Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

CÁC GIÁO HỘI CẢI CÁCH

Thời sự Thần học - Số 63 (tháng 02/2014), tr. 118-162

_Phan Tấn Thành_

Từ ngữ: Tin lành (Evangelical); Cải cách (Reformation), Phản kháng (Protestant)
I. Đợt thứ nhất: nhóm Cải cách tiên khởi
  A. Các Giáo hội Luther (Lutheran Church)
  B. Các Giáo hội Cải cách (Reformed Church)
  C. Giáo hội Anh (Anglican Church / Communion; Episcopalian)
II. Đợt Cải cách thứ hai
  A. Pietism
  B. Baptist Churches
  C. Methodist Churches
  D. Phong trào Phục hồi (Restoration Movement). The Church of Christ. Disciples of Christ
III. Đợt Cải cách thứ ba: phong trào thánh thiện
  A. Phong trào thánh thiện (Holiness Movement)
  B. Giáo hội tự do (Free Church). Fundamentalism
IV. Phong trào Pentecostalism
V. Cánh cực đoan (radical): Anabaptists, Quakers, Unitarians
VI. Trào lưu Adventist
Kết luận: Các tông phái Tin lành tại Việt Nam
Một buổi họp mặt của Pentecostal, tại Hoa Kỳ

Nhập đề


Như có lần lưu ý, ở Việt Nam, người ta đặt tên “Tin lành” cho ba nhóm khác nhau: Protestant, Reformation, Evangelical. Có thể giải thích sự kiện như thế này. Đạo “Tin lành” mới được du nhập vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, do nhóm Evangelical từ Hoa Kỳ[1], vì thế dịch như vậy là chính xác. Tuy nhiên, tại châu Âu, danh từ Protestant quen thuộc hơn và thường được dịch là “Thệ phản”. Theo nguyên gốc Trung hoa, “Thệ phản” là gọi tắt “Thệ ước phản kháng”, nhưng trong tiếng Việt, “thệ phản” dễ bị hiểu lầm là “phản bội lời thề” (bội thề), vì thế nên tránh. Ngoài ra, trong lịch sử giáo hội, phong trào phát sinh từ Martin Luther được đặt tên là Reformation, có thể dịch là “canh tân, cải cách, cải tổ, cải lương, cải chánh” (đã có người dịch là “Cảnh giáo”; hoặc “Thanh giáo” nhưng từ này thích hợp hơn với puritanism). Vấn đề còn trở thành phức tạp khi chúng ta “nhập cảng” những từ ngữ từ bên Trung hoa, nơi mà “Kitô giáo” ám chỉ Công giáo, còn “Cơ đốc giáo” (và Cơ đốc nhân) dành cho Protestant; đó là chưa nói đến việc dịch các hệ phái khác, chẳng hạn: Methodism (Giám lý), Pentecostalism (Ngũ tuần), Presbyterian (Trưởng lão, Trưởng nhiệm).

Dĩ nhiên, không thể nào gọi tất cả những thực thể ấy bằng một tên chung là “Tin lành”. Để tránh lẫn lộn, chúng tôi sẽ dùng các danh xưng theo tiếng Anh (xét vì hầu hết các phái này đến Việt Nam từ Hoa Kỳ) và thêm từ Việt ngữ khi có thể được. Tạm thời xin được dịch Reformation là “Cải cách” và Protestant là “Phản kháng”.

Luôn tiện nên nói qua ý nghĩa của từ Evangelical. Trong tiếng Latinh, evangelicus là một tính từ gốc bởi evangelium (được dịch là: tin vui, tin mừng, phúc âm)[2]; vì vậy dịch Evangelical là “Tin lành” thì đúng lắm. Thế nhưng, ngoài ý nghĩa tầm nguyên, trong lịch sử cận đại, từ evangelical còn được dùng theo bốn nghĩa khác nhau:

1. Theo một nghĩa rộng nhất, “Evangelical” được hiểu là người theo phong trào phản kháng (Protestant, đối lại với “Công giáo”), bởi vì họ chỉ dựa vào Tin Mừng (Lời Chúa) như quy luật tối cao (Evangelicalism). Hiểu theo nghĩa này, các Giáo hội Luther cũng tự xưng là “Evangelical Lutheran Church”.

2. Vào đầu thế kỷ XIX, bên Hoa Kỳ và Anh, Evangelical ám chỉ những phong trào chấn hưng (revival), lấy lại lòng nhiệt thành truyền giáo. Từ đó có rất nhiều Hội Truyền giáo được thành lập[3]. Công cuộc rao giảng Tin Mừng được gọi là evangelism (tương đương với evangelization bên Công giáo).

3. Sang thế kỷ XX, cũng bên Hoa Kỳ, Evangelical là một tên đặt cho một luồng bảo thủ, chống lại khuynh hướng tự do (liberal) trong việc giải thích Kinh Thánh. Vì thế, đôi khi nhóm Evangelical đồng nghĩa với Fundamentalism, giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen (về sự tạo dựng). Họ cũng chống lại phong trào đại kết.

4. Vào những thập niên gần đây, ở Nam Mỹ, Evangelical được dùng như đồng nghĩa là Pentecostal.

Vì thế, mỗi khi gặp các từ ngữ “evangelical, evangelism, evangelization”, chúng ta cần phải biết từ này được hiểu theo nghĩa nào, do ai sử dụng? Đại khái, các nhóm Tin lành tại Việt Nam thuộc về nhóm Evangelical theo nghĩa thứ hai và nghĩa thứ ba[4].

Chúng tôi đặt tựa đề cho bài này là các “Giáo hội Cải cách”, vì muốn nêu bật nguồn gốc xuất phát từ phong trào Cải cách của Martin Luther, tuy rằng sau đó từ ngữ “Reformed churches” được dành cho phái Calvin!

“Các giáo hội Cải cách” là một đề tài rất phức tạp bởi vì không ai nắm bắt được con số các tông phái. Vào năm 1991, nhà sử học Martin Marty viết rằng có đến 21.104 tông phái, và con số này tăng lên trung bình 5 nhóm mỗi tuần. Theo báo cáo của Center for the Study of Global Christianity, hiện nay (đầu năm 2013) số hệ phái lên đến 44.000 (so với 18.800 vào năm 1970, và 34.200 năm 2000)[5]. Liệu có thể tìm được một mẫu số chung cho tất cả các nhóm ấy không? Lấy tiêu chuẩn gì để gọi là “Cải cách”?

Jean-Paul Willaime[6] đề nghị ba đặc điểm dựa theo tiêu chuẩn xã hội học để giải thích tổ chức của các Giáo hội Cải cách.

1/ Cách thức phát biểu chân lý tôn giáo: nguyên tắc Sola Scriptura. Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất trong lãnh vực đức tin và đời sống Giáo hội. (Khác với Giáo hội Công giáo dựa trên Truyền thống và Huấn quyền). Nguyên tắc này cho phép mỗi người tín hữu được tự do khảo sát Kinh Thánh, và không lệ thuộc một quyền bính nào hết. (Tiêu chuẩn giải thích Kinh Thánh).

2/ Xét về việc sống đạo, người tín hữu dành chỗ đặc biệt cho cảm nghiệm cá nhân, hơn là gia nhập một cộng đoàn có cơ cấu phẩm trật. Điều này cũng có thể hiểu như là chú ý đến tâm tình hơn là trí tuệ. (Tiêu chuẩn nhân bản).

3/ Xét về nền tảng quyền bính, chân lý không nằm ở định chế nhưng ở sứ điệp được rao giảng. Người ta tin vào biệt tài giảng thuyết của mục sư (nghĩa là đặc sủng của ông) hơn là vào chức vụ mà ông nắm giữ. (Tiêu chuẩn xã hội).

Đó mới chỉ là một nhận xét dưới quan điểm của nhà xã hội học, chứ chưa đi vào nội dung đạo lý đức tin. Dù sao đi nữa, cần phải nhận rằng có “nhiều” Giáo hội Cải cách, chứ không chỉ có một. Làm thế nào để phân biệt? Có mối liên hệ gì các hệ phái không? Nhiều nhà sử học tìm cách giải thích và phân loại[7].

Giáo sư Massimo Introvigne phân biệt bốn đợt tiến triển của các Giáo hội Cải cách dựa trên khái niệm “phản kháng”[8]. Thật vậy “protestantism” gốc bởi “protest” có nghĩa là: “phản đối, phản kháng”, hiểu theo nhiều nghĩa (tôn giáo, chính trị, xã hội). Các phong trào này khởi đầu từ một cuộc “phản kháng”, chống lại vài điểm về đạo lý hoặc tập tục (của Giáo hội Công giáo); nhưng chẳng bao lâu, nhóm phản kháng được tổ chức thành thể chế và mất đi hứng khởi ban đầu; từ đó nảy ra một đợt phản kháng mới. Nói các khác, tiến trình phản kháng mang tính dây chuyền.

1/ Đợt phản kháng tiên khởi (cũng gọi là “lịch sử”) gồm những cộng đồng nảy sinh vào hồi thế kỷ XVI: Luther, Calvin (presbyterian), Anglican.

2/ Đợt thứ hai mang tên là “Tin lành” (Evangelical) hoặc “Chấn hưng” (Revival) gồm những phong trào phản kháng lại sự thiếu nhiệt thành (cách riêng nhiệt tâm truyền giáo) của nhóm tiên khởi. Họ đề cao sự gặp gỡ Đức Kitô như cảm nghiệm cá nhân thúc đẩy truyền giáo. Hiện tượng phản kháng diễn ra nơi nhiều nhóm khác nhau: cuộc phản kháng nơi các cộng đoàn Luther sinh ra nhóm pietism, nơi các cộng đoàn Anh quốc sinh ra nhóm methodist, nơi các cộng đoàn Calvin sinh ra nhóm baptist. Một khuynh hướng muốn liên kết các luồng chấn hưng đã dẫn tới phong trào “Phục hồi” (Restoration Movement), do hai ông Thomas và Alexander Campbell khởi xướng vào đầu thế kỷ XIX), làm nảy sinh các phái: Disciples of Christ (Christian Church), The Church of Christ, Christian Churches.

3/ Nhận thấy nhóm “Chấn hưng” dần dần cũng bị thể chế hoá, cho nên phát sinh đợt thứ ba của cuộc phản kháng. Đó là nguồn gốc các thứ “Free churches” (Giáo hội tự do), các phong trào nên thánh (Holiness), các khuynh hướng bảo căn (Fundamentalism).

4/ Trào lưu Pentecostal nảy sinh vào thế kỷ XX. Có sử gia xếp nó vào nhóm thứ ba (giống như nhóm Holiness), nhưng nhiều người trong nhóm thứ ba không chấp nhận Pentecostal; vì thế có thể xếp thành một nhóm biệt lập.

Giữa bốn đợt trên đây có một mối dây liên hệ lịch sử. Nhưng bên cạnh đó còn có một khuynh hướng quá khích (radical) tiềm tàng ngay từ lúc phong trào Cải cách chớm nở (nhóm Anabaptist). Trong khuynh hướng này ta cũng có thể xếp trào lưu Adventist (quang lâm) hồi thế kỷ XIX, tập trung chú ý vào ngày tận thế. Trào lưu này bắt nguồn từ những phong trào thế mạt vốn hiện hữu suốt dòng lịch sử, và dần dần xích lại với nhóm Evangelical. Một trào lưu khác thì thiên về siêu hình (chẳng hạn Christian science).

