Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

GIA ĐÌNH TRONG THỜI ĐẠI DI DÂN

Thời sự Thần học – Số 43, tháng 03/2006, tr. 88-101

_Antôn Mai Văn Hùng, O.P._ 


Quê hương là “chùm khế ngọt”, thì gia đình là tổ ấm yêu thương! Người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, coi gia đình là nơi hàn gắn và nuôi dưỡng đời sống tâm linh, nhân bản của mỗi người. Gia đình là nơi ta cất tiếng khóc chào đời và lớn khôn theo truyền thống gia phong dòng tộc, là điểm gặp gỡ sẻ chia. “Gia đình là một trong những căn cứ điểm quan trọng nhất mà trật tự xã hội và đạo đức của con người phải dựa vào để hình thành”[1]. Nơi đó hun đúc, nuôi dưỡng một nền văn hóa tinh thần dân tộc. Gia đình luôn là cõi đi về của những bước chân lao nhọc mệt mỏi. 
Các giá trị gia đình ngày nay vẫn còn đó, vẫn luôn là một điều hết sức thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người. Thế nhưng, đứng trước xu hướng toàn cầu hóa và thế giới của thông tin kỹ thuật, mọi ranh giới giữa các quốc gia ngày một xóa nhòa đi, thì gia đình đứng trước một thách đố to lớn, đang bị lung lay rạn nứt, có nguy cơ bị phá vỡ và đánh mất đi truyền thống, trước vấn đề di dân và việc làm.

Liên Hội đồng Giám mục Á châu họp tại Deajon, Hàn Quốc, tháng 8 năm 2004, với chủ đề: “Gia đình Á châu hướng đến nền văn hóa sự sống” cho chúng ta một hướng nhìn thiết thực hơn về những thách đố mà các gia đình Á châu đang đối mặt. Các Giám mục đã viết:

“Những thực tại mới mẻ đang làm lung lay nền tảng ổn định của nhiều gia đình. Nền văn hóa tân tự do toàn cầu đang nổi dậy và hô hào cho cá nhân chủ nghĩa, cho ích kỷ và thèm muốn, cho những lối sống và cách suy nghĩ nặc mùi thực dụng, trần tục hóa, chủ nghĩa này đang là mối đe doạ cho gia đình. Việc toàn cầu hóa cho tầng lớp ưu tú đang là nguyên nhân gây ra nghèo đói cùng cực, thúc đẩy phong trào di dân. Chiến tranh cùng với những mâu thuẫn tranh chấp cũng xua đuổi con người ra khỏi mái ấm gia đình của mình. Các gia đình đang phải đối đầu với các phương tiện truyền thông xã hội và những chương trình cưỡng bức hạn chế dân số đang gây ảnh hưởng trên các giá trị gia đình. Nạn HIV/AIDS lan tràn, nạn ma tuý và tranh ảnh khiêu dâm đang hủy hoại các gia đình, đặc biệt lớp trẻ là những người dễ bị băng hoại nhất. Việc gia tăng các gia đình ly hôn và đổ vỡ là dấu hiệu cho thấy tình trạng rạn nứt trong gia đình. Phá thai và những nỗ lực khác nhằm thao túng sự sống con người đang là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Não trạng ngừa thai đang xói mòn tình yêu hôn nhân chân thật. Tình trạng phụ nữ và trẻ em tiếp tục bị ngược đãi là một nhức nhối. Các giá trị đã từng làm nền tảng cho gia đình đang bị biến mất tới mức báo động, kết quả là trong một vài nước, ơn thiên triệu bị giảm xuống cách thảm hại… ”[2].

Góp chung cùng tiếng nói của thời đại, bài viết xin chia sẻ những vấn đề xã hội ít nhiều tác động đến gia đình ngày nay trong xu hướng di dân của thời đại …

1. Di dân – Vấn đề của xã hội


Di dân xuất hiện khá sớm trong lịch sử xã hội loài người. Ngày nay, người ta biết đến là nhờ những nghiên cứu của các nhà xã hội học, cũng như các khoa học liên ngành về việc thay đổi chỗ ở của các bộ tộc, bộ lạc mà tiêu biểu là những dân du mục.

