Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

THẦN HỌC VỀ LOGOS THEO CÁC GIÁO PHỤ

Thời sự Thần học – Số 44, Tháng 6/2006, tr. 89-108.

_Đinh Vịnh 🙋


Trong trào lưu văn chương và suy tư thần học thế kỷ II và III, chúng ta gặp thấy những khuynh hướng sai lạc về Ngôi Lời, chẳng hạn phong trào Nhất chủ thuyết[1] chủ trương chỉ có một Thiên Chúa là Chúa Cha, chính Ngài đã sinh ra, cũng chính Ngài đã chịu khổ hình và chịu chết. Sau này, người ta còn gặp một khuynh hướng khác mang sắc thái của Nhất chủ thuyết, đó là Hình thái thuyết với chủ trương không phân biệt Ba Ngôi nơi Thiên Chúa, coi Thiên Chúa là “nhất thể” đơn thuần và giải thích về Ba Ngôi chỉ là ba hình thái khác nhau tuỳ theo [nhu cầu] sự biểu lộ mà thôi. Hay như khuynh hướng lạc giáo coi nhẹ thần tính của Ngôi Lời, Đức Giêsu Kitô, khi cho rằng Người không thực sự là Con Thiên Chúa, mà chỉ được nhận làm Con khi chịu phép rửa (Nghĩa tử thuyết). Khi phi bác lại tất cả những khuynh hướng sai lạc về Logos, chính là việc các Giáo phụ Hộ giáo khẳng định thần học về Ngôi Lời rằng Ngài thực sự phân biệt với Chúa Cha, rằng từ muôn thuở, Ngôi Lời đã tiền hữu nơi Chúa Cha, rằng Ngài là trưởng tử và là trung gian tạo dựng. Bài này tìm hiểu về những suy tư và lập luận của các Giáo phụ Hộ giáo liên quan tới những vấn đề này .

1. Tương quan giữa Ngôi Lời với Chúa Cha


Suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa, và phi bác lại chủ trương của Nhất chủ thuyết độc ngôi, các Giáo phụ hộ giáo đều khẳng định rằng Ngôi Lời phân biệt với Chúa Cha ; Ngôi Lời thực sự là Ngôi Hai Thiên Chúa khác biệt với Ngôi Nhất là Chúa Cha, và Người xuất phát hay được sinh ra từ Chúa Cha cho nên Người là Con Thiên Chúa.

Vị Giáo phụ đầu tiên mà chúng ta kể tới trong việc phi bác là tư tưởng lạc giáo của Nhất chủ thuyết là thánh Giústinô tử đạo. Thánh nhân đã dựa vào chứng tích Kinh thánh mà phân biệt Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vạn vật, với Ngôi Lời, Đấng mà nhờ Người, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ. Thánh nhân lập luận rằng Thiên Chúa thì khác với Đức Chúa, Đấng đã hiện ra với tổ phụ Ápraham bên gốc sồi Mambré dưới hình dạng có thể nhìn thấy được. Đức Chúa ở đây chính là Ngôi Lời (Logos), và cũng chính Ngôi Lời đã đến để thi hành quyết định của Thiên Chúa là trừng phạt Xơđôm và Gômôra (Xc. St 19,24), để mạc khải cho muôn loài biết về Chúa Cha và thánh ý của Ngài : “[…] có một Thiên Chúa và Đức Chúa khác dưới Đấng tạo dựng muôn vật muôn loài, [Kinh thánh] nói như vậy; Người cũng được gọi là thiên sứ bởi vì Người loan báo cho loài người tất cả mọi điều Đấng tạo dựng muôn loài muốn loan báo cho họ biết […]”[2] Hay như khi đứng trước lập luận đồng hóa Chúa Cha với Ngôi Lời, tức cho rằng chính Chúa Cha đã hiện ra với loài người, thì thánh nhân bác lại bằng cách dựa vào chính tư tưởng của Hy-lạp về Thiên Chúa, để chỉ ra sự phân biệt giữa Ngôi Lời với Thiên Chúa ; nghĩa là thánh nhân xác định rõ : chính Ngôi Lời chứ không phải Chúa Cha, đã hiện ra với các tổ phụ và thi hành những quyết định của Chúa Cha :
“Vị Thiên Chúa đã phán với Mo-sê rằng Người là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixáac và Thiên Chúa của Giacóp không phải là Đấng tạo dựng vạn vật đâu, mà là Đấng tôi đã chứng minh với anh em là đã hiện ra cho Ápraham và Giacóp trông thấy, Đấng thi hành thánh ý của Đấng tạo dựng vạn vật, đã thi hành quyết định của Người xét xử Xơđôm […] Bảo rằng Đấng tạo dựng và là Cha vạn vật đã bỏ hết các tầng trời cao siêu để xuất hiện ở một nơi khỉ ho cò gáy, thì chẳng có ai, dù ít trí khôn đến đâu, dám nói như thế.” (Đối thoại 600).[3]
Tiếp đến, cũng vẫn dựa vào Kinh thánh, thánh nhân nói tới việc Ngôi Lời còn được biết đến dưới nhiều danh xưng và danh hiệu khác nữa như vinh quang Đức Chúa, Đức khôn ngoan, Thiên Sứ, Thiên Chúa, Đức Chúa, Ngôi Lời, nhưng dầu vậy, Người vẫn thực sự khác biệt với Chúa Cha, và Người mang các tên đó bởi vì Người thi hành thánh ý Chúa Cha và Người do thánh ý mà sinh ra bởi Chúa Cha.[4] Hay ở chỗ khác người lập luận rằng, khi Thiên Chúa tạo dựng con người thì đã có lời phán : “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta” (St 3,22), và như vậy, với cụm từ “như một kẻ trong chúng ta” chính là một minh chứng cho thấy có nhiều các Ngài, và đó là điểm để phân biệt Chúa Cha với Chúa Con. Hay ở một chỗ khác, thánh nhân dựa vào lời sách Khôn Ngoan (8,21 tt) : Thiên Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất…) để minh chứng cho xác quyết của mình về sự khác biệt giữa các Ngôi vị Thiên Chúa. Nghĩa là thánh nhân quả quyết rằng Thiên Chúa đã sinh ra Ngôi Lời trước tất cả các loài thọ tạo : “[…] nếu anh em chú ý : lời cho thấy là Chúa Cha đã sinh ra Người trước hẳn mọi loài thọ tạo, và rằng Đấng được sinh ra khác về mặt con số (arythmo) với Đấng sinh ra.”[5]

