Hiển thị các bài đăng có nhãn Huấn giáo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Huấn giáo. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

VIỆC ĐỔI MỚI SỐ 2267 TRONG SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO VỀ ÁN TỬ HÌNH

Thời sự Thần học - Số 82, tháng 11/2018, tr. 205-211 

_Rescriptum “ex Audentia SS.mi”, 1-8-2018_ 

Trong buổi yết kiến ngày 11 tháng 5 năm 2018 dành cho Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin ký tên dưới đây, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã chuẩn y bản dự thảo mới của số 2267 trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, chấp thuận cho bản văn này được dịch sang các ngôn ngữ khác nhau và đưa vào trong mọi ấn bản của Sách Giáo Lý vừa nêu.
Bản dịch của UB Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

QUAN ĐIỂM CỦA HUẤN QUYỀN THỜI NAY VỀ HÌNH PHẠT

Thời sự Thần học - số 71, tháng 2/2016, tr. 135-188

_Gustavo Irrazábal_

Tác giả là giáo sư luân lý tại phân khoa thần học của Đại học công giáo Buenos Aires (Argentina). Nguồn: La concepción de la pena en el Magisterio actual, in: Veritas n.27 (Septiembre 2012) 193-220. Lưu ý về dịch thuật. justicia có thể dịch là “công bình” hoặc “công lý”; trong bài này chúng tôi chọn cách dịch thứ hai; retribución có thể dịch là “báo đáp” hoặc “trừng trị”; chúng tôi cũng chọn cách dịch thứ hai.
  1. Hình phạt trong Huấn quyền của Đức thánh cha Piô XII.
  2. Những lý do của một cuộc thay đổi quan điểm.
  3. Hình phạt trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo ấn bản lần đầu (1992).
  4. Án tử hình trong Sách GLHTCG ấn bản lần đầu.
  5. Hình phạt nói chung và án tử hình trong thông điệp Evangelium vitae (1995).
  6. Hình phạt trong Sách GLHTCG ấn bản chính thức (1997).
  7. Án tử hình trong Sách GLHTCG ấn bản chính thức.
  8. Hình phạt nhân dịp khánh nhật các trại giam (2000): công lý và hình phạt.
  9. Hình phạt trong Sách Tóm Lược Giáo huấn xã hội (2005).
  10. Án tử hình trong Sách TLGHXH.
  11. Mục tiêu trừng trị hay mục tiêu chữa lành của hình phạt?
  12. Sự trừng trị mang tính chữa lành.
  13. Công lý hoà giải và những chính sách chế tài.

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ: Từ công đồng Vaticanô II đến nay

Thời sự Thần học - Số 70, tháng 11/2015, tr. 167-197

 _Md Phạm Thuý_ 

Công đồng Vatincanô II
1. Hướng dẫn Tổng quát Việc dạy Giáo lý (Directorium Catechisticum Generale, 1971)
2. Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người trưởng thành (Ordo Initiationis Christianae Adultorum, 1972)
3. Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, 1974 và Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi, 1975)
4. Sứ Điệp gửi Dân Chúa, 1977
5. Tông huấn Dạy Giáo Lý (Catechesi Tradendae, 1979)
6. Bộ Giáo Luật 1983 (Codex Juris Canonici 1983)
7. Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio, 1990)
8. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 1992
9. Chỉ Dẫn Dành Cho Giáo Lý Viên, 1993
10. Hướng dẫn Tổng quát Việc dạy Giáo lý (Directorium Generale pro Catechesi ,1997)
11. Bản Toát yếu Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2005

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

RAO GIẢNG LỜI CHÚA: LỊCH SỬ VÀ THẦN HỌC

Thời sự Thần học - Số 70, tháng 11/2015, tr.104-134

_Phan Tấn Thành, O.P._

Nhập đề : Từ ngữ praedicatio, giảng thuyết
I. Lịch sử
  A. Kinh Thánh B. Thời các giáo phụ
  C. Thời Trung cổ D. Thời cận đại E. Thế kỷ XX
II. Thần học
  A. Lời Chúa B. Tác vụ Lời Chúa
  C. Những hình thức giảng thuyết: kerygma, catechesis, homilia
Kết luận : Thử phác thảo một giáo trình về homiletica

Nhập đề


Danh hiệu chính thức của Dòng Đa Minh là “Dòng những anh em Giảng thuyết” (Ordo Praedicatorum). Đã hơn một lần có người nêu thắc mắc về tên gọi này, bởi vì giảng thuyết là tác vụ của tất cả các linh mục, chứ đâu phải của riêng ai! Dĩ nhiên, để tìm câu trả lời thoả đáng, ta phải trở về bối cảnh lịch sử Giáo hội ở thế kỷ XIII: vào thời ấy, dân Chúa khao khát được nghe giảng mà thiếu người giảng, đang khi đó nhiều “lạc giáo” tha hồ gieo rắc các học thuyết của mình. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không đi sâu vào bản chất của Dòng Giảng thuyết[1], nhưng muốn mở rộng tầm nhìn đến sứ vụ giảng thuyết trong Giáo hội. Bài này được chia làm hai phần: trong phần thứ nhất, chúng ta ôn lại lịch sử của hoạt động giảng thuyết kể từ đầu Hội thánh cho đến nay; trong phần thứ hai, chúng ta đề cập đến thần học của tác vụ rao giảng.

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

GIẢNG SỨ ĐIỆP HÒA GIẢI TRONG CHÚA KITÔ CHO VĂN HÓA VIỆT NAM

Thời sự Thần học - Số 59, tháng 02/2013, tr. 90-105

PX. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.


