Hiển thị các bài đăng có nhãn Đời sống thánh hiến. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đời sống thánh hiến. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

ĐỜI SỐNG ẨN SĨ : Vài nét về lịch sử, quy chế dành cho các ẩn sĩ của giáo phận Tarragona, Tây Ban Nha

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 114-133

Bình Hoà

Bộ Giáo luật 1983 đã tái lập các ẩn sĩ trong Giáo hội Latinh. Trong bài này, sau khi giới thiệu lịch sử về đời sống ẩn sĩ trong Giáo hội, chúng tôi sẽ dịch bản Quy chế về nếp sống ẩn sĩ của giáo phận Tarragona (Tây ban nha) do đức Tổng giám mục Jaume Pujol Barcells ban hành ngày 10/01/2006.
Những thông tin bổ túc về đời sống ẩn sĩ: Anh Ngữ: www.hermitary.com; Tây ban nha: www.eremitas.com
Ẩn sĩ thời xưa

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

DÒNG MẾN THÁNH GIÁ: ĐÔI NÉT VỀ NGUỒN GỐC VÀ PHÁT TRIỂN

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 87-113

Nữ tu Anna Hồ Thị Quyết, MTG Khiết Tâm

I. Nguồn gốc và bối cảnh lịch sử Dòng Mến Thánh Giá
II. Thế kỷ XVII : thời kỳ khai sinh và phát triển (1670 - 1700)
III. Thế kỷ XVIII : thời kỳ bách hại (1700 - 1802)
IV. Thế kỷ XIX : Thời kỳ bách hại tàn khốc - tử đạo (1802 - 1900)
V. Thế kỷ XX : thời kỳ phục hưng và phát triển
VI. Hậu bán thế kỷ XX và tiền bán thế kỷ XXI :Công cuộc canh tân toàn diện
VII. Từ cái mất đến cái được
VIII. Thực thi sứ mạng
IX. Nâng cao văn hóa và cải tổ pháp lý
X. Kết luận

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

NGUỒN GỐC ĐỜI TU TRÌ KITÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 47-86

Phan Tấn Thành

I. Nguồn gốc đời tu trì tại Việt Nam (thế kỷ XVII)
  A. Các thừa sai Dòng Tên và các thầy giảng
  B. Thời các Đại diện tông toà
II. Những bước thăng trầm
  A. Giáo sĩ và Thầy giảng
  C. Những biến chuyển trong thế kỷ XX
III. Vài nhận xét
  A. Sự tiến triển của hai thể chế “thầy giảng” và “Nhà Đức Chúa Trời”
  B. Mô hình tổ chức Nhà Đức Chúa Trời
  C. Quá khứ và tương lai
Kết luận

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

THẦN HỌC VỀ CÁC HÌNH THÁI LỊCH SỬ CỦA ĐỜI THÁNH HIẾN

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 37-46

Carlos Alfonso Azpiroz Costa, O.P.


Đây là bài phát biểu của cha cựu Tổng quyền Dòng Đa Minh tại buổi hội thảo của các bề trên tổng quyền tại Rôma vào ngày 9 tháng 2 năm 2011.[1] Khi phân tích sáu hình thái của đời sống thánh hiến, tác giả nhận thấy rằng đây không phải là một sự tiến hóa, nhưng là sự tiến triển nội tại của đời thánh hiến dưới những chiều kích khác nhau, đặc biệt nhìn trong mối tương quan với Thiên Chúa, với con người, với xã hội.

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

NHỮNG KHUÔN MẪU CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG NGÀN NĂM THỨ NHẤT

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 11-36

Giancarlo Rocca

Trong bài viết này, tác giả cho thấy rằng hầu như các “thần học (hoặc linh đạo) về đời sống thánh hiến” xuất hiện gần đây đều lấy lại những tư tưởng chủ đạo về đời tu trì trong ngàn năm thứ nhất, tóm lại qua năm mô hình: 1) Sự tử đạo; 2) Phép rửa thứ hai; 3) Đời sống thiên thần; 4) Đời sống ngôn sứ; 5) Đời sống tông đồ. Những đề tài này được trưng dẫn và giải thích qua những bản văn của các giáo phụ. Cha Giancarlo Rocca, thuộc dòng thánh Phaolô (do chân phước Alberione sáng lập), là chủ biên của Bộ Đại Từ điển các Dòng tu (Dizionario degli Istituti di Perfezione, 10 volumi, Roma 1974-2003).

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

THẦN HỌC ĐỜI TU TRONG VÒNG 50 NĂM QUA

Thời sự Thần học - số 57, tháng 8/2012, tr. 163-186

Phan Tấn Thành, OP.


Dưới một phương diện nào đó, có lý để quả quyết rằng thần học về đời sống thánh hiến mới được thành hình sau công đồng Vaticanô II. Thật vậy, tuy từ lâu rồi đã có nhiều sách được viết về đời sống trọn lành, về việc thực hành các nhân đức, về việc tuân giữ ba lời khấn dòng ..., nhưng đó là những khảo luận mang tính luân lý hoặc tu đức, chứ không đụng đến những câu hỏi căn bản: đời tu trì Kitô giáo bắt nguồn từ đâu? Đời sống tu trì có gì khác biệt đời sống Kitô hữu không? Sự thánh hiến của các tu sĩ có gì khác với sự thánh hiến của bí tích rửa tội không? Đời tu trì có thuộc về cơ cấu của Hội thánh không?

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

LINH ĐẠO CỦA CÁC ẨN SĨ SA MẠC

Thời sự Thần học - Số 39, tháng 09/2004, tr. 89-103

Th. Phaolô và Th. Antôn ẩn sĩ
Tranh của Diego Velázquez
(1599–1660)
Bùi Thiện


Đời tu là mùa xuân của Giáo hội nhưng đời ẩn tu là cánh én báo hiệu mùa xuân. Tuy là hình thức tu trì đầu tiên nhưng đời ẩn tu vẫn đóng góp nhiều cho Giáo hội, mở đường cho các hình thức tu trì sau này. Dù các ẩn sĩ không sống thành cộng đoàn, không chịu áp chế của một sức ép nào nhưng họ vẫn khắc hoạ được chân dung của người tu sĩ : từ bỏ, thực hành nhân đức để trở thành người môn đệ chân chính của Đức Giêsu. Chính các cộng đồng ẩn tu là nền móng cho đời ẩn tu sau này.

I. NGUỒN GỐC ĐỜI ẨN TU

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Ý NGHĨA LOGO NĂM THÁNH "ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN"

 Tác giả: Hoạ sĩ Carmela Boccasile 
Ý nghĩa Logo PDF


I. Hình ảnh 

Một chim bồ câu dùng một cánh để nâng đỡ một quả cầu, đang khi cánh kia bao bọc dòng nước, trổi lên ba ngôi sao. 

– Chim bồ câu: biểu hiệu Thánh Linh, nguồn sự sống và sự sáng tạo. Vào lúc khởi thuỷ, Thần khí Chúa bay là trên mặt nước (St 1,2), gợi lên tính sáng tạo mang lại sức sống cho nhân loại, cách riêng khi gợi lên những ơn gọi nên thánh dưới nhiều hình thức. Chim bồ câu cũng là biểu hiệu của hoà bình (x. St 8,8-14): các tu sĩ được mời gọi làm dấu chỉ hoà giải phổ quát trong Đức Kitô. Chim bồ câu cũng gợi lên sự thánh hiến của Đức Giêsu tại sông Giođan. 

– Nước tượng trưng cho vũ trụ, nơi mà con người sinh sống. Các tu sĩ sống ở giữa đời, như những người phục vụ, trong tinh thần của Đức Kitô, ôm ấp và yêu thương nhân loại cũng như sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin Mừng. 

– Ba ngôi sao nhắc đến ba chiều kích của đời sống thánh hiến: thánh hiến, hiệp thông và sứ vụ. Trong truyền thống Byzantin, ba ngôi sao cũng nhắc nhớ Đức Maria (trinh khiết trước khi sinh, đang khi sinh, sau khi sinh). Đức Maria là mẫu gương của người môn đệ Đức Kitô. 

– Quả cầu tượng trưng cho nhân loại, với nhiều nền văn hóa khác nhau. Các tu sĩ được Thánh Linh sai vào thế giới để mang sức sống thần linh đến cho họ. 

II. Khẩu hiệu 

Vita consecrata in Ecclesia hodie
Evangelium, Prophetia, Spes 

Evangelium: (Tin Mừng). Tiêu chuẩn căn bản của đời sống thánh hiến là đi theo Đức Kitô dựa trên giáo huấn Tin Mừng (PC 2a). Đời sống thánh hiến là ký ức sống động về lối sống và hành động của Chúa Giêsu (VC 22). Tin Mừng mang lại sự khôn ngoan hướng dẫn cuộc đời, nhờ những lời khuyên mà Thầy đã dạy các môn đệ (x. LG 42).

Prophetia (Ngôn sứ). Đời sống thánh hiến là một hình thức thông dự vào tác vụ ngôn sứ của Đức Kitô, được Thần khí thông ban cho Hội thánh (VC 84) và được nuôi dưỡng nhờ Lời của Thiên Chúa. Vai trò ngôn sứ được thể hiện qua việc can đảm tố giác tội lỗi, đồng thời loan báo những cuộc “viếng thăm” của Thiên Chúa, và tìm những đường hướng giúp Tin Mừng đi vào lịch sử.

Spes (Hy vọng): Đời sống thánh hiến nhắc nhở thế giới về niềm hy vọng cánh chung, nhờ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa đang tăng trưởng ngay từ bây giờ (VC 27). Đời sống thánh hiến làm chứng cho niềm hy vọng qua việc sống gần gũi và mang tình thương đến cho người đồng loại.

Được thúc đẩy nhờ tình yêu mà Thánh Linh đổ xuống tâm hồn (Rm 5,5), những người thánh hiến ôm ấp toàn thể vũ trụ, trở thành ký ức của tình yêu Ba ngôi Thiên Chúa, sứ giả của hiệp thông và hợp nhất, những người lính canh đứng trên đỉnh núi lịch sử, liên đới với nhân loại trong những nhọc nhằn và trong việc lặng lẽ tìm kiếm Thánh Linh.

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 66, THÁNG 11/2014

CHỦ ĐỀ: ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

LỜI GIỚI THIỆU

Lời giới thiệu PDF
Số báo đầu tiên của niên khóa 2014-15 được dành cho đề tài “Đời sống thánh hiến” bởi vì được phát hành vào lúc sắp khai mạc Năm Đời sống thánh hiến do đức thánh cha Phanxicô khởi xướng (từ 30/11/2014 đến 2/2/2016). Đời sống thánh hiến có thể được nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh, về lý thuyết cũng như thực hành. Các sách báo viết về đề tài này khá phong phú. Cách đây hai năm Thời sự thần học đã dành số 57 (08/2012) cho đề tài “Ơn gọi Linh mục và Tu sĩ”, với các bài “Đào tạo linh mục trong các dòng tu” (trang 37-74), “Thần học đời tu trong vòng 50 năm qua” (trang 177-202), “Điểm qua vài tựa sách về đời tu hôm nay” (trang 203-224)[1]. Trong số này, chúng tôi chỉ chọn lựa vài chủ đề mang tính định hướng tổng quát: những khuôn mẫu của đời tu trì Kitô giáo; vài sắc thái đặc biệt của đời tu trì Kitô giáo tại Việt Nam; những lối tu trì bên ngoài các Dòng.

1. Những “khuôn mẫu” của đời tu trì Kitô giáo trong lịch sử

– Trước hết, linh mục Giancarlo Rocca, SSP trình bày Những khuôn mẫu Kinh Thánh về đời tu trong ngàn năm thứ nhất. Ý nghĩa đời tu (nói chính xác hơn: đời đan tu) được giải thích qua năm khuôn mẫu rút từ Kinh thánh: tử đạo; phép rửa thứ hai; đời sống thiên thần; đời ngôn sứ; đời tông đồ. Những khuôn mẫu này còn được lặp lại thường xuyên ở các thế hệ kế tiếp. 

