Hiển thị các bài đăng có nhãn Bí tích truyền chức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bí tích truyền chức. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 103, THÁNG 02/2024

CHỦ ĐỀ : ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN LINH MỤC VÀ TU SĨ

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được dành cho vấn đề “đào tạo thường xuyên” (formation permanente) của các linh mục và tu sĩ. Trong đời sống Giáo hội, xem ra thuật ngữ này không được thông dụng cho bằng “thường huấn”, vốn được áp dụng cho các khóa huấn luyện được tổ chức hằng năm cho các linh mục và tu sĩ. Thực ra, trong vấn đề này, còn nhiều khái niệm chưa được rõ rệt, xét về từ ngữ cũng như nội dung. Trước hết, chúng tôi xin đưa ra vài nhận xét về từ ngữ: thứ nhất là “đào tạo”, thứ hai là “đào tạo thường xuyên”. Sau đó, chúng ta sẽ đi vào lãnh vực đào tạo của các linh mục và tu sĩ.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

VAI TRÒ ĐÍCH THỰC CỦA CHỨC LINH MỤC TRONG HỘI THÁNH

Thời sự Thần học – Số 2, Tháng 2/2009, tr. 147-157

_Giuse Hoàng Văn Hoà_


Thiên chức linh mục là hồng ân nhưng không Thiên Chúa dành cho con người. Từ đây, với Chúa, linh mục là khí cụ của tình yêu; với cộng đoàn, linh mục là vị chủ chăn chăm sóc các linh hồn. Trở nên mục tử của Chúa, linh mục lặng lẽ bước vào con đường phục vụ trong yêu thương và thành tín. Yêu thương vì linh mục loan báo Lời Chúa bằng cách thuật lại vương quốc tình yêu đang ở giữa nhân loại. Thành tín vì linh mục tái diễn thừa tác vụ đời mình mỗi ngày bằng nhiệm tích Thánh Thể hầu nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho bản thân và cho cộng đoàn. Bao lâu còn khoác tấm áo linh mục là bấy lâu linh mục còn sống trong vai trò chủ chăn giàu lòng độ lượng. Không chỉ đón nhận những con chiên gia nhập gia đình Hội Thánh mà linh mục còn giáo dục, chăm sóc, huấn luyện để đưa những chiên con lầm đường lạc lối trở về đường ngay nẻo chính.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

LINH MỤC, CÔNG CHỨC HAY NGƯỜI PHỤC VỤ?

Thời sự Thần học – Số 2, Tháng 2/2009, tr. 131-139

_Hoài Sơn_


Trong một bức email gởi về cho nhóm bạn thân, một sinh viên công giáo du học ở Mỹ đã rất bức xúc về tình hình sinh hoạt tôn giáo nơi đất người. Bạn mô tả cảm giác hụt hẫng khi chứng kiến cảnh một linh mục dâng lễ trên bãi biển, giữa cảnh da và thịt phô diễn trong những bộ bikini nhỏ xíu, xô bồ và bất xứng, chỉ với vài người tham gia. Sốc hơn, bạn còn thấy người ta chia nhau xưng tội dưới biển, rất vui vẻ, với linh mục vừa tắm vừa khoác thêm dây stola trên vai!

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT CỦA MỘT NỮ… LINH MỤC

Thời sự Thần học - Số 39, tháng 09/2004, tr. 113-120

Ngay tại chiếc nôi của Anh giáo, việc phong chức linh mục cho nữ giới cũng gây ra nhiều tranh cãi gay gắt : không trung thành với ước muốn của Đức Kitô hay vì nhu cầu của thời đại ? Djénane Kareh Tager, phóng viên Tạp chí Le Monde des Religions (Pháp) đã làm một phóng sự thú vị về cuộc sống thường nhật của nữ linh mục Faith Claringbull, vừa thi hành nhiệm vụ tư tế, vừa là mẹ của hai cô con gái nhỏ. Chúng ta hãy theo chân Tager đến giáo phận Worcester, nơi nữ linh mục này đang sống, để xem sinh hoạt của bà ra sao… Bùi Gia Minh chuyển ngữ từ Le Monde des Religions, 7-8/2004

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

LECTIO DIVINA TRONG THỪA TÁC VỤ MỤC VỤ

Thời sự Thần học – Số 25-&26, tháng 12/2001, tr. 150-163

_Trương Nhã_


Sau khi đã giới thiệu (trong Thời sự thần học, từ số 20) lectio divina là gì, nguồn gốc, các yếu tố của lectio divina, nay nhân Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ X, với chủ đề “Giám mục, người tôi tớ của Tin mừng Đức Giêsu Kitô, để phục vụ niềm hy vọng của thế giới”, chúng tôi xin trích dịch từ tạp chí Dei Verbum (số 27, tháng 2.1993) hai suy nghĩ về lectio divina của Đức hồng y Joseph Ratzinger. Cả hai vị cùng là Hồng y, từng là những chuyên viên Kinh thánh và thần học nhưng có những kinh nghiệm mục vụ khác nhau và quan điểm riêng. Tuy nhiên cả hai vị cùng chung một kết luận là Lectio divina là điều cốt yếu đối với trách vụ của bất cứ giám mục nào cũng như đối với trách vụ của bất cứ ai đang đảm nhận thừa tác vụ mục vụ trong Hội thánh.

