Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

TÁC PHẨM "TRIẾT HỌC CỦA TÔMA AQUINÔ : CÁC DẤU MỐC" : LỜI BẠT

Trích: Ruedi IMBACH - Adriano OLIVA, TRIẾT HỌC CỦA TÔ-MA..., tr. 231-236.


Quý bà và nữ tỳ
, một người da mặt thì xanh xao, còn người kia thì khuôn mặt màu nâu: chính qua hai con người này mà họa sỹ Filippino Lippi (1457-1504) đã trình bày theo lối phóng dụ về thần học và triết học, theo bức tranh trong nhà nguyện thánh Tô-ma tại Minerve thành Rô-ma, như ta có thể nhìn thấy được trên trang bìa của cuốn sách này đây.
Thực vậy, nếu như thánh Tô-ma đã viết các tác phẩm triết học, thì đặc biệt chính ngay trong lòng các công trình thần học mà thánh nhân đã soạn thảo nền triết học của mình. Và do đó, đây chính là điểm thuận lợi để nắm bắt sâu xa hơn mối tương quan giữa hai bộ môn này ngõ hầu lượng giá chính xác những phương diện thuần túy triết học trong tư tưởng của ngài.

Tuy nhiên, bức họa của F. Lippi đã không minh giải được cách trọn vẹn mối tương quan mà chính thánh Tô-ma A-qui-nô đã chân nhận giữa thần học và triết học. Thực vậy, trong các công trình của mình, thánh Tô-ma chỉ bàn thảo một lần duy nhất về các khoa học triết học xét như những nữ tỳ. Tuy nhiên, thánh nhân xác định rõ rằng ngài thực hiện điều này theo kiểu của Tiên sinh Aristote. Quả vậy, ngay ở phần khởi đầu của bộ Tổng luận thần học (ST Ia, q. 1, a. 5 ad 2), thánh nhân đã viết rằng thánh khoa (doctrine sacrée: học thuyết thánh) không đón nhận những dữ kiện từ các ngành khoa học khác như thể các ngành này cao cấp hơn hẳn thánh khoa (thần học), nhưng thánh khoa đã sử dụng các ngành khoa học này giống như người ta dùng các nữ tỳ, hay như kiểu các kiến trúc sư sử dụng những người trợ tá của mình vậy.

Tuy nhiên, thần học không sử dụng triết học do một sự khẩn thiết nội tại, như thể triết học là điều kiện đòi buộc tất thiết bởi đối tượng của thần học, nhưng là vì chính bản tính của lý trí chúng ta vốn có thể tiếp cận cách dễ dàng hơn những điều vượt quá khả năng lãnh hội của lý trí chúng ta. Thực vậy, những điều chúng ta nhận thức nhờ việc thực hành theo bản tính của lý trí chúng ta sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho phép chúng ta tiếp xúc với những thực tại siêu vượt lý trí.

Thế nhưng, ở đây ít nhất có hai nguyên do mà chính vì những lẽ đó mà thánh Tô-ma thường tránh né chỉ định các bộ môn thuộc khoa triết học là những nữ tỳ (ancillae). Lý do thứ nhất là vì kiểu định danh này hàm ẩn rằng người ta gọi thần học là bà chủ (domina). Vậy mà, thánh Tô-ma lại chẳng bao giờ làm điều này hết, bởi một lẽ, theo quan niệm của thánh nhân về thần học (hay khoa học thánh, thánh khoa: sacra doctrina), thì thần học không thể thực sự là bà chủ (domina) được. Thực vậy, thần học là một khoa học phụ thuộc vào khoa học của chính Thiên Chúa, mà từ đó thần học lãnh nhận các nguyên lý của mình. Đối với thánh Tô-ma, chính khoa học của Thiên Chúa mới là bà chủ (domina) thực sự.

Một lý do khác đó là thánh Tô-ma muốn né tránh tư tưởng cho rằng triết học phải đón nhận các nguyên lý của mình từ thần học và phụ thuộc vào thần học. Thật vậy, các bộ môn thuộc khoa triết học có các nguyên lý riêng của mình và cứ tuân theo phương pháp riêng của mình mà rút ra các kết luận. Thần học sử dụng các khoa học thuộc triết học, giữa nhiều ngành khoa học khác, nhằm soạn thảo các học thuyết riêng của mình. Chính vì lý do này mà thánh Tô-ma thường thường thích nói hơn về sự phục vụ mà triết học cống hiến cho thần học, khi nhấn mạnh đến vai trò tích cực của các bộ môn thuộc triết học cống hiến phục vụ (ministrant) cho thần học.

