Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

TỪ LỜI RU CỦA MẸ ĐẾN LỜI HẰNG SỐNG CỦA ĐỨC KITÔ

Thời sự Thần học – Số 44, Tháng 6/2006, tr. 79-88.

_Giuse Hoàng Văn Hoà, O.P. 🙋


Làm người, mỗi chúng ta đều khát khao được sống và sống tròn đầy. Nỗi niềm ấy khởi đi từ tiếng khóc chào đời cho đến hơi thở cuối cùng. Nơi ngưỡng cửa cuộc đời, là gia đình, con người hấp thụ những lời yêu thương của cha lẫn mẹ. Nhưng như thế thì vẫn chưa đủ cho kiếp nhân sinh. Mỗi người hằng ngày phải đáp trả bao mối tương quan với người chung quanh. Họ cần có lời gặp gỡ ngoài xã hội. Lời ấy thúc đẩy con người biết đối thoại, biết lắng nghe và biết cảm thông để nhận ra lối “sống cùng” và “sống với” người khác. Đó là những mối tương quan ngoại thân. Chúng ta vẫn còn thấy thiếu. Chúng ta còn đối diện với sự phức tạp từ bên trong con người mình. Ai chẳng khắc khoải một lời có sức xoa dịu và nâng đỡ con người từ nội thân nữa? Đó chính là Lời Hằng Sống của Đức Kitô mà từ hư vô Lời có sức tác tạo, từ tội lỗi Lời có sức biến đổi, và thậm chí Lời còn phục vụ con người trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi và mọi lúc. Nếu tiếng khóc của con trẻ sẽ nín bặt khi lời ru của mẹ cất lên, thì lời Hằng Sống của Đức Kitô có sức cảm hoá khiến cho con người bỏ đường tội lỗi ăn năn trở lại. Cũng vậy, nếu như lời của mẹ khiến con trẻ động lòng thì Lời Hằng Sống cũng khiến cho những giọt nước mắt thống hối tuôn rơi. Chính vì thế, bài viết “Từ lời ru của mẹ đến Lời Hằng Sống của Đức Kitô” sẽ hướng đến việc làm sáng lên cuộc sống bằng cách thiết tha với lời yêu thương trong gia đình, trân trọng với lời gặp gỡ ngoài xã hội và sốt sắng thực thi Lời Hằng Sống của Đức Kitô.

1. Lời yêu thương trong gia đình


Gia đình, nơi con người lớn lên và được nuôi dưỡng bằng lời yêu thương của cha, của mẹ. Nếu lời ru của mẹ đưa con bước vào đời thì lời giáo huấn của cha chắp cánh cho con bay cao, bay xa hơn nữa. Suốt cuộc đời, lời yêu thương cứ canh cánh bên lòng như thúc đẩy con làm người và trở nên người hữu ích cho xã hội.

1.1. Lời ru của mẹ


Cất tiếng chào đời, con trẻ không chỉ cần bầu sữa ngon ngọt của mẹ mà còn cần một lời ru êm dịu, đằm thắm. Nghe được tiếng ru của bà, con trẻ thiu thiu ngủ. Nhận được tiếng hát của mẹ, con trẻ bỗng ngưng tiếng khóc. Lời ru của mẹ kế thừa lời ru của bà và bắt nguồn từ truyền thống văn học dân gian. Lời ru có sức yêu thương từ tâm huyết của người mẹ chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm. Những bài ca dao đầu đời mẹ dành cho con mang âm hưởng nghĩa vụ với quê hương, bổn phận với gia đình. Những câu hát ru khai tâm một thế giới nhân sinh đạo làm con, nghĩa vợ chồng. Nay con là người, mẹ dành tất cả những gì đã chắt chiu bao năm tháng:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.”
Lớn lên từ mảnh đất Việt Nam, lời ru ầu ơ, câu hát dân ca đã đi vào tâm thức của người dân Việt. Lời ru ấm áp của bà bên chiếc võng kẽo kẹt trưa hè cho cháu say giấc ngủ:
“Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.”
Thế rồi, lời ru ngọt ngào của mẹ bên chiếc nôi nho nhỏ, cũng tựa nguồn sinh lực cho con với bao kinh nghiệm cuộc đời:
“Ra đi mẹ có dặn dò,
Sông sâu đừng lội, đò đầy đừng qua.”
Và lời ru êm ái của chị, khe khẽ bên chiếc chiếu tre, tiếp sức cho em mỗi khi bụng em đói, mắt em chùng:
“Em tôi buồn ngủ buồn nghê,
Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà;
Buồn ăn bánh đúc bánh đa,
Củ từ, khoai nướng cùng là cháo kê.”
Như vậy, lời ru của bà, của mẹ, hay của chị đều là vốn quý của gia đình được truyền khẩu nhằm giáo dục đạo đức và phẩm chất, cũng như kinh nghiệm sống cho con cái. Những bài hát ru tuy mộc mạc, giản dị, nhưng chứa đựng nhân sinh quan cao thượng. Thế nhưng, để trở nên một người tốt cho đời, song song với lời ru của mẹ, con cái trong gia đình cũng cần đón nhận những lời giáo huấn của cha.