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA VỊ LINH MỤC

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 175-177.

_Louis-Joseph LEBRET_

Lạy Chúa Giê-su,

Tôi tớ Ngài đang ở trước nhan Ngài, bị nghiền nát.

Ngài đã chọn tôi tớ Ngài ngõ hầu kẻ này tiếp nối Ngài và nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Điều đó đã được thực hiện. Tôi tớ Ngài đã trở nên giống như Ngài, nơi Ngài, con người của đau đớn vẫn còn đó. Tôi tớ Ngài làm Ngài vui lòng bằng việc để cho mình bị nghiền nát như Ngài đã bị nghiền nát, để cho mình bị bỏ rơi như Ngài đã bị bỏ rơi. Ngài đã ném tôi tớ Ngài vào trong sự cô đơn của sự chia lìa với thế giới và Ngài đã giữ tôi tớ Ngài ở giữa thế giới ngõ hầu tôi tớ Ngài ở trong sự đối kháng với thế giới.

Hãy đến trợ giúp tôi tớ Ngài, lạy Chúa, tôi tớ Ngài không thể nữa. Tôi tớ Ngài kêu đến Ngài.

Ngài đã nâng tôi tớ Ngài lên quá cao so với những nỗ lực riêng của tôi tớ Ngài. Ngài đã trao cho tôi tớ Ngài quá khả năng. Ngài cứu vớt và thánh hoá nhờ tôi tớ Ngài, kẻ chỉ là một con người. Tôi tớ Ngài phải thay mặt Ngài mà không có khả năng để giữ lời hứa, tiếp nối Ngài mà không có thời gian rãnh rỗi để tự điều chỉnh.

Ngài đã bắt chộp tôi tớ Ngài; tôi tớ Ngài dường như không còn có thể làm gì tùy ý nữa; tôi tớ Ngài chỉ còn một con đường, đó là con đường của sự trao ban tiếp diễn. Không phải nhờ thói quen mang tính nghiêm khắc của mình mà tôi tớ Ngài được chọn dấn bước, nhưng nhờ toàn bộ con người của tôi tớ Ngài. Dù có mặc áo chùng thâm, áo cổ đứng (clergyman) hay một vài loại áo lao động nào khác cũng không có gì khác biệt; mãi mãi tôi tớ Ngài mặc lấy thập giá Ngài, nơi xác thịt và nơi tinh thần. Tôi tớ Ngài mang dấu ấn của Ngài nơi tâm hồn mình. Bởi vì Ngài đã chọn tôi tớ Ngài, tôi tớ Ngài được trở nên con người của đau khổ.

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

CHỨC LINH MỤC DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 166-174.

_J.b Nguyễn Đăng Trực_

Gần đây, trong một bài phỏng vấn, Linh mục David Toups, phụ tá Giám Đốc văn phòng Giáo sĩ, đời sống thánh hiến và ơn gọi của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, khẳng định rằng: mãi tới hôm nay vẫn còn nhiều linh mục và giáo dân nhầm lẫn về khái niệm chức linh mục thừa tác và chức linh mục cộng đồng của mọi tín hữu đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy, gọi tắt là chức linh mục tín hữu. Việc đề cao hai chức linh mục thừa tác và tín hữu khiến nhiều người có cảm tưởng hai chức linh mục đó đang cạnh tranh nhau hay loại trừ nhau. Chính Đức Gioan Phaolô II cũng xác nhận có hiện tượng “giáo sĩ hóa” giáo dân và “giáo dân hóa” giáo sĩ, do quan niệm mơ hồ về hai chức linh mục. Nguyên nhân của sự hàm hồ này theo linh mục David Toups là do một thứ thần học mà theo từ ngữ ngài dùng là “bad” theology. Vì thế ưu tiên của triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II theo linh mục Toups là sửa chữa nhận thức sai lầm của loại thần học này.