Còn với thánh Théophile thành Antiokia, khi bàn về Ngôi Lời như trung gian tạo dựng, tức là Lời được phát ra bên ngoài (logoj proforikoj), cũng cho thấy là Ngôi Lời thực sự phân biệt với Thiên Chúa. Thánh nhân lập luận rằng Ngôi Lời thì vốn hiện hữu nội tại (logoj endiaqetoj) trong Thiên Chúa ; bởi đó, trước khi tạo dựng vũ trụ muôn loài, Thiên Chúa đã bàn bạc với Lời nội tại, tức trí tuệ và tâm tình của Ngài. Và khi đã quyết định, Thiên Chúa đã phát Lời ra ngoài, Ngài “đã đưa Ngôi Lời ra với đức Khôn Ngoan trước hết mọi sự.”[6] Còn với Lời được phát ra (logoj proforikoj) đã trở thành trưởng tử của mọi loài thọ tạo, do vậy mà “Lời được gọi là Nguyên lý vì là Khởi nguyên và là chủ tể mọi loài được tạo dựng bởi Người.”[7]

“Trước khi có mọi sự, Thiên Chúa tham vấn Người là trí tuệ và tâm tình của Người. Và khi Thiên Chúa quyết định làm những gì Người đã bàn bạc, Người sinh ra, cho xuất ra ngoài Ngôi Lời, làm trưởng tử mọi loài thọ tạo, mà chính Người vẫn không mất đi Ngôi Lời, vì Người đã sinh ra Ngôi Lời và hằng đàm đạo với Ngôi Lời.”[8]

