Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

TẢN MẠN VỀ LỜI CHÚA TRONG SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH VÀ CHÂN DUNG NGƯỜI SỨ GIẢ LỜI CHÚA

Thời sự Thần học - Tháng 09/2008, tr. 104-131

Lm. Giuse Phêrô Lê Văn Chính


Chủ đề của Thượng Hội đồng sắp tới sẽ bàn về Lời Chúa và sứ mạng Giáo hội. Chúng tôi thử viết ít hàng tản mạn về việc phục vụ Lời Chúa của Giáo hội và vài hình ảnh tiêu biểu ghi nhận trong Sách Thánh . Ngày nay câu hỏi nhiều người tự hỏi là chứng từ và lời rao giảng của Giáo hội có còn cần thiết nữa không? Nhất là khi con người không ngừng đặt ra những giá trị mới cho cuộc sống, những giá trị hiện sinh, thực dụng như cuộc sống, hạnh phúc, cơm áo gạo tiền, bằng cấp, địa vị, của cải, thì những giá trị của Tin mừng xem ra như bị xếp hàng bét trong bậc thang những giá trị. 

Hơn nữa, bối cảnh của thế giới và xã hội đã có nhiều thay đổi. Thế giới đã trải qua giai đoạn Kitô giới Âu châu để bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa. Tiến trình thay đổi này đã diễn ra lần hồi từ thời Phục hưng khi xã hội Âu châu bắt đầu đi tìm lại nguồn cội văn hóa của họ, đã khám phá những nguồn cội văn hóa cổ thời truớc Kitô giáo, nhất là họ khám phá những nguồn cội văn minh hy lạp trong nhiều lãnh vực tư tưởng triết lý cũng như nghệ thuật. Người ta bắt đầu có những cái nhìn phê bình, có chiều kích lịch sử và khoa học hơn. Từ đó tâm thức của con người cũng thay đổi. Tư duy này bắt đầu đưa ra những giải thích thuần lý về thiên nhiên vũ trụ cũng như con người, nhờ đó khoa học phát triển đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại.

Chiều hướng phát triển theo hướng thế tục hóa là hệ luận của phong trào Phục hưng. Lần hồi những giá trị nhân sinh được đề cao. Con người trở nên là chuẩn mực cho chính mình. Những giá trị cao cả phải hướng về con người, đề cao con người là kẻ có vai trò điều khiển thế giới và làm chủ thiên nhiên nhằm phục vụ con người. Lần hồi những giá trị vĩnh cửu, siêu hình, đời sau bị đẩy lùi ra hậu trường những giá trị của con người. Hậu quả hiển nhiên của tiến trình này được phản ảnh rõ rệt qua những phương tiện truyền thông ngày nay. Người ta đã có thể nói một cách tự hào về những giá trị này như là những giá trị mới và là những giá trị cứu độ của con người. Một cách cụ thể, phần đông nhiều người đã đi tới chỗ phủ nhận một Đấng cứu thế và một Nước Trời xa xăm để theo đuổi những giá trị chắc chắn trong tầm tay mà con người đang khao khát tìm kiếm trong cuộc đời. Cứu độ phải chăng là có của cải thực dồi dào và hưởng thụ tối đa mọi phương tiện sung túc của cuộc sống trần thế? 

Vì thế chủ đề Lời Chúa và sứ mạng của Giáo hội sẽ giúp soi sáng lại những giá trị căn bản định hướng cho những hoạt động của Giáo hội cũng như của những nhà rao giảng phục vụ Lời Chúa. Giáo hội nắm giữ mầu nhiệm Đức Giêsu Đấng cứu độ nhân loại, và Giáo hội có sứ mạng công bố cho nhân loại Lời cứu độ của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Giáo hội phải làm chứng và rao giảng thế nào mầu nhiệm Đức Giêsu và ơn cứu độ Người ban tặng? thực sự làm chứng Nhưng để cho những con người ngày nay đón nhận Đấng cứu độ và sứ điệp của người cũng cần nói đến người sứ giả làm chứng về Người. Liệu con gnười ngày nay có thể tin vào sứ điệp nếu như người sứ giả không thực sự làm chứng cho điều mình rao giảng? Chúng tôi sẽ lần lượt đọc lại những chứng tá làm chứng và phục vụ cho Lời Chúa từ Cựu ước đến vai trò làm chứng của Giáo hội. 

1. LỜI CHÚA MỜI GỌI VÀ ĐƯỢC NHẬN THỨC: MỘT THỰC TẠI SIÊU VIỆT THU HÚT NGƯỜI SỨ GIẢ PHỤC VỤ CHO LỜI.

Chính trong lịch sử dân tộc Ítraen mà chúng ta tạm bắt đầu cảm nghiệm về thực tại Lời Chúa như một lời mời gọi thu hút con người. Chúng ta bắt đầu với tiên tri Samuel để lần hồi khám phá thực tại Lời Chúa. Người mẹ của tiên tri Samuen được xem như hình ảnh của những người nữ trong nhân loại và cũng là của nhân loại cách chung. Bà nhận thức một cách sắc bén về thân phận yếu hèn tủi nhục của mình và chạy đến nương nhờ Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của bà là xin cho được có con vì bà tin tưởng chỉ có Thiên Chúa mới cất đi tủi nhục của mình và không những thế, Thiên Chúa còn có thể làm cho những người kiêu căng thế lực khác phải tủi nhục do quyền năng Chúa thực hiện cho bà, một người phụ nữ bị người đời chê là hiếm hoi được có con. Lời cầu xin tin tưởng tha thiết và chân thành của bà được nhận lời. Và để tỏ lòng biết ơn, bà đã dâng chính người con của mình để phục vụ Chúa trong đền thờ. 

Như thế, nhờ sự dâng hiến can đảm của bà Anna mà Samuel ở trong đền thờ và học hỏi với thầy cả Hêli. Chính trong khung cảnh thánh thiêng của đền thờ, nơi Thiên Chúa hiện diện với con người mà Samuen nhận ra tiếng Chúa kêu gọi. Ba lần lời mời gọi đã vang lên nhưng Samuen không hiểu đó là tiếng Chúa cho đến khi được hướng dẫn bởi thầy cả Hêli, ông mới nhận thức được ơn gọi thần linh để đáp trả mau mắn. Có thể nói tường thuật này về ơn gọi đánh dấu một bước tiến trong nhận thức của con người trước Lời mời gọi của Thiên Chúa. Những tường thuật của sách Sáng thế ký đã cho thấy những hiểu biết của con người về Lời tạo dựng và ban sự sống đầy quyền năng của Thiên Chúa, tường thuật trong sách Samuen tiếp nối và đào sâu nhận thức này hơn nữa về thực tại huyền nhiệm này trong kinh nghiệm của những con người được tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa. Kinh nghiệm này diễn ra trong bối cảnh xã hội do thái đang ở giai đoạn thần chủ, các thầm phán và tiên tri thay mặt Chúa trực tiếp chăm sóc dân, đồng thời đây cũng là giai đoạn xã hội do thái sẽ tiến tới giai đoạn quân chủ đầu tiên với vua Saolê mà Samuen sẽ là người lãnh trách nhiệm phong vương. Trong giai đoạn của Samuen chăm sóc dân dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Chúa thì dân Chúa được bảo vệ khỏi những đe doạ tấn công của người Philitinh (Sm 7,1-15). Thế nhưng những người do thái bắt đầu đòi hỏi có vua giống như những dân tộc chung quanh. Hoàn cảnh này làm cho Samuen buồn, nhưng Thiên Chúa cũng chiều theo những đòi hỏi của dân Chúa được xem là chính đáng, nhưng cũng cho thấy dân Chúa phải chịu trách nhiệm về chọn lựa của mình khi từ chối sự chăm sóc trực tiếp của Chúa. Trả lời cho Samuen về đòi hỏi của dân Chúa, Thiên Chúa cho biết không phải dân Chúa từ chối Samuen nhưng là từ chối và bỏ chính Chúa là Đấng đã yêu thương và chăm sóc họ từ khi đưa họ ra khỏi Ai cập (1Sm 8.1-9). 

Tường thuật này cho thấy sự can thiệp của Chúa đối với dân qua những sứ giả của Chúa và việc con người lần hồi xây dựng xã hội theo những trào lưu của thế giới. Chọn lựa của dân Chúa chịu ảnh hưởng của những dân tộc chung quanh đang ở giai đoạn quân chủ thịnh hành. Thế nhưng theo nhận định của sách Samuen, dân Chúa quên ơn gọi riêng biệt của mình, khác biệt với những dân tộc khác. Và khi chạy theo cách sống của các dân tộc khác thì dân Chúa đã tự hạ giá mình và làm cho mình trở nên bất xứng. Về ơn gọi của Samuen là người được mời gọi phục vụ cho Chúa, kinh nghiệm này cho thấy chân dung của vị sứ giả. Lời mời gọi của Thiên Chúa đi trước nhận thức của người con người và sự đáp trả của người được mời gọi làm cho Thiên Chúa thực hiện thánh ý của Người đối với dân Chúa. Samuen đã là người sứ giả trung kiên và mẫu mực của Thiên Chúa. 

