Hiển thị các bài đăng có nhãn Số Mới (2011...). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Số Mới (2011...). Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 103, THÁNG 02/2024

CHỦ ĐỀ : ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN LINH MỤC VÀ TU SĨ

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được dành cho vấn đề “đào tạo thường xuyên” (formation permanente) của các linh mục và tu sĩ. Trong đời sống Giáo hội, xem ra thuật ngữ này không được thông dụng cho bằng “thường huấn”, vốn được áp dụng cho các khóa huấn luyện được tổ chức hằng năm cho các linh mục và tu sĩ. Thực ra, trong vấn đề này, còn nhiều khái niệm chưa được rõ rệt, xét về từ ngữ cũng như nội dung. Trước hết, chúng tôi xin đưa ra vài nhận xét về từ ngữ: thứ nhất là “đào tạo”, thứ hai là “đào tạo thường xuyên”. Sau đó, chúng ta sẽ đi vào lãnh vực đào tạo của các linh mục và tu sĩ.

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 102, THÁNG 11/2023

CHỦ ĐỀ : THẦN BÍ KITÔ GIÁO

LỜI GIỚI THIỆU



Những từ ngữ “huyền bí” hay “thần bí” có thể gợi lên trong đầu óc người đọc nhiều ý tưởng khác nhau, cũng tựa như các từ “mystique” trong tiếng Pháp và mystical trong tiếng Anh vậy. Chắc hẳn có người đã ngỡ ngàng với tựa đề bài viết “Thánh Tôma nhà thần học, nhà thần bí” của Jean-Pierre Torrell trong số báo 101 vừa rồi. Số 102 này muốn nghiên cứu thêm đề tài “huyền bí”, trùng với hai dịp kỷ niệm: 400 năm sinh nhật của Blaise Pascal (1623-1662), và 55 năm tạ thế của Thomas Merton (10-12-1968). Nhiều độc giả đã biết cha Thomas Merton, một đan sĩ Trappist đã xúc tiến nhiều cuộc đối thoại thần bí với Phật giáo Á châu. Nhưng ít người biết rằng Blaise Pascal một nhà khoa học nổi tiếng cũng là một nhà huyền bí: đêm 23 tháng 11 năm 1654, ông đã được một cảm nghiệm huyền bí làm thay đổi cuộc đời ông.

Các bài viết của số báo này được sắp xếp như sau.

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 101, THÁNG 08/2023

CHỦ ĐỀ : LINH ĐẠO THÁNH TÔMA

LỜI GIỚI THIỆU


Theo dự định, chủ để của số 101 là “Công đồng và Công nghị trong đời sống Giáo hội” trước thềm Thượng hội đồng giám mục dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 10 năm nay. Nhưng kế hoạch Thượng hội đồng đã được thay đổi, bởi vì sẽ kéo dài trong hai năm (2023-2024). Trong khi đó, Dòng Đa Minh đang mừng kỷ niệm 700 năm ĐTC Gioan XXII tuyên thánh cho Tôma Aquinô (ngày 18 tháng 7 năm 1323 tại Avignon). Đó là lý do thay đổi chủ đề số báo này.

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 100, THÁNG 05/2023

CHỦ ĐỀ: THẦN HỌC PHỤC SINH 

LỜI GIỚI THIỆU


Thời Sự Thần Học đã đi đến số 100. Có nhiều cách để định hướng cho số báo đặc biệt này. Dĩ nhiên, trước hết cần phải tạ ơn Chúa, bởi vì tờ báo đã trải qua một chặng đường không dễ dàng trong gần 30 năm. Nhân dịp này chúng ta có thể nhìn lại các chủ đề đã phát hành[1], nhưng tốt hơn chúng ta nên nhìn về phía trước. Thiết nghĩ chủ đề “Phục sinh” thích hợp nhất vì nhiều lý do. Thứ nhất là số báo được phát hành vào lễ Phục sinh năm 2023. Đâu là đối tượng của việc cử hành đại lễ này? Thứ hai, sự phục sinh diễn tả đích điểm của niềm hy vọng mà Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta đang nhắm đến. Thứ ba, Phục sinh là chìa khóa để giải thích đặc trưng của Kitô giáo, từ đó trở thành sợi chỉ đỏ cho tất cả mọi suy tư thần học Kitô giáo: tín lý, luân lý, tâm linh, phụng vụ, mục vụ: “Chúng tôi loan báo Đức Giêsu Kitô đã phục sinh, và chúng tôi trông mong được thông dự vào cuộc phục sinh của Người”. Tiếc rằng chân lý này thường bị lãng quên, và mỗi khi nói đến trọng tâm niềm tin Kitô giáo, người ta liền nghĩ đến Thập giá: Thập giá trở thành biểu tượng của Kitô giáo (x. TSTH số 90: “Thần học thập giá”). Chúng ta dễ quên lời khẳng định của thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì đức tin của anh em sẽ rỗng tuếch” (1Cr 15,17). Vì thế, một điểm mới mẻ của thần học cuối thế kỷ XX là tái khám phá “thần học phục sinh”[2], một hướng đi bắt đầu từ năm 1950 với cha F.X. Durrwell, CSsR.

