Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

HỘI NHẬP TIN MỪNG VÀO VĂN HOÁ VIỆT NAM (2)

Thời sự Thần học - Số 36, tháng 6/2004, tr. 62-74. 

_Việt Dũng, O.P._


Trong những thập niên gần đây, việc hội nhập văn hóa đã được thực hiện trong rất nhiều sinh hoạt của Giáo hội, nổi bật nhất là những cố gắng cử hành Phụng vụ cho phù hợp với văn hóa địa phương. Về Thánh lễ chẳng hạn, nhiều nơi có những thay đổi về cử điệu và y phục hoặc màu áo. Cũng có những cố gắng có tính cách quy mô hơn nhằm thay đổi nhiều phần và thứ tự của Thánh lễ. Một trong những cố gắng hội nhập văn hóa khác, đó là sử dụng các phương pháp cầu nguyện. Chẳng hạn tại Ấn Độ và Nhật Bản, người ta thí nghiệm phương pháp Yoga và ngồi thiền vào kinh nguyện của Kitô giáo. Ngoài ra, người ta cũng áp dụng hội nhập văn hóa trong suy tư thần học nữa: trong những năm gần đây người ta thường nói đến nền thần học Phi châu, thần học giải phóng, thần học da đen… mỗi lục địa xem ra đều cố gắng đẩy mạnh suy tư thần học sát với thực tế cũng như văn hóa của mỗi lục địa.
Đây không phải là một vấn đề mới mẻ, vì nó đã được chú ý ngay từ thời Giáo hội tiên khởi và có nền tảng xuất phát từ mầu nhiệm Nhập thể của Đức Kitô, hay nói một cách khác, sự kiện Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là việc hội nhập văn hóa nền tảng của Kitô giáo.
Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề luôn mới mẻ và không dễ dàng; mới mẻ vì kinh nghiệm cho thấy, đối với mỗi nền văn hóa, mỗi khu vực khác nhau đòi hỏi phải có một quan điểm, một lối hội nhập văn hóa hay hội nhập Tin Mừng vào văn hóa khác nhau; không dễ dàng vì chỉ khi nào khám phá được những đặc tính của nền văn hóa và tìm ra những hướng đi thích hợp thì mới mong vượt qua được những trở ngại, tránh được những sai lầm đáng tiếc và nhập thể Tin Mừng vào văn hóa được.

Cụ thể, trong bối cảnh văn hóa Á châu, theo quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam: vì đây là một vùng đất của những tôn giáo và của những nền văn hóa lâu đời hơn nhiều so với Âu châu. Nơi đây vốn đã sẵn có một vũ trụ quan, một nhân sinh quan và một quan niệm tôn giáo rất phong phú. Một cách nào đó, họ cũng cảm nghiệm được sự hiện hữu của Thiên Chúa mặc dù dưới những cái tên khác nhau như Trời, Thiên, Brahman… Nên, “truyền giáo” hay hội nhập Tin Mừng vào văn hóa ở vùng đất này không phải là giới thiệu một Thiên Chúa, một Đức Kitô hoàn toàn xa lạ, mà một cách nào đó, có thể nói là “làm sáng tỏ cái đức sáng” vốn đã hiện hữu tiềm tàng, hay là giúp cho người ta “ngộ” được cái chân lý, mà theo Công đồng Vatican II, đã có phần nào trong các tôn giáo khác, đặc biệt là của Á châu. Hay theo cung cách của Đức Giêsu, là nói cho người ta biết Thiên Chúa đang ở giữa họ, ngay trong lòng họ, bây giờ và tại đây, chứ không phải tại Giêrusalem hay ở một nơi nào khác, một thời nào khác. Nói khác đi, chính từ thứ nước uống hằng ngày mà người ta có thể khám phá ra nước hằng sống (x. Ga 4, 7-26).

Vì lý do đó, để có thể hội nhập văn hóa, để có thể tìm ra hướng đi đúng trong việc giới thiệu khuôn mặt Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài cho người Việt Nam, chúng ta thử tìm hiểu đâu là những cơ hội, đâu là những chân lý đang ẩn dấu trong nền văn hóa cần phải được khai sáng, đâu là những thuận lợi cho việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam.

