Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Ý NGHĨA CÁC TỪ NGỮ: MISSIO, EVANGELIZATIO, MISSIOLOGIA

Truyền giáo, Sứ vụ, Loan báo Tin Mừng, Truyền giáo học


Thời sự Thần học – Số 86, tháng 11/2019, tr. 11-30

I. Missio: sự tiến triển các ý nghĩa
A. Các ý nghĩa trải qua lịch sử (Kinh thánh; Thần học; Thời cận đại)
B. Từ “sứ vụ” đến “truyền giáo”
C. Từ “truyền giáo” đến “sứ vụ”
II. Evangelizatio: ý nghĩa từ ngữ
A. Lịch sử (evangelium; evangelicus; evangelismus, evangelizatio)
B. Công đồng Vaticanô II
C. Tông huấn Evangelii Nuntiandi
D. Re-evangelizatio - Nova evangelizatio
III. Thần học truyền giáo: bốn ý nghĩa
A. Thần học về sự “đi ra” của Thiên Chúa (Theologia missionaria)
B. Thần học về sứ vụ của Giáo hội (Theologia evangelizationis)
C. Thần học về hoạt động truyền giáo (Theologia missionis / Mission theology)
D. Truyền giáo học (Missiology): thần học và khoa học nhân văn


Phan Tấn Thành


Trước khi đi vào chủ đề “Thần học truyền giáo” của số báo, thiết tưởng nên giải thích vài từ ngữ. Xem ra từ “truyền giáo” nghe đã quen tai, nhưng từ sau Công đồng Vaticanô II, một từ khác được phổ biến là “loan báo Phúc Âm” (hoặc “loan truyền Tin Mừng”) và “Phúc Âm hóa”. Những từ ngữ ấy có đồng nghĩa với nhau không? Đang khi còn đang chờ đợi sự giải thích, thì lại xuất hiện thêm từ ngữ “Tân Phúc Âm hóa”. Đang khi đó, từ “missio” vốn được dịch là “truyền giáo” bây giờ lại dịch là “sứ vụ”. Tại sao lại có những thay đổi từ ngữ như vậy? Những thay đổi từ ngữ có kèm thay đổi nội dung không?

Nói cách vắn tắt, xin thưa như sau: việc thay đổi từ ngữ không bắt nguồn từ bối cảnh của nước Việt Nam, nhưng từ quan điểm thần học bên Tây phương. Có sự thay đổi ý nghĩa về nội dung của “missio” từ khi họp Công đồng Vaticanô II. Công đồng cũng du nhập một từ ngữ mới, đó là “evangelizatio”, nhưng ý nghĩa chỉ được xác định nhờ Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Đức thánh cha Phaolô VI (1975); dựa vào đó mà thuật ngữ “nova evangelizatio” ra đời dưới thời Đức thánh cha Gioan Phaolô II (1979). Hai từ ngữ missio và evangelizatio không hoàn toàn đồng nghĩa: theo tầm nguyên, missio là một hành động (sai phái) mà nội dung cần được xác định (sai làm cái gì?), còn evangelizatio cũng là một hành động với nội dung xác định hơn (loan báo Tin Mừng). Tuy nhiên, ý nghĩa của hai danh từ này thay đổi khá nhiều trải qua dòng lịch sử, như sẽ thấy trong bài này, gồm ba phần chính: 1/ Những ý nghĩa (và biến đổi ý nghĩa) của từ missio. 2/ Những ý nghĩa của từ evangelizatio. 3/ Ý nghĩa của “thần học truyền giáo” (theology of mission) và “truyền giáo học” (missiology).

I. Missio: sự tiến triển các ý nghĩa


Tuy rằng từ missio (gốc Latinh, được chuyển sang tiếng Pháp và Anh là mission) thường được dịch là “truyền giáo” nhưng không sát với nguyên ngữ. “Truyền giáo” được định nghĩa là “truyền bá tôn giáo”[1]. Nếu muốn tìm một từ ngữ tương đương trong tiếng Latinh thì có lẽ gần nhất là “propagatio fidei” (truyền bá đức tin), hoặc “predicatio evangelii” (rao giảng Tin Mừng).

Theo Từ điển Anh Việt do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Ngôn ngữ học xuất bản tại Hà nội 1975, “mission” có 3 nghĩa chính sau đây :

1/ Công việc của một nhóm người được phái ra nước ngoài, nhất là để làm công việc chính trị thương mại : phái đoàn, sứ mệnh, nhiệm vụ.

2/ (a) Công việc của một nhóm giáo sĩ được phái đi để cải giáo dân chúng. Hội truyền giáo. (b) toà nhà hoặc nơi ở của một hội truyền giáo, nhất là giữa đám dân nghèo.

3/ (a) Nhiệm vụ hoặc bổn phận đặc biệt của một cá nhân hoặc một nhóm phải tiến hành. Sứ mệnh. (b) Một nhiệm vụ như thế do một cá nhân hay một đơn vị của lực lượng vũ trang thực hiện.

