Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

CÁC CÔNG ĐỒNG TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Thời sự Thần học - Số 62, tháng 11/2013, tr. 177-206

Bình Hoà

I. Bốn Công đồng tiên khởi
II. Ba Công đồng cuối của Hội thánh bất phân ly
III. Các Công đồng thời Trung cổ
IV. Công đồng Trentô
V. Công đồng Vaticanô I
VI. Công đồng Vaticanô II

Năm Đức tin được khai mạc vào cũng một ngày mà 50 năm về trước, công đồng Vaticanô II được khai mở (11/10/1962). Ngày kết thúc năm Đức tin (24/11/2013) cũng gần kề kỷ niệm 450 năm bế mạc công đồng Trentô (4/12/1563), một công đồng dài nhất trong lịch sử và để lại nhiều dấu ấn quan trọng về đạo lý và kỷ luật. Thiết tưởng đây là một cơ hội tốt để ôn lại lịch sử các công đồng chung từ Nixêa đến Vaticanô II.

Sổ bộ chính thức của Giáo hội Công giáo ghi nhận 21 công đồng chung. Các nhà chuyên môn đều đồng ý rằng không phải tất cả đều có tầm quan trọng ngang nhau. Bốn công đồng đầu tiên (Nixêa, Constantinôpôlis, Ephêsô, Calxêđônia) thường được ví như là phụ trương cho bốn quyển Phúc Âm (xc. thánh Grêgôriô Cả, epistola 1,24), bởi vì chúng xác định đạo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa. Bốn công đồng đó hợp với ba công đồng kế tiếp (Constantinôpôlis II, Constantinôpolis III và Nixea II) thành 7 công đồng của Hội thánh bất phân ly (Ecclesia indivisa), được các Giáo hội Chính thống nhìn nhận[1]. Các công đồng vào thời Trung cổ nhắm đến việc cải cách kỷ luật hơn là bàn về tín lý, và thiếu sự tham dự của các Giám mục Đông phương. Ba công đồng chót để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử về tín lý và kỷ luật. Vì thế, chúng tôi sẽ dành một mục cho bốn công đồng tiên khởi, một mục cho các công đồng còn lại của thời giáo phụ, một mục cho các công đồng thời Trung cổ, và ba mục cho ba công đồng Trentô, Vaticanô I và Vaticanô II.

I. Bốn công đồng tiên khởi


Có những người muốn bắt đầu lịch sử các công đồng từ hội nghị của các tông đồ tại Giêrusalem, được sách Tông đồ công vụ thuật lại ở chương 15 (khoảng năm 48-49). Tuy có thể coi hội nghị đó như là mẫu mực cho tất cả các công đồng trong lịch sử của Giáo hội, khi mà các tông đồ (và những người kế nhiệm) họp nhau lại thảo luận và cầu nguyện cho biết nhận ra đường lối của Chúa trước một tình thế mới của công cuộc truyền giáo, nhưng theo nghĩa chuyên môn thì công đồng chung đầu tiên là cuộc họp của 318 nghị phụ tại Nixêa, (thuộc miền Đông Bắc nước Thổ nhĩ kỳ hiện nay) từ ngày 20/5 đến ngày 25/7 năm 325. Mục tiêu của công đồng là định tín về bản tính của Đức Kitô chống lại phái Ariô. Theo Ariô (256-336), Đức Kitô chỉ là một thụ tạo. Đối lại, công đồng tuyên xưng rằng Đức Kitô, Con Thiên Chúa “đồng bản thể” (homoousios, consubstantialis) với Cha. Nói cách khác, Đức Kitô cũng là Thiên Chúa.

57 năm sau, một công đồng khác, gồm 150 nghị phụ, được hoàng đế Thêđôsiô I triệu tập vào tháng 5 năm 381 tại Constantinôpôlis (thủ đô đế quốc, thành phố mang tên hoàng đế Constantinô, nay là Istanbul cũng thuộc Thổ nhĩ kỳ), để định tín về bản tính của Thánh Thần, chống lại phái Maxêđôniô (vị này là giám mục Constantinôpôlis). Văn kiện căn bản là kinh tin kính mà chúng ta còn đọc trong thánh lễ ngày Chúa nhật: Chúng tôi tin kính Thánh Thần là Chúa và là Đấng Ban sự sống; Ngài xuất phát bởi Cha; cùng được phụng thờ và tôn vinh với Cha và Con; Ngài đã phán dạy qua các ngôn sứ.

Thay vì đi sâu vào nội dung của hai tín điều về thiên tính của Đức Kitô và Thánh Thần (xem sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 464-477; 245-248), chúng tôi chỉ xin ghi nhận hai nhận xét chung quanh bối cảnh lịch sử.

(1) Về nguyên nhân của các lạc giáo. Chúng nảy sinh không do những kẻ muốn phá hoại Giáo hội, nhưng là do những khó khăn của việc hội nhập văn hoá. Ngay từ đầu, khi lĩnh bí tích rửa tội, các tín hữu đã tuyên xưng Cha, Con, Thánh Thần. Nhưng mà các sách Tân Ước ra đời trong văn hoá Do Thái: họ chỉ nhấn mạnh đến những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử khi sai Con Một và Thánh Linh đến trần gian. Thế nhưng, đến khi Tin Mừng được rao giảng sang Hy Lạp, nơi đã có truyền thống triết học lâu đời, người ta mới bắt đầu suy luận về bản tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa là ai? Tại sao chỉ có một Chúa, mà lại còn có Cha, Con, Thánh Thần? Nhằm duy trì đạo lý về một Chúa, phái Ariô cho rằng Con và Thánh Thần không phải là Chúa. Đối lại, các công đồng phải cố gắng vừa duy trì đạo lý về một Thiên Chúa vừa trung thành với những dữ kiện của mặc khải. Đức tin cần phải được diễn tả qua những từ ngữ của văn hoá thời đại, cụ thể là từ ngữ triết học tựa như: bản thể, bản tính, ngôi vị...

(2) Kết quả của các công đồng. Các lạc giáo không tan biến sau khi các công đồng đã định nghĩa tín điều. Không những Ariô vẫn cứ sống phây phây, mà thánh Atanaxiô, kiện tướng của đức tin, bị phát lưu 5 lần (tổng cộng 17 năm, từ 335 cho tới 366). Các công đồng cần có thời gian để chín mùi; và không thiếu lần cần được bổ túc bởi các công đồng tiếp theo. Điều này sẽ rõ hơn nơi hai công đồng Ephêsô và Calxêđônia.

Như vừa thấy, hai công đồng Nixêa và Constantinôpôlis định tín về mối tương quan giữa Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Cả hai diễn ra vào thế kỷ IV. Sang thế kỷ V, có hai công đồng bàn về mối tương quan giữa các bản tính nơi Đức Kitô. Vào thời này, trong Giáo hội có hai trường phái thần học chính, tại Alêxanđria và Antiôkia. Có thể nói là mỗi bên chịu ảnh hưởng của một triết thuyết: Alêxanđria theo Platon, còn Antiôkia theo Aristôt. Khi chú giải Kinh Thánh, thì Antiôkia chú trọng tới nghĩa đen, còn Alêxanđria đi tìm nghĩa ẩn dụ. Đến khi trình bày Kitô học, thì Alêxanđria nhấn mạnh đến việc Đức Kitô là Lời Thiên Chúa nhận lấy xác phàm (Logos / sarx), còn Antiôkia thì lưu ý rằng Đức Kitô là Lời và cũng là người thật. Nói khác đi, một bên thì nghiêng về thiên tính, một bên thì nghiêng về nhân tính. Alêxanđria cho rằng thiên tính đã thu hút tất cả nhân tính nơi Đức Kitô; còn Antiôkia thì cho rằng thiên tính và nhân tính ra như biệt lập nhau. Khổ nỗi là cả Alêxanđria lẫn Antiôkia đều là toà thượng phụ; nên chi các giám mục sở tại cũng bị ảnh hưởng của trường phái địa phương. Một cách cụ thể, Giám mục Cyrillô của Alêxanđria, vì coi nhẹ nhân tính của Đức Kitô và chỉ chú trọng tới thiên tính, cho nên bênh vực đạo lý đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Giám mục Nestoriô của Constantinôpôlis (428-431, nhưng xuất thân từ trường Antiôkia) chỉ chấp nhận đức Maria là mẹ của Đức Kitô (Christotókos) xét về phía con người.