Trước tiên, có thể nói được rằng, có rất nhiều nét tương đồng giữa văn hóa Kitô giáo và văn hóa Việt Nam; Tin Mừng không những rất gần với đời sống luân lý, tâm lý và văn hóa Việt Nam, mà chắc chắn, Tin Mừng còn có thể làm sáng tỏ và tăng thêm những giá trị đời sống dân Việt, làm cho họ đi sâu hơn và xa hơn trong chiều kích siêu việt, giải thoát. Chúng ta có thể thấy được điều này qua những phân tích sau đây:
 

1. Về niềm tin

 

a. Tin có Chúa Trời


Nếu điều quan trọng trong hệ thống giáo lý của Kitô giáo là tin có Chúa Trời và phải kính thờ Người, thì vấn đề này cũng đâu xa lạ gì trong phong tục tín ngưỡng của người Việt Nam. Quả thật, ở xứ này nông dân chiếm đa số và người ta chủ yếu sống bằng nghề nông, mà mùa màng được hay mất đâu chỉ do sức người quyết định. Thành ra “trăm sự nhờ Trời cả”, “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Ông Trời được coi như là Đấng sinh thành ra vũ trụ càn khôn, như trong ca dao tục ngữ người ta thường nói tới: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Sống chết ở Trời”, “Phước tội tại Trời”, “Giàu sang ở Trời, đói no ở Trời”. Họ tin Trời có mắt, cầm cân nảy mực, bênh vực người hiền lành, “không có Trời ai ở với ai”; khi mở miệng ra là nói “nhờ Trời” hay “cám ơn Trời”. Và không chỉ có mùa màng nhờ Trời định đoạt nhưng cả đến số phận yêu đương cũng là do số Trời. Người Việt Nam quan niệm Trời rất gần gũi với vạn vật, và nhất là với con người, nên trong sinh hoạt hằng ngày, con người vẫn thường cầu xin khấn vái Trời. Vậy người Việt Nam vẫn thầm tín rằng Trời là Chủ Thể Tối Cao, toàn năng, tạo dựng và cai quản vũ trụ. Mọi loài thụ sinh đều phải khâm phục và tôn thờ Ngài. Lòng tin này có nơi mọi người Việt Nam từ hàng vua chúa đến hàng lê thứ.

b. Tin có đời sau và linh hồn bất tử


Một nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam là đạo gia tiên. Trong mỗi gia đình dù theo đạo Phật, Nho hay Công giáo hoặc chẳng theo một tôn giáo nào nhưng hầu như nhà ai cũng có bàn thờ tổ tiên. Đạo gia tiên nói lên lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo này là phụng sự cha mẹ lúc còn sống; tang lễ nếu các ngài quá cố. Hiếu đễ đối với cha mẹ tức là kính những người cha mẹ tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, tế lễ những bậc cha mẹ đã tế lễ. Đó là nguồn gốc của việc tôn kính tổ tiên. Tư tưởng đạo hiếu đã thấm nhuần vào lòng người Việt, trở thành một phần quan trọng của Việt tính. Kính bái tổ tiên là chân nhận giới vô hình và hữu hình luôn có sự liên lạc mật thiết với nhau. Đó là cách diễn tả sự hiệp thông giữa ông bà cha mẹ và con cháu; giữa người sống và người chết là dịp đoàn tụ đại gia đình. Quan niệm vong hồn gia tiên luôn gần gũi với con cháu được diễn tả bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, người Việt Nam còn tin rằng hồn người chết vẫn tiếp tục giữ mối tương quan nào đó với xác chết của mình, điều này được thể hiện qua việc “ma chay” chôn cất người chết. Với người Việt Nam, chuyện “ma chay” phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chu đáo, dựa vào những tập tục lâu đời liên quan đến những vấn đề tẩm liệm, chọn nơi chôn cất, chọn ngày giờ chôn cất, lo việc cúng tế. Thủ tục chôn cất còn bao hàm cả chuyện lo cho người chết có đủ những gì cần thiết cho kiếp sau: tiền bạc, quần áo, xe cộ… do đó mà có chuyện vàng mã… Đối với những bậc vua chúa vương hầu, thì như chúng ta biết, nhiều khi người ta không ngần ngại cho hầu thiếp lính tráng đi theo hầu hạ bằng cách chôn sống những người này. Trong Kitô giáo tin có đời sau và thảo kính cha mẹ là giới răn của Chúa. Ở đây cũng có một tiếng nói chung với Kitô giáo đó là tin có đời sau, tin có linh hồn vẫn còn sau khi chết và phải thảo kính ông bà cha mẹ.