So với thời đại hôm nay, vấn đề này có sự khác biệt khá lớn về tầm mức. Trước đây, di dân là tìm kiếm, chinh phục một vùng đất mới thuận lợi cho việc sản xuất và chăn nuôi; cũng có khi là một cuộc chạy trốn kẻ thù để bảo toàn bộ tộc, thành bang…. Di dân trong thời đại hôm nay, nhìn chung là muốn tìm kiếm một nguồn thu nhập mới khá hơn từ chính sức lao động của mình. Đồng thời ở những quốc gia bất ổn về chính trị và lạm phát kinh tế cao, cũng tạo nên một làn sóng di dân ra nước ngoài để tìm sự ổn định và vận may. Trong chiều hướng đó, người di dân không phụ thuộc nhiều vào một lãnh địa, một quốc gia, mà các ranh giới đó đã bị xóa nhòa trong thời đại toàn cầu hóa. Do vậy, dù muốn dù không, những người di dân phải chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, nhiều rủi ro nơi xứ lạ quê người.

Từ những thập niên 50 của thế kỷ trước đổ về đây, số lượng người di dân từ các nước nghèo đổ về các nước có nền kinh tế phát triển không ngừng tăng lên. Để có được một thống kê chính thức về con số di dân trên thế giới là rất khó. Theo một thống kê từ văn kiện của LHQ với tựa đề: “Di cư quốc tế năm 2002” đưa ra là 175 triệu người, chiếm khoảng 3% tổng số dân số thế giới, nhưng con số này được tính toán vào năm 2000. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (viết tắt từ tiếng Anh là ILO) vào ngày 12 tháng 5 năm 2004, với tựa đề “Để tiến đến một thoả ước công bằng cho những người thợ di dân trong nền kinh tế toàn cầu” cho biết, hằng năm có khoảng 6 triệu người di cư kể từ những năm 1990. Ngày hôm nay, có khoảng 86 triệu người di cư vì lý do kinh tế trên toàn thế giới, trong đó bao gồm khoảng 32 triệu người ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, con số này không chính thức, “vì không phải hầu hết các quốc gia đều theo dõi hay báo cáo về những dòng chảy di dân lao động này”[3].

Làn sóng di dân ngày một tăng, khiến các nước tiếp nhận phải đặt lại vấn đề và đưa ra biện pháp hạn chế, cũng như các nước có làn sóng di dân phải lo ngại. Hầu hết các quốc gia đều có chính sách về di dân, nhưng chủ yếu đều dựa trên quyền lợi riêng của quốc gia mình. Vì thế, ảnh hưởng của các chính sách này tạo nên những tác động ngược đối với các nước khác. Do đó, yếu tố hợp tác quốc tế trong vấn đề di dân là rất quan trọng.

Đối với người di dân, vì muốn có một cuộc sống sung túc hơn, nên đa phần những người di dân lao động này chủ yếu là những người nghèo khổ, không có tay nghề. Khi đến các nước có nền kinh tế phát triển, họ chủ yếu làm những công việc mà dân chúng ở đây không muốn làm, phần vì các công việc này nặng nhọc, lại không cần có tay nghề cao; phần vì lương ít ỏi, nhưng so với người di dân thì tiền lương vẫn cao hơn ở quê nhà. Trong thông điệp cho Ngày Lao động 1/9 tại Hoa kỳ, Đức Hồng Y Theodore E. McCarrick, Tổng giám mục Tổng Giáo phận Washington đã viết: “… khi nông dân đến, họ thường kiếm những công việc hẩm hiu, ở những ngôi nhà hư hỏng và trong tình trạng không an toàn. Mặc dầu, với những luật của quốc gia và liên bang, nhưng một số phải sống dưới chân cầu thang hay ngay tại những hang động. Đối với người có nhà tại những trang trại cho người lao động, đôi khi lại không có nhà vệ sinh tử tế. Vi phạm đến luật lệ đồng lương và thời giờ là chuyện thường tình. Con cái thường theo họ (làm việc) trên những cánh đồng, bởi vì không có sự giúp đỡ của chúng, gia đình không thể nào sống còn. Chúng có thể đối diện với cái chết và bị thương tích trong công việc từ những thiết bị nguy hiểm tại nông trại và sự đe doạ ngộ độc từ các thuốc trừ sâu bảo vệ mùa màng”[4]. Thế nhưng, một thăm dò mới đây của Ap – Ipsos[5], đối với dân chúng Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha (những người được hỏi) có cái nhìn không mấy thiện cảm về người di dân, đồng thời hầu hết dân chúng các quốc gia phát triển không muốn nhận thêm người di dân, bởi tâm lý hiện nay sợ thất nghiệp và sợ khủng bố. Mặt khác, dân chúng ở các quốc gia này sợ “tình trạng tạp đa văn hóa” tạo nên những bất ổn mà những người di dân mang lại. Cũng theo thăm dò nghiên cứu của Ipsos, “sự mở rộng liên minh Âu châu (EU) mới đây đã khiến cho các thành viên cũ lo ngại là sẽ có một làn sóng di dân mới tràn đến quốc gia họ”. Nhiều nước đã đưa ra những kế hoạch giới hạn sự xâm nhập của những di dân vào thị trường lao động của họ. Ông Juan Somavia, Tổng Giám đốc của ILO nói, “Di cư chính là một trong những vấn đề luôn gây tranh cãi hiện đang phải đối diện với thế giới ngày nay”. Giles Corman, người phụ trách thăm dò ý kiến quần chúng Âu châu cho Ipsos, nói rằng: “di dân là đề tài chính trong các cuộc bầu cử sau thất nghiệp”. Người Anh có một tâm lý tiêu cực nhất về ảnh hưởng của di dân trong 9 quốc gia Âu châu được nghiên cứu qua cuộc thăm dò, mặc dầu trong lịch sử, Anh Quốc là nước chấp nhận đa chủng tộc hơn hết, thì có 60% cho rằng di dân đem lại những ảnh hưởng xấu cho quốc gia họ. Đối với người Đức, 57% cho rằng di dân đem đến những tác động xấu. Trong khi dân chúng ở các quốc gia được thăm dò cho rằng, một xã hội đa tôn giáo là tốt, thì 40% dân Đức lại không tin điều ấy. Quan niệm tiêu cực của dân Đức đối với di dân có lẽ do từ vấn đề an ninh và khủng bố, bởi một trong những không tặc trong vụ 11/9 đã lạm dụng luật di dân của Đức để hoạt động.