1.2. Lời giáo huấn của cha


Trong gia đình, người cha là rường cột, là chỗ tựa nương, nâng đỡ cho vợ, cho con. Phải chân nhận rằng còn cha là niềm hạnh phúc, mất cha mới cảm thấy lạc lõng, bơ vơ:
“Còn cha nhiều kẻ yêu vì,
Một mai cha thác, ai thì yêu con !”
Thương con, cha dành tất cả những lời giáo huấn mong con nên người để khỏi xấu trước thẹn sau. Những lời cha dạy theo con đến trường những buổi đầu tiên. Con khát khao học chữ “i” chữ “t” cũng là lúc cha dạy con những sự khôn ngoan ở đời. Chẳng vì thế mà:
“Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn”
Lời giáo huấn của cha chứa đựng kho tàng khôn ngoan. Khôn ngoan là cách sống sao cho trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm. Sự khôn ngoan sẽ đồng hành với chúng ta nếu biết đón nhận và nuôi dưỡng. Những bài giáo huấn của cha là những viên đá nền tảng hình thành nhân cách khôn ngoan. Vì thế, sách Huấn ca có lời rằng : “Con ơi, từ thiếu thời, hãy hấp thụ giáo huấn, thì tới khi tóc bạc, con sẽ được khôn ngoan.” (Hc 6,18). Khi hấp thụ lời giáo huấn của cha, con sẽ được an tâm. Trong cuộc sống, tâm hồn an tâm là lúc con người cảm thấy hạnh phúc nhất. Ấy vậy, con cái cứ an tâm gìn giữ những lời giáo huấn của cha thì sung sướng biết bao. Nếu không như thế, sách Huấn ca đã chẳng khuyên : “Các con ơi, cứ an tâm mà giữ lời giáo huấn. Khôn ngoan bị che giấu, kho tàng bị chôn vùi, cả hai nào có ích chi ?” (Hc 41,14).

Song con người không chỉ sống tương quan trong gia đình mà con người còn sống tương quan với người khác. Những lời yêu thương nơi gia đình dường như không đủ để đáp ứng nhu cầu tương giao của con người. Hành trình “sống cùng” và “sống với” thôi thúc họ đi tìm một lời gặp gỡ ngoài xã hội để mảy may lời ấy có sức kiện toàn cuộc sống.

2. Lời gặp gỡ ngoài xã hội


Trong cuộc sống, tương quan con người với con người là tương quan cốt yếu và cao đẹp. Tương quan giao tiếp và trao đổi được thể hiện qua lời. Vốn “nhân chi sơ, tính bản thiện” nên con người ao ước thiết lập một xã hội dựa trên nền tảng tình yêu. Muốn thế, con người cần nuôi dưỡng bằng lời đối thoại và lời yêu mến.

2.1. Lời đối thoại


Để sống xứng đáng với phẩm giá con người, ai cũng phải cần đến người khác. Sự cần thiết đến người khác để đáp ứng nhu cầu “sống cùng” và “sống với”. Từ đây, con người hình thành các mối tương quan. Muốn các mối tương quan được duy trì và phát triển, con người phải đối thoại. Đối thoại là mối dây thể hiện tính cách ngôi vị và dễ dàng hợp tác với nhau trong mọi lãnh vực và hoàn cảnh. Khi đối thoại, con người sẵn sàng ngồi với nhau để lắng nghe, trao đổi để cảm thông, tìm hiểu để tha thứ. Từ đó, con người dễ dàng chấp nhận những khác biệt của nhau. Càng đối thoại, con người càng nhận ra những liên đới và trách nhiệm đối với nhau. Lời đối thoại cho thấy sự trưởng thành của con người với một hành vi hướng tha. Không phải trong cuộc sống ai cũng có tinh thần đối thoại. Chỉ những người biết lắng nghe cách chân thực và cho lời của người khác hoà trong tâm hồn mình như hai dòng suối chảy về một nguồn mới là người sống đối thoại. Đối thoại là khát khao lời: tôi nói anh nghe, anh nói tôi nghe.