2. Về nhân sinh quan


Khác với Tây phương và khác với cả người Trung Hoa làng xóm láng giềng, người Việt Nam chúng ta có một cái nhìn rất riêng về con người. Trước tiên, con người đối với người Việt Nam được đặt trong tương quan hiện hữu với tha nhân và xã hội. Con người Việt Nam không thể là một cá nhân đơn độc, mà nó luôn là thành phần của một cộng đồng, có một vị trí xác định trong gia đình, trong cộng đồng gia tộc, trong xã hội. Bên cạnh đó, mỗi người và cộng đồng có một mối quan hệ hỗ tương và bất khả phân lý với nhau: tha nhân là thành phần bản thân ta, và ta là thành phần hiện hữu của tha nhân; ta và tha nhân gắn kết với nhau theo nguyên lý sống còn, tức là nếu thiếu một trong hai thì không có con người. Từ đó, con người đối với người Việt Nam khi sinh ra chỉ mới có khả năng làm người, còn nó thành người như thế nào thì còn tùy ở cái mà nó tự làm ra, trong tương quan hiện hữu với tha nhân, xã hội. Và ở đây làm người, theo đạo lý của người Việt Nam, trước tiên là thực hiện lòng nhân, bởi vì nhân là người, mà nhân cũng là lòng thương người. Con người chỉ xứng danh là người khi có lòng nhân, nghĩa là biết động lòng trắc ẩn đứng trước cảnh khổ của kẻ khác, khi nó biết yêu thương kẻ khác. Ngoài ra, con người đối với người Việt Nam còn là một hiện hữu nằm trong mối tương quan với trời đất và vạn vật; sống là hòa mình giữa thiên nhiên vạn vật, là cố gắng thực hiện lòng nhân, và đạo trung, đạo hiếu, sao cho “trên thuận dưới hòa”. Hạnh phúc của con người tùy thuộc vào sự hòa hợp giữa những mối tương quan này, nghĩa là giữa con người với Trời, với Đất với vạn vật, và giữa con người với con người.

Trải qua suốt bốn ngàn năm lịch sử, một nhân sinh quan như thế đã hình thành trong lòng người Việt Nam một tâm lý: biết sống thực tế, biết yêu thương, có lòng vị tha, có tính khoan dung. Chỉ trên cơ sở biết đặt tình thương trên hết, người Việt Nam mới có thể tồn tại và bền vững. Thật vậy người Việt Nam không có tính xâm kích, không hiếu thắng. Trong mối quan hệ giữa người với người, ứng xử của họ luôn là “dĩ hòa vi quí”, nhiều khi phải nhường nhịn, chịu thiệt thòi về mình, xuề xoà “Chín bỏ làm mười” để giữ hòa khí, vì “Một sự nhịn là chín sự lành”. Cho nên, ngay từ khi còn nằm trên nôi, đứa trẻ đã được ru bằng những lời nhân ái : “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Tình thương ấy bắt đầu từ người thân “Anh em như thể tay chân”, rồi đi xa hơn nữa “Tứ hải giai huynh đệ”. Đặc biệt là biết khoan dung “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Đỉnh cao của lòng nhân ái là “thương người như thể thương thân”. Điều này rất gần với giáo huấn Tin Mừng của Đức Giêsu: “Hãy yêu thương anh em như chính mình” (Mc 12, 31). Nhờ có sự tương đồng về lòng nhân ái đó mà không ít người Việt chấp nhận Kitô giáo và nhờ đó đạo này đã bám rễ được và hội nhập với văn hóa Việt Nam.

Người Việt Nam rất coi trọng sự bền vững của gia đình. Họ tiếp nhận những quy tắc ứng xử cho mỗi thứ bậc người trong Nho giáo làm thành tiêu chuẩn về nghi lễ, phép tắc trong quan hệ giữa người với người. Lòng thủy chung, hiếu thảo, tiết nghĩa được đề cao như đức hy sinh vì nghĩa, tuy nhiên quan niệm này cũng có những khiếm khuyết như sự nhấn mạnh phục tùng của bề dưới với bề trên nhiều lúc quá đáng. Đạo Công giáo đã khắc phục được những khiếm khuyết trên như thảo kính cha mẹ là điều răn của Chúa.

