Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

MỤC VỤ CHO NGƯỜI DI DÂN, MỘT GÓC NHÌN

Thời sự Thần học – Số 43, tháng 03/2006, tr. 79-87

_Phêrô Phạm Duy Khánh, O.P._


Di dân là một hiện tượng đang ngày càng trở nên bình thường, cách riêng tại những nước châu Á – nơi mà ảnh hưởng của “an cư, lạc nghiệp”, lối sống làng xã vẫn còn in đậm nét trên tâm thức của người dân những xứ này. Thế nhưng, toàn cầu hóa đã biến chuyện di dân là một yếu tố cần thiết để sinh sống và hội nhập trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Dù cho nhiều người lạc quan khi nhìn về hiện tượng này như là một dấu hiệu của sự tăng trưởng kinh tế, sự đa dạng về văn hóa trong một cộng đồng, dân tộc, đất nước, nhưng về phía mình, người Công giáo vẫn xem đây như là một thách thức bởi họ ý thức rằng: “Không ai được tỏ ra lãnh đạm trước những tình cảnh của vô số người di dân. Đây là những người bị các biến cố đưa đẩy và họ để lại đàng sau lưng những tình cảnh nhiều khi rất bi thảm.”[1] Ý thức điều đó, Giáo hội Việt Nam đã và đang triển khai những hoạt động mục vụ cụ thể dành cho người di dân. Bài viết này xin đóng góp một vài ý kiến cho hoạt động mục vụ thời sự này.

1. Khái quát tình hình di dân tại Việt Nam


Có thể nói di dân là một hiện tượng phổ biến trong xã hội loài người, chúng gắn với sự xuất hiện của các thành phố cách đây chừng năm, sáu nghìn năm trước[2]. Tại Việt Nam, kinh nghiệm này cũng gắn với sự phát triển đô thị hoặc những chính sách phân bố dân cư theo từng giai đoạn cụ thể của đất nước.

Sau ngày 30/04/1975, hầu hết các cuộc di dân đều thuộc loại hình di dân có tổ chức. Mô hình xây dựng các vùng kinh tế mới là mô hình đặc trưng của giai đoạn này. Nhà nước Việt Nam xem đây là những hoạt động mang ý nghĩa kinh tế, nhưng bên cạnh đó, chiều kích chính trị cũng là ý nghĩa của chính sách di dân của nước ta lúc bấy giờ. Trong khoảng 20 năm (từ năm 1976-1995), cả nước có khoảng 4,8 triệu người di dân tái định cư, nơi xuất cư chủ yếu là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung, còn nơi nhập cư chủ yếu là vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long[3]. Trong bối cảnh ấy, các hoạt động mục vụ dành cho người di dân gặp rất nhiều khó khăn. Không phải giáo hội Việt Nam thiếu người, thiếu nhiệt tâm, nhưng “hoàn cảnh” là câu cửa miệng được nhiều người nhắc đến. Dẫu vậy, một số nơi tại Miền Nam vẫn có nhiều giáo xứ được thành lập và được các chủ chăn nhiệt tâm tông đồ chăm sóc. Có được thành quả ấy phải kể đến sự đóng góp rất nhiều của các nam nữ tu sĩ .

Kể từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với việc đi theo cơ cấu nền kinh tế thị trường. Đường lối này đã tạo ra luồng gió mới trong hoạt động kinh tế. Nếu như trước kia việc di dân theo sự tổ chức của nhà nước, thì lúc này việc di dân được diễn ra dưới hình thức tự do. Sự di dân ồ ạt vào các thành phố lớn đã gây nên nhiều vấn đề phức tạp, nan giải. Đối với Giáo hội, vấn đề hiện tại không phải là “hoàn cảnh” nhưng là sự nhiệt tâm và đường hướng mục vụ thích hợp. Ý thức được tầm quan trọng của việc mục vụ cho người di dân cũng như trách nhiệm của mình, trong những năm gần đây, tại một số giáo phận lớn, các vị chủ chăn cũng đã đề ra nhiều hoạt động mục vụ dành cho đối tượng là người di dân. Các hoạt động mục vụ này ít nhiều cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu tâm linh của dân nhập cư, dẫu rằng mô hình mục vụ chuyên biệt vẫn đang trên đường định hình.

