Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

ĐỨC KI-TÔ - NGÔN SỨ VÀ THẦY DẠY

Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr.

Hoàng Thy 🙋


Giáo huấn của Đức Ki-tô trong cuộc đời công khai luôn gắn liền với sự sống và hữu thể của Người. Những lời nói, những dụ ngôn và những cách lập luận của Người tựu trung hiện thể hoá về chính ngôn từ của Người và sự thành toàn của mặc khải.[1] Chính vì thế, Đức Ki-tô là mẫu gương chỉ biết cho đi nhưng không nhận lại, ngay đến giọt máu cuối cùng, đã đến và ở trong nhân loại như một vị ngôn sứ và thầy dạy.

Là ngôn sứ vì Đức Ki-tô đến để rao giảng lời chân lý và dạy dỗ điều hay lẽ phải bằng ngôn ngữ khôn ngoan cho mọi người được nên trọn lành. Là thầy vì Đức Ki-tô giảng dạy bằng dụ ngôn kết hợp với phong cách mô phạm. Trong suốt hành trình rao giảng và loan báo Tin mừng, khắp nơi người ta ùn ùn kéo tới, hầu mong được nhìn và chạm đến Người như những liều thuốc đặc hiệu biến đổi thể xác lẫn tinh thần. Chẳng lẽ lời nói của Đức Ki-tô có sức thu hút kỳ lạ đến thế chăng? Chẳng lẽ việc làm của Đức Ki-tô có sức biến đổi tận căn lòng người nhanh như vậy sao? Và chẳng lẽ con người Đức Ki-tô có sức lôi kéo mạnh mẽ biết bao thân phận mong manh, can đảm bước theo Người đến thế ư? Chắc hẳn, điều đó hệ tại phương thức giảng dạy và giáo dục của Đức Ki-tô vì “nơi Đức Giê-su có sự hài hoà hoàn toàn và sự tương hợp giữa lời nói và việc làm, giữa hiện hữu và hành động”.[2] Hoặc theo nhãn quan Ki-tô học, Đức Ki-tô phải được nhìn nhận như một vị Tôn sư lỗi lạc giữa các ngôn sứ, đã giảng dạy cho người ta biết về một Thiên Chúa cách đích thực, chắc chắn và minh bạch nhất. 

Vì thế, chúng ta hãy đến với Thầy Giê-su vì “xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,46), và thậm chí chúng ta hãy cảnh tỉnh “đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghĩa là Thầy, vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8).

I. Tính cách ngôn sứ của Đức Kitô 


1. Nói bằng Kinh thánh 


Việc rao giảng của Đức Ki-tô, tiên vàn khởi đi bằng Kinh thánh. Đối với Đức Ki-tô, Kinh thánh là lời Chân lý. Lời ấy được loan đến cho mọi người với một niềm xác tín và đầy quyền bính: “Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35). 

Lời Kinh thánh có sức thu hút nhân gian đến độ người ta ngạc nhiên về những lời Người nói, sửng sốt trước những điều Người dạy, và thán phục qua những việc Người làm. Từ đó, họ bảo nhau, từng đám đông lũ lượt tìm cách đến để nghe Người nói. Thậm chí, họ nghe ngóng và quan sát chung quanh, đi tìm những nơi Người đã dừng chân hay nghỉ ngơi, hầu giữ Người lại (Xc. Lc 4,42). Được nghe những lời Kinh thánh từ môi miệng Đức Ki-tô, thánh Phao-lô phải thốt lên rằng: “Người được học Lời Chúa hãy chia sẻ của cải với người dạy dỗ mình” (Gl 6,6). Ngoài việc chấp nhận sứ điệp của Đức Ki-tô, người nghe Lời Chúa còn phải nên một với Người để nhận ra giá trị của hiện hữu: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).[3] Như vậy, Đức Ki-tô chính là người Thầy nói Kinh thánh đầu tiên cách tuyệt diệu và hoàn hảo.