Về nhân sinh quan của người Việt Nam ta thấy trong văn học dân gian còn lưu truyền cả một kho tàng những chuyện bênh vực những kẻ nghèo hèn thấp cổ bé miệng như cô Tấm, chàng Thạch Sanh… Nhân sinh quan này cũng rất gần với Kitô giáo. Tin Mừng khuyên người ta hãy từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Đức Giêsu chúc phúc cho những người nghèo khổ, những kẻ than khóc, lầm than trong “Tám mối phúc” (Mt 5,3-11), và Ngài còn quan tâm đến những người nghèo khổ một cách đặc biệt trong Tin Mừng không thiếu.

3. Về tinh thần tôn giáo


Về tinh thần tôn giáo nơi dân tộc Việt Nam: dân Việt Nam có một truyền thống tôn giáo rất sâu đậm. Đó là nhận xét của người ngoại quốc đã có dịp giao tiếp sâu rộng với dân tộc ta. Đọc lại những nét bút của nhiều nhân vật và nhà truyền giáo đã sống lâu năm trên đất nước này như giáo sư R. Grivaz, Paul Mus, Cha L. Cadière, Cha L. E. Louvete, Cha Souvigné đều nhận thấy rằng một tinh thần tôn giáo sâu xa đã ngự trị trong tâm hồn mỗi người Việt. Tinh thần này được biểu lộ trong mọi khía cạnh cuộc sống cá nhân và gia đình, xã hội và quốc gia.

Tuy nhiên tinh thần tôn giáo này xem ra là năng hướng bẩm sinh nơi người Việt hơn là do ảnh hưởng của các tôn giáo ngoại lai đem lại. Thực thế, những tín ngưỡng của họ được thể hiện một cách hồn nhiên và khai phóng chứ không lệ thuộc vào những khuôn khổ bất di, bất dịch của một tôn giáo nhất định nào. Đối với người Á đông, tôn giáo là những mẫu mực để sống hơn là những tín điều để tin. Những mẫu mực hay luật luân lý đó bất luận từ đâu đến hoặc do ai khởi xướng, vẫn luôn đáng được chấp nhận và đem ra thực hành miễn là chúng phù hợp với những giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Không cần hệ thống hóa, cũng chẳng chủ trương độc trị; trái lại những tín ngưỡng khác nhau, những nghi lễ dị biệt nhất cũng có thể sống chung, không mảy may khó khăn, miễn sao không làm tổn thương đến căn bản đạo đức truyền thống của Á đông là được rồi. Căn bản đạo đức đó Á đông đã thừa hưởng nơi Khổng giáo và nó đã được xây dựng trên Ngũ Thường là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Hơn nữa, người Á đông quan niệm tôn giáo như những con đường muôn ngả, tuy phương hướng có khác nhau, nhưng tất cả cùng dẫn tới một đích điểm duy nhất, tức là chính Tuyệt Đối.

Nên trong trường hợp của người Việt Nam cũng thế, luôn có một nguyên tắc tuyển dụng để giúp họ lựa chọn trong các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau những yếu tố họ có thể dung nạp được, hầu tìm ra cho mình những cương chỉ để sống. Họ đánh giá các tôn giáo tùy theo mức độ hoàn hảo và thích hợp với lương tri cũng như luân lý truyền thống của Á đông và của Việt Nam. Tất cả mọi tôn giáo dạy ăn ngay ở lành đều chắc chắn có thể tìm được nơi họ những người tin theo.

