Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG

Thời sự Thần học - Số 63 (tháng 02/2014), tr. 75-117 

 _Bình Hoà_ 

I. The Assyrian Church of the East (không chấp nhận Êphêsô)
II. Oriental Orthodox Churches (không chấp nhận Calxêđônia)
  A. The Armenian Apostolic Church
  B. The Coptic Church
  C. The Ethiopian Orthodox Tewahedo Church
  D. The Eritrean Orthodox Tewahedo Church
  E. The Syrian Orthodox Church of Antioch
  F. The Malankara Orthodox Syrian Church
III. The Orthodox Church (các Giáo hội Chính thống)
  A. Căn cước
  B. Tổ chức hiện tại của Giáo hội Chính thống: 14 giáo hội tự trị
  C. Cuộc đối thoại với Giáo hội Công giáo
IV. The Catholic Eastern Churches (các Giáo hội Đông phương Công giáo)
  A. Khái quát
  B. Tổ chức
  C. Phân loại 
Nhà thờ Giáo hội Đông phương

Thuật ngữ “Các Giáo hội Đông phương” khá phức tạp không những đối với tiếng Việt mà ngay cả trong những ngôn ngữ châu Âu nữa. Như đã nói trong bài dẫn nhập, “The Church of the East” khác với “Oriental Church” mặc dù xét về từ ngữ thì “East” và “Oriental” đều là “phương Đông”. Thế nhưng, phải hiểu Đông như thế nào? Đối với Rôma thì Constantinople là Đông, nhưng đối với Constantinople thì Syria là Đông; còn đối với chúng ta, thì tất cả đều nằm ở phía Tây![1] Từ thành phố Hồ Chí Minh, ai muốn lên Tây nguyên phải đi ra bến xe miền Đông! Tóm lại, cần hiểu các từ ngữ theo nghĩa quy ước mặc dù thiếu lôgic! Trong bài này, dựa theo cha Ronald G. Roberson[2], chúng tôi xin chia các Giáo hội Đông phương thành bốn khối (và giữ nguyên văn Anh ngữ để khỏi lẫn lộn từ ngữ).
  1. The Assyrian Church of the East, không thông hiệp với ai hết.
  2. Oriental Orthodox churches: gồm 6 giáo hội tuy tự lập nhưng vẫn hiệp thông với nhau.
  3. The Orthodox Church: những giáo hội hiệp thông với thượng phụ Constantinople.
  4. The Eastern Catholic churches: những Giáo hội Đông phương Công giáo hiệp thông với giám mục Rôma.
Xét theo sự hiệp thông với Rôma, chúng ta có thể phân làm hai nhóm:

A. Những giáo hội không hiệp thông với Rôma. 

Ba khối đầu tiên thuộc nhóm này.
  • Khối thứ nhất, không chấp nhận công đồng Ephêxô năm 431 (vì thế bị chụp mũ là Nestorian).
  • Khối thứ hai, không chấp nhận công đồng Calxêđônia năm 451 (vì thế bị chụp mũ là Monophysist).
  • Khối thứ ba, chấp nhận bảy công đồng đầu tiên (gồm cả Calxêđônia). Đây là khối lớn nhất trong các Giáo hội Đông phương, và tự nhận là Orthodox, chính thống (mặc dù khối thứ hai cũng tự xưng là Orthodox). Đôi khi khối này cũng được gọi là “Byzantine” vì theo nghi điển Byzantine và nhận thượng phụ Constantinople như là lãnh đạo tinh thần.

B. Nhóm thứ hai gồm những giáo hội hiệp thông với Rôma (khối thứ bốn). 

Tuy nhiên, khối này bao gồm nhiều nghi điển phụng vụ khác nhau, vì tập hợp tất cả ba khối trên đây, chỉ khác một điều là hiệp thông với vị kế vị thánh Phêrô, và được gọi là Uniate (đôi khi với nghĩa miệt thị).

Thường vị đứng đầu một giáo hội (tạm gọi là “giáo chủ”) mang danh hiệu là Patriarch (patriarca gốc Hy Lạp pater archon: cha và trưởng) thường dịch là “thượng phụ” (nhưng lại dịch là“tổ phụ” khi nói đến các nhân vật Cựu ước, như là Abraham, Giacob). Tuy nhiên tại vài nơi, vị ấy mang danh hiệu là Catholicos. Đây là một chức vụ đã có trong triều đình Rôma, tạm dịch là “Thống đốc, Toàn quyền” (kath-holikos), và được du nhập vào từ ngữ Giáo hội khoảng thế kỷ IV, dành cho các vị lãnh đạo những giáo hội ở ngoài biên cương đế quốc Rôma (Armenia, Assyria).

Lưu ý là những thống kê các tín hữu dưới đây chỉ có tính cách hướng dẫn, chứ không hoàn toàn chính xác.

I. The Assyrian Church of the East


Đế quốc Assyria nằm ở mạn Đông của Đế quốc Rôma; vì thế giáo hội tại đây được gọi là “The Church of the East”, và đã được tổ chức quy mô từ thế kỷ IV, với trung tâm là Seleucia-Ctesiphon, thủ đô của Đế quốc Persia (quen dịch là Ba tư). Vì thế trong lịch sử, giáo hội này cũng được đặt lên là “Syrian Church”, “Persian Church”, “Nestorian Church”. Danh xưng thứ ba muốn giải thích lý do sự phân ly của giáo hội này: họ không chấp nhận công đồng Ephêxô (431). Nhưng sự thật phức tạp hơn nhiều, bởi vì ngoài những lý do thần học còn có những lý do chính trị. Giáo hội tại Persia muốn độc lập khỏi ảnh hưởng của đế quốc Rôma khi đang xảy ra chiến tranh giữa hai đế quốc này để khỏi mang tiếng là “nối giáo cho giặc”.

Dù chỉ là thiểu số trong đế quốc Persia, nhưng các Kitô hữu tại đây đã đẩy mạnh cuộc truyền giáo sang Ấn độ, Tây tạng, Mông cổ, Trung hoa (với di tích là tấm bia tại Hsi-an thế kỷ VIII thời nhà Đường). Vào giai đoạn cực thịnh hồi đầu thế kỷ XIV, toà thượng phụ (được dời về Baghdad) gồm 30 giáo tỉnh và 200 giáo phận; nhưng vào cuối thế kỷ, thì họ hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn bởi những cuộc tấn công của Tamerlane (1336-1405). Giáo hội này lại bị mất mát lớn khi một nhóm trở về hợp nhất với giáo hội Rôma (The Chaldean Catholic Church). Con số tín hữu lại bị giảm sút một lần nữa vào thời thế chiến I. Số phần tử hiện nay còn chừng nửa triệu, rải rác khắp nơi: Iraq, Iran, Syria, Lebanon, Hoa Kỳ, Ấn độ[3].

* Vào ngày 11/11/1994, một tuyên ngôn về Đức Kitô được ký kết giữa đức thánh cha Gioan Phaolô II với Mar Dinkha IV của giáo hội Assyria. Kể từ đó những cuộc đối thoại thần học vẫn tiếp tục.

II. Oriental Orthodox Churches


Tên gọi dễ gây hiểu lầm với khối thứ ba dưới đây (cũng gọi là Giáo hội Chính thống). Khối này bao gồm 6 giáo hội “cổ Đông phương” (Ancient Oriental churches), với những truyền thống thần học và phụng vụ biệt lập. Một điểm chung là họ không chấp nhận công đồng Calxêđonia (năm 451), vì thế cũng được gọi là “the Non-Chalcedonian churches,” hoặc “the Pre-Chalcedonian churches”. Họ không chấp nhận đạo lý công đồng khẳng định Đức Kitô có “một ngôi vị trong hai bản tính” (one person in two natures), và họ bênh vực công thức một bản tính nhập thể của Lời Chúa (the one incarnate nature of the Word of God). Vì thế họ bị tố cáo là theo thuyết “nhất tính” (monophysites)[4]. Ngày nay, người ta nhận thấy rằng các lý do dẫn đến sự phân ly không chỉ thuần tuý thần học, nhưng còn vì nhiều lý do khác nữa (chính trị, văn hoá). Các giáo hội này có nền văn hoá riêng, và không muốn thần phục triều đình Constantinople, theo văn hoá Byzantine. Nhờ những cuộc đối thoại thần học, người ta thấy rằng các công thức Kitô học của họ không hoàn toàn tương khắc với công đồng Calxêđônia. Đó là một điểm chung; bây giờ chúng ta hãy điểm qua đặc trưng của mỗi giáo hội.

A. The Armenian Apostolic Church


Một truyền thuyết cho rằng hai thánh tông đồ Batôlômêô và Tađêô đã mang Tin Mừng cho dân tộc Armêni. Tại đây, Kitô giáo trở thành quốc giáo năm 301 khi vua Tiridates III trở lại đạo. Các đan sĩ đã sáng chế ra chữ viết quốc ngữ, nhờ vậy có thể dịch Kinh Thánh ra ngôn ngữ địa phương. Công nghị năm 506 đã tẩy chay công đồng Calxêđônia (451), mà các giám mục Armêni không tham dự.

Dân tộc Armêni nằm giữa các đế quốc, nên trải qua dòng lịch sử họ đã chịu nhiều cuộc xâm lăng và tàn sát (gần nhất là vào đầu thế kỷ XX, dưới thời đô hộ của Thỗ nhĩ kỳ, với khoảng 2 triệu người bị giết). Một số lớn phải di cư sang các nước láng giềng và Hoa Kỳ. Sau khi sự sụp đổ của liên bang Sô Viết, Armêni được độc lập, và Giáo hội Armêni được nhìn nhận là Giáo hội của quốc gia (với khoảng 90% tín đồ trên tổng số 3 triệu dân). Giáo hội có một nghi điển phụng vụ riêng.

Về cơ cấu tổ chức. Vị lãnh đạo tối cao mang tước hiệu Supreme Patriarch and Catholicos of All Armenians, trụ sở tại Etchmiadzin, gần thủ đô Yerevan, với thẩm quyền trên các lãnh thổ ở nước ngoài (8 triệu tín hữu). Trong Giáo hội Armêni, chức Catholicos thì cao hơn chức Patriarch, bởi vì dưới quyền của Catholicos có hai toà Patriarchates ở Jerusalem (khoảng 25 ngàn tín hữu) và Constantinople (khoảng 80 ngàn tín hữu). Ngoài ra, Catholicos ở Cilicia (Liban) hiệp thông với Catholicos Etchmiadzin, nhưng không ở dưới quyền của vị ấy.