Tường thuật về ơn gọi của các tiên tri khác sau đó càng làm sáng tỏ kinh nghiệm được tiếp xúc với Thiên Chúa và được mời gọi làm sứ giả cho Lời thần linh. Dân Chúa đã trở nên một dân tộc được xây dựng trên cơ cấu pháp lý như những dân tộc khác, thế nhưng họ phải không ngừng đối diện với những hiểm họa ngoại xâm do bởi sự kiện có nhiều dân tộc khác hung mạnh hơn họ. Cơ cấu pháp lý của dân Chúa, mặc dù theo hình thức chung của các dân tộc khác, nhưng cũng dành một chỗ quan trọng cho việc tế tự và cho lề luật của Thiên Chúa. Mặc dù các vua là những người lãnh đạo dân Chúa, nhưng họ không quên chỉ có Chúa là chủ tể của họ, còn họ chỉ là những người nhận quyền hành do Chúa. Đời sống của dân Chúa được hướng dẫn bởi Lề luật của Chúa và tế tự là phương thức diễn tả lòng thần phục của con người đối với Chúa. Thế nhưng thực tại lịch sử cho thấy dân Chúa đã không luôn sống theo thánh ý Chúa, và theo lề luật Chúa mà họ đã theo thói thường, chạy theo những thần ngoại theo cách nói của Cựu ước, và những phương thức tế tự chỉ còn là cách con người trao đổi với Chúa mà thiếu những tâm tình hiếu thảo chân thực với Ngài. 

Về phần Thiên Chúa, trong hoàn cảnh thay đổi của xã hội dân Chúa, vẫn không ngừng mời gọi các sứ giả của Chúa hiện diện với dân và nói Lời Chúa cho toàn dân. Các tiên tri làm chứng cho thực tại Lời Chúa, không ngừng mời gọi và thôi thúc các ngài làm chứng cho lờng thành tín yêu thương của Chúa đối với dân. Các tiên tri cho thấy cảm nghiệm về Lời Chúa như thực tại siêu việt nơi Thiên Chúa, diễn tả ý muốn của Thiên Chúa, tiên báo mọi thực tại vị lai diễn ra trong lịch sử và ban sự sống cho những ai bước theo Lời này. Hơn nữa, kinh nghiệm của các tiên tri còn làm chứng cho việc con người được tiếp xúc với Thiên Chúa. Cảm nghiệm của các ngài cho thấy sự thánh thiện ngàn trùng của Thiên Chúa, vinh quang mạnh mẽ của Ngài, đồng thời cũng cho thấy đường lối của Thiên Chúa muốn nâng đỡ dân Chúa qua các sứ giả được trao trách nhiệm nói Lời Chúa cho toàn dân. 

Trong thị kiến được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, tiên tri Isaia đã nhận thức sự thánh thiện và vinh quang lớn lao của Thiên Chúa. Trước Thiên Chúa chí thánh, Isaia thấy thân phận của mình thật bất xứng, nhất là nhận thức môi miệng của mình dơ bẩn. Nhưng Isaia cũng cho biết kinh nghiệm được thánh hóa mạnh mẽ bởi Thiên Chúa qua hình ảnh một thiên thần gắp cục than nóng cháy từ bàn thờ Thiên Chúa đặt vào môi miệng ông. Từ đó ông đưọc biến đổi hoàn toàn, trở nên trong sạch, xứng đáng và can đảm tuyên bố sẵn sàng nhận làm sứ giả rao giảng Lời Chúa (Is 6,8). Kinh nghiệm ơn gọi của tiên tri Isaia là kinh nghiệm thân phận tội lỗi của mình, đồng thời cũng là kinh nghiệm của một tâm hồn được thu hút và thiêu đốt bởi sức mạnh thánh hóa hiệu quả của Thiên Chúa để trở nên sứ giả công bố Lời thần linh. 

Các tiên tri Giêrêmia và Êdêkien đều có tường thuật những kinh nghiệm được mời gọi phục vụ Lời Chúa. Qua thị kiến, các ngài được tiếp xúc với Thiên Chúa và được kêu gọi để phục vụ cho Lời Chúa. Các ngài được nhắc nhở và nhấn mạnh là được sai đi để nói và phải nói Lời Chúa cho đoàn dân. Thị kiến của các ngài tường thuật việc được Chúa chạm đến môi miệng như trường hợp của Giêrêmia để thánh hóa và sai ông đi loan báo Lời Chúa (Gr 1,4-10); hoặc được mời gọi phải nuốt một cuốn sách ghi chép mọi sự kiện như trường hợp của Êdêkien, và cảm nếm vị ngọt của sách trong môi miệng mình để được trao phó sứ mạng nói Lời Chúa. Để chu toàn sứ mạng cao cả và khó khăn này, Thiên Chúa cũng làm cho các ngài trở nên những con người mạnh mẽ vững vàng để có thể trung thành và vững mạnh trong sứ vụ được trao phó. Chúa làm cho Giêrêmia nên người xây dựng vun trồng và phá đổ, làm cho Edêkien nên con người mặt dày mày dạn, chai như đá để có thể vững vàng không chút dao động trước mọi chống đối khi phải nói Lời Chúa (Ed 1-3). 

Kinh nghiệm của Samuen làm sáng tỏ thêm về chiều kích nhận thức của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Lời mời gọi của Thiên Chúa đi trước nhận thức của con người là kẻ lần hồi nhận ra được lời mời gọi thiêng liêng lãnh nhận một ơn gọi siêu việt. Trong khi đó kinh nghiệm của Isaia, Giêrêmia và Êdêkien cho thấy các sứ giả là những người được kêu gọi cách đặc biệt và được ban sức mạnh thần linh để phục vụ cho Lời Chúa. Qua những ơn gọi được tường thuật này, người sứ giả nhận thức lãnh nhận một trọng trách lớn lao làm trung gian, làm người chuyển tải thánh ý Thiên Chúa cho mọi người. Thánh ý Thiên Chúa cũng chính là lời Chúa, Lời sức mạnh, lời sự sống mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho con người, để nhờ nhận biết lời thần linh này, con người đón nhận được sự sống của Thiên Chúa.

Qua những ơn gọi các tiên tri, nét nổi bật nơi các ngài là hình ảnh những người sứ giả mạnh mẽ, chu toàn sứ mạnh phục vụ Lời Chúa luôn quan tâm và muốn hướng dẫn con người trong những bước đi lịch sử của họ. Các tiên tri đã là những sứ giả nhiệt thành và trung tín của Thiên Chúa, đã chấp nhận nhiều thử thách đau khổ, chống đối trong những hoàn cảnh thực khó khăn, ngay cả phải trả giá bằng cái chết tử đạo. Nhưng nhờ đó mà sức mạnh của Thiên Chúa lại thể hiện nơi sự yếu đuối của các ngài, và biểu lộ sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa đối với dân, dù những bất trung thất tín của họ. Quả thực, các tiên tri đã đồng hành cùng dân Chúa qua những chặng lịch sử thăng trầm, từ khi ra khỏi Ai cập với vai trò lãnh đạo của Môisen cho đến những thời kỳ các thẩm phán, rồi thời kỳ quân chủ thịnh vượng, các tiên tri đã không ngừng nhắc nhở dân Chúa về những nguy cơ lạc xa đường lối của Thiên Chúa. Nhất là vào giai đoạn phải đi lưu đày, các tiên tri luôn là những người đồng hành với dân Chúa. Các ngài nói lên những lời an ủi của Thiên Chúa đối với dân Chúa: dù phải sống trong cảnh lưu đày, Thiên Chúa vẫn nhớ đến dân Người , dân mà Chúa đã yêu mến tuyển chọn và huấn luyện, và nhất là các tiên tri loan báo lời hứa cứu độ giải thoát. Thiên Chúa sẽ đưa đoàn dân trở về và xây dựng lại đất nước của họ. Trong những lời hứa cứu độ, các tiên tri lần hối nói đến một Đấng Cứu thế, Đấng Mêsia sẽ thực hiện một cuộc giải thoát triệt để, giai đoạn mà Thiên Chúa sẽ phục hồi lại mọi sự, đổi mới tâm hồn con người, và nhất là đổi mới giao ước, một giao ước mới cùng với một thần trí mới là thần trí của Thiên Chúa được ban cho mọi người (Ed 36,23-28).