Công đồng Ephêsô được triệu tập năm 431 (kéo dài từ 22/6 đến 31/7). Các sử gia nhìn nhận rằng hội trường đã bị áp đảo bởi Giám mục Cyrillô Alêxanđria (Giám mục Nestoriô không tham dự). Công đồng Ephêsô thường được trình bày như một công đồng định tín Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa. Kỳ thực, công đồng không chú trọng đến Đức Maria cho bằng đến Đức Kitô: nơi ngài thiên tính và nhân tính kết hợp thành một ngôi vị (unio hypostatica). Đức Giêsu là Ngôi Lời làm người, chứ không phải là một con người sau khi đã sinh ra mới trở thành Thiên Chúa. Chính vì thế mà kẻ đã sinh ra Đức Giêsu thì đã sinh ra Thiên Chúa (Theotókos: Dei Genitrix).

Như vậy là tại Ephêsô, trường phái Alêxanđria đã thắng thế. Thế nhưng hãy coi chừng những kẻ lợi dụng cơ hội thừa thắng xông lên! Viện phụ Eutikê, vì quá đề cao thiên tính của Đức Kitô, nên đã chủ trương rằng nơi Ngài nhân tính coi như không còn. Đó là đầu mối của phe nhất tính (monophysismus). Vì vậy mà công đồng Calxêđônia, gồm 600 giám mục họp từ 8/10 đến 1/11 năm 451 (tức là 20 năm sau công đồng Ephêsô), đã phải trình bày đạo lý đầy đủ hơn về Đức Kitô. Đức Kitô có hai bản tính: thiên tính và nhân tính; cả hai đều hoàn bị, không bị trà trộn nhưng cũng không tách rời. Hai bản tính hợp nhau trong một ngôi vị. Công đồng đã du nhập thêm nhiều từ ngữ để diễn tả đức tin: bản tính (physis), ngôi vị (prosopon, persona), chủ thể (hypostasis). Nên biết là vào thời đó, ý nghĩa của các hạn từ này chưa được chính xác cho lắm.

II. Ba công đồng cuối của Hội thánh bất phân ly


Bốn công đồng đầu tiên được ví với bốn quyển Phúc Âm xét vì tầm quan trọng của đạo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa và về bản thể Đức Kitô. Công đồng thứ năm họp vào năm 553, nghĩa là một thế kỷ sau Calxêđônia và có thể coi như kế tiếp cho công đồng này. Như chúng ta đã thấy, Calxêđônia đã cố gắng tìm lại thế quân bình giữa hai cách trình bày thần học của trường Alêxanđria và trường Antiôkia, làm sao vừa duy trì trọn vẹn cả thiên tính và nhân tính nơi Đức Kitô vừa duy trì sự kết hợp giữa hai bản tính. Tuy nhiên cố gắng hoà giải của Calxêđônia không hoàn toàn thành công, bởi vì phe Alêxanđria cho rằng Calxêđônia đã nghiêng về Antiôkia. Một số Giáo hội bên Ai cập và Armêni không chấp nhận công đồng, tuyên bố ly khai và cho đến nay vẫn còn họp thành các Giáo hội “nhất tính” (monophysista). Các hoàng đế tìm ra đường lối hoà giải, bởi vì sự ly khai đạo giáo có ảnh hưởng đến cả vấn đề hợp nhất trong Đế quốc Rôma nữa.

Hoàng đế Giustinianô ép Giáo hoàng Vigiliô triệu tập công đồng Constantinôpôlis II, với 150 giám mục hiện diện vào ngày 5/5 năm 553, để lên án ba nhà thần học của phe Antiôkia (Têôđôrô Mopsuesta, Têđôrêtô Xirô và Iba di Eđessa) bị gán là nhiễm mùi lạc giáo Nestoriô. Nhưng giải pháp này vẫn chưa thuyết phục được phe "nhất tính". Hoàng đế Hêracliô (610) và sau đó hoàng đế Constantê II tìm ra cách thoả hiệp khác, đó là: tuy vẫn tôn trọng đạo lý của công đồng Calxêđônia là Đức Kitô có hai bản tính, nhưng mà du di với với phương thức thoả hiệp là Ngài chỉ có một ý chí (monos thelos), một năng lực hoạt động (energia). Đức giáo hoàng Martinô I (639-655) lên tiếng phản đối phương thức đó, vì thế bị bắt và phát lưu bên Crimêa và qua đời tại đây. Đức giám mục Maximô viết sách phản đối thì bị cắt lưỡi và chặt tay. May thay, sau khi Constantê II bị ám sát năm 668, hoàng đế Constantinô III lên kế vị và tìm cách làm hoà với Toà thánh. Ông triệu tập công đồng chung lần thứ 6 năm 680, với sự tham dự của 174 nghị phụ. Công đồng này mang tên là Constantinôpôlis III, tuyên tín rằng Đức Kitô có hai ý chí. Như vậy là một lần nữa, chuyện ve vãn với phái nhất tính của trường phái Alexanđria đã thất bại.

Công đồng thứ bảy mang danh là Nixêa II họp vào mùa thu năm 787 (từ 24/9 tới 23/10) với sự tham dự của 300 giám mục, và bênh vực việc tôn kính các ảnh tượng thánh. Sự tôn kính này (proskinesis) thì khác với sự tôn thờ (latria) dành riêng cho Thiên Chúa. Những cuộc tranh luận thần học trước đây đã nguôi nếu chưa nói là rơi vào quên lãng. Vào thế kỷ VIII, Giáo hội phải đương đầu với tình thế mới. Đế quốc Rôma suy sụp trước sự tràn lan của man di vào Âu châu, và sự bành trướng của Hồi giáo bên Trung đông. Nguyên do của việc bài trừ ảnh tượng phần nào chịu ảnh hưởng của Hồi giáo.

III. Các Công đồng thời Trung cổ


Bảy công đồng chung đầu tiên được các Giáo hội chính thống coi như là những công đồng của Giáo hội bất phân ly, với sự hiện diện của các Giám mục bên Đông cũng như bên Tây. Thực ra quan điểm này chỉ đúng một phần, bởi vì các công đồng vừa rồi họp ở bên Đông (tức là mạn Đông của đế quốc Rôma) và đa số các nghị phụ cũng thuộc về Đông phương. Ngoài ra cũng cần thêm rằng hầu hết các công đồng vừa nói là do Hoàng đế triệu tập. Theo vài sử gia, chính vì lý do đó mà chúng được gọi là "oecumenicum": tính từ này không có nghĩa là công đồng quy tụ các giám mục khắp thế giới (oikumenikos: phổ quát, hoàn vũ), cho bằng bởi vì được triệu tập bởi hoàng đế (mang danh hiệu "oikumene"). Cho dù hoàng đế triệu tập các công đồng không hẳn vì lý do thuần túy tôn giáo, nhưng phải thành thực ghi nhận rằng nhờ có sự giúp đỡ của hoàng triều mà các công đồng mới tiến hành được, chẳng hạn như trong việc di chuyển, cư trú của các giám mục.

Dù sao đi nữa, bảy công đồng đầu tiên có tầm quan trọng đặc biệt đối với Giáo hội: trọng tâm đức tin Kitô giáo được xác định với các tín điều căn bản về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và về Đức Kitô. Các công đồng này cũng bao trùm thời đại của các giáo phụ, thời mà Tin Mừng do các thánh tông đồ rao giảng được phát biểu thành những ngôn ngữ của văn hoá lớn đương thời.

Như đã nhắc đến trên đây, vào thế kỷ VIII bản đồ chính trị của châu Âu đã thay đổi. Đế quốc Rôma bên Tây đã sụp đổ trước sự tấn công của quân man di. Dần dần họ trở lại Kitô giáo, và kể từ Charlemagne (năm 800), họ tự nhận là thừa kế của cựu Đế quốc Rôma, tuy rằng truyền thống văn hoá của họ chẳng có tí mùi nào của văn minh Hy-La hết. Vì thế mà họ vẫn bị bên Đông phương chê là man di. Thế nhưng Đông phương cũng chẳng may mắn gì hơn. Các trung tâm văn hoá và trường phái thần học cổ truyền tại Alexanđria và Antiôkia đã sụp đổ trước sự bành trướng của Hồi giáo. Như vậy trên thực tế bên Đông chỉ còn có toà thượng phụ Constantinôpôlis tồn tại. Tiếc rằng những tranh chấp giữa hai thủ đô mới và cũ của Đế quốc (Rôma và Constantinôpôlis) từ cuối thế kỷ IV lại bùng lên khi mà bên Tây phương (Rôma) có những ông chủ mới. Đó là một trong những nguyên nhân đưa tới sự tuyệt thông giữa hai toà vào
năm 1054.