* Giữa Giáo hội Armêni và Toà thánh đã có những cuộc gặp gỡ, được đúc kết qua những tuyên ngôn chung giữa đức thánh cha Phaolô VI và catholicos Vasken I (12/5/1970); giữa đức thánh cha Gioan Phaolô II với catholicos Karekin I (13/12/1996); giữa đức thánh cha Gioan Phaolô II với catholicos (Cilicia) Aram I (25/1/1997); giữa đức thánh cha Gioan Phaolô II với catholicos Karekin II (9/11/2000 và 27/9/2001).

B. The Coptic Church


Tục truyền cho rằng nước Ai Cập (Egypt) đã được thánh Máccô giảng đạo và tử đạo tại Alexandria. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, thành phố này là một trung tâm thần học quan trọng. Đời sống đan tu cũng chớm nở trên các sa mạc của nước Ai Cập.

Hàng giáo phẩm Ai Cập không chấp nhận công đồng Calxêđônia một phần vì muốn chống lại sự thống trị của hoàng triều Byzantine. Dần dần Giáo hội Coptic được thành hình (coptic là tên nước Ai Cập, đọc là qibt theo tiếng Ả Rập, aigyptos theo tiếng Hy Lạp) với truyền thống thần học và phụng vụ riêng. Thế là Ai Cập có hai thượng phụ: thượng phụ tiếng Hy Lạp (hiệp thông với toà Constantinople) tiếp tục ở lại thành phố Alexandria, còn thượng phụ Coptic thì trú ngụ tại đan viện ở ngoài thành phố.

Khi người Ả Rập chiếm đóng Ai Cập năm 641, Giáo hội Coptic bị bách hại và sụt giảm dân số. Vào thế kỷ XX, nhờ những khoảng thời gian tự do tôn giáo, giáo hội phát triển các cơ sở văn hoá, và đặc biệt là đời sống đan tu. Hiện nay có 33 đan viện với khoảng một ngàn đan sĩ, và sáu nữ tu viện với khoảng 300 nữ tu.

Vị giáo chủ mang tước hiệu “Pope of Alexandria, Patriarch of the See of St. Mark”, ngụ tại Cairo. Giáo hội này hiện gồm khoảng 18 triệu tín hữu, trong đó 10 triệu sống ở Aicập và 8 triệu ở ngoại quốc. Địa chỉ internet: http://www.copticchurch.net/

* Giữa Giáo hội Coptic với toà Rôma có những cuộc đối thoại về Kitô học, được phát biểu qua tuyên ngôn chung giữa đức thánh cha Phaolô VI và pope Shenouda III (10/5/1973).

C. The Ethiopian Orthodox Tewahedo Church


Theo một truyền thống lâu đời, nước Ethiopia lãnh nhận Tin Mừng nhờ thánh Frumentius được thánh Athanasius tấn phong giám mục. Thánh Frumentius đã rửa tội cho thái tử, và khi vị này lên ngôi hoàng đế Ezana, thì nhận Kitô giáo làm quốc giáo khoảng năm 330. Vì giữ mối liên hệ chặt chẽ với Giáo hội Coptic, cho nên Giáo hội Ethiopia cũng không chấp nhận công đồng Calxêđônia. Từ đó họ mang tên gọi là “Tewahedo” (= hợp nhất, muốn lên sự hợp nhất của nhân tính và thiên tính của Đức Kitô trong một bản tính). Đặc trưng của Giáo hội này là truyền thống đan tu lâu đời, và phụng vụ được cử hành bằng tiếng Ge’ez, ngôn ngữ địa phương. Các đan sĩ đã để lại nhiều tác phẩm làm giàu cho kho tàng văn chương dân tộc.

Các giám mục Ethiopia họp thành một giáo tỉnh (Metropolis) của toà thượng phụ Coptic. Từ năm 1959, Giáo hội Ethiopia được nhìn nhận thành một toà thượng phụ biệt lập. Giáo hội này được nhận là quốc giáo tại Ethiopia cho đến cuộc cách mạng marxist năm 1974. Nhưng sau khi chế độ này bị sụp đổ năm 1991, giáo hội lấy lại vai trò chủ động trong sinh hoạt giáo dục và xã hội của quốc gia.

Hiện nay khoảng 40% dân số Ethiopia (74 triệu) là thành phần của giáo hội. Vị thượng phụ mang tước hiệu “Patriarch of the Ethiopian Orthodox Church” cư ngụ ở Addis Ababa.

D. The Eritrean Orthodox Tewahedo Church


Eritrea là một quốc gia độc lập khỏi Ethiopia từ năm 1993. Hàng giáo phẩm cũng trở thành một giáo hội biệt lập, được toà Coptic nhìn nhận như là thượng phụ từ năm 1998.

Tước hiệu của thượng phụ “Patriarch of the Eritrean Orthodox Church”, trụ sở tại thủ đô Asmara. Số tín hữu ước chừng 3 triệu.

E. The Syrian Orthodox Church of Antioch


Giáo hội Antiôkia được thành lập từ thời các thánh tông đồ, và đã từng là một trung tâm thần học quan trọng từ thế kỷ IV. Công đồng Calxêđônia đã gây ra một sự chia rẽ trong cộng đoàn: những người sống ở các thành phố thì chấp nhận dưới áp lực của nhà cầm quyền Rôma; những người ở thôn quê thì chống đối. Vào thế kỷ VI, Jacob Baradai, giám mục Edessa tấn phong nhiều giám mục và linh mục cho những người không chấp nhận Calxêđônia, và tạo thành một giáo hội được đặt tên là “Jacobite” (lấy tên của giám mục Jacob), với nghi điển phụng vụ riêng (gọi là “West Syrian” hoặc “Antiochian”), và dùng ngôn ngữ Syri.

Vào thời Trung cổ, giáo hội phát triển mạnh với 103 giáo phận chạy dài đến Afganistan. Tuy nhiên do cuộc xâm lăng của Mông cổ (thế kỷ XIV), giáo hội này bị suy giảm nhanh chóng. Những cuộc bách hại và tàn sát ở thế kỷ XX khiến cho nhiều người phải lìa bỏ quê hương.

Từ giữa thế kỷ XVII, thượng phụ Syria cũng bao gồm một giáo hội bên Ấn độ gọi là Malankara Jacobite Syrian Orthodox Church.

Thượng phụ của giáo hội này mang tước hiệu là Syrian Orthodox Patriarch of Antioch and All the East, nhưng trụ sở đã dời từ Antiôkia về Damascus từ năm 1959. Các tín hữu sống ở Syria (khoảng nửa triệu), Liban, Thổ nhĩ kỹ, Israel, Ấn Độ(khoảng 1 triệu).

* Tuyên ngôn chung giữa đức thánh cha Gioan Phaolô II và thượng phụ Ignatius Zakka I (23/6/1984) nhìn nhận rằng đôi bên đều tuyên xưng một đức tin như nhau về Đức Kitô.

F. The Malankara Orthodox Syrian Church


Tại Kerala (nam Ấn độ), một cộng đoàn Kitô hữu đã được thành lập tục truyền từ đời thánh Tôma tông đồ. Vào giữa thế kỷ XVII, khi các nhà truyền giáo Latinh đến đây, họ bị buộc phải theo nghi điển Latinh. Một số người bất mãn đã tách ra khỏi Giáo hội Công giáo và quay sang Giáo hội Syria. Đó là nguồn gốc của giáo hội Malankara. Sang thế kỷ XX, họ đòi tự trị, trở thành một Catholicate. Từ đó những vụ tranh chấp nổi lên giữa hai bên: một bên muốn trung thành với toà Syria (gọi là: Malankara Jacobite Syrian Orthodox Church nói trên đây), một bên muốn tự lập (gọi là Malankara Orthodox Syrian Church) với khoảng 2 triệu rưỡi tín hữu. Trụ sở của vị giáo chủ, mang tước hiệu “Catholicos of the Apostolic Throne of St. Thomas and Malankara Metropolitan”, đặt trụ sở tại Kottayem (Kerala).

Ngoài ra cũng nên biết là trong thế kỷ XX, từ cộng đoàn Malankara đã nảy sinh một cộng đoàn theo Giáo hội Anh (mang tên là The Mar Thoma Syrian Church of Malabar) và một cộng đoàn hợp nhất với Giáo hội Công giáo (từ năm 1930: Syro-Malankara Catholic Church hoặc Malankara Syrian Catholic Church). Địa chỉ website http://malankaraorthodoxchurch.in/

III. The Orthodox Church


Đây là khối đông nhất của các Giáo hội Đông phương, thường được gọi tắt là “Giáo hội Chính thống” (The Orthodox Church), tuy bên tiếng Anh, họ được gọi là Eastern Orthodox Church (để phân biệt với khối thứ hai vừa nói trên đây, mang tên là Oriental Orthodox Churches).

Nhìn từ phía Giáo hội Công giáo, chúng ta gom tất cả các Giáo hội Chính thống thành một khối dưới sự lãnh đạo của thượng phụ Constantinople, đã cắt đứt thông hiệp với Giáo hoàng Rôma từ năm 1054. Sự thực không đơn giản như vậy. Một đàng, bởi vì sự đoạn giao không xảy ra chớp nhoáng vào năm 1054, nhưng đã âm ỉ từ mấy thế kỷ trước; đàng khác, hai bên vẫn còn liên lạc với nhau sau biến cố 1054. Ngoài ra cũng nên biết rằng cơ cấu tổ chức của Giáo hội Chính thống hoàn toàn khác với Giáo hội Công giáo. Thượng phụ Constantinople không phải là “Giáo hoàng” của Giáo hội Chính thống: ngài không có “quyền tài phán” trên các thượng phụ khác; và vì thế không có thẩm quyền để triệu tập một “công đồng liên Chính thống” (panorthodox council) như kiểu Giáo hoàng Rôma!

Trong mục này, chúng tôi sẽ bàn ba điểm: 1/ Khái quát về căn cước Giáo hội Chính thống: lịch sử đạo lý, phụng vụ. 2/ Tổ chức hiện tại của các Giáo hội Chính thống. 3/ Những cuộc đối thoại đại kết giữa Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo.

A. Căn cước


Nói chung, các Giáo hội Chính thống là những cộng đoàn nhìn nhận như là phần tử của một Hội thánh duy nhất, cùng chia sẻ một đức tin và các bí tích, cũng như truyền thống Byzantine về phụng vụ, giáo luật và tâm linh.

Để xác định căn cước rõ rệt hơn chúng ta hãy phân tích những điểm khác biệt chính yếu so với Giáo hội Công giáo về: đức tin, các bí tích, phụng vụ, đời sống tâm linh, giáo luật.