Ngay trong chức linh mục thừa tác cũng có những quan niệm khác nhau: có người dựa vào văn kiện Công đồng Vat II trong sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục đưa ra một định nghĩa tổng quát về chức linh mục như mô hình chuẩn mực cho chức linh mục thừa tác: Các linh mục là những người điều hành các cộng đoàn tín hữu địa phương và thi hành thừa tác vụ bí tích trong sự hiệp thông với các Giám mục giáo phận mình. Chắc hẳn quan điểm này không có gì sai trái, nhưng chức linh mục trong Giáo hội còn có nhiều kiểu mẫu và hình thức khác nữa: chức linh mục trong cương vị mục tử khác với chức linh mục thuộc một dòng chiêm niệm và cũng khác với chức linh mục thuộc dòng tu tông đồ. Chức linh mục dòng Anh em Thuyết giáo là chức linh mục thuộc dòng giáo sĩ tông đồ.

Chức linh mục trong Giáo hội công giáo kết hợp hai vai trò: phụng tự và ngôn sứ (Karl Rahner: “Priestly existence”)

Chức linh mục phụng tự (cultic priesthood) tiến hành qua thừa tác vụ bí tích, chủ tọa kinh nguyện phụng vụ tại các cộng đoàn tín hữu đia phương. Vai trò này nổi bật nơi các linh mục dòng tu chiêm niệm hay đan tu, các linh mục thuộc kinh sĩ hội hay các linh mục trong vai trò mục tử. Chức năng của chức linh mục phụng tự chủ yếu hướng dẫn cộng đoàn qui hướng về Thiên Chúa qua kinh nguyện, phụng vụ và hồng ân bí tích.

Chức linh mục ngôn sứ (prophetic priesthood) tiến hành qua thừa tác vụ Lời dưới nhiều hình thức khác nhau để Lời có thể được nghe, được nhập thể, được thâm nhập vào đời sống con người. Qua thừa tác vụ Lời, Lời Chúa được truyền đạt tới con người, để chân lý Tin Mừng hướng dẫn đời sống của họ.

Trên bình diện thực hành, không thể tách biệt hai yếu tố hay giản lược yếu tố này vào yếu tố kia và nếu không vượt qua được khuynh hướng phân cực của hai yếu tố đó, có thể dẫn tới khủng hoảng về căn tính linh mục. Tuy nhiên, qua các giai đoạn lịch sử Giáo hội, yếu tố này có thể được diễn tả rõ nét hơn yếu tố kia.

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

CHỨC LINH MỤC THỪA TÁC VÀ CÁC LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 160-165.

_J. b Nguyễn Đăng Trực_

Đức Bênêđictô 16 trong thư gửi các linh mục thế giới 18/6/2006 nhân dịp khai mạc năm các linh mục, khi nói về mối tương quan giữa chức linh mục thừa tác với những lời khuyên Phúc âm, ngài không còn đặt vấn đề tương hợp hay không nữa mà coi vấn đề như đã được khẳng định trong sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục của công đồng Vat II Sắc lệnh đã cống hiến những suy tư thần học về sự tuân phục, độc thân (khiết tịnh) và khó nghèo từ số 15 đến 17. Vì thế trong thư ngài chỉ đề cập đến cách sống những lời khuyên Phúc âm của Cha sở họ Ars như mô hình thích hợp cho bậc linh mục hôm nay mà thôi. Theo đó: sự khó nghèo của cha sở họ Ars không phải là sự khó nghèo của một tu sĩ hay đan sĩ nhưng là sự khó nghèo thích hợp với một linh mục thừa tác. Mặc dầu quản lý nhiều tiền bạc (vì các khách hành hương khá giả thường quan tâm tới các công cuộc bác ái của ngài), ngài nhận thức rằng mọi sự được quyên cúng là dành cho người nghèo, trẻ mồ côi, nhà ở cho các cô gái Providence, các gia đình có phương tiện sinh sống khiêm tốn. Bởi vậy, ngài giàu có khi ban phát cho người khác nhưng rất nghèo đối với chính bản thân. Như ngài giải thích: Bí quyết của tôi là sống giản dị: cho đi mọi sự, chẳng giữ lại gì. Khi ngài hết tiền ngài nói với những người nghèo đến gõ cửa nhà ngài với những lời lẽ rất dễ thương: hôm nay tôi cũng nghèo như anh em. Hôm nay tôi là một người trong anh em. Về cuối đời ngài có thể nói một cách thanh thản tuyệt đối: tôi chẳng còn gì, Đức Chúa có thể gọi tôi ra đi bất cứ lúc nào Ngài muốn.