Tertullianô cũng đã cố gắng để đưa ra sự phân biệt giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa để đối lại với chủ chương của Praxeas, người đã “nghĩ rằng người ta chỉ có thể tin vào một Thiên Chúa độc nhất khi đồng hoá Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như là cùng một Đấng.”[9] Điều đó có nghĩa rằng, theo như Tertullianô ghi lại, Praxeas đã biến niềm tin vào Ba Ngôi thành độc ngôi (nhất chủ thuyết). Bác lại chủ trương đó, Tertullianô đã cố gắng để hình thành một thần học về Thiên Chúa độc nhất nhưng có ba Ngôi Vị phân biệt nhau : Ngôi nhất là Chúa Cha, Ngôi Hai là Chúa Con và Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần. Với việc dùng hạn từ Ngôi Vị (persona), Tertullianô đã phân biệt Ba Ngôi vị Thiên Chúa trong một bản thể duy nhất, điều này có nghĩa rằng ông đã bàn về một Thiên Chúa duy nhất và đa diện [tam vị nhất thể]. Ông cho rằng Thiên Chúa thì duy nhất, nhưng là sự duy nhất về bản thể, và Thiên Chúa cũng đa diện, sự đa diện thể hiện ở thứ vị hay những đặc tính riêng của từng Ngôi Vị thể hiện ra bên ngoài :
“… Chớ gì nhiệm cục qua đó nhất thể thành tam vị được tôn trọng, nhất thể trải ra thành ba : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tôi nói Ba không theo bản tính nhưng là theo thứ vị, không theo bản thể nhưng là theo đặc tính riêng của các vị, không theo quyền năng nhưng là theo sự tỏ lộ của các vị. Vì vậy, các vị chỉ là một bản thể độc nhất, một bản tính độc nhất và một quyền năng độc nhất ; vì chưng chỉ có một Thiên Chúa độc nhất, và chiếu theo Ngài mà những thứ vị, những đặc tính và những tỏ lộ đó được gán cho danh xưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[10]
Như vậy, một “bản thể” và “ba ngôi” nơi Thiên Chúa chính là công thức mà Tertullianô đã tạo ra cho nền thần học Latin để nói về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Riêng với việc phân biệt giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, ông đã dùng hình ảnh tia sáng với mặt trời, suối nguồn và sông ngòi để minh chứng. Theo ông, khi Ngôi Lời phát xuất từ Thiên Chúa, được sinh ra từ Thiên Chúa thì Ngôi Lời thực sự phân biệt với Thiên Chúa, cũng giống như tia sáng bắt nguồn từ mặt trời thì phân biệt với mặt trời nhưng lại vẫn thuộc về mặt trời ; và cũng thế, dù xuất phát từ Thiên Chúa, phân biệt với Thiên Chúa, Ngôi Lời vẫn thuộc về Thiên Chúa và Ngôi Lời với Thiên Chúa chỉ là một và duy nhất :
“Thiên Chúa, theo như Thánh Thần nói, đã phát Lời của Ngài, cũng như rễ nẩy sinh chồi, cũng như nguồn nảy sinh sông ngòi, như mặt trời phát sinh tia sáng…. Tôi không ngần ngại nói rằng Chúa Con thuộc về Cha cũng như chồi thuộc về rễ, sông thuộc về nguồn, và ánh sáng thuộc về mặt trời. Và cũng như chồi không bị tách rời khỏi rễ, dòng sông không bị tách rời khỏi nguồn, tia sáng khỏi mặt trời. Phù hợp với những thí dụ này, tôi tuyên bố thừa nhận hai hữu thể : Thiên Chúa và Lời của Ngài, Cha và Con….”[11]
Cùng với Tertullianô khi phi bác lại những luận điệu của Nhất chủ thuyết, Hyppolyte thành Rôma đã trình bày về sự phân biệt giữa Ngôi Lời với Thiên Chúa. Thánh nhân cho rằng lúc khởi đầu thì Ngôi Lời vốn tiền hiện hữu trong Thiên Chúa, và được gọi là Lời nội tại, khi đó Lời nội tại không phân biệt với Thiên Chúa. Tiếp theo, khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ muôn loài thì Ngài đã phát Lời ra ngoài, Lời được phát ra này trở thành nguyên lý cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa, và cũng là trung gian tạo dựng tức thi hành thánh ý của Chúa Cha. Và duy chỉ Lời được phát ra này là không được tạo dựng [từ hư vô], nhưng là được sinh ra từ chính hữu thể Thiên Chúa,[12] đây chính là lý do để có thể nói rằng Ngôi Lời là Một với Thiên Chúa, dù Ngôi Lời thực sự phân biệt với Chúa Cha vì đã được phát ra :
“Thiên Chúa duy nhất […] thoạt tiên sinh ra một Ngôi Lời (Logos) bằng tư tưởng của Người, nhưng không phải một Lời giống như âm thanh mà một lý trí nội tại của hoàn vũ. Người là Đấng duy nhất Thiên Chúa sinh ra từ hữu thể ; hữu thể đó chính là Chúa Cha nguồn xuất phát Đấng được sinh ra…. Vì thế, khi Đấng là Cha ra lệnh phải tạo dựng thế giới, Ngôi Lời đã thực hiện từng chi tiết sở thích của Cha Người […]”[13]
Sự phân biệt giữa Ngôi Lời với Thiên Chúa còn dựa vào việc lý luận rằng Chúa Con đã thực sự được sinh ra bởi Chúa Cha, Đấng vốn bẩm sinh [không được sinh ra], và khi được sinh ra thì nhất thiết Chúa Con phải thấp hơn Chúa Cha, và nhờ vậy mà Người phân biệt với Chúa Cha. Chẳng vậy Ngôi Lời sẽ ngang hàng với Thiên Chúa vì không được sinh ra, mà như thế thì người ta sẽ cho rằng có hai Thiên Chúa. Nhưng một khi có hai Thiên Chúa thì không còn đúng với niềm tin độc thần giáo với một Thiên Chúa duy nhất mà Kinh thánh đã trình bày. Đó là lập luận của Novatianô, trong tác phẩm Về Ba Ngôi, để đối lại với lời lẽ chê trách của những người theo chủ thuyết nhị nguyên :
“Vậy phải nói gì bây giờ ? Phải chăng Kinh thánh đưa ra hai thiên chúa ? Làm sao Kinh thánh lúc đó có thể bảo chỉ có một Thiên Chúa duy nhất ? Hay phải chăng Đức Kitô không phải là Thiên Chúa ?” (De Trinité XXX,178)[14]
“… Thực vậy, Cha thì có trước Ngài [Ngôi Lời], bởi vì nhất thiết Cha phải hiện hữu trước Con trong tư cách là Cha […]. Cũng thế nhất thiết Con phải thấp hơn Cha, bởi vì chính Chúa Con cũng nhìn nhận là mình ở trong Cha, có một nguồn gốc bởi đã được sinh ra. Con quy về Cha bởi sự kiện được sinh hạ, bởi vì Con được sinh bởi Cha, Đấng duy nhất không có nguồn gốc…. Nếu Ngôi Lời không được sinh ra, Ngài sẽ là Đấng bẩm sinh, ngang hàng với Đấng vốn là bẩm sinh (inné) […] và như thế sẽ có hai Đấng không được sinh ra (inengendrées), và như thế là có hai Thiên Chúa…” (De Trinité XXXI, 185tt)[15]
Với Origène, tuy không rõ ràng là chống lại những chủ trương của Hình thái thuyết hay Nhất chủ thuyết như kiểu của Tertullianô, nhưng trong học thuyết của ông về mầu nhiệm Thiên Chúa, hay về vấn đề a3a Ngôi Lời với Thiên Chúa, ông đã trình bày khá rõ ràng về sự phân biệt giữa Ngôi Lời với Thiên Chúa. Theo ông, Ngôi Lời không được tạo thành nhưng đã được sinh ra, cho nên giữa Chúa Cha và Chúa Con có tính đồng vĩnh cửu hoàn toàn, điều đó nói lên sự nhiệm sinh vĩnh hằng của Chúa Con ; mặt khác Ngôi Lời vẫn luôn luôn hiện hữu cùng với Chúa Cha là Cội Nguồn, vì là hình ảnh phản chiếu áng sáng của Chúa Cha, và dù thực sự phân biệt với Chúa Cha nhưng Người không bao giờ tách biệt khỏi Chúa Cha.[16]

