Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

LƯỢC SỬ ĐÔNG NAM Á

Thời sự Thần học - số 77, tháng 08/2017, tr. 11-58

_Nguyễn Quốc Minh Tuấn, O.P._

Dẫn Nhập
I. Một số tiền đề về vùng đất và con người Đông Nam Á.
  1. Tên gọi và ý nghĩa.
  2. Địa hình và điều kiện tự nhiên.
  3. Bối cảnh văn hóa.
II. Lược sử Đông Nam Á.
  1. Các quốc gia sơ kỳ.
  2. Các quốc gia đảo hay thương mại hàng hải.
  3. Các vương quốc nông nghiệp trên đất liền.
  4. Các quốc gia phong kiến ảnh hưởng Khổng giáo.
  5. Đông Nam Á thế kỷ XVI-XIX.
  6. Đông Nam Á với phong trào giải phóng dân tộc.
Kết luận. Đông Nam Á ngày nay. 

Dẫn nhập


Ngày xưa, khi nói đến Đông Nam Á, có lẽ có nhiều cách nghĩ khác nhau. Ví dụ, khi nói về Thái Lan, Indonesia, người ta thường nghĩ đến một thiên đường nhiệt đới với thảm thực vật xanh ngát, các bãi biển và đại dương tuyệt đẹp, cùng với các vũ công trong trang phục truyền thống, vv… Tuy nhiên, giờ đây thì không hẳn như thế. Nếu như ngày xưa, Đông Nam Á là một xã hội truyền thống, nề nếp, thanh bình, sống hài hòa với thiên nhiên, tĩnh tại, yên bình trong lũy tre làng, sớm tối tắt đèn có nhau, thì giờ đây khá là khác biệt với sự xâm nhập của các giá trị Tây phương như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa dân tộc và những yếu tố ngoại lai khác của thế giới hiện đại. Có thể nói, Đông Nam Á giờ đây là một bức tranh tổng hợp nhiều màu sắc sáng tối, phức tạp; một bên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, còn một bên là các cấu trúc xã hội phức tạp, tăng trưởng kinh tế, chính trị, văn hóa mạnh mẽ, đồng thời ngày càng tự tin vào vị trí đặc biệt của mình trong đấu trường chính trị toàn cầu.

Dưới cái nhìn của Giáo Hội, Đông Nam Á là một khu vực thực sự năng động, là mảnh đất tươi tốt để gieo vãi hạt giống Tin Mừng. Thực vậy, thuộc về Châu Á, một vùng đất được mệnh danh là chiếc nôi tôn giáo, người Đông Nam Á cũng sở hữu những nét đẹp cao quý về đời sống tâm linh và cảm thức sâu xa về đời sống luân lý trong tương quan với Đấng thiêng liêng. Nói về điều này, thánh Gioan Phaolô II, trong tông huấn Ecclesia in Asia số 6, đã nhận định như sau:
Các dân tộc Á Châu nổi tiếng có tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hoà bình. […] Châu Á thường tỏ ra có một khả năng thích nghi đặc biệt và cởi mở tự nhiên đối với nền phong phú các dân tộc, giữa tình trạng đa nguyên tôn giáo và văn hoá. Hơn nữa, mặc dầu bị ảnh hưởng của hiện đại hoá và trần tục hoá, các tôn giáo ở Châu Á tỏ lộ dấu chỉ của một sức sống mạnh mẽ và một khả năng đổi mới […] Nhiều người, nhất là người trẻ, cảm nghiệm một khát vọng sâu xa đối với những giá trị thiêng liêng, như được chứng tỏ qua sự xuất hiện nhiều phong trào tôn giáo mới.
Nhân dịp kỷ niệm 50 thành lập khối ASEAN, thiết nghĩ đây là dịp thuận tiện để nhìn lại lịch sử hình thành các quốc gia trong khu vực này. Bài viết dưới đây là bảng tóm tắt lịch sử của Đông Nam Á, dẫn ra một vài đặc trưng chính trong lịch sử, đồng thời cung cấp một cái nhìn tổng quát về quá trình phát triển chính trị, kinh tế và văn hóa chung của khu vực. Kiến thức về lịch sử Đông Nam Á, thậm chí đến ngày nay, vẫn còn đang được mở ra với tốc độ rất nhanh do sự phát triển cũng như sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu nhân chủng và khảo cổ học dành cho khu vực, cách đặc biệt giữa các học giả chính gốc Đông Nam Á. Mặc dù nhiều nghiên cứu mới đang quay về quá khứ rất xa, thế nhưng những hiểu biết về lịch sử khu vực trước thế kỷ IX vẫn chỉ mới là những nét phác thảo, và tất cả những gì biết được về Đông Nam Á trước thế kỷ III đều mờ mịt và rời rạc. Tuy nhiên, với các dữ liệu ngày càng phong phú, chúng ta có thể có thêm dữ kiện để hiểu lịch sử Đông Nam Á xét như một khối thống nhất.

Vì chỉ là một chuyến hành trình ngắn ngủi ngang qua 19 thế kỷ hình thành Đông Nam Á, nên không thể đi sâu vào chi tiết tất cả những địa danh, quốc gia xuất hiện trong lịch sử. Tuy nhiên, người viết cũng cố gắng đưa một vài thông tin khái quát về những địa danh và quốc gia này. Độc giả có thể tìm hiểu thêm bằng cách tra cứu các nguồn sử liệu về Đông Nam Á hoặc trên trang mạng Wikipedia.

I. Một số tiền đề về vùng đất và con người Đông Nam Á


1. Tên gọi và ý nghĩa


Tên gọi Đông Nam Á chỉ mới xuất hiện gần đây, được sử dụng suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai để miêu tả các lãnh thổ thuộc lục địa Đông Á tạo thành bán đảo Đông Dương và quần đảo rộng lớn bao gồm Indonesia và Philippines. Với các sách thời đầu viết về Đông Nam Á, các tác giả ghi nhận khu vực này thuộc về vùng Hạ chí tuyến nằm dưới quyền kiểm soát của đô đốc Louis Mountbatten, bao gồm cả Sri Lanka, vì đất nước hải đảo này cũng có “cùng kinh nghiệm” là thuộc địa của các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh, đồng thời “có quan hệ rất gần gũi với Bán đảo Mã Lai.”[1] Mặt khác, D.G.E. Hall, trong ấn bản thứ nhất của quyển lịch sử đồ sộ về Đông Nam Á, đã loại bỏ Philippines vì đất nước này nằm ngoài dòng lịch sử phát triển chính của khu vực.[2] Ngày nay, hầu hết các nhà nghiên cứu và học giả đều sử dụng hạn từ Đông Nam Á để chỉ khu vực địa lý bao gồm các quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam ở vùng lục địa, và nhóm hải đảo bao gồm Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia, Philippines.

Trước đây, Đông Nam Á thường bị xem là “con cái” của hai cường quốc láng giềng là Ấn Độ và Trung Quốc. Thực vậy, các học giả Anh, Pháp và Ấn Độ gọi Đông Nam Á là “Ngoại Ấn Độ,” “Đại Ấn Độ,” “Các Quốc Gia Bị Hinđu-hóa, Ấn-Độ-Hóa”; còn hầu hết các sách Trung Quốc đều xác định Đông Nam Á là Côn Lôn (Kun Lun) hay Nam Dương (Nam Yang), Tiểu Trung Quốc. Chưa hết, vẫn còn rất đông các nhà nghiên cứu khác xem phần đất liền của Đông Nam Á bao gồm Lào, Việt Nam, Campuchia là bán đảo Trung-Ấn (Indochina) vì nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhà địa lý nổi tiếng George B. Cressey đề xuất gọi Đông Nam Á là “Ấn Độ-Thái Bình Dương” (Indo-Pacific) vì nằm giữa hai đại dương và hai nền văn hóa.[3]

Có lẽ các thuật ngữ trên đây xuất phát từ việc xem Đông Nam Á chỉ có tầm quan trọng thứ yếu trong khoảng thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bên cạnh đó, lý do của sự quan tâm không đúng mức tới nền văn hóa bản địa của các dân tộc Đông Nam Á là do Ấn Độ và Trung Quốc là hai đại cường quốc có nền văn minh được tạo dựng rất sớm trước khi bắt đầu lịch sử của bản thân Đông Nam Á. Và chỉ nhờ thông qua tác động thụ phấn của các nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc mà nền văn hóa của vùng này mới bắt đầu phát triển và đạt được tầm vĩ đại. Tuy nhiên cần để ý để tránh không bị rơi vào thái độ này, vì thực tế các vùng thuộc Đông Nam Á không phải chỉ là những nền văn hóa phụ thuộc của Ấn Độ và Trung Quốc mà có đặc tính riêng hết sức rõ nét. Nền nghệ thuật và kiến trúc đã phát triển rực rỡ ở Ăngco, Pagan, miền Trung Java và vương quốc cổ Chămpa đã minh chứng điều đó. Vì thế, muốn có chìa khóa thực sự để thấu hiểu được điều này, người ta phải nghiên cứu các nền văn hóa bản xứ của các dân tộc đã tạo ra nó và cần thấy rằng tất cả các nền văn hóa này đều đã phát triển theo những hướng riêng biệt rõ nét.

Dẫu trong vài thập kỷ trước, Đông Nam Á phải trải qua nhiều bi kịch, và chỉ được thế giới biết đến qua những cuộc chiếm đoạt và xâu xé, bị xem là “ống thông gió,” hay “ngã tư đường,” thế nhưng khu vực này thực sự có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ lịch sử thế giới, từ những bước đi đầu tiên của loài người do những điều kiện tự nhiên thuận lợi của nó, cũng như trong từng chặng đường lịch sử do vị trí địa lý của khu vực. Vì thế, Đông Nam Á xứng đáng được xem là một trong những trung tâm văn minh – ít là ở những giai đoạn lịch sử nhất định – một trong những trung tâm thu-phát văn hóa và một trong những trung tâm kinh tế chứ không phải chỉ là một cái chợ chuyên buôn bán hàng hóa nước ngoài.

2. Địa hình và điều kiện tự nhiên


Về mặt địa hình, Đông Nam Á rộng khoảng 4.494.047 km², trải dài từ khoảng 92o – 140o kinh Đông và từ khoảng 28o vĩ Bắc, chạy qua Xích Đạo đến 15o vĩ Nam. Về địa lý mà nói, Đông Nam Á nằm trong vành đai gió mùa Xích Đạo, trừ một phần nhỏ của Myanmar, và có thể xem bao gồm hai khu vực địa lý: đất liền (Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam) và hải đảo (Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia, Philippines).

Phần đất liền của Đông Nam Á bao gồm nhiều dãy núi và dòng sông khác nhau chạy theo hướng Bắc-Nam, hầu hết bắt nguồn từ Tây Tạng. Theo George Cressey, người ta có thể tưởng tượng Tây Tạng như một “điểm nút hay vùng lõi phức tạp mà từ đó các dãy núi tỏa ra như các xúc tu của bạch tuộc,”[4] chia tách các vùng dân cư. Các con sông và suối nước chính cũng chảy theo hướng Bắc-Nam, ít nhiều gây cản trở trong việc qua lại giữa hai miền Đông-Tây. Nhiều lưu vực sông kéo dài hàng trăm cây số tạo nên những khu định cư chính của người dân. Các con sông chính của Đông Nam Á bao gồm: Irrawaddy, Chindwin, Salween ở Myanmar; Chao Phraya ở Thái Lan; Sông Hồng và Sông Đà ở miền Bắc Việt Nam; cuối cùng là sông Mekong chạy dài ngang qua các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, miền Nam Việt Nam. Những con sông này uốn khúc quanh co trên hàng trăm cây số mang đến lượng phù sa dồi dào cho các vùng đồng bằng, và cũng là cửa ngõ dẫn vào Ấn Độ Dương. Có bốn đồng bằng lớn cực kỳ màu mỡ được tạo thành bởi các con sông này đó là : vùng Hạ Myanmar, miền Trung Thái Lan, Tongking[5] và đồng bằng Sông Mekong. Các đồng bằng này góp phần tạo ra những khu vực đông dân cư nhất trên phần đất liền của Đông Nam Á, trải rộng dài hàng trăm cây số vuông. Bên cạnh đó còn có nhiều thác ghềnh ở các khúc sông vùng phía Bắc, cũng như nhiều khu rừng nhiệt đới rậm rạp gây cản trở cho việc đi lại và thông thương giữa các vùng miền với nhau.

Với những điều kiện địa hình đa dạng như trên, bao gồm hàng trăm ngọn núi và thung lũng, sông suối và thác ghềnh, đã khiến Đông Nam Á thiếu đi những không gian rộng cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên quy mô lớn, khó có thể phát triển một điểm trung tâm chung cho toàn khu vực.

Về mặt khí hậu, có một nhân tố chung cho hầu hết các khu vực thuộc Đông Nam Á đó là gió mùa. Có hai loại: gió mùa Tây Nam xuất hiện vào khoảng giữa cuối tháng năm và trung tuần tháng chín, và gió mùa Đông Bắc xuất hiện vào khoảng giữa tháng mười hai và tháng hai. Những đợt gió mùa này mang đến lượng mưa dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp-trồng trọt, tuy nhiên lại gây bất lợi cho ngành hàng hải. Thực vậy, những cơn mưa giông xảy ra rất phức tạp, cùng với áp thấp và bão nhiệt đới đã buộc các tàu thuyền chỉ có thể hoạt động theo các luồng gió và phải chờ đợi từ ba đến bốn tháng cho đến khi gió đổi chiều mới có thể quay trở lại hành trình. Những đợt gió mùa được mong đợi nhiều nhất lại không ổn định, nhất quán về mặt thời gian đã dẫn đến sự phát triển của những công trình quản lý, kiểm soát nguồn nước rất phức tạp và tinh tế nhằm đảm bảo nguồn nước dùng trong sinh hoạt và sản xuất. Những công trình này được phát minh và phát triển từ những thời rất xưa do các lãnh chúa, vốn cũng là những nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo.