Sự khiết tịnh của ngài cũng là do thừa tác vụ linh mục đòi hỏi. Có thể nói đó là sự khiết tịnh thích hợp cho người mỗi ngày được tiếp cận với Thánh Thể, chiêm ngắm với tâm hồn tràn đầy niềm vui và cũng với chính niềm vui ấy ngài lại dâng hiến nó cho đoàn chiên của ngài. Người ta nói rằng: ngài đã chiếu tỏa sự khiết tịnh. Tín hữu nhận ra điều này khi thấy ngài qui hướng nhìn lên Nhà Tạm với đôi mắt trìu mến.

Cuối cùng sự tuân phục của thánh Gioan Maria Vianey được biểu hiện trọn vẹn trong sự thành tín tận tụy với những đòi hỏi thường ngày của một thừa tác vụ linh mục. Chúng ta đâu biết rằng, ngài đã bị dày vò day dứt thế nào, khi nghĩ tới sự bất xứng của mình đối với việc phục vụ giáo xứ và chỉ mong trốn thoát được để than khóc cho cuộc đời đáng thương của mình trong cô tịch. Chỉ vì đức tuân phục và lòng khao khát các linh hồn mới thuyết phục ngài trụ lại nhiệm sở mà thôi. “Chỉ làm những gì có thể được tiến dâng lên Đức Chúa nhân lành, ngài coi đây là luật vàng cho một đời tuân phục.

Tuy nhiên, cũng không nên bỏ qua những suy tư thần học về vấn đề này:

Nhà thần học Hans Urs von Balthasar biện luận như sau: “Trong Giáo hội, đi tu được diễn tả theo hai tình trạng cuộc sống khác nhau: đời sống tu trì với lời khuyên Phúc âm và đời sống thừa tác vụ linh mục. Cả hai tự bản chất qui hướng về nhau. Theo Balthasar, lời khuyên Phúc âm biểu thị một ơn gọi có tính cách bản thân nghĩa là hướng đến đức ái hoàn thiện. Tu sĩ tuyên khấn vì muốn dâng hiến trọn bản thân mình cho Thiên Chúa, còn sự khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục là những biểu tượng diễn tả chân lý: người tận hiến không còn giữ lại cho mình điều gì, chỉ ước muốn dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa. Một khi đã từ bỏ mọi sở hữu: thân xác và ý chí thì chẳng còn gì cho đi nữa.

Còn chức linh mục thừa tác, thoạt nhìn, không phải là sự dâng hiến hướng đến lòng mến hoàn thiện bản thân, nhưng là một thừa tác vụ khách quan hay một phẩm cấp (order) của Giáo hội. Ứng viên linh mục không đón nhận bí tích truyền chức để đạt tới sự thánh hóa cho bản thân, nhưng để chu toàn thừa tác vụ thánh hóa trong và cho cộng đoàn tín hữu. Tuy nhiên đối với Balthasar, nó đã bao hàm một sự dâng hiến bản thân vì không thể chu toàn thừa tác vụ linh mục nếu toàn thể con người của ngài không bị cuốn hút vào thừa tác vụ mà ngài thực hiện. Dựa trên những lời đọc trong nghi thức truyền chức linh mục phải hòa nhập cuộc sống mình với những lời ngài rao giảng, ngài phải bắt chước hiến tế Thánh Thể mà ngài dâng tiến, ngài phải yêu mến Đức Kitô nếu ngài muốn mến yêu đoàn chiên của Ngài. Do đó vấn đề khách quan của bí tích đòi hỏi con người và cuộc sống của người linh mục phải tương ứng với thực tại của một hữu thể mới mà ngài đón nhận trong ngày thụ phong. Người ta không ngạc nhiên khi cả thần học lẫn huấn quyền đều kêu gọi mọi linh mục hãy khao khát lối sống của các lời khuyên Phúc âm.

Nhà thần học Jean Galot khai sáng thêm những gì vừa đề cập trên đây: dấu ấn bí tích được khắc ghi vào tâm hồn người linh mục trong ngày thụ phong là dấu hiệu xuất hiện một hữu thể mới để diễn tả thực tại của hữu thể mới này. Cũng như Đức Kitô với sự thánh hiến của Đấng thiên sai đã tự mạc khải một lối sống triệt để không lệ thuộc vào những truyền thống được điều kiện hóa qua nền văn hóa hay lịch sử loài người. Do đó, Ngài đã đạt tới sự thành toàn viên mãn.

Ngày 1/7/2009, nhân dịp năm các linh mục, Đức Bênêđictô 16 khi giải thích về sứ vụ và ý nghĩa thừa tác viên linh mục, ngài phát biểu: sứ vụ của người linh mục phụ thuộc vào ý thức về thực tại bí tích của một hiện hữu mới (new existence) nơi ngài.

