Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

TỪ TƯ TƯỞNG CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ ĐẾN HỘI NHẬP TIN MỪNG VÀO VĂN HOÁ VIỆT NAM

Thời sự Thần học - Số 36, tháng 6/2004, tr. 75-83 (Phiên bản 2022, tr. 88-97). 

_Bùi Gia Minh_ 


Đạo Công giáo bắt đầu truyền bá ở Việt Nam vào giữa thế kỷ XVI, đến đầu thế kỷ XVII, ở Kẻ Chợ có một cộng đoàn giống như thời các thánh tông đồ. Giáo dân Kẻ Chợ gắn bó với nhau đến độ những người xung quanh không biết họ theo đạo gì, chỉ qua cách sống mà gọi là “đạo của những người yêu nhau”. Vào thời gian này, với chủ trương lấy văn hóa bản địa làm gốc, học ngôn ngữ bản xứ, ăn ở sinh hoạt như người dân địa phương, các nhà thừa sai nói chung, và các thừa sai Dòng Tên nói riêng, đã rất thành công trong việc truyền giáo. Nhờ nắm vững ngôn ngữ và phong tục tập quán cũng như tâm lý người Việt Nam mà hoạt động truyền giáo của những vị này thu lượm được nhiều thành quả tốt đẹp. Đây thật là một bài học quý giá về truyền giáo.

Cuối thế kỷ XIX có thể nói là thời kỳ đen tối của Giáo hội Việt Nam. Phong trào Văn Thân lẫn chính sách “Bình Tây sát Tả” đã gây biết bao tang thương cho giáo dân Việt Nam. Nhưng trong cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy vẫn có một giáo dân được triều đình Tự Đức (vốn có nhiều ác cảm với Công giáo) trọng dụng, đó là Nguyễn Trường Tộ. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam, thế nhưng Nguyễn Trường Tộ vẫn tỏ rõ một nhân cách phi thường vượt trên mọi hạn chế của thời cuộc. Mặc dù Nguyễn Trường Tộ không trực tiếp đề cập chuyện hội nhập văn hóa nhưng tư tưởng của ông bàng bạc những ưu tư về hội nhập Tin Mừng vào văn hóa dân tộc.

1. Về ngôn ngữ


Nguyễn Trường Tộ chủ trương ngôn ngữ nói hoặc viết phải để cho người ta hiểu “mới hợp lẽ tự nhiên”. Thời bấy giờ, chữ “quốc ngữ” của ta là chữ Nho và chữ Hán, “thứ chữ này chỉ có ai học mới biết, không học thì nghe cũng như vịt nghe sấm mà thôi.[1]“ Vì vậy ông đề nghị cải cách chữ viết, viết theo tiếng Hán nhưng đọc theo âm Việt để ai nghe cũng hiểu. Mặc dù “Nguyễn Trường Tộ là người Công giáo. Ông thừa biết rằng chữ quốc ngữ, theo mẫu tự La Tinh, được sử dụng phổ biến trong giới Công giáo từ thế kỷ 17-18, là một mẫu tự đơn giản dễ học hơn “chữ Hán quốc âm” nhiều.[2]“ Thế nhưng ông vẫn không dùng chữ Quốc ngữ do các thừa sai Dòng Tên sáng chế mà lại dùng chữ Hán quốc âm vì “sợ làm người ta lạ tai lạ mắt”. Và cũng vì vậy, trong các bản điều trần ông không hề dùng ngôn từ đặc trưng của nhà đạo mà dùng những khái niệm, cách lý giải và từ ngữ quen thuộc của giới văn nhân, Nho sĩ đương thời. Chẳng hạn như ông không bao giờ dùng từ Thiên Chúa mà dùng từ Tạo Vật, Trời hay Thượng Đế vốn rất quen thuộc và gần gũi với người Việt Nam. Hơn nữa, văn chương Công giáo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX phát triển rực rỡ với nhiều tên tuổi đáng kính như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản, Hàn Mạc Tử…

Nỗi lo của Nguyễn Trường Tộ không phải vô căn cớ. Triều đình nhà Nguyễn vốn có ác cảm với đạo Công giáo, nay đem thứ chữ của bọn “Tả đạo” làm quốc ngữ ai mà chịu cho xiết ? Hơn nữa, tầng lớp quan lại vốn quen thuộc với chữ Hán, làm sao có thể thuyết phục họ bỏ được “quốc hồn, quốc tuý” cho dù nó chẳng có gì là bản sắc của người Việt cả. Tóm lại, nếu Nguyễn Trường Tộ đề nghị lấy chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ chính thức của Việt Nam sẽ bị bài xích và bác bỏ ngay.

