Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

NGUỒN GỐC ĐỜI TU TRÌ KITÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 47-86

Phan Tấn Thành

I. Nguồn gốc đời tu trì tại Việt Nam (thế kỷ XVII)
  A. Các thừa sai Dòng Tên và các thầy giảng
  B. Thời các Đại diện tông toà
II. Những bước thăng trầm
  A. Giáo sĩ và Thầy giảng
  C. Những biến chuyển trong thế kỷ XX
III. Vài nhận xét
  A. Sự tiến triển của hai thể chế “thầy giảng” và “Nhà Đức Chúa Trời”
  B. Mô hình tổ chức Nhà Đức Chúa Trời
  C. Quá khứ và tương lai
Kết luận

Nhập đề


Năm Đời sống thánh hiến được đức thánh cha Phanxicô khởi xướng để kỷ niệm 50 năm bế mạc công đồng Vaticanô II. Trong tâm tình hiệp thông với Giáo hội, Trung tâm Học vấn Đa Minh cũng muốn góp phần suy tư về đời sống thánh hiến tại Việt Nam. Chúng tôi muốn nhìn lại vài nét đặc trưng của đời sống tu trì tại nước ta, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm vài biến cố đáng ghi nhớ trong năm nay. Cách đây 80 năm, công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội năm 1934 yêu cầu duyệt lại tổ chức các Thầy giảng và các Nhà phước, hai thể chế độc đáo của Giáo hội Việt Nam. Dòng Tên cũng đang kỷ niệm 400 năm đặt chân đến Việt Nam (cha Francesco Buzomi tới Đà Nẵng ngày 18/1/1615). Vị thừa sai nổi bật nhất là cha Đắc Lộ (hoạt động tại VN từ năm 1624 – cách đây 390 năm – đến năm 1645) không chỉ góp phần vào việc hình thành chữ quốc ngữ, nhưng còn gây dựng tổ chức các thầy giảng, trong số này một vị đã được phong chân phúc: Anrê Phú Yên tử đạo. Năm mươi năm sau (ngày 29/2/1664), hai vị Đại diện tông toà tiên khởi (Pierre Lambert de la Motte và François Pallu) đã họp nhau tại Ayuthia để phác họa kế hoạch truyền giáo cho địa sở mới, trong đó các ngài đã muốn nêu bật linh đạo cho những người tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng.

Bài này chỉ giới hạn vào đời tu trì nam giới. Nữ giới có một bài riêng. Giữa đôi bên có một sự khác biệt quan trọng, đó là: cho đến cuối thế kỷ XIX, không có dòng nữ nào nước ngoài vào nước ta; vì thế các nữ tu Mến Thánh Gía hoàn toàn là đặc sản Việt Nam. Nam giới thì khác hẳn. Các thừa sai thuộc các dòng tu nước ngoài (Dòng Tên, dòng Phanxicô, dòng Đa Minh, dòng Augustinô, đó là chưa kể MEP), đã đến truyền giáo và thâu nhận các phần tử vào dòng mình (đông nhất là Dòng Đa Minh và Dòng Tên). Tuy nhiên, điều thú vị là các thừa sai cũng sáng lập những thể chế tu trì đặc trưng cho đất Việt, vừa đáp ứng với nhu cầu truyền giáo vừa thích nghi với văn hóa cổ truyền, đó là các thầy giảng và Nhà Đức Chúa Trời. Hai tổ chức này ra đời lúc nào, trong hoàn cảnh nào, nhằm đáp ứng với nhu cầu gì? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi muốn tìm hiểu trong bài này, được chia làm ba phần:

Phần thứ nhất tìm hiểu nguồn gốc của hai thể chế: các Thầy giảng và Nhà Đức Chúa Trời vào thế kỷ XVII, do các thừa sai Dòng Tên và các Đại diện tông toà khai sinh.

Phần thứ hai theo dõi những thăng trầm của các định chế vừa nói trong những thế kỷ kế tiếp (từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX): việc đào tạo các thầy giảng, các linh mục, và tổ chức Nhà Đức Chúa Trời tại các địa phận miền Đông Đàng Ngoài.

Phần cuối cùng (thay cho kết luận) rút ra vài nhận xét: hai thể chế ấy được thành hình dựa theo mô hình nào trong lịch sử Giáo hội và văn hóa Việt Nam? Các mô hình này có ý nghĩa thần học gì cho ngày nay nữa không, hay chỉ là những vết tích của một thời dĩ vãng xa xưa?

Bài này mang tính cách lịch sử. Lẽ ra phải truy cứu tận nguồn, nhưng tiếc vì phương tiện eo hẹp, nên chúng tôi chỉ dựa trên công trình của các nhà sử học, đặc biệt là cha Đỗ Quang Chính, Bùi Đức Sinh, Trương Bá Cần[1].

I. Nguồn gốc đời tu trì tại Việt Nam (thế kỷ XVII)


Để dễ nhận ra sự độc đáo của đời tu trì tại Việt Nam, chúng ta hãy đi ngược lại dòng lịch sử, trở về với thời khai nguyên của Giáo hội. Đời tu trì Kitô giáo bắt đầu từ khi nào? Đã có nhiều ý kiến. Có người nói rằng đời sống tu trì bắt đầu với chính các môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi khi bắt đầu đời sống công khai. Tuy nhiên, trong ba thế kỷ đầu, các trinh nữ và các nhà khổ hạnh vẫn sinh hoạt ở giữa cộng đoàn tín hữu. Mãi đến cuối thế kỷ III sang thế kỷ IV, mới thấy những Kitô hữu rút vào sa mạc, khai sinh nếp sống đan tu. Tại sao họ lên sa mạc? Ý kiến chung của các sử gia là vào thời ấy, Kitô giáo bắt đầu được tự do thực hành tôn giáo, thậm chí được hưởng nhiều ưu đãi của chính quyền Rôma. Vì sợ rằng cuộc sống dễ dãi sẽ làm giảm nhuệ khí của cha ông, cho nên một số người đã chọn nếp sống khắc khổ, tiếp tục cuộc chiến đấu tinh thần để duy trì việc đi theo Chúa Kitô quyết liệt. Nếp sống tu trì Kitô giáo bắt đầu với đời đan tu, rồi dần dần mới chuyển sang đời tông đồ, cách riêng vào thời Trung cổ.

Tình hình ở Việt nam thì khác. Nếp sống tu trì ra như được khai sinh cùng với việc khai sinh Giáo hội tại địa phương này. Các tu sĩ đầu tiên là những tân tòng, mới trở lại đạo. Hơn thế nữa, nếp sống tu trì xuất hiện ngay vào thời cấm đạo, chứ không phải là sau khi Giáo hội được hưởng an bình. Một chi tiết khác không nên bỏ qua là trước khi Kitô giáo đến Việt Nam, nếp sống tu trì đã được thực hành bên Phật giáo.

A. Các thừa sai Dòng Tên và các Thầy giảng


Từ lúc nào Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được mang đến Việt Nam? Câu hỏi này không quan trọng lắm cho đề tài nghiên cứu của chúng ta. Chỉ cần ghi nhận một điểm này là các nhà truyền giáo xuất thân từ các Dòng tu, chứ không phải là các giáo sĩ giáo phận. Không nói ai cũng đoán được, họ sẽ tổ chức các địa điểm truyền giáo theo khuôn mẫu dòng tu hơn là theo khuôn mẫu giáo xứ, và họ quan tâm đến việc tuyển mộ ứng sinh cho dòng mình hơn là đào tạo hàng giáo sĩ địa phương. Như sẽ thấy, các tu sĩ Dòng Tên, Dòng Augustinô, Dòng Đa Minh đều sớm có những phần tử người Việt.[2] Mặc dù đã có nhiều dòng tu ghé vào truyền đạo Thiên Chúa ở nước Việt Nam, nhưng việc tổ chức công cuộc truyền giáo mang tính quy mô với Dòng Tên kể từ năm 1615. Chúng tôi cũng lấy điểm này làm mốc cho bài nghiên cứu.

1/ Thành lập hội các thầy giảng

“Thầy giảng” là một tên gọi tiếng Việt đặt cho các catechista (ngày nay dịch là “giáo lý viên”), một thể chế không hoàn toàn mới lạ trong lịch sử truyền giáo cận đại.[3] Từ năm 1523, các thừa sai Phan Sinh ở Mexicô đã tuyển lựa các giáo dân, gọi là fiscales, để phụ tá trong việc giảng dạy giáo lý, chủ sự việc an táng, rửa tội người sắp chết. Ở Ấn Độ từ năm 1543, thánh Phanxicô Xavier đã tổ chức các “giáo lý viên”, gọi là canacapillai, để điều khiển các cộng đoàn hẻo lánh; ngài đã viết một quyển sách để huấn luyện họ (Instructio pro catechistis, 1545). Ở Macao, khoảng năm 1580, cha Giovanni Battista da Pesaro OFM (Gianbattista Lucarelli, 1540-1604) đã mở trường đào tạo giáo lý viên cho Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Một cách tương tự, bên Nhật bản, cha kinh lược Alessandro Valigano SJ (1592-1606) đã có ý định huấn luyện các giáo lý viên để trở thành giáo sĩ bản quốc. Do đó, việc sử dụng các “giáo lý viên” vào công tác truyền giáo không phải là điều mới lạ trong lịch sử. Điểm độc đáo của nước Việt Nam là họ có lời khấn độc thân và sống chung với nhau dường như một tu hội.

Ngay từ năm 1625, người ta đã ghi nhận sự hiện diện của các thầy giảng ở Đàng Trong, trong buổi họp của các thừa sai Dòng Tên với cha Kinh lý Gabriel de Matthos tại Đà Nẵng; trong số ấy có quan nghè Phêrô chuyên dạy tiếng Việt cho các thừa sai.[4] Ở buổi họp này, cha Kinh lý khuyến cáo các thừa sai đừng nên dùng những tân tòng bản quốc vào công cuộc truyền giáo; tuy nhiên, cha Buzomi hết sức ủng hộ điều này bởi vì họ là cánh tay phải không thể thiếu được. Đường lối của cha Buzomi đã thắng.