Từ những phân tích thực tế trên cho thấy, hoạt động mục vụ cho người nhập cư giờ đây phải dần trở thành một hoạt động mang tính chuyên môn, chiến lược cao. Việc di dân đã và đang trở thành một chuyện thường ngày trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở nước ta như hiện nay, rộng lớn hơn đó là trong vòng quay của toàn cầu hóa. Để làm được chuyện này, thiết nghĩ các vị chủ chăn hoặc một số tu sĩ không thể hoạt động một cách đơn độc, họ cần phải nhờ đến sự trợ giúp của những người dân địa phương trong mọi hình thưc hoạt động của mình.

2. Sự cộng tác của dân địa phương


2.1. Khởi đi từ kinh nghiệm “di dân”


Dù rằng hiện nay còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về bản chất của sự di dân, do đó có nhiều tên gọi khác nhau như: di dân, di cư, di trú, di chuyển, chuyển cư… dẫn đến có nhiều cách định nghĩa khác nhau về di dân. Chẳng hạn theo Lee (1966), di cư là “sự thay đổi cố định nơi cư trú[4]”. Còn theo Paul Shaw, “di dân là hiện tượng di chuyển khỏi tập thể từ một địa điểm địa lý này đến một đơn vị địa lý khác, trên cơ sở quyết định của người di cư, dựa vào một loạt các giá trị trong hệ thống các quan hệ qua lại của người di cư[5]”. Theo tác giả Nguyễn Văn Tài và cộng tác viên, “di dân hay còn gọi là sự di trú, là thuật ngữ mô tả quá trình di chuyển dân số hoặc đó là quá trình con người rời bỏ hoặc hội nhập vào một đơn vị hành chính, địa lý nhất định[6]”. Như vậy, với cách hiểu di dân là sự thay đổi nơi sinh sống về không gian địa lý hay về cơ cấu hành chính, dường như không ít người dân Việt Nam có chút kinh nghiệm về di dân, về những hoàn cảnh gặp phải khi là người di dân. Biến cố 1954, những cuộc tái định cư lập các vùng kinh tế mới sau năm 1975 và những nhu cầu di dân vì lý do kinh tế sau 1986 cho đến nay đã nói lên điều ấy. Ở những hoàn cảnh là một người di dân, người ta gặp muôn vàn khó khăn trong việc tìm nơi cư ngụ, tìm chỗ làm, hội nhập vào một nếp sống mới với những người lạ hoắc chung quanh…

Nếu hiểu rằng di dân cũng có nghĩa là phải thiết lập những mối tương quan mới, theo một nghĩa rộng, ta có thể kể đến những người sống tâm thức di dân ngay chính ở mảnh đất quê hương của mình. Không ít nơi sau một vài năm, giật mình nhìn lại, người ta chợt nhận ra những người sống chung quanh mình là những người lạ hoắc, không cùng ta sinh ra và lớn lên tại đây. Những giọng nói không cùng một thổ âm, cách cư xử, ăn mặc của những người nhập cư cũng khác mình. Bỗng dưng ta có cảm giác mình là người lạ ở chốn thân quen này. Như vậy cũng không quá khi nói dường như mọi người đều có kinh nghiệm về hoàn cảnh của người di dân.

2.2. Kinh nghiệm và sự hợp tác


Bên cạnh chiều kích kinh nghiệm “di dân” của người dân địa phương, một số lý do khác khiến người mục tử có thể lôi kéo sự hợp tác của người dân địa phương vào các hoạt động mục vụ dành cho người nhập cư. Ta có thể kể ra đây nguồn lợi kinh tế mà người nhập cư mang lại cho người dân địa phương. Nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ai cũng cần, đặc biệt nơi những công nhân nhập cư như trong hoàn cảnh hiện tại. Ở những vùng quanh các Khu công nghiệp, nhu cầu nhà trọ trở nên rất bức thiết. Người dân địa phương có thể sinh sống bằng những căn hộ cho thuê của mình, bằng những nhu yếu phẩm mà mình kinh doanh, buôn bán…

Song song đó, nhu cầu được sống trong một khu dân cư an toàn sẵn có của mình trước đây là một nhu cầu mà bất cứ người dân địa phương nào cũng mong muốn. Thế nhưng, tình trạng di dân ồ ạt nếu không có sự kiểm soát tại nơi đến, hẳn sẽ dẫn đến tình trạng mất trật tự, an ninh. Để giữ gìn sự ổn định, rất cần đến sự hợp tác của người dân địa phương. Tại một số giáo xứ ở Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình “nhà trọ hợp tác”[7] đã khuyến khích người dân địa phương tham gia nhiều vào tiến trình bảo đảm an ninh cho khu dân cư. Sự phối hợp chặt chẽ với các vị chủ chăn trong giáo xứ đã tạo ra một môi trường an toàn, đáp ứng nhu cầu của nhiều bên tham gia.