“Nhập gia tùy tục” là một điều kiện cần thiết để hội nhập văn hóa. Khi đến Việt Nam, các thừa sai Dòng Tên nhanh chóng học cách sống của người Việt nên dân chúng dễ dàng đón nhận đạo mới dù rất xa lạ với truyền thống. Rất tiếc bài học của tiền nhân sau mấy trăm năm chúng ta vẫn chưa thuộc.

THẾ NHƯNG, ngày nay chữ Quốc ngữ không còn là thứ ngôn ngữ ngoại lai, xa lạ đối với người Việt Nam ấy thế mà trong cách sử dụng từ ngữ của chúng ta (văn chương “nhà đạo”) còn lắm điều làm người ta “nghe như vịt nghe sấm”. Chúng ta quen dùng những từ ngữ “siêu hình” và “đao to búa lớn” mà không hề hay biết rằng những từ ngữ ấy không có trong từ điển phổ thông.

Chuyện từ ngữ nhà đạo “có vấn đề” hầu như có mặt trong tất cả mọi lĩnh vực : từ sách vở đến kinh, lễ, nguyện, ngắm và cả hát xướng nữa. Giới Công giáo là những người tiên phong trong việc sử dụng ngoại ngữ và chữ Quốc ngữ, nhưng tiếc thay, chúng ta lại tụt hậu và ngủ quên dưới cái bóng của tiền nhân, ngày nay hầu như chúng ta chẳng có tiếng nói trên văn đàn. Tình hình này sẽ còn kéo dài nếu chúng ta cứ co cụm và tiếp tục dùng thứ “tiếng lạ” mà ngay cả người trong cuộc cũng không mấy ai hiểu, chỉ những ai từng học qua trường “Lý đoán” mới hiểu nổi !

Chúng ta cử hành Phụng vụ hằng ngày. Hơn bất kỳ nơi nào khác, ngôn ngữ phụng vụ phải trong sáng, cập nhật và dễ hiểu để ai ai cũng có thể nghe và thấu suốt. Ay thế mà ngày ngày chúng ta vẫn vui vẻ đọc “Đây Chiên Thiên Chúa”, thử hỏi có bao nhiêu người tham dự thánh lễ hiểu được câu ấy muốn nói điều gì. Con cừu vốn rất xa lạ với người Việt Nam, nhiều người từ khi cha sinh mẹ đẻ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay chưa hề thấy bóng dáng con cừu một lần trong đời làm sao cảm nhận được rằng tấm bánh trên tay linh mục là con chiên của Thiên Chúa được hiến tế để họ được sống muôn đời ? Đó là chưa nói cách dùng chữ chiên, một từ tiếng Hán chỉ những con vật có mùi như dê, cừu[3] v.v, còn sách báo thời nay chỉ dùng từ cừu chứ không ai dùng từ chiên cả. Ngoài cách dùng từ xa lạ, chúng ta còn dùng những từ khiến nhiều người nghe qua cũng đỏ mặt. Trong bài đọc Cựu Ước lễ cưới (theo sách bài đọc đang được sử dụng chính thức trên toàn cõi Việt Nam từ mấy mươi năm nay), Tobias và Sara “giao hợp” đến mấy lần. Điều đáng nói là lễ cưới thường có nhiều “người ngoài” tham dự. Không biết họ có cảm nghĩ gì khi nghe trong thánh lễ chúng ta dùng những từ ngữ như thế ? Hay chúng ta là môn đệ Đức Kitô chính hiệu nên không có chuyện gì thuộc về con người mà xa lạ với chúng ta nên tha hồ muốn nói sao cũng được ?