Cha Đắc Lộ tiến thêm một bước nữa, đó là quy tụ các thầy và cho tuyên khấn. Lễ nghi diễn ra tại Kẻ Chợ, ngày 27/4/1630. Xin đừng ai vội nghĩ rằng cha Đắc Lộ muốn trở thành tổ phụ của một dòng mới. Câu chuyện xem ra đơn giản hơn. Cha Đắc Lộ và ba thừa sai Dòng Tên bị Trịnh Tráng trục xuất ra khỏi Đàng Ngoài. Để bảo đảm việc điều khiển các giáo đoàn, cha Đắc Lộ đã gọi ba thầy giảng tuyên khấn. Cả ba đều là các nhà sư mới theo đạo: thầy Phanxicô Đức (sinh năm 1594 ở Thanh Hoá, tu chùa được 17 năm, mới được rửa tội ngày 3/12/1627), Anrê Tri và Inhaxiô Nhuận (cũng được rửa tội vào cuối năm 1627 sang đầu 1628). Trong Thánh lễ, sau khi rước lễ, ba thầy đặt tay trên sách Phúc âm, lần lượt tuyên hứa ba điều:

a) Không lập gia đình cho đến khi có các cha Dòng Tên đến, để có thể rảnh rang giúp đỡ bổn đạo;

b) Tiền của, đồ vật thuộc tập thể các thầy;

c) Vâng phục một thầy do các cha chỉ định làm bề trên cho đến khi các cha Dòng Tên đến. Một người khác là Antôn Định cũng được tuyên hứa như trên, nhưng chỉ giữ vai trò “trợ sĩ” để giúp ba thầy kia về mặt vật chất. Sau đó thầy Phanxicô Đức được các cha cử làm bề trên. Chung quanh việc tuyên hứa này, cha Đỗ Quang Chính chú thích rằng ba người vốn đã sống chung với các thừa sai rồi; việc hứa không lập gia đình chẳng qua chỉ là một biện pháp để “cầm chân” các thầy, cột chặt vào công việc phục vụ cộng đoàn bởi vì theo cha Đắc Lộ, nhiều gia đình muốn gả con gái cho họ.[5]

Mười ba năm sau, ngày 31/7/1643, một lễ nghi tương tự cũng diễn ra tại Hội An (Đàng Trong) vào một hoàn cảnh cũng khá cấp bách: mười thầy giảng tuyên khấn trước khi cha Đắc Lộ buộc phải lên thuyền trở về Macao. Những người này đã sống với cha từ nhiều năm; thầy Inhaxiô (sinh năm 1610, được rửa tội vào khoảng tháng 6 năm 1641) được đặt làm bề trên của nhóm vì là người lớn tuổi hơn hết, lại là người khôn ngoan thông thái hơn các thầy kia. Ngoài ra, cha Đắc Lộ còn kể tên các thầy Đamasô, Anrê Phú yên và Visentê. Nên ghi nhận sự khác biệt về thời hạn khấn giữa hai nhóm thầy giảng: nhóm thầy giảng Đàng Ngoài chỉ khấn tạm (cho đến khi có cha Dòng Tên trở lại); nhóm Đàng Trong khấn vĩnh viễn đức khiết tịnh và vâng phục.[6] Sau đó, họ được tách ra hai tổ: tổ thứ nhất do thầy Đamasô phụ trách, hoạt động từ Quảng Nam trở xuống; tổ thứ hai do thầy Inhaxiô hướng dẫn, đi lên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

May thay, sáu tháng sau (tháng giêng năm 1644), cha Đắc Lộ có dịp trở lại Đàng Trong. Các thầy giảng báo cáo với cha về thành quả hoạt động. Trong thời gian nửa năm, tổ của thầy Đamasô rửa tội được 293 người; tổ của thầy Inhaxiô rửa tội 303 người. Kết quả làm cha càng tin tưởng vào các thầy hơn. Vì vậy, cha phong cho Inhaxiô chức Thầy là chức bậc quan trọng trong “tam bộ” Quân-Sư-Phụ của xã hội Nho giáo Việt Nam. Từ nay trở đi, mỗi khi thầy Inhaxiô giảng dạy công khai hoặc chủ toạ kinh nguyện ở nhà thờ, thầy sẽ mặc áo chùng và áo surplis. Trước đây, các cha được xưng hô là Thầy; nhưng từ khi các thầy giảng cũng được gọi là Thầy, thì để tránh lẫn lộn, các cha được gọi là Thầy cả (ông thầy có chức cao trọng hơn các thầy khác).[7] Tuy nhiên việc giảng đạo lần này không được may mắn lắm. Thầy Anrê Phú Yên chịu tử đạo tại chính quê quán ngày 26/7/1644. Đầu năm 1645, nhóm phải di chuyển về kinh đô, rồi tiến ra Quảng Bình. Nhưng nửa đường họ bị bắt. Cha Đắc Lộ bị kết án phải rời Hội An, và lên tàu về Macao ngày 3/7/1645, vĩnh viễn từ giã Việt Nam. Ngày 6 tháng 7, 9 thầy giảng còn lại bị điệu đến trước mặt chúa Nguyễn. Họ không chịu bỏ đạo. Thầy Inhaxiô và thầy Visentê bị chém đầu; các thầy khác bị chặt một ngón tay.

2/ Tổ chức

Chúng ta mới điểm qua vài điểm mốc của việc thành lập hội các thầy giảng lúc ban đầu, qua hai việc tuyên khấn diễn ra ở Thăng Long và Hội An. Chúng ta hãy tiến thêm bước nữa để tìm hiểu: các thầy được tổ chức như thế nào?

Cha Đỗ Quang Chính cho biết rằng người tổ chức tu hội các thầy giảng là cha Gaspar d’Amaral (1631-1638) ở Đàng Ngoài và cha Metello Saccano ở Đàng Trong (1646-1654).[8] Các chi tiết về việc thâu nhận và đào tạo các thầy giảng được cha D’Amaral tường thuật trong một bản tường trình viết năm 1637 (Relaçam dos Catequistas da Critiandade de Tunkin e seu modo de proceder) và huấn dụ viết năm 1647 (Instruccao para os Catequistas deste Reino de Anam, ou Toukin). Huấn dụ gồm 27 điều, chia làm ba phần. Phần I: đời sống thiêng liêng (đ.1-17); Phần II: tư cách khi hoạt động tông đồ (đ.8-13); Phần III: Những việc làm phải làm khi hoạt động tông đồ (đ.14-27). Chúng ta chỉ dừng lại ở vài điểm chính.

– Để được thâu nhận làm thầy giảng, cần có bốn điều kiện sau: a) Ý chí và nhiệt tình phục vụ; b) Trí khôn trung bình và biết chữ Hán; c) Độc thân; d) Trưởng thành.

– Chương trình đào tạo: các ứng sinh phải học giáo lý và chữ Hán; họ là những người đầu tiên được học chữ quốc ngữ (nhưng cũng có thể nghĩ rằng chính các thầy đã dạy các thừa sai nói và phát âm tiếng Việt).

– Việc huấn luyện theo tiến trình tiệm tiến. Cha D’Amaral ghi danh sách các thầy theo bốn bậc: a/ trợ sĩ (coadjutores temporales); b/ tập sinh (novitios); c/ chuẩn nhận (approbatos), nghĩa là học viên; d/ khấn trọn (professos). Bốn cấp này hoạ theo bốn cấp trong Dòng Tên[9]. Các “trợ sĩ” (đặt trước các tập sinh) không phải như là thỉnh sinh nhưng là những người giúp việc trong tu hội, sau này sẽ được gọi là các Bõ; vì vậy không phải là một cấp.

– Công thức khấn (năm 1637): “Con là ... xin khấn hứa với Đấng Tạo thiên lập địa, là Đức Chúa Trời ba ngôi, trước mặt Đức Mẹ đồng trinh, nhờ lời cầu bầu của các thiên thần, các thánh tông đồ, các thánh tử đạo, các thánh hiển tu, các thánh đồng thân cùng các thánh; và con xin khấn hứa trước mặt cha bề trên, trước mặt anh chị em bổn đạo, sống vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh trọn đời để phục vụ Hội thánh và bổn đạo trọn đời.”[10] Nên biết là sau năm tập, các tu sinh khấn lần đầu 3 năm, và được gọi là kẻ giảng. Họ sẽ lặp lại lời khấn tạm cho đến khi nào bề trên thấy vững chắc mới chấp nhận cho khấn trọn đời; từ lúc ấy mới được gọi là thầy giảng.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý đến một chi tiết giáo luật. Cha Đắc Lộ là một linh mục, vì thế không có thẩm quyền lập dòng và nhận lời khấn. Vào thời ấy, việc lập dòng vẫn còn thuộc thẩm quyền Tòa thánh. Do đó, lời khấn của các thầy giảng không phải là lời khấn dòng theo giáo luật. Tuy vậy nó cũng mang tính ràng buộc, và nó cũng tách riêng các thầy giảng ra khỏi hàng ngũ giáo dân, bởi vì họ không còn sống ở gia đình nữa nhưng sống ở “nhà thầy”. Do đó, cho dù nói rằng các thầy giảng là tu sĩ thì không hoàn toàn đúng, nhưng nếu coi họ chỉ là giáo dân thì cũng chẳng đúng hơn. (Nhận xét này cũng được áp dụng cho các nữ tu Mến Thánh Giá).

Theo Cha Đỗ Quang Chính, mô hình tổ chức tu hội các thầy giảng lấy lại khá nhiều chi tiết của Dòng Tên. Tuy nhiên, tác giả không bỏ qua một mô hình thứ hai lấy từ xã hội Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo.[11] Điều này có thể nhận thấy ít là ở nơi hai điểm sau:

1. Danh hiệu “Thầy” là một chức bậc quan trọng trong tam bộ Quân Sư Phụ của xã hội Nho giáo. Như đã nói trên đây, các thừa sai cũng được gọi là Thầy, nhưng là “Thầy cả”. Đi tu có nghĩa là đi “ở Nhà Thầy”.

2. Tổ chức Nhà Đức Chúa Trời có những nét hao hao như một nhà chùa (Sư Cụ, Sư Bác, Sư Chú, Chú tiểu). Hình thức Nhà Đức Chúa Trời đã được khởi đầu với các Dòng Tên tiên khởi ở Việt Nam. Cha Trương Bá Cần cho biết cụm từ “Nhà Đức Chúa Trời” xuất hiện trong một bản tường trình của Cabral tháng 10 năm 1647.[12] Dù sao, phải chờ đến những giai đoạn kế tiếp thì tổ chức mới được định hình rõ nét.

B. Thời các Đại diện tông toà


Chúng ta biết rằng Tòa thánh bổ nhiệm hai vị Đại diện tông toà (29/7/1658), theo lời yêu cầu của cha Đắc Lộ. Hai vị giám mục này thuộc Hội thừa sai Paris (MEP): theo pháp lý thì họ là giáo sĩ giáo phận; nhưng việc gia nhập Hội thừa sai đặt các phần tử vào một tình trạng mới, ràng buộc mình với các vị bề trên của Tu đoàn.