Như thế, lịch sử cứu độ cho thấy những hậu quả của những chọn lựa của con người. Những chọn lựa này là chiều hướng tất yếu của lịch sử tính của dân Chúa, phát triển như những dân tộc khác. Trong lịch sử của mình, dân Chúa đã kinh nghiệm những giai đoạn thống nhất, những giai đoạn phát triển thịnh vượng, cũng như những giai đoạn phải chịu lưu đày nhục nhã. Có một hệ luận thực sự giữa đời sống luân lý của dân Chúa với những hậu quả chính trị mà họ phải chịu trong lịch sử. Lưu đày tủi nhục là hệ luận của một thời kỳ thịnh vượng sung túc đã làm cho nhiều tâm hồn lạc xa khỏi con đường ngay chính để chạy theo những chiều hướng tiêu thụ sa hoa của thời đại, với những lối sống ích kỷ, trụy lạc. Ngược lại, xuyên qua những thăng trầm, Thiên Chúa luôn thương xót và cứu giúp để giải thoát, phục hồi và tái thiết dân Chúa. Lời Chúa không ngừng hứa hẹn một giao ước mới, một thời kỳ thái bình, khi mà Thiên Chúa ban tràn trề Thần khí xuống cho mọi tâm hồn.

2. LỜI CHÚA ĐƯỢC THỰC HIỆN: LÀM CHỨNG VỀ ĐỨC GIÊSU VÀ VỀ NƯỚC CHÚA 

Ở Tân Ước, Lời Chúa không còn là một thực tại lôi cuốn thu hút vị tiên tri và sai ông đi làm chứn nhưng còn chính là lời dấn thân vào trong lịch sử con người. Lịch sử con người không chỉ là nơi con người vật lộn với những khó khăn sinh tồn mà Thiên Chúa thánh thiện siêu việt quan phòng hướng dẫn nhưng Ngài còn dấn thân thực sự vào trong thế giới này mà vai trò của các tiên tri nhằm hướng dẫn con người đón nhận biến cố trọng đại này. Gioan là nhân vật bản lề trong việc loan báo cho sự kiện trọng đại của lịc sử nhân loại được Thiên Chúa viếng thăm và chia sẻ đời sống con người. Sứ mạng của ông quan trọng ở chỗ ông là người loan báo cho chính Lời nhập thể, Đấng cứu thế, giai đoạn quyết định của lịch sử mà nhân loại phải chuẩn bị đế đáp trả được cho sự can thiệp mạnh mẽ chung cuộc của Thiên Chúa. Những tường thuật của Phúc âm Luca về việc truyền tin cho Zakaria làm cho chúng ta tham dự vào một giai đoạn mới của lịch sử, giai đoạn hoàn tất những lời hứa cũng như những chờ đợi của Giao ước Thiên Chúa với dân Người. Cũng như trường hợp của Anna mẹ của Samuen, cặp vợ chồng của Zakaria và Êlizabét là hình ảnh những cặp vợ chồng khác trong nhân loại, một cặp vợ chồng mang những ưu tư và hoài bão của những cặp vợ chồng khác từ cặp vợ chồng đầu tiên là Ađam và Evà mà họ cảm thấy than phận mình đầy những thiếu sót, cần nhờ đến long thương xót của Thiên Chúa. Hoàn cảnh cụ thể của Zakaria và Êlisabét là những người đã cao niên mà chưa có con, và Êlizabét luôn mang nổi tủi nhục với mọi người. Thế nhưng Zakaria và Êlizabét lại là cặp vợ chồng được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt, vì họ thuộc về thành phần những người nghèo của Thiên Chúa, những người luôn đặt long tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa là Đấng giải thoát. 

Việc sứ thần đến truyền tin cho Zakaria trong đền thờ là dấu Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của ho, như lời sứ thần nói: “Này ông Zakaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin”. Hơn nữa, đây còn là dấu chỉ Thiên Chúa nhận những lời cầu nguyện của dân Chúa. Những lời cầu nguyện và của lễ của Đền thờ giờ đây được Thiên Chúa vui nhận, giai đoạn huấn luyện và chờ đợi đã hoàn tất. Dấu chỉ của việc Thiên Chúa ưng nhận những lời cầu nguyện và lễ vật của dân Chúa là việc Êlizabét mang thai và sinh con trong lúc tuổi già. Dân Chúa cũng như nhân loại cần đón nhận dấu chỉ của việc Thiên Chúa thực hiện. Những hoài bảo của nhân loại, những đau khổ của con người, những vấn đề nhân sinh được giải quyết tận gốc rễ, không phải bằng những binh đoàn hung mạnh của quân đội, hoặc những phát minh khoa học rung động, nhưng là bằng sự sinh hạ của một người nữ, một người nữ được Thiên Chúa yêu thương, được Thánh Thần thăm viếng và nhận được niềm vui tuôn tràn của Thánh Thần và đón nhận hồng ân sự sống từ Thiên Chúa, dấu chỉ sự sống phát sinh từ nơi con người cảm thấy bế tắc (x.Lc 1,5-25). 

Gioan là kết quả và cũng là dấu chứng của giao ước giữa Thiên Chúa với con người. Phía Thiên Chúa, Ngài tỏ mình là Thiên Chúa yêu thương và thành tín, phần con người là dân được Thiên Chúa yêu thương, được thể hiện qua những lời ca tụng của Zakaria: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của Itraen, đã viếng thăm và cứu chuộc dân người. Từ dòng dõi trung thần Đavits, Người đã cho xuất hiện Vị cứu tinh quyền thế để giúp ta, như người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu, là ngôn sứ của Đấng Tối cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,67-79). Cảm nghiệm này về tình thương của Thiên Chúa đối với dân Chúa không phải là suy tư trừu tượng hay triết lý, nhưng là cảm nghiệm của người đã thực sự sống và cảm nghiệm tương quan thân mật với Thiên Chúa. Thiên Chúa của tổ tiên chúng ta không phải là Thiên Chúa xa lạ nhưng gần gũi. Nhất là ý tưởng cụ thể về một Thên Chúa giải phóng dân Chúa khỏi tay địch thù. Từ ý tưởng giải phóng có chiều hướng chính trị đến giải thoát khỏi mọi tội lỗi và dẫn đưa đến sự sống bình an là tâm điểm của chương trình Thiên Chúa thực hiện mà hài nhi Gioan là người sứ giả loan báo. Niềm vui của Zakaria là thấy được chương trình của Thiên Chúa mà con trai của ông được vinh dự góp phần vào chương trình này.

Những tường thuật của thánh Luca đặt song đối giữa việc truyền tin, sinh hạ, và lời rao giảng của Gioan với Chúa Giêsu càng làm nổi bật hình ảnh của Gioan, người rao giảng và phục vụ cho Đấng cứu thế chính là Lời nhập thể “Này ông Zakaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Elzabet vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ong sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ lên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu hồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy thánh thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Itraen về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Em sẽ đi trước mặt Người, đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ Elia, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngổ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”(Lc 1, 13-17)

Điều đáng ngạc nhiên là vị sứ giả của Lời nhập thể cũng là một con người được thánh hiến nagy từ khi còn trong lòng mẹ, tràn đầy sức mạnh Thánh Thần, và được trao phó một sứ mạng chuyên biệt nhằm thi hành sứ mạng làm tiền hô cho Chúa Cứu Thế. Trình bày của Thánh Luca không ngần ngại nói về Gioan qua lời của sứ thần truyền tin như con người đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ làm cho chúng ta tham dự vào một sự kiện trọng đại của lịch sử. Đó là lúc mà Thiên Chúa viếng thăm và vị sứ giả sẽ là một con người mạnh mẽ để chuẩn bị dân tiếp đón Thiên Chúa viếng thăm.

Gioan đã luôn tỏ ra là con người ý thức mạnh mẽ sứ mạng được trao phó, và đã trung thành chu toàn sứ vụ cho đến cái chết oai hùng của một người chứng bất khuất, không lùi bước trước bất cứ sức mạnh nào. Gioan khai mào một trào lưu thanh tẩy để chuẩn bị tâm hồn con người bước vào giai đoạn của thời đại Đấng cứu thế. Sứ điệp thống hối của ông xác định những việc làm cụ thể diễn tả hành vi thống hối và nhấn mạnh Đấng cứu thế sắp đến và mời gọi mọi người phải chuẩn bị tâm hồn của mình cho xứng đáng với thời đại của Đấng Cứu thế. Việc thống hối, chuẩn bị tâm hồn này cốt yếu ở việc chu toàn cách ngay thẳng công việc của mình, nhất là thực hành đức ái, chia sẻ của cải với những người túng thiếu: ‘Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11-14). Đối với những người thi hành những chức vụ công cộng, ông mời gọi họ hãy cẩn thận thi hành công việc được trao phó cách ngay thẳng, công bằng, không tham ô hối lộ, không hà hiếp người khác. 