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 99, THÁNG 02/2023

CHỦ ĐỀ : BỘ GIÁO LUẬT – BỐN MƯƠI NĂM SAU 

_LỜI GIỚI THIỆU_


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 40 năm ban hành Bộ Giáo luật (ngày 25-1-1983). Cách đây 10 năm, Thời sự Thần học đã dành ba bài viết trong Số 59 (tháng 2-2013) để kỷ niệm 30 năm ban hành . Lần này trọn số 99 được dành cho việc nhìn lại toàn thể Bộ Giáo luật, đã được sửa đổi khá nhiều dưới triều đại của Đức thánh cha Phanxicô, với việc cải tổ hoàn toàn Quyển VI bàn về chế tài, và một phần Quyển VII về thủ tục tố tụng trong việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Trước hết, chúng tôi điểm qua những khoản luật đã được thêm vào, sửa đổi, thu hồi. Kế đó, chúng tôi sẽ phân tích những lãnh vực được sửa đổi nhiều hơn cả, liên quan đến: tổ chức giáo triều, đời sống thánh hiến, tố tụng hôn nhân, chế tài. Sau cùng, đối chiếu Bộ Giáo luật Latinh với Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương (được ban hành ngày 18-10-1990).

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 98, THÁNG 11/2022

CHỦ ĐỀ: CÁC TÔN GIÁO MỚI 

LỜI GIỚI THIỆU 


Tựa đề của số báo có thể gây ra ngỡ ngàng cho nhiều độc giả. Thời nay, không ai còn nghĩ đến việc sáng lập tôn giáo nữa, bởi vì phần lớn các vị sáng lập thuộc về thời xa xưa (Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca Mâu Ni, Đức Giêsu); hơn nữa, vào thời khoa học kỹ thuật hiện đại, các tôn giáo đang dần dần mất ảnh hưởng đối với xã hội, được đặt tên là trào lưu thế tục hóa. Trong bối cảnh như vậy, làm gì có chuyện tôn giáo mới nữa? Thế nhưng, một hiện tượng đã lôi kéo sự chú ý không những của những nhà nghiên cứu tôn giáo mà còn của các cơ quan an ninh quốc gia cũng như quốc tế, đó là sự xuất hiện của các tôn giáo mới vào cuối thế kỷ XX và vẫn tiếp tục khi bước sang thế kỷ XXI.

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 97, THÁNG 8/2022

CHỦ ĐỀ: NGÔN SỨ 

_LỜI GIỚI THIỆU_


Hai số báo 95 và 96 đã giúp chúng ta nhìn lại các sách Khôn ngoan trong Kinh thánh. Số này tiếp tục với các sách Ngôn sứ. Khác một điều là các bài viết không dừng lại ở các sách Cựu ước nhưng kéo dài đề tài ngôn sứ sang Tân ước, đặc biệt với đời sống thánh hiến trong Hội thánh. Trước khi vào đề, xin nói qua việc sử dụng từ ngữ.
 

I. Từ ngữ

 
1. Ngôn sứ - tiên tri

Theo linh mục Stêphanô Huỳnh Ngọc Trụ, trong quá trình phát triển chữ Quốc ngữ, từ “propheta” lúc đầu chưa được dịch nghĩa, mà chỉ được phiên âm là “phôrôphêta”. Từ “tiên tri” được dùng để dịch từ “propheta” trong bản Thánh Kinh tiếng Việt đầu tiên (Cố chính Linh, năm 1913). “Ngôn sứ” và “sứ ngôn” là hai từ mới có trong tiếng Việt từ 30-40 năm trở lại đây[1].

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 96, THÁNNG 08/2022

CHỦ ĐỀ: CÁC SÁCH KHÔN NGOAN

LỜI GIỚI THIỆU


Trong số 95, bàn về Tình ca, chúng ta thấy trong Kinh Thánh, tác phẩm này được xếp vào nhóm các sách Khôn ngoan. Tình ca ít được biết đến vì không được đọc trong phụng vụ; còn các sách Khôn ngoan khác tuy được công bố trong phụng vụ nhưng không được quan tâm như các sách thuộc nhóm Lịch sử và Ngôn sứ. Số báo này muốn dành cho việc nghiên cứu các tác phẩm này, bởi vì chúng cho thấy rằng Thiên Chúa không chỉ mặc khải trong khung cảnh của giao ước với dân tộc Israel mà còn qua văn hóa của các dân tộc khác nữa.