Vừa đặt chân đến Thái Lan, đức cha Lambert de la Motte đã mơ ước thành lập một “Hội dòng tông đồ” (Congrégation apostolique) dành cho các thừa sai với một nếp sống khổ chế nhiệm nhặt, có lẽ phần nào chịu ảnh hưởng của các nhà sư Phật giáo. Các nhà thừa sai suy gẫm mỗi ngày ba giờ, ăn chay hành xác mỗi ngày kể cả chúa nhật, không dùng thuốc chữa bệnh khi đau ốm, không được ăn thịt, không được uống rượu. công đồng Ayuthia 1664. Tòa thánh không tán thành dự án đó. Khi nghe biết tin này, đức cha Pallu đã uống rượu để chúc mừng.[13] Dù sao, xét về đời tu trì nam giới ở Việt Nam, các Đại diện tông toà đã để lại hai dấu ấn: 1/ truyền chức linh mục; 2/ tổ chức nhân sự địa phận.

1/ Truyền chức linh mục

Một bước tiến quan trọng của giai đoạn này là việc truyền chức linh mục cho người bản xứ. Các ứng viên là những thầy giảng do các cha Dòng Tên đào tạo. Lúc ấy chưa có chủng viện. Tuy nhiên không phải tất cả các thầy giảng đều được tiến cử làm linh mục. Dĩ nhiên, ngoài điều kiện đức độ, các ứng sinh phải có khả năng đọc tiếng Latinh. Đây là một trở ngại khá lớn. Thậm chí có vị đã lãnh chức thánh rồi mà chưa thể dâng lễ mở tay bởi vì đọc tiếng Latinh chưa rành. Điều kiện thứ ba là chấp nhận quyền bính của các vị Đại diện tông toà. Nhiều cha Dòng Tên chỉ nhận chỉ thị từ giám mục Macao (chiếu theo quyền bảo trợ) chứ không nhận quyền bính của các Đại diện tông toà. Một số thầy giảng cũng theo gương các cha dòng, và đâm ra ghen tức những người được lãnh chức linh mục.

Năm 1668 đáng ghi nhớ trong lịch sử hàng giáo sĩ Việt Nam. Ngày 31 tháng 3, vọng lễ Phục sinh, tại chủng viện truyền giáo Ayuthia (Thái lan), đức cha Lambert truyền chức linh mục cho hai thầy giảng thuộc địa phận Đàng Trong: Giuse Trang (30 tuổi?) và Luca Bền (tuổi?). Đây là hai linh mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam. Cha Trang qua đời năm 1676. Cha Bền qua đời năm 1684.

Không đầy ba tháng sau, vào ngày 15 tháng 6 , cũng tại Ayuthia, đức cha Lambert truyền chức cho hai linh mục đầu tiên thuộc địa phận Đàng Ngoài: Gioan (Jean, Giuong) Huệ (46 tuổi) và Benoit (Bento) Hiền (Thiện) (54 tuổi). Trở về nước, cha Huệ phải chờ đến tháng 8 năm sau mới dâng lễ mở tay, không phải vì gặp thời cấm đạo nhưng vì cha chưa đọc thạo tiếng Latinh[14]. Đây là một khuyết điểm gây nhiều chống đối về phía những thầy khác không được tiến cử làm linh mục. Cha Huệ qua đời vào tháng 3 năm 1671, nghĩa là chưa tròn 3 năm linh mục, và có lẽ vì bị đầu độc. Cha Hiền thì khá hơn và qua đời năm 1686, thọ 71 tuổi, với 18 năm linh mục.

Tháng 1 năm 1670, đức cha Lambert cử hành lễ phong linh mục lần đầu tiên trên đất Việt, tại Phố Hiến (Đàng Ngoài), cho 7 thầy giảng: Martin Mật (68 tuổi, nguyên là một nhà sư Phật giáo, có trình độ văn hóa cao); Antoine Quế (56 tuổi), Philippe Nhân (52 tuổi), Simon Kiên (60 tuổi), Jacques Chiêu (46 tuổi), Léon Trụ (46 tuổi), Vite Trị (30 tuổi). Ngoài ra, đức cha cũng truyền các chức nhỏ cho 48 thầy giảng trẻ. Các tân linh mục tham dự công nghị Phố Hiến vào tháng 2.[15]

2/ Tổ chức nhân sự địa phận

Sau khi đã kinh lý Đàng Ngoài (thay cho Đức cha Pallu) và Đàng Trong, đức cha Lambert đã tổ chức công nghị Đàng Ngoài ở Phố Hiến (1670), và công nghị Đàng Trong ở Hội An (năm 1682).

Công nghị Phố Hiến đã bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ giới hạn vào việc đào tạo các nhân viên truyền giáo.

a) Đào tạo hàng giáo sĩ

Việc đào tạo linh mục bản xứ đã được dự liệu trong Huấn thị của công nghị Ayuthia năm 1664, bằng cách thiết lập một chủng viện chung ngay tại thành phố này nhưng tình thế không cho phép thực hiện điều mong muốn. Từ năm1668 đến năm 1694, Đàng Ngoài có 25 người thụ phong, trong đó có 3 vị được đào tạo ở Ayuthia, còn lại ít nhiều được đào tạo tại chỗ. Từ năm 1668 đến 1689, Đàng Trong có tất cả 8 linh mục (5 vị được đào tạo ở Ayuthia, còn lại là những thầy giảng do Dòng Tên đào tạo).[16] Việc thiết lập chủng viện không đơn giản. Vấn đề không chỉ vì không tìm được ban giáo sư nhưng nhất là vì bị đuổi bắt liên miên. Cuối cùng, các giám mục phải tổ chức chủng viện lưu động.

b) Đào tạo các thầy giảng

Các linh mục đầu tiên xuất thân từ hàng ngũ các thầy giảng do Dòng Tên đào tạo. Với việc tiến cử một số thầy giảng làm linh mục, hàng ngũ các thầy giảng bị phân hóa. Dĩ nhiên, không phải tất cả các thầy giảng đều sẽ làm linh mục; duy chỉ một số thầy có khả năng mới được đề cử. Nhiều thầy giảng do các cha Dòng Tên không chấp nhận quyền bính của các đại diện tông toà. Từ đó các thầy giảng bị chia thành hai nhóm: một nhóm bám sát các thừa sai Dòng Tên; một nhóm ủng hộ đại diện tông toà.[17] Với dòng thời gian, các thầy giảng theo Dòng Tên sẽ tan rã, cách riêng từ khi Dòng Tên bị Tòa Thánh giải tán (năm 1773).

c) Thiết lập đời sống chung trong Hội thánh

Như đã nói trên đây, tổ chức Nhà Đức Chúa Trời đã manh nha từ thời các cha Dòng Tên. Nhưng vào thời ấy, Nhà Chúa được hiểu là nhà của các thầy giảng với các thừa sai. Công nghị Hội An 1670 tiến thêm một bước. “Nhà Đức Chúa Trời” bao trùm toàn thể giáo phận, dưới sự lãnh đạo của Đức giám mục. Ở công nghị này, một ý tưởng được đề cao là chung tài sản. “Nhà Chúa” cũng là “Nhà Chung”.

“Noi gương Giáo hội tiên khởi, sẽ thiết lập một quỹ chung, gồm tài sản, lợi tức, và của dâng cúng, dùng vào việc nuôi sống tất cả những ai lo việc phục vụ Giáo hội, các chủng sinh và người nghèo” (đ.10). “Tất cả các của dâng cúng trong mỗi xứ (provincia), sẽ giao cho vị quản nhiệm (administratores) của mỗi xứ để sử dụng vào những nhu cầu cần thiết, theo lệnh của ngài, và nếu của dâng cúng của xứ nào không đủ dùng cho nhu cầu của mình, thì sẽ nhận được sự giúp đỡ từ quỹ chung” (đ.11). “Vào dịp cuối năm, nếu vị quản nhiệm nào còn dư tiền, thì tiền dư dật sẽ nộp vào quỹ chung, để sử dụng theo ý của chúng tôi, hoặc của tổng đại diện (vicarius generalis) và của các quản nhiệm, chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết vì lợi ích chung của giáo dân” (đ.12).[18].

2 năm sau (1682), một công nghị được tổ chức ở Đàng Trong tại Hội An (lần thứ hai), dưới sự chủ tọa của hai đức cha Louis Laneau và Guillaume Mahot. Ở Đàng Trong số linh mục ít hơn Đàng Ngoài, các thầy giảng cũng ít. Các linh mục nhờ đến những cộng sự viên khác là các giáo dân: ông trùm, ông câu và ban quí chức.[19]

II. Những bước thăng trầm


Tổ chức các thầy giảng và Nhà Đức Chúa Trời đã được các cha Dòng Tên và các vị Đại diện Tông toà gầy dựng hồi thế kỷ XVII. Chúng ta hãy theo dõi sự tiến triển ở các thế kỷ tiếp theo, trước tiên là hai thể chế thầy giảng và linh mục riêng rẽ, sau đó là trong bối cảnh của Nhà Đức Chúa Trời.

A. Giáo sĩ và thầy giảng


1/ Việc đào tạo giáo sĩ

Các linh mục đầu tiên của Việt Nam xuất thân từ các thầy giảng. Nhưng dần dần các linh mục được đào tạo tại các chủng viện dựa theo các quy tắc chung của Giáo hội. Tiếc rằng suốt hai thế kỷ XVIII và XIX, Giáo hội Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc cấm cách; vì thế các chủng viện Việt Nam mang tính di động. Chúng ta có thể phân biệt ba cơ sở chính của chủng viện: a) cơ sở chung ở Thái Lan (có lúc di chuyển sang Ấn Độ, và cuối cùng dời về Penang; b) chủng viện dành cho địa phận Đàng Ngoài;

c) chủng viện dành cho địa phận Đàng Trong. Chúng tôi chỉ liệt kê địa danh chứ không đi vào chi tiết.

a) Chủng viện Ayuthia (Thái Lan) thành lập năm 1665 chung cho các chủng sinh Thái, Hoa, Việt (từ năm 1672-1686). Chủng viện này cũng phải di tản nhiều nơi: Chantabun (Campuchia), Hòn Đất (Hà Tiên 1765-1769), Malacca (1769), Pondichery (năm 1770-1782), Pénang (1802-1945). Như vậy, giai đoạn Penang là lâu dài nhất.

b) Đàng Ngoài: Phố Hiến (1666), Kiên Lao (1683), Kẻ Cốc (1684?), Lục Thuỷ (1686), Vĩnh Trị (1693?), Kỳ Lân (Nghệ An 1684), Kẻ Lò (1697), Trang Nứa (?).

