Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo huấn Xã hội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo huấn Xã hội. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI: Tóm lược Giáo huấn Xã hội của ĐTC Phanxicô

Thời sự Thần học - Số 91, Tháng 2 Năm 2021, tr. 192-217. 

_Marcel Rémon, S.J._ 

Tác giả là giám đốc Trung tâm CERAS, Paris, đọc thông điệp Fratelli tutti trong bối cảnh của các giáo huấn xã hội của Đức thánh cha Phanxicô, đã được phát biểu nhiều lần với một vài đề tài then chốt, tựa như : tình huynh đệ phổ quát, tôn trọng phẩm giá con người, chính trị và công ích, đối thoại, tha thứ và hòa giải, án tử hình[1].
Nguồn : Fratelli tutti véritable Compendium de la pensée du pape François : https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/la-doctrine-sociale- en-debat/369-fratelli-tutti-veritable-compendium-de-la-pensee-du-pape-francois


Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

NHỮNG KHÍA CẠNH LUÂN LÝ CỦA QUYỀN LỰC

Thời sự Thần học - Số 45, tháng 9 năm 2006. tr. 54-75. 

_Thomas McMahon_👨 

Tu sĩ Dòng Thánh Viator, Tiến sĩ Thần học.  


R. Guardini[1] đã viết : “Quyền lực có khả năng thay đổi thực tại”. Những tư tưởng, giá trị, niềm tin và tất cả mọi nguyên tắc thuộc loại này chỉ biến thành quyền lực khi con người hội nhập chúng vào cuộc sống cụ thể của con người để “tạo ra hai yếu tố : 1) một năng lực thực sự có khả năng thay đổi thực tại của những sự vật … và 2) ý thức về năng lực này, tức là ý chí xác định những mục đích loại biệt, đưa ra và điều khiển năng lực của ý chí hướng đến những mục đích loại biệt trên[2]”. Theo Guardini, bản chất của quyền lực là sự can thiệp của con người với tư cách tác nhân : “Quyền lực cần được điều khiển[3]”.
 
Chúng ta sẽ khảo sát khía cạnh khác nhau của quyền lực :
I. Quy định luân lý của quyền lực
II. Nghĩa vụ chiếm hữu quyền lực
III. Tương quan giữa Quyền lực và Công lý.

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

QUYỀN BÍNH

Thời sự Thần học - Số 45, tháng 9 năm 2006. tr. 33-53. 

_Phạm Duy Khánh, OP._👨 


Nếu như sau một bữa ăn no, con vật ngủ vùi cho đến khi cơn đói xuất hiện, thì nơi con người, nhu cầu không chỉ giản đơn như vậy. Với trí tưởng tượng, con người vẽ ra bao ước vọng hòng thoả mãn đam mê, thoả mãn lòng tham dục[1] của mình. Và nỗi đam mê nơi con người thì sâu khôn dò. Đến nỗi mà mỗi người đều muốn làm Thượng Đế, nếu điều này có thể xảy ra. Chúng ta thường ưa thích mối quan hệ giữa Thượng Đế và những kẻ tôn kính Ngài, và chúng ta muốn ở vào vị trí của Thượng Đế. Ai cũng muốn mình trở nên người trên kẻ khác. Chính thái độ này làm cho mối liên kết, tương tác xã hội trở nên khó khăn. Từ khuynh hướng này nảy sinh các cuộc cạnh tranh, nổi loạn, khủng bố… để đạt được mục đích đó. Điển hình như Xerxes[2] không thiếu thực phẩm hoặc cung tần mỹ nữ vào lúc ông ta lên đường viễn chinh Athenes, và Alexandre Đại đế hay Thành Cát Tư Hãn hẳn không thể đi hết các thành phố của mình nhưng họ vẫn có tham vọng mở rộng biên cương. Ham muốn sử dụng quyền bính không chỉ giới hạn ở lãnh vực chính trị nhưng chúng còn tiềm ẩn trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống. Có thể nói bất cứ nơi đâu có mối tương quan giữa người với người đều có thể nảy sinh lòng ham muốn này. Quả thực ham muốn danh vọng và quyền bính nơi con người không thể đo đếm được.

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

QUYỀN BÍNH TRONG ĐỜI SỐNG

Thời sự Thần học - Số 45, tháng 9 năm 2006. tr. 5-14. 

_Antôn Mai Văn Hùng_👨 


Nói đến quyền lực, có lẽ sẽ có người nghĩ rằng có một sự áp đặt nào đó của một hay một nhóm người này lên một hay nhiều người khác. Bởi, chúng ta đã từng có kinh nghiệm về một người nào đó thường dùng đến quyền phủ quyết, áp đặt ý kiến riêng của mình lên người khác, bắt họ phải tuân theo, và chúng ta vẫn thường nói rằng : Anh ta dùng quyền lực đấy mà ! Vậy, phải chăng đây cũng là một biểu hiện của quyền bính? Và quyền lực với quyền bính có là một hay chăng? Chúng ta thử cùng tìm hiểu.

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU ?

Thời sự Thần học - Số 46, Tháng 12 Năm 2006, tr. 80-92. 

_Antôn Mai Văn Hùng_ 


Trước hết chúng ta phải khẳng định với nhau rằng, chúng ta đang ở trong guồng quay của xu hướng toàn cầu hoá. Thế giới rộng lớn giờ đây trở nên nhỏ bé và gần gũi, nó được coi như một ngôi làng toàn cầu. Việc thông tin liên lạc, đi lại giữa các nước trở nên dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi. Người ta có thể nói chuyện với nhau từ hai nửa bán cầu như nói chuyện ở nhà mình, bất cứ lúc nào…. Muôn vàn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống cũng như phổ biến chúng trên khắp thế giới, đưa con người đến với đỉnh cao của một nền văn minh khoa học kỹ thuật.

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

ƯỚC MONG MỘT THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN

Thời sự Thần học - Số 46, Tháng 12 Năm 2006, tr. 107-137. 

LTS: Tưởng nhớ người anh em Đa Minh (RIP 2/6/2014).
 
 

Giacôbê Vũ Thế Hanh, O.P_ 

I. Cuộc khủng hoảng mang tính nhân loại
  1. Thế giới này ra như đang tan rã
    a. Nghèo đói
    b. Bạo lực
    c. Sinh thái
  2. Toàn cầu hoá và những thành quả của toàn cầu hoá trên thế giới
  3. Dung mạo con người hôm nay
  4. Tiếng nói nhân danh các nạn nhân
  5. Tóm kết
II. Một nền thần học mới kiếm tìm nhân loại
  1. Nguyên lý nhân loại học của thần học
  2. Chú tâm đến những vấn nạn của thế giới
    a. Nhân  loại mới đang lâm nguy : Thần học nhân loại của E. Schillebeeckx
    b. Trong ký ức của những người đau khổ : học thuyết chính trị của J.B. Metz
    c. Nói cũng bằng thừa : Thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh
    d. Những tôn giáo và sự đói nghèo : Kitô học giải phóng Á Châu của A. Pieris
    e. Nữ giới cảm nhận sự đau khổ và Đức Giêsu : Kitô học nữ giới
  3. Tóm kết
Kết luận

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

SỰ ĐÓNG GÓP CỦA THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’ VÀO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH

Thời sự Thần học – Số 88, tháng 5/2020, tr. 163-197.

_Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson_

Tác giả là Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình từ năm 2009, và với cuộc cải tổ giáo triều của ĐTC Phanxicô, ngài được đặt đứng đầu Bộ Thăng tiến Con người, từ ngày 1/1/2017. Trong một bài thuyết trình tại Taizé ngày 23/9/2017, tác giả nêu bật sự liên tục và mới mẻ của thông điệp Laudato si’ trong toàn bộ Giáo huấn xã hội của Hội thánh, đặc biệt là lối tiếp cận vấn đề môi sinh cách toàn diện: việc bảo vệ môi trường cần được gắn liền với việc bảo vệ phẩm giá con người, nhất là người nghèo. Nội dung gồm:
1. Đọc ra và đáp trả các dấu chỉ của thời đại
2. Đâm rễ trong Kinh thánh
3. Liên tục với Huấn quyền
4. Quan tâm đến thiện ích chung. Chăm sóc trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta
5. Sinh thái nhân bản. Quan tâm đến nhân phẩm
6. Ưu tiên chọn lựa người nghèo
7. Sinh thái toàn diện và phát triển toàn diện con người
Nguồn : “The contribution of Laudato si’ to Catholic Social Doctrine”. http://www.humandevelopment.va/it/risorse/interventi/2017/the-contribution-of-laudato-si--to-catholic-social-doctrine--23-.html
Viết tắt : GHXH = Giáo huấn xã hội của Hội thánh. Bản PDF ở cuối trang.

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

LUẬT TỰ NHIÊN – THẦN HỌC LUÂN LÝ

Thời sự Thần học – Số 88, tháng 5/2020, tr. 58-98.

_Enrico Chiavacci_

“Luật tự nhiên” có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau trong khoa học tự nhiên và triết học. Phụ đề muốn giới hạn bài nghiên cứu vào phạm vi thần học luân lý, gồm hai phần: 1/ Phần “Lịch sử” cho thấy những quan niệm khác nhau về Luật tự nhiên, ngay cả trong thần học công giáo. 2/ Phần “Hệ thống” trình bày quan điểm Luật tự nhiên theo thánh Tôma, đối chiếu với các bản văn Thánh kinh và những quan niệm về “tự nhiên” trong tư tưởng cận đại. Trong phần phụ trương, chúng tôi sẽ bổ túc với vài khái niệm thuộc ngành luật học liên quan đến “Tự nhiên pháp” (droit naturel).

Tác giả là một linh mục, giáo sư thần học tại Firenze (1926-2013). Nguồn: “Legge naturale”, in: Nuovo Dizionario di Teologia Morale, Paoline, Cinisello Balsamo, 1990, p. 634-647.

I. Lịch sử

1Giai đoạn trước Kitô giáo; 2. Sứ điệp Kitô giáo và luật tự nhiên cho đến thế kỷ XIII; 3. Luật tự nhiên theo thánh Tôma; 4. Khúc ngoặt của Ockham; 5. Luật tự nhiên và nhân quyền

II. Hệ thống

1. Luật tự nhiên trong Kinh thánh: a) Cựu ước; b) Tân ước

2. Luật tự nhiên trong suy tư triết học và thần học: a) Lý trí, tự nhiên, thiên nhiên và luật tự nhiên; b) Luật tự nhiên và thần học luân lý; c) Luật tự nhiên và học thuyết chính trị.

Phụ thêm. Luật tự nhiên và Quyền tự nhiên

Những chú thích ở cuối trang là của người dịch. Legge naturale được dịch là “luật tự nhiên”, mặc dù đôi khi natura phải dịch là “bản tính” thì mới đúng. Viết tắt: LTN = Luật tự nhiên. Bản PDF ở cuối trang.

Xem thêm

I.   Lịch sử


1.  Giai đoạn trước Kitô giáo

Thuật ngữ “Luật tự nhiên” có một lịch sử của nó: LTN là một nhãn hiệu mà ở phía sau có rất nhiều nội dung khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau, tuy vẫn cố gắng tìm câu giải đáp cho một vài bận tâm không ngừng được nêu lên.

Xét theo lịch sử, khái niệm LTN nảy sinh từ lãnh vực chính trị. Vấn đề cơ bản của nhà cầm quyền, (nghĩa là việc biện minh cho chính mình), được giải quyết bằng cách quy chiếu nguồn gốc của quyền bính vào việc ban cấp bởi một vị thần linh nào đó. Nên ghi nhận rằng đây không chỉ là lý thuyết của các nền quân chủ thời xa xưa mà còn ảnh hưởng ngấm ngầm tới nhiều chế độ chính trị thời nay. Như thế, luân lý, pháp luật và tôn giáo là ba lãnh vực được chính quyền liên kết thành cái kiềng ba chân để củng cố thế lực. Cần mất nhiều thời gian để có thể tách rời chúng ra.

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH VỀ CHÍNH TRỊ

Thời sự Thần học – Số 87, tháng 2/2020, tr. 160-185.

_ Enrique Castillo Corrales_

Tác giả là linh mục, giáo sư đại học Javeriana, Colombia. Bài viết trình bày Giáo huấn của Giáo hội phổ quát và của các Giám mục Mỹ châu Latinh trong khuôn khổ chuẩn bị Đại hội các giám mục của lục địa này tại Aparecida năm 2007. Ban biên tập chỉ giới hạn vào những văn kiện có liên quan đến Giáo hội phổ quát.

Nguồn: La doctrina actual de la Iglesia acerca de lo político, in: “Theologica Xaveriana” 158 (2006) 229-256.

Chúng tôi không muốn trình bày tất cả Giáo huấn xã hội liên quan đến vấn đề chính trị xưa nay[1], nhưng chỉ giới hạn vào những văn kiện gần đây:

1/ Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (11/10/1992)
2/ Ghi chú đạo lý về việc dấn thân của người Công giáo vào đời sống chính trị, của Bộ Giáo lý đức tin (24/11/2002)
3/ Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội, do Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình (2/4/2004) biên soạn
4/ Bản toát yếu Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (28/6/2005)
5/ Thông điệp Deus caritas est của ĐGH Bênêđictô XVI (25/12/2005)

Viết tắt. GLCG = Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. TLHT = Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội.


I. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo

Chúng ta có thể tóm tắt đạo lý của sách GLCG về chính trị vào bốn vấn đề thần học:

1/ Nhân luận thần học. Hai lời khẳng định: a) việc loan báo Tin Mừng cần phải nhắm đến toàn thể bản chất con người, trong đó gồm cả chiều kích chính trị[2]; b) bản tính ấy đã bị “tổn thương” do tội lỗi[3].

2/ Kitô học, với hai điểm bổ túc cho nhau: a) nhớ rằng nhiều người đương thời với Đức Giêsu đã có một quan niệm trần tục về Đấng Mêsia (x. Mt 22,41-46) mang bản chất chính trị (x. GLCG 439); b) việc kết án Đức Giêsu có pha lẫn động lực chính trị, bởi vì Thượng Hội Đồng nộp Đức Giêsu cho người Rôma với lời tố cáo về tội gây rối chính trị (x. Lc 23,2), được đặt ngang với ông Baraba can tội bạo động (Lc 23,19). Các thượng tế cũng sử dụng những đe dọa chính trị để làm áp lực buộc ông Philatô kết án Đức Giêsu (x. Ga 19,12.15-21) (x. GLCG 596).

3/ Giáo hội học. Dân Thiên Chúa có những đặc trưng khác với tất cả các nhóm chính trị trong lịch sử, cũng như tất cả các nhóm tôn giáo, dân tộc và văn hóa khác (x. GLCG 782).