A. Văn hoá Việt Nam
  a) Văn hóa Việt Nam là ơn phước của Thiên Chúa
  b) Hai mặt đối kháng nhau của Văn hóa Việt Nam

B. Sứ vụ giảng thuyết
  a) Những hình thức Giảng thuyết
  b) Ngôn ngữ và phong thái Giảng thuyết
  c) Nội dung Giảng thuyết
C. “Đức Tin hành động nhờ đức Mến” 

Lời Mở


Năm Đức Tin khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 2012. Mục đích của biến cố tôn giáo nầy là “giúp người Công giáo nhìn lại đời sống đức tin của mình trong bối cảnh văn hóa xã hội hôm nay, tìm cách bổ sung những thiếu sót và bất cập, điều chỉnh những méo mó và lệch lạc, hướng đến sống hồng ân đức tin ngày càng trung thực và trọn vẹn, mở đường cho hồng ân đức tin ngày càng tỏa sáng trong môi trường văn hóa và xã hội, kinh tế và chính trị trên thế giới cũng như tại đất nước Việt Nam hôm nay.”[1]

Bài viết sau đây sẽ nhắm hai tiêu điểm: trước hết, nhận định cả hai thực trạng tích cực và tiêu cực của văn hóa Việt Nam hiện nay; và sau đó, tìm một phương án giúp cho người Công Giáo truyền đạt đức tin của mình cho đồng bào ruột thịt, trong chính hoàn cảnh đất nước Việt Nam thân yêu hôm nay, thông qua tác vụ giảng thuyết sứ điệp hòa giải trong Chúa Ki-tô.

A. Văn hóa Việt nam


Văn hóa là gì? Đâu là khác biệt giữa văn hóa và văn minh?
“Văn hóa là vốn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, các tín ngưỡng, các giá trị, các cách ứng xử, các nghĩa lý, các tôn ti trật tự, tôn giáo, các khái niệm thời gian, các vai trò, các mối tương quan không gian, các vũ trụ quan, các đối tượng vật thể và các sở hữu do một nhóm người thủ đắc trải qua nhiều thế hệ nhờ nỗ lực cá nhân và tập thể.”[2]
“Văn hóa là phẩm chất của một con người hoặc của một xã hội, được biểu lộ qua nét tuyệt hảo trong nghệ thuật, văn chương, phong cách xử thế, công trình học thuật.”[3]
Theo nghĩa mở rộng, văn hóa còn là những thái độ cư xử, những tin tưởng đặc trưng của một nhóm cá biệt trong xã hội, sắc tộc, hay tuổi tác.[4]

Trong khi đó, văn minh được xem như bề mặt vật thể và công cụ của các nền văn hóa, biểu lộ nơi tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phân công lao động.[5]

a) Văn hóa Việt Nam là ơn phước của Thiên Chúa


Dân tộc Việt Nam tuy còn đi sau nhiều dân tộc khác về phương diện tiện nghi văn minh vật chất nhưng được thừa hưởng một nền văn hóa rất lâu đời. Nhờ có gốc rễ tinh thần vững mạnh, tích lũy từ bao thế hệ tiền nhân dũng lược, thông tuệ và đức độ, Việt Nam vượt qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử - kể cả thời kỳ ngót ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ - vẫn giữ nguyên bản sắc riêng, đặc biệt là ngôn ngữ, truyền thống gia đình, tập tục làng xóm, và tín ngưỡng dân gian.

Cùng với các dân tộc khác, người Việt được thừa hưởng nhiều phẩm tính cao quý Thiên Chúa ban cho như tình yêu gia đình, yêu đồng bào, yêu làng quê, chăm chỉ làm việc, hiếu khách, hiếu hòa. Ưu điểm hết sức quan trọng là người Việt có lòng sùng mộ các giá trị tâm linh, mặc dầu còn ở hình thức ban sơ.[6]

Trong những giai đoạn tiếp xúc với các nền văn hóa và văn minh ngoại quốc – bằng đường lối hòa bình hoặc qua những xung đột binh lửa tàn khốc – người Việt học hỏi thêm tinh hoa của thế giới để làm cho vốn liếng tinh thần của mình thêm phong phú. Đáng kể nhất là ảnh hưởng của Nho Giáo – quan niệm nhân, nghĩa, lễ, trí tín – và Phật Giáo – xây dựng đền chùa, tổ chức tu hành, lễ bái – đã trở nên thành tố không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.[7]

Gia sản văn hóa của dân tộc Việt Nam phải được người Ki-tô hữu – trong ánh sáng đức tin – lãnh nhận với lòng tri ân sâu xa như là ơn phước Thiên Chúa ban cho, vì Người là Nguồn của tất cả những gì là chân thật, lành thánh, và tốt đẹp. Đó chính là công trình của Chúa Thánh Thần chuẩn bị tâm hồn người Việt Nam như thửa ruộng màu mỡ sẵn sàng đón chờ Hạt Giống Tin Mừng Chúa Ki-tô được gieo xuống, mọc lên, và sinh hoa kết trái.[8]