c) Đàng Trong: Thợ Đúc (1740-1750), Hòn Đất (Hà Tiên 1765-1769), Prambey Chhom (Campuchia 1770), Cây Quao (1775-1777), Pinanhiêu (Campuchia 1776), Tân Triều (1778-1782), Mặc Bắc (1782-83), Lái Thiêu (1789-1833), Dinh Cát-Hòa Ninh-Di Loan (1783-1858), Kẻ Sen (1849-1858).[20]

2/ Thầy giảng

Trên đây, chúng ta đã thấy rằng tổ chức các thầy giảng bị phân hóa thành hai nhóm: một nhóm do các cha Dòng Tên huấn luyện và dần dần mai một; một nhóm được đặt dưới sự điều động của các Đại diện tông toà. Tuy nhiên sự tiến triển của nhóm này không đồng đều giữa hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài.[21]

a) Ở Đàng Trong, số thầy giảng giảm sút về lượng cũng như về phẩm. Những lớp thầy giảng thời các cha Dòng Tên qua đi, những lớp mới trở thành những ông thầy mà các thừa sai như cha Courtaulin phải than phiền là: “Họ không biết đủ những điều căn bản phải tin, và nhiều lần đã làm phép rửa cho con nít không thành ... có ông thay vì đọc công thức bí tích lại đọc kinh Lạy Cha, Kính mừng.”[22] Trong báo cáo gửi Bộ Truyền giáo (14/3/1693), đức giám mục Perez nói rằng “tiếc thay tất cả các thầy gỉang đều có vợ và nghèo).[23]

Trong suốt thời gian dài, ở Đàng Trong (cách riêng ở Nam kỳ), không có các thầy giảng. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, đức cha Miche muốn tổ chức một tu hội thầy giảng giống như một dòng có lời khấn. Dự án này được thực hiện năm 1874 tại Tân Định dưới hình thức một trường thầy giảng sống theo luật dòng Ba Phan Sinh. Tuy nhiên, việc chiêu sinh khó khăn nên năm 1880 bị giải thể, di chuyển về Cái Nhum. Phải chờ đến ngày 8/4/1924, dòng các thầy giảng mới được thành lập với tên gọi là “Sư huynh giáo lý Kitô giáo” (nay là Dòng Chúa Kitô Vua Cái nhum).[24] Địa phận Bắc Đàng Trong cũng không có tổ chức thầy giảng. Chính các đại chủng sinh đang thực tập ở các xứ đạo đảm nhận công việc giảng dạy các tân tòng và các dự tòng.[25]

b) Tình hình ở Đàng Ngoài thì khá hơn. Vào năm 1697, Đức giám mục De Bourges cho lập một trường đào tạo ở Kẻ Sở, do một đại chủng sinh đã học xong thần học ở Thái Lan điều khiển. Vào thời điểm ấy có khoảng 200 thầy giảng (một cách chính xác hơn, chỉ có 7 đến 8 “thầy giảng” có lời khấn; “kẻ giảng” chừng 40 đến 50; phần còn lại là những người giúp các thừa sai).[26]

Dù sao, phải nhận rằng các thầy giảng hoạt động đắc lực ở Đàng Ngoài, cách riêng ở các địa phận Đông, do Dòng Đa Minh phụ trách,[27] nhờ được gắn chặt với tổ chức Nhà Đức Chúa Trời.

B. Nhà Đức Chúa Trời ở miền Đông Đàng Ngoài


Trước khi tiếp tục, thiết tưởng nên biết qua ý nghĩa của cụm từ này. “Nhà Đức Chúa Trời” (hoặc gọi tắt “Nhà Chúa”) có một lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ Kinh thánh.

1/ Từ ngữ

– Trong Cựu ước, “Nhà Chúa” được hiểu về đền thánh Giêrusalem, nơi Thiên Chúa đã chọn làm chỗ gặp gỡ với các tín hữu. Nhiều thánh vịnh bày tỏ khát vọng được lên Nhà Chúa để chúc tụng Chúa (Tv 121,1), hoặc niềm hân hoan vì được ở trong Nhà Chúa (x. Tv 26,5): “Hạnh phúc thay ai được ở trong nhà Chúa. Một ngày ở trong nhà Chúa thì bằng ngàn ngày ở ngoài thế gian” (Tv 83,5.11).

– Sang Tân ước, “Nhà Chúa” mang thêm một ý nghĩa mới: thuật ngữ này không còn ám chỉ đền thờ Giêrusalem nhưng là Hội thánh, như ta đọc thấy ở 1Tm 3,15 (“Nếu tôi chậm trễ thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa”). Đề tài này được các giáo phụ khai triển, và đức thánh cha Bênêđictô XVI khi còn làm sinh viên đã chọn làm đề tài luận án tiến sĩ thần học tại đại học Munich năm 1954.[28] Dĩ nhiên, từ khi danh từ ecclesia được áp dụng cho nơi các tín hữu họp nhau thờ phượng Chúa (domus ecclesiae) thì “nhà thờ” cũng là “Nhà Chúa”.

– Vào thời Trung cổ, thuật ngữ “Nhà Chúa” (domus Dei) cũng còn được áp dụng cho các bệnh viện nữa. Có lẽ bởi vì vào thời đó, bệnh viện được coi không phải như một cơ sở y khoa cho bằng nơi đón nhận và săn sóc những người ốm đau bệnh tật. Công tác này không đòi hỏi kiến thức chuyên môn về y học cho bằng tinh thần hy sinh phục vụ, tôn trọng các bệnh nhân như là hiện thân của Chúa Kitô. Vì thế các trung tâm này được đặt tên là Nhà Chúa nhằm nói lên tính cách thánh thiêng của nó, một địa điểm linh thiêng không khác gì các nơi phụng tự. Vết tích của nó còn lưu lại trong tiếng Pháp Hôtel-Dieu.

– Tại Việt Nam, có giả thiết cho rằng “Nhà Chúa” là một thuật ngữ được dùng để đối lại với “nhà chùa” bên Phật giáo. Dù nguồn gốc thế nào đi nữa, ở các địa phận Đông Đàng Ngoài do Dòng Đa Minh phụ trách, “Nhà Đức Chúa Trời” được hiểu về hai thực thể tuy khác biệt nhưng liên hệ chặt chẽ với nhau.

a) Nhà Chúa được hiểu về toàn thể giáo phận, dưới quyền lãnh đạo của Đức Giám mục. Một cách chặt chẽ hơn nữa, Nhà Chúa ám chỉ khối tài sản của giáo phận đặt dưới sự điều khiển của giám mục.

b) Nhà Chúa ám chỉ khu vực cư trú của các linh mục, thầy giảng, các chủng sinh, các người giúp việc. Như vậy, một đàng “Nhà Chúa” không chỉ được hiểu về thánh đường mà cả “nhà xứ” nữa; đàng khác, tại “nhà xứ”, không chỉ có cha xứ mà còn có các cha phó, các thầy, các chú (hoặc cậu), các bõ nữa.[29]

2/ Tổ chức



Mặc dù “Nhà Đức Chúa Trời” đã được khai sinh từ các nhà Dòng Tên và được các Đại diện tông toà bổ túc, nhưng định chế này được kiện toàn tại các địa phận của Dòng Đa Minh. Dĩ nhiên, các cha Dòng Tên chưa hề có ý tưởng áp dụng thuật ngữ “Nhà Đức Chúa Trời” cho giáo phận, bởi vì hồi ấy chưa có giáo phận. Các Đức Giám mục thì có khuynh hướng chú trọng đến việc đào tạo giáo sĩ, chứ ít lưu tâm đến các thầy giảng, và chưa nghĩ đến một mô hình bao gồm các giáo sĩ, thầy giảng, chủng sinh trong một nhà. Dòng Đa Minh tái cấu trúc nhà Đức Chúa Trời dựa trên tu luật thánh Augustinô, cổ võ đời sống chung giữa hàng giáo sĩ.

Ở cấp địa phương (tại mỗi xứ), nhà Đức Chúa Trời được tổ chức theo một cơ cấu gồm 7 cấp bậc,[30] tính từ dưới lên trên như sau.

1. Các bõ ngãi, là những người giúp việc tay chân. Họ phải sống độc thân, tuy rằng các người góa vợ hoặc có gia đình cũng có thể được thâu nhận. Đúng ra, đây không phải là một bậc, nhưng được xem như là các “hiến sinh” hoặc “trợ sĩ” trong các dòng tu.

2. Các cậu là những thiếu nhi từ 10 tuổi đến 25 tuổi. Ngoài việc giúp linh mục lúc cử hành các bí tích, các cậu phải học chữ, chữ Nôm, chữ quốc ngữ, cũng như sách giáo lý và các kinh, ngõ hầu có thể xướng kinh ở nhà thờ.

3. Các học trò Latinh và Lý đoán. Từ 18 đến 20 tuổi, những cậu đạo đức khoẻ mạnh sẽ trải qua một cuộc khảo hạch về chữ Hán và chữ quốc ngữ. Nếu đậu kỳ thi này, các cậu được nhận vào trường Latinh (chủng viện).

4. Những cậu không được vào chủng viện thì đến 25 tuổi phải qua cuộc khảo hạch về các điều răn của Chúa và của Hội thánh, các bí tích. Nếu đậu thì được cấp chứng chỉ “thầy cấp ba”, hoặc Chú, đi theo các linh mục khi ban các bí tích, và được dạy giáo lý. Việc khảo hạch và bổ nhiệm các thầy giảng thuộc thẩm quyền của đức giám mục hoặc cha Chính địa phận (Vicarius generalis).

5. Đến 30 tuổi, các chú trải qua một kỳ thi lần thứ hai. Nội dung là những lý lẽ minh chứng đức tin chân thật, những lý lẽ bài bác các mê tín dị đoan. Nếu đậu thì được cấp chứng chỉ “thầy cấp hai”, hoặc Thầy cai, được phép đi giảng đạo và dạy giáo lý. Lúc này họ là “thầy giảng” chính thức, được nhận tước hiệu do giám mục ban cấp, sau khi đã tuyên xưng đức tin.

6. Sau một thời gian thi hành chức năng tốt (sau 5 hoặc 6 năm), các thầy cấp hai sẽ được phát bằng lên “thầy cấp một”, hoặc Thầy già, trong một buổi hội quan trọng vào lễ thánh Đa Minh.