Bên cạnh những tác động đến kinh tế, xã hội, văn hóa, những đợt gió mùa cũng góp phần tạo nên tín ngưỡng phiếm thần của cư dân bản địa. Sự thất thường của những đợt gió mùa khiến người dân tin vào sức mạnh siêu nhiên, từ đó họ tôn sùng và cố gắng sống hòa với thiên nhiên hầu tránh được những cơn giận dữ của các thần linh. Họ cũng cầu khấn, cúng bái để được các đợt gió mùa đến đúng thời điểm, lượng nắng vừa đủ để có thể trồng trọt, cày cấy và thu hoạch. Vị trí xây dựng nhà cửa và các đền đài thường ở những nơi cao; hình tháp nhọn của các mái nhà, cũng như các hệ thống kênh rạch dẫn nước và tháo nước, tất cả đều xuất phát từ những trận lũ lụt do gió mùa mang đến, đã phá hủy không thương tiếc các khu vực định cư của người dân. Chính vì thế, gió mùa đã chi phối toàn bộ đời sống, tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động thương mại, và thông tin liên lạc ở Đông Nam Á suốt nhiều thời kỳ khác nhau.

3. Bối cảnh văn hóa


Văn hóa thời tiền sử


Với các nghiên cứu chuyên sâu của các nhà dân tộc học, văn hóa học, các sử gia và các nhà khảo cổ, chúng ta có thể biết chắc rằng, trước khi chịu ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa Ấn Độ, Đông Nam Á đã nuôi dưỡng và phát triển một nền văn hóa bản địa riêng biệt. Dĩ nhiên, sự nuôi dưỡng và phát triển này không đồng đều và ngang nhau giữa các quốc gia trong khu vực, thế nhưng chắc chắn có những đặc nét chung kết nối các sắc dân thuộc những vùng đồng bằng trên phần đất liền và các sắc dân thuộc những vùng hải đảo của Java. Trước khi bắt đầu thời kỳ lịch sử, dân cư vùng Đông Nam Á đã xây dựng xã hội và tổ chức riêng của họ, được đặt nền trên văn hóa trồng trọt, cùng chia sẻ những thuận lợi cũng như những khó khăn chung mà khu vực Châu Á gió mùa mang lại.

Một ví dụ minh họa rõ nhất cho tầm mức mà những xã hội đã có được trước khi bị văn hóa Ấn và Hoa tác động, đó là nền văn minh Đông Sơn, được khám phá ra ở đồng bằng Tongking. Nền văn minh này sử dụng kim loại đồng cho tất cả các công cụ lao động, vũ khí và vật dụng thường ngày như trống, rìu, dao, đĩa, áo giáp, cung, nỏ. Văn minh Đông Sơn trải rộng không chỉ ở vùng duyên hải Việt Nam, mà còn vươn xa đến Malaysia và các đảo phía Đông-Nam Indonesia. Bắt nguồn từ khoảng năm 300 tr.CN,[6] cư dân Đông Sơn là những nhà nông xuất sắc. Họ đã phát triển các kênh dẫn nhập thủy điền, biết cách chăn nuôi trâu, bò, heo và chó. Đáng chú ý nhất đó là họ biết cách đi biển bằng những chiếc xuồng và định hướng bằng một số kỹ thuật quan sát thiên văn. Những tiếp xúc giao thương với thế giới bên ngoài chắc hẳn đã mang đến cho họ kiến thức về ngành luyện kim. Vì thế cần loại bỏ những lý thuyết ban đầu cho rằng kim loại đồng là do người Hoa và người Ấn đem vào Đông Nam Á.[7] Về mặt tôn giáo cũng vậy, nghệ thuật Đông Sơn đã cho thấy việc cử hành lễ tế và tín ngưỡng phiếm thần của các bậc tiền nhân. Các thần gắn liền với văn hóa nông nghiệp, các đền đài được xây ở những nơi cao. Tro hỏa táng của người chết được chôn cất trong các bình lọ hoặc trong các mộ đá, vì dường như người ta tin rằng, người chết sẽ “khuất núi” tựa như mặt trời lặn. Cũng có một hệ thống các truyện thần thoại phức tạp, công phu mang tính vũ trụ luận, trong đó các yếu tố nhị nguyên như: núi-biển, loài vật bay trên trời-loài vật ở dưới nước, người miền thượng-người miền đồng bằng, trở thành các chủ đề chính yếu. Theo học giả người Hà Lan N.J. Krom, cư dân bán đảo Java, trước khi tiếp xúc với người Ấn, đã phát triển ba khía cạnh nổi tiếng được nhiều người biết đến trong đời sống văn hóa của Indonesia: rạp múa rối hay múa bóng, dàn nhạc Indonesia (bao gồm các nhạc cụ thuộc bộ gõ như đàn tre, chuông, chiêng), và các loại vải nhuộm kiểu Batik.

Những ảnh hưởng của văn hóa Hoa-Ấn


Từ nền tảng bản địa nói trên mà về sau một lớp văn hóa khác mang tên Hoa-Ấn được dựng lên ở nhiều vùng thuộc khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vì ngay từ sớm, các vùng này đã phát triển riêng biệt, cho nên các nền văn hóa bản địa không bị mất đi căn tính của mình, thậm chí khi các vùng đã hình thành một sự tương đồng mang tính phả hệ bắt nguồn từ các yếu tố vay mượn giống nhau, hầu hết là của Ấn Độ. Sự thâm nhập trên quy mô lớn của các nền văn hóa Hoa-Ấn bắt đầu vào khoảng thời kỳ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo, hai hoặc ba thế kỷ sau những cuộc thống nhất chính trị chính của Ấn Độ và Trung Quốc ở thế kỷ III CN – Trung Quốc dưới thời Tần Thủy Hoàng và Ấn Độ dưới thời Ashoka Maurya.

Nhiều thế kỷ kế tiếp đã chứng kiến sự lan rộng dần của văn hóa cũng như lĩnh vực thương mại của Ấn Độ tại Đông Nam Á, ngoại trừ đồng bằng Đông Kinh vì vùng này hoàn toàn chịu ảnh hưởng của văn hóa và chính trị Trung Quốc. Ranh giới văn hóa Hoa-Ấn được một học giả kiêm nhà ngoại giao Reginald Le May ghi nhận như sau :
Trên bản đồ Châu Á, có một dãy núi chạy dọc xương sống vùng An Nam, và dãy núi này đánh dấu làn phân cách giữa văn hóa Trung Quốc và văn hóa Ấn Độ. Mọi sự thuộc phương diện văn hóa ở mạn Bắc và mạn Đông của dãy núi đều dựa vào Trung Quốc, còn ở mạn Tây và Nam thì dựa vào Ấn Độ, và cả hai không hề chồng lấn hay xung đột với nhau.[8]
Đông Nam Á đã không trở thành đấu trường văn hóa giữa Trung Hoa và Ấn Độ. Lấy ví dụ tôn giáo, không có bất kỳ sự tranh đua nào trong việc cứu rỗi các linh hồn. Nhưng ngược lại, Trung Hoa đã du nhập đạo Phật vốn xuất phát từ Ấn Độ dưới triều Hán vào khoảng thế kỷ I CN. Chưa hết, xuyên suốt thiên niên kỷ đầu tiên, các học giả và khách hành hương, cũng như cư dân thuộc Đông Nam Á vẫn thường xuyên đến Ấn Độ để thờ phượng hay học hỏi Ấn Độ. Nhiều người còn dừng lại ở Borneo hay Sumatra (một nửa đường đến Ấn Độ) để học tiếng Phạn và Pali trước khi tiếp tục hành trình. Trong Phát hiện Ấn Độ,[9] Nehru chỉ ra rằng những người Ấn Độ sau khi vượt qua hàng rào núi cao, biển rộng, không chỉ mang theo tư tưởng mà còn mang theo nghệ thuật kiến trúc, ngôn ngữ, văn học và thiết chế chính trị để rồi từ đó, họ đã cùng với dân bản địa xây dựng các quốc gia “Ấn Độ hóa,” và để lại những dấu ấn không thể phai nhạt trong quá trình giao thoa với văn hóa Đông Nam Á trên nhiều phương diện như: ngôn ngữ, tôn giáo, văn học, thiết chế nhà nước ở các quốc gia Đông Nam Á. Và một điều chắc chắn rằng, khi nền văn hóa Ấn Độ du nhập và giao thoa với văn hóa bản địa, nó sẽ tạo nên nhiều sắc thái đa dạng song không làm mất đi bản sắc địa phương. Giáo sư Lương Ninh nhận xét về điều này : “Hình như mỗi nước Đông Nam Á đã chọn trong cây cổ thụ xum xuê của Ấn Độ một vài cành lá thích hợp với mình.”[10]

Khác với Việt Nam, hầu hết các nước Đông Nam Á đều đi theo khuôn mẫu của Ấn Độ, tuy nhiên, Trung Hoa vẫn có nhiều ảnh hưởng lên văn hóa của các quốc gia Đông Nam Á. Thực vậy, từ bao đời, trong mắt của người Đông Nam Á, Trung Quốc luôn là một láng giềng vĩ đại được quan tâm nhiều nhất. Điều này dễ hiểu vì Trung Quốc là một nước đông dân, là nhân tố quan trọng ở khu vực mà những thay đổi trong chính sách đối nội đối ngoại đều trực tiếp tác động đến Đông Nam Á. Từ tiền sử cho đến nay, Đông Nam Á được xem là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc vì nó gắn liền lợi ích và xu hướng phát triển của các nước này. Trên cơ tầng văn hóa Đông Nam Á thời tiền sử, các dân tộc ở đây đã tiếp nhận văn hóa Trung Quốc ở những mức độ đậm nhạt khác nhau, trong những điều kiện lịch sử cụ thể, với cách cư xử không giống nhau. Trước tiên, thương nghiệp đóng vai trò chuyển tải văn hóa theo con đường mà ta thường gọi là con đường dân gian. Tiếp theo là vai trò của các quan đô hộ mà ta gọi là con đường triều đình.

II. Lược sử Đông Nam Á


1. Các quốc gia sơ kỳ


Phù Nam[11] được ghi nhận là “quốc gia”[12] cổ thời nhất ở Đông Nam Á, được thành lập vào khoảng thế kỷ I và II CN ở bán đảo Đông Dương.[13] Mặc dù vẫn chưa chắc chắn về khoảng thời gian thành lập, thế nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng, các vua đầu tiên của Phù Nam đã biết cách tận dụng ngành thương mại hàng hải đang phát triển từ Trung Hoa sang Trung Đông và Châu Âu. Vào khoảng thời gian vương quốc thành lập, các hải trình chính vẫn còn men theo đường bờ biển do kỹ năng hàng hải và tàu thuyền chưa đủ khả năng để có thể thực hiện các chuyến hành trình thẳng vượt đại dương. Khi lượng giao dịch theo đường bờ biển phát triển, bán đảo Mã Lai vẫn là trạm cuối cho đoạn hành trình giao dịch từ Trung Hoa đi về hướng Tây. Thương cảng Óc Eo[14] của Phù Nam rất phồn thịnh do nằm ở vị trí rất thuận lợi, ở giữa khu vực phía Nam Trung Hoa và bán đảo Mã Lai, có bến cảng an toàn, và là khu vực canh tác nông nghiệp rất tốt có thể cung cấp một khối lượng lớn lương thực.[15] Tận dụng vị trí ưu thế của Óc Eo trong hệ thống thương mại này, Phù Nam đã áp dụng các khoản lợi tức bổ sung từ hàng hải để mở rộng hơn nữa việc kiểm soát nội địa vùng sản xuất lúa gạo. Dường như Phù Nam cũng đã tăng năng suất nông nghiệp bằng cách tháo nước đầm lầy ngập mặn và mở đầu ngành nông nghiệp tưới tiêu.[16]

Quá trình tổ chức chính trị kéo dài nhiều thế kỷ, bắt đầu từ các nhóm có quan hệ thị tộc, được dẫn dắt bởi nhiều tộc trưởng và thủ lĩnh khác nhau, cũng như bởi các trưởng lão trong thị tộc. Các nhóm này đã mở rộng phạm vi thị tộc để chung sức thực hiện những công việc lớn hơn. Nhờ sự lãnh đạo tài tình cũng như nhờ các nguồn lực cần thiết, Phù Nam dần dần liên kết được những bộ phận dân cư phân mảnh, trở thành một đơn vị thống nhất mà ngày nay có thể gọi là “quốc gia” hay “liên minh.” Các sách sử Trung Hoa vào khoảng thế kỷ III CN đã ghi nhận nhiều quốc gia chư hầu của Phù Nam mà trước đó đã từng có các thủ lĩnh và tộc trưởng.[17]

Mặc dù không biết gì về nhân dạng của các thủ lĩnh đầu tiên lãnh đạo vương quốc Phù Nam, thế nhưng, từ các nguồn sử Trung Hoa,[18] chúng ta biết được rằng, suốt nửa sau thế kỷ II CN, Hỗn Bàn Huống, cháu cố của Hỗn Điền,[19] đã mở rộng phạm vị cai trị bằng cách khích động các thủ lĩnh địa phương, sử dụng vũ lực để thiết lập trật tự, và sau cùng đưa con trai của mình là Hỗn Bàn lên cai trị những khu vực đã chinh phục được.[20] Phù Nam tiếp tục mở rộng lãnh thổ trong suốt thế kỷ V CN, cho đến khi các đường thương mại quốc tế chuyển thay đổi, chuyển từ Phù Nam sang Eo biển Malacca,[21] như tác giả Hall đã chỉ ra. Khi ngành đóng thuyền và kỹ năng hàng hải phát triển, việc đi thuyền dọc theo đường bờ biển được thay thế bằng tuyến hải trình thẳng xuyên qua biển Nam Dương của Trung Hoa, và vì thế làm giảm lợi tức sẵn có mà Phù Nam có được từ hoạt động xuất nhập khẩu.[22] Sự sụt giảm này đã buộc các vua của Phù Nam phải phát triển một cơ sở nông nghiệp rộng lớn hơn và kích thích việc áp dụng song hành các bản luật Hindu của nhà nước, mang đến các trang bị, nghi thức tế lễ và các luật lệ hợp pháp hóa mạnh mẽ hơn, đây là những điều đòi buộc đối với một nhà nước nông nghiệp.[23] Với những hoàn cảnh trên, mất nguồn lợi tức chính từ thương mại quốc tế, và mặc dù đã chuyển sang nông nghiệp tưới tiêu rộng lớn hơn, Phù Nam vẫn bị suy yếu. Vào khoảng cuối thế kỷ VI, CN, Phù Nam bị chia cắt bởi người Chăm đang kiểm soát đồng bằng Sông Cửu Long, và người Khmers đang kiểm soát khu vực nông nghiệp mở rộng xung quanh Toné Sap[24] (thuộc Campuchia ngày nay).