Biến cố ngày 11/9 làm cho tình hình xã hội các nước trên thế giới thêm căng thẳng, nhất là ở các nước phát triển. Trong tình hình như thế, người di dân tìm việc làm gặp không ít khó khăn. Một mặt, họ phải đối diện với sự khác biệt về văn hóa, họ cần phải có kiến thức và thời gian để hội nhập văn hóa bản địa. Một mặt họ phải chịu sự ghẻ lạnh, phòng ngờ của người dân bản xứ và của ông chủ, trên đất khách quê người. Chưa kể đến họ phải đối diện thường xuyên với nỗi cô đơn, nạn bóc lột lao động, bị kỳ thị và bị rơi vào tình trạng bài ngoại, cũng như bệnh tật đang chờ đón họ. Nói chung, người di dân lao động luôn phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra cho họ bất cứ lúc nào.

Không chỉ các nước tiếp nhận di dân lao động lo lắng về tình hình an ninh xã hội, mà đối với đất nước có dân chúng ra đi, tạo nên làn sóng di dân, thì lo lắng sự bất ổn xã hội bởi tâm lý người dân hoang mang cũng như sự thiếu hụt lao động trong nước của mình. Điều này đồng nghĩa với việc đất nước mất đi một lượng chất xám vì sự ra đi của những người có tay nghề cao. Theo ILO, gần 400.000 khoa học gia và kỹ sư đang nghiên cứu và làm việc tại các nước có nền công nghiệp phát triển, xuất thân từ các nước đang phát triển[6]. Ví dụ, tại nước Jamaica và Ghana, số lượng các bác sĩ được đào tạo trong nước, phần lớn đang làm việc tại nước ngoài, hơn là tại chính hai nước này.