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

CHỨC LINH MỤC CỘNG ĐỒNG CỦA CÁC TÍN HỮU ĐÃ ĐÓN NHẬN BÍ TÍCH THANH TẨY

  Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 143-149.

_J. b Nguyễn Đăng Trực_


Thánh Phêrô trong thư thứ nhất của ngài đã coi các Kitô hữu đã được thanh tẩy là những người thuộc hàng tư tế thánh thiện: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô… Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả là dân thánh” (1 Pr 2,5-9).

Công đồng Vat II trong sắc lệnh về Tông đồ giáo dân cũng khẳng định tương tự: “Giáo dân có bổn phận và quyền làm Tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là đầu, vì phép rửa tội sát nhập họ vào nhiệm thể Chúa Kitô và phép thêm sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (số 3).

Thông thường khi nghe các thuật ngữ “chức linh mục”, “người linh mục”, chúng ta nghĩ ngay đến những người đã lãnh nhận bí tích truyền chức thánh. Tuy nhiên, những trích đoạn trên đây qui chiếu về mọi Kitô hữu đã được thanh tẩy.

Để hiểu rõ hơn chức linh mục của giáo dân nghĩa là được dự phần vào chức linh mục của Chúa Kitô, trước hết chúng ta xét đến chức linh mục nói chung, tiếp đến là chức linh mục của Đức Kitô.

CHỨC LINH MỤC VÀ HY TẾ

Từ thời xa xưa, ý niệm chức linh mục đã được liên kết với ý niệm hy tế. Người cổ xưa, tự thâm tâm đã có ý niệm về một hữu thể hay thực thể tối thượng, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Do đó, họ cố gắng xin những ân huệ hay xin ơn tha thứ bằng nghi thức dâng hiến tế. Buổi lễ được tiến hành do một tư tế đã được chỉ định đại diện cộng đoàn trước thần linh của họ.

Theo bản năng tôn giáo tự nhiên, những dân tộc sơ khai này dâng hy lễ để làm nguôi lòng các thần minh hay tìm kiếm phúc ân trên mùa màng, hôn nhân hay chiến thắng chống lại kẻ thù. Thời nguyên thủy chức tư tế này được thực hiện bởi người chủ của gia đình và khi xuất hiện những cộng đồng rộng lớn hơn thì chức năng này được người đứng đầu cộng đoàn thực hiện.

CHỨC LINH MỤC TRONG CỰU ƯỚC

Ngoài bản năng tôn giáo tự nhiên, trong Cựu Ước của người Do thái, Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại sự cần thiết phải dâng hy lễ, chỉ dẫn cách tiến hành lễ tế với những chi tiết bao quát và tỉ mỉ. Xem ra trong thời kỳ đầu của người Do thái, không có giai cấp tư tế. Chức linh mục của dân Do thái được thiết lập tại núi Sinai. Thiên Chúa chỉ thị cho Môisen chọn nhà Aaron thuộc dòng họ Lêvi thực hiện những qui tắc lễ nghi chứa đựng trong Lề Luật (Ex 28,41).

Từ đó về sau, các tư tế hay linh mục có ảnh hưởng rất lớn trong Israel, họ trở thành thầy dạy chính thức và giải thích lề luật là tiêu chuẩn điều hành cuộc sống và phụng tự trong dân Do thái. Các thành phần hàng tư tế là con cháu Aaron thuộc dòng họ Lêvi, theo chế độ cha truyền con nối. Sau này, để sự phục vụ trong đền thờ không bị gián đoạn, vua Đavid đã phân chia gia đình tư tế thành 24 tầng lớp, mỗi tầng lớp phục vụ một tuần lễ từ Sabat này tới Sabat sau. Nhiệm vụ của họ đòi hỏi kiến thức về những điều kiện cần thiết tiến hành các nghi thức hiến tế và tất cả các luật lệ điều hành phụng vụ trong đền thờ. Chỉ vị Thượng tế, người lãnh đạo tinh thần của dân chúng mới được xức dầu (Lv 2, 1, 10).

Sau thời lưu đày Babylon thế kỷ 6 trước Chúa Cứu thế, thầy thượng tế trở thành nhà lãnh đạo quốc gia.

Chức tư tế Cựu Ước giữ một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa đối với dân Chúa trước khi Đức Kitô xuất hiện trên trần gian. Họ phục vụ trong vai trò chuẩn bị đường cho chức linh mục vương giả của Tân Ước.