Lịch sử Phù Nam mang đến cái nhìn về một số yếu tố thăng trầm và dòng chảy của nền kinh tế chính trị thương mại ở Đông Nam Á cho đến giai đoạn thuộc địa. Sự chuyển động của ngành thương mại quốc tế là yếu tố quan trọng cho việc định hình lịch sử của khu vực vì nó cung cấp nguồn mạch và cơ chế tích luỹ vượt khỏi khả năng của sản xuất nông nghiệp trong nước. Theo đó, cơ chế và quyền lực của nhà nước nông nghiệp được tăng lên khi hệ thống chính trị lãnh đạo có thể thu được các nguồn lợi tức tăng thêm do hoạt động thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, cũng có một mối quan hệ gần gũi tỷ lệ nghịch giữa phúc lợi của các quốc gia hàng đầu về hàng hải ở Đông Nam Á với sự ổn định và nền hòa bình dọc theo các tuyến đường bộ xuyên lục địa ngang qua khu vực trung tâm của Châu Á. Ngay từ thế kỷ IV tr.CN, sau khi Alexander Đại đế chinh phục được nhiều vùng ở Trung Đông, đã có một “thời đại mà tuyến đường bộ có uy thế hơn tuyến đường biển, những con vật vận chuyển có uy thế hơn những chiếc tàu.”[25] Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ thứ III tr.CN, các tuyến đường bộ đã bị người Parthia[26] chặn lại, và hoạt động thương mại chuyển sang các tuyến đường biển đi ngang Đông Nam Á.[27] Vào các thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo, các tuyến đường bộ lại lần nữa được ưa chuộng, dẫu cũng đầy khó khăn và gian nan nhưng xem ra vẫn an toàn hơn các tuyến đường biển từ Trung Quốc qua Đông Nam Á đến Ấn Độ và Trung Đông trước khi đến vùng Địa Trung Hải và Châu Âu. Tuy nhiên, người La Mã đã xây dựng một kênh đào tới Biển Đỏ để phục vụ các tuyến đường biển cho đến cuối thế kỷ thứ VI CN.[28] Khi các tuyến đường bộ không còn dễ dàng sử dụng được nữa, người ta bắt đầu dùng đến các hải cảng đi ngang qua Đông Nam Á, và đây chính là tác động của sự gia tăng lợi tức thông qua hệ thống thương mại quốc tế đối với các quốc gia Đông Nam Á, giúp đảm bảo sự lớn mạnh và duy trì quyền lực của các quốc gia này trong khu vực.

Một số nước được biết đến là những quốc gia cùng thời với Phù Nam. Ví dụ, Langkasuka,[29] ở bờ biển Đông Bắc của bán đảo Mã Lai, nằm ở vị trí mà hầu hết hoạt động thương mại quốc tế trên đất liền đều dùng để đi qua eo đất Kra.[30] Nước Kra cũng được sử dụng để vận chuyển trên đất liền, nhưng vì thiếu sự hỗ trợ nông nghiệp trong khu vực, nên quốc gia này ít quan trọng hơn Langkasuka. Cũng như Phù Nam, Kra phát triển được là nhờ sự lưu thông của thương mại quốc tế; và cũng như Phù Nam, Kra phải chịu ảnh hưởng khi việc vận chuyển bằng tàu thủy phát triển đủ để có thể sử dụng các tuyến đường thủy ở vùng nước sâu băng qua eo biển Malacca, một lối đường vòng tránh Langkasuka.

Ít nhất có hai quốc gia khác được cho là tồn tại tiếp giáp hai bên Phù Nam đó là Dvaravati về phía Tây (Thái Lan và Myanmar ngày nay) và Chămpa (miền Trung Việt Nam ngày nay).

Chămpa[31] hình thành và phát triển vào năm 192 CN,[32] trên dải ven biển miền Trung Việt Nam và một phần cao nguyên Trường Sơn. Lúc lớn mạnh nhất trải dài từ Hoành Sơn, sông Gianh ở phía Bắc đến sông Dinh – Hàm Tân ở phía nam đến lưu vực sông Đà Rằng trên Tây Nguyên. Về phía Đông, họ thực sự làm chủ cả vùng ven Biển Đông.[33] Những gì người ta biết về Chămpa phần lớn đến từ các thư tịch của Trung Hoa viết về những cuộc nổi dậy mở rộng lãnh thổ, đặc biệt nhắm vào các vùng thuộc quyền kiểm soát của Trung Hoa trước đó.[34] Chămpa hưng thịnh nhất vào thế kỷ thứ IX và X và sau đó dần dần suy yếu dưới sức ép của các vương triều Đại Việt từ phía Bắc và các cuộc chiến tranh với Đế quốc Khmer, về sau chiến tranh với cả Mông Cổ. Năm 1471, Chămpa chịu thất bại nặng nề trước Đại Việt và bị mất phần lớn lãnh thổ phía Bắc vào Đại Việt. Phần lãnh thổ còn lại của Chămpa bị chia nhỏ thành các tiểu quốc, tiếp tục sau đó dần dần bị các chúa Nguyễn thôn tính và đến năm 1832 toàn bộ vương quốc chính thức bị sáp nhập vào Việt Nam dưới triều vua Minh Mạng. Những người còn sống sót thì chạy về Campuchia. Xã hội Chămpa theo chế độ mẫu hệ, con gái được hưởng quyền thừa kế. Đi theo truyền thống Ấn Độ, người Chămpa hỏa thiêu người chết, sau đó thu lại tro bụi và đưa ra biển. Họ có cách sống giống người Phù Nam. Đàn ông và phụ nữ Chămpa thường quấn một mảnh vải dài quanh eo và hầu như đi chân đất. Vũ khí của họ bao gồm : cung, tên, kiếm lưỡi cong, liềm và nỏ tre. Nhạc cụ có sáo, trống, kèn ốc, và các nhạc cụ dây. Ngày nay có khoảng 40.000 người miền Nam Việt Nam và khoảng 85.000 người Campuchia có tổ tiên là người Chămpa.[35]

Lịch sử chính trị thời đầu của khu vực Thái Lan ngày nay vẫn còn mơ hồ. Dvaravati (phiên âm tiếng Thái đọc là Tha-wa-ra-wa-di) là một tập hợp các quốc gia đô thị của người Môn ở dọc sông Chao Phraya, với địa điểm nay là MueangNakhonPathom là trung tâm. Tập hợp các quốc gia Môn này tồn tại trong thời kỳ từ thế kỷ VI đến thế kỷ XI. Các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật đã phát hiện ra hàng loạt di chỉ với những đặc trưng riêng nhất định có liên quan tới mỹ thuật Phật giáo mà họ gọi là “phong cách Dvaravati,” đặt theo tên của nền văn minh đã để lại những di chỉ này. Về cái tên Dvaravati, khi sử gia Samuel Beal tìm hiểu các kinh điển Phật giáo của nhà Đường đã phát hiện ra sự đề cập đến vương quốc 堕羅鉢底 (Đà La Bát Địa) mà ông cho là sự phiên âm của người Hán thời Đường cho Dvaravati, một đô thị huyền thoại do vị thần Ấn Độ giáo là Krishna xây dựng. Theo thư tịch cổ của Trung Quốc hồi thế kỷ VI đã đề cập đến Dvaravati. Do vậy các sử gia tạm lấy thế kỷ VI là thời điểm thành lập Dvaravati. Đây là các đô thị bên sông và cuốn Thông Thư thời nhà Đường thế kỷ VIII cho biết sự tồn tại của các địa bàn sống tập trung. Hiện giới khảo cổ học đang tích cực khám phá bằng chứng để làm rõ thêm thời gian thành lập. Dựa vào các di chỉ về những lò sản xuất muối và luyện sắt, người ta cho rằng phạm vi ảnh hưởng của Dvaravati rộng khắp vùng miền Trung Thái Lan ngày nay và lan rộng tới cả miền Đông Bắc của nước này, tới cả lưu vực của sông Mun và sông Chi là các chi lưu của sông Mekong ở miền Đông Bắc Thái Lan. Người ta cũng đã phát hiện ra những bi ký ghi lời Thích Ca thuyết giảng bằng tiếng Phạn, tiếng Pali và tiếng Môn. Dựa vào kiểu chữ, người ta cho rằng chúng có niên đại từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XI. Các di chỉ liên quan tới Phật giáo cho phép các nhà nghiên cứu kết luận rằng tôn giáo ở Dvaravati là Phật giáo Thượng tọa bộ. Vào thế kỷ XI, Đế chế Khmer đã lần lượt thôn tính hết các quốc gia của người Môn ở Dvaravati.

Ngoài Chămpa và Dvaravati còn có các thị quốc người Pyu (Phiêu).[36] Có thể các thị tộc này cũng được tổ chức thành một quốc gia để cạnh tranh với Phù Nam. Mặc dù khoảng thời gian thành lập Srikshetra, thủ đô của vương quốc Pyu, được chấp nhận là vào năm 638 tr.CN, nhưng những ghi chép trước đó cho thấy rằng, các đoàn thương nhân đã lên đường đi Irrawaddy[37] để gặp những thương nhân buôn bán xe chở hàng đến và đi từ Trung Hoa. Rất có thể các mối liên kết thương mại phức tạp như vậy vẫn chưa được duy trì mà không có sự kiểm soát hiệu quả của triều đình.[38]

Người ta biết rất ít về các quốc gia thuộc khu vực quần đảo của Đông Nam Á suốt khoảng thời gian sơ kỳ này. Các ghi nhận đầu tiên có được nhờ các bản khắc ở Kalimantan (Borneo) và Java gần Jakarta vào khoảng năm 400 hoặc sau đó. Có lẽ không có nhiều tác động thúc đẩy đến sự hình thành quốc gia cho đến khi các tuyến hàng hải chuyển hướng về phía Nam.[39]

Các quốc gia ở Đông Nam Á không chỉ cố gắng kiểm soát dòng chảy thương mại quốc tế với tư cách là một trung gian vận tải, mà còn biết sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và các sản phẩm khác.[40] Tuy danh mục các sản phẩm thay đổi theo thời gian và khác nhau giữa cảng này với cảng khác, nhưng tựu trung bao gồm hạt tiêu, gạo, gỗ, long não, thiếc, gia vị, nhựa, kim loại quý và thuốc. Trước thế kỷ XIV, các mặt hàng Đông Nam Á trong mạng lưới thương mại quốc tế chủ yếu là long não, yến sào, nước hoa, ngọc trai, gỗ thơm và vàng; tuy nhiên, các loại cây trồng như hạt tiêu, nhục đậu khấu, đinh hương, và gạo đã chiếm lĩnh một phần lớn trong giao thương, mặc dù gạo vẫn được tích trữ để cung cấp cho người dân trong vùng.