Trên thế giới là vậy, riêng tình hình trong nội bộ một quốc gia cũng gây nên không ít những vấn đề cho xã hội. Lao động tập trung về các khu công nghiệp, nhà máy cũng gặp không ít những khó khăn về nhà ở, tiền lương, đời sống sinh hoạt…. Tuy đời sống công nhân trong nước không đến nỗi cô đơn, ghẻ lạnh, bớt những rủi ro hơn những lao động cơ bản ngoài quốc gia, nhưng họ cũng gặp không ít những điêu đứng trong mối quan hệ chủ – thợ, cũng như bị bóc lột về sức lao động, trong khi đồng lương nhân công rẻ mạt, giá cả sinh hoạt lại tăng cao…. Vì vậy, những cuộc đình công của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm và trang bị bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế… liên tiếp diễn ra tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng trong thời gian gần đây là điều hiển nhiên. Nhưng qua đó cho thấy được rằng, lâu nay người lao động trong nước bị giới chủ chèn ép và bị bóc lột, trong khi Tổ chức Công đoàn và Công đoàn cơ sở tại các xí nghiệp, nhà máy, khu chế xuất còn mờ nhạt, chưa thực thi đủ vai trò của mình, để bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Nhưng thực ra, theo ông Đặng Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, sở dĩ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở chưa thực thi vai trò của mình, một mặt có những hạn chế yếu kém, mặt khác họ chưa có một điểm tựa pháp lý vững chắc để họ có thể lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho công nhân, vì họ cũng là công nhân và họ cũng có thể bị chủ doanh nghiệp thuyên chuyển hoặc sa thải khi đứng về phía người lao động! Điểm mấu chốt là Chính phủ chưa điều chỉnh hợp lý mức lương tối thiểu theo giá cả thị trường. Theo ông Tùng, “bảy năm rồi mà lương tối thiểu của khu vực này (các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, viết tắt là FDI) chưa được điều chỉnh trong khi giá cả thị trường, giá USD tăng vọt so với năm 1999”. Và “Từ năm 2004, Liên đoàn lao động một số địa phương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu trong khu vực FDI cho phù hợp với thị trường. Giữa năm 2004 Thủ tướng đã đồng ý nhưng đến cuối năm 2005, việc điều chỉnh lương vẫn chưa thực hiện. Phải đến khi hàng loạt vụ đình công lớn xảy ra ở khu vực phía Nam thì vấn đề lương tối thiểu của khu vực FDI mới được xem xét, điều chỉnh”[7]. Thiết nghĩ, xã hội cũng như các tổ chức xã hội cần phải bảo vệ giá trị và quyền lợi cho người lao động có thu nhập ổn định tương xứng với sức lao động mà họ bỏ ra.

Trên bình diện việc làm là vậy, còn trong lĩnh vực đời sống tình cảm cá nhân, gia đình cũng gặp không ít những thách đố khó khăn. Đời sống công nhân đang đối diện với một vấn đề không nhỏ là nguy cơ phân tán gia đình cả trên nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Sự phân tán này ảnh hưởng không nhỏ đến sự toàn vẹn các giá trị gia đình trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

2. Di dân – Thách đố của sự phân tán gia đình


Khi nói đến di dân là nói đến một sự thay đổi cả về mặt địa lý lẫn văn hóa. Tình hình hiện nay của di dân chủ yếu là di dân lao động của người trẻ. Họ muốn tìm một cuộc sống đầy đủ và sung túc hơn, nhưng thường họ phải chấp nhận rời xa gia đình, vượt ra khỏi những ảnh hưởng, ổn định của gia đình, làng xã để đến một môi trường làm việc mới mẻ. Ngay trong chính mỗi người ra đi, ít nhiều đang có một sự đổ vỡ nào đó. Linh mục Antôn Trần Ngọc Sơn nhận định: “Người Việt Nam muốn an cư lạc nghiệp, sống quen nơi các thôn làng nơi có mồ mả ông bà tổ tiên, có nghề nghiệp theo phường làng nên không muốn đi xa, không muốn di chuyển chỗ ở. Sự liên lạc giữa người sống và người chết tạo nên một nền văn hóa đặc thù của người Việt Nam. Khi di chuyển khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, dù di dân tự do hay theo chương trình của nhà nước, người di cư vẫn cảm thấy lẻ loi, cô đơn trong vùng đất mới, xa lạ về văn hóa làng xã. Do thiếu chuẩn bị về tinh thần, họ thường thấy lạc lõng, căng thẳng mỗi khi gặp những khó khăn như thiếu thốn, bệnh tật, dù có thuận lợi về một số mặt kinh tế xã hội”[8].

Đối với người lao động trong nước, sự phân tán này ít trở thành vấn đề. Vì nhìn chung, mỗi năm họ có 12 ngày phép vào dịp Tết về quê thăm gia đình. Đồng thời, bên cạnh họ còn có hội đồng hương, những bạn bè cùng quê ra đi. Vấn đề ở đây là sự phân tán, sự đổ vỡ thuộc về nhận thức của một sự tiếp xúc văn hóa vùng miền khác nhau cũng như môi trường sống, dần dần làm cho người trẻ xem nhẹ và đánh mất đi những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương mình. Họ tạo nên một lối sống mới hoàn toàn xa lạ.

