Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

NHÂN LUẬN TRONG HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES

Thời sự Thần học – Số 67 tháng 2/2015, tr. 31-53.

Francesco Scanziani [1]


Hiến chế Gaudium et spes (GS) nói gì về con người? Một câu hỏi đã được nêu lên ngay từ những số đầu tiên của văn kiện nhưng ít khi được để ý. Tác giả không đi vào nội dung các vấn đề nhân-luận, nhưng muốn nêu bật hướng đi mà văn kiện đã mở ra cho môn nhân-luận thần-học, đó là nhìn con người dưới ánh sáng của Đức Kitô.

Bài này gồm hai phần chính: trước hết, phân tích những đoạn văn về nhân luận (cách riêng trong phần thứ nhất của Hiến chế); tiếp đến, vạch ra những nét chính của nhân luận GS: 1) Nguyên tắc căn bản: Đức Kitô, chân lý về con người. 2) Nội dung: ơn gọi của Thiên Chúa. 3) Con người: hình ảnh Thiên Chúa. 4) Con người và mối dây liên đới với Đức Kitô và với đồng loại. Tác giả cũng đưa vài nhận xét về những giới hạn của bản văn.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG KHẢO CỨU VỀ CON NGƯỜI: Các ngành khoa học nhân văn, Các môn nhân học

Thời sự Thần học – Số 67 tháng 2/2015, tr. 11-30

I. Những “khoa-học nhân-văn” (hoặc: khoa-học nhân-văn – xã-hội) phân biệt với các “khoa-học tự-nhiên” (Wilhelm Dilthey).

II. Các ngành nhân học :
  1. Con người như một thực thể vật chất: nhân-học cổ-đại, nhân-học văn-hóa, dân-tộc-học, nhân-học hình-thể.
  2. Con người như một thực thể thiêng liêng: tâm-lý-học thuần-lý và tâm-lý-học thực-nghiệm.
  3. Con người như một thực thể biệt lập: nhân-học triết-lý (hay nhân-luận triết-học).
III. Nhân học Kitô giáo :
  1. Nhân-luận triết-học.
  2. Nhân-luận thần-học.

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

TU LÀ MỘT CHỌN LỰA TỰ DO, TU LÀ CÕI PHÚC DÀNH CHO AI DÁM CHẾT

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 193-216.

  1. Tự do là gì để dám chọn lựa cõi phúc,
    dám dấn bước làm môn đệ thầy Giêsu ? 
  2. Tự do chọn lựa trở thành người môn đệ. 
  3. Tự do theo kinh nghiệm thánh Âu-Tinh. 
  4. Tự do trước mọi thách đố thời đại: Niềm vui.

_Maria Lê Thị Thanh Nga, Dòng Đức Bà_


“Tu là cõi phúc, tình là dây oan.” Ông bà cha mẹ vẫn khuyến khích con cháu đi tu để được phúc, phúc cho bản thân và phúc cho cả dòng họ gia đình. Riêng tôi vẫn thường vui vẻ chuyển đổi từ “phúc” thành từ “chết” mà biết chắc rằng mình vẫn không làm sai lạc ý nghĩa sâu xa của đời tu, của kinh nghiệm người xưa, và còn làm giảm bớt nét đối lập giữa đời tu và đời hôn nhân đã khiến cho nhiều bạn trẻ tưởng rằng đời tu là cứu cánh duy nhất, là chốn lánh nạn yên hàn, không còn bị ràng buộc bởi tục lụy thế gian. Thật vậy, “tu là cõi chết” và chính nhờ trải nghiệm cái chết từng ngày từng giờ này mà người tu sĩ cảm nhận hạnh phúc sâu xa của người đã tự do chọn lựa làm môn đệ Thầy Giêsu.

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

ĐỜI TU PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ : CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 166-193

Gioan Phê Ny Ngân Giang, O.P.


Dẫn nhập
  • Vấn đề về niên đại
  • Bối cảnh tôn giáo
  • Đặc điểm các nguồn văn thời kỳ đầu
I. Lý tưởng giải thoát Upaniṣad thời kỳ tiền Phật giáo
  1. Triết lý giải thoát của Upaniṣad
  2. Đời sống phạm hạnh trong Chāndogya Upaniṣad (CU)
II. Lý tưởng đời tu Phật giáo Nguyên thuỷ
  1. Đời sống phạm hạnh (brahmacarya)
  2. Việc xuất gia nói chung
  3. Thâu nhận vào Tăng đoàn
  4.  Các giai đoạn tu trì trong Phật giáo Nguyên thuỷ
III. Nền tảng của đời sống Saṃgha
  1. Tinh thần giới luật
  2. Tam học và tinh thần tu dưỡng
Kết luận

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

CÁC TRINH NỮ TẬN HIẾN


Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 134-165

Uỷ Ban Giáo sĩ và Tu sĩ, HĐGM Italia

Với việc ban hành nghi thức thánh hiến các trinh nữ ngày 31/5/1970, hàng ngũ các trinh nữ (Ordo virginum) đã được chính thức phục hồi trong Giáo hội. Hiện nay, tại Italia, có khoảng 500 trinh nữ được thánh hiến và một số tương đương đang trong giai đoạn đào tạo. Nhằm cung cấp cho các vị mục tử những tiêu chuẩn trong việc phân định và hướng dẫn ơn gọi này, Uỷ Ban đặc trách các Giáo sĩ vàTu sĩ của Hội đồng Giám mục Italia đã soạn thảo một “Ghi chú mục vụ” (Nota pastorale) được ban hành ngày 25/3/2014. Thiết tưởng tài liệu tham chiếu này cũng hữu ích cho các Giám mục ở những quốc gia khác.

Văn kiện gồm ba chương, với 24 số.

Nhập Đề
Chương I. Ơn gọi của hàng ngũ các trinh nữ (ordo virginum)
  • 1. Một ơn gọi đặc biệt
  • 2. Sự khôi phục hàng ngũ các trinh nữ
  • 3. Nội dung của “quyết tâm”
  • 4. Những hình ảnh của một hành trình tâm linh
  • 5. Trách nhịêm của Giám mục giáo phận
  • 6. Vị Đại diện đặc trách hàng ngũ các trinh nữ
Chương II: Phân định và huấn luyện
  • 7. Những điều kiện để thâu nhận các ứng sinh vào việc thánh hiến
  • 8. Việc phân định và huấn luyện
  • 9. Giai đoạn chuẩn bị
  • 10. Việc huấn luyện khởi đầu
  • 11. Việc phân định kết thúc
  • 12. Cử hành nghi thức thánh hiến
  • 13. Việc huấn luyện thường xuyên
Chương III: Đời sống và chứng tá của các trinh nữ thánh hiến
  • 14. Bản luật sống cá nhân
  • 15. Linh hướng
  • 16. Cầu nguyện
  • 17. Giữa lòng Hội thánh
  • 18. Quyết tâm hiệp thông giữa những người tận hiến
  • 19. Vì sự sống của thế giới
  • 20. Những hiệp hội và cộng đoàn các trinh nữ tận hiến
  • 21. Di chuyển sang giáo phận khác
  • 22. Việc làm và cấp dưỡng
  • 23. Việc rời bỏ hàng ngũ trinh nữ
  • 24. Nhóm liên kết ở cấp quốc gia và ở mỗi miền
Kết luận

Chú thích của người dịch: Ordo virginum được dịch là “Hàng ngũ các trinh nữ” (viết tắt HNTN). Consecratio virginum: sự “thánh hiến các trinh nữ”. Virgines consecratae: các “trinh nữ tận hiến” (viết tắt: TNTH)
___________


Nhập đề


Lòng biết ơn Thiên Chúa vì những hồng ân cũng như trách nhiệm phân định các đặc sủng nhằm xây dựng cộng đoàn Kitô hữu đòi hỏi các giám mục phải chú ý quan sát tất cả mọi ơn gọi. Trong số ấy, sự trinh khiết tận hiến, dưới nhiều hình thức đa dạng, là một hồng ân cho nhiều phụ nữ nên thánh ngay từ buổi đầu của lịch sử Giáo hội và là một dấu hiệu về chỗ đứng ưu tiên của Vương quốc Thiên Chúa đối với Hội thánh và thế giới.