Phù Nam bắt đầu suy yếu khi vị trí địa lý của nó không còn quan trọng.[41] Kỹ thuật hàng hải phát triển đã giúp các thương nhân đi thẳng đến eo biển Malacca mà không cần qua Phù Nam. Các sử liệu ghi nhận về những chuyến du hành như thế được tìm thấy trong nhật ký của Pháp Hiển, một nhà sư Trung Quốc, đã đến Ấn Độ bằng con đường eo biển vào đầu thế kỷ thứ V.[42] Sau thời gian này, các sử liệu về các nước chư hầu của Trung Quốc cũng cho ta nhiều chi tiết tham khảo về các sứ thần Java và Sumatra,[43] trong khi trước đó hầu hết các sử liệu về các cuộc cống nạp từ Đông Nam Á đều viết về Phù Nam.[44]

2. Các quốc gia đảo hay các quốc gia thương mại hàng hải


Tác động lâu dài của việc thay đổi các tuyến thương mại, không còn dọc theo bờ biển nhưng trực tiếp chuyển sang eo biển Malacca, là sự xuất hiện của các quốc gia hàng hải mới và rộng lớn hơn ở quần đảo Đông Nam Á, xung quanh eo biển. Srivijaya[45] là quốc gia đầu tiên, nằm ở Palembang[46] thuộc miền Đông Sumatra, bán đảo Mã Lai và một phần đảo Borneo và Java, hình thành từ thế kỷ VII hoặc thế kỷ VIII và kết thúc vào khoảng cuối thế kỷ XIII. Dĩ nhiên, việc chuyển đổi quyền lực không diễn ra trực tiếp từ Phù Nam sang Srivijaya thứ hai. Các quốc gia khác như Langkasuka ở Malaysia, Dvaravati ở Thái Lan, và Chămpa ở Việt Nam, cũng như rất nhiều các chính thể nhỏ hơn đã thống nhất về chính trị như các thị tộc Pyu và người Môn ở Myanmar và các quốc gia lẻ tẻ xung quanh eo đất Kra là những quốc gia đồng thời với Phù Nam, tuy nhiên, Srivijaya dường như đã thành công trong việc kiểm soát lưu lượng thương mại hàng hải tại quần đảo, dần dần trở thành một đế quốc rộng lớn. Srivijaya được cho là đã kiểm soát được eo biển Malacca từ thế kỷ VII đến XII.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến thời gian hình thành, phát triển cũng như phạm vi địa lý trực thuộc, thế nhưng các bằng chứng sẵn có cho thấy rằng, Srivijaya đi theo một hình thức chính trị và kinh tế cụ thể dựa trên mối quan hệ của nước này với các tuyến thương mại quốc tế. Srivijaya được mô tả như một vương quốc thuần túy hàng hải, hầu như không có hòn đảo nào được coi là một nguồn nhân lực, nhưng hoàn toàn dựa vào những người Mã Lai du cư trên biển làm nguồn sức mạnh chính.[47] Srivijaya là một liên bang, một hệ thống liên minh, hoặc có lẽ là một tổ chức các cảng thương mại chư hầu dưới trướng của Palembang. Cũng như Phù Nam trước đó, Srvijaya thu lợi nhuận từ việc giao thương. Đối lại, Srivijaya làm công việc hạn chế nạn cướp biển trong khu vực (phần lớn hải quân của Srivijaya là các tên cướp biển đã chịu khuất phục hoặc bị mua chuộc) và cung cấp các cơ sở tại bến cảng để đóng và sửa chữa tàu thuyền, cung cấp kho bãi và thương mại. Tuy nhiên, sức mạnh của Srivijaya không liên tục. Khi nghiên cứu các thư tịch của Trung Hoa, Wolters đã cho thấy, trong những thời kỳ nhất định, Srivijaya là quốc gia đảo duy nhất gửi cống đến Trung Hoa, còn trong những khoảng thời gian khác là sứ đoàn của các tiểu quốc hay các hải cảng nhỏ khác. Ông đặt giả thuyết rằng, khi chỉ một mình sang cống nạp cho Trung Hoa, khi đó Srivijaya có sức mạnh và quyền hành đủ để ngăn chặn các nước khác ; còn khi có các sứ giả khác đến, Srivijaya hẳn đang bị suy yếu.[48]

Mối bận tâm mà Srivijaya dành cho thế giới hàng hải đã khiến hầu hết các học giả cho rằng, nước này giới hạn tiếp xúc với những người sống trong đất liền đến từ Palembang và không có quyền lực chính trị trên phần đất thuộc đất liền. Tuy nhiên, Hall cho rằng, trên thực tế đã có một sự giao lưu thương mại đáng kể giữa thành phố cảng Palembang và các làng nội địa thuộc bán đảo Sumatra. Ông tin rằng, Srivijaya “đã phát triển các mối quan hệ ‘hiệp ước’ đã có từ trước với các thị tộc chẳng nợ nhau cái gì. Giao dịch thương mại trở thành chiến lược xã hội ; mối bang giao giữa các thủ lĩnh của các thị tộc trở thành nền tảng của sự thịnh vượng kéo dài.”[49]

Cady thì nói rằng, mặc dù nằm ở cửa sông Palembang (phía Nam đảo Sumatra), nhưng Srivijaya đã mở rộng qua vùng Đông Bắc Sumatra, tất cả các bờ biển Melayu[50] và một số phần nhỏ hơn thuộc đảo Java[51] và Borneo.[52] Một trong số các mô tả về Srivijaya đến từ nhà sư Phật giáo Nghĩa Tịnh (635-713) trong chuyến hành trình trở về từ Ấn Độ : “Sau một tháng, bần tăng đến được Melayu mà giờ đây đã đổi thành Bhoga (Palembang của Srivijaya) ; có nhiều nước đã suy phục nước này.”[53] Một tác giả Trung Hoa khác, Chau Ju-kua, mô tả Srivijaya như một “đất nước nằm giữa đại dương và điều khiển các eo biển, nơi mà các tuyến đường thông thương từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài đều phải đi ngang qua.”[54] Các nguồn khác của Trung Quốc liệt kê các thương nhân Srivijayan tại Quảng Châu (Trung Quốc), cùng với các buổi triều yết của các sứ thần Java đến cầu viện Trung Hoa để chống lại sự áp bức của người Srivijaya trong các năm từ 960 đến 1178.[55] Nhiều ý kiến về sự bành trướng của Srivijaya được tìm thấy trong các bản văn đối chiếu của Ả Rập với sức mạnh quân đội hùng hậu của nó.[56]

Hall giữ vững lập trường cho rằng, sự thiếu thốn các di chỉ nghệ thuật cũng như các ghi nhận khảo cổ học về Srivijaya (ví dụ như với đế chế Khmer) có thể là kết quả của các giá trị văn hóa bị giới hạn và sự thờ ơ bắt nguồn từ những lợi nhuận kinh tế rất lớn. Những người khác thì cho rằng, các ghi nhận có thể bị tiêu hủy dễ dàng trong những cuộc đột kích của dòng họ Chola.[57] Những người khác, tập trung vào việc thiếu các bằng chứng khảo cổ hỗ trợ để xác nhận các ghi chép lịch sử, đã gợi ý rằng Srivijaya có thể là một vương quốc nhỏ tồn tại trong ít nhất một trăm năm sau khi thành lập vào năm 650, mặc dù tên của nước này vẫn tiếp tục xuất hiện trong ghi chép của Trung Quốc bởi vì “có thể có một hoặc hai vương quốc tồn tại ngắn ngủi đồng thời mang cùng một tên đó.”[58] Sự thiếu vắng các bằng chứng khảo cổ cũng có thể được giải thích bằng việc thiếu thông tin tương ứng với các cấu hình đường bờ biển và ven sông của đảo Sumatra trong thiên niên kỷ đầu tiên.[59]

Là một trung tâm thương mại (hoặc một loạt các trung tâm), Srivijaya tương tự như Malacca sau này, đó là có nhiều đạo luật và nguồn lực nhằm khuyến khích thương mại; hầu như tất cả các nguồn có sẵn đề cập đến Srivijaya trong sự nối kết với một số giai đoạn của thương mại quốc tế. Có vài phát hiện khảo cổ cho thấy rằng, không có thủ lĩnh nào của Srivijaya đã phát triển bất kỳ một hiện vật văn hoá mang tính cách vĩnh viễn nào. Nếu lý thuyết của Hall về hiện tượng Ấn-Độ-hóa của Phù Nam là đúng, thì có thể là Srivijaya đã không biến mình trở thành một vương quốc nông nghiệp nội địa, như Phù Nam đã làm, và chỉ đơn giản là không bao giờ phát triển cơ sở dân số hoặc hệ thống văn hoá chính trị-văn hóa tạo ra hầu hết các văn bia, tượng đài và đền thờ ở các vương quốc khác.

Ở những nơi khác trong quần đảo Đông Nam Á, thương mại liên vùng và thương mại quốc tế đã đưa ra các kích thích nhất quán về tăng trưởng như được minh họa bởi các thành phố trung tâm có thể phát triển mạnh trong suốt lịch sử ở những nơi như Ternate, Malacca, Bandjarmasin, Makasar, Palembang, Bantam, Cheribon và Aceh. Các quốc gia phát triển trở thành các vương quốc thương mại thường ít hơn nhiều so với các liên minh của các quốc gia thành thị cạnh tranh nhau bằng cách sử dụng vũ lực từ một trung tâm hùng mạnh. Ví dụ như khi ngành buôn bán gia vị phát triển, một quốc gia như Ternate ở quần đảo phía Đông của Indonesia ngày nay đẩy mạnh sản xuất gia vị đến mức phải nhập khẩu lương thực, mua phần lớn gạo từ Java.[60] Vào những thời điểm nhất định trong lịch sử, có thể một quốc gia thành phố có khả năng độc chiếm thương mại trong khi các trung tâm cạnh tranh khác mù quáng vì thiếu sự lãnh đạo mạnh mẽ, tổ chức và thương mại ; thiếu nhu cầu về hàng hoá ; hoặc có vị trí địa lý không đẹp trên các tuyến hàng hải. Tuy nhiên, một thành bang mà có thông tin sẵn có, đó là Malacca, trung tâm thành phố trung chuyển cuối cùng của Đông Nam Á trong thời kỳ truyền thống.

Cho đến đầu thế kỷ XV, Malacca vẫn chỉ là một làng cá nhỏ trên bán đảo Melayu[61]. Truyền thuyết kể rằng một hoàng tử Sumatra là Paramaswera đã bị đuổi khỏi Palembang đến Singapore (sau này được gọi là Tumasik) và cuối cùng đến Malacca. Hai yếu tố đã giúp Malacca phát triển chỉ trong một khoảng thời gian ngắn trở thành trung tâm trung chuyển đó là : (1) Trung Hoa cần một tuyến đường trên biển vì các tuyến đường bộ đã không còn nữa, và (2) Ấn Độ cần có một tuyến đường an toàn qua eo biển Malacca để cạnh tranh với ngành vận tải do người Thái điều khiển.[62] Malacca bắt đầu tăng trưởng thương mại trong việc cạnh tranh trực tiếp với Majapahit trên đảo Java và Ayuhya ở Xiêm, cả hai đều có cùng lợi ích thương mại và mậu dịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, hạm đội Trung Hoa đã xuất hiện vào năm 1403 và tương lai của Malacca đã được cứu. Tầm quan trọng to lớn của hạm đội Trung Hoa đó là được gửi đến Đông Nam Á để bảo đảm các tuyến đường biển thương mại quốc tế, vì Tamerlane đã đóng các tuyến đường bộ đến Trung Đông.[63] Tuy nhiên, hạm đội Trung Hoa cũng ngay lập tức bảo vệ Malacca để có thể mở rộng mà không sợ sự xâm lược của Ayudhya hoặc Majapahit. Để bảo đảm lưu thông thương mại về phía Đông từ Ấn Độ và Trung Đông, Paramaswera cũng đã biến Malacca thành một hải cảng Hồi giáo.

Đặc điểm độc đáo của Malacca và các thành bang khác là sự phụ thuộc hoàn toàn vào thương mại: toàn bộ dân số là ngoại kiều, tỷ lệ người Mã Lai nhỏ, và hầu như không có tầng lớp trung lưu bản địa. Chính phủ không chỉ duy trì hải cảng an toàn mà còn ra mức lệ phí hải quan thấp, cơ sở sửa chữa, kho bãi rộng rãi và nhiều tiện ích khác để thu hút các thương gia vận tải quốc tế.[64] Các trung tâm xuất nhập khẩu như Malacca phụ thuộc vào thương mại quốc tế để tồn tại ; theo đó, các nguồn lực được dùng để duy trì và mở rộng hệ thống thương mại mà quên khía cạnh xã hội địa phương. Văn hóa bản địa phát triển rất ít, như trong các vương quốc trồng lúa nước. Malacca đã trở thành trung tâm trung chuyển lớn nhất, thực sự là đường ngang của châu Á, và như vậy, trở thành mục tiêu đầu tiên cần nắm quyền kiểm soát khi người Châu Âu đi vào Đông Nam Á.

3. Các vương quốc nông nghiệp trên đất liền


Ngoài những vương quốc phát triển dựa trên việc kiểm soát các tuyến thương mại quốc tế, còn có một kiểu vương quốc phát triển dựa trên cơ sở nông nghiệp vững chắc, đó là đế chế Khmer, người kế tục nông nghiệp trên phần đất liền của Phù Nam và Chân Lạp. Khi kỹ thuật đi biển dần phát triển, cho phép các tàu di chuyển trực tiếp từ Trung Hoa đến eo biển Malacca, tầm quan trọng của Phù Nam trong vai trò là một bến cảng đã bị giảm sút. Theo đó, Phù Nam đã có được một khoản thu nhập ngày càng tăng từ sản xuất nông nghiệp, trở về nội địa, mở rộng hệ thống tưới tiêu và bổ sung các lễ nghi Hindu cho vương triều cũng như cho vương quyền nhằm khẳng định tính hợp pháp của nông nghiệp nông thôn.[65] Mặc dù Phù Nam đã không hoàn toàn thành công trong việc chuyển đổi này và cuối cùng đã bị tàn lụi (vùng phía Đông được sáp nhập với một quốc gia khác là Chân Lạp, trong khi các khu vực phía Tây bị quân đội của người Môn xâm lược, chinh phục và chia thành nhiều vùng), Knmer sau đó đã thừa hưởng nhiều lãnh thổ của Phù Nam cùng hệ thống tưới tiêu phức tạp. Họ sống ở cùng một khu vực và kiểm soát dòng nước theo gió mùa bằng cách sử dụng các đập cỏ để giữ nước trong lưu vực tự nhiên.[66] Người Knmer cũng sử dụng nghi lễ Hindu làm cột trụ cho vương quyền.

