Hiển thị các bài đăng có nhãn Số Mới (2011...). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Số Mới (2011...). Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 83, THÁNG 02/2019

CHỦ ĐỀ: TÂM LÝ HỌC TÔN GIÁO

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được dành cho “Tâm lý học tôn giáo”, một bộ môn của các khoa học tôn giáo, nhưng có lẽ còn xa lạ ở Việt Nam, so với các ngành “Lịch sử các tôn giáo”. “Triết học tôn giáo”, “Xã hội học tôn giáo”. Mặt khác, trong các chuyên ngành Tâm lý học, chúng ta thường nghe nói đến tâm lý học trị liệu, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học giáo dục, v.v., nhưng có lẽ không có ý niệm gì về tâm lý học tôn giáo, mặc dù dưới phương diện lịch sử, nói được là tâm lý học tôn giáo cùng ra đời với tâm lý học thực nghiệm.

Hẳn nhiên không thể nào trình bày tất cả môn học này trong một số báo. Chúng tôi chỉ giới thiệu vài nét chính, gồm hai phần: phần thứ nhất mang tính lý thuyết cơ bản, phần thứ hai mang tính áp dụng thực hành.

1. Mở đầu là một bài viết của tu sĩ Nguyễn Long Quân giới thiệu Lịch sử Tâm lý học tôn giáo: lịch sử tiến triển (1880-2005), các nguyên lý và truyền thống về mặt phương pháp luận, cùng những mục tiêu cơ bản. Bên cạnh những khác biệt về phương pháp, một khó khăn được đặt ra cho tiếng Việt là câu chuyện từ ngữ: Religion có thể dịch là “tín ngưỡng” hoặc “tôn giáo”. Tâm lý học chú ý đến “tín ngưỡng” (khía cạnh cá nhân) hơn là “tôn giáo” (khía cạnh thể chế, xã hội). Vì thế phải chăng nên gọi là “tâm lý học tín ngưỡng” (hay tâm linh) thì hợp hơn?

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 82, THÁNG 11/2018

CHỦ ĐỀ: CHỨNG NHÂN

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành trong khung cảnh của Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bắt đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 2018 (kỷ niệm ngày phong thánh) đến ngày 24 tháng 11 năm 2018 (Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam). Bên cạnh những việc cử hành, Hội đồng Giám mục còn khuyến khích “chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” (….): “Bằng cái chết của mình, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là “kho tàng chôn giấu trong ruộng” và “ngọc quý vô giá” nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để “mua thửa ruộng và ngọc quý đó” (x. Mt 13,44-46). Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời”.

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 81, THÁNG 08/2018

CHỦ ĐỀ : CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH

LỜI GIỚI THIỆU


Chủ đề số báo được chọn nhân kỷ niệm hai biến cố lịch sử trong năm nay: 100 năm kết thúc thế chiến thứ nhất (11/11/1918) và 65 năm thông điệp Pacem in terris của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII (11-4-1963)[1]. Ngoài ra, một kỷ niệm khác cũng đáng được ghi nhận: 70 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc ra đời (10/12/1948).

Thế chiến thứ nhất (mở đầu 28/7/1914, kết thúc 11/11/1918) đánh dấu một cuộc “leo thang” về chiến tranh. Việc chấm dứt chiến tranh mở ra một chặng mới, hướng đến con đường tìm kiếm hòa bình lâu dài.

Số báo này được chia làm hai phần.

I. Phần thứ nhất: CHIẾN TRANH


1) Loạt bài được mở đầu với việc nghiên cứu Kinh Thánh. Kinh Thánh không chỉ nói đến “thánh chiến” mà còn trình bày Thiên Chúa như một vị tư lệnh chỉ huy các cuộc chinh phục đất thánh được ban cho dân Israel. Trong bài viết Kinh Thánh và những cuộc chiến của Thiên Chúa, Hồng y Gianfranco Ravasi tìm hiểu ý nghĩa của những ý tưởng liên quan đến bạo lực trong Cựu Ước: sự tru hiến (herem); Thiên Chúa ghen tuông và thịnh nộ; Đức Chúa các đạo binh. Cần phải sử dụng một phương pháp thông diễn khi phân tích những đoạn văn ấy.

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 80, THÁNG 05/2018

CHỦ ĐỀ : TUỔI TRẺ

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân dịp Thượng hội đồng giám mục sắp nhóm họp vào tháng 10 để bàn về “Người Trẻ, Đức Tin, và Sự Biện Phân Ơn Gọi”. Dĩ nhiên chúng tôi không dám đề ra những hướng đi cho các vị chủ chăn, nhưng chỉ muốn lấy một đề tài “thời sự” để đào sâu vài khía cạnh liên quan đến “thần học”.

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 79, THÁNG 02/2017

CHỦ ĐỀ: PHẨM GIÁ PHỤ NỮ

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 30 năm ban hành tông thư Mulieris dignitatem về phẩm giá người phụ nữ (15/8/1988). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Huấn quyền đã dành một văn kiện để bàn về phụ nữ. Ngoại trừ bài dẫn nhập, tác giả của những bài viết trong số này đều là phụ nữ.


1. Mở đầu, linh mục Phan Tấn Thành giới thiệu Tông thư Mulieris dignitatem [1] trong khung cảnh Các văn kiện Huấn quyền về phụ nữ trong hai thế kỷ gần đây. Tông thư này không chỉ đánh một dấu mốc trong lịch sử Huấn quyền (vì là lần đầu tiên đề cập trực tiếp đến phụ nữ) nhưng còn làm thay đổi cách giải thích các đoạn Kinh Thánh (xưa nay vốn coi người nữ thấp kém hơn người nam). Mặt khác, sự bình đẳng của người nữ với người nam không loại trừ sự khác biệt của người nữ, tạo nên “thiên tài” của họ.

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 78, THÁNG 11/2017

CHỦ ĐỀ: TRUYỀN THỐNG KITÔ GIÁO CỦA NƯỚC NGA

LỜI GIỚI THIỆU


Tháng Mười năm nay kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Cộng sản tại Nga. Dù muốn dù không, nước Nga được coi như nơi xuất phát của chủ nghĩa vô thần trên thế giới. Tiếc rằng hình ảnh đó không trung thực: có thể nói được rằng cuộc hôn nhân giữa nước Nga với chủ nghĩa Cộng sản là gượng ép; vì thế sau 25 năm ly thân, hai bên không còn muốn nhớ lại chuyện cũ nữa. Trên thực tế, năm nay, Tổng thống Putin quyết định không tổ chức một lễ nghi nào để kỷ niệm cách mạng 1917.

Số báo này muốn trình bày một bộ mặt khác của nước Nga: bộ mặt Kitô giáo. Lịch sử nước Nga gắn liền với Kitô giáo ở nước này. Nước Nga được khai sinh từ ngày dân Rus’ được rửa tội năm 989[1]. Lịch sử quốc gia và lịch sử Giáo hội gắn chặt với nhau, lúc thịnh cũng như lúc suy.

Bài mở đầu Giáo hội Nga trải qua lịch sử của linh mục Phan Tấn Thành muốn ghi lại những nét chính của sự tiến triển của một “Giáo hội giữa lòng dân tộc”: từ Kiev, một giáo phận trực thuộc tòa Constantinopolis chuyển lên Moskva với chế độ tự trị, và tiến đến vị trí của một tòa Thượng phụ. Dựa trên chủ thuyết “Moskva là Rôma thứ ba” (sau sự sụp đổ của Roma thứ nhất và thứ hai), nước Nga được điều hành giống như mô hình của Constantinô trước đây: Nga Hoàng mang tước hiệu Tsar (tức là Caesar) cũng mang trách nhiệm điều hành Giáo hội. Sự gắn bó giữa Hoàng triều và Giáo hội mang theo nhiều hệ quả tích cực và tiêu cực, như lịch sử cho thấy.

Qua bài Thần học Nga, Bernhard Schultze cho thấy rằng Giáo hội Nga đã gặp khá nhiều khó khăn trong việc vạch ra cho mình một bản sắc riêng. Trước tiên, cần bảo đảm sự độc lập về chính trị, không bị lệ thuộc Mông Cổ ở mạn Đông và cũng không bị xâm lăng từ phía Tây (Ba Lan, Đức). Điều kiện chính trị giải thích phần nào sự lúng túng của Giáo hội Nga: ngay từ lúc đầu, họ chịu ảnh hưởng của thần học Đông Phương cho nên tỏ ra dị ứng với thần học Latinh; mặt khác, họ khâm phục cách tổ chức các học viện thần học theo khuôn mẫu Latinh (tiêu biểu nơi các trường Dòng Tên). Tiếc rằng sang thế kỷ XIX, tư tưởng “Tây phương” không còn được đồng hóa với thần học kinh viện Công giáo mà còn bao gồm thần học Tin Lành, cũng như những triết học duy lý cận đại. Dưới chế độ Cộng sản của thế kỷ XX, một số nhà thần học Nga di cư sang Paris, và họ có dịp quảng bá những nét đặc trưng của thần học Nga, mang đậm truyền thống các giáo phụ Đông phương. Trong phần phụ lục, chúng ta sẽ có cơ hội để đối chiếu những điểm khác biệt về thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống.

Một đặc trưng của đời sống đức tin bên Nga được linh mục Vladimir Zelinskij nêu bật trong bài viết Những khuôn mẫu thánh thiện của Giáo hội Nga. Một nét độc đáo ở đây là sự hiện diện của “các thánh điên”, bên cạnh các thánh tử đạo, ẩn tu. Đây là một hình thức để sống bài giảng của Chúa Giêsu về các mối phúc thật.