Còn kinh kệ thì ôi thôi khỏi phải nói. Chúng ta vẫn đọc những lời kinh từ thuở tám hoánh nào do các cố Tây hay các thầy cả Việt Nam vốn giỏi tiếng nước ngoài hơn tiếng mẹ đẻ dịch. Chẳng lẽ chúng ta không có khả năng soạn những lời kinh phù hợp với tâm thức người Việt bằng thứ ngôn ngữ dễ nghe, dễ hiểu hay sao ? Hay chúng ta cho rằng đó là chuyện nhỏ không ảnh hưởng đến ơn cứu rỗi của ai nên không buồn đếm xỉa đến ? Những lời kinh cổ đã là thế, những ca từ trong một số bài thánh ca cũng cần phải nói. Cho đến giờ phút này, Giáo hội Công giáo La Mã vẫn chỉ phong chức linh mục cho nam giới, ấy thế mà có bài ca mừng “con linh mục vui lên bàn thánh, đáp tình Chúa mến yêu !” Đáng sợ hơn, một tác giả khác lại cho “con linh mục” “bước lên bàn thờ Chúa”. Lạy Trời, một người bên lương nghe được câu này nếu không rùng mình cũng nổi da gà. Chắc chắn họ sẽ thắc mắc vì sao người có đạo lại dám làm một chuyện thất lễ với Trời như vậy : bước lên (trên) bàn thờ ! Nhưng dù sao tội “bước lên bàn thờ” còn nhẹ hơn so với tội loạn luân : “Con kết hôn với Cha trong tinh thần và chân lý” ! Chúng ta quen sống với bụi nên không thấy bụi, chỉ khi nào quét nhà mới thấy bụi bay. Thế nhưng nếu có ai “quét dọn” thì lại bị tẩy chay hay liệt vào hàng phá đạo. Nếu cứ nhắm mắt làm ngơ để đạo xơ cứng, thoái hóa thiết nghĩ điều đó còn tệ hại hơn việc phê bình thẳng thắn để “gạn đục khơi trong” nhiều lần.

2. Về kiến trúc


Sinh thời, Nguyễn Trường Tộ chỉ xây dựng Nhà chung Xã Đoài và Tu viện Dòng Thánh Phao-lô Sài Gòn mà thôi. Cả hai công trình này đều theo kiến trúc phương Tây. Nguyễn Trường Tộ là một nhà Nho, nên hơn ai hết, ông hiểu rất rõ về văn hóa truyền thống dân tộc. Tại sao khi xây ông lại không theo văn hóa phương Đông mà là theo phương Tây ? Nguyễn Trường Tộ là một người thực dụng vì vậy thấy cái gì hay, tốt thì ông theo chứ không cần biết nó xuất phát từ phương trời nào. Ông từng kiến nghị triều đình dẹp bỏ hết nhà tranh lụp xụp, xây nhà tường lợp ngói cho mát mẻ, thoáng khí. Có lẽ mang tư tưởng thực dụng như vậy nên Nguyễn Trường Tộ đã chọn lối kiến phương Tây để xây dựng nhà chung và tu viện. Trong ngôn ngữ, ông tránh dùng từ “lạ tai lạ mắt” thế nhưng trong xây dựng ông lại mạnh dạn dùng kiểu kiến trúc “ngoại lai” mà không sợ lạ mắt.

Mỗi nền văn hóa có những nét đặc sắc riêng. Không ai phủ nhận giá trị nghệ thuật của những ngôi nhà thờ theo kiểu Roman hay Gothique ở châu Âu. Chính những ngôi nhà thờ cao vút ấy tạo thành nét văn hóa Kitô giáo cũng như kiểu kiến trúc mái vòm đặc trưng của Hồi giáo hay những ngọn tháp nhỏ của Phật giáo Tiểu thừa (chùa Thái, Lào, Miên). Hệ thống chùa tháp ở Thái Lan, Lào hay Angkor Vat ở Campuchia tuy mô phỏng kiến trúc An Độ nhưng không ai phủ nhận được giá trị văn hóa của những công trình ấy. Hay như thánh địa Mỹ Sơn cũng vay mượn từ văn hóa An Độ nhưng vẫn được công nhận là di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Do đó, những ngôi nhà thờ có mái nhọn cao vút không chỉ giúp con người dễ nâng tâm hồn lên cao mà còn là dấu tích về sự hiện diện của Kitô giáo nữa. Việc giao lưu văn hóa chẳng những không làm cho vốn văn hóa truyền thống nghèo nàn đi, mà ngược lại, còn làm cho kho tàng văn hóa quốc gia thêm phong phú và đa dạng. Trong chuyện hội nhập cũng vậy, chúng ta không chỉ lấy những gì có sẵn ở địa phương mà còn phải du nhập những cái mới miễn sao cái mới ấy không có gì tai hại. Hội nhập là đón nhận cái mới trong hòa điệu với cái sẵn có vậy. Xem ra lâu nay, vẫn còn chuyện lẫn lộn giữa hội nhập và du nhập. Từ đó, chúng ta quen đồng hóa chuyện hội nhập với chuyện bài trừ du nhập. Có lẽ suy nghĩ như vậy nên Nguyễn Trường Tộ đã mạnh dạn du nhập kiểu kiến trúc phương Tây vào Việt Nam.