Do đó, phải nói đến khả năng Việt hóa của dân tộc Việt Nam mà người Việt Nam dễ dàng đón nhận Tin Mừng. Việt Nam hóa là tiếp thu những điều hay hoặc những điều mình ưa chuộng đến từ bên ngoài rồi uốn nắn, cải biến, thêm bớt cho phù hợp với nếp sống và tâm tình của dân tộc Việt Nam. Về điểm này người Việt Nam rất xuất sắc, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo. Như đạo Phật từ Ấn Độ khi đến Việt Nam qua ngả Trung Hoa đã trở thành một đạo Phật Việt Nam. Đạo Lão xuất phát từ Trung Hoa, khi đến Việt Nam đã được cả giới trí thức lẫn giới bình dân đón nhận và biến thành một thứ đạo dân gian Việt Nam. Nói về đạo Khổng, nhiều vị thức giả nhận định rằng đó chỉ là một nền luân lý thực hành, áp dụng cho chính bản thân, trong gia đình, ngoài xã hội, tới khắp thiên hạ. Nam nhi thì có “Tam cương ngũ thường”; với nữ nhi thì có “Tam tòng tứ đức”. Và dân tôc Việt Nam đã chấp nhận đạo Khổng một cách toàn diện, xã hội Việt Nam đã có một thời kỳ dài được tổ chức theo khuôn phép của Khổng giáo. Tuy vậy, mặc dù nhiều người Việt Nam theo thuyết duy lý của Khổng Tử lễ bái tại các cửa đền, cửa Phù, nhưng vẫn tin quỉ thần.

Việc giữ cả ba đạo một cách hài hòa được gọi là Tam giáo Đồng Nguyên. Điều này chỉ có thể xảy ra do khả năng dung hòa và tinh thần bao dung của dân tộc Việt Nam. Và vì não trạng người Việt Nam không có thần tượng và chỉ có phần tâm linh thiêng liêng, thể hiện ở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Xuất phát từ não trạng, từ một nền tảng tâm linh như vậy nên trong tâm lý, bản tính của mỗi người nổi lên một nét đặc sắc, đó là tinh thần khoáng đạt, rất cởi mở với các tôn giáo khác và không chấp nhận thái độ kỳ thị tôn giáo. Lịch sử Việt Nam không có xung đột tôn giáo là một chứng cớ phản ảnh rõ não trạng và bản tính này. Đồng thời, nó cho ta thấy được người Việt rất nhạy bén về cái linh thánh. Vì thế, mặc dù Kitô giáo được truyền giảng tại Việt Nam, giữa lúc luân lý xã hội, tâm lý quần chúng còn được đóng khung trong Tam giáo Đồng Nguyên, với giáo lý mới mẻ: tin vào Thiên Chúa tối cao, tin Người vừa thưởng phạt công minh vừa nhân từ, và dạy rằng mọi người bình đẳng trước mặt Thiên Chúa và đều là anh em một cha, nên phải yêu thương nhau và giúp đỡ lẫn nhau, kể cả kẻ thù, cũng được người Việt Nam theo đạo Công giáo rất đông. Các cộng đoàn bành trướng nhanh. Điều này chứng tỏ giáo lý Kitô giáo phù hợp với những tin tưởng, tâm lý và những giá trị luân lý của người Việt Nam. Và Giáo sư sử học Nguyễn Hồng Phong rất có lý khi viết :

Nhân của người Việt cổ có tiếp thu cái nhân của Phật giáo và Khổng giáo nhưng khắc phục tính mềm yếu, tiêu cực của đạo Phật. Nó biến cái nhân thành cái đức của cuộc sống, thành cái đạo cư xử ở đời. Nhân trước hết là nhân ái, tình yêu thương con người. Nó rất gần với từ bi bác ái của đạo Phật và cũng không xa lạ lòng nhân ái của Kitô giáo.[1]

Để tìm hiểu chiều hướng niềm tin chung nơi đa số người Việt Nam, nếu ta thử hỏi những người thường đi lễ chùa: Niết bàn là gì, đa số sẽ trả lời: đó là nơi không còn phải đầu thai hóa kiếp, là nơi hồn được an nghỉ trong hạnh phúc tuyệt đối. Đó là một thứ thiên đàng. Họ đâu có hiểu như các đệ tử của Đức Thích Ca Niết bàn là “nơi tận diệt của mọi ước muốn, là nơi tận diệt oán thù, là nơi tận diệt ảo vọng”. Trong khi bài giáo lý vỡ lòng trong Nam dạy rằng :
Thiên đàng, hoả ngục hai quê
Ai khôn thời về, ai dại thời sa.
Có khác gì với niềm tin của dân gian :
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Vậy điểm tương đồng về niềm tin của dân Việt Nam dù thuộc bất cứ tôn giáo nào đều phải tu thân tích đức khi còn sống trên cõi đời này, để khi chết sẽ được hưởng phúc trên thiên đường hay Niết bàn.