– Trải qua lịch sử, nhiều hình thức tu trì đã xuất hiện. Phải chăng đây chỉ là kết quả của sự tiến hóa, hay còn hàm chứa một ý nghĩa thần học? Linh mục Carlos Aspiroz Costa, nguyên Tổng quyền Dòng Đa Minh, trong bài viết Thần học về các hình thức lịch sử của đời thánh hiến, tìm cách vạch ra những điểm nhấn khác nhau trong quan niệm về Thiên Chúa, về tương quan với thế giới và nhân loại đàng sau 6 hình thức chính: đan tu, hành khất, giáo sĩ, phục vụ, chiêm niệm đường phố, tận hiến vì thế giới. 

2. Những nét đặc trưng của đời tu trì Kitô ở Việt Nam, với hai bài

– Về phía nam giới, linh mục Phan Tấn Thành phân tích Nguồn gốc đời tu trì Kitô giáo dưới hình thức các thầy giảng do các cha Dòng Tên khởi xướng. Từ hàng ngũ các thầy giảng, các vị Đại diện Tông toà đã tuyển chọn những linh mục người Việt đầu tiên. Dòng Đa Minh đã kiện toàn hai thể chế “thầy giảng” và “giáo sĩ” trong tổ chức “Nhà Đức Chúa Trời” tại các địa phận Đông Đàng Ngoài.

– Về phía nữ giới, đặc trưng của đời tu trì ở Việt Nam được biểu hiện nơi Dòng Mến Thánh Giá, do đức cha Lambert de la Motte thành lập. Nữ tu Anna Hồ Thị Quyết giới thiệu nguồn gốc và sự tiến triển của Dòng trong hơn ba thế kỷ vừa qua, cách riêng từ sau cuộc cải tổ theo chỉ thị của công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội năm 1934.

3. Bộ Giáo luật hiện hành chấp nhận hai lối sống tu trì bên ngoài các hội dòng, đó là: các ẩn sĩ và trinh nữ tận hiến. 

– Bộ Giáo luật 1983 đã phục hồi một hình thức tu trì cổ điển là Đời sống ẩn sĩ. Họ không phải là thành phần của một dòng tu nào hết. Sau khi đã trình bày sơ lược lịch sử của hình thức ẩn tu trong Giáo hội, chúng tôi trích dịch một quy luật do tổng giáo phận Tarragona (Tây Ban Nha) soạn thảo để hướng dẫn những người nhận được ơn gọi này.

– Một cách tương tự như vậy, các Trinh nữ tận hiến là một hình thức tận hiến đã xuất hiện từ các thế kỷ đầu của Kitô giáo và được bộ giáo luật 1983 khôi phục. Tiếc rằng Bộ luật tổng quát chỉ dành một điều ngắn gọn cho nếp sống này (đ. 604). Vì thế tài liệu của Hội đồng giám mục Italia được xuất bản vào tháng 3 năm 2014 thật là hữu ích, nhằm giúp cho các giám mục hướng dẫn những ai muốn sống lại ơn gọi cổ kính này, từ những chặng phân định ban đầu cho đến những chặng huấn luyện trước và sau việc thánh hiến. 

4. Số báo được bổ túc với hai bài mang tính thời sự: đối thoại liên tôn và đối thoại với văn hóa thời đại.

– Linh mục Gioan Phê Ny Ngân Giang, Dòng Đa Minh trình bày vài nét về Đời tu Phật giáo nguyên thuỷ. Đời tu Kitô giáo đã tiến triển rất nhiều trải qua dòng lịch sử. Điều tương tự cũng xảy ra bên Phật giáo. Chúng ta đã có dịp nhìn lại những động lực nguyên thuỷ của đời sống tu trì Kitô giáo; việc tìm hiểu động lực của Phật giáo nguyên thuỷ cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ. 

– Với đề tài Tu là một chọn lựa tự do, tu là cõi phúc dành cho ai dám chết, Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga, C.N.D., đọc lại ý nghĩa đời tu dựa trên một khát vọng của con người thời đại: “tự do”, được giải thích theo bối cảnh lịch sử cứu độ và tư tưởng của thánh Augustinô. 

5. Cuối cùng, Phần phụ lục gồm có: giải thích ý nghĩa Logo Năm Thánh (hình bìa 1) và giới thiệu một số sách về Đời sống tâm linh và tu trì do anh em Đa Minh phát hành.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

-----------
[1] Những số cũ hơn: Số 8 (tháng 6/1997) “Thần học về đời sống thánh hiến”; Số 33 (tháng 9/2003) “Ba lời khuyên Phúc Âm”.

NỘI DUNG___________
  1. LỜI GIỚI THIỆU
  2. NHỮNG KHUÔN MẪU CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG NGÀN NĂM THỨ NHẤT__Giancarlo Rocca
  3. THẦN HỌC VỀ CÁC HÌNH THÁI LỊCH SỬ CỦA ĐỜI THÁNH HIẾN__Carlos Alfonso Azpiroz Costa
  4. NGUỒN GỐC ĐỜI TU TRÌ KITÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM__Phan Tấn Thành
  5. DÒNG MẾN THÁNH GIÁ : ĐÔI NÉT VỀ NGUỒN GỐC VÀ PHÁT TRIỂN__Hồ Thị Quyết
  6. ĐỜI SỐNG ẨN SĨ : VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ, QUY CHẾ DÀNH CHO CÁC ẨN SĨ CỦA GIÁO PHẬN TARRAGONA, TÂY BAN NHA__Bình Hoà
  7. CÁC TRINH NỮ TẬN HIẾN__Uỷ Ban Giáo sĩ vàTu sĩ, HĐGM Italia
  8. ĐỜI TU PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ : CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT__Phê Ny Ngân Giang
  9. TU LÀ MỘT CHỌN LỰA TỰ DO, TU LÀ CÕI PHÚC DÀNH CHO AI DÁM CHẾT__Maria Lê Thị Thanh Nga
  10. Ý NGHĨA LOGO NĂM THÁNH
  11. MỘT SỐ SÁCH VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH (xem bên dưới)

MỘT SỐ SÁCH VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH VÀ TU TRÌ (Tr. 219)______

Phan Tấn Thành biên soạn

Đời sống tâm linh (12 tập - còn tiếp)
Tập 1-Dẫn nhập các khoa học tôn giáo; 
Tập 2-Những đường hướng linh đạo nổi bật trong Kitô giáo; 
Tập 3-Thần học về Đời sống Tâm linh Kitô giáo; 
Tập 4-Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo; 
Tập 5-Truyền thống tâm linh trong các Giáo hội Đông phương; 
Tập 6-Những hình thức tu trì Kitô giáo; 
Tập 7-Cầu nguyện Kitô giáo: Lịch sử và thần học; 
Tập 8-Nhân sinh quan Kitô giáo; 
Tập 9-Bí tích tình yêu; 
Tập 10-Cử hành Bí tích tình yêu; 
Tập 11-Thần học đức tin; 
Tập 12-Các nhân đức Kitô giáo (Ấn hành tháng 10/2014).

Giải thích giáo luật (5 tập)
Tập 3-Hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ.

Anh em Đa Minh biên tập, chuyển ngữ và ấn hành

Theo Chúa Kitô (2 tập)
Tập 1-Các Văn kiện đời tu: Từ công đồng Vatican II đến Tông huấn Vita Consercrata (1996); 
Tập 2-Các Văn kiện đời tu: Các bài giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, Các huấn thị của Bộ tu sĩ, Phụ lục học tập Vita Consercrata và hướng dẫn giáo luật về đời sống thánh hiến.

Đỗ Ngọc Bảo (+2011) chuyển ngữ (sẽ tái bản 2015)

Đời tu (5 tập)José Cristo Rey Garcia Paredes, cmf
Tập 1-Đời tu xưa và nay; 
Tập 2-Ơn gọi và đặc sủng; 
Tập 3-Sứ vụ; 
Tập 4-Hiệp thông và cộng đoàn; 
Tập 5-Lời Khuyên Phúc Âm

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

SỐNG ĐỘC THÂN - KHIẾT TỊNH VÌ NƯỚC TRỜI

(Thời sự Thần học – Số 33 – Tháng 9/2003, tr. 75-104)

Chuyển dịch từ CELIBACY VIRGINITY FOR THE KINGDOM OF GOD của José Cristo Rey García Paredes. cmf


I. SỰ ĐỘC THÂN - KHIẾT TỊNH CỦA ĐỨC GIÊSU, VÀ MẸ MARIA

Nền tảng Thần học – Thánh kinh

Nền tảng của sự khiết tịnh vì Nước Trời là chính Đức Giêsu làm trung tâm, là nền tảng của Kitô học, thánh mẫu học và cánh chung học.


1. Noi gương Đức Giêsu Kitô

Phải nói rằng, nếu chúng ta đón nhận đời khiết tịnh cách nồng nàn và âu yếm như một lối sống vĩnh viễn, thì cùng với lòng ao ước noi gương Đức Giêsu Kitô, chúng ta còn chấp nhận lời đề nghị của Người nữa. Do đó chúng ta sẽ cố gắng đi sâu vào mầu nhiệm khiết tịnh đồng trinh của Người. Nếu căn tính của đời khiết tịnh Kitô hữu được biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô thì chúng ta nhất thiết phải nhìn nhận Đức Giêsu như là khởi điểm.



Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

ĐỨC KHÓ NGHÈO VÌ NƯỚC TRỜI

POVERTY FOR THE KINGDOM 

Tác giả: José Cristo Rey García Paredes. cmf, 

Chuyển ngữ : Hoàng Thụy

I. Nghèo như Đức Giêsu, Đức Maria và các Tông đồ
Nền Tảng Thần Học Kinh Thánh về Đức Khó Nghèo
Đức khó nghèo của chúng ta dựa trên nền tảng bao gồm ba yếu tố: đức khó nghèo của Chúa Giêsu, Đấng công bố Tin mừng Nước Trời, đức khó nghèo của Đức Maria, người nghèo nhất trong số những người nghèo của Giavê, và sau cùng, đức khó nghèo của các tông đồ.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

VÂNG PHỤC VÌ NƯỚC TRỜI

Thời sự Thần học – Số 33 – Tháng 9/2003, tr. 6-30

José Cristo Rey García Parades, CMF


I - NỀN TẢNG KINH THÁNH CỦA SỰ VÂNG PHỤC


Sự vâng phục trong bậc tu trì và theo ý nghĩa Tin mừng của chúng ta cần phải được trình bày trong mối tương quan trường cửu với thánh ý của Chúa Cha.

1. Vâng phục là lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa


1.1. Vâng phục là “mở tai ra”

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 33, THÁNG 9/2003

CHỦ ĐỀ : BA LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

LỜI NGỎ 


Tháng 7 và 8 được xem là mùa “sinh hoa kết trái” – Mùa Khấn hứa- trong các Dòng tu. Phần lớn các Dòng tu – nam cũng như nữ - đã chọn thời điểm này, một thời điểm phụng vụ mừng kính nhiều Thánh Tổ phụ sáng lập Dòng (Alphongsô, Đa Minh...) để tổ chức lễ lãnh tu phục, khấn cho các thành viên của mình. Hơn nữa, cũng trong thời điểm này nhiều cuộc tĩnh tâm năm của các Dòng hay của Giáo phận được tổ chức. Quả là một thời điểm thích hợp và thuận tiện để cùng suy tư về Thần học đời tu như Dấu chỉ Nước Trời, qua việc bước theo chân Đức Kitô, Đấng đã sống trọn vẹn ba lời khuyên Phúc âm: Vâng Phục, Thanh bần và Độc thân Khiết tịnh.

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

CÁC VĂN KIỆN VỀ ĐỜI TU 1965-1996

Thời sự Thần học – Số 8, tháng 6/1997, tr. 49-79

Lê Hoan


Xin giới thiệu những văn kiện quan trọng của Giáo hội bàn về đời tu trì, kể từ công đồng Vaticano II cho tới thượng hội đồng giám mục thế giới khóa IX năm 1994, với những kết luận được trình bày trong tông huấn “Vita Consecrata” (25/3/1996).

Cộng đồng Vaticano II đã đánh dấu mốc quan trọng cho việc canh tân Giáo hội vào hầu bàn thế kỷ XX, một cuộc canh tân bằng cách trở vừa trở về nguồn vừa lưu ý tới những yêu sách của thời đại. Đời tu trì cũng nằm trong luồng canh tân của toàn thể Giáo hội. Tựa đề của sắc lệnh của công đồng về các dòng tu rất có ý nghĩa: “de accommodata renovatione vitae religiosae”: canh tân và thích nghi. Canh tân bằng việc trở về nguồn gốc của đời tu (sequela Christi: đi theo Đức Kitô) và của mỗi hội dòng (ý định của vị sáng lập), đồng thời thích nghi với hoàn cảnh hiện đại.

