Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

VIỆC TÔN THỜ NHÂN TÍNH ĐỨC KI-TÔ

Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr. 

Minh Nhật 🙋


I. Quan niệm và ngữ nghĩa 


Tôn thờ, hay thờ phượng, là tác động mà, qua đó, chúng ta dâng lên Thiên Chúa sự tôn vinh và kính trọng ở mức độ cao nhất, do sư siêu việt và vô biên của Ngài trên mọi loài thọ tạo.
  • Tôn thờ (adoratio): theo nghĩa rộng, là sự tôn kính Đấng cao trọng, thượng cấp, thí dụ: “Anh em đến lạy Giu-se, mặt sát đất” (St 42, 6). Theo nghĩa hẹp, việc tôn thờ chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi. “Ngươi không được tôn thờ một vị thần nào khác ngoài Thiên Chúa ra” (Xh 34,14).
  • Phụng thờ (cultus): gồm những việc biểu lộ ra bên ngoài lòng tôn thờ.
Từ hai quan niệm trên, thần học thường sử dụng các từ này để chỉ các đối tượng:
  • Khi đối tượng là Thiên Chúa: Đấng Tạo hoá, Đấng bất thụ tạo: thần học dùng các từ ngữ tôn thờ, phụng thờ (cultus latrie: vừa tôn thờ bằng nghi lễ vừa vâng phục trong lòng; không vâng phục, tuân theo thì mắc tội).
  • Với đối tượng là các thánh, các thụ tạo đáng kính: thần học dùng các từ ngữ tôn kính (cultus duliae: tôn trọng, kính mến và có thể biểu lộ ra bằng hình thức tôn kính, nhưng không theo đường lối của các ngài thì không mắc lỗi).
  • Cách riêng, khi đối tượng là Mẹ Maria, thần học dùng từ ngữ Biệt Kính (cultus hyperduliae: tôn kính Đức Mẹ cách trỗi vượt hơn mọi thụ tạo khác).
Như thế, tôn thờ thì khác tôn kính đơn thuần vốn dành cho các thánh; và cũng khác với sự biệt kính vốn dành cho Đức Trinh Nữ Maria do thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Ngài. Chiếu theo luật, chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Đối với Đức Ki-tô, ta phải tôn thờ Ngài, vì mọi sự phụng thờ Đức Ki-tô đều quy hướng về phụng thờ Ngôi Hai Thiên Chúa.

Đó là quan niệm đã được thống nhất chung trong cách hành xử của con người trước mặt Thiên Chúa, trước mặt các tiền nhân. Tuy nhiên, cũng vẫn còn đôi chút lấn cấn mà chúng ta sẽ khảo luận hôm nay: Nhân tính Đức Ki-tô, trong vai trò là một thụ tạo (được tạo thành) – Giáo Hội nói gì về điều này?

II. Vấn đề tôn thờ nhân tính Đức Ki-tô qua các thời kì lịch sử


1. Chứng cứ rút từ niềm tin


Sau khi phục sinh, Đức Ki-tô chấp nhận việc thờ lạy Ngài (proskunêsis-sụm gối xuống), đó là hành vi mang đặc tính tôn thờ (Mt 28, 9.11). Theo Ga 5, 25, Đức Giê-su đòi buộc phải tôn thờ Người cùng một lối phụng thờ Chúa cha: “Để ai nấy đều tôn kính người con như tôn kính Chúa Cha”. Thánh Phao-lô minh chứng sự xứng đáng tôn thờ Đức Ki-tô trong nhân tính của Người: “khi nghe danh thánh Giê-su, … muôn vật phải bái quì”(Pl 2, 10), và : “mọi thiên thần của Thiên Chúa phải thờ lạy người” (Dt 1,6 – Kh 5, 12).
  • “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, ban cho Người danh hiệu trỗi vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,9).
  • “đem con đầu lòng vào thế gian, Thiên Chúa nói: tất cả thiên sứ hãy tôn thờ Người” (Dt 1,6).
  •  …