7. Các linh mục

Tuy kể ra bảy cấp, nhưng có thể gom lại các thành phần làm bốn hạng chính như sau: a) Các linh mục; b) Các thầy giảng, gồm ba bậc (thầy già, thầy giảng, chú);[31] c) Các thỉnh sinh (cậu), có thể trở thành linh mục hoặc thầy giảng; d) Những người giúp việc (bõ). Con số thành viên của mỗi đơn vị có thể lên đến 20 người, được tổ chức giống như một tu viện, có khu nội vi.[32]

3/ Kỷ luật

Nhà Đức Chúa Trời được định nghĩa như là “một hiệp hội nhằm thánh hóa các phần tử và cứu rỗi các linh hồn nhờ việc giảng dạy Phúc âm”. Về bản chất pháp lý của Nhà Đức Chúa Trời, trong một phúc thư của Hồng y Van Rossum gửi giám mục Munagorri ngày 17/5/1920, Tổ chức này không được xếp vào hàng tu đoàn nhưng chỉ là hiệp hội.[33] Các thành viên (các chú, các thầy) không có lời khấn nào ràng buộc theo giáo luật; nhưng “nợ nghĩa” còn nặng hơn!

Nhà Đức Chúa Trời được điều hành bởi những quy tắc căn bản được ấn định bởi công đồng Phố Hiến năm 1670, và được bổ túc bởi những quy định kế tiếp, được đức cha Feliciano Alonso OP đã san định và ban hành năm 1790, dưới tựa đề “Lề luật anh em Nhà Đức Chúa Trời”. Qua thế kỷ XX, bản luật được sửa đổi dựa theo những quy định của công đồng Kẻ Sặt (1900) và Kẻ Sở (1912) và Bộ Giáo luật (1917).[34]

Chúng ta sẽ nghiên cứu các quy tắc này trong đoạn tiếp. Chỉ cần biết rằng tất cả các địa phận của Dòng Đa Minh đều giữ một quy luật như nhau; hơn thế nữa, khi một thầy giảng thuộc một địa phận qua đời, thì tất cả ba địa phận đều dâng lễ cầu nguyện như là phần tử của địa phận mình.[35]

C. Những biến chuyển trong thế kỷ XX


Hai định chế đặc thù của đời tu trì Việt Nam đã trải qua những thay đổi quan trọng trong thế kỷ XX. Một đàng, về phía Giáo hội, là những nỗ lực cải tổ canh tân; Đàng khác, là thời cuộc đưa đến sự tan rã.

1/ Những nỗ lực cải tổ hồi đầu thế kỷ

Từ cuối thế kỷ XIX, Giáo hội Việt Nam được hưởng một thời kỳ tương đối an bình, nên có thể tổ chức các cơ sở đào tạo nhân sự. Các công đồng địa phương cũng đề ra những đường hướng để góp phần vào việc canh tân. Trong số những công đồng này, đáng để ý hơn cả là Công nghị (synodus regionalis) dành cho các địa phận miền Bắc (họp tại Kẻ Sặt năm 1900) và Công đồng (concilium) toàn miền Đông Dương (họp tại Hà Nội năm 1934). Chúng tôi chỉ ghi nhận những quyết nghị liên quan đến các thầy giảng và Nhà Đức Chúa Trời chứ không đề cập đến các linh mục và chủng viện.

a) Công nghị Kẻ Sặt quy tụ tất cả các đại diện tông toà miền Bắc (6 giám mục) họp từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 9/3/1900. Bản văn được Bộ Truyền giáo phê chuẩn ngày 28/3/1905,[36] gồm bốn phần (tituli): 1/ Nhân sự. 2/ Về sự việc. 3/ Việc cử hành các bí tích. 4/ Việc quản trị các xứ đạo. Những điều liên quan đến các vấn đề của chúng ta được bàn trong phần thứ nhất, đoạn Ba (Các thầy kẻ giảng), đoạn Bốn (Người Nhà Đức Chúa Trời), đoạn 5 (Nhà Tràng), đoạn 6 (Mọi người trong Nhà Đức Chúa Trời phải để mọi sự làm của chung).

– Về các thầy giảng. Chức năng của các thầy được mô tả như là trợ giúp các linh mục, trong việc giảng dạy những người có đạo hoặc ngoại đạo, thăm viếng các xứ đạo, chuẩn bị cho các tín hữu lãnh nhận các bí tích. Các thầy giảng được đào tạo từ Nhà Đức Chúa Trời. Sau khi được huấn luyện,[37] họ phải được khảo hạch, rồi cấp bằng làm kẻ giảng hoặc thầy giảng. Những người đã lập gia đình có thể được trao việc giảng dạy giáo lý nhưng không được gọi là “kẻ giảng”. Các thầy giảng có thể bị trục xuất vì kỷ luật.

– Nhà Đức Chúa Trời cũng là nơi tuyển mộ các chủng sinh. Tuổi thâu nhận từ 12 đến 16. Nên chọn những em thông minh, con nhà gia giáo. Không được nhận những em mới theo đạo, con một trong gia đình, con ngoại hôn. Các em phải trải qua một thời gian 6 tháng để thử nghịêm, sau đó mới đăng ký. Trong thời gian ở Nhà Đức Chúa Trời, các em sẽ tập sống chung, thực hành các các nhân đức, học sách kinh và học chữ Nho. Đến 18 tuổi, những em xuất sắc sẽ được tuyển vào chủng viện (nhà tràng).

– Cách riêng ở đoạn 6, công nghị nhấn mạnh đến điều 10 của công nghị năm 1670 về việc đặt tất cả mọi tài sản làm của chung. Tục lệ đã được Bộ Truyền giáo ca ngợi khi giới thiệu với các giám mục bên Trung quốc (18/10/1883),[38] Vì thế công nghị khẳng định rằng: “Tất cả mọi của cải, từ đức giám mục cho đến các linh mục, các thầy giảng các cấp, đều là của chung địa phận”

b) Công đồng Đông Dương 1934. Đây là công đồng quan trọng nhất được cử hành tại Việt Nam, được triệu tập và chủ tọa bởi Khâm sứ Toà thánh, đức cha Columbanus Dreyer OFM, Khâm sứ Tòa Thánh, họp từ ngày 16 tháng 11 đến ngày 06/12/1934, tại Hà Nội, quy tụ 20 vị đại diện tông toà của các giáo phận Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, 5 bề trên dòng Tòa thánh, 21 chuyên viên (10 Pháp, 7 Việt Nam, 3 Tây Ban Nha và 1 Thái Lan). Bản văn được ban hành ngày 8/10/1938[39], gồm 426 số, chia làm 5 quyển: 1/ Nhân sự và chức vụ. 2/ Việc đào tạo các giáo sĩ địa phương. 3/ Các bí tích và việc phụng tự. 4/ Việc bảo vệ và truyền bá đức tin. 5/ Tài sản. Trong quyển I, công đồng dành chương 6 cho các tu sĩ và chương 7 cho các thầy giảng. Công đồng không đả động gì đến Nhà Đức Chúa Trời, và tuyên bố giữ nguyên trạng.[40]

– Bàn về các tu sĩ, công đồng thúc đẩy việc cải tổ các nhà Mến Thánh Giá và nữ Đa Minh thành Hội dòng giáo phận (điều 111-119).

– Về các thầy giảng, công đồng mong muốn có những quy luật (Kim chỉ nam) về những điều kiện thu nhận cũng như về việc đào tạo và hoạt động (điều 113). Các thầy giảng trẻ tuổi (tựa như các chủng sinh đi thực tập) không được dạy các trẻ nữ riêng rẽ (điều 114).

– Công đồng khuyến khích việc thành lập trường đào tạo các thầy giảng, và thành lập hội dòng thuộc luật giáo phận đã bắt đầu thực hiện ở vài nơi (điều 115).

– Cho phép thâu nhận những người có gia đình làm thầy giảng, chiếu theo Huấn thị của Bộ Truyền giáo năm 1925 (điều 117).

– Có thể chấp nhận các phụ nữ dạy giáo lý cho các nữ giới. Những người này (cách riêng các nữ tu Mến Thánh Giá và Đa Minh) có thể được cấp chứng nhận “Bà Thầy” - magistra (điều 118-119).

c) Việc thực thi

Có lẽ trong phạm vi ơn gọi tu trì nam giới ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là sự thành hình các “dòng thầy giảng” mà công đồng Đông dương đề cập ở điều 115:

– Dòng Thầy giảng Cái Nhum (Vĩnh Long), được thành lập 1870, tái lập 1882, được công nhận 24/1/1924 như là “Sư huynh Giáo lý Công giáo”; năm 1940 đổi tên thành Dòng Sư huynh Chúa Kitô Vua.

– Dòng Sư huynh Thánh Tâm thành lập tại Huế ngày 9/10/1925 do đức cha Eugène Allys.

– Dòng Tiểu đệ thánh Giuse bắt nguồn từ trường các thầy giảng Qui Nhơn năm 1902, và được nâng lên dòng tu từ tháng 11 năm 1926.

– Dòng Sư huynh Thánh gia (Tu huynh Giảng viên Giáo lý Thánh gia Ba Nam) nguyên là hội thầy giảng của cha Pianet (1906) được lập thành tu hội ở Ba Nam (Campuchia) năm 1931.

Nên lưu ý là với việc tổ chức thành hội dòng, các hoạt động của các sư huynh dồn vào việc dạy học ở các trường hơn là đi giảng ở các giáo xứ.

2/ Những biến đổi do thời cuộc

a) Công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội năm 1934, với nhiều quyết định canh tân quan trọng. Tiếc rằng việc thực thi gặp nhiều khó khăn do tình thế chính trị, bắt đầu với cuộc thế chiến thứ hai (1939-45), tiếp theo là cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp (1945-54), dẫn đến hiệp ước đình chiến ký tại Genève, phân chia nước Việt Nam thành hai miền. Những hoạt động của các nhà Đức Chúa Trời tại miền Bắc coi như bị giải tán.[41] Một số địa phận tìm cách tái lập hội thầy giảng ở miền Nam, nhưng không được thành công lắm, chẳng hạn như: Tu đoàn giáo sĩ Nhà Chúa (Thái Bình) do cha Vũ Khoa Cử năm 1955, Tu hội Đắc Lộ (Bùi Chu) do cha Vũ Khánh Tường 1957.

b) Một biến cố khác làm biến dạng các dòng thầy giảng là sự thống nhất Việt Nam dưới chủ nghĩa xã hội năm 1975. Các trường học đều bị quốc hữu hóa. Các “sư huynh” (cũng như nhiều nữ tu) mất môi trường hoạt động tông đồ, khiến họ phải chuyển hướng sang hàng giáo sĩ (chẳng hạn Dòng Thánh Giuse Nha Trang, Dòng Thánh Tâm Huế).

3/ Hướng đi mới của Giáo hội

Ngoài ra, nhiều sự thay đổi quan trọng trong Giáo hội Công giáo vào hậu bán thế kỷ XX, đặc biệt do ảnh hưởng của công đồng Vaticanô II.