Cuối cùng, “khi những khác biệt dần dần hội nhập thì sẽ mở đường cho sự sống chung giữa những khác biệt. Người ta tái khám phá những giá trị chung của mọi nền văn hóa có khả năng liên kết chứ không chia rẽ, những giá trị đào sâu căn cội cho những điểm chung của nhân loại. Điều đó giúp phát triển một sự đối thoại hữu ích để kiến tạo một con đường bao dung đối với nhau, con đường thực tiễn và tôn trọng những đặc thù của mỗi người[8]”.

Tóm lại, trong hoạt động mục vụ dành cho người di dân, các vị chủ chăn hoặc các vị hữu trách cần lôi cuốn được sự tham gia của người dân địa phương vào hoạt động này. Những hoạt động đó có thể là tạo một môi trường sinh sống như nhà trọ, các hoạt động đoàn thể… đáp ứng nhu cầu, túi tiền và nâng cao phẩm giá của người di dân. Nếu có sự hỗ trợ từ phía người địa phương, họ sẽ trở thành những cánh tay nối dài và rất đắc lực cho việc triển khai các đường hướng mục vụ của các vị chủ chăn. Dĩ nhiên trong quá trình thực hiện các hoạt động ích lợi này, bản thân người nhập cư sẽ dễ dàng nhận ra các giá trị và sự quan tâm của nơi đến, hẳn rằng họ sẽ tham gia rất nhiệt tình.

3. Một vài góp ý mục vụ


3.1. Bắt đầu từ việc đáp ứng nhu cầu


Một trong những nguyên tắc khi tham gia vào tiến trình phát triển cộng đồng đạt kết quả đó là những mục tiêu, phương pháp áp dụng cần phù hợp với nhu cầu của người thụ hưởng[9]. Ta không thể dọn ra một “món ăn” nào đó mà người kia không thích ăn. Nếu thế thì mọi công lao chuẩn bị nấu nướng của ta trở nên vô ích. Thiết nghĩ trong vấn đề mục vụ cũng vậy, để cho mọi hoạt động mang tính thiết thực, được mọi người hưởng ứng, những hoạt động ấy cần phù hợp với những nhu cầu mong ước của người di dân.

Tuy chưa thực hiện một cuộc điều tra đánh giá chi tiết, cơ bản ta cũng có thể nhận ra nhu cầu chính yếu của những người di dân Công giáo nói chung đó là nhu cầu về chỗ ở, nhu cầu về công ăn việc làm ổn định, giải trí, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục con cái, không gian an toàn, lãnh nhận các bí tích… Do vậy, theo chúng tôi, một đường hướng mục vụ tốt là một đường hướng đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người nhập cư. Để thực hiện được điều này, ta cần mở rộng các hoạt động của mục vụ, không gói gọn hoặc có cái nhìn phân biệt theo kiểu trách nhiệm xã hội này không thuộc chuyên môn, hoạt động của tôi nên tôi không quan tâm. Theo chúng tôi, người hoạt động mục vụ cho đối tượng chuyên biệt này cần có một tầm nhìn bao quát, tầm nhìn xã hội. Có thế, các phương án mục vụ đưa ra mới có thể thu hút sự tham gia của người nhập cư; có thế trách nhiệm của người làm mục vụ mới có thể hiện một cách tròn đầy.

Cũng cần lưu ý thêm, trong việc đáp ứng nhu cầu người nhập cư, một nhu cầu lớn mà ta cũng nên lưu tâm đó là nhu cầu được hướng dẫn kỹ năng sống. Rời bỏ nếp sống an bình, giản dị của nông thôn, người di dân khi hòa nhập vào chốn đô thị sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, ngỡ ngàng. Họ rất cần sự hướng dẫn để nâng cao nhận thức về cuộc sống mà họ thiếu, tránh những cạm bẫy đang giăng mắc chiêu dụ họ. Vì thế trong kinh nghiệm tổ chức của chúng tôi, những buổi tập huấn nâng cao kiến thức cho từng đối tượng cụ thể như: kỹ năng làm cha mẹ, giáo dục giới tính, giá trị cuộc sống, kiến thức về luật lao động… theo tinh thần Kitô giáo rất được sự đón nhận và tham gia nhiệt tình của giới nhập cư.

Tóm lại, một hướng hoạt động mục vụ tối ưu là hướng hoạt động biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người di dân. Chính trong những hoạt động xã hội, người di dân sẽ nhận ra bàn tay quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa trên cuộc đời họ[10].