CHỨC LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ

Đức Kitô không chỉ là linh mục của Luật mới, Ngài còn là Thượng tế duy nhất của Tân luật. Ngài là trung tâm duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Tất cả linh mục thuộc kỷ nguyên Kitô giáo đều dự phần vào chức linh mục của Ngài: mọi trung gian khác đều dự phần vào trung gian của Đức Kitô. Do đó thánh Toma Aquino đã coi Ngài là nguồn mạch của toàn thể chức linh mục. Vì linh mục của luật Cựu Ước chỉ là hình ảnh chức linh mục của Chúa Kitô. Còn linh mục của Tân Ước chỉ hành động nhân danh Ngài (S. T. III. A.22,4), không như các linh mục của Cựu Ước, Đức Kitô không phải là con cháu Aaron, thuộc chi tộc Levi. Sự kiện này hàm ý Ngài muốn bãi bỏ chức linh mục Aaron và thiết lập một trật tự mới. Thánh Toma viết: “Vì chức linh mục của Cựu Ước là hình bóng chức linh mục của Chúa Kitô nên Ngài đã không muốn sinh ra từ dòng dõi linh mục mang tính chất tượng trưng. Điều đó chứng tỏ chức linh mục của Ngài không giống chức linh mục của họ. Chức linh mục của Ngài khác hẳn như sự thật khác với hình bóng” (S. T.III, a.1, ad.2).

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA VỊ LINH MỤC

Thời sự Thần học – Số 4 (Tháng 12/2009), tr. 175-177

_Louis-Joseph LEBRET_


Lạy Chúa Giê-su,
Tôi tớ Ngài đang ở trước nhan Ngài, bị nghiền nát.

Ngài đã chọn tôi tớ Ngài ngõ hầu kẻ này tiếp nối Ngài và nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Điều đó đã được thực hiện. Tôi tớ Ngài đã trở nên giống như Ngài, nơi Ngài, con người của đau đớn vẫn còn đó. Tôi tớ Ngài làm Ngài vui lòng bằng việc để cho mình bị nghiền nát như Ngài đã bị nghiền nát, để cho mình bị bỏ rơi như Ngài đã bị bỏ rơi. Ngài đã ném tôi tớ Ngài vào trong sự cô đơn của sự chia lìa với thế giới và Ngài đã giữ tôi tớ Ngài ở giữa thế giới ngõ hầu tôi tớ Ngài ở trong sự đối kháng với thế giới.

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

VUI BUỒN ĐỜI LINH MỤC HÔM NAY

Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 6/2009), tr. 93-110

_Timothy Radcliffe, O.P._

Bài thuyết trình của cha Timothy Radcliffe, O.P. tại Hội Nghị Các Linh Mục Toàn Quốc tại trường Trung học Digby Stuart, Roehampton, Anh Quốc, ngày 17.9.2002.
Học viện Đa Minh chuyển ngữ.

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

ĐÀO TẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN VÀ DÒNG TU NHỮNG ĐIỂM ĐỒNG QUY

Thời sự Thần học – Số 4 (Tháng 12/2009), tr. 150-159

_Thomas D. Williams_

Khoa trưởng phân khoa thần học, Đại học Nữ Vương các Tông Đồ, Rôma

Chức linh mục giáo phận và dòng tu hiển nhiên là những ơn gọi khác nhau. Đời sống tu trì có những nét nổi bật do lời tuyên khấn thực hành các lời khuyên Phúc âm, như phương thế đạt tới đức ái hoàn hảo. Đối với các tu sĩ theo truyền thống đan tu, còn đòi hỏi sự phụng hiến cho đời sống cộng đoàn nữa. Chức linh mục giáo phận được ghi dấu bằng sự liên kết chặt chẽ với Đức Giám mục địa phương và phục vụ người tín hữu thuộc cộng đoàn giáo xứ trong giáo phận. Hai nẻo đường khác nhau không chỉ về căn tính nhưng còn trong những đòi hỏi thực tiễn giúp họ sống trung thành với ơn gọi của mình. Những khác biệt này nhất thiết đòi hỏi một sự chuẩn bị cũng mang sắc thái khác biệt trong giai đoạn huấn luyện.

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

NỀN TẢNG TÂN ƯỚC CỦA LINH ĐẠO LINH MỤC

Thời sự Thần học – Số 4 (Tháng 12/2009), tr. 129-142

_John R. Donahe_

Giáo sư Tân Ước tại trường Liên hiệp Thần học Berkeley

Mục đích của bài viết này nhằm cống hiến một vài suy tư về linh đạo linh mục, có thể áp dụng cho cả linh mục thừa tác lẫn những ai đang thực hiện thừa tác vụ khác nhau trong Hội thánh hôm nay.