Trước đó, một công đồng được tổ chức tại Constantinôpôlis từ 5/10 năm 869 đến 28/2 năm 870. Giáo hội công giáo coi đây là công đồng thứ tám: Constantinôpôlis IV; nhưng các Giáo hội chính thống không chấp nhận, vì coi đó như là sự áp đặt của Giám mục Rôma. Thực vậy, tại công đồng này, Giám mục Rôma can thiệp vào việc xét xử thượng phụ Phôxiô (820-897?), bị tố cáo là tiếm quyền Giám mục của thượng phụ Inhaxiô. Khổ nỗi là trước đó, Phôxiô đã chỉ trích rất nhiều phong tục của các Giáo hội Tây phương, nặng nhất là việc du nhập từ "Filioque" vào kinh Tin kính khi nói tới sự nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần. Mười năm sau, khi Phôxiô được khôi phục lại chức vụ thượng phụ, ngài đã tổ chức một công đồng khác (879-80) để hủy bỏ những quyết nghị của công đồng Constantinôpôlis nói trên.

Dù sao thì từ năm 1054, các giám mục bên Đông không còn họp các công đồng do Giám mục Rôma triệu tập, và họ coi đó chỉ là các công nghị của Giáo hội Rôma. Chúng ta hãy điểm qua chín công đồng của thời Trung cổ, từ Latêrano I tới Latêranô V (1123-1512).

Mở đầu loạt này là công đồng Lateranô I, họp vào mùa chay năm 1123 tại dinh Giáo hoàng bên cạnh đền thờ thánh Gioan Latêranô, tức là nhà thờ chánh toà của Giáo phận Rôma. Công đồng Latêranô I, cũng như Latêranô II (tháng 4 năm 1139) và Latêranô III (tháng 3 năm 1179), đều có tính cách kỷ luật, nhằm chấn hưng đời sống các giáo sĩ và củng cố tổ chức cơ chế Giáo hội, tránh sự can thiệp của thế quyền trong việc bầu cử giáo hoàng và các giám mục. Cả ba công đồng đều muốn tiếp nối đường lối cải tổ đã khai mào từ Đức thánh cha Grêgôriô VII (1073-1085) vào hồi cuối thế kỷ XI.

Sang thế kỷ XIII, công đồng Latêranô IV, do Đức Innocentê III triệu tập, họp từ ngày 11 đến ngày 30 tháng 11 năm 1215, trở lại với truyền thống của các công đồng tiên khởi, nghĩa là trình bày đức tin công giáo trước những tình thế mới. Với sự tham dự của 404 giám mục và khoảng 800 viện phụ, công đồng đã thảo ra bản tuyên xưng đức tin, chống lại lạc giáo Catari và Albigense. Ngoài việc lặp lại các tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi, về bản tính của Đức Kitô, công đồng còn đi sâu hơn vào việc trình bày đạo lý về bí tích Thánh thể (với việc sử dụng từ ngữ "transubstantiatio" để giải thích mầu nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô), đạo lý về thiên thần và con người. Về khía cạnh kỷ luật, vài quyết định của công đồng vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, đó là luật buộc xưng tội và rước lễ mỗi năm ít là một lần.

Tiếp theo bốn công đồng Lateranô họp tại Rôma là hai công đồng ở Lyon bên Pháp. Công đồng Lyon I diễn ra trong tháng 6-7 năm 1245 (30 năm sau công đồng chót) giải quyết cuộc tranh chấp giữa Giáo hoàng Innocentê IV và Hoàng đế Fêđêricô II. Hoàng đế bị truất phế, và quyền của Giáo hoàng được củng cố. Công đồng Lyon II quan trọng hơn, bởi vì bàn tới việc hợp nhất với Giáo hội Hy Lạp. Một bản tuyên xưng đức tin đã được hoàng đế Hy Lạp Micae Palêôlogô chấp nhận và đọc tại công đồng. Tuy nhiên, công đồng không đạt được ý mong muốn, bởi vì sự hợp nhất Đông Tây mang tính cách thực dụng (nhằm kết hợp lực lượng để bảo vệ đất thánh) và chỉ ở cấp lãnh đạo. Cả hai bên vẫn dè dặt nghi kỵ nhau, do đó sự hợp nhất không diễn ra thành thực tại: sau khi hoàng đế băng hà (năm 1282), tình hình trở lại như cũ. Cũng nên biết là kể từ công đồng này, ngoài sự hiện diện của các giám mục và viện phụ, còn có sự tham dự của các Dòng hành khất ra đời trong thế kỷ XIII: Phanxicô, Đa Minh, Carmêlô, Augustinô.

Công đồng chung lần thứ mười lăm cũng diễn ra bên Pháp, tại thành phố Vienne vào tháng 10 năm 1311. Về đạo lý, công đồng tuyên bố linh hồn là "mô thể" (forma) của thân xác, chống lại học thuyết của Pierre Olieu (Olivi 1248-1298). Các quyết định khác có tính cách kỷ luật, trong số đó có việc giải tán Dòng binh lính đền thờ, việc thực hành khó nghèo trong Dòng Phanxicô.

Có thể nói được rằng từ đầu thời Trung cổ đến nay, các công đồng đều do Đức Giáo hoàng triệu tập và điều động. Nhưng sang thế kỷ XIV, vai trò của Giáo hoàng bị xét lại. Vấn đề được đặt ra kể từ năm 1378, khi có sự bầu cử hai Giáo hoàng: một tại Rôma và một tại Avignon. Để giải quyết tình trạng chia rẽ như vậy, có người đã đề ra học thuyết là công đồng có quyền trên giáo hoàng, và có quyền cách chức giáo hoàng. Lời nói cần đi đôi với việc làm: một công đồng được triệu tập ở Pisa năm 1409 đã cách chức hai giáo hoàng ở Avignon (Bênêđictô XIII) và Rôma (Grêgôriô XII), và bầu Giáo hoàng Alexanđrô V. Thế nhưng tình thế lại trở thành rối ren hơn bởi vì hai giáo hoàng kia không chịu từ chức, vị chi là có ba giáo hoàng. Phải chờ tới công đồng họp tại Constance năm 1414 (khai mạc ngày 16/11, với 29 hồng y, 3 thượng phụ, hơn 180 giám mục, 300 tiến sĩ), Giáo hội mới tìm lại được sự thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng Martinô V do công đồng bầu lên (11/11/1417). Công đồng cũng bắt đầu cuộc cải tổ Giáo hội, để đáp lại những thách đố của Gioan Wycliff (1320-1384) và Gioan Hus (1369-1415). Nhưng phải chờ công đồng Trentô thì chương trình cải tổ mới sâu rộng hơn. Công đồng Constance kéo dài cho đến năm 1418. Công đồng thoả thuận với Đức giáo hoàng là sau 5 năm sẽ họp một công đồng khác. Theo nguyện vọng đó, năm 1423 Đức Martinô V triệu tập công đồng ở Pavia bên Italia, nhưng sau đó di chuyển về Siena và giải tán luôn vì ít người tham dự. Vị kế nhiệm, đức Eugenio IV mở công đồng Basilea vào ngày 23/7 năm 1431, và tuyên bố giải tán ngày 18/12 vì số người tham dự quá ít. Thế nhưng sau khi nghe lệnh giải tán, các phái đoàn mới lục tục kéo tới và họ bắt đầu các cuộc thảo luận và ban hành các nghị quyết, bất chấp lệnh của Đức thánh cha. Công đồng cũng tuyên bố mình có quyền trên giáo hoàng. Sau những năm tháng tranh chấp, đức Eugêniô IV chấp thuận cho tiếp tục công đồng, nhưng dời địa điểm sang Ferrara bên Italia (khai mạc ngày 8/1 năm 1438) và năm sau lại chuyển về Firenze (10/1/1439).