A. Các ý nghĩa trải qua lịch sử


Qua khái niệm vừa rồi, chúng ta thấy rằng mission không chỉ được dùng trong lãnh vực tôn giáo mà còn cả chính trị, pháp luật. Thực vậy, theo nguyên gốc Latinh, missio là một danh từ gốc bởi động từ mittere, có nghĩa là: gửi, phái, cử, sai, với phạm vi áp dụng rất rộng rãi: có thể là gửi thư, sai một người thi hành một công việc, v.v.. Vì thế có thể dịch là sứ vụ, sứ mệnh, nhiệm vụ, phái đoàn[2].

1/ Trong Kinh Thánh (Tân Ước), chúng ta chỉ gặp động từ mittere, được dùng trong nhiều hoàn cảnh[3]: có thể là theo nghĩa thông thường, và có khi theo nghĩa rất chuyên môn (sai đi để giảng Lời Chúa).

2/ Lịch sử thần học. Tân Ước dùng động từ mittere chứ không dùng danh từ missio. Danh từ này được thần học sử dụng trong nhiều bối cảnh chuyên môn:

a) Áp dụng cho mầu nhiệm Ba Ngôi (missiones divinae, trinitariae)[4]: Chúa Cha đã “sai” Con Một đến thế gian (Ga 3,16; 5,36-38; 10,36; 20,21). Chúa Kitô “sai” Thánh Thần đến Giáo hội (Ga 14,26; 15,25-26). Có thể dịch là “thiên sai” (tuy rằng từ này được dùng để dịch Messias, mà tự nó chỉ có nghĩa là “người được xức dầu”.

b) Áp dụng cho Hội thánh (missio Ecclesiae): Đức Giêsu “sai” các Tông đồ tiếp tục sứ mạng của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Hội thánh tiếp tục sứ mạng của các thánh Tông đồ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Như vậy, missio được hiểu là “sứ vụ, sứ mạng”.

3/ Thời cận đại

Từ thế kỷ XVI, người ta thấy có sự thay đổi trong việc sử dụng danh từ missio: khi bàn về sứ mạng của Hội thánh, nó được áp dụng vào nhiều lãnh vực khác nhau[5].

a) Đối với Dòng Tên, missio được hiểu về:
  • Lời khấn thứ bốn “votum de missionibus”, sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào Đức Thánh Cha cử đến (Constitutiones circa Missiones)[6].
  • Quyết định của bề trên cắt cử tu sĩ thi hành một tác vụ (ngày nay quen gọi là “bài sai”).
  • Nơi thi hành tác vụ (tạm dịch là “giáo điểm”).
  • Một công tác tạm thời được thi hành tại một nơi khác với nơi thường trú (1583: P. Acquaviva).
  • Việc giảng đạo ngoại thường thi hành tại vùng không theo đạo Công giáo (kể cả Tin lành, Chính thống).
    Như vậy, missio được hiểu về một sự sai đi, hay nơi được sai đến, hoặc công tác phải thi hành.

    b) Sang bên Pháp, vào thế kỷ XVII, missio được hiểu là việc giảng thuyết ngoại thường được thực hành nơi các tín đồ Công giáo (quen gọi là “giảng đại phúc”). Danh xưng của Tu hội do thánh Vinh Sơn Phaolô sáng lập Congregatio Missionis (1625) được hiểu theo nghĩa này.

    c) Cũng vào thế kỷ XVII, missio còn được hiểu như là giảng đạo cho dân ngoại (missio ad exteros, missio ad gentes). Điển hình là việc Tòa thánh thiết lập Thánh Bộ truyền bá đức tin (S. Congregatio de Propaganda Fide) để đi giảng đạo cho dân ngoại (1622). Missio vừa có nghĩa là việc rao giảng Tin Mừng, vừa có nghĩa là “lãnh thổ” được đặt dưới sự điều khiển của Bộ này. Đây cũng là ý nghĩa danh xưng của Hội dòng “Missions étrangères de Paris” (MEP: Hội Thừa sai Paris năm 1658).

    B. Từ “sứ vụ” đến “truyền giáo” và từ “truyền giáo” đến “sứ vụ”


    Như vậy, ta thấy có sự thay đổi ý nghĩa của missio từ sứ vụ của Giáo hội nói chung, sang công tác truyền giáo tại vùng đất ngoại giáo nói riêng. Lý do của sự biến đổi có thể mô tả như sau:[7]

    1/ Tuân theo chỉ thị của Chúa Kitô phục sinh (Mc 16,15-18; Mt 28,16-20), các tín hữu đầu tiên đã mang Tin Mừng cho các dân tộc, khởi đi từ dân Do Thái ở Palestina rồi đến các dân tộc khác trong Đế quốc Rôma, như chúng ta có thể nhận thấy nơi sách Tông đồ Công vụ. Kitô giáo dần dần chinh phục văn hóa Hy Lạp và Rôma, cũng như sau đó là các văn hóa “man-di” ở Âu châu.