Đối với Tô-ma, có một sự hài hòa thiết yếu giữa tri thức triết học và tri thức thần học. Đây là một sự hài hòa mà thánh nhân gọi tên là sự tùy thuộc giữa các cứu cánh (Sent. I, prol., a. 1). Và điều này được thể hiện qua sự kiện là tất cả mọi tri thức đều rút tỉa cội nguồn của mình từ chính khoa học của Thiên Chúa, bà chủ (domina) thực sự, dù rằng theo những thể cách rất khác nhau. Thật vậy, triết học hình thành tri thức của mình khởi đi từ việc nghiên cứu các thụ tạo, trong ánh sáng của trí năng theo bản tính tự nhiên của mình. Trái lại, thần học đón nhận từ Thiên Chúa không chỉ các nguyên lý của mình, nhưng còn cả ánh sáng siêu nhiên, theo đó thần học nghiên cứu về Thiên Chúa và công trình sáng tạo của Ngài.

Tuy nhiên, theo quan điểm của thánh Tô-ma: “tất cả mọi môn học đều có mục đích là biểu đạt chân lý” (Sent. I, d. 34, q. 3, a. 2). Và đối với chính bản thân Tô-ma, chân lý này không phải của riêng triết học cũng chẳng phải của riêng thần học. Thật vậy, chân lý này chính là sự thiện hảo (un bien) mà mỗi một môn học nhắm đến theo quan điểm của mình và sử dụng theo phương pháp khai triển riêng của mình những điều có thể giúp mình đạt đến việc lãnh hội sự thiện hảo ấy, hoặc do tự chính mình, hoặc là lãnh nhận sự thiện hảo ấy từ những khoa học khác. Và giả như thánh Tô-ma đã không ngần ngại hội nhập vào trong nền thần học của ngài những thẩm quyền được rút ra từ các tác giả ngoại giáo hay Do thái giáo hoặc Ả-rập, thì vẫn chính là bởi vì chân lý mà những thẩm quyền này đã khẳng định.

Như thế, hai con đường song hành, con đường này đến gặp gỡ con đường kia. Hay nói cách rõ ràng hơn nữa hai khoa học rong ruổi trên cùng một con đường, cũng giống như hai người phụ nữ trong bức họa này, người này bên cạnh người kia: đôi mắt của triết học ngước lên nhìn vào cặp mắt của thần học. Đến lượt mình, khi nhìn vào triết học, thần học chỉ ngón tay cho triết học về phía bên kia của bức tranh. Còn về phần thánh Tô-ma, thần học của thánh nhân đã đón nhận phê chuẩn từ Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

Hai người phụ nữ đều có một thái độ chiêm niệm, tuy nhiên đối với thánh Tô-ma, chiêm niệm triết học, dù cũng rất chân thật và có sự hoàn thiện riêng của mình, vẫn không tự đủ cho chính mình, bởi vì chiêm niệm triết học này không thể đạt đến chỗ nhận thức được yếu tính của nguyên nhân đệ nhất là gì (quid est). Đây là một nhận thức mà triết học thỉnh cầu, bởi vì con người được sắp đặt quy hướng về việc nhận thức này.

Vậy mà, cứu cánh này không tiềm ẩn bất kỳ một sự tước đoạt nào đối với triết học, hay bất cứ một ý hướng phá hủy bản tính nào (dénaturalisation) của ngành khoa học này, bởi lẽ chính bản thân triết học ý thức được rằng nhận thức bắt nguồn từ các thực tại trong thế giới này, nghĩa là các thụ tạo, thì không thể nào đi vượt quá các nguyên lý này được, ngay cả khi liên quan đến hành vi nhận thức nguyên nhân đệ nhất.

Chính vì lý do này, theo thánh Tô-ma, chính triết học đã phải thỉnh cầu sự cần thiết của một khoa học được khởi hứng trực tiếp từ Thiên Chúa, nghĩa là thần học, lý trí được điều hướng bởi đức tin (ratio manuducta per fidem). Khoa học này, khời đi từ Mặc khải, không chỉ cho phép đạt được một nhận thức chắc chắn về Thiên Chúa như Ngài là trong chính bản thân Ngài, nhưng còn về các thực tại trong hoàn vũ này, như Thiên Chúa nhận thức chúng (Sent. I, prol., a. 1).