Ký sự một người hành hương. Đây là đầu đề của một cuốn chuyện của một tác giả vô danh sống vào cuối thế kỷ XIX, thuật lại một cuộc hành hương xuyên qua nước Nga để đi Đất thánh. Thật ra, đàng sau cuốn chuyện này là cả một học thuyết về đường tâm linh của thần học hesychast thịnh hành bên Nga[2]. Qua “Kinh nguyện Chúa Giêsu”, người tín hữu được dẫn đưa vào đời sống kinh nguyện qua những hình thức và cấp độ khác nhau, đưa tới kết hiệp huyền nhiệm. Tác phẩm tượng trưng cho thần học về “trái tim” bên Giáo hội Đông phương, qua bài dẫn nhập của Hồng y Tomas Splidik, S.J.

Sau những bài trình bày tổng quát, chúng ta sẽ khảo sát tư tưởng Kitô giáo nơi hai văn hào nổi tiếng nhất của nước Nga cũng như của thế giới: Fyodor Dostoyevsky (1821-1881) và Lev Tolstoy (1828-1910)[3]. Họ không chỉ là những tiểu thuyết gia, nhưng còn là triết gia và nói được là thần học gia nữa, muốn tìm hiểu ý nghĩa đức tin trong những thực tại cuộc sống. Dĩ nhiên để hiểu rõ nội dung của các câu chuyện, người đọc cần có một kiến thức về Kitô giáo cũng như về các thể chế của Giáo hội Chính thống.

Trong bài Dostoyevsky và vấn nạn về Thiên Chúa, Tu sĩ Nguyễn Quốc Minh Tuấn cho thấy một cuộc giằng co của tác giả khi tìm cách giải quyết niềm tin vào Thiên Chúa giữa những thực tại tiêu cực của cuộc đời: bất công, đau khổ, tội lỗi. Các nhân vật trong bốn tác phẩm điển hình (Tội Ác và Trừng Phạt, Thằng Ngốc, Lũ Người Quỷ Ám, và Anh Em Nhà Karamazov) gợi lên những luận chứng để phủ nhận hoặc bênh vực niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Xem ra thái độ vô thần hợp lý hơn, nhưng những hệ luận của nó sẽ rất thảm khốc. Dường như tác giả đã tiên đoán điều sẽ xảy ra cho đất nước không đầy nửa thế kỷ tiếp đó. Dù sao, chìa khóa để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử không phải là luận cứ triết học, nhưng là Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.

So với Dostoyesky, Tolstoy có nhiều điểm khác biệt. Ông đã có lần mất đức tin nhưng sau đó trở lại. Ông tự tìm kiếm Thiên Chúa qua việc nghiên cứu Kinh Thánh theo lối suy tư riêng của mình, chứ không theo truyền thống của Giáo hội Chính thống. Ông bị kết án là lạc đạo và vị trục xuất khỏi Giáo hội, nhưng ông vẫn cho rằng mình đã là người hiểu Tin Mừng chính xác hơn hết. Qua bài viết Đường tâm linh của Toltoy, Gary Hamburg cho thấy sự khó khăn trong việc xếp loại một người độc đáo như ông.

Sau cùng, Triết học trong xã hội đang biến đổi là đề tài buổi thuyết trình của Tiến sĩ Bùi Văn Nam Sơn tại Trung Tâm Học Vấn Đa Minh ngày 28 tháng 10 vừa qua. Dựa trên một tác phẩm của Walter Schulz, diễn giả phân tích năm “từ khóa”: “khoa học hóa”, “nội tâm hóa”, “tinh thần hóa và thể xác hóa”, “lịch sử hóa” và “trách nhiệm”.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

____________

[1] Tên gọi Rossiya có nguồn gốc từ Rus, một quốc gia thời Trung Cổ có dân cư chủ yếu là người Đông Slav. Bản thân tên gọi Rus có nguồn gốc từ người Rus, một phân nhóm của người Varangia (có thể là người Viking Swede). Hiện tại, quốc hiệu thông dụng của nước Nga trong Trung văn là "Nga La Tư". Về nguồn gốc của từ "Nga La Tư", có thuyết cho rằng: vào trước thời nhà Nguyên, khi người Mông Cổ tiếp xúc với quốc gia này, do tiếng Mông Cổ có đặc điểm là thuộc Ngữ hệ Altai, không có phụ âm "r" đứng đầu, để tiện cho việc phát âm nên đã lặp lại nguyên âm trong âm thứ nhất của từ. Vì thế Rossiya biến đổi thành oRossiya), đến thời Nguyên thì người Mông Cổ sử dụng dịch danh Hán tự là "Oát La Tư". Những năm đầu thời nhà Thanh, trong nhiều văn hiến có sử dụng tên gọi "La Sát", song khi xưng hô giữa quốc gia với nhau thì phần nhiều dịch là Ngạc La Tư hoặc Nga La Tư. Vào những năm Càn Long thời Thanh, khi soạn "Tứ khố toàn thư" thì chính thức thay đổi thành Nga La Tư. X. “Nga” (Từ nguyên) trên Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nga (truy cập 1/11/2017). 
[2] Xem thêm Phan Tấn Thành, Truyền thống tâm linh trong các Giáo Hội Đông Phương (Đời sống tâm linh, tập V), NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, trang 217-224; 412-434. 
[3] Tuy hai tác giả này sống đồng thời và biết các tác phẩm của nhau, nhưng họ chưa bao giờ gặp mặt. X. A.N. Wilson, Tolstoy: A Biography, Hamilton New York, 1988, 307.

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 77, THÁNG 8/2017

CHỦ ĐỀ : LOAN BÁO TIN MỪNG CHO ASEAN

LỜI GIỚI THIỆU


Năm nay kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (Association of South East Nations: 8/8/1967 – 8/8/2017). Vào lúc đầu, Hiệp hội chỉ bao gồm 5 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan), nhưng dần dần được mở rộng cho Brunei (1987), rồi đến lượt Việt Nam – Lào – Myanmar (1997) và Campuchia (1999). Mục tiêu chính của ASEAN là thúc đẩy sự hợp tác về an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội trong vùng.

Nhiều người chú ý đến ASEAN như một thị trường kinh tế, nhưng Thời sự Thần học muốn nhìn như một môi trường để loan báo Tin Mừng. Tin Mừng không phải là một tôn giáo ngoại lai, nhưng là một sứ điệp thăng tiến con người, xét như cá nhân cũng như cộng đồng. Dĩ nhiên, chúng tôi không có thẩm quyền để hoạch định một chương trình hoạt động trong tương lai, nhưng chỉ muốn ôn lại những bài học lịch sử. Đông Nam Á gồm bởi nhiều sắc dân, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo khác nhau. Đó là những tiền đề mà việc loan báo Tin Mừng không thể làm ngơ. Tuy vậy, đàng sau và bên trên tính đa sắc, có thể tìm ra những nhân tố liên kết mọi cá nhân và sắc tộc thành một cộng đồng. Trong khuôn khổ giới hạn của một số báo, chúng tôi chỉ chọn lọc vài đề tài để suy tư. 

1. Bài mở đầu Lược sử Đông Nam Á của tu sĩ Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn, ôn lại lịch sử thành hình các quốc gia tại Đông Nam Á. Ranh giới của các quốc gia hiện đại không cố định trong suốt dòng thời gian. Chỉ cần nhìn vào bản đồ nước Việt Nam thì đủ rõ. Ngày nay Việt Nam bao trùm lãnh thổ “từ Nam quan cho đến Cà mau”, nhưng ranh giới này chỉ mới được xác định từ cuối thế kỷ XIX. Các quốc gia Brunei và Đông Timor mới được thành hình vào cuối thế kỷ XX. Dù sao, đàng sau những biên cương chính trị, cần phải tìm hiểu những yếu tố văn hóa tuy ngày nay đã biến mất nhưng vẫn còn để lại ảnh hưởng trong tâm thức của người dân, và là yếu tố liên kết các dân tộc trong vùng. 

2. Tiếp đến, trong bài Các tôn giáo tại Đông Nam Á, giáo sư Barbara Watson Andaya nghiên cứu ảnh hưởng của các tôn giáo trong việc định hình căn tính các quốc gia. Bên cạnh các tôn giáo cổ truyền bản địa (được đặt tên là “vật linh”), các tôn giáo hoàn cầu (Hindu, Phật giáo, Islam, Khổng giáo, Kitô giáo) đều đã cố gắng thích nghi với các phong tục tín ngưỡng địa phương. 

3. Tu sĩ Trịnh Minh Phú tìm hiểu Tầm ảnh hưởng của người Hoa và viễn cảnh loan báo Tin Mừng cho cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á. Tuy người Hoa chỉ là một thiểu số nhưng là một thiểu số đáng kể, bởi vì họ đang nắm giữ nền kinh tế trong vùng. Cũng nên biết là tỉ lệ người Hoa ở nước ngoài theo Kito giáo thì cao hơn tỉ lệ những người ở trong nước. Những cộng đồng Kitô hữu tại Singapore, Mã Lai đa số là gốc Hoa. 

4. Đông Nam Á là nơi gặp gỡ của nhiều văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên, đang khi các tôn giáo Ấn Độ và Trung Hoa đã hiện diện ở đây từ đầu Công nguyên, đạo Islam bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XII và ngày nay chiếm tới 42% tổng số dân cư trong miền. Bằng cách nào Islam đã bành trướng ở Đông Nam Á? Tiến sĩ Imtiyaz Yusuf của đại học Assumption (Bangkok) tìm cách trả lời trong bài Đạo Islam tại Đông Nam Á

5. Việc nghiên cứu Đông Nam Á sẽ thiếu sót trầm trọng nếu chỉ dừng lại ở các dân tộc, tôn giáo, văn hóa lớn. Trên thực tế, các “Dân tộc bản địa” là một thực tại đáng kể tại đây. Họ cũng dễ đón nhận Tin Mừng hơn các dân tộc “Kinh”. Linh mục Sebastian Karotemprel SDB đã đệ lên FABC một phúc trình về Giáo hội với các dân tộc bản địa, tuy xét đến tình hình của toàn lục địa Á châu, nhưng có ý nghĩa đặc biệt cho vùng Đông Nam Á. 