Ngoài ra còn nhiều hiệp hội ra đời để phục vụ lý tưởng Kitô giáo (truyền bá Kinh Thánh, truyền giáo, bác ái): họ đứng bên ngoài mọi cơ cấu hệ phái.

Lối trình bày này cho chúng ta thấy mối liên hệ lịch sử giữa các tông phái, tuy dù đôi khi mang tính biện chứng. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày bốn đợt tiến triển trong bốn đoạn, và thêm một đoạn thứ năm dành cho luồng “quá khích”. Khuôn khổ của bài viết không cho phép đi sâu vào “đạo lý” của các tông phái, mà chỉ lướt qua khuynh hướng chung của họ.

Trong phần kết luận, chúng tôi sẽ nói sơ qua về các tông phái Tin lành ở Việt Nam[9].

I. Đợt thứ nhất : Các nhóm Cải cách tiên khởi


Ông tổ của phong trào Cải cách là Martin Luther (1483-1546), một tu sĩ dòng Augustinô. Sự thành hình chủ trương cải cách của ông có thể tóm lại vào ba thời điểm chính yếu sau đây:
  • Cảm nghiệm “ở tháp” (1513-14): Luther hiểu rằng con người không có hy vọng gì hết, mà chỉ có thể được cứu rỗi bởi ân sủng của Chúa nhờ đức tin.
  • Việc dán 95 luận đề dán ở cửa nhà thờ Wittenberg năm 1517.
  • Bản tuyên xưng Augsburg năm 1530.
Vào lúc đầu, Luther không nghĩ đến việc thiết lập một giáo hội, mà ông chỉ yêu cầu “cải cách” những lạm dụng xảy ra trong Giáo hội Công giáo. Điển hình danh sách 95 luận đề (năm 1517) tố cáo tục lệ “ân xá” của Công giáo, dựa trên đạo lý về sự cứu độ nhờ công trạng. Nhưng sau khi bị Giáo hoàng lên án (năm 1518), ông đã liên minh với một số lãnh chúa bên Đức để chống lại hoàng đế Charles V (1500-1558). Phong trào lan rộng sang các quốc gia láng giềng (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan): sự ly khai không chỉ bởi lý do tôn giáo mà còn do động lực chính trị nữa. Bản tuyên xưng Augsburg 1530 định hình một “tín ngưỡng mới”. Sau nhiều cuộc chiến tranh tương tàn, hoà ước 1555 xác định ranh giới của hai “tôn giáo mới”: những lãnh thổ thuộc Công giáo và những lãnh thổ thuộc Phản kháng.

a) Những nguyên tắc đạo lý của Cải cách

Các Giáo hội Cải cách tuyên xưng tín biểu Nixêa- Constantinopolis. Những khác biệt căn bản với Công giáo thường được tóm lại ở các công thức “duy”: a) solus Christus (duy Đức Kitô mới là Đấng cứu độ, trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người); b) sola gratia (duy chỉ nhờ ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta được cứu độ); c) sola fide (duy chỉ nhờ đức tin mà chúng ta đón nhận ân sủng của Chúa và được cứu độ); d) sola Scriptura (chỉ duy Kinh Thánh mới là nền tảng của đức tin).

Điều này muốn nêu bật rằng sự cứu rỗi là một hồng ân Thiên Chúa ban cho tội nhân. Ơn cứu độ được ban nơi Đức Kitô. Con người đón nhận hồng ân cứu rỗi bằng đức tin (chứ không dựa trên công trạng của mình). Hội thánh rao giảng Lời Chúa, nhưng không có quyền hành gì trên Lời Chúa. Lời Chúa giữ vị trí tối thượng trong đời sống Hội thánh cũng như trong đời sống của mỗi tín hữu. Việc sùng thượng Lời Chúa cũng thúc đẩy phong trào Cải Cách phổ biến Kinh Thánh (dịch ra tiếng bản quốc, và truyền bá cho đại chúng).

b) Hệ luận

– Phong trào Cải cách phủ nhận quyền bính của hàng phẩm trật Giáo hội. Hội thánh chỉ có nhiệm vụ giảng Lời Chúa và ban bí tích (hai bí tích rửa tội và Thánh Thể), chứ không có quyền hành trên các tín hữu. Không có huấn quyền. Tất cả các tín hữu đều tham dự vào chức tư tế phổ quát. Về các vấn đề luân lý, mỗi người quyết định theo lương tâm của mình, dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa.

– Đức Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Phong trào Cải cách chống lại mọi hình thức trung gian: Đức Maria, các thánh, huấn quyền.

– Từ đó, cách tổ chức giáo hội cũng khác với Công giáo. Đơn vị căn bản là cộng đồng địa phương. Đối với những cơ chế ở trên cộng đồng địa phương (tỉnh, miền, bang, quốc gia) thì không có sự đồng nhất, lại càng không thể mường tượng một cơ quan lãnh đạo trung ương.

c) Phản ứng

Vào hồi thế kỷ XVI, những luận đề của Luther bị xét như là lầm lạc. Kể từ đó, thần học Công giáo tìm cách chống lại nhóm Cải cách (counter reformation): phủ nhận những gì Luther đề cao, và đề cao những gì Luther phủ nhận. Vài thí dụ: Luther đề cao Kinh Thánh thì Công giáo cấm đọc Kinh Thánh; Luther phủ nhận huấn quyền thì Công giáo đề cao huấn quyền (truyền thống); Luther đề cao chức tư tế phổ quát thì Công giáo ém nhẹm điều này và đề cao các chức thánh; Luther chú trọng đến Hội thánh thiêng liêng thì Công giáo bênh vực cơ chế phẩm trật, tập trung quyền bính vào Giáo hoàng; vv. Dĩ nhiên, cũng không nên bỏ qua những tấn công của phái Cải cách đối với Công giáo, khi họ đồng hoá Giáo hoàng với Quỷ vương! Phải chờ đến Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo mới lấy lại được quân bình giữa “Kinh Thánh và Truyền thống” “Lời Chúa và bí tích”, “chức tư tế phổ quát và chức tư tế thừa tác”; và phía Cải cách cũng cần khám phá sự liên kết giữa “ân sủng và công trạng”, “đức tin và việc làm”, Đức Kitô trung gian duy nhất và những cấp độ tham gia vào việc trung gian, v.v..

Sau khi giới thiệu khởi điểm của cuộc Cải cách Luther, chúng ta bước sang những tiến triển của những tông phái khác nhau: các Giáo hội Luther, các Giáo hội Cải cách, Giáo hội Anh. Xét vì không có cơ cấu chặt chẽ cho nên những bản thống kê tín đồ hoàn toàn có tính cách ước đoán.

A. Các Giáo hội Luther


Từ thế kỷ XVI-XVII, các Giáo hội Luther chỉ giới hạn hoạt động trong các lãnh thổ nước Đức và Bắc Âu. Sang thế kỷ XVII-XVIII, các Giáo hội Luther (thường được chia thành từng quốc gia tự trị) trở thành cứng nhắc trong các giáo điều. Phong trào pietism phản ứng tình trạng đó.

Qua thế kỷ XIX nổi lên các phong trào chấn hưng và truyền giáo. Nhiều đoàn người di dân sang Hoa Kỳ thiết lập các giáo hội mới; điều tương tự cũng xảy ra ở Phi châu, Á châu, nhờ nỗ lực truyền đạo của các nhóm Pietist. Thế kỷ này cũng được đánh dấu bởi những nhạc sư nổi tiếng như Johann Sebastian Bach (1685-1750) và Georg Friedrich Handel (1685-1759). Trong thế kỷ XX, Giáo hội Luther tại Đức trải qua những thời kỳ khó khăn dưới thời quốc xã. Sau đệ nhị thế chiến, nhiều giáo hội tại Bắc Âu trải qua thời kỳ tục hoá. Một sự kiện đáng lưu ý là sự thành hình của Liên hiệp Luther thế giới (Lutheran World Federation LWF) được thành lập năm 1947, đặt trụ sở tại Genève, hiện nay quy tụ được 145 đơn vị thuộc 79 quốc gia. Ngày 31/10/1999, tổ chức này đã đạt được một thoả hiệp với Giáo hội Công giáo về sự công chính hoá[10]. Cũng nên biết là về phụng vụ, Giáo hội Luther còn giữ lại vài yếu tố của Công giáo (khác với các Giáo hội Cải cách).

Số tín hữu Luther trên toàn thế giới ước chừng 74 triệu.

B. Các Giáo hội Cải cách


Mặc dầu người lãnh đạo phong trào Cải cách là Martin Luther, nhưng danh xưng “Giáo hội Cải cách” (Reformed Churches) được dành cho nhóm của Jean Calvin. Đôi khi họ cũng được gọi là “giáo hội Trưởng lão” (Presbyterian Church).

Nhóm này bắt nguồn từ Thuỵ sĩ, từ khi Ulrich Zwingli (1484-1531) thuyết phục chính quyền Zurich chấp nhận 65 luận đề của ông vào năm 1523. Zwingli còn đi xa hơn Luther, vì ông không nhận bất cứ hình thức hiện diện nào của Chúa Giêsu trong Thánh Thể[11]. Nhiều thành phố khác (Berne, Bâle) của Thụy sĩ cũng đi theo Zwingli; điều này sớm gây ra xô xát với các bang Công giáo: một cuộc chiến tranh bùng nổ và Zwingli tử trận. Tuy nhiên, Zurich vẫn thuộc về nhóm Cải cách dưới sự điều khiển của Heinrich Bullinger (1504-1575). Phong trào lan sang những bang nói tiếng Pháp nhờ Guillaume Farel (1489-1565) và Jean Calvin (1509-1564). Calvin cai quản Genève từ năm 1541 đến năm 1564. Tuy nhiên, khi muốn truyền bá sang Pháp thì gặp sự chống đối đẫm máu, và tại đây nhóm Cải cách chỉ là thiểu số (mang tên là Huguenots).

Có lẽ đặc điểm nổi bật nhất của đạo lý Calvin là vấn đề tiền định. Các cộng đoàn được cai quản bởi một tập đoàn gồm bởi các mục sư và giáo dân, tách rời khỏi chính quyền. Khi phong trào này được du nhập vào Scotland nhờ John Knox (1505-1572), họ mang thêm một danh xưng mới là Presbyterian bởi vì ban lãnh đạo cộng đoàn là các “nguyên lão” (chứ không phải là “giám mục”).

Tại Anh, nhóm Calvin chủ trương một cuộc cải cách tận căn, loại bỏ hết các yếu tố Công giáo. Vì thế họ được đặt tên là puritans (những người thanh lọc). Bị bách hại, họ di cư sang Hoa Kỳ.

Ngoài Thụy sĩ và Scotland, phong trào cải cách còn chinh phục nước Hà Lan, và trở thành quốc giáo vào thế kỷ XVII.

Trong thời gian gần đây, các Giáo hội Cải cách đã tìm cách liên kết với nhau thành các liên bang, tựa như World Alliance of Reformed Churches (WARC, 1970), World Reformed Fellowship (WRF) năm 1995 (quy tụ 54 hệ phái trong 75 quốc gia), có tính cách bảo thủ hơn là tổ chức World Communion of Reformed Churches (WCRC) năm 2010 (quy tụ 229 hệ phái thuộc 108 quốc gia). Trong số những nhà thần học nổi tiếng trong thế kỷ XX cần phải kể đến Karl Barth (1886-1968) và Reinhold Niebuhr (1892-1971).