Hàng ngũ các trinh nữ tận hiến (HNTN), tuy có nguồn gốc lâu đời nhưng sau công đồng Vaticanô II đã phát triển với nhiều sắc thái độc đáo. Những phụ nữ đã nhìn thấy ơn gọi của mình trong nếp sống đặc thù này, cũng như những giám mục đã đón nhận và cổ võ đặc sủng ấy, đều cảm thấy cần phải có những đường hướng và chỉ dẫn để soạn thảo những tiêu chuẩn chung và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phân định, huấn luyện và chăm sóc mục vụ cho những phụ nữ tận hiến trong HNTN. Vì thế, Ủy ban các giám mục đặc trách hàng giáo sĩ và tu sĩ đã muốn góp phần vào công cuộc ấy qua bản Ghi chú mục vụ này.

Lịch sử của một đặc sủng và những hoa trái thánh thiện chỉ có thể được nhận ra trải qua một thời gian lâu dài và trong sự ngoan ngoãn tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Những chỉ dẫn mục vụ nhắm cung cấp những điểm tham chiếu trong việc đề ra những đường hướng thống nhất trong các giáo phận Italia, nhằm thực thi các quy luật hiện hành của Giáo hội.

Bản Ghi chú này cũng muốn phát biểu một lời khích lệ và một niềm trông mong.

Lời khích lệ dành cho các trinh nữ tận hiến (viết tắt TNTH): nhờ kiên trì trong ơn gọi, ước gì họ chứng tỏ sự phong phú của đặc sủng, tầm ảnh hưởng đến sứ mạng của Hội thánh, sự đóng góp vào các cộng đoàn Kitô hữu mà họ làm phần tử.

Niềm trông mong là với dòng thời gian, nhờ sự phát triển của HNTN trong Hội thánh Italia, đời sống thánh thiện của họ cũng như khả năng suy tư và truyền đạt các hoa trái của mình, hy vọng rằng những chặng đường huấn luyện, cách thức hiện diện trong Giáo hội, các hình thức sứ vụ, những nét linh đạo được chín chắn hơn.

Rôma, ngày 25 tháng 3 năm 2014. Lễ Truyền tin cho Đức Mẹ

+ Francesco Lambiasi, giám mục Rimini,
Chủ tịch uỷ ban các giám mục đặc trách hàng giáo sĩ và tu sĩ.

Chương I : Ơn gọi của Hàng ngũ các Trinh nữ


1. Một ơn gọi đặc biệt


Thánh Linh luôn làm cho Hội thánh được sinh động và thánh thiện nhờ muôn vàn ân điển và các ơn gọi tận hiến, để xây dựng dân Chúa và thúc đẩy việc loan bao Tin Mừng cho muôn dân.

Trong số những ân điển của Thánh Linh ban cho Hội thánh, cần phải kể đến Hàng ngũ các Trinh nữ: “Thật là có lý do để vui mừng và hy vọng khi thấy ở thời đại chúng ta lại xuất hiện hàng ngũ cố cựu của các trinh nữ, với những vết tích được ghi lại trong các cộng đoàn Kitô hữu kể từ thời các tông đồ. Các trinh nữ được giám mục giáo phận thánh hiến, họ kết nối một quan hệ mật thiết với Giáo hội. Họ cam kết phục vụ Giáo hội, tuy vẫn sống ngoài đời. Dù ở một mình hoặc kết đoàn với nhau, họ trở thành một hình ảnh cánh chung của Hiền thê thiên giới và của đời sống mai hậu, thời buổi cuối cùng khi Giáo hội sẽ sống trọn tình yêu dành cho Đức Kitô là Hôn phu của mình.”[1]

Ơn gọi vào HNTN là một nếp sống đi theo sát Chúa Kitô, cách riêng qua việc cam kết giữ đức trinh khiết như là dấu hiệu của Giáo hội Hiền thê sẵn sàng đón tiếp Hôn phu. Ơn gọi này được thể hiện trong giáo phận, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Giám mục, qua lối sống ở giữa thực tại trần thế.[2]

Tìm kiếm Thiên Chúa như là điều thiện tuyệt đối và không thể thay thế[3]; mở rộng tâm hồn đến những nhu cầu và nỗi khổ của anh chị em đồng loại[4] mà không loại trừ ai; sẵn sàng phục vụ Giáo hội với một tâm tình âu yếm và gắn bó; kiên trì vận dụng tất cả mọi chiều kích của con người – linh hồn, trái tim và cả thân xác – vào việc tỉnh thức trông chờ Hôn Phu duy nhất và Chủ tể mạng sống của mình[5]: tất cả những điều ấy, nhờ ân sủng, có thể thực hiện được và có thể làm tràn đầy cuộc sống. “Đức khiết tịnh vì Nước Trời (Mt 19,12) giải thoát trái tim con người cách lạ lùng, và có khả năng đốt thêm ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa và đồng loại.”[6]

Những sách phụng vụ cổ điển nhất cho thấy rằng nghi thức thánh hiến các trinh nữ đã sử dụng những ngôn ngữ và dấu hiệu của việc cử hành hôn nhân. Điều này cho thấy rằng trong Kitô giáo, hôn nhân và trinh khiết đều biểu lộ và thể hiện giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân của Ngài, tuy với những cách thức khác biệt và bổ túc hỗ tương.

Thật vậy, sự so sánh với tình yêu phu phụ, được các ngôn sứ sử dụng trong Cựu ước và được lặp lại trong Tân ước để diễn tả mối tương quan giữa Đức Kitô và Giáo hội, nói lên ơn gọi của toàn thể nhân loại là hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn, vĩnh cửu với Chúa Cha, nhờ tác động của Thánh Linh, đã được hoàn thành nhờ cuộc sống, thánh giá và phục sinh của Chúa Con.

Sự thánh hiến các trinh nữ diễn ra qua việc ứng viên tuyên bố quyết tâm (propositum)[7] và lời nguyện thánh hiến của Giám mục giáo phận dựa theo cách phụng được chuẩn y.[8]

2. Việc khôi phục hàng ngũ các trinh nữ


Ngày 31 tháng 5 năm 1970, Bộ Phụng vụ, do sự uỷ nhiệm đặc biệt của đức giáo hoàng Phaolô VI, đã ban hành Nghi thức thánh hiến các trinh nữ tuân theo chỉ thị của công đồng Vaticanô II.[9]

Bộ Giáo luật năm 1983 đã nhìn nhận các trinh nữ tận hiến như là một hình thức của đời sống thánh hiến, và mô tả vắn tắt như sau: “HNTN cũng được đồng hóa với các hình thức thánh hiến, tức là những người tuyên bố quyết tâm đi theo sát Đức Kitô, được giám mục giáo phận thánh hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức được chuẩn nhận, và được kết duyên huyền nhiệm với Đức Kitô Con Thiên Chúa, họ hiến thân phục vụ Hội thánh.”[10]

Các TNTH được Thánh Linh dẫn dắt để bắt chước Chúa Kitô, cách riêng là điều kiện trinh khiết của Người. Họ sống thân phận lữ hành trên đời này, chia sẽ những vui mừng và hy vọng, những đau khổ và âu lo của con người thời đại, nhưng vẫn không ngừng hướng đến sự thông hiệp sung mãn với Đức Kitô.

Dấu hiệu của sự trinh khiết tận hiến làm nên nguyên lý thống nhất của cuộc đời họ, bởi vì nó biểu lộ đặc trưng của họ là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thiết lập dây tình yêu vĩnh viễn và độc hữu với Chúa Giêsu, như là điều kiện đặc thù để dấn thân phục vụ Giáo hội.

HNTN gồm bởi các những phụ nữ cùng chia sẻ sự tận hiến được mô tả trong Bộ Giáo luật, điều 604: vì thế trong Giáo hội chỉ có một HNTN, hiện diện ở nhiều giáo phận khác nhau. HNTN không có tư cách pháp nhân theo giáo luật.[11]

Khác với các Dòng tu, các trinh nữ không buộc sống chung, không có đặc sủng của một vị sáng lập, nhưng họ sống đời tận hiến trong giáo phận dựa theo một bản luật sống cá nhân, và được giám mục giáo phận chỉ định công tác phục vụ Giáo hội.