4/ Giáo luật. Dựa trên Công đồng Vaticanô II (Gaudium et spes, số 76) và thông điệp Centesimus annus (số 45 và 46), sách GLCG khẳng định rằng “sứ mạng và thẩm quyền của Giáo hội không thể nào lẫn lộn với cộng đồng chính trị” (số 2245). “Hội thánh có sứ vụ đưa ra phán đoán luân lý, cả trong những vấn đề liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền lợi căn bản của con người hay ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi, bằng cách sử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Tin Mừng và hòa hợp với lợi ích của mọi người, tùy theo các thời đại và hoàn cảnh khác nhau” (GLCG 2246; trích dẫn Gaudium et spes, số 76e).

Mặt khác, sách GLCG đưa ra ít là sáu tiêu chuẩn mục vụ liên quan đến hoạt động chính trị, mà chúng ta có thể tóm lại như sau:

1/ Vai trò của giáo dân. Các giáo dân có quyền lợi và sáng kiến để khám phá và phát minh ra những phương tiện khác nhau để “thấm nhập” đời sống chính trị phù hợp với những đòi hỏi của đạo lý và đời sống Kitô giáo (số 899). Điều này bao hàm quyền lợi được tạo ra những hiệp hội và tổ chức tư lập (số 1882) mang tính chính trị, ở trong mỗi quốc gia cũng như trên bình diện toàn cầu. Điều này có nghĩa là các giáo dân được thúc giục thành lập các đảng phái và phong trào chính trị. Về điểm này, sách GLCG nhấn mạnh đến trách nhiệm và sự tham gia của mỗi người tùy theo địa vị và vai trò đang đảm nhận (số 1913), nghĩa là “với trách nhiệm cá nhân” (số 1914). Điều này có nghĩa là các giáo dân được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống công, theo những cách thức khác nhau tùy nơi (số 1915).

2/ Về việc thi hành quyền bính. Sách GLCG cho rằng những khác biệt về thể chế chính trị là điều có thể chấp nhận được, “miễn là các thể chế này phục vụ lợi ích chính đáng của cộng đồng đã thừa nhận chúng” (số 1901). Chính quyền không được xử sự cách chuyên chế, không được ban hành những luật bất công (số 1902). Sách GLCG cũng nhìn nhận có những đe dọa cho nền tự do, và ghi nhận rằng, “những điều kiện về trật tự kinh tế và xã hội, chính trị và văn hóa cần thiết để thực thi tự do cách chính đáng, rất thường không được biết tới và bị vi phạm” (số 1740). Vì thế, theo thông điệp Centesimus annus (số 44), cần có sự cân bằng giữa các quyền lực trong tổ chức hiến pháp của mỗi quốc gia (GLCG số 1904).

Cuối cùng, “quyền bính chính trị có nghĩa vụ tôn trọng những quyền lợi căn bản của con người” (số 2237), và bảo đảm cho “những quyền lợi chính trị gắn liền với tư cách công dân … được công nhận theo các đòi hỏi của công ích” (ibidem). Mặt khác, sách GLCG nhìn nhận rằng “chính quyền có quyền lợi và bổn phận phải điều hợp việc thi hành quyền tư hữu sao cho phù hợp với công ích (số 2406. Điều này dựa trên đạo lý của Công đồng Vaticanô II (Gau­dium et spes, số 71d) và các thông điệp Sollicitudo rei sociales (số 42) và Centesimus annus (số 40 và 48). Nhà nước cũng có trách nhiệm trong hoạt động kinh tế, và cụ thể, đối với vấn đề lao động (GLCG số 2431), dựa trên giáo huấn của thông điệp Centesimus annus (số 48).

3/ Công ích. Công ích được hiểu trong tương quan với nhân vị (GLCG số 1905) và được định nghĩa dựa theo Công đồng Vaticanô II (Gaudium et spes số 26a và 74a). Công ích bao hàm ba yếu tố: tôn trọng nhân vị đúng nghĩa; đòi hỏi sự thịnh vượng xã hội và sự phát triển; hòa bình (GLCG số 1906-1909). Công ích được thực hiện cách trọn vẹn hơn cả trong cộng đồng chính trị (số 1910), và cũng mang theo một chiều kích hoàn cầu (số 1911). Nói cho cùng, công ích phải nhắm tới sự thăng tiến con người, được đặt nền trong chân lý, được xây dựng trên công bằng, được sinh động nhờ tình yêu (số 1912). Liên quan đến công ích, sách GLCG nhắc lại đạo lý của thánh Tôma Aquinô, đó là lề luật phải phù hợp với lẽ phải (số 1902, trích dẫn Summa Theologiae I-II, q.93, a.3 ad 2).

4/ Liên quan đến việc thực hành hoạt động chính trị, sách GLCG nhắc nhở các công dân về các nghĩa vụ yêu tổ quốc (số 2239), phục tùng chính quyền, bao gồm cả việc cầu nguyện cho họ (số 2240). Điều này có nghĩa là hoạt động chính trị một cách có trách nhiệm (số 1915). Các thành viên xã hội cũng có nghĩa vụ hối cải không ngừng, phải kết án nghiêm ngặt sự gian lận và những mánh lới khác (số 1916). Đối lại, trong mọi hoạt động chính trị, những người đang nắm giữ quyền bính có bổn phận khẳng định các giá trị đem lại sự tín nhiệm của các thành viên trong tập thể (số 1917).

5/ Về “vấn nạn lương tâm”. Đứng trước những luật bất công, Giáo hội, theo tiêu chuẩn do thánh Phêrô đưa ra trước mặt Thượng Hội đồng (Cv 4,19-20), đòi hỏi quyền được bất tuân hành dựa theo lương tâm (số 2242). Hơn thế nữa, sách GLCG vẫn chấp nhận quyền phản kháng bạo quyền, theo ngôn ngữ của thần học kinh viện, chống lại sự áp bức, miễn là hội đủ 5 điều kiện đã được đặt ra[4].

6/ Tôn trọng tự do tín ngưỡng. Theo tuyên ngôn Dignitatis humanae của Công đồng Vaticanô II (số 2), tự do tín ngưỡng không có nghĩa là được phép đi theo sự sai lầm[5], lại càng không thể nhìn nhận cho sự sai lầm cũng có quyền lợi[6], nhưng là một quyền lợi tự nhiên của nhân vị được hưởng tự do dân sự trong phạm vi tín ngưỡng, nghĩa là không bị cưỡng bách từ bên ngoài, trong những giới hạn chính đáng, về phía chính quyền. Quyền lợi tự nhiên cần được nhìn nhận trong hệ thống pháp luật của xã hội ngõ hầu trở thành một quyền lợi công dân (GLCG số 2108). Tự nó, quyền này không thể nào là vô giới hạn, cũng không được quan niệm theo chủ nghĩa duy thực nghiệm (số 2109).

II. Bản ghi chú đạo lý của Bộ giáo lý đức tin

Về một số vấn đề liên quan đến việc tham gia của người công giáo vào đời sống chính trị.[7]

Bản ghi chú này tiên vàn hướng đến các giám mục, kế đến là các nhà chính trị công giáo, và thứ ba là tất cả các giáo dân công giáo “được mời gọi tham gia vào đời sống công và chính trị trong các xã hội dân chủ” (lời dẫn đầu).