Thành quả quan trọng nhất của công đồng Firenze là bản tuyên ngôn hợp nhất với Giáo hội Hy Lạp đọc ngày 6/7/1439 (về những điểm tín lý liên quan tới sự nhiệm xuất của Thánh Thần, mô thức bí tích Thánh thể, luyện ngục, thứ bậc các thượng phụ). Sau đó bản tuyên ngôn này cũng được ký kết với giáo hội Armêni ngày 22/11 cùng năm. Tiếc rằng lý do ký kết hợp nhất không phải là thuần túy tôn giáo nhưng có tính cách chính trị: hoàng triều Constantinopolis mong được sự viện trợ quân sự của các nước Tây phương trước sự tấn công của phe Hồi giáo. Nhưng Tây phương đã không đến cứu viện để cho thành phố thất thủ năm 1453. Thoả ước hợp nhất chẳng còn giá trị gì nữa.

Công đồng cuối cùng của thời Trung cổ là Laterano V, nhóm họp năm 1512 (3/5) và kết thúc năm 1517. Trong 12 khoá họp, dưới thời hai Giáo hoàng Giuliô II và Lêô X, công đồng ra những nghị quyết có tính cách kỷ luật giống như các công đồng Lateranô hồi thế kỷ XII. Nhưng những biện pháp này không đáp ứng với tình thế: không những Lutêrô mà còn biết bao nhiêu người thiện chí khác mong mỏi được thấy Giáo hội được canh cải từ đầu đến chân (in capite et in membris). Phải chờ công đồng Trentô thì dự án ấy mới được thực hiện.

IV. Công đồng Trentô


Chúng tôi đã đặt công đồng Laterano V như kết thúc thời Trung cổ. Công đồng này vừa bế mạc vào ngày 16/3 năm 1517 thì đến ngày 31 tháng 10 năm ấy, Lutêrô đã cho niêm yết tuyên ngôn 95 điểm về lập trường Cải cách, trong đó ông ta chỉ trích tập tục về các ân xá, lời khấn dòng, các cuộc hành hương, việc chay tịnh. Theo Lutêrô, những chuyện đó đều bộc lộ tâm trạng của con người đi tìm sự công chính qua việc lập công trạng, thay vì tiếp nhận ơn công chính qua đức tin. Qua năm sau, Đức giáo hoàng Lêô X tuyên bố là Lutêrô lạc đạo (bulla Exurge Domine); nhưng thay vì rút lời lại, ông ta đốt sắc lệnh của Giáo hoàng và tuyên bố rằng chỉ duy có Thánh kinh mới là quy chuẩn tối cao của đức tin (chứ không phải là giáo quyền). Chính Lutêrô nại đến một công đồng để xét xử các luận đề của ông. Lúc đầu Đức Giáo hoàng không đếm xỉa gì tới lời kêu gọi đó, nhất là vì sợ sẽ tái diễn cảnh ở Basilea khi mà công đồng tự coi ở trên cả Giáo hoàng. Đến lúc Toà thánh nhận ra sự cần thiết của một công đồng mới thì hoàn cảnh lại không cho phép tổ chức, do tình trạng chiến tranh giữa Đức với Pháp (giữa hoàng đế Carlô V và vua Francois I). Chính vì thế mà sau gần 10 năm điều đình chọn lựa địa điểm (kể từ năm 1537, với các đề nghị họp ở Mantova, Vicenza), công đồng mới được khai diễn tại Trentô, một thị trấn nằm ở trung độ giữa nước Đức (trụ sở của hoàng đế và phe cải cách Lutêrô) và Rôma. Nhằm đáp lại các thách đố của nhóm cải cách, đức Phaolô III đã đề ra ba mục tiêu chính: a) xoá bỏ những tranh cãi làm thương tổn sự hợp nhất trong Giáo hội; b) thực hiện sự cải tổ kỷ luật và mục vụ; c) tổ chức một liên minh chống lại quân Thổ nhĩ kỳ. Trên thực tế, công đồng không đả động tới điểm thứ ba; chỉ có hai điểm đầu tiên được thảo luận trong 25 khoá họp.

Công đồng kéo dài 18 năm, dưới năm triều giáo hoàng. Nên biết là các giáo hoàng không đích thân chủ toạ các phiên họp của công đồng nhưng cử ba vị Hồng y Đặc sứ chủ sự các buổi họp; sau đó các văn kiện được đệ lên Đức thánh cha để được duyệt y và ban hành. Công đồng đã bị cắt quãng thành ba giai đoạn.

1) Giai đoạn một (13/12/1545 - 13/9/1547) gồm 10 phiên họp, với số nghị phụ tăng từ 31 giám mục lúc đầu cho tới 64 giám mục và 7 bề trên Dòng vào những khoá cuối. Nên biết là các nghị phụ không những chỉ gồm các giám mục mà còn các viện phụ và bề trên tổng quyền các Dòng tu nữa. Các văn kiện do ủy ban thần học soạn thảo, rồi sau đó mới đệ lên các nghị phụ tranh luận và biểu quyết. Trong giai đoạn này, công đồng đã biểu quyết vấn đề Thánh Kinh và thánh truyền (phiên 4), tội nguyên tổ (phiên 5), sự công chính hoá (phiên 6), các bí tích nói chung và hai bí tích Rửa tội, Thêm sức (phiên 7). Về kỷ luật, công đồng ra sắc lệnh buộc các giám mục phải cư trú ở giáo phận, phải rao giảng Phúc Âm và lo liệu việc dạy Kinh Thánh tại các nhà thờ chánh toà và đan viện. Công đồng phải tạm ngưng vì có cơn dịch đã làm thiệt mạng vài nghị phụ.

2) Sau bốn năm gián đoạn, giai đoạn hai được đức Giuliô III triệu tập, kéo dài một năm (1/5/1551 - 28/4/52) với 6 phiên họp (11-16), công đồng bàn tiếp về bí tích Thánh thể (phiên 13), Thống hối, Xức dầu Bệnh nhân (phiên 14). Công đồng phải ngưng họp khi quân đội thuộc nhóm Cải cách đánh tan quân đội thuộc nhóm Công giáo tại miền nam Đức, và đe doạ tiến vào Trentô. Các nghị phụ rút lui trước.

3) Mãi đến 10 năm sau, công đồng mới tái nhóm. Trong thời gian ấy, trên ngôi giáo hoàng, bốn vị đã kế tiếp cai trị Giáo hội: Giuliô III (1550-1555), Marcellô II (1555), Phaolô IV (1555-1559), Piô IV (1559-1565). Dưới đời Đức Piô IV, công đồng sang giai đoạn ba (18/1/1562 - 4/12/63), với 9 phiên nhóm (17-25), đã hoàn tất chương trình đề ra, với các sắc lệnh về các bí tích (phiên 22), cách riêng là bí tích Truyền chức (phiên 23), Hôn phối (phiên 24). Công đồng cũng biểu quyết vài sắc lệnh về việc cải tổ hàng giám mục, các giáo sĩ và tu sĩ; đặc biệt là việc thiết lập chủng viện đào tạo giáo sĩ. Một vấn đề hóc búa đã đưa tới sự phản kháng của Lutêrô (tức là về ân xá) thì chỉ được giải quyết vắn tắt trong phiên nhóm cuối cùng (thứ 25), cùng với luyện ngục và việc tôn kính các thánh. Công đồng bế mạc ngày 4/12 năm 1563. Trong những chữ ký vào các văn kiện chót, người ta đếm được 199 giám mục, 7 viện phụ và 7 bề trên tổng quyền. Đức Piô IV đã ban hành các văn kiện của công đồng ngày 26/1/1564, gồm 13 sắc lệnh (decreta) với 126 quy điển (canones) về tín lý. Các sắc lệnh thì trình bày đạo lý; còn quy điển là những mệnh đề luận phi những học thuyết nào chủ trương ngược lại với đạo lý. Ngoài ra công đồng còn biểu quyết 12 sắc lệnh về kỷ luật.