Khi bàn về Ngôi Lời, Origène còn khẳng định ngôi vị (hypostase) nơi Chúa Con, nghĩa là Người hiện hữu cách thực sự chứ không phải chỉ là ý tưởng ; và lời khẳng định của ông thực là dứt khoát : “Nếu ta dứt khoát chấp nhận rằng Con Thiên Chúa, Đấng là Con Một Thiên Chúa, là Đức Khôn Ngoan của Người, hiện hữu như một bản thể, tôi không tin rằng trí khôn chúng ta còn có thể lầm lạc mà nghi vấn bản thể Người chứa một chất gì thuộc vật thể […].” Thực vậy, Origène đã lập luận rằng Ngôi Lời thì thuộc về Chúa Cha (Ngôi Lời tòng thuộc), Người được sinh ra từ Chúa Cha và được gọi là Đức Khôn Ngoan, nhưng Người không thuộc về hay chứa đựng một thứ gì thuộc vật thể. Do đó mà khi trí khôn phàm nhân có bàn về Ngôi Lời, xét trong tư cách Người là Ngôi Lời hay đức Khôn Ngoan, thì phải cho rằng Người không có hình thái màu sắc hay kích thước, là những thuộc tính thuộc về vật chất, và cũng thế, Người không có khởi đầu cũng như không có cùng tận là những thuộc tính thuộc về kỳ gian. Và ông cho rằng, nếu một trí khôn phàm trần nào cố gắng để tìm hiểu về Ngôi Lời, xét trong tư cách là Ngôi Lời, những yếu tố thuộc về vật chất hay kỳ gian thì đó là những người điên. Sau những lập luận như thế cùng với câu tiền đề mà chính ông đã đưa ra (ta vừa đọc trên đây), Origène đã kết luận về Ngôi Lời như sau :
“… Vì thế chúng ta biết Thiên Chúa luôn luôn là Cha của Đấng là Con, là con Một của Người, Đấng sinh ra bởi Người, có là gì cũng do Người mà lấy ra. Đấng tuy nhiên không có khởi đầu cho dù là khởi đầu theo nghĩa thời gian và ngay cả khởi đầu theo lý trí […]. Vậy ta phải tin rằng Đức Khôn Ngoan đã được sinh ra không có khởi đầu nào mà ta có thể diễn tả hay quan niệm.”[17]
Tóm lại, với những lập luận của các Giáo phụ bàn về tương quan giữa Ngôi Lời với Thiên Chúa, như vừa trình bày trên đây, đã mang lại cho chúng ta không những một “kiến thức” về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mà hơn thế nữa, còn giúp chúng ta củng cố được niềm tin vào Đức Kitô, Ngôi Lời và là Con Một Thiên Chúa, như chính các vị đã tỏ lộ niềm tin đó. Với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, những bản văn của các Giáo phụ đã giúp ta nhận thức rõ hơn mối tương quan giữa Chúa Cha với Chúa Con, giữa Ngôi Lời với Thiên Chúa, có một sự khác biệt : “Chúa Cha, Đấng vốn bẩm sinh – Ngôi Lời, Đấng được sinh ra bởi Chúa Cha” (Novatianô). Nhưng dầu cố chứng minh sự phân biệt giữa Chúa Cha với Ngôi Lời, thì các Giáo phụ lại vẫn khẳng định rằng Ngôi Lời không tách biệt khỏi Chúa Cha, Người vẫn là Một với Chúa Cha, bởi vì : “Người là Đấng duy nhất không phải được tạo dựng [từ hư vô] mà được sinh ra từ chính Hữu Thể Thiên Chúa” (Hyppolytô). Tuy nhiên, Ngôi Lời không phải được sinh sản theo nghĩa của phàm nhân, mà là sinh ra từ đời đời [nhiệm sinh vĩnh hằng] và theo kiểu lời được phóng phát ra ngoài. Hoặc nói cách khác rằng Ngôi Lời là Con nên phân biệt với Chúa Cha, nhưng Ngôi Lời vẫn là Một với Chúa Cha : là Một cùng bản thể với Chúa Cha, là Ba theo thứ vị, theo đặc tính riêng và theo sự tỏ lộ (Tertullianô). Và sau cùng, nếu phải nói về vấn đề này, thì lập luận sau đây của Origène được coi như một khẳng định :
“Đấng là Con quả là Ngôi Lời, và bởi đó ta không được quan niệm một điều gì khả giác nơi Người… Vậy Cứu Chúa chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, Đấng là Cha : trong tương quan với Đấng là Cha, Người là Chân lý, nhưng trong tương quan với chúng ta, những kẻ được Người mạc khải Chúa Cha, Người là hình ảnh nhờ đó chúng ta biết Chúa Cha mà không ai biết rõ trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho.”[18]

2. Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, tiền hữu nơi Thiên Chúa


“Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, tiền hữu nơi Thiên Chúa” là xác quyết của các Giáo phụ Hộ giáo để phi bác lại chủ trương Nghĩa tử thuyết, khi thuyết này phủ nhận thần tính của Ngôi Lời.

Mặc dù là một triết gia ngoại giáo trở lại Kitô giáo, nhưng những giáo thuyết của thánh Giustinô tử đạo về Logos thật là xác tín. Thánh nhân khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng mạc khải về Chúa Cha. Để chứng minh cho lập luận này của mình, ngài đã dựa vào bằng chứng là những việc làm [dấu lạ] cùng với những lời rao giảng của các Sứ Ngôn, những người được Thiên Chúa tuyển chọn và ban Thần Khí ; bởi vì, chẳng vậy, các Sứ Ngôn sẽ chẳng làm được gì. Việc các ngài làm chứng tỏ có sự can thiệp của Thiên Chúa, và cũng thế, lời rao giảng của các ngài cũng chính do Thiên Chúa soi sáng, cho nên, với chúng ta, lời loan báo của các ngài về Đức Kitô, Con Thiên Chúa trở nên đáng tin cậy :
 “Cả những phép lạ họ thực hiện cũng khiến họ trở thành đáng tin khi họ tôn dương Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành muôn loài và khi họ loan báo Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đến từ Ngài… nhưng trước hết, anh hãy cầu nguyện để cánh cửa của ánh sáng mở ra cho anh, bởi lẽ không ai có thể thấy hay hiểu biết Thiên Chúa nếu Thiên Chúa và Đức Kitô của Ngài không cho người đó hiểu biết” (Dialogue VII, 1-3)[19]
Và để xác tín của mình có cở sở vững chắc hơn, thánh nhân đã dựa vào chính cuộc đời của Đức Giêsu, qua những lời rao giảng cùng những phép lạ Người đã thực hiện, để khẳng định Người là Con Thiên Chúa. Mặt khác, với thánh nhân, tất cả những lời tiên tri [được loan báo] trong Cựu ước đã được thực hiện hoàn tất nơi Đức Giêsu, điều đó chứng minh Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.[20] Và khi khẳng định Người là Con Thiên Chúa, thì đồng thời thánh nhân cũng xác tín rằng Người chính là đối tượng của niềm tin cho mọi hạng người, bởi vì Người xuất phát bởi Chúa Cha chứ không phải là sản phẩn [thần linh] do lý trí loài người tạo ra. Do đó Người được mọi người tin nhận và sẵn sàng chết để làm chứng cho Người, và cho những giáo huấn của Người :
“Không ai đã tin Socrate đến mức chịu chết vì học thuyết của ông ta, nhưng Đức Kitô, mà Socrate chỉ biết một phần, Người quả đã hiện diện trong tất cả… Đức Kitô là đối tượng đức tin không phải chỉ của các triết gia, của những người trí thức mà còn là của những người thợ, những người vô học ngu dốt nhất, họ khinh thường dư luận, coi thường sợ hãi và cái chết, bởi Người là quyền năng khôn tả của Cha chứ không phải là sản phẩn của lý trí con người.”[21]
Thêophilê thì phân biệt giữa Lời nội tại (logoj endiaqetoj) và Lời được phát ra [bởi Thiên Chúa] (logoj proforikoj), Lời được phát ra khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, nhưng trước đó thì lời vốn đã hiện hữu nội tại trong Thiên Chúa. Như vậy, với thánh nhân, Ngôi Lời vốn tiền hữu nơi Thiên Chúa, là Lời nội tại của Thiên Chúa, nghĩa là từ đời đời, Ngôi Lời đã ở trong cung lòng Thiên Chúa. Thánh nhân dựa và giáo huấn trong Thánh Kinh, nhất là vào Tin mừng Gioan (1,1) mà khẳng định điều này : “Có giáo huấn mà Kinh thánh và các Đấng được linh hứng ban cho chúng ta, đặc biệt là Gioan khi ông nói : ‘lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời là Thiên Chúa’. Ông cho thấy là lúc khởi đầu chỉ có một mình Thiên Chúa, và trong Người đã có Ngôi Lời.”[22]