Về việc đối thoại với Giáo hội Công giáo, Hội đồng Toà thánh cổ vũ sự hợp nhất các Kitô hữu đã có những cuộc đối thoại với World Alliance of Reformed Churches, và đã tiến hành những chặng như sau: The Presence of Christ in Church and World - (First Phase, 1970-77); Towards a common understanding of the Church - (Second Phase, 1984-1990); The Church as Community of Common Witness to the Kingdom of God - (Third Phase, 1998-2005).

C. Giáo hội Anh


Như đã có lần lưu ý, ở Việt Nam, người ta quen gọi là “Anh giáo”, nhưng thuật ngữ này dễ gây hiểu lầm là một “tôn giáo”, đang khi trên thực tế chỉ là một giáo hội của một quốc gia (The Anglican Church).

Vào lúc nổi lên cuộc Cải cách, vua Henri VIII (1491-1547) đã chống đối Luther và ông được đức thánh cha Lêô X (1475-1521) ban tặng tước hiệu Defensor fidei (kẻ bảo vệ đức tin). Tuy nhiên, vào năm 1527, khi nhà vua muốn xin đức thánh cha Clêmentê VII (1478-1538) tiêu huỷ hôn nhân với Catherine Aragon (1485-1536) và bị khước từ, thì quốc hội năm 1531 tuyên bố nhà vua là “Lãnh đạo tối cao của giáo hội và giáo sĩ nước Anh”, gây ra cuộc ly khai. Thomas Crammer (1489-1556) với tư cách là tổng giám mục Cantebury, đã tiêu huỷ hôn nhân nói trên. Sau khi bị Toà thánh ra vạ tuyệt thông, tổng giám mục Cranmer tuyên bố thiết lập giáo hội quốc gia năm 1534. Mặc dù Cramner có thiện cảm với phái Cải cách Luther, nhưng giáo hội Anh vẫn duy trì nhiều yếu tố Công giáo. Sau khi Henri VIII băng hà, Cranmer mới cho phê chuẩn một thứ phụng vụ riêng bằng tiếng Anh qua cuốn Prayer Book (1549), và bản 42 tín điều (năm 1553, rút xuống còn 39 điều năm 1571).

Vào lúc đầu, giáo hội Anh muốn giữ vị trí nằm ở giữa Công giáo và Cải cách, nhưng dần dần trong nội bộ phát sinh hai luồng: High Church (thiên về Công giáo) và Low Church (thiên về Cải cách)[12]: sự khác biệt liên quan cách riêng đến tổ chức giáo hội (có phẩm trật hay không) và thần học về Thánh Thể (có tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu hay không). Bộ mặt của giáo hội thay đổi tuỳ theo sự ủng hộ của nhà vua.

Sang thế kỷ XVIII và XIX, cả hai luồng nhận được những cơn gió mới từ nhiều phong trào khác nhau:

- Phong trào pietism (phát sinh từ Giáo hội Luther) chú trọng đến cảm nghiệm nội tâm, sự hoán cải. Phái methodist (của John Wesley) nảy sinh từ phong trào này.

- Phong trào tractarian (lấy tên từ những tập sách Tracts for the time) hoặc cũng gọi là “phong trào Oxford” (bởi vì khởi đầu từ Oxford năm 1833) tìm về cội nguồn Kitô giáo. Từ phong trào này, Henry Newman (1801-1890) trở về Công giáo vào năm 1845. Những người ở lại thì họp thành khuynh hướng anglo-catholicism.

Ngày nay, cả hai luồng nói trên không còn nhiều ảnh hưởng cho bằng luồng thứ ba, được đặt tên là Broad Church với khuynh hướng cấp tiến, mở rộng đến nhiều vấn đề gây tranh cãi chẳng hạn: truyền chức cho phụ nữ, hôn nhân đồng tính.

Ngoài biên cương nước Anh, giáo hội này bành trướng sang các quốc gia thuộc địa Anh, và mạnh nhất là tại Hoa Kỳ, nơi mà họ mang tên là Episcopal Church[13]. Chỉ riêng ở nước Anh, giáo hội này mới giữ vị trí “quốc giáo”[14], còn ở các nơi khác thì chỉ là thiểu số. Các quyết nghị của giáo hội Anh chỉ có giá trị cho quốc gia này mà thôi[15]. Ở những nơi khác, giáo hội được tổ chức thành đơn vị tự trị thành nhiều giáo tỉnh (province), đôi khi bao trùm lãnh thổ rộng hơn một quốc gia. Mối liên kết tinh thần được duy trì trong Anglican Communion, tượng trưng nơi sự thông hiệp với toà Canterbury, cụ thể qua các cuộc họp định kỳ 10 năm (Lambeth Conference kể từ năm 1867) của các giáo chủ (primate) tại dinh của Tổng giám mục Canterbury; vị này giữ vai trò điều hợp (primus inter pares) chứ không có quyền hành gì trên các giáo hội khác. Các quyết nghị chung (Resolutions) của các giáo chủ cũng chỉ mang tính cách hướng dẫn chứ không bó buộc.

Về mối tương quan với Giáo hội Công giáo, nên ghi nhận ba điểm sau:

1. Một uỷ ban đối thoại quốc tế đã được thành lập vào năm 1969 mang tên là Anglican Roman Catholic International Commission (viết tắt ARCIC). Từ đó đến nay nhiều phiên họp đã thảo luận nhiều vấn đề: Eucharistic Doctrine (1971); Ministry and Ordination (1973); Authority in the Church I (1976); Authority in the Church II (1981); Salvation and the Church (1987); Church as Communion (1991); Life in Christ: Morals, Communion and the Church (1994); The Gift of Authority: Authority in the Church III (1999); Mary: Grace and Hope in Christ (2005).

2. Cuộc đối thoại bị gián đoạn từ khi Giáo hội Episcopal truyền chức cho một người đồng tính bên Hoa Kỳ, và tiếp đó Giáo hội Anh quyết định truyền chức giám mục cho phụ nữ. Cũng nên biết là Giáo hội Công giáo không nhìn nhận sự thành hiệu của việc truyền chức bên Giáo hội Anh (Sắc chiếu Apostolicae curae của đức Lêô XIII năm 1896).

3. Ngày 4/11/ 2009, đức thánh cha Bênêđictô XVI, với tông hiến Anglicanorum coetibus, đã tạo ra các hạt giám chức tòng nhân (Personal Ordinariate), dành cho những cộng đoàn Anglican muốn hiệp thông với giáo hội Rôma, tuy vẫn giữ vài nét đặc thù của truyền thống phụng vụ và linh đạo cũ. Từ đó, các hạt đã được thành lập ở Anh, Mỹ, Úc.

II. Đợt Cải cách thứ hai


Đợt Cải cách (hoặc Phản kháng) thứ hai gồm bởi những phong trào ra đời trong thế kỷ XVII-XVIII, phản kháng lại những phái Cải cách tiên khởi vì họ thiếu nhiệt tình truyền giáo và quá gắn bó với chính quyền. Nơi Giáo hội Luther, phong trào chấn hưng mang hình thức Pietism; nơi giáo hội Calvin là hình thức Baptist, nơi giáo hội Anh là hình thức Methodist.

Đặc trưng của đợt thứ hai này là, ngoài cảm nghiệm của Luther về ơn công chính hoá, người ta còn thêm cảm nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, cảm nghiệm “tái sinh” (born again), được phái Methodist đặt tên là “nên thánh” (sanctification). Chúng ta hãy nhìn qua ba hình thức vừa nói: Pietism, Baptist, Methodist.

A. Pietism


Pietism (quen dịch là “phong trào mộ đạo”) là một trào lưu chấn hưng bên các Giáo hội Luther, phản kháng tình trạng giáo điều và cơ chế vì quá gắn bó với chính quyền. Phong trào này được tổ chức chung quanh ông Jacob Spener (1635-1705). Vào năm 1670, tại Frankfurt, ông tổ chức những nhóm giáo dân gọi là Collegia Pietatis. Khởi đi từ nguyên tắc của Luther, theo đó con người được cứu độ nhờ ân sủng chứ không nhờ việc làm, nhóm pietism chủ trương rằng ơn cứu độ mang đến một sự thay đổi trong nội tâm người tín hữu. Nhờ cảm nghiệm sự tha thứ tội lỗi, con người được ơn hoán cải, thay đổi cuộc sống (giống như ông Saulô trên đường Đamas). Phong trào pietism chú trọng đến đời sống nội tâm, sự thánh hoá, bao hàm một nếp sống khắc khổ. Hệ luận là họ ít quan tâm đến Kinh Thánh và các cơ cấu (mục sư), và muốn dành vai trò chủ động cho Thánh Linh và sự chia sẻ cảm nghiệm trong những nhóm nhỏ.

Bên cạnh Spener, cần phải nhắc đến tên tuổi những nhân vật đã gây ảnh hưởng đến phong trào: A. Hermann Francke (1663-1727), bá tước Nikolaus Ludwig von Zinzerdorf (1700-1769).

B. Baptist Churches


1) Lịch sử

Các sử gia đưa ra nhiều cách giải thích về nguồn gốc của các giáo hội Baptist: có thuyết muốn móc nối với nhóm Anabaptist đã hiện hữu ngay từ thời Luther (chúng tôi sẽ bàn đến trong mục 5); một thuyết khác cho rằng đây là kết quả của phong trào chấn hưng bên các Giáo hội Cải cách (theo Jean Calvin). Có người lại còn muốn phân biệt những trào lưu khác nhau trong phái baptist:

a) Trào lưu “tổng quát” (General Baptist) do John Smyth (1570-1612) thành lập bên Anh. Bị trục xuất khỏi nước này, ông Smyth lánh nạn sang Hà-lan năm 1607, tại đây ông chịu ảnh hưởng của nhóm mennonite. Sau khi ông Smyth qua đời, thì người đồng chí với ông là Thomas Helwys (1550-1616) trở về Anh. Tại đây, ông chỉ trích sự gắn bó giữa giáo hội và Nhà Nước, tượng trưng nơi phép rửa của các nhi đồng. Vì thế ông thay thế bằng phép rửa được tự do lựa chọn khi đã trưởng thành. Ông cũng chống lại tổ chức “giáo hội”, và nhấn mạnh đến vai trò của “cộng đồng” (congregation); mỗi cộng đồng được tự trị. Ngoài ra, ông còn chủ trương rằng ơn cứu độ được ban cho hết mọi người[16]; vì thế trào lưu này được đặt tên là “Tổng quát” (General).

b) Đối lại, trào lưu “riêng biệt” (Particular Baptist) thì theo sát đạo lý của Calvin về ơn cứu độ dành cho một thiểu số được tiền định. Điểm đặc biệt là chủ trương rửa tội bằng cách dìm mình.

Dù sao, giáo hội baptist còn bị phân tán thành nhiều nhóm khác nữa. Khi phong trào baptist di cư sang Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Roger Williams (1604-1683), họ tậu một lãnh thổ độc lập (Providence) và tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo. Do cuộc nội chiến về nô lệ (năm 1845), giáo hội chia ra hai nhóm chính: “Nam” (Southern Baptist Convention) với con số tín đồ đông nhất hiện nay, và “Bắc” (Northern Baptist Convention) sau này đổi tên thành American Baptist Church, với khuynh hướng thần học tự do. Cuộc tranh luận về việc giải thích Kinh Thánh bảo căn lại gây ra sự chia rẽ trong nội bộ của nhóm “Bắc” (năm 1920): Conservative Baptist Fellowship cũng như Conservative Baptist Association of America. Kế đến vấn đề chủng tộc da đen da trắng cũng gây ra nhóm National Baptist Convention (đa số da đen). Nên biết là số tín hữu Baptist tại Hoa Kỳ chiếm số đông nhất trên thế giới.