4. Về tính cộng đồng


Về tính cộng đồng của người Việt Nam ta thấy: cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên: thiên tai không chừa một ai, mà chia đều cho tất cả mọi người “lụt thì lút cả làng”. Vì vậy, con người Việt Nam phải biết liên kết với nhau, dựa vào nhau mà sống. Nên nét đặc trưng của làng xã Việt Nam là tính cộng đồng. Làng xã Việt Nam được tổ chức rất chặt chẽ, đồng thời theo nhiều nguyên tắc khác nhau như : theo huyết thống có gia đình, gia tộc; theo địa bàn cư trú có xóm, làng; theo nghề nghiệp sở thích: phường hội; theo truyền thống nam giới: giáp; theo hành chính: thôn, xã. Tính cộng đồng này được xây dựng, củng cố bởi lòng tương thân tương ái. Mà Giáo hội là một tổ chức khá chặt chẽ, có những sinh hoạt đều đặn, thường kỳ và có giới luật yêu thương của Chúa. Do đó đạo Kitô giáo làm sáng tâm tình tôn giáo, củng cố và làm nổi bật những yếu tố tiềm tàng trong tâm thức, não trạng và tín ngưỡng của dân Việt. Cũng như đạo Phật, Khổng, Lão, dân gian vốn là chất liệu sống của làng xóm cả ngàn năm, người nông dân càng sống theo tinh thần Khổng, Phật, Lão càng thờ “Ông Trời”, càng ngấm ngầm khao khát một sự giải thoát bằng con đướng cứu độ, và nhất là càng củng cố và xây dựng cho đời sống cộng đồng làng xóm yêu thương gắn với bó nhau.

Một vài nhận định


Mặc dù vẫn có những khó khăn khách quan, nhưng qua những phân tích trên đây, chúng ta có thể nói được rằng, cơ may cho việc nhập thể Tin Mừng vào văn hóa trong bối cảnh Việt Nam là rất lớn.

Một mặt, chúng ta nhận thấy rằng, mầu nhiệm Thiên Chúa làm người rất thích hợp với tâm hồn người Việt. Một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương nhân từ, một Thiên Chúa ở giữa loài người, chia sẻ thân phận con người và gánh vác những nỗi đau khổ của nhân loại, rất gần với niềm tin tưởng và chờ mong của những con người vốn không quen hướng tới những thực tại quá cao vời, mà là tới những khuôn mặt từ bi của các bồ tát như Quan Thế Âm chẳng hạn. Đó cũng là lý do giải thích tại sao không những người Công giáo, mà cả những người ngoài Kitô giáo tại Việt Nam, cũng yêu mến và tìm đến với Đức Mẹ. Cũng chính vì thế, một khuôn mặt Chúa Kitô hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29), phản ánh một người Cha nhân hậu (x. Lc 6,36), Đấng muốn quy tụ mọi người trong đại gia đình nhân loại mới, trong đó mọi người hiếu với Cha, yêu thương hòa hợp với anh em, dễ thu hút tâm hồn Á châu hơn là một Vương quốc theo hình ảnh phong kiến. Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ Trung chữ Hiếu và chữ Nhân rất gần với tinh thần của Kitô giáo: trung với Chúa, hiếu với ông bà cha mẹ tổ tiên, và nhân ái với mọi người.

Mặt khác, đạo lý của Đức Kitô cũng rất gần gũi với văn hóa Việt nam qua việc yêu thương, phục vụ, ăn ngay ở lành…; giáo lý Kitô giáo phù hợp với những tin tưởng, tâm lý và những giá trị luân lý của người Việt Nam. Bên cạnh đó, tinh thần tôn giáo và tính cộng đồng nơi người Việt Nam cũng là một cơ hội rất tốt để Tin Mừng có thể nhập thể vào văn hóa Việt Nam.

Thay lời kết


Tin Mừng chỉ có một. Đó là Tin Mừng mà Đức Giêsu đã sống, đã làm chứng, đã rao giảng, và đã ra lệnh cho các Tông Đồ tiếp tục loan báo. Nhưng cách trình bày, cách rao giảng Tin Mừng thay đổi tùy theo đối tượng là người nghe. Nói cách khác, người rao giảng phải luôn ý thức rao giảng hay giới thiệu Tin Mừng sao cho người ta dễ dàng đón nhận, trong điều kiện về : môi trường văn hóa, não trạng tôn giáo và tập quán của họ, mà vẫn trung thành với nội dung của Tin Mừng và truyền thống của Giáo Hội.