Chứng tá của Gioan tẩy giả được xem là gương mẫu của những người rao giảng Lời Chúa. Nét nổi bật trong lời rao giảng của ông là nhấn mạnh sự khác biệt giữa mình và Đấng cứu thế. Đấng cứu thế là một con người mầu nhiệm, đầy tràn Thánh Thần, làm phép rửa trong Thánh Thần, và được nhận biết trong những dấu chỉ sung mãn của Thánh Thần. Ngoài ra Gioan luôn là một chứng từ trong sáng, một ngọn đền cháy sáng, mạnh mẽ trong đời sống, không chút mập mờ trong chứng từ của mình, ngay cả giới thiệu các môn đệ của mình cho Chúa Cứu thế: “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh emtrong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3.16-17).

Điểm giới hạn của ông là còn quan niệm một Thiên Chúa công thẳng và thời đại Đấng cứu thế là thời kỳ xét xử nghiêm khắc. Những giới hạn này sẽ được chính Chúa Giêsu làm chứng cho ông và mời gọi ông nhận ra qua những dấu chỉ Nước Thiên Chúa và Đấng cứu thế qua những công việc mà Đức Giêsu thực hiện cho dân chúng. Như thế, Gioan còn là hình ảnh của những sứ giả của Lời Chúa. Họ không ngừng được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa, đồng thời cũng phải có đời sống trong sáng, nhất là không ngừng học hỏi để có thể hiểu biết về Đấng cứu thế hơn, về Lời Chúa hơn nữa. Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa luôn có nhiều cách hiện diện bất ngờ, siêu việt và nội tại, thánh thiện và gần gủi, mạnh mẽ và đòi hỏi nhưng cũng rất bao dung và nhân từ, có thể đến với con người và làm người, có thể làm bạn với người thu thuế tội lỗi. Rất thường khi, người sứ giả của Lời Chúa làm đã sẵn có một quan niệm nào đó về Thiên Chúa mà không ăn hợp với Lời nhập thể. 

Trong cái nhìn của các Phúc âm, có tầm vóc rộng lớn bao quát và hoàn tất. Sự kiện nhập thể của Con Thiên Chúa đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử dân Chúa và thế giới. Các tác giả Tin mừng đều nhấn mạnh khía cạnh này ngay từ đầu Phúc âm. Hai bài gia phả của phúc âm Matthêu và Luca cũng như lời tựa Phúc âm của Gioan đều cho thấy viễn tượng cứu độ này. Nhân loại chìm ngập trong sự chết được Thiên Chúa viếng thăm và cứu độ. Đây là sự kiện hoàn tất bởi lịch sử nhân loại có ý nghĩa và định hướng bởi thánh ý quan phòng của Thiên Chúa. Lịch sử này không phải là một lịch sử phiêu dạt vô định của một định mệnh mù quáng tất định, nhưng được hướng dẫn bởi ân sủng Thiên Chúa trên những con người mang dấu vết tội lỗi được Thiên Chúa yêu thương tha thứ. Mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa được liên kết với lịch sử của dân Chúa và lịch sử của toàn nhân loại, đi ngược lên không chỉ tới Abraham mà còn tới Ađam, và mang đầy dấu ấn của những con người đã sống trong lịch sử đó, và đã cố gắng nối kết mình với Thiên Chúa bằng đời sống đức tin cũng như những yếu hèn của mình. Phúc âm Matthêu nhấn mạnh nhiều khía cạnh hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa đối với Israen và Đấng cứu thế, con Thiên Chúa nhập thể thực sự thuộc về gia đình nhân loại, cắm rễ sâu trong gia tộc Đavít thuộc chi tộc Giuđa, trong khi đó Phúc âm Luca lại trình bày việc Con Thiên Chúa nhập thể với một viễn tượng lớn hơn trong bối cảnh toàn thể nhân loại. Đấng cứu thế, Con Thiên Chúa thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất phát xuất từ chính Thiên Chúa là Cha của nguyên tổ loài người là Ađam. Trong khi đó Phúc âm Gioan suy niệm nhiều về chân dung của Đấng cứu thế vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa tiền hữu vĩnh cửu, đầy ân sủng và chân lý, tự hạ đến trong gia đình nhân loại với con người để những ai tin người Con này thì được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. 

3. LỜI CHÚA NHẬP THỂ Ở VỚI CON NGƯỜI: CHÚA GIÊSU, NGƯỜI RAO GIẢNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA VÀ NƯỚC THIÊN CHÚA. 

Chúa Giêsu không chỉ là người sứ giả phục vụ cho Lời Chúa mà còn chính là Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Người là chính Thiên Chúa, và là sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu không chỉ là sứ giả rao giảng và làm chứng cho Lời Chúa, mà còn mời gọi mọi người đón nhận Lời Người, đón nhận chính Người, tin vào Người. Tin và tiếp nhận Người là tiếp nhận Cha, bởi vì Người là Con của Cha, được Cha sai đến, làm những công việc của Cha và nói Lời Cha, bởi vì Người không ngừng hợp nhất với Cha, làm một với Cha. Không tin nhận Người là không biết và không yêu mến Chúa Cha. Chúa Giêsu nhiều lần nhấn mạnh lòng tin vào chính bản thân Người là nguồn mạch sự sống đời đời (Ga 10,1-42). 

Phúc âm Mat thêu trình bày sự kiện nhập thể của con Thiên Chúa theo viễn tượng của Cựu ước với câu chuyện ba vua thăm viếng và thánh gia thất pahir lên đường lánh nạn qua Ai cập nhằm nói lên chiều hướng hoàn tất những lời tiên báo của các tiên tri. Chiều hướng hoàn tất này là một khám phá vui mừng trong đức tin tông đồ về Tin mừng cứu độ được thực hiện nơi Đức Giêsu Nazaret cho dân Chúa chọn là Israen. Đấng cứu thế được loan báo đã thực sự ứng nghiệm: các dân tộc xa xôi đã đến thờ lạy Đấng cứu thế và nhìn nhận vương quyền của Người. Phuc âm Luca trình bày sự kiện nhập thể với bối ảnh kiểm tra dân số, cùng với khía cạnh tương phản giữa những sưc mạnh trần gian và sự yếu đuối của Đấng cứu thế, niềm hy vọng của nhân loại. Việc nhập thể này biểu lộ dưới những biểu hiện bé nhỏ, khiêm nhường, nhưng lại là vinh quang của Thiên Chúa và niềm vui cho những người được Thiên Chúa yêu thương. Sự kiện Giuse và Maria phải trở về nguyên quán để làm sổ kiểm tra dân số cho thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa để thực hiện thánh ý cứu độ trong những thăng trầm của lịch sử con người. Trong lòng lịch sử nhân loại đầy biến động, một cặp vợ chồng âm thầm cưu mang hoài bảo của nhân loại. Vai trò của gia đình gồm người nam và người nữ được Thiên Chúa mời gọi cộng tác để đón tiếp Đấng cứu thế vào trong thế giới con người. Maria, người nữ đã sinh một tre thơ vấn tã và đặt trong máng cỏ là một sự kiện trọng đại của nhân loại được cứu độ.

Khía cạnh được các tông đồ rao giảng và ghi nhận, đó là với Chúa Giêsu, thời kỳ hy vọng và chờ đợi đã hoàn tất. Giai đoạn thực hiện lới hứa đã được khai mạc. Mọi lời hứa trong Cựu ước được đọc lại và giải thích qui về Đức Giêsu Nazarét. Chúa Giêsu đầy tràn Thần khí, luôn được Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn, đã khai mạc Nước trời, thời kỳ ân sủng, năm hồng ân. Người không những đầy tràn Thần khí mà còn luôn hiệp nhất với Thần khí trong lời cầu nguyện, trong những cố gắng chiến đấu chống lại những cám dỗ không ngừng tấn công Người. Người không những rao giảng mà còn thực hiện những phép lạ cho những người đui mù tàn tật làm chứng cho lời công bố của Người và làm chứng cho Nước Trời Người rao giảng và khai mạc (Lc 4,14-20). 