2. Chứng cứ theo lý luận


Việc tôn thờ theo đúng nghĩa chỉ hướng về một Ngôi vị. Nơi Đức Ki-tô, chỉ có một Ngôi vị duy nhất, thế nên Ngôi vị này đáng được tôn thờ. Nhân tính lại không thể bị loại ra, vì đã ngôi hiệp, không tách rời khỏi Ngôi vị Thiên Chúa. Chúng ta có thể tìm thêm trong luận chứng của thánh Tô-ma: “vinh dự của việc tôn thờ theo đúng nghĩa thuộc về Ngôi vị tự tồn tại … việc tôn thờ thể xác Đức Ki-tô không có nghĩa gì hơn là tôn thờ Ngôi Lời đã làm người, cũng như việc tôn thờ cẩm bào của một vị vua không có nghĩa gì khác hơn là tôn trọng Đức Vua, người đã mặc áo ấy”(Sth III, 25,3).

Tôn thờ Objectum materiale totale (đối tượng vật thể trọn vẹn) của Đức Ki-tô chính là Logos đã làm người. Nhân tính đã kết hợp cách ngôi hiệp với Logos chỉ là phần đối tượng (objectum pariale). Nền tảng cho việc tôn thờ này (objectum fomale) là sự toàn thiện vô tận của thiên tính.

3. Đức Ki-tô xứng đáng được tôn thờ


Quyển sách Martyrium Policarpi (khoảng năm 156) phân biệt rõ ràng việc tôn thờ dành cho Đức Ki-tô và việc tôn kính dành cho các thánh tử đạo: “chúng ta tôn thờ Đức k. chỉ vì Người là con Thiên Chúa; còn về các thánh tử đạo, vì phẩm chất là môn đệ và người theo gương của Chúa, chúng ta yêu mến vì họ gắn bó với Vua và với Đức Chúa của họ”(XVII, 3).

Hẳn chúng ta cũng còn nhớ, Nestorio đã từng khẳng định rằng con người ta phải dành cho Đức Giê-su hai loại tôn kính: một là sự tôn thờ đúng nghĩa dành cho Đức Ki-tô xét như Thiên Chúa; hai là sự tôn kính bình thường tương ứng với Đức Ki-tô xét như con người. Các giáo phụ đã chống lại lối nhìn nhận đó. Các ngài nhấn mạnh rằng việc tôn thờ thiên linh dành cho nhân tính Đức Ki-tô không phải là dành cho nhân tính, không phải về phía logos, nhưng là vì lý do này ngôi hiệp với logos đã hoá thành người (xem Athanase, thánh Gioan Damas – Defide orth, III, 8; thánh Ambrosio – De Spiritu S. III, 11, 19); thánh Augustino – Enarr. In Ps. 98,9).

Thánh Athanasio dạy: “Chúng ta không tôn thờ thụ tạo, dứt khoát như vậy, nhưng chúng ta tôn thờ Chúa Sáng Tạo đã làm người và là Ngôi Lời Thiên Chúa. Nơi Đức Ki-tô, xác Ngài là thụ tạo thật, nhưng thể xác đó là thân thể của Thiên Chúa rồi, ta không thể tách ra được. Ta không tôn thờ xác tách ra khỏi Ngôi Lời, cũng không thể tôn thờ Ngôi Lời mà không có xác. Ai lại dại nói với Chúa: hãy ra khỏi xác để con tôn thờ” (Epis. Ad Ademphium 3; PG 26, 1073).

Chúng ta tôn thờ, phụng thờ, thờ lạy Đức Ki-tô nghĩa là tôn thờ toàn thể con người của Ngài. Sự tôn thờ này qui về Ngôi vị Ngôi Lời là nền tảng của sự tôn thờ Đức Ki-tô. Tôn thờ nhân tính Đức Ki-tô vì Ngôi Lời là chủ thể, làm cho nhân tính hiện hữu và tồn tại.

Do mầu nhiệm ngôi hiệp, nhân tính Đức Ki-tô phải được tôn thờ bằng một sự tôn thờ duy nhất: tôn thờ Ngôi Lồi nhập thể.

