợp nhau về nhiều vấn đề trong phạm vi chính trị quốc tế.

Bất cứ cái gì trong vũ trụ cũng có tương quan với nhau, thực ra mỗi một thành phần tự nó là một hình ảnh của toàn thể, toàn thể ở trong mỗi một vật và mỗi một vật ở trong toàn thể. Trong “chuỗi to lớn hữu thể”, mọi hữu thể được nối kết sâu xa với nhau và làm thành một gia đình với những cấp độ tiến hoá khác nhau. Mỗi một con người là một hologram, hình ảnh của toàn thể tạo thành, trong đó mỗi vật rung động theo tần số của riêng mình. Mỗi một hữu thể là một nơ-ron trong hệ thần kinh trung ương của trái đất, và mọi đơn vị cá nhân đều ở trong mối tương quan bổ trợ với những đơn vị cá nhân khác. Thực ra, có một sự bổ trợ nội tại hoặc ái nam ái nữ trong toàn thể tạo thành”.

Một trong những chủ đề năng được các tác phẩm và tư tưởng New Age nhắc đi nhắc lại là “khuôn mẫu mới” khoa học đương thời đã mở ra. “Khoa học đã cho chúng ta những cái nhìn thấu suốt vào trong toàn thể và các hệ thống, nhấn mạnh và biến đổi. Chúng ta đang học đọc các khuynh hướng, nhận ra những dấu chỉ trước đây của khuôn mẫu khác, hứa hẹn hơn. Chúng ta sáng tạo những khung cảnh thay thế của tương lại. Chúng ta thông tri về những thất bại của các hệ thống cũ, tạo ra những khung mới cho cách giải quyết các khó khăn trong mỗi một lãnh vực”. Đến đó, “mẫu khung” là một sự thay đổi viễn tượng hoàn toàn, nhưng không còn gì hơn nữa. Vấn đề là tư tưởng và thay đổi thực sự là có tương xứng hay không và có thể chứng minh hữu hiệu có sự biến đổi nội tại trong thế giới ngoại tại này như thế nào. Ta buộc phải thắc mắc, ngay cả khi không diễn tả ra một phán đoán tiêu cực, một tiến trình tư tưởng có thể có tính cách khoa học như thế nào khi nó lại bao gồm những xác quyết như : “Không thể nghĩ được là có chiến tranh là trong một xã hội gồm những con người tự lập đã khám phá ra sự liên hệ của toàn thể nhân loại, sợ những tư tưởng xa lạ và những nền văn hoá xa lạ, biết rằng mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu từ bên trong và bạn không thể đặt dấu vết của khải sáng trên một ai khác”. Quả là không hợp lý khi kết luận từ sự kiện là có một cái gì đó không thể nghĩ được mà lại không thể xảy ra. Lý luận như thế thật là có tính cách ngộ đạo, theo nghĩa là dành nhiều năng lực cho tri thức và ý thức. Không thể chối bỏ vai trò nền tảng và quan trọng của việc khai triển ý thức trong sự khám phá khoa học và phát triển có sáng tạo, nhưng chỉ chú ý cẩn thận để đừng áp đặt trên thực tiễn ngoại tại cái vẫn chỉ còn là trong tâm trí.

Phần 3: Linh đạo New Age và Linh đạo Kitô Giáo


New Age xét như là linh đạo: Những người cổ võ New Age thường cho đây là “linh đạo mới”. Nhưng có gì là mới khi trong đó có nhiều tư tưởng lấy lại của những tôn giáo và nền văn hoá cổ xưa. Cái thực sự mới đó là New Age là một sự tìm kiếm có ý thức một cái thay thế cho văn hoá phương Tây và gốc rễ Do-thái Kitô giáo của văn hoá ấy. “Linh đạo” theo đường này là kinh nghiệm bên trong về sự hài hoà và thống nhất với toàn thể thực tại, chữa lành tình cảm, sự giới hạn và bất toàn của mỗi con người. Cần khám phá ra mối liên lạc với sức mạnh vũ trụ thánh thiêng hay năng lực là hạt nhân của toàn thể đời sống. Khám phá được tức là ở trên đường đi tới sự hoàn hảo, không thể làm cho họ mất đi đời sống của mình và mối liên hệ với thế giới, và cho họ vị trí trong tiến trình vũ trụ để hoàn thành và trong sự Khai Sinh Mới của một thế giới đang không ngừng biến chuyển. Kết cuộc là một thứ thần bí vũ trụ, đặt căn bản trên ý thức của con người về một vũ trụ đang nảy nở với những năng lực năng động. Như thế, năng lực vũ trụ, rung động, ánh sáng, Thiên Chúa, tình yêu – thậm chí cả cái Ngã tối cao – tất cả đều đưa về một thực tại, nguồn mạch nguyên khởi trong mỗi hữu thể.

Thần bí Kitô giáo và thần bí New Age: Đối với người Kitô hữu, đời sống thiêng liêng là mối tương quan với Thiên Chúa. Mối tương quan này càng ngày càng sâu xa hơn thông qua ân sủng, và trong tiến trình này, mối tương quan ấy cũng toả sáng trên mối tương quan của chúng ta với những người anh chị em của chúng ta, và với vũ trụ nữa. Linh đạo theo từ ngữ New Age có nghĩa là cảm nghiệm những tình trạng của ý thức được chưởng trị do cảm thức về sự hài hoà và chan hoà với Toàn Thể. Vì thế, “thần bí” không đưa về việc gập gỡ Thiên Chúa siêu việt trong sự sung mãn của lòng mến, nhưng về kinh nghiệm sản sinh bởi việc quay về gặp gỡ chính mình, một cảm thức vui tươi phấn khởi của hữu thể được là một với vũ trụ, một cảm thức để cho cá nhân mình chìm ngập trong đại dương bao la của Hữu Thể.

Phân biệt nền tảng này trở thành rõ rệt ở mọi cấp độ giữa thần bí Kitô giáo với thần bí New Age. Con đường thanh tẩy của New Age đặt trên sự ý thức về sự bất ổn và vong thân, ý thức này phải được chế ngự nhờ việc dìm sâu vào trong Toàn Thể. Để có thể quay trở về, con người ta phải sử dụng những kỹ thuật dẫn đến kinh nghiệm của sự sáng soi. Kinh nghiệm này biến đổi ý thức con người và mở con người đến chỗ liên lạc được với thần linh, thần linh được hiểu là cái cốt lõi sâu sa nhất của thực tại.

Các kỹ thuật và phương pháp của hệ thống tôn giáo nội tại này, một hệ thống không quan niệm Thiên Chúa như là một ngôi vị, tiến hành “từ bên dưới”. Cho dù những kỹ thuật và phương pháp đó bao gồm sự đi xuống tới những chiều sâu thẳm của tâm hồn hay linh hồn con người, chúng vẫn cơ bản là công trình về phía một con người đang tìm cách vươn tới thần linh bằng những sức lực của riêng bản thân mình. Đó thường là một sự đi lên trên cấp độ ý thức tiến tới cái được coi như là ý thức giải phóng của “cái thần bên trong”. Mà không phải ai cũng tiếp cận được những kỹ thuật này, những người được hưởng nhờ những kỹ thuật phương pháp này được giới hạn vào một số “quí tộc” được ưu tiên về tâm linh.