6. Sau cùng, đề tài Kitô giáo tại Đông Nam Á gồm ba phần: a) Trước hết, chúng ta điểm lại lịch sử những đợt Tin Mừng được đem đến vùng này vào thời cận đại, kể từ thế kỷ XVI, qua sự khảo sát của giáo sư John Roxborogh; b) Kế đó, giáo sư Chansamone Saiyasak phân tích lịch sử Kitô giáo (Công giáo và Tin lành) ở mỗi nước; c) Cuối cùng là thống kê Giáo hội Công giáo tại ASEAN dựa theo quốc gia và giáo phận. 

Trung tâm Học vấn Đa Minh 


CÁC CHỦ ĐỀ THỜI SỰ THẦN HỌC 2017 – 2018 
  • Số 78 (tháng 11/2017): Kitô giáo tại nước Nga (kỷ niệm 100 năm cách mạng Bolchevic) 
  • Số 79 (tháng 02/2018): Phẩm giá phụ nữ (kỷ niệm 30 năm tông huấn Mulieris dignitataem) 
  • Số 80 (tháng 05/2018): Công đồng giới trẻ (chuẩn bị cho THĐ Giám Mục về giới trẻ) 
  • Số 81 (tháng 08/2018): Chiến tranh và hòa bình (kỷ niệm 100 năm kết thúc thế chiến thứ nhất) 

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 76, THÁNG 5/2017

CHỦ ĐỀ : THÁNH LINH

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành trong dịp chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Năm nay, tại Rôma, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ long trọng để kỷ niệm 50 năm khai sinh của phong trào “Canh tân Thánh Linh” (đôi khi cũng gọi là “canh tân đặc sủng”: charismatic movement / renewal), được đánh dấu bằng những buổi cầu nguyện tại Duquesne (Pittsburg USA) vào những ngày 17-19/2/1967. Lễ Hiện xuống năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 120 năm thông điệp Divinum illud munus của Đức Lêo XIII (15/5/1897) và 31 năm thông điệp Dominum et vivificantem của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (18/5/1986): hai thông điệp đề cập đến Chúa Thánh Thần.

Có lẽ không ít Kitô hữu chưa hề nghe nói đến Chúa Thánh Thần (x. Cv 19,2), nhưng trong những năm gần đây, các đề tài thần học về “Thần khí luận” khá dồi dào. Thời sự Thần học số 76 này sẽ tập trung vào những vấn đề lớn của Thánh Linh học: trước hết, là một cái nhìn tổng quan về bộ môn; tiếp đó, các bài viết được tập trung vào hai điểm chính: a/ lối tiếp cận cổ điển về Thánh Linh (các ân huệ và hoa trái); b/ những đề tài được gợi lên do phong trào canh tân đặc sủng (Đặc sủng là gì? Đặc sủng và cơ chế có tương quan giữa như thế nào? Phép rửa trong Thánh Linh là gì?)

1. Mở đầu là bài “Thần Khí luận: Những viễn ảnh”. Thần Khí luận (hoặc Thánh Linh học: Pneumatologia) là một môn học còn mới mẻ. Linh mục Phan Tấn Thành trình bày những vấn đề được đặt ra cho “thần học về Thánh Linh”, khi rảo qua những giáo huấn của Kinh Thánh, những cuộc tranh luận trong lịch sử Giáo hội, từ thời các Giáo phụ cho đến nay. Những đề mục ấy có thể xếp đặt hệ thống dựa trên những dữ kiện của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo[1].

2. Kể từ thời Trung cổ, tác động của Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu thường được cô đọng trong đạo lý về “bảy ơn Chúa Thánh Thần”. Dựa theo truyền thống từ thánh Augustinô, thánh Tôma Aquinô liên kết bảy ân huệ với bảy nhân đức. Cũng dựa theo một truyền thống có từ thánh Augustinô, trong bài viết tựa đề “Các ân huệ Thánh Linh và con đường nên thánh”, giáo sư Javier Sese trình bày bảy ân huệ dựa theo mô hình tiến triển của bảy cấp độ đời sống tâm linh, từ lúc khởi đầu (với ơn kính sợ) cho đến chóp đỉnh (ơn cao minh). Lối trình bày này cũng cho thấy sự tiến triển từ giai đoạn “tu đức” đến giai đoạn “huyền bí”.

3. Dựa theo truyền thống thần học từ thời Trung cổ, bên cạnh 7 ân huệ, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo còn nói đến các “hoa trái của Thánh Linh, là những điều trọn hảo mà Thánh Linh ban cho chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu” (số 1832). Bài viết của đức cha Raffaele Calabro sẽ giải thích “Các hoa quả của Thánh Linh”, dựa trên đoạn văn của thánh Phaolô trong thư gửi Galát (Gl 5,22-23), áp dụng vào các tương quan mục vụ.

4. Trong các sách thần học cổ điển, mỗi khi nói đến các “ơn Chúa Thánh Thần”, người ta nghĩ đến bảy ân huệ vừa kể. Từ sau Công đồng Vaticanô II, nhờ trở về với các bản văn Hy Lạp của Tân Ước cũng như nhờ cuộc đối thoại đại kết, thần học còn lưu ý đến các charisma (thường dịch là: đặc sủng, đoàn sủng). Charisma là gì? Tu sĩ Giuse Nguyễn Trị An khảo sát việc sử dụng từ ngữ này trải qua lịch sử: các bản văn Tân Ước, trong lịch sử thần học, các bản văn Huấn quyền trước và sau Vaticano II. Nên biết là ngày nay, do ảnh hưởng của ông Max Weber, charisma cũng được sử dụng trong xã hội học nữa.

5. Một phạm vi áp dụng thần học charisma vào đời sống Giáo hội là các Dòng tu, mà một trong những thần học gia tiên phong là cha Jean-Marie Roger Tillard, O.P. (1927-2000). Trong bài “Một suy tư về thần học đời tu”, nữ tu Lê Loan, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, muốn giới thiệu những nét nổi bật của sự đóng góp đó.

6. “Phép rửa trong Thánh Linh” là một trong những đề tài chủ chốt của phong trào Ngũ Tuần. Một vài nhóm của phong trào “đặc sủng Thánh Linh” cũng du nhập đề tài ấy vào sinh hoạt của mình. Phép rửa trong Thánh Linh có nghĩa là gì? Trong bài viết “Một lễ Ngũ tuần mới? Thần học Công giáo và Phép rửa trong Thánh Thần”, Giáo sư Ralph Martin trình bày các quan điểm của thần học Công giáo chung quanh đề tài này, được phân làm ba nhóm: a) làm sống lại ân sủng của bí tích Khai tâm; b) một sự tuôn đổ mới của Thánh Linh nhằm một ơn gọi mới; c) biến cố mang tính cánh chung cho thời đại chúng ta. Cả ba ý nghĩa có thể bổ túc cho nhau. 

7. Vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống năm ngoái (15/5/2016), Bộ Giáo lý Đức tin đã gửi cho các Giám mục một bức thư mang tựa đề “Iuvenescit ecclesia”, bàn về mối tương quan giữa ơn phẩm trật ơn charisma trong đời sống và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội. Luận đề căn bản: hai yếu tố “phẩm trật” và “charisma” đều là cốt yếu trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh; hai yếu tố này bổ túc cho nhau. Vì thế, không được phép tách biệt hoặc đối lập “Hội thánh của thể chế” và “Hội thánh của bác ái”. Dựa trên những nguyên tắc thần học, văn kiện rút ra những kết luận về việc nhìn nhận các “đoàn thể Giáo hội”. Cụ thể hơn nữa, văn kiện đề ra tám tiêu chuẩn để phân định các ơn charisma (số 18). Vì khuôn khổ báo in không cho phép, chúng tôi sẽ đăng tài liệu này trên https: vào ngày phát hành số báo này.

* Lưu ý về từ ngữ

1/ Trong tiếng Việt, Spiritus Sanctus có thể chuyển dịch là: “Thánh Thần, Thần Khí, Thánh Linh”. Trong các bài viết của TSTH số 76 này, từ ngữ “Thánh Linh” được sử dụng thông thường hơn.

2/ Danh từ Charisma thường được dịch là: “đặc sủng / đoàn sủng”. Tuy nhiên vì ý nghĩa của từ ngữ này rất phức tạp, nên trong hai bài số 4 và 5, chúng tôi giữ nguyên tiếng gốc Hy Lạp.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

[1] Bài này bổ túc cho “Thần học về Chúa Thánh Thần” trong Thời sự thần học, số 6 (tháng 11/1996) trang 55-106.

TRONG SỐ NÀY_______



Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 75, THÁNG 2/2017

CHỦ ĐỀ: CÁNH CHUNG

LỜI GIỚI THIỆU


“Cánh-chung-luận” (dịch bởi danh từ gốc Hy-lạp eschatologia) mới trở thành quen thuộc với thần học Việt Nam từ sau công đồng Vaticanô II. Thuật ngữ này bao hàm hai ý nghĩa: luận về “mục đích” (cứu cánh) cũng như những thực tại “tối hậu” (chung cục) của lịch sử và của cá nhân. Như vậy nó rộng nghĩa hơn là “tứ chung” (de novissimis) trong các sách giáo khoa cổ điển, đề cập đến những gì xảy ra vào lúc tận cùng của đời người và của lịch sử. Lối tiếp cận này muốn trả lời cho những băn khoăn của con người về ý nghĩa của cuộc đời. Nói cho cùng, đó là lý do vì sao con người tìm đến các tôn giáo, như công đồng Vaticanô II giải thích ở đoạn mở đầu Tuyên ngôn về mối liên lạc giữa Hội thánh và các tôn giáo (Nostra aetate)[1]. Thật ra, đề tài này được đề cập trong nhiều khảo luận thần học[2]. Thời sự thần học cũng đã có nhiều bài viết về cánh chung[3]. Những bài viết trong số này muốn trình bày vấn đề trong viễn cảnh đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 74, THÁNG 11/2016

CHỦ ĐỀ: THẾ GIỚI DI ĐỘNG

LỜI GIỚI THIỆU


“Thế giới di động” là tên quen thuộc của các siêu thị chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động. Chắc chắn hiện tượng này có những tác dụng không nhỏ đối với thần học về truyền thông[1]. Chúng tôi muốn sử dụng “thương hiệu” này để trình bày một hiện tượng nóng bỏng của thời đại, đó là hiện tượng di dân (mobilité humaine / people on the move).