Văn kiện mở đầu với lời khẳng định rằng, việc dấn thân chính trị của người Kitô hữu là một chuyện thường hằng trong lịch sử ngay từ cổ thời, như chứng từ của Bức thư gửi ông Diognetus; điều này được ĐGH Gioan Phaolô II phê chuẩn khi tôn thánh Thomas More làm bổn mạng những người cầm quyền và chính trị gia, và đã tuyên bố rõ ràng trong tông huấn Christifideles laici (Số 42).

Sự tham gia này mang tính cách khẩn trương trong các xã hội dân chủ; tuy nhiên, tại nhiều nơi, có những trường hợp phức tạp, vì thế Bộ Giáo lý Đức tin xét thấy thích hợp khi xuất bản Ghi chú này, dựa theo sách GLCG (x. số 1), và tập trung vào vài điểm hiện đang gây tranh cãi với các chủ trương của thuyết tương đối văn hóa và đa nguyên luân lý (số 2). Những chủ trương này chẳng liên quan gì đến “tự do hợp pháp mà các công dân Công giáo trong việc chọn lựa những đường hướng chính trị có thể hòa hợp với đức tin và luật luân lý tự nhiên” (số 3). Giáo hội không có nhiệm vụ đề nghị một giải pháp duy nhất có thể coi là chấp nhận được cho các vấn đề thế tục mà Thiên Chúa đã để cho mỗi người tự quyết định dựa theo sự phán đoán tự do và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Hội thánh có quyền và bổn phận cung cấp một sự phán xét về mặt luân lý cho các vấn đề trần thế khi đức tin và luật luân lý đòi hỏi.

Lương tâm Kitô hữu được đào tạo sẽ không cho phép ủng hộ bất cứ chương trình chính trị hoặc luật lệ “chứa đựng những đề nghị trái nghịch với nội dung căn bản của đức tin và luân lý” (số 4). Trong số các điểm ấy, văn kiện kể ra những lập trường không thể nào chấp nhận được: phá thai, an tử, những hình thức nô lệ mới; trái lại, người tín hữu phải cổ vũ sự bảo vệ bào thai, gia đình, giáo dục con cái, bảo vệ trẻ vị thành niên, kinh tế và hòa bình, tẩy chay bạo lực và khủng bố (ibidem).

Văn kiện chứa đựng một phụ lục về sự tự trị (laicidad): quan niệm này được hiểu như sự tự trị của lãnh vực dân sự và chính trị khỏi lãnh vực tôn giáo và giáo dục, chứ không hiểu như là tự trị về luân lý. Tự trị là một giá trị được Giáo hội nhìn nhận, nhưng điều này không có nghĩa là loại bỏ Kitô giáo khỏi các cuộc thảo luận (số 6).

III. Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội

Sách Tóm lược này đề cập đến vấn đề chính trị rộng hơn cả. Ngay từ số đầu tiên, văn kiện trích dẫn thông điệp Redemptoris missio (số 11) nói đến nguyên tắc thần học căn bản của “ơn cứu độ toàn diện, bao trùm toàn thể con người và toàn thể mọi người” (TLHT số 1). Nguyên tắc này thấm nhuần toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo hội, “muốn cống hiến một cái nhìn toàn diện và một sự hiểu biết đầy đủ về con người” (TLHT số 522), và đương nhiên là bao hàm vấn đề chính trị. Nguyên tắc thần học căn bản vừa nói được bổ túc bởi tiêu chuẩn nhân luận thần học về bản tính sa ngã của con người (TLHT số 27).

Việc trình bày tư tưởng Kinh Thánh như là nền tảng của học thuyết xã hội bao gồm một cuộc học hỏi Cựu Ước về ý nghĩa của giao ước, liên quan đến đời sống chính trị của Israel (số 24), và bước sang Tân Ước, về tương quan của Chúa Giêsu với nhà cầm quyền chính trị đương thời, cũng như loại trừ ý tưởng về Đấng Mêsia chính trị (số 379). Sách TLHT cũng nghiên cứu về ý nghĩa của Vương triều Thiên Chúa trong tương quan với đời sống chính trị để tách rời hai khái niệm, và nhấn mạnh “Vương triều Thiên Chúa không thể nào nắm bắt được từ viễn ảnh của một tổ chức chính trị nào cụ thể và nhất định; nhưng nó được tỏ hiện nơi sự phát triển một ý thức sống chung xã hội của con người, như một chất men làm cho con người được phát triển trọn vẹn, sống công bằng và liên đới, cởi mở với cõi Siêu việt như là điểm quy chiếu cho sự thành tựu đầy đủ của bản thân” (số 51).

Dưới khía cạnh thần học, sách TLHT đã xác định ba mối tương quan cần được học hỏi chặt chẽ với nhau:

1/ Giữa đức tin và thực tại chính trị, dựa trên nguyên tắc là “đức tin không chủ trương giam hãm các thực tại chính trị và xã hội vốn luôn thay đổi trong một khuôn khổ đóng kín”[8]; trái lại, “đức tin là men của sự thay đổi và sáng tạo”.[9]

2/ Giữa nhiệm cục cứu độ và chính trị, bởi vì Giáo hội muốn đem Tin Mừng như men trong xã hội nhân loại, cho nên chính trị không phải điều gì xa lạ đối với sứ điệp và nhiệm cục cứu độ”[10].

3/ Giữa Giáo hội và việc loan báo Tin Mừng cho chính trị. Giáo hội đòi hỏi quyền lợi (chứ không phải ân huệ) được loan báo Tin Mừng trong lãnh vực xã hội, bao gồm cả chính trị (số 70).

Dĩ nhiên, sách TLHT nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chính trị trong học thuyết xã hội của Giáo hội, và nhắc nhớ vai trò tiên phong của ĐGH Lêô XIII (số 521), rồi nêu bật tầm trọng của Công đồng Vaticanô II, đặc biệt khi phân tích những gì liên quan đến cộng đồng chính trị[11]; rồi đến huấn quyền của ĐGH Phaolô VI (số 99 và 100), huấn quyền xã hội của ĐGH Gioan Phaolô II, đặc biệt là thông điệp Centesimus annus (số 101-103).

Để tóm lại giáo huấn của sách TLHT về chính trị, chúng tôi xin gom lại vào 7 tiết mục, tất cả đều ít nhiều dựa trên 5 nguyên tắc của học thuyết xã hội của Hội thánh: công ích, các tài nguyên được dành cho mọi người, bổ trợ, tham gia và liên đới[12]; và ba chân lý nền tảng của đời sống xã hội: chân lý, tự do, công bình[13]. Bảy tiết mục đó như sau:

1. Nền tảng Kitô giáo của chính trị. Nền tảng này thuộc về nhân luận, đó là: phẩm giá con người. Con người không chỉ là cá thể (số 391), nhưng là một “bản tính có trí tuệ và tự do”[14], theo như tất cả các nguồn mạch của học thuyết xã hội của Hội thánh[15]. Chiều kích xã hội cũng nằm trong bản tính con người, nó là một yếu tố thiết yếu (số 384).

Từ đó, cần phải xem cộng đồng chính trị như là một thực tại “phù hợp với bản tính con người” và cần thiết để thực hiện công ích[16]. Việc nghiên cứu điểm nền tảng này đưa tới nghĩa vụ phải bảo vệ và thăng tiến các quyền lợi con người[17], và nó trở thành tiêu chuẩn để phê phán xem một cộng đồng chính trị có được đặt trên nền tảng vững chắc hay không (số 391).