Trong khi đó yếu tố chủ đạo trong đức tin Kitô giáo là việc Thiên Chúa đi xuống, đến với các thụ tạo của Người, cách riêng đến với những người khiêm hạ nghèo khó nhất, những người yếu đuối nhất và ít được ưu đãi theo những giá trị của “trần gian” này. Cũng có những kỹ thuật liên can đến đời sống thiêng liêng biết thì ích lợi, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể bỏ qua hoặc hành động mà không cần tất cả những kỹ thuật ấy. Một phương pháp của người Kitô hữu để tiến tới gần Thiên Chúa hơn không đặt căn bản trên bất cứ một kỹ thuật nào, hiểu sát nghĩa của từ này. Đó có thể mâu thuẫn với tinh thần thơ ấu được Tin Mừng công bố. Trọng tâm của thần bí Kitô giáo chân thực không phải là kỹ thuật : đó là một quà tặng, một hồng ân của Thiên Chúa, và người lãnh nhận vẫn biết mình là bất xứng, là không đáng.

Đối với người Kitô hữu, hoán cải là trở về với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong tinh thần vâng phục quyền năng Chúa Thánh Thần. Con người ta càng tiến tới trong mối tương quan với Thiên Chúa – mối tương quan dù cách nào đi nữa thì vẫn cứ là một quà tặng, một hồng ân nhưng không. Tự do – thì càng cảm thấy sâu sắc nhu cầu phải bỏ tội lỗi, spiritual miopia và self-infatuation, tất cả những cái đó ngăn trở không cho con người trao phó bản thân mình cho Thiên Chúa và mở rộng đón nhận anh chị em mình.

Mọi kỹ thuật suy niệm cần phải được thanh luyện cho khỏi tự phụ kiêu căng tự hào. Cầu nguyện của Kitô giáo không phải là một sự thao dượt để chiêm ngắm bản thâm mình, để được tĩnh lặng thanh thản và làm cho mình trống rỗng, nhưng là cuộc đối thoại của lòng mến, một cuộc đối thoại “bao hàm một thái độ hoán cải, một sự bay lên từ cái “tôi” của mình đến cái “Ngài” của Thiên Chúa. Nó dẫn đễn một sự trao dâng càng ngày càng đầy đủ trọn vẹn cho thánh ý Thiên Chúa, và do đó chúng ta được mới gọi đi tới chỗ liên đới sâu xa, chân thực với anh em chị em chúng ta.

Phần 4 : New Age và đức tin Kitô giáo tương phản nhau


Khó tách từng yếu tố trong lòng đạo New Age – mỗi yếu tố riêng ra như là vô hại – khỏi cái khung tổng quát để nhận định. Bản chất ngộ đạo của phong trào này đòi chúng ta nhận định nó trong tổng thể. Theo quan điểm Kitô giáo, không thể tách rời một số yếu tố trong lòng đạo của New Age và cho là các Kitô hữu có thể chấp nhận những yếu tố ấy, bỏ đi những yế tố khác. Vì phong trào New Age để ý nhiều đến việc thông giao với thiên nhiên, đến tri thức vũ trụ của điều thiện vũ trụ – do đó chối bỏ nội dung mạc khải của đức tin Kitô giáo – cho nên không thể coi đó là tích cực hoặc vô thưởng vô phạt. Trong việc cổ võ môi trường có tính cách văn hoá, mang đậm dấu ấn của tương đối chủ nghĩa tôn giáo, cần nêu lên một lời cảnh giác đối lại với cố gắng đem lòng đạo New Age đặt trên cùng một bình diện với đức tin Kitô giáo, tức là làm cho sự khác biệt giữa đức tin với tín ngưỡng hoá ra tương đối, và vì thế tạo nên sự hỗn độn lớn hơn chỉ vì không thận trọng. Theo hướng này, tốt hơn là nhắc lại lời khuyên của thánh Phaolô “dạy cho một vài người không được dạy giáo lý sai lạc hay mải mê với những thần thoại và gia phả vô hồi kỳ trận, chỉ tổ cổ súy những lý thuyết hơn là kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch cần phải đón nhận bằng đức tin” (1Tm 1,3-4). Một vài cách thực hành mang nhãn hiệu New Age không đúng chỉ là một sách lược tiếp thị để làm cho những lối thực hành ấy đắt hàng hơn, nhưng thực ra không thuộc về thế giới New Age. Vấn đề chỉ thêm rối. Vì thế cần xác định rõ ràng những yếu tố nào thuộc về Phong trào New Age, và những yếu tố nào là không thể chấp nhận đối với những người trung thành với Chúa Kitô và với Hội thánh của Người.

Những vấn đề dưới đây có thể là bí quyết dễ nhất để đánh giá một vài yếu tố chủ đạo của tư tưởng và cách thực hành của New Age, theo cái nhìn Kitô giáo. New Age liên can đến những ý tưởng về Thiên Chúa, con người và thế giới, những con người mà các Kitô hữu phải đối thoại về những vấn đề tôn giáo, gặp gỡ trong các nhóm suy niệm, các phương pháp trị liệu, những quả quyết minh nhiên về tôn giáo, vân vân. Một số trong những vấn đề này được áp dụng cho những người và những ý tưởng không minh nhiên mang nhãn hiệu New Age nhưng có thể cho thấy xa hơn nữa những mối liên lạc không thể đặt tên không nhận ra được với tổng thể bầu khí New Age.
  • Phải chăng Thiên Chúa là hữu thể chúng ta cần tương quan với Người hoặc Người là một cái gì đó chúng ta có thể sử dụng hoặc là một sức mạnh để chúng ta chinh phục ?
  • Có một Đức Giêsu Kitô hay có cả ngàn Kitô ?
  • Đức Giêsu lịch sử và cá biệt khác với Kitô vĩnh cửu, vô ngã của vũ trụ.
  • Chúng ta phải cố gắng chối bỏ tội hay chúng ta phải chấp nhận nó là như thế ?
  • Chúng ta được khích lệ vứt bỏ hay chấp nhận đau khổ và cái chết ?
  • Dấn thân xã hội là cái gì đó cần phải tránh hay phải tích cực để ý tới ?
  • Tương lai của chúng ta ở trong các vì sao hay chúng ta phải góp phần xây dựng ?

Phần 5: Đức Giêsu Kitô ban tặng chúng ta Nước Hằng Sống


Nền tảng duy nhất của Hội thánh là Đức Giêsu Kitô. Người là Đức Chúa của Hội thánh. Người ngự giữa trung tâm của mọi hoạt động và sứ điệp Kitô giáo. Như thế Hội thánh luôn phải trở lại để gặp gỡ Đức Chúa của mình. Tin Mừng nói về nhiều cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, từ Bethlem với các trẻ chăn cừu tới thập giá với hai tên trộm, từ những nhà thông thái lắng nghe lời Người tại đền thờ Giêrusalem tới các môn đệ đau khổ trên đướng Emmau. Nhưng nhất là câu chuyện cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacop trong chương 4 Tin Mừng thánh Gioan, đó là một cuộc gặp gỡ “tiêu biểu cho cuộc dấn thân đi tìm chân lý”. Nước hằng sống chính là chìa khóa để mở ra cuộc dấn thân đối thoại Kitô giáo với bất cứ ai chưa nhận biết Đức Giêsu.

Trong cuộc gặp gỡ này, người phụ nữ đã bị mê hoặc bởi chính sứ điệp của “người la mặt kia”, điều khiến bà lưu lại và lắng nghe. Sau khi bà bị bất ngờ với những lời lẽ của Đức Giêsu về chính cuộc đời bà, bà đã mở miệng thốt lên :”Tôi nhận thấy ông là một ngôn sứ” (c.19). Sau đó là một cuộc đối thoại về việc tôn thờ Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chạm đến tâm hồn người phụ nữ và chuẩn bị bà lắng nghe những gì Người muốn nói.