Ngoài ra, xét về phương diện Ki-tô học, Đức Ki-tô vừa là Thiên Chúa vừa là con người, nên giáo lý của Người không những là chân lý mà chính Người cũng là chân lý vì “chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Cho nên, các bài giáo lý của Đức Ki-tô thường trích dẫn từ Cựu ước nhưng lại được giải thích dựa trên ánh sáng của chính Người. Ánh sáng mà Thần Khí đã ban cho Người khi lãnh nhận phép Rửa hầu công khai thời hoạt động, cứu độ cho nhân loại. Ngay trong hội đường Na-da-rét, Thần Khí ấy được ứng nghiệm bằng Kinh thánh, và chính Đức Ki-tô cũng đã tự áp dụng cho mình sấm ngôn của I-sai-a đã nói trước đây (Is 61,1-2): “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Theo Đức Ki-tô, Thần Khí trong ngôn sứ I-sai-a và Thần Khí khi Người lãnh nhận phép Rửa là duy nhất. Thần Khí ấy tựu trung là căn nguyên của sứ điệp mà Đức Ki-tô thực thi công trình cứu độ. 

Vốn ý thức được sứ mạng của mình được khởi đi từ linh hứng của Thần Khí, cùng một trật, Đức Ki-tô loan báo Tin mừng về Nước Thiên Chúa (Xc. Mc 1,15), nói cho nhân loại về những gì Người đã thấy (Mt 11,27), và đã biết cách tỏ tường (Xc. Ga 3,11) hơn là những ngôn sứ chỉ loan báo những gì được tỏ lộ. Do vậy, lời Kinh thánh còn được Đức Kitô diễn tả bằng những ngôn từ khôn ngoan. 

2. Nói bằng ngôn từ khôn ngoan 


Trong Kinh thánh, đức khôn ngoan là phẩm cách riêng của Đức Ki-tô, càng làm nổi bật hơn tri thức của Người giữa các thầy tiến sĩ. Một đàng, người ta thấy được con người lịch sử của Đức Ki-tô, lớn lên từ làng quê Na-da-rét, chịu ảnh hưởng của gia đình, xã hội và những luật lệ đương thời. Xét theo hoàn cảnh nhân sinh của Đức Ki-tô, điều ấy hoàn toàn phù hợp vì một lẽ “theo bản chất, sự thánh thiện trên bình diện nhân loại phải tăng tiến dần dần trong thời gian. Khi chấp nhận cuộc sống nhân loại, Đức Giê-su chấp nhận tuân theo định luật tăng trưởng dần dần, cả trong sự thánh thiện”.[4] Đàng khác, ai cũng phải chân nhận tính cách siêu việt trong lời nói cũng như việc làm chứng tỏ Người trổi vượt hơn các ngôn sứ về quyền năng cũng như sự khôn ngoan kỳ diệu.[5]