Thực ra công đồng chỉ mới vạch ra những hướng đi chứ chưa thể nào đạt tới đích điểm! Việc canh tân còn phải được tiếp tục không ngừng, bởi vì không những các hoàn cảnh lịch sử xã hội không ngừng biến chuyển nhưng nhất là vì cuộc canh tân nội tại (nhắm đạt tới đức ái trọn hảo) không bao giờ chấm dứt. Thiết tưởng đó là lý do ra đời cử những văn kiện hậu cộng đồng: chúng có thể được coi như là những chỉ dẫn cho việc canh tân đời tu dưới nhiều phương diện: tinh thần, pháp chế, chiều kích chiêm niệm và hiệp thông huynh đệ cũng như chiều kích truyền giáo phục vụ. Dù sao, việc sưu tầm các văn kiện không phải chỉ nhằm cho thấy quan điểm của Giáo hội về đời tu trì nhưng còn nhằm để giúp cho các tu sĩ đào sâu ơn gọi của mình. Thực vậy, từ công đồng Vaticano II, các văn kiện được soạn thảo với giọng văn mang tính chất thần học tu đức mục vụ, kể cả trong các văn kiện pháp lý (tựa như bộ giáo luật). Các tu sĩ có thể tìm thấy nơi đây chất lượng cho những bài suy niệm, những khoa tĩnh tâm bồi dưỡng.

Để có một cái nhìn boa quát hơn, chúng tôi xin lượt qua các văn kiện liên quan đến đời tu cho dù không được trích dịch trong tập này (được đánh dấu hoa thị * ở đầu).

I. Công đồng Vaticano II.

Văn kiện căn bản về đời tu là sắc lệnh “Đức ái trọn hảo” (Perfectae caritatis: 28/10/1965). Tuy nhiên, về mặt thần học, không thể nào bỏ qua hiến chế tín lý về Giáo hội “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium: 21/11/1964): ở chương Sáu, công đồng cho thấy vị trí của đời tu trong mầu nhiệm Hội thánh. Các tu sĩ không thuộc về cơ chế phẩm trật của Giáo hội (chương Ba) nhưng được xếp vào bản chất thánh thiện (chương Năm) và cánh chung (chương Bảy) của Giáo hội.

Ngoài ra, công đồng còn đề cập tới các tu sĩ trong các văn kiện khác mà chúng tôi chỉ quy chiếu chứ không trích dẫn trong tập này. 

- Sắc lệnh về các Giám mục (Christus Dominus: 28/11/1965) đã giành các số 33-35 cho vấn đề hoạt động mục vụ của các tu sĩ trong giáo phận. Công đồng đã đặt ra những quy tắc cho mối liên hệ giữa Giám mục và tu sĩ. Những quy tắc này sẽ được khia triển trong văn kiện “Mutuae ralationes” (1978), làm nên tảng cho các điều 678-683 của bộ giáo luật 1983.

- Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo (Ad gentes: 7/12/1965) nói tới các tu sĩ ở các số: 15 (vai trò bất khả thay thế); 18-19 (phát huy đời tu trì ở các xứ truyền giáo); 20 (lòng nhiệt thành của các tu sĩ); 27 (các tu hội truyền giáo); 40 (nhiệm vụ truyền giáo của các tu sĩ). Tưởng cũng nên biết là các văn kiện hậu cộng đồng về truyền giáo đều nhắc đến các tu sĩ: “tông huấn “Loan báo Phúc âm” (Evangelii nuntiandi: 8/12/1975), số 79; * thông điệp “Sứ vụ Chúa Cứu chuộc” (Redemptoris missio: 7/12/1990) số 69-70.

* Các tu sĩ còn được công đồng nói tới trong những văn kiện sau đây:

- Hiến chế tín lý về Mặc khải, số 25.
- Hiến chế về phụng vụ, số 15-18; 55; 57; 80; 95; 98; 99; 101; 111; 115.
- Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hiện đại, số 38; 43.
- Sắc lệnh về tác vụ linh mục, số 6; 8-9.
- Sắc lệnh về đào tạo linh mục, số 2; 19.
- Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, số 21; 23; 25-26.
- Sắc lệnh về các Giáo hội đông phương, số 6; 22.
- Sắc lệnh về công cuộc đại kết, số 6; 10; 15.
- Sắc lệnh về truyền thông xã hội, số 15; 20.
- Tuyên ngôn về giáo dục, số 10.

Như vậy, trong 16 văn kiện của công đồng, chỉ có hau văn kiện không nói đến các tu sĩ, đó là: Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra aetate); Tuyên ngôn về tự do tôn giáo (Dignitatis humanae).

II. Đức thánh cha Phaolô VI

Công trình của đức Phaolô VI (1963-1978) là thực thi các quyết nghị của công đồng. Những văn kiện được ban hành thuộc nhiều lãnh vực khác nhau.

1) Pháp lý. Nhiều tự sắc (Motu proprio) đã được ký với giá trị nhất thời, nghĩa là cho đến khi có bộ giáo luật mới. Chúng liên can tới nhiều vấn đề: duyệt lại hiến pháp, quyền hạn của các bề trên, tương quan với Giám mục, v.v… Một văn kiện thường được nhắc đến hơn cả là * tự sắc “Eccleslae Sanctae” (6/8/1966). Từ khi ban hành bộ giáo luật (1983), những văn kiện này không còn giá trị nữa; vì vậy chúng tôi không trích dịch trong tập này. Cũng vì lý do đó, chúng tôi cũng bỏ qua * huấn thị của Bộ tu sĩ về việc huấn luyện “Renovationis causam” (6/1/1969), bởi vì nó đã được thay thế bởi một huấn thị khác “Potissimum institutioni” (2/2/1990). * Huấn thị về đời sống chiêm niệm “Venite seorsum” (15/8/1969) không được trích trong tập này vì chỉ liên quan tới các Dòng kín.

2) Đạo lý. Văn kiện căn bản là tông huấn “Chứng tá Phúc âm” (Evangelica restificatio: 29/6/1971). Khi bắt tay vào công cuộc canh tân, nhiều tu sĩ và dòng tu đã đâm ra hoang mang do dự, không rõ đâu là những giá trị hằng cửu của đời tu và đâu là những yếu tố lỗi thời cần thay đổi. Tông huấn này, với giọng văn đối thoại thân mật, muốn giải đáp cho vấn nạn đó.

3) Phụng vụ. Bộ phụng tự đã xuất bản hai nghi thức: khấn dòng và cung hiến trinh nữ. Nghi thức này chỉ có tính cách kiểu mẫu, và mỗi Dòng sẽ dựa theo đó để soạn nghi thức riêng cho mình. Chúng tôi xin trưng dẫn các lời nguyện thánh hiến vì nội dung thần học phong phú của nó.

III. Đức thánh cha Gioan Phaolô II.

Chúng ta có thể xếp các văn kiện Tòa thánh từ năm 1978 thành nhiều loại.

1) Ba văn kiện sau đây mang tính cách đạo lý tổng hợp:

- Tông huấn “Hồng ân cứu độ” (Redemptionis donum: 25/3/1984) viết nhân dịp Năm thánh kỷ niệm hồng ân Chúa Cứu thế (1983-1984). Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ hãy ý thức cách thức đặc biệt mà họ tham gia vào mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô nhờ việc thánh hiến tu trì.

- Thư gửi các người tận hiến nhân dịp Năm Thánh mẫu (22/5/1988) cũng mang hình thức suy niệm với đức Maria về ý nghĩa đời tu trì dựa theo ba tư tưởng: ơn gọi, thánh hiến, hoạt động tông đồ.

- Tông thư sau thượng hội đồng giám mục thế giới bàn về đời thánh hiến họp tại Rôma năm 1994 (Vita consecrata: 25/3/1996).

2) Pháp chế về đời tu được quy định trong hai bộ Giáo luật:

a/ của Giáo hội latinh (Codex iuris canonici: 25/1/1983), ở các điều 573-746;

b/ của các Giáo hội đông phương (Codex canonum Ecclesiarum Orientalium: 18/10/1990), ở các điều 410-572.

Một điểm khác biệt nổi bật giữa hai bộ luật là bên Đông phương hình thức tu trì cố cựu và phổ thông hơn cả là nếp sống đan tu. Xc * Tông thư “Ánh sáng phương Đông” (Orientale lumen: 2/5/1995), số 9-16.

3) Những văn kiện của Bộ tu sĩ thường mang tính cách chấp hành thực tiễn; tuy vậy, khía cạnh đạo lý cũng được đào sâu dưới nhiều khía cạnh.

a/ Mang tínhn cách tổng hợp: “Những yếu tố cốt yếu của đời tu” (31/5/1983), vài tháng sau khi bộ giáo luật ra đời.

b/ Một vài vấn đề cụ thể. “Các liên hệ hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo hội” (Mutuae relationes: 14/5/1978). Văn kiện này do bộ Tu sĩ cùng soạn với bộ Giám mục. – Hai văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người” và “Chiều kích chiêm niệm của đời tu” (12/8/1980) là kết quả của các phiên họp khoáng đại của bộ Tu sĩ vào những năm 1978 và 1980. Một cách tương tự, văn kiện “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn” (Congregavit nos in unum Christi amor: 2/2/1994) là kết quả của phiên họp khoáng đại năm 1992. – Văn kiện “Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Dòng tu” (Potissimum institutioni: 2/2/1990) mang tính cách của huấn thị nhằm áp dụng những quy định của giáo luật.

Tóm lại, sau đây là danh mục những văn kiện.

I. Công đồng Vaticano II

1) Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium: 21/11/1964), chương VI.
2) Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi Dòng tu (Perfectae caritatis: 28/10/1965).

II. Đức Phaolô VI

3) Tông huấn Chứng tá Phúc âm (Evangelica Testificatio: 29/6/1971)

III. Đức Gioan Phaolô II

4) Tông huấn Hồng ân cứu độ (Redemptionis Donum: 25/3/1984).
5) Thư gửi các người tận hiến nhân dịp Năm Thánh mẫu (22/5/1988).
6) Tông huấn hậu thượng hội đồng về đời thánh hiến (Vita consecrata: 25/3/1996)
7) Bộ Giáo luật (25/11/1983) điều 573-746.

IV. Bộ Tu sĩ

* Lưu ý về tên gọi. Cho tới công đồng Vaticano II cơ quan này mang danh là Thánh bộ Tu sĩ”; sau đó đổi thành: “Thánh bộ Dòng tu và Tu hội đời”. Để phù hợp với bộ giáo luật 1983, danh xưng hiện nay là “Bộ các tu hội tận hiến và tu đoàn tông đồ”.

8) Các liên hệ hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo hội (Mutuae relationes: 14/5/1978). Văn kiện này do bộ Tu sĩ cùng soạn với bộ Giám mục.
9) Tu sĩ và sự thăng tiến con người (Optiones evangelicae: 12/8/1980).
10) Chiều kích chiêm niệm của đời tu (Dimensio contemplativa: 12/8/1980)
11) Những yếu tố cốt yếu của đời tu (Essential element: 31/5/1983)
12) Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Dòng tu (Potissimum institutioni: 2/2/1990).
13) Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn (Congregavit nos in unum Christi amor: 2/2/1994).

V. Bộ Phụng tự

14) Nghi thức khấn dòng (Ordo professionis religiosae: 2/2/1970)
15) Nghi thức thánh hiến các trinh nữ (Ordo consecrationis Virginum: 31/5/1970)

CÔNG ĐỒNG VATICANO II

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI

Chương VI

Sau khi đã trình bày mầu nhiệm và cơ chế phẩm trật của Giáo hội trong bốn chương đầu, sang đến chương Năm, công đồng bàn đến ơn gọi nên thánh của hết mọi Kitô hữu. Tất cả các tín hữu đều được gọi nên thánh, mỗi người tùy theo địa vị, bậc sống của mình (số 41). Việc nên thánh bao hàm sự thực hành đức ái, và cách riêng là thi hành các lời khuyên Phúc âm dưới một hình thức nào đó (số 42).