Thoạt tiên, xem ra công đồng Trentô nhắm phi bác những sai lạc của Lutêrô. Nhưng thực ra, chính nhờ những thách đố của phe Cải cách mà công đồng đã có dịp xác định rõ ràng về những điểm đạo lý đức tin. Công đồng chấp nhận một phần những chỉ trích của Lutêrô, khi mà các ân xá bị lạm dụng biến thành mại thánh, mê tín dị đoan. Dĩ nhiên, công đồng không duyệt lại toàn bộ các tín lý, nhưng chỉ dừng lại ở những điểm đang gây ra tranh luận giữa Công giáo và nhóm Cải cách (vì thế không bàn đến mầu nhiệm Chúa Ba ngôi, Kitô học). Trong số những điểm quan trọng nhất ta có thể kể: tiêu chuẩn của quy luật đức tin (Thánh kinh hay thánh truyền); vấn đề công chính hoá (con người được nên công chính nhờ đức tin hay có cần việc lành nữa)? Hậu quả của việc công chính hoá (con người được thanh tẩy hoàn toàn từ nội tại, hay chỉ được che đậy bên ngoài); con số các bí tích và công hiệu của chúng.

Nhờ những cuộc đối thoại đại kết gần đây cũng như nhờ những cuộc nghiên cứu lịch sử (đọc lại biên bản các cuộc tranh luận của các tiểu ban thần học), người ta nhận thấy rằng đạo lý của công đồng không đối chọi với học thuyết của Lutêrô như là trắng chọi với đen. Trong dịp viếng thăm Trentô vào ngày 30/4/1995, Đức Gioan Phaolô II đã cho thấy rằng công đồng đã đưa ra những câu trả lời rất tích cực cho những vấn nạn của Lutêrô, đặc biệt là về vai trò của ơn thánh Chúa và đức tin trong việc cứu rỗi. Hồi thế kỷ XIX, sử gia Adolf Harnack đã châm biếm rằng giả như công đồng Trentô họp trước một thế kỷ thì có lẽ Lutêrô đã không có lý do làm loạn. Nói thế không có nghĩa là công đồng đã hoàn toàn tán đồng hết các điểm của Lutêrô và nhóm Cải cách, thí dụ khi bàn về bản chất các bí tích, đặc biệt về bí tích Thánh thể (tính cách hy lễ cũng như sự hiện diện của Chúa Giêsu), và về bí tích truyền chức thánh (chức tư tế thừa tác khác với tư tế phổ quát). Tiếc rằng công đồng không đi sâu hơn vào thần học về Giáo hội (nghĩa là thiếu thiên về Giáo hội học). Cũng nên biết là vào thời chuẩn bị công đồng Vaticanô II, những nhà thần học nổi tiếng tựa như Karl Rahner và Yves Congar đã đặt lại vấn đề chú giải các quyết nghị của công đồng Trentô. Theo họ, mỗi khi công đồng phi bác một luận đề với hạn từ anathema sit, thì không nhất thiết là công đồng tuyên bố một tín điều do Chúa mạc khải (de fide divina). Cần phải kiên nhẫn nghiên cứu từng trường hợp một, bởi vì không thiếu lần tiếng "anathema sit" chỉ có nghĩa là một sự lên án có tính cách hình sự.

Ngoài những vấn đề tín lý, một điều không thể chối cãi được là ảnh hưởng của công đồng Trentô đối với cuộc cải tổ kỷ luật Giáo hội. Việc cải tổ này đã được bắt đầu từ những công đồng hồi thế kỷ XII nhưng không được sâu rộng cho lắm. Trentô đã mạnh tay hơn, khi đưa ra những biện pháp cứng rắn chi phối từ các giám mục linh mục cho tới các tu sĩ và giáo dân. Nhiều khoản luật vẫn còn hiệu lực cho tới ngày hôm nay, thí dụ về nghĩa vụ của các giám mục phải cư trú trong giáo phận, và phải siêng năng rao giảng Lời Chúa. Nói đúng ra, sở dĩ chương trình cải tổ do công đồng đề ra đã đạt được kết quả là nhờ những biện pháp sáng suốt mà các giáo hoàng đã áp dụng các sắc lệnh công đồng, khởi sự với Đức Piô V (1566-72). Chúng ta có thể kể đến những điểm chính như sau: thành lập chủng viện, cải tổ nội vi dòng kín, ấn định thể thức hôn nhân. Tiếp đến là việc xuất bản quyển sách giáo lý (Catechismus Romanus 1566), sách nguyện (1568) và sách lễ (1570). Hơn thế nữa, ngay từ năm 1564, một hội đồng hồng y được đặt lên để giải thích các văn kiện của công đồng: về sau hội đồng này được gọi là bộ giáo sĩ, manh nha của các cơ quan giáo triều Rôma với cơ cấu được hình thành dưới thời đức Sistô V (1588).

Công đồng Trentô đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử Giáo hội, và nói được là còn để lại ảnh hưởng cho tới Vaticanô II; nhưng ta thấy có một lỗ hổng không nhỏ của công đồng, đó là còn bị giới hạn vào những vấn đề của lục địa Âu châu. Vào hồi nhóm họp công đồng Trentô, công cuộc truyền giáo tại Phi châu và Á châu còn ở giai đoạn phôi thai, nhưng tại Mỹ châu thì đã có nhiều toà giám mục và đại học công giáo được thiết lập. Thế nhưng công đồng không có đả động gì đến những vấn đề của Giáo hội đang mở đến những biên cương mới.

V. Công đồng Vaticanô I


Mười chín công đồng mà chúng ta đã nghiên cứu (từ Nixêa I đến Trentô) đã diễn ra trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 325 cho năm 1563: tính trung bình thì cứ 65 năm có một công đồng. Thế nhưng quãng cách giữa công đồng Trentô với công đồng kế tiếp đã tăng vọt lên tới hơn 200 năm.

Như vừa nói, vào lúc công đồng Trentô bế mạc, biên cương của Giáo hội Công giáo không còn giới hạn vào lãnh thổ Âu châu nữa: nhiều toà giám mục đã được thành lập tại Mỹ châu; công cuộc truyền giáo tại Phi châu và Á châu cũng đã bắt đầu. Đàng khác, bản đồ của Giáo hội tại Âu châu đã khác thời Trung cổ. Phong trào Cải cách của Lutêrô đã gây ra nhiều phân rẽ trong nội bộ Giáo hội: nhiều ông hoàng ở Đức và Bắc Âu ngả theo nhóm Cải cách cũng lôi cuốn cả đám dân ra khỏi Giáo hội công giáo; điều này càng rõ rệt hơn nữa tại nước Anh. Nói cách khác, Giáo hội công giáo tại Âu châu càng ngày càng bị mất đất và mất người. Kèm theo sự thoát ly về tôn giáo là những thoát ly về chính trị và tư tưởng, với những cuộc cách mạng chính trị chống lại chế độ quân chủ và chống lại chế độ thần quyền. Chúng ta có thể lấy cuộc cách mạng bên Pháp năm 1789 làm thí dụ điển hình: cách mạng không những đã thiết lập nền cộng hoà mà còn lập ra tôn giáo của lý trí nữa. Tuy rằng có những lúc phe bảo hoàng đã trở lại ngôi báu, nhưng các vua của thời trùng hưng muốn củng cố quyền hành bằng cách đòi các giám mục thề trung thành với mình chứ không phải là với giáo hoàng Rôma.

Những hoàn cảnh rối ren như vậy quả là không thuận lợi cho việc triệu tập một công đồng: các quốc trưởng thì sợ các giám mục liên minh chống mình; các giáo hoàng thì e các giám mục bị nhà nước giật dây để tiến tới giáo hội tự trị. Ngoài ra cũng cần thêm là về phía Rôma lẫn về phía các giám mục, ít ai thấy cần triệu tập công đồng. Thực vậy, công đồng Trentô đã đề ra một kế hoạch cải tổ quá rộng lớn, không biết chừng nào mới hoàn tất; vả lại nếu có xảy ra vấn đề gì hệ trọng thì đã có các cơ quan giáo triều Rôma giải quyết, cần chi phải họp công đồng nữa? Thậm chí tín điều đức Maria vô nhiễm nguyên tội là do Đức giáo hoàng Piô IX tuyên bố chứ đâu cần tới công đồng!