Trong thời gian giảng dạy, nhiều kinh sư đã phải kinh ngạc về những điều Người nói, các thầy dạy sửng sốt trước những câu trả lời thông minh của Người (Xc. Mc 6,1-2; Lc 2,40). Đặc biệt, đạo lý của Đức Ki-tô vốn không hoàn toàn xuất phát từ Do-thái giáo, nhưng chỉ nhằm bổ túc, kiện toàn lề luật cho con người sống tốt và hữu ích hơn: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Cảm thức của xã hội đương thời coi luật Mô-sê như Lời của Thiên Chúa nên người ta sống vì lề luật chứ không bắt lề luật phục vụ con người. Ngược lại, khi Đức Ki-tô đến thì Người đưa lề luật tới chỗ hoàn hảo nhằm phục vụ con người chứ con người sống không phải vì lề luật. Đó cũng là cách Đức Ki-tô mặc khải thần tính của mình, đồng thời chứng tỏ chân lý thuộc về Thiên Chúa không hệ tại những việc làm bên ngoài mà phải thể hiện thiện chí bên trong. Nếu trước đây, “luật xưa dạy rằng …” thì bây giờ “còn Thầy, Thầy bảo thật anh em …”. Kiểu nói của Đức Ki-tô biểu lộ quyền bính phi thường nơi một vị Thiên Chúa. Thoạt nghe, người ta có thể thẩm định tính trái ngược nhau nơi lề luật, nhưng thật ra luật cũ vẫn còn mà chỉ cần con người đi sâu hơn nữa vào nội tâm, hầu kiểm soát tận căn những ước mơ, hy vọng và những động lực thầm kín nhất. Chẳng hạn, thay vì hỏi “ai là người thân cận của tôi?” theo quan niệm của các thầy kinh sư hay các nhà thông luật, thì bây giờ Đức Ki-tô nhấn mạnh hơn để kiện toàn giới luật yêu thương “ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Xc. Lc 10,25-37). Thế nên, giáo thuyết của Đức Ki-tô lúc này mang tính mới mẻ và có sức hấp dẫn lạ lùng hầu giúp người ta thấy được sứ điệp Thiên Chúa Cha muốn gởi đến. Nói cách khác, theo tư tưởng của các nhà hộ giáo dựa trên tính siêu việt thì giáo huấn của Đức Ki-tô vượt trên mọi thứ khôn ngoan của thế gian. Giáo huấn này được mặc khải từ chính Logos nhập thể mà sự khôn ngoan thần tính xuất hiện nơi nhân tính của Thầy Giê-su trong lúc giảng dạy.[6]

Khi thi hành sứ vụ, bên cạnh việc kiện toàn lề luật cho con người, Đức Ki-tô còn chỉ ra phương cách cho thế giới được cứu độ thành toàn. Xét vì Đức Ki-tô đồng nhất về bản tính với Chúa Cha, hay nói cách khác Đức Ki-tô là sự khôn ngoan huyền diệu tiền hữu nơi Thiên Chúa, thì trong Người, Chân lý và Sự sống là một, thậm chí “người ta chỉ có thể nhận biết chân lý nếu như sống trong Ngài, và người ta cũng không thể sống trong Ngài mà không làm cho mình nên một với chân lý”.[7] Sự sống ấy chính là lối sống khôn ngoan trong bài giảng trên núi (Mt 5,3-12). Một con đường hạnh phúc mở ra cho những ai đến với Người, lĩnh hội lời của Người, và thực thi giáo huấn của Người. Các mối phúc khởi đi từ tình yêu đích thực của Ngôi Lời vĩnh cửu, của Con Một do Chúa Cha sinh ra, và đã nhập thể để cho nhân loại trở nên con Thiên Chúa xét theo chiều kích Ki-tô học từ trên xuống. Do vậy, người ta nhận thấy bài giảng Bát phúc là một điển hình trong lối sống cao thượng về giáo huấn của Đức Ki-tô. Từ đó, không ai có thể phủ nhận hành động tốt lành của người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,30-37). Không ai lại không cảm kích trước tấm lòng bao dung của người cha độ lượng trong câu chuyện đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32). Và chẳng ai có thể can đảm hành động như Thầy Giê-su đã trao ban chính thịt và máu của mình trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ (Ga 13-17).

Tóm lại, làm sao Đức Ki-tô có thể huấn giáo cho người ta nhận ra giá trị đích thực của lối sống Bát phúc ấy được? Phải chăng Người đã sử dụng ngôn từ khôn ngoan trong Lời Chân lý? Chắc hẳn điều ấy còn hệ tại phong cách mô phạm của Đức Ki-tô vì “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,29).