3. Nội dung của “quyết tâm”


“Quyết tâm” là mối ràng buộc thánh thiêng nhờ đó các TNTH cam kết sống trinh khiết để đi theo Đức Kitô. Nội dung của quyết tâm được diễn tả qua những lời “đi theo sát Đức Kitô, ... , và được kết duyên huyền nhiệm với Đức Kitô Con Thiên Chúa, để phục vụ Giáo hội.”[12] Qua những lời thẩm vấn của giám mục,[13] cũng như qua công thức bày tỏ ý định giữ khiết tịnh trọn hảo vì Nước trời,[14] ơn gọi của các trinh nữ được mô tả như là đi theo Đức Kitô khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, bằng việc bắt chước triệt để lối sống của Người.[15]

Bản tính của nghi thức thánh hiến nêu bật tính cách vĩnh viễn của sự cam kết. Các TNTH thực hiện một nếp sống họa theo Tin Mừng, bởi vì họ hiến dâng toàn thân cho Đức Kitô, họ muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Người và phục vụ Giáo hội.

Đặc trưng của hình thức tận hiến của HNTN là sự cam kết sống đức tin và Tin Mừng cách triệt để, trong những điều kiện thông thường của cuộc đời.

Vì thế các TNTH không mặc áo dòng như dấu hiệu, cũng không thuộc về một cộng đoàn Dòng tu, nhưng họ cam kết làm chứng cho sự tận hiến của mình như để nhắc nhở các giá trị tuyệt đối của Nước Trời, ngay cả bằng việc sẵn sàng đảm nhận các công tác của Giáo hội để xây dựng cộng đoàn Kitô hữu.

Ngoài ra, sự tích cực tham gia vào đời sống văn hóa và dân sự cũng cần được xem như là một hình thức diễn tả ơn gọi TNTH, nhờ đó họ góp phần vào việc canh tân môi trường xã hội mà mình đang sinh sống, dựa theo tinh thần của Tin Mừng.

Vì thế, theo sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, “HNTN đặt người phụ nữ sống giữa trần gian ... trong cầu nguyện, thống hối, phục vụ anh chị em và công tác tông đồ, tuỳ theo tình trạng và những đặc sủng được ban cho mỗi người.”[16]

4. Những hình ảnh của một hành trình tâm linh


Những nét đặc trưng của linh đạo các TNTH được xác định bởi việc đón nhận hồng ân Thánh Linh một cách tự do và cá nhân. Một cách cụ thể và chính xác, những nét đó là: chứng tá cuộc sống thánh thiện; chia sẻ chính những tâm tình của Đức Kitô và đời sống trong Thánh Linh cùng với các chị em tận hiến khác; đào sâu Huấn quyền của các mục tử nhằm nêu cao vẻ đẹp và sức mạnh quyến rũ của sự tận hiến này.

Những hình ảnh mà truyền thống đã sử dụng để phác hoạ chân dung tinh thần của các TNTH thì được thể hiện nơi những người nữ được thánh hiến trong HNTN. Nghi thức thánh hiến đã trình bày các trinh nữ hoạ theo khuôn mẫu của Hội thánh là hôn thê, trinh nữ và mẹ, đã giới thiệu họ như là ái nữ của Hội thánh và như người chị em liên kết với mọi người bằng mối dây huynh đệ; đã trưng bày Đức Trinh nữ Maria như là khuôn mẫu tiên khởi của đức trinh khiết tận hiến.

Hình ảnh Hôn thê tượng trưng cho kinh nghiệm của sự kết hiệp thân mật và bất khả ly với Đức Kitô. “Người nữ, là kẻ “ngay từ thuở ban đầu” đã được ơn gọi yêu thương và được yêu, nơi ơn gọi sống trinh khiết tận hiến họ gặp thấy Đức Kitô là Đấng Cứu chuộc đã “yêu thương cho đến cùng” bằng việc trao hiến tất cả bản thân, và người nữ đáp lại sự trao ban ấy bằng việc trao ban chân thành tất cả đời mình. Như thế, người nữ hiến mình cho Hôn phu thiên linh, và qua sự trao hiến bản thân này họ hướng đến sự kết hiệp thiêng liêng: nhờ tác động của Thánh Linh, người nữ trở nên “một thần khí” với Đức Kitô Hôn phu (x. 1Cr 6,7). Sự trinh khiết không chỉ giới hạn vào việc nói “không” với việc kết hợp vợ chồng, nhưng còn hàm chứa một lời “có” của sự kết duyên sâu xa.”[17] Sự kết hiệp giữa Hôn thê với Hôn phu, mầu nhiệm tình yêu cao cả giữa Đức Kitô và Hội thánh, được diễn đạt nơi sự thánh hiến các trinh nữ, là những người sống hiệp thông với Chúa với con tim trung tín và không chia sẻ, và trông mong sự kiện toàn qua việc chờ đợi Người đến. Dựa trên giáo huấn và thực hành của Hội thánh suốt hai ngàn năm qua, các phụ nữ tận hiến trong HNTN ý thức giá trị của sự toàn vẹn thể lý.

Hình ảnh ái nữ gợi lên linh đạo tri ân mà các trinh nữ cảm nghiệm tình mẫu tử của Hội thánh là kẻ đã sinh ra họ trong bí tích rửa tội và đã kêu gọi họ mang lấy hình ảnh của mình. Với tâm tình con thảo, các trinh nữ gắn bó với Hội thánh là mẹ hiền ân cần săn sóc họ. Từ Hội thánh, họ lãnh nhận lương thực của lời và thân thể Đức Kitô, tiếp nhận tình thương tha thứ, chấp nhận sự hướng dẫn an toàn để có thể trung thành đi theo vị Hôn phu cách quảng đại, hấp thụ đức bác ái để có thể yêu thương người nghèo và hoạt động cho công ích của Dân Chúa. Các trinh nữ tận hiến nhìn nhận mình là những ái nữ của Hội thánh qua mối dây ràng buộc đặc biệt với giáo phận và qua sự đón nhận ân cần của Giám mục.

Hình ảnh người chị em nhắc nhớ lời cam kết của các trinh nữ sống chia sẻ trong Giáo hội và xã hội, bằng việc dấn thân để tạo ra những mối dây tương quan nhân bản và huynh đệ, bằng việc nỗ lực giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng sự hiệp thông, phục vụ chân thành, cụ thể và vô vị lợi. Họ tỏ ra nhạy cảm và quan tâm tìm hiểu, an ủi, nâng đỡ những đau khổ của những người mà họ gặp gỡ, tiếp đón mọi người như là anh chị em. Thực vậy, mối tình trọn vẹn và độc hữu dành cho Đức Kitô không cắt đứt tình yêu dành cho tha nhân: bởi vì chính vì họ thuộc trọn về Người cho nên họ cũng nuôi dưỡng những tâm tình của Người dành cho tất cả mọi người.

Hình ảnh người hiền mẫu gợi lên tính phong nhiêu của việc tận hiến mà ta gặp thấy một khuôn mẫu rạng ngời nơi Đức Maria.[18] Qua sự đón nhận hôn thê của người Trinh nữ và cũng là Mẹ, “Giáo hội học biết cách làm sinh sôi nảy nở đời sống thần linh nhờ tình yêu trinh khiết toàn vẹn. Tình yêu trinh khiết này mang lại sự phong nhiêu góp phần vào việc sinh sản và tăng trưởng đời sống thần linh trong các tâm hồn ... Như thế Hội thánh biểu lộ tình mẹ vừa qua việc thông chuyển tác động mà Chúa đã uỷ thác cho thánh Phêrô, vừa qua sự đón tiếp hồng ân Thiên Chúa một cách có trách nhiệm, tiêu biểu nơi Mẹ Maria.”[19]

Nơi Đức Maria, trinh nữ đầy ân sủng, Thân mẫu của Thiên Chúa và khuôn mẫu hoàn hảo của Hội thánh, các TNTH nhận ra người luôn sẵn sàng thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm và bắt chước những tâm tình nội tại của người, các trinh nữ tiếp đón người vào hành trình của mình như một người chị và người mẹ.

5. Trách nhiệm của Giám mục giáo phận


Mối quan tâm mục tử dành cho các TNTH và cho những phụ nữ ước muốn được tận hiến vào HNTN nằm trong những tác vụ thông thường của Giám mục giáo phận. Trong cương vị là mục tử nhân lành của giáo hội được uỷ thác cho mình, Giám mục được mời gọi hãy trợ giúp các tín hữu trong việc thực hiện ơn gọi nên thánh, bằng sự khôn ngoan phân định để nhận biết mọi đặc sủng và ơn gọi[20] cũng như để giúp cho chúng phát triển ngõ hầu mang lại ích lợi cho mọi người trong sự hài hoà của đức mến.