1/ Đức tin

Dĩ nhiên, các Giáo hội Chính thống tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi theo mẫu của tín biểu công đồng Nixêa[5]. Ngoài ra, các Giáo hội Chính thống còn chấp nhận sáu công đồng kế tiếp, họp thành “Giáo hội của bảy công đồng hoàn vũ”, đó là: [1] Nixêa I (325);
[2] Constantinopolis I (381); [3] Ephêxô (431); [4] Calxêđônia (451); [5] Constantinopolis II (553); [6] Constantinopolis III (680-681); [7] Nixêa II (787).

Như chúng ta đã thấy, khối thứ nhất của các Giáo hội Đông phương chỉ chấp nhận hai công đồng; khối thứ hai chỉ chấp nhận ba công đồng; còn khối thứ ba chấp nhận công đồng thứ bốn và thêm ba công đồng kế tiếp.

Giáo hội Công giáo không chỉ nhìn nhận 7 công đồng hoàn vũ trên đây mà còn thêm nhiều công đồng trong thiên niên kỷ thứ hai cho đến Vaticanô II (21 công đồng); tuy nhiên, đối với các Giáo hội Chính thống, thì những công đồng này chỉ là công nghị của thượng phụ Rôma mà thôi[6].

a) Mầu nhiệm Đức Kitô

Khi đọc lại lịch sử các cuộc phân ly hồi thế kỷ V, chúng ta thấy rằng khối thứ nhất (tách ly sau Êphêsô) và khối thứ hai (tách ly sau Calxêđônia) cũng chẳng có gì khác với khối thứ ba: chẳng qua chỉ là hai cách diễn tả khác nhau về mầu nhiệm Đức Kitô theo hai trường phái Antiôkia và Alêxandria. Công đồng Êphêsô bị thánh Cyrillô (trường Alexandria) lèo lái và muốn đập Nestoriô (thuộc trường Antiôkia). Đến lượt công đồng Calxêđônia bị tố cáo là chiều theo Nestoriô để đập lại trường Alexandria! Thực tế thì thuật ngữ “physis” (bản tính) được hiểu là “ousia” (bản thể) theo quan điểm của Antiôkia hoặc “hypostasis” (ngôi vị) theo quan điểm của Alêxandria; vì thế mà có nơi gọi “nhất tính” là monophysis và có nơi gọi là miaphysis.

b) Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Trong số những nguyên nhân đưa tới cuộc phân ly giữa Constantinople và Rôma có ít là một điểm liên quan đến quan điểm thần học khác biệt về ngôi Ba. Tín biểu Constantinopolis I (năm 381) chỉ nói rằng “Thánh Linh phát xuất bởi Cha”; về sau bên Tây phương lại thêm “Thánh Linh phát xuất bởi Cha và Con” (Filioque). Đàng sau từ ngữ là quan niệm về tương quan giữa ba ngôi của hai bên (bên Tây chịu ảnh hưởng của thánh Augustinô)[7].

Ngày nay, nhờ những cuộc đối thoại thần học và nghiên cứu lịch sử, người ta nhận thấy rằng một tín điều có thể được diễn tả qua những công thức khác nhau[8]. Sự khác biệt không đương nhiên là sai lạc (lạc giáo). Dù sao, đừng nên quên rằng nguồn gốc của các sự phân ly không chỉ vì lý do thuần tuý thần học, mà còn do những nhân tố chính trị văn hoá nữa. Tiếc rằng chuyện này vẫn còn tiếp diễn.

c) Những điểm nhấn khác nhau.

- Ơn cứu độ. Thần học Latinh nhấn mạnh đến sự tẩy xoá tội lỗi (Đức Kitô dâng mình làm hy lễ xá tội cho chúng ta). Thần học Đông phương đề cao việc thiên hoá (Con Thiên Chúa xuống làm người để con người trở nên con Thiên Chúa).

- Cánh chung. Thần học Đông phương tỏ ra lạc quan hơn: sau khi chết, linh hồn vẫn còn có thể được giải thoát khỏi hình phạt do tội trọng nhờ lời chuyển cầu của người còn sống. Đạo lý về “luyện tội” còn là điểm tranh cãi. Dù sao, hình phạt “hoả ngục” không vĩnh viễn, dựa trên lòng từ bi của Thiên Chúa.

2/ Các bí tích

Các Giáo hội Chính thống nhìn nhận 7 bí tích, được gọi là “mầu nhiệm” (mysterion). (Các giáo hội thuộc khối thứ nhất và khối thứ hai cũng nhìn nhận 7 bí tích). Về điểm này có sự đồng nhất căn bản giữa Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo[9], nhưng cũng không thiếu những xích mích giữa Chính thống và Công giáo.

a) Những bí tích khai tâm

Bên các Giáo hội Chính thống, ba bí tích này được cử hành đồng thời, kể cả đối với các nhi đồng. Họ tố cáo Giáo hội Công giáo đã làm rối trật tự, bởi vì không những đã cử hành vào ba thời điểm khác nhau (đối với các nhi đồng), mà còn đảo lộn trật tự (thứ nhất là bí tích rửa tội, thứ hai là bí tích giải tội, thứ ba là bí tích Thánh thể, thứ bốn là bí tích thêm sức). Do đó, nhiều Giáo hội Chính thống cho rằng bí tích rửa tội của nghi thức Latinh là vô hiệu, và cần phải rửa tội lại khi gia nhập Giáo hội Chính thống.

Bí tích rửa tội thường được cử hành bằng cách dìm mình. Xét vì bí tích rửa tội và thêm sức được cử hành cùng một lúc, cho nên linh mục là tác viên thông thường của bí tích thêm sức.

b) Thánh lễ

Một cuộc tranh luận không nhỏ đã xảy ra về yếu tố cấu thành bí tích Thánh Thể. Theo thần học Latinh, chính những lời của Chúa Giêsu (“này là Mình Thầy ... này là Máu Thầy...”) biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu thánh. Thần học Đông phương cho rằng những lời khẩn nài Thánh Linh (epiclesis) mới là yếu tố cấu thành. Thế là hai bên chia rẽ nhau. Ngày nay, nhờ những nghiên cứu lịch sử, người ta nhận thấy rằng thần học Latinh không hiểu thần học Đông phương bởi vì kinh nguyện Thánh Thể (quen gọi là Lễ quy Rôma) không có lời khẩn nài Thánh Linh! Các kinh nguyện soạn sau công đồng Vaticanô II mới thêm hai lời khẩn nài trước và sau khi “truyền phép”. Dù sao thì “Lời và Thánh Linh” không thể nào tách rời nhau được (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1375; 11105-1107).

Các tín hữu rước lễ dưới cả hai hình bánh rượu.

c) Bí tích truyền chức

Các Giáo hội Đông phương (thuộc cả ba khối) đều có bí tích truyền chức, vì thế duy trì sự kế thừa các thánh tông đồ. Vì vậy sắc lệnh Đại kết của Vaticanô II gọi các Giáo hội Đông phương là “giáo hội” (ecclesia), khác với những “giáo đoàn” (communitas ecclesialis) phát sinh từ phong trào Cải cách thế kỷ XVI. Về kỷ luật giáo sĩ, các Giáo hội Chính thống truyền chức linh mục cho người đã lập gia đình, nhưng các giám mục phải là người độc thân.

d) Bí tích hôn phối

Thần học Đông phương quan niệm rằng tác viên của bí tích là linh mục: ngài đọc lời chúc lành cho đôi hôn nhân. Thần học Latinh cho rằng tác viên của bí tích là chính đôi hôn nhân, còn linh mục chỉ giữ vai trò chứng giám (và có thể được uỷ cho phó tế hay giáo dân). Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo chấp nhận sự khác biệt, kể cả đối với các Giáo hội Đông phương Công giáo (x. số 1623).

Dây hôn phối có thể tháo được. Vì lý do gì? Điều này thay đổi tuỳ truyền thống của mỗi nước. Những người ly dị hợp pháp có thể được lãnh bí tích lần nữa.

e) Nói chung, phụng vụ của Giáo hội Chính thống khác với phụng vụ của Giáo hội Latinh ở nhiều điểm. Tính đa dạng của phụng vụ là điều cần phải chấp nhận. Tuy nhiên, một điểm đáng ghi nhận hơn cả là nhiều Giáo hội Chính thống vẫn mừng lễ Phục sinh theo lịch Giulianô (do hoàng đế Giuliô César cải tổ năm 46 trước CN), và không chấp nhận lịch cải tổ của Giáo hoàng Grêgôriô XIII (năm 1582). Do đó, ít khi hai bên cử hành lễ Phục sinh trùng ngày với nhau (chẳng hạn các năm 2011, 2014, 2017; năm 2005 cách nhau một tháng). Bên Giáo hội Chính thống, có nhiều người muốn theo lịch Grêgôriô cho phù hợp với lịch dân sự hiện nay, nhưng phe thủ cựu không chấp thuận.

3/ Thần học tâm linh

Nói chung, thần học bên Đông phương thiên về “huyền bí” hơn là “thuần lý”. Tuy nhiên, sự đa dạng là điều phong phú chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến chia rẽ, như chúng tôi đã có dịp trình bày[10]. Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã viết một tông thư Orientale lumen (2/5/1995) để giới thiệu gia sản của các Giáo hội Đông phương cho toàn thể Hội thánh.

Các tín hữu Đông phương có lòng tôn kính đặc biệt đối với các icon, có thể so sánh với lòng tôn kính của các tín hữu Công giáo đối với Thánh Thể Chúa Giêsu.

4/ Giáo luật

Sự khác biệt căn bản giữa Chính thống và Công giáo là cơ cấu tổ chức. Đông phương nhấn mạnh vai trò của công nghị (synod); Tây phương nêu bật chức vụ thủ lãnh (primate). Do những hoàn cảnh lịch sử, Tây phương thiên về tập trung quyền hành vào giám mục Rôma, đến nỗi vị này có thẩm quyền tuyên bố tín điều. Đông phương chủ trương rằng chỉ có công đồng mới có thể tuyên bố tín điều. Dĩ nhiên, các Giáo hội Chính thống không chấp nhận đặc ân bất khả ngộ của giám mục Rôma mà công đồng Vaticanô I đã tuyên bố. Hậu quả là Giáo hội Chính thống không nhìn nhận hai tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội (do đức Piô IX tuyên bố ngày 8/12/1854) và tín điều Đức Maria hồn xác lên trời (do đức Piô XII tuyên bố ngày 1/11/1950), mặc dù họ vẫn tin rằng Đức Maria là Đấng Toàn thánh, và lễ Đức Mẹ an giấc (ngày 15/8) được cử hành rất long trọng từ thế kỷ V[11].