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 95 (THÁNG 02/2022)

CHỦ ĐỀ : TÌNH CA

LỜI GIỚI THIỆU


Đức Thánh Cha Phanxicô muốn dành năm 2022 để kỷ niệm 5 năm ban hành tông huấn Amoris laetitia, “Niềm vui của tình yêu”. Thay vì nghiên cứu khía cạnh luân lý và mục vụ của hôn nhân, chúng tôi muốn tìm hiểu một khía cạnh khác ít được để ý, đó là giới thiệu một tác phẩm duy nhất trong Kinh Thánh mang tên là “Bài ca tình yêu”.

Thực ra trong nguyên bản Híp-ri, tựa đề của sách là “Bài ca của những bài ca” (Sir hassirim), được dịch sát chữ sang tiếng La-tinh là “Canticum canticorum”, cũng như các ngôn ngữ khác (Pháp: Cantique des cantiques; Anh: Song of songs; Tây Ban Nha: Cantar de cantares; Ý: Cantico dei cantici). Trong tiếng Việt, chúng ta thấy có nhiều cách dịch khác nhau, chẳng hạn như: “Ca đệ nhất”, “Diễm tình ca”, hoặc “Diễm ca”, “Diệu ca”, “Nhã ca”.

Chúng tôi dịch là “Tình ca”, giống như một vài bản dịch tiếng ngoại quốc (Anh: “Song of love” hoặc “Love song”; Pháp: Chant de l’amour; Tây Ban Nha: Canción de amor; Italia: Canto d’amore).

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 94 (THÁNG 11/2021)

CHỦ ĐỀ : TỰ DO VÀ GIẢI PHÓNG

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 50 năm xuất bản quyển sách Thần học giải phóng (Hacia una teología de la Liberación. Perspectivas, Lima, 1971) của Gustavo Gutierrez, linh mục giáo phận Lima (Peru) và gia nhập Dòng Đa Minh từ năm 2000. Đây là cơ hội tốt để nghiên cứu vấn đề “Tự do và Giải phóng”, một khao khát của con người thời nay đồng thời cũng là một đề tài then chốt để giải thích sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại.

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 93, THÁNG 08/2021

LTS: Do tình hình dịch bệnh, việc ấn bản bị đình trệ. Vì vậy, chúng tôi sẽ đăng các bài của số báo này để phục vụ độc giả trước khi bản in được phát hành.

CHỦ ĐỀ: KHUÔN MẪU THÁNH THIỆN 

LỜI GIỚI THIỆU 


Số báo này được phát hành vào dịp kỷ niệm 800 năm “sinh nhật về trời” (dies natalis) của thánh Đa Minh (Bologna, ngày 6 tháng 8 năm 1221). Cũng như bao nhiêu vị thánh khác, con người của ngài gắn liền với sự thánh thiện. Một câu hỏi được nêu lên trong khoa sử học là: chúng ta thực sự biết gì về “con người” của ngài, hay là chỉ được nghe kể lại sự “thánh thiện” của ngài? Từ đó có sự phân biệt giữa “tiểu sử” (biographia, hoặc “sử ký”) và “thánh ký” (hagiographia) trong các truyện về các vị thánh.

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 92, THÁNG 5/2021

CHỦ ĐỀ : BÁC ÁI XÃ HỘI

LỜI GIỚI THIỆU

Tựa đề của số báo này gom lại hai chủ đề trước đây dự tính dành cho số 91 (“Thần học và Xã hội học”, nhân dịp 120 năm thông điệp Rerum novarum, mở đầu cho các thông điệp xã hội) và số 92 (“Thần học về Caritas”, nhân dịp 70 năm thành lập Caritas internationalis và 15 năm thông điệp Deus caritas est). 

Các bài viết xoay quanh hai từ khóa: “xã hội” và “bác ái”, và tìm cách trả lời những câu hỏi sau đây: Xã hội học là gì? Có gì giống và khác nhau giữa Xã hội học và Giáo huấn xã hội không? Bác ái là gì? Tại sao gọi là bác ái xã hội? Bác ái xã hội và công bình xã hội có gì khác nhau không? Giáo hội đã thực hành bác ái như thế nào? Tại sao có một tổ chức bác ái mang tên là Caritas?