Gương can trường của các tiền nhân vì đạo tuẫn tiết là bằng chứng cho thấy người Việt một khi đã đón nhận đức tin vào Chúa Ki-tô thì như thể gặp được viên ngọc quý đáp ứng trọn vẹn ước mơ cầu toàn,[9] tìm thấy đấng minh chủ dẫn đạo con đường phụng sự[10] thì không có bất kỳ ai hoặc trở lực nào làm thay đổi quyết định ban đầu.[11]

b) Hai mặt đối kháng nhau của Văn hóa Việt Nam


Cũng như bao thực tại trần gian khác, con người và nỗ lực của con người nhằm xây dựng Tòa Tháp Babel[12] luôn bất toàn, giới hạn, và chịu tác hại vì các hệ lụy của tội lỗi.[13]

Nét đẹp của Văn hóa Việt Nam

Nhìn vào thành tựu của quê hương đất nước Việt Nam sau bao cơn bể dâu, thăng trầm của lịch sử, người Ki-tô hữu hết lòng tạ ơn Chúa. Mọi người có cơm ăn áo mặc, tiện nghi nhà ở, thông tin, đi lại, cơ hội làm việc, học hành, vui chơi, hội nhập với cộng đồng nhân loại trên thế giới. Đời sống tinh thần, qua các hoạt động tôn giáo, được thông thoáng, cởi mở. Có nhiều việc từ thiện, công ích lo cho người nghèo, người bịnh, người lao động nhập cư, được dân chúng tự nguyện tham gia đóng góp. Những dấu chỉ đó cho thấy mặc cho sức công phá của Ác Tà, vẫn còn các phẩm chất tốt lành trong tâm hồn người dân Việt.[14]

Thương tật của Văn hóa Việt Nam

Tựa như một con bịnh dầu đã thoát giây phút “thập tử nhất sinh” vẫn còn phải chịu nhiều hệ lụy kéo dài vừa khó vừa lâu bình phục – hệ thống đề kháng bị suy yếu, dễ tổn thương trước sức công phá của vi trùng bịnh tật – nhân loại tuy đã được Chúa Ki-tô cứu khỏi cái chết muôn đời vẫn phải tiếp tục sống dưới ảnh hưởng ác tà của tội lỗi, với nguy cơ rất lớn là bịnh cũ có thể tái phát và gây tổn hại trầm trọng hơn.[15] Thánh Tô-ma A-qui-nô gọi tình trạng bi đát nầy là “vết thương tật của bản tính nhân loại.”[16]

Tình trạng nầy đã xảy ra trong xã hội Việt Nam đối với cá nhân lẫn tập thể. Hiện tượng xuống cấp quá trầm trọng về các giá trị đạo đức và tinh thần khiến không ai lại không lo âu, sợ hãi tự hỏi đâu là nguyên nhân của những tội ác quái đản, những gian trá tràn lan, những bạo hành chẳng những trong hành vi mà còn trong ngôn từ.

Có thể tìm ra ít là 3 nguyên nhân chính yếu sau đây:

Thứ nhứt là tình trạng suy yếu, nếu không muốn nói là thiếu vắng, cảm thức về tính thánh thiêng của cuộc sống. Tất cả mọi góc cạnh của đời sống đều được nhìn theo con mắt của khoa học và kỹ thuật, của thực nghiệm và thực dụng, của các giá trị hiện nay và trong cuộc đời nầy. Đây là hình hài rõ rệt nhứt của chủ nghĩa thế tục, được mặc sức tung hoành trong môi trường duy vật và vô thần.[17]

Thứ hai là tình trạng giảm thiểu ý thức của lương tri về thiện và ác. Không phải những nguyên tắc luân lý dựa theo luật lệ Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm con người, song lợi ích và lạc thú con người ưa thích, tìm kiếm được thỏa mãn là thước đo, là chuẩn mực để đánh giá cái tốt và cái xấu. Đức Thánh Cha Pi-ô XI cho rằng “tội lỗi nặng nề nhứt của thế hệ nầy là tội đánh mất cảm thức về tội lỗi.”[18]

Thứ ba là tình trạng mất cảnh giác về hiện hữu và hoạt động của ma quỷ. Những tai trời, ách nước, bịnh tật thể xác và tâm linh của cá nhân và xã hội được coi như một số vấn đề còn tạm thời tồn tại trước khi khoa học và kỹ thuật sẽ có khả năng giải quyết một ngày không xa. Không mấy ai còn nhận ra thực tại về thế lực Ác Tà đang lôi kéo, xui giục, mượn danh tánh và mặt mũi nhiều con người để phá hoại nhân loại.[19] “Cú lừa đảo thành công vượt bực của ma quỷ là làm cho con người ngày nay không còn tin chúng đang hiện diện và tích cực hoạt động.”[20]

B. Sứ vụ Giảng thuyết


Giảng Thuyết Ki-tô giáo là hoạt động kế thừa và liên tục của kế hoạch truyền thông Lời Hằng Sống và Vĩnh Cửu do Thiên Chúa khởi xướng và được thực hiện một cách hoàn hảo tột bậc trong sứ vụ truyền giảng Tin Mừng của Chúa Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể:
“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.”[21]
Nơi Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã ngỏ lời với con người – bằng chính ngôn ngữ của con người –một cách minh bạch, xác thực, cụ thể và chung kết, toàn bộ chân lý về kế hoạch cứu nhân độ thế.[22]
“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống.”[23]
Sứ vụ giảng thuyết nầy được Chúa Ki-tô ủy thác lại cho Hội Thánh:
“Có lời Thánh Kinh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân.”[24]
Sứ vụ giảng thuyết nầy quá quan trọng, lớn lao và cấp bách trong viễn ảnh chờ Ngày Chúa Ki-tô Quang Lâm,[25] đòi hỏi nhiều sáng kiến cộng tác tích cực trong cộng đoàn dân Chúa. Trong lịch sử Hội Thánh đã xuất hiện chẳng những các dòng tu và tổ chức đảm nhận việc truyền giảng Tin Mừng, mà còn có cả một dòng tu chuyên trách sứ vụ giảng thuyết.[26]