Đối lại, hệ thống tổ chức của Giáo hội Chính thống không chặt chẽ, và có nguy cơ bị tê liệt. Thật vậy, thượng phụ Constantinople không có một quyền hành nào trên các thượng phụ khác nhưng chỉ là người điều phối (primus inter pares: kẻ đứng đầu giữa những người ngang vai) dường như chủ toạ danh dự, và vì thế không có thẩm quyền triệu tập một “công đồng liên-chính-thống”[12], bao lâu chưa có sự đồng tình của tất cả các thượng phụ. Trong nội bộ của mỗi giáo hội địa phương, thượng phụ cũng cần có sự đồng ý của công nghị (synod) mỗi khi quyết định những vấn đề quan trọng.

Ngoài ra, cũng không nên bỏ qua mối tương quan giữa nhà cầm quyền dân sự và nhà cầm quyền giáo hội. Bên Đông phương, dựa theo tổ chức từ thời hoàng đế Constantinô, chính quyền (nhà cầm quyền dân sự) cũng “bao thầu” luôn khía cạnh pháp lý của giáo hội (quen gọi là caesaropapism). Vì thế, nếu gặp chính quyền “đạo đức” thì giáo hội được nhờ; nhưng giả như chính quyền “vô thần” (như chính quyền cộng sản ở Liên bang Sô viết và các nước Đông Âu trước đây), thì giáo hội sẽ bị chao đảo. Bên Tây phương, Giáo hoàng đã thoát khỏi sự “bảo hộ” của chính quyền, và tổ chức một hệ thống giáo luật độc lập.

B. Tổ chức hiện tại của Giáo hội Chính thống


Vào thời các giáo phụ, các giáo phận được quy tụ chung quanh 5 toà “thượng phụ” (patriarcha): Rôma, Constantinopolis, Alêxandria, Antiôkia, Giêrusalem. Vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất, bên Đông phương chỉ còn toà Constantinopolis hoạt động, còn các toà khác đã bị suy yếu sau cuộc xâm lăng của các đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập. Thế nhưng, khi bước sang thiên niên kỷ thứ hai, giáo hội phát triển ở miền Đông Âu (đặc biệt là các dân tộc Slav), hoàn toàn ở ngoài biên cương của đế quốc Rôma. Nguyên tắc tổ chức của Giáo hội Chính thống thiên về việc phân chia các giáo hội “tự trị” (autocephalous; theo nguyên ngữ có nghĩa là: đầu riêng) dựa theo ranh giới của quốc gia. Mỗi giáo hội tự trị có thẩm quyền giải quyết những vấn đề riêng, bầu cử các giám mục (kể cả thượng phụ hoặc vị lãnh đạo tương đương). Tuy nhiên, các giáo hội tự trị hiệp thông với nhau về đức tin và bí tích.

Hiện nay có 14 giáo hội tự trị, được phân thành nhiều cấp bậc
  • Bốn toà thượng phụ “cổ truyền”: Constantinople, Alexanđria, Antiôkia, Giêrusalem.
  • Năm toà thượng phụ “tân lập”: Nga, Serbia, Romania, Bulgaria, Georgia.
  • Hai giáo hội tự trị ở cấp bậc “tổng giám mục thượng hạng” (Archbishop major): Cyprus, Hy Lạp.
  • Ba giáo hội tự trị ở cấp “trưởng giáo tỉnh” (Metropolitan): Ba Lan, Albania, Cộng hoà Séc và Slovak.
Nhiều đơn vị khác cũng muốn được hưởng quy chế giáo hội tự trị. Một câu hỏi lớn được đặt ra: ai có quyền cấp tư cách “giáo hội tự trị”, hoặc nâng lên một giáo hội tự trị lên cấp “thượng phụ”? Câu trả lời không đơn giản, bởi vì thông thường, Thượng phụ của “giáo hội mẹ” nhìn nhận cho “giáo hội con” được tự trị, nhưng cũng không thiếu trường hợp, chính quyền của quốc gia cũng tham gia vào tiến trình này (một giáo hội tự trị trong một quốc gia độc lập).

Trong số các toà thượng phụ, Constantinople giữ vai trò ưu tiên, với danh hiệu là “Ecumenical Patriarchate” (danh hiệu này đã có từ thế kỷ VI; “ecumenical” có nghĩa là “phổ thế”). Thực ra vai trò này chỉ dựa trên cơ sở chính trị (thủ đô của Đế quốc Rôma) hơn là thần học (bởi vì không có nguồn gốc tông đồ như là Alexandria và Antiôkia). Ngày nay, Constantinople chỉ là một thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ (tên là Istanbul), đa số theo Hồi giáo. Dân số tín hữu chỉ hơn kém 5 ngàn người (thua nhiều giáo xứ ở Việt Nam). Đang khi đó, toà thượng phụ bên Nga gồm đến một trăm triệu tín hữu, và có nhiều ảnh hưởng trên các dân tộc Slav. Vấn đề trở nên phức tạp khi các tín hữu của một toà thượng phụ di dân hàng loạt ra nước ngoài và thành lập cộng đoàn mới: những giáo phận này thuộc về toà thượng phụ gốc (thí dụ Nga đối với các kiều dân nước này tại Hoa Kỳ) hay là toà thượng phụ Constantinople (có thẩm quyền trên toàn thế giới)? Đó là vấn đề thường gây xích mích nội bộ giữa các thượng phụ.

Chúng ta hãy điểm qua những “giáo hội tự trị” (autocephalous churches) của Giáo hội Chính thống hiện nay.

1/ The Patriarchate of Constantinople

Constantinople (theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là: “thành phố của Constantinô”) là tên mà hoàng đế Constantinô đặt cho thành phố Byzantium vào năm 330, khi ông dời thủ đô của đế quốc về đây. Vì thế thành phố này cũng được gọi là “Rôma mới”. Do vị trí quan trọng này, Constantinople được công đồng Constantinopolis I (năm 381) xếp vào hàng thứ hai, sau Rôma, đứng trước các toà cổ kính Alêxandria và Antiôkia. Sau cuộc tuyệt giao với Rôma năm 1054, toà Constantinople đứng đầu các toà thượng phụ bên Đông phương. Tuy nhiên, sau khi mạn Đông của đế quốc Rôma rơi vào tay đế quốc Ottoman năm 1453, vai trò của Constantinople bị suy giảm. Khi nước Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập năm 1923, thủ đô được dời về Ankara, và Constantinople chỉ còn là một thành phố lịch sử mang tên là Istanbul, mà đa số dân theo Hồi giáo. Các Kitô hữu là những người gốc Hy Lạp ở lại Thổ Nhĩ Kỳ, với con số khiêm tốn chưa đến 5 ngàn người. Hoạt động của các tín hữu bị hạn chế nhiều. Chính quyền buộc thượng phụ phải là người có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.

Thượng phụ mang danh xưng là “His Most Divine All-Holiness the Archbishop of Constantinople New Rome and Ecumenical Patriarch”, mang uy tín tinh thần hơn là quyền hành pháp lý. Ngoài lãnh thổ nhỏ bé ở Istanbul, ngài còn có thẩm quyền trên vài địa điểm bên Hy Lạp (nổi tiếng nhất là Mount Athos), và trên các giáo hội hải ngoại (ở ngoài lãnh thổ của các giáo hội tự trị). Website: www.patriarchate.org

2/ The Patriarchate of Alexandria

Alexandria là một trung tâm thần học từ lâu đời. Sau công đồng Calxêđônia (năm 451), toà thượng phụ bị chia làm đôi: những người chống công đồng chiếm đa số, họp thành Coptic Orthodox Church (đã nói ở khối thứ hai); số người còn lại (một thiểu số nhỏ, gốc Hy Lạp) họp thành Greek Orthodox Patriarchate of Alexandria, và họ theo nghi điển Byzantine. Con số này lại còn bị sút mạnh khi Ai Cập bị người Ả Rập (năm 642) và Thổ Nhĩ Kỳ (năm 1517) xâm chiếm, đến nỗi có thời vị thượng phụ phải lánh nạn sang Constantinople. Toà thượng phụ Alexandria được tái lập vào thập niên 30 của thế kỷ XX, và bắt đầu mở mang xuống miền đất Phi châu.

Danh xưng: “Pope and Patriarch of Alexandria and All Africa”, trụ sở đặt tại Alexandria (Ai Cập). Con số tín hữu phỏng độ 250.000. Website: www.greekorthodox-alexandria.org

3/ The Patriarchate of Antioch

Antiôkia cũng chia sẻ một số phận tương tự như Alexandria. Giáo hội Antiôkia được thành lập từ thời các thánh tông đồ, và đã trở thành một trung tâm thần học quan trọng vào thời các giáo phụ. Nhưng sau công đồng Calxêđônia, giáo hội bị chia rẽ thành hai nhóm: nhóm đa số không chấp nhận công đồng tách ra thành Syrian Orthodox Church; thiểu số chấp nhận công đồng là những người Hy Lạp, và dần dần cử hành phụng vụ theo nghi điển Byzantine. Dưới thời đô hộ của Ả Rập, thượng phụ nhiều lần phải lánh nạn.

Năm 1724, tiếp theo một cuộc chia rẽ nội bộ, một số tín hữu gia nhập Giáo hội Công giáo, họp thành the Melkite Greek Catholic Church. Sang thế kỷ XX, chính quyền Syria bắt buộc phải đặt thượng phụ người Ả Rập.

Danh xưng: “Patriarch of Antioch and All the East”, trụ sở tại Damascus (Syria), với dân số khoảng 750,000 kể cả những người đã di cư ra nước ngoài. Website: www.antiochpat.org

4/ The Patriarchate of Jerusalem

Không ai chối được tầm quan trọng của Giêrusalem, cái nôi của Kitô giáo. Tuy nhiên, số phận của cộng đoàn Kitô hữu tại đây đã trải qua nhiều phen thăng trầm. Xét về mặt cơ cấu giáo hội, công đồng Calxêđônia (năm 451) đã nâng giáo hội này lên hàng toà thượng phụ, với ba giáo tỉnh và khoảng 60 giáo phận. Thế nhưng khi thành phố này bị chiếm đóng bởi quân Ba tư (năm 614) và Ả Rập (năm 637), các nhà thờ và tu viện bị tàn phá, dân số Kitô hữu không còn nữa. Năm 1099, thập tự quân chiếm lại Giêrusalem, và thiết lập một toà thượng phụ Latinh tại đây, trong khi các thượng phụ Hy Lạp vẫn lưu vong ở Constantinople. Nhưng đến năm 1187, thành phố lại rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ, và kể từ năm 1516 ở dưới quyền đô hộ của Ottoman. Các giáo hội tìm cách trở về các nơi thánh tại Giêrusalem và không thiếu những tranh chấp với nhau. Vào giữa thế kỷ XIX, chính quyền Ottoman nhìn nhận vai trò ưu tiên dành cho thượng phụ Hy Lạp. Tuy nhiên sang thế kỷ XX, những cuộc tranh chấp lại xảy ra ngay trong nội bộ của toà thượng phụ Hy Lạp, bởi vì các giáo sĩ là người Hy Lạp trong khi đa số tín hữu là người Ả Rập. Tình hình trở thêm rối ren khi lãnh thổ nằm dưới quyền của ba chính phủ: Giodani, Palestin, Israel. Sự căng thẳng được biểu lộ qua việc Công nghị năm 2005 truất chức thượng phụ Irenaios.