– Các giáo dân được mời gọi tham dự vào hoạt động tông đồ dưới nhiều hình thức, hoặc qua những hiệp hội do chính họ thành lập (chẳng hạn Legio Mariae) hoặc dưới hình thức hợp tác với hàng giáo phẩm. Trong mô hình này, cần phải nhắc đến các “giáo lý viên” cũng như các “hội đồng mục vụ” ở cấp giáo xứ hoặc giáo phận.

– Đời tu trì mang nhiều hình thức mới: các tu hội đời, các tu đoàn tông đồ. Riêng tại Việt Nam, không kể rất nhiều dòng (nam nữ) với nguồn gốc từ nước ngoài, còn có nhiều dòng (tu hội) được thành lập với nhiều đặc sủng đa dạng, chứ không còn dưới một hình thức là “thầy giảng” hoặc “nhà Đức Chúa Trời” như trước đây.

III. Vài nhận xét


Bài này tìm hiểu vài nét đặc trưng của đời tu trì Kitô giáo ở Việt Nam vào ban đầu điển hình nơi hai thể chế “Thầy giảng” và “Nhà Đức Chúa Trời”. Chúng ta không bàn đến các tu sĩ người Việt ở các dòng nước ngoài. Chúng ta cũng không bàn đến các dòng tu ra đời ở Việt Nam trong thế kỷ XX, chẳng hạn như dòng Phước Sơn (1918, được châu phê năm 1920), dòng Đồng công (thành lập năm 1948).

Chúng tôi xin ghi nhận vài nhận xét thay cho kết luận.

A. Sự tiến triển của hai thể chế “thầy giảng” và “Nhà Đức Chúa Trời”.


1/ Các thầy giảng với lời khấn

Chúng ta có thể nói rằng các thầy giảng là hình thức nguyên thuỷ của đời tu trì ở Việt Nam. Thực ra, các thầy giảng (catechista) đã xuất hiện ở nhiều vùng truyền giáo. Họ là những giáo dân địa phương được mời gọi cộng tác với các thừa sai vào công cuộc loan báo Tin Mừng, qua việc giảng dạy giáo lý và hướng dẫn kinh nguyện tại các xứ đạo. Điều mới mẻ ở Việt Nam là các thầy giảng là những người độc thân và sống chung với các thừa sai, và đặc biệt là họ có lời khấn (mặc dù đó không được giáo luật nhìn nhận như là lời khấn dòng). Chắc hẳn cha Đắc Lộ không hề có ý định thành lập một “tu hội thầy giảng”, nhưng vô tình các thầy giảng trở thành người nhà tu, mở đầu một hình thức tu trì mới ở Việt Nam.

2/ Nhà Đức Chúa Trời với nếp sống cộng đoàn

Các thầy giảng không chỉ là người giúp việc các nhà truyền giáo, nhưng họ sống trong cộng đoàn. Dần dần, tổ chức “nhà Đức Chúa Trời” được thành hình. Quan niệm “Nhà Đức Chúa Trời” tiến triển theo dòng thời gian. Vào lúc đầu, nó chỉ có nghĩa là “nhà thầy”, nghĩa là “nhà ở của thầy” (nghĩa là nhà của vị thừa sai). Dần dần, nó được mở rộng và hàm ngụ hai nghĩa:

a) Tất cả địa phận là “Nhà Đức Chúa Trời”, bao gồm tất cả những người đã dâng mình cho Chúa, từ giám mục cho đến các ứng sinh làm linh mục hoặc thầy giảng.[42] Nghĩa này được hiểu cách riêng về việc để mọi tài sản làm của chung. “Nhà Đức Chúa Trời” và “Nhà Chung” là một.

b) Theo một nghĩa hẹp hơn, “Nhà Đức Chúa Trời” ám chỉ nhà xứ, họp bởi linh mục, các thầy giảng, các chú, các cậu, các bõ. Dĩ nhiên, ở đây cũng là “nhà chung”, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến đời sống chung, giống như một tu viện, giữ luật nội vi, tách rời khỏi khu vực người đời.

3. Chúng ta thấy có sự tiến triển trong cách tổ chức đời tu trì nam giới ở Việt Nam.

a) Thời cha Đắc Lộ, các thầy giảng là những người cộng tác của các nhà truyền giáo. Họ được xếp thành các cấp bậc dựa theo tổ chức các cha Dòng Tên: novitii, scholastici, professi.

b) Các vị Đại diện Tông toà đã tuyển chọn một số thầy giảng làm linh mục. Tuy rằng những ứng viên linh mục cần được đào tạo tại các chủng viện, nhưng vì thời cuộc, cho nên xem ra các thầy giảng và linh mục cũng được đào tạo như nhau. Mặt khác, xem ra các giám mục quan tâm đến việc tuyển lựa giáo sĩ hơn là đào tạo thầy giảng, bởi vì tại nhiều địa phận, cách riêng là ở Đàng Trong, thể chế các thầy giảng hầu như biến mất[43].

c) Các địa phận của Dòng Đa Minh đã kết hợp thể chế thầy giảng của Dòng Tên và thể chế linh mục của các Đại diện tông toà, và kiện toàn thành tổ chức Nhà Đức Chúa Trời. Như vừa nói trên, Nhà Đức Chúa Trời mang hai nghĩa:

– Thứ nhất là toàn thể địa phận là Nhà Đức Chúa Trời, bao gồm tất cả những người dâng mình cho Chúa, kể cả giám mục.

– Thứ hai là “nhà xứ”, hoặc nói chính xác, “khu vực của nhà cha xứ”. Khu vực này được tổ chức như một nhà dòng, có đời sống chung và có nội vi.

Nhà Đức Chúa Trời (hiểu theo nghĩa thứ hai) là một trường đào tạo những người phục vụ Nhà Chúa. Các mầm ơn gọi được đón nhận từ tuổi thiếu nhi (12 tuổi), rồi sẽ được huấn luyện và gửi về chủng viện học làm linh mục, hoặc được đào tạo làm thầy giảng. Các thầy giảng gồm nhiều cấp bậc: kẻ giảng / thầy giảng; hoặc chú / thầy cai / thầy già. Thêm vào đó, đôi khi các chủng sinh đi thực tập cũng được kể vào số “thầy giảng”.

B. Mô hình tổ chức Nhà Đức Chúa Trời


Nhà Đức Chúa Trời được tổ chức dựa theo mô hình nào? Thiết tưởng có thể vạch ra hai mô hình: một mô hình lấy từ văn hóa Việt Nam và một mô hình dựa theo lịch sử đời tu Kitô giáo.

1/ Mô hình văn hóa Việt Nam

Nhà Đức Chúa Trời là một kết quả của công cuộc hội nhập văn hóa.

a) Nhiều tác giả không ngần ngại móc nối mô hình “Nhà Chúa” với “nhà chùa” để ám chỉ cộng đồng tu trì.[44] Hơn thế nữa các bậc của Nhà Chúa cũng họa lại cơ cấu nhà chùa, gồm có: bõ, cậu, chú, thầy (sư). Sư cụ là bậc thầy cao nhất. Bên Kitô giáo cũng vậy. Nên lưu ý là trong Nhà Chúa, cấp bậc cao nhất không phải là “cha” mà là “thầy cả”[45] (linh mục) và “đức thầy” (giám mục). Như vậy, “Thầy” là danh xưng cao nhất trong nhà Đức Chúa Trời. Không phải cứ đi tu là đương nhiên làm thầy. Cha Đắc Lộ đã phân biệt “kẻ giảng” và “thầy giảng”. “Thầy giảng” ở dưới “thầy cả”; nhưng không thể nào tưởng tượng rằng “thầy” mà lại lên làm “cha”, bởi vì trái với trật tự xã hội “quân-sư-phụ”.

b) Tuy nhiên, bên cạnh các danh xưng chức vị, thiết tưởng không nên bỏ qua tinh thần gia đình của Nhà Đức Chúa Trời, biểu lộ qua các từ “Nhà” (nhà Chúa, nhà chung, nhà thầy), và “Dòng”. Thật là đáng khâm phục khi thế hệ Kitô-hữu đầu tiên sang Việt Nam đã muốn trình bày giáo hội như một gia đình. Hội thánh gồm bởi các các họ (họ đạo) và các dòng. Cha Đỗ Quang Chính bình luận:

Trong tiếng Latinh và nhiều tiếng châu Âu, tổ chức Dòng tu được gọi là Ordo, Congregatio, Institutum, Societas, Compagnia, vv... đều có nghĩa tổng quát là hội lại, họp lại. Nhưng trong tiếng Việt, Dòng lại có nghĩa là dòng họ, dòng tộc, hiểu là có ông bà tổ tiên, con cháu. Vị sáng lập Dòng tu là ông tổ thiết lập một lối tu trì với đặc sủng, linh đạo, tinh thần và lề luật khác với các Dòng khác, mặc dù các Dòng đều cùng truyền thống trong Giáo hội. Như thế, khi nói đến Dòng trong tiếng Việt, thì nhắc nhớ ngay đó là dòng họ nào, vị sáng lập là ai, tinh thần và đường hướng của đấng sáng lập đã được thể hiện, được hoà quyện trong tổ chức của Dòng đó. Trong khi tiếng Ordo, Congregatio, Societas ... xem ra nặng nề về cơ cấu tổ chức, luật lệ ... dùng từ ngữ Dòng làm nổi bật tính cách dòng tộc, họ hàng, dường như có mối dây huyết nhục thắt chặt các phần tử trong Dòng.[46]

2/ Mô hình lịch sử đời tu Kitô giáo

Trong Giáo hội ngày nay, người ta nói đến ba hàng ngũ: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Đâu là sự khác biệt giữa các giáo sĩ và các tu sĩ? Đối với người Việt, cả hai đều thuộc về giới tu trì, bởi vì cả hai đều là những người đi tu; thế nhưng các linh mục không phải là tu sĩ. Thật khó hiểu! Người ta quen giải thích rằng các linh mục không có ba lời khấn, vì thế không phải là tu sĩ. Nhưng trả lời như vậy thì không đúng.