Câu chuyện diễn ra bên bờ giếng thật có ý nghĩa. Đức Giêsu ban tặng cho người phụ nữ “nguồn suối sự sống vĩnh cửu” (c.14). Cuộc đối thoại thực là một kiểu mẫu cho mục vụ Kitô giáo hữu hiệu : Giúp người khác đạt đến chân lý không phải khổ nhọc qua tiến trình tự nhận ra bản thân mình (“Ông ấy đã nói với tôi mọi điều tôi đã làm” c.39). Tiến trình này sẽ mang lại hoa trái phong phú vì con người bị lôi kéo tới Đấng mang nước (Aquarius), miễn là họ chuyên tâm tìm kiếm chân lý. Họ được mời gọi để lắng nghe Đức Giêsu, Đấng không chỉ thỏa mãn cơn đói khát hiện tại, nhưng còn cho họ nguồn nước hằng sống tâm linh sâu thẳm dấu ẩn. Điều quan trọng là cần thành tâm tìm kiếm chân lý và kiên trì.

Lời mời gọi gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng mang đến nguồn nước sự sống trở nên có ý nghĩa khi Con Người thực sự chắc chắn rằng chính Người là Đấng Cứu độ thế giới

Phần 6: Những điểm cần lưu ý


Vài gợi ý thực hành trong mục vụ: Không phải bất cứ ai, bất cứ cái gì ở trong tầm rộng lớn của New Age đều có liên hệ với những lý thuyết của phong trào này theo cùng một cách thế như nhau. Chính nhãn hiệu này cũng thường bị áp dụng sai hoặc mở rộng tới các hiện tượng có thể xếp loại theo những cách khác. Từ New Age còn bị lạm dụng để phỉ báng những con người và những cách thực hành. Điều quan trọng là phải xem những hiện tượng đi liền với phong trào này, cho dù là lỏng lẻo, có phản ánh hay xung khắc với cái nhìn của Kitô giáo về Thiên Chúa, về con người và thế giới hay không. Chỉ thuần túy dùng thuật ngữ New Age thì ít có nghĩa lý nếu không muốn nói là chả có nghĩa gì.

Hội thánh công giáo cũng có những mạng lưới (networks) hữu hiệu có thể sử dụng. Chẳng hạn biết bao nhiêu những trung tâm mục vụ, trung tâm văn hoá, trung tâm linh đạo. Lý tưởng thì có thể dùng để nói lên sự lẫn lộn về lòng đạo New Age theo những cách thế sáng tạo khác nhau, như hội thảo, tranh luận và học hỏi nghiên cứu. Không may, nhiều trung tâm như thế lắm khi lại trở thành những trung tâm linh đạo Công giáo truyền bá tích cực lòng đạo New Age trong Hội thánh. Cần phải sửa chữa dĩ nhiên, không phải ở việc ngưng phát tán những lẫn lộn và sai lạc, nhưng còn làm sao để những trung tâm như thế trở thành hữu hiệu trong việc cổ võ linh đạo Kitô giáo chân thực. Những trung tâm văn hoá Công giáo cách riêng không phải chỉ là những cở sở thuần tuý dạy học nhưng còn là những không gian để đối thoại một cách lương thiện. Một số cơ sở chuyên môn xuất sắc có trách nhiệm trong tất cả những vấn đề này.

Một ít nhóm New Age lợi dụng mọi cơ hội để giải thích triết lý và hoạt động của họ cho người khác. Gặp gỡ những nhóm này đòi phải thận trọng và luôn phải có những người có khả năng cả về việc giải thích đức tin và linh đạo Công giáo, lẫn khả năng suy nghĩ có phê phán về tư tưởng và đường lối thực hành của New Age. Điều cực kỳ quan trọng là phải kiểm tra những uỷ nhiệm thư của những người, nhóm và tổ chức cho mình là cung cấp sự hướng dẫn và thông tin về New Age. Một vài trường hợp xảy ra là vì tìm hiểu không đầy đủ cho nên sau lại trở thành cổ võ hoặc bênh vực cho “những tôn giáo thay thế”. Một số tổ chức quốc tế tích cực theo đuổi những chiến dịch cổ võ tôn trọng “sự khác biệt về tôn giáo” và đòi định chế tôn giáo cho một số tổ chức đáng ngờ. Điều này hợp với quan điểm của New Age về sự chuyển động đi tới một thời đại ở đó tính cách giới hạn của các tôn giáo đặc thù mở đường cho sự đại đồng của một tôn giáo hoặc linh đạo mới. Đàng khác, đối thoại chân thực sẽ luôn luôn là trọng kính sự khác biệt ngay từ lúc đầu, và không tìm cách xoá nhoà những khác biệt bằng cách pha trộn mọi truyền thống tôn giáo với nhau.

Một vài nhóm New Age địa phương coi những cuộc hội họp của mình là những “nhóm cầu nguyện”. Những người được mời đến những nhóm như thế cần phải tìm những dấu vết của linh đạo Kitô giáo chân thực, và phải cảnh giác nếu như có một thứ nghi lễ khai tâm nào đó. Những nhóm như thế lợi dụng sự thiếu đào tạo thần học và tâm linh của những con người để dần dần nhử những người ấy đến cái thực ra là một hình thức phượng tự sai lạc. Người Kitô hữu phải học cho biết đối tượng và nội dung chân thực của cầu nguyện – trong Chúa Thánh Thần, qua Đức Giêsu Kitô, đến với Chúa Cha – để xét đoán đúng ý hướng của “nhóm cầu nguyện”. Cầu nguyện Kitô giáo và Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô sẽ được nhận biết dễ dàng. Nhiều người xác tín rằng vay mượn minh triết phương Đông là vô hại, nhưng ví dụ của Suy Niệm Siêu Việt (Transcendental Meditation) khiến các Kitô hữu phải cảnh giác về hướng đi đẩy chính mình sang một tôn giáo khác mà mình không biết (ở trường hợp này là Ấn giáo), cho dù những người cổ võ phong trào ấy tuyên bố họ là vô tư về tôn giáo. Học cho biết suy niệm không có vấn đề, nhưng đối tượng và nội dung của việc thực hành rõ ràng cho thấy nó có tương liên với Thiên Chúa đã được Đức Giêsu Kitô mạc khải hay không, có tương liên với một số mạc khải khác hay không, hay chỉ tương liên với chiều sâu ẩn giấu của cái ngã mà thôi.

Các nhóm Kitô hữu cổ võ việc chăm sóc trái đất là công trình sáng tạo của Thiên Chúa cũng cần phải có những hiểu biết cần thiết. Vấn đề trọng kính công trình sáng tạo là một trong những vấn đề được tiếp cận một cách sáng tạo trong các trường Công giáo. Một số lớn những gì được các yếu tố khá triệt để của phong trào môi sinh đề nghị khó dung hoà với đức tin Công giáo. Chăm sóc môi trường xét theo cách nói chung là dấu chỉ hợp thời cho thấy thái độ quan tâm đến những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta, có lẽ là một dấu chứng cần thiết để cho thấy thái độ của Kitô giáo đối với công trình sáng tạo, nhưng “môi sinh sâu xa” (deep ecology) thường dựa trên phiếm thần và có khi trên các nguyên tác của ngộ đạo.