Các giá trị của gia đình truyền thống ngày bị mai một, gia đình mà người trẻ xa quê lên thành thị làm việc tạo nên là những “gia đình hợp đồng, những “gia đình góp gạo, góp tiền phòng sống chung”, những “gia đình phòng trọ”… được xây dựng nên từ những mối tình chóng vánh, để rồi tan vỡ một cách nhẹ nhàng! Hậu quả để lại thường là những nữ công nhân phải gánh chịu. Những đứa con vô thừa nhận bất đắc dĩ được sinh ra thường bị bỏ rơi, chết hoặc lớn lên trong sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần.

Đặc biệt, đối với những người di dân lao động ngoài lãnh thổ quốc gia thì sự phân tán này rõ rệt hơn. Theo thời gian, những người di dân này bị xói mòn văn hóa gốc dẫn đến tình trạng mất gốc văn hóa, đánh mất những giá trị văn hóa tích cực mà dân tộc họ từng xây dựng và ấp ủ trong suốt chiều dài lịch sử. Thay vào đó là một thứ văn hóa tạp đa tự do, mà trong quá trình tiếp xúc lao động đã tạo nên. Tuy có những giá trị tích cực, nhưng thường tạo nên cho tầng lớp này một lối sống vội vã, đề cao cá nhân chủ nghĩa, lối sống ích kỷ thực dụng, chưa kể đến họ là nguyên khởi cho sự phá vỡ tính ổn định văn hóa bản địa mà họ đang sống.

Mặt khác, theo các Giám mục Á châu nhận định, thì những người di dân lao động tại các nước phát triển có thu nhập cao hơn nhiều so với mức lương kiếm được trong nước, họ có thể ky cóp để gửi về cho gia đình ở quê nhà. Thế nhưng, “đổi lại, họ mất đi sự ổn định của gia đình vào việc giáo dục thích hợp cho tiến trình trưởng thành của con cái, vì chúng thiếu sự hiện diện, hướng dẫn và tình yêu thương của cha mẹ, khi đang ở độ tuổi phát triển nhất và dễ bị tác động nhất” [9]. Trên thực tế, những gia đình có vợ hoặc chồng đi lao động nước ngoài, tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng sau thời hạn lao động về nước thường rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” và cũng có khi tan vỡ gia đình. Có nhiều nguyên nhân từ hai phía dẫn đến tình trạng này, nhưng có lẽ do tình trạng bị xói mòn, thậm chí bị đánh mất văn hóa gốc, dẫn đến tình trạng mất đi tính hòa hợp gia đình. Vợ chồng con cái không thể chia sẻ được với nhau, chưa kể đến tình trạng ngoại tình và hệ quả của lối sống buông thả trong thời gian họ xa quê hương.

Đối diện với thách đố của sự phân tán gia đình, trách nhiệm không chỉ thuộc về những người di dân lao động, mà phải thuộc về trách nhiệm chung của xã hội khi đối diện với nó. Một mặt, di dân lao động giải quyết được một lượng lớn lao động thất nghiệp, giúp cho họ có thu nhập, đời sống kinh tế có khá hơn trước, là một nguồn đem lại sự phát triển. Thế nhưng, mặt khác, họ bị mất mát quá lớn về đời sống gia đình, cũng như những ấm êm, ổn định từ phía gia đình mang lại.