    2/ Qua thời Trung cổ, nói được là toàn thể Âu châu đã “trở lại” Kitô giáo, và sống dưới thể chế Christianitas. Hồi ấy, thỉnh thoảng người ta nhắc tới những người “ngoại đạo” (gentiles), nhưng những người này hầu như được đồng hóa với người theo đạo Do Thái và Islam, và chỉ một số ít người nghĩ đến việc “cải hoán” họ. Nói cách khác, công tác truyền giáo coi như là công tác “phụ thuộc” của Giáo hội.

    3/ Từ thế kỷ XVI, người ta mới “khám phá” ra những lục địa mới (dĩ nhiên, đây là nói theo quan điểm của người Âu châu), gồm những dân tộc chưa nghe biết Tin Mừng. Từ đó, nảy ra một ý thức mới về sứ mạng phải đi giảng đạo cho muôn dân. Công cuộc này được gọi là “quảng bá đức tin” [8], và dần dần mang tên là “missio”, hay nói chính xác hơn là “missiones ad exteros” (hoặc missio ad gentes). Đặc biệt, nhiều dòng tu nam nữ được thiết lập với mục tiêu này (mà ngày nay người ta dịch là “Dòng Thừa sai”). Nguồn gốc của việc sử dụng từ này là lời khấn thứ bốn trong Dòng Tên, theo đó, tu sĩ sẵn sàng đảm nhận bất cứ nơi nào được Đức Thánh Cha ủy thác. Dần dần, bên cạnh danh từ missiones người ta còn thêm tính từ exteras để nêu bật sự ra đi (khỏi quê hương Âu châu) đến các vùng xa xôi. Do những hoàn cảnh lịch sử, công tác truyền giáo đôi khi gắn liền với các sắc thái chính trị (phong trào thực dân), và các nhà truyền giáo gắn bó với hội dòng đã “sai”, hơn là với Giáo hội. Công cuộc truyền giáo mang tính cách “ngoại thường” (cũng tương tự như việc giảng đại phúc tại các giáo xứ).

    C. Từ truyền giáo đến sứ vụ


    Công đồng Vaticanô II muốn trở lại nguồn gốc của từ missio, nhằm gây ý thức cho toàn dân Thiên Chúa. Việc loan báo Tin Mừng không phải là một công tác được ủy thác cho một vài người (các thừa sai) hay được thực hiện tại một vài miền trên thế giới (vùng truyền giáo), nhưng là một sứ mạng, nghĩa là trọng trách dành cho toàn thể Giáo hội (Lumen Gentium 17; Ad Gentes 6). Như vậy, Công đồng lấy lại ý nghĩa nguyên khởi của missio là sự sai đi, hoặc sứ vụ. Quan niệm này mang lại nhiều hệ luận.

    1/ Thứ nhất, missio là công việc của Thiên Chúa, trước khi là một hoạt động của Hội thánh. Sắc lệnh Ad Gentes bắt đầu với việc chiêm ngắm Thiên Chúa Ba ngôi, từ “suối nguồn tình yêu”. Tư tưởng này tuy đã có từ các giáo phụ nhưng xem ra bị lãng quên. Vào thời đại chúng ta, các nhà thần học Tin lành như Karl Barth nhắc nhở chúng ta điều này với việc sử dụng thuật ngữ Missio Dei[9].

    2/ Thứ hai, toàn thể Hội thánh tham gia vào sứ mạng thông truyền tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại (Ad Gentes 2). Thông thường, người ta dựa bổn phận truyền giáo trên “mệnh lệnh” của Chúa Giêsu phục sinh: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho khắp muôn dân” (x. Mc 14,17; Mt 28,19). Nhưng có một cách thức khác để diễn tả động lực truyền giáo, đó là được thúc đẩy bởi tình yêu đã lãnh nhận và muốn chia sẻ tình yêu ấy (1Ga 1,1-4).

    Nhưng làm thế nào để phân biệt giữa hoạt động chung của tất cả Giáo hội, với hoạt động đặc biệt dành cho những vùng “dân ngoại”, nơi mà đa số dân còn chưa biết Chúa Kitô? Trong bối cảnh này, ta thấy sự ra đời của một thuật ngữ mới, đó là evangelizatio (được dịch là “loan báo Tin Mừng”, “truyền giảng Phúc Âm”, “Phúc Âm hóa”). Sự phân biệt này xem ra đã có trong Tân Ước, khi phân biệt giữa các cấp độ giảng thuyết: kerygma (dành cho người chưa có đức tin) và catechesis (dành cho những người đã chấp nhận đức tin). Tuy nhiên, chẳng bao lâu thì từ evangelizatio không còn giới hạn vào việc giảng đạo cho dân ngoại nhưng được áp dụng cho toàn thể Hội thánh. Chúng ta bước sang từ ngữ thứ hai: evangelizatio.

    II. Evangelizatio


    Danh từ này được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều cách: Loan báo Phúc Âm / Tin Mừng, truyền giảng Phúc Âm, Phúc Âm hóa. Tại sao có sự “đa dạng” như vậy? Một lý do chính là tại vì cái gốc của nó “evangelium” đã được chuyển sang tiếng Việt nhiều cách khác nhau.