Trong bối cảnh như vậy thì quả là một sự lạ khi chính Đức Piô IX (với triều đại giáo hoàng dài nhất trong lịch sử: 16/1/1846 - 7/2/1878) ngỏ ý triệu tập một công đồng. Ngay từ năm 1852, ngài đã chấp nhận ý kiến soạn thảo một danh sách lên án tất cả những lạc thuyết của thời đại; nhưng phải chờ 12 năm thì dự án ấy mới hoàn thành với việc ban hành văn kiện "Syllabus" (toát yếu), gồm 61 luận đề lên án các triết thuyết sai lầm (tựa như chủ nghĩa duy lý hoặc phiếm thần) lẫn các quan niệm lệch lạc về hôn nhân, xã hội và quốc gia. Trước khi công bố văn kiện đó, vào đầu tháng 12 năm 1864, Đức Piô IX cho mời 21 hồng y đang có mặt tại Rôma để thỉnh ý về việc tổ chức một công đồng: hầu như tất cả đồng ý, chỉ có 2 ý kiến nghịch và 6 vị tỏ ra dè dặt. Đến tháng 3 năm sau, ngài lại tham khảo ý kiến của 36 giám mục thuộc nhiều quốc gia khác nhau, và những câu trả lời cũng tương tự như vậy. Lý do mạnh nhất cho việc triệu tập một công đồng là vì công đồng Trentô chưa có bàn về Giáo hội (cơ cấu và quyền bính); vả lại trong lịch sử chưa bao giờ trong vòng 200 năm mà không có công đồng như lần này. Sau những tháng năm do dự, mãi tới năm 1867, nhân dịp gần 500 giám mục về Rôma mừng kỷ niệm 1800 năm thánh Phêrô chịu tử đạo, đức Piô IX mới bày tỏ ý định triệu tập công đồng. Một năm sau đó, ngày 29/6/1868 ĐGH chính thức ký văn kiện triệu tập và ấn định sẽ khai mạc tại đền thánh Phêrô vào ngày 8/12/1869. Nên biết là các giám mục thuộc Giáo hội Chính thống cũng được mời tới dự, nhưng họ đã gửi trả giấy mời; các giám mục Anh giáo thì không được mời; còn các phần tử theo Tin lành chỉ được kêu gọi hãy quay về với một đoàn chiên của Đức Kitô.

So với các công đồng trước đó thì phải nói là Vaticanô I được chuẩn bị chu đáo hơn cả, với việc thiết lập năm tiểu ban (1/ tín lý; 2/ kỷ luật; 3/ tu sĩ; 4/ Đông phương và truyền giáo; 5/ những vấn đề Giáo hội có liên hệ với chính quyền).

Công đồng khai mạc đúng như nhật kỳ đã dự định: ngày 8/12/1869, với con số nghị phụ đông nhất từ trước đến nay: trong số 1050 giám mục trên toàn cầu, có 774 vị từ 30 quốc gia đến tham dự, lần đầu tiên từ các lục địa ngoài Âu châu.

Hai ngày sau, lược đồ đầu tiên được mang ra thảo luận mang tựa là "về đức tin công giáo". Nội dung xem ra chỉ lặp lại văn kiện "Syllabus" ra đời non 15 năm trước, vì vậy đã bị chỉ trích dữ dội. Sau khi được sửa lại, lựơc đồ được mang ra nghị trường vào cuối tháng 3 năm 1870, và được biểu quyết thông qua trong phiên họp ngày 24/4. Văn kiện này mang tên là Hiến chế tín lý về đức tin công giáo (Dei Filius), gồm có 4 chương, kèm theo 18 quy điển. Nội dung của hiến chế nhằm bàn đến mối tương quan giữa lý trí và đức tin, với những điểm chính sau đây: 1) Nhờ lý trí, con người có thể nhận biết sự hiện hữu của một Thiên Chúa. 2) Sự cần thiết của mặc khải siêu nhiên. 3) Bản tính của đức tin. 4) Tương quan giữa đức tin và khoa học.

Trong thời gian tu chính lược đồ (giữa tháng Giêng và tháng Hai), các nghị phụ cũng bàn thảo về những vấn đề kỷ luật và mục vụ. Các vấn đề được nêu lên thì rất nhiều và phức tạp, in thành 300 cột giấy, từ đời sống giáo sĩ cho tới việc cải tổ sách nguyện và soạn thảo quyển giáo lý chung. Các ý kiến không đưa tới quyết nghị nào cụ thể; chúng chỉ được sử dụng về sau trong thời kỳ soạn thảo bộ giáo luật.

Lược đồ tín lý thứ hai, bàn về Giáo hội, đã gây ra nhiều sóng gió hơn tại hội trường. Các nghị phụ nhận được lược đồ này vào cuối tháng giêng, gồm có 15 chương và 21 quy điển. Nội dung gồm những điểm sau: đạo lý về Hội thánh nói chung (chương 1-10), tối thượng quyền của Đức thánh cha (chương 11-12), tương quan với thế quyền (chương 13-15). Thế nhưng, tới ngày 6/3, thể theo lời đề nghị của 380 nghị phụ, Đức thánh cha đã cho xen thêm vào chương 11 một phụ trương về sự bất khả ngộ của Đức giáo hoàng. Tiểu ban soạn thảo phải viết lại lược đồ, kèm theo các nhận xét của các nghị phụ. Sang tới tháng 5, thì bắt đầu các cuộc phát biểu tại hội trường về lược đồ được tu chính, rút lại chỉ còn 4 chương. Ba chương đầu nói tới việc Chúa Giêsu thành lập quyền tối thượng trong Hội thánh nơi Phêrô và những kẻ kế vị; kế đó là tương quan giữa quyền của giáo hoàng với các giám mục. Chương 4 nói tới đặc ân bất khả ngộ của Đức giáo hoàng. Những cuộc tranh luận tiếp theo đó ra như tập trung vào chương thứ 4. Từ ngày 13/5 cho đến ngày 3/6, đã có 39 nghị phụ lên tiếng ủng hộ và 26 chống. Thực ra những ý kiến chống lại việc định tín không phải tại vì họ phủ nhận ơn bất khả ngộ cho bằng hoặc vì họ thấy chưa đến lúc thuận tiện để phát biểu thành tín điều, hoặc vì cần phải tìm công thức chính xác hơn. Sau nhiều lần sửa đổi, bản văn về đặc ân bất khả ngộ được bỏ phiếu ngày 13/7 với kết quả như sau: 451 thuận, 88 chống, 62 ưng thuận với điều kiện sửa lại bản văn. Hai hôm sau (15/7) lược đồ được bỏ phiếu chung kết, với nhận được sự ưng thuận của hầu hết 552 nghị phụ hiện diện. Sở dĩ có sự xê xích về kết quả như vậy là bởi vì 55 nghị phụ bất đồng ý kiến đã rời bỏ phòng họp sau khi đã đệ lên ĐTC một lá thư tập thể để giải thích lập trường của họ. Toàn thể hiến chế tín lý về Hội thánh với tựa đề "Pastor Aeternus" được ban hành ngày 18/7. Sau đó, các phiên nhóm tạm ngưng vì chiến tranh bùng nổ giữa nước Pháp và Phổ. Tiếc rằng hai tháng sau đó, khi mà quân đội Italia tiến vào thành phố Rôma ngày 20/9, chiếm lãnh thổ của Toà thánh, công đồng được hoãn lại vô thời hạn (bulla Postquam Dei munere của đức Piô IX ngày 20/10/1870). Công đồng Vaticanô I được kể như chính thức chấm dứt từ khi Đức Gioan XXIII tuyên bố mở công đồng Vaticanô II. Như vậy tổng cộng thời gian các phiên họp của Vaticanô I là 7 tháng 10 ngày (8/12/1869 - 18/7/1870).