Đó là quan điểm của các giáo phụ. Trên bình diện khác, ta thấy rằng, cùng với việc phi bác học thuyết Nestorio, công đồng Epheso còn bàn nhiều về việc Đức Giê-su phải được tôn thờ bằng sự tôn thờ duy nhất. Sau đó, công đồng Constantinopoli II (553) minh định: “nếu có ai cho rằng Đức Ki-tô được tôn kính trong hai bản tính, và do đó họ chủ trương hai loại thờ kính, một loại dành riêng cho Ngôi lời Thiên Chúa và một loại dành riêng cho con người; hoặc nếu có ai, do mơ tưởng tới sự ngưng treo của thân xác (của Ngôi Lời), hoặc sự hoà lẫn của thiên tính vào nhân tính, để rồi càn dở cho rằng chỉ có một bản tính hay bản thể duy nhất khởi xuất từ những yếu tố kết hiệp, thế thì những người ấy tôn thờ Đức Ki-tô, nhưng lại không tôn kính bằng một sự tôn thờ duy nhất đối với Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm một với thân xác của Ngài, như những gì được truyền trong Hội Thánh của Thiên Chúa ngay từ buổi đầu, những ai chủ trương như vậy sẽ bị vạ tuyệt thông”.

Điều quan trọng được ghi lại trong xác quyết này. Đang khi các nghị phụ khẳng định sự tôn thờ duy nhất dành cho Chúa Giê-su Ki-tô, các vị cũng đồng thời loại trừ hoặc là sự tôn thờ kép (lạc thuyết Nestorio), hoặc sự tôn thờ duy nhất với động lực sai (nhất tính thuyết). Công đồng đã nhấn mạnh rằng phải tôn thờ cả thân xác của Đức Ki-tô, nhưng không vì chính nó và xét cách trừu tượng, như thể đó là một xác thể độc lập với Ngôi vị thần linh; đúng hơn, đó là sự tôn thờ dành cho Đức Ki-tô toàn diện (Sth III, q. 25. aa.1-2).

Như vậy, sự tôn thờ phải dành cho Ngôi vị với tất cả những gì là thuộc tính của Ngôi vị: thiên tính và nhân tính. Nhân tính của Đức Ki-tô được tôn thờ vì là nhân tính của Thiên Chúa. Như thánh Athanasio đã viết, lý do của sự tôn thờ duy nhất dành cho Đức Ki-tô, đó là vì thể xác của người đã được nâng lên thành thân xác của Thiên Chúa.

III. Việc tôn thờ nhân tính Đức Ki-tô


Việc tôn thờ nhân tính Đức Ki-tô (tôn thờ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, tôn thờ Thánh Tâm Đức Ki-tô, tôn thờ các dấu Thánh Đức Ki-tô, …) là tôn thờ Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy nhân tính nơi con người Đức Ki-tô, tức là sự tôn thờ toàn diện con người Đức Ki-tô (cả Ngôi vị Ngôi Hai lẫn thân xác Ngôi Hai mặc lấy). Nhân tính Đức Ki-tô, nhờ màu nhiệm ngôi hiệp, là thành phần của Ngôi Lời, vì thế phải được tôn thờ với Ngôi Lời là chủ thể. Không thể tách phân nhân tính khỏi Ngôi Lời để chỉ tôn thờ Ngôi Lời. Đối tượng tôn thờ nhân tính Đức Ki-tô không phải chính nhân tính, vì nhân tính, nhưng vì nhân tính kết hợp với Ngôi Lời.

1. Tôn thờ Trái Tim Cực Thánh Đức Giê-su


Cũng như toàn thể nhân tính Đức Ki-tô, thì tất cả mọi phần khác đều là đối tượng từng phần (objectum partiale) cho việc tôn thờ.