Và để phi bác lại quan niệm trong các truyện thần thoại, về việc các thần linh được sinh sản theo nghĩa kết hợp nam-nữ, thánh nhân đã khẳng định Ngôi Lời được sinh ra theo kiểu phát xuất, Lời nội tại được phóng ra ngoài. Thánh nhân đã dùng lập luận này để giải thích việc Ađam nghe tiếng Chúa phán gọi lúc ông ở trong vườn địa đàng, đó chính là Lời được phát ra và đó là Con Thiên Chúa.
“Kinh thánh dạy rằng, Ađam nói mình có nghe tiếng Người phán. Đó là tiếng phán nào khác nếu không phải là Lời Thiên Chúa, Đấng cũng là Con của Người ? Không phải theo nghĩa các thi sĩ và các người viết chuyện thần thoại khi họ nói rằng con cái các thần minh sinh ra bởi những cuộc giao hoan với người phàm, mà theo điều chân lý tường thuật về Ngôi Lời vốn là nội tại trong cung lòng Thiên Chúa.”[23]
Còn với Taxianô, trong một diễn luận gửi người Hy-lạp, ngài đã bàn về mối tương quan giữa Ngôi Lời với Chúa Cha và thế giới thọ tạo, trong đó ngài khẳng định về sự tiền hiện hữu của Ngôi Lời trong Thiên Chúa. Thánh nhân lập luận rằng chỉ duy mình Thiên Chúa mới là Đấng hiện hữu từ đời đời, và cũng thế, quyền năng của Ngôi Lời cùng hiện hữu nơi Thiên Chúa. Bởi đó, khi tạo dựng thế giới, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngôi Lời, vốn tiền hữu nội tại trong Người ; hay nói cách khác rằng nhờ quyền năng của Ngôi Lời mà mọi quyền năng khác mới có sự hiện hữu nơi Thiên Chúa.
“Thiên Chúa hiện hữu từ đời đời và chúng ta học biết rằng vào thuở ban đầu thì quyền năng của Ngôi Lời (Logos) đã hiện hữu. Bởi vì Chúa tể của vũ trụ, Đấng vốn là bản thể của vũ trụ, Đấng hiện hữu duy nhất, bởi vì mọi thọ tạo chưa có, và cũng vì mọi quyền năng của những sự hữu hình và vô hình đều ở trong Ngài, do bởi quyền năng của Logos, chính Ngài cho mọi sự hiện hữu trong Ngài.”[24]
Athénagoras cũng xác định điều này thật rõ ràng, tức Ngôi Lời vốn tiền hữu vĩnh hằng nơi Thiên Chúa, Người là Con Thiên Chúa từ đời đời ; và trong thỉnh nguyện thư gửi hoàng đế Marcus Aurelius để bênh vực các Kitô hữu, thánh nhân đã xác định rõ rằng Con Thiên Chúa chính là Ngôi Lời. Chúa Cha và Chúa Con là một, do đó, khi xác định Thiên Chúa là Thần trí vĩnh cửu thì đồng thời cũng phải nhận rằng, Ngôi Lời chính là lý trí vĩnh hằng (éternellement raisonnable) vốn hiện hữu nội tại nơi Người. Ta hãy đọc đoạn văn của ngài :
“Xin đừng ai chê cười tôi khi tôi chấp nhận là Thiên Chúa có một Người Con […]. Con Thiên Chúa là Ngôi Lời Chúa Cha trong ý tưởng và trong quyền năng… Chúa Cha và Chúa Con vốn là Một. Vì Chúa Con ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Con nhờ sự hiệp nhất và quyền năng Thần Khí, Con Thiên Chúa là Thần Khí và là Lời của Thiên Chúa.” ; “… Đấng là Con là Đấng đầu tiên phát xuất từ Chúa Cha, không phải như một vật thọ tạo – vì từ thuở ban đầu, Thiên Chúa, vốn là Thần trí (nouj) vĩnh cửu, có trong chính mình Ngôi Lời (Logos), Người là lý trí vĩnh hằng từ đời đời.”[25]
Và khi nói về Ngôi Lời tiền hữu nơi Thiên Chúa, chúng ta không thể không nhắc tới tư tưởng của thánh Irénê ; ngài không những khẳng định về điều này, mà hơn thế, ngài coi đây là một niềm xác tín, một quy luật đức tin. Chúng ta đọc thấy điều này trong tác phẩm Chứng minh lời rao giảng của các Tông đồ : “Đây là điều khoản thứ hai : Ngôi Lời của Thiên Chúa, Con của Thiên Chúa, [Đức Giêsu Kitô Chúa chúng tôi], Đấng đã hiện ra với các tiên tri tùy theo loại sấm ngôn của các ngài và tùy theo tình trạng của nhiệm cuộc cứu độ của Cha, nhờ Người mà mọi sự được tạo thành.”[26] Còn trong tác phẩm Chống lạc giáo, ta lại thấy khẳng định của thánh nhân càng mạnh mẽ và xác quyết : “Vậy ngay từ khởi thủy, Con là Đấng mạc khải Cha, vì ngay từ khởi thủy Ngài đã ở với Cha”[27] Như vậy, theo thánh giáo phụ Irénê, Đức Giêsu Kitô chính là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, và Ngài đã hiện hữu nơi Thiên Chúa Cha ngay từ khởi thủy.