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 91, THÁNG 02/2021

CHỦ ĐỀ : TÌNH CHA VÀ TÌNH ANH 

LỜI GIỚI THIỆU

Theo dự án đề ra cho niên học 2020-21, số 91 được dành cho chủ đề “Xã hội học và thần học”. Thế nhưng trong tam cá nguyệt cuối cùng của năm 2020, ĐTC Phanxicô đã ban hành hai văn kiện: thông điệp Fratres omnes (ngày 3 tháng 10) và tông thư Patris corde (ngày 8 tháng 12). Vì muốn theo sát “thời sự thần học”, nên chúng tôi thay đổi chủ đề. Nhân dịp Năm của thánh Giuse, chúng tôi trình bày vài đề tài liên quan đến “tình cha” của Người, có thể coi như thay mặt cho Chúa Cha trên trời trong thánh gia Nadarét. Trên thực tế, trong lời giảng cũng như cuộc đời, Đức Giêsu mặc khải cho nhân loại biết “tình cha” của Thiên Chúa. Nhờ ánh sáng ấy, chúng ta mới nhìn nhận những người khác như là “anh chị em”, và đối xử với nhau theo “tình huynh đệ”. Như vậy, chủ đề của số báo cũng có liên quan tới xã-hội-học, mặc dù đề tài này sẽ được bàn rộng hơn trong những số tới (học thuyết xã hội, bác ái xã hội, các khuôn mẫu xã hội trong quan niệm về Giáo hội).

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 90, THÁNG 11/2020

CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC THẬP GIÁ 

LỜI GIỚI THIỆU


Chủ đề của số báo được chọn nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đề cập đến lịch sử của dòng, bởi vì đã có một bài viết của nữ tu Hồ Thị Quyết, Dòng Mến Thánh Giá: Đôi nét về nguồn gốc và phát triển đăng trong số 66 (tháng 11/2014) trang 87-113. Những bài trong số này trình bày những khía cạnh lịch sử khác của thần học thập giá: lịch sử của Tân Ước, lịch sử của thần học và lối sống đạo, lịch sử của phụng vụ, lịch sử của thần học cứu độ, lịch sử linh đạo.

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 89, THÁNG 8/2020

CHỦ ĐỀ: CÁC GIÁO MẪU

LỜI GIỚI THIỆU


Nếu ai tra cứu các Từ điển tiếng Việt (chẳng hạn như của Hoàng Phê, Nguyễn Như Ý chủ biên), chắc là không tìm thấy mục từ “giáo mẫu”[1] mà chỉ có “mẫu giáo”, được hiểu theo hai nghĩa: một là sự dạy dỗ (giáo) của người mẹ (mẫu) đối với con cái; hai là trường dành cho các trẻ mầm non.

Trong số báo này, “giáo mẫu” được sử dụng theo một nghĩa chuyên môn, để đối lại với các “giáo phụ”. Những người này không phải là “phụ tá giáo viên”, nhưng là “người cha của Giáo hội” (pater ecclesiae, père de l’église, father of the church). Một cách tương tự như vậy, giáo mẫu được hiểu là “người mẹ của Giáo hội” (mater ecclesiae, mère de l’église, mother of the church).

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 88 (THÁNG 05/2020)

CHỦ ĐỀ: THẦN HỌC TỰ NHIÊN

LỜI GIỚI THIỆU


Thoạt tiên, nghe nói đến “Thần học tự nhiên” có lẽ nhiều người liên tưởng đến suy tư thần học về thiên nhiên, và điều này thật là “thời sự” nhân kỷ niệm 5 năm ban hành thông điệp Laudato si’ “về việc chăm sóc ngôi nhà chung” (24 tháng 5 năm 2015).

Tuy nhiên, ở các chủng viện và học viện Công giáo, “thần học tự nhiên” (theologia naturalis) còn được hiểu như là việc khám phá Thiên Chúa qua lý trí và thiên nhiên, đối lại với con đường hiểu biết Thiên Chúa nhờ mặc khải và đức tin, được gọi là “thần học siêu nhiên” (theologia supernaturalis). Trong cả hai thuật ngữ (tự nhiên và siêu nhiên), từ natura được hiểu theo hai nghĩa khác nhau: tự nhiên vừa có nghĩa là “thiên nhiên” (vũ trụ, trời đất) vừa có nghĩa là “bản tính” (trong khả năng bản tính con người). Đang khi đó, tại các đại học quốc gia, “khoa học tự nhiên” (natural sciences) lại được dùng như đối lại với “khoa học xã hội nhân văn” (human / social sciences). Ở đây, “tự nhiên” vừa được hiểu như vật chất (đối lại với tinh thần), vừa được hiểu như thực nghiệm (có thể đo lường bằng toán học), đối lại với lịch sử hoặc lý thuyết. Ngoài ra, cũng nên ghi nhận rằng “tự nhiên” không nhất thiết đồng nghĩa với “vật lý”, trong khi mà xét theo tầm nguyên, vào lúc đầu, hai danh từ natura (tiếng Latinh) và physica (tiếng Hy-lạp) đều ám chỉ cùng một đối tượng.

