Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 64, THÁNG 05/2014

CHỦ ĐỀ: PHỤNG VỤ VÀ LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN

Phát hành ngày 26/04/2014, nhân dịp Giáo hội tuyên phong hiển thánh cho hai Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 50 năm ban hành Hiến chế Phụng vụ (ngày 4 tháng 12 năm 1963). Đây là văn kiện đầu tiên của công đồng Vaticanô II được biểu quyết, bởi vì các nghị phụ nghĩ rằng đây chỉ là chuyện “mục vụ”, không gây ra nhiều tranh luận sôi nổi (khác với các đề tài về mặc khải, Giáo hội, Đức Mẹ, v.v.). Những năm sau công đồng mới cho thấy rằng phụng vụ trở thành nguyên nhân cho một cuộc ly khai do đức cha Marcel Lefèbvre khởi xướng: việc chống đối cuộc cải tổ phụng vụ lôi kéo theo việc bác bỏ các văn kiện khác của công đồng Vaticanô II. Thật là một sự cố khó có thể lường trước được!

Đã có nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhân dịp biến cố này, đó là chưa kể các biên khảo về phụng vụ được xuất bản suốt 50 năm qua. Số báo này chỉ muốn trình bày vài khía cạnh “thời sự”, cách riêng hai văn kiện do Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích ban hành: Nghi thức trừ tà (1998) và Lòng đạo đức bình dân (2001). 

1. Để mở đầu, chúng ta hãy nhìn lại thời sự của việc cải tổ phụng vụ từ công đồng Vaticanô II đến nay. Trong bài thuyết trình, “Nhìn lại 50 năm Hiến chế Sacrosanctum concilium”, cha Juan Miguel Ferrer, Phó tổng thư ký Bộ Phụng tự, không bàn về những kết quả của văn kiện này đối với đời sống đạo hoặc việc nghiên cứu thần học, nhưng điểm qua các văn kiện của Toà thánh, tác giả vạch ra những bước chuyển hướng qua ba giai đoạn, tương ứng với ba triều đại giáo hoàng: “cải tổ” (đức Phaolô VI), “đổi mới” (đức Gioan Phaolô II), “đào sâu” (đức Bênêđictô XVI). Trong phần phụ trương, chúng tôi sẽ liệt kê danh mục các sách nghi thức được duyệt lại từ sau công đồng.

2. Dưới tựa đề “Satan trong phụng vụ”, chúng tôi không chỉ muốn giới thiệu sơ lược nội dung Nghi thức trừ tà được xuất bản năm 1998, nhưng nhất là trình bày thần học về Satan, một đề tài ít khi được giảng dạy tại các học viện thần học (tuy có nơi cũng xếp thành một bộ môn riêng demonology). Trong cuộc tranh luận thần học chung quanh sự hiện hữu của thực tại bí ẩn này vào những năm sau công đồng, các bản văn phụng vụ đã được trưng dẫn như là chứng tích cho niềm tin của Hội thánh.

3. Để bổ túc cho đề tài vừa rồi mang tính cách tiêu cực, nữ tu Đinh Thị Sáng sẽ trình bày Thần học về các thiên thần. Thật vậy, các sách thần học cổ điển chỉ bàn về các thiên thần (De Angelis, Angelologia), còn ma quỷ chỉ là một phụ trương. Tác giả sẽ rảo qua sự tiến triển của quan niệm về các thiên thần từ Cựu Ước sang Tân Ước, cũng như trải qua các thời đại của lịch sử Giáo hội. Có những khúc quặt đáng kể: trong Cựu Ước, thuật ngữ “sứ giả của Thiên Chúa” có khi đồng nghĩa với chính Thiên Chúa có khi là một thực thể khác với Thiên Chúa; vào thời giáo phụ, nảy ra ý tưởng xếp phẩm cấp các thiên thần. Khỏi nói ai cũng biết, các thiên thần là những nhân vật chủ chốt trong phụng vụ, như chúng ta vẫn được nghe mỗi ngày trong kinh Tiền Tụng: “hợp cùng các ca đoàn thiên thần trên trời... chúng con hân hoan ca tụng”.

4. Ngoài việc soạn thảo các sách Nghi thức cử hành phụng vụ, Bộ Phụng tự còn quan tâm đến việc dịch thuật cùng với việc hội nhập văn hoá. Một Huấn thị về việc hội nhập văn hoá đã được ban hành năm 1994 (Varietates legitimae). Chiều kích văn hoá còn được lưu tâm trong một văn kiện xuất bản với tựa đề “Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng” (năm 2001). Văn kiện không những đưa ra những hướng dẫn lý thuyết và thực hành về tương quan giữa lòng đạo đức bình dân với phụng vụ, mà còn xác định ý nghĩa của các thuật ngữ chuyên môn tựa như: “việc đạo đức” (pio esercizio), “việc sùng mộ” (devozioni), “lòng đạo đức bình dân” (pietà popolare), “tín ngưỡng bình dân” (religiosità popolare). Cha Corrado Maggioni sẽ giới liệu sơ lược văn kiện, và đặc biệt phân tích những đoạn bàn về lòng đạo đức bình dân đối với Đức Mẹ Maria.

5. Cốt lõi của phụng vụ không phải là những nghi thức bên ngoài nhưng là tâm tình cầu nguyện. Trong chiều hướng hội nhập văn hoá, Phê-ny Ngân Giang và Huỳnh Hữu Phúc muốn tìm hiểu “Thiền và cầu nguyện: Hướng đến một cuộc đối thoại tâm linh”. Sau khi đã xác định những quy tắc hướng dẫn việc đối thoại tâm linh dựa trên các văn kiện của Toà thánh và của FABC, các tác giả phân tích những nét chính của Thiền cũng như của Cầu nguyện Kitô giáo, để từ đó so sánh giữa “mục đích – phương tiện – thầy dạy - ngã vị và vô ngã” của đôi bên, và đưa ra một đề nghị áp dụng vipassana trong cầu nguyện Kitô giáo. 

6. Tiếp tục chiều hướng đối thoại văn hoá, tiến sĩ Lý Tùng Hiếu, Giảng viên chính tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho chúng ta biết về “Tôn giáo cư dân Nam Bộ: Cái nhìn tổng quan”. Để tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, chúng ta cần biết đến hiện tượng tôn giáo trên lãnh thổ này, với một bản đồ khá phức tạp bởi vì không chỉ giới hạn vào Tam giáo cổ truyền (Nho – Phật – Lão).

7. Số báo kết thúc với việc giới thiệu một tác phẩm do cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ làm chủ biên, đã đoạt được giải thưởng Carlo Martini hồi trung tuần tháng 2 vừa qua tại Milano: The Bible and Asian Culture. Reading the Word of God in its cultural Background and in the Vietnamese context.

TTHVĐM