Tertullianô không luận giải cách riêng về Ngôi Lời mà chỉ bàn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là Ngôi Lời trong tương quan với Thiên Chúa. Với ông, nơi Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị khác biệt nhau nhưng không tách biệt và vẫn chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Trong lập luận của ông về Ba Ngôi, ta cũng đọc được tư tưởng thần học của ông về Ngôi Lời rằng Người là Con Thiên Chúa, phát xuất từ Thiên Chúa và cũng có thần tính như Thiên Chúa, bởi vì Ngôi Lời thuộc về Chúa Cha giống như kiểu chồi thuộc về rễ, sông thuộc về nguồn, ánh sáng thuộc về mặt trời… [28]

Cùng cách thức như Tertullianô, Novatianô cũng không trực tiếp bàn về Ngôi Lời, mà ông chỉ đề cập tới Ngôi Lời khi bàn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Với Nôvatianô, Ngôi Lời là Con Thiên Chúa, phát sinh hay được sinh ra từ Thiên Chúa, nhưng dầu vậy Ngài vốn hiện hữu trước thời gian, tức là từ đời đời nơi Thiên Chúa. Ông nhấn mạnh về sự tiền hữu vĩnh cửu của Ngôi Lời nơi Chúa Cha, bởi vì chẳng vậy thì Cha không phải luôn luôn là Cha. Và theo ông, vì Ngôi Lời phát xuất từ Chúa Cha, tức là có nguồn gốc từ Chúa Cha, Đấng duy nhất không có nguồn gốc, do đó Ngôi Lời có cùng bản thể thần linh với Cha, tức Ngài cũng là Thiên Chúa :
“Được sinh ra bởi Chúa Cha, Con thì luôn luôn ở trong Cha. […] chúng ta phải nói là Đấng vốn hiện hữu trước mọi thời gian đã luôn hiện hữu trong Cha. Thực vậy, người ta không thể ấn định về vấn đề này một niên biểu nào cả trong thời gian, bởi vì Ngài hiện hữu trước mọi thời gian. Ngài hiện hữu cách vĩnh cửu ở trong Cha…. Ngài vốn ở trong Cha, đã phát xuất ra từ Cha ; và Ngài vốn ở trong Cha bởi vì Ngài thuộc về Cha, sau đó đã ở với Cha, bởi vì Ngài xuất ra từ Cha, và không là gì khác hơn là bản thể thần linh.”[29]
Origênê trong tác phẩm Bàn về những nguyên lý, đã gọi Ngôi Lời là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan này không phải là một điều phi bản thể, mà thực sự là một bản thể hay nói cách khác là một hữu thể sống động khôn ngoan ; và vì là một bản thể nên Đức Khôn Ngoan không thể là một vật thể được. Theo ông, Đức Khôn Ngoan cũng có thần tính vĩnh cửu nơi Chúa Cha, do đó đồng bản thể với Chúa Cha. Origène còn phi bác và coi là bị điên, đối với những ai cho rằng, nhờ trí khôn loài người, có thể định vị hay xác định được hình thế, màu sắc hoặc kích cỡ của Đức Khôn Ngoan xét như Đức Khôn Ngoan. Khi lập luận như thế, Origène đã dựa vào tư tưởng triết lý Hy-lạp, rằng Thiên Chúa là Đấng siêu việt và trí khôn loài người không thể nào nhận biết và hiểu thấu được Thiên Chúa là thế nào. Và cũng thế với Đức Khôn Ngoan, vì Người cũng có cùng thần tính vĩnh cửu như Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha và Người là chính Thiên Chúa, do đó trí khôn loài người đừng mơ tưởng có thể giải thích hay thấu đạt được Người. Và Origênê kết luận rằng :
“Vì thế chúng ta biết Thiên Chúa luôn luôn là Cha của Đấng là Con, là Con Một của người, Đấng sinh ra bởi Người, Đấng có là gì cũng do Người mà lấy ra, Đấng tuy nhiên không có khởi đầu cho dù là khởi đầu theo nghĩa thời gian và ngay cả khởi đầu theo lý trí, mà chỉ mình trí tuệ có thể chiêm bái nơi chính mình và quan sát với cái có thể gọi là trí tuệ và tâm linh trần trụi. Vậy ta phải tin rằng Đức Khôn Ngoan đã được sinh ra không có khởi đầu nào mà ta có thể diễn tả hay quan niệm.”[30]
Một số dẫn chứng và cách lập luận của những Giáo phụ hộ giáo vừa nêu trên, cũng đủ để ta thấy rõ được lập trường của các ngài về sự tiền hữu của Ngôi Lời trong Thiên Chúa, hay nói cách khác là thần tính vĩnh cửu của Ngôi Lời. Ngôi Lời là Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và cũng là Thiên Chúa. Đây không chỉ là niềm tin của các tín hữu thời Giáo hội sơ khai, hay nơi các Giáo phụ nói chung và các Giáo phụ hộ giáo nói riêng, mà với Giáo hội ngày nay vẫn tin nhận và tuyên xưng như thế.