Chính trong bối cảnh đó mà công đồng bàn về các tu sĩ trong chương Sáu. Các tu sĩ không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội song gắn liền với sự thánh thiện của Giáo hội.

Tuy tuặ đề của chương Sáu là “Các tu sĩ” (De Religiosis), nhưng cần phải hiểu danh từ này theo một nghĩa thần học hơn là pháp lý, bao hàm tất cả những ai tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm với lời khấn hay “dây ràng buộc thánh khác” (pervota aut alia sacra ligamina: số 44). Bố cục của chương Sáu như sau:

- Số 43. Hàng ngũ những lời tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm trong Giáo hội.

- Số 44. Bản chất thần học của đời tu trì: dâng mình cho Chúa để phụng sự Ngài và đồng thời phục vụ sứ mạng của Giáo hội. Vai trò “dấu chỉ và chứng tá” của đời tu trong Giáo hội: họ nhắc nhở chiều kích cánh chung, họ làm sống lại lối sống tại thế của Đức Kitô, họ nêu cao giá trị siêu việt của Nước Chúa, họ bày tỏ quyền năng của Thánh Thần tác động trong Giáo hội.

- Số 45. Mối liên hệ giữa hàng giáo phẩm và hàng ngũ tu trì. Giáo hội nhìn nhận và phê chuẩn các bản Lề luật của các Dòng. Giáo hội đứng ra chấp nhận lời khấn của các tu sĩ và dâng hiến họ cho Thiên Chúa.

- Số 46. Gía trị cao quý của bậc tu trì. Họ kéo dài sự hiện diện của đức Kitô giữa lòng nhân loại: họ thăng tiến các giá trị nhân bản và góp tay vào việc kiến thiết một xã hội nhân đạo hơn.

- Số 47. Khuyến khích các tu sĩ hãy bền đỗ trong ơn gọi.

SẮC LỆNH VỀ CANH TÂN VÀ THÍCH NGHI ĐỜI TU

Văn kiện gồm có 15 số, không có phân chương mục. Dựa theo nội dung, chúng ta có thể mô tả thứ tự như sau. Ngoài lời mở đầu và kết luận, sắc lệnh bàn đến việc canh tân dưới 5 khía cạnh; những nguyên tắc canh tân; canh tân nội tâm; canh tân tùy theo mỗi hình thức tu trì, cnah tân các yếu tố cốt yếu: canh tân vài điểm cụ thể.

Mở đầu (1). Ý nghĩa và giá trị của đời tu trì trong Giáo hội.

I. Những nguyên tắc hướng dẫn việc canh tân.

A. Năm nguyên tắc lý thuyết (2): + đi theo Đức Kitô; + Ý định của vị sáng lập; + đời sống Giáo hội hôm nay; + hoàn cảnh thế giới hiện đại; + canh tân đời sống thiêng liêng của mỗi người.

B. Ba lãnh vực cần phải canh tân thích nghi (3): + lối sinh sống, cầu nguyện, hoạt động; + cách thức quản trị; + hiến pháp và quy luật.

C. Những ai có trách nhiệm canh tân thích nghi (4); + tất cả mọi phần tử; + các Bề trên và Tu nghị.

II. Việc canh tân cá nhân

A. Những yếu tố chung cho hết mọi hình thức tu trì (5): + tận hiến cho Thiên Chúa; + phục vụ Giáo hội; + thông dự vào mầu nhiệm Vượt qua; + lấy đức Kitô làm trung tâm cuộc đời; + vừa chiêm niệm vừa hoạt động.

B. Những nguồn mạch của đời sống thiêng liêng (6): + vun trồng lòng mến; + cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa; cử hành phụng vụ

III. Việc canh tân tùy theo mỗi hình thức tu trì

A. Các Dòng thuần túy chiêm niệm (7)

B. Các Dòng làm việc tông đồ (8)

C. Các Dòng đan tu, kinh sĩ, hành khất (9).

D. Các Dòng không làm giáo sĩ (10).

E. Các tu hội đời (11)

IV. Canh tân những yếu tố cốt yếu 

A. Khiết tịnh (12)

B. Khó nghèo (13)

C. Vâng lừoi (14)

D. Sống chung (15)

V. Chín điểm cụ thể

A. Nội vi Dòng kín (16)

B. Tu phục (17)

C. Huấn luyện các phần tử (18)

D. Việc thành lập tu hội mới (19)

E. Việc duy trì, đổi mới và từ bỏ vài công tác (20)

F. Các dòng và đan viện đang kiệt quệ (21)

G. Liên hiệp giữa các Dòng và đan viện (22)

H. Hiệp hội các bề trên cao cấp (23) – I. Cổ đông ơn gọi (24)

Sau khi công đồng bế mạc, đức Phaolô VI đã ban hành tự sắc “Ecclesiae santae” (6/8/1966) nhằm thực thi sắc lệnh về việc canh tân Dòng tu (chẳng hạn như: tổng hội anh tân và duyệt xét hiến pháp; việc đọc kinh thần vụ; tâm nguyện; việc khổ chế; khó nghèo; đời sống nội bộ; nội vi; huấn luyện các phần tử; liên hiệp và bãi bõ các Dòng; hiệp hội các bề trên cao cấp). Những quy luật này chỉ có tính cách tạm thời và chuyển tiếp cho đến khi ban hành bộ giáo luật mới. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định thực tiễn có tính cách tạm thời, các văn kiện của công đồng Vaticano II còn chứa đựng những đạo lý vượt lên khoảng cách thời gian, và luôn được trích dẫn trong các văn kiện hậu công đồng.

TÔNG HUẤN CHỨNG TÁ PHÚC ÂM (Evangelica testificatio)

Văn kiện mang giọng điệu nói chuyện thân mật cha con. Đức Phaolô VI ôn lại giáo huấn của Vaticano II về đời tu và quảng diễn vài khía cạnh mà thời thế đặt lên, thí dụ trong việc sống khó nghèo hay đời sống cộng đoàn. Tông thư trình bày những giá trị thần học của đời tận hiến nhìn dưới ánh sáng của Tin mừng; những quy tắc pháp lý hầu như hoàn toàn vắng bóng. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới việc củng cố con người nội tâm, nguyên lý hợp nhất toàn thể cuộc sống (x. số 31-34; 43-45).

Bố cục gồm có bốn phần, ngoài nhập đề và kết luận.

Nhập đề

Chứng tá Phúc âm giữa Dân Chúa (1-6)

I. Những hình thức của đời tu trì: chiêm niệm; hoạt động tông đồ. Tất cả đều đòi hỏi phải kết hợp với Chúa (7-12).

II. Những cam kết chính yếu: ba lời khấn khiết tịnh (13-15), khó nghèo (16-22), vâng phục (23-29).

III. Lối sống: chứng tá về đời sống nội tâm (30-38) và huynh đệ (39-41).

IV. Việc canh tân và tăng trưởng thiêng liêng: cầu nguyện, thinh lặng, thông dự bí tích và tham gia vào sứ mạng Giáo hội (42-50)

Lời nhắn nhủ cuối cùng (51-56).

CÁC LIÊN HỆ HỖ TƯƠNG GIỮA GIÁM MỤC VÀ TU SĨ TRONG GIÁO HỘI (Mutuse relationes: 14/5/1978).

Văn kiện nàykhông phải là một “huấn thị” (instruction) theo nghĩa pháp lý, nhưng chỉ đề ra những chỉ dẫn (directives) cho các Giám mục và tu sĩ trong các mối liên hệ hỗ tương. Từ sau công đồng Vaticanô II, các tu sĩ nam nữ càng tham gia vào các công tác mục vụ tại giáo xứ hay giáo phận. Nhưng khó khăn không thể nào tránh được. Một đàng các giám mục muốn các Dòng hoạt động trong giáo phận phải tuân theo một kế hoạch mục vụ chung cho toàn giáo phận, với nguy cơ là không đếm xỉa tới những đặc sủng khác biệt của các Dòng tu. Đối lại, các Dòng tu muốn bảo vệ đặc sủng của mình kể cả trong lãnh vực hoạt động tông đồ với nguy cơ là không cần biết gì những kế hoạch mục vụ của Giáo hội địa phương. Làm sao dung hòa được cả hai yêu sách vừa nói? Văn kiện này muốn đưa ra những hướng dẫn về lý thuyết (phần I) cũng như về thực hành (phần II). Trong phần thứ nhất chúng ta đọc thấy những tư tưởng thần học quan trọng, tựa như: Giáo hội địa phương (18), sứ vụ của Giám mục (6-7), sự thông hiệp Giáo hội (2; 5), đặc sủng các Dòng tu (11-12; 51), sứ vụ của các về trên (13). Phần thứ hai đưa ra những hướng dẫn trong ba phạm vi: huấn luyện, hoạt động, phối hợp.

Nhập đề kể lại nguồn gốc lai lịch của văn kiện, được thành hình sau hơn hai năm tham khảo, với sự đóng góp của Bộ Giám mục và hiệp hội các Bề trên. 

Phần thứ nhất. Vài yếu tố đạo lý.

Chương 1. Giáo hội với tư cách là dân “mới” (1-4)

Chương 2. Thừa tác vụ của các Giám mục trong sự thông hiệp hữu cơ của Giáo hội (5-9)

Chương 3. Đời tu trì trong sự thông hiệp Giáo hội (10-14)

Chương 4. Các Giám mục và các tu sĩ quan tâm tới sự mệnh duy nhất của Dân Thiên Chúa (15-23)

Phần thứ hai. Những chỉ dẫn và quy tắc (24-67)

Chương 5. Một vài thỉnh nguyện liên quan đến khía cạnh huấn luyện (24-35).

Chương 6. Dấn thân và trách nhiệm trong môi trường hoạt động (36-51)

Chương 7. Tầm quan trọng của một sự phối hiệp thích đáng (52-67)

Kết luận

Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người” và “Chiều kích chiêm niệm của đời tu”.

Hai văn kiện này được phát hành vào cùng ngày (12/8/1980), tùy thời gian soạn thảo xa nhau hai năm.

Văn kiện thứ nhất là kết quả của phiên họp khoáng đại của Bộ tu sĩ (25-28/4/1978), còn văn kiện thứ hai là đề tài của phiên họp năm 1980 (4-7 tháng 4) Đức Gioan Phaolô II đã muốn xuất bản cả hai văn kiện cùng một ngày để làm nổi bật sự bổ xung hỗ tương của chúng một đàng người tu sĩ cần phải dẫn thân phục vụ “con người” trong những điều kiện nhân sinh cụ thể gắn với môi trường xã hội chính trị; đàng khác, nếu muốn trung thành với sứ mạng của mình người tu sĩ cần phải gắn chặt vào cội gốc của đời mình là Thiên Chúa nhờ khả năng chiêm niệm.

I. Tu sĩ và sự thăng tiến con người

Văn kiện dựa trên quan điểm của công đồng Vaticano II về sứ mạng của Giáo hội đối với con người (MV) cũng như của Thượng hội đồng Giám mục 1971 về công bằng xã hội, và những thông điệp “Populorum progressio” (1967). “Redemptor Hominis” (1979). Các tu sĩ là những người tiên phong tham gia vào sứ mạng đó. Văn kiện muốn khuyến khích họ trong cuộc dấn thân phục vụ và đồng thời đề ra những tiêu chuẩn để phân định, ngõ hầu họ ý thức rõ rệt hơn về ý nghĩa của việc dấn thân: họ là những người truyền bá Tin mừng của đức Kitô chứ không phải là những nhà cách mạng chính trị.

Bố cục gồm có ba phần (35 số)

A. Phần thứ nhất (1-12) trình bày bốn vấn đề đã được nêu lên lại phiên họp khoáng đại

1/ Việc lựa chọn đứng về phía người nghèo và công lý

2/ Những hoạt động và công cuộc xã hội của các tu sĩ

3/ Hội nhập vào thế giới thợ thuyền

4/ Dấn thân vào các cơ cấu chính trị

B. Phần thứ hai (13-31) đưa ra bốn tiêu chuẩn phân định * trung thành với

1/ con người và thời đại

2/ Đức Kitô và Phúc âm

3/ Giáo hội

4/ Đời tu và hội dòng

(BỐN TIÊU CHUẨN NÀY ĐƯỢC LẶP LẠI Ở HL 18; TH 110).