Thiên niên kỷ thứ ba bắt đầu mang đến một thời (kairos) đích thực cho công việc loan báo Tin Mừng. Trí lòng của con người đã sẵn sàng mở ra đón nhận những thông tin có giá trị về cách Kitô giáo hiểu về thợi gian và lịch sử cứu độ. Nhấn mạnh cái gì thiếu trong các lối tiếp cận khác không phải là ưu tiên chính. Vấn đề quan trọng hơn là phải thường xuyên tra cứu các nguồn mạch của đức tin của chính chúng ta, để chúng ta có thể cống hiến một cách trình bày sứ điệp Kitô giáo tốt và chấp nhận được. Chúng ta có thể hãnh diện về cái chúng ta đặt tin tưởng vào đó, cho nên chúng ta cần đối lại những áp lực của thứ văn hoá thông trị chỉ muốn chôn đi những ân huệ (x. Mt 25, 24-30). Một trong những khí cụ hữu ích nhất có thể dùng là cuốn Sách Giáo Lý của Hội thánh Công Giáo. Còn cả một gia tài mênh mông những cách thế để tiến đến sự thánh thiện trong đời sống của nhiều người nam nữ trong quá khứ và trong hiện tại. Ở đâu tính cách biểu tượng phong phú của Kitô giáo và những truyền thống nghệ thuật, thẩm mỹ và âm nhạc không được am tường hoặc bị lãng quên, thì ở đó còn có nhiều việc cần thực hiện cho chính các Kitô hữu, và sau cũng cả cho bất kỳ ai đang tìm kiếm một kinh nghiệm hay một ý thức lớn hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa. Đối thoại giữa các Kitô hữu với những người bị New Age lôi cuốn sẽ hiệu quả hơn nếu để ý đến những gì đụng chạm đến cảm xúc và ngôn ngữ biểu tượng. Nếu trách nhiệm của chúng ta là hiểu biết, yêu mến và phục vụ Đức Giêsu Kitô, thì điều vô cùng quan trọng là bắt đầu từ việc am hiểu đúng đắn Kinh thánh. Nhưng trên hết, đến gặp Chúa Giêsu trong cầu nguyện và các bí tích – chính đó là những khoảnh khắc cuộc sống thường nhật của chúng ta được thánh hoá – là con đường chắc chắn nhất để nhận thức về toàn thể sứ điệp Kitô giáo.

Có lẽ biện pháp đơn giản nhất, rõ ràng nhất và khẩn cấp nhất, cũng là hữu hiệu nhất, cần thực hiện là khai thác tối đa những phong phú của gia tài tâm linh Kitô giáo. Các dòng tu lớn có những truyền thống suy niệm và linh đạo vững chắc có thể phổ biến qua những lớp học hay những thời gian nhà dòng có thể tiếp đón những người chân thành tìm kiếm. Làm như thế rồi, vẫn còn cần phải làm nhiều hơn nữa. Giúp con người ta trong việc tìm kiếm tâm linh bằng cách cống hiến cho họ những kỹ thuật đã được thử nghiệm và những kinh nghiệm về việc cầu nguyện chân thực có thể mở ra một cuộc đối thoại với họ. Cuộc đối thoại ấy có thể bộc lộ những nét phong phú của truyền thống Kitô giáo, và có lẽ sẽ cho thấy rõ New Age là gì.

Phần 7: Phụ trương


Phần này giới thiệu những sách, những thông tin, những từ ngữ của New Age.

Phần 8: Các Nguồn mạch:


Phần này giới thiệu những tài liệu của Giáo huấn Hội Thánh và những nghiên cứu, tác phẩm có liên quan đến New Age.

Phần 9: Thư mục Tổng quát

Ghi Chú

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

VÀI NÉT TỔNG QUAN VỀ PHONG TRÀO NEW AGE - THỜI ĐẠI MỚI

Thời sự Thần học - số 34, tháng 12/2003, tr. 7-17. 

 _Vân Hạ (tổng hợp một số bài viết từ Website)_ 

Nhân dịp phát hành Thời sự Thần học số 98 với chủ đề: Các tôn giáo mới, chúng tôi đăng lại các bài viết về Phong trào New Age của TSTH số 34, tháng 12/2003, nhân dịp Toà thánh ban hành Văn kiện "Đức Giêsu Kitô, Đấng mang đến nguồn nước hằng sống" (3/2/2003). Các bài viết tuy không còn nhiều tính thời sự, cũng góp thêm tư liệu cho độc giả suy tư về căn tính Kitô giáo, trong bối cảnh các tôn giáo mới đang ngày càng nở rộ.

I. Giới thiệu


Phong trào Thời đại mới (PTTĐM) có thể được xem là một hiện tượng tự thân. Không giống như các tôn giáo, nó không có “kinh kệ”, tổ chức trung ương, thành viên, giáo sỹ, thánh thất, giáo thuyết và tín điều, v.v.. Người ta thường dùng những định nghĩa rất đặc trưng cho các thuật ngữ của trào lưu này. Có thể nói, PTTĐM là một trào lưu tự-do-diễn-tả-tâm-linh, bao gồm một mạng lưới tín đồ và hành giả cùng thừa nhận một số tín chuẩn và lễ bái. Họ du nhập lối sống đạo của PTTĐM này vào các tôn giáo truyền thống mà xưa nay họ vẫn từng là thành viên chính thức. Những nhà xuất bản tư liệu của PTTĐM đang chiếm giữ ưu thế trong các tổ chức đầu não, hội thảo, hiệp hội, tư liệu, câu lạc bộ không chính thức thay cho các dịch vụ tôn giáo và các bài thuyết pháp của các tôn giáo truyền thống.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 34, THÁNG 12/2003

CHỦ ĐỀ : PHONG TRÀO NEW AGE - MỘT HIỆN TƯỢNG !? 

LỜI NGỎ_ 


Trong lịch sử nhân loại từ xưa tới nay, có nhiều phong trào tâm linh xuất hiện. Đa số đã tan biến như một ảo ảnh chợt đến rồi chợt đi. Một số rất ít còn để lại chút ảnh hưởng hay chỉ còn dư âm như một tên gọi đã từng gây “rối loạn” một thời. Nhưng phải thành thực mà nói, các phong trào đó ít nhiều phản ánh khát vọng tâm linh nơi con người. Con người không hài lòng với những gì hiện có, họ muốn bay cao và xa hơn. Con người muốn làm chủ vận mạng đời mình. Họ thao thức, trăn trở và băn khoăn tìm kiếm con đường tâm linh, con đường giải thoát. Con người hữu hạn hiện diện vì một cái gì vô hạn.

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 98, THÁNG 11/2022

CHỦ ĐỀ: CÁC TÔN GIÁO MỚI 

LỜI GIỚI THIỆU 


Tựa đề của số báo có thể gây ra ngỡ ngàng cho nhiều độc giả. Thời nay, không ai còn nghĩ đến việc sáng lập tôn giáo nữa, bởi vì phần lớn các vị sáng lập thuộc về thời xa xưa (Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca Mâu Ni, Đức Giêsu); hơn nữa, vào thời khoa học kỹ thuật hiện đại, các tôn giáo đang dần dần mất ảnh hưởng đối với xã hội, được đặt tên là trào lưu thế tục hóa. Trong bối cảnh như vậy, làm gì có chuyện tôn giáo mới nữa? Thế nhưng, một hiện tượng đã lôi kéo sự chú ý không những của những nhà nghiên cứu tôn giáo mà còn của các cơ quan an ninh quốc gia cũng như quốc tế, đó là sự xuất hiện của các tôn giáo mới vào cuối thế kỷ XX và vẫn tiếp tục khi bước sang thế kỷ XXI.

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

QUAN NIỆM CỨU ĐỘ CỦA PHẬT GIÁO VÀ KITÔ GIÁO

Thời sự Thần học – Số 1, tháng 3/2010, tr. 93-107.