3. Ngôi Lời, trưởng tử và trung gian tạo dựng


Đối lại chủ thuyết nhị nguyên của Ngộ đạo không công nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ, nhưng cho rằng đó là hậu quả của một tai nạn nào đó thuộc thế giới thần linh, các Giáo phụ Hộ giáo đã khẳng định và xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ. Còn về Ngôi Lời, các ngài xác định rằng Người là trưởng tử, là nguyên lý mà nhờ Người, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ cùng muôn vật muôn loài, do đó Ngôi Lời chính là trung gian tạo dựng. Chúng ta cùng điểm lại xem các giáo phụ đã lập luận như thế nào về vấn đề này.

Người trước tiên mà chúng ta đề cập tới vẫn là thánh Giustinô tử đạo, ngài cho rằng Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người là vai trò của Ngôi Lời (Logos). […] và Ngài là hướng đạo dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa. Ngôi Lời hiện hữu từ đời đời như là quyền năng của Thiên Chúa, nhưng nhiệm xuất từ Thiên Chúa trước công trình tạo dựng, và chính Ngôi Lời tạo dựng thế giới.[31]

Trong cuốn Hộ giáo I, thánh Giustinô khẳng định rằng Ngôi Lời đã được sinh ra từ lúc khởi đầu, Người là trưởng tử vì có trước muôn loài thọ sinh ; và chính nhờ Người mà Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài, nhờ Người mà Thiên Chúa xếp đặt lại trật tự của vũ trụ hỗn mang, nên Người được kể là trung gian tạo dựng, là nguyên lý của vũ trụ hữu hình. Còn về việc Người được gọi là Kitô là vì chính Thiên Chúa đã xức dầu cho Người :
“Còn Đấng là Con, Đấng duy nhất được gọi là Con theo nghĩa đen, Ngôi Lời vừa hiện hữu cùng với Người vừa được Người sinh ra trước các loài thọ tạo, lúc ban đầu, khi Thiên Chúa nhờ Người mà tạo dựng và sắp đặt muôn loài, Người được gọi là Kitô vì Người được Thiên Chúa xức dầu vì Thiên Chúa đã nhờ Người mà thiết lập trật tự trong vũ trụ.”[32]
Athénagoras cũng cùng chung một ý tưởng với Giustinô khi lập luận rằng, Ngôi Lời là trung gian cho việc Thiên Chúa tạo dựng và bảo tồn công trình tạo dựng của Ngài. Ngôi Lời là trưởng tử vì là Đấng đầu tiên xuất phát từ Chúa Cha, nhưng không như loài thọ tạo, bởi vì ngay từ đầu, Người đã tiền hữu với Chúa Cha, Người vốn là Một với Chúa Cha. Và hơn nữa, khi nhờ Ngôi Lời mà [Thiên Chúa] tạo dựng vũ trụ, nên Ngôi Lời được kể như nguyên mẫu hay nguyên lý của công trình tạo dựng. Chúng ta hãy đọc bản văn của Athénagoras lập luận về vấn đề này :
“… Nhờ Người mà muôn vật muôn loài được tạo dựng, xếp đặt và bảo tồn qua trung gian của Ngôi Lời [vốn hiện hữu] bên Người.
Con Thiên Chúa là Ngôi Lời Chúa Cha trong ý tưởng và trong quyền năng. Mọi vật đều được tạo dựng theo Người và qua trung gian của Người, Chúa Cha và Chúa Con vốn là một. Vì Chúa Con ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Con nhờ sự hiệp nhất và quyền năng Thần Khí […]
Đấng là Con là Đấng đầu tiên phát xuất từ Chúa Cha, không phải như một vật thọ tạo, vì từ thuở ban đầu, Thiên Chúa, vốn là Thần trí (nouj) vĩnh cửu, có trong chính mình Ngôi Lời (Logoj), Người (cũng) là lý trí vĩnh hằng từ đời đời, nhưng bởi vì Người phát xuất [từ Thiên Chúa], trong khi các vật thể lúc đầu không có phẩm chất gì, chỉ bằng đất trơ trơ, và các vật dầy đặc nhất lại lẫn lộn với các vật nhẹ nhất, khiến Người là ý tưởng và là năng lực đối với chúng.”[33]
Taxianô cũng cho rằng Ngôi Lời, công trình đầu tiên của Chúa Cha, phát xuất từ Thiên Chúa, và trở thành nguyên lý của vũ trụ ; vì rằng, do bởi quyền năng của Logos, Người đã cho mọi sự được hiện hữu trong Người. “Do ý chí bản chất đơn thuần của Ngôi Lời, Ngôi Lời nhảy ra khỏi Người, Người không phát xuất mà không có kết quả, Người trở thành công trình đầu lòng của Chúa Cha[34]. […] Người là khởi nguyên của muôn vật muôn loài.”[35] Thánh nhân đã lập luận dựa trên ý niệm lời, ngài trưng ra ví dụ là lời được phát ra từ miệng người nói có sức để tổ chức lại vật chất hỗn loạn nơi người nghe ; thì cũng tương tự như thế, vì được sinh ra từ thuở ban đầu, chính Ngôi Lời đến lượt mình, đã sinh ra cho mình mọi tạo thành bằng cách tạo dựng vật chất… và như thế, vì được tạo dựng bởi Ngôi Lời, nên vật chất không vô thuỷ vô chung như Thiên Chúa, và vật chất, vì vốn không phải là vô nguyên lý, nên không quyền năng như Thiên Chúa, nhưng vật chất đã được tạo dựng, và không phải bởi một ai khác, nhưng đã được tạo dựng do bởi một Đấng tạo dựng duy nhất tất cả mọi sự (demiourgos).[36]