Danh xưng: “The Greek Orthodox Patriarch of Jerusalem”, trụ sở tại Giêrusalem. Số tín hữu không đáng kể.

Tóm lại, bốn toà thượng phụ cổ truyền ngày nay không được phồn thịnh như thời các giáo phụ. Những toà giáo phụ “tân lập” sau đây sinh động hơn.

5/ The Orthodox Church of Russia

Hiện nay là Giáo hội Chính thống lớn nhất về lãnh thổ (bao gồm nước Nga và nhiều quốc gia thuộc Liên Sô cũ), cũng như về dân số (ước tính 110 triệu).

Dân tộc Rus’ đón nhận Tin Mừng từ Byzantine hồi thế kỷ X, và họ theo đạo khi hoàng thân Vladimir của Kiev được rửa tội năm 988. Dân tộc Rus’ bấy giờ bao gồm ba sắc dân hiện nay: Ukraine, Bạch nga và Nga. Khi thành phố Kiev bị quân Mông cổ tàn phá, dân cư chuyển lên mạn Bắc và thiết lập thành phố Moscow, và trung tâm của Giáo hội cũng được chuyển từ Kiev về đây với danh hiệu thượng phụ. Sau khi đã đánh đuổi người Mông cổ ra khỏi nước, toà Moscow tuyên bố là Rôma thứ ba (sau khi Rôma thứ nhất rơi vào lạc giáo, và Rôma thứ hai rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ), kế thừa truyền thống Rôma và Byzantine.

Giáo hội Nga phát triển mạnh về mọi mặt, và cũng mang Tin Mừng sang các vùng Alaska và Nhật bản. Trong thế kỷ XX, sau cuộc cách mạng Bolshevik, Giáo hội đã bị bách hại và hầu như bị tiêu diệt do sự tàn sát các giáo sĩ và đan sĩ, qua nhiều đợt khác nhau (thập niên 30 và dưới thời Khruschev). Năm 1917, Giáo hội Chính thống có 77,767 nhà thờ (giáo xứ và đan viện), nhưng vào cuối thập niên 1970 chỉ còn khoảng 6,800. Các đan viện từ 1.498 năm 1914 xuống còn 12, chủng viện từ 57 xuống còn 3. Nhờ sự đổi mới vào thập niên 1990, tình hình đã lật ngược. Vào năm 2007, giáo hội đã mở lại 27.393 giáo xứ, với 171 giám mục, 26.158 linh mục, và 708 đan viện (335 nam, 373 nữ), với 5.920 đan sĩ và 10.072 nữ đan sĩ.

Dựa theo những cuộc điều tra vào năm 2006, 84% người Nga tin vào Thiên Chúa và 63% tự nhận là tín đồ thuộc Giáo hội Chính thống, tuy số thực hành chỉ hơn kém 10%.

Mặt khác, sự sụp đổ của chế độ cộng sản mang theo sự tan rã của Liên bang Sô Viết (25/12/1991), tạo ra nhiều quốc gia độc lập (Ukraine, Belarus, các nước Baltic,vv), và những nước này cũng đòi lập giáo hội tự trị. Vụ tranh chấp nặng nề nhất xảy ra tại Ukraine: một nhóm người muốn tự trị, một nhóm muốn tiếp tuc trực thuộc Moscowa, một nhóm muốn liên kết với Constantinople, đó là chưa kể những nhóm tín đồ Công giáo! Những khó khăn nội bộ này cũng gây căng thẳng đối với toà thượng phụ Constantinople và Rôma.

Danh hiệu: “Patriarch of Moscow and All Russia”, trụ sở tại Moscow.

Theo Wikipedia, toà thượng phụ Moscowa đã mở một giáo xứ chính thống tại Vũng tàu từ năm 2002, để phục vụ cho các tín đồ chính thống làm việc tại công ty liên doanh Vietsovpetro[13].

6/ The Orthodox Church of Serbia

Bao trùm lãnh thổ nước Serbia (trước đây nằm trong lãnh thổ Yugoslavia). Giáo hội tại đây đã được tổ chức thành toà thượng phụ từ năm 1346, nhưng qua nhiều biến thiên lịch sử (sự đô hộ của đế quốc Ottoman), toà thượng phụ này bị xoá bỏ và tái lập nhiều lần, và năm 1920, toà thượng phụ Serbia được Constantinople nhìn nhận.

Dưới thời cộng sản, Giáo hội Chính thống chịu nhiều cuộc bách hại. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, liên bang Yugoslavia tan rã, giáo hội phải đương đầu với những khó khăn nội bộ đối với các sắc tộc đòi hỏi tự trị. Số tín hữu hiện nay khoảng 8 triệu kể cả những người di dân.

Danh hiệu: “Archbishop of Pec, Metropolitan of Belgrade and Karlovci, Patriarch of the Serbs”, trụ sở Belgrade, Yugoslavia

7/ The Orthodox Church of Romania

Nước Rumani được độc lập năm 1878, và được hưởng quy chế giáo hội tự trị năm 1885, rồi được nâng lên cấp Thượng phụ năm 1925. Nên biết là ngôn ngữ nước này thuộc hệ Latinh chứ không thuộc hệ Slav.

Danh hiệu: “Archbishop of Bucharest, Metropolitan of Ungro-Wallachia, Patriarch of the Romanian Orthodox Church”, trụ sở tại Bucharest. Số tín hữu khoảng 19 triệu.

8/ The Orthodox Church of Bulgaria

Trong quá khứ, Bulgaria là một lãnh thổ có lúc thần phục Rôma có lúc ngả theo Constantinople. Giáo hội địa phương cũng có lúc được coi là tự trị cũng có lúc bị sát nhập vào Constantinople. Mãi đến năm 1953, toà thượng phụ mới được tái lập và được Constantinople thừa nhận năm 1961.

Danh hiệu: “Metropolitan of Sofia, Patriarch of All Bulgaria”, trụ sở tại Sofia. Số tín hữu: 6,500,000.

9/ The Orthodox Church of Georgia

Lãnh thổ này từng là nơi xảy ra tranh chấp giữa nhiều đế quốc. Trong lịch sử cận đại, Georgia có lúc bị sáp nhập vào Liên bang Sô viết, và giáo hội địa phương trực thuộc vào thượng phụ Moscow. Trong thời cộng sản, Giáo hội Bulgaria cũng bị chia sẻ số phận như Giáo hội Nga: từ 2.455 nhà thờ vào năm 1917, đến giữa thập niên 1980 chỉ còn 80 nhà thờ mở cửa.

Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Giáo hội Georgia lấy lại quyền tự trị, và được Constantinople nhận là toà thượng phụ năm 1990.

Danh hiệu: “Catholicos-Patriarch of All Georgia”, trụ sở tại Tbilisi. Số tín hữu khoảng 3,500,000.

[Các giáo hội tự trị trên đây ở cấp “thượng phụ”; các giáo hội dưới đây ở cấp Tổng giám mục]

10/ The Orthodox Church of Cyprus

Bao trùm đảo Cyprus (bị phân đôi giữa dân Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp)

Danh hiệu “Archbishop of Nea Justiniana and All Cyprus”, trụ sở tại Nicosia. Số tín hữu là 700,000.

11/ The Orthodox Church of Greece

Nước Hy Lạp trở thành quốc gia độc lập khỏi đế quốc Ottoman năm 1832. Để khỏi bị lệ thuộc đế quốc về mặt tôn giáo, Giáo hội Hy Lạp tuyên bố tự trị, với sự ủng hộ của chính quyền. Mãi đến năm 1850, Constantinople mới nhìn nhận sự tự trị này, mặc dù chỉ ở cấp bậc Tổng giám mục.

Danh hiệu: “Archbishop of Athens and All Greece”, trụ sở tại Athens. Số tín hữu: 10 triệu.

12/ The Orthodox Church of Poland

Những người chính thống ở miền Đông nước Ba Lan thuộc các sắc tộc Bạch Nga và Ukrain. Trong thế kỷ XX, có lúc họ được toà Constantinople nhìn nhận quy chế tự trị (1924), có lúc bị sát nhập vào toà thượng phụ Moscow (1939). Từ năm 1951, họ được nhìn nhận quy chế giáo hội tự trị dưới sự lãnh đạo của một Trưởng giáo tỉnh (Metropolitan)

Danh hiệu: “Metropolitan of Warsaw and All Poland”, trụ sở tại Warsaw. Số tín hữu: 600,000.

13/ The Orthodox Church of Albania

Vào thời cận đại, tuy đa số dân cư Albania chịu đô hộ của đế quốc Ottoman theo đạo Islam, nhưng cũng có những Kitô hữu chính thống, trực thuộc Constantinople. Vào đầu thế kỷ XX, khi Albania được độc lập, chính quyền cũng cổ võ một giáo hội tự trị năm 1929, nhưng phải chớ đến năm 1936 mới được Constantinople thừa nhận.

Năm 1945, 22% dân số là tín đồ Chính thống và 10% Công giáo. Nhưng dưới thời cộng sản, cách riêng từ năm 1967, chính quyền tiêu diệt tất cả mọi tôn giáo. Sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ năm 1990, chỉ còn 22 linh mục sống sót và không còn giám mục nào. Thượng phụ Constantinople phải tái lập hàng giáo phẩm bằng việc bổ nhiệm các giám mục người Hy Lạp. Điều này đã gây ra những căng thẳng với nhà nước. Dần dần, với sự thoả hiệp và đào tạo một lớp giáo sĩ mới, mới có những giám mục người Albani.

Danh hiệu: “Archbishop of Tirana and All Albania”, trụ sở tại Tirana. Số tín hữu khoảng 700,000.

14/ The Orthodox Church in Czech and Slovak Republics

Đa số các tín hữu của hai nước Séc và Slovak đa số là người Công giáo. Vào năm 1920, một số tín hữu “cấp tiến” ở Séc lìa bỏ giáo hội và thiết lập một giáo hội quốc gia. Họ nhờ thượng phụ chính thống Serbia đỡ đầu và truyền chức giám mục. Tổ chức này tăng thêm số nhờ những người di dân từ Rutenia. Năm 1923, thượng phụ Constantinople cấp quy chế tự trị. Tuy nhiên, những cuộc thay đổi chính trị tiếp theo (sự chiếm đóng của Đức quốc xã và Sô viết) đã làm thay đổi hình thù của giáo hội này rất nhiều.