    Evangelium là gì? Cho đến giữa thế kỷ XX, tại các nhà thờ Công giáo, các linh mục còn đọc sách “Evang”. Từ thập niên 60, từ “Phúc Âm” rất được phổ biến ở Việt Nam: sách Phúc Âm, rao giảng Phúc Âm, các lời khuyên Phúc Âm. Từ thập niên 90, từ “Tin Mừng” dần dần xuất hiện trong thánh đường, tuy rằng cho đến nay, trong giới nhà tu, người ta vẫn còn nói đến “ba lời khuyên Phúc Âm, tinh thần Phúc Âm”. Đang khi đó, từ “Tin lành” đã được quen thuộc nhờ những nhóm Evangelicals truyền đạo ở Việt Nam.

    A. Lịch sử


    Trong Tân Ước không có danh từ “evangelizatio” mà chỉ có động từ “evangelizare” và nhất là danh từ “evangelium”[10]. Các từ này đều bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: euangelion (tin vui, Tin Mừng, Tin lành), euangelizo, euangelizomai (động từ), euangelistes (người đưa Tin Mừng)[11].

    Trong Tân Ước, evangelium (Tin Mừng) được hiểu về một sứ điệp loan báo; về sau, người ta mới hiểu về quyển sách ghi lại sứ điệp đó. Một cách tương tự như vậy, evangelista lúc đầu được hiểu về người đi loan báo sứ điệp Tin Mừng; về sau mới được hiểu về người viết sách Tin Mừng, cụ thể là bốn “thánh sử” (Mát-thêu, Mác-cô, Luca, Gioan).

    Lịch sử Hội thánh đã chứng kiến việc nảy sinh nhiều từ ngữ bắt nguồn từ evangelium. Trước hết là tính từ evangelicus (thuộc về Tin Mừng), chẳng hạn như “consilia evangelica” (những lời khuyên của Tin Mừng), và cách riêng những từ ngữ evangelical, evangelism, evangelization do phong trào “Phục hưng Tin lành” (Evangelical Revival) phổ biến từ thế kỷ XIX. Đang khi tại Âu châu, vào thời Trung cổ, các phong trào “Tin lành” nhấn mạnh đến việc trở về nguồn, sống theo tinh thần của Tin Mừng (evangelismus), thì tại Hoa kỳ, các phong trào Tin lành đề cao sứ mạng “rao giảng Tin lành” cho người ngoại giáo (preaching the Gospel to Non-Christians). Những từ ngữ evangelization, evangelicals, evangelism ra đời trong bối cảnh đó. Nói cách khác, evangelizatio là một từ ngữ mới xuất hiện từ thế kỷ XIX[12], và được thần học Công giáo sử dụng vào thế kỷ XX.

    B. Công đồng Vaticanô II


    1/ Ý nghĩa của evangelizatio

    Danh từ này xuất hiện 31 lần trong các bản văn Công đồng[13], cách riêng là Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes (21 lần)[14]. Danh từ được dùng theo ba nghĩa:
    • Nghĩa hẹp: rao giảng Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo, tương đương với công bố kerygma (số 6).
    • Theo một nghĩa rộng hơn: việc làm chứng tá bằng lời nói và gương lành (số 14).
    • Rộng hơn nữa, nó đồng nghĩa với toàn bộ công tác của sứ mệnh Giáo hội, nghĩa là việc thi hành ba tác vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản (số 20; 27; 29; 30; xem thêm số 23; 35-36; 38; 39; 40; 41).
    2/ Tương quan giữa “evangelizatio” và “missio”

    Sắc lệnh Ad Gentes xem ra chấp nhận quan điểm thông thường vào thời đó. Evangelizatio được đặt trong khung cảnh truyền giáo cho dân ngoại (Missio ad gentes), chứ không bao trùm toàn thể Giáo hội. Mặt khác, evangelizatio hẹp hơn missio; evangelizatio: trình bày Tin Mừng (bằng lời nói và gương lành) cho các dân ngoại, còn missio bao gồm không những là việc loan báo mà còn việc giáo huấn, phụng vụ, cầu nguyện và các công tác mục vụ (xc. AG số 10). Nên biết là Bộ Truyền giáo đã được đổi tên với cuộc cải tổ giáo triều sau Công đồng Vaticanô II (15/8/1967), từ “S. Congregatio de Propaganda Fide” sang “S.C. pro Evangelizatione Gentium”[15].

    C. Evangelii Nuntiandi


    Đây là tựa đề của Tông huấn sau Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới họp năm 1974 về đề tài “De evangelizatione mundi huius temporis”. Văn kiện này ghi một cột mốc trong việc sử dụng thuật ngữ evangelizatio trong các văn kiện của Giáo hội. Dù sao, chúng ta có thể theo dõi nhiều cách hiểu thuật ngữ này.