Việc gián đoạn công đồng có ảnh hưởng không nhỏ đối với thần học, bởi vì hai văn kiện được công bố chỉ là một phần trong số các lược đồ đang nghiên cứu. Một cách cụ thể: 1) Hiến chế về đức tin công giáo chỉ mới gồm có phần thứ nhất; theo chương trình dự định thì sau khi trình bày nền tảng đức tin (phần thứ nhất), công đồng sẽ còn bàn thêm về Chúa Ba ngôi, sự tạo dựng con người, sa ngã và cứu chuộc. 2) Lược đồ về Giáo hội dự trù rằng sau khi bàn về đức Giáo hoàng thì sẽ nói về các giám mục. Thế nhưng vì bị ngưng họp nửa chừng nên hiến chế về Hội thánh để lại ấn tượng rằng Hội thánh được đồng hoá với Đức giáo hoàng. Đó là một hình ảnh rất là què quặt. Một ấn tượng lệch lạc khác là về đặc ân bất khả ngộ. Công đồng không hề tuyên bố rằng lúc nào Đức giáo hoàng cũng bất khả ngộ; đặc ân này chỉ giới hạn vào lãnh vực giảng dạy các chân lý đức tin và phong hoá; và việc hành sử đặc ân đó còn tùy thuộc vào ý định của đức giáo hoàng nữa, nghĩa là khi giảng dậy với tư cách là mục tử và thầy dạy tối cao trong Hội thánh. Nói cách khác, đặc ân được ban cho chức vụ chứ không phải là cho cá nhân: chỉ có giáo huấn bất khả ngộ chứ không có con người bất khả ngộ. - Các sử gia đều nhận rằng lối diễn tả của công đồng có thể gây hiểu lầm khi nói rằng các định tín của đức Giáo hoàng tự nó có tính cách chung quyết, chứ không cần sự thoả thuận của Hội thánh (Romani Pontificis definitiones ex sese, non autem ex consensu Ecclesiae, irreformabiles esse). Ai mà không hiểu vấn đề thì có thể kết luận rằng Đức giáo hoàng có thể tuyên bố bất cứ điều gì mình thích, chẳng cần phải hỏi ý kiến ai hết. Nhưng đó không phải là điều công đồng muốn nói; công đồng chỉ muốn nói rằng khi Đức giáo hoàng đã tuyên bố tín điều, thì không cần có cơ quan nào cao hơn để duyệt y phê chuẩn nữa. Tuy nhiên trước đó, ngài đã phải bàn hỏi tham khảo với các giám mục và toàn thể Dân Chúa. Lý do dễ hiểu: Đức giáo hoàng không có một kho tàng chân lý bí mật nào cả; cùng với toàn thể Hội thánh, ngài được ủy thác cẩn thủ một kho tàng mặc khải duy nhất. Đó là điều mà công đồng Vaticanô II đã giải thích ở số 22 của Hiến chế “Ánh sáng muôn dân”, lồng trong một cái nhìn toàn bộ hơn về đời sống Hội thánh.

Trở lại với lịch sử, cần phải ghi nhận sự kiện là sau khi công đồng Vaticanô I đã tuyên bố tín điều về đặc ân bất khả ngộ của đức Giáo hoàng thì, đừng kể những âm hưởng về ngoại giao chính trị, nó còn để lại một vết thương cho sự hợp nhất Giáo hội nữa. Một nhóm tín hữu bên Đức, Thụy sĩ, Áo đã tách ra khỏi Giáo hội công giáo, họp thành giáo hội ly khai mang danh là "công giáo kỳ cựu" (Altkatholische Kirche: Old Catholic Church, Eglise des vieux catholiques).

VI. Công đồng Vaticanô II


Với việc tuyên bố tín điều về đặc ân bất khả ngộ của Đức giáo hoàng, xem ra công đồng Vaticanô I đã khoá sổ các công đồng trong lịch sử Giáo hội. Từ nay các giáo hoàng có toàn quyền điều khiển Giáo hội, đâu cần chi tới công đồng nữa? Trên thực tế, chúng ta biết rằng công đồng Vaticano I bị đình chỉ bất đắc dĩ bởi vì quân đội Italia đã chiếm lãnh thổ của nước Giáo hoàng. Dưới phương diện này thì phải nói rằng từ sau Vaticanô I quyền hành của Giáo hoàng đã bị sụt giảm. Nhưng đó là nói về lãnh vực thế quyền: Chúa quan phòng đã xếp đặt để cho Giáo hoàng mất quyền hành của một ông hoàng trên một lãnh thổ, ngõ hầu dành tâm lực không những vào việc lãnh đạo tinh thần của Giáo hội công giáo mà thậm chí còn phát biểu tiếng nói của lương tâm nhân loại nữa. Vị kế nghiệp Đức Piô IX trên toà thánh Phêrô đã mở ra một kỷ lục mới: trong 25 năm làm Giáo hoàng (1878-1903), Đức Lêo XIII đã viết 86 thông điệp, trong đó không những ngài chỉ bàn tới đức tin và luân lý mà còn đụng tới những vấn đề công bằng xã hội (nổi tiếng là thông điệp "Rerum Novarum" năm 1891). Mặc dù uy tín của Đức giáo hoàng càng ngày càng tăng, nhưng cũng chính từ phía các giáo hoàng đã nảy ra ý định triệu tập một công đồng. Thoạt tiên, vào năm 1923 Đức Piô XI và sau đó vào năm 1948, Đức Piô XII đã kín đáo ngỏ ý muốn tiếp tục công đồng Vaticanô I. Ngày 25/1 năm 1959, Đức Gioan XXIII (mới được bầu làm giáo hoàng chưa đầy ba tháng) đã loan báo triệu tập công đồng Vaticanô II. Liền sau đó, ý định bắt đầu tiến hành với việc thiết lập các ủy ban tiền chuẩn bị (17/5/1959) và chuẩn bị (5/6/1960).

A. Lịch sử


Công đồng khai mạc ngày 11/10/1962, với con số 2540 nghị phụ (gồm giám mục và bề trên tổng quyền các dòng miễn trừ) đến từ khắp năm châu. (Con số này có lúc tăng lúc giảm, vì nhiều lý do: thí dụ tại Việt nam, đừng kể sự vắng mặt của các giám mục Miền Bắc, nhiều giám mục Miền Nam không tham dự công đồng vì tình hình chính trị rối ren trong những năm 1963-65). Ngoài các nghị phụ, còn các "quan sát viên", đại diện của các Giáo hội ngoài Công giáo (104). Thêm vào đó còn có 52 "dự thính viên", gồm các giáo dân nam nữ và các linh mục; đó là chưa kể hơn 460 "chuyên viên", hoặc được chính thức cử vào các ủy ban soạn thảo các văn kiện, hay được các nghị phụ mời làm cố vấn riêng.

Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Gioan XXIII đã tỏ ý muốn công đồng đi theo một hướng khác với các công đồng trước đây: thay vì phi bác các sai lầm của thời đại, Giáo hội cần mở cửa đối thoại với thời đại. Trong chiều hướng đó, công đồng sẽ không định nghĩa thêm tín điều mới, nhưng sẽ tìm cách diễn đạt đạo lý cổ truyền với ngôn ngữ thích hợp với thời đại. Đó là hướng đi mà Đức Gioan XXIII muốn vạch ra cho công đồng, một chiều hướng đầy tin tưởng và lạc quan. Thế nhưng, khi bắt tay vào việc thì bầu khí lạc quan giảm dần. Các ủy ban chuẩn bị đã soạn xong 70 lược đồ, và hầu như chỉ chờ các nghị phụ bỏ phiếu biểu quyết tán thành. Tiếc rằng vừa mới đọc qua vài lược đồ (chẳng hạn như phụng vụ, mạc khải) thì các nghị phụ đã tỏ ra bất bình: những vị cấp tiến thì chê rằng các lược đồ còn mang não trạng hộ giáo của thế kỷ XIX; các vị chuyên về mục vụ thì chê là là quá trừu tượng; các vị từ miền truyền giáo thì chê là chúng chỉ giới hạn tầm nhìn vào Âu châu. Có ý kiến táo bạo hơn thì yêu cầu bỏ hết 70 lược đồ do giáo triều soạn, và xếp đặt lại các vấn đề cho gọn gàng thứ tự hơn. Thoạt tiên, ý kiến đó được đón nhận như tiếng sét đánh, bởi vì ra như muốn xoá bàn làm lại từ đầu. Thế nhưng chính đó là con đường phải đi, nhất là kể từ khi người khởi xướng lên nó, Hồng y Montini, trở thành Giáo hoàng Phaolô VI.

Thực vậy, giai đoạn một của công đồng kết thúc ngày 8/12, sau chưa đầy hai tháng nhóm họp. Chưa có văn kiện nào được biểu quyết cả. Một ủy ban phối hợp được đặt lên để duyệt lại các lược đồ. Họ ra thu gọn chúng từ 70 xuống còn 20. Trong thời gian ngưng nhóm, Đức Gioan XXIII qua đời ngày 3/6/1963. Đức tân giáo hoàng Phaolô VI, đắc cử ngày 21/6, đã tuyên bố tiếp tục công đồng. Ngày 29/9/1963, trong bài diễn văn đọc vào ngày khai mạc giai đoạn hai, Đức Phaolô VI đã chọn một chủ đề làm tiêu chuẩn cho tất cả các suy tư của công đồng: đó là “Hội thánh”. Cần phải đào sâu thêm bản chất của Hội thánh, để rồi từ đó có thể xúc tiến một cuộc canh tân nội bộ, đồng thời mở cửa đối thoại tiến tới sự hợp nhất các Kitô hữu cũng như đối thoại với thế giới.