_Thanh Nhơn_


Tôn giáo nào cũng quan niệm về cứu độ cho riêng tôn giáo mình, cũng như có nhiều điểm giống và khác nhau. Sự khác biệt làm cho thêm phong phú lẫn nhau hơn là đối kháng nhau, tuy vẫn biết hòa hợp tất cả là một điều không dễ dàng gì. Bài này cố gắng trình bày quan niệm cứu độ của Phật giáo và Kitô giáo nhằm hướng tới việc thu nhỏ dần khoảng cách giữa hai tôn giáo chính tại Việt Nam

1. Cứu độ trong Phật giáo

1.1. Ý niệm về cứu độ trong Phật giáo

Phật giáo quan niệm rằng đời là bể khổ, con người không thể thoát khỏi cảnh khổ đau. Những khổ đau, bệnh tật, chết chóc… là những quy luật hiển nhiên mà ai cũng phải trải qua, không một ai có thể tránh khỏi.

Có nhiều cái khổ xảy đến với con người. Có những cái khổ mà ai ai cũng phải trải qua như: sinh, lão, bệnh, tử. Có những cái khổ do chính con người tạo ra như: chiến tranh, cướp bóc… Tất cả những nỗi khổ này làm cho con người sống trong lo âu, mất hạnh phúc. Hơn nữa, con người còn phải trải qua luật nghiệp báo, luật luân hồi. Bất cứ một hành động nào của chúng ta dù to hay nhỏ, dù tốt hay xấu thì đều có báo ứng là được thưởng hay bị phạt. Vì luật nghiệp báo chi phối nên hiện giờ ta phải trả giá cho những việc đã làm trong quá khứ, và tương lai sẽ phải trả giá cho những việc ta đang làm bây giờ. Vì thế, tất cả những ai chưa được giải thoát khỏi dục vọng, lòng ham muốn thì vẫn bị luật nghiệp báo điều khiển. Bởi vì, họ vẫn nghĩ, làm và nói theo những xúc động của tình cảm.

Ngoài ra, con người còn bị chi phối bởi quy luật luân hồi. Theo triết lý Ấn Độ, con người phiêu bạt vô định như cánh bèo trôi trên dòng nước không phải do tự động, nhưng vì bị lôi cuốn, bị hấp dẫn bởi những đối tượng của giác quan, bởi dục vọng tham lam những khoái lạc do sự vật bên ngoài gây nên. Do đó, sự chết nơi con người không phải là hết mà là chấm dứt đời người, là một sự chuyển đổi. Sự sống đời này (hiện nghiệp) vừa là kết quả của đời sống quá khứ (túc nghiệp), vừa là nguyên nhân cho kiếp sau. Đời sau này vừa là kết quả của đời hiện tại, vừa là nguyên nhân cho đời kế tiếp; tất cả cứ như vậy chạy quanh không ngừng. Cũng theo giáo lý này, con người có thể tái sinh ở rất nhiều kiếp khác nhau: kiếp thần thánh, kiếp người khác, kiếp quỷ hay kiếp súc vật. Vì thế, đời sống của con người mai sau hoàn toàn lệ thuộc vào đời sống ở kiếp này. Kiếp này ta làm nhiều việc thiện thì kiếp sau sẽ được đầu thai ở kiếp tốt như thần thánh hay con người còn ngược lại, con người làm nhiều điều xấu sẽ bị đầu thai ở kiếp quỷ hoặc súc vật. Nếu ai ở đời này tu tập đạt đến bậc giác ngộ thì kiếp sau sẽ được đạt đến niết bàn và trở thành Phật.

Vì ý thức rằng đời là bể khổ và con người luôn phải trầm luân trong bể nên con người phải tìm cách để thoát ra khỏi cảnh khổ ải đó. Theo Phật giáo, sự giải thoát là chính bản thân mình tự giải thoát cho mình, nhờ vào sự tập luyện để đạt tới Niết Bàn, chứ không cậy dựa vào bất kỳ một ai hay một thể lực thần linh nào khác. Tuy nhiên, phần đông phật tử vẫn tin vào vai trò cứu độ của Đức Phật. Họ vẫn nghĩ rằng. Đức Phật luôn hiện diện như một vị thần để giúp đỡ, ban phát cho họ những ơn lành và ban cho họ được hạnh phúc. Vì thế, họ đến chùa với tâm tình vái lạy, cầu xin Đức Phật ban cho họ những điều họ mong muốn.

Trong niềm tin của người Phật tử vẫn tin có giải thoát (cứu độ), nhưng để được giải thoát thì chính con người phải nỗ lực bằng khả năng và sức lực của mình. Do đó, khái niệm cứu độ của Phật giáo là con người tự giải thoát chính mình, con người quy hướng về mình chứ không hướng đến hay cần một sự trợ giúp của đấng bậc thần linh hay một vị cứu tinh nào khác.

Như vậy, Phật giáo là Đạo đi tìm sự giải thoát cho con người. Đức Phật đã đưa con người tự lên đường để giải thoát chính mình. Con người tự phá đổ tất cả mọi hàng rào, mọi vướng bận ngăn cản con người đi đến tự do. Con người lên đường tìm sự tự do và giải thoát cũng chính là đi tìm chân lý. Đạo Phật là đưa chúng sanh đến cuộc sống an lạc giải thoát, đó cũng là nhu cầu tất yếu và là khát vọng thâm sâu của nhân loại ở mọi nơi và mọi thời.

1.2. Con đường dẫn tới cứu độ

Mục đích các Pháp môn tu tập của Phật giáo là giải thoát, tức là thoát khổ, là được hạnh phúc. Muốn được giải thoát, con người phải diệt trừ những nguyên nhân gây ra đau khổ, tức là những lối sống xấu xa độc ác, nhất là sự dốt nát, và tích cực làm những điều tốt, ích lợi cho mình và tha nhân, trở nên người tốt, hoàn hảo.

Đức Phật đã rao giảng về những chân lý dẫn con người đến con đường giải thoát để đạt tới Niết Bàn. “Tứ Diệu Đế” là bốn chân lý huyền diệu mà Phật Thích Ca cảm nghiệm được khi giác ngộ. Đây là những chân lý nền tảng, là tinh hoa, là đặc điểm chính của Phật giáo. Trong Tứ Diệu Đế, Đạo Đế được coi là con đường cứu độ. Đạo đế là con đường “Bát chánh” quy về ba mục chính: Giới, Định, Huệ.

Giới: giới là tự giác sống có kỷ luật. Đúng hơn, giới là việc thực hiện một lối sống lành mạnh, giản dị trong sáng, về thân, về khẩu, về ý. Như vậy, giới có thể coi là điều kiện để có thể tự quán sát tâm. Chắc chắn chúng ta không thể quán sát tự tâm khi sống kiểu phóng túng hỗn loạn, nói năng đủ thứ ồn ào, và để cho tâm ý hướng về trăm chuyện lung tung. Tuy nhiên, giới chỉ là điều kiện chứ không phải bản chất của việc quán sát, tỉnh thức.

Huệ: nhìn nhận, hiểu biết vạn sự đúng với thực tại của chúng, để hiểu biết được thì phải thông hiểu giáo lý của Đức Phật khi đã biết thực tính của vạn sự, thì tư tưởng ta không dính bén gì đến những cái vô thường.