3. Chia sẻ trách nhiệm trong tình liên đới


Chúng ta cũng cần nhắc lại với nhau rằng, “chính nhờ lao động mà con người kiếm ra được lương thực hằng ngày và đóng góp vào sự tiến bộ liên tục của khoa học kỹ thuật và nhất là làm cho cộng đồng xã hội anh em của mình luôn luôn thăng tiến về văn hóa và đạo đức”[10]. Từ những chiều kích tốt đẹp mà lao động mang lại, thì người di dân lao động “trở thành một nguồn đem lại sự phát triển hơn là cản trở sự phát triển”[11]. Mặc dầu, một cách nào đó, họ thường bị coi là mối đe doạ cho mức sống của các nước có nền kinh tế phát triển mà họ đang làm việc, cũng như là gánh nặng cho chính quyền địa phương phường, xã, nơi có các khu công nghiệp, nhà máy hiện diện. Thế nhưng, “trong nhiều trường hợp, những người di dân ấy lại thoả mãn được nhu cầu lao động, mà nếu không có họ, sẽ chẳng bao giờ được đáp ứng, tại những khu vực và lãnh thổ thiếu lực lượng lao động hay các người lao động không muốn tham gia vào những công việc đang nói tới”[12]. Từ đấy, chúng ta thấy được vai trò của người lao động, mà cụ thể là vai trò của người di dân lao động trong tiến trình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Nhìn nhận vai trò không thể thiếu của người di dân lao động trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội, để nhận ra trách nhiệm của xã hội, cũng như của những ai đang có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trong chiều hướng đó, Giáo hội luôn là người bạn đồng hành và chia sẻ trách nhiệm của mình, coi đây là trách nhiệm mà Đức Kitô đã trao phó. Trong sứ điệp gửi ngày Thế giới người di dân và tỵ nạn trên thế giới, được tổ chức vào ngày 16 tháng 01 năm 2005, với chủ đề “Sự hội nhập liên văn hoá”, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “… các Kitô hữu phải hơn hết nghe tiếng kêu cứu đến từ một số đông những người di dân và tị nạn, nhưng cũng phải cổ võ với sự dấn thân tích cực đến những viễn tượng hy vọng báo trước bình minh của một xã hội cởi mở và cảm thông. Họ có nhiệm vụ hơn hết phải nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong lịch sử, dầu khi tất cả còn xem ra bị bao phủ trong cảnh tối tăm”[13]. Người Kitô hữu được mời gọi để thực thi sứ vụ rao truyền Tin mừng trong một hoàn cảnh đa sắc tộc, đa văn hóa quả là một thách đố đáng kể. Nhưng họ có thể bày tỏ tình đoàn kết, huynh đệ đối với những người cùng chung sống, cũng như khám phá lại hình ảnh của một Đức Kitô khách trọ đang sống giữa họ qua hình ảnh của người di dân. Quả thực, người Kitô hữu trong thời đại hôm nay cần có những việc làm thiết thực hơn trong việc diễn tả niềm tin của mình. Những chủ chăn trong Giáo hội cần giúp họ trưởng thành hơn, vượt ra khỏi cách giữ đạo cục bộ, truyền thống, loay hoay quanh giáo họ, giáo xóm, giáo xứ… của mình. Đức tin trong thời đại hôm nay mang dáng dấp của một cuộc ra đi, ra khỏi chính mình, ra khỏi giáo họ, giáo xứ, ra khỏi làng xóm để đến với một thế giới rộng lớn hơn, có nhiều điều kiện hơn để có dịp giúp đỡ người khác, ra đi như Tổ phụ Abraham xưa với một niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.

Đối diện với xu hướng di dân của thời đại, Giáo hội Việt Nam đã có những bước đi quan trọng. Phần lớn đã có những hoạt động mục vụ thiết thực cho người di dân tại các thành phố lớn, nơi mà người di cư đổ về đây tìm việc làm. Thế nhưng chỉ mới tập trung ở một vài nhóm thiện nguyện cộng tác với các tu sĩ nam nữ làm công tác xã hội. Bên cạnh đó là các linh mục phụ trách mục vụ cho người di dân của giáo phận. Trong thực tế, chưa có một trung tâm đặc trách mục vụ cho người di dân, vì thế chưa có một đường hướng hoạt động cụ thể mang tính đồng bộ xuyên suốt nhằm giúp đỡ cho đối tượng này. Đồng thời, trung tâm này phải là người đóng vai trò trung gian giữa các chính sách hỗ trợ xã hội của nhà nước với người di dân, cũng như đóng vai trò trung gian giữa các cơ sở, xí nghiệp với công nhân lao động, để bảo vệ quyền lợi cho họ. Một mặt nào đó, Giáo hội Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chưa theo kịp xu hướng phát triển trên đà toàn cầu hóa hiện nay. Trong tình hình như thế, tại sao những người Kitô hữu chưa được mời gọi cho mảng hoạt động này? Thiết nghĩ, mô hình hoạt động giúp đỡ người di dân bằng việc mở quán cơm xã hội, khuyến khích giáo dân xây dựng khu nhà trọ cho công nhân với giá phòng phải chăng của giáo xứ Hà Nội, giáo phận Xuân Lộc trong những năm gần đây cho chúng ta đáng lưu tâm. Quả thực, đây là một phương thế “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” có lẽ mang lại nhiều hoa quả nhất trong công cuộc truyền giảng Tin mừng trong thời đại mới[14]. Giáo hội luôn phải đối diện và suy tưởng về hình ảnh Chúa Kitô khi Ngài nói, “Ta là một người lạ, vậy mà anh em đã đón tiếp Ta!”[15]. Trong Chỉ thị và Chỉ dẫn với tựa đề “Erga Migrantes Caritas Christi” của Hội Đồng Toà Thánh về di dân và du lịch có đoạn viết, “Việc đón nhận một ngưòi lạ (như hàng xóm láng giềng và là hình ảnh của Đức Giêsu tỵ nạn bên Ai Cập) đích thực chính là bản chất của Giáo hội để làm chứng về lòng chung thủy với sứ điệp của Tin mừng”. Chỉ thị còn nói rằng, “đặc biệt là tại các giáo xứ cũng vì thế mà được mời gọi theo tinh thần của Phúc âm để đón tiếp những người di cư dựa trên những sáng kiến về mục vụ, gồm cả việc gặp gỡ và đối thoại với họ, cũng như giúp đỡ các tín hữu hãy bỏ qua những thành kiến dị biệt”[16]. Công tác mục vụ cho người di cư tại các giáo xứ có lẽ cũng còn phải chú ý đến mảng tổ chức, quy tụ, tạo ra những sân chơi bổ ích, nhằm nâng cao sự hiểu biết về xã hội, văn hóa, về sức khoẻ giới tính…. Đặc biệt, hướng những bạn trẻ tham gia chương trình giáo dục về các giá trị sống: “Living Values an Educational Program”[17], vào những ngày nghỉ. Đây là chương trình giáo dục rất bổ ích, giúp cho người trẻ có những kỹ năng sống tốt, là nền tảng cho gia đình trong đời sống hiện đại.