3.2. Cơ cấu và tổ chức


Theo một thói quen cố hữu trong đường hướng mục vụ nói chung, để triển khai các hoạt động mục vụ, cơ cấu giáo xứ được coi là “vững chắc” nhất. Các tín hữu trong giáo xứ “được gom vào” các đoàn thể sẵn có hoặc tạo ra các tổ chức đoàn thể mới đặc trưng cho một loại đối tượng mục vụ nào đó. Dĩ nhiên không thể phủ nhận vai trò đóng góp cho việc sống đạo nơi người dân của các tổ chức đoàn thể này. Bên cạnh đó, việc quy tụ vào các đoàn thể sẽ giúp các vị chủ chăn dễ dàng kiểm soát và điều hành. Nếu như trước đây, hình thức tổ chức như thế phù hợp với nếp sống đạo gắn liền với tổ chức làng xã thì ngày nay, khi người dân hòa theo dòng chảy của toàn cầu hóa, của di dân, dám vượt qua luỹ tre làng cố hữu thì dường như cách tổ chức theo lối cơ cấu như vậy có vẻ không phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu của từng cá nhân riêng biệt – điều mà các hoạt động trợ giúp con người ngày nay xem trọng. Vì vậy, quan điểm của bài viết xin được thuận theo phát biểu của Công đồng Vaticano II:

“Những nghi lễ dù đẹp mắt, những hội đoàn dù phát triển rầm rộ cũng không có ích bao nhiêu nếu chúng không hướng đến việc giáo dục con người đạt tới sự trưởng thành Kitô giáo. Để đạt tới sự trưởng thành đó, các linh mục phải giúp họ sáng suốt nhận ra trong các biến cố lớn nhỏ đâu là việc phải làm, đâu là ý Chúa muốn.” (LM 6).

Trong bối cảnh hiện tại, xã hội ngày càng giảm dần lối tổ chức, trợ giúp theo các nhóm lớn và ngày càng xuôi theo mô hình nhóm nhỏ và cá nhân. Có khuynh hướng này là do ngày nay việc đề cao tính chủ thể với những nét đặc thù là nhu cầu của con người thời đại. Thiển nghĩ, trong hoạt động mục vụ cho người di dân, nên giảm trừ xu hướng tổ chức hội đoàn cách rầm rộ, chỉ giữ lại một số hoạt động cần thiết như: đại hội giới trẻ công nhân nhập cư, câu lạc bộ Đồng hương… Song song đó, nên chú trọng hơn việc tổ chức các nhóm nhỏ chừng 10–20 người, đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của một số đối tượng cụ thể. Qua đó mọi hoạt động của ta sẽ dễ dàng đi đến từng cá nhân cụ thể. Những mối tương quan bền chặt, nguyện vọng, tâm thức của từng người Kitô hữu mới nhờ đó được tìm hiểu, trợ đỡ trong chính nhóm nhỏ ấy. Dĩ nhiên ở những bước đầu, hoạt động mục vụ chỉ có thể gói gọn trong một vùng nhỏ, không thể tổ chức cách sâu rộng, có thể bỏ sót một số cá nhân nào đó, nhưng theo người viết, khởi đi từ những đoàn thể lớn, hoạt động mục vụ cần đi đến mục đích là làm thăng tiến mức độ trưởng thành Kitô giáo của từng cá nhân. Vì vậy, khó có thể đạt được điều này nếu chỉ dừng lại ở những cơ cấu, tổ chức lớn mà cần đẩy mạnh các hoạt động mục vụ đi xa hơn, tiến đến chỗ “chất lượng hơn số lượng”. Tuy nhiên, vẫn còn đó một nỗi lo: “lấy đâu cho đủ nhân sự để đáp ứng nhu cầu các nhóm nhỏ, cả về phương diện lượng cũng như phẩm”. Để giải quyết khó khăn này, nguồn nhân lực từ các giáo dân nhiệt thành, năng nỗ và có khả năng thích hợp là cần thiết.

3.3. Trách nhiệm của nơi xuất cư


Thông thường trong các hoạt động mục vụ, người ta thường chú trọng đến môi trường của nơi người di dân nhập cư mà quên đi hoàn cảnh để lại ở nơi xuất cư. Theo chúng tôi, việc quan tâm khởi đi từ nơi xuất cư cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong mục vụ chuyên biệt này. Bởi bên cạnh việc có được những thu nhập có giá trị, đổi lại, “người di dân mất đi sự ổn định của gia đình và việc giáo dục thích hợp cho tiến trình trưởng thành của con cái, vì chúng thiếu sự hiện diện, hướng dẫn và tình yêu thương của cha mẹ khi đang ở độ tuổi phát triển nhất và dễ bị tác động nhất[11]”. Do đó, tác động của gia đình trên người nhập cư là rất nặng nề. Một đường hướng mục vụ có sự kết hợp giữa nơi xuất cư và nơi nhập cư sẽ ảnh hưởng rất nhiều trên người di dân.