Bên nước Slovak, vào năm 1950, các tín hữu Công giáo Đông phương và bị cưỡng ép sát nhập vào chính thống. Thượng phụ Chính thống nâng Giáo hội Chính thống tại hai nước này (sáp nhập làm một dưới thời cộng sản) thành một giáo hội tự trị.

Tình hình thay đổi sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, và hai cộng hoà tách rời. Các người Slovak Công giáo trở về nguồn gốc của mình; số người chính thống chỉ còn độ chừng 50 ngàn. Tình hình nước Séc bi đát hơn, nơi mà 49% dân số tự xưng là vô thần. Năm 2006, người ta ước lượng độ 30 ngàn tín hữu chính thống.

Danh hiệu “Metropolitan of the Czech Lands and Slovakia”, trụ sở tại Prague. Số tín hữu khoảng 100.000.

Ngoài các giáo hội tự trị kể trên, còn nhiều nhóm khác còn đang tranh đấu để được nhìn nhận chế độ này:

– The Orthodox Church in America. Gồm bởi các người Nga sống trên Hoa Kỳ từ nhiều thế hệ, cách riêng vào hồi đảng Cộng sản lên nắm quyền. Với sự phát triển, họ tuyên bố tách rời khỏi quyền của thượng phụ Moscow. Sau cuộc thay đổi chính trị, họ muốn trở thành giáo hội tự trị, nhưng có sự tranh chấp thẩm quyền giữa toà Moscow và toà Constantinople. Vấn đề trở thành phức tạp hơn khi mà trên đất Hoa Kỳ có nhiều cộng đoàn Chính thống thuộc các dân tộc khác nhau, trực thuộc nhiều giáo hội tự trị (Albania, Bulgaria, Romania).

– The Orthodox Church of Finland. Vùng đất tranh chấp giữa hai toà thượng phụ Moscow và Constantinople. Từ năm 1923, trở thành một tổng giáo phận trực thuộc thượng phụ Constantinople.

– The Orthodox Church of Japan. Giáo hội Chính thống tại Nhật bản thành hình nhờ các đan sĩ Nga từ năm 1861. Thượng phụ Moscow cấp chế độ tự trị, nhưng không được sự đồng ý của Constantinople.

– The Orthodox Church of China. Tình trạng pháp lý cũng tương tự như bên Nhật, với sự tranh chấp giữa hai thượng phụ Moscow và Constantinople.

– The Estonian Apostolic Orthodox Church. Sự tranh chấp thẩm quyền giữa hai thượng phụ Moscow và Constantinople đến mức độ căng thẳng vào năm 1996, khi Moscow cắt đứt bang giao với Constantinople. Sau đó, đôi bên thoả hiệp là cả hai cùng hành sử quyền tài phán tại Estonia, tuỳ theo sự lựa chọn của mỗi giáo xứ.

– The Ukrainian Orthodox. Xưa kia, trung tâm Kitô giáo của dân Rus là thành phố Kiev. Về sau, khi toà thượng phụ được dời về Moscow và dân tộc Ukraine tách rời khỏi dân Nga, thì vấn đề giáo hội tự trị được đặt ra: ai sẽ cấp tư cách ấy, thượng phụ Moscow hay thượng phụ Constantinople? Trên thực tế, hiện nay các Giáo hội Chính thống phân ba nhóm: a) một nhóm đơn phương tuyên bố tự trị (từ năm 1921, và trở thành toà thượng phụ Kiev năm 1990); b) một nhóm tuy trực thuộc toà Moscow những tuyên bố ly khai (năm 1992); c) một nhóm (ở ngoài nước) trực thuộc toà Constantinople. Vấn đề trở nên phức tạp khi trên đất Ukraine có một cộng đoàn Công giáo (Đông phương) trước đây bị chính quyền cộng sản cưỡng bách sát nhập vào Giáo hội Chính thống, và bây giờ họ đòi trả lại các cơ sở. Điểm này trở thành đầu mối xích mích giữa toà Moscow với toà Rôma.

– The Belarusan Autocephalous Orthodox Church (Belarus, Byelorussia: Nga trắng).

– The Macedonian Orthodox Church (Macedonia)

C. Cuộc đối thoại với Giáo hội Công giáo


Như đã trình bày ở chương đầu, sự phân ly giữa Constantinople và Rôma thường được đánh dấu bởi việc ra vạ tuyệt thông lẫn nhau năm 1054, tuy vậy đôi bên vẫn tiếp tục liên lạc với nhau. Tình hình trở nên tồi tệ non 150 năm sau, khi thập tự quân chiếm đóng và cướp phá Constantinople, và bổ nhiệm các giám mục tại đây (1204). Dù sao, vấn đề hợp nhất đã được nêu lên tại Công đồng Lyon II (năm 1274) và Firenze (năm 1439). Nên biết là tại Lyon II, công đồng nhắm đến Hy Lạp (tức là Constantinople); vào thời Firenze, nhiều bản tuyên xưng được soạn ra vì nhằm đến các nhóm khác nhau: dành cho người Hy Lạp (6/7/1439), dành cho người Armêni (22/11/1439), dành cho người Coptic (4/2/1442).

Sau công đồng Vaticanô II, các cuộc đối thoại được tiến hành riêng rẽ cho từng khối Đông phương. Trên đây, chúng tôi đã nói đến các tuyên ngôn chung giữa Đức thánh cha với giáo hội Assyria, Armêni, Coptic. Ở đây chúng tôi chỉ bàn đến đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống.

Như đức thánh cha Phaolô VI đã nói, trước hết, cần phải bắt đầu bằng “cuộc đối thoại đức ái”. Điều này đã được diễn ra qua việc gặp gỡ giữa ngài với thượng phụ Athenagoras tại Giêrusalem ngày 5/1/1964. Vào hôm trước khi bế mạc công đồng Vaticanô II (7/12/1965), hai toà xoá bỏ án tuyệt thông năm 1054. Vào năm 1967, đức Phaolô VI viếng thăm Istanbul vào tháng 7, và thượng phụ Athenagoras viếng Rôma vào tháng 10.

Trong bầu khí thân mật ấy, đôi bên tiến thêm một bước nữa, đó là “cuộc đối thoại thần học”. Ngày 30/11/1979, nhân chuyến viếng thăm Istanbul, đức thánh cha Gioan Phaolô II cùng tuyên bố với đức thượng phụ Dimitrios I thiết lập “uỷ ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống”. Thành phần mỗi bên ngang số với nhau; phía Chính thống gồm tất cả các giáo hội tự trị.

Phiên họp khoáng đại đầu tiên diễn ra tại đảo Patmos và Rhodes vào năm 1980. Trong vòng 8 năm kế tiếp, uỷ ban đã họp năm lần, và đã chấp thuận ba bản văn căn bản: “Mầu nhiệm Hội thánh và Thánh thể dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi” (Munich 1982); “Đức tin, các bí tích và sự hợp nhất Hội thánh” (Bari 1987); “Bí tích truyền chức, đặc biệt quy chiếu về tầm quan trọng của việc kế thừa tông đồ đối với sự thánh hoá và hợp nhất của Dân Chúa” (Valamo 1988). Sau các chủ đề căn bản, uỷ ban tiến sang các chủ đề về giáo hội, bắt đầu là quyền bính trong giáo hội. Vào thời điểm này, sự sụp đổ của chế độ cộng sản Đông Âu đã đưa lại nhiều chuyện tranh chấp giữa các Giáo hội Chính thống và các Giáo hội Đông phương Công giáo (được gọi là uniatism). Phía Chính thống đòi dẹp bỏ các nhóm này thì mới tiến hành cuộc đối thoại. Thế là công việc của uỷ ban bị tắc nghẽn kể từ tháng 7 năm 2000 (sau phiên họp ở Emmitsburg, Baltimora). Mãi đến năm 2006, uỷ ban mới tiếp tục làm việc với phiên họp tại Belgrad, với đề tài “Những hệ quả về giáo hội và giáo luật của bản tính bí tích của Hội thánh: đặc tính công đồng và thủ lãnh trong Giáo hội”. Cuộc họp được tiếp nối tại Ravenna năm 2007, nhưng lần này lại gặp bế tắc về phía nội bộ của Chính thống do sự căng thẳng giữa hai thượng phụ Moscow và Constantinople. Từ đó các cuộc họp bị bỏ lửng.

Nên biết là các bản văn của uỷ ban chỉ là những tài liệu làm việc, và chỉ có giá trị khi được các cấp lãnh đạo chấp thuận. Dù sao, mối tương quan huynh đệ giữa hai toà Rôma và Constantinople được duy trì thường xuyên qua việc trao đổi các phái đoàn thăm viếng lẫn nhau vào dịp lễ thánh Phêrô và thánh Anrê. Đức thượng phụ Bartolomeos I nhiều lần được mời giảng thuyết vào các khoá họp của Thượng hội đồng giám mục.

Dù sao, cũng nên quên là trong các Giáo hội Chính thống, phong trào “chống đại kết” đôi khi cũng gây ảnh hưởng không nhỏ, điển hình là các đan sĩ trên núi Athos.

IV. The Catholic Eastern Churches (Các Giáo hội Đông phương Công giáo)


Nhiều người quen đồng hoá các “Giáo hội Đông phương” với các “Giáo hội Chính thống”. Như đã thấy trên đây, thực tế phức tạp hơn nhiều, bởi vì các Giáo hội Đông phương gồm ba khối khác nhau, chứ không phải chỉ có Giáo hội Chính thống mà thôi. Ngoài ra còn thêm khối thứ bốn gồm những Giáo hội Đông phương Công giáo, nghĩa là hiệp thông với vị kế vị thánh Phêrô, mà chúng ta sắp bàn. Công đồng Vaticanô II đã dành một sắc lệnh cho những giáo hội này (Orientalium ecclesiarum), được ban hành cùng ngày với Hiến chế tín lý về Hội thánh và Sắc lệnh về Đại kết.

A. Khái quát


Sau cuộc phân ly giữa hai toà Constantinople và Rôma năm 1054, Toà thánh tìm cách tái lập sự hợp nhất, cách riêng qua công đồng Lyon II (1274) và Firenze (1439), nhưng không thành công.

Đồng thời, các nhà truyền giáo Công giáo ở Trung đông tìm cách lôi kéo các tín hữu Đông phương trở về tùng phục Đức thánh cha. Mặt khác, có khi chính trong nội bộ các Giáo hội Đông phương, có những cộng đoàn tự ý “trở về” với Giáo hội Công giáo.