Thế nhưng dường như trong cuộc sống, việc đối thoại ngày càng trở nên hạn hẹp. Người ta thường dùng thời gian để dành cho cuộc mưu sinh cũng như nhu cầu vật chất hơn là ngồi đối thoại với nhau. Khát khao lời đối thoại nói chung vẫn không đủ thì làm sao tha nhân của ta được đón tiếp. Do vậy, con người lại cần một lời yêu mến, thậm chí yêu mến tha nhân để đáp ứng nhu cầu bản thân vì “tha nhân là thành phần bản thân tôi”[1].

2.2. Lời yêu mến


Vì con người là một hữu thể có xã hội tính nên cần liên đới với nhau, bằng cách này hay cách khác, nhất là đối với tha nhân. Đặc biệt, tương quan với tha nhân là tương quan “gặp gỡ” và “yêu mến”. Khi gặp gỡ tha nhân, ta dễ cảm thông và chia sẻ. Gặp gỡ là đối thoại, chia sẻ là nâng đỡ. Điều ấy cho phép hai nhân vị thiết lập mối quan hệ “người với người”. Cả hai phía cùng chờ đợi những ý hướng và lòng kính trọng nhau. Khi coi tha nhân là đối tượng, là “anh”, thái độ của ta rất cởi mở và bao dung. Thực tế, tại các trung tâm tư vấn hay trong công tác hoạt động xã hội, người ta thường coi thân chủ như những tha nhân để dễ thông cảm, gặp gỡ và chia sẻ. Lúc ấy, tha nhân như những người cần được giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Như thế, “gặp gỡ là điều để có nhân đạo, và là điều kiện để thêm phong phú cho con người”[2].

Sau khi gặp gỡ, con người bắt đầu trao cho nhau những lời yêu mến, những tiếng nói thân thương. Lời yêu mến ấy thể hiện mối tương quan nhân vị. Đây cũng là một nhu cầu cho sự hiện hữu của con người, thúc bách con người phải sống như những chủ thể, có mối quan hệ tương tác với những chủ thể khác. Nếu xã hội có những con người biết sống trong tình liên đới và sự quan tâm thì cuộc sống con người trở nên thi vị biết bao. Thế nhưng, trong xã hội, mấy ai sống tương quan với tha nhân cách đích thực dẫu biết rằng tương quan với tha nhân là ta đang sống trong tình yêu. Hơn nữa, “đi vào hướng tình yêu, chúng ta chắc chắn sẽ gặp con người đích thực, ta sẽ cư xử với tha nhân một cách nhân đạo,…”[3].

Tựu trung, kiếp nhân sinh của con người vẫn không thoả mãn bởi lời yêu thương trong gia đình cũng như lời gặp gỡ ngoài xã hội. Phải chăng những lời này chỉ đáp ứng cho đời sống vật chất của con người ? Nơi con người, lấy gì để bù đắp cho đời sống tinh thần ? Do vậy, trên hành trình chân lý, con người lại miệt mài đi tìm một lời có giá trị vĩnh cửu, một lời không thể mai một, và một lời có sức kiến tạo cuộc sống.

3. Lời Hằng Sống của Đức Kitô


Bên cạnh nhu cầu vật chất, con người cần có nhu cầu tinh thần. Bởi lẽ, tâm linh là cõi sâu thẳm và linh thiêng nhất trong cõi lòng con người. Nơi ấy, con người được mời gọi để tìm lại hiện thể của mình, nhận ra hữu thể thực hữu của con người bằng Lời Hằng Sống của Đức Kitô. Lời ấy có sức tác tạo, biến đổi và phục vụ để con người mãi mãi là hình ảnh của Thiên Chúa.

3.1. Lời có sức tác tạo


Từ thuở hồng hoang, Thiên Chúa đã phán một Lời là mọi sự liền có. Chính Chúa Cha tạo dựng muôn loài muôn vật bằng Lời của mình (Xc St 1,3-30). Lời có sức tác tạo và hình thành mọi vật từ hư vô. Lời ban ý nghĩa và đặt từng giá trị cho mỗi loài mà Thiên Chúa từ khởi nguyên đã phú cho chúng. Nếu Lời được rút lại thì vũ trụ trở thành hư không và trống rỗng[4]. Hơn nữa, Lời còn là nền tảng và nhiệm cục cứu độ cho con người, nhất là “nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,3).