2. Khía cạnh luân lý của tất cả mọi hành động chính trị. Thực hành chính trị không có mục đích nào khác ngoài việc chu toàn điều răn yêu thương, “cấu thành luật sống của dân Thiên Chúa”[18]. Luật yêu thương phải “gợi hứng, thanh lọc và nâng cao tất cả mọi tương quan giữa con người trong đời sống xã hội và chính trị” (số 33). Khía cạnh luân lý được sách TLHT đặt tên là “con đường bác ái”, giả thiết và vượt lên đức công bình (số 206). Nó giúp chúng ta yêu mến công ích, và tìm kiếm điều thiện hảo của tất cả mọi người, được nhìn không chỉ như là những cá nhân, mà còn trong chiều kích xã hội, nghĩa là chính trị, liên kết các cá nhân với nhau (số 207).

Từ đó, tất cả học thuyết xã hội của Hội thánh nhằm tới việc xây dựng một nền văn minh tình thương (số 575-583), và trong bối cảnh này, có thể nói đến “bác ái chính trị”[19] cần phải được mở rộng ra đến toàn thể nhân loại[20]. Khía cạnh luân lý này mang một tầm quan trọng đặc biệt cho mọi chính sách liên quan đến hiện tượng nghèo khổ dưới mọi hình thức[21].

3. Tương quan giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị khởi đi từ việc nhìn nhận sự tự trị và lệ thuộc lẫn nhau[22], điều mà dưới góc độ lịch sử phải được xem như một sự chinh phục đặc thù của Kitô giáo (số 50).

Sự tự trị hỗ tương không kèm theo một sự tách biệt đến nỗi loại trừ sự hợp tác (số 425). Điều này hàm ngụ sự “nhìn nhận pháp lý sự hiện diện của Hội thánh, và sự tự do phát biểu, giảng dạy, loan báo Tin Mừng, thực hành việc phụng tự công khai, tự do tổ chức và điều hành nội bộ; tự do lựa chọn, đào tạo, bổ nhiệm, thuyên chuyển các nhân viên; tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo; tự do thủ đắc và sở hữu những tài sản cần thiết cho hoạt động của mình; tự do lập hiệp hội không chỉ vì mục tiêu tôn giáo mà còn là giáo dục, văn hóa, sức khỏe và bác ái.”[23]

4. Vài nguyên tắc Kitô giáo cho mọi hành động chính trị. Giáo hội đi từ việc chấp nhận nguyên tắc thế tục (principio de laicidad) bao gồm việc Nhà nước tôn trọng các tôn giáo[24], nhưng không chấp nhận chủ trương duy thế tục (laicismo) bất khoan dung muốn gạt Giáo hội ra bên lề[25]. Vì thế Giáo hội nhìn nhận sự cần thiết của quyền bính chính trị (TLHT số 393) để bảo đảm một cuộc sống trật tự yên ổn cho cộng đồng trong việc tìm kiếm công ích[26].

Về phần mình, chính quyền phải thừa nhận rằng, chủ quyền thuộc về nhân dân, tuy nhiên chỉ duy sự thỏa thuận của nhân dân thì chưa đủ để việc hành sử quyền bính chính trị được coi là chính đáng (TLHT số 395).

Mặt khác, Kitô giáo nhấn mạnh rằng cộng đồng chính trị “đạt được chiều kích đích thực của mình nhờ biết tham khảo nhân dân” (TLHT số 385), nhưng hiểu rằng “nhân dân không phải là một đám đông không có hình thù, một quần chúng thụ động, dễ bị điều khiển và thao túng, nhưng là một tập thể những con người, trong đó người nào cũng có thể có ý kiến riêng về các vấn đề chung và được tự do bày tỏ những quan điểm chính trị riêng của mình, đồng thời tận dụng những ý kiến và quan điểm ấy để tìm lợi cho công ích”.[27]

Sau cùng, tuân theo một truyền thống được lãnh nhận từ các thánh Tông đồ, Giáo hội dạy rằng, các Kitô hữu có nghĩa vụ phục tùng chính quyền, không phải cách thụ động nhưng vì lý do lương tâm[28]; và cầu nguyện cho các nhà cầm quyền, ngay cả trong thời kỳ chịu bách hại[29].

5. Nhiệm vụ của Nhà nước và chính quyền. Giáo hội nhấn mạnh Nhà nước cũng như chính quyền hiện hữu là vì có trách nhiệm tìm kiếm công ích. Công ích được hiểu như là “điều tốt cho tất cả mọi người và cho toàn thể con người”[30], với những thay đổi tùy theo thời thế và nơi chốn (TLHT số 167-168), tuy vẫn luôn luôn bao hàm nghĩa vụ hòa hợp cách công bằng những ích lợi của các nhóm (số 169), và nhắm đến việc tạo ra một môi trường nhân sinh, trong đó các công dân có khả năng hành xử các quyền lợi của con người và thi hành các nghĩa vụ tương ứng (số 389). Cả hai nhiệm vụ này thường được chu toàn dễ dàng hơn trong một chính thể dân chủ[31].

Từ việc mưu cầu công ích, nảy sinh nhiều hệ luận mà chúng tôi chỉ kể ra vài thí dụ:

- Một chính sách kinh tế đúng đắn (số 352-355), điều này bao hàm việc kiểm soát tư sản phù hợp với nguyên tắc mục tiêu phổ quát của tài sản (số 176-181) và việc nhìn nhận cho hết mọi người được quyền lợi lao động[32];

- Một chính sách dân số phù hợp với phẩm giá con người (số 483);

- Một chính sách đúng đắn về các phương tiện truyền thông xã hội, không bị chi phối bởi ý thức hệ hoặc thương mại (số 416);

- Một chính sách mưu cầu hòa bình, với sự trợ giúp quốc tế, được phối hợp với việc mưu cầu phát triển, vượt lên trên sự kém phát triển (số 442, 448 và 449).

Một cách tương tự như vậy, chính quyền phải cố gắng diệt trừ mọi hình thức tham nhũng (số 411); kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu công (số 355); luôn luôn phải đi tìm hòa bình như là một giá trị của tất cả cộng đồng chính trị (số 495); luôn luôn phải hành động với đức khôn ngoan, thận trọng và can đảm[33]; cần tôn trọng nguyên tắc bổ trợ, trái ngược với các hình thức trung ương tập quyền, hình thức bàn giấy, quan liêu, cứu trợ an sinh, hiện diện phi lý và quá đáng của bộ máy Nhà nước (số 187), mặc dù “một vài hoàn cảnh đặc biệt ngoại thường có thể khuyến khích Nhà nước giữ vai trò bổ khuyết” (số 188).

Một vài điểm mang tầm quan trọng đặc biệt vào thời nay là nghĩa vụ của Nhà nước và công quyền phải bảo vệ gia đình và những giá trị của nó[34]; cổ võ cuộc đối thoại và hợp tác không những giữa cộng đồng Kitô giáo với cộng đồng dân sự và chính trị, mà cả giữa các giáo hội và tôn giáo với nhau (số 534-537) cũng như sự sống chung dựa trên tình bằng hữu dân sự (số 390-392). Điều này mang theo sự bảo đảm cho hoạt động tự do của các đảng phái (số 413), tự do thông tin chính trị (số 414), sự thay đổi nhiệm kỳ của các cấp lãnh đạo (số 189).