II. Phong cách mô phạm của Thầy Giê-su 


1. Giảng dạy bằng dụ ngôn 


“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (Mt 13,54), khắp nơi, người ta thán phục và kinh ngạc khi nghe những lời rao giảng của Đức Giê-su. Thế nhưng, nói lời Chân lý vẫn chưa đủ, Đức Giê-su còn giảng dạy bằng dụ ngôn. Đây là phong cách đặc trưng và thuần thục của Đức Giê-su suốt ba năm loan báo Tin mừng như một vị Tôn sư độc nhất trong lịch sử, và thậm chí là “Thầy dạy duy nhất của chúng ta”.[8]

Giảng dạy là khía cạnh chính yếu trong hoạt động công khai của Đức Giê-su. Dụ ngôn của Người là những gì rất đời thường, thân quen, gần gũi với cuộc sống. Dựa trên tinh thần người Đông phương thích nói và được dạy dỗ dưới hình thức so sánh, hầu khêu gợi tính tò mò cũng như tìm hiểu, dụ ngôn của Đức Giê-su tuy khởi đi từ những hình ảnh rất thực tế nhưng lại dụng ý để chỉ các thực tại được Thiên Chúa mặc khải.[9] Hơn nữa, vốn mang bản tính nhân loại và ảnh hưởng từ gia đình và xã hội, tại làng quê Na-da-rét, Đức Giê-su “đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người”.[10] Cho nên, nhắm vào tâm thức con người thời đại, Đức Giê-su đã giảng dạy như lòng họ mong muốn một Đấng Mê-si-a. Ai chẳng biết người nông dân cần cù gieo giống ra sao! Ai chẳng hay người lái buôn miệt mài thế nào để tìm viên ngọc quý! Ai chẳng hiểu năm cô trinh nữ khôn ngoan thao thức mong chàng rể đến! Tựu trung, đó là những kinh nghiệm giảng dạy của Thầy Giê-su đã cuốn hút người ta đến độ khởi đi từ câu hỏi phủ định “ai trong các bạn lại không hành động như thế này?”, để rồi ai cũng trả lời cách khẳng định: “Vâng, dĩ nhiên chúng tôi biết!” Hoặc nói cách khác, phương pháp truyền đạt của Đức Giê-su bằng cách đặt câu hỏi để giảng dạy chứ không chủ ý đặt câu hỏi để tìm hiểu. Chẳng hạn, trong những bản văn Tân ước, với ngôn ngữ nhân loại hoặc dựa trên tri thức thủ đắc, Đức Giê-su có nêu vài thắc mắc nhưng không đặt câu hỏi ở thể nghi vấn đúng nghĩa mặc dù đã biết rõ ý nghĩ của họ: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?” (Mt 9,4). Và giả như Đức Giê-su có đặt câu hỏi đi nữa thì vẫn không ngoài mục đích dạy dỗ: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5).[11] Cách chung, dụ ngôn của Đức Giê-su thường mang sắc thái của một người Thầy đến và ở giữa họ hầu kiện toàn lề luật. Chính vì thế, Đức Giê-su không chỉ lo cho con người có cái ăn, chữa cho con người khỏi bệnh tật xét theo chiều kích nhân tính mà Đức Giê-su còn ý thức về sứ mạng cứu thế của mình xét vì chiều kích thiên tính. 

Nghệ thuật dùng dụ ngôn để giảng là phương pháp tối ưu Đức Giê-su đã thành công trong cuộc đời của Người và “một cách nào có thể nói là trong ‘nhiệm cục’ đó mà thể văn dụ ngôn được Ngài dùng đã trở nên thích hợp. Đây là một phương thức đặc biệt của mặc khải, nghĩa là của sự biểu lộ mầu nhiệm Thiên Chúa và vương triều Người”.[12] Chắc hẳn từ đây, độc giả sẽ thấy dễ chịu khi nghe các dụ ngôn mang tính khiêm tốn trong phương pháp tiệm tiến của Đức Giê-su. Tuy nhiên, việc làm sáng tỏ khía cạnh quy thần hay quy Ki-tô trong các dụ ngôn không ngoài mục đích giảng dạy xét vì một cách nghiêm xác Ki-tô học từ trên xuống. 