a) Những hình thức Giảng thuyết


Từ những nhà du thuyết vào thuở ban đầu của Hội Thánh rày đây mai đó công bố sứ điệp Tin Mừng cho người nghe thuộc nhiều miền đất xa xăm, cho đến các danh sư viết sách, dạy học tại những trung tâm trí thức, tất cả tạo nên một bức tranh sinh động của sứ vụ giảng thuyết. Bức tranh đó được họa lại theo nguyên bản tuyệt tác của Ngôn Sứ I-sa-i-a mô tả bước chân không mệt mỏi của người thuyết giảng Tin Mừng:
“Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ.”[27]
Nhận xét một cách khái quát theo bối cảnh thực hiện sứ vụ giảng thuyết và mục tiêu được sứ vụ nầy nhắm đến, có thể thấy 3 hình thức sau đây:

Giảng thuyết Phụng vụ

Mục tiêu chính của hình thức giảng thuyết nầy là triển khai nội dung các bài đọc Thánh Kinh trong việc cử hành Phụng Vụ Thánh, đặc biệt là Thánh Lễ. Giảng thuyết phụng vụ vì lý do nầy trở thành một phần quan yếu không thể tách rời của Phụng Vụ. Nếu không vì một lý do nghiêm trọng, không được bỏ qua bài giảng thuyết cho giáo dân trong Thánh Lễ Chúa Nhựt và Lễ Trọng.[28]

Giảng thuyết Mục vụ

Việc triển khai Lời Chúa theo một chủ đề giáo lý, luân lý, tu đức, truyền giáo, trong khung cảnh một cuộc tĩnh tâm, hội thảo, học hỏi, nhắm nâng cao trình độ đạo lý của các tín hữu dấn thân trong nhiều lãnh vực xã hội. Do không nằm trong khuôn khổ những quy định chặt chẽ như giảng thuyết phụng vụ, giảng thuyết mục vụ vận dụng mọi thành tựu khoa học và kỹ thuật hiện đại để công bố sứ điệp Tin Mừng. Không kể những phương tiện thông tin đại chúng truyền thống như sách báo, phim ảnh, truyền thanh truyền hình, công tác giảng thuyết mục vụ ngày nay còn có cơ may tiếp cận với mọi người qua mạng điện tử.

Giảng thuyết Hàn lâm

Thuật ngữ bao hàm những cách truyền đạt sứ điệp Lời Chúa theo cung cách nghiêm cẩn của giới học thuật. Từ việc nghiên cứu, suy tư, biện luận, triển khai thành ý tưởng, cho đến việc trình bày như một hệ thống đạo lý mạch lạc và vững chắc, tất cả đều phải tuân theo quy ước và luật lệ được thiết lập cho lãnh vực trường lớp nầy.

Có thể tìm thấy lý do biện chính cho cả 3 hình thức giảng thuyết vừa đề cập bên trên trong chính cung cách thuyết giảng Tin Mừng được Thánh Phao-lô phác họa:
“Hãy truyền giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.”[29]
Hình thức giảng thuyết phụng vụ hầu như là khu vực trách nhiệm đặc trưng của các giáo sĩ. Hình thức giảng thuyết mục vụ mở rộng cho mọi thành phần Dân Chúa tham gia. Trong môi trường bát ngát tự do của Thần Khí nầy, Ki-tô hữu giáo dân có đất dụng võ thật thuận lợi, một tiền lệ từ thời kỳ đầu của Hội Thánh, khi cả hai vợ chồng cùng kề vai sát cánh nhau trên những hành trình du thuyết.[30] Giảng thuyết hàn lâm mặc dầu hiệu năng có thể sâu và rộng không thua giảng thuyết đại chúng, rõ ràng là quá kén người nói lẫn người nghe.

b) Ngôn ngữ và phong thái Giảng thuyết


Hình ảnh kinh điển của một vị giảng thuyết Ki-tô giáo được tô điểm với hai tấm huy chương: tài hùng biện kỳ diệu gần như ma thuật và lập trường hộ giáo nồng nhiệt tới mức có thể đồng hóa với tính cực đoan. Có những danh tánh thuyết khách và giảng sư đã gắn liền với lịch sử Thập Tự Chinh, hoặc Đại Cải Cách Tin Lành.

Thời đại toàn cầu hóa và đa nguyên văn hóa và tôn giáo hiện nay hình như chỉ dễ dàng cho phép người giảng thuyết tiếp cận hơn trong một tinh thần bao dung và với một ngôn ngữ đối thoại. Đây là hai đặc tính đã được Công Đồng Vatican II lựa chọn để thuyết giảng sứ điệp Tin Mừng cho nhân loại thời đại chúng ta.

Trong khi luôn khiêm tốn nhưng trung thực giới thiệu xác tín của mình, người thuyết giảng hết lòng kính trọng niềm tin của tha nhân. Ước nguyện chia sẻ đức tin Ki-tô giáo dầu thật sự nóng bỏng cũng không nhứt thiết phải bộc lộ qua ngôn từ hoặc cung cách dễ gây ngộ nhận và tổn thương.