Những liên hiệp quốc tế: International Baptist Convention; Baptist World Alliance.

2) Đặc điểm

Nói chung, đặc điểm của Baptist là:
  • Chỉ làm phép rửa cho người lớn, nghĩa là có khả năng tuyên xưng đức tin (chứ không rửa tội cho nhi đồng)
  • Phép rửa được cử hành bằng việc dìm mình (chứ không chỉ đổ nước lên đầu).
  • Những điểm chung với nhóm Cải cách: sola fides, sola scriptura.
  • Sự tự trị của mỗi cộng đồng địa phương.
  • Tranh đấu cho tự do. (Một khuôn mặt nổi tiếng trong thế kỷ XX là mục sư Martin Luther King)
Các giáo hội Baptist cũng quan tâm đến công việc truyền giáo.

C. Các giáo hội Methodist


Phong trào chấn hưng trong nội bộ giáo hội Anh khởi đầu tại đại học Oxford vào năm 1720, khi một nhóm sinh viên Holy Club dưới sự hướng dẫn của John Wesley (1703-1791) và bào đệ Charles Wesley (1707-1788) cùng với George Whitefield (1714-1770), tổ chức đời sống có phương pháp (method) kỷ luật: hằng ngày, họ đọc Kinh Thánh và sách thiêng liêng, siêng năng rước lễ, làm công tác bác ái xã hội. Tên gọi Methodist do những người chống đối đặt ra để chế nhạo họ, nhưng ông Wesley lại hãnh diện về nó.

Sau khi rời Oxford, mỗi người đi một ngả.Whitefield trở thành nhà giảng thuyết lừng danh, và ở lại trong giáo hội Anh tuy ông theo tư tưởng tiền định của Calvin, John Wesley thì tiếp xúc với những trào lưu khác (chẳng hạn như Pietism, Công giáo qua sách Gương Chúa Giêsu), và nhờ một cảm nghiệm tâm linh sâu đậm vào năm 1738, ông đã trải qua một bước tiến từ cảm nghiệm về sự hoán cải (con người trở nên công chính nhờ đức tin) đến cảm nghiệm về sự nên thánh. Vào lúc đầu, ông không chủ trương thành lập một hệ phái mới, mà chỉ muốn cổ võ đời sống nội tâm của các tín hữu, qua những buổi giảng thuyết bình dân tại những nơi công cộng. Dần dần, vì bị tẩy chay bởi giới giáo sĩ của giáo hội Anh, ông tổ chức những nhóm nhỏ thành cộng đồng, trong đó các giáo dân được giảng, chứ không cần đến mục sư. Sang Hoa Kỳ, cộng đồng thay đổi hình dạng và bị chia rẽ: một số cộng đoàn có mục sư và một số cộng đoàn có giám mục. Sự chia rẽ không chỉ tuỳ thuộc vào vấn đề tổ chức giáo hội nhưng còn vì những bất đồng về các vấn đề thời sự xã hội (chẳng hạn như chế độ nô lệ).

Thế kỷ XX chứng kiến những khuynh hướng hợp nhất các cộng đoàn thành các liên hiệp: The Methodist Church of Great Britain (tại Anh năm 1932) và The United Methodist Church (bên Hoa Kỳ năm 1968). Hơn nữa, nhiều cộng đoàn còn tiến tới sự liên hiệp với các hệ phái khác “United Church”. Hội đồng methodist thế giới được thành lập năm 1881.

Tuy vậy, cũng có nhiều cộng đoàn bên Hoa Kỳ không gia nhập các liên đoàn vừa nói hoặc họp thành liên đoàn khác, chẳng hạn African Methodist Episcopal Church (trụ sở tại Nashville, Tennessee), African Methodist Episcopal Zion Church, (trụ sở tại Charlotte, North Carolina), Christian Methodist Episcopal Church (trụ sở tại Memphis, Tenessee).

Đặc trưng của Methodist là cổ võ đời sống tâm linh cũng như những hoạt động bác ái xã hội.

D. Phong trào Phục hồi: “Giáo hội Chúa Kitô”


Tiếp theo những cuộc chấn hưng tinh thần (revival) vào những thế kỷ XVII và XVIII là phong trào Phục hồi (Restoration movement) vào đầu thế kỷ XIX. Đứng trước sự phân hoá của bao nhiêu hệ phái, và đối chiếu với đời sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, phong trào này cổ võ sự kết hợp tất cả các Kitô hữu, vượt lên trên mọi danh xưng, để chỉ chấp nhận một “Giáo hội của Chúa Kitô” (The Church of Christ). Nói khác đi, cần “phục hồi” Hội thánh nguyên thuỷ, lấy Kinh Thánh làm bản kinh tin kính duy nhất.

Phong trào này có nhiều nguồn gốc do nhiều nhân vật khởi xướng. Nổi tiếng hơn cả là Barton Warren Stone (1772-1844), Thomas Campbell (1763-1854) và người con là Alexander Campbell (1788-1866).

Tuy nhiên, sau những thành công của buổi đầu, nhiều cuộc chia rẽ lại xảy ra ngay trong nội bội của phong trào phục hồi, do nhiều lý do bên ngoài hoặc bên trong. Bên ngoài, cuộc nội chiến Hoa Kỳ đã gây ra nhiều tranh cãi về việc cầm khí giới để giết người. Bên trong, đôi khi chỉ là một chuyện tầm thường như là có được dùng nhạc cụ trong thánh đường hay không; một cuộc tranh luận khác là có các cộng đoàn có nên truyền giáo để mở rộng không?

Thế là từ “Giáo hội của Chúa Kitô” (The Church of Christ) nảy sinh phái “Các môn đệ của Chúa Kitô” (Disciples of Christ) năm 1849. Đặc biệt là từ năm 1890, giữa lòng phong trào, nảy ra hai khuynh hướng: “cấp tiến” (hay tự do) ở Bắc, “bảo thủ” ở Nam. Cánh cấp tiến chọn danh xưng là Disciples of Christ hoặc Christian Churches. Cánh bảo thủ mang danh là The Churches of Christ. Nhóm này cũng mang theo những tư tưởng của thuyết thiên niên. Vào cuối thế kỷ XX, họ tỏ ra kịch liệt chống cộng sản (và cũng chống Công giáo).

III. Đợt Cải cách thứ ba : Những giáo hội tự do và phong trào thánh thiện


Sự phản kháng thứ ba bắt nguồn từ sự bất mãn với những đợt phản kháng trước đây, và từ lòng khao khát lý tưởng hoàn thiện. Nó nêu bật hai ý tưởng: giải thích Kinh Thánh cách chắc chắn; sự thánh thiện.

Đợt Cải cách thứ hai, ngoài cảm nghiệm về sự trở nên công chính, còn thêm cảm nghiệm về sự gặp gỡ Chúa Giêsu, được đặt tên là sự nên thánh (theo John Wesley). Tuy nhiên tiến trình này chỉ hoàn tất vào lúc cuối đời người. Dần dần ý tưởng này được điều chỉnh lại: sự nên thánh là một tác động của ân sủng, và có thể trở nên được cảm nhận vào một lúc nào đó trong cuộc đời. Đợt thứ ba thêm một ý tưởng nữa là “born again” (tái sinh) hoặc “perfection” (hoàn thiện) như một cảm nghiệm mới do ân sủng, nhờ đó con người cảm thấy mình được giải thoát khỏi tội lỗi nữa. Đó là cảm nghiệm holiness (thánh thiện).

Một luồng nữa của đợt thứ ba, thuộc các giáo hội tự do, nhấn mạnh đến sự giải thích Kinh Thánh cách chính xác, chắc chắn, và sát chữ.

A. Phong trào thánh thiện


Có thể xem phong trào này như là sự phát triển tư tưởng của John Wesley về việc nên thánh. Vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ XIX, tại Oberlin College (Ohio), Charles G. Finney (1792-1875) và Asa Mahan (1799-1899) bắt đầu giảng thuyết về sự “hoàn thiện” và dùng thuật ngữ “rửa tội trong Thánh Linh” để nói đến khởi điểm của một cuộc đời được đổi mới để làm chứng và phục vụ Tin Mừng.

Ý tưởng “rửa tội trong Thánh Linh” được truyền bá bên Hoa Kỷ sau cuộc nội chiến, lúc mà nhiều công dân khát vọng sự hoà giải và họ ước ao một đời sống Kitô hữu cao thượng hơn, so với nếp sống tầm thường trước đây đã không ngăn cản được chiến tranh.

Bà Phoebe W. Palmer (1807-1874) biến đổi ý niệm “nên thánh” (của Methodist) thành cảm nghiệm “hoàn thiện”: cảm nghiệm rằng tội lỗi đã được bứng ra khỏi trái tim của mình. Dù sao, bà cho rằng “trở nên công chính” và “hoàn thiện” đều thuộc về cùng một tác động của ân sủng. Nhưng có người lại muốn tách thành hai cảm nghiệm biệt lập (nếu chưa phải là ba): trở nên công chính, hoàn thiện, phép rửa của Thánh Linh. Ý kiến thứ hai này bắt nguồn từ nhóm Baptist, trong đó có Benjamin Harden Irwin (1854-1910), người sáng lập Fire-Baptized Holines Church. Khi phong trào này lan truyền sang nước Anh, gây nên phong trào Keswich (1875), người ta giải thích cảm nghiệm phép rửa của Thánh Linh như là “tiêu diệt” bản tính tội lỗi của con người.

Nhiều hệ phái đã chịu ảnh hưởng của phong trào thánh thiện: Albert Benjamin Simpson (1843-1919), vị sáng lập Christian and Missionary Alliance[17]; Salvation Army, Church of God (Anderson, Indiana), Church of Nazarene.

B. Giáo hội tự do


Những “giáo hội tự do” (Free church) ra đời vào thế kỷ XIX nhằm phản ứng lại những giáo hội Nhà Nước, và nói chung, phản ứng lại tính trần tục và tẻ lạnh của các hệ phái. Họ thường bị cáo buộc là Fundamentalist (tạm dịch là “bảo căn”), một từ ngữ khá hàm hồ, bởi vì mang ít là ba ý nghĩa khác nhau.

a) Thuật ngữ fundamentalist ra đời vào đầu thế kỷ XX để ám chỉ những người chủ trương rằng Kinh Thánh tuyệt đối không sai lầm (inerrancy) và cần phải giải thích theo nghĩa văn tự (literal sense). Lập trường này được phát biểu qua các tập sách The Fundamentals[18] xuất bản trong những năm 1910-1915, nhằm chống lại các khuynh hướng cấp tiến (liberal) trong việc chú giải bản văn Kinh Thánh[19]. Họ quan niệm rằng bản văn Kinh Thánh được linh hứng siêu nhiên, cho nên không thể nào sai lầm. Vào những thập niên 30 của thế kỷ XX, phần đông các phái Tin lành ở Hoa Kỳ theo chủ trương này, đặc biệt khi bàn về việc tạo dựng vũ trụ.

b) Vào những năm 1930, thuật ngữ fundamentalist ám chỉ những khuynh hướng chống lại việc thiết lập các liên minh các giáo hội ở Hoa Kỳ. Nói cách khác, fundamentalist chống lại “ecumenical”.

c) Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, từ fundamentalist ám chỉ những khuynh hướng khuynh hữu và bảo thủ (về chính trị hơn là về thần học): họ bảo vệ một quan điểm tôn giáo cực đoan. Thuật ngữ này cũng được áp dụng cho các tôn giáo khác, chứ không chỉ riêng cho Tin lành.