    1/ Bản lược đồ dự thảo (Lineamenta) nhìn nhận rằng evangelizatio có thể hiểu theo bốn nghĩa:
    • Nghĩa rộng: Bất cứ công tác nào nhằm làm cho thế giới trở nên phù hợp với chương trình của Thiên Chúa, dù là lao động trong xưởng hay dạy chữ.
    • Nghĩa hẹp hơn: Việc thi hành các hoạt động ngôn sứ, tư tế và vương đế nhằm xây dựng Hội thánh theo ý định của Chúa Kitô. Hiểu như vậy, nó đồng nghĩa với sứ mạng của Hội thánh (khác với hoạt động của các tổ chức hoặc xã hội trần thế).
    • Nghĩa chặt: Những hoạt động nhằm giúp các dân ngoại nhận biết Chúa, cũng như giúp các tín hữu sống đức tin. Như vậy giới hạn vào việc thi hành công tác ngôn sứ (rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý, giảng thuyết, v.v…).
    • Nghĩa chuyên môn: Việc rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa.
    2/ Tông huấn nhìn nhận evangelizatio là một công tác rất đa diện (EN số 17-24), bao gồm nhiều khía cạnh:
    • Loan báo Tin Mừng cách mặc nhiên (bằng chứng tá: số 21) hoặc minh nhiên (số 22).
    • Thiết lập cộng đoàn Hội thánh (số 23; 24).
    • Cứu độ toàn diện: Giải thoát con người khỏi tội lỗi cũng như khỏi những cảnh cùng khổ (số 30-38). Ngày nay chúng ta gọi là “thăng tiến con người”.
    • Thấm nhập vào các nền văn hoá (số 20; 62-65). Ngày nay chúng ta gọi là “hội nhập văn hóa”.
    3/ Như vậy, evangelizatio có thể hiểu vừa rất chặt vừa rất rộng (số 18):
    • Rất chặt : Công bố Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo.
    • Rất rộng : Đem men Tin Mừng vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, nghĩa là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Tin Mừng, từ lối suy tư cá nhân cho đến các lối sinh hoạt của các dân tộc. Thực ra việc loan báo Tin Mừng được thực hiện vừa bằng lời nói vừa bằng chứng tá đời sống, cũng như bằng những hoạt động để biến đổi mọi sự cho hợp với Tin Mừng. (Hiểu theo nghĩa này thì có thể dịch là “Phúc Âm hóa”).
    Dù sao, Tông huấn Evangelii Nuntiandi đã làm đảo lộn mối tương quan giữa missio và evangelizatio. Trước đây (trong Sắc lệnh Ad Gentes số 6), evangelizatio ám chỉ một khía cạnh của công tác truyền giáo (missio). Bây giờ, evangelizatio bao trùm toàn thể hoạt động của Hội thánh, trong đó missio chỉ là một lãnh vực của nó[16].

    Ngoài ra, một điều quan trọng mà Tông huấn Evangelii Nuntiandi đã nhấn mạnh là trước khi Hội thánh lên đường loan báo Tin Mừng, thì chính mình cần phải hoán cải theo Tin Mừng đã[17]. Nói cách khác, đối tượng loan báo Tin Mừng không phải chỉ là thế giới nhưng là chính các phần tử của Hội thánh.

    D. Re-evangelizatio - Nova evangelizatio


    Những từ ngữ này xuất hiện trong các văn kiện của Hội đồng các Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) trong các đại hội họp tại Medellin (1968) và Puebla (1979). Châu Mỹ đã được đón nhận Tin Mừng từ thế kỷ XV và số người Công giáo chiếm đa số; tuy nhiên, cần phải nghĩ đến việc “tái truyền giảng Tin Mừng” nhằm hun nóng niềm tin, cũng như tiếp tục việc thay đổi não trạng và cơ chế cho phù hợp với Tin Mừng.

    Đức thánh cha Gioan Phaolô II cũng chấp nhận quan điểm đó. Tuy rằng thuật ngữ nova evangelizatio đã xuất hiện trong bài diễn văn tại Nowa Huta ngày 9/6/1979, nhưng được nhấn mạnh và đào sâu hơn kể từ bài diễn văn khai mạc Đại hội CELAM tại Port-au-Prince (Haiti) ngày 8/3/1983: đây không phải là giảng Tin Mừng mới (xét về nội dung), nhưng là mới xét về nhiệt huyết, về phương pháp, về cách diễn tả. Từ đó, từ ngữ này được áp dụng cho toàn thể Hội thánh, thí dụ trong Tông huấn Christifideles Laici (năm 1988) ở các số 4 và 34. Cách riêng, trong Thông điệp Redemptoris Missio (năm 1990), số 33, Đức Gioan Phaolô II đã cố gắng xác định các từ ngữ như sau:
    1. Missio ad gentes: loan báo Tin Mừng cho những nơi và những người chưa biết Chúa Kitô (nghĩa cổ điển của “truyền giáo”).
    2. Cura pastoralis: hoạt động mục vụ tại những nơi đã theo đạo.
    3. Nova evangelizatio hay iterata evangelizatio: tại những nơi đã theo đạo nhưng tỏ ra lơ là với việc thực hành[18].
    Nên biết là trong dạng thứ nhất (missio ad gentes), Thông điệp dùng đến ba tiêu chuẩn để xác định hoạt động truyền giáo: a) tiêu chuẩn địa lý, nghĩa là những vùng hay những dân mà Phúc Âm chưa tỏa đến; b) tiêu chuẩn xã hội: những môi trường xã hội, những lớp người chưa được nghe Phúc Âm, tựa như những người tị nạn, những lớp người sống bên lề xã hội; c) tiêu chuẩn thứ ba nhắm cách riêng đến lãnh vực văn hóa, tựa như: các phong trào tranh đấu nhân quyền, ngành điện ảnh văn nghệ. Khi phối hợp lại ba tiêu chuẩn khác nhau, ta có thể nhận thấy rằng, một nước hay thậm chí một giáo phận có thể được xếp vào cả ba trạng thái sống đức tin.