Điều này thiết nghĩ đòi hỏi phải có một sự thích ứng của Tin Mừng đối với người nghe, đòi hỏi người rao giảng trình bày những điều người ta dễ chấp nhận trước rồi mới trình bày những điều khó chấp nhận sau. Kết quả của việc rao giảng tùy thuộc vào sự thích ứng ít hay nhiều. Đó là bài học ta rút ra từ quá khứ, từ công cuộc rao giảng Tin Mừng tại châu Âu, châu Á và cách riêng tại Việt Nam. Thực sự Tin Mừng của Đức Giêsu không bị ràng buộc vào bất cứ nền văn hóa nào, ngay cả nền văn hóa Do Thái, bởi vì qua sự chết và cuộc phục sinh, Đức Giêsu đã đập tan mọi rào chắn, phá vỡ bức tường ngăn cách giữa Do Thái và dân ngoại (Ep 2,4). Tất cả nền văn hóa một khi được thanh luyện khỏi những giá trị đều có thể diễn tả mọi tiềm năng của mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu Kitô.

Nhìn về tình hình Giáo hội tại Á châu, ta thấy nơi đây là chiếc nôi của Kitô giáo, thế mà đến hôm nay, cả châu lục này số người không biết Tin Mừng còn chiếm đa số, cách riêng tại Việt Nam, tỉ lệ người Công giáo còn quá khiêm tốn. Mặc dù Kitô giáo đã được truyền vào đây cách nay hơn 450 năm, Tin Mừng vẫn còn xa lạ với đa số lương dân. Điều này thúc bách Giáo hội Việt Nam cần xét lại cách rao giảng, lối sống làm chứng cho Tin Mừng, quan điểm của mình đối với các truyền thống văn hóa, tôn giáo và con người của dân tộc.

Cơ hội đã có sẵn và rất lớn, chúng ta hãy nhìn lại và can đảm ra đi thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu theo cách thế mà Ngài đã để lại cho chúng ta, sự nhập thể.

Tài liệu tham khảo


  • Đào Trung Hiệu, Cuộc Lữ Hành Đức Tin, 1994.
  • Bùi Đức Sinh, Giáo hội Công giáo Việt Nam, 1995.
  • Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam,
  • Nxb TP. HCM, 1- 1997.
  • Thiện Cẩm, Giáo hội Trước Thềm Thiên Niên Kỷ Mới, 1999.
  • Thiện Cẩm, Tiếng Hát Mỗi Dòng Sông, 1999.
  • Nguyễn Chính Kết, Thích Ưng Và Hội Nhập Văn Hóa Trong Tôn Giáo, Nxb TP. HCM 1998.
  • Đường Thi, Thiên Chúa và Tam Giáo, Tủ Sách Đàm Đạo Kitô Giáo.
  • Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội Tại Á châu, 1999.
  • Michael Amaladoss, SJ, Bên Kia Hội Nhập Văn Hóa: Nhiều Văn Hóa Thành Một Được Chăng ? 2000.
  • Phan Tấn Thành, Về Nguồn, Rôma, 1997.
  • Trần Minh Hiển, Tôn Giáo Học, Lưu Hành Nội Bộ, 1998.
  • Suy Tư Và Đóng Góp Cho Thần Học Việt Nam, 2000.
  • Liên Tu Sĩ, Chia Sẻ, Số 10, 21, 27, 29, 31.
  • Báo Công giáo và Dân Tộc, Số 1241, 1249, 1264, 1288.
  • Phạm Thị Bích Hằng, Vấn Đề Thờ Kính Tổ Tiên Trong Nền Văn Hóa Việt Nam, 2000.
  • Trung Tâm Nghiên Cứu Tâm Lý Dân Tộc, Tâm Lý Người Việt Nam Nhìn Từ Nhiều Góc Độ, Nxb TP. HCM, 2000. Tòa Giám Mục Huế, Tọa Đàm Về Một Số Vấn Đề Văn Hóa Công giáo Việt Nam, 2000.

[1] Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1945-1989. H 1989 tr. 204.