Nhiệm vụ của Giám mục là nhìn nhận đặc sủng đức trinh khiết; chấp nhận những người xem ra xứng đáng được thánh hiến vào HNTN; chăm lo việc huấn luyện họ; phân định và cử hành lễ thánh hiến để giới thiệu họ cho cộng đoàn như dấu hiểu của Hội thánh là Hôn thê của Đức Kitô; đồng hành với các trinh nữ trong con đường nên thánh; dạy cho họ “lòng kính sợ Thiên Chúa.”[21]

6. Vị Đại diện giám mục đặc trách hàng ngũ các trinh nữ


Giám mục giáo phận có thể đặt một linh mục làm Đại diện cho mình để phụ trách hàng ngũ các trinh nữ, và ấn định quyền hạn của vị ấy. Do chức vụ này, Đại diện giám mục không thể thi hành tác vụ làm linh hướng. Để chu toàn trách vụ làm người cộng tác của Giám mục, Đại diện có bổn phận phải hiểu biết từng ứng viên và những người đã được thánh hiến và theo dõi hành trình của họ. Vị Đại diện cộng tác với Giám mục – và chịu trách nhiệm trực tiếp với ngài, ngay cả khi trong giáo phận có vị Đại diện đặc trách đời sống thánh hiến – trong việc thâu thập những tin tức cần thiết cho việc phân định để thâu nhận vào đời tận hiến, kiểm chứng các điều kiện đã hội đủ; hướng dẫn việc soạn thảo những chặng huấn luyện trước và sau khi được thánh hiến, kể cả bằng việc tổ chức những cuộc hội chung giữa những người chuẩn bị thánh hiến hoặc đã gia nhập hàng ngũ thánh hiến.

Trong cuộc đối thoại với những trinh nữ tận hiến và những người đang trong tiến trình huấn luỵên, vị Đại diện thay mặt Giám mục và kiểm chứng rằng mỗi ứng sinh hoặc người đã tận hiến đều được huấn luyện và cam kết sống chiều kích giáo hội và giáo phận của HNTN.

Vị Đại diện hãy ân cần giúp cho mỗi người được phát huy những ân huệ đã lãnh nhận, và cổ võ sự hiệp thông giữa họ với nhau, bằng cách khuyến khích sự chấp nhận những sự khác biệt chính đáng, và tinh thần trách nhiệm liên đới.

Chương II : Sự phân định và huấn luyện


7. Những điều kiện để thâu nhận các ứng sinh vào việc thánh hiến


Các quy tắc dẫn nhập vào Nghi thức thánh hiến đã trao cho Giám mục trách nhiệm cuối cùng của việc thâu nhận vào HNTN.

Trước khi thánh hiến, Giám mục hoặc Đại diện cần kiểm chứng xem những người có ý hướng gia nhập nếp sống này đã lãnh bí tích rửa tội và thêm sức, chưa kết hôn cũng như không mắc tai tiếng trái nghịch đức khiết tịnh, và tự lập về kinh tế. Do đó, cần thu thập chứng thư rửa tội và thêm sức, chứng thư tình trạng thong dong, giấy chứng nhận của cha xứ và của các linh mục khác về thanh danh của ứng sinh đối với cộng đồng Dân Chúa.

Qua việc thu thập tất cả những thông tin, kể cả bằng việc gặp gỡ trực tiếp các đương sự, Giám mục có nhiệm vụ phân định, hoặc đích thân hoặc nhờ Đại diện, tính chân thực của ơn gọi thánh hiến và lo liệu cho ứng sinh được chuẩn bị tương xứng.

Cần phải bảo đảm rằng nhờ tuổi tác và sự trưởng thành về nhân bản và tâm linh, các ứng sinh có khả năng kiên vững suốt đời trong lời quyết tâm. Vì thế tuy vẫn nhận rằng sự thánh hiến có thể thực hiện lúc tuổi thanh xuân như dấu chỉ của việc giao duyên, nhưng sự khôn ngoan khuyên nên ấn định tuổi tối thiểu ở khoảng 30-35 tuổi.

Giám mục nên cân nhắc kỹ lưỡng có nên thâu nhận vào giáo phận những người đến từ những hình thức tận hiến khác. Mặc dù vẫn tuân giữ điều nói ở số 11 dưới đây, trong trường hợp một ứng sinh đã rời bỏ một Hội dòng tận hiến hoặc Tu đoàn tông đồ, Giám mục cần thu thập những thông tin cần thiết ngay cả từ Hội dòng hoặc Tu đoàn mà họ rời bỏ ngõ hầu sự phân định được chín chắn. Nếu đương sự đã bị trục xuất, thì càng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa.

Để bảo đảm sự tự do trong lãnh vực bày tỏ lương tâm, Giám mục giáo phận không được phép hỏi ý kiến vị linh hướng của ứng viên.[22]

8. Phân định và huấn luyện


Sự phân định tính chân thực của ơn gọi gia nhập HNTN đòi hỏi phải kiểm chứng những tiêu chuẩn Phúc âm làm động lực cho việc chọn lựa nếp sống tận hiến này.

Ơn gọi sống đời trinh khiết tận hiến như là đi theo Đức Kitô và dấu hiệu của Hội thánh Hôn thê cần được nhận thấy qua những nét Phúc âm như là sự phó thác không dè giữ cho tình yêu Chúa Cha, sự kết hiệp sâu xa với Đức Kitô, lòng yêu thương khiêm tốn dẫn đến việc phục vụ Giáo hội và làm chứng tá cho đức tin – cậy – mến trong khung cảnh của cuộc sống thường nhật. Vì thế, dựa theo bản tính của việc trở thành “dấu chỉ”, hành trình huấn luyện để gia nhập HNTN phải là một con đường hoán cải, nghĩa là thanh luyện đời sống, chiếu sáng tâm trí, kết hiệp với Đức Kitô Hôn phu, nghèo khó và tôi tớ.[23]

Sự thánh hiến các trinh nữ mang tính vĩnh viễn và không có những cam kết tạm thời trước đó; vì vậy cần có một thời gian huấn luyện khởi đầu để kiểm chứng sự vững chắc của lòng quyết tâm sống đời tận hiến, về lòng trung thành trong việc phục vụ và thăng tiến con người, về khả năng sống tương quan chín chắn và bình thản, về sự sẵn sàng hoà nhập vào cộng đồng Giáo hội và xã hội.

Việc huấn luyện các TNTH là một tiến trình năng động và tiệm tiến, được phân ra thành từng giai đoạn móc nối với nhau cách hữu cơ, nhằm đồng hành và định hướng các ứng sinh từ lúc phân định ơn gọi tận hiến cho đến lúc được thánh hiến và tiếp tục trong hành trình huấn luỵên thường xuyên. Đây là một lộ trình toàn diện và thống nhất chi phối toàn thể bản thân dưới nhiều khía cạnh – tình cảm, trí tuệ, ý chí, tâm linh – nhằm đến nếp sống nhất quán, là một điều cần thiết để đạt đến sự trưởng thành nhân bản và tâm linh. Hành trình này cũng nhằm hiểu biết sâu xa về đặc sủng của các TNTH và đảm nhận những trách nhiệm liên hệ.

Chủ chốt của cuộc huấn luyện là Chúa Thánh Linh: Ngài hướng dẫn những người sẵn sàng để tiến đến sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, xác tín về ơn gọi của mình, dốc quyết tận hiến suốt đời. Thánh Linh tác động trong Hội thánh, và Hội thánh cung cấp những lộ trình huấn luyện cân xứng. Những người muốn bước vào HNTN cần nhất trí với Giám mục hoặc Đại diện về những thể thức đồng hành cá nhân.

Việc linh hướng là một phương tiện hỗ trợ không thể bỏ qua trong việc huấn luyện và phân định để hướng đến sự tận hiến vĩnh viễn, và đòi hỏi một tương quan liên tục, tín nhiệm và cởi mở giữa ứng sinh với một người có tinh thần đức tin sâu xa và từng trải về tâm linh.

Sự chuyển tiếp từ chặng này sang chặng khác của lộ trình cần lưu tâm đến hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.

Những chặng của lộ trình huấn luyện quen được chia làm ba: giai đoạn chuẩn bị, sự huấn luyện khởi đầu, sự huấn luyện thường xuyên.

9. Giai đoạn chuẩn bị


Mục tiêu của giai đoạn chuẩn bị là để phân định những dấu hiệu tích cực cho thấy ý hướng muốn được thánh hiến vào HNTN.