Mặt khác, tình yêu Thiên Chúa là ân ban sự sống khởi đi từ Lời :“Thiên Chúa đã tạo dựng sự sống bởi Lời của mình và Người muốn Lời cũng được mãi chuyển đi như chính Người là Đấng bất diệt”[5]. Khi trời đất còn đắm mình trong sự hỗn mang thì Lời toàn năng của Thiên Chúa đã rời bỏ ngôi báu cao quý từ trời cao để mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa con người (Xc Kn 18,14-15). Chính vì thế, Kinh thánh đã mạc khải Lời có sức tạo dựng và giá trị vĩnh cửu “như sự sống của tâm hồn, như bài thơ sáng tác từ cảm hứng, Lời đến từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa”[6].

Như vậy, Lời Thiên Chúa tiên vàn có sức tác tạo muôn loài cho vũ trụ được khai nguyên. Lời ấy khởi phát từ Đấng Hằng Sống, Đấng ban tình yêu và hơi thở cho con người. Tuy nhiên, Lời của Đấng Hằng Sống không chỉ dừng ở sức tác tạo mà còn có sức biến đổi và hoán cải con người.

3.2. Lời có sức biến đổi


Trong suốt hành trình rao giảng của Đức Kitô, đâu đâu người ta cũng biết đến Người. Phải chăng người ta nghe Lời của Đức Kitô có sức chữa trị nên “tiếng lành đồn xa”? Phải chăng thiên hạ cảm thấy Lời của Đức Kitô là “lời nói lung lay” nên có sức cảm hoá lòng người ? Phải chăng dân chúng lũ lượt theo Đức Kitô vì Lời của Người thể hiện bằng những hành động và bằng những “gương lành lôi cuốn” ?

Chắc hẳn, đầu tiên người ta nghe nói về Đức Kitô, và tin lành đã đồn xa. Có chăng một tên mù thành Giêrikhô ngày ngày ngồi bên vệ đường đã gặp Đức Kitô ? Thưa, anh ta chỉ nghe nói về Giêsu Nagiarét mà thôi. Ấy vậy, khi Người đi qua, anh ta lớn tiếng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Và rồi quá tin đễn nỗi anh vất áo choàng lại phía sau, đứng phắt dậy và tiến gần đến Đức Kitô. Đức tin đã mở mắt cho anh (Xc Mc 10,46-52). Thứ đến, người ta chứng kiến Đức Kitô nói. Có chăng một viên đại đội trưởng đã nhìn thấy Đức Kitô ? Thưa, ông ta chỉ nghe đồn mà thôi. Nghe đồn, làm sao có thể tin được! Ấy vậy, chẳng ai mạnh mẽ lòng tin như viên đại đội trưởng này. Ông sai đầy tớ đi mời Đức Kitô là ông đã tin rồi. Và khi Người còn ở đằng xa, ông đã phán đầy tớ ra trình: “… nhưng xin Ngài cứ nói một Lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh” (Xc Lc 7,1-10). Sau cùng, gương lành nơi Đức Kitô đã lôi cuốn đến độ người ta chỉ mong được Đức Kitô nói một câu hoặc phán một lời. Và có chăng một Dakêu kếch xù đã có dịp tiếp xúc với Đức Kitô ? Thưa, ông ta vốn là một thu thuế giàu có nên chỉ muốn xem cho vui, để biết Đức Kitô là ai. Từ cảm thức tò mò, ông khẽ lách khỏi đám đông, vội vã chạy tới phía trước, thoăn thoắt leo lên cây sung như để thoả mãn tâm nguyện của mình. Thấy vậy, Đức Kitô đã kịp thời gọi Dakêu xuống “vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Dakêu vội vàng tụt xuống, mừng rỡ, và tiếp rước Người vào nhà. Cảm kích trước lòng tin của ông, Đức Kitô thừa nhận: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Xc Lc 19,1-10).

Quả thực, Lời của Đức Kitô có sức biến đổi lòng người cách mãnh liệt. Lời ấy mạnh đến độ có những người chưa một lần gặp mà chỉ nghe nói, chưa một lần thấy mà chỉ nghe đồn, chưa một lần giáp mặt huống hồ diện kiến, chưa một lần tiếp xúc mà chỉ ao ước xem cho biết, … nhưng đều tin vào Lời của Đức Kitô có sức cảm hoá và chữa lành.