Thực ra, di dân không phải là chuyện mới lạ trong lịch sử nhân loại: chỉ cần nhớ lại lịch sử Kinh thánh (ông Abraham vào thời các tổ phụ; dân tộc Israel thời ông Mosê) hoặc lịch sử Việt Nam (từ châu thổ Sông Hồng tràn xuống tới mũi Cà Mau); tuy nhiên, vào thời nay, nó mang chiều kích “toàn cầu”, chi phối cả trăm triệu con người và bao trùm toàn thể năm châu.

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 73, Tháng 08/2016

CHỦ ĐỀ: MỸ ĐẠO

LỜI GIỚI THIỆU

“Mỹ đạo” có lẽ là một thuật ngữ xa lạ đối với nhiều độc giả. Người ta thường nghe nói đến “mỹ học” hoặc “mỹ thuật”, chứ ít khi nói đến “mỹ đạo”. Phải chăng đây là một “tôn giáo” (đạo) mới? Không phải đâu! Ở đây “đạo” chỉ có nghĩa là đường; “mỹ đạo” dùng để dịch thuật ngữ via pulchritudinis, dịch nôm na là “con đường của cái đẹp”. Thuật ngữ này xuất hiện trong nhiều văn kiện gần đây của Giáo hội khi bàn về việc loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Thiên Chúa vốn được tuyên xưng là “Chân-Thiện-Mỹ”; tuy nhiên hai yếu tố đầu tiên (Chân lý và Thiện hảo) đã được bàn nhiều hơn là yếu tố thứ ba. Nói đúng hơn, Chân lý và Thiện hảo thường được trình bày như con đường để hướng dẫn con người đến Thiên Chúa: con người có nhu cầu đi tìm sự thật và hạnh phúc, và chỉ được mãn nguyện khi gặp gỡ Thiên Chúa, là chính Chân lý và Sự Thiện tuyệt đối. Đó chẳng phải là đối tượng của đức tin và đức mến đấy ư? Đó chẳng phải là đối tượng của thần học và luân lý đấy ư?

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 72, THÁNG 05/2016

CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC LỊCH SỬ & LỊCH SỬ THẦN HỌC

LỜI GIỚI THIỆU

Người ta thường trách rằng giới trẻ Việt Nam yếu về môn sử học. Có lẽ nhiều chuyên viên đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này, nhưng không rõ đã mấy ai đặt câu hỏi: Lịch sử là gì? Phải chăng đó là học thuộc lòng niên biểu của các biến cố?

Lời giới thiệu - pdf
Như sẽ thấy qua các bài viết dưới đây, “lịch sử” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. 1/ Thường lịch sử được hiểu như là một “di tích” thuộc về quá khứ mà ta cần phải ghi nhớ và bảo tồn; tuy vậy đôi khi lịch sử cũng được hiểu về hiện tạitương lai nữa, chẳng hạn như khi nói “bên dòng lịch sử; chịu trách nhiệm trước lịch sử”. 2/ Có khi lịch sử được hiểu về những sự kiện hoặc biến cố đã xảy ra, đôi khi nó được hiểu về môn học ghi lại các biến cố đó (trước đây gọi là “sử ký”). Trong các ngôn ngữ châu Âu, có sự phân biệt giữa “histoire” và “historiographie”, đó là chưa kể sự phân biệt trong tiếng Anh giữa history và story hoặc trong tiếng Đức giữa geschichtehistorie! 3/ Ngoài ra, bên cạnh chuyện viết lại và giải thích các biến cố lịch sử, có người còn muốn đi tìm ý nghĩa của lịch sử, quen được gọi là “triết lý về lịch sử” (khác với lịch sử triết học) : lịch sử chỉ là một chuỗi những chuyện xảy ra ngẫu nhiên, hoặc có một sự liên hệ giữa các biến cố dẫn đến một mục tiêu nào đó? Trong bối cảnh ấy, nảy ra câu chuyện “thần học lịch sử”, mà ta có thể hiểu theo hai nghĩa: “thần học về lịch sử”, hoặc “lịch sử của thần học”.

Trong thế kỷ XX, những cuộc nghiên cứu sử học đã góp phần rất lớn cho sự tiến triển thần học. Một đàng phong trào “trở về nguồn” đã cho thấy Giáo hội (cũng như thần học) không phải là một định chế bất động cứng nhắc, nhưng đã trải qua nhiều cuộc canh tân thay đổi. Hơn thế nữa, chiều kích lịch sử là một yếu tố cấu thành của Kitô giáo: khác với các tôn giáo và các triết học cổ thời, mạc khải của Kitô giáo gắn liền với một lịch sử, “lịch sử cứu độ”. Ý thức về “lịch sử” không những giúp thần học có một cái nhìn năng động về Giáo hội (mạc khải, phụng vụ, tín điều, các định chế … không phải là những phạm trù cố định cứng nhắc), mà còn giúp cho Giáo hội ý thức rằng mình là một cộng đồng trên đường lữ hành. Nói cách khác, lịch sử không chỉ liên quan đến những chuyện đã xảy ra trong quá khứ mà còn hướng đến tương lai. Dưới cặp mắt đức tin, lịch sử không phải là một chuỗi những biến cố xảy đến do ngẫu nhiên, nhưng nằm trong một kế hoạch rộng lớn, hướng về một cứu cánh tuyệt đối ở cuối dòng lịch sử.

Các bài trong số này có thể chia làm hai nhóm: “Thần học lịch sử”“Lịch sử thần học”. Nhóm thứ nhất gồm những nghiên cứu về các quan điểm thần học về lịch sử (tương tự như các quan điểm về lịch sử - sử quan – trong triết học): Lịch sử là gì? Lịch sử có ý nghĩa gì không? Nhóm thứ hai gồm những bài giới thiệu lịch sử của thần học và của các nền thần học khác nhau trong Giáo Hội. Khỏi nói ai cũng biết, những đề tài này ít khi được thảo luận trong các chủng viện hoặc học viện thần học tại Việt Nam.

I. THẦN HỌC LỊCH SỬ


“Thần học lịch sử” có thể hiểu theo hai nghĩa: 1/ Thần học lịch sử (Historical theology) nghiên cứu các “nguồn mạch” và sự tiến triển của đạo lý (đôi khi cũng gọi là “thần học thực chứng”, Positive theology); nó khác với lối tiếp cận suy diễn của “thần học hệ thống” (Systematic theology). 2/ Tìm hiểu ý nghĩa của lịch sử theo thần học Kitô giáo (Theology of history). Ở đây chúng ta bàn theo nghĩa thứ hai .

1. Trong bài viết mở đầu “Thiên Chúa ngươi ở đâu? Vài tiền đề của suy tư thần học về lịch sử vào đầu thế kỷ XXI”, linh mục Juan Alberto Casas Ramírez gợi lên những bối cảnh định hướng cho những câu hỏi về tác động của Thiên Chúa trong lịch sử: Lịch sử là gì? (Những quan niệm khác nhau về lịch sử, cách riêng sự khác biệt giữa “biến cố” và “sử ký”); Thế giới này có liên quan gì với Thiên Chúa không? Có ba lối trả lời cho câu hỏi thứ hai, tùy theo quan niệm về tương quan giữa Thiên Chúa với lịch sử: tha lực – tự lực – thiên lực (heteronomy, autonomy, theonomy).

2. Tiếp đến, trong bài “Ý nghĩa của lịch sử theo Kitô giáo: hy vọng và tình yêu lân tuất” linh mục Pedro Barrajón giới thiệu ba đường lối tiếp cận của các tác giả Kitô giáo về ý nghĩa lịch sử: thánh Augustinô, viện phụ Joakim de Fiore, triết gia Giambattista Vico, tượng trưng cho ba thời đại (giáo phụ – trung đại – cận đại). Sau đó, theo tác giả, chìa khóa của lịch sử có thể tìm thấy nơi thập giá Đức Kitô, nơi biểu lộ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Thiết tưởng đây là một đề tài rất thời sự trong Năm Thánh lòng Chúa Thương xót (lân tuất). 

 3. Lịch sử Giáo hội là một môn được dạy tại tất cả các chủng viện và học viện thần học. Trong thế kỷ XX, môn này đã bị xét lại: đó là một môn lịch sử (cũng giống như lịch sử các thể chế khác) hay là một môn thần học? Sự khó khăn nằm trong chính bản chất của nó: 1/ “Lịch sử” có thể hiểu như là những biến cố đã xảy ra, và cũng có thể hiểu như là “sử ký”, ghi lại và giải thích các biến cố đó. 2/ “Giáo hội” có thể hiểu như một tổ chức xã hội nhân loại, hoặc như một thực thể siêu nhiên. Cha Alvarez Gomez cho thấy các vấn đề được đặt ra khi viết lịch sử Giáo hội: một đàng phải tuân theo những tiêu chuẩn thực nghiệm của môn sử học, đàng khác cần phải nhìn Giáo hội dưới quan điểm thần học nữa, một thực thể vừa siêu nhiên vừa hữu hình, vừa mang chiều kích hằng cửu vừa mang dấu tích thời gian.