Như vậy, Đức Giê-su muốn mặc khải một Thiên Chúa Cha đã sai chính mình đến trần gian này hầu hoàn thành một vương quốc do lòng Thiên Chúa mong muốn. Do vậy, chẳng có bậc thầy nào trong lịch sử tôn giáo dám mạnh dạn xác tín như Thầy Giê-su: “Phần anh em, mầu nhiệm nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn” (Mc 4,11).

2. Thu phục và hoán cải tha nhân 


Trong cuộc đời rao giảng công khai, lời của Đức Ki-tô tiên vàn có sức biến đổi nơi các tông đồ. Đức Ki-tô không những kêu gọi các môn đệ bước theo Người mà còn chinh phục họ trở thành những thợ gặt lành nghề, phục vụ cho Nước Chúa. 

Không phải hiển nhiên Đức Ki-tô dễ dàng lôi cuốn từ một ngư phủ như Phê-rô đến một thu thuế như Mát-thêu, hay một nhà khoa học cứng tin như Tô-ma. Chắc hẳn, Đức Ki-tô phải có một nghệ thuật thu hút mạnh mẽ đến độ các môn đệ có thể từ bỏ tài sản, nhà cửa, cha mẹ và ngay cả vợ con (Xc. Lc 14,26) cũng như mạng sống (Xc. Mt 10,39) của mình để bước theo một vị Thầy không mấy khả quan. Làm sao các tông đồ có thể bước theo một người Thầy Giê-su ngay cả nơi tựa đầu cũng chẳng có (Xc. Mt 8,20) huống chi một gia sản để được phân chia hay thừa hưởng? Phải chăng lời của Thầy Giê-su có sức thu hút hơn các vị ngôn sứ khác? Chắc hẳn lời của các ngôn sứ mang tính trung gian giữa Thiên Chúa và con người nên còn thiếu sót. Trong khi đó, lời của Thầy Giê-su không những làm viên mãn lề luật mà “nơi Người, các lời của Thiên Chúa hiện diện một cách trọn vẹn, không bị giới hạn chút nào. Và sự hiện diện của Thiên Chúa ở mức tối đa này phát xuất từ sự kiện chính bản thân Người là lời của Thiên Chúa”.[13]

Ngoài ra, lời của Đức Ki-tô không những có sức kêu gọi và biến đổi các môn đệ mà còn giải phóng con người khỏi ách tội lỗi. Khởi đi từ bản chất tình yêu, lời của Đức Ki-tô có sức cứu độ bền vững mà trong tiền hữu Người đã nhận lấy thiên tính như Chúa Cha, nhờ đó “ơn cứu độ của Ta sẽ trường tồn vạn kỷ và đức công chính của Ta sẽ không suy suyển bao giờ” (Is 51,6). Vả lại, nơi Đức Ki-tô, xét theo nhân tính, cũng là một con người như bao người nên dễ cảm thông, khắc khoải trước những nỗi đau của người khác. Đứng trước cái chết của La-da-rô, Đức Ki-tô đã thổn thức trong lòng đến độ không cầm được nước mắt. Dân chúng từ đàng xa, họ xầm xì, bàn tán: “Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy” (Ga 11,35). Hoặc trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Đức Ki-tô đã cầu xin cùng Chúa Cha để thoát khỏi “giờ” đã đến cho chính mình: “Áp-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này” (Mc 14,36). Thế nhưng, nơi Đức Ki-tô vẫn có sự kết hợp hài hoà giữa nhân tính và thiên tính vì một lẽ “không có gì nơi nhân tính che dấu thực tại siêu việt của Đức Giê-su, nói cách khác mọi nét nhân loại của Đức Giê-su đều gợi lên mầu nhiệm thần tính của Người”.[14] Thế nên, không phải chỉ đứng trước nỗi đau của người khác để an ủi và động viên, Đức Ki-tô còn chứng tỏ thiên tính của mình. 