Định: trước tiên không cho nội tâm bị vẩn đục bởi những tư tưởng xấu xa, rồi tu luyện tâm thần bằng mọi phương pháp, qua các giai đoạn:

- Sơ thiền: xua đuổi mọi đam mê, ước muốn xấu

- Nhị thiền: tâm tư không còn hành động ngoài ý muốn, và được tập trung lại, tuy nhiên cảm giác sướng vui hạnh phúc vẫn còn.

- Tam thiền: Cảm giác vui mất đi nhưng hạnh phúc vẫn còn

- Tứ thiền: tất cả mọi cảm giác đều biến hết, người ta không còn ý thức gì về vui buồn nữa.

Tất cả những phương pháp trên đều có mục đích khử trừ, diệt tận mọi dục vọng đam mê, để đạt tới trạng thái thuần tịnh. Như vậy, Bát Chánh Đạo có thể được xem như là một nền đạo đức học thực nghiệm của Phật giáo, dùng để huấn luyện đức tính của con người trở nên cao đẹp hơn, đồng thời cũng là một con đường tôn giáo đưa con người đến “Chánh Giác, tức Phật Cảnh”.

2. Cứu độ trong Kitô giáo

2.1. Ý niệm về cứu độ

Như chúng ta đã thấy, trọng tâm của đạo Thiên Chúa là nhằm biểu lộ tình thương vô hạn của Đấng Tạo Hóa, đã tạo dựng và muốn cứu độ con người tội lỗi, đau khổ. Vì thế, Kitô giáo dùng nhiều danh từ như: cứu độ, cứu chuộc, giải thoát để diễn tả về ý niệm cứu độ.

Chữ cứu độ được dịch từ chữ Salvation, có nghĩa là người chữa bệnh hay là người cứu giúp. Như thế, cứu độ bao hàm một tình trạng suy đồi và nay được sửa lại nguyên vẹn như xưa, nhờ sự giúp đỡ, cứu vớt của một vị cứu tinh đã ra tay cứu nhân độ thế. Theo quan niệm cứu độ này thì con người không thể tự cứu lấy mình được, mà phải nhờ đến một Đấng Cứu Thế giúp đỡ.

Một danh từ khác được sử dụng là “cứu chuộc”. Danh từ cứu chuộc bao hàm ý nghĩa lỗi lầm như tội nguyên tổ và tội cá nhân, loài người không thể tự chuộc lại lỗi lầm lớn lao đó, vì đã dám từ chối lòng yêu thương vô hạn của Chúa. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa tự ý ra tay cứu chuộc bằng Thập giá của Chúa Giêsu Kitô mà con người được giải thoát. Lòng thương xót vô hạn của Chúa luôn muốn cứu độ nhân loại đã được thể hiện trong lịch sử, nhờ biến cố giáng thế làm người và chịu nạn chịu chết của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.

Tiếp đến là danh từ “giải thoát hay giải phóng”, danh từ này được dịch từ chữ Latinh: liberare, liber có nghĩa là làm cho tự do. Theo nguyên tự, chữ này chỉ việc cứu vớt những người nô lệ và tù nhân khỏi cảnh giam cầm để hưởng tự do. Theo nghĩa rộng, giải thoát là một tình trạng bị áp bức đè nén, con người được vùng lên bẻ gãy mọi xiềng xích trói buộc, cản trở để tiến tới tự do phát triển. Như vậy, theo nghĩa tôn giáo, giải thoát chính là cứu vớt nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, ma quỷ, hỏa ngục… để giúp tâm trí con người tìm ra ánh sáng chân lý, và phát triển nhân phẩm đến bậc thiện toàn.

Tóm lại, tất cả những danh từ trên đều diễn tả rằng: con người chúng ta không thể tự mình giải thoát được khổ nơi mình mà phải cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ cho tội lỗi. Con người chỉ khi cộng tác và đón nhận hồng ân của Chúa thì được cứu độ.

2.2. Sự cần thiết của Công cuộc Chuộc tội

Theo Đạo Thiên Chúa, tội là một hành vi, một quyết định tự do của con người chống lại lề luật của Chúa, từ chối không chấp nhận “Thiên Ân” do tình thương của Chúa. Đây là một trọng tội vì là một hành động quyết liệt đối với Thánh ý Chúa. Sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa vẫn tự ý ban hồng ân siêu nhiên để siêu hóa và tha thứ cho nhân loại. Thiên Chúa muốn ban hồng ân cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc, những ân sủng đó phải lệ thuộc vào biến cố lịch sử là Chúa Giêsu Nhập Thể và vào Hội Thánh như “Nhiệm Thể Chúa Kitô”. Do đó, chỉ nhờ đời sống và sự chết của Chúa Giêsu Kitô mà nhân loại được chuộc tội, và hy vọng được hưởng hạnh phúc trường sinh. Vì thế, thập giá Chúa Kitô trước sau luôn là căn nguyên của việc chuộc tội cho thiên hạ.

Tuy nhiên, con người muốn được cứu độ thì phải kết hợp với hồng ân của Chúa. Thật vậy, hồng ân của Chúa ban cho con người cách nhưng không. Tội lỗi con người thì nặng vô cùng, con người không thể tự cứu lấy mình được vì bản tính hữu hạn của con người, vì tính chất và sự cần thiết của việc cứu độ thì cao sâu vô cùng. Do đó, con người phải hợp tác với hồng ân của Chúa. Tuy nhiên, sự hợp tác này là cần thiết nhưng không phải là yếu tính của việc chuộc tội. Tức là, ta phải làm sao để có thể đền tội ta một cách cân xứng thì ta sẽ được Chúa tha tội và ban cho Phúc Trường Sinh.

Vì thế, ơn cứu độ của Thiên Chúa là rất cần thiết. Nếu không có ơn cứu độ của Chúa thì con người luôn phải sống trong tình trạng tội lỗi. Bởi vì, con người đã đánh mất sự tự do nơi mình, mất sự tương quan thân tình với Thiên Chúa, vì đã phạm tội kiêu ngạo không phục tùng. Thế nên, con người không thể tự cứu lấy mình khỏi tình trạng tội lỗi của mình. Do đó, con người phải cậy dựa vào công nghiệp cứu chuộc nơi Thiên Chúa để được giải thoát.

2.3. Đức Giêsu Kitô hoàn tất công trình cứu độ

Như trên đã trình bày, ơn cứu độ hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa và do ý định của Thiên Chúa. Chính vì thế Đức Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sống thân phận con người như bao con người bình thường khác. Người đã hoàn toàn vâng phục Thánh ý của Thiên Chúa Cha: Ngài đã vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên Thập giá. Chính sự chết và phục sinh của Đức Giêsu là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

VẤN ĐỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG THEO DÒNG LỊCH SỬ

Thời sự Thần học – Số 87, tháng 2/2020, tr. 185-218.