II. LỊCH SỬ THẦN HỌC


Nhóm thứ hai gồm những bài viết về lịch sử của khoa thần học. Trong chương trình đào tạo tại các chủng viện và học viện ở Việt Nam, có ghi môn “Lịch sử Giáo hội” chứ không có môn “Lịch sử thần học”. Phải hiểu lịch sử thần học như thế nào?

4. Trước hết, giáo sư Rovira Belloso cho thấy những quan niệm khác nhau về thần học trải qua 20 thế kỷ lịch sử Kitô giáo. Kể cả vào thời nay, phương pháp thần học cũng khác nhau trong các ngành thần học nền tảng, thần học lịch sử, thần học hệ thống. Ở cuối bài, độc giả có thể tìm thấy thư mục về lịch sử thần học: lịch sử thần học, lịch sử đạo lý, lịch sử thần học tâm linh. 

5. Ngày nay, với chủ trương hội nhập văn hóa, thần học mang nhiều bộ mặt khác nhau tùy theo mỗi lục địa hoặc quốc gia. Tuy nhiên, chưa biết các nền thần học ấy sẽ tồn tại được bao lâu. Đối lại, lịch sử cho thấy hai Truyền thống thần học lớn của các Giáo hội Đông phương và Giáo hội Tây phương (Hy Lạp và Latinh). Trong quá khứ, không thiếu những hiểu lầm giữa đôi bên, dẫn tới sự ly khai giữa Constantinopolis và Rôma (1054): bên này kết án bên kia là lạc giáo! Nhờ những nghiên cứu lịch sử gần đây, người ta nhận thấy rằng đôi bên cùng có chung một đức tin, chỉ khác nhau trong phương pháp thần học, những lối tiếp cận hoặc những lối nhấn khác nhau. Các sự khác biệt ấy làm cho việc hiểu biết đức tin thêm phong phú. Cha Raniero Cantalamessa cho thấy điều đó khi trình bày bốn chân lý căn bản của đức tin: a) mầu nhiệm Tam Vị; b) mầu nhiệm Đức Kitô; c) Thánh Linh; d) ơn cứu độ. 
Hai bài cuối cùng của số này mang tính “thời sự”:

6. Linh mục Phan Tấn Thành giới thiệu Tông huấn Amoris laetitia về tình yêu trong gia đình, được Đức Phanxicô ban hành ngày 19/3/2016.

7. Phương thức học và việc thay đổi phương thức học của sinh viên đại học là đề tài bài thuyết trình của Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, phó viện trưởng viện Sư Phạm Kỹ thuật (TPHCM), tại giảng đường Trung tâm Học vấn Đa Minh, ngày 23/4/2016.

Số báo này có thể xem như bổ túc cho số 54 (tháng 11/2011), bàn về “Những nguồn mạch thần học”, mở đầu với bài viết “Thời sự thần học – thần học thời sự” (trang 5-26), trong đó có đề cập nguồn gốc của khái niệm “Dấu chỉ thời đại”.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

TRONG SỐ NÀY

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 71 – THÁNG 2/2016

CHỦ ĐỀ : LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

LỜI GIỚI THIỆU


Số 71 được dành cho chủ đề của Năm Toàn xá ngoại thường 2015-1016 về “Lòng Chúa thương xót” (Divina misericordia), với sự đóng góp đặc biệt của các thành viên Tổ Thần học của Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục. Chủ đề được trình bày từ những khía cạnh khác nhau: Kinh Thánh, truyền thống, huấn quyền, đạo lý và thực hành. 

Lời giới thiệu PDF
1. Mở đầu, linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P. trình bày đề tài lòng Chúa thương xót trong Kinh Thánh và thần học. Khởi đi từ danh từ misericordia, tác giả theo dõi việc phiên dịch từ ngữ này sang tiếng Việt (thương xót, từ bi, lân tuất, nhân ái, v.v.), và truy tầm các từ nguyên ngữ trong tiếng Hípri (Cựu Ước) và Hy Lạp (Tân Ước) kèm theo nội dung tư tưởng của chúng. Kế đó, tác giả khảo sát quan niệm của thánh Tôma Aquinô về misericordia nơi Thiên Chúa, cách riêng trong tương quan với công bình.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 70 - THÁNG 11/2015

CHỦ ĐỀ : PHỤC VỤ LỜI CHÚA

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành vào lúc sắp khai mạc Năm thánh ngoại thường về Lòng Chúa thương xót được mở ra nhân kỷ niệm 50 năm bế mạc công đồng Vaticanô II. Tuy nhiên, chủ đề về lòng Thương xót sẽ được dành cho số 71, còn đề tài của số này là “Phục vụ Lời Chúa” trùng với Năm thánh kỷ niệm 800 năm Tòa thánh châu phê “Dòng Anh Em Giảng thuyết” (1216-2016), một dòng tu được thành lập để phục vụ Lời Chúa đặc biệt bằng việc giảng thuyết. 

Lời giới thiệu PDF
Đây là cơ hội đặc biệt để học hỏi những đề tài quan trọng của công đồng Vaticanô II: Lời Chúa (Hiến chế Tín lý Dei Verbum về Mạc khải ) và Rao Truyền (Sắc lệnh Ad gentes). Chúng ta sẽ có dịp theo dõi sự tiến triển thần học của hai chủ đề ấy trong vòng nửa thế kỷ, được đánh dấu bởi những văn kiện nổi bật của Huấn quyền: 1/ Tông huấn Verbum Domini về Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội (2010). 2/ Tông huấn Evangelii gaudium về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay, nhắc lại những văn kiện Evangelii nuntiandi (1975) và Redemptoris missio (1990)

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 69 - THÁNG 8/2015

CHỦ ĐỀ : HY VỌNG

LỜI GIỚI THIỆU


 Lời giới thiệu PDF
Chủ đề của số báo được gợi ý từ tên gọi của văn kiện cuối cùng được ban hành của công đồng Vaticanô II: Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et spes), cũng như tựa đề của một tác phẩm của Hồng y Nguyễn Văn Thuận Đường Hy vọng. Đây là một đề tài thần học quan trọng nhưng ít được quan tâm trong thần học. Thật vậy, trong bộ ba nhân đức hướng Chúa, “hy vọng” (spes) thường bị bỏ quên, bởi vì xem ra tất cả nội dung của đời sống Kitô giáo đã được tóm gọn trong “tin” (tín lý) và “yêu” (luân lý). Thế nhưng, theo thánh Phaolô, hy vọng là điều tạo ra sự khác biệt giữa người Kitô hữu với kẻ vô đạo (x. Ep 2,12); thánh Phêrô cũng nhắc nhở các tín hữu hãy luôn sẵn sàng để trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình (1Pr 3,16). Đối lại, theo thi sĩ Dante, ở cửa vào hoả ngục có viết hai chữ: “Hết hy vọng”.

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 68 - THÁNG 5/2015

CHỦ ĐỀ: KHOA HỌC TÔN GIÁO

LỜI GIỚI THIỆU


TÔN GIÁO là một lãnh vực rộng lớn và có thể được nghiên cứu từ nhiều góc độ. Nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo đã được đề cập trong các số báo Thời sự thần học trước đây, chẳng hạn “Thần học về các tôn giáo”, số 13 (tháng 8 năm 1998); “Đối thoại liên tôn”, số 21 (tháng 9 năm 2000); “Đức tin và tín ngưỡng”, số 62 (tháng 11 năm 2013). Số này chú trọng đến các “Khoa học tôn giáo”. Đây không phải là câu chuyện tương quan giữa “khoa học” và “tôn giáo” (hoặc “khoa học với đức tin”), nhưng là những khoa học nghiên cứu về sự kiện tôn giáo. Thời xưa, dường như chỉ các “chức sắc tôn giáo” mới có thẩm quyền bàn luận chuyện tôn giáo, và giảng đường của họ là các nhà thờ và chùa chiền. Nhưng kể từ thế kỷ XIX, tại các đại học Âu Mỹ, với sự xuất hiện của các “khoa học tôn giáo”, các chuyên gia không hẳn là các chức sắc mà thậm chí có thể là những người không theo một tôn giáo nào. Các khoa học tôn giáo gồm nhiều bộ môn.

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 67 - THÁNG 02/2015

CHỦ ĐỀ: CON NGƯỜI

LỜI GIỚI THIỆU

Một trong những kỷ niệm quan trọng của đời sống Giáo hội trong năm 2015 là 50 năm bế mạc công đồng Vaticanô II. Công đồng này đã nhận được nhiều tên gọi, chẳng hạn như Công đồng về Giáo hội, bởi vì các văn kiện xoay quanh các vấn đề “Giáo hội đối nội – đối ngoại”; nhưng nếu đặt tên là Công đồng về con người thì cũng không sai. Trong bài giảng kết thúc công đồng (phiên họp long trọng lần thứ 9, ngày 7/12/1965), Đức thánh cha Phaolô VI nhìn nhận rằng công đồng Vaticanô II đã bàn về bản chất và sứ mạng của Giáo hội là nhằm phục vụ thế giới hôm nay, và nói cụ thể hơn nữa, nhằm phục vụ con người: “Tất cả kho tàng đạo lý nhằm đến một hướng duy nhất: phục vụ con người. Con người dưới hết mọi hoàn cảnh, dưới hết mọi yếu đuối, dưới hết mọi nhu cầu”. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 22 cũng viết: “Đức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho con người”.