Còn theo tư tưởng của với thánh Théophilê, thì Ngôi Lời [được phát ra] cùng với đức Khôn Ngoan, là tác nhân mà nhờ đó Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và muôn loài, do vậy, Ngôi Lời cũng được gọi là nguyên lý của mọi thọ tạo. Ta hãy đọc lập luận của thánh nhân : 
“Thiên Chúa vốn có Lời nội tại trong lòng Ngài, đã phát Lời ra ngoài cùng với đức Khôn Ngoan trước mọi sự. Ngài vốn có Lời như tác viên của mọi công trình của Ngài, và chính do bởi Lời mà Ngài tạo dựng mọi sự. (vì thế) Lời được gọi là nguyên lý vì là Khởi nguyên và là chủ tể mọi loài được tạo dựng bởi Người.”[37]
Thánh Irénê khi giải thích về nhiệm cuộc cũng đề cập tới vấn đề này, tức cho rằng con người và vạn vật là tác phẩm của Thiên Chúa [được tạo dựng] qua trung gian Ngôi Lời của Ngài. Thánh nhân gọi Ngôi Lời như Bàn Tay của Thiên Chúa ; và con người đã được nắn đúc bởi Bàn Tay của Thiên Chúa, tức bởi Ngôi Lời Thiên Chúa – bởi “mọi sự đã được tạo dựng bởi công cuộc của Ngài” và “Thiên Chúa lấy đất và nặn lên con người.”[38] Hay ở chỗ khác, khi phi bác lại lối giải thích Kinh thánh cách lệch lạc của khuynh hướng Ảo thân thuyết, và nhất là quan niệm sai lầm của nhóm này về tạo dựng, thánh nhân viết:
 “Rõ ràng là chúng sai lầm khi giải thích [Kinh thánh]. Gioan thực ra rao giảng một Thiên Chúa toàn năng duy nhất và một Đấng duy nhất là Con Một, Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành ; Người là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Con duy nhất, là Đấng tạo ra vạn vật, là ánh sáng chiếu soi mọi người, là Đấng tạo ra thế giới […]”[39]
Origênê với việc vận dụng tư tưởng triết học Hy-lạp để giải thích về Ngôi Lời, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, đã cho ta thấy rằng đức Khôn Ngoan được tạo dựng như khởi nguyên các đường lối Thiên Chúa. Trong bản thể của đức Khôn Ngoan đã có những phác hoạ của muôn loài thọ tạo, để rồi qua Người, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ. Do đó, Ngôi Lời được coi là nguyên lý của muôn loài thọ tạo. Ta hãy đọc trực tiếp bản văn của Origênê :
“Trong bản thể đó[40] của đức Khôn Ngoan đã hiện diện muôn loài thọ tạo vị lai trong khả thể và hình thái, bất kể là những loài hiện hữu lúc khởi nguyên hay là những [sự kiện] xảy ra tiếp theo đó […]. Bởi lẽ các loài thọ tạo này như thể được phác hoạ và hình thành trước trong Đức Khôn Ngoan, Người dùng miệng Salômôn mà nói Người được tạo dựng như khởi nguyên các đường lối Thiên Chúa, vì Người hàm chứa trong bản thân các nguyên lý, nguyên nhân và thể loại của muôn loài thọ tạo.”[41]
Như vậy, hầu hết các Giáo phụ hộ giáo đã cho rằng Ngôi Lời là trung gian tạo dựng, nhờ Người mà Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ muôn loài ; và đàng khác, Ngôi Lời vừa là khởi nguyên vừa là nguyên mẫu cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đó chính là điều mà các Giáo phụ xác quyết và mạnh mẽ bảo vệ để phi bác lại những khuynh hướng sai lạc, không công nhận vũ trụ muôn loài là công trình do Thiên Chúa tạo dựng, mà do một Hoá Công nào đó, hay do một tai nạn thuộc thế giới thần linh.
[1] Chủ trương Nhất chủ độc ngôi của thuyết này đã trở thành lạc giáo, vì điều đó đối nghịch lại với Nhất chủ nhưng phân biệt ba ngôi vị khác nhau của mạc khải Kitô giáo.
[2] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr.118
[3] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr.118 -119 ; xc. thêm Lê Văn Chính, sđd, tr. 25.
[4] Kitô học, tr. 119
[5] Sđd, tr.120
[6] Sđd, tr.128
[7] Sđd, tr. 128
[8] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr.129-130
[9] Giáo trình Giáo phụ học, sđd, tr.58
[10] Chống Praxeas II, 3, trích lại trong Giáo trình, tr. 59
[11] Sđd, tr. 93
[12] xc. Bùi Văn Đọc và các tác giả, sđd, tr.121-122
[13] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr.152
[14] Sđd, tr. 162
[15] Lê Văn Chính, sđd, tr. 94-95 ; xc. thêm Kitô học qua các tác giả, sđd, tr.163
[16] xc. Bùi Văn Đọc và các tác giả, sđd, tr.123.
[17] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr.176
[18] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr.179
[19] Giáo trình Giáo phụ học, sđd, tr. 24
[20] Sđd, tr. 25.
[21] Lê Văn Chính, sđd, tr. 26
[22] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr. 130
[23] Sđd, tr. 129
[24] Lê Văn Chính, sđd, tr. 29
[25] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr. 125 và Lê Văn Chính, sđd, tr. 31
[26] Chứng minh lời rao giảng tông đồ 6-7, SC 62 ; Giáo trình, sđd, tr. 53
[27] Chống lạc giáo IV,20,7, sđd, tr. 55
[28] xc. Chống Praxeas, sđd, tr. 93
[29] Lê Văn Chính, sđd, tr. 94
[30] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr. 176 ; x.thêm Giáo trình, sđd, tr. 95
[31] xc. Lê Văn Chính, sđd, tr. 25
[32] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr. 117
[33] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr. 125 ; Giáo trình, sđd, tr.31
[34] xc. Cl 1,1
[35] Kitô Học, sđd, tr. 127 ; xc.thêm Giáo trình, sđd, tr. 29
[36] Sđd, tr. 29
[37] Sđd, tr. 32
[38] Chống lạc giáo, L.III, 21,10, Sđd, tr. 54
[39] Kitô học qua các tác giả, sđd, tr. 138
[40] Như đã trích dẫn ở trên (tr. 29 ), về lập luận Đức Khôn Ngoan tiền hữu nơi Thiên Chúa, và có thần tính vĩnh cửu : “… Đức Khôn Ngoan đã được sinh ra không có khởi đầu nào mà ta có thể diễn tả hay quan niệm.”
[41] Kitô học, tr. 176-177 ; xc. thêm Giáo trình, tr. 95