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

NGƯỜI LINH MỤC VÀ CUỘC KHỦNG HOẢNG THẤT VỌNG GIỮA LÒNG GIÁO HỘI

Thời sự Thần học - Số 39, tháng 03/2005

Timothy Radcliffe, O.P.

Nhân hội nghị của Hội đồng Linh mục Liên bang diễn ra từ 11 đến 14 tháng tư 2004 tại thành phố Atlanta (bang Georgia, Hoa Kỳ), cha Timothy Radcliffe, nguyên Bề trên Tổng quyền Dòng Anh Em Thuyết Giáo được mời thuyết trình về những vấn đề đang gây khủng hoảng cho Giáo hội Hoa Kỳ. Dưới đây là toàn văn bài thuyết trình của cha do Bùi Thiện chuyển ngữ từ La documentation catholique, số 2322, 17-10-2004)

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

THẾ NÀO LÀ LINH MỤC TRONG DÒNG ĐA MINH?

Thời sự Thần học - số 57, tháng 8/2012, tr. 98-119

Thomas P. Rausch, S.J.


Một linh mục Dòng Tên viết về chức linh mục trong Dòng Đa Minh. Người ta thường đối chọi linh đạo của hai Dòng, nhưng tác giả lại vạch ra nhiều điểm tương đồng giữa thánh Đa Minh và thánh Inhaxiô trong quan niệm về chức linh mục: linh mục ngôn sứ, dấn thân phục vụ Tin Mừng trên khắp thế giới. Tiếc rằng do những hoàn cảnh lịch sử, cả hai dòng đều mất đi nhiều nét đặc sắc của hai vị tổ phụ. Tác giả là giáo sư thần học tại đại học Loyola Marimount University, Los Angeles. Nguyên văn tiếng Anh: What is Dominican priesthood? đăng trên tạp chi Spirituality today 42 (1990) 323-339._____Chuyển ngữ: Huỳnh Hữu Phúc, O.P.
Phải hiểu chức linh mục trong Dòng Đa Minh như thế nào? Linh mục Đa Minh là linh mục thuộc về một Dòng tông đồ và phải được hiểu như thế. Thế nhưng, như cha John O‟Malley đã viết trong một bài báo gần đây, những phạm trù cổ điển dùng để mô tả Linh mục tu sĩ Dòng thì không mấy chính xác và dẫn đến một sự lẫn lộn làm hại cho đời tu. Mặc dù sự lẫn lộn này đã bén rễ sâu, nhưng cha O‟Malley ghi nhận cách riêng ở trong sắc lệnh về chức Linh mục của Công đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis. Văn kiện này thừa nhận rằng tất cả các linh mục đều lãnh đạo các cộng đồng tín hữu ở một địa phương và thi hành tác vụ cơ bản là ban bí tích trong sự hợp nhất phẩm trật với các Giám mục.[1]

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

LINH ĐẠO GIÁO PHẬN CỦA LINH MỤC hay LINH ĐẠO CỦA LINH MỤC GIÁO PHẬN

Thời sự Thần học - số 57, tháng 8/2012, tr. 69-97

Giuseppe Ferraro, SJ.


Phần I: Những khái niệm và nội dung
  1. Định nghĩa hay mô tả nội dung hạn từ “linh đạo”
  2. Định nghĩa hay mô tả nội dung hạn từ “giáo phận”
  3. Linh đạo giáo phận của linh mục hay linh đạo của linh mục giáo phận - Đôi hàng lịch sử

Phần II: Giáo huấn của kinh Tiền tụng Thánh lễ truyền dầu
  1. Bản văn kinh tiền tụng
  2. Diễn giải kinh tiền tụng

Phần III: Sự “thánh thiện” và “linh đạo” của linh mục
  1. Linh đạo và sự đòi hỏi nên thánh dựa trên bí tích Rửa tội và Thêm sức
  2. Linh đạo và sự đòi hỏi nên thánh dựa trên bí tích Truyền chức
  3. Linh đạo đặc thù của linh mục giáo phận

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

TIẾN TRÌNH ĐÀO TẠO LINH MỤC : NHỮNG KHUÔN MẪU THẦN HỌC VÀ LỊCH SỬ

Thời sự Thần học - số 57, tháng 8/2012, tr. 5-33


Tác giả trình bày những khuôn mẫu đào tạo linh mục trải qua năm thời kỳ: 1/ Thời giáo phụ; 2/ Thời Trung cổ; 3/ Cận đại; 4/ Trước Vaticanô II; 5/ Từ công đồng Vaticanô II. Tiến trình đào tạo ở mỗi thời kỳ chịu ảnh hưởng của tư tưởng thần học cũng như những mẫu gương của các thánh. Theo tác giả, còn nhiều đường hướng đào tạo theo công đồng Vaticanô II chưa được mang ra áp dụng, cách riêng về “đời sống tông đồ”, tức là kiểu sống Tin Mừng của các thánh tông đồ. Cha Juan Esquerda Bifet sinh năm 1929 tại Lleida (Tây ban nha) là một chuyên gia về lịch sử linh đạo các linh mục, với những tác phẩm đã được xuất bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Bài viết Itinerario formativo de las vocaciones sacerdotales. Modelosteologico-historicos, được đăng trên tạp chí Seminarium 46 (2006), 1-2, 291-306.