    Cũng nên lưu ý là không phải tất cả các tác giả đều đồng ý với lối phân chia này. Cách riêng, bên các Giáo hội Tin lành, danh từ evangelism được sử dụng thường xuyên hơn là evangelization. Đàng khác, chưa có sự nhất trí về việc phân biệt giữa mission và evangelism.

    III. Thần học truyền giáo


    Không nói ai cũng đoán được, đàng sau vấn đề từ ngữ (missio / evangelizatio / nova evangelizatio) có nhiều cuộc tranh luận thần học về bản chất, phương tiện, mục tiêu của việc truyền giáo: nó là một hoạt động chuyên biệt hay là hoạt động tổng quát của Giáo hội? Mục tiêu của việc truyền giáo là gì? Các câu hỏi này dần dần đưa đến một ngành thần học chuyên biệt gọi là “Thần học truyền giáo” hoặc “Truyền giáo học” (hoặc Sứ vụ học: Missiology). Chúng ta có thể đối chiếu với Giáo hội học thì đủ rõ. Giáo hội đã hiện hữu từ thời các thánh Tông đồ và đã được bàn đến trong tác phẩm của các giáo phụ và các nhà thần học trung đại. Nhưng “Giáo hội học” (Ecclesiologia) mới ra đời vào thời cận đại. Một cách tương tự như vậy, đã có nhiều khảo luận bàn về việc truyền giáo, nhưng môn “Truyền giáo học” (Missiology) mới ra đời trong thế kỷ XIX.

    Gustav Warneck (1834-1910) được coi như người khai trương của môn Truyền giáo học bên Tin lành[19] và Josef Schmidlin (1876-1944), do ảnh hưởng của Warneck, đã khởi xướng môn này bên Công giáo[20]. Năm 1911, cha thành lập Tập san “Zeitschrift für Missionswissenschaft”, với sự cộng tác của Federico Schwager (1876-1929) và Roberto Streit (1875-1930).

    Thực ra, “Truyền giáo học” có thể hiểu theo bốn nghĩa:

    1/ Chiều kích “truyền giáo” của thần học. Thần học được hiểu như suy tư về lịch sử cứu độ. Lịch sử này khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa, được tỏ lộ qua việc tạo dựng, giao ước với dân Israel và đặc biệt qua Đức Kitô. Tất cả khởi nguồn từ tình yêu dạt dào của Thiên Chúa Tam Vị để dẫn đưa nhân loại về hiệp thông với Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ nhằm biểu lộ, thể hiện và hoàn thành kế hoạch ấy. Đối tượng nghiên cứu của thần học là sự “đi ra khỏi chính mình” của Thiên Chúa để đưa nhân loại trở về với Người. Đó là ý nghĩa của sứ vụ, nghĩa là sự đi ra của Thiên Chúa[21].

    2/ Chiều kích “truyền giáo” của Giáo hội học. Thượng Hội đồng Giám mục năm 1985 (kỷ niệm 20 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II) đã thu tóm “căn cước” của Giáo hội vào ba hạn từ “mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ” (mysterium – communio – missio). Sứ vụ là một chiều kích căn bản của Giáo hội.

    3/ Trong hai lối tiếp cận vừa rồi, tuy nói là “truyền giáo” vì đã quen dịch từ missio, nhưng phải nói là “sứ vụ” (hoặc “sứ mạng”) thì đúng hơn. Nó bao gồm toàn thể sứ mạng của Giáo hội. Dù vậy, trên bối cảnh toàn thể của sứ vụ Giáo hội, thần học có thể giới hạn việc học hỏi vào một lãnh vực chuyên biệt, đó là việc “loan báo Tin Mừng cho những người chưa tin vào Chúa Kitô”. Đề tài này đáng được nghiên cứu thành một môn học biệt lập, với những mục chính sau đây: a) Tín lý (bản chất của sứ vụ, nền tảng Kinh Thánh và những chiều kích của sứ vụ); b) Mục vụ (những điều liên quan đến hoạt động truyền giáo); c) Linh đạo (ơn gọi và thái độ của vị thừa sai).