C. Phần thứ ba (32-35) rút ra những hệ luận cho việc huấn luyện

II. Chiều kích chiêm niệm của đời tu

Ngay từ nhập đề, văn kiện cho biết lý do và hoàn cảnh soạn thảo

Bố cục gồm có ba phần (30 số)

A. Phần thứ nhất phác họa chiều kích chiêm niệm (1-3). Điều đáng lưu ý là định nghĩa về sự chiêm niệm ở số 1.

B. Phần thứ hai nói tới chiều hướng chiêm niệm dành cho các Dòng hoạt động tông đồ (4-23). Sau khi trình bày mối liên hệ chặt chẽ giữa chiêm niệm và hoạt động, văn kiện điểm qua những phương thế nuôi dưỡng việc chiêm niệm: Lời Chúa, Thánh Thể, bí tích Sám hối, việc linh hướng, Phụng vụ giờ kinh, việc tôn kính đức Maria, khổ chế. Hơn nữa, chiều kích chiêm niệm cần được vun trồng trong đời sống công đoàn và việc huấn luyện.

C. Phần thứ ba dành cho các Dòng chuyên về chiêm niệm (24-29)

BỘ GIÁO LUẬT 1983

Sau hơn 20 năm soạn thảo Bộ giáo luật (giành cho Giáo hội latinh) được ban hành ngày 25/1/1983. Tuy là một bản văn nặng nề pháp lý, nhưng bộ giáo luật này chứa đựng khá nhiều điều khoản mang tính cách đạo lý và tu đức, chẳng hạn khi mô tả bản chất của hàng ngũ đời tận hiến trong Giáo hội (đ.573-576), bản chất của ba lời khuyên Phúc âm (đ. 599-601), ý nghĩa cua quyền bính (618-619). Dưới khía cạnh kỹ thuật tổ chức, bộ giáo luật đã phân các tu hội thành ba loại: Dòng tu (Institutum religióum, với bản chất được xác định ở đ.607). Tu hội đời (Institum saeculare, x. đ. 710). Tu đoàn tông đồ (Societas vitae apostolicae, x. đ.731). Ngoài ra hình thức cổ truyền ẩn sĩ (đ.603) và trinh nữ tận hiến (đ.604) đã được khôi phục lại.

Tuy rằng bộ giáo luật bàn tới các tu sĩ rải rác trong bảy quyển, nhưng chúng tôi chỉ trích dịch đoạn văn chủ yếu nói về đời tu trì ở quyển thứ Hai (Dân Thiên Chúa), phần thứ ba dưới tựa đề: Các Hội Dòng tận hiến và các Tu đoàn tông đồ. Bố cục của nó gồm hai tiết.

1) Các Hội dòng tận hiến;

2) Các Tu đoàn tông đồ

Tiết I gồm có 3 thiên. Thiên thứ nhất gồm những quy tắc chung cho cả các Dòng tu lẫn các Tu hội đời; thiên thứ hai riêng cho các Dòng tu, và thiên thứ ba riêng cho các Tu hội đời.

Thiên Một gồm các điểm sau đây.

- Những yếu tố cốt yếu về thần học và giáo luật của các Hội dòng tận hiến trong Giáo hội (573-578).

- Việc thành lập, kết nạp, sát nhập, thống nhất, liên kết, liên minh, giải tán các Hội dòng (579-584).

- Việc tổ chức nội bộ của Hội dòng (585-587).

- Phân loại các Hội dòng chiếu theo tác vụ và tương quan với giáo quyền (588-595). Liên hệ với hàng giáo phẩm (590-595). Quyền bính của các bề trên (596).

- Điều kiện gia nhập (597). Nội dung của ba lời khuyên Phúc âm (khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời) và đời sống huynh đệ (598-602).

- Hình thức tận hiến qua đời ẩn tu (603) và trinh nữ (604); những hình thức mới (605).

Thiên Hai bàn về Dòng tu, dài hơn cả (gồm 103 điều). Sau khi đã trình bày những yếu tố thần học và pháp lý về các Dòng tu (607), thiên này được chia thành 8 chương.

1) Các nhà Dòng: việc thành lập và giải tán.

2) Việc cai trị trong Dòng: các bề trên, hội đồng cố vấn và Đại hội, kèm theo việc quản trị tài sản.

3) Việc thu nhận tuyển sinh và huấn luyện các phần tử (từ khi gia nhập, trải qua năm tập các giai đoạn khấn tạm cho đến khi khấn vĩnh viễn).

4) Các nghĩa vụ và quyền lợi của các Dòng và của các phần tử

5) Hoạt động tông đồ của các Dòng

6) Các phần tử rời bỏ Dòng 

7) Các tu sĩ được thăng chức Giám mục.

8) Các Hội nghị bề trên cao cấp.

Thiên Ba, về các Tu nói đời, gồm 21 điều (710-714), điều kiện sinh sống (715-716), việc cai trị nội bộ và quản trị tài sản (717-718), đời sống thiêng liêng của các phần tử (719); việc thu nhận và huấn luyện các phần tử (720-725); việc lìa bỏ tu hội (726-730).

Tiết II, về các Tu đoàn tông đồ, bàn đến bản chất pháp lý (731) sự thành lập phê chuẩn và giải tán các tu đoàn (732) và các nhà (733), việc quản trị (734); việc thu nhận và huấn luyện các phần tử, cũng như những nghĩa vụ và quyền lợi của họ (735-741); việc lìa bỏ tu đoàn (742-746).

NHỮNG YẾU TỐ CỐT YẾU CỦA ĐỜI TU

Văn kiện này ra đời bốn tháng sau khi ban hành bộ giáo luật (31/5/1983). Thực ra, lai lịch của nó lúc đầu rất hạn chế. Vào năm 1983, Đức Thánh Cha cử một Ủy ban giám mục Hoa kỳ để thanh tra về tình hình các Dòng tu tại quốc gia nay. Nhằm cung cấp tài liệu làm việc cho Ủy ban ngài đã yêu cầu bộ Tu sĩ soạn thảo một văn bản tóm tắt những giáo huấn của Giáo hội về các Dòng chuyên về hoạt động tông đồ. Tuy ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử riêng biệt như vậy nhưng văn kiện này chứa đựng một nội dung áp dụng được cho các Dòng tu tại những nơi khác trên thế giới nữa.

Sau nhập đề giới thiệu nội dung, văn kiện được chia thành ba phần

I. Phần thứ nhất trình bày bản chất thần học của đời tu trì (5-12). Đây là lần đầu tiên trong các văn kiện của Tòa thánh mà khái niệm về “thánh hiến” (consecratio) được phân tích tỉ mỉ dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Sự thánh hiến bắt nguồn từ sáng khởi của Thiên Chúa và được con người đón nhận với giao ước tình yêu. Qua bí tích thánh tẩy, người tín hữu thông dự vào sự thánh hiến của Đức Kitô. Các tu sĩ nhận được ơn thánh hiến đặc biệt nữa để đi theo sát Đức Kitô. Ngoài ra, sự thánh hiến của các tu sĩ mang tính cách công khai trong Giáo hội, qua việc tuyên khấn trong một Dòng tu.

II. Phần thứ hai liệt kê 10 yếu tố cốt yếu của đời tu (13-53):

1/ Thánh hiến bằng những lời khấn công

2/ Hiệp thông trong cộng đoàn

3/ Sứ vụ làm tông đồ

4/ Cầu nguyện

5/ Khổ chế

6/ Chứng tá công khai

7/ Tương quan với Hội thánh

8/ Việc huấn luyện

9/ Việc quản trị

10/ Đức Maria

III. Phần thứ ba tóm lại vài quy tắc giáo luật về các Dòng tu, theo thứ tự đánh số mới (1-49), chung quanh 11 điểm:

1/ Ơn gọi và thánh hiến

2/ Cộng đoàn

3/ Chân tình

4/ Khiết tịnh

5/ Khó nghèo

6/ Vâng lời

7/ Cầu nguyện và khổ chế

8/ Việc tông đồ

9/ Chứng tá

10/ Huấn luyện

11/ Quản trị

TÔNG HUẤN “HỒNG ÂN CỨU ĐỘ” (REDEMPTIONS DONUM)

Nhân dịp Năm thánh mừng ơn cứu độ (1983-1984, kỷ niệm 1500 năm biến cố Thập giá và Phục sinh), đức Gioan Phaolô II viết một tông thư cho các tu sĩ, trình bày mối liên hệ giữa sự tận hiến tu trì và mầu nhiệm cứu chuộc. Với giọng văn của bài suy niệm, ngài mời gọi các tu sĩ hãy khám phá những chiều kích thần bí sâu xa của việc tận hiến” đó là một “giao ước tình yêu” với Chúa Cha, trong Đức Kitô, trong quyền năng của Thánh Thần (số 8). Qua giao ước đó, người tu sĩ chia sẻ với Chúa Cha và Đức Kitô mỗi ưu tư về việc cứu rỗi nhân loại và tham gia vào sứ mạng tông đồ của Giáo hội. Việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm biểu lộ việc thông dự vào mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô (số 10).

Bố cục của văn kiện khá đơn giản. Trong bảy chương (gồm cả nhận đề và kết luận) và 17 số. Đức Thánh Cha cho thấy ý nghĩa sâu xa của những yếu tố làm nên đời tận hiến. Ơn gọi (3-6). Tận hiến (7-8). Các lời khuyên Phúc âm (9-13). Lòng yêu mến Giáo hội qua việc làm chứng tá và hoạt động tông đồ (14-15).

TÔNG THƯ GỬI TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI TẬN HIẾN THUỘC CÁC DÒNG TU VÀ TU HỘI ĐỜI NHÂN DỊP NĂM THÁNH MẪU (22/5/1988)

Bức thư này là một bài suy niệm chứ không phải là một văn kiện đạo lý. Nhân dịp năm Thánh mẫu (25/3/1987), đức Gioan Phaolô II đã viết thông điệp “Redemptoris Mater” (Thân mẫu Chúa Cứu chuộc), trong đó đức Maria được giới thiệu cách đặc biệt như là kẻ đi tiên phong trong cuộc lữ hành đức tin và trở thành mẫu gương cho hết mọi thành phần của Giáo hội. Vào lúc sắp kết thúc năm Thánh mẫu, đức thánh cha gửi một bức thư dành riêng cho các người tận hiến, trong đó Ngài mời gọi họ hãy nhìn lên đức Maria như mẫu gương của việc đáp lại tiếng Chúa gọi để tham gia vào sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô.

Bài suy niệm xoay quanh ba điểm căn bản: “Cùng với Mẹ Maria chúng ta hãy suy niệm mầu nhiệm của (1) ơn gọi: (2) việc thánh hiến: (3) hoạt động tông đồ. Ba điểm đó được liên kết với ba mầu nhiệm (1) Truyền tin (2) Vượt qua. (3) Hiện xuống.

Nói đúng ra, phần lớn bức thư lặp lại tư tưởng tông huấn “Hồng ân cứu độ”, nhấn mạnh đến việc thông dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô qua việc “giấu ấn” với Người (Cl 3,3). Về vai trò của đức Maria đối với đời tận hiến, thiết tưởng thông điệp “Thân mẫu Chúa Cứu chuộc” nói rộng hơn. Ngoài ra, cũng nhân dịp năm Thánh mẫu, đức Gioan Phaolô II còn viết tông thư “Phẩm giá người phụ nữ” (Mulieris dignitaterm), trong đó mối tương quan giữa đức Maria với các nữ tu được nhắc tới ở số 46?

Ky shiệu viết tắt – TM= thông điệp “Thánh mẫu Chúa Cứu chuộc” (Redemptoris Mater: 25/3/1987)

“Cuộc đời của anh chị em đã được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3).

Anh chị em thân mến trong đức Kitô

I. NHẬP ĐỀ

Thông điệp “Thân mẫu Chúa Cứu chuộc” đã giải thích ý nghĩa của năm Thánh mẫu mà chúng ta đang sống cùng với toàn thể Giáo hội, từ lễ Hiện xuống năm ngoái cho đến lễ Mông triệu sắp tới. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đa tìm cách theo dõi giáo huấn của công đồng Vaticano II giới thiệu đức Thiên Mẫu, trong hiến chế tín lý về Giáo hội, như là kẻ “dẫn đầu” toàn thể Dân Chúa trong cuộc hành trình của đức tin, đức mến và sự kết hợp hoàn toàn với đức Kitô (x. GH 58, 63). Nhờ thế, toàn thể Giáo hội nhìn thấy nơi đức Maria “hình ảnh” trọn hảo của mình. Điều mà công đồng, dựa theo truyền thống các giáo phụ, đã khẳng định cho toàn thể Giáo hội như là cộng đoàn phổ quát của Dân Chúa, cần phải được những phần tử của cộng đoàn ấy suy niệm qua việc đối chiếu với ơn gọi riêng của mình.