Ngày nay trên thế giới, các tổ chức, đoàn thể xã hội đã được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như nhân phẩm, giá trị của người di dân lao động, trước mối đe doạ bị bóc lột sức lao động, tiền lương, cũng như việc đối xử phân biệt sắc tộc tại các nước tiếp nhận lao động. Tổ chức Lao động Quốc tế ILO kêu gọi thiết lập những chỉ dẫn về các vấn đề như cổ võ “Chương trình di cư có kiểm soát”, nhằm mục đích đảm bảo công ăn việc làm, việc cấp giấy phép và giám sát việc tuyển lựa và hợp tác với các cơ quan giao dịch cho những người thợ di cư. Chương trình hành động của ILO cũng còn nhắm tới việc cổ võ các biện pháp nhằm đảm bảo cho các thợ di cư được hưởng quyền lợi từ các điều khoản về các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan. Ở đây cũng còn giới thiệu những biện pháp nhằm đảm bảo rằng tất cả những người thợ di cư được hiến pháp về lao động của quốc gia đó cũng như các luật lệ về xã hội hiện hành bảo vệ[18].

Tạm kết


Một xã hội sẽ ổn định và bền vững khi gia đình đóng một vai trò không thể thay thế cho bất cứ điều gì trong cuộc sống. Đứng trước sự thay đổi và chuyển dịch của xã hội và thế giới, dù muốn dù không, các giá trị gia đình luôn phải thay đổi theo. Sự thay đổi này có thể theo chiều hướng tốt, khi xã hội nhìn nhận và ý thức bảo vệ nó; cũng có thể theo chiều hướng ngược lại. Thế nhưng, đứng trước sự chênh vênh đó, chúng ta luôn được mời gọi khám phá lại tầm quan trọng đặc biệt của gia đình. Gia đình lâu nay vẫn là trung tâm của mọi chấn động xã hội, là “nơi thu nhận chính yếu các làn sóng văn hóa mới xuất hiện, đồng thời cũng là nơi khởi động những tác dụng văn hóa có ảnh hưởng tốt cũng như xấu. Kể cả ngày nay, chúng ta vẫn đề cập đến gia đình như là điểm tham chiếu cho các tương quan lý tưởng về xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo. Đại diện cho toàn thể thế giới, Liên Hiệp Quốc vẫn luôn coi gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, mặc cho một số người theo chủ nghĩa tân tự do ở phương Tây đặt vấn đề. Giáo huấn của Giáo hội về xã hội đã luôn luôn nhìn nhận gia đình như tế bào cơ bản và cộng đoàn đầu tiên của xã hội. Như vậy chắc chắn cơ cấu căn bản đầu tiên cho cuộc sống con người là gia đình”[19]. Khẳng định lại vai trò không thể thay thế của gia đình, để mọi người luôn ý thức về mình mà gìn giữ các giá trị ấy. Nhất là trong thời đại di dân như hiện nay, gia đình chịu sự tác động rất lớn từ các nền văn hóa trên thế giới. Đồng thời, gia đình mang những hình thái đặc sắc khác nhau trong quá trình giao lưu và nối kết văn hóa. Bên cạnh những yếu tố tích cực mà hôn nhân khác văn hóa mang lại, nó cũng tạo nên những căng thẳng do khác biệt văn hóa. Nhìn nhận những khó khăn ấy, cũng như những khó khăn mà người di dân phải gánh chịu khi phải thay đổi môi trường sống, thì trách nhiệm của xã hội và mỗi người không thể chối từ, trong việc tiếp nhận và giúp đỡ họ. Đối với người Kitô hữu, việc tiếp nhận và giúp đỡ những người di dân mang một ý nghĩa mới, đó là một cách khẳng định lại niềm tin của mình, con người là hình ảnh của Thiên Chúa.