    4/ Cho tới đây, chúng ta vẫn còn ở trong quỹ đạo của thần học, vì thế chỉ mới gọi là “Thần học về truyền giáo” (Theology of mission nói tắt là Mission theology)[22], hoặc “thần học của việc loan báo Tin Mừng” (Theology of evangelization). Thế nhưng “các môn học về truyền giáo” (Missiology) còn bao gồm nhiều ngành khác liên quan đến hoạt động truyền giáo, nhằm chuẩn bị hành trang cho những người lên đường truyền giáo. Trên thực tế, “truyền giáo học” trở thành một ngành nghiên cứu và đào tạo khoa bảng như phân khoa (faculty) tại Đại học Urbaniana và Gregoriana ở Rôma, hoặc như học viện (Institute) ở nhiều nơi khác. Chương trình gồm những môn sau: Thần học (thần học Kinh Thánh và hệ thống), Lịch sử truyền giáo, Giáo luật về truyền giáo, Địa lý (tình hình các vùng truyền giáo), Khoa học các tôn giáo (lịch sử, triết học, hiện tượng luận), Dân tộc học, Văn hóa, Mục vụ truyền giáo (hợp tác, linh hoạt), Linh đạo truyền giáo, v.v.. Nói cách khác, việc đào tạo “truyền giáo học” đòi hỏi không những kiến thức về thần học mà còn về các khoa học nhân văn nữa[23].

    Đến đây, chúng ta cần phân biệt giữa missiologist (nhà nghiên cứu truyền-giáo-học) và missionary (nhà truyền giáo, thừa sai), một bên chuyên môn về học thuật, một bên chuyên môn về thực hành; lý tưởng là kết hợp cả đôi bên, nhưng thực tế vẫn thường xảy ra là có người giỏi về lý thuyết nhưng thiếu thực hành, và ngược lại.