6. Vai trò khác biệt giữa giáo dân và giáo sĩ. Trong lãnh vực chính trị, tuy Giáo hội vẫn tuyên bố tất cả các Kitô hữu, không trừ một ai, “đều được kêu gọi trở thành chủ động của việc chứng tá chính trị” (số 538), nhưng cũng phân biệt vai trò của giáo sĩ và tu sĩ.

Vì thế sách TLHT trở lại nguyên tắc cho rằng, các giáo dân là những người phải đảm nhận cuộc dấn thân chính trị (số 531), phục vụ chính trị (số 565) và hoạt động chính trị (số 551, 555, 565, 567 và 573). Trái lại, hoạt động chính trị của các giám mục, linh mục và tu sĩ cần phải phù hợp với sự phục vụ Giáo hội, và cần hướng đến việc giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo hội (số 539 và 540).

7. Vài hiện tượng chính trị đáng được quan tâm đặc biệt. Có thể nêu lên 5 lãnh vực: a) vai trò chính trị của cộng đồng quốc tế và của các tổ chức quốc tế (số 440-443); b) vấn đề chính trị của hiện tượng toàn-cầu-hóa và lệ thuộc lẫn nhau[35]; c) vấn đề môi sinh[36]; d) tự do tôn giáo (số 421-423); e) việc cải cách điền địa (số 299-300).

IV. Bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo

Mặc dù Sách Toát Yếu (viết tắt TY) không chính thức nêu lên một câu hỏi nào về việc chính trị, nhưng chúng ta gặp lại ở đây tiêu chuẩn nhân luận thần học, nhắc lại tình trạng của bản tính của con người bị tổn thương vì tội lỗi (TY số 77). Sách TY cũng dành một chương cho “cộng đồng nhân loại”[37], trong đó chúng ta thấy một khẳng định khác của nhân luận thần học, đó là chiều kích xã hội là “phần cốt yếu” của bản tính cũng như của sứ mạng con người (TY số 401-402), và dĩ nhiên bao hàm lãnh vực chính trị.

Thật đáng tiếc khi sách TY không đả động đến khía cạnh chính trị trong câu hỏi về ý nghĩa “Mêsia” của Đức Giêsu (số 82), cũng như khi giải thích lý do kết án Người (số 113). Sách TY cũng không ghi nhận rằng dân Thiên Chúa khác biệt với các nhóm chính trị khác (số 154).

Đối lại, Sách TY giải thích khá tốt một tiêu chuẩn trong việc tổ chức chính trị, đó là “nguyên tắc bổ trợ” [38] và nhắc lại tầm quan trọng của “bác ái như là giới răn xã hội cao trọng nhất, bởi vì nó đòi hỏi và giúp thực hiện đức công bình” (TY số 404).

Sách TY có hai câu hỏi liên quan đến cách thức mà các Kitô hữu tham gia vào đời sống chính trị (TY số 464 và 519) và ba câu hỏi về quyền bính chính trị và việc thực thi nó cách hợp pháp (TY số 405-406), trong đó nhắc lại bốn tiêu chuẩn căn bản của chính trị:

1. Quyền của các giáo dân được can thiệp “trực tiếp vào đời sống chính trị và xã hội, thấm nhuần các thực tại trần thế với tinh thần Kitô giáo (TY số 519), tôn trọng chính quyền, yêu mến và phục vụ tổ quốc, thực thi quyền bầu cử và nộp thuế (TY số 464).

2. Bổn phận của nhà cầm quyền là luôn sử dụng các “phương tiện hợp pháp về mặt luân lý” (TY số 406), nghĩa là tránh những thủ đoạn gian dối.

3. Tôn trọng nguyên tắc Nhà nước pháp trị (ibidem).

4. Các Kitô hữu có quyền lợi được bất tuân dân sự hoặc nại đến vấn nạn lương tâm trước những luật bất công[39].

Ngoài ra, sách TY tóm tắt đạo lý cổ truyền về ba điểm có ảnh hưởng đến chính trị: công ích (TY số 407-410), công bình xã hội (TY số 411-414), và giá trị luân lý của học thuyết xã hội của Giáo hội (TY số 509-512).

V. Thông điệp Deus caritas est

Trong thông điệp đầu tiên của ĐGH Bênêđictô XVI bàn về đức bác ái trong đời sống của Giáo hội, phần thứ hai được dành để bàn đến chính trị. Sau khi đã ôn lại lịch sử của huấn quyền Giáo hoàng về học thuyết xã hội (số 27), và bàn đến sự dấn thân cho công bằng, thông điệp viết rằng “trật tự công bằng của xã hội và quốc gia là trọng trách chính của chính trị” (số 28). Điều này cần được hiểu trong cơ cấu nền tảng của Kitô giáo, trong đó có sự phân biệt giữa điều gì thuộc về Cesar và điều gì thuộc về Thiên Chúa (x. Mt 22,31), nghĩa là giữa Nhà nước và Giáo hội, hoặc, như Công đồng Vaticanô II nói, việc “nhìn nhận sự tự trị của các thực tại trần thế”[40].

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

THẦN HỌC, XÃ HỘI HỌC VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH - KHÁM PHÁ NỀN TẢNG CHUNG

Thời sự Thần học - Số 92, tháng 05/2021, tr.  45-86

_Vivencio Ballano_

Bài viết trình bày nhận định của một nhà xã hội học đối với Giáo huấn Xã hội của Giáo hội. Nhận thấy Giáo hội tỏ ra dè dặt đối với Xã-hội-học thay vì dùng nó để quảng bá và áp dụng giáo huấn luân lý xã hội, tác giả cố gắng tìm hiểu những lý do của thái độ ấy. Mặc dù có những khác biệt về lý thuyết và phương pháp, nhưng Xã-hội-học có thể trở thành một dụng cụ hữu ích để Giáo hội hiểu biết tình hình xã hội đang biến đổi và từ đó phát biểu những hướng dẫn về luân lý xã hội.
Tác giả là giáo sư Khoa Xã hội học và Nhân học, Đại học Bách khoa Philippines, Manila (PUP).
Nguồn: Ballano, V. Catholic Social Teaching, Theology, and Sociology: Exploring the Common Ground. Religions 2019, 10, 557. https://doi.org/10.3390/rel10100557
Chuyển ngữ: Ts. Đa Minh Nguyễn Anh Vũ, O.P.

Viết tắt :
GHXH: Giáo huấn Xã hội của Hội thánh
TLHTXH: Tóm lược Học thuyết Xã hội (Compendium of Social Doctrine of the Church)
XHH: Xã hội học
THẦN HỌC, XÃ HỘI HỌC VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH - KHÁM PHÁ NỀN TẢNG CHUNG

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

QUAN ĐIỂM CỦA HUẤN QUYỀN THỜI NAY VỀ HÌNH PHẠT

Thời sự Thần học - số 71, tháng 2/2016, tr. 135-188

_Gustavo Irrazábal_

Tác giả là giáo sư luân lý tại phân khoa thần học của Đại học công giáo Buenos Aires (Argentina). Nguồn: La concepción de la pena en el Magisterio actual, in: Veritas n.27 (Septiembre 2012) 193-220. Lưu ý về dịch thuật. justicia có thể dịch là “công bình” hoặc “công lý”; trong bài này chúng tôi chọn cách dịch thứ hai; retribución có thể dịch là “báo đáp” hoặc “trừng trị”; chúng tôi cũng chọn cách dịch thứ hai.
  1. Hình phạt trong Huấn quyền của Đức thánh cha Piô XII.
  2. Những lý do của một cuộc thay đổi quan điểm.
  3. Hình phạt trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo ấn bản lần đầu (1992).
  4. Án tử hình trong Sách GLHTCG ấn bản lần đầu.
  5. Hình phạt nói chung và án tử hình trong thông điệp Evangelium vitae (1995).
  6. Hình phạt trong Sách GLHTCG ấn bản chính thức (1997).
  7. Án tử hình trong Sách GLHTCG ấn bản chính thức.
  8. Hình phạt nhân dịp khánh nhật các trại giam (2000): công lý và hình phạt.
  9. Hình phạt trong Sách Tóm Lược Giáo huấn xã hội (2005).
  10. Án tử hình trong Sách TLGHXH.
  11. Mục tiêu trừng trị hay mục tiêu chữa lành của hình phạt?
  12. Sự trừng trị mang tính chữa lành.
  13. Công lý hoà giải và những chính sách chế tài.