Trong thời gian thành lập Angkor năm 802, Jayavarman II đã sử dụng một người Bà-la-môn giỏi ma thuật thực hiện một buổi lễ được coi là để làm cho Campuchia không thể trung thành với Java. Trong một buổi lễ khác, người Bà-la-môn đã trừ bỏ được lời nguyền xâm lược trong tương lai.[67] Hơn nữa, Briggs đã chỉ ra những bằng chứng khảo cổ cho thấy Jayavarman II đã xây dựng một ngôi đền kim tự tháp, KrusPreah Aram Rong Chen - loại hình đầu tiên ở Campuchia gắn liền với việc phụng thờ linga hoàng gia (một con phượng, biểu tượng của Thần Hindu, Siva, cũng như các đại diện của nhà vua như là trung tâm của thế giới) và là devaraja (Vua Thần). Do đó, Jayavarman được coi là người biến đổi khái niệm lâu đời về việc thờ cúng thần Shiva-linga bằng cách liên kết trực tiếp với nhà vua đã trở thành một vị Vua Thần (nghĩa là đã hình thành bản chất trừu tượng vĩnh cửu của nhà vua kết hợp với bản chất thần thánh và được thờ phượng trong hình thức của một linga).[68] Tuy nhiên, cùng lúc đó, một sự lưỡng phân đã được phát triển và duy trì (trong một cách mơ hồ nhất có thể) đó là khái niệm Vua Thần có thể bị thay thế bởi các yếu tố tôn thờ tổ tiên mà người nông dân dễ hiểu và chấp nhận.[69] Để tăng thêm sự huyền bí, linga được cho là đã được nhà vua nhận từ thần Shiva thông qua sự cầu bầu của một Bà-la-môn. Ý nghĩa của sự thờ cúng của devaraja đã được tranh cãi rộng rãi ; ví dụ, Kulke đã lập luận rằng, Jayavarman không được tôn kính như vị Vua Thần, nhưng thần Shiva là “vị chúa tể” được kêu gọi để bảo vệ Campuchia và đặc biệt là nhà vua.[70]

Liên kết tổ tiên, đặc biệt đối với những người nông dân, là rất quan trọng vì “ngôi đền núi trung tâm rõ ràng là ít đại diện cho ngọn núi Semeru hơn biểu tượng cho nơi ở của tổ tiên họ, tỏa ra sức mạnh bảo vệ họ trong tất cả các khía cạnh đời sống.”[71] Các khái niệm về quyền lực siêu nhiên, sự công nhận rằng tổ tiên và linh hồn của họ thường xuyên can thiệp vào các biến cố trên trần gian, cũng như khái niệm nhà vua là gương mẫu của trật tự xã hội đã trở nên ràng buộc với nhau để nhà vua xuất hiện như một vị thần. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh không phải là về tính thần thánh của nhà vua mà là về vị trí nổi bật của ông, làm cho ông trở thành trung gian của các vị thần và tổ tiên bởi vì “duy tổ tiên là nguồn ‘sức sống’ và do đó tương đương với các vị thần,” nhà vua không phải là nguồn “sức mạnh sự sống” mà là “người mang và chuyển trao quyền lực đó.”[72]

Khi nền văn minh Khmer phát triển, nền nông nghiệp và các kỹ thuật quản lý nguồn nước cũng trở nên phức tạp. Ví dụ, vào khoảng năm 889, người Khmer đã xây dựng một hồ nhân tạo bằng cách đảo chiều con sông Xiêm Riệp. Hồ này có kích thước 1800x7000m và cung cấp nước cho các thành phố cũng như chùa chiền để tưới tiêu đồng ruộng.[73] Người Khmer đạt tới đỉnh cao phát triển thủy lực vào năm 1000, trong thời của vua Suryavarman I, người đã xây dựng:
một hệ thống thủy văn tuyệt vời, các lưu vực, các kênh và đài phun nước (ở thủ đô của ông). Những lưu vực này, đôi khi lót bằng gạch, được chia cách nhau bởi các kè, nhưng được kết nối ... bằng các ống dẫn để cho phép nước đi qua. Các lưu vực khác – chỉ duy ở Angkor đã có hơn một ngàn lưu vực... phụ thuộc vào nước mưa ... (và) được sắp xếp theo kế hoạch trong thành phố ... Mỗi ngôi chùa miếu đều có lưu vực riêng.[74]
Chắc chắn yếu tố then chốt trong sự phát triển này là tính ổn định của dân số và các cấu trúc chính trị xã hội cần thiết để đảm bảo hoạt động trơn tru của hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, các hệ thống lúa gạo cũng như các đơn vị chính trị của Đông Nam Á truyền thống không cho thấy chủ nghĩa độc tài cứng rắn của “chủ nghĩa độc tài phương Đông,” một khái niệm nhấn mạnh các yêu cầu về quản lý nông nghiệp tưới tiêu và sự phát triển của các cấu trúc chính trị độc đoán để đảm bảo rằng các quy định như vậy được duy trì.[75] Cùng một loại ổn định xã hội và tổ chức đã giúp huy động nguồn lực cho sự phát triển văn hoá và tôn giáo mà Angkor Wat, tượng đài lớn nhất của nền văn minh Khmer, là một biểu hiện công khai.

Có một liên kết, tuy không được minh chứng nhưng là ẩn tàng, giữa sự suy yếu của Phù Nam và sự xuất hiện của các thủ lĩnh Shailendra ở Java. Cả hai sự kiện diễn ra cùng thời điểm – vào đầu thế kỷ VII – và cả hai vị vua đều giữ tước hiệu cho vương triều của mình đó là “Vua Núi.” Người ta thường giả thuyết rằng, ông vua của triều Shailendra vĩ đại Sanjaya là hậu duệ của các hoàng tử Phù Nam lưu vong.[76] Sức mạnh của Shailendra, giống như Phù Nam và người kế nghiệp là đế chế Khmer, dựa trên sản xuất nông nghiệp và quản lý nguồn nhân lực đủ để duy trì sản xuất đó. Một bằng chứng tuyệt vời cho sự quản lý này đó là việc xây dựng ngôi đền Borobuder ở miền Trung Java.

Shailendras cũng có khu vực lợi ích khá rộng. Có vẻ như Jayavarman II của đế chế Khmer đã được lên ngôi nhờ trợ giúp của Shailendra. Cũng có những ghi nhận về các cuộc tấn công của Shailendra vào Ligor năm 775 và thủ đô Chămp năm 782. Có lẽ điều quan trọng nhất là Shailendras ngày càng quan tâm đến ngành thương mại hàng hải quốc tế, và chính điều này dẫn đến việc xung đột với Srivijaya.[77] Vào thế kỷ IX, Shailendra thiết lập nền cai trị trên Srivijaya, có lẽ nhờ các cuộc hôn nhân hoàng gia mang màu sắc chính trị.[78]

Các nhà nghiên cứu tin rằng, các vua Shailendra đã điều hành Mataram ở miền Trung và Đông Java sau năm 732. Trong khoảng thời gian này, văn hoá, triết học và Ấn Độ giáo đã tạo được sự ảnh hưởng trên khắp đảo Java, trước hết là qua Phật giáo Đại Thừa và sau đó là Ấn giáo. Mataram ở đảo Java là một vương quốc nông nghiệp nội địa, sử dụng tài nguyên và nguồn lao động để tạo ra kiến ​​trúc Java nổi tiếng nhất, thể hiện qua việc xây dựng các đền thờ, chùa chiền hiện vẫn còn hiện diện khắp khu vực miền Trung đảo Java. Các đền thờ, chẳng hạn lăng tẩm hoàng gia, cho ta một cái nhìn thoáng qua về đời sống trên đảo Java thế kỷ VIII: “Những vị thần và những vị bồ tát được biểu trưng như nhau ở khắp nơi. Các vị tư tế Bà-la-môn là những người ngoại quốc với bộ râu ria mép. Những vị tăng lữ và những ẩn sĩ… đều là người Java.”[79]Ngoài ra còn nhiều chi tiết khác làm bằng chứng, chẳng hạn : kiểu tóc, trang phục, trang sức, lễ phục hoàng gia, xe cộ, dụng cụ, đồ dùng, đồ nội thất và trò chơi. Vào cuối thế kỷ IX, Mataram đã chuyển từ Phật giáo sang Ấn Độ giáo, thế nhưng các chùa chiền vẫn còn tiếp tục phát triển rất mạnh ở miền Trung Java, quần thể đền thờ Prambanan là một minh chứng sống động. Vào đầu thế kỷ X, thủ phủ của Mataram được di chuyển đến phía Đông đảo Java, nơi khai sinh kiểu tượng Phật-Shiva ở Bali ngày nay.[80]

Vào khoảng thời gian Mataram ở đảo Java suy thoái, có một vương quốc mới xuất hiện ở Miến Điện (Myanma ngày nay), mà người ta gọi tên chung là Pagan (dân ngoại). Đây là kết quả liên minh giữa Miến Điện và người Môn. Người Miến tuy rất mê tín, và vì thế đầu óc không phức tạp như người Môn, thế nhưng lại có tài lãnh đạo quân sự và chính trị. Dưới sự chỉ dẫn của người Môn, Phật giáo phát triển mạnh và bao trùm toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như giáo dục (mặc dù việc thờ phượng các thần không bao giờ tàn lụi),[81] đồng thời mang đến tầm ảnh hưởng sâu rộng cho giới tăng đoàn, nhóm các nhà sư. Trong các vương quốc Phật giáo truyền thống, tôn giáo có liên quan đến “vương quyền trong quan niệm nghiệp báo ‘công đức’... nếu nhà vua có đủ công đức, vương quốc của ông sẽ an bình, trật tự, thịnh vượng và tôn giáo của Đức Phật sẽ nở rộ ở đó.”[82] Dần dần, những chi tiêu tốn kém của các chùa chiền, đền thờ, và các trung tâm Phật giáo khác đã vượt quá khả năng sản xuất của Pagan và vương quốc bắt đầu suy tàn:
Mặc dù từ ban đầu, tăng đoàn đã ban cho Pagan văn hóa và "linh hồn,”đồng thời cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế của nó, thế nhưng cũng chính lực lượng này đã vô tình phá hủy nền tảng tiếp theo của nhà nước để có thể sống còn. Bởi vì những của cải trước đây đã tạo nên Pagan, thì giờ đây rơi vào tay giới tăng đoàn cũng như tầng lớp nghệ nhân, và do đó không thể duy trì được quân đội cũng như sự trung thành của tầng lớp quí tộc.[83]
Khi đế chế Khmer yếu đi, người Thái phát triển bản sắc văn hoá và chính trị độc lập ở các vùng trung tâm của lục địa Đông Nam Á. Nhiều trung tâm quyền lực chính trị dường như đã tồn tại trong đơn vị lưu vực Menam, sau cuộc xâm lăng Mông Cổ (1253-1293), một chỉ huy quân đội Thái dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại các lãnh chúa Khmer và thiết lập một vương quốc mới tại Sukhothai. Các thủ lĩnh của Sukhothai đủ khôn ngoan để gửi cống cho người Mông Cổ ở Bắc Kinh, từ đó tránh được sự trả đũa của Pagan, và đủ mạnh để chống lại các chính sách bành trướng của Khmer. Vào năm 1350, trung tâm chính trị của Thái Lan đã chuyển về phía Nam đến Ayudhya, vượt trội hơn cả Sukhothai và vương quốc Chiengmai về phía Bắc.[84]

4. Các quốc gia phong kiến ảnh hưởng Khổng giáo


Miền Bắc Việt Nam – Bắc Kỳ và An Nam –là một thể thống nhất vì chịu sự kiểm soát của người Hoa từ khoảng năm 200 tr. CN đến năm 900 CN. Trong suốt thời kỳ này, Việt Nam bị cai trị như một tỉnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, dù phải chịu sự thống trị và xâm nhập văn hóa Trung Quốc suốt 10 thế kỷ, nhưng Việt Nam vẫn tồn tại như một thực thể văn hoá khác biệt, khiến họ luôn ra sức bảo vệ nền độc lập và bản sắc của mình.

Đầu thế kỷ X, sau sự sụp đổ của nhà Đường, Việt Nam giành được độc lập (939) và ngay lập tức phải đối mặt với những mối đe doạ không chỉ từ Trung Quốc về phía Bắc mà còn từ vương quốc Ấn giáo Chămpa về phía Nam.[85] Tuy nhiên, dần dần Việt Nam đã có được sức mạnh và tiến lên chống lại người Chămpa. Trong giai đoạn Việt Nam độc lập, Phật giáo Ấn Độ phát triển ở mức độ địa phương do bị nghi ngờ là chống lại Phật giáo Trung Quốc, thế nhưng mối quan hệ chính trị giữa Ấn giáo và triều đình không bao giờ phát triển ở Việt Nam như ở các nước Đông Nam Á khác.[86] Mặc dù vẫn duy trì nền độc lập của mình với Trung Quốc, thế nhưng Việt Nam vẫn mô hình hóa vương quyền và cơ cấu quản trị đất nước giống hệt Trung Quốc.