Dù sao, với quan niệm “trung ương tập quyền” của Giáo hội Công giáo trước công đồng Vaticanô II, sự hợp nhất đồng nghĩa với việc chấp nhận một nghi điển phụng vụ chung (Latinh), một kỷ luật chung (kể cả luật độc thân linh mục), một thần học chung (kinh viện). Đó là lý do giải thích việc “Latinh hoá” các Giáo hội Đông phương đã từng gây ra nhiều căng thẳng với toà Rôma. Công đồng Vaticanô II, với quan niệm “hiệp thông các giáo hội” đã nhìn nhận cho các Giáo hội Đông phương được sống theo truyền thống thần học và phụng vụ của mình, cũng như được hưởng một hình thức “tự quản” (sui iuris). Đó là lý do của việc soạn thảo Bộ giáo luật riêng dành cho các Giáo hội Đông phương (Codex canonum Ecclesiarum Orientalium, ban hành ngày 18/10/1990), khác với bộ giáo luật Latinh (Codex iuris canonici, ban hành ngày 25/1/1983).

Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại giữa Toà thánh với các Giáo hội Chính thống, thì các Giáo hội Đông phương trở thành cái gai, bởi vì những cộng đoàn này bị coi như là thành phần gây chia rẽ trong nội bộ của mỗi địa phương! Trong quá khứ, dưới thời cộng sản, các Giáo hội Công giáo tại Ukraine, Rumani, Slovak bị cưỡng bách phải “trở về” với Giáo hội Chính thống. Sau khi thay đổi chế độ chính trị, xảy ra tiến trình ngược lại, đưa đến nhiều chuyện tranh chấp tài sản làm đầu mối cho nhiều bất hoà!

B. Tổ chức


1/ Điều hành ở Trung ương

Tại giáo triều Rôma, một Bộ chuyên biệt phụ trách các Giáo hội Đông phương (Congregatio pro Ecclesiis Orientalibus được thiết lập từ năm 1917, tách ra khỏi bộ Truyền giáo), với thẩm quyền bao gồm nhiều lãnh vực tương đương với nhiều bộ của giáo hội Latinh (phụng vụ, giám mục, giáo sĩ, tu sĩ).

2/ Tổ chức nội bộ

Các Giáo hội Đông phương được phân làm bốn cấp:

a) Patriarchal churches (thượng phụ): Chaldean, Armenian, Coptic, Syrian, Maronite, Melkite.

b) Major Archepiscopal churches (tổng giám mục thượng hạng, có hầu hết các quyền hạn giống như thượng phụ): Ukrainian, Syro-Malabar, Romanian, Syro-Malankara.

c) Metropolitan sui iuris churches (trưởng giáo tỉnh): Ethiopian, American Ruthenian, Slovak.

d) Churches sui iuris (giáo hội tự quản): Bulgarian, Greek, Hungarian, Italo-Albanian, Russian, Belarusan, Albanian[14].

Sự phân biệt này dựa trên thẩm quyền tự quản. Cấp thứ nhất có quyền bầu thượng phụ và các giám mục (do công nghị), dựa theo danh sách ứng viên đã được Toà thánh duyệt trước. Cấp thứ hai có quyền bầu vị thủ lãnh, nhưng cần được sự chuẩn nhận của Toà thánh. Vị đứng đầu cấp thứ ba do Toà thánh bổ nhiệm, dựa trên danh sách ba người do hội đồng các giám mục đề nghị. Nên lưu ý đến vai trò quan trọng của công nghị (synod) gồm các giám mục trong việc điều hành một giáo hội tự quản.

Hai chức vụ Patriarch và Major Archbishop là đặc trưng của giáo luật Đông phương, không có tương đương bên giáo luật Latinh (nơi mà các “thượng phụ” chỉ là tước hiệu danh dự). Ngoài ra, bên Đông phương, eparchy là giáo phận (tương đương với diocese), apostolic exarchate tương đương với apostolic vicariate (đại diện tông toà).

C. Phân loại


Có nhiều tiêu chuẩn để phân loại các Giáo hội Đông phương Công giáo. Ngoài tiêu chuẩn giáo luật (bốn cấp vừa kể trên), Niên giám Toà thánh (Annuario Pontificio) dựa theo tiêu chuẩn nghi điển, cha Roberson phân loại theo cách đối chiếu với các “khối” giáo hội phân ly.

1/ Theo nghi điển
(viết tắt: p = patriarcal; ma = major archbishop; m = metropolitan) 
  • a) Alexandria: Coptic (p), Ethiopic (m).
  • b) Antiokia (Đông Syria): Maronite (p), Syrian (p), Syro-Malankara (ma).
  • c) Armeny: Armenian (p).
  • d) Chalđêa (Đông Syria): Chaldean (p), Syro-Malabar (ma).
  • e) Byzantine: Melkite (p), Ukraine (ma), Romanian (ma), Ruthenian (m), và các đơn vị nhỏ hơn ở Albania, Belarus, Bulgaria, lãnh thổ trước đây thuộc Yugoslavi, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Slovak. 
Nên lưu ý về ý nghĩa của từ rite (ritus tiếng Latinh). Danh từ này thường được hiểu về “lễ nghi, nghi thức”, nghĩa là cách thức cử hành một lễ nghi phụng vụ. Tuy nhiên, khi bàn về các Giáo hội Đông phương, từ này mang một nghĩa chuyên môn. Bộ Giáo luật Đông phương định nghĩa “ritus” là “gia sản phụng vụ, thần học, tinh thần và kỷ luật, khác biệt do văn hoá và các hoàn cảnh lịch sử của các dân tộc, diễn tả đức tin theo một cách sống riêng biệt của mỗi giáo hội tự quản” (c. 28 §1: Ritus est patrimonium liturgicum, theologicum, spirituale et disciplinare cultura ac rerum adiunctis historiae populorum distinctum, quod modo fidei vivendae uniuscuiusque Ecclesiae sui iuris proprio exprimitur). Trong bối cảnh này, ritus được dịch là “nghi điển, lễ điển” (x. Sắc lệnh về các Giáo hội Đông phương, số 2).

2/ Theo nguồn gốc của các giáo hội phân ly

Cách trình bày của cha Roberson có lợi điểm là trình bày tiến trình hình thành một Giáo hội Đông phương Công giáo[15]. Có khi là một vài cá nhân trở lại Công giáo, đôi khi là một cộng đoàn, đôi khi là một cuộc chia rẽ nội bộ. Những lý do chính trị cũng không thiếu, với hậu quả là một chế độ này có thể ủng hộ Giáo hội Công giáo, nhưng chế độ kế tiếp dẹp bỏ bắt quay trở lại Chính thống!

Dù sao, tiên vàn cần phải nêu bật một giáo hội luôn hợp nhất với Rôma, vì thế không có đơn vị tương đương, đó là The Maronite Catholic Church, theo nghi điển Antiôkia (Đông Syria), bao gồm các tín hữu ở Liban. Vì tình hình chiến tranh, phần lớn các tín hữu phải rời bỏ quê hương, di tản sang các nước lân cận, hoặc Âu châu và Mỹ châu.

Vị lãnh đạo mang danh hiệu là “Patriarch of Antioch of the Maronites”, trụ sở tại Bkerke (Liban). Một điều tương tự cũng có thể nói về The Italo-Albanian Catholic Church, gồm hai giáo phận ở miền Nam nước Ý.

Dựa theo nguyên gốc, các Giáo hội Đông phương Công giáo được phân loại theo ba khối.

a) The Assyrian Church of the East

[1] The Chaldean Catholic Church

Hợp nhất với Rôma vào năm 1553. Phần lớn các tín hữu sống ở Irak. Vì lý do chiến tranh phần lớn đã buộc rời bỏ quê hương. Hiện đang đối thoại để hợp tác với giáo hội gốc. Danh hiệu: Patriarch of Babylon of the Chaldeans, trụ sở ở Baghdad, Iraq.

Ngày nay giữa Giáo hội Chaldea (Công giáo) và Giáo hội Assyrian có nhiều sự hợp tác kể cả trong lãnh vực phụng vụ bí tích. Một điểm độc đáo của phụng vụ nghi điển này là kinh nguyện Thánh thể (anaphora) Addai và Mari không có những lời “truyền phép”. Toà thánh chấp nhận kinh nguyện này (thông cáo ngày 17/1/2001 của Bộ Giáo lý đức tin).

[2] The Syro-Malabar Catholic Church

Cộng đoàn này gốc ở Kerala (Ấn độ), tự hào là đón nhận Tin Mừng từ thánh Tôma. Họ vẫn hiệp thông với giáo hội Assyria và đón tiếp các thừa sai Công giáo đến Ấn độ năm 1498. Sau đó, vì chống lại chính sách Latinh hoá của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, họ tuyệt giao với Rôma (năm 1653). Nhờ những cố gắng của các tu sĩ dòng Carmêlô, một số cộng đoàn đã trở về hiệp thông với Giáo hội Công giáo từ năm 1662. Năm 1896, Toà thánh thiết lập ba phủ đại diện Tông toà cho họ, và năm 1923, hàng phẩm trật được thiết lập. Năm 1993, giáo hội này được nâng lên cấp Major Archbishop, trụ sở tại Ernakulam (Ấn độ), với số tín hữu gần 4 triệu.

b) The Oriental Orthodox Churches

[1] The Armenian Catholic Church

Khởi đầu là những cộng đoàn ở Cilicia trở về với Công giáo từ thời Trung cổ, nhưng qua nhiều biến thiên lịch sử, mãi đến năm 1742, đức thánh cha Bênêđictô XIV mới thiết lập hàng giáo phẩm với cấp thượng phụ, đặt trụ sở ở Beirut, Liban.

[2] The Coptic Catholic Church

Giáo hội này bắt đầu từ năm 1741 khi một giám mục Coptic gia nhập Công giáo. Toà thượng phụ được thiết lập từ năm 1824, nhưng chỉ trên giấy tờ, và mãi đến năm 1895 mới có vị thượng phụ tiên khởi, trụ sở tại Cairo.

Do những hoàn cảnh chính trị, các Kitô hữu Ai Cập lìa bỏ quê hương, và cộng đoàn Công giáo hiện nay phỏng chừng 162.000 người.

[3] The Ethiopian Catholic Church

Vào thế kỷ XVI, các thừa sai Bồ Đào Nha đã khuyên được hoàng đế Susenyos trở lại Công giáo, và đưa cả Giáo hội Chính thống hợp nhất với Toà thánh (năm 1622). Tuy nhiên, kế hoạch này tan rã sau 10 năm, khi quốc vương băng hà. Phải chờ đến cuối thế kỷ XIX, các thừa sai Công giáo mới được phép trở lại đây. Hàng phẩm trật được thiết lập năm 1962 với một giáo tỉnh, trụ sở tại Addis Ababa, bao gồm cả lãnh thổ Eritrea.