Để huấn luyện và kiểm chứng sự trưởng thành nhân bản, cần quan tâm đến những tiêu chuẩn sau đây: hiểu biết rõ rệt về bản thân, ý thức khách quan về những năng khiếu và khuyết điểm của mình; thanh thoát khỏi những hình thức lệ thuộc hoặc chiếm hữu kèm theo khả năng thiết lập những tương giao lành mạnh, bình thản và trao hiến; tình cảm đã quen với tình yêu dâng hiến với một trái tim không chia sẻ, có khả năng hội nhập tính dục vào căn tính cá nhân, chín chắn trong việc hướng nữ tính sống theo Thánh Linh các hình ảnh của trinh nữ, chị em, hôn thê, mẹ; khả năng hoán chuyển những đau khổ và thất bại thành những bước tiến của kinh nghiệm làm người; trung thành giữ lời đã hứa; sử dụng có trách nhiệm các tài sản, các phương tiện truyền thông xã hội và thời giờ tự do. Trong những dụng cụ để kiểm chứng sự phân định, có thể kể đến các hình thức lượng định nhân cách và đồng hành tâm lý.

Trong lãnh vực đời sống tâm linh, cần phải kiểm tra và củng cố lòng yêu mến Chúa Giêsu như là ngọn lửa cần được hun nóng ngõ hầu sưởi ấm và soi sáng ý nghĩa cuộc đời; cảm thấy mình thuộc về Giáo hội địa phương và sẵn sàng tuân theo những chỉ thị của Giám mục; trung thành với kỷ luật thiêng liêng, về thời khắc cầu nguyện; chuyên cần theo đuổi con đường thống hối, khắc khổ và linh hướng.

Đối với việc thánh hiến trong HNTN, cần phải kiểm tra xem ứng sinh đã ý thức như thế nào về đặc sủng ấy, khả năng đáp ứng những yêu sách của ơn gọi đặc thù này, và uốn nắn cuộc đời chiếu theo đó; việc tham gia tích cực vào chương trình đào tạo của hàng ngũ; nhạy bén với những giá trị của chiêm niệm và hiệp thông, trước hết là với giám mục và các chị em thuộc hàng ngũ, được chứng tỏ qua khả năng thiết lập những tương quan kính trọng, thân hữu và huynh đệ.

Giai đoạn này, thông thường kéo dài tối thiểu là một năm, kết thúc với việc Giám mục phân định thấy ứng sinh có những động lực chính đáng và khả năng khách quan để gia nhập HNTN. Đến đây, ứng sinh có thể làm đơn xin được thâu nhận vào giai đoạn huấn luyện khởi đầu, theo thủ tục được áp dụng trong giáo phận.

10. Huấn luyện khởi đầu


Khuynh hướng đời sống tận hiến được biểu lộ qua nếp sống thường nhật trong các cộng đồng Kitô hữu, được củng cố nhờ việc tham gia vào chương trình huấn luyện ơn gọi của giáo phận, và được chín muồi nhờ việc lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh trong mọi cảnh huống.

Việc huấn luyện khởi đầu bao gồm hai chặng liên hệ với nhau: huấn luyện về đời sống thánh hiến, và huấn luyện về hình thức đặc thù của HNTN.

Chặng thứ nhất nhằm huấn luyện về đời sống tận hiến cho Chúa. Trong những buổi gặp gỡ, ứng sinh sẽ học hỏi những nguyên tắc về đời sống thánh hiến dựa trên những văn bản nền tảng: Kinh thánh, truyền thống các giáo phụ, suy tư thần học, cách riêng dựa trên Công đồng Vaticanô II và những văn kiện gần đây của Huấn quyền.

Đây cũng là thời kỳ đào sâu hơn sự hiểu biết về bản thân và phối kết cuộc đời của mình với những tài năng và các nhân đức nhân bản và Kitô giáo cần được vun trồng.

Việc tiếp xúc với một vị linh hướng là điều rất quan trọng: những cuộc gặp gỡ thường xuyên, cuộc đối thoại chân thành, sự ngoan ngoãn khôn ngoan và quảng đại, tất cả sẽ giúp cho đương sự đọc lại cuộc đời của mình để khám phá những dấu hiệu của ơn gọi và kết nạp với những điều đã được học hỏi thêm.

Trong thời gian này, ứng sinh sống đời tâm linh sâu đậm hơn, ngõ hầu nhận định kế hoạch của Thiên Chúa và tiếng gọi của Ngài. Đời sống cầu nguyện mang hình thức đều đặn và bền bỉ hơn qua việc tham dự (nếu được mỗi ngày) Thánh Lễ và các giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều.

Ngoài ra, ứng viên cũng nên năng gặp gỡ Giám mục hay vị Đại diện; liên kết chặt chẽ với cộng đoàn giáo hội, chẳng hạn qua việc đảm nhận một công tác mục vụ; sống chứng tá đức tin trong môi trường nghề nghiệp hoặc khung cảnh xã hội dân sự; tham dự những biến cố quan trọng của giáo phận.

Cũng cần quan tâm đến việc đào tạo thần học cho ứng sinh, qua việc đăng ký vào các trường Cao đẳng thần học; dù sao đi nữa, phải lo liệu để ứng sinh được học Thánh Kinh, giáo phụ, thần học, phụng vụ, luân lý, thần học tâm linh.

Chặng thứ nhất của hành trình huấn luyện, kéo dài ít là hai hoặc ba năm, kết thúc với việc ứng sinh làm đơn xin tiếp tục con đường dẫn đến sự thánh hiến trong HNTN.

Mục tiêu của chặng thứ hai là giúp ứng sinh hiểu thấu đáo những yếu tố đặc trưng của sự thánh hiến trong HNTN. Nội dung cần được hấp thụ là những đặc trưng của đặc sủng này cũng như sự hiểu biết về giáo phận. Ứng sinh có nghĩa vụ tham dự các buổi tổ chức huấn luyện về phạm vi này cũng như những buổi chia sẻ huynh đệ và thông truyền đức tin. Trong giai đoạn này, ứng sinh hoàn tất việc huấn luyện nhân bản, tâm linh và thần học; tiếp tục tham gia vào công tác mục vụ đã được thỏa thuận với Giám mục hay Đại diện; sẵn sàng tiếp tục những chặng kế tiếp của việc huấn luỵên thường xuyên. Khi gần đến ngày thánh hiến, ứng xin phải chuẩn bị việc dâng mình bằng cách dành thời gian thinh lặng và cầu nguyện, dựa theo hướng dẫn của nghi thức thánh hiến, cũng như tham dự những buổi thảo luận, đào sâu, kiểm chứng.

Vào cuối chặng huấn luyện này, ứng sinh được yêu cầu soạn thảo một đúc kết về hành trình đã trải nghiệm qua việc bằng cách viết ra bản luật sống cho bản thân mình.[24]

Chặng thứ hai của việc huấn luyện khởi đầu thường kéo dài một hoặc hai năm.

11. Việc phân định kết thúc


Kết thúc hành trình huấn luyện, sau khi đã được ý kiến thuận của linh hướng, ứng sinh sinh viết đơn xin Giám mục chấp nhận vào việc thánh hiến.

Việc phân định kết thúc thuộc về Giám mục. Ngài sẽ hỏi ý kiến của vị Đại diện, thâu thập các thông tin cần thiết về phía những người đã đồng hành với ứng sinh, ngoại trừ vị linh hướng.

Sau khi đã đắn đo kỹ lưỡng, Giám mục sẽ quyết định chấp nhận cho ứng sinh được thánh hiến, và xác định thời gian, thể thức và nơi cử hành.

12. Việc cử hành nghi thức thánh hiến


Tác viên thông thường của việc thánh hiến HNTN là Giám mục giáo phận.[25] Theo quy tắc, ngài chủ sự nghi thức, nên được cử hành tại nhà thờ chính toà và vào thời gian được chỉ dẫn theo sách Nghi thức.[26]

Cần lo liệu để cho cộng đồng tham dự lễ thánh hiến vào HNTN: đây cũng là cơ hội thuận tiện để giới thiệu và quý trọng ơn gọi đặc biệt này.

Sau lễ thánh hiến, cần phải ghi vào một sổ riêng dành cho HNTN, lưu giữ ở Toà Giám mục. Cũng nên thông báo cho cha sở liên hệ để ghi chú vào sổ Rửa tội.

13. Huấn luyện thường xuyên


Việc huấn luyện thường xuyên là một yêu sách nội tại của đời sống thánh hiến: nó đáp ứng nhu cầu củng cố sự huấn luyện đã đạt được cũng như nghĩa vụ phải nuôi dưỡng tình yêu đối với Chúa Kitô và rèn luyện việc phục vụ Giáo hội.