Sự bành trướng lãnh thổ của Việt Nam về phía Nam tuy chậm nhưng liên tục, bắt đầu từ triều Lý khoảng năm 1009.[87] Ghi nhận lịch sử đầu tiên của phong trào Nam tiến này là vào năm 1069, khi vương quốc Chămpa bị đánh bại và buộc phải giao hai tỉnh phía Bắc cho Việt Nam.[88] Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu của khoảng 500 năm người Việt gây áp lực lên khu vực phía Nam cho đến khi vương quốc Chămpa biến mất khỏi sử liệu của Trung Quốc vào năm 1543.

Sức mạnh của Việt Nam đã được củng cố dọc theo bờ biển phía Đông bán đảo Đông Dương, khu vực ngày nay là lãnh thổ Lào và Campuchia đã trở thành vùng đệm giữa người Thái ở phía Tây và người Việt Nam về phía Đông. Ba thế kỷ giữa những năm 1500 và sự xuất hiện của người Pháp là một thời kỳ hỗn loạn ở Việt Nam như những cuộc đảo chính trong triều đình và những cuộc tranh chấp hoàng tộc luân phiên với những động thái quân sự chống lại người Cam Bốt hay người Lào. Tầm quan trọng của thời gian này đối với lịch sử Đông Nam Á là sự nổi lên của phong trào Nam tiến và các cuộc thôn tính của người Việt Nam.[89] Sự trôi dạt về phía Nam của nông dân Việt Nam bị thúc đẩy bởi sự bất ổn do xung đột trong triều đình, chiến tranh, khủng bố tôn giáo và sự thống trị của thực dân. Cho đến khi quân Pháp ngừng hoạt động, những nông dân di cư này thường được khuyến khích bởi triều đình và được quân đội hỗ trợ.[90]

Người Việt Nam đã nhận rất nhiều đặc điểm của Trung Quốc, nhưng cũng giống như ở các nền văn hoá Đông Nam Á khác, họ đã chọn lọc và thích ứng với việc hình thành một nền văn hoá đặc biệt của riêng họ. Mặc dù một số thiết chế xã hội Trung Quốc như lễ cưới và trang phục chỉ đơn giản là áp đặt cho người Việt Nam, một nền văn hoá bản địa, mặc dù bị thay đổi bởi kinh nghiệm lâu năm với người Trung Quốc, vẫn sống sót.[91] Người Trung Quốc cũng tăng cường cơ cấu hạ tầng của Việt Nam với các con đường và cầu mới và giới thiệu các kỹ thuật nông nghiệp mới, đặc biệt là cày sắt. Tuy nhiên, người Việt Nam đã phát triển một nhóm văn hoá mạnh mẽ nhất ở Đông Dương, vượt qua người Chămpa vào thế kỷ XVI và thách thức người Khmers và người Lào cho đến khi người Pháp ức chế sau năm 1860. Một số người cho rằng việc áp dụng kỹ thuật quản lý phức tạp của Trung Quốc thực tế đã cho người Việt Nam sức mạnh để đánh bại sự thống trị của Trung Quốc.[92]

5. Đông Nam Á thế kỷ XVI – XIX


Người châu Âu lần đầu tiên đến Đông Nam Á vào thế kỷ XVI. Chính mối lợi của thương mại là động cơ thúc đẩy họ tới đây trong khi các nhà truyền giáo cũng theo các chuyến tàu để truyền bá đạo Công giáo vào trong vùng.

Bồ Đào Nha là cường quốc Châu Âu đầu tiên thiết lập một cơ sở bám trụ vào con đường thương mại Đông Nam Á nhiều lợi nhuận này khi chinh phục quốc gia Hồi giáo Malacca năm 1511. Người Hà Lan và Tây Ban Nha theo bước và nhanh chóng thế chỗ Bồ Đào Nha với tư cách là các cường quốc châu Âu trong vùng. Người Hà Lan chiếm Malacca từ tay người Bồ Đào Nha năm 1641 trong khi Tây Ban Nha bắt đầu thực dân hoá Philippines (được đặt tên theo Phillip II của Tây Ban Nha) từ thập kỷ 1560. Hoạt động thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan, người Hà Lan lập ra thành phố Batavia (hiện nay là Jakarta) để làm cơ sở thương mại và mở rộng ra những vùng khác của Java và những vùng lãnh thổ lân cận.

Anh Quốc, dưới hình thức Công ty Đông Ấn Anh, xuất hiện muộn ở khu vực này so với các nước kia. Khởi đầu từ Penang, người Anh bắt đầu mở rộng đế chế Đông Nam Á của họ. Họ cũng tạm thời chiếm lấy các vùng đất của người Hà Lan trong thời các cuộc chiến tranh Napoleon. Năm 1819 Stamford Raffles lập ra Singapore làm cơ sở thương mại chính của người Anh để cạnh tranh với người Hà Lan. Tuy nhiên, đối thủ của họ cũng đã nguôi ngoai năm 1824 khi một hiệp ước Anh – Hà Lan đã phân ranh giới quyền lợi của họ ở Đông Nam Á. Từ thập kỷ 1850 trở đi, nhịp độ thực dân hoá được đẩy mạnh với tốc độ cao nhất.

Hiện tượng này được gọi là Chủ nghĩa thực dân cũ, với việc các cường quốc thuộc địa xâm chiếm hầu như toàn bộ lãnh thổ Đông Nam Á. Công ty Đông Ấn của Anh và Công ty Đông Ấn Hà Lan bị chính phủ của họ chia nhỏ ra, và chính phủ chiếm lấy quyền quản lý trực tiếp các thuộc địa. Chỉ còn Thái Lan là không bị nước ngoài quản lý, mặc dù, chính Thái Lan bị ảnh hưởng chính trị của các cường quốc phương Tây.

Tới năm 1913, người Anh đã chiếm các lãnh thổ Miến Điện, Malaya và Borneo, nước Pháp kiểm soát Đông Dương, Hà Lan cai trị Đông Ấn thuộc Hà Lan, Hoa Kỳ chinh phục Philippines từ tay người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn giữ được vùng Timor thuộc Bồ Đào Nha.

Sự quản lý thuộc địa có một ảnh hưởng sâu sắc với Đông Nam Á. Trong khi các cường quốc thuộc địa chiếm hầu hết các nguồn tài nguyên và thị trường rộng lớn của vùng này, thì chế độ thuộc địa cũng làm cho vùng phát triển với quy mô khác nhau. Nền kinh tế nông nghiệp thương mại, mỏ và xuất khẩu đã phát triển nhanh chóng trong giai đoạn này. Nhu cầu tăng cao về nhân công dẫn tới nhập cư hàng loạt, đặc biệt từ Raj thuộc Anh và Trung Quốc, dẫn tới sự thay đổi lớn về nhân khẩu học. Những định chế cho một quốc gia dân tộc kiểu một nhà nước quan liêu, các toà án, phương tiện truyền thông in ấn và ở tầm hẹp hơn là giáo dục hiện đại đã gieo những hạt giống đầu tiên cho các phong trào quốc gia ở những lãnh thổ thuộc địa.

6. Đông Nam Á với phong trào giải phóng dân tộc


Ngay khi bị thực dân phương Tây xâm lược, nhân dân các nước Đông Nam Á đã kiên quyết đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, các cuộc kháng chiến lần lượt thất bại vì lực lượng của các nước đế quốc mạnh, chính quyền phong kiến ở nhiều nước đầu hàng, làm tay sai; cuộc đấu tranh của nhân dân thiếu tổ chức và thiếu lãnh đạo chặt chẽ.

Trong những năm giữa hai cuộc chiến, những phong trào quốc gia đó lớn mạnh và xung đột với các chính quyền thuộc địa khi họ yêu cầu tự quyết. Sự chiếm đóng của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai là bước ngoặt quyết định cho các phong trào đó. Nhật Bản phá vỡ tính bí hiểm của sự siêu việt của người da trắng và đã kích thích các phong trào đó.

Với sự phục hồi của các phong trào quốc gia, người châu Âu đã đối mặt với một Đông Nam Á hoàn toàn khác sau cuộc chiến. Indonesia tuyên bố độc lập ngày 17 tháng 8 năm 1945 và sau đó tiến hành một cuộc chiến ác liệt chống lại những người Hà Lan đang tìm cách quay trở lại. Người Philippines giành lại độc lập năm 1946. Miến Điện lấy lại độc lập từ tay người Anh năm 1948. Pháp bị hất cẳng khỏi Đông Dương năm 1954 sau một cuộc chiến đẫm máu với những người theo chủ nghĩa quốc gia ở Việt Nam. Liên hiệp quốc lúc ấy mới được thành lập đã đưa ra một diễn đàn cho cả những yêu cầu của những người theo chủ nghĩa quốc gia và cho cả những quốc gia mới yêu cầu độc lập.

Thời Chiến tranh Lạnh, việc chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa cộng sản là chủ đề chính của quá trình giải thực. Sau khi đàn áp một cuộc nổi dậy trong thời gian Tình trạng khẩn cấp Malayan từ 1948 đến 1960, người Anh đã trao lại độc lập cho Malaya và sau đó là Singapore, Sabah và Sarawak năm 1957 và 1963 bên trong khuôn khổ Liên bang Malaysia.

Sự can thiệp của Hoa Kỳ chống lại các lực lượng cộng sản ở Đông Dương khiến Việt Nam, Lào và Campuchia phải trải qua một cuộc chiến lâu dài trên con đường giành lại độc lập.

Năm 1975, sự cai trị của người Bồ Đào Nha ở Đông Timor chấm dứt. Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại độc lập một thời gian ngắn khi Indonesia sáp nhập nó vào lãnh thổ của họ. Cuối cùng, Anh Quốc chấm dứt sự bảo hộ của mình đối với Quốc gia Hồi giáo Brunei năm 1984, đánh dấu sự kết thúc của thời cai trị châu Âu trên vùng Đông Nam Á.

Kết luận : Đông Nam Á ngày nay


Các chi tiết về lịch sử Đông Nam Á vẫn còn ở trên bề mặt. Một đàng, các nhà nghiên cứu đang tìm thêm thông tin từ các quốc gia đã được biết đến, đàng khác họ cố gắng khám phá những điều mới mẻ từ các quốc gia chưa được biết đến trước đây. Những nghiên cứu đầu tiên trước đây về tổ chức chính trị cũng như sự hình thành các quốc gia đang dần lui về phía sau. Ước muốn của người viết từ bài lược sử này đó là có được một cái nhìn đúng đắn về Đông Nam Á, xét như một khu vực đã từng rất thịnh vượng, phong phú dẫu bị phân mảnh do địa lý và đa dạng sắc tộc. Trên cơ sở các nền văn hoá lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, Đông Nam Á đã hình thành nên một đơn vị văn hoá và lịch sử độc nhất vô nhị trong các cấu trúc xã hội, kinh tế và chính trị, tuy nhiên vẫn rất gần gũi với Ấn Độ, Trung Quốc cũng như hệ thống lịch sử thế giới.

Đông Nam Á hiện tại có 11 nước, có đặc trưng ở mức độ tăng trưởng kinh tế cao của hầu hết các nước và sự kết hợp bên trong. Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore từ trước đã trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế cao và thường được coi là những nước phát triển trong khu vực. Muộn hơn, nhưng Việt Nam cũng đang trải qua giai đoạn bùng nổ kinh tế. Myanmar, Campuchia, Lào và quốc gia mới giành độc lập là Đông Timor vẫn đang ở tình trạng trì trệ.