Giai đoạn hai kết thúc ngày 4/12/1963 với việc ban hành hai văn kiện đầu tiên: Hiến chế về Phụng vụ và Sắc lệnh về Truyền thông Xã hội. Giai đoạn ba họp từ 14/9 cho tới 21/11/1964, với việc ban hành Hiến chế Tín lý về Hội thánh, và hai Sắc lệnh về các Giáo hội Đông phương và về Đại kết. Với giai đoạn bốn (14/9 đến 8/12/1965), công đồng hoàn tất công tác, với việc ban hành 11 văn kiện. Tổng cộng, 16 văn kiện đã được ban hành, gồm có 4 hiến chế, 9 sắc lệnh, và 3 tuyên ngôn. Dưới khía cạnh pháp lý, các hiến chế được xếp hàng đầu, vì trình bày một vấn đề đạo lý quan trọng, hướng đến toàn thể Hội thánh; tiếp đến, các sắc lệnh thường có tính cách kỷ luật, dành riêng cho một thành phần nào đó của Hội thánh; sau cùng, các tuyên ngôn thì nhẹ về mặt pháp lý, bởi vì nó hướng tới những người ở ngoài Hội thánh, nhằm bày tỏ quan điểm của Giáo hội Công giáo về một vấn đề gì đó. Ngoài ra, thiết tưởng cũng nên thêm các sứ điệp được đọc vào lúc khai mạc và kết thúc công đồng: tuy chúng không phải là văn kiện theo nghĩa chặt, nhưng cũng là những tài liệu quan trọng của công đồng.

B. Những văn kiện


Tuy mười sáu văn kiện được ban hành vào những giai đoạn khác nhau, với những hình thức khác nhau, nhưng ta có thể trình bày một cái nhìn tổng quát dựa theo dự án mà Đức Phaolô VI đã vạch ra. Tất cả đều xoay quanh đề tài Hội thánh, được nhìn từ hai góc độ: hướng nội và hướng ngoại (ad intra/ ad extra). Hai văn kiện được dùng làm cột trụ là: Hiến chế Tín lý về Hội thánh (Lumen Gentium: Ánh sáng Muôn dân) và Hiến chế Mục vụ về Hội thánh trong Thế giới Hiện đại (Gaudium et Spes: Vui mừng và Hy vọng).

1/ Hướng nội

“Hiến chế về Hội thánh” gồm có 8 chương. Chương một trình bày mầu nhiệm Hội thánh bắt nguồn từ chương trình cứu rỗi của Chúa Ba Ngôi, được thực hiện trong lịch sử với cao điểm

là việc nhập thể và cứu chuộc của Đức Kitô, đặc biệt là với cuộc tử nạn và Phục sinh của Ngài. Hội thánh tiếp tục sứ mạng đó, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, cho tới ngày Chúa quang lâm. Chiều kích mầu nhiệm của Hội thánh được khai triển hơn trong hai Hiến chế Tín lý về Mặc khải (Dei Verbum) và về Phụng vụ (Sacrosanctum concilium).

Chương hai của hiến chế về Hội thánh trình bày chiều kích lữ hành lịch sử của mình dưới tựa đề “Dân Thiên Chúa”. Hội thánh được thành hình từ những đoàn người thuộc các sắc dân văn hoá khác nhau của nhân loại. Hội thánh có nhiệm vụ mang Tin Mừng đến hết muôn dân. Những điểm này được khai triển trong các Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo (Ad Gentes), về các Giáo hội Đông phương (Orientalium Ecclesiarum), về Đại kết (Unitatis Redintegratio).

Chương ba đi vào cơ cấu phẩm trật của Hội thánh. Công đồng đã trình bày một cái nhìn quân bình hơn về Đức giáo hoàng nhờ sự bổ túc đạo lý về tập đoàn giám mục. Thêm vào đó, công đồng cũng nhấn mạnh đến khía cạnh “phục vụ” (diakonia) của tất cả các chức vụ trong Giáo hội. Dù sao, các giám mục không đứng ở ngoài hay ở trên Giáo hội nhưng là ở trong Giáo hội. Tư tưởng then chốt của cách tổ chức nội bộ Giáo hội là sự "thông hiệp". Ta có thể coi các Sắc lệnh về Giám mục (Christus Dominus), về Linh mục (Presbyterorum Ordinis) và về Đào tạo Linh mục (Optatam totius) như những áp dụng thực hành của chương này.

Chương bốn bàn về các giáo dân. Họ không phải là những thành phần thụ động trong Hội thánh; Đức Kitô đã trao cho họ một vai trò trong Hội thánh cũng như trong thế giới. Đề tài này được khai triển trong Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem).

Sang đến chương năm, hiến chế trình bày một chiều kích khác của Hội thánh, đó là chiều kích đức ái. Tất cả các thành phần của Dân Chúa đều được kêu gọi nên thánh, qua việc thực thi đức ái. Các tu sĩ, với việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, trở thành dấu chỉ của lời mời gọi nên trọn lành. Đây là đề tài của chương sáu cũng như của Sắc lệnh về các Tu sĩ (Perfectae caritatis).

Chương bảy trình bày chiều kích cánh chung của Hội thánh, sự thông hiệp giữa Hội thánh lữ hành với Hội thánh thiên quốc. Chương tám dành riêng cho Đức Maria, phần tử ưu tú nhất của Hội thánh, được Đức Phaolô VI tuyên dương là Mẹ của Giáo hội, ngày 21/11/1964 lúc ban hành Hiến chế về Hội thánh.

2/ Hướng ngoại

Theo ý hướng mà Đức Gioan XXIII đã vạch ra, công đồng Vaticanô II muốn giữ thái độ đối thoại với thế giới hiện đại, thay vì kết án những học thuyết sai lầm. Như đã nói trên đây, văn kiện căn bản của công đồng về phương diện này là Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”: Giáo hội muốn đồng hành với nhân loại, chia sẻ những nỗi vui buồn, âu lo và hy vọng, trình bày cho nhân loại lời giải đáp cho những băn khoăn liên can tới sự sống chết, tới vai trò của xã hội, gia đình, lao động, văn hoá, kinh tế, chính trị. Trong chiều hướng đối thoại với thế giới hiện đại, ta cũng có thể liệt kê thêm bốn văn kiện sau đây:

– Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội (Inter mirifica).

- Ba tuyên ngôn: về Giáo dục (Gravissimum educationis), về Tự do Tín ngưỡng (Dignitatis humanae), về Liên lạc với các Tôn giáo (Nostra Aetate).

Kết luận


Như vậy, từ Nixêa I cho đến Vaticanô II đã có 21 công đồng. Chừng nào sẽ mở công đồng thứ 22 ? Thật không ai đoán được. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, từ sau công đồng Vaticanô II, một định chế mới đã được thiết lập để các giám mục hoàn cầu có cơ hội gặp nhau, đó là các Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, với những khoá họp thông thường và bất thường. Ngoài ra, cạnh những phiên họp để bàn về các vấn đề hoàn vũ còn có những phiên đặc biệt dành cho một lục địa hay thậm chí cho một quốc gia nữa[2].

Thư tịch

  1. AA.VV. I Concili. Tappe di un cammino dottrinale, “Credereoggi” n.16, 1983/4.
  2. AA.VV. Il concilio ecumenico: suo significato per la costituzione della chiesa, “Concilium” 1983/7.
  3. H. Jedin, Breve storia dei concili, Herder -Morcelliana, Roma- Brescia 1978.
_____

[1] Xem thêm: Phan Tấn Thành, Về nguồn. Quyển Hai. Thời các giáo phụ, Học viện Đa Minh 2013. (Chương IX: Các công đồng hoàn vũ, trang 469-490).
[2] Xem “Các Thượng Hội Đồng Giám mục” trong Thời sự Thần học, số 54 (11/2011), tr. 65-89.