Anh chị em thân mến. Trong năm Thánh mẫu này, chắc chắn nhiều người trong anh chị em đã tìm cách đổi mới ý thức về mối liên hệ giữa đức thiên mẫu với ơn gọi riêng của mình trong Giáo hội. Bức thư mà tôi gửi đến anh chị em nhân dịp năm Thánh mẫu muốn cống hiến những bài suy niệm chung quanh đề tài này, cùng với những tài liệu mà Bộ dòng tu và Tu hội đời đa soạn. Đồng thời, khi viết bức thư này tôi muốn bày tỏ tấm lòng ưu ái của Giáo hội dành cho bản thân, ơn gọi của anh chị em và sứ mạng mà anh chị em đang thực hiện giữa lòng Dân Chúa, ở nhiều nơi và bằng nhiều cách. Tất cả những điều đó là một hồng ân trọng đại Chúa ban cho Giáo hội. Và bởi vì đức Thiên mẫu, do phận được trao trong mầu nhiệm Chúa Kitô, luôn luôn hiện diện trong đời sống của Giáo hội, cho nên ơn gọi và dịch vụ của anh chị em ra như là phản ánh sự hiện diện của Mẹ. Vì thế, cần phải tự hỏi xem mối liên hệ như thế nào giữa “hình ảnh” nói trên và những người tận hiến trong các dòng, hội dòng, tu hội đang cố gắng sống dâng hiến mình cho đức Kitô.

II. CÙNG VỚI ĐỨC MARIA CHÚNG TA HÃY SUY NIỆM MẦU NHIỆM VỀ ƠN GỌI CỦA MÌNH

Vào dịp thăm viếng, bà Ysave, người chị họ của đức Maria, đã khen ngợi Người có phúc vì đã tin” “Hạnh phúc thay kẻ nào tin rằng những lời của Chúa sẽ hoàn tất” (Lc 1,45). Những lời của Chúa nói với đức Maria trong buổi truyền tin quả là khác thường. Khi chăm chú đọc bản văn của Luca, ta thấy những dòng đó chứa đựng chân lý về Thiên Chúa, rất hòa hợp với Tin mừng và với Tân ước. Trinh nữ Nadarét được dẫn vào mầu nhiệm khôn dò về chính Thiên Chúa hằng sống: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong bối cảnh đó, trinh nữ nhận được ơn gọi làm mẹ của Đấng Messia, và người đáp lại ơn gọi làm mẹ của Đấng Messia, và người đáp lại ơn gọi đó bằng lời vâng phục: “Xin hãy xảy đến nơi tôi điều mà ngài đã nói” (Lc 1,38).

Khi suy niệm biến cố Truyền tin, chúng ta cũng nghĩa tới ơn gọi của mình. Tiếng gọi của Chúa đánh dấu một khúc quặt trong mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa hằng sống. Một viễn tượng mới đã được mở ra trước mặt mỗi người, và cuộc sống kitô hữu của anh chị em nhận được một ý nghĩa mới và một chiều kích mới. Điều này có ảnh hưởng tác dụng đến tương lai, đến cuộc đời mà con người sẽ sống, đến sự lựa chọn và quyết định chín chắn của mình.

Ơn gọi luôn luôn liên can trực tiếp đến một con người nào đó. Thế nhưng, cũng như đã xảy ra tại Nadarét trong ngày Truyền tin, nó đồng thời cũng mang ý nghĩa của một sự “vén màn” mầu nhiệm Thiên Chúa. Ơn gọi – trước khi trở thành một sự kiện nội tại của con người, trước khi mang hình thù của sự lựa chọn và quyết định của con người – đã gợi lên một sự lựa chọn về phía Thiên Chúa, đi trước sự lựa chọn và quyết định về phía con người. Đức Kitô đã nói cho các tông đồ điều đó trong bài giảng từ biệt: “Không phải là các con đã chọn Thầy, nhưng là Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16).

Sự lựa chọn đó thúc giục chúng ta – theo gương trinh nữ Nadarét trong buổi truyền tin – hãy tìm gặp mình trong mầu nhiệm hằng cửu của Thiên Chúa là tình yêu. Thực vậy, khi đức Kitô chọn ta, khi Người gọi “hãy theo Thầy”, thì chính Thiên Chúa, thân phụ của đức Kitô, đã chọn ta trong Người, theo như ta đọc thấy trong thư gửi Êphêsô: “Trong đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ… đã tiền định cho ta làm nghĩa tử… để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời mà Ngài đã ban cho ta trong Thánh tử yêu dấu”. Qủa thế, “Ngài cho ta biết thiên ý nhiệm mầu, tức là kế hoạch yêu thương mà Ngài đã định từ trước trong đức Kitô” (Ep 1.4-6.9).

Những lời trên đây có tâm phổ quát, nói lên việc Thiên Chúa từ muôn thủa đã chọn hết mọi người và mỗi người trong Đức Kitô, nói lên ơn gọi dành cho các nghĩa tử của Chúa. Đồng thời những lời ấy cũng cho phép chúng ta đào sâu mầu nhiệm của mọi ơn gọi, cách riêng ơn gọi riêng của những người tận hiến. Như vậy, mỗi người trong anh chị em có thể nhận thức được thực tại thâm sâu và siêu việt mà mình đã cảm nghiệm, khi mình đi theo lời mời của đức Kitô: “hãy theo Thầy”. Lúc ấy những lời của thánh Phaolô “Cuộc đời của anh chị em đã được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3) trở thành một sự thực gần gũi và trong sáng với ta. Ơn gọi của chúng ta được giấu ẩn trong mầu nhiệm vĩnh cửu của Thiên Chúa trước khi trở thành một sự kiện ở trong nội tâm ta, một tiếng “xin vâng” của ta, một sự lựa chọn và quyết định của ta.

Cùng với đức Maria trong biến cố Truyền tin tại Nadarét, chúng ta hãy suy niệm mầu nhiệm của ơn gọi, nó trở thành “kỷ phần” của ta trong đức Kitô và trong Giáo hội.

III. CÙNG VỚI ĐỨC MARIA CHÚNG TA HÃY SUY NIỆM MẦU NHIỆM VỀ SỰ TẬN HIẾN CỦA MÌNH

Thánh Tông đồ viết: “Anh chị em đã chết, và cuộc đời của anh chị em đã được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3). Từ mầu nhiệm Truyền tin chúng ta hãy bước sang mầu nhiệm Vượt qua. Những lời của thánh Phaolô “anh chị em đã chết” gồm tóm nội dung tư tưởng của thư gửi người Rôma, khi thánh nhân trình bày ý nghĩa của bí tích tháp nhập chúng ta vào sự sống của đức Kitô: “Anh chị em không biết rằng khi được thanh tẩy trong đức Kitô Giêsu thì chúng ta được thanh tẩy trong cái chết của Người hay sao?” (Rm 6,3). Như vậy, lời trong thư Côlôssê “anh chị em đã chết” có nghĩa là “nhờ bí tích thánh tẩy, chúng ta (…) được an táng cùng với Người trong cái chết, ngõ hầu cũng như đức Kitô đã phục sinh từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng có thể sống cuộc đời mới như vậy” (Rm 6,4).

Thiên Chúa đã chọn chúng ta từ muôn thủơ trong Thánh Tử rất yêu dấu của Ngài, Đấng cứu chuộc thế giới. Ơn gọi chúng ta làm nghĩa tử trùng hợp với chân lý hằng cửu về việc “được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa”. Ơn gọi này của các Kitô hữu được thực hiện dọc theo dòng thời gian nhờ bí tích thánh tẩy an táng ta trong cái chết của đức Kitô. Trong bí tích này, việc chúng ta được ghi khắc trong tiểu sử của từng người Kitô hữu. Được thông dự cách nhiệm tích vào cái chết cứu độ của đức Kitô, chúng ta cũng được liên kết với Người trong sự phục sinh (x. Rm 6,5); chúng ta chia sẻ cuộc đời moiứ (x. Rm 6,4) tuyệt đối do đức Kitô đã khai mào trong lịch sử nhân loại nhờ sự phục sinh của Người. “Cuộc đời mới” trước tiên có nghĩa là sự giải thóat khỏi di truyền của tội lỗi, khỏi tròng nô lệ của tội lỗi (x. Rm 6,11).

Đồng thời – và trên hết – nó có nghĩa là “sự thánh hiến trong chân lý” (x. Ga 17,17), nơi bộc lộ hoàn toàn viễn ảnh của việc kết hợp với Thiên Chúa, viễn ảnh của cuộc sống trong đức Kitô. Và như vậy cuộc sống phàm nhân của ta “được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa” một cách nhiệm tích và thiết thực. Tương ứng với nhiệm tích là thực tại sống động của ơn thánh sủng, thấm nhiễm toàn thể cuộc đời chúng ta nhờ việc thông dự vào đời sống của Ba ngôi Thiên Chúa.

Những lời của thánh Phaolô, cách riêng trong thư gửi người Rôma, cho thấy rằng “cuộc đời mới”, được thông dự trước tiên nhờ bí tích thánh tẩy, gồm tóm khởi điểm của tất cả mọi thứ ơn gọi sẽ thôi thúc người Kitô hữu phải lựa chọn và quyết định trong suốt cuộc đời của mình. Thực vậy, trong hết mọi ơn gọi của người Kitô hữu đều phản chiếu một khía cạnh của việc “thánh hiến trong chân lý”, mà đức Kitô đã hoàn tất nhờ cái chết và phục sinh của Người và tóm lại trong mầu nhiệm Vượt qua: “Vì họ mà con thánh hiến mình con, ngõ hầu chính họ cũng được thánh hiến trong chân lý” (Ga 17,19).

Tiếng gọi một người nào đó hãy thánh hiến trót đời mình được đặt trong mối liên hệ đặc biệt với việc đức Kitô thánh hiến mình vì nhân loại. Nó phát sinh từ gốc rễ của bí tích thánh tẩy, gồm tóm sự thánh hiến tiên khởi và cơ bản của con người cho Thiên Chúa. Việc thánh hiến nhờ tuyên giữ ba lời khuyên phúc âm – bằng lời khấn hay lời hứa – là sự phát triển hữu cơ của việc thánh hiến khởi điểm nơi bí tích thánh tẩy. Việc tận hiến bao hàm một cuộc chọn lựa Thiên Chúa cách chín chắn cũng như một sự đáp trả ân ái với tình thương của đức Kitô. Khi trao phó bản thân cho Người hoàn toàn và không chia sẻ, chúng ta ước muốn “đi theo Người”, dốc quyết tuân giữ khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục theo tinh thần của các lời khuyên phúc âm. Chúng ta ước muốn trở nên giống như đức Kitô bao nhiêu có thể được, hòa đồng cuộc đời chúng ta hợp với tinh thần của các mối phúc của bài giảng trên núi. Nhưng nhất là chúng ta ước muốn đạt tới đức ái, để cho nó thấm nhập vào hết mọi yếu tố của đời tận hiến và liên kết chúng thành một “dây ràng buộc của sự trọn lành” (x. Cl 3,14; Gh 44; DT 1,6; GL 573 § 1; 607 § 1; 701).

Tất cả những điều vừa nói đều được gói ghém trong tiếng “chết đi” mà thánh Phaolô đã dùng, cái chết bắt đầu từ bí tích thánh tẩy. Việc chết với đức Kitô cho phép ta thông dự vào sự phục sinh với Người, giống như hạt lúa mì gieo xuống đất “chết đi” để sinh đời sống mới (x. Ga 12,24). Sự tận hiến qua các dây ràng buộc thánh xác định đời sống mới đó; điều này chỉ có thể thực hiện được dựa trên việc “giấu ẩn” tất cả những gì làm nên cuộc đời phàm nhân của chúng ta trong Đức Kitô: cuộc đời của chúng ta được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa.