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

NIỀM VUI CỦA CÁC LINH MỤC ĐƯỢC THÁNH HIẾN CHO PHẦN RỖI CỦA THẾ GIỚI

Thời sự Thần học, số 3 - Tháng 09/2009, tr. 92-95

Thư của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI gửi các Linh mục đến “Tuần Tĩnh Tâm dành cho các Linh Mục Quốc Tế” với chủ đề: “Niềm Vui của các Linh Mục được Thánh hiến cho Phần rỗi của Thế giới” được tổ chức từ 27/9/ đến 3/10/2009 tại Đền thánh Gioan MariaVianney , Ars-sur-Formans, họ Ars, Nước Pháp.
Anh em thân mến trong chức linh mục,

Anh em có thể tưởng tượng dễ dàng, lẽ ra tôi rất sung sướng nếu có thể hiện diện nơi anh em trong cuộc tĩnh tâm linh mục quốc tế này về đề tài ”Niềm vui của linh mục được thánh hiến cho phần rỗi của thế giới”. Anh em tham dự đông đảo và được những lời giảng dạy của ĐHY Christophe Schoenborn. Tôi thân ái chào ĐHY cũng như các vị giảng thuyết khác và Đức Cha Guy-Marie Bagnard, GM giáo phận Belley-Ars. Tôi đành hài lòng với việc gửi đến anh em sứ điệp thu trước này, nhưng xin anh em tin rằng qua vài lời này, tôi muốn nói với mỗi người trong anh em một cách trực tiếp nhất, vì như thánh Phaolô đã nói: “Tôi mang anh em trong tâm hồn tôi, tất cả anh em... là những người liên kết với ân phúc của tôi” (Ph 1,7).

THÁNH LINH MỤC GIOAN MARIA VIANNEY CHA SỞ HỌ ARS: GƯƠNG MẪU CÁC LINH MỤC

 Thời sự Thần học,  số 3 - Tháng 09/2009, tr. 75-91

Thư của Đức thánh cha Gioan Phaolô II gửi các linh mục

1. THỨ NĂM TUẦN THÁNH, NGÀY LỄ CỦA CÁC LINH MỤC

Anh em linh mục thân mến,

Lại một lần nữa, chúng ta gần đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Đức Kitô thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đồng thời thiết lập chức linh mục thừa tác của chúng ta. Đức Kitô “vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng”. Vị Mục Tử nhân lành trao nộp mạng sống vì con chiên. Người cứu vớt loài người, hòa giải họ với Chúa Cha và đưa dân họ vào hưởng đời sống mới. Còn đối với các tông đồ, Người ban tặng cho các ông mình Người sắp bị trao nộp vì các ông, và máu Người sắp đổ ra vì các ông, để làm lương thực.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

CHUẨN BỊ CHO VIỆC PHỤC VỤ TRONG THỪA TÁC VỤ LINH MỤC

Thời sự Thần học, số 3 - tháng 9/2009, tr. 114-132

_Cardinal J. Ratzinger_ 


Những ý tưởng rộng lớn nhằm canh tân của Công Đồng Vaticanô II cũng hàm chứa những nét phác cho công việc đào tạo đã được đổi mới đối với thừa tác vụ linh mục. Nhưng vào cuối những năm sáu mươi, lúc chương trình này đang được chuyển thành thực tiễn, thì trong toàn thế giới phương Tây, cuộc khủng hoảng về những nền tảng tinh thần đã manh nha từ lâu nay bùng ra và lan tràn. Theo nhãn quan của Công Đồng thì việc đổi mới hàm chứa đồng thời sự liên tục và sự thay đổi, nhưng trong bầu khí cách mạng của những năm ấy, chỉ có sự thay đổi là xem ra chất chứa hy vọng, còn tất cả những gì dính dáng đến truyền thống đều bị đánh giá là cũ kỹ, vô ích, cản trở và đe dọa, cho nên cuối cùng phải tìm cách để gỡ bỏ đi. Đấy chính như thế, giờ phút canh tân lại biến trước hết thành khủng hoảng.