Lời giới thiệu PDF
Vì lý do ấy, “con người” là một chủ đề quan trọng của thần học, và thậm chí trở thành một một môn chuyên ngành “anthropologia theologica” (nhân-luận thần-học).[1] Trong số này chúng tôi muốn trình bày vài khía cạnh thời sự của môn này, nhằm tìm hiểu những câu trả lời cho các vấn đề nhân sinh của thời đại : Thần học nói gì về con người? Con người gồm cả hồn và xác, có nam có nữ, con người hiện đại sống tại các đô thị, v.v..[2]

1. Những khoa học về con người. Bình Hoà điểm qua những ngành của các khoa học nhân văn (khoa học về con người: sciences de l’homme) và những khuynh hướng của môn nhân-học (anthropologie). Nhân luận triết học hoặc thần học chỉ là một ngành nhỏ trong toàn thể các bộ môn nhân học.

2. Nhân học của công đồng Vaticanô II. Giáo sư Francesco Scanziani phân tích những hướng đi của nhân-luận thần-học mà hiến chế Gaudium et spes đã mở ra, đặc biệt là đặt Đức Kitô làm trung tâm của nhân luận.

3. Nhân học của thánh Tôma Aquinô. Nếu công đồng Vaticanô II đã vạch ra chiều kích nhân học của mặc khải Kitô giáo, cha Mieczyslaw Albert Krapiec, O.P. cũng muốn cho thấy chiều kích nhân học trong bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquinô. Hẳn là một khám phá tuyệt vời, bởi vì ai cũng biết rằng tác phẩm “Tổng luận thần học” lấy Thiên Chúa làm trung tâm; tuy nhiên, ta có thể khám phá nơi tác phẩm này những đề tài chính yếu liên quan đến cơ cấu bản thể của con người, ý nghĩa đời người, những băn khoăn mà thuyết hiện sinh nêu lên.

4. Thần học thân xác. Con người là một hữu thể gồm bởi linh hồn và thân xác. Triết học và thần học đã bàn khá nhiều về linh hồn; nhưng “thần học về thân xác” là một chủ đề còn mới lạ, được Đức thánh cha Gioan Phaolô II khai triển trong loạt 129 bài huấn dụ vào dịp tiếp kiến chung các ngày thứ tư hằng tuần từ năm 1979 đến 1984. Những tư tưởng nổi bật được đức cha Jean Lafitte, tổng thư ký Hội đồng giáo hoàng về gia đình, giới thiệu trong một bài thuyết trình ngày 22/4/2010.

5. Phụ nữ. Cùng với giáo sư Maria Carmen Aparicio, chúng ta hãy điểm qua những văn kiện sau công đồng Vaticanô II bàn về Phụ nữ, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 20 năm Hội nghị thế giới về phụ nữ họp tại Bắc Kinh (1995), tại đây lần đầu tiên, một phụ nữ dẫn đầu đoàn đại biểu của Tòa thánh.[3] Tác giả phân tích những hoàn cảnh dưới thời Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II đưa đến những suy nghĩ và quyết định liên quan đến sứ mạng của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội.

6. Văn hóa đô thị. Một hiện tượng xã hội của thời đại hôm nay là việc đô-thị-hoá, với sự xuất hiện của các đô thị đông đúc (siêu-đô-thị megapolis), mang theo nhiều thay đổi trong tư duy và nếp sống. Làm thế nào thực hiện việc loan báo Tin Mừng tại các đô thị ? Đó là câu hỏi mà các giám mục Mỹ Châu Latinh nêu lên vào đầu thế kỷ XXI. Không lạ gì mà tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” của Đức thánh cha Phanxicô đã dành nhiều đoạn (số 71-75). Linh mục Carlos Maria Galli, người Argentina, nhìn lại các văn kiện của các Đức giáo hoàng và của Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh từ công đồng Vaticanô II đến nay liên quan đến kế hoạch “mục vụ đô thị”.

7. Thời sự thần học. Nhằm góp phần vào chương trình mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho năm 2015 “Tân Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến”, trong số báo này, chúng tôi xin đóng góp hai bài viết : 

– “Giáo xứ: lịch sử và thần học” của linh mục Phan Tấn Thành. Chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển của các giáo xứ trong lịch sử Giáo hội, cũng như sự tiến triển thần học về giáo xứ từ sau công đồng Vaticanô II.

– “Những góc độ tiếp cận thần học về đời sống thánh hiến” của linh mục Mario Midali. Có nhiều thứ thần học về đời sống thánh hiến, tuỳ theo văn thể, các phạm trù giải thích, các nhãn quan tổng thể. Tông huấn Vita consecrata muốn tổng hợp tất cả những khuynh hướng ấy.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

NỘI DUNG
------------
[1] Lưu ý về việc dịch thuật. Anthropologia (luận về con người) là một danh từ ghép bởi hai từ Hy-lạp anthropos (con người) và logos (lý luận, lời lẽ) và có thể dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ tương đương: nhân học, nhân luận, nhân loại học, nhân chủng học, nhân sinh quan, v.v.. 
[2] Nên biết là những câu hỏi liên quan đến Giáo huấn xã hội (đặc biệt là nhân quyền) đã được bàn trong số 60 (tháng 5/2013): “Đức tin và những vấn đề xã hội”. 
[3] Trước đây “Thời sự thần học” đã có những bài viết về phụ nữ, chẳng hạn như “Nữ thần học” (số 17, tháng 9/1999, trang 40-49); “Phụ nữ và bình đẳng trong nền văn hóa mới” (số 60, tháng 5/2013, trang 137-161).

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 66, THÁNG 11/2014

CHỦ ĐỀ: ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

LỜI GIỚI THIỆU

Lời giới thiệu PDF
Số báo đầu tiên của niên khóa 2014-15 được dành cho đề tài “Đời sống thánh hiến” bởi vì được phát hành vào lúc sắp khai mạc Năm Đời sống thánh hiến do đức thánh cha Phanxicô khởi xướng (từ 30/11/2014 đến 2/2/2016). Đời sống thánh hiến có thể được nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh, về lý thuyết cũng như thực hành. Các sách báo viết về đề tài này khá phong phú. Cách đây hai năm Thời sự thần học đã dành số 57 (08/2012) cho đề tài “Ơn gọi Linh mục và Tu sĩ”, với các bài “Đào tạo linh mục trong các dòng tu” (trang 37-74), “Thần học đời tu trong vòng 50 năm qua” (trang 177-202), “Điểm qua vài tựa sách về đời tu hôm nay” (trang 203-224)[1]. Trong số này, chúng tôi chỉ chọn lựa vài chủ đề mang tính định hướng tổng quát: những khuôn mẫu của đời tu trì Kitô giáo; vài sắc thái đặc biệt của đời tu trì Kitô giáo tại Việt Nam; những lối tu trì bên ngoài các Dòng.

1. Những “khuôn mẫu” của đời tu trì Kitô giáo trong lịch sử

– Trước hết, linh mục Giancarlo Rocca, SSP trình bày Những khuôn mẫu Kinh Thánh về đời tu trong ngàn năm thứ nhất. Ý nghĩa đời tu (nói chính xác hơn: đời đan tu) được giải thích qua năm khuôn mẫu rút từ Kinh thánh: tử đạo; phép rửa thứ hai; đời sống thiên thần; đời ngôn sứ; đời tông đồ. Những khuôn mẫu này còn được lặp lại thường xuyên ở các thế hệ kế tiếp. 

– Trải qua lịch sử, nhiều hình thức tu trì đã xuất hiện. Phải chăng đây chỉ là kết quả của sự tiến hóa, hay còn hàm chứa một ý nghĩa thần học? Linh mục Carlos Aspiroz Costa, nguyên Tổng quyền Dòng Đa Minh, trong bài viết Thần học về các hình thức lịch sử của đời thánh hiến, tìm cách vạch ra những điểm nhấn khác nhau trong quan niệm về Thiên Chúa, về tương quan với thế giới và nhân loại đàng sau 6 hình thức chính: đan tu, hành khất, giáo sĩ, phục vụ, chiêm niệm đường phố, tận hiến vì thế giới. 

2. Những nét đặc trưng của đời tu trì Kitô ở Việt Nam, với hai bài

– Về phía nam giới, linh mục Phan Tấn Thành phân tích Nguồn gốc đời tu trì Kitô giáo dưới hình thức các thầy giảng do các cha Dòng Tên khởi xướng. Từ hàng ngũ các thầy giảng, các vị Đại diện Tông toà đã tuyển chọn những linh mục người Việt đầu tiên. Dòng Đa Minh đã kiện toàn hai thể chế “thầy giảng” và “giáo sĩ” trong tổ chức “Nhà Đức Chúa Trời” tại các địa phận Đông Đàng Ngoài.

– Về phía nữ giới, đặc trưng của đời tu trì ở Việt Nam được biểu hiện nơi Dòng Mến Thánh Giá, do đức cha Lambert de la Motte thành lập. Nữ tu Anna Hồ Thị Quyết giới thiệu nguồn gốc và sự tiến triển của Dòng trong hơn ba thế kỷ vừa qua, cách riêng từ sau cuộc cải tổ theo chỉ thị của công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội năm 1934.

3. Bộ Giáo luật hiện hành chấp nhận hai lối sống tu trì bên ngoài các hội dòng, đó là: các ẩn sĩ và trinh nữ tận hiến. 

– Bộ Giáo luật 1983 đã phục hồi một hình thức tu trì cổ điển là Đời sống ẩn sĩ. Họ không phải là thành phần của một dòng tu nào hết. Sau khi đã trình bày sơ lược lịch sử của hình thức ẩn tu trong Giáo hội, chúng tôi trích dịch một quy luật do tổng giáo phận Tarragona (Tây Ban Nha) soạn thảo để hướng dẫn những người nhận được ơn gọi này.