3.3. Lời để phục vụ


Lời đã đến trần gian để con người được sống và sống dồi dào, sống trong hồng phúc và ân nghĩa của Thiên Chúa (Xc Ga 10,10). Vì thế, tác giả Thánh vịnh đã ca ngợi và cảm nhận rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).

Hơn nữa, sức phục vụ mạnh nhất của Lời chính là con người Đức Kitô. Đức Kitô rao giảng Tin mừng bằng ánh mắt thiện cảm, bằng con tim trắc ẩn, và bằng cả tấm lòng yêu thương. Nếu không vì thế thì cô Maria làng Bétania đã chẳng ngồi dưới chân Chúa hàng giờ để nghe Người giảng dạy (Xc Lc 10,38-42). Bên cạnh đó, Người còn xót xa bao mảnh đời mong manh, bao kiếp người lận đận, và bao số phận hẩm hiu. Trước tình cảnh đáng thương ấy, Người đồng cảm, chia sẻ, và trao ban. Lúc này, Người trao ban Lời như ở giữa lòng nhân loại. Lòng nhân là nói những lời yêu thương, làm những việc hữu ích, và trao ban những gì mình “là”. Chính Đức Kitô đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ để các môn đệ cũng rửa chân cho nhau (Xc Ga 13,6-15). Đặc biệt, nơi Đức Kitô, Lời chính là tình yêu. Vì yêu, Lời trở thành nguồn sống thiêng liêng đến độ Đức Kitô dám bẻ đời mình và trao ban cho con người làm lương thực trường tồn. Mình và Máu Đức Kitô giờ đây ở giữa chúng ta như bảo chứng tình yêu vĩnh cửu dành cho những ai muốn nên giống như Người.

Kết


Tóm lại, nếu lời ru của mẹ có sức xoa dịu tiếng khóc chào đời của con trẻ thì Lời Hằng Sống của Đức Kitô sẽ mang lại sự sống vĩnh cửu cho những ai biết lắng nghe và thực thi Lời cách yêu thương. Thật vậy, từ gia đình, lời yêu thương của cha mẹ là những bài huấn giáo mong cho con cái trở nên người. Tuy nhiên, những lời ấy không đáp ứng đủ nhu cầu của con người khi phải sống tương quan với người khác. Cho nên, con người lại cần đến những lời gặp gỡ trong xã hội. Ấy vậy, lời trong xã hội không sao thoả mãn đời sống tâm linh trong khi cuộc sống tinh thần của con người ngày càng nâng cao. Khi ấy, chỉ có Lời Hằng Sống của Đức Kitô mới có giá trị trường tồn, vĩnh cửu và hiện thực với cuộc sống con người.

Với người Kitô hữu, “mến yêu Lời là yêu mến Thiên Chúa”[7]. Cho nên, sống tương quan thâm sâu với Đấng đã tạo dựng ra mình là cách thể hiện yêu mến Lời trong cuộc sống siêu nhiên. Lời giúp con người thấy được giá trị hiện hữu của mình trong vũ trụ. Bởi lẽ, con người là thọ tạo nên cần sống thân tình với Thiên Chúa và tỏ lòng con thảo đối với Người. Tương quan với Thiên Chúa không những để ca ngợi Người mà còn yêu mến Người nhiều hơn. Thật vậy, sự hiện hữu của con người trong vũ trụ là hành trình dong duổi kiếm tìm. Ta khao khát đi tìm Đấng ta yêu mến trong con tim và trong hành động. Do vậy, “ để cuộc sống nên trọn vẹn, con người không thể không khao khát Thượng đế,…”[8].
[1] Trần Văn Toàn, Xã hội và con người, Nxb Nam Sơn, 1967.
[2] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Thời Mới, 1967, tr 289.
[3] Trần Thái Đỉnh, Sđd, tr 297.
[4] Xc. Guy Bedouelle, Alain Quilici, Les frères prêcheurs autrement dits Dominicains, Le Sarment Fayard, 1997, Bản dịch Việt ngữ của Học viện Đaminh, 2005, tr 80-81.
[5] Guy Bedouelle, Alain Quilici, sđd, tr 82.
[6] Guy Bedouelle, Alain Quilici, sđd, tr 82.
[7] Guy Bedouelle, Alain Quilici, sđd, tr 83.
[8] Lê Quang Phúc, Trực cảm tâm linh, Ottawa, 1997, tr 110.