Vào đầu thế kỷ XX, phong trào “giáo hội tự do” chủ trương tách rời tôn giáo ra khỏi Nhà Nước. Họ không tham gia vào hoạt động chính trị. Nói chung, họ theo khuynh hướng “fundamentalist” theo nghĩa thứ nhất (về việc giải thích Kinh Thánh). Đồng thời, họ cũng có thể được hiểu theo nghĩa thứ hai, nghĩa là chống lại những khuynh hướng muốn thành lập những liên minh cao hơn các cộng đồng địa phương. Điều trớ trêu là những người chống lại phong trào đại kết thì cũng lại tổ chức những liên minh để bảo vệ lập trường của mình, chẳng hạn như Independent Bible Church Movement, Independent Fundamental Churches of America ở Hoa Kỳ và Fellowship of Independent Evangelical Churches bên Anh.

IV. Phong trào Pentecostal


Có người muốn xếp phong trào Pentecostal trong đợt Cải cách thứ ba, nhưng ý kiến ấy không được đôi bên chấp thuận. Vì thế chúng tôi tách ra một khối biệt lập.

Phong trào Pentecostal tượng trưng cho một cuộc chấn hưng lớn nhất trong lịch sử Giáo hội. Chỉ trong vòng không đầy một thế kỷ, phong trào đã đạt được 600 triệu tín hữu, nghĩa là gần 1/3 tổng số các Kitô hữu trên thế giới. Πεντηκοστή

Pentecostal là một tính từ gốc bởi Pentecostê (hiểu ngậm hemêrà) gốc Hy Lạp có nghĩa là “Ngày thứ Năm mươi”, một thuật ngữ dùng để chỉ ngày lễ của người Do Thái mừng việc Thiên Chúa ban giao ước trên núi Sinai, 50 ngày (7 tuần lễ sau cuộc Xuất hành)[20]. Kitô giáo dùng thuật ngữ này để ám chỉ biến cố Thánh Linh được ban cho các môn đệ nhân dịp lễ Ngũ tuần của người Do Thái (Cv 2,1-11). Nói tắt, lễ Ngũ tuần là lễ mừng biến cố Thánh Linh hiện xuống. Thật ra, nếu đọc kỹ sách Tông đồ công vụ, người ta sẽ thấy rằng Thánh Linh còn được ban cho các môn đệ cách hữu hình vào nhiều cơ hội khác nữa, chẳng hạn như cho dân Samari (Cv 8,17), tại nhà ông Corneliô (10,44), tại Ephêxô (19,6); dầu vậy lễ Ngũ tuần mang một dấu ấn độc đáo. Trong lịch sử Kitô giáo, không thiếu những phong trào ngôn sứ móc nối nguồn gốc của mình với biến cố ấy, chẳng hạn phong trào Montanô (thế kỷ II) hoặc phong trào Gioakim Fiore (thế kỷ XII).

Về nguồn gốc của phong trào Pentecostal, các sử gia đưa ra nhiều giải thích khác nhau. Có người đặt khởi điểm chính xác khi bà Agnes Ozman, một học viên Kinh Thánh tại Topeka (Kansas), nhận được ơn “nói tiếng lạ” vào đêm 31/12/1900 và 1/1/1901. Biến cố ấy được đặt vào đầu thế kỷ XX, ra như khai mào một kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, thường người ta muốn liên kết với những nguồn gốc xa hơn, và kể ra bốn nguồn gốc xa và hai nguồn gốc gần[21].

Bốn nguồn gốc xa: a) “Phép rửa của Thánh Linh” là một chủ đề của phong trào holiness; b) Các hiện tượng chữa bệnh, xuất thần: chịu ảnh hưởng của pietism và methodist[22]; c) thuyết tiền thiên niên (pre-millenarism) của John Nelson Darby (1800-1882), theo đó Chúa Giêsu sắp trở lại dương gian bằng những thiên tai, trước khi khai mạc một ngàn năm hạnh phúc trên trần thế; d) khẩu truyền (orality): người da đen ở Mỹ chú trọng đến lời (lời giảng thuyết, hát, múa) hơn là chữ viết.

Hai nguồn gốc gần: a) chống lại sự phân chia các hệ phái (denominations) đã có trong phong trào Phục hồi thuộc đợt Cải cách thứ ba; b) ơn nói tiếng lạ (glossolalia) do vài giảng thuyết đề cao (tựa như Dwight L. Moody và nhóm Mormon).

Phong trào Pentecostal lấy khởi điểm của mình là kinh nghiệm nói tiếng lạ tại Topeka (Kansas) năm 1901. Cảm nghiệm nói tiếng lạ còn tái diễn tại Azusa Street, (Los Angeles) năm 1906; Galles vào những năm 1904-1908.

Charles F. Parham (1873-1929), nguyên là một mục sư của Methodist và theo phong trào Holiness, đã mở một trường học Kinh Thánh (Bethel Bible School) ở Topeka, khuyến khích các học viên chuẩn bị bằng lời cầu nguyện để lãnh phép rửa của Thánh Linh. Vào đêm cuối năm 1900 (31/12), Agnes Ozman (1870-1937), một nữ học viên của trường, đã nhận được ơn “nói tiếng lạ” như là dấu hiệu của cảm nghiệm “phép rửa của Thánh linh”. Thật ra, hồi ấy người ta còn lẫn lộn giữa ơn “nói tiếng lạ” (glossolalia) với “nói tiếng ngoại quốc” (xenoglossia). “Nói tiếng ngoại quốc” là nói được một tiếng nước ngoài (thí dụ tiếng Hoa) tuy mình chẳng bao giờ học ngôn ngữ ấy; “nói tiếng lạ” là phát ra những âm thanh và tiếng nói không tương ứng với một ngôn ngữ nào hết. Partham đã lầm khi tuyên bố rằng Agnes Ozman đã nói được tiếng Hoa, và bắt đầu đi giảng đạo cho họ. Về sau, người ta mới nhận ra sự khác biệt giữa hai ân huệ vừa nói.

Biến cố Topeka không gây tiếng vang rộng lớn lắm. Ông Parham cũng đóng cửa trường Kinh Thánh Bethel và đi giảng thuyết lưu động ở nhiều tiểu bang khác: Kansas, Oklahoma, Missouri và sau cùng đến Texas năm 1905. Tại Houston, ông cho phép người da đen đến tham dự các lớp. Thế rồi một người đen tên là William J. Seymour (1870-1922) đã đến nghe; ông này tuy chưa nhận “phép rửa của Thánh Linh” nhưng đã lên đường sang Los Angeles để giảng thuyết, bất chấp sự phản đối của Parham. Điều trớ trêu là nhóm của Parham càng ngày càng suy tàn; ngược lại Seymour lại thu lượm được nhiều thành công. Ông đã tậu được một thánh đường hoang phế ở số 312 đường Azusa và tại đây, nhiều người đã nhận ơn nói tiếng lạ. Hàng ngàn người từ khắp nơi đến đây để quan sát và họ cũng nhận được cảm nghiệm ấy. Con số tín hữu gia tăng không những nhờ tài giảng thuyết của Seymour mà còn nhờ sự trùng hợp giữa thuyết tiền-thiên-niên của ông với trận động đất ở San Francisco.

Từ năm 1906 đến 1909, nhiều thành viên thuộc nhóm holiness bị thu hút bởi phong trào pentecostal của Asuza Street, nhưng sau đó, họ lại lập những nhánh riêng khiến cho phong trào này bị phân hoá thành nhiều phái: Pentecostal Holiness Church, Church of God với trụ sở tại Cleveland (Tennessee), Church of God với trụ sở tại Anderson (Indiana), Church of God in Christ.

Dù sao, do bản chất của nó, phong trào Pentecostal bành trướng theo nhiều chiều hướng và cũng không có một hệ thống tổ chức chặt chẽ. Phong trào lan rộng sang châu Âu nhờ Thomas Ball Barratt (1862-1940), một mục sư methodist người Na-uy. Sau khi tiếp xúc với Seymour ở Hoa Kỳ, ông truyền bá phong trào này tại Thụy điển, Na-uy, Đan-mạch, Đức, Pháp, Anh. Phong trào cũng sớm được phổ biến ở Nam Mỹ, Phi châu.

Nhiều cuộc tranh luận đạo lý đã sớm được đặt ra trong nội bộ của phong trào: ơn nói tiếng lạ có phải là yếu tố cốt yếu không? Phép rửa của Thánh Linh có thay thế phép rửa trong Thiên Chúa Ba Ngôi không (nghĩa là: có cần phải lãnh phép rửa Kitô giáo trước khi lãnh phép rửa Thánh Linh không)? Pentecostal chỉ là một phong trào hay là một hệ phái (với một căn cước đạo lý rõ rệt)? Đó là chưa kể sự khác biệt trong cách giải thích các ân huệ Thánh Linh (chữa bệnh, ngôn sứ).

Dù sao, ngoài hơn 700 phái mang tên Pentecostal (và một số liên minh với nhau thành Pentecostal World Fellowship), phong trào này cũng thấm nhập vào nhiều Giáo hội Cải cách. Vào thập niên 60, một số người Công giáo cũng tham gia phong trào này dưới hình thức Canh tân Thánh Linh (Charismatic Movement), khởi đi từ Duquesne (Pittsburg, Pennsylvania).

V. Cánh cực đoan của phong trào Cải cách


Thuật ngữ “Cải cách cực đoan” (Radical Reformation) do Heinrich Bullinger (1504-1575) đặt ra cho những xu hướng làm trệch đường cuộc Cải cách; trong số ấy, ngoài Thomas Muentzer (1488-1525)[23], ông kể ra phái anabaptist (gốc tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “rửa tội lại”) với nhiều khuynh hướng khác nhau vào những năm 1520-1530.

1/ Nhóm Anabaptist đầu tiên do Conrad Grebel (1498-1526) dẫn đầu tại Zurich. Ông chủ trương phép rửa tội các nhi đồng là vô hiệu bởi vì chưa đủ khả năng cam kết theo đức tin. Thực ra, ông Grebel có ý định muốn đẩy mạnh phong trào Cải cách bằng việc tẩy sạch các vết tích của Công giáo, vì thế phải “rửa tội lại” những người trước đây đã theo đạo Công giáo. Nhà cầm quyền Zurich đã phản ứng mạnh mẽ và những lãnh đạo của nhóm anabaptist bị xử tử. Sự kiện này đã gây ra nhiều tranh cãi, tuy vậy nhóm anabaptist vẫn lan rộng sang Đức, Alsace, Hà Lan, đặc biệt là nhờ Melchior Hofmann (1495-1544).