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

THƯ TỊCH THAM KHẢO VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Thời sự Thần học - Số 60, tháng 5/2013, tr. 206-210

I. Danh sách các văn kiện của Giáo hội bàn về xã hội 


Hầu hết các tác giả khởi đầu các văn kiện GHXH từ thông điệp Rerum novarum, tuy có những tác giả bắt đầu sớm hơn, hoặc thêm vào danh mục một số văn kiện của các giáo hoàng cận đại.

LÊÔ XIII 

  1. - Thông điệp Immortale Dei (1-11-1885) 
  2. - Thông điệp Libertas praestantissimum (20-6-1888) 
  3. - Thông điệp Rerum novarum (15-5-1891) 

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ CHÍNH TRỊ

Thời sự Thần học - Số 60, tháng 5/2013, tr. 162-205

Phan Tấn Thành

I. Luân lý Công giáo về chính trị.
  • A. Tiền đề: luân lý và chính trị.
  • B. Một thoáng nhìn các văn kiện Giáo huấn Xã hội về chính trị.
  • C. Quyền bính chính trị.
  • D. Chế độ dân chủ.
  • E. hính quyền và tôn giáo.
  • F. Người tín hữu giáo dân và chính trị.
II. Huấn quyền Giáo hội về chiến tranh và Hòa Bình.
  • A. Chiến tranh.
  • B. Hòa bình.
Chữ viết tắt.
  • GHXH : Giáo huấn Xã hội.
  • GLCG : Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.
  • TLHT : Sách Tóm lược Học Thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo.

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

PHỤ NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG TRONG NỀN VĂN HÓA MỚI

Thời sự Thần học - Số 60, tháng 5/2013, tr. 137-161

Mª Teresa López

Tác giả là tiến sĩ kinh tế học, giáo sư về chính sách gia đình tại đại học Complutense (Madrid) và chủ tịch Ủy ban Đạo đức sinh học của chính phủ Tây ban nha. Trong bài thuyết trình ngày 13 tháng 7 năm 2011 tại trường thần học Karl Rahner- Hans Urs von Balthasar, tác giả trình bày sự tiến triển của phong trào nữ quyền trong những thế kỷ gần đây tại Âu Mỹ. Khởi đi từ những cuộc tranh đấu cho phụ nữ được hưởng những quyền công dân, phong trào nữ quyền vào những thập niên 60 của thế kỷ XX, tuyên bố phá đổ việc sinh đẻ, được coi như nguồn gốc phát sinh ra những bất công. Chặng thứ ba của phong trào này tiến tới việc xóa bỏ sự dị biệt phái tính, cho rằng sự phân biệt này là do văn hóa tạo ra. Đây là chủ trương của ý thức hệ gender. Trong phần thứ hai của bài thuyết trình, tác giả trình bày quan điểm của Giáo hội Công giáo về sự bình đẳng và khác biệt giữa phái nam và phái nữ. Nguyên bản Mujer e igualdad en la nueva cultura được đăng trên mạng internet của Học viện Xã hội Leon XIII (Madrid): http://www.instituto-social-leonxiii.org/index.php/estudios/756-mujer-e-igualdad-en-la-nueva-cultura

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 79, THÁNG 02/2017

CHỦ ĐỀ: PHẨM GIÁ PHỤ NỮ

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 30 năm ban hành tông thư Mulieris dignitatem về phẩm giá người phụ nữ (15/8/1988). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Huấn quyền đã dành một văn kiện để bàn về phụ nữ. Ngoại trừ bài dẫn nhập, tác giả của những bài viết trong số này đều là phụ nữ.


1. Mở đầu, linh mục Phan Tấn Thành giới thiệu Tông thư Mulieris dignitatem [1] trong khung cảnh Các văn kiện Huấn quyền về phụ nữ trong hai thế kỷ gần đây. Tông thư này không chỉ đánh một dấu mốc trong lịch sử Huấn quyền (vì là lần đầu tiên đề cập trực tiếp đến phụ nữ) nhưng còn làm thay đổi cách giải thích các đoạn Kinh Thánh (xưa nay vốn coi người nữ thấp kém hơn người nam). Mặt khác, sự bình đẳng của người nữ với người nam không loại trừ sự khác biệt của người nữ, tạo nên “thiên tài” của họ.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

SỰ TIẾN TRIỂN CỦA GIÁO HUẤN XÃ HỘI

Thời sự Thần học – Số 60 – Tháng 5/2013, tr. 35-55

LTS: Đã có nhiều người viết về lịch sử Giáo huấn Xã hội của Giáo hội (= GHXH), nhưng có lẽ ít khi trình bày một cái nhìn tổng quan về những vấn đề được trình bày. Trong bài thuyết trình tại giảng đường phân khoa thần học Santander ngày 29 tháng giêng năm 2008, linh mục Rafael M. Sanz de Diego, S.J. cho thấy sự tiến triển của GHXH không những qua việc mở rộng các đề tài, nhưng còn qua các tiếp cận vấn đề. Tác giả là giáo sư đại học giáo hoàng Comillas Madrid. Các tác phẩm tiêu biểu: Pensamiento social cristiano, 2 vols. (1998) y Una nueva voz para nuestra época (3ª ed. 2006), Moral politicia (2012). 

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

NHÂN QUYỀN TRONG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Thời sự Thần học – Số 60 - Tháng 5/2013, tr. 88-114

LTS:
ĐHY. Tarcisio Bertone
Đây là bài thuyết trình của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ngày 5 tháng 2 năm 2009, tại Madrid, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Tây-ban-nha, nhân kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp quốc (10-12-1948). Chúng tôi bỏ qua những lời chào thăm xã giao mở đầu và đi thẳng vào đề.
Sau khi nhắc lại mối thiện cảm của các đức giáo hoàng đối với bản Tuyên ngôn, diễn giả nêu bật vài quan điểm của Giáo hội đối với nhân quyền. Nhân quyền bắt nguồn từ phẩm giá con người, dựa trên luật tự nhiên (ius naturale vừa được hiểu như là « luật thiên nhiên », do Đấng Tạo Hóa thiết lập, vừa được hiểu như « luật tự nhiên » phù hợp với bản tính con người), chứ không do xã hội ban cấp. Vì dựa trên bản tính con người cho nên các quyền lợi con người mang tính phổ quát, bất khả phân chia. Tuy vậy, Tòa thánh nhấn mạnh đến hai quyền căn bản nhất gắn với phẩm giá con người là quyền được sống và quyền tự do tín ngưỡng.
Nguồn: http://www.conferenciaepiscopal.es/ Los Derechos Humanos en el magisterio de Benedicto XVI
DÀN BÀI :
1. Những đóng góp của Kitô giáo và Đạo lý Xã hội của Giáo hội 2. Bản Tuyên ngôn Phổ quát về những quyền lợi con người 3. Luật tự nhiên 4. Phẩm giá con người 5. Tính phổ quát, bất khả phân chia và sự bảo vệ 6. Những quyền lợi được nhìn nhận 7. Quyền sống 8. Gia đình và giáo dục 9. Tự do tôn giáo. Tương quan với cộng đồng chính trị 10. Kết luận
XEM THÊM: Thời sự Thần học, số 12, "Lịch sử vấn đề nhân quyền". 