Chú thích___

[1] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens, 1981, Bản dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của ấn bản đa ngữ, số 10.
[2] Trích Sứ điệp của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu lần VIII, 8-2004
[3] Theo Vietcatholic news, Ngày 21-06-2004, Giáo hội đề ra các nguyên tắc về hiện tượng di cư ngày càng gia tăng, của Anthony Lê.
[4] Theo Vietcatholic news, Ngày 01-09-2003, Tái cam kết công lý cho nông gia, Ngọc Loan dịch.
[5] Thăm dò nghiên cứu của Ap – Ipsos được thực hiện trong thời gian từ 07-17/5/2004, số người được phỏng vấn khoảng 1000 người ở mỗi nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Mexico, Hoa Kỳ. Mức sai số hơn kém 3%, Theo Nguoi-viet Online http://www.nguoi-viet.com
[6] Theo Vietcatholic news, Ngày 01-09-2003, Tái cam kết công lý cho nông gia, Ngọc Loan dịch.
[7] Trích bài phỏng vấn: “Sẽ không có đình công, nếu…” của Đức Bình, báo TTCN với TS Đặng Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam. Xc. Tuổi trẻ Chủ nhật, Số 7-2006 (1169), ra ngày 19-2-2006, Tr.18.
[8] Uỷ ban Bác ái xã hội, Loan báo Tin Mừng trong xã hội hôm nay, tr.184.
[9] Trích tài liệu về Gia đình của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu lần VIII, 8-2004, số 15 – 17.
[10] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, Số 10, Bản dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của ấn bản đa ngữ, 1981.
[11] Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình, Toát yếu Học thuyết xã hội Công giáo, Số 297, Libreria Editrice Vaticana xuất bản, 2004.
[12] Sđd, Số 297.
[13] Theo Vietcatholic news, 17-12-2004, Đức Gioan Phaolô II, Sứ điệp gửi ngày Thế giới di dân và tị nạn, năm 2005, số 4, Đức ông Nguyễn Quang Sách giới thiệu.
[14] Xc. Đàm Đáng, Tiệc Giáng Sinh cho người di dân, Báo Công giáo và Dân tộc, Số 1539, Tuần lễ từ 30.12.2005 đến 05.01.2006, tr.33
[15] Xc. Mt 25,31-46.
[16] Xc. Hội Đồng Toà Thánh về Di dân và Du lịch, Chỉ thị / Chỉ dẫn Tình yêu của Chúa Kitô dành cho những người di cư, ngày 14 – 5 – 2004.
[17] “Living Values an Educational Program”, Đây là một chương trình giáo dục là đối tác của các nhà giáo dục trên toàn cầu. Chương trình này được hỗ trợ bởi UNESCO, uỷ ban về UNICEF của Tây Ban Nha, Hiệp hội Hành tinh, Brahma Kumaris, với sự tham khảo ý kiến với Nhóm Giáo Dục của UNICEF (New York). Có thể liên hệ với nhà xuất bản: [email protected], hoặc có thể ghé thăm trang Web giá trị sống: http://www.livingvalues.net
[18] Theo Vietcatholic news, Ngày 01-09-2003, Tái cam kết công lý cho nông gia, Ngọc Loan dịch.
[19] Trích tài liệu về Gia đình của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu lần VIII, 8-2004, Số 3.