Một số người Anabaptist chủ trương dùng vũ lực để áp đặt thuyết của mình, điển hình nơi ông Jan Bockelson (1509-1536) khi ông chiếm đóng thành phố Muenster năm 1534, và tự xưng là “vua Sion”, du nhập nhiều tập tục Cựu ước. Ông đã bị hành quyết năm 1536 khi thành phố trở về dưới chủ quyền của người Công giáo. Trái lại, đa số người Anabaptist chủ trương thuyết chủ hoà tuyệt đối (không cầm khí giới, không tuyên thệ). Đây là nguồn gốc của những nhóm Amish, Hutterites, Mennonites. Ngày nay, hoạt động của hai nhóm đầu tiên không đáng kể, nhưng nhóm thứ ba có chi nhánh tại nhiều nơi nhờ những cuộc truyền giáo. Danh xưng Mennonites bắt nguồn từ Menno Simons (1496-1561), nguyên là một linh mục Công giáo Hà Lan, rồi đi theo Anabaptist từ năm 1536, chống lại tất cả mọi hình thức vũ lực. Bị nhiều chính quyền đàn áp, phong trào chạy sang nước Nga hồi thế kỷ XVIII, và sau đó di cư sang Hoa Kỳ. Ngày nay, phong trào còn chừng 1 triệu tín đồ, mà đặc trưng là cổ vũ hoà bình.

Ngoài nhóm Anabaptist, các sử gia cận đại còn thêm vào danh sách cánh cực đoan hai nhóm nữa: Spiritualist và Unitarians.

2/ Nhóm Spiritualist : đối với họ, việc “rửa tội lại” không quan trọng cho bằng cảm nghiệm nội tâm được trở nên con cái Chúa và lãnh nhận Thánh Linh. Điển hành là giáo hội do Caspar Schwenckfeld (1489-1561) thành lập bên Đức và hiện nay bành trướng ở Pennsylvania, và đặc biệt là nhóm Quakers, ngày nay bị phân thành nhiều nhóm nhưng hợp tác với nhau nhờ Friends World Committee for Consultation.

3/ Nhóm Unitarian đòi xét lại các tín điều. Họ chối bỏ tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi vì không hợp với lý trí. Unitarian có nghĩa là chỉ nhìn nhận một ngôi vị Thiên Chúa (đối lại với Trinitarian).

VI. Trào lưu Adventist


Ở Việt Nam, từ Advent được dịch bằng hai thuật ngữ khác nhau: a) Trong phụng vụ công giáo, “mùa Vọng”, nghĩa là trông mong Chúa đến; b) Hội thánh “Cơ đốc Phục lâm”.

Theo nguyên gốc Latinh, adventus có nghĩa là “đến”, được Tân ước dùng để ám chỉ việc Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang (tiếng Hy Lạp parusia). Trong lịch sử Kitô giáo, vào thời buổi nào cũng có những người đi rao giảng rằng biến cố ấy đã gần kề. Với phong trào Cải cách, khuynh hướng này tăng mạnh, một đàng vì người ta đọc Kinh Thánh nhiều hơn, đàng khác vì những hoàn cảnh chính trị xã hội rối ren, dễ được giải thích như điềm báo ngày tận thế. Đề tài quang lâm hầu như trở thành then chốt của các nhà giảng thuyết evangelical, với đặc trưng là chẩn đoán chính xác ngày tháng cho biến cố ấy dựa theo cách tính toán những con số được nói trong Kinh Thánh, chẳng hạn: 1260 ngày của Kh 11,3 (“ngày” được giải thích là “năm” dựa trên Ds 14,34 và Ed 4,6); 1290 ngày của Đn 12,11; 42 “tháng của Kh 11,2 (nghĩa là 2260 ngày nghĩa là năm), vv.

Ngoài đặc trưng loan báo ngày quang lâm gần kề, các phong trào này còn rao giảng thuyết “thiên niên” (millenniarism). Dựa theo sách Khải huyền 20,1-10, họ cho rằng Chúa Kitô sẽ thiết lập nước Trời (thời thái bình) trên địa cầu một ngàn năm, trước khi kết thúc vũ trụ.

Những điều vừa nói có thể gặp thấy nơi nhiều nhóm Cải cách và Tin lành: Adventists, Mormons, Witnesses of Jehovah[24].

Phong trào Adventists bắt đầu với William Miller (1782-1849), một giảng viên baptist khi vào năm 1834, ông bắt đầu tính rằng 2300 “ngày” (năm) của Đaniel 8,14 sẽ chấm dứt vào năm 1843. Hằng ngàn hằng vạn người đã tin theo ông, từ Hoa Kỳ sang Anh, Ấn Độ, Phi châu. Nhưng năm 1843 trôi qua mà chẳng có gì xảy ra; ông đã điều chỉnh lại, và xác định vào ngày 22/10/1844. Ngày đó được lịch sử tôn giáo Hoa Kỳ đặt tên là “ngày cực kỳ thất vọng” (The Great Disappointment) khi trời đất không biến chuyển! Ông Miller nhìn nhận là mình đã tính sai, nhưng vẫn có những người tiếp tục tính toán ngày tận thế, điển hình qua các phong trào Life and Advent Union do George Storrs sáng lập và Advent Christian Church. Trong bối cảnh của trào lưu ấy, “Seventh-day Adventist Church” (được dịch ra tiếng Việt là “Giáo hội Cơ đốc phục lâm an thất nhật”) được lập do bà Ellen G. Harmon White (1825-1915), nhưng cũng bị phân tán ra nhiều hệ phái. Một đặc trưng của các nhóm này là cho rằng “ngày của Chúa” là sabat (thứ bảy) chứ không phải là chúa nhật; và họ cho rằng sau khi chết, linh hồn sẽ đi vào tình trạng “ngủ” và sẽ “thức giấc” vào ngày phán xét chung; lúc ấy, chỉ duy linh hồn những người công chính mới được hưởng ơn bất tử. Một luồng khác do ông Gilbert Cranmer (1814-1904) lãnh đạo mang tên là The General Conference of the Church of God (Seventh-Day) du nhập thêm nhiều yếu tố của đạo Do Thái.

Vào lúc đầu, nhóm Adventist chống lại việc định nghĩa các đạo lý đức tin. Tuy vậy, nhiều dự án đã được đề nghị những mệnh đề căn bản để xác định căn cước. Một tiêu điểm quan trọng là vào năm 1980, người ta đã biểu quyết bản văn chứa đựng 27 chân lý nền tảng Seventh-day Adventists Believe: A Biblical Exposition of 27 Fundamental Doctrines. Thêm một chân lý được vào hồi năm 2005). Ngoài những điểm chung với các giáo hội khác về Chúa Ba Ngôi, về thiên tính của Đức Kitô, sự công chính hoá nhờ đức tin, họ nhấn mạnh về niềm hy vọng việc Quang lâm đã gần kề. Về cuộc sống mai hậu, họ chủ trương rằng linh hồn kẻ dữ sẽ bị tiêu diệt (như vậy là không có hoả ngục). Về đời sống luân lý, các tín hữu kiêng rượu và thuốc lá[25]. Trong quá khứ, nhóm Adventist sử dụng những giọng gay gắt đối với Công giáo cũng như đối với các giáo hội Kitô khác, cách riêng bởi vì không tuân giữ ngày sabat; ngày nay, luận điệu đả kích đã giảm bớt.

Dù sao, nhóm Adventist đã thu hút cảm tình của nhiều người nhờ những chương trình y tế, giáo dục, xã hội của họ, cũng như việc tranh đấu cho tự do tín ngưỡng.

Kết luận


Như đã nói ở đầu, đứng trước cả chục ngàn hệ phái Cải cách, không dễ gì tìm được một vài điểm chung. Mặc dù theo lịch sử, phong trào Cải cách khởi đầu từ ông Martin Luther (với biến cố Wittenberg năm 1517), nhưng không ai bảo đảm được rằng tư tưởng của ông được bảo tồn trong tất cả các hệ phái. Ngay các “Giáo hội Cải cách” đương thời với ông cũng đã có những điểm khác biệt; rồi phải nói gì đến các nhóm quá khích?

Thiết tưởng có thể tạm thời đưa ra ba nhận xét như sau:

1/ Không thể nào nghiên cứu các Giáo hội Cải cách mà chỉ dừng lại ở các tác phẩm của Luther, Calvin, Zwingli. Lý do vì có nhiều sự tiến triển. Một thí dụ cụ thể: đối với Luther, điều quan trọng nhất trong tiến trình công chính hoá là đức tin; nhưng ở đợt thứ hai, người ta muốn thêm những cảm nghiệm thánh hoá như là hệ quả của đức tin.

2/ Tổ chức “giáo hội” rất lỏng lẻo; người ta đề cao “cộng đồng địa phương” hơn là các thể chế cấp cao hơn. Sự bùng nổ các hệ phái có lẽ cũng phát sinh từ đó: không có một thẩm quyền trung ương nào đủ khả năng để xác định những quy tắc ràng buộc tất cả các cộng đồng.

3/ Không phải tất cả các “Giáo hội Cải cách” đều tha thiết với cuộc đối thoại đại kết. Một đàng, bởi vì họ không muốn nhìn nhận một cơ cấu nào cao hơn các cộng đồng địa phương. Đàng khác, họ chỉ trích Hội đồng đại kết thế giới (World Council of Churches) là cấp tiến (liberal). Vì thế không lạ gì mà vào năm 2010, trong khi Hội đồng đại kết thế giới họp đại hội tại Edinburgh (2-6 tháng 6) để kỷ niệm 100 năm World Missionary Conference, thì tại Cape Town (Nam Phi) một hội nghị tương tự được tổ chức (16-25/10) mang tên The Third Lausanne Congress on World Evangelization dưới sự bảo trợ của World Evangelical Alliance. Khối thứ hai này được coi là bảo thủ (conservative).

Tuy nhiên, thay vì dừng lại ở những suy tư, chúng tôi xin kết luận bài này với việc trình bày sơ lược các tông phái Tin lành ở Việt Nam.

Điều ghi nhận thứ nhất là số tín đồ theo “Tin lành” tại Việt Nam rất ít so với các quốc gia ở miền Đông Á. Tại Nam Hàn, thống kê dân số năm 2005 cho biết Phật giáo chiếm 22,8%, Tin lành chiếm 18,3%, Công giáo chiếm 10,9%. Duy có điều là tại đây, Tin lành gồm nhiều tông phái (Presbyterians, Methodists, Baptists), và mỗi tông phái cũng phân thành nhiều hệ biệt lập[26].

Có bao nhiêu tông phái Tin lành ở Việt Nam? Trong một bài viết đăng trên báo “Mặt Trận” năm 2009, tác giả Kim Bảng cho biết như sau[27].

Đạo Tin lành được du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX do tổ chức “Hội Liên hiệp Cơ đốc và Truyền giáo (The Christian and Missionary Alliance of America - CMA) truyền vào. Đến năm 1911, đạo Tin lành đặt được nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng, sau đó tiếp tục phát triển đến Sài Gòn, Nha Trang, Mỹ Tho, Đà Lạt và Buôn Ma Thuột, Hà Nội (...) Từ năm 1920, phái Tin lành Cơ đốc Phục Lâm thực hiện truyền đạo vào nước ta (…) Từ năm 1960, các hệ phái Tin lành khác cũng lần lượt truyền vào nước ta, chủ yếu ở miền Nam.

