Thời sự Thần học - Số 85, tháng 08/2019, tr. 191-211.
_Pawel Andrzej Gajewski_
Vì lý do gì các Giáo hội Cải cách không chấp nhận nói đến triết học Kitô giáo? Bài này muốn tìm hiểu quan điểm của Martin Luther đối với triết học: ông tách rời triết học ra khỏi đức tin; và một hệ luận không ngờ là chủ nghĩa Khai sáng (phần lớn là các triết gia Đức theo Tin lành) tách rời đức tin ra khỏi triết học. Tác giả là mục sư Tin lành, giáo sư tại phân khoa thần học Tin lành Rôma. Đây là bài thuyết trình trong cuộc hội thảo ở Torino nhân kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách của Martin Luther, được chia làm 5 phần:
1) Quan điểm của kinh viện: Philosophia ancilla Theologiae
2) Bước khởi đầu của phong trào nhân văn: Philosophia Christi của Erasmus, chuyển hướng triết học theo chiều hướng thực hành và nội tâm (đối lại triết học kinh viện)
3) Chủ trương của Luther: Sola Theologia, tách rời đức tin ra khỏi triết học.
4) Hệ luận đối với triết học cận đại: Sola ratio. Phong trào Khai sáng tách triết học ra khỏi mặc khải đức tin, và chỉ chấp nhận một tôn giáo hợp với lý trí. Đó là nguồn gốc của ngành triết học tôn giáo.
5) Philosophia Dei. Vào thế kỷ XX, nhờ việc nghiên cứu hướng đi mới cho việc giải thích Kinh thánh, ông Paul Ricoeur đã phát triển triết học thông diễn.
Lưu ý về từ ngữ. Ở Việt Nam, chúng ta thường phân biệt giữa Hội thánh “Công giáo” và Hội thánh “Tin lành”. Nếu dịch sát nguyên ngữ, “Tin lành” tương đương với “Evangelicals”, vì đó là danh xưng của phái này khi vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Trong lịch sử châu Âu, danh xưng của phong trào Cải Cách do Martin Luther khởi xướng là “Protestantisme” mà chúng tôi đề nghị dịch là “Phản kháng” (thay vì “Thệ phản” được dùng trong nhiều sách. X. Bài “Các Giáo hội Cải Cách” trong: Thời sự thần học số 63 trang 19-22 và 119-125).
Nguyên tác: Protestantesimo e filosofía: un rapporto tormentato ma fecondo, in: Attualità della Riforma Protestante, Claudiana, Torino 2017, p.20-32.