Theo chúng tôi được biết, hiện nay ở một số giáo xứ nơi xuất cư, hàng năm cha xứ thường có một vài lá thư luân lưu dành cho những công nhân xa quê hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Những lá thư động viên và mang màu sắc huấn giáo đó đã trợ đỡ tinh thần của anh chị em công nhân rất nhiều. Song song đó, một số giáo xứ còn tổ chức các hội đồng hương. Những hội này có nhiệm vụ can thiệp những trường hợp người của hội bị chèn ép; thông tin những cơ hội trong vấn đề việc làm, tàu xe; giúp đỡ về chỗ ở, việc làm cho những người thất nghiệp, người mới vào thành phố; tổ chức các buổi gặp gỡ, họp mặt… Những hoạt động như vậy, hiện nay là những hoạt động mang tính thiết thực và có trách nhiệm đối với con chiên của các vị chủ chăn nơi xuất cư.

Tạm kết


Tình trạng di dân không phải là điều mới mẻ. Nhưng cùng với Giáo hội Á Châu nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, chúng là một vấn đề thời sự, cần có những hoạt động mục vụ chuyên biệt dành cho đối tượng này. Để làm tốt nhiệm vụ ấy không thể chỉ riêng hàng giáo phẩm, hội dòng hay tổ chức nào có thể làm được, mà chúng ta cần có sự cộng tác, phối hợp của đủ mọi thành phần Dân Chúa. Mọi người cần đọc thấy ở đây dấu chỉ của kinh nghiệm di dân trong lịch sử cứu độ và thể hiện lòng thương xót từ nơi Thầy Chí Thánh. Cảm nghiệm thấy điều này, trong một tầm mức rộng lớn hơn, Giáo hội châu Á đã phát biểu: “Những công nhân di cư và gia đình của họ rất cần đến sự ân cần chăm sóc mục vụ, từ Giáo hội ở những nước gửi họ đi và Giáo hội ở những nước nhận họ. Chăm sóc mục vụ cho dân di cư quả là một trong những ưu tư mục vụ hàng đầu của Giáo hội Châu Á”[12].

Chú thích__

[1] ĐTC Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày di dân thế giới 2004, số 4.
[2] Vũ Minh Tâm c.b, Xã Hội Học, Nxb Giáo Dục, 2001, tr. 202.
[3] Trần Hồng Vân, Tác động xã hội vào Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, Nxb Khoa Học Xã Hội, 2002, tr.11.
[4] Dẫn lại theo Nguyễn Văn Tài và cộng tác viên, Di dân tự do nông thôn- thành thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.1.
[5] Sđd, tr.3.
[6] Sđd, tr.1.
[7] Có thể mô tả mô hình “Nhà trọ hợp tác” này như sau: Tại những nơi có nhiều người nhập cư, Cha xứ và Ban hành giáo đứng ra tổ chức liên kết các nhà trọ. Họ sẽ đứng ra ký kết những hợp đồng thuê nhà và những đảm bảo về vệ sinh, điện nước… Chính những người này sẽ trực tiếp cho người nhập cư thuê với giá ưu đãi nhất có thể. Người nhập cư phải cam kết thi hành những đòi buộc về an ninh, đạo đức khi sống trong những nhà cho thuê ấy. Hình thức này có những điểm lợi: hỗ trợ nhà ở cho người nhập cư; tạo sự liên kết giữa những người nhập cư với nhau; giúp quản lý môi trường an toàn trong khu nhà trọ; thuận tiện việc triển khai những kế hoạch giúp đỡ, mục vụ cho người nhập cư…
[8] ĐTC Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày di dân thế giới 2004, số 5.
[9] Nguyễn Thị Oanh, Phát triển cộng đồng, ĐH Mở- Bán Công TP.HCM, Khoa Phụ Nữ, 1995, tr.37.
[10] Ở đây người viết không có ý chủ trương “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể của người nhập cư, thiết nghĩ phương pháp kể trên sẽ giúp rất nhiều trong việc khám phá tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.
[11] Tài liệu về gia đình của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần VIII, tháng 8-2004, số 15.
[12] Sđd, số 17.