Nêu lên tính nhứt quán giữa lời thuyết giảng hùng hồn và đời sống mẫu mực như điều kiện thiết yếu của người giảng thuyết Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phao-lô VI dạy:
“Người thời nay sẵn lòng nghe theo các nhân chứng hơn là nghe lời các thầy dạy, và giả như họ có nghe lời các thầy dạy thì bởi vì các thầy dạy đó là những nhân chứng.”[31]

c) Nội dung Giảng thuyết


Trước khi những khảo luận thần học uyên bác và những pho sách đạo lý tầm cỡ xuất hiện, lời thuyết giảng khởi thủy của các tông đồ chỉ giản đơn – song vô cùng quan yếu đối với đức tin Ki-tô giáo – là lời công bố cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô:
“Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Chúa Ki-tô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh.”[32]
Nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, nhân loại được hòa giải với Thiên Chúa, chấm dứt tình trạng bị tội lỗi chia cách với Nguồn Sống Vĩnh Cửu.[33] Nói khác đi, nội dung lời thuyết giảng của Hội Thánh chính là sứ điệp hòa giải, ở trung tâm của sứ điệp đó là Chúa Ki-tô chịu đóng đinh vì tội lỗi nhân loại:
“Trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa.”[34]
Chẳng những được nối lại thâm tình nghĩa thiết với Thiên Chúa, con người còn tìm lại được hòa khí với đồng loại đã một lần đối đầu như kẻ tử thù không đội chung trời:
“Người là bình an của chúng ta. Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.”[35]
Sứ điệp hòa giải cất lên trong cùng một hòa điệu hoàn hảo với lời thuyết giảng của Chúa Ki-tô:
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”[36]
Công cuộc hòa giải giải do Chúa Ki-tô thực hiện với một giá quá đắt – giá sinh mạng của Người – [37]chỉ ra một thực tại đáng sợ, vốn đã là nguyên nhân của mọi thảm họa loài người phải gánh chịu, đó là tội lỗi.

Một khi Thiên Chúa, Đấng chịu mọi xúc phạm nặng nề do tội lỗi con người gây ra, đã đi bước trước trong công cuộc hòa giải – nạn nhân thân hành đến bắt tay hòa giải với thủ phạm – thì con đường hòa giải tiếp tục rộng mở cho gia đình nhân loại, giữa cá nhân với cá nhân, giữa cộng đoàn với cộng đoàn, v.v..

Hòa giải nhờ Chúa Ki-tô và trong Chúa Ki-tô, vì những lý lẽ đã nêu, luôn là tâm điểm của sứ điệp Hội Thánh muốn truyền tải qua việc giảng thuyết.

Người giảng thuyết thừa ủy nhiệm của Thiên Chúa, cũng vì những lý lẽ đã nêu, nhận lấy vai trò sứ giả hòa giải.[38]

Đây chính là tiền đề cho mọi nỗ lực của người Ki-tô hữu trong việc giảng thuyết sứ điệp hòa giải trong bối cảnh văn hóa Việt Nam.

C. “Đức Tin hành động nhờ đức Mến”[39]


Giảng thuyết sứ điệp hòa giải là công bố niềm tin nơi mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Giảng thuyết một cách tổng lực, không chỉ bằng lời lẽ suông, mà bằng cả cuộc sống dấn thân, làm nhân chứng cho niềm tin của mình, theo tinh thần Nhập Thể của Chúa Ki-tô, đích thị là một cách thức sống đức tin chân thực tuyệt hảo. Nói cách khác, đây là một hình thức giảng thuyết Tin Mừng mới, như lời mời gọi của Hội Thánh. Công cuộc giảng thuyết Tin Mừng nầy sẽ có tác dụng rất rộng lớn và sâu sắc khi nhận được sức hậu thuẫn kỳ diệu của tình yêu: yêu đồng bào, yêu quê hương, yêu văn hóa, yêu vận nước, yêu viễn ảnh tồn vong của Việt Nam trong tình yêu Chúa Ki-tô.

Thánh Phao-lô chỉ cho người tín hữu biết phương cách sống đức tin bằng cách thực hành đức ái.

Đức tin là ơn Thiên Chúa ban cho con người để họ có thể tiếp cận các mầu nhiệm của Đấng tự bản tính vượt quá khả năng thụ tạo.

Đức tin giúp Ki-tô hữu đón nhận mặc khải của Thiên Chúa nhờ lời giảng dạy của Hội Thánh và trân trọng bảo quản, vận dụng những gì họ tin vào trong cuộc sống, để đức tin được nhập thể, trở thành có xương có thịt. Thánh Gia-cô-bê dạy là đức tin cần phải có hành động – được hiểu là việc làm từ thiện bác ái – để là đức tin sống.[40] Thánh Gio-an cho rằng việc tuân giữ Điều Luật Yêu Thương là dấu chỉ của một Ki-tô hữu thật sự biết – cũng có nghĩa là tin – Thiên Chúa.[41]

Với tinh thần nhập thể cứu đời theo gương Chúa Ki-tô, Hội Thánh chọn con đường dấn thân đồng hành, đồng lao cộng khổ với nhân loại và thế giới: “Vui mừng và hy vọng, đau buồn và âu lo của mọi người đồng thời với chúng ta, đặc biệt người nghèo và những ai bị tổn hại bất kỳ về phương diện nào, cũng chính là vui mừng và hy vọng, đau buồn và âu lo của các tín đồ Chúa Ki-tô.”[42]

Đây cũng chính là lựa chọn của các Ki-tô hữu Việt Nam để sống đức tin trong môi trường văn hóa của quê hương mình. Một mặt, người môn đệ Chúa Ki-tô, thay vì giữ thái độ e dè, sợ lụy vào thân, thì dám liều hòa mình vào mọi vị trí, góc độ của xã hội để như muối đất, như ánh sáng trần gian, và như men trong bột,[43] đem sức sống của Chúa Ki-tô làm thay đổi diện mạo và phẩm chất của nền văn hóa Việt Nam. Mặt khác, nhờ hết lòng yêu thương, học hỏi, sống chết, bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc mình, Ki-tô hữu tạo được một diện mạo văn hóa Việt Nam cho giá trị Tin Mừng của Chúa Ki-tô.