– Một cách tương tự như vậy, các Trinh nữ tận hiến là một hình thức tận hiến đã xuất hiện từ các thế kỷ đầu của Kitô giáo và được bộ giáo luật 1983 khôi phục. Tiếc rằng Bộ luật tổng quát chỉ dành một điều ngắn gọn cho nếp sống này (đ. 604). Vì thế tài liệu của Hội đồng giám mục Italia được xuất bản vào tháng 3 năm 2014 thật là hữu ích, nhằm giúp cho các giám mục hướng dẫn những ai muốn sống lại ơn gọi cổ kính này, từ những chặng phân định ban đầu cho đến những chặng huấn luyện trước và sau việc thánh hiến. 

4. Số báo được bổ túc với hai bài mang tính thời sự: đối thoại liên tôn và đối thoại với văn hóa thời đại.

– Linh mục Gioan Phê Ny Ngân Giang, Dòng Đa Minh trình bày vài nét về Đời tu Phật giáo nguyên thuỷ. Đời tu Kitô giáo đã tiến triển rất nhiều trải qua dòng lịch sử. Điều tương tự cũng xảy ra bên Phật giáo. Chúng ta đã có dịp nhìn lại những động lực nguyên thuỷ của đời sống tu trì Kitô giáo; việc tìm hiểu động lực của Phật giáo nguyên thuỷ cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ. 

– Với đề tài Tu là một chọn lựa tự do, tu là cõi phúc dành cho ai dám chết, Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga, C.N.D., đọc lại ý nghĩa đời tu dựa trên một khát vọng của con người thời đại: “tự do”, được giải thích theo bối cảnh lịch sử cứu độ và tư tưởng của thánh Augustinô. 

5. Cuối cùng, Phần phụ lục gồm có: giải thích ý nghĩa Logo Năm Thánh (hình bìa 1) và giới thiệu một số sách về Đời sống tâm linh và tu trì do anh em Đa Minh phát hành.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

-----------
[1] Những số cũ hơn: Số 8 (tháng 6/1997) “Thần học về đời sống thánh hiến”; Số 33 (tháng 9/2003) “Ba lời khuyên Phúc Âm”.

NỘI DUNG___________
  1. LỜI GIỚI THIỆU
  2. NHỮNG KHUÔN MẪU CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG NGÀN NĂM THỨ NHẤT__Giancarlo Rocca
  3. THẦN HỌC VỀ CÁC HÌNH THÁI LỊCH SỬ CỦA ĐỜI THÁNH HIẾN__Carlos Alfonso Azpiroz Costa
  4. NGUỒN GỐC ĐỜI TU TRÌ KITÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM__Phan Tấn Thành
  5. DÒNG MẾN THÁNH GIÁ : ĐÔI NÉT VỀ NGUỒN GỐC VÀ PHÁT TRIỂN__Hồ Thị Quyết
  6. ĐỜI SỐNG ẨN SĨ : VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ, QUY CHẾ DÀNH CHO CÁC ẨN SĨ CỦA GIÁO PHẬN TARRAGONA, TÂY BAN NHA__Bình Hoà
  7. CÁC TRINH NỮ TẬN HIẾN__Uỷ Ban Giáo sĩ vàTu sĩ, HĐGM Italia
  8. ĐỜI TU PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ : CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT__Phê Ny Ngân Giang
  9. TU LÀ MỘT CHỌN LỰA TỰ DO, TU LÀ CÕI PHÚC DÀNH CHO AI DÁM CHẾT__Maria Lê Thị Thanh Nga
  10. Ý NGHĨA LOGO NĂM THÁNH
  11. MỘT SỐ SÁCH VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH (xem bên dưới)

MỘT SỐ SÁCH VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH VÀ TU TRÌ (Tr. 219)______

Phan Tấn Thành biên soạn

Đời sống tâm linh (12 tập - còn tiếp)
Tập 1-Dẫn nhập các khoa học tôn giáo; 
Tập 2-Những đường hướng linh đạo nổi bật trong Kitô giáo; 
Tập 3-Thần học về Đời sống Tâm linh Kitô giáo; 
Tập 4-Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo; 
Tập 5-Truyền thống tâm linh trong các Giáo hội Đông phương; 
Tập 6-Những hình thức tu trì Kitô giáo; 
Tập 7-Cầu nguyện Kitô giáo: Lịch sử và thần học; 
Tập 8-Nhân sinh quan Kitô giáo; 
Tập 9-Bí tích tình yêu; 
Tập 10-Cử hành Bí tích tình yêu; 
Tập 11-Thần học đức tin; 
Tập 12-Các nhân đức Kitô giáo (Ấn hành tháng 10/2014).

Giải thích giáo luật (5 tập)
Tập 3-Hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ.

Anh em Đa Minh biên tập, chuyển ngữ và ấn hành

Theo Chúa Kitô (2 tập)
Tập 1-Các Văn kiện đời tu: Từ công đồng Vatican II đến Tông huấn Vita Consercrata (1996); 
Tập 2-Các Văn kiện đời tu: Các bài giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, Các huấn thị của Bộ tu sĩ, Phụ lục học tập Vita Consercrata và hướng dẫn giáo luật về đời sống thánh hiến.

Đỗ Ngọc Bảo (+2011) chuyển ngữ (sẽ tái bản 2015)

Đời tu (5 tập)José Cristo Rey Garcia Paredes, cmf
Tập 1-Đời tu xưa và nay; 
Tập 2-Ơn gọi và đặc sủng; 
Tập 3-Sứ vụ; 
Tập 4-Hiệp thông và cộng đoàn; 
Tập 5-Lời Khuyên Phúc Âm

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 65, THÁNG 8/2014

CHỦ ĐỀ : GIÁO HỘI HỌC & THÁNH MẪU HỌC

Phát hành ngày 15/8/2014 -  Đại Lễ  Đức Mẹ Mông Triệu
- Mừng 20 năm phát hành Số đầu tiên của "Thời sự Thần học" 
- Mừng 13 Anh Em Đa Minh tuyên khấn trọng

Trong khi chờ đợi số 65, độc giả có thể đọc các số đã phát hành liên quan đến chủ đề này:
- Giáo hội học sau Vatican II (số 1 - tháng 8/1994 )
Những đường hướng Thánh mẫu học (số 1 - tháng 8/1994 )
- Thiên sứ truyền tin cho Đức trinh nữ Maria (số 3 - tháng 2/1995)
- Giáo hội Chúa Kitô (số 29 - tháng 9/2002) 

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành để kỷ niệm 50 năm ban hành hiến chế Lumen gentium của công đồng Vaticanô II về Hội thánh (24/11/1964). Dĩ nhiên, trong vòng nửa thế kỷ vừa qua, rất nhiều sách báo đã được viết về Hội thánh đến nỗi có người đã nói rằng thế kỷ XX là “thế kỷ của Hội thánh”, nhưng như thường lệ, chúng tôi chỉ chọn lựa vài vấn đề mang tính “thời sự”.

Lời giới thiệu PDF
1. Mở đầu là bài Giới thiệu thông điệp Ecclesiam suam của đức thánh cha Phaolô VI được ban hành ngày 6/8/1964. Thông điệp này không chỉ vạch ra đường hướng hoạt động của một tân giáo hoàng nhưng còn muốn định hướng cho tất cả hướng đi của công đồng Vaticanô II: Hội thánh cần ý thức sâu xa bản tính của mình, để rồi từ đó xác định sứ mạng của mình trong thế giới. Các văn kiện của Công đồng lấy Hội thánh làm tâm điểm, và khám phá những tương quan hướng thượng, hướng nội và hướng ngoại của mình. Với thông điệp này, thuật ngữ “đối thoại” được du nhập vào các văn kiện Toà thánh. Bài viết này cũng muốn tưởng nhớ vị giáo hoàng sắp được tôn phong chân phước ngày 19 tháng 10 tới đây.

2. Để hiểu rõ sự đóng góp của Vaticanô II cho Giáo hội học, linh mục Eloy Bueno de la Fuente đưa chúng ta ngược lại dòng lịch sử. Hội thánh xuất hiện đồng thời với Kitô giáo, nhưng Giáo hội học thì ra đời muộn hơn mười hai thế kỷ! Trước khi trở thành một khảo luận biệt lập, Hội thánh đã được các giáo phụ và thánh Tôma bàn trong một tổng bộ rộng lớn của lịch sử cứu độ. Tác giả nêu bật những yếu tố văn hóa và xã hội đã đưa đến những mô hình khác nhau về Hội thánh trong bảy thế kỷ gần đây cho đến công đồng Vaticanô II, trải qua bảy giai đoạn.

3. Vaticanô II thường được đặt tên là một “Công đồng về Giáo hội”, bởi vì đề tài này được bàn trong hầu hết các văn kiện. Tuy nhiên, Công đồng không đưa ra một định nghĩa về Giáo hội. Sau Công đồng, nhiều tác giả nhấn mạnh đến một “ý tưởng chủ” của Công đồng, chẳng hạn như: Dân Thiên Chúa, Hiệp thông, Thân thể Chúa Kitô, Bí tích, Mầu nhiệm, Nước Thiên Chúa... Làm thế nào có được một cái nhìn bao quát về Giáo hội? Thượng hội đồng các giám mục 1985 đã tổng hợp tư tưởng chính của bốn hiến chế của Công đồng và rút gọn vào mô hình ba chiều: “mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”. Tuy nhiên, điểm trọng tâm của ba chiều kích này đã chuyển từ Giáo hội sang Thiên Chúa Ba Ngôi. Nữ tu Đinh Thị Sáng trình bày nội dung phong phú của mô hình này để hiểu rõ bản chất và sứ mạng của Giáo hội.