Tính năng động của đức tin và chính đời sống con người, sự biến đổi các điều kiện văn hóa và xã hội, những thúc bách của việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ: đó là những động lực cho việc quan tâm đến việc huấn luyện thường xuyên, mà không có người tín hữu nào và đặc biệt là người tận hiến có thể miễn chuẩn. Như vậy, các TNTH sẽ hướng đến sự trưởng thành cá nhân, hoà nhập tất cả mọi chiều kích – tâm linh, nhân bản, tông đồ, văn hóa và nghề nghiệp – trong đặc sủng của HNTN.

Một mục tiêu không thể nào thiếu được của việc huấn luyện thường xuyên là làm cho người TNTH trở thành một người có đức tin và càng ngày càng sống đức tin mạnh mẽ hơn, nghĩa là nhìn mọi vật dưới cái nhìn của Đức Kitô và nhắm tới sự thánh thiện là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu.

Ngỏ lời với các trinh nữ, thánh Ciprianô, Giám mục Cartago, khuyên nhủ thế này: “Hỡi các trinh nữ, hãy bảo tồn căn tính của mình. Một triều thiên vinh quang đang chờ đón chị em. Lòng can đảm của chị em sẽ được thưởng xứng đáng. Một hồng ân tuyệt vời sẽ được dành cho chị em. Chị em đã bắt đầu trở thành điều mà chúng tôi sẽ trở thành mai sau. Ngay từ đời này, chị em đã nhận được vinh quang của sự phục sinh. Chị em hãy đi băng ngang qua thế gian mà không bị ô nhiễm bởi thế gian. Nhờ duy trì đức khiết tịnh và trinh khiết, chị em trở nên giống các thiên thần. Vì thế hãy bảo vệ đức trinh khiết nguyên tuyền, và điều mà chị em đã ôm ấp sau khi đã suy nghĩ chín chắn thì hãy giữ gìn nguyên tuyền một cách có ý thức.”[27]

Chương III : Đời sống và chứng tá của các TNTH


14. Luật sống cá nhân


Các TNTH phải soạn cho mình một bản luật sống, được vị linh hướng đồng ý và Giám mục giáo phận phê chuẩn.[28]

Luật sống là một dụng cụ hữu ích để xác định những hành trình cá nhân, ý nghĩa sâu xa của công tác phục vụ Giáo hội, những thái độ cần vun trồng trong đời sống hằng ngày.

Vì thế các TNTH cần phải soạn thảo bản luật sống cách rõ ràng và khúc chiết: những hình thức cụ thể của việc đi theo Chúa mà họ dốc quyết thực hành; những chọn lựa lý tưởng và những cam kết cụ thể của đường hoán cải và thanh luyện; việc chăm sóc những vết thương sâu đậm và việc vun trồng các tài năng và đặc sủng; các thời khắc dành cho việc cầu nguyện, lao động, phục vụ Giáo hội, giao lưu. Nói tóm lại, luật sống phải là bản văn diễn tả những hình thức và thời điểm mà người TNTH muốn bày tỏ sự đáp trả lời Thánh Linh mời gọi đi theo Con Chiên[29] trong cuộc sống cụ thể của đời mình.

Nhằm bảo đảm cho luật sống được thi hành hữu hiệu, bản văn nên được duyệt lại định kỳ, và nếu cần thì cập nhật và phê chuẩn, trong cuộc đối thoại với Giám mục và vị linh hướng, để lượng định việc áp dụng. Sau một thời gian, có thể cần viết lại bản luật này để giúp cho việc đổi mới lòng trung thành với ơn gọi.

Cũng vì ước ao đáp trả với tiếng gọi của Chúa một cách trung thực và sung mãn, các TNTH cần xác định cách thức sinh sống của mình: sống một mình, trong gia đình của mình, cùng với các trinh nữ khác, hoặc những cách thức khác.

15. Linh hướng


Linh hướng có tầm quan trọng đặc biệt đối với các TNTH: lối sống của họ đòi hỏi phải phân định liên tục, họ cần thực hành những sự lựa chọn có trách nhiệm, họ phải bảo tồn ơn gọi của mình trong một bối cảnh phức tạp và gây ra nhiều trở ngại cho việc sống đạo. Sự đối thoại chân tình, cởi mở và trưởng thành với một người khôn ngoan từng trải trong lãnh vực này sẽ giúp cho các TNTH những cơ hội quý báu để phân định, kiểm chứng, củng cố và đề ra những phương thế tốt để tăng trưởng trong đức tin, hoà hợp với cá nhân, đáp lại lời Chúa mời gọi nên thánh.

16. Cầu nguyện


Sự cam kết đầu tiên của các TNTH là cầu nguyện, như đã bày tỏ trong nghi thức thánh hiến.[30]

Các trinh nữ thực hành việc cầu nguyện trong niềm hiệp thông với Giáo hội, theo những quy định được vạch ra trong bản luật sống, đặt Thánh lễ là trung tâm của ngày, và chú ý lắng nghe Lời Chúa, cách riêng qua lectio divina, và lượng định những hình thức và phương pháp cầu nguyện theo truyền thống của Giáo hội, bao gồm cả những việc đạo đức bình dân.

Khi trao sách Phụng vụ Giờ kinh cho người TNTH, Giám mục nói như sau: “Ước chi lời nguyện của Giáo hội vang lên không ngừng trong trái tim và miệng lưỡi của con như lời ca ngợi liên lỉ lên cùng Chúa Cha và lời khẩn nài ơn cứu độ cho thế giới.”[31]

Với tâm tình thảo hiếu và âu yếm, các trinh nữ hãy kết hợp với Trinh nữ Maria khuôn mẫu của việc đi theo Chúa và tận hiến, để nuôi dưỡng lòng tín thác khiêm tốn, lời cầu xin khẩn nài, sự chiêm ngưỡng những mầu nhiệm của Đức Giêsu là Con của Người.

Đời sống cầu nguyện của các TNTH cần được hoà nhịp với năm phung vụ, và hằng năm không được bỏ qua những ngày tĩnh tâm.

Mỗi trinh nữ thuộc về HNTH hãy luôn nhớ rằng sự cầu nguyện không chỉ là tư riêng, quảng đại đáp lại tiếng của Hôn phu và van xin ơn trợ giúp để được trung thành với lời quyết tâm và hồng ân đã lãnh, nhưng còn là tham dự vào cuộc sống của Nhiệm thể Đức Kitô, chuyển cầu liên lỉ cho Hội thánh và cho thế giới.

17. Giữa lòng Hội thánh


Các TNTH sống một tương quan hiệp thông đặc biệt với Giáo hội địa phương và Giáo hội phổ quát.[32] Họ hãy coi giáo phận như là gia đình của Chúa đang sinh sống và hoạt động tại địa phương; họ hãy nuôi dưỡng tâm tình biết ơn đối với hiền mẫu vì đức tin mà mình đã lãnh nhận, vì sự phân định và đón nhận đặc sủng của mình; họ hãy hòa nhịp với những vất vả, những vết thương cũng như những niềm vui của giáo phận; họ hãy sẵn sàng góp phần vào công tác mục vụ thông thường, vào công cuộc truyền giáo, vào việc hiệp thông giữa các phần tử.

Ngoài ra, đối với Giám mục, họ hãy duy trì tương quan quý mến và sẵn sàng vâng phục. Trong tình hiệp thông với vị mục tử giáo phận, họ hãy sẵn sàng phục vụ Giáo hội và sứ vụ, tuỳ theo khả năng và điều kiện bản thân.

Mối dây liên kết với giáo phận cũng kết nối các TNTH với Giáo hội phổ quát, hiệp thông với Giám mục Rôma, khiến cho họ thông cảm sâu xa với việc loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi dân tộc.