    Sách tham khảo

    1. Barreda, Jesus Angel, Missionologia, Studio introduttivo, San Paolo, Cinisello Balsamo 2003.
    2. Bevans, Stephen B. & Schroeder, Roger P., Constants in Context: A Theology for Mission Today, Orbis Books, Maryknoll N.Y., 1991.
    3. Esquerda Bifet, Juan, Missionologia. Evangelizar en un mundo global, BAC Madrdi 2008.
    4. Oborji, Francis Anekwe, Concepts of Mission: The Evolution of Contemporary Missiology, Orbis Books, Maryknoll N.Y., 2006.
    Những sách vừa kể chứa đựng thư mục rất phong phú.
    [1] Truyền: chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Bá: tung ra. Giáo: dạy, tôn giáo. Truyền giáo: truyền bá giáo lý của một nền tôn giáo cho nhiều người biết và tin theo.
    [2] Sứ mệnh: mệnh lệnh mà sứ giả phải thi hành. Sứ là người do nhà vua sai đi lo việc ở phương xa; sứ giả: người đi sứ (Đại sứ; sứ quán). Thừa sai: nhận chịu sự sai khiến của cấp trên (thừa: vâng chịu).
    [3] Trong tiếng Hy Lạp của Tân Ước, chúng ta có nhiều từ tương đương: apostolé: 4 lần (1 Cr 9,2; Gl 2,8; Rm 1,5; Cv 1,25); apostolos. Xét như động từ apostellò (chừng độ 135 lần: 51 trong Lc-Cv, 29 Ga, 3 Phaolô); pemtò (chừng 80 lần: Ga 31; Lc-Cv 21; Phaolô 14).
    [4] Chẳng hạn T. Tôma Aquino, Summa Theologiae I, q.43.
    [5] André Seumois, Théologie missionnaire, Roma 1973, t.I, p. 8-26.
    [6] X. Bulla confirmationis (21/7/1550): “... ad quascumque provincias nos mittere voluerint... sive nos ad Turcas, sive ad quoscumque alios infideles, etiam in partibus quas Indias vocant, sive ad quoscumque haereticos, schismaticos, sed etiam ad quosvis fideles mittendos consueverint”
    [7] Về lịch sử hoạt động truyền giáo, xem bài viết của linh mục Stephen B. Evans trong số này.
    [8] Thời xưa, việc loan báo Tin Mừng (giảng đạo, truyền giáo) được gọi bằng nhiều tên: Illuminatio gentium, Novos populos adducere in gremio sanctae matris Ecclesiae, Propagatio Fidei, Conversio gentilium, Praedicatio Evangelii in universo orbe, Labor salutiferae praedicationis ad innotescendum gentibus mysterium fidei, Conversio infidelium, Praedicatio apostolica, Procuratio salutis ad barbaras gentes, Novella Christianitatis plantatio, Promulgatio Evangelii, Viam salutis et lucis infidelibus insinuare, Procuratio salutis omnium gentium, Legatio ad gentes, Dilatatio Ecclesiae per universum orbem, v.v…
    [9] Thuật ngữ Missio Dei được phổ biến qua tác phẩm của D.G. Vicedom, Missio Dei. Einführung in Eine Theologie der Mission, Kaiser, München 1958; (bản dịch tiếng Anh: The mission of God: An Introduction to the Science of Mission, Concordia Publishing House, St Louis, 1965).
    [10] Rafael Ortega, Evangelizar según el Evangelio. Comentario biblico a los nn. 6-16 de la “Evangelii Nuntiandi. in: “Medellin” 3 (1977) 222-231. El contenido de la Evangelización. Comentario a los nn. 25-39, ibid, 453-475.
    [11] Euaggelizomai (euaggelizesthai): 54 lần trong Tân Ước (Mt 1; Lc 10; Cv 15; Rm 3; 1 Cr 6; 2 Cr 2; Gl 7; 1 Tx 1; Dt 2; 1 Pr 3; Kh 2). - euaggelion: 76 lần trong Tân Ước (Mt 4; Mc 8; Cv 2; Rm 9; 1 Cr 8; 2 Cr 8; Gl 7; Ep 4; Pl 9; Cl 2; 1 Tx 6; 2 Tx 2; 1 Tm 1; 2 Tm 3; Plm 1; 1 Pr 1; Cv 1). – euangelistes: 3 lần (Cv 21,8; Ep 4,11; 2 Tm 4,5).
    [12] J. Lopez Gay, Evolución historica del concepto de “Evangelización”, in: Evangelisation (Documenta Missionalia n. 9), Roma 1975, p.161-190. Cf. Alexander Duff (1806-1878): “The chief means of Divine appointment, for the evangelization of the world are the faithful teaching and preaching of the pure Gospel of salvation by duly qualified ministers and other holy and consistent disciple of the Lord Jesus Christ, accompanied with prayer and savingly applied by the grace of the Holy Spirit” (Union Missionary Convention New York, 1854).
    [13] D. Grasso, “Evangelizzazione. Senso di un termine”, in: Evangelisation, l.c. p.21-47.
    [14] Các văn kiện khác: Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem (4 lần: số 2; 6; 19; 26). Sắc lệnh về tác vụ linh mục Presbyterorum Ordinis (3 lần: số 5; 6; 19). Hiến chế về Hội Thánh Lumen gentium (1 lần: số 35). Sắc lệnh về chức vụ giám mục Christus Dominus (1 lần: số 6); Hiến chế về Hội Thánh trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes (1 lần: số 44).
    [15] Tại sao phải đổi tên? Có lẽ vì sợ hiểu lầm. Thời xưa, Propaganda fide chỉ có nghĩa là “truyền bá đức tin” (propagare: mở rộng). Ngày nay, propaganda được hiểu là “tuyên truyền”. Có lẽ sự hiểu lầm tương tự cũng có thể xảy ra trong tiếng Việt giữa “truyền giáo” và “tuyên giáo”.
    [16] Thực ra, Tông huấn phân biệt ba môi trường của evangelizatio: 1/ Loan báo Tin Mừng cho người ngoại đạo (số 50, 51, 53), tức là truyền giáo; 2/ Mục vụ (số 54), chú trọng đến việc huấn giáo; 3/ Loan báo canh tân (số 52, 56), dành cho những nơi đã mất đạo, hoặc không thực hành đạo.
    [17] N. 15: “Ut res breviter explicemus, Ecclesia semper evangelizanda est, ut suam in Evangelio nuntiando viriditatem, ardorem, vim servare possit. Concilium Oecumenicum Vaticanum II commemoravit atque Episcoporum Synodus anno MCMLXXIV firmiter resumpsit hoc argumentum de Ecclesia, per suam non intermissam conversionem et renovationem, se ipsam evangelizante, ut credibili ratione valeat mundum evangelizare”.
    [18] Đề tài Nova evangelizatio đã được ĐTC Bênêđictô XVI chọn làm đối tượng cho Khóa họp Thượng hội đồng giám mục vào tháng 10 năm 2012. Kết quả của cuộc họp này không được đúc kết thành “Tông huấn hậu thượng hội đồng” như thường lệ, bởi vì Đức Bênêđictô XVI từ chức ngàu 11-2-2013. Tông huấn Evangelii gaudium của ĐTC Phanxicô (ký ngày 24-11-2014) chỉ nói đến việc loan báo Tin Mừng cách đơn giản, chứ không thêm tính từ “mới” nữa.
    [19] Gustav Warneck, Evangelische Missionslehre, 5 vol., Gotha 1882-1903.
    [20] Josef Schmidlin, Katholische Missionslehre im Grundriss, Münster 1923; Catholic Mission Theory, Mission Press SVD, Techny, Illinois 1931.
    [21] X. D. J. Bosch, “Theological Education in Missionary Perspective”, in Missiology X, 1982, 13-34.
    [22] Có người phân biệt giữa Mission Theology và Missionary Theology. Hạn từ thứ hai được hiểu theo nghĩa phổ quát như chiều kích số 1.
    [23] X. J. A. Scherer, “Missiology as a Discipline and What it includes”, in Missiology XV, 1987, 514.