Khía cạnh khác nữa được các tông đồ ghi nhận là Người rao giảng đầy uy quyền khiến dân chúng đi theo Người đông đảo (Mt 14,13). Lời và cách rao giảng của Người không như những kinh sư và luật sĩ, và dân chúng phải kinh ngạc về giáo huấn (Mt 7,28) và những phép lạ Người làm (Mt 9,33;22,33). Nhiều lần các tông đồ ghi nhận lời nhìn nhận của các môn đệ khi chứng kiến các phép lạ Chúa làm: “người này quả thật là Con Thiên Chúa” (Mt 14,33). Đồng thời các tông đồ làm chứng về Chúa Giêsu như một con người với những tâm tình khó nghèo, khiêm nhường, yêu thương chân thực, một nhà rao giảng không mệt mõi, siêng năng đi khắp các làng mạc và thành thị, rao giảng trong các hội đường những người do thái, như một người chăn chiên tốt lành, như một thầy thuốc cần thiết cho bệnh nhân (Mt 9,35). 

Sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng giới thiệu Nước Thiên Chúa dưới hình thức những dụ ngôn nhằm mời gọi mọi người suy nghĩ . Cùng một thực tại Nước Trời nhưng được giới thiệu qua nhiều dụ ngôn khác nhau rút ra từ những hình ảnh phong phú trong đời sống. Những hình ảnh đa dạng từ lãnh vực nông nghiệp như người gieo giống, hạt giống nảy mầm, mùa màng, viên ngọc quí, kho tàng chôn dấu trong ruộng, cho đến những lãnh vực khác thuộc đời sống xã hội con người như người chủ nhà, gia nhân, kẻ trộm, kẻ thù, người làm vườn, ông vua lâm chiến vv…. Sứ điệp của các dụ ngôn Nước Trời mời gọi mọi người suy nghĩ, chọn lựa và hành động cách quyết liệt ngay từ trong đời sống trần thế như phải chuẩn bị mảnh đất tâm hồn mình để Lời Chúa lớn lên và sinh hiệu quả, phải dám bỏ tất cả để chiếm đoạt cho được kho tàng Nước Trời vốn là một thực tại quan trọng bắt đầu hiện diện, đồng thời cũng cho thấy thân phận con người vừa cao cả mà cũng vừa bé nhỏ, vừa được mời gọi vừa vươn tới những thực tại thần linh cao cả vừa phải chịu xét xử và luận phạt cũng như sa thải nặng nề. Hình ảnh chiếc lýới cá chụp xuống bắt mọi con cá và người ngư phủ lượm cá tốt và loại cá xấu là hình ảnh nói lên sự xét xử và thưởng phạt chung cuộc sẽ phân định đời sống con người sau này. 

Sứ điệp này còn nhấn mạnh đến chiều kích nội tâm của việc thi hành lề luật là điểm trọng tâm của người do thái. Lề luật được nội tâm hóa cách triệt để hơn khi được qui chiếu về hai chuẩn mực là Thiên Chúa và tha nhân. Cầu nguyện, bố thí, ăn chay không nhằm đánh trống khua chiêng cho người khác khen ngợi nhưng là làm cách kín đáo là điều kiện cần thiết để Cha trên trời là Đấng thấu suốt mọi sự, ban thưởng cho những người thực hành những việc đạo đức này. Những giới răn như chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ làm chứng gian được đòi hỏi tôn trọng triệt để tôn trọng người khác ngay từ trong tư tưởng lời nói thực trong sáng của chính mình. Và đó chính là sự công chính mới mà mức độ hoàn hảo căn cứ trên sự hoàn hảo đầy thánh thiện và tình yêu của Cha trên trời. Trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng chí công xa cách, nhưng là Cha nhân từ, gần gủi thấu suốt mọi nhu cầu của từng người và không ngừng chăm sóc yêu thương từng người cũng như mời gọi họ tin tưởng phó thác cho người (x.Mt 5-7). 

Chúa Giêsu không chỉ là người rao giảng, người còn sống cuộc đời con người trọn vẹn trong tâm tình gắn bó tin tưởng của người Con của Cha, qua đó mạc khải cũng như dẫn con người đi vào trong tương quan sự sống thân tình với Thiên Chúa. Chúa Giêsu trở nên gương mẫu cho các môn đệ trong thái độ sống tin tưởng phó thác cho Chúa Cha, sống yêu thương phục vụ hết mọi người. Nét nổi bật được các Phúc âm trình bày là Người tiên báo về cuộc thương khó và mời gọi các môn đệ đón nhận thập giá. Người có thái độ rất cương quyết đón nhận thập giá và quyết định đi Giêrusalem là nơi Người sẽ bị bắt và bị giết để hoàn tất mầu nhiệm thương khó mà Người nhìn thấy như là chu toàn và hoàn tất thánh ý yêu thương của Cha (Mt 16,21-28). Cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu hoàn tất những điều Người rao giảng. Đó là cái chết hiến tế vì tình yêu trọn vẹn đối với Cha và đối với mọi người như đã được Người loan báo trong bữa tiệc ly khi Người thiết lập Thánh Thể như tưởng niệm cho cái chết hiến tế của Người (x. Ga 13-14).

4. LỜI CHÚA ĐƯỢC RAO GIẢNG VÀ LÀM CHỨNG: CÁC TÔNG ĐỒ ƯU TIÊN CHO VIỆC RAO GIẢNG MẦU NHIỆM CHÚA GIÊSU. 

Với các tông đồ, Giáo hội bước vào giai đoạn mới rao giảng và làm chứng về Chúa Giêsu và cuộc tử nạn thương khó và phục sinh vinh hiển hoàn tất công trình cứu độ cứu độ của Người. Trong đức tin, các tông đồ lại khám phá chiều kích cứu độ của cuộc Vượt qua đẩm máu của Thầy Giêsu, Con Thiên Chúa. Hơn nữa, được đón nhận sức mạnh của Đấng Phục sinh và Thần khí của Người, các ngài xác tín và trở nên những nhân chứng rao giảng về mầu nhiệm thương khó Phục sinh của thầy chí thánh của mình. Đức Giêsu Nazarét chính là Đấng cứu thế mà muôn dân mong đợi, và ơn cứu độ là sự tha thứ và sự sống mới mà Thiên Chúa ban tặng nhờ cái chết của người Con Thiên Chúa này. Viễn tượng mới này là ơn thông hiểu mà các tông đồ nhận được nhờ Thánh Thần của Đấng Phục sinh. Thánh Phêrô và nhóm các tông đồ và môn đệ hợp nhất với Phêrô nhận thức mạnh mẽ trách nhiệm đã được Chúa Giêsu trao phó khi Người còn ở với các ông: phải làm chứng về Đức Giêsu cho thế giới, phải rao giảng cho nhân loại và làm cho mọi người nên môn đệ của Đức Giêsu (Mt 28,18-19). Các ngài đã hình thành nên một nhóm hiệp nhất, qui tụ với nhau trong lời cầu nguyện cùng với sự hiện diện của những người phụ nữ khác và Đức Maria cũng như một số anh em của Chúa Giêsu (Cv 1, 12-14) . 

Theo tường thuật của sách Công vụ, các tông đồ, gồm có thánh Phêrô và khoảng 120 anh em có mặt đang tụ họp ở Giêrusalem, nhận thức cần phải nhanh chóng rao giảng danh Giêsu cho những đồng bào do thái của mình, các ngài quyết định chọn người thay thế Giuđa. Nhận thức này nhấn mạnh việc lựa chọn này nhằm bổ túc cho sự vắng mặt của Giuđa trong công việc phục vụ của các tông đồ là trở nên người chứng cho Chúa Giêsu, nhất là những chứng nhân trực tiếp của Đức Giêsu từ giai đoạn Người chịu Phép rửa cho tới khi Người chịu khổ nạn. Vì thế, thánh Phêrô đã mạnh mẽ mời gọi các anh em chọn lựa người thay thế Giuđa để đảm trách công việc rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu: “Vậy trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có một người trở thành nhân chứng cùng với chúng tôi để làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,15-26). 

Bài giảng của thánh Phêrô nhân ngày lễ Ngũ Tuần đã trở nên định hướng của việc rao giảng của Giáo hội. Đó là rao giảng về mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh ban ơn cứu độ của Đức Giêsu. Các ngài nhận thức phải rao giảng mầu nhiệm này vì đây là việc thực hiện chung cuộc và hoàn tất của mọi lời hứa của Thiên Chúa cho toàn dân qua các tổ phụ qua các tiên tri. Đức Giêsu chính là Đấng Cứu thế, là Chúa và là Đức Kitô mà muôn dân mong đợi: “Thưa đồng bào Ítraen, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Ngươì, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dung bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khói những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.(…) Vậy toàn thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh en đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,22-24.36). 