Thực ra lịch sử của sự phân biệt hai hàng ngũ không đơn giản như người ta tưởng. Ở thời nào cũng có hai khuynh hướng “giáo sĩ hóa” các đan sĩ và “đan sĩ hoá” các giáo sĩ.[47]

Vào buổi khai sinh đời đan tu trên sa mạc ở thế kỷ IV, các đan sĩ không phải là giáo sĩ; dần dần các đan sĩ trở thành giáo sĩ không chỉ vì cần có linh mục để chủ sự các nghi thức phụng vụ, nhưng nhất là để đáp ứng các nhu cầu mục vụ và truyền giáo. Đồng thời, cũng vào thế kỷ IV, có những giám mục tổ chức các linh mục thành đan viện, chẳng hạn như thánh Augustinô (với bản luật dành cho một monasterium clericorum), thánh Martinô, thánh Eusêbiô. Vào thời Trung cổ, các dự án cải tổ hàng giáo sĩ đều bao hàm việc bắt buộc các linh mục giữ đời sống chung và tuân giữ một bản luật; vết tích còn lại nơi các canonici regulares mà thánh Đa Minh là một thành phần trước khi sáng lập dòng Anh em Giảng thuyết. Vào thời cận đại, các dòng tu (clerici regulares) và tu đoàn (chẳng hạn như Oratoires, Xuân Bích) ra đời cũng nhằm cổ võ sự thánh thiện của hàng giáo sĩ nhờ đời sống chung.

Chắc hẳn đức cha Lambert de la Motte cũng chịu ảnh hưởng bởi lý tưởng đó. Ngài định lập một “Dòng tông đồ”, nhưng không thành. Tuy vậy, tại công nghị Phố Hiến năm 1670, khi quyết định cổ võ việc để chung tài sản, ắt hẳn ngài đã được thúc đẩy bởi lý tưởng đó. Điều chắc chắn là các cha Dòng Đa Minh đã quan niệm tổ chức Nhà Chung theo tinh thần của luật thánh Augustinô, và nói cho cùng, dựa trên lý tưởng của cộng đoàn Hội thánh tiên khởi ở Giêrusalem, được sách Tông đồ công vụ kể lại (2, 44-45; 4,32-34).[48]

C. Quá khứ và tương lai


Để kết luận, chúng ta thử hỏi: hai thể chế “thầy giảng” và “Nhà Đức Chúa Trời” đã đóng góp gì cho đời tu trì ở Việt Nam trong quá khứ? Các tổ chức còn mang tính thời sự nữa không?

1. Nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể nói rằng hai thể chế vừa nói đã tạo ra một linh đạo đặc thù ở Việt Nam, đó là chiều kích truyền giáo của đời tu trì. Trong lịch sử, các thế hệ đan tu đầu tiên đi tìm Chúa, rồi dần dần mới hướng về hoạt động tông đồ. Ở Việt Nam, tổ chức các thầy giảng hướng về hoạt động truyền giáo ngay từ lúc ban đầu. (Điều này cũng nói được cho các nữ tu Mến Thánh Giá).

2. Cách riêng, tổ chức Nhà Đức Chúa Trời (tại các địa phận Dòng Đa Minh) còn góp phần vào việc giới thiệu Giáo hội như là “dòng tu”. Tất cả các giáo sĩ và tu sĩ đều là phần tử của một “dòng” rộng lớn (là giáo phận), được phân phối trong các “nhà dòng” (các nhà xứ). Không có sự phân biệt giữa giáo sĩ và tu sĩ, bởi vì tất cả đều là những người đã dâng mình cho Chúa. Ở Việt Nam, đi vào nhà dòng hay đi vào chủng viện cũng là “đi tu”!

3. Hình thức Nhà Đức Chúa Trời ngày nay không tồn tại nữa. Hình thức “thầy giảng” như cộng sự viên của linh mục cũng vậy. Có lẽ chẳng còn ai muốn khôi phục nữa. (Đây là sự khác biệt với Dòng Mến Thánh Giá, vẫn tồn tại và phát triển). Catechista trở thành “giáo lý viên.”[49] Tuy vậy, “thần học” về Nhà Đức Chúa Trời vẫn còn là một lý tưởng mà công đồng Vaticanô II theo đuổi. Chúng tôi muốn lưu ý đến hai điểm:

a) Thần học về giáo phận như là “giáo hội địa phương”, chứ không chỉ là một đơn vị hành chánh.[50]

b) Sự hiệp thông của các linh mục trong linh mục đoàn (presbyterium) cần được cổ võ qua đời sống chung, hoạ lại apostolica vivendi forma.[51]

Nói cách khác, tổ chức Nhà Đức Chúa Trời vẫn còn tính cách thời sự, chứ không phải là một món đồ cổ thuộc quá khứ.

Sách tham khảo

  1. Bùi Đức Sinh (BĐS), Giáo hội Công giáo ở Việt Nam. Quyển Một (Phần I. Thế kỷ 16-17; Phần II. Thế kỷ 18). Quyển Hai (Phần III. Thế kỷ 19). Quyển Ba (Phần IV. Thế kỷ 20 đến năm 1974). Calgary 2002.
  2. Đỗ Quang Chính (ĐQC), Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2008 (ĐQC). ID. Dòng Mến Thánh giá. Những năm đầu, NXB Tôn giáo 2008.
  3. Trương Bá Cần (TBC), Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam. Tập I. Thời kỳ khai phá và hình thành (từ khởi thuỷ cho tới cuối thế kỷ 18), Tập II. Thời kỳ thử thách và phát triển (từ đầu thế kỷ 19 đến mùa thu 1945). NXB Tôn giáo Hà Nội 2008. (TBC)
  4. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, NXB Hiện Tại, Sài Gòn 1959.
  5. Lâm Quang Trọng, Les origines du clergé vietnamien, Tinh Việt, Sài Gòn 1959.
  6. Agnellus Vu Van Dinh OFM, De fontibus iuris ecclesiastici missionis Vietnamiensis, Edizioni Francescane, Roma 1964.

* Các nguồn thường được các tác giả trưng dẫn

  1. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, 1658-1823. Documents historiques, 3 vol., Paris 1923-1925. Histoire de la Mission du Tonkin. Documents historiques I, Paris 1927.
  2. Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, Paris 1653. Histoire du royaume de Tonkin, Lyon 1651. Relation des progrez de la Foy au Royaume de la Cochinchine, Paris 1952.

* Nhà Đức Chúa Trời tại các địa phận Dòng Đa Minh

  1. Datos y fundamentos en que se apoyan los derechos que tiene la Provincia del Ssmo Rosario de Filipinas de la Orden de Predicadores a las Misiones del Tunquino oriental y central. Organizacion, gobierno y metodo de vida comun que se observa en los colegios, casas y residencias que le pertenecen, que vulgarmente se llaman la Casa de Dios, Manila 1877.
  2. [Garcia Moreno], Sử ký địa phận Trung, Phú nhai đường 1916.
  3. Directorio del misionero dominico de Tunquin, Phú Nhai Đường 1931.

* Luận án tiến sĩ

  1. Giuse Nguyễn Viết Cư, De institutione domus Dei in missionibus Tonchini, (Đại học Gregoriana) Roma 1954 .
  2. Phạm Quốc Sử, La Maison de Dieu, une organization des catéchistes au Viet Nam, (Đai học Urbaniana) Roma 1975.