THẾ NHƯNG, chúng ta sẵn sàng bỏ hàng tỉ đồng để xây những ngôi nhà thờ mái cong cho giống đình chùa Việt Nam nhưng tiếc thay nhiều thánh đường chẳng giống chùa cũng không ra nhà thờ. Hội nhập không phải ở chỗ bẻ cong mái nhà thờ cho giống mái đình, mái chùa nhưng còn nhiều yếu tố khác nữa. Người phương Đông nói chung thích đắm mình vào thiên nhiên nên nhà cửa (nhất là các chùa chiền, đình miếu) thường ẩn mình sau rặng cây, vườn nhà thường có hồ nước, hòn non bộ làm cho khung cảnh hài hòa như giữa thiên nhiên. Hơn nữa, đình chùa Việt Nam thường có kích thước không lớn lắm nên mái nhà “sùm sụp” tạo nét thâm u, trầm mặc. Ngược lại, những thánh đường to lớn mà làm mái thấp sẽ tạo cảm giác nặng nề, thiếu hài hòa cân đối.

Xu hướng kiến trúc hiện đại là đường nét đơn giản. Ngày nay không ai làm nhà mái cong hay chạm trổ hoa văn này hoạ tiết nọ nữa. Chuyện nhà thờ mái cong hay thẳng không thành vấn đề. Điều đáng nói là chúng ta đừng làm nửa nạc nửa mỡ mà Tây cho ra Tây, Đông cho ra Đông. Muốn hội nhập, chúng ta có vô số việc phải làm chứ không nhất thiết chỉ có cái mái nhà thờ. Đông Tây mỗi xứ đều có cái hay cái chưa hay của nó. Vì vậy hội nhập là tìm kiếm và lưu giữ tinh hoa văn hóa nhân loại, cắt bỏ những gì đã lỗi thời chứ không phải nhất nhất cái gì của ta cũng đều tốt cả. Hội nhập là trao đổi hai chiều, không chỉ có nhận mà còn phải cho nữa.

3. Về phong tục, tập quán


Trong Di thảo số 47, Nguyễn Trường Tộ đề nghị nên thay đổi những cách ăn nếp ở, thói sinh hoạt mà theo ông quá lạc hậu và kém văn hóa. Trong đó có những chuyện mà người ta xem gần như chuyện đương nhiên không có gì đáng ầm ĩ như chuyện ở trần đi ngoài phố, chuyện đàn bà vén quần quá cao hay chuyện chửi bới… Cụ Nguyễn rung chuông báo động từ hơn một thế kỷ rồi ấy vậy mà ngày nay những phong tục tập quán không mấy hay đẹp cho lắm vẫn còn tồn tại, nhất là trong nhà đạo.

Đức Giêsu dạy các môn đệ của Ngài đừng gọi ai dưới đất là cha, cũng đừng tôn ai làm thầy vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa và một Thầy là chính Ngài mà thôi. Các linh mục tu sĩ biết rõ mười mươi như thế nhưng vẫn vui vẻ gọi con dân bổn đạo là con và xưng cha, xưng thầy tỉnh queo. Thậm chí có những linh mục non còn dám mở miệng gọi những cụ ông cụ bà đáng tuổi ông bà của họ là con và xưng cha ngọt xớt ! Phải chăng về điểm này chúng ta kém hội nhập ? Xin thưa chúng ta rất hội nhập là đằng khác. Đi quá Đông thì về Tây !!!

BỞI LẼ, theo dòng lịch sử, cuối thế kỷ XIX, sau khi Pháp chiếm trọn toàn bộ Việt Nam, Công giáo Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ hoàng kim. Thời cấm cách bức hại đã qua. Nhiều thừa sai nghĩ rằng đã đến lúc Thiên Chúa “giương cánh tay uy quyền mạnh mẽ” của Người . Nhiều vị thừa sai ra sức xây dựng giáo xứ theo kiểu nửa như lãnh địa phong kiến châu Âu thời Trung cổ, nửa theo hệ thống phong kiến Việt Nam. Linh mục chánh xứ chẳng khác nào một lãnh chúa xưng hùng xưng bá trong lãnh địa của mình. Chậc ! Giá như “các đấng các bậc” thời đó du nhập được tư tưởng bình đẳng, huynh đệ của châu Âu hơn là nhanh chóng hội nhập lối sống của quan lại Việt Nam ! Ngay cả các linh mục bản xứ cũng cảm thấy đã qua thời phải “xuống chó” rồi nên cũng đua nhau “lên voi”. Đời sống trong các xứ đạo, nhà chung với biết bao nhiêu là tầng bậc, chức vụ mà những ai không rành khó lòng nhớ hết. Ngày nay, phải chăng “tàn dư” của cái thời xa xưa chẳng mấy tốt đẹp vẩn còn đang bị níu kéo ? ?!!