18. Hiệp thông giữa những người tận hiến


Vì cùng thuộc về HNTN cho nên một dây hiệp thông chặt chẽ nảy ra giữa tất cả những người tận hiến hiện diện trong giáo phận. Họ nhìn nhận nhau như là những chị em gần gũi nhất, cùng nhau chia sẻ sự thánh hiến và lòng hăng say phục vụ Giáo hội. Qua những cuộc gặp gỡ huynh đệ, qua những cuộc trao đổi cảm nghiệm tâm linh và tông đồ, qua những buổi cầu nguyện và qua những sáng kiến khác nhằm đào sâu sự thuộc về cùng một giáo phận, cũng như qua việc có thể lập hiệp hội hoặc sống chung, các trinh nữ tìm được một sự trợ lực quý báu để đáp ứng hồng ân đã nhận, để thi hành việc phục vụ Giáo hội và để nâng đỡ nhau trong những lúc khó khăn và thử thách. Vì thế, giữa những người tận hiến, nên tìm cách tạo ra và củng cố tinh thần gia đình, cảm nghiệm hiệp thông, qua những tương quan bằng hữu, đượm nét đơn sơ, kính trọng lẫn nhau, liên đới và tôn trọng những sự khác biệt hợp pháp.

Những người tận hiến vào HNTN hãy tham gia cách tích cực và trách nhiệm vào những buổi gặp gỡ chung đã được thoả thuận với Giám mục hoặc Đại diện. Họ hãy ý thức bổn phận tham dự những khoá huấn luyện thường xuyên. Trong mức độ có thể được, họ hãy hợp tác vào việc huấn luyện những thiếu nữ ước ao được thu nhận làm ứng sinh gia nhập HNTN. Họ hãy trân trọng và cổ động những sáng kiến cụ thể nhằm thắt chặt sự hiệp thông; họ hãy đề phòng nguy cơ sống khép kín; họ hãy cắm mắt nhìn lên Chúa Giêsu để tiến tới trên đường nên thánh. Họ hãy biết nhìn nhận những lối sống khác nhau hoặc những khuynh hướng tâm linh dị biệt như là một sự phong phú cho HNTN.

19. Vì sự sống của thế giới

Các TNTH sống cuộc tận hiến cho Thiên Chúa trong khung cảnh văn hóa và xã hội mà mình đang hoạt động. Đang khi đi tìm Nước Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, họ hãy nhận ra nơi công việc của mình một cơ hội quý giá để cộng tác vào công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa; họ hãy vun trồng cảm thức về ngày lễ và nghỉ ngơi; ngay cả trong tình trạng bệnh tật, đau khổ, bất độn, họ gắng nhận ra khả năng thông phần vào cuộc tử nạn của Đức Kitô; họ góp phần vào việc canh tân xã hội tuỳ theo khả năng của mình, bằng cách sử dụng sự khôn ngoan Tin Mừng vào việc cổ võ công ích. Tuân theo giáo huấn xã hội của Giáo hội, họ hãy tỏ ra nhạy bén với những dấu chỉ thời đại, và qua cuộc đối thoại với Giám mục, họ hãy cân nhắc xem có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị không.

Trong bài giảng mẫu của Nghi thức thánh hiến các trinh nữ, Giám mục khuyên như sau: “Các chị em hãy nhớ rằng mình đã được gắn bó với việc phục vụ Giáo hội và phục vụ tha nhân: vì thế, khi thi hành việc tông đồ trong Giáo hội và thế giới, trong trật tự thiêng liêng hay trần tục, ánh sáng chị em hãy chiếu sáng trước mặt mọi người, ngõ hầu Cha trên trời được chúc tụng và kế hoạch quy tụ vạn vật trong Đức Kitô được thành tựu.”[33]

20. Những hiệp hội và cộng đoàn các TNTH


Theo như Bộ Giáo luật đã dự trù, các TNTH có thể lập hiệp hội để tuân giữ trung thành hơn điều đã quyết tâm và giúp đỡ nhau trong việc thi hành sự phục vụ Giáo hội phù hợp với hàng ngũ của mình.[34]

Việc thiết lập một hiệp hội cũng như việc gia nhập một hiệp hội đã có là kết quả của một sự lựa chọn tự do và tự nguyện của các TNTH, quyết định tham gia vào tôn chỉ và quy chế của hiệp hội. Điều kiện tiên quyết để làm thành phần hiệp hội là đương sự đã được thánh hiến, nghĩa là đã thuộc về HNTN. Việc ra khỏi hiệp hội không đồng nghĩa với việc rời bỏ HNTN.

Nhờ việc thiết lập một hình thức hiệp hội, tuy không nhất thiết phải sống chung với nhau như các nữ tu, các TNTH có những cơ hội để tạo nên những tương quan nhân bản sâu đậm và bền vững, những dự án chung được nhiều người hỗ trợ, sự nâng đỡ dành cho những chị em bệnh tật hoặc cao tuổi hoặc gặp túng thiếu vật chất nhờ một quỹ chung do các hội viên tự ý đóng góp.

Hai hoặc nhiều TNTH có thể tự do quyết định sống chung một nhà. Đây là một điều do chính các đương sự lựa chọn để giúp đỡ lẫn nhau, để chia sẻ đời sống tâm linh hay kinh tế. Quyết định này không gắn liền với sự thánh hiến hoặc với việc gia nhập hiệp hội, đừng kể khi nào quy chế ấn định rằng đời sống chung như là một yếu tố cấu thành của hiệp hội.

21. Thuyên chuyển sang giáo phận khác


Khi một trinh nữ chuyển cư sở sang một giáo phận khác, thì chị cần được Giám mục giáo phận gốc cấp giấy chứng nhận thánh hiến và giới thiệu với Giám mục của giáo phận của cư sở mới đến. Vị này ghi nhận sự kiện và hãy đón tiếp chị với tình phụ tử, giới thiệu chị với giáo phận, và thu nhận chị vào các trinh nữ của giáo phận nếu có, cũng như thỏa thuận với chị về những điều cần thiết và hữu ích trong hoàn cảnh mới mẻ.

22. Việc làm và cấp dưỡng


Các TNTH lo liệu việc chu cấp cho bản thân nhờ thù lao của việc làm và tài sản cá nhân, và cũng cần lưu ý đến khía cạnh bảo hiểm và hưu bổng.

Đối với những TNTH làm việc trong các cơ sở của Giáo hội, thì cần phải phân biệt những công việc vì tình nguyện và những công việc theo chức nghiệp. Đối với loại thứ hai, thì họ cần phải được trả lương cân xứng cũng như các chi phí bảo hiểm và hưu bổng dựa theo dân luật.

23. Việc rời bỏ Hàng ngũ các trình nữ


Nếu một trinh nữ tận hiến, vì một lý do nghiêm trọng đã cân nhắc trước mặt Thiên Chúa cùng với sự phân định chín chắn, xin miễn chuẩn khỏi các nghĩa vụ của sự thánh hiến, thì Giám mục có năng quyền ban phép miễn chuẩn.

Sau khi nhận được đơn, Giám mục phải kiểm chứng những lý do mà trinh nữ xin miễn chuẩn, và đề nghị một thời gian tương xứng để phân định trước khi chấp thuận lời thỉnh cầu.

Trong trường hợp phải tiến hành thủ tục trục xuất một người tận hiến ra khỏi HNTN vì những lỗi nặng đối với các nghĩa vụ cam kết và vì lối sống gây gương mù cho các tín hữu, thì phải tuân giữ những quy định của luật chung cho các Hội dòng tận hiến và thích nghi cách tương cho hàng ngũ này.[35]

24. Nhóm liên kết ở cấp quốc gia và ở mỗi miền

Kinh nghiệm những năm gần đây tại Italia đã cho phép đánh giá tích cực việc thiết lập những nhóm liên kết giữa các trinh nữ tận hiến ở cấp miền hoặc ở cấp toàn quốc.

Những hình thức liên kết này thật là hữu ích và đầy hứa hẹn để chia sẻ kinh nghiệm, đào sâu những đề tài quan thiết chung, để cổ động sự hiểu biết hàng ngũ các trinh nữ, để đề nghị những nội dung và phương pháp thích hợp áp dụng vào việc huấn luyện ở những chặng khác nhau, để trình bày lên các Giám mục những gợi ý hữu ích nhằm giới thiệu hàng ngũ các trinh nữ cho các giáo phận ở Italia.

Kết luận


Giờ đây bản Ghi chú mục vụ này được trao cho các giám mục Italia, trước hết như là lời mời gọi hãy nhận ra tác động của Thánh Linh là Đấng không ngừng gợi lên những ơn gọi nên thánh giữa lòng Dân Chúa. Sự bành trướng đặc sủng của hàng ngũ các trinh nữ phải là lý do để tạ ơn, thán phục, ngợi khen Thiên Chúa vì những công việc kỳ diệu, cũng như lý do để trân trọng và khích lệ những trinh nữ tận hiến đang sống ơn gọi này.