Ngày 8 tháng 8 năm 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines thành lập. Từ khi Campuchia được chấp nhận vào hiệp hội năm 1999, Đông Timor là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không ở trong khối ASEAN. Hiệp hội này có mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các cộng đồng Đông Nam Á. Khu vực thương mại tự do ASEAN đã được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa thương mại bên trong các thành viên ASEAN. ASEAN cũng là một khối có triển vọng thành công trong việc hội nhập ở mức cao hơn nữa vào vùng châu Á Thái Bình Dương thông qua Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

[1] Stephen N. Hay và Margaret H. Case, bt., Southeast Asian History: A Bibliographic Guide, New York: Praeger (1962), tr. 3.
[2] D.G.E. Hall, A History of South-East Asia, 1st ed., London: Macmillan (1968), tr. 3.
[3] George B. Cressey, Asia’s Lands and Peoples, 3th ed., New York: MacGraw Hill (1963), tr. 258.
[4] Ibid., tr. 269.
[5] "Tonkin" vốn là đọc trại âm tên Hán-Việt của địa danh Hà Nội, thời nhà Lê gọi là Đông Kinh (東京). Vì đó cũng là trung tâm hành chính và thương mại miền Bắc nên Tonkin được người phương Tây dùng để chỉ toàn xứ Đàng Ngoài thời Trịnh - Nguyễn phân tranh dưới nhiều dạng như Tunquin, Tonquin, Tongkin, Tongkin, và Tonkin. Cách viết phản ảnh văn tự của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Pháp khi phát âm "Đông Kinh". Sang thế kỷ 19 địa danh "Tonkin" được người Pháp chỉ định riêng xứ Bắc Kỳ của triều Minh Mệnh trở đi. Tuy tên Tonkin không còn dùng về mặt hành chính nhưng trong tiếng Anh ta còn thấy nó xuất hiện trong tên gọi Vịnh Bắc Bộ "Gulf of Tonkin" và cây thiên lý "Tonkin creeper". Tính từ tonkinois trong tiếng Pháp được dùng trong soupetonkinois để chỉ món phở. Vincent Scotto sáng tác một bài hát vào năm 1906 với nhan đề "La petite Tonkinoise". (Cô em Bắc Kỳ nho nhỏ). Tính từ latinh hóa tonkinensis (Phân loại học), dùng để miêu tả các loài, chủ yếu là các giống cây có ở Bắc Bộ (Tonking). Ví dụ Sindoratonkinensis chỉ cây gụ lau, hay Dalbergiatonkinensis, là cây sưa Bắc Bộ.
Ngày nay từ Bắc Kỳ không được sử dụng chính thống. Những vùng như Miền Trung, Miền Nam, đặc biệt những vùng có ít người Bắc sinh sống, sử dụng từ Bắc Kỳ nhằm chỉ người Bắc, đôi khi với những định kiến nhất định. Nên người Bắc vào Nam sau 1975 xem đây là từ kỳ thị vùng miền. Trước 1975 từ Bắc Kỳ được sử dụng rộng rãi, người Bắc di dân không xem đây là từ kỳ thị. Nhạc sĩ Phạm Duy, một người con của Hà Nội có một sáng tác mang tên "Cô Bắc Kỳ nho nhỏ", đã chứng minh điều đó.
[6] Xem thêm ở B. Kalgren, “The Date of the Early Dongson Culture,” Bulletin of the Museum of Far Eastern Antiquities 14 (1942), tr. 1-29.
[7] Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc rìu bằng đồng tại vùng Đông-Bắc Thái Lan có niên đại vào khoảng 3500 tr.CN. Bằng chứng này đã khiến các học giả thời tiền sử của Đông Nam Á bối rối. D.T. Bayard, “Early Thai Bronze: Analysis and New Dates,” Science 176 (1972), tr. 141.
[8] Reginald Le May, The Culture of South-East Asia, London: Allen and Unwin (1954), tr. 9.
[9] J. Nehru, The Discovery of India, Oxford: University Press (1962), tr. 200-207.
[10] Nguyễn Công Khanh, “Ảnh hưởng văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử”, Một số chuyên đề lịch sử thế giới, tập 1 (Vũ Dương Ninh chủ biên), Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (2001) tr. 110.
[11] Xung quanh tên gọi Phù Nam vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Ý kiến được nhiều người tán đồng, đó là Phù Nam do chữ Fou Nan mà ra (gọi theo cách phát âm của người Trung Hoa). Từ ngữ này xuất phát từ ngôn ngữ Môn-Khmer cổ: bnam hay vnam, mà ngày nay được đọc là phnom, có nghĩa là “núi” hoặc “đồi.” Những nhà vua xứ này đã mang vương hiệu theo những từ có nghĩa là “vua núi,” trong tiếng Phạn là parvatabhupala, trong tiếng Khmer là kurungbnam, và chính dựa theo vương hiệu đó mà người Trung Hoa đã có thói quen đặt tên cho xứ này (x. G.E. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa, dg. Nguyễn Thừa Hỷ, Hà Nội : NXB Thế Giới (2011), tr. 84.)
[12] Về việc sử dụng hạn từ “quốc gia” cho giai đoạn sơ kỳ của Đông Nam Á, xin lưu ý như sau : thông thường, khái niệm “quốc gia” thường được dùng để chỉ các khía cạnh tổ chức, chính quyền, lãnh thổ, v.v., thế nhưng những khía cạnh này lại không thích hợp với các “quốc gia” sơ kỳ của Đông Nam Á cho nên cần tránh hiểu theo các khía cạnh này. X. Fred W. Riggs trong tác phẩm Thailand: The Modernization of a Bureaucratic Polity (Honolulu: East-West Center Press, 1966), đã phê bình những nghiên cứu đem các giá trị của Tây phương áp dụng cho tổ chức chính phủ của Thái Lan. Trong nhiều khía cạnh, khoảng thời gian này có thể được miêu tả như một loại hệ thống lãnh chúa/nông nghiệp, nơi đó các nhóm quyền lực ngắn ngủi nắm quyền điều hành và cai trị, nhưng lại thiếu sức mạnh kinh tế và chính trị để những vùng lãnh thổ mà họ chiếm giữ được gọi là một quốc gia đúng nghĩa. Thiết nghĩ có thể dùng hạn từ chính thể để gọi các “quốc gia” này.
[13] Khu vực này ban đầu được người Pháp gọi là Indo-Chine (Ấn Độ - Trung Hoa) để chỉ khu vực nằm phía đông của Ấn Độ và phía nam Trung Quốc, chịu ảnh hưởng văn hóa của hai vùng này. Người Việt dùng tên gọi Đông Dương (Biển Đông), tương tự cách dùng tên gọi Tây Dương cho châu Âu, Tiểu Tây Dương cho bán đảo Ấn Độ, Nam Dương cho quần đảo Indonesia. Sách Giáo khoa sử dụng tên gọi bán đảo Trung-Ấn tương đương với Đông Nam Á lục địa, nhiều tài liệu sử dụng tên bán đảo Ấn-Hoa theo sát nghĩa của Indochine. Người Trung Quốc dịch âm Indo-Chine thành Ấn Độ-Chi Na (印度支那). Người Hoa tại Đông Nam Á, Đài Loan thì gọi là Trung Nam bán đảo (中南半島).
Trong bán đảo Đông Dương đã từng tồn tại Đông Dương thuộc Pháp, là các nước thuộc địa cũ của Pháp, gồm Annam (Trung kỳ), Cochinchine (Nam kỳ), Tonkin (Bắc kỳ) (cả ba nay thuộc Việt Nam), Lào và Campuchia. Thời kỳ là thuộc địa của Anh, Miến Điện được coi là một phần của British India (Ấn Độ thuộc Anh), nhưng đôi khi người ta cũng dùng British Indochina (Indochina thuộc Anh) để chỉ Miến Điện. Theo nghĩa rộng thì Đông Dương có thể được gọi là Đông Nam Á lục địa (Mainland Southeast Asia).
[14] Óc Eo (Ur Kêv) là tên gọi một gò đất thuộc làng Mỹ Lâm, tổng Kiên Hảo, tỉnh Rạch Giá, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Từ năm 1957, Goerges Coedes, Giám đốc Học viện Viễn Đông Pháp, đã giới thiệu Di chỉ Óc Eo – cảng cổ của Vương quốc Phù Nam (G. Coedes, 1957, Le site de Go Oc Eo, Ancient port du Royaume de Founan, ArtibusAsiae, Vol/3. Dẫn theo Lương Ninh 2011: 39). Sau đó, năm 1959, Louis Malleret đã xác định Thành phố Óc Eo (La ville d’Oc-èo) khá lớn, dài 1500m rộng 300m (450 hecta), có cửa khẩu, tiền cảng là Ta Kêv. Còn theo John N. Miksic, Óc Eo có vai trò lịch sử quan trọng: có chữ viết sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á; là nơi độc nhất vô nhị có đầy đủ các loại hình di tích khảo cổ xưa ở Đông Nam Á; có một nền thương mại rộng rãi, có tôn giáo và những hoạt động nghệ thuật, không có gì khác mà có thể tìm được trong khu vực Đông Nam Á.
[15] Kenneth R. Hall, “The ‘Indianization’ of Funan: An Economic History of Southeast Asia’s First State,” Journal of Southeast Asian Studies, 13/03/1982, tr. 82.
[16] Ibid., tr. 82.
[17] O.W. Wolters, Tiểu luận “Khmer ‘Hinduism’ in the Seventh Century,” trong Smith and Watson, Early South East Asia – Selected Essays, tr. 428.
[18] Tấn thư, Nam Tề thư và Lương thư thuộc bộ Nhị Thập Tứ Sử của Trung Quốc.
[19] Hỗn Điền (I s.CN), tức Kaundinya, có thể từ Ấn Độ hoặc từ bán đảo Mã Lai hay các đảo phía Nam (x. P. Pelliot, Quelques textes chinois concernant l’Indochine hindouisée, Et. Asiat, EFEO, II., tr. 246-249). Về vai trò vượt trội của thị tộc Kaundinyas ở miền Nam Ấn, x. B.R. Chatterjee, Recent Advances in Kambuja Studies, J. Greater India Soc. VI, 1939, tr. 139.). Hỗn Điền làm theo những chỉ dẫn trong giấc mơ, nhặt được cây cung thần, lên một thuyền buôn lớn vượt biển để đến Phù Nam. Vị nữ hoàng của xứ là Liễu Diệp muốn cướp chiếm lấy thuyền, nên Hỗn Điền đã dùng cây cung thần bắn một mũi tên xuyên từ bên này sang bên kia con thuyền của Liễu Diệp. Bà này hoảng sợ, chịu khuất phục và Hỗn Điền lấy bà làm vợ, bắt đầu cai trị đất nước. Đây là lời giải thích của người Trung Hoa về nguồn gốc các vương triều của nước Phù Nam. Chắc chắn rằng đó là sự cải biên của một truyền thuyết Ấn Độ, được kể lại một cách trung thành bên trong một văn bia chữ Phạn của Chămpa. (x. G.E. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa, dg. Nguyễn Thừa Hỷ, Hà Nội : NXB Thế Giới (2011), tr. 86).
[20] Kenneth R. Hall, “The ‘Indianization’ of Funan: An Economic History of Southeast Asia’s First State,” Journal of Southeast Asian Studies 13/03/1982, tr. 91.
[21] Eo biển Malacca là eo biển nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương, có chiều dài 805 km và nơi hẹp nhất chỉ rộng 1,2 km. Eo biển Malacca nằm trên tuyến giao thông cực kì quan trọng, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ Châu Âu, Châu Phi, Nam Á, Trung Đông đi Đông Nam Á, Đông Á. Đây là nơi chiếm 1/4 lượng giao thông hàng hải thế giới.
[22] Hall, “The ‘Indianization’ of Funan,” tr. 97-103.
[23] Ibid., tr. 104-106.
[24] Tonlé Sap hay Biển hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997. Tonlé Sap có nghĩa là "sông nước ngọt lớn" nhưng thông thường được dịch là "Hồ Lớn" trong các ngôn ngữ khác; "Biển Hồ" là cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước này khiến không thấy bến bờ.
[25] Joseph Desomogyi, A History of Oriental Trade, Hildesheim: Georg Olms Verlagsbuch-Handling, (1968), tr. 24.
[26] Đế quốc Parthia hay còn được gọi là Đế quốc Arsaces (247 TCN – 224 CN) là một quốc gia của người Iran ở Trung Đông, có nền chính trị và quân sự phát triển mạnh, và là đối thủ đáng gờm của Đế quốc La Mã trên miền đất này. Đế quốc này do vua Arsaces I sáng lập, gắn liền với nhà Arsaces có nguồn gốc từ Parthia (đại khái ở tây bộ Khurasan, thuộc miền đông bắc Iran). Sau đó là một satrap (tỉnh) trong cuộc nổi loạn chống lại đế chế Seleukos. Mithridates I của Parthia (cai trị: 171-138 TCN) đã mở rộng đế chế bằng cách chiếm lấy Media và Lưỡng Hà từ vương quốc Seleukos. Vào thời kì đỉnh cao, Đế quốc Parthia trải dài từ phía bắc của sông Euphrates, nay là phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, tới phía đông Iran. Đế quốc này nằm án ngữ trên con đường tơ lụa nối liền Đế chế La Mã ở lưu vực Địa Trung Hải với nhà Hán ở Trung Quốc, và vì thế nó nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại và mậu dịch.
[27] Ibid.
[28] Ibid.
[29] Langkasuka (Lang Nha Tu) là một vương quốc cổ của người Mã Lai cổ tại khu vực bán đảo Mã Lai ngày nay (gồm các tỉnh miền nam Thái Lan và bang Kedah, Perak, Kelantan của Malaysia). Theo các tấm bia cổ được phát hiện tại bán đảo và các biên niên sử Mã Lai cũng như thư tịch cổ Trung Hoa, cho biết vương quốc này được hình thành từ khoảng thế kỷ II và tồn tại đến thế kỷ VII. Langkasuka có mối quan hệ với Phù Nam từ rất sớm, thậm chí có một thời kỳ là chư hầu của Phù Nam.