Lời kết


Giảng thuyết sứ điệp hòa giải cho văn hóa Việt Nam cũng chính là giới thiệu Lời Hằng Sống với quyền năng thanh luyện, cứu chữa, phục hồi, và nâng cấp cho một gia sản tinh thần vô giá, tuy chịu nhiều tổn hại vì các hệ lụy của tội lỗi, của ác tà, nhưng vẫn được lòng nhân từ của Thiên Chúa bảo vệ để không bao giờ bị hủy diệt hoàn toàn.
“Tin Mừng Chúa Ki-tô vẫn liên tục canh tân cuộc sống và văn hóa của con người đã một lần sa ngã. Tin Mừng chống trả và tháo gỡ sai lầm và ác tà xuất phát từ hệ lụy tràn ngập trường kỳ của tội lỗi. Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phẩm hạnh luân lý của các dân tộc. Tin Mừng đón nhận các giá trị và năng lực tâm linh của mọi thời gian và không gian, để truyền vào chúng những phẩm chất siêu nhiên phong phú, giúp cho chúng tự mình sinh hoa kết trái. Tin Mừng tăng cường, hoàn tất và phục hồi các giá trị và năng lực ấy trong Chúa Ki-tô.”[44]
Giảng thuyết sứ điệp hòa giải cho văn hóa Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại chính là công bố sứ điệp của hy vọng.

_______

[1] “Lá Thư Mục Tử Tháng 9, 2012”, Tòa TGM TP. HCM.
[2] “Culture refers to the cumulative deposit of knowledge, experience, beliefs, values, attitudes, meanings, hierarchies, religion, notions of time, roles, spatial relations, concepts of the universe, and material objects and possessions acquired by a group of people in the course of generations through individual and group striving”, G. Hofstede, “Cultures and Organizations: Software of the Mind”. (New York: McGraw Hill, 1997).
[3] “The quality in a person or society that arises from a concern for what is regarded as excellent in arts, letters, manners, scholarly pursuits” (Dictionary.com).
[4] “The behaviors and beliefs characteristic of a particular social, ethnic, or age group” (Dictionary.com).
[5] “Primarily, the term has been used to refer to the material and instrumental side of human cultures that are complex in terms of technology, science, and division of labor” (Wikipedia).
[6] Xc Trần Trọng Kim, “Việt Nam Sử Lược”, quyển I, (Sài Gòn: NXB Tổng Hợp, 1997), trang 6-7.
[7] Xc Lê Văn Siêu, “Văn Minh Đại Việt”, (Sài Gòn: NXB Thanh Niên: 2004), trang 178-179; 233-248.
[8] Xc Ánh Sáng Muôn Dân, số 16.
[9] Xc Mt 13:44-45.
[10] Xc Ga 1:41. 49.
[11] Xc Rm 8:35.
[12] Xc St 11:1-9.
[13] Xc Sách GLHTCG, số 386; Vui Mừng và Hy Vọng, số 37
[14] Xc Vui Mừng và Hy Vọng, các số 34, 35, 36; “As stated above (Article 1), the good of nature, that is diminished by sin, is the natural inclination to virtue, which is befitting to man from the very fact that he is a rational being; for it is due to this that he performs actions in accord with reason, which is to act virtuously. Now sin cannot entirely take away from man the fact that he is a rational being, for then he would no longer be capable of sin. Wherefore it is not possible for this good of nature to be destroyed entirely.” (Tổng Luận Thần Học, Q. 85, Art. 2.)
[15] Xc Ga 5:14; Lc 11:24-25.
[16] “As a result of original justice, the reason had perfect hold over the lower parts of the soul, while reason itself was perfected by God, and was subject to Him. Now this same original justice was forfeited through the sin of our first parent, as already stated (81, 2); so that all the powers of the soul are left, as it were, destitute of their proper order, whereby they are naturally directed to virtue; which destitution is called a wounding of nature.” (Tổng Luận Thần Học, I-II, Q.85, Art. 3.)
[17] Xc “Secularism”, New Advent, the Catholic Encyclopaedia.
[18] Thông điệp “Hòa Giải và Thống Hối”, số 18.
[19] “From the beginning, humanity has known the tragedy of evil and has struggled to grasp its roots and to explain its causes. Evil is not some impersonal, deterministic force at work in the world. It is the result of human freedom. Freedom, which distinguishes human beings from every other creature on earth, is ever present at the heart of the drama of evil. Evil always has a name and a face: the name and face of those men and women who freely choose it. Sacred Scripture teaches that at the dawn of history Adam and Eve rebelled against God, and Abel was killed by Cain, his brother (cf.Gen 3-4). These were the first wrong choices, which were succeeded by countless others down the centuries. Each of these choices has an intrinsic moral dimension, involving specific individual responsibilities and the fundamental relationship of each person with God, with others and with all of creation” (“Thông Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 2005” của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, số 2.)
[20] Jose Francisco C. Syquia, Exorcism, (Manila: Shepherd’s Voice Publications Inc. 2006), trang 13-14.
[21] Xc Dt 1:1-2.
[22] Ga 1:18; 15:15.
[23] 1 Ga 1:1.
[24] Lc 24:45; xc Mt 28:18-20; Mc 16:15.
[25] Xc Tt 2:13.
[26] Dòng Anh Em Giảng Thuyết (Ordo Fratrum Praedicatorum), thường được gọi là Dòng Đa Minh, theo danh tánh vị sáng lập là Thánh Đa Minh.
[27] Is 52:7.
[28] Xc Phụng Vu Thánh, số 52.
[29]2 Tm 4:2.
[30]Xc Cv 18:2.
[31] “Diễn Từ Dành Cho Thành Viên Hội Đồng Giáo Dân”, 2 tháng 10, 1974; Hãy Truyền Giảng Tin Mừng, số 41.
[32] 1Cr 15:3; xc “Kerygma”, Gerald O’Collins, A Concise Dictionary of Theoogy (Manila: Claretian Publications, 2001.)
[33] Xc Rm 5:10.
[34] 2Cr 5:19.
[35] Ep 2:14.
[36] Mc 1:15.
[37] Xc 1Pr 1:18-19.
[38] Xc 2Cr 5:19-20
[39] Gl 5:6.
[40] Xc Gc 2:24-26.
[41] Xc 1Ga 2:3-11.
[42] Vui Mừng và Hy Vọng, số 1.
[43] Xc Mt 5:13-16; 13:33.
[44] Vui Mừng và Hy Vọng, số 59.