Cho dù, tất cả mọi thành phần của nhân tính đều được xứng đáng tôn thờ như nhau, nhưng vào thời Thập Tự chinh, đã hình thành một việc tôn thờ các đặc biệt năm dấu thánh cùng những nơi mang dấu thánh này, cũng như Máu thánh, gương mặt và đầu của Đấng Cứu Độ đau khổ và Thánh Tâm của Ngài. Theo cách loại suy, các màu nhiệm về đời sống, cuộc khổ nạn và cái chết,… đều là đối tượng tôn thờ (culte de latrie). Lý do, tại sao những phần của nhân tính hay là những sự kiện của cuộc đời Đức Ki-tô được tôn trọng cách đặc biệt, nằm ở chỗ tình yêu cứu độ của Đức Ki-tô bộc lộ cách tỏ tường ở những nơi đó.

Theo nguyên tắc lý thuyết lẫn thực hành, nhân tính Đức Ki-tô đã được tôn thờ đúng như mạc khải Tân Ước, nhưng trong một hoàn cảnh nào đó, mạc khải tư xảy ra để lay tỉnh nhân tâm, thức tỉnh cả Giáo Hội. Mạc khải tư “tôn thờ Thánh Tâm” đến với Giáo Hội trong một hoàn cảnh luân lý suy đồi, lòng người tỏ ra bội nghĩa, vong ân trước tình yêu thương của Thiên Chúa.

Việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê-su chính là tôn thờ Ngôi Hai Thiên Chúa, tình yêu mà trái tim Chúa là biểu tượng cho tình yêu Thượng Đế, và là một ấn tượng tình yêu cao nhất (Ngài chịu cho trái tim mình bị mũi đòng đâm thâu qua, vì yêu thương nhân loại), đồng thời cũng nói lên sự tôn thờ toàn diện con người Đức Ki-tô (cả Ngôi Hai và thân xác Ngôi Hai mặc lấy). Đối tượng cụ thể là quả tim Chúa Giê-su như là thành phần thiết yếu của nhân tính Đức Ki-tô kết hợp với Ngôi Lời là chủ thể. Đối tượng toàn diện là Ngôi Lời làm người. Đối tượng mô thể là ưu phẩm vô cùng của Ngôi vị Thiên Chúa.

Trong cùng một chiều hướng đó, phải hiểu về việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê-su, cũng như các thương tích của Ngài. Việc tôn thờ Thánh Tâm không nhắm tới một quả tim vật chất, chẳng kể gì tới sự ngôi hiệp của trái tim ấy với Ngôi Lời Thiên Chúa; đúng hơn, khi tôn thờ trái tim Đức Ki-tô, chúng ta nhìn nhận rằng đó là quả tim của một Ngôi vị Thiên Chúa, tức là của Ngôi lời nhập thể. Và như vậy, trái tim đó diển đạt tất cả tình yêu mà Ngài đã và còn tiếp tục dành cho chúng ta. Thật vậy, khi sách thánh nói đến con tim, thì không hiểu về một trạng thái tình cảm mau qua, là điều có thể gây xúc động và rơi lệ. Sách Thánh nói về con tim, như chính Đức Giê-su đã làm chứng, để chỉ về Ngôi vị, tức là Ngôi vị mà trọn vẹn thực tại của nó, tức là cả hồn lẫn xác, hướng đến những gì mà nó coi là thiện hảo của mình: bởi kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó (Mt 6, 21). Chính vì thế, khi suy tưởng về trái tim của Chúa Giê-su, chúng ta khám phá ra sự chắc chắn của tình yêu Thiên Chúa và sự thật Ngài ban tặng chính mình cho chúng ta. Sự tôn sùng này thôi thúc con người đem cả trái tim mà tôn thờ Thiên Chúa, với trọn vẹn bản tính, cả hồn lẫn xác. Như vậy, đang khi khuyến khích việc tôn sùng Thánh Tâm, chúng ta không làm gì khác hơn là khuyến khích người ta qui hướng trọn vẹn bản thân mình, với tất cả con người mình – linh hồn, tình cảm, lời nói, việc làm, những lao nhọc và những niềm hân hoan – cho Chúa Giê-su toàn diện.