Sinh thời có lẽ Đức Giêsu cũng sống như bao nhiêu công dân Israel khác mà thôi. Ngài cũng đi hành hương, nộp thuế, tham dự các buổi phụng tự. Mỗi thời đại có một lối sống riêng. Hội nhập không phải là quay về quá khứ nhưng là hòa mình vào dòng chảy của thời cuộc. Khốn nỗi không khí lễ hội tưng bừng đại hội La Vang hằng năm xem ra chẳng khác gì với những buổi lễ ở triều đình Huế “ngày xa xưa đó” ! Vào dịp đó có vô số cờ đuôi ngựa nhiều màu sắc sặc sỡ treo quanh thánh địa. Chưa hết, còn có cả lính tráng mặc áo xanh, áo đỏ cầm giáo mác y như cảnh trong tuồng cổ hay cải lương, hát bội. Còn linh đài La Vang hà cớ gì phải dựng lại theo đúng thước tấc của đàn Nam Giao ? Tại sao không dựa vào triết lý âm dương của tế đàn Nam Giao để xây dựng linh đài mà phải bê nguyên xi như thế ? Chẳng phải chúng ta cũng muốn làm quan quân triều đình thay dân tế tự đó sao ? Chúng ta tự gây cớ cho người ta hiểu lầm làm sao tránh khỏi “lời ong tiếng ve” ?

TẬN, Mầu nhiệm nhập thể là một cuộc hội nhập vĩ đại và tuyệt hảo. Vì “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Hội nhập là đồng hình đồng dạng chứ không phải tan biến hay bị đồng hóa. Đức Kitô nhập thể, Ngài làm người như bao nhiêu người khác nhưng Ngài vẫn là Thiên Chúa chứ không đơn thuần là một kẻ “mình trần mắt thịt” như chúng ta. Chuyện hội nhập cũng giống như cô đầm mắt xanh, da trắng, tóc vàng mặc chiếc áo dài Việt Nam. Dù chiếc áo có may khéo đến đâu, dù cô có nói sõi tiếng Việt hay thành thạo lối ứng xử của người Việt đến đâu người ta vẫn nhận ra cô qua mái tóc vàng, đôi mắt xanh… Chính điều đó mà người ta yêu quý cô dù cô không xinh đẹp, không duyên dáng bằng những cô gái Việt Nam “thắt đáy lưng ong” khác. Nếu cô sợ mình vẫn còn lộ dấu vết “ngoại lai” và cố tìm cách xoá mọi dấu vết về nguồn gốc của mình cốt sao cho giống những cô gái Việt khác thì lúc đó chẳng ai buồn quan tâm để ý đến cô đầm - Việt Nam ấy nữa. Mục đích của hội nhập là làm sao đừng quá khác người đến lố bịch chứ không phải bị người đồng hóa.

Chúng ta vẫn thường hay lên án các ông thuộc nhóm Biệt Phái ở Israel thời Đức Giêsu quen thói giữ những tập tục xưa cũ một cách máy móc. Nhưng trông người phải nghĩ đến ta, không khéo chúng ta cũng đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn mà không hay biết. Bài học canh tân Nguyễn Trường Tộ cùng thái độ nhìn thẳng vào vấn đề luôn là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ. Không chỉ trong vấn vấn đề hội nhập mà còn nhiều vấn đề khác nữa, chúng ta cần có tinh thần khách quan và sám hối mới hy vọng nhận ra “gót chân Achile” mình để làm cho “danh Cha vinh hiển”.

[1] Tế cấp bát điều, Di thảo số 27. X. Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ – Con người và di thảo, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 296.
[2] Trương Bá Cần, Sđd, tr. 88.
[3] X. Huệ Thiên, “Một chút chữ nghĩa về chi mùi và con dê”, Kiến Thức Ngày Nay, số 448, tr. 36-38.