Trong nhiều công việc tổ chức cho giáo đoàn, các tông đồ còn nhận thức là các ngài phải ưu tiên cho việc rao giảng Lời Chúa, và vì thế cần phải thiết lập các phó tế để phụ trách chuyên biệt những công việc phục vụ trong cộng đoàn, nhất là phục vụ trong việc phân phát lýơng thực hằng ngày để tránh không để cho thành phần nào phải thiệt thòi, nhất là các anh em Kitô hữu theo văn hóa hy lạp và các bà góa, phần các ngài thì chuyên tâm rao giảng Lời Chúa. Vì thế, nhóm mười hai đã triệu tập các môn đệ và tổ chức việc tuyển chọn các phó tế: “Thưa anh em, anh emhãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần khí và khôn ngoan, chúng tôi sẽ cắt đặt hò làm công viec đó. Còn chúng tôi , chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,1-7). 

Không chỉ các tông đồ và môn đệ là những người rao giảng phục vụ Lời Chúa mà chính các kitô hữu cũng là những chứng nhân của Chúa Kitô theo cách thế của họ. Sự kiện phân tán bắt buộc do những bắt bớ của người do thái đối với các kitô hữu ở Giêrusalem, trong đó có hoạt động bắt bớ của Phaolô, có tên là Saolô, mà các kitô hữu phải phân tán về các miền quê ở Giuđê và Samaria. Nhờ đó chính các kitô hữu góp phần rao giảng và làm chứng về Chúa Giêsu bằng đời sống của mình. không những cho các an hem do thái mà còn cho những lýơng dân. Trong khi đó các tông đồ và môn đệ bắt đầu rao giảng dựa vào sức mạnh Thánh Thần về mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh của Đức Giêsu. Phó tế Philípphê bắt đầu hoạt động mạnh mẽ ở miền Samaria, rao giảng và làm phép lạ lôi cuốn nhiều người trong thành tin theo (Cv 8,1-8). Hoạt động làm chứng về Chúa Kitô của các Kitô hữu phân tán không chỉ dừng lại ở các miền quê Giuđêa và Samaria mà còn lan tận đến miền Phênixia, đảo Sýp và thành Antiôkhia là những nơi có nhiều lýơng dân. Trong nhóm những kitô hữu phân tán này vốn có những người gốc thuộc đảo Sýp và Kyrênê, chính họ lại trở nên những người rao giảng lời Chúa cho cả những người hy lạp. Như thế, chúng ta chứng kiến hoạt động phục vụ cho Lời Chúa thực phong phú của Giáo hội cổ thời. Mọi người, theo công việc và đời sống cũng như hoàn cảnh của mình đã góp phần phục vụ Lởi Chúa. 

Chúng ta cũng chứng kiến hoạt động truyền giáo phong phú của thánh Phaolô, theo dự định quan phòng của Thiên Chúa. Phaolô, một người biệt phái nhiệt thành, được Chúa Giêsu Phục sinh gọi một cách trực tiếp và đặc biệt để phục vụ cho việc rao giảng Lời Chúa, ngay khi ông còn đang bắt bớ các cộng đoàn Kitô hữu. Trong thị kiến của Khanania là người được trao nhiệm vụ đến chữa mắt cho Phaolô, ông được cho biết Phaolô là một khí cụ được Chúa chọn để mang danh Chúa đến các dân ngoại, cho vua chúa cũng như cho dân Ítraen (Cv 9,15). Như thế, Phaolô đã mau mắn bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa trong các Hội đường do thái, ban đầu là ở Antiôkhia (Cv 11,25). Sau đó, cộng đoàn ở Antiôkhia nhận được thị kiến là dành riêng Barnaba và Saolô cho công việc truyền giáo. Vì thế, hai vị tông đồ Barnaba và Phaolô đã rời cộng đoàn Antiôkhia và bắt đầu các hành trình truyền giáo, các ngài xuống thuyền đến đảo Sýp rồi đến Paphô, rồi từ Paphô, vượt biển đến Pécghê thuộc Pamphilia, rồi đi Antiôkhia thuộc Pisidia. Phương thức làm chứng của Phaolô và Barnaba là rao giảng ở những hội đường do thái vào những ngày Sabát. Nội dung của những lời rao giảng ban đầu của các ngài giống lời rao giảng căn bản của Giáo hội là giúp cộng đoàn nhìn lại lịch sử Israel để nhận ra hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử của dân tộc mình và nhấn mạnh sự can thiệp mạnh mẽ và chung cuộc của Thiên Chúa qua hoạt động của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, hoàn tất mọi điều Thiên Chúa đã hứa qua các tổ phụ. Đó cũng là lời loan báo vui mừng và long trọng về ơn tha thứ và cứu độ của Thiên Chúa cho toàn dân: “Thưa đồng bào Ítraen và những người kính sợ Thiên Chúa, xin nghe đây: Thiên Chúa của dân Ítraen đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai cập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó. Và trong thời gian chừng bốn mươi năm, Người đã nuôi dưỡng họ trong sa mạc. Rồi người đã tiêu diệt bảy dân tộc ở đất Canaan và đã ban đất của chúng cho họ làm gia sản: tất cả đã xảy ra trong khoảng bốn trăm năm mươi năm.(…) Thưa anh em, sau khi thực hiện tất cả những điều Kinh thánh chép về Người, họ đã hạ người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết. Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện với những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân. Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại” (Cv 13,16-43). 

Dù đã bắt đầu rao giảng, Phao lô cũng không quên bổn phận hợp nhất với các tông đồ và môn đệ khác ở Giếualem để cho lời chứng của mình được trở nên chân thật và phù hợp với lời chứng của các tông đồ khác vì Ngài luôn xác tín màu nhiệm hiệp nhất của mọi anh em trong Chúa Kitô mà ông không ngừng rao giảng. Bị nghi ngờ, nhưng sau đó, nhờ sự giới thiệu của Bảnaba, Phao lô đã quen biết với các tông đồ và các môn đệ khác và được nhìn nhận, nên ông hoạt động ở Giêrusalem. Sau đó, ông phải lên đường đi Tarsô vì bị người do thái hăm giết (Cv 9,20-31)

Không những rao giảng cho người do thái, Phaolô và Barnaba còn hướng về dân ngoại. Sự kiện hai ngài rao giảng cho dân ngoại do bởi những người do thái có thế lực sách động dân chúng và trục xuất hai ông ra khỏi thành. Hai ngài liền phủi bụi chân và lên đường đi Icôniô (Cv 14,1-7). Tại những nơi các ngài làm hoạt động, lời rao giảng của các tông đồ Phaolô và Barnaba còn được củng cố bởi các phép lạ. Chúng ta ghi nhận phép lạ của Phaolô cho một người què ở Lýtra khiến dân chúng lầm tưởng các ngài là những thần linh mạc lốt người phàm, đây cũng là dịp để thánh Phaolô đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Con Thiên Chúa cho những lýơng dân và nhắc nhở cho họ ý niệm một Thiên Chúa duy nhất tạo dựng và quan phòng, thanh luyện những quan niệm phiếm thần cũng như thần thoại của họ về Thiên Chúa: “Họ gọi Barnaba là thần Dớt, Phaolô là thần Hécme, vì ông là người phát ngôn. Thầy tư tế đền thờ thần Dớt ở ngoại thành đem bò và vòng hoa đến trưởc cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế. Nghe biết được, hai tông đồ Barnaba và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: hỡi các bạn, các bạn làm gì thế? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan báo Tin mừng cho các bạn, hãy bỏ những cái hão huyền này đi mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Trong những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy, Người không ngừng làm chứng cho mình khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui” (Cv 14,8-18).

Hoạt động truyền giáo của thánh Phaolô có tầm ảnh hưởng lớn, lan rộng cả những phần đất thuộc hy lạp nơi nổi danh là môi trường trí thức và có nhiều trường phái triết học. Ngài đã dấn thân rao giảng cho những giới trí thức, thế nhưng cũng gặp phải thái độ từ khước khéo léo của những người trí thức. Thái độ của Thánh Phaolô có lúc tỏ ra tức giận khi chứng kiến những tượng thần ở thành phố Athêna, nhưng cũng tìm cách thảo luận với mọi phía từ những người do thái, cho đến các triết gia thuộc các trường phái như khắc kỷ và phái khoái lạc. Ngài có thử rao giảng ở hội đồng Arêôpagô của người hy lạp theo lời mời của họ, giải thích ý nghĩa của lời “kính thần vô danh” ghi trên một bàn thờ trong thành phố nhằm qui về Thiên Chúa tạo dựng. Luận điểm của Ngài qui về Thiên Chúa phải là Đấng duy nhất và là Đấng tạo dựng, đây cũng là quan điểm chung của những người hy lạp vốn nhìn nhận một Thiên Chúa tạo dựng. Đồng thời luận điểm của thánh Phaolô nhấn mạnh chiều kích siêu việt và nội tại của Thiên Chúa, Thiên Chúa phải là thiêng liêng, siêu việt, không cần phải cư ngụ trong những đền thờ do tay con người làm ra, đồng thời Thiên Chúa cũng gần gủi với công trình tạo dựng của Người và với con người để con người có thể tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên họ: “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hoi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa, may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quí vị đã nói: chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người” (Cv 17, 16-28). 