Sau khi đã khóc thương La-da-rô, Đức Ki-tô làm phép lạ cho anh ta sống lại trước sự kinh hoàng của bao người duy bởi một lời: “Anh La-da-rô hãy ra khỏi mồ!” (Ga 11,43). Tuy vậy, việc sống lại của người chết không hệ trọng cho bằng vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện mà chỉ có thiên tính mới thực thi và cứu rỗi được. Hơn nữa, thiên tính của Đức Ki-tô còn biến đổi mạnh mẽ không những cho người được cứu độ mà còn cho những kẻ được chứng kiến. Không dễ gì người Do-thái chấp nhận thiên tính của Đức Ki-tô nếu không được mặc khải tiệm tiến bằng cách giảng dạy mang tính sư phạm của Thầy Giê-su. Chẳng hạn khi nói đến quyền tha tội của Đức Ki-tô, các kinh sư tỏ ra bất bình, không đồng ý vì duy chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Thầy Giê-su mới cắt nghĩa trong hai việc: một đàng là được tha tội, đàng khác đứng dậy vác chõng mà về, điều nào dễ hơn? Song cuối cùng, Thầy Giê-su đã truyền cho kẻ bại liệt: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”(Mc 2,11). Người bại liệt đứng dậy ra đi trước sự chứng kiến của bao người. Nhưng điều đặc biệt là anh ta chẳng những thoát khỏi bệnh tật thể xác mà còn sạch sẽ trong tâm hồn. Còn những người kia, ai nấy đều cảm nhận và tôn vinh Thiên Chúa như một vị Tôn sư lừng danh.

Sức thu phục và hoán cải nhân loại nơi Đức Ki-tô không chỉ dừng lại ở việc biến đổi con người từ thể xác đến tâm hồn, xét theo Ki-tô học từ phía dưới, mà còn mang lại ân sủng cho con người bằng việc Đức Kitô nhập thể, xét theo Ki-tô học từ phía trên. Do đó, thánh Gio-an, ngay từ đầu, đã đồng hoá Đức Ki-tô như Lời của Thiên Chúa và Lời thần linh ấy đã sớm trở thành lời nhân loại: “Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). 

Kết luận


Quả thực, trên hành trình rao giảng Tin mừng, Đức Ki-tô đích thực là ngôn sứ và thầy dạy. Phong cách mô phạm của Đức Ki-tô không chỉ diễn tả trong lời nói mà còn thể hiện trong cả việc làm. Lời của Đức Ki-tô là Chân lý và Sự thật. Việc của Đức Ki-tô là lòng nhân và tình yêu. Phong cách giảng dạy và giáo dục của Đức Ki-tô được người ta thán phục tiên vàn khởi đi từ nội dung giáo huấn sâu sắc kết hợp với phong thái mới mẻ. Thứ đến, thế giá tuyệt đối của Đức Ki-tô như một vị Tôn sư lỗi lạc, giảng dạy hài hoà giữa uy tín thần linh và uy thế riêng của mình. Và sau cùng, Đức Ki-tô thường sử dụng những hình ảnh rất đỗi bình thường trong cuộc sống của bao lớp người khi ở trên núi, lúc ngồi dưới thuyền, khi ở bàn tiệc, lúc thì bộ hành, … 