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 87 (THÁNG 02/2020)

CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC CHÍNH TRỊ

LỜI GIỚI THIỆU


Năm 2020 có ít là hai kỷ niệm liên quan đến ảnh hưởng của Giáo hội đối với chính trị.

1/ Thứ nhất là kỷ niệm 150 năm thống nhất nước Ý, được đánh dấu bởi việc quân đội Cộng hòa tiến vào Rôma, thủ đô của Vương quốc Giáo hoàng (ngày 20 tháng 9 năm 1870). Lãnh thổ của Nước Giáo hoàng (Stato Pontificio) đã bị xóa bỏ sau gần 11 thế kỷ hiện hữu, chỉ còn giữ lại một khu đất chung quanh đền thánh Phêrô ở Vatican, với diện tích khoảng 44 hécta! Giáo hoàng đã “mất nước”, bị tước đoạt mọi quyền hành trần thế! Nào ngờ, biến cố ấy đã khai mào một chặng mới trong ý thức vai trò lãnh đạo tinh thần của vị Giám mục Rôma, với tầm mức bao trùm toàn thế giới.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 86, THÁNG 11/2019

CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC TRUYỀN GIÁO

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud (30-11-1919), được coi như “Hiến chương về hoạt động truyền giáo” của thế kỷ XX. Bên cạnh, cũng có một biến cố đáng nhớ khác của Giáo hội Việt Nam, đó là việc thiết lập hai hạt Đại diện tông tòa đầu tiên, vào ngày 9-9-1659 (Sắc chỉ Super cathedram của ĐGH Alexander VII). Một kỷ niệm gần gũi hơn là 20 năm ban hành Tông huấn hậu-thượng-hội-đồng Ecclesia in Asia (6-11-1999).

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 85, THÁNG 08/2019

CHỦ ĐỀ : TRIẾT HỌC CÔNG GIÁO 

"Triết học Kitô giáo - Danh xưng này nguyên nó là chính đáng, nhưng không nên hiểu cách mập mờ: ta không nên hiểu đó là triết học chính thức của Giáo Hội, vì đức tin nguyên nó không phải là một triết học. Đúng ra, với danh xưng ấy người ta có ý ám chỉ lối tư duy triết học Kitô hữu, một suy tư triết học được quan niệm trong sự liên kết mật thiết với đức tin. Điều đó không liên hệ cách đơn thuần đến một nền triết học, được xây dựng bởi những triết gia Kitô hữu, những người khi nghiên cứu không muốn chống đối đức tin. Khi nói về triết học Kitô người ta có ý bao gồm những phát triển quan trọng của tư tưởng triết học đã thành tựu với phần đóng góp, trực tiếp hay gián tiếp, của đức tin Kitô giáo." __Fides et Ratio, số 76__

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 84, THÁNG 5/2019

CHỦ ĐỀ : GIẢI THÍCH KINH THÁNH

Dự kiến phát hành vào trung tuần tháng 5/2019. Trong khi chờ đợi, quý vị có thể đọc bản văn huấn quyền liên quan đến chủ đề này: BẢN HƯỚNG DẪN VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH TRONG HỘI THÁNH (1993)

LỜI GIỚI THIỆU


“Kinh Thánh là linh hồn của thần học” (Hiến chế Dei verbum số 24). Các đề tài của các số báo Thời sự thần học thường vẫn dành một bài về nền tảng Kinh Thánh (thí dụ như những số gần đây: Tuổi trẻ, Chiến tranh và Hòa bình, Chứng nhân[1]). Lần này, chúng ta không tìm hiểu một vấn đề cụ thể trong Kinh Thánh, nhưng chú trọng vào việc giải thích Kinh Thánh, nhân kỷ niệm 25 năm văn kiện “Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh” của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh (tuy được ký ngày 15/4/1993 nhưng mãi đến tháng 4 năm 1994 mới công bố). Trước khi giới thiệu nội dung của các bài viết, chúng tôi muốn lưu ý về các từ ngữ: “Kinh Thánh” và “giải thích”.

I. Các từ ngữ


1) Kinh Thánh – Thánh Kinh - Sách Thánh