Nếu dưới con mắt người đời, việc tận hiến có thể ví được như là “mất mạng sống mình”, thì đồng thời nó cũng là con đường thắng để tìm lại mạng sống mình vì Thầy thị sẽ tìm lại được nó” (Mt 10,39). Dĩ nhiên những lời ấy biểu lộ tính cách triệt để của Phúc âm, nhưng đồng thời không thể nào không nhận ra được rằng chúng cũng nói tới con người, nói tới chiều kích nhân bản đặc thù của nó. Thực vậy, đối với con người dù nam hay nữ, thử hỏi có cái gì căn bản hơn là “tìm gặp chính mình”, tìm được chính mình trong đức Kitô, bởi vì đức Kitô là “tất cả sự sung mãn” (x. Cl 1,19; 2,9)?

Những tư tưởng liên quan tới đề tài tận hiến con người qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm giữ chúng ta ở lại liên lỉ trong lãnh vực của mầu nhiệm Vượt qua. Cùng với đức Maria chúng ta hãy tìm cách thông phần vào cái chết ấy có sức mang lại “đời sống mới” trong sự phục sinh. Cái chết trên thập giá quả thực là ô nhục, và là cái chết của chính Con mình! Thế nhưng, chính ở đó, “khi mà đức Maria đã đứng gần kề dưới chân thập giá không phải là ngoài chương trình của Thiên Chúa” (x. GH 58), phải chăng Mẹ đã chẳng hiểu ra cách mới mẻ những gì đã nghe được trong ngày truyền tin đó ư? Chính ở đó, nhờ “lưỡi gươm đam thâu qua lòng bà” (x. Lc 2,35), nhờ việc “tự hủy mình trong đức tin” (x. TM 18), phải chăng đức Maria đã chẳng am tường hơn chân lý về chức làm mẹ của mình đó sao? Chính ở đó, nhờ kinh nghiệm của núi Sọ, phải chăng Người đã chấm dứt khoát tự đồng hóa với chân lý về việc cần phải “mất mạng sống mình” cách đau thương vì đức Kitô và vì Phúc âm hầu “tìm lại mạng sống” đó sao?

IV. CÙNG VỚI ĐỨC MARIA CHÚNG TA HÃY SUY NIỆM MẦU NHIỆM VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

Những biến cố của lễ Vượt qua dẫn chúng ta tới lễ Ngũ tuần, ngày mà “Thánh Thần chân lý” đến để dẫn đưa vào chân lý sung mãn (x. Ga 16,13) các thánh tông đồ và, qua dòng lịch sử nhân loại, toàn thể Giáo hội được xây trên nền tảng các tông đồ (x. GH 19).

Tại nhà tiệc ly chuẩn bị đón Thánh Thần, đức Maria mang “chức làm mẹ mới” đã trở thành “kỷ phần” của mình dưới chân thập tự. Chức làm mẹ này cần phải tồn tại nơi Ngươig, và đồng thời, từ Người như là “hình ảnh” mà được chuyển sang cho toàn thể Giáo hội, được tỏ bày ra trước thế giới trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Tất cả những người hiện diện tại nhà Tiệc ly đều ý thức rằng, kể từ khi đức Kitô trở về với Chúa Cha, cuộc đời của họ được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa. Đức Maria đã ý thức điều đó hơn ai hết.

Thiên Chúa đã đến thế gian, đã được đức Maria sinh hạ như là “con người”, ngõ hầu thỏa mãn ý định hằng cửu của Chúa Cha. Đấng đã “qua yêu thế gian” (x. Ga 3,16). Tuy nhiên, khi Ngôi lời trở thành Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta) thì Chúa Cha. Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng mặc khải rằng thế gian này “ở trong Thiên Chúa” (x. 1 Ga 3,24). Thực vậy, “ở trong Ngài chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (x. Cv 17,28). Thiên Chúa đã ôm ấp mọi vật với quyền năng tạo dựng của Ngài, quyền năng đã được mặc khải nhờ đức Kitô như là quyền năng tình thương. Cuộc nhập thể của Ngôi Lời, dấu hiệu khôn tả và bất diệt của việc Thiên Chúa “ở trong” thế gian, đã mặc khải cho thấy tính cách “siêu việt” của thế gian. Tất cả những điều ấy đa hoàn tất và kết thúc trong khung cảnh cảu mầu nhiệm Vượt qua. Sự ra đi của Người Con, “được sinh ra trước khi vũ trụ được tạo dựng” (x. Cl 1,15) đã gợi lên niềm trông mong Đấng có thể làm đầy mọi sự: quả vậy “Thánh Thần Chúa tràn đầy vũ trụ” (x. Kn 1,7).

Những người cùng với đức Maria trong nhà Tiệc ly mong đợi lễ Hiện xuống đều đã cảm nghiệm “thời mới”. Dưới cơn thổi của Thánh Thần chân lý, họ phải ra khỏi nhà tiệc ly để hợp với Thánh Thần làm chứng cho đức Kitô tử nạn và phục sinh (x. Ga 15,26-27). Vì thế họ phải tỏ bày Thiên Chúa Đấng là tình yêu ôm ấp và thâm nhập thế gian; họ phải thuyết phục mọi người rằng cùng với đức Kitô họ được kêu mời “chêt đi” trong quyền năng của cái chết của Người, để sống lại trong cuộc đời giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa.

Chính điều này làm nên cốt tủy của sứ mạng tông đồ của Giáo hội. Các thánh tông đồ, những kẻ đã ra khỏi nhà tiệc ly trong ngày lề Hiện xuống, đã trở thành nguyên ủy của Giáo hội, một Giáo hội hoàn toàn tông đồ và được đặt trong tình thế sứ vụ (= được sai đi). Trong Giáo hội này mỗi người, ngay từ khi lãnh bí tích thánh tẩy và tiếp đó là bí tích thêm sức, đã lãnh nhận ơn gọi làm tông đồ, như công đồng Vaticano II đã nhắc lại (x. TĐ 2).

Năm Thánh Mẫu đã được bắt đầu vào lễ Hiện xuống, ngõ hầu hết mọi người cùng với đức Maria cảm thấy được mời tiến vào nhà Tiệc ly, nơi khai mạc mọi nẻo đường tông đồ của Giáo hội từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong số những kẻ được mời dĩ nhiên có cả anh chị em nữa, nhưng kẻ do Thánh Thần dun dủi đã xây dựng trót cuộc đời và ơn gọi của ình trên nguyên lý của một sự tận hiến đặc biệt, một sự hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa. Lời mời tiến vào nhà Tiệc ly lễ Hiện xuống có nghĩa là anh chị em phải canh tân và đào sâu ý thức về ơn gọi của mình dựa theo hai chiều hướng sau đây. Chiều hướng thứ nhất là củng cố việc tông đồ nằm trong chính bản chất của sự tận hiến; chiều hướng thứ hai là làm sống lại những công tác tông đồ đa dạng phát sinh từ tận hiến đó trong khuân khổ của linhd đạo và mục tiêu hoặc là của các cộng đoàn và hội dòng của anh chị em hoặc là của cá nhân mỗi người.

Anh chị em hãy tìm cách để gặp gỡ đức Maria trong nhà Tiệc ly lễ Hiện xuống. Không có ai hơn Mẹ đã thấu triệt được chân lý về Thiên Chúa và về con người, về Thiên Chúa và về thế giới, được gói ghém trong những lới của thánh Phaolô: “Anh cị em đã chết, và cuộc đời của anh chị em đã được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa”. Đó là những lời gồm tóm sự nghịch lý và đồng thời cốt tủy của sứ điệp Phúc âm. Anh chị em thân mến, những người đã tận hiến cho Chúa, anh chị em có những đức tính đặc biệt để có thể mang lại sự nghịch lý và sứ điệp Phúc âm tới gần con người thời đại hôm nay. Anh chị em cũng có sứ mạng đặc biệt là nói cho hết mọi người – trong mầu nhiệm của thập giá và phục sinh – rằng tất cả thế giới và toàn thể vũ trụ “ở trong Thiên Chúa”, rằng “chúng ta sinh sống, cử động và hiện hữu” trong Ngài, rằng Thiên Chúa là tình thương ôm ấp hết mọi loài, rằng “tình thương của Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho ta” (Rm 5,5).

Đức Kitô đã “chọn anh em khỏi thế gian cần tới sự chọn lựa của anh em, cho dù lắm lần nó có vẻ thờ ơ với điều đó và không nhận ra tầm quan trọng của điều đó. Thế gian cần “anh chị em được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa”, cho dù đôi khi họ chỉ trích các hình thức lũy cấm của đan tu. Thực vậy, chính nhờ sức mạnh của việc “giấu ẩn” mà anh chị em có thể cùng với các thánh tông đồ và toàn thể Giáo hội nhận lấy cho mình sứ điệp lời nguyện tư tế của Chúa Cứu thế: “Lạy Cha, cũng như Cha đã sai con vào thế gian, đến lượt con cũng sai họ đi vào thế gian” (Ga 17,18). Anh chị em đã tham gia vào sứ vụ này, sứ vụ tông đồ của Giáo hội (x. GL 574 § 2). Anh chị em tham gia một cách riêng biệt, theo “ân điển riêng” (x. 1Cr 7,7). Mỗi một người trong anh chị em đều tham gia vào sứ vụ, và mức độ tham gia sâu đậm bao nhiêu là tùy theo cuộc sống của mình “được giấu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa” tới mức nào. Chính đây là nguồn mạch của hoạt động tông đồ của anh chị em.

Cái “hình thức” cơ bản này của việc tông đồ không thể nào bị thay đổi vội vàng, nghiêng chiều theo não trạng của thế gian (x. Rm 12,2). Tiếc thay anh chị em thường nghiệm thấy rằng thế gian yêu chuộng “cái gì thuộc về nó”. “Nếu các con thuộc về thế gian, ắt hẳn thế gian đã yêu chuộng cái thuộc về mình” (Ga 15,19). Thực vậy, đức Kitô đã chọn anh chị em khỏi thế gian, Người đã chọn anh chị em “ngõ hầu thế gian nhờ Người mà được cứu rỗi” (x. Ga 3,17). Chính vì lý do đó mà anh chị em không thể nào khước từ việc “giấu ấn với đức Kitô trong Thiên Chúa”, bởi vì nó là điều kiện không thể thay thế được để cho thế gian tin vào quyền năng cứu chuộc của đức Kitô. Sự “giấu ẩn”, phát sinh do việc tận hiến, biến mỗi người anh chị em thành con người đáng tin và trong sáng. Và điều đó không đóng cửa thế gian lại, trái lại nó “mở cửa” thế gian đến với anh chị em. Thực vậy, như tôi đã viết trong tông huấn Hồng ân Cứu độ, “các lời khuyên Phúc âm tự bản chất nhắm tới việc đổi mới tạo vật: nhờ có chúng, thế giới sẽ quy phục và được hiến cho con người ngõ hầu chính con người được hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa” (HA 9).

Việc tham gia vào công trình của Giáo hội “đào sâu với đức Maria”, như là hoa trái đầu mùa của năm Thánh Mẫu, sẽ mang những hình thái và cách diễn tả khác biệt tùy theo ơn gọi riêng của mỗi tu hội: các tu hội càng hoạt động trung thành với đặc sủng của mình bao nhiêu thì công trình vừa nói lại càng mang lại nhiều hoa trái bấy nhiêu. Bởi vậy:

1/ “Các tu hội hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm”, chỉ bận tâm về Chúa trong cô tịnh và thinh lặng, liên lỉ cầu nguyện và hãm mình đền tội, luôn duy trì một thêd vị ưu việt trong nghiệm thể của Chúa Kitô, cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ cấp bách mấy đi chăng nữa”, như công đồng Vaticano II đa nhắc nhở (DT 7).