a. Nền tảng tín lý của việc phụng thờ này

Việc tôn thờ Thánh Tâm Giê-su Ki-tô, bị nhóm Jansenistes chống đối, đã xuất hiện từ phong trào thần bí của Đức vào thời Trung cổ. Chống lại sự chống đối của nhóm này, Đức Giáo Hoàng Pi-ô VI đã giải thích: Thánh Tâm Chúa Giê-su được tôn thờ không phải cách riêng lẻ hay bị tách biệt khỏi thiên tính, nhưng là Thánh Tâm của Ngôi vị Logos, mà Thánh Tâm kết hợp không bao giờ bị tách biệt.

b. Đối tượng tôn thờ
  • Đối tượng trực tiếp của việc tôn thờ Thánh Tâm – thành phần cơ bản của nhân tính được kết hợp cách ngôi hiệp, chứ không phải trái tim theo nghĩa ẩn dụ (= tình yêu). Điều này cho thấy sự khác biệt giữa ý kiến của nhóm Janseniste và bản văn phụng vụ trong ngày lễ Thánh Tâm.
  • Đối tượng tổng thể: chính là Ngôi Lời nhập thể, là thiên nhân Đức Ki-tô.
  • Đối tượng mô thức: chính là sự thiện hảo của Ngôi vị Thiên Chúa.
c. Mục đích việc tôn thờ này

Gợi lên tình yêu báo đáp, khuyến khích bắt chước thực tập những nhân đức mà Thánh Tâm mẫu gương (Mt 11,29), và để chuẩn bị việc đền bù xứng đáng những lỗi lầm xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa.[1]

2. Như thế, ta có thể thấy được lý do tại sao giữa những phần của thân thể nhân tính Đức Ki-tô, trái tim được tôn thờ cách đặc biệt. 

Chính Thánh Tâm là biểu trưng tình yêu cứu độ của Đức Ki-tô đối với nhân loại (Thánh tâm Chúa Giê-su, lò lửa mến của tình yêu – lời cầu trong kinh Thánh Tâm cứu độ). Theo ngôn ngữ Kinh Thánh thường dùng (Đnl 6,5; 10,12; 13,3; con người 2,2; 23,26; Mt 22, 37; Ga 16,6.22; Rm5,5). Trái tim là nơi phát xuất tư tưởng, ước muốn nội tâm, có ảnh hưởng bên ngoài. [2] Trái tim còn là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và lòng tin, giữa ân sủng và sự đón nhận của con người.[3]

Trong đời sống xã hội, trái tim tượng trưng cho toàn thể con người, cho tình yêu của con người.

Thánh Gio-an cũng thích dùng hình ảnh trái tim để diễn tả tình yêu và ân sủng của Đức Ki-tô:
  • "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống." (Ga 7:38-38).
  • Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (Ga 19:34-34).
  • Và, theo ý kiến bình dân, trái tim là vị trí của tình cảm, đặc biệt là tình yêu. Vì tình yêu là động lực của ơn Cứu độ (Ga 3,16; 1Ga4,9) thì bất cứ cơ quan nào của Đấng cứu độ đều được xem như biểu trưng cho tình yêu, đều xứng đáng được yêu thương và tôn thờ. Trái tim của Đức Giê-su là biểu trưng ơn cứu độ của Ngài và tương đối tương xứng nhất cho việc tôn thờ thánh chính thức của Giáo Hội. Vì tình yêu cứu độ của Đức Ki-tô được tỏ lộ trong khổ đau và cái chết, trong Thánh Thể, nên việc tôn thờ cuộc khổ nạn và việc tôn thờ bí tích Thánh Thể liên hệ chặt chẽ với việc tôn thờ Thánh Tâm. 

3. Đền tạ Thánh Tâm Đức Ki-tô


Thống hối để trở lại là đề tài của Kinh Thánh. Nhấn mạnh tới Đền tạ Thánh Tâm Đức Ki-tô tạo ra một ý lực, một phong trào thúc giục ta gia tăng việc đạo đức, việc hi sinh góp phần vào thập giá Đức Ki-tô đền bù tội của ta và của người khác.