A. Các tổ chức hệ phái Tin lành ở Việt Nam trước 1975 :


1. Loại các hệ phái đã lập tổ chức giáo hội gồm:
  • – Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), có nguồn gốc CMA.
  • – Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), có nguồn gốc CMA.
  • – Hội thánh Cơ đốc Phục lâm Việt Nam (thành lập năm 1929).
  • – Hội thánh Cơ đốc Truyền giáo Việt Nam (thành lập năm 1972).
  • – Hội thánh Bắp tít (thành lập năm 1959).
2. Loại các tổ chức hệ phái mới gây dựng được một vài cơ sở:
  • – Hội thánh trưởng lão (thành lập năm 1972).
  • – Hội thánh Ngũ tuần (thành lập năm 1972).
  • – Hội thánh Đấng Chris (thành lập năm 1963).
  • – Chứng nhân Giêhôva (thành lập năm 1935).
  • – Quaker, Mennonitte, Hội thánh Chúa Giêsu (tách ra từ Hội thánh Tin lành miền Nam - năm 1974).
  • – Hội truyền giảng Phúc Âm (tách ra từ Hội thánh Tin lành miền Nam).
  • – Hội thánh Hoa kiều Cơ đốc (tách ra năm 1956).
3. Loại các tổ chức quốc tế có văn phòng đại diện:
  • – Thánh Kinh hội (SB).
  • – Ngôn ngữ mùa hè (SLI).
  • – Hoàn cầu khải tượng (World Vision).
  • – Tin lành Á châu (CCA).
  • – Hội đồng các giáo hội thế giới (WCC).
  • – Tổng đoàn thanh niên Cơ đốc (YMCA).
Ở miền Nam, những hệ phái Tin lành mới được truyền vào trong thời kỳ chiến tranh có lực lượng nhỏ bé, sau giải phóng miền Nam năm 1975, số này tan rã (...)

B. Các hệ phái và các nhóm Tin lành ở Việt Nam hiện nay :

  1. Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc): được truyền vào nước ta năm 1911, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn, với khoảng 10.000 tín đồ, 5 mục sư.
  2. Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam): hoạt động chủ yếu ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Cần Thơ, An Giang, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên, với khoảng 350.000 tín đồ, 115 mục sư.
  3. Cơ đốc Phục lâm: chủ yếu hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Đồng Nai, với khoảng 22.000 tín đồ, 45 mục sư.
  4. Bắp tít Ân Điển: chủ yếu hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng 5.000 tín đồ, 3 mục sư.
  5. Cơ đốc Truyền giáo: được truyền vào Việt Nam năm 1972, tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, KonTum, với khoảng 15.000 tín đồ, 5 mục sư.
  6. Liên hữu Cơ đốc: được truyền vào Việt Nam trước năm 1975, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam, với khoảng 45.000 tín đồ.
  7. Trưởng Lão (Presbyterian): được truyền vào Việt Nam năm 1972, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Ngũ Tuần (Pentecostal): được truyền vào Việt Nam năm 1972, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng 21.000 tín đồ, 50 mục sư.
  9. Nhân chứng Giêhôva: được truyền vào Việt Nam năm 1935, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng 200 tín đồ, 9 mục sư.
  10. Mennonette (Mennonite): được truyền vào Việt Nam trước năm 1975, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng 300 tín đồ, 7 mục sư.
  11. Hội thánh Đấng Chris: được truyền vào Việt Nam trước năm 1963, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng 4.000 tín đồ, 6 mục sư.
  12. Moocmông: được truyền vào Việt Nam trước năm 1975, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
  13. Giêdêôn: Chủ yếu hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh, với 100 tín đồ, 3 mục sư.
  14. Hội chứng địa phương: Chưa xác định năm truyền vào Việt Nam, với khoảng 1.000 tín đồ, 1 mục sư.
  15. Phúc Âm toàn vẹn: được tách ra từ Hội thánh Tin lành miền Nam (1989), theo tín lý Ngũ Tuần, với 5000 tín đồ, 120 mục sư.
  16. Tin lành Đức Tin: được tách ra từ Hội thánh Tin lành miền Nam (1990), theo tín lý Ngũ Tuần, với 2.000 tín đồ, 60 mục sư.
  17. Hội thánh Ephêsô: được tách ra từ Hội thánh Tin lành miền Nam (1989), theo tín lý Ngũ Tuần, với 400 tín đồ, 100 mục sư.
  18. Liên đoàn truyền giáo Phúc Âm: được tách ra từ Hội thánh Tin lành miền Nam (1989), theo tín lý Ngũ Tuần.
  19. Hội thánh Thimôthê: được thành lập năm 1990, theo tín lý Ngũ Tuần, với 500 tín đồ, 11 mục sư.
  20. Hội thánh Vườn nho: được thành lập năm 1994, theo tín lý Ngũ Tuần, có 100 tín đồ, 1 mục sư.
  21. Hội thánh Victory: được thành lập năm 1994, theo tín lý Ngũ tuần, với khoảng 300 tín đồ, 7 mục sư.
  22. Hội thánh Giôên: được thành lập năm 1994, theo tín lý Ngũ tuần, với khoảng 100 tín đồ, 2 mục sư.
  23. Hội thánh Tin lành hy vọng: được thành lập năm 1993, theo tín lý Ngũ Tuần, với khoảng 2.000 tín đồ, 37 mục sư.
  24. Hội thánh Guôsua: được thành lập năm 1996, theo tín lý Ngũ Tuần, với khoảng 100 tín đồ, 1 mục sư.
  25. Tân Sứ Đồ: theo phái Tân Sứ đồ Cộng hoà Liên bang Đức, được thành lập năm 1990, với khoảng 1.000 tín đồ, 10 mục sư.
  26. Bắp tít Tư gia: được tách ra từ Bắp tít Ân điển, thành lập năm 1990, với khoảng 1.000 tín đồ, 10 mục sư.
  27. Bắp tít độc lập: được tách ra từ Bắp tít Tư gia, thành lập năm 1992, với khoảng 200 tín đồ, 15 mục sư.
  28. Đoàn Truyền giáo Bắp tít: được tách ra từ Bắp tít Tư gia, thành lập năm 1990, với 200 tín đồ, 15 mục sư.
  29. Hội Truyền giáo Nissi: được tách ra từ Hội chúng địa phương, với khoảng 100 tín đồ, 1 mục sư.
  30. Hội thánh Agape: được tách ra từ Hội thánh Tin lành miền Nam năm 1993, với khoảng 200 tín đồ, 3 mục sư.
Ngoài ra còn có các nhóm Tin lành khác được lập ra từ sau những năm 1990, như: Hội thánh Sabát ân tứ, Hội thánh Bắp tít General, Hội thánh Vinh Diện, Hội thánh Đức tin, Hội truyền giáo Eklessia, Sứ mạng Thánh đồ, v.v.. Mỗi nhóm có từ vài chục đến 100 tín đồ ở rải rác trong cả nước.

Chúng tôi muốn ghi chú vài điều.


1. Người ta giả thiết rằng danh sách này chỉ gồm những hệ phái đã được “đăng ký” để hoạt động hợp pháp vào năm 2009. Từ đó đến nay, chắc hẳn con số này đã gia tăng, và chắc chắn có nhiều hệ phái hoạt động “không có giấy phép”[28].

2. Tổ chức lớn nhất và lâu đời nhất là “Hội thánh Tin lành Việt Nam”, mở trụ sở tại Đà Nẵng năm 1911. Do hoàn cảnh phân chia đất nước vào năm 1954, tổ chức này bị cắt thành hai: Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam)[29]. Xét về lịch sử, cả hai đều có chung một nguồn là The Christian and Missionary Alliance (C&MA đã được dịch là “Hội Phước Âm Liên Hiệp” hoặc “Hội Liên hiệp Cơ đốc và Truyền giáo”) do A.B. Simpson sáng lập (x. địa chỉ internet: www.cmalliance.org). Lịch sử buổi đầu của Hội này vào Việt Nam được thuật lại trong cuốn sách của E. F. Irwin, With Christ in Indochina[30]. Như chúng ta đã biết, tổ chức này nằm trong đợt thứ ba của phong trào Cải Cách. Các tông phái đến sau cũng thuộc về đợt này và được đưa sang Việt Nam từ Hoa Kỳ. Danh sách không cho thấy tông phái nào thuộc về đợt thứ nhất. “Giáo hội Luther” mới được đưa vào Việt Nam từ hơn một năm nay qua ngả Hoa Kỳ: Vietnam Lutheran Church[31]. “Giáo hội Cải cách” gốc Pháp đã có một thời hoạt động tại Việt Nam, nhưng hầu như chỉ giới hạn giữa những Pháp kiều cho đến năm 1975[32].

3. Bản danh sách trên đây đăng ký luôn cả phái “Mormons” và các “Chứng Nhân Giêôva” vào nhóm “Tin lành”. Điều này không đúng với sự thật, bởi vì hai nhóm này không tin vào “Chúa Giêsu”, cho nên không thể kể như là “giáo hội thuộc Kitô giáo”.

4. Bản danh sách tuy dài (30 nhóm), nhưng nếu khảo sát nội dung và số tín đồ thì có lẽ cần phải rút xuống. Thật vậy, xét về “nội dung” thì số 1 và số 2 cũng là một. Các nhóm từ số 15 đến 24 đều theo tín lý Ngũ tuần (số 8). Từ nhóm Bắp tít Ân điển (số 4) tách ra Baptit tư gia (số 26), Baptit độc lập (số 27), Đoàn truyền giáo Baptit (số 28). Chúng ta thấy khuynh hướng phân rẽ vốn nằm trong bản chất của các tông phái ở Hoa Kỳ, nhưng khi sang Việt Nam, ắt cũng đã bị ảnh hưởng bởi chính sách “Tam Tự” (The Three Self). Thực ra, nguồn gốc của chính sách này không phải là chính quyền Trung quốc, nhưng là do chính các nhà truyền giáo Tin lành người Anh và Hoa Kỳ, chẳng hạn Rufus Anderson, Henry Venn, và đặc biệt là John Livingston Nevius (1829-1893): self-supporting; self-governing; self-propagating[33].

5. Một sự nhầm lẫn thường xảy ra vì không phân biệt giữa “Hội thánh Tin lành” và “Tổ chức Tin lành”. “Tổ chức” thường là một hiệp hội chứ không phải là một “giáo hội”. Chúng ta có thể ví với sự phân biệt bên Giáo hội Công giáo giữa: “giáo hội” - “hiệp hội” - “dòng tu”. Đố ai biết được có bao nhiêu dòng tu công giáo? Bên Tin lành không có thể chế các dòng tu, nhưng có những tổ chức tương tự, chẳng hạn như “Thánh Kinh hội liên hiệp”, “Hội Cơ đốc truyền giáo Việt Nam”, v.v..

6. Theo bản thống kê trên đây, ra như hoạt động của các Hội Tin lành chỉ tập trung ở vài thành phố miền Nam. Thực tế thì hoạt động truyền giáo của Tin lành khá mạnh ở các miền Tây nguyên và các dân tộc ít người ở miền Bắc. Đã có những luận văn đại học nghiên cứu đề tài này[34].