[1] Viết tắt: ĐQC; BĐS; TBC.
[2] Tu sĩ Việt Nam đầu tiên dòng Phan Sinh là thầy Antôn, khấn dòng tại Macao khoảng năm 1582, và sau đó trở về hoạt động truyền giáo ở miền Bắc. X. TBC I, trang 29, trích dẫn Van der Wyngaert, Sinica Franciscana, II, p.67. Thành viên đầu tiên Dòng Tên là một tu huynh, gia nhập dòng năm 1640. X. ĐQC 525.
[3] A. Seumois, Catechist, Missionary, in: New Catholic Encyclopedia (1967), vol. III, p.235-237
[4] BĐS 105, trưng dẫn Bartoli, Istoria della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina, Roma 1631, Q.V, trang 92-94. TBC I, 53 còn trưng dẫn thêm: Vũ Khánh Tường, Les missions jésuites avant les missions étrangères au Viet Nam (1615-1665), Luận án tiến sĩ thần học tại Paris 1956, trang 89.
[5] ĐQC 148-149. Xem TBC I, 189, trích dẫn Rhodes, Histoire du royaume du Tonkin, trang 255-256.
[6] ĐQC 95, thuật theo Rhodes, Divers voyages, trang 161. Tuy nhiên ở Đàng Ngoài, từ năm 1630, cha D’Amaral đã nhận cho các thầy khấn khiết tịnh trọn đời. ĐQC 506.
[7] ĐQC 97, thuật theo Rhodes, Relation des progrès, trang 19.
[8] ĐQC 498-516, trích dẫn: G. D’Amaral, Relaçam dos catequistas da Christiandade de Tunk. e seu modo de proceder (viết ngày 16/3/1637 tại Kẻ Chợ).
[9] Tuy nhiên, cha Marini (Delle Missioni de’ Padri della Compagnia di Gesu nella provincia del Giappone, e particolarmente di quella di Tunchino, Roma 1663) chỉ còn ghi ba bậc: novitii, scholastici, magistri. X. ĐQC 511.
[10] ĐQC 509 dịch bản văn kể trên của D’Amaral.
[11] ĐQC 96; 512-516.
[12] TBC I, 191, chú thích số 49, dẫn theo Vũ Khánh Tường, Les Missions jésuites avant les Missions ẻtrangères au Viet nam, trang 380.
[13] Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá. Những năm đầu, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2008, 32-37. Xem thêm BĐS 240; 244-245.
[14] Cha Ferreyra SJ (tường trình năm 1676) đã báo động tình hình kém cỏi của các “cha mới” như sau: Ngày lễ Phục sinh mà lại làm lễ Requiem, rồi cuối lễ đọc Requiescat in pace Alleluia (thay vì Amen). Corpus Domini (Mình Thánh Chúa) thì đọc ra Porcus Domini (con lợn của Chúa). Cha Fuciti đặt nghi vấn về sự thành hiệu các bí tích, bởi vì các linh mục Việt đọc sai công thức bí tích, thí dụ Ego asono, asolo (thay vì absolvo); Ego batino, batizo (thay vì baptizo). X. ĐQC 336. Dù sao, cũng cần biết là trước đó các tân linh mục người Việt đã viết thư lên Bộ Truyền giáo (năm 1671) tố cáo cha Fuciti ngăn cản họ thi hành chức năng: xem nguyên văn lá thư trong ĐQC 331-335.
[15] Cha Mật qua đời năm 1684 (thọ 84 tuổi). Cha Quế qua đời năm 1686 (75 tuổi). Cha Nhân qua đời năm 1672 (mới 2 năm linh mục). Cha Kiên qua đời năm 1692 (82 tuổi). Cha Chiêu qua đời năm 1683 (60 tuổi). Cha Trụ qua đời năm 1692 (68 tuổi). Cha Trị qua đời năm 1705 (66 tuổi).
[16] Đức cha Louis Neez, Documents sur le clergé tonkinois au XVII et au XVIII siècles (Hàng giáo sĩ Bắc kỳ thế kỷ 17 và 18) Trong bút ký (biên soạn vào những năm 1754-1764), tác giả ghi tiểu sử của 51 thầy giảng đầu tiên được thụ phong trong khoảng năm 1666 đến 1761, hoặc ở Xiêm hoặc ở trong nước tại Đàng Ngoài. Đỗ Hữu Nghiêm, Quá trình đào tạo chủng sinh giáo phận Hà Nội (tài liệu viết tay, Gò vấp 2002, trang 3) trưng dẫn nghiên cứu của Alain Forest (Les missionnaires francais au Tonkin et au Siam. XVII - XVIII siècles, p.122-123) cho biết từ năm 1668 đến 1754 có 69 thầy giảng Việt Nam thụ phong linh mục, trong số này chỉ có 18 vị được đào tạo ở Xiêm, số còn lại được huấn luyện ngay tại Đàng Ngoài; tuổi trung bình khi làm linh mục là ngoài 40 (chính xác là 40, 44). Xem thêm: Nguyễn Hữu Trọng, Les origines du clergé Vietnamien, Saigon 1959.
[17] Trong tông hiến Speculatores domus Israel (ngày 13-9-1669), đức thánh cha Clêmentê IX tuyên bố rằng lời khấn vâng lời của các thầy giảng đối với các cha Dòng Tên không ngăn trở các thầy vâng phục các Đại diện Tông toà. Thực ra lời khấn của các thầy giảng chỉ là lời thề (iuramentum). X. Vũ Văn Đình, De fontibus iuris particularibus ecclesiastici missionis Vietnamiensis, Ed. Francescane, Roma 1974, p.187.
[18] X. A. Launay, Histoire de la Mission du Tonkin, Documents historiques I, Paris 1927, 95.
[19] BĐS I, 294-295, dẫn theo A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine I, 272.
[20] X. Lê Ngọc Bích, Nhân vật Công giáo Việt Nam, tập I, trang 267-317. Nên biết là chủng viện bao gồm cả tiểu chủng viện và đại chủng viện. Vì lãnh thổ quá rộng, nên đôi khi một địa phận phải thiết lập chủng viện ở hai nơi (chẳng hạn: Hà Nội và Nghệ An).
[21] Theo TBC I, 526, Dòng Tên không có tu sĩ người Việt nào ở Đàng Trong. Tuy nhiên, danh sách của ĐQC (trang 525) liệt kê 6 trong số 33 vị.
[22] BĐS I, 320.
[23] TBC I, 233 trích dẫn Launay, Cochinchine I, 394.
[24] TBC II, 329-330.
[25] TBC II, 423.
[26] TBC I, 405 trích dẫn Launay, Tonkin 459.
[27] Dòng Đa Minh thuộc tỉnh dòng Mân côi Phi luật tân được mời sang cộng tác với các vị Đại diện tông toà ở miền Đông Đàng Ngoài từ năm 1676, và được trao việc quản trị miền này từ năm 1757.
[28] Volk und Haus Gottes in Augustins Lehre von der Kirche, Munchen 1954 (Dân Chúa và Nhà Chúa trong tư tưởng thánh Augustinô về Hội thánh).
[29] X. [Garcia Moreno], Sử ký địa phận Trung, Phú nhai đường 1916, trang 230: “Nhà Đức Chúa Lời là khắp hết các nhà xứ về địa phận, mà mỗi một nhà xứ, là như một phần riêng về giót cả một sự chung, là Nhà Đức Chúa Lời”
[30] Sách đã dẫn trang 230-234. Xem thêm “Tường trình về địa phận Đông năm 1804", trong: Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh 2013, trang 468-469.
[31] Năm 1883, địa phận Đông (Hải Phòng) có 6 thầy giảng bậc I, 28 thầy giảng bậc II, 40 thầy giảng bậc III; năm 1915, con số của ba bậc là: 15 - 53 - 55. (TBC II, 629). Địa phận Bắc (Bắc Ninh) có 5 thầy giảng bậc I, 9 thầy bậc II và 36 thầy bậc III; năm 1915, con số của ba bậc là: 17 - 53 - 25 (TBC II, 678). Địa phận Trung có 231 thầy giảng vào năm 1884, 285 vào năm 1908 (TBC II, 655).
[32] Đinh Đồng Phương, Giáo phận Bắc Ninh, Sàigòn 1991, trang 213. Về kỷ luật, tác giả ghi lại vài quyết định của Đức cha Hoàng Văn Đoàn trong thư luân lưu tháng 12 năm 1951: “Thầy cả nào tiếp phụ nữ trong buồng ngủ thì lập tức mắc vạ suspensio a divinis. Thầy cả nào chơi cờ bạc chẳng kỳ cách nào, khi có tiến thì cũng mắc vạ suspensio a divinis. Nếu thầy cả nào uống rượu say, thì mắc vạ suspensio a divinis” (trang 217-218).
[33] “Jamvero haec Domus Dei non videtur esse societas, in qua sodales vivendi rationem religiosorum imitentur; proinde canone 673 et sequentibus non regitur; potius iis associationibus adnumeranda est de quibus in can.684 et seq.” Directorio del misionero dominico de Tunquin, Phú Nhai Đường 1931, trang 121.
[34] Directorio, trang 122-123.
[35] Sử ký địa phận Trung, trang 230.
[36] Acta et decreta Primae regionialis Synodi Tunquinensis habitae A.D. 1900, Ke so 1905. Bản dịch tiếng Việt: Công đồng hội lần thứ nhất, miền Bắc kỳ (Đàng Ngoài trong nước Annam) năm 1900. In lần thứ 2, Kẻ Sở 1915.
[37] Nên biết là các trường huấn luyện thầy giảng ở cấp địa phận mới được thành lập trong thế kỷ XX: Trung Linh (Bùi Chu) năm 1912 (TBC II, 655); Ba Đông (Hải phòng) năm 1913 (TBC II,629). Bắc Ninh không có trường thầy giảng (TBC II, 677). Ngoài ra một số thầy giảng được đào tạo ở các chủng viện: họ đã được nhận làm chủng sinh rồi, nhưng vì lý do nào đó họ không thể lãnh chức thánh, vì thế họ trở về làm thầy giảng (TBC II, 655). Cũng cần nhắc đến Trường Cuenot được thành lập ở Quy Nhơn năm 1906, nhằm đào tạo các thầy giảng (giáo phu) cho các họ đạo Kontum. Theo phúc trình của đức giám mục Tardieu năm 1932 (năm thành lập địa phận Kontum), các giáo phu (150) phần lớn đều có gia đình (TBC II, 410).
[38] “Certe ambigi non potest singulari elogio dignos se praebuisse et esse habendos illos Vicarios Apostolicos qui in regionibus Extremi Orientis vitam, ut aiunt, communem in clerum invexerunt. Ita, prae caeteris, inter Tunquinenses missionarios summa cum laude factum est, cum institutione Domorum Dei, quae vocantur, sanctissimi Praesules disciplinam Missionariorum ac maxime indigenarum eo exitu corroboraverrunt, qui in assiduis et atrocissimis persecutionibus manifeste in Martyrum ac Confesssorum fortitudine, ac haec usque tempora enituit. Quod plane propositum S. Congregatio numquam satis sese commendare posse arbitratur, pro iis locis, in quibus locorum adiuncta hanc disciplinae rationem adhiberi pemittant”. Collectanea SCPF (1907) II, 191, n.1606, §V, 2, được trích dẫn trong: Agnellus Vu Van Dinh OFM, De fontibus iuris ecclesiastici missionis Vietnamiensis, Edizioni Francescane, Roma 1964, p.197.
[39] Primum Concilium Indosinense anno 1934 a die 18 novembris ad diem 6 decembris in ecclesia Pro-cathedrali de Hanoi celebratum, Imprimerie Trung Hoa, Hanoi 1938.
[40] Monita II, n.4: “Quae autem pro Domo Dei in Tonkino statuta et a S.C. de Prop. Fide approbata sunt litteris datis 27 Martii 1929, integra et immutata manent prout promulgata fuerunt die 15 iunii eiusdem anni pro cunctis missionibus circumscriptionis Tonkinensis”. Op.cit, p. 32.
[41] ĐQC 519..
[42] Công đồng Kẻ Sặt năm 1900 tái khẳng định: “Những người thuộc về nhà Đức Chúa Lời là các đấng Vítvồ, các thày cả missionariô, các thày cả bản cuốc, các kẻ có chức trong thánh Yghêrêgia, các kẻ giảng và các kẻ khác, dù ở bậc kém bậc dưới hết mặc lòng đã quyết chí vững vàng dâng mình cho Đức Chúa Lời và thật lòng vâng ý phục quyền đấng Vítvồ”. Công đồng hội lần thứ nhất miền Bắc Kỳ, in tại Kẻ Sở 1915, tr. 74.
[43] Chúng tôi muốn nói đến “thầy giảng” theo nghĩa cổ truyền từ thời cha Đắc Lộ. Theo một nghĩa rộng, các “thầy giảng” có thể hiểu về các chủng sinh đi thực tập, hoặc các giáo dân dạy giáo lý.
[44] X. ĐQC 516.
[45] ĐQC 97: “Thầy cả” nghĩa là ông thầy có chức cao trọng hơn các thầy khác (tức là thầy giảng).
[46] Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá. Những năm đầu, NXB Tôn giáo Hà Nội 2008, trang 14-15. Nên biết là Thiền tông cũng có các “dòng”: dòng Tin-ni-đa-lưu-chi, dòng Vô Ngôn Thông, dòng Thảo Đường, dòng Lâm Tế, dòng Trúc Lâm Yên Tử.
[47] Phan Tấn Thành, Những hình thức tu trì Kitô giáo (Đời sống tâm linh tập VI), trang 90-93.
[48] X. Sử ký địa phận Trung, Phú Nhai, trang 230.
[49] Bộ Giáo luật hiện hành phân biệt hai loại catechista: 1/ các giảng viên giáo lý (điều 776 và 780); 2/ các giảng viên ở miền truyền giáo (đ.785), tương đương với “thầy giảng” nói trong bài này (tuy rằng ngày nay có thể áp dụng cho cả nữ giới): ngoài công tác trình bày giáo lý, họ có thể được uỷ thác điều hành các công tác phụng vụ và bác ái. Bộ Truyền giáo đã xuất bản một tài liệu dành cho những người này: Guide for Catechists (3-12-1993). Xem thêm Tài liệu của Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam tổng quát về việc huấn giáo (15-8-1997), số 232.
[50] X. Giuseppe Ferraro, Linh đạo giáo phận của linh mục hay linh đạo của linh mục giáo phận, “Thời sự thần học” số 57 (8/2012), tr. 80-85.
[51] Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục (ấn bản mới 2013) số 34-40, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2014, trang 52-65.