Thiết tưởng hôm nay, giáo dục là một điều hệ trọng, và giáo dục để trở nên một Ki-tô hữu chính danh lại càng hệ trọng hơn. May thay, chúng ta có một người Thầy Giê-su xuất chúng, “độc nhất vô nhị” trong lịch sử. Do vậy, người tín hữu cần hấp thụ một nền giáo dục từ Thầy Giê-su qua Tin mừng, lắng nghe những lời Thầy nói, gẫm suy những chứng nhân Thầy kể, và bắt chước tấm gương hy sinh của Thầy. Từ đó, người tín hữu có cơ hội để nhận ra chính mình: “… các dụ ngôn là những thứ gương soi trong đó tôi được mời gọi nhận ra tôi trong thái độ chân thật của mình. Tôi bị bắt buộc tự đặt vấn đề: phải chăng tôi không là người nhận hạt giống Lời như trên sỏi đá hoặc để cho hạt giống bị chết ngộp vì những bụi cỏ gai lấn chen? Phải chăng tôi đã đem chôn dấu nén bạc để chẳng mang lại được nguồn lợi nhuận nào cả? Phải chăng tôi không là ông thầy cả hay thầy Lê-vi đi ngang qua, không bận rộn chi hết đứng trước người nằm đó, thương tích đầy mình? Phải chăng tôi là lão phú hộ không lo lắng gì đến linh hồn mình hay tôi là La-da-rô mình đầy dẫy ghẻ chốc?”.[15] Chính vì thế, Đức cố Giáo Hoàng Phao-lô VI đã có lần nhấn mạnh: “Con người thời nay tin vào chứng tá hơn thầy dạy”.[16] Ấy vậy, Thầy Giê-su lại được cả hai “vừa là chứng nhân, vừa là thầy dạy”. Và phải chăng phương cách giáo dục tốt nhất và hữu hiệu nhất của thời đại là sống đời sống chứng nhân? Nếu không, tại sao tục ngữ Việt Nam lại kinh nghiệm rằng: “Lời nói gió bay, gương lành lôi cuốn” ?


[1] Xc. Gio-an Phao-lô II, Tông thư Catechesi tradendae, số 9. Trích lại trong giáo trình Mầu nhiệm Đức Ki-tô của Lâm Văn Sỹ, TTHV Đa-minh, 2006, tr. 131. 
[2] G. Cottier, R. Fisichella, Jésus Christ, unique Sauveur du monde, Nxb. Mame, Paris, 1996. Bản dịch của Quê Hương và Lê Bảo, Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứ độ duy nhất của trần gian, hôm qua hôm nay và mãi mãi, tr. 72. 
[3] Xc. Fernando Ocáriz, Lucas F. Mateo Seco, José Antonio Riestra, Il mistero di Cristo, Ro-ma, 2000. Bản dịch của Lâm Văn Sỹ, Mầu nhiệm Đức Ki-tô, TTHV Đa-minh, 2006, tr. 130. 
[4] Noberto, Đức Giê-su Ki-tô Ngôi Lời nhập thể, Quyển I, 2001, tr. 249. 
[5] Xc. Noberto, Sđd., tr. 227, 232. 
[6] Xc. Justin, Apol. II, 10. Trích lại của Ludwig Ott theo bản dịch của Nguyễn Văn Trinh, Dẫn nhập vào Ki-tô học, 2002, tr. 109. 
[7] Fernando Ocáriz, Sđd, tr. 130. 
[8] Ignatio thành Antiochia, Magn. 9,1. Trích lại của Ludwig Ott theo bản dịch của Nguyễn Văn Trinh, Sđd, 2002, tr. 109. 
[9] Xc. ĐNTHTK, mục từ “dụ ngôn”, tr. 443. 
[10] Thánh Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, GS, số 22. 
[11] Xc. Fernando Ocáriz, Sđd, tr. 133. 
[12] Yves Congar, Jésus-Christ, notre Médiateur, notre Seigneur, Édition du Cerf, 1993. Bản dịch của Ngô Mạnh Điệp, Đức Giê-su Ki-tô, vị trung gian và Chúa chúng ta, tr. 138-139. 
[13] Noberto, Sđd., tr. 64. 
[14] Noberto, Sđd., tr. 149. 
[15] Yves Congar, Sđd. Bản dịch của Ngô Mạnh Điệp, tr. 147-148. 
[16] Xc. ĐGH Phao-lô VI, Tông huấn Évangelii Nuntiandi, số 41.