4. An ủi Thánh Tâm Đức Ki-tô


Người ta chiêm ngắm cảnh đau khổ của Đức Ki-tô chịu trong vườn Cây Dầu và hình dung ra cảnh Đức Ki-tô đau khổ vì nhân loại phạm tội ngày càng nhiều. Vì thế, một ý nghĩa đạo dức nổi lên: làm việc lành để an ủi Chúa đau khổ.

5. Việc hiến dâng loài người cho Thánh Tâm


Theo nguyên tắc, việc hiến dâng chỉ có giá trị khi người ta có ý thức và tự nguyện. Dâng cả nhân loại trong khi nhiều người không đồng tình, hoặc không ý thức, thì điều đó chỉ là hình thức.

Việc dâng cả nhân loại cho Trái Tim Chúa Giê-su chỉ là một việc tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại và thúc giục tín hữu tự nguyện để mình thuộc về Chúa, sống theo ý Chúa.

6. Tôn thờ hình ảnh và di vật của Đức Ki-tô


Theo thánh Thomas, cần phải tôn thờ cách tương đối đối với hình ảnh và di vật của Đức Ki-tô, tỉ như Thánh giá thật. Lý do của sự tôn thờ này không nằm trong các đối tượng vật chất, nhưng trong Ngôi vị của Đức Ki-tô mà chúng phản ánh hay đã được dụng chạm tới Người. Việc thờ phụng này không tuyệt đối, mà là tương đối. Dù vậy, đây cũng là việc tôn thờ đích thực, chỉ vì cuối cùng cũng đến với Ngôi vị thiên linh của Đức Ki-tô (Sth III 25, 3 và 4).

IV. Tạm kết


Như thế, việc tôn thờ nhân tính Đức Ki-tô không chỉ đơn thuần là những hành vi bình dân của việc tách chia đơn vị Thiên Chúa. Lịch sử đã luận bàn, kiến giải và hướng dẫn phương cách để người ta biết nghiêng mình trước Thiên Chúa, trong những hành vi phượng tự.

Cũng trong lịch sử, chúng ta được nhìn lại những cuộc tranh luận khá gay gắt, có cả những cách nhìn nhận sai lạc khi bàn về việc tôn thờ nhân tính Đức Ki-tô.

Còn chúng ta, trong sự xác tín rằng sự tôn thờ phải dành cho Ngôi vị với toàn thể những gì thuộc tính của Ngôi vị đó: thiên tính và nhân tính. Nhân tính của Đức Ki-tô được tôn thờ là vì nhân tính của Thiên Chúa. Như thánh Athanasio đã viết, lý do của sự tôn thờ duy nhất dành cho Đức Ki-tô, đó là vì thể xác của Người đã được nâng lên thành thân xác của Thiên Chúa. Chúng ta thêm một lần khẳng quyết về thái độ và cung cách hành xử của mình, trong cách đối diện với Thiên Chúa. Amen. 
______________

[1] Xc các thông điệp Misserentissimus Redemptor – 1928, Cariatate Christi Compulsi – 1932 của Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI và Haurietis aquas – 1956 của Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII. 
[2] - Còn những gì từ miệng phát ra, là phát xuất tự đáy lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế (Mt 15, 18). 
  • Dân này tôn kính ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta (MC 7,6). 
  • Chúng tôi không nói hay cho mình để tự giới thiệu một lần nữa với anh em, nhưng cho anh em một cơ hội tự hào về chúng tôi, để anh em có thể trả lời cho những ai chỉ biết kiêu hãnh về những vẻ bề ngoài, chứ không phải về những gì trong tâm hồn. (2Cr 5, 12).
[3] - Nhưng người Do-thái chính hiệu là người Do-thái tận đáy lòng, phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật. Người như thế được Thiên Chúa chứ không phải người phàm khen ngợi (Rm 2,29-29). 
  • Tôi xin hỏi thêm: Phải chăng dân Ít-ra-en đã không hiểu? Trước hết, ông Mô-sê nói: Ta sẽ làm cho các ngươi ganh tị với một dân không đáng gọi là dân, tức giận một dân ngu đần(Rm 10:19-19). 
  • Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình(1 Tm 1:5-5).