Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

FUNDAMENTALISM

Thời sự Thần học - số 68 tháng 5/2015, tr. 160-183

__Massimo Introvigne[1]__

Hầu như ngày nào từ ngữ fundamentalism cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội và thường được dịch là “nhóm quá khích” (Hồi giáo), hoặc “cực đoan, bảo thủ”. Chúng tôi để nguyên từ gốc tiếng Anh fundamentalism[2], bởi vì nó bao hàm nhiều nghĩa khác nhau; một định nghĩa chính xác, tựa như của dự án nghiên cứu bên Hoa kỳ Fundamentalism project, có nguy cơ là không trùng hợp với thực tế. Trong bài này, sau khi đã lược qua những ý nghĩa khác nhau của fundamentalism bắt nguồn từ Tin Lành, tác giả cho thấy sự khó khăn khi áp dụng cho các tôn giáo khác. Dù sao, phần dài nhất của bài này phân tích những hiện tượng phức tạp của fundamentalism bên Hồi giáo. Bài gồm năm mục: 1/ Cuộc tranh luận chung quanh Fundamentalism project ở Hoa kỳ. 2/ Fundamentalism bên Tin Lành từ thập niên cuối của thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI. 3/ Có chăng một fundamentalism bên Công giáo? 4/ Việc nới rộng phạm trù fundamentalism sang các tôn giáo khác (Do thái, Ấn giáo). 5/ Fundamentalism của Hồi giáo trước và sau ngày 11 tháng 9 năm 2001.

I. Cuộc tranh luận chung quanh Fundamentalism project


A. Những tiền đề


Đề tài fundamentalism trở thành nổi bật trong ngành xã-hội-học-tôn-giáo kể từ sau sự sụp đổ bức tường Bá-linh năm 1989, sự tan rã Liên bang Sô-viết năm 1993 và sự bùng nổ các cuộc xung đột mà trước đây người ta không để ý khi thế giới còn đang bị phân chia thành hai khối Tự do và Cộng sản. Những cuộc xung đột này phản ánh sự căng thẳng giữa tôn giáo và chính trị hoặc tôn giáo và văn hoá. Qua những cuộc tranh luận trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy cần nhấn mạnh hai nguyên tắc được xem như tiền đề cho cuộc khảo cứu.

1) Nguyên tắc thứ nhất: các phong trào tôn giáo có những nguyên nhân và động lực tôn giáo. Điều này đi ngược lại quan điểm của các thuyết mác-xít, tâm phân học, trường phái Franfurt, theo đó các hiện tượng tôn giáo thường chỉ là mặt nạ che khuất các dữ kiện vật chất. Friedrich Engels (một cộng sự viên thân tín của Karl Marx), trong tác phẩm Antidühring (1878), giải thích rằng mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là phản ánh của những quyền lực bên ngoài đang thống trị cuộc đời của con người, chẳng hạn như các điều kiện kinh tế và các phương tiện sản xuất. Theo chiều hướng này, cuộc thập-tự-quân đầu tiên là hậu quả của sự thặng dư dân số trong giới trưởng giả châu Âu (họ cần phải tìm ra cách giải quyết vấn đề đông con), các lạc giáo và phong trào Cải cách Tin lành phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp giữa giới tư sản đô thị chống lại giới tư sản nông thôn. Dưới ảnh hưởng của chủ trương này, người ta tìm cách giải thích các hiện tượng tôn giáo như là “thượng tầng kiến trúc” che đậy hay là sản phẩm của một cơ cấu kinh tế. Ngày nay, các khoa học xã hội nhận thấy rằng cách đặt vấn đề như vậy là không đúng chỗ. Các hiện tượng tôn giáo bắt nguồn từ những nguyên nhân chính yếu là tôn giáo, mặc dầu không thể phủ nhận những nguyên nhân đồng đại khác.

2) Nguyên tắc thứ hai: các cuộc xung đột tại các địa phương (sau thời chiến tranh lạnh giữa hai khối Nga – Mỹ) có những nhân tố quốc gia, chủng tộc, chính trị, kinh tế, nhưng cũng có những nhân tố tôn giáo nữa. Quyển sách của Samuel Huntington (v., 1996) về sự đụng độ giữa các nền văn hoá có thể giúp chúng ta hiểu thêm sự đụng độ mang tính tôn giáo, đó là giữa tôn giáo và các quyền lực chính trị, giữa tôn giáo và văn hoá, trong nhiều cuộc xung đột hiện nay.