_Phan Tấn Thành_

Nhập đề. Từ ngữ. Tiếng Việt: tự do tín ngưỡng/tự do tôn giáo. Tiếng Anh: Religious tolerance/ religious freedom/freedom of religions

I. Từ đầu lịch sử Kitô giáo cho đến Công đồng Vaticanô II:
   A. Những thế kỷ đầu.
   B. Thời Trung cổ.
   C. Thời Cận đại

II. Công đồng Vaticanô II:
   A. Thần học trước Công đồng.
   B. Giai đoạn soạn thảo văn kiện về tự do tín ngưỡng.
   C. Tuyên ngôn Dignitatis Humanae

III. 50 năm sau Vaticanô II

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

TÔN GIÁO VÀ BẠO ĐỘNG: “Thiên Chúa Tam Vị, nhân loại hợp nhất niềm tin độc thần kitô giáo bài trừ bạo động”

Thời sự Thần học - số 68 tháng 5/2015, tr. 184-197

_Tsth_ 


Bức tượng Chúa Giêsu
tại nhà thờ Công giáo, Sri Lanka
bị đánh bom vào CNPS, 21/4/2019
Trên đây là tựa đề của một văn kiện do Uỷ Ban Thần học Quốc tế soạn thảo được công bố ngày 16-1-2014. Văn kiện dài 40 trang, chia làm 5 chương (và 100 đoạn), viết bằng tiếng Ý[1] và cho đến nay chưa được dịch ra tiếng Anh. Đây là kết quả của 5 năm làm việc (2009-2013), được giao cho một tiểu ban dưới sự điều phối của cha Philippe Vallin, gồm các giám mục Savio Honn Tai-Fai, SDB, Charles Morerod, OP, Paul Rouhana, các linh mục: Peter Damian Akpunonu, Gilles Emery, OP, Thomas Norris, Javier Prades López, Pierangelo Sequeri, Guillermo Zuleta Salas. Văn kiện đã được Uỷ ban bỏ phiếu chấp thuận ngày 6-12-2013.

Mục tiêu của văn kiện này là đào sâu một vài khía cạnh trong cách trình bày Thiên Chúa của Kitô giáo, đặc biệt khi đối chiếu với những học thuyết cho rằng có sự liên hệ chặt chẽ giữa tôn giáo độc thần với bạo động. Đứng trước lời cáo buộc ấy, thần học Kitô giáo sẽ trả lời thế nào? Phải chăng các cuộc chiến tranh bắt nguồn từ tôn giáo? Bằng cách nào, niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất có thể trở thành nguyên uỷ và nguồn mạch cho tình yêu giữa lòng nhân loại?

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

FUNDAMENTALISM

Thời sự Thần học - số 68 tháng 5/2015, tr. 160-183

__Massimo Introvigne[1]__

Hầu như ngày nào từ ngữ fundamentalism cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội và thường được dịch là “nhóm quá khích” (Hồi giáo), hoặc “cực đoan, bảo thủ”. Chúng tôi để nguyên từ gốc tiếng Anh fundamentalism[2], bởi vì nó bao hàm nhiều nghĩa khác nhau; một định nghĩa chính xác, tựa như của dự án nghiên cứu bên Hoa kỳ Fundamentalism project, có nguy cơ là không trùng hợp với thực tế. Trong bài này, sau khi đã lược qua những ý nghĩa khác nhau của fundamentalism bắt nguồn từ Tin Lành, tác giả cho thấy sự khó khăn khi áp dụng cho các tôn giáo khác. Dù sao, phần dài nhất của bài này phân tích những hiện tượng phức tạp của fundamentalism bên Hồi giáo. Bài gồm năm mục: 1/ Cuộc tranh luận chung quanh Fundamentalism project ở Hoa kỳ. 2/ Fundamentalism bên Tin Lành từ thập niên cuối của thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI. 3/ Có chăng một fundamentalism bên Công giáo? 4/ Việc nới rộng phạm trù fundamentalism sang các tôn giáo khác (Do thái, Ấn giáo). 5/ Fundamentalism của Hồi giáo trước và sau ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

GIÁO HỘI VỚI NHỮNG NGƯỜI VÔ THẦN, VÔ TÍN NGƯỠNG

Thời sự Thần học - Số 62, tháng 11/2013, tr. 128-156

Giuse Phan Tấn Thành, O.P.

Phần I. Điểm qua các văn kiện của Giáo hội
I. Từ Công đồng Vaticanô I (1870) đến Vaticanô II (1965): A. Gaudium et spes. B. Những văn kiện khác của Công đồng
II. Từ công đồng Vaticanô II đến nay (1965-2013): A. Văn phòng về những người vô tín ngưỡng. B. Những văn kiện khác của Toà thánh

Phần II. Tìm hiểu hiện tượng vô thần
I. Từ ngữ: A. Tiếng Việt. B. Tiếng Latinh: athei / non credentes / infideles
II. Vô thần là gì? A. Các dạng thức. B. Các động lực
III. Lịch sử hiện tượng vô thần ở châu Âu: A. Cổ thời. B. Thời cận đại: các thuyết vô thần nhân bản. C. Văn hoá vô thần
IV. Vài suy nghĩ

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

THẦN HỌC CÁC TÔN GIÁO DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Thời sự Thần học - Số 62, tháng 11/2013, tr. 89-127

  1. Lịch sử ra đời của Tuyên ngôn Nostra aetate
  2. Những giá trị tích cực hàm chứa trong các truyền thốngtôn giáo (2.1. Lumen gentium. 2.2. Ad gentes. 2.3. Nostra aetate)
  3. Các chú giải đối nghịch nhau về các bản văn của Công đồng (3.1. Thái độ đơn giản hoá các giáo huấn của Công đồng. 3.2. Lối diễn dịch thái quá. 3.3. Hướng tới một đánh giá quân bình hơn)
  4. Tác động hỗ tương giữa các giáo huấn của Công đồng và các suy tư thần học. (4.1 Khuynh hướng thần học hoàn thiện. 4.2. Mầu nhiệm Đức Kitô trong truyền thống các tôn giáo)

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

HỘI ĐỒNG TỨ GIÁO

LTS: Hôm nay, ngày 7/11 Dòng Đa Minh mừng kính thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, O.P. (có sách sử ghi là Lê Quang Liêm), được lãnh triều thiên tử đạo (+1773). Thánh nhân được cho là đồng tác giả của cuốn “hội đồng tứ giáo.”


Thời sự Thần học, số 62 - tháng 11/2013, tr. 157-176

Giuse Phan Tấn Thành, O.P.



Năm nay kỷ niệm 25 năm Đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam (ngày 19 tháng 6 năm 1988). Xếp theo thứ tự niên tuế, đứng đầu danh sách là bốn linh mục dòng Đa Minh: Francisco Gil de Federich, Mateo Alonso Leciniana (1745), Jacinto Castaneda, Vicentê Lê Quang Liêm (1773). Đặc biệt là hai vị sau cùng đã được gán làm tác giả của một tác phẩm nổi tiếng “Hội đồng tứ giáo” (hoặc đôi khi mang tựa đề dài hơn: “Hội đồng tứ giáo danh sư”).

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

HỘI NHẬP VĂN HÓA VÀ ƠN CỨU ĐỘ

Thời sự Thần học – Số 23, tháng 03/2001, tr. 62-81

Aylward Shorter
_____ Chuyển ngữ : K’Bao

SỰ CẦN THIẾT CỦA PHÉP RỬA


Năm 1542, thánh Phanxicô Xavie đến vùng duyên hải nay gọi là Kenya và đã sống một ít tuần lễ tại Malindi. Đang khi ngài ở đấy, có một tộc trưởng người Hồi giáo xin được gặp ngài. Cuộc đàm luận của hai vị tập trung vào sự thờ ơ với tôn giáo tại Malindi. Vị tộc trưởng phàn nàn với thánh Phanxicô rằng, trong số 17 mosques (đền thờ) của thành phố, chỉ có 5 mosques là đang sử dụng, và ông đã hỏi ý kiến thánh nhân lý do tại sao. Thánh nhân thẳng thắn trả lời rằng Thượng Đế đâu có đi tìm vui sướng nơi những kẻ bất tín, và Ngài ghét những lời họ cầu xin. Theo ý kiến của thánh Phanxicô, những đền thờ vắng ngắt vì Thượng Đế muốn rằng phải chấm dứt những buổi cầu kinh Hồi giáo vì Ngài chẳng ưa gì những lời kinh đó.[1]

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

ĐỐI THOẠI VÀ RAO GIẢNG

Thời sự Thần học - Số 23, tháng 3/2001, tr.