[4] The Syrian Catholic Church

Từ năm 1662, đã có nhiều người Syria trở lại Công giáo, và năm 1677 đã có giám mục bản xứ. Tuy nhiên, hàng phẩm trật bị gián đoạn sau đó mãi đến năm 1782, thượng phụ chính thống Jarweh tuyên bố trở lại Công giáo, nhưng phải lánh nạn sang Liban. Toà thượng phụ được dời từ Aleppo, xuống Murdin, và sau cùng là Beirut. Số tín hữu khoảng chừng 132,000.

[5] The Syro-Malankara Catholic Church

Giáo hội này được thành hình khi hai giám mục Syro-Malankar gia nhập Công giáo năm 1930. Được nâng lên cấp Major Archbishop năm 2007, trụ sở tại Trivandrum (Kerala, Ấn Độ). Số tín hữu độ nửa triệu.

c) The Orthodox Church

Các giáo hội sau đây theo nghi điển Byzantine, vì thế được gọi là Byzantine Catholic hoặc Greek Catholic.

[1] The Melkite Catholic Church

“Melkite” (tiếng Syri và Ả Rập có nghĩa là “vua”) ám chỉ những người chấp nhận công đồng Calxêđônia; ngày nay được dùng để gọi những người Công giáo nghi lễ Byzantine thuộc các toà thượng phụ Alexandria, Antiokia và Giêrusalem.

Nguồn gốc của giáo hội này bắt đầu từ một sự ly khai nội bộ của Giáo hội Chính thống Antiôkia, khi thượng phụ Cyril VI thông hiệp với toà Rôma năm 1729. Lãnh thổ của toà này (gồm Syria và Liban) mở rộng sang cả Palestin và Ai Cập.

Trụ sở hiện nay đặt tại Damascus (Syria), và số tín hữu là 1,347,000

[2] The Ukrainian Catholic Church

Giáo hội Ukraine quyết định hợp nhất với Rôma qua công nghị Brest năm 1595-1596. Nhưng sau đó, nhiều căng thẳng nội bộ xảy ra, và sự hợp nhất bị toà chính thống Moscow chống đối. Năm 1839, Nga hoàng ép buộc họ phải trở lại Giáo hội Chính thống. Dưới thời cộng sản, các cộng đoàn Công giáo bị đàn áp, và nhiều người phải di cư.

Sau khi Ukraine tách khỏi Liên Bang Sô Viết, các cộng đoàn Công giáo đã sống lại, đã họp công nghị tại năm 1992. Nhiều cuộc tranh chấp đã xảy ra để đòi lại các tài sản, gây căng thẳng không ít với Giáo hội Chính thống.

Số tín hữu khoảng 4 triệu người.

[3] The Ruthenian Catholic Churches

Vùng đất Ruthenia năm ở miền Đông nước Ukrain, và được gọi bằng nhiều tên: Carpatho-Ukraine, Carpatho-Ruthenia, Carpatho-Russia, Subcarpathia, Transcarpathia. Người địa phương thích được gọi là Rusyn. Hồi thế kỷ XVII, nhiều cộng đoàn chính thống hợp nhất với Công giáo qua nhiều đợt: 1646 (tại Uzhorod), 1664 (Mukacevo), 1713 (Maramures). Hàng giáo phẩm được thiết lập năm 1771. Sang thế kỷ XX, lãnh thổ nói trên bị sát nhập vào cộng hoà Tiệp khắc, rồi Ukraine, và Giáo hội Công giáo bị sáp nhập vào Giáo hội Chính thống.

Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các người Công giáo đã trỗi dậy, và giáo phận Mukacevo được tái lập năm 1991.

Các người Công giáo Ruthenian còn sinh sống ở nhiều nơi khác, chẳng hạn Séc, và Hoa Kỳ, với những đơn vị hành chánh biệt lập.

[4] The Romanian Catholic Church

Một thoả ước hợp nhất giữa Giáo hội Chính thống Transylvania với Rôma đã được ký kết từ năm 1700. Nhưng sau đó, một nửa quyết định trở về với Giáo hội Chính thống (năm 1759). Năm 1853, đức Piô IX thiết lập một giáo tỉnh cho các tín hữu Đông phương.

Sau thế chiến I, Transylvania sáp nhập vào Romania. Dưới thời cộng sản, các người Công giáo bị cưỡng bách phải chuyển sang chính thống (năm 1948). Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Giáo hội Công giáo được hồi sinh, với sự tái lập 5 giáo phận vào năm 1990. Năm 2005, giáo hội được nâng lên cấp Major Archbishop

[5] The Greek Catholic Church

Số người Công giáo (Đông phương) ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nhỏ bé, họp thành một phủ Đại diện tông toà tại Athens.

Những đơn vị sau đây cũng còn trong tình trạng phủ Đại diện tông toà:

[6] Greek Catholic Churches in Former Yugoslavia (Macedonia, Serbia, Montenegro).
[7] The Bulgarian Catholic Church
[8] The Slovak Catholic Church (hiện nay là giáo tỉnh)
[9] The Hungarian Catholic Church. Cũng như ở Slovak, các tín hữu Đông phương ở Hungary chỉ là thiểu số, so với các tín hữu Latinh.

Ngoài ra còn những nhóm nhỏ các tín hữu Đông phương Công giáo tại Nga, Bạch Nga, Georgia. Albania.

Thư tịch


Vài tác phẩm giới thiệu các Giáo hội Đông phương
  1. W. Baum - D. Winkler. The Church of the East: A Concise History, Routledge Curzon, London and New York, 2003.
  2. J. Meyendorff, Byzantine Theology: Historical Trends and Doctrinal Themes, Fordham University Press, New York, 1974.
  3. J. Meyendorff, The Orthodox Church, St. Vladimir’s Seminary Press, Crestwood, NY, 1981.
  4. T. Spidlik, The Spirituality of the Christian East: A Systematic Handbook, Cistercian Publications, Kalamazoo, MI, 1986.
  5. K. Ware, The Orthodox Church, Penguin Books, New York 1993.

[1] Nên biết là trong tiếng Latinh, từ ngữ “Đông” và “Tây” tương ứng với chuyển động của mặt trời: Oriens (Đông) ám chỉ nơi mặt trời ló dạng; Occidens (Tây) ám chỉ nơi mặt trời lặn.
[2] Ronald G. Roberson, The Eastern Christian Churches. A Brief Survey. University Press of the Pontifical Oriental Institute, Rome, 2007, 7th edition. Có thể đọc trên internet, ở địa chỉ của Catholic Near East Welfare Association CNEWA): http://www.cnewa.us/default.aspx?
[3] Từ thế kỷ VIII, thượng phụ của giáo hội Assyria gửi đại diện sang Kerala (nam Ấn độ) để điều khiển các giáo đoàn tự nhận là đã đón nhận Tin Mừng từ thánh Tôma tông đồ. Ngày nay còn khoảng 15 ngàn người tín hữu Ấn độ còn tuỳ thuộc vào giáo hội Assyria.
[4] Monophysitism, gốc tiếng Hy Lạp gồm bởi monos = duy nhất; physis = bản tính. Tuy nhiên các giáo hội đang bàn thì không muốn bị gọi là monophysis (của Eutikês), nhưng họ theo chủ trương miaphysis (mia = một) của thánh Cyrillô Alêxanđria.
[5] Điều này hàm ngụ rằng quy chuẩn của đức tin là Kinh Thánh và Thánh Truyền (được diễn tả nơi các giáo phụ và các công đồng).
[6] X. Bình Hoà, “Các công đồng trong lịch sử Giáo hội,” Thời sự Thần học, số 62 (tháng 11 năm 2013), trang 177-206.
[7] X. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 246-248
[8] Vài tác phẩm dẫn nhập vào thần học chính thống: Timothy Ware, The Orthodox Church, Penguin Books, London 1993. Paul Evdokimov, Orthodoxy, New City Press, London 2011 (nguyên bản tiếng Pháp L’Orthodoxie xuất bản năm1965).
[9] Bảy bí tích được phân chia thành nhiều loại: 1/ “bắt buộc” (cần thiết để được cứu rỗi) và 2/ “không bắt buộc” (cần có một số người nào thôi). Các bí tích “bắt buộc” được tái phân làm: a) “không thể lặp lại” (chỉ lãnh một lần: rửa tội và thêm sức); b) “có thể lặp lại” (Thánh thể và Hoán cải). Các bí tích “không bắt buộc” cũng được tái phân làm: a) “không thể lặp lại” (truyền chức); b) “có thể lặp lại” (hôn phối, xức dầu bệnh nhân)
[10] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh: Truyền thống tâm linh trong các Giáo hội Đông phương, tập V, Rôma 2005.
[11] Hai tín điều này mới được định nghĩa vào thời cận đại, đánh dấu một sự chín muồi trong việc chiêm ngắm vị trí của đức Maria trong chương trình cứu chuộc. Các Giáo hội Chính thống không có công đồng chung nào từ thế kỷ IX. Vì vậy khó nói đến đạo lý chung về đức Maria. Về sự vô nhiễm nguyên tội, ngoài sự khác biệt về quan điểm bản chất tội nguyên tổ, còn có sự khác biệt về sự thanh luyện của đức Maria: vài ý kiến cho rằng Người được thanh sạch vào lúc thiên sứ truyền tin.
[12] “Pan Orthodox Council”. Ý định triệu tập một “công đồng Liên Chính thống” (tương đương với công đồng hoàn vũ lần thứ 8) đã nảy sinh từ năm 1961 khi đức Athenagoras thượng phụ Constantinople họp với các thượng phụ (Pan-Orthodox Conference) tại đảo Rhodes để bàn việc tổ chức. Ngài có ý định thực hiện một điều tương tự như Vaticanô II đối với Giáo hội Công giáo. Thế nhưng từ đó đến nay, sau bao nhiêu cuộc họp chuẩn bị, công đồng vẫn chưa khai mạc!
[13] http://vi.wikipedia.org/wiki/Chinh_Thong_giao_tai_Viet_Nam (truy cập 18/12/2013).
[14] X. Bộ giáo luật Đông phương. Titulus IV: De ecclesiis patriarchalibus (cc.55-150). Titulus V: De ecclesiis archiepiscopalibus maioribus (cc.151-154). Titulus VI: De ecclesiis metropolitanis ceterisque ecclesiis sui iuris (cc.155-176).
[15] R. Roberson, The Eastern Christian Churches (op. cit)