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC

Thời sự Thần học - Số 59, tháng 02/2013, tr. 46-68

Đây là một bài thuyết trình do đức cha Jean-Louis Bruguès[1] đọc tại Madrid, ngày 10/9/2012 trong khóa học hỏi lần thứ XX về tư tưởng xã hội của Giáo hội. Trước hết, tác giả giới thiệu tư tưởng của công đồng Vaticanô II về giáo dục công giáo, được phát biểu trong Tuyên ngôn Gravissimum educationis và các văn kiện khác. Rồi sau khi đã lược qua những văn kiện được ban hành sau công đồng, tác giả đã đối chiếu với tình trạng xã hội (châu Âu) hiện nay với hoàn cảnh cách đây 50 năm. Trong phần kết luận, tác giả đã suy nghĩ về ý nghĩa của căn tính “công giáo” của các trường học và đại học. (Những chú thích có dấu hoa thị (*) là của người dịch thêm vào. _Tsth chuyển ngữ_

Dàn bài
I. Một truyền thống lâu đời
II. Giáo dục con người (1. Vài nguyên tắc tổng quát. 2. Áp dụng vào Kitô giáo)
III. Các cộng đồng giáo dục (1. Gia đình 2. Các giáo viên 3. Giáo hội)
IV. Những phát triển sau công đồng
V. Giáo dục cao đẳng

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

CATECHESIS – CATECHISMUS – CATECHETICA

Thời sự Thần học - Số 59, tháng 02/2013, tr. 11-45

Giuse Phan Tấn Thành­­, O.P. 


Thượng Hội đồng Giám mục thế giới đã được triệu tập hồi tháng 10 năm 2012 để thảo luận về việc Thông truyền đức tin, trong khuôn khổ Năm Đức tin kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng Vaticanô II và 20 năm ban hành Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Thoạt tiên, xem ra những đề tài này chẳng ăn nhập gì với nhau; nhưng nếu đọc lại lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy rằng vấn đề thông truyền đức tin đã được đặt ra ngay từ buổi đầu lịch sử Giáo hội, và một trong những phương tiện chính là việc “huấn giáo”, và sách giáo lý được soạn nhằm mục đích ấy. (Xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 4).

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

TRÌNH BÀY LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA : HUẤN GIÁO

Thời sự Thần học - số 71, tháng 2/2016, tr. 117-131

Dàn bài

  1. Huấn giáo giúp cho các tín hữu thấu hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa
  2. Huấn giáo giúp cho các tín hữu đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa
  3. Huấn giáo giúp cho các tín hữu được biến đổi trong Đức Kitô nhờ thực thi lòng thương xót
  4. Huấn giáo giúp cho các tín hữu tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội 
Viết tắt: EG = Evangelii Gaudium ; MV = Misericordiae Vultus

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

MỤC VỤ HUẤN GIÁO

Thời sự Thần học - Số 14 - Tháng 12.1998, tr. 43-48

Tấn Cường


Trước hết, cần nói qua đôi lời về danh từ “Huấn giáo”. Nếu chúng tôi không lầm thì ở Việt Nam, tiếng “huấn giáo” mới ra đời trong khoảng 20 năm nay. Trước đây người ta nói tới việc “dạy giáo lý”, “dạy bổn”, “dạy sách phần”. Nguyên ngữ các tiếng Âu châu là “catechesis”, là một danh từ hy lạp, gốc bởi động từ katêkhêin, tự nó có nghĩa là: làm vang lên; nhưng dần dần dùng theo nghĩa là: dạy dỗ, giảng huấn, tường thuật. Theo nghĩa chuyên môn, thì catechesis nằm trong những hoạt động loan truyền Lời Chúa của Hội thánh, gồm ba giai đoạn sau đây: 

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 59 - THÁNG 2/2013

Chủ đề : THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN

LỜI GIỚI THIỆU


Nhân dịp Năm Đức tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng Vaticanô II và 20 năm ban hành Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, Thời sự Thần học số 58 đã dành nhiều bài cho các biến cố ấy. Số 59 tiếp tục những đề tài vừa rồi dưới tựa đề “Thông truyền đức tin” trùng với chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám mục họp vào tháng 10 năm ngoái. Đây là một sứ mạng của toàn thể Giáo hội và bao gồm nhiều lãnh vực: chứng tá đời sống, rao giảng Lời Chúa, phụng vụ, hoạt động bác ái. Chúng tôi muốn giới hạn vào tác vụ Lời Chúa (ministerium Verbi) dưới các hình thức: giảng dạy, giáo dục, suy tư thần học.