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

NĂM ĐỨC TIN VÀ GIÁO LÝ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Thời sự Thần học – Số 60 – Tháng 5/2013, tr. 56 – 87

LTS: 

Phải chăng Học thuyết Xã hội của Giáo hội là một trong những học thuyết kinh tế chính trị, cũng tựa như học thuyết của chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa xã hội? Nhiều người trong và ngoài Giáo hội vẫn nghĩ như vậy. Tác giả muốn sửa lại quan niệm ấy, và muốn cho thấy rằng: 

1/ Giáo lý Xã hội nằm trong chính công tác loan báo Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng chứa đựng một sứ điệp giải thoát con người khỏi những cảnh áp bức bất công (Lc 4,16-21). 

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

TÍNH THỜI SỰ CỦA THÔNG ĐIỆP PACEM IN TERRIS

Thời sự Thần học – Số 60 – Tháng 5/2013, tr. 11-34

LTS :
ĐGH Gioan XXIII, 
với thông điệp Pacem in terris (11/4/1963)
Trong bài thuyết trình ngày 22 tháng 11 năm 2012 tại Đại Học Lateranô Rôma, đức cha Mario Toso, SDB, Tổng thư ký Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình, đã nêu bật 6 điểm thời sự của thông điệp Pacem in terris qua việc tiếp nhận vào các bản văn kế tiếp của Huấn quyền: 1/ Những dấu chỉ thời đại. 2/ Những quyền lợi và nghĩa vụ con người. 3/ Quốc gia, xã hội và dân chủ. 4/ Công ích và chính quyền. 5/ Công ích hoàn cầu và Quyền bính hoàn vũ. 6/ Hình thù của chính quyền quốc tế. 

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 60 - THÁNG 5/2013

CHỦ ĐỀ : ĐỨC TIN & NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 50 năm thông điệp Pacem in terris của chân phước Gioan XXIII. Văn kiện này có nhiều đặc điểm. 1/ Thông điệp được ban hành vào ngày 11-4-1963 và được xem như chúc thư của vị giáo hoàng đã khai mạc công đồng Vaticanô II trước đó sáu tháng (11-10-1962), và đã để lại ảnh hưởng không nhỏ đến các văn kiện của công đồng, đặc biệt là Hiến chế về Hội thánh trong thế giới ngày nay. 2/ Thông điệp đã hướng đến một hạng độc giả mới, đó là “tất cả những người thiện chí”, chứ không chỉ dành riêng cho các “con cái của Hội thánh”. 3/ Thông điệp mở ra một hướng đối thoại với thế giới: nhìn nhận những giá trị tích cực của văn hóa thời đại, đặc biệt là việc tranh đấu cho nhân quyền.

Lời giới thiệu PDF
Các bài viết được lựa chọn nhằm nêu bật vài tư tưởng thời sự liên quan đến Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, cách riêng trong lãnh vực nhân quyền, chính quyền và hòa bình. Hầu hết là những bài thuyết trình của các chuyên gia về Học thuyết xã hội của Giáo hội. 

1. Mở đầu, đức cha Mario Toso, SDB, tổng thư ký Hội đồng Tòa thánh về Công Lý và Hòa bình, trình bày tính thời sự của thông điệp “Pacem in terris” khi điểm lại việc tiếp nhận vào các văn kiện của công đồng Vaticanô II và các vị giáo hoàng kế tiếp. 

2. Linh mục Rafael Ma Sanz de Diego, SJ, giáo sư đại học Comillas (Madrid) trình bày sự tiến triển của Học thuyết Xã hội của Giáo hội, kể từ thông điệp Rerum novarum của đức giáo hoàng Lêô XIII (1891) đến nay. Phạm vi của những đề tài được mở rộng dần, từ những vấn đề kinh tế xã hội (quyền tư hữu, lao động), sang các vấn đề chính trị (chính quyền, hòa bình), rồi đến tất cả những vấn đề của nhân loại: phát triển, môi sinh, văn hóa. 

3. Đi xa hơn một bước nữa, trong bối cảnh Năm Đức tin, linh mục José Bullón Hernández trả lời các câu hỏi: tại sao Giáo hội can thiệp vào các vấn đề xã hội? Học thuyết xã hội có liên quan gì đến sứ mạng loan báo Tin Mừng không? Học thuyết xã hội có ý nghĩa gì trong năm Đức tin? 

4. Thông điệp Pacem in terris là văn kiện đầu tiên của Tòa thánh đề cập đến vấn đề nhân quyền cách mạch lạc. Đức hồng y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa thánh, trình bày quan điểm của Giáo hội về nhân quyền, cách riêng là giáo huấn của đức thánh cha Bênêđictô XVI. 

5. Có lẽ khi bàn về nhân quyền, nhiều người công giáo không biết rằng Bộ Giáo luật (được ban hành cách đây 30 năm) đã dành một chương cho những nghĩa vụ và quyền lợi của các Kitô hữu. Linh mục Lorenzo Lo Russo O.P. tìm hiểu ý nghĩa của bản “tuyên ngôn” ấy, so sánh sự khác biệt và tương đồng trong quan niệm về “nhân quyền” trong luật pháp quốc gia và “quyền lợi tín hữu” trong bộ giáo luật. 

6. Thông điệp Pacem in terris đã nhìn nhận cuộc tranh đấu cho phụ nữ được bình quyền với nam giới như là một “dấu chỉ thời đại”. Tuy nhiên, giáo sư Anna Maria Lopez cho thấy rằng các phong trào nữ quyền ở cuối thế kỷ XX đã vượt xa ý tưởng bình đẳng: qua “ý thức hệ gender” họ chủ trương cần xóa bỏ sự khác biệt giữa hai phái nam nữ. 

7. Nội dung của thông điệp Pacem in terris liên quan đến các vấn đề “chính trị” hơn là các vấn đề “kinh tế”. Linh mục Phan Tấn Thành ôn lại sự tiến triển của Giáo huấn Hội thánh về các vấn đề chính trị, cách riêng là quyền bính; trong lãnh vực quốc tế, thông điệp đã mở một hướng mới khi đề cập đến “chiến tranh và hòa bình”. 

8. Cuối cùng, Phụ lục liệt kê các tài liệu huấn quyền, một số thư mục và chủ đề liên quan đến Học thuyết Xã hội của Giáo hội, dành cho những ai muốn nghiên cứu thêm về đề tài này. 

Thời sự thần học - số 12 (tháng 6 năm 1998) đã có nhiều bài viết về Học thuyết Xã hội của Giáo hội và các bài này cũng đã được đăng lại trên http://tsthdm.blogspot.com. 

TTHVĐM 


TRONG SỐ NÀY________________