“Việc đối thoại liên tôn trong một mức độ sâu xa hơn luôn luôn là cuộc đối thoại cứu độ, bởi vì chủ tâm của nó là khám phá, làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn cuộc đối thoại vĩnh cửu mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện với nhân loại.” (ĐTC Gioan Phaolô II)

Quốc Văn 


Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

LỜI THIÊN CHÚA, CÁC TÔN GIÁO VÀ NỀN VĂN HÓA THẾ GIỚI

Thời sự Thần học - Số 23, tháng 3/2001, tr.

Claude Geffré, O.P. - Văn Hạ chuyển ngữ


Khi đề cập tới một chủ đề rộng lớn như trên, thật khó có thể diễn tả rạch ròi vấn đề vừa đạt mức độ phổ quát, vừa tác động đến người lắng nghe Lời Thiên Chúa trong một hoàn cảnh cụ thể, tức trong bối cảnh văn hóa và lịch sử của chính họ. Thế nhưng, tôi nhận thấy cần phải lướt qua mức độ phổ quát của vấn đề và muốn đi vào chi tiết bằng Lời Thiên Chúa hoạch định Tin Mừng cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã trỗi dậy từ cõi chết.

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 23, THÁNG 03/2001

CHỦ ĐỀ: ĐỐI THOẠI VÀ CHÂN LÝ

LỜI NGỎ


Đời sống con người vốn là một cuộc đối thoại miên trường: cá nhân này đàm đạo, chuyện trò với cá nhân khác để chia sẻ kinh nghiệm sống, đức tin và để làm phong phú cho nhau. Thiên Chúa nói và con người lắng nghe đồng thời đáp trả, đó cũng là một dạng thức đối thoại.
Đại diện của nhiều tôn giáo, Đức Datlai Latma ngồi giữa,
chụp tại một ngôi chùa ở Ấn Độ

Trong một thế giới phân hóa và có nhiều khuynh hướng, quan điểm, lập trường khác nhau về mọi lãnh vực (tôn giáo, văn hóa, kinh tế, chính trị...), việc đối thoại là một phương tiện khẩn thiết để con người có thể gặp gỡ nhau. Có thể nói được rằng nhân loại càng tiến bộ thì càng cần trao đổi, chia sẻ và hiệp thông hơn. Thế kỷ XXI có thể được xem là thế kỷ của đối thoại và để hiệp thông.

Hội nghị Đối thoại Liên tôn lần I (Interfaith Dialogue Conference) được tổ chức từ 7 – 12/02/2001 tại Đại học Assumption, Bangkok, Thailand như một lời mời gọi lên đường để đàm đạo và tìm kiếm chân lý. Hội nghị đã tuyên ngôn: “Chúng tôi ý thức rằng đối thoại với anh chị em thuộc các tôn giáo khác là một thách thức chính (...) ở đầu thiên niên kỷ mới (...). Chúng ta chịu thách thức với việc đối thoại, với một cách nghe mới, một lối nhìn mới, tiếp xúc mới và hiểu biết mới. Đối thoại mở ra một cánh cửa tới một thế giới không mấy quen thuộc (...) nhưng hành trình này sẽ dẫn chúng ta trở về quê nhà của mình (...). Tất cả chúng ta đều là khất sĩ trước sự thật (...).

Thời sự Thần học số này với chủ đề Đối thoại và Chân Lý (tựa đề của một trong những tham luận tại Hội nghị này) xin trích dịch hai trong nhiều tham luận: “Đối thoại và Chân Lý” (Bài 1) và “Lời Chúa, các tôn giáo và Văn hóa thế giới” (Bài 2). “Đối thoại và Rao giảng Tin Mừng” (Bài 3) là một suy nghĩ về truyền giáo nhờ đối thoại. Phần Hội nhập văn hóa với “Hội nhập văn hóa và ơn cứu độ” một thách đố trong bối cảnh đối thoại liên tôn và “Nén hương kính Thầy” là một nỗ lực để hội nhập văn hóa cách cụ thể. Phần chuyên mục Tôn giáo xin tiếp tục phần II của nghiên cứu xã hội học về người Islam tại Tp. Hồ Chí Minh. Mục vụ Kinh Thánh mời gọi chúng ta đọc Kinh Thánh qua các giai đoạn khác nhau.

Giáo hội vừa kết thúc năm thánh, “Giáo hội cử hành năm thánh” là một tổng quan về năm thánh 2000. “Văn kiện Tòa Thánh về việc nam nữ sống chung mà không kết hôn” nhằm giải đáp cho một vấn đề lớn, thực tế của xã hội hiện đại hôm nay. “Một vài nhận định về đời sống Kitô giáo tại Việt Nam” như một tiếng chuông báo động về đời sống đức tin ngày càng trở nên “có vấn đề” nơi các tín hữu Việt Nam.

Ra mắt bạn đọc vào dịp mùa Chay thánh và Phục Sinh năm 2001, Thời sự Thần học kính chúc bạn đọc được dồi dào hồng ân hoán cải và niềm vui cũng như hạnh phúc của Đấng Phục Sinh.

TSTH.

TRONG SỐ NÀY


Lời ngỏ

Hội nhập văn hóa

Chuyên mục tôn giáo
  • Lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng Islam tại Thành phố Sài Gòn

Mục vụ Kinh Thánh
  • Giai đoạn đọc Kinh Thánh

Sinh hoạt Giáo hội
  • Giáo hội cử hành Đại năm thánh 2000
  • Văn kiện Tòa Thánh về việc nam nữ sống chung mà không kết hôn
  • Vài nhận định về đời sống Kitô giáo tại Việt Nam

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

THẦN HỌC VỀ CÁC TÔN GIÁO TRONG VIỄN TƯỢNG ĐA NGUYÊN TÔN GIÁO

Thời sự Thần học – Số 21 – Tháng 09/2000, tr. 61-69

Nguyễn Thanh Phương


Đối với thần học công giáo, thần học về các tôn giáo là một bộ môn quá mới. Thật vậy cho đến đầu thế kỷ XX, quan điểm của thần học công giáo đối với các tôn giáo khác vẫn mang nặng thái độ hộ giáo, tuyệt đối đề cao Kytô giáo như chân đạo, hoàn thiện và duy nhất, còn các tôn giáo khác nói cho cùng chỉ là “tà đạo”.


Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỨC KITÔ VỚI NHỮNG CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ KHÁC

Thời sự Thần học – Số 21 – Tháng 09/2000, tr. 41-60

Nguyễn Thái

Bản góp ý của Hội Đồng Giám mục Việt Nam gởi Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu đã có những nhận định sâu sắc và tích cực về các truyền thống tôn giáo tại Á châu: “Giáo hội Việt Nam nghĩ rằng cần phải quan niệm lại cách thức loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu. Trước hết, vì lục địa Á châu không phải là vùng đất hoang vu mà chúng ta có thể gieo trồng bất cứ giống gì. Trái lại, đây là vùng đất của những tôn giáo và của những nền văn hóa lâu đời hơn nhiều so với Âu châu. Ở đây vốn đã sẵn có một vũ trụ quan, một nhân sinh quan và một quan niệm tôn giáo rất phong phú và còn khá vững chắc. Tại đây, phần lớn người ta không phải là không biết đến Thiên Chúa, trái lại, họ cũng đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Người một cách nào đó và gọi Người bằng những tên khác nhau như là Trời, là Thiên, là Brahman..."