[30] Eo đất Kra là một dải đất hẹp chạy dài theo hướng Bắc-Nam, nối bán đảo Malay với lục địa châu Á. Phần phía Đông của eo đất Kra thuộc Thái Lan và trông ra vịnh Thái Lan. Phần phía Tây thuộc Myanma (vùng Tanintharyi) và trông ra biển Andaman. Về mặt địa chất, eo đất Kra có thể xem là đoạn trũng của một dãy núi chạy từ Hymalaya xuống bán đảo Malay. Phía Bắc đoạn trũng là dãy Phuket, còn ở phía Nam là dãy Titiwangsa. Chỗ hẹp nhất của eo đất này, tại nơi giữa vùng cửa sông Kra và vịnh Sawi, là 44 km và điểm cao nhất tại nơi này là 75 mét so với mặt biển.
[31] Thư tịch Trung Hoa gọi tên Lâm Ấp cho đến Tân Đường thư, thế kỷ VIII. Cũng được biết tên nước được gọi chính thức trong văn bia là Chămpa, có thể lấy theo tên một loài hoa đẹp (hoa Ngọc Lan ChampacaLinnae), cũng có thể như một số nơi khác, gọi theo địa danh một vùng ở Ấn Độ, phía Bắc hạ lưu sông Hằng – Ganga. (x. Lương Ninh chủ biên, Lịch sử Đông Nam Á, Hà Nội: NXB Giáo Dục, 2005, tr. 32).
[32] x. D.R. Sardesai, Southeast Asia – Past and Present, 2nd Edition, San Francisco: Westview Press (1989), tr. 23.
[33] Lương Ninh chủ biên, Lịch sử Đông Nam Á, Hà Nội: NXB Giáo Dục (2005), tr. 32.
[34] Các cuộc nổi dậy được cho là do Khu Liên, một quan địa phương, lãnh đạo. Ông này lật đổ quyền lực của Trung Hoa và thành lập một vương quốc độc lập đặt tên là Lâm Ấp gần thành phố Huế ngày nay. Có thể nói lịch sử mối quan hệ bang giao giữa Chămpa và Trung Hoa là một sự xen kẽ giữa đối đầu và hỗ trợ. Sau thời Tam Quốc, Trung Hoa được tái hợp dưới triều Đông Ngô ; năm 284 s.CN, Chămpa đã gửi sứ thần đầu tiên tới triều yết hoàng đế. Nhưng bất cứ khi nào triều đình Trung Hoa ở Đông Kinh suy yếu, Chămpa liền nắm lấy cơ hội và đột kích vào các tỉnh phía Bắc Trung hoa. x. D.R. Sardesai, Southeast Asia – Past and Present, 2nd Edition, San Francisco: Westview Press, 1989, tr. 23.
[35] x. D.R. Sardesai, Southeast Asia – Past and Present, 2nd Edition, San Francisco: Westview Press (1989), tr. 23.
[36] Các thị quốc Pyu là tên gọi chung cho các thành bang của người Pyu từng tồn tại ở miền Trung và miền Bắc Myanmar hiện đại từ thế kỷ I tr.CN cho đến năm 840. Lịch sử của các thị quốc Pyu được khám phá dựa vào các bi ký tìm thấy và qua các ghi chép của những người Trung Quốc về nước Phiêu (驃). Người Pyu là một trong những dân tộc tổ tiên của người Myanmar.
[37] Sông Irrawaddy, ngày nay được gọi là Ayeyarwady, là một con sông chảy uốn lượn theo hướng Bắc Nam của Myanmar. Nó là con sông dài nhất của quốc gia này (khoảng 2170 km) và nó là thủy lộ quan trọng về mặt kinh tế và giao thông vào bậc nhất của Myanmar với tổng diện tích lưu vực khoảng 411.000-413.674 km².
[38] Donald G. McCloud, System and Process in Southeast Asia: The Evolution of a Region, Colorado: Westview Press (1986), tr. 26.
[39] Donald G. McCloud, System and Process in Southeast Asia: The Evolution of a Region, Colorado: Westview Press (1986), tr. 27.
[40] O.W. Wolters, Early Indonesian Commerce: A Study of the Origins of Srivijaya, Ithaca: Cornell University Press (1967).
[41] Phù Nam là trạm dừng cuối cùng trên tuyến đường ven biển giữa Quảng Châu và tuyến vận tải đi ngang qua bán đảo Mã Lai.
[42] Pháp Hiển, “A Record of the Buddhist Countries,” Li Yung-his dịch (Peking: Hội Phật giáo Trung Quốc, 1957), trích trong The World of Southeast Asia, Harry J. Benda và John A. Larkin biên tập, New York: Harper & Roll (1967).
[43] Sumatra (tiếng Indonesia: Sumatera) là một đảo lớn ở miền tây Indonesia thuộc quần đảo Sunda lớn. Đây là đảo lớn nhất hoàn toàn thuộc về Indonesia (hai đảo lớn hơn, Borneo và New Guinea, được chia ra giữa Indonesia và các quốc gia khác), và là đảo lớn thứ sáu trên thế giới với diện tích 473.481 km2 (tính cả những đảo lân cận thuộc quần đảo Riau và Bangka Belitung).
[44] Hall, “The ‘Indianization’of Funan,” tr. 100-103.
[45] Srivijaya là một liên minh kiểu mandala (vòng tròn các vua, một mô hình trong đó quyền lực chính trị được phân tán). Tên gọi Srivijaya thực ra là tên của gọi kinh đô của nhà nước bá chủ. Người nước ngoài dùng để gọi tên cả liên minh này. Srivijaya còn được viết là Sriwijaya. Trong tiếng Phạn, sringhĩa là “tỏa sáng,” vijaya nghĩa là “vinh quang.” Người Trung Hoa xưa ký âm của từ này bằng chữ Hán thành 室利仏逝 (phiên âm Hán-Việt: Thất Lợi Phật Thệ). Sử người Việt dùng tên Tam Phật Tề. (x. Nguyễn Thế Anh. (1994). "Indochina and the Malay World". Tuyển-tập Ngôn-ngữ và Văn-học Việt Nam, Tập 1 (Số 2), tr. 125-54)
[46] Palembang là thành phố tỉnh lị của tỉnh Nam Sumatra, thuộc phía tây Indonesia. Palembang là một trong những đô thị cổ nhất đất nước và từng có một thời gian dài là kinh đô của một đế chế mạnh về hàng hải. Thành phố nguyên là kinh đô của Vương quốc Srivijaya, một vương triều Mã Lai hùng mạnh và có ảnh hưởng tới cả khu vực Đông Nam Á. Các dấu tích sớm nhất về sự tồn tại của thành phố là từ thế kỷ thứ VII; một hòa thượng người Trung Quốc có pháp danh là Nghĩa Tịnh, đã ghi chép về chuyến thăm Srivijaya trong vòng 6 tháng của ông vào năm 671.
[47] O.W. Wolters, The Fall of Srivijaya in Malay History, Ithaca: Cornell University Press (1971), tr. 229-253.
[48] Wolters, Early Indonesian Commerce: A Study of the Origins of Srivijaya, Ithaca: Cornell University Press (1967), tr. 229-253.
[49] Kenneth R. Hall, “State and Statecraft in Early Srivijaya,” trong Explorations in Early Southeast Asian History, Kenneth R. Hall và John K. Whitemore bt, Ann Arbor Michgian: Center for South and Southeast Asia Studies (1976), tr. 93.
[50] Vương quốc Melayu (còn gọi là Malayu) là một nhà nước cổ của người Mã Lai tồn tại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Trung tâm của nhà nước này vào khoảng Dharmasraya ngày nay trên đảo Sumatra, Indonesia, cách Palembang khoảng 300 km về hướng bắc. Cảng thị Jambi cùng với cảng thị Srivijaya là hai nơi có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các thị quốc có thế lực trong mạng lưới thương mại hàng hải. Suốt một thời gian dài, Melayu làm chư hầu của Srivijaya. Có thời gian, Jambi của Melayu trở thành trung tâm chính trị của Srivijaya.
[51] Java nằm giữa Sumatra ở phía tây và Bali ở phía đông. Borneo nằm ở phía bắc và đảo Christmas ở phía nam. Đây là đảo có diện tích lớn thứ 13 trên thế giới. Bao quanh đảo Java là biển Java ở phía bắc, eo biển Sunda ở phía tây, Ấn Độ Dương ở phía nam và eo biển Bali cùng eo biển Madura ở phía đông.
[52] Borneo hay Kalimantan là đảo lớn thứ 3 thế giới với diện tích lên đến 743.330 km2 tại Đông Nam Á. Borneo là tên gọi của người phương Tây và hiếm khi được dân địa phương gọi. Đảo chia làm ba phần thuộc chủ quyền của ba nước Brunei, Indonesia và Malaysia. Phần đảo này thuộc chủ quyền của Indonesia được gọi là Kalimantan trong khi phần thuộc chủ quyền thuộc Malaysia được gọi là Đông Malaysia. Gần như toàn bộ lãnh thổ Brunei là một phần nhỏ của đảo Borneo. (x. John. F. Cady, Southeast Asia, tr. 69)
[53] Nghĩa Tịnh, “A Record of the Buddhist Religion as Practiced in India and the Malay Archipelago,” J. Takakusu dịch, trích trong Benda và Larkin, The World of Southeast Asia, tr. 5-6.
[54] Chau Ju-kua, tác phẩm viết về thương mại giữa Trung Hoa và Ả Rập thế kỷ XII và XIII, bút danh Chu-fan-chi, F. Hirth và V. Rockhill chuyển dịch, Đài Loan: Literature House, Ltd. (1965), tr. 62.
[55] Hall, A History of South-East Asia, Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia (1997), tr. 111.
[56] G. Coedes, The Indianized States of Southeast Asia, Walter F. Vella bt và Susan B. Cowing dịch từ bản tiếng Pháp, Honolulu: East-West Center Press (1968), tr. 130.
[57] Ibid., tr. 112.
[58] Bronson, “The Archaeology of Sumatra and the Problem of Srivijaya,” trích trong Smith and Watson, Early South East Asia, tr. 403.
[59] x. John N. Miksic, “Archaeology and Palaeogeography in the Straits of Malacca,” trích trong Hutter, Economic Exchange and Social Interation, tr. 155-175; O.W. Wolters, “Landfall on the Palembang Coast in Medieval Times,” Indonesia, s. 20 (10/1975), tr. 1-58.
[60] D.J.M. Tate, The Making of South-East Asia, London và Kuala Lumpur: Oxford University Press (1979), vol.1, tr. 55.
[61] J. Kennedy, A History of Melayu 1400-1959, New York: St. Martin’s Press (1967), tr. 1.
[62] Cady, Southeast Asia, tr. 155.
[63] Michael Prawdin, The Mongol Empire: Its Rise and Legacy, 2nd ed., London: Allen and Unwin (1961), tr. 411-421.
[64] Cady, Southeast Asia, tr. 157-166.
[65] Hall, “The ‘Indianization’ of Funan,” tr. 104-105.
[66] Hall, A History of South-East Asia, Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia (1997), tr. 133.
[67] Lawrence Palmer Briggs, The Ancient Khmer Empire. Chuyển nhượng bản quyền từ American Philosophical Society, Philadelphia: American Philosophical Society (1951), tr. 89.
[68] Ibid., tr. 90.
[69] I.W. Mabbett, “Devaraja,” JSEAH 10,2 (1969), tr. 202-223.
[70] Hermann Kulke, The Devaraja Cult, (dịch từ tiếng Đức bởi I.W. Mabbett), New York: Cornell Southeast Asia Program (1978), tr. 37.
[71] NidhiAeusrivongse, “The Devaraja Cult and Khmer Kingship in Angkor,” trích trong Hall và Whitmore, Explorations in Early Southeast Asian History, tr. 121.
[72] Ibid., tr. 126.
[73] Briggs, The Ancient Khmer Empire, tr. 106.
[74] Ibid., tr. 165.
[75] Karl Wittfogel, Oriental Despotism, and Comparative Study of Total Power, New Haven, Conn: Yale University Press (1957). Xem thêm Karl A. Wittfogel, “Results and Problems of the Study of Oriental Despotism,” Journal of Asian Studies 28 (02/1969), tr. 357-374.
[76] Bernard H.M. Vlekke, Nusantara: A History of Indonesia, The Hague: W. van Hoeve, Ltd. (1965), tr. 28-30.
[77] Donald G. McCloud, System and Process in Southeast Asia: The Evolution of a Region, Colorado: Westview Press (1986), tr. 33.
[78] Ibid., tr. 33.
[79] Cady, Southeast Asia, tr. 77.
[80] Boechari, “Some Considerations on the Problem of the Shift of Mataram’s Centre of Government from Central to East Java in the 10th Century,” trích trong Smith and Watson, Early South East Asia, tr. 373-491.
[81] John Brohm, “Buddhism and Animism in a Burmese Village,” Journal of Asian Studies 22 (02/1963), tr, 155-167.
[82] Lorraine Gesick, “The Rise and Fall of King Taksin: A Drama of Buddhist Kingship,” trích trong Centers, Symbols, and Hierarchies: Essays on the Classical States of Southeast Asia, Southeast Asia Monograph Series, No. 26., New Haven: Yale University (1983), tr. 89.
[83] Michael Aung-Thwin, “Kingship, the Sangha, and Society in Pagan,” trích trong Hall và Whitmore, Explorations in Early Southeast Asian History, tr. 234-235.
[84] CharnvitKasetsiri, The Rise of Ayuhya: A History of Siam in XIV and XV, Kuala Lumpur: Oxford University Press (1976), tr. 51-92.
[85] Keith W. Taylor, The Birth of Vietnam, Berkeley: University of Oxford Press (1983), tr. 269.
[86] Cady, Southeast Asia, tr. 104.
[87] D.G.E. Hall, A History of South-East Asia, 1st ed., London, Macmillan, 1968, tr. 200.
[88] Jerry M. Silverman, “Historic National Rivalries and Interstate Conflict in Mainland Southeast Asia,” trích trong Conflict and Stability in Southeast Asia, Mark W. Zacher và R. Stephen Milne bt, Garden City, New York: Anchor Books (1974), tr. 55.
[89] Gerald C. Hickey, Village in Vietnam, New Haven, Conn.: Yale University Press (1964), tr. 6.
[90] Ronald Provencher, Mainland Southeast Asia: An Anthropological Perspective, Pacific Palisade, Calif.: Goodyear Publishing Company (1975), tr. 41.
[91] Taylor, The Birth of Vietnam, tr. xviii-xxi.
[92]Hicker, Village in Vietnam, tr. 6, trích theo Lê Thành Khôi, Le Vietnam – Histoire et Civilisation: Le Milieu et L’Histoire, Paris: Les Editions de Minuit (1955).