4. Sau Công đồng, hầu hết những suy tư thần học về Giáo hội đều xoay quanh bốn chương đầu của hiến chế Lumen gentium, và ít để ý đến chương thứ năm về ơn gọi nên thánh. Nói khác đi, sự thánh thiện cũng thuộc về bản chất của Giáo hội, như cha Nguyễn Văn Am, SDB cho thấy trong bài thuyết trình tại Trung tâm Học vấn Đa Minh nhân cuộc hội thảo vào ngày áp lễ tuyên phong hiển thánh cho hai vị giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II (26/4/2014), “Công đồng Vatican II: Sự thánh thiện Kitô hữu – thành tựu hay lên đường? Hồng ân và trách nhiệm.” 

5. Với cuộc bỏ thăm ngày 29 tháng 10 năm 1963, công đồng Vaticanô II đã quyết định bàn về Đức Maria trong hiến chế về Hội thánh, thay vì dành một văn kiện biệt lập. Bài viết của cha Salvatore Perrella, Giám đốc Học viện Thánh Mẫu học Marianum (Rôma) trình bày những đường hướng Thánh mẫu học của Công đồng, và những tiến triển trong vòng 50 năm qua. Bài này chú trọng đến lãnh vực suy tư thần học. Trong lãnh vực tôn kính, Thời sự thần học số 64 vừa rồi đã có một bài về “Lòng đạo đức kính Đức Mẹ trong bối cảnh của lòng đạo đức bình dân” (tr. 104–139).

6. Hai bài cuối cùng mang tính “thời sự”. “Hiện tượng tục hóa: quan điểm xã hội học và thần học” là đề tài thuyết trình của linh mục Phan Tấn Thành tại buổi thường huấn dành cho các giáo sư đại chủng viện tại Đà Lạt vào đầu tháng 7 năm nay. Thuật ngữ “tục hóa” – dịch danh từ secularisation – là một hiện tượng hàm hồ, bởi vì không những từ ngữ này mang nhiều ý nghĩa, mà sự giải thích hiện tượng cũng phức tạp: đâu là nguyên nhân của hiện tượng này (do sự tiến triển của khoa học, hay là bắt nguồn từ Thánh kinh)? Đó là một thắng lợi hay thiệt hại cho đời sống đức tin? 

7. Để kỷ niệm 50 năm thành lập, Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn đã xuất bản (vào ngày 19 tháng 5 năm nay) tài liệu “Đối thoại trong sự thật và yêu thương. Hướng dẫn mục vụ về đối thoại liên tôn”. Chúng tôi xin giới thiệu những nét chính về hoạt động của cơ quan này cũng như của văn kiện. Việc đối thoại liên tôn không chỉ dành cho các chuyên viên, nhưng là một công việc diễn ra thường ngày cho mỗi Kitô hữu, qua những cuộc gặp gỡ những người không cùng tín ngưỡng trong xã hội. Với bài dành cho đối thoại liên tôn trong số này, Thời sự Thần học đã có dịp đề cập đến ba “vòng đối thoại” của thông điệp Ecclesiam suam, sau những bài về đối thoại với người vô thần (số 62) và đối thoại đại kết (số 63).

Một vài chủ đề khác về Hội thánh sẽ được tiếp tục khai triển trong những số tới, trùng với “Năm về Đời sống Thánh hiến” cũng như kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng (2015).

TTHVĐM

TRONG SỐ NÀY

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 64, THÁNG 05/2014

CHỦ ĐỀ: PHỤNG VỤ VÀ LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN

Phát hành ngày 26/04/2014, nhân dịp Giáo hội tuyên phong hiển thánh cho hai Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 50 năm ban hành Hiến chế Phụng vụ (ngày 4 tháng 12 năm 1963). Đây là văn kiện đầu tiên của công đồng Vaticanô II được biểu quyết, bởi vì các nghị phụ nghĩ rằng đây chỉ là chuyện “mục vụ”, không gây ra nhiều tranh luận sôi nổi (khác với các đề tài về mặc khải, Giáo hội, Đức Mẹ, v.v.). Những năm sau công đồng mới cho thấy rằng phụng vụ trở thành nguyên nhân cho một cuộc ly khai do đức cha Marcel Lefèbvre khởi xướng: việc chống đối cuộc cải tổ phụng vụ lôi kéo theo việc bác bỏ các văn kiện khác của công đồng Vaticanô II. Thật là một sự cố khó có thể lường trước được!

Đã có nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhân dịp biến cố này, đó là chưa kể các biên khảo về phụng vụ được xuất bản suốt 50 năm qua. Số báo này chỉ muốn trình bày vài khía cạnh “thời sự”, cách riêng hai văn kiện do Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích ban hành: Nghi thức trừ tà (1998) và Lòng đạo đức bình dân (2001). 

1. Để mở đầu, chúng ta hãy nhìn lại thời sự của việc cải tổ phụng vụ từ công đồng Vaticanô II đến nay. Trong bài thuyết trình, “Nhìn lại 50 năm Hiến chế Sacrosanctum concilium”, cha Juan Miguel Ferrer, Phó tổng thư ký Bộ Phụng tự, không bàn về những kết quả của văn kiện này đối với đời sống đạo hoặc việc nghiên cứu thần học, nhưng điểm qua các văn kiện của Toà thánh, tác giả vạch ra những bước chuyển hướng qua ba giai đoạn, tương ứng với ba triều đại giáo hoàng: “cải tổ” (đức Phaolô VI), “đổi mới” (đức Gioan Phaolô II), “đào sâu” (đức Bênêđictô XVI). Trong phần phụ trương, chúng tôi sẽ liệt kê danh mục các sách nghi thức được duyệt lại từ sau công đồng.

2. Dưới tựa đề “Satan trong phụng vụ”, chúng tôi không chỉ muốn giới thiệu sơ lược nội dung Nghi thức trừ tà được xuất bản năm 1998, nhưng nhất là trình bày thần học về Satan, một đề tài ít khi được giảng dạy tại các học viện thần học (tuy có nơi cũng xếp thành một bộ môn riêng demonology). Trong cuộc tranh luận thần học chung quanh sự hiện hữu của thực tại bí ẩn này vào những năm sau công đồng, các bản văn phụng vụ đã được trưng dẫn như là chứng tích cho niềm tin của Hội thánh.

3. Để bổ túc cho đề tài vừa rồi mang tính cách tiêu cực, nữ tu Đinh Thị Sáng sẽ trình bày Thần học về các thiên thần. Thật vậy, các sách thần học cổ điển chỉ bàn về các thiên thần (De Angelis, Angelologia), còn ma quỷ chỉ là một phụ trương. Tác giả sẽ rảo qua sự tiến triển của quan niệm về các thiên thần từ Cựu Ước sang Tân Ước, cũng như trải qua các thời đại của lịch sử Giáo hội. Có những khúc quặt đáng kể: trong Cựu Ước, thuật ngữ “sứ giả của Thiên Chúa” có khi đồng nghĩa với chính Thiên Chúa có khi là một thực thể khác với Thiên Chúa; vào thời giáo phụ, nảy ra ý tưởng xếp phẩm cấp các thiên thần. Khỏi nói ai cũng biết, các thiên thần là những nhân vật chủ chốt trong phụng vụ, như chúng ta vẫn được nghe mỗi ngày trong kinh Tiền Tụng: “hợp cùng các ca đoàn thiên thần trên trời... chúng con hân hoan ca tụng”.

4. Ngoài việc soạn thảo các sách Nghi thức cử hành phụng vụ, Bộ Phụng tự còn quan tâm đến việc dịch thuật cùng với việc hội nhập văn hoá. Một Huấn thị về việc hội nhập văn hoá đã được ban hành năm 1994 (Varietates legitimae). Chiều kích văn hoá còn được lưu tâm trong một văn kiện xuất bản với tựa đề “Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng” (năm 2001). Văn kiện không những đưa ra những hướng dẫn lý thuyết và thực hành về tương quan giữa lòng đạo đức bình dân với phụng vụ, mà còn xác định ý nghĩa của các thuật ngữ chuyên môn tựa như: “việc đạo đức” (pio esercizio), “việc sùng mộ” (devozioni), “lòng đạo đức bình dân” (pietà popolare), “tín ngưỡng bình dân” (religiosità popolare). Cha Corrado Maggioni sẽ giới liệu sơ lược văn kiện, và đặc biệt phân tích những đoạn bàn về lòng đạo đức bình dân đối với Đức Mẹ Maria.

5. Cốt lõi của phụng vụ không phải là những nghi thức bên ngoài nhưng là tâm tình cầu nguyện. Trong chiều hướng hội nhập văn hoá, Phê-ny Ngân Giang và Huỳnh Hữu Phúc muốn tìm hiểu “Thiền và cầu nguyện: Hướng đến một cuộc đối thoại tâm linh”. Sau khi đã xác định những quy tắc hướng dẫn việc đối thoại tâm linh dựa trên các văn kiện của Toà thánh và của FABC, các tác giả phân tích những nét chính của Thiền cũng như của Cầu nguyện Kitô giáo, để từ đó so sánh giữa “mục đích – phương tiện – thầy dạy - ngã vị và vô ngã” của đôi bên, và đưa ra một đề nghị áp dụng vipassana trong cầu nguyện Kitô giáo. 

6. Tiếp tục chiều hướng đối thoại văn hoá, tiến sĩ Lý Tùng Hiếu, Giảng viên chính tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho chúng ta biết về “Tôn giáo cư dân Nam Bộ: Cái nhìn tổng quan”. Để tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, chúng ta cần biết đến hiện tượng tôn giáo trên lãnh thổ này, với một bản đồ khá phức tạp bởi vì không chỉ giới hạn vào Tam giáo cổ truyền (Nho – Phật – Lão).

7. Số báo kết thúc với việc giới thiệu một tác phẩm do cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ làm chủ biên, đã đoạt được giải thưởng Carlo Martini hồi trung tuần tháng 2 vừa qua tại Milano: The Bible and Asian Culture. Reading the Word of God in its cultural Background and in the Vietnamese context.

TTHVĐM