Thực vậy, khi nhìn lên đức Maria trong năm hồng ân đặc biệt này, Giáo hội cảm thấy đặc biệt quan tâm và quý trọng truyền thống phong phú của đời chiệm niệm mà bao người nam nữ trung thành với đặc sủng này đã khai trương và nuôi dưỡng nhằm mưu ích cho cộng đoàn Giáo hội và toàn thể xã hội Đức trinh nữ Maria chí thánh đa mang lại sự phong nhiêu thiêng liêng dồi dào đến nỗi Người đã trở thành Mẹ của Giáo hội và của loài người. Trong thinh lặng, trong việc chuyện chăm lắng nghe Lời Chúa và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Người đã trở nên dụng cụ cứu rỗi kề bên Con mình là Chúa Kitô Giêsu. Vì thế, tất cả các tâm hồn tận hiến sống đời chiêm niệm hãy phấn chấn lên, bởi vì Giáo hội, và thế giới mà Giáo hội rao giảng Tin mừng đã lãnh nhận không ít ánh sáng và nghị lực Chúa ban nhờ cuộc đời giấu ẩn và cầu nguyện của họ. Noi theo tấm gương của Nữ tì Chúa, khiêm tốn, ẩn mình và kết hợp liên lỉ với Chúa, họ hãy tăng trưởng trong lòng ái mộ ơn gọi của những tâm hồn chuyên lo chiêm niệm.

2/ Các tu sĩ chuyên về hoạt động tông đồ, truyền giáo hoặc các công tác bác ái từ thiện, tìm thấy nơi đức Maria một tấm gương mến Chúa yêu người. Khi trung kiên quảng đại dõi theo tấm gương ấy, họ sẽ biết tìm thấy giải đáp cho những đòi hỏi của nhân loại đang đau khổ vì thiếu thốn niềm xác tín, thiếu thốn chân lý, thiếu cảm quan về Thiên Chúa; hoặc những đòi hỏi của nhân loại đang lo âu vì cảnh bất công, kỳ thị, áp bức, chiến tranh, đói khát. Cùng với đức Maria họ sẽ biết chia sẻ số phận của anh chị em mình và giúp đỡ Giáo hội nhờ thái độ sẵn sàng phục vụ sự cứu thoát những con người mà Giáo hội gặp gỡ trên đường đời.

3/ Những phần tử các tu hội đời, khi sống cuộc đời thường nhật giữa các thành phần xã hội khác nhau, tìm thấy nơi đức Maria một tấm gương và trợ lực để cống hiến cho những người mà họ chia sẻ điều kiện sinh sống ngoài đời, ý nghĩa của một cuộc đời hìa hòa tốt đẹp, càng mở rộng đến Thiên Chúa bao nhiêu thì càng cao cả và vui tươi bấy nhiêu, họ cống hiến chứng tá của một đời sống dùng việc lành để mà xây dựng đáng hơn với con người: họ cống hiến bằng cớ là những thực tại thế trần được sống theo tinh thần Phúc âm có thể mang lại sinh khí cho xã hội, biến đổi xã hội nên tự do và công bình hơn, giúp ích cho hết mọi con cái Chúa, vị Chủ tế của vũ trụ và Đấng ban phát mọi ơn lành. Đó sẽ là bài ca mà con người có thể cùng với đức Maria, cất lên để tán dương Thiên Chúa toàn năng và lân tuất.

Với quyết tâm sống trọn vẹn sự tận hiến của mình, và nhìn lên tấm gương tuyệt vời của Thân mẫu của đức Giêsu và của Giáo hội, Kẻ đã tận hiến vẹn toàn cho Chúa, chứng tá Phúc âm của anh chị em sẽ tăng thêm hiệu năng, và do đó mục vụ ơn gọi cũng sẽ được hưởng nhờ. Qủa thực hiện nay không ít tu hội đang thiếu ơn gọi và nhiều vùng trong Giáo hội đang cảm thấy cần phải có thêm nhiều ơn gọi vào đời tận hiến. Năm Thánh mẫu có thể đánh dấu một mùa sống dậy ơn gọi nhờ việc tín thác van nài đức Maria như bà mẹ chăm sóc những nhu cầu của gia đình, và nhờ sự tăng gia nơi hết mọi thành phần của Giáo hội ý thức trách nhiệm cổ võ ơn gọi vào đời tận hiến.

V. KẾT LUẬN

Mọi tín hữu được mời gọi hãy suy niệm về sự hiện diện của đức Trinh nữ và Thiên Mẫu trong mầu nhiệm của đức Kitô và của Giáo hội, dựa theo tư tưởng của Giáo hội (x. GH 52-69). Bức thư này muốn khuyến khích anh chị em hãy suy niệm về sự hiện diện của Mẹ trong con tim của mình, trong lịch sử của linh hồn mình, trong ơn gọi cá nhân và đồng thời trong các cộng đoàn dòng tu, hội dòng và hội đời.

Có thể nói được rằng Năm Thánh Mẫu đã trở thành thời kỳ của một cuộc “hành hương” đặc biệt theo bước của Kẻ đã “dẫn đầu” toàn thể Dân Chúa trong cuộc hành hương đức tin: Người đã đi trước hết tất cả mọi người và từng người một. Cuộc hành hương này mang nhiều chiều kích và lãnh vực” hàng quốc gia và thậm chí hàng đại lục tụ họp nhau tại các thánh điện kính đức Maria, đó là chưa kể đến việc từng người kitô hữu có thánh điện “nội tâm”, nơi mà đức Maria trở nên người hướng đạo trên đường đức tin cậy và kết hiệp âu yếm với đức Kitô (x. GH 63, 68).

Nhiều khi các Dòng tu, hội dòng, tu hội, với những kinh nghiệm lắm khi cả hàng thế kỷ, cũng có những “thánh điện” của sự hiện diện của đức Maria, nơi gắn liền với linh đạo hoặc kể cả lịch sử hiện hữu và sứ vụ của Dòng trong Giáo hội. Những “chốn” đó nhắc nhở những mầu nhiệm riêng tư của đức Maria, các đức tính, các biến cố cuộc đời của mẹ, các cảm nghiệm thiêng liêng hoặc việc tỏ lộ đặc sủng của vị lập dòng và rồi được chuyển thông cho cả cộng đoàn.

Trong Năm nay anh chị am hãy cố gắng hiện diện tại các “chốn”, các “thánh điện” vừa nói. Anh chị em hãy tìm ở nơi đó sức mạnh mới, những con đường dẫn tới việc canh tân đích thực của đời tận hiến, của những hướng đi và phương pháp làm việc tông đồ. Hãy tìm ở nơi đó bản sắc của mình giống như người quản gia, giống như người không ngoan “biết rút ra những điều cũ mới từ kho tàng của mình” (x. Mt 13,52). Đúng thế, nhờ Mẹ Maria anh chị em hãy tìm sức sống thiêng liêng, hãy trẻ trung hóa với Mẹ. Hãy cầu nguyện cho các ơn thiên triệu. Sau cùng, “hãy làm những gì Chúa dạy”, như đức trinh nữ đã gợi ý ở Cana (x. Ga 2,5). Đó là điều mà đức Maria, hiền thê huyền nhiệm của Thánh Thần và Mẹ chúng ta, mong ước nơi anh chị em và vì anh chị em. Tôi khuyên mời anh chị em hãy đáp lại lòng mong ước ấy bằng với một hành vi ký thác cộng đoàn: việc lý thác đó thực là “đáp ứng lại tình thương của Mẹ” (TM 45).

TRong Năm Thánh mẫu này tôi cũng hết lòng ký thác cho Mẹ từng người cũng như các cộng đoàn của anh chị em, và tôi chúc lành cho tất cả nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Rôma, cạnh đền thánh Phêrô, ngày 22 tháng 5 lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống – năm 1988, đệ thập niên triều Giáo hoàng.

Gioan Phaolô II

NHỮNG CHỈ DẪN VỀ VIỆC HUẤN LUYỆN TRONG CÁC HỘI DÒNG (Potissimum institutioni)

Các văn kiện của công đồng Vaticano II và sau công đồng đã nhiều lần đề cập đến việc huấn luyện các tu sĩ. Những lừoi chỉ dẫn quý báu đó nay được trình bày một cách có hệ thống dưới hình thức của một “Huấn thị” theo nghĩa của đ.34 bộ giáo luật. Thực ra, bộ Tu sĩ đa bắt tay vào việc soạn thảo văn kiện này từ năm 1969 qua những cuộc tham khảo sâu rộng, nhưng phải chờ cho đến khi ban hành bộ giáo luật thì mới thành hình rõ rệt hơn. Huấn thị nhắm trực tiếp tới các Dòng tu (chứ không phải các tu hội đời và tu đoàn tông đồ).

Văn kiện gồm 110 số, được chia ra thành sáu chương, có thể gom lại trong hai phần chính.

A. Phần I: bàn về những yếu tố căn bản tổng quát.

Chương Một

Thánh hiến va huấn luyện (6-18). Nhắc lại đạo lý về sự thánh hiến qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm, văn kiện lưu ý tới tính cách sự phạm giáo dục trong thực hành các lời khấn cũng như mối tương quan giữa tận hiến và sứ mạng.

Chương Hai

Những khía cạnh chung cho tất cả các giai đoạn huấn luyện (19-41). Sau khi đã trình bày các tác nhân và môi trường huấn luyện (Chúa Thánh Thần, đức Maria, Giáo hội, cộng đoàn, chính người tu sĩ, và các huấn luyện viên), văn kiện nói tới ba yêu sách hiện đại:

1/ nền tảng nhân bản và kitô hữu (33-35);

2/ khổ chế (36-38);

3/ giáo dục giới tính (39-41).

Chương Ba

Những giai đoạn huấn luyện (42-71). Gồm 4 giai đoạn:

1/ tiền tập (42-44);

2/ tập viên (45-57);

3/ khăn tam (58-65);

4/ khấn trọn đời và thường huấn (66-71).

B. Phần II: xét đến vài khía cạnh đặc biệt.

Chương Bốn

Việc huấn luyện trong các Dòng kín (72-85)

Chương Năm

Vài vấn đề riêng được nêu lên cho việc huấn luyện:

1/ Các thanh niên thời nay đứng trước ơn gọi đời tu (86-89);

2/ Huấn luyện và văn hóa (90-91);

3/ những người vừa là thành viên của một phong trào vừa là phần tử của Dòng tu (92-93);

4/ tác vụ giám mục và đời tu (94-97);

5/ sự hợp tác liên dòng trong việc huấn luyện (98-100).

Chương Sáu

Việc huấn luyện các ứng sinh tiến lên chức linh mục và phó tế (101-109).

ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ TRONG CỘNG ĐOÀN (Congregavit nos in unum Christi amor: 2/2/1994)

Văn kiện này được giới thiệu như là một huấn thị ra đời vài tháng trước khi khai mạc Thượng hội đồng Giám mục về đời thánh hiến. Có lẽ nó đã được soạn thảo trước khi Đức Thánh Cha chỉ định đề tài cho Thượng hội đồng. Phiên họp khoáng đại của Bộ tu sĩ năm 1992 đã được dành để thảo luận văn kiện này. Thực ra chiều kích cộng đoàn của đời tu trì đã được nói tới ở nhiều văn kiện từ công đồng Vaticano II (thí dụ: DT 15; CT 39-41; YT 18-22; HL 26-28). Huấn luyện này trình bày vấn đề có hệ thống mạch lạc hơn, với những khó khăn được đặt ra do tình thế mới. Những hoàn cảnh đó được nhắc tới trong Nhập đề (số 1-7) tiến triển thần học; tiến triển giáo luật phát triển trong xã hội, biến chuyển trong đời sống tu trì.

Bố cục của văn kiện được chia thành ba chương (71 số), dựa theo mô hình về Giáo hội nhìn từ ba khía cạnh (mầu nhiệm: hiệp thông; sự vui).

I. Chương Một (8-10) trình bày cộng đoàn như là một “hồng ân” của Chúa, bắt nguồn từ mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh.

II. Chương Hai (11-57) nhìn cộng đoàn dưới khía cạnh “hiệp thông”. Những yếu tố xây dựng cộng đoàn là linh đạo và cầu nguyện chung; tình yêu, các nhân đức, sự từ bỏ mình; gặp gỡ chia sẻ. Mặt khác cộng đoàn cũng là trường xây dựng đào tạo tình cảm, huấn luyện ba lời khuyên Phúc âm. Dù sao, vai trò của quyền bính không thể nào thiếu trong việc kiến tạo cộng đoàn.

III. Chương Ba (58-70) bàn tới cộng đoàn như là địa điểm và chủ thể thi hành “sứ vụ” cách riêng xét tới vài khó khăn cho tới đời sống cộng đoàn, gây ra bởi việc tham gia các công tác tông đồ bên ngoài.

Những tư tưởng được nhắc tới hơn cả trong văn kiện là: “hiệp thông”, “tình huynh đệ”.