Cuối bài nói chuyện, thánh Phaolô đề cập đến sự phục sinh của Đức Kitô là điểm cốt yếu của đức tin kitô giáo. Ở đây, thánh Phaolô đụng phải lập trường của những người hy lạp chỉ nhìn nhận linh hồn bất tử, trong khi không nhìn nhận sự phục sinh thân xác: “Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối , vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định . Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết.” Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy” (Cv 17,30-33). 

Hoạt động rao giảng của thánh Phêrô cũng hướng về những người dân ngoại. Sách công vụ tông đồ tường thuật thị kiến của Cornêliô, một người đạo đức có lòng kính sợ Chúa và là đại đội trưởng quân đội Rôma ở Xêsarê, được sứ thần nhắc nhở đi Giaphô mời Simon Phêrô; đồng thời cũng tường thuật thị kiến của thánh Phêrô về tấm khăn lớn với nhiều giống vật và rắn rết khi đang cầu nguyện giờ thứ sáu. Thánh Phêrô khi nhìn những giống vật trong tâm khăn đã nhận được lời truyền dạy hãy giết mà ăn. Ngài đã muốn từ chối, cho rằng đây là những vật ô uế, nhưng sau đó nhận được lời truyền nhắc nhở điều gì Thiên Chúa đã tuyên bố là sạch thì không được cho là ô uế. Và sự việc này đã xảy ra ba lần (Cv 10). Qua sự kiện này, thánh Phêrô càng xác tín hơn nữa công việc rao giảng Tin mừng cho lýơng dân và nhìn nhận Thiên Chúa không thiên tư tây vị, luôn sẵn sàng tiếp nhận hết mọi người thành kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành (Cv 10,34). Dấu chứng của việc Thiên Chúa tiếp nhận những người lýơng dân là Thánh Thần được ban xuống cho những người đang nghe lời Thiên Chúa. Và thánh Phêrô đã tường trình sự kiện này cho các tông đồ và anh em môn đệ ở Giêrusalem, và tất cả mọi người đều tôn vinh Thiên Chúa và nhận thức Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn sám hối để được sự sống (Cv 11,1-18). 

Chúng ta cũng nhắc đến Công nghị ở Giêrusalem. Công nghị này phát xuất do hoàn cảnh của Giáo hội sơ khai, từ lập trường của những tín hữu gốc biệt phái muốn áp đặt việc cắt bì và luật Môisen cho những người mới đón nhận đức tin. Thánh Phêrô cũng như thánh Giacôbê và các tông đồ khác đều được ra những ý kiến nhằm giải quyết vấn đề. Thánh Phêrô chân thành trình bày những quan điểm của mình: Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho mọi người, cả người do thái lẫn lýơng dân; - ơn cứu độ mà chúng ta đón nhận được là do ân sủng của Chúa Kitô; - hơn nữa ơn kêu gọi mà chính ngài nhận được là nhằm rao giảng Tin mừng cho lýơng dân. Đây là những dấu chứng để ngài kết luận là không nên áp đặt luật Môisen cho những lýơng dân đón nhận Tin mừng. Phần thánh Phaolô và Barnaba cũng tường thuật lại công việc truyền giáo và những dấu lạ Chúa đã thực hiện giữa lýơng dân. Tông đồ Giacôbê cũng đưa ra ý kiến thuận lợi cho những lýơng dân. Kết quả của công nghị các tông đồ đánh dấu một bước ngoặc lớn làm Kitô giáo phát triển vững mạnh, xây dựng trên nền tảng lời rao giảng của các tông đồ vào mầu nhiệm Đức Giêsu (Cv 15,5-35). 

Thời kỳ rao giảng của Giáo hội là hệ luận của việc Ngôi Lời nhập thể cứu độ. Giáo hội tiếp nối hoạt động cứu độ của Con Thiên Chúa trong trần gian. Bổn phận rao giảng phát xuất từ thành quả của công trình cứu độ mà sự kiện Phục sinh của Đức Giêsu chịu tử nạn và việc Thánh Thần được ban cho mọi người là bằng chứng rõ rệt. Các tông đồ đã đọc lại toàn bộ Lời Chúa của Cựu ước và thấy được hoàn tất trọn vẹn nơi Đức Giêsu, đồng thời cũng đọc lại cuộc đời và lời rao giảng của chính Đức Giêsu. Cái chết nhục nhã khổ hình thập giá mà những người đồng bào do thái cùng với các thượng tế kết án ngài lại chính là nguyên nhân của ơn cứu độ được ban tặng cho toàn dân và cho nhân loại, một nhân loại vô tình và rất dửng dưng trước những sự kiện trọng đại mà Thiên Chúa thực hiện cho họ. Các tông đồ kinh nghiệm sức mạnh kỳ diệu của Đấng Phục sinh, thánh Phêrô, Phaolô làm phép lạ cho cả những người chết được sống lại, cho người què được đi như thầy Giêsu của họ. Nhiều người trong họ trở nên chứng nhân cho niềm tin vào thầy Giêsu cho đến cái chết, Têphanô chết tử đạo trong lời nói tha thứ và nhìn thấy vinh quang thiên quốc. Tông đồ Phêrô được mời gọi đến rao giảng cho những lýơng dân và thấy Thánh Thần được ban xuống cho mọi người không phân biệt. Thánh Phaolô và Barnaba đều ngạc nhiên vì những hiệu quả lạ lung diễn ra trong các cộng đoàn tín hữu, và đều ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa. Cộng đoàn các tông đồ hiệp nhất trong việc rao giảng, can đảm vượt ra khỏi những giới hạn của do thái giáo để có thể theo những luồng gió mới của Thánh Thần. 

5. GIÁO HỘI ĐƯỢC TRAO TRÁCH NHIỆM LÀM CHỨNG VỀ ĐỨC GIÊSU, CON THIÊN CHÚA. 

Trải qua hai mươi thế kỷ, Giáo hội đã rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu cho thế giới. Giáo hội luôn xác tín mình chính thức nắm giữ hiểu biết về mầu nhiệm Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và là Đấng cứu thế và phải rao giảng mầu nhiệm cứu độ này cho nhân loại. Thánh Phaolô đã diễn tả mạnh mẽ xác tín này khi tuyên xưng mình được Đức Giêsu sai đi rao giảng mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu (1Cr 1,14-23). 

Thực vậy, mầu nhiệm căn tính thần linh cũng như mầu nhiệm thập giá-phục sinh ban ơn cứu độ của Đức Giêsu là những mấu chốt cốt yếu thuộc đức tin tông truyền gìn giữ đức tin trước những giải thích sai lạc của lạc giáo. Những lạc thuyết không ngừng phát sinh luôn đe doạ đức tin của người tín hữu. Vào thời kỳ đầu của Giáo hội, những lạc thuyết này đã đưa ra những giải thích sai lạc về Mầu nhiệm Đức Giêsu, hoặc chối thần tính của Chúa Giêsu như nghĩa tử thuyết, quan niệm Đức Giêsu chỉ là một con người được Thiên Chúa nhận làm con, hoặc chối nhân tính của Chúa Giêsu như ảo thân thuyết cho rằng Ngôi Lời Thiên Chúa siêu việt không thực sự làm người, hoặc quan điểm Nhất chủ và hình thái thuyết chối mọi sự phân biệt và tuyên xưng về ngôi vị nơi Thiên Chúa duy nhất kéo theo quan niệm sự khác biệt tuyệt đối giữa Thiên Chúa Cha với Đức Giêsu, quan điểm dưỡng tử của nhóm Ariô, hoặc quan điểm của nhóm ngộ đạo thuyết có chiều hướng ảo thân đều đưa những giải thích sai lạc về mầu nhiệm Đức Giêsu xa lạ với niềm tin của Giáo hội. Thêm vào đó, những trào lưu tư tưởng hiện sinh ngày nay lại có khuynh hướng dửng dưng và từ chối mầu nhiệm Đức Giêsu. Các chiều hướng này hoặc cho rằng Đức Giêsu chỉ là một huyền thoại, hoặc là một dự phóng tâm lý của con người. Con người, vì cảm thấy ước muốn vĩnh cửu nên đã tưởng tượng một Đấng cứu thế thần linh. 