7. Sau cùng, thiết tưởng không nên bỏ qua việc dịch Kinh Thánh của Hội thánh Tin lành. Về phía Công giáo, bản dịch toàn bộ Cựu ước (theo Vulgata) được xuất bản tại Hongkong năm 1913-14 và toàn bộ Tân ước năm 1915 do Cố chính Linh (Albert Schicklin) thực hiện. Về phía Tin lành, năm 1923 toàn bộ Tân ước được xuất bản tại Hà Nội và toàn bộ Kinh Thánh được xuất bản tại Thượng Hải năm 1926. Người dịch chính là ông Phan Khôi. Từ đó bản dịch này được tái bản nhiều lần (được đặt tên là “bản truyền thống”, so với “bản dịch mới” và “bản dịch 2011). Các tên riêng được phiên âm theo cách đọc người Pháp. Chúng ta nên ghi nhận vài danh xưng đặc biệt: “Đức Chúa Trời”, “Đức Chúa Jesus Christ” (trong khi bên công giáo, dần dần chúng ta đã quen với “Thiên Chúa”, “Đức Giêsu”, “Đức Kitô”). Ngày nay, chắc hẳn còn nhiều dự án khác do những chuyên viên ở nước ngoài thực hiện. Người ta có thể đoán được rằng con số người Việt tại Hoa Kỳ theo Tin lành không phải là nhỏ.

[1] Nguyễn Xuân Hùng, “Về nguồn gốc và sự xuất hiện tên gọi Tin Lành tại Việt Nam,” Nghiên cứu tôn giáo, số 3 (2001), trang 47-55. Theo tác giả, mặc dù từ "tin lành" đã xuất hiện trong bản dịch "Sấm truyền mới" của cố chính Linh (năm 1911), nhưng mới trở thành phổ biến từ thập niên 30 của thế kỷ XX.
[2] Thí dụ, evangelical counsels: lời khuyên Phúc Âm, hoặc lời khuyên Tin Mừng.
[3] Khởi điểm là Baptist Missionary Society in England (1792) do William Carey thành lập.
[4] Trên mạng của National Association of Evangelicals (USA), căn cước của evangelicalism được mô tả qua bốn đặc điểm: a) conversionism: xác tín về sự cần thiết phải tái sinh và đi theo Chúa Giêsu; b) activism: diễn tả cuộc sống đức tin qua việc rao giảng Tin Mừng và công tác xã hội; c) biblicism: tôn trọng Kinh Thánh như thẩm quyền tối thượng; d) crucicentrism: nhấn mạnh đến thập giá của Đức Kitô như nguồn ơn cứu độ: http://www.nae.net/church-and-faith-partners/what-is-an-evangelical.
[5] X. Todd M. Johnson - Peter F. Crossing, “Christianity 2013: Renewalists and Faith and Migration”, International Bulletin of Missionary Research, vol. 37, n. 1, January 2013, pp. 32-33.
[6] Jean-Paul Willaime, La Précarité protestante. Sociologie du protestantisme contemporain, Labor et Fides, Geneve 1992.
[7] Bài này viết theo những tài liệu trích từ Le religioni in Italia (sotto la direzione di Massimo Introvigne - PierLugi Zoccatelli) đăng trên website của CESNUR (Center for Study of New Religions) http://www.cesnur.org/religioni_italia/
[8] Massimo Introvigne, I protestanti, Elledici, Torino 1998. Bốn đợt tiến triển của phong trào Cải cách dựa theo ý tưởng của Roger Finke - Rodney Stark, The Churching of America, 1776-1990. Winners and Losers in Our Religious Economy, Rutgers University Press, New Brunswick (New Jersey) 1992.
[9] Trong bài này, chúng tôi dùng từ “Giáo hội” theo lối sử dụng thông thường, và không muốn đi vào sự phân biệt giữa “giáo hội” (church) và “giáo đoàn” (ecclesial community)
[10] The Catholic Church and the Lutheran World Federation, Common declaration on the Doctrine of Justification [31 October 1999]. Bên Hoa kỳ, một uỷ ban đối thoại được thiết lập giữa Hội đồng Giám mục và Liên đoàn Luther kể từ năm 1964 về những đề tài sau đây: 1/ The Status of the Nicene Creed as Dogma of the Church (1965). 2/ One Baptism for the Remission of Sins (1966). 3/ The Eucharist as Sacrifice (1968). 4/ Eucharist and Ministry (1970). 5/ Papal Primacy and the Universal Church (1973). 6/ Teaching Authority & Infallibility in the Church (1978). 7/ Justification by Faith (1983). 8/ The One Mediator, the Saints, and Mary (1990). 9/ Scripture and Tradition (1995). 10/ The Church as Koinonia of Salvation: Its Structures and Ministries (2004). 11/ The Hope for Eternal Life (2010).
[11] Luther còn chấp nhận sự hiện diện bản thể của Chúa Giêsu cùng với bản thể của bánh, consubstantiatio.
[12] Sự phân chia hai khuynh hướng khởi sự từ năm 1585 giữa hai nhà thần học Richard Hooker (1544-1600) và Walter Travers (1548-1635): Hooker thiên về công giáo, Travers thiên về Calvin.
[13] Danh xưng này nhằm nói lên hai điều quan trọng: a) tránh gắn liền giáo hội với đế quốc Anh trong cuộc tranh đấu giành độc lập của Hoa kỳ; b) nêu bật cơ cấu tổ chức, dựa trên các “giám mục” (episcopal gốc Latinh episcopus có nghĩa là giám mục), khác với các Giáo hội Cải cách presbyterian dựa trên các “trưởng lão”
[14] Các chức vụ và quyết nghị của giáo hội cần được sự phê chuẩn của Quốc Hội, Nhà Vua hoặc của Thủ tướng. Các giám mục cũng có ghế tại thượng viện.
[15] Tại nước Anh, giáo hội được tổ chức theo thể chế công nghị (general synod), gồm 3 viện: a) các giám mục; b) các linh mục; c) các giáo dân. Các giám mục đương nhiên là thành phần của viện giám mục; còn thành viên của hai viện linh mục và giáo dân gồm các đại biểu được bầu. Mọi quyết nghị quan trọng đều cần được cả 3 viện chấp thuận.
[16] Chủ trương của Jacobus Arminius (Jakob Hermandszoon), một nhà thần học của giáo hội Cải cách Hà Lan (1560-1609) nhưng không đồng ý với thuyết tiền định của Calvin. Ông chủ trương rằng con người có tự do để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.
[17] Ông A.B. Simpson nguyên là một mục sư Presbyterian, sau một cảm nghiệm chữa lành, ông lập ra hội truyền giáo Christian and Missionary Alliance (viết tắt C&MA) vào năm 1887. Mãi sang thế kỷ XX, hội này mới trở thành một hệ phái riêng. Ông Simpson đã đưa đạo Tin lành vào Việt Nam.
[18] The Fundamentals (tên đầy đủ: The Fundamentals : A Testimony to the Truth) do các ông A. C. Dixon và Reuben Archer Torrey làm chủ biên, là một “tủ sách” gồm 90 khảo luận, được soạn để bênh vực đạo lý cổ truyền của Cải cách, chống lại lối chú giải cấp tiến, Công giáo, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa vô thần, thuyết tiến hoá, v.v..
[19] Khuynh hướng “cấp tiến” (liberal) nghiên cứu Kinh Thánh giống như những tác phẩm lịch sử, văn chương khác; từ đó Kitô giáo cũng là một tôn giáo giống như những tôn giáo khác. Những nhân vật tiêu biểu của thế kỷ XIX-XX: Friedrich Schliermacher, Albrecht Ritschl, Wilhelm Herrman, Adolf von Harnack.
[20] Thực ra vào lúc đầu, đối tượng lễ Năm mươi là “đầu mùa gặt (Xh 23,16; Ds 28,26); về sau mới thêm ý tưởng mừng việc Chúa ban giao ước trên núi Sinai (Xh 19,1).
[21] Massimo Introvigne, I pentecostali, Elledici, Leumann (Torino) 2004; Enzo Pace - Annalisa Butticci, Le religioni pentecostali, Carocci, Roma 2010.
[22] Vài nhân vật tiêu biểu: Charles Finney (1792-1875); A. B. Simpson (1843-1919), John Alexander Dowie (1847-1907), Frank Sandford (1862-1948).
[23] Ngày 27/12/1521, do ảnh hưởng của Thomas Muentzer, ba “ngôn sứ” xuất hiện tại Wittenberg (Thomas Dreschel, Nicholas Storch, Mark Thomas Stuebner) thuyết giảng một cuộc cải cách triệt để hơn Luther, kích động đám nông dân nổi dậy chống chính quyền, để thiết lập một xã hội bình đẳng và đặt tài sản làm của chung.
[24] Witnesses of Jehovah (Chứng nhân Giêhôva), cũng còn mang tên là “Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania”, do Charles Taze Russell (1862-1916) sáng lập. Ông tiên đoán thời kỳ 1000 năm sẽ xảy đến năm 1914; nhưng ông cứ xê dịch hoài, sang các năm 1918, 1919. Người kế vị ông là Joseph F. Rutherford (1896-1942) lại xê dịch sang năm 1925, rồi 1941. Nên lưu ý là tuy thường được xếp vào nhóm Tin lành, nhưng kỳ thực các “chứng nhân Giêôva” không thuộc về “Giáo hội Chúa Kitô” bởi vì họ không tin nhận Đức Kitô là Chúa.
[25] Có thể đọc trên mạng: http://www.adventist.org/beliefs/
[26] Dữ liệu lấy từ “Religion in South Korea” của Wikipedia.
[27] Kim Bàng, “Vài nét về tổ chức các hệ phái và các nhóm Tin Lành ở Việt Nam hiện nay,” Mặt Trận, số 68 (tháng 6 năm 2009), trên địa chỉ: http://www.mattran.org.vn/Home/TapChi/so%2068/stctmt.htm.
[28] Xem thêm Đỗ Quang Hưng, Đạo Tin lành ở Việt Nam. Một cái nhìn tổng quát, trên mạng của Ban Tôn giáo Chính phủ (Công tác nghiên cứu khoa học, trao đổi ý kiến). http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1395/Dao_Tin_lanh_o_Viet_Nam_mot_cai_nhin_tong_quat (truy cập ngày 20/12/2013).
[29] Website: http://hoithanhtinlanhvietnam.org
[30] E. F. Irwin, With Christ in Indochina. The Story of Alliance Missions in French Indo-China and Eastern Siam, Christian Publications, Harrisburg, 1937. Về lịch sử truyền bá và phát triển Hội thánh Tin lành, xem loạt bài “100 năm Tin lành đến Việt Nam”, trên Mạng lưới Tin lành Việt Nam, tại địa chỉ website: hoithanh.com.
[31] Địa chỉ website: http://lutheranvietnam.org. Một địa chỉ khác của “Vietnamese Lutheran Church” thuộc “Lutheran Church Missouri Synod”: www.vietnameselutheranchurch.net. Nhóm này chống lại phong trào đại kết.
[32] Đỗ Hữu Nghiêm, Các Giáo hội Tin lành tại Việt Nam. Giáo hội Tin lành Cải cách Pháp (Eglise Réformée de France), trên mạng http://vietnameselutheranchurch.net/node/36
[33] Caleb Seibel, “Origins of the Three-Self Patriotic Movement: John Livingston Nevius” (2012) trên mạng của Kansas State University: krex.k-state.edu/
[34] Đỗ Hữu Nghiêm, “Phương pháp truyền giáo của Tin Lành giáo tại Việt Nam” (Luận án cao học Sử học, Trường Đại học Văn Khoa, Sàigòn, 1968). Khổng Quốc Khánh, “Tôn giáo và chính trị. Trường hợp đạo Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên hiện nay” (Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2010). http://dl.vnu.edu.vn/bitstream/11126/1306/1/02050000043.pdf