Lời giới thiệu PDF
1. Ngay từ thời các thánh tông đồ, huấn giáo được coi như một công tác quan trọng trong việc đào tạo đức tin. Tuy nhiên, trải qua dòng thời gian, đã có những thay đổi quan điểm về huấn giáo: dành cho các dự tòng sắp lãnh nhận các bí tích dự tòng, hay dành cho những người đã được rửa tội và cần được học hỏi để hiểu biết thêm đức tin. Những phương thế sử dụng vào việc huấn giáo cũng thay đổi, cách riêng từ thế kỷ thứ XVI với sự xuất hiện hình thức Sách Giáo lý. Bài viết về catechesis – catechismus – catechetica theo dõi mối liên hệ giữa ba khái niệm (huấn giáo, sách giáo lý, khoa huấn giáo) từ xưa đến nay.

2. Trong các văn kiện công đồng Vaticanô II, có lẽ Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum educationis ít được chú ý hơn cả. Đức cha Jean-Louis Bruguès, O.P. , nguyên tổng thư ký Bộ Giáo dục Công giáo, phân tích văn kiện của Công đồng và những vấn đề được đặt ra vào thời nay. 

3. Sau những suy tư mang tính cách tổng quát, chúng ta đi vào hai áp dụng cụ thể về thời gian và không gian. Làm thế nào nói về Thiên Chúa cho thời đại hôm nay? Đó là băn khoăn của cha Edward Schillebeeck (1914-2009). Vấn đề không chỉ là tìm một ngôn ngữ mới nhưng là một phương pháp thần học mới, và linh mục Nguyễn Đình Tân, O.F.M. cho thấy rằng cha Schillebeeck đã sử dụng nhiều phương pháp để nói về Thiên Chúa cho con người sống trong thế giới tục hóa, hoặc con người phải đương đầu với bao nhiêu đau khổ : thần học tiên nghiệm, thần học giải thích, thần học thực hành, tương quan liên đới. Nói cho cùng, những phương pháp mới mẻ nhằm nói lên chân lý căn bản: “Thiên Chúa luôn mới mẻ.” 

4. Linh mục Nguyễn Văn Nhứt, O.P. suy tư về việc rao giảng sứ điệp hòa giải trong Chúa Kitô cho văn hóa Việt Nam. Giảng thuyết có nghĩa là công bố sứ điệp của hy vọng cho một xã hội mang nhiều thương tích, gây ra bởi việc suy giảm ý thức về tính thánh thiêng của cuộc sống, ý thức lương tri về thiện và ác. 

5. Từ sau công đồng, thuật ngữ “mục vụ” đã trở thành quen thuộc trong Giáo hội, và được áp dụng cho một ngành chuyên biệt của thần học (thần học mục vụ) cũng như hoạt động của Giáo hội (hoạt động mục vụ). Hơn thế nữa, “mục vụ” còn được gắn với nhiều thực thế khác: trung tâm mục vụ, hội đồng mục vụ, tinh thần mục vụ, thực tập mục vụ, kinh nghiệm mục vụ. Thế nhưng: mục vụ là gì? Linh mục Phan Tấn Thành, O.P. tìm cách trả lời qua việc nghiên cứu việc áp dụng thuật ngữ này trong lịch sử Giáo hội, và những vấn đề được đặt ra cho “thần học mục vụ” (cũng gọi là “thần học thực hành”). 

6. Cách đây 30 năm, ngày 25 tháng Giêng năm 1983, đức thánh cha Gioan Phaolô II ban hành Bộ Giáo luật, như một hoa trái của Công đồng. Bộ Giáo luật có ý nghĩa gì đối với đời sống Giáo hội? Pháp luật có liên quan gì đến mục vụ không? Đức hồng y Julian Herranz, nguyên chủ tịch Hội đồng Văn bản Pháp lý, trả lời những câu hỏi ấy trong bài thuyết trình Giáo luật để làm chi? 

7. Trong Năm đức tin, học hỏi về “đặc ân đức tin” (privilegium fidei) trong giáo luật hẳn là rất thời sự: linh mục Nguyễn Trường Tam, O.P. trình bày những trường hợp áp dụng vào việc tiêu hủy giá thú, đặc biệt dựa trên văn kiện gần đây của bộ Giáo lý Đức tin 

8. Bộ Giáo luật đã được ban hành 30 năm. Từ đó đến nay đã có những sửa đổi gì không? Thời sự Thần học xin cung cấp vài tài liệu bổ sung cho bản văn pháp lý này: những luật mới, những sửa đổi, những giải thích. 

9. Kết thúc số báo về thông truyền đức tin là một bài điểm qua vài nét nổi bật của khóa họp Thượng Hội đồng Giám mục hồi tháng 10 năm ngoái về “Loan báo Tin Mừng mới mẻ để thông truyền đức tin Kitô giáo.” 
__TTHVĐM__

TRONG SỐ NÀY


Sandro Magister