Công việc rao giảng của Giáo hội qua các thời đại đã phát sinh cơ cấu hữu hình cũng như những tài sản vật chất rộng lớn. Những cơ cấu và cơ sở vật chất này góp phần to lớn vào công việc rao giảng của Giáo hội. Giai đoạn Giáo hội các tông đồ với việc truyền giáo ở các hội đường do thái và các gia đình lần hồi được thay thế bằng việc xây dựng những đại thánh đường cùng với việc hình thành ranh giới địa lý của các giáo phận. Giáo hội cũng đã trở nên quốc giáo trong đế quốc Rôma. Giáo lý cứu độ được rao giảng cùng với thực tại các cộng đoàn kitô hữu là yếu tố cho sự đoàn kết và thống nhất của đế quốc Roma, hiện diện giữa lòng một thế giới luôn có nhiều trào lưu thay đổi. Những dân tộc được gọi là man dân cũng như khối đông những dân tộc ở bên ngoài đế quốc Roma luôn dòm ngó đế quốc Rôma đang bắt đầu suy yếu trước đà vươn lên của các dân tộc mới. Ở phương Tây, sau khi đế quốc Rôma sụp đổ, Giáo hội đã nhanh chóng chinh phục và rửa tội cho đế quốc Rôma mới, trong khi đó đế quốc Rôma phương đông tồn tại kéo dài trên một phần đất mang nhiều dấu ấn các nền văn hóa khác với văn hóa kitô giáo. 

Qua các hoạt động của mình với cơ chế các giáo phận và các dòng tu, Giáo hội đã góp phần xây dựng văn minh Âu châu kitô giáo, đồng thời cũng chứng kiến sự trưởng thành của thế giới kitô giáo này. Ở Á châu, Giáo hội đã bắt đầu rao giảng và đã gặt hái những thành quả. Nhiều cộng đoàn kitô giáo đã được cắm rễ và phát triển ở các nước Á châu. Ngày nay, nhiều người đã được nghe rao giảng Tin mừng, nhiều dân tộc đã đón nhận đức tin, và công việc truyền giáo vẫn luôn phát triển. Thách đố của Giáo hội ngày nay ở Âu châu là công việc tái truyền giáo, công cuộc đại kết các công đoàn Kitô giáo, trong khi đó công việc ở Á châu là truyền giáo và hội nhập văn hóa. 

Công việc truyền giáo này một mặt theo hướng dẫn của Giáo hội Mẹ, mặt khác cũng tùy thuộc nhiều vào sang kiến hoạt động của các Giáo hội địa phương và của mỗi người tín hữu. Cũng như việc truyền giáo của Giáo hội sơ khai tùy thuộc công việc của các tông đồ nhưng đồng thời cũng có sức sống mạnh mẽ của các cộng đoàn tín hữu đã chinh phục lýơng dân, thì vai trò và hoạt động của các Giáo hội địa phương và các tín hữu cũng quan trọng như vậy. Ở Giáo hội Việt Nam, chúng ta chứng kiến sức sống mạnh mẽ ở các cộng đoàn giáo xứ, các gia đình công giáo nơi có các cha mẹ đạo dức nhiệt thành, các hội đoàn hoạt động đoàn kết mạnh mẽ, các thành viên nhiệt thành. Chúng ta luôn khâm phục những hy sinh lớn lao của các anh chị em giáo lý viên, ca đoàn, các hội đoàn trong các hoạt động tông đồ. 

Ưu điểm của Giáo hội Việt Nam là đã có từng lớp chứng nhân tử đạo của những thời kỳ bắt đạo trong quá khứ, đồng thời đã có một kinh nghiệm phát triển trong giai đoạn mới sau ngày đất nước thống nhất. Các cộng đoàn công giáo Việt Nam luôn đoàn kết và hiệp nhất, và đã hoạt động mạnh mẽ để rao giảng và làm chứng cho Tin mừng. Thế nhưng sự kiện Giáo hội Việt Nam vẫn còn là một thiểu số trong lòng dân tộc, khoảng 7 phần trăm dân số là một thách đố cho Giáo hội Việt Nam để làm chứng hơn nữa qua sự hiện diện và hoạt động của mình. Nhiều lãnh vực rộng lớn đang cần chờ sự dấn thân và làm chứng của người tín hữu trong nhiều môi trường của mình. 

Những thách đố này khiến Giáo hội Việt Nam phải suy nghĩ về sứ mạng cốt yếu của mình và tìm kiếm chân dung thực sự của những chứng nhân. Những hoạt động giáo dục, tương trợ và bác ái cũng như bênh vực cho người nghèo cần được thúc đẩy nhiều hơn, những lãnh vực xã hội rộng lớn hơn cần tiếng nói chân thành và thẳng thắn của Giáo hội nhằm mưu cầu công ích cho mọi người. Nguy cơ luôn có thể là tình trạng pha trộn nơi những người làm chứng, vừa cố gắng làm chứng cho mầu nhiệm Chúa Giêsu, nhưng vừa chiều theo thói đời, xây dựng cơ sở lớn lao, theo đuổi lợi nhuận, bành trướng ảnh hưởng cá nhân hay tập thể của mình. Hoặc nguy cơ tiềm ẩn nơi những người làm chứng, thiếu trung thực và trong sáng trong chứng tá của mình. 

Những nhà truyền giáo ban đầu đã là những người trung thực trong đời sống và lời chứng. Các ngài đã sống và dùng chính đời sống của mình làm chứng cho chân lý cứu độ của thầy chí thánh. Giáo hội thời đầu đã chinh phục được thế giới của các ngài do bởi chứng tá sống động và mạnh mẽ có thể nói lời chân lý không những bằng lời rao giảng mà còn bằng cái chết cho chân lý. Những xác tín quan trọng và nền tảng của các tông đồ đã chinh phục thế giới. Các ngài đã thâm tín vào màu nhiệm tử nạn và phục sinh ban ơn cứu độ của Đức Giêsu và thông truyền niềm tin của mình cho thế giới. Các Ngài đã thâm tín vào Lời tin mừng mà các ngài rao giảng để làm chứng cho Đức Kitô và bước theo con đường thập giá của người, không dựa vào sưc mạnh trần thế của con người, nhưng đã biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên.

Ngày nay Giáo hội đang chứng kiến những trào lưu thế tục hóa. Thế giới con người lần hồi trở nên dửng dưng và tư chối những giá trị của niềm tin mà các tông đồ đã khám phá. Cuộc cách mạng của khoa học kỹ thuật đem lại nhiều ánh sáng văn minh cho đời sống con người, đồng thời cũng làm cho con người chìm ngập trong những tiện nghi của đời sống mới. Lời rao giảng của Giáo hội cần phải cất lên mạnh mẽ để nhắc nhở và mời gọi mọi người tìm lại những klhám phá đức tin quan trọng của Giáo hội. Những sứ giả loan báo Tin mừng Lời Chúa cần luôn xác tín mạnh mẽ Lời mời gọi của Chúa đối với mình để đem Lời Chúa cho nhân loại.

TẠM KẾT

Chúng tôi đã lập luận xuyên suốt bài viết theo tiến trình từ Lời Chúa được mời gọi và được nhận thức treong Cựu Ước, được thực hiện trong Tân Ước, được nhập thể nơi chính Đức Giêsu ở với con người, được rao giảng và làm chứng trong Giáo hội toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Tất cả đều nhằm để biện luận giữa chương trình cứu độ của Thiên Chúa và việc con người không ngừng từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa để xây dựng xã hội trần thế của mình. Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng tiến trình tư3j trị của con người trong việc xây dựng xã hội trần thế và mưu cầu hạnh phúc cho chính mình, đồng thời Ngài cũng không ngừng sai các sứ giả đến với con người để mời gọi, nhắc nhở cho con người nhớ đến ơn gọi làm con Thiên Chúa là mục đích chính yếu của đời sống nhân loại. Thách đố của con người là luôn cảm thấy xung khắc giữa lý tưởng tự trị trong việc xây dựng cã hội trần thế và lời mời gọi hướng về Thiên Chúa từ sâu thẳm tâm hồn con người. Lịch sử cứu độ cho thấy Lời Chúa không ngừng thôi thúc và mời gọi con người dấn thân theo lời mời gọi của Thiên Chúa, vì chỉ có dấn thân theo lời mời gọi này, thì tất cả những việc làm của con người, những cố gắng xây dựng của con người mới đạt được kết quả hoàn toàn.