B. Fundamentalism project


Hạn từ fundamentalism bắt nguồn từ một phong trào Tin lành bên Hoa kỳ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX[3], kêu gọi bảo vệ các fundamentals (nền tảng) của tôn giáo chống lại những trào lưu “tân thời”[4], đặc biệt là những phương pháp phê bình lịch sử khi chú giải Kinh Thánh và thuyết tiến hoá. Theo nghĩa này, fundamentals đồng nghĩa với “bảo thủ” (conservative) và “tin lành” (evangelical), đối lại với “tự do” (liberal). Sự đối lập giữa hai trào lưu này cũng được áp dụng cho các tôn giáo khác (Do thái, Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo). Về phía Công giáo, những người bảo thủ được gọi là integrist (thay vì fundamentalist), bắt nguồn từ phong trào chống lại trào lưu modernisme (bị kết án dưới thời đức Piô X)[5]. Tiếc rằng nhiều lần hai từ integrism và fundamentalism được sử dụng như đồng nghĩa.

Đang khi thuật ngữ fundamentalism còn mang những ý nghĩa hàm hồ, thì Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học của Hoa kỳ (American Academy of Arts and Sciences) tung lên dự án Fundamentalism project, để nghiên cứu hiện tượng này. Công trình nghiên cứu được công bố trong năm quyển sách được xuất bản vào những năm 1991 và 1995 (x. Marty e Appleby, 1991-1995). Các nhà nghiên cứu đã mô tả những đặc trưng của fundamentalism qua hai đặc điểm chính về ý-thức-hệ và về tổ chức như sau:

1/ Xét về ý-thức-hệ,
– fundamentalism là một phong trào phản ứng lại việc tôn giáo bị gạt ra khỏi xã hội;
– nó có khuynh hướng “chọn lọc”, theo nghĩa là chọn lựa một vài khía cạnh của truyền thống để bảo vệ, và chọn lựa một vài khía cạnh của tân thời để chỉ trích (còn những điểm khác thì chấp nhận);
– về luân lý, fundamentalism có khuynh hướng phân chia thế giới ra làm hai phe: giữa “ta” và “họ”;
– chấp nhận rằng Kinh Thánh tuyệt đối không thể nào sai lầm.

2/ Xét về cách tổ chức,
– những người fundamentalist có khuynh hướng tự coi là những kẻ “được tuyển chọn” để chiến đấu chống lại “thế gian” suy đồi;
– ấn định rõ rệt lằn ranh giữa những người thuộc về nhóm và những người ngoài nhóm;
– tổ chức nội bộ chặt chẽ, với các cấp lãnh đạo độc đoán;
– quy định một lối sống đặc thù, với những dấu hiệu phân biệt bề ngoài (chẳng hạn đồng phục).

Sau khi xuất bản kết quả cuộc nghiên cứu, nhiều người đã chỉ trích tính cách khoa học Fundamentalism project, cách riêng bởi vì những dự đoán của họ đã không được kiểm chứng, đó là: a) họ tiên đoán là hiện tượng này có dấu hiệu suy giảm; b) các nhóm fundamentalism sẽ rút lui vào hoạt động âm thầm. Cả hai điều ấy đều không đúng với những diễn biến sau đó. Một đàng, các phong trào fundamentalism càng ngày càng mạnh chứ không giảm sút; đàng khác, họ gây ảnh hưởng vào đời sống chính trị, điển hình là qua cuộc bầu cử và dành được nhiều thắng lợi đáng kể.

C. Nguồn gốc của fundamentalism


Fundamentalism project cho thấy tính cách phức tạp của hiện tượng này. Vì thế, thay vì phân tích và đối chiếu, người ta tạo ra một “mô hình lý tưởng” (ideal-type, dựa theo phương pháp của Max Weber) để nghiên cứu trong bối cảnh của tương quan giữa tôn giáo và văn hoá. Dựa theo lối tiếp cận này, ta có thể khẳng định rằng trong bất cứ xã hội nào cũng có ba khuynh hướng: laicism, fundamentalism, laicity[6].