Thật vậy, sống giữa một khung cảnh hoang mang, việc chiêm ngưỡng những hồng ân mà Thánh Linh tuôn đổ xuống Hội thánh, qua việc kêu gọi nhiều người nên thánh, khiến cho chúng ta thêm tin tưởng vào ơn Chúa, khuyến khích chúng ta đi vào con đường thập giá đang lúc mà xem ra người đời ngần ngại và lo sợ khi phải dấn thân vĩnh viễn.

Công việc phân định mà mỗi Giám mục phải thực hiện với tư cách là người mục tử cần được diễn đạt thành mối quan tâm đến các ơn gọi vào hàng ngũ các trinh nữ, cổ động những người lựa chọn đời tận hiến, cầu xin Thánh Linh ban xuống những ân huệ mà Hội thánh đang cần, tìm ra những đường hướng huấn luyện và uỷ thác việc thực thi cho những người chín chắn và thành thạo.

Những hướng dẫn của bản Ghi chú mục vụ này có thể giúp cho Giám mục soạn thảo những quy luật cụ thể cho giáo phận, tổ chức HNTN cách bền vững, giới thiệu nếp sống tận hiến này cho các tín hữu.

Bản Ghi chú này không phải là một quy định pháp lý bắt buộc phải ấn định thời hạn và cách thức tổ chức HNTN trong các giáo phận, nhưng chỉ là một dung cụ để tham chiếu khi soạn thảo những định hướng và quy tắc ở cấp giáo phận. Ước mong rằng những hướng dẫn này sẽ được bổ túc thêm trong tương lai nhờ sự đóng góp của các giám mục, với kinh nghiệm của chính các TNTH, cùng với việc suy tư thần học và những quy định của Giáo hội phổ quát.

Với lời kêu mời cầu nguyện, tin tưởng, chia sẻ các ân ban trong tình hiệp thông giữa các thánh, chúng tôi xin ký thác cho Đức Maria, là trinh nữ và là mẹ, tất cả những người nữ trong HNTN muốn bắt chước Người về lòng tin, hy vọng và sự dấn thân cho nước trời.

Phụ thêm:

Những địa chỉ hữu ích để tìm hiểu thêm về các TNTH

- Italia: www.ordovirginum.org
- Pháp: viergesconsacrées.catholique.fr
- Đức: http://www.ordovirginum.de
- Hoa Kỳ: http://www.consecratedvirgins.org/
Tây Ban Nha: http://www.ordenvirgenes.eu

[1] Gioan Phaolô II, Vita consecrata, 25-3-1996, số 7.
[2] X. Bộ Giáo luật, điều 604.
[3] “Nhờ đức mến thiêu đốt, họ không đặt bất cứ điều gì ở trên lòng yêu mến Chúa”(Lời nguyện thánh hiến trong Nghi thức thánh hiến, số 38).
[4] “Ước gì lời cầu nguyện của Giáo hội vang lên ... như lời chuyển cầu sống động cho thế giới được cứu độ” (Nghi thức thánh hiến các trinh nữ: Những nghi thức diễn giải, số 42).
[5] X. Nghi thức thánh hiến các trinh nữ: Bài giảng, số 29; Những nghi thức diễn giải, số 39-40.
[6] Vaticanô II, Perfectae caritatis, số 12.
[7] X. Bộ Giáo luật, điều 604 §1.
[8] X. Pontificale Romanum ex Decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Pauli PP. VI promulgatum, Ordo consecrationis virginum. Editio typica, Typis Polyglottis Vaticanis, Civitas Vaticana 1970.
[9] “Cần duyệt lại nghi thức thánh hiến các trinh nữ ở sách Nghi lễ Giáo chủ Rôma” (Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium, số 80).
[10] Bộ Giáo luật, điều 604 §1.
[11] Dựa theo các điều 113 tt của Bộ Giáo luật.
[12] Bộ Giáo luật, điều 604 §1.
[13] X. Nghi thức thánh hiến các trinh nữ, Bài giảng, số 30.
[14] X. Nghi thức thánh hiến các trinh nữ, Lặp lại quyết tâm khiết tịnh, số 36.
[15] X. Vaticancô II, Perfectae caritatis, số 2.
[16] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 924.
[17] Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris dignitatem (Phẩm giá phụ nữ), ngày 15/8/1988, số 20.
[18] “Các con hãy là những nữ tì của Thiên Chúa về danh xưng và về thực chất, dõi theo Đấng Thiên mẫu” (Nghi thức thánh hiến các trinh nữ, Bài giảng, số 29).
[19] Gioan Phaolô II, Vita consecrata, số 34.
[20] X. Giáo luật điều 385.
[21] Nghi thức thánh hiến các trinh nữ. Xướng danh I số 26; X. Diễn từ của ĐGH Biển Đức XVI dành cho những người tham dự Đại Hội của hàng ngũ các trinh nữ về đề tài “Sự trinh khiết tận hiến ở giữa trần thế: ân huệ cho Giáo hội và trong Giáo hội”, ngày 15/5/2008, số 4. Xt. Bộ Giám mục, Kim chỉ nam dành cho các giám mục, ngày 22/2/2004, số 104.
[22] X. Bộ Giáo luật, điều 240 §2.
[23] Xem các số 9-11 dưới đây.
[24] Xem điều 14 sẽ nói dưới đây.
[25] Bộ Giáo luật, điều 604.
[26] Nghi thức thánh hiến các trinh nữ, Những điều dẫn nhập, số 11-12, 13, 16.
[27] Cipriano, De habitu virginum, số 22; CSEL 3, 203.
[28] “Một bản ‘luật sống’ xác định sự cam kết mà mỗi chị em đảm nhận với sự thoả thuận của Giám mục, bao gồm phương diện tâm linh cũng như phương diện thực tế. Đây là lộ trình các nhân” (ĐGH Biển Đức XVI, Diễn từ dành cho những người tham dự Đại Hội của HNTN về đề tài “Sự trinh khiết tận hiến ở giữa trần thế: ân huệ cho Giáo hội và trong Giáo hội”, ngày 15/5/2008, số 5).
[29] X. Kh 14,4.
[30] X. Nghi thức thánh hiến các trinh nữ, Dẫn nhập, số 2.
[31] X. Nghi thức thánh hiến các trinh nữ, Các nghi thức diễn giải, số 48.
[32] Gioan Phaolô II, Vita consecrata, số 42.
[33] Nghi thức thánh hiến các trinh nữ, Bài giảng, số 29.
[34] X. Bộ Giáo luật, số 604 §2.
[35] X. Bộ Giáo luật, các điều 694-704.

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Ý NGHĨA CÁC TỪ NGỮ: MISSIO, EVANGELIZATIO, MISSIOLOGIA

Truyền giáo, Sứ vụ, Loan báo Tin Mừng, Truyền giáo học


Thời sự Thần học – Số 86, tháng 11/2019, tr. 11-30

I. Missio: sự tiến triển các ý nghĩa
A. Các ý nghĩa trải qua lịch sử (Kinh thánh; Thần học; Thời cận đại)
B. Từ “sứ vụ” đến “truyền giáo”
C. Từ “truyền giáo” đến “sứ vụ”
II. Evangelizatio: ý nghĩa từ ngữ
A. Lịch sử (evangelium; evangelicus; evangelismus, evangelizatio)
B. Công đồng Vaticanô II
C. Tông huấn Evangelii Nuntiandi
D. Re-evangelizatio - Nova evangelizatio
III. Thần học truyền giáo: bốn ý nghĩa
A. Thần học về sự “đi ra” của Thiên Chúa (Theologia missionaria)
B. Thần học về sứ vụ của Giáo hội (Theologia evangelizationis)
C. Thần học về hoạt động truyền giáo (Theologia missionis / Mission theology)
D. Truyền giáo học (Missiology): thần học và khoa học nhân văn


Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 86, THÁNG 11/2019

CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC TRUYỀN GIÁO

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud (30-11-1919), được coi như “Hiến chương về hoạt động truyền giáo” của thế kỷ XX. Bên cạnh, cũng có một biến cố đáng nhớ khác của Giáo hội Việt Nam, đó là việc thiết lập hai hạt Đại diện tông tòa đầu tiên, vào ngày 9-9-1659 (Sắc chỉ Super cathedram của ĐGH Alexander VII). Một kỷ niệm gần gũi hơn là 20 năm ban hành Tông huấn hậu-thượng-hội-đồng Ecclesia in Asia (6-11-1999).