Thực vậy, phương pháp vận hành của khoa triết học tất thiết phải khởi đi từ các nguyên lý triết học, tiến hành khai triển theo phương pháp riêng của mình và rút ra các kết luận vẫn luôn mang tính cách triết học. Thánh Tô-ma ý thức trọn vẹn những yếu tố căn bản này. Hai nhân vật nam giới đang tranh luận trước hai người phụ nữ đã gợi lên chính xác chiều kích phương pháp luận của từng ngành trong hai ngành khoa học này: tranh luận và phản bác các sai lầm.

Vào khoảng cuối đời mình, ngày 2 tháng 4 năm 1272, Tu sĩ Tô-ma đã viết một lá thư phúc đáp vị Bề trên Tổng quyền của ngài, người đã tham vấn thánh nhân về một số vấn nạn xem ra đang gây khó dễ cho vị Tổng quyền. Trong lá thư này (Commissio Leonina, t. 42, 327, 333, 335), thánh Tô-ma đã nhìn nhận không chỉ tính cách độc lập tự do của triết học trong phương pháp của mình, nhưng còn thừa nhận thẩm quyền của các triết gia, mà dưới con mắt của các vị này người ta có nguy cơ biến đức tin trở thành trò cười, nếu người ta không tôn trọng tính chất chuyên biệt loại định của các lãnh vực khác nhau.

Sau đây là một số trích đoạn trong lá thư này. Trong phần khai mào của lá thư, thánh Tô-ma viết như sau:
Quả là rất tai hại khi khẳng định hay không chấp nhận chẳng hạn như khi liên quan đến thánh khoa (học thuyết thánh) những điều không liên quan gì đến thánh khoa này. [...] Con thiết nghĩ điều chắc hắn hơn đó là những gì mà đa phần các triết gia suy tưởng và chúng không mâu thuẫn với đức tin của chúng ta, ngay cả khi chúng được du nhập vào dưới danh nghĩa triết học, thì không được khẳng định giống như là những tín điều (dogmes de foi) hay bị bác bỏ với tính cách là trái nghịch với đức tin, vì e rằng sẽ đem đến cho những người khôn ngoan của thế gian này một cơ hội để khinh thường học thuyết Ki-tô giáo.
Trong lá thư này, thánh Tô-ma không chỉ đụng chạm đến vấn nạn về việc giải thích mà Averroès đã trình bày về đoạn văn của Tiên sinh Aristote: “Và tôi không thấy được lý do vì sao mà việc giải thích những lời phát biểu của Aristote lại có thể liên quan đến giáo huấn về đức tin”. Thật vậy, thái độ của thánh Tô-ma là nhằm bảo vệ tính cách độc lập của các lãnh vực và các bộ môn khác nhau: việc giải thích trên bình diện lịch sử về Triết gia Aristote, nếu xét trong chính hành vi ấy, không liên quan đến việc suy tư thần học. Chắc chắn vấn đề ở đây không có ý ngăn cản đức tin tự lên tiếng diễn đạt, nhưng điều hiển nhiên đó là, đối với thánh Tô-ma, trong vấn đề này không thể có sự lẫn lộn giữa lãnh địa của triết học và lãnh địa của thần học.

Vả lại, phần kết thúc lá thư này không cho phép bất cứ một sự hoài nghi nào. Thánh Tô-ma đã viết như sau:
Thưa Cha đáng kính, đó là những điều mà trong thời khắc này con thiết nghĩ phải giải đáp cho những điều khoản mà cha đã truyền lệnh cho con, mặc dù có rất nhiều trong số các điều khoản này nằm ngoài giới hạn của phân khoa thần học, tuy nhiên, thể theo những lệnh truyền của cha, con đã cố gắng thực hiện một bổn phận là chu toàn những điều mà việc thi hành trách vụ của con không đòi hỏi chút nào.
Thái độ chuyên nghiệp này của thánh Tô-ma là một lời mời gọi đối với tất cả mọi quý vị độc giả trước hết hãy biết truy tìm chân lý, mục đích của tất cả mọi ngành khoa học và tình bạn hữu rất yêu sách.