– Laicism chủ trương tuyệt đối tách rời giữa tôn giáo và văn hoá. Họ không muốn cho tôn giáo gây ảnh hưởng trên lãnh vực văn hoá, chính trị; họ cũng không chịu để cho tôn giáo phê bình chính trị. (Đôi khi chủ trương này cũng được đặt tên là secularism).

– Fundamentalism đồng hoá tôn giáo, văn hoá và chính trị; cả ba lãnh vực này trà trộn với nhau. Vì thế, nếu văn hoá không phù hợp với tôn giáo hoặc nếu chính trị không bảo vệ tôn giáo thì sẽ bị coi là quỷ dữ!

– Laicity cho rằng không thể tách rời tôn giáo và văn hoá; tuy nhiên, có một sự phân biệt giữa đôi bên, theo nghĩa là văn hoá (cũng như các thực tại trần thế, tựa như chính trị, kinh tế, khoa học) có một sinh hoạt tự trị, mặc dù không được trái ngược với luân lý. Như vậy, khuynh hướng này giữ vai trò trung dung giữa hai khuynh hướng cực đoan vừa kể.

Dĩ nhiên, thực tế phức tạp hơn là ba khuynh hướng vừa mô tả trên đây. Dù vậy, nó giúp chúng ta biết đặt vấn đề cho đúng chỗ khi bước sang những vấn đề sẽ nói dưới đây.

II. Fundamentalism bên Tin lành từ năm 1990 sang thế kỷ XXI


Khi bàn về fundamentalism ở Hoa kỳ trong những thập niên cuối thế kỷ XX, người ta thường lẫn lộn hai khuynh hướng evangelical và fundamentalist. Mặc dù vào hồi đầu thế kỷ XX, cả hai từ ngữ đồng nghĩa với nhau, nhưng trong khoảng một thế kỷ thì đã có sự chuyển nghĩa. Khuynh hướng evangelical[7] tượng trưng cho nhóm đa số của các phái Tin lành ở Hoa kỳ, còn khuynh hướng fundamentalist tượng trưng cho nhóm không chấp nhận sự tách biệt giữa tôn giáo và văn hoá mà chúng ta vừa nói trên đây. Vì thế, cựu tổng thống George W. Bush (thuộc giáo hội methodist) có thể gọi là evangelical nhưng không thể xếp vào fundamentalist: những người evangelical chấp nhận sự phân biệt giữa tôn giáo và văn hoá (chính trị), nhưng xét về thần học, thì họ theo khuynh hướng bảo thủ (chống lại khuynh hướng liberal). Ở đây, chúng ta không đi sâu vào khuynh hướng evangelical nhưng chỉ cho thấy những khuôn mặt khác nhau của fundamentalism qua một vài trường hợp điển hình bên Tin lành, không riêng gì tại Hoa kỳ mà còn trên tầm mức quốc tế.

1/ Trường hợp thứ nhất là sự tiến triển của các “huynh đoàn”[8]. Trong thế giới của nhóm Cải cách, các huynh đoàn ám chỉ hai phong trào khác nhau: a) Phong trào thứ nhất của các “huynh đoàn” (brethren) bắt đầu từ phong trào chấn hưng pietism của giáo hội Luther, không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài này. b) Các “huynh đoàn” phát sinh tại nhiều quốc gia châu Âu (Thuỵ sĩ, Ai-len, Anh, Ý) từ năm 1820 do ảnh hưởng của John Nelson Darby, và tiếp theo đó đã chia thành nhiều nhánh. Một nhánh “khép” (exclusive brethren), khép kín và không hợp tác với những ai không đồng ý kiến với chủ trương của mình. Một nhánh “mở” (open brethren) hợp thành những assemblies (danh xưng chính thức là “Christian Brethren Assemblies”). Vào đầu thế kỷ XXI, nhánh “mở” đã thâu nhận được một triệu tín đồ, hiện diện tại 125 quốc gia tập trung thành mười một ngàn assemblies địa phương. Họ không có những định chế ở cấp bậc toàn cầu, nhưng duy trì liên lạc với nhau qua những cuộc hội nghị và hội thảo quốc tế. Đặc trưng của nhánh “mở” là đề cao vị trí của Kinh Thánh, chức tư tế phổ quát và việc truyền đạo. Họ tuyên bố tuân theo chủ trương Cải cách triệt để. Vì thế, có lẽ không thể gọi nhánh “mở” là fundamentalist, tuy là một điều rõ rệt đối với nhánh “khép”.

2/ Một thí dự thứ hai của fundamentalism bên Tìn lành là sự bành trướng của “Local Churches”. Tổ chức này bắt đầu từ Trung hoa và được truyền bá sang Hoa kỳ do Witness Lee (Lǐ Chángshòu; 1905 – 1997), lúc đầu chỉ hoạt động giữa những người gốc Hoa, nhưng dần dần bành trướng khắp thế giới. Phong trào này mang lại một vài thay đổi trong giới Tin lành chẳng hạn như pray reading (lặp đi lặp lại một câu Kinh Thánh như lời nguyện), cầu danh thánh Chúa Giêsu, burning (lễ nghi thiêu đốt những vật dụng của thời kỳ chưa trở lại đạo). Tuy nhiên, bên ngoài vài điểm xem ra canh tân so với giáo hội Tin lành cổ truyền, các nhóm này được xếp vào nhóm fundamentalism bởi vì họ không tách rời tôn giáo với văn hoá, mặc dù họ dùng những phương tiện cận đại để truyền bá đạo lý.

3/ Một thí dụ thứ ba là phong trào Two-by-Twos (từng hai người), cũng còn mang tên là The Truth hay Workers. Người sáng lập phong trào này là William Irvine, người gốc Scotland, vào năm 1903, đã yêu cầu các đồ đệ (nam cũng như nữ) hãy từ bỏ tất cả tài sản, sống khiết tịnh và khó nghèo, và đi từng hai người để truyền bá một Giáo hội trong đó các phần tử không mang danh xưng nào khác ngoài “Kitô hữu”. Phong trào này đã gặt hái thành công tại Australia, New Zeland, Nam Phi, Trung quốc, Mỹ châu. Các phần tử của phong trào này (họ từ chối danh xưng Two by Twos cũng như bất cứ danh xưng nào khác) không xây cất nhà thờ, không tấn phong mục sư, không in ấn sách báo nhưng chỉ phó thác cho Kinh Thánh, thánh ca và bài giảng. Thật là khó biết đích xác số thành viên của họ, bởi vì họ không có trụ sở (họ họp nhau ở tư gia), không có ban chấp hành (đúng ra, tên tuổi những người lãnh đạo được giữ kín). Qua những cuộc thăm dò, người ta được biết rằng nếp sống của họ thật là fundamentalist. Các phụ nữ không trang điểm, không dùng đồ trang sức (ngoại trừ chiếc nhẫn cưới); các thành viên được khuyến khích không nên xem TV. Họ họp nhau hằng tuần để cử hành “bữa tối của Chúa”. Các phụ nữ đi từng hai người để truyền đạo, và sống nhờ sự đóng góp của các đạo hữu. Dù nói thế nào đi nữa, điều đáng ngạc nhiên là phong trào này đã tồn tại được hơn một thế kỷ. 

III. Có chăng một fundamentalism bên Công giáo?


Có một điều nữa mà Fundamentalism project bị nhiều người chỉ trích là vì họ đã nới rộng quan niệm fundamentalism cho Giáo hội Công giáo, và họ ám chỉ đến phong trào Comunione e Liberazione ở Italia. Có hai lý do chống lại việc áp dụng như vậy.

Thứ nhất, họ không biết rõ lịch sử của phong trào Comunione e Liberazione. Đây không phải là một phong trào chống lại trào lưu tân thời. Mặc dù phê bình vài khía cạnh của thuyết tân thời, nhưng phong trào này cũng chấp nhận các giá trị của nó.

Thứ hai, sự chỉ trích quan trọng hơn nữa là không thể áp dụng tiêu chuẩn fundamentalism phát xuất từ bối cảnh Tin Lành cho một bối cảnh Công giáo. Bên Tin Lành, người ta giải thích Kinh Thánh theo lối hiểu cá nhân của một nhóm. Đối lại, người Công giáo chấp nhận sự giải thích Kinh Thánh qua trung gian của huấn quyền Giáo hội. Các trào lưu bảo thủ nhất bên Công giáo đều chấp nhận sự phân biệt giữa đức tin và văn hoá, cũng như chấp nhận một thứ tự-lập của các giá trị trần thế. Đây là một đặc điểm khác với fundamentalism (ít là dựa theo tiêu chuẩn mà chúng ta đã nói trên đây).

Thực ra, vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, có người muốn gán cho người Công giáo một điểm xem ra giống với fundamentalism của Tin lành bên Hoa kỳ, đó là sự chỉ trích tín ngưỡng dân gian, mặc dù với những lý do khác nhau. Phía Tin lành chỉ trích tín ngưỡng dân gian bởi vì coi đó như là một thứ thực hành mê tín, tàn tích của các tôn giáo ngoại đạo, chứ không dựa trên đức tin mà Kinh Thánh mạc khải. Phía Công giáo chỉ trích tín ngưỡng dân gian bởi vì việc giữ đạo được coi như một thứ sản phẩm tiêu thụ tuỳ theo nhu cầu, chứ không dựa theo những chỉ dẫn của Giáo hội và cũng chẳng quan tâm đến việc sống đạo và truyền giáo. Tuy nhiên, nguyên việc đối chiếu một điểm tương đồng thì chưa đủ để gán nhãn hiệu fundamentalist cho người Công giáo.

IV. Việc nới rộng phạm trù fundamentalism sang các tôn giáo khác


Như vừa nói trên, Fundamentalism project còn muốn nới rộng phạm trù fundamentalism ra ngoài biên cương của Tin Lành (và Công giáo), bằng cách đi tìm những dấu vết tương tự ở nơi các tôn giáo khác, tựa như Do-thái-giáo, Ấn-độ-giáo, Hồi giáo. Trên thực tế, sự nới rộng này xem ra chỉ có thể được áp dụng cho Hồi giáo (tuy không thiếu những khó khăn về từ ngữ), chứ không áp dụng cho các tôn giáo khác được. Trước tiên, chúng ta hãy điểm qua ba trường hợp điển hình từ các tôn giáo, rồi sẽ bước sang Hồi giáo trong mục tới. 

A. Giáo hội Mormon


Danh hiệu fundamentalist được gán cho một vài nhóm ly khai khỏi giáo hội Mormon nhân vài câu chuyện thời sự, đặc biệt là vụ bắt cóc Elizabeth Smart tại Salt Lake City vào năm 2002 và sau đó được tìm lại vào năm 2003 nhờ một người fundamentalist.

Vào hồi thế kỷ XIX, các tín đồ Mormon[9] thực hành tục đa thê. Ngày 25-9-1890, ông Wilford Woodruff, lãnh đạo của giáo hội này, đã ra thông cáo mời gọi các tín đồ hãy tuân thủ pháp luật Hoa kỳ về việc cấm đa thê. Bản văn được Đại hội biểu quyết thông qua ngày 6-10, được mang tên là Bản Tuyên cáo. Sau đó, với Bản Tuyên cáo thứ hai, vào năm 1904, Giáo hội Mormon coi Bản Tuyên cáo thứ nhất như là mạc khải từ trời, và trừng phạt những người đa thê với án tuyệt thông. Quyết định này đã đưa đến nhiều nhóm ly khai, muốn trung thành với tục đa thê. Những nhóm đa thê này bị cơ quan lãnh đạo kết án là lạc giáo và “fundamentalist”. Các cơ quan truyền thống cũng sử dụng danh xưng ấy. Tuy nhiên, không hiểu dựa theo tiêu chuẩn mà đặt tên cho nhóm ly khai là fundamentalist, và thậm chí họ không được các nhà nghiên cứu Fundamentalism project để ý đến. Có lẽ họ mang danh hiệu ấy chỉ vì bám sát vào nguyên tắc và thực hành đa thê.

B. Do-thái


Biệt hiệu fundamentalism được đặt cho vài nhóm người Do-thái sinh hoạt tại Israel và Hoa kỳ; ý kiến này gặp phải nhiều người chống đối và ủng hộ (v. Guolo, 1997). Thực vậy, thuật ngữ được áp dụng cho hai nhóm với lập trường trái ngược nhau tại nước Israel.

Một bên là phe chống đối việc thành lập một Nhà nước dân sự, bởi vì bị tố cáo là lạm dụng kế hoạch Mêsia của Thiên Chúa mà chỉ có Ngài mới thực hiện được. Những nhóm này ít nhiều quy chiếu về việc thành lập đảng Phi-Sion (Agoudat Israel), và họ chia rẽ thành nhiều tổ, một số đứng ngoài lề các sinh hoạt chính trị, một số họp thành khối áp lực trong các buộc bầu cử để đòi hỏi nhà nước phải ủng hộ các tổ chức chính thống.

Bên kia là phe cực hữu (tại Israel cũng như tại Hoa kỳ) coi Nhà nước Israel như là sự thể hiện giấc mơ Mêsia. Họ tôn rabbi Abraham Isaac Kook và con của ông là rabbi Zvi Yehuda Kook như là những sư phụ, và đặt một ý nghĩa tôn giáo cho tất cả mọi định chế chính trị của nước Israel.

Như vậy, cả hai lập trường mâu thuẫn nhau đều bị gán nhãn hiệu là fundamentalist (tuy các người trong cuộc lại không chấp nhận như vậy). Như Jean-François Mayer nhận định, sự ghép một nhãn hiệu fundamentalist cho cả hai khuynh hướng đối nghịch có lẽ chỉ là một mưu đồ của những người không muốn để cho yếu tố tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống chính trị, bằng cách gạt họ ra bên lề (v. Mayer, 2001, p. 39). Mặc dù các cơ quan báo chí cũng quen với lối đặt tên này, nhưng thiết nghĩ nên sử dụng các phạm trù khác phù hợp hơn với thực trạng của xã hội Do thái, chẳng hạn như “chính thống và chính thống cực đoan” (xét về mặt tôn giáo), hoặc “hữu phái và cực hữu” (xét về mặt chính trị). 

C. Ấn giáo


Chúng ta bỏ qua các phong trào thuộc đạo Sikh hay đạo Phật, mà chỉ chú ý đến một tổ chức lớn ở Ấn độ là Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS, Tổ chức các chí nguyện quốc gia National Volunteer Organization hoặc National Patriotic Organization), phần nào là nguồn gốc của Hiệp hội quốc tế truyền bá Ấn giáo Vishva Hindu Parishad (VHP) và đảng Bharatiya Janata Party (BJP), một đảng đi từ chỗ sống bên lề chính trị đến chỗ tham gia chính phủ liên minh, và dành đa số tương đối ở Quốc hội vào năm 1998, với một đảng viên là ông Atal Binari Vajpayee làm Thủ tướng chính phủ. Hai tổ chức này (và nhiều tổ chức khác nữa) là thành phần của Sangh Parivar, một “gia đình” quy tụ những tổ chức bắt nguồn từ RSS (x. Jaffrelot, 1993; x. Kanungo, 2002; x. Katju, 2003). Sangh Parivar chủ trương bảo vệ căn tính Ấn giáo của nước Ấn độ, và đề xướng những chiến dịch chống lại Kitô giáo và Hồi giáo, chẳng hạn như vụ tàn phá đền Hồi giáo tại Ayodhya vào năm 1992.

Có thể coi đó là fundamentalist không? Các đảng chính trị đối lập với BJP và các học giả như Andreas Schworck (x., 1997) đồng ý như vậy. Nhưng các học giả Tây phương có thiện cảm với Sangh Parivar (x. Elst, 2001) hoặc những nhà nghiên cứu fundamentalism lại phản đối (x. Mayer, 2001). Thiết tưởng vấn đề nằm ở chỗ phải hiểu thế nào là fundamentalism. Thoạt tiên, nếu hiểu fundamentalism như là một tổ chức muốn áp đặt tôn giáo lên đời sống xã hội chính trị thì xem ra có thể áp dụng được khái niệm vừa kể. Tuy nhiên, nếu đi vào thực chất thì câu chuyện trở thành phức tạp, bởi vì Ấn giáo bao gồm nhiều hệ phái khác nhau và không dễ gì tìm được một mẫu số chung để tạo thành một học thuyết xã hội. Cuối cùng, xem ra đây là một phong trào quốc gia, muốn bảo vệ văn hoá cổ truyền chống lại sự xâm nhập văn hoá ngoại lai (Kitô giáo và Hồi giáo). Yếu tố tôn giáo được xem như dụng cụ để thực hiện ý đồ đó, chứ không phải là để bảo vệ các giá trị của chính tôn giáo. Nói khác đi, ta coi thể coi như là một phong trào ái quốc mang màu sắc tôn giáo, hơn là một thứ fundamentalism tôn giáo.

V. Fundamentalism của Hồi giáo trước và sau ngày 11-9-2001


A. Vấn đề định nghĩa


Sau thảm kịch xảy ra tại New York ngày 11-9-2001, một vấn đề được nêu lên khi đặt tên cho các nhóm Hồi giáo[10] này: fundamentalism hay radicalism (cực đoan)? Theo nhận định của Mayer (x. Mayer, 2001, p.29), nếu ta sử dụng các tiêu chuẩn do Fundamentalism project đặt ra thì có lẽ tất cả các tín đồ Hồi giáo đều là fundamentalist chứ không riêng gì một nhóm nào, chẳng hạn như: phản ứng lại việc gạt bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống chính trị, niềm tin vào sự bất khả ngộ của Sách thánh. Thực ra ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, các học giả đã tìm cách định nghĩa những đặc tính của fundamentalism bên Hồi giáo, một phần dựa trên kinh nghiệm cuộc cách mạng bên Iran từ năm 1979. Một yếu tố của nó là sự không phân biệt (chứ không phải là không tách rời) giữa tôn giáo và chính trị, và muốn tái lập “trật tự lý tưởng của Thiên Chúa” ở trần thế qua việc áp dụng luật sharī᾿a.[11] Tuy nhiên, các yếu tố này vẫn còn mông lung, chưa thể xác định được căn tính fundamentalist của một phong trào nào của Hồi giáo, bởi vì bên Hồi giáo, không có sự phân biệt giữa tôn giáo và chính trị như là bên Tây phương (x. Cantoni, 2000). Vì thế, có tác giả không thích sử dụng từ fundamentalist; và muốn thay thế bằng các thuật ngữ 'integrist' (bảo thủ) hoặc 'radical' (cực đoan, tuy rằng đôi khi từ này cũng được áp dụng cho một khuynh hướng trong nội bộ của fundamentalism như sẽ nói dưới đây). Thật ra, khi viết về fundamentalism bên Hồi giáo vào thập niên 90, xem ra người ta đã hiểu theo hai nghĩa khác nhau.

1. Theo nghĩa thứ nhất, dựa theo tiêu chuẩn của Fundamentalism project, hiểu về một luồng tư tưởng và thái độ nhấn mạnh đến đặc tính chiến đấu. Theo nghĩa này, fundamentalism bao gồm nhiều trào lưu chống lại tân thời, theo chủ trương của trường phái pháp luật Hanbal (theo tên của vị sáng lập Aḥmad ibn Ḥanbal, 780-855) được thành hình nơi các chủ thuyết Wahhabism từ thế kỷ XVIII (trở thành ý thức hệ của Arab Saudita), rồi phong trào Deobandi ở thế kỷ XIX.

2. Theo nghĩa thứ hai, fundamentalism ám chỉ một phong trào cụ thể có một khởi điểm và một sự tiến triển chính xác. Nó khởi đầu sau thế chiến thứ nhất như phản ứng lại sự xâm nhập tư tưởng “tân thời” của Tây phương vào thế giới Hồi giáo, bằng cách quay về sách Coran, áp dụng luật sharī᾿a để chống lại việc áp đặt các hệ thống pháp lý của châu Âu. Sau khi Khalifa bị huỷ bỏ năm 1924, phong trào fundamentalism cũng đội tên là “phong trào Khalifat” với nhiệm vụ là phục hưng chức vụ này. Hai thời điểm quan trọng của phong trào này là năm 1928 (thành lập các “Huynh đoàn Hồi giáo” Muslim Brothers ở Ai cập do Ḥasan al-Bannā) và năm 1941 (Mawlana Sayyid Abū'l-'Alā' Mawdūdī thành lập Gíamā 'at-i Islāmī bên Ấn độ). Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi mà tại phong trào dành độc lập của dân Chechnya và những quốc gia thuộc cựu Liên Xô, phong trào wahhabism cũng được gọi là fundamentalist trong khi mà phong trào này hồi thế kỷ XIX chỉ có nghĩa là “phục hưng”.

B. Hai nhánh của fundamentalism bên Hồi giáo


Trong những nghiên cứu hồi thập niên 90, Renzo Guolo (x. 1994 e 1999) đã theo dõi sự tiến triển của phong trào lịch sử trong thế kỷ XX, và ghi nhận sự phân chia thành hai nhánh: một nhánh “cực đoan” (radical) và một nhánh “tân truyền thống” (neo-traditionalist). Sự phân chia chỉ mang tính cách chiến lược, nhưng mục tiêu thì giống nhau, đó là “hồi-giáo-hoá” xã hội. Nhánh “cực đoan” tiến hành từ trên xuống, nghĩa là nắm giữ quyền lực chính trị, hoặc qua đường lối tham gia bầu cử hoặc qua cuộc cách mạng lật đổ chính quyền. Nhánh “tân truyền thống” khởi đi từ dưới lên, nghĩa là bằng cách kiên trì thâm nhập vào các tầng lớp nhân dân, trí thức cũng như công nhân, qua các cuộc tuyên truyền, lớp học, xây đền.

Vì cùng theo đuổi một mục tiêu chung, cho nên hai nhánh có thể hợp tác với nhau và chung sống, chẳng hạn như tại các Huynh đoàn Hồi giáo. Tại Jordani, các Huynh đoàn tham gia chính quyền và mang tính ôn hoà (Edgard Weber x. 2001, p. 176); nhưng ở Palestine, phong trào Ḥamās không thể nào gọi là ôn hoà (x. Introvigne, 2003). Dù sao, sự phân biệt giữa hai nhánh cũng giúp cho chúng ta hiểu được tiến trình của việc Hồi- giáo-hoá lâu dài tại các nước mà tôn giáo này còn là thiểu số (nhánh “tân truyền thống”), đang khi ta thấy biểu hiệu của nhánh “cực đoan” qua cuộc cách mạng tại Iran năm 1979 dưới sự lãnh đạo của ayatollah Ruḥollah Khomeini, cũng như những diễn biến ở Sudan và Afghanistan trong thập niên kế tiếp. Mặt khác, khi nói đến tiến trình Hồi giáo hoá thế giới, chúng ta đừng quên những khó khăn cho việc thống nhất bắt nguồn từ sự chia rẽ giữa hai tông phái Shiite và Sunni cũng như những yếu tố chính trị khác biệt tại các quốc gia.

C. Fundamentalism – Millenarism


Dựa theo một tiêu chuẩn do Fundamentalism project đề ra, một đặc trưng của fundamentalism Hồi giáo là tái khám phá chiều kích “thiên niên”[12]. Thực ra, bên Hồi giáo, không thiếu những tư tưởng khải huyền (thế mạt), nhưng ít khi được mang ra áp dụng vào các biến cố chính trị. Tuy vậy, đó là quan điểm của các nhà “thông thái”, chứ còn đám “bình dân” thì nghĩ khác. Các nhà thuyết giáo cho đại chúng thường đồng hoá thời đại này là Quỷ vương (“Phản Kitô” Anti-Christ theo Kinh Thánh Kitô giáo, Dagígíāl theo truyền thống Hồi giáo). Giấc mơ tái lập Khalifa trùng với lời tiên báo sự xuất hiện đấng Mêsia (Mahdī theo Hồi giáo) để tiêu diệt Quỷ vương.

Mặc dù quan điểm này đã bị phi bác bởi các nhà “trí thức” (chẳng hạn như đại học al-Azhar ở Cairo) nhưng văn chương thế mạt đã được truyền bá trong đám bình dân, và đưa đến những cuộc chiến đẫm máu để loại trừ ác thần. Bối cảnh này giúp chúng ta hiểu được tư tưởng của Osama bin Laden và phong trào al-Qā'ida (x. Introvigne, 2001) khi họ biện minh cho sự khủng bố. Đang khi sách Coran đã phân biệt những trường hợp được phép theo đuổi chiến tranh và những trường hợp không được phép, thì vào thời tận thế sự phân biệt ấy không còn giá trị nữa. Osama bin Laden dựa vào uy tín của Taqī al-Dīn Ibn Taymiyya (một luật gia thế kỷ XIV bị chết trong tù vì những tư tưởng cực đoan), cũng như việc giải thích sách thánh của Muḥammad 'Abd al-Salām Faragí (người đã chủ mưu ám sát ông Anwār al-Sādāt tổng thống Ai cập). Dựa theo lối giải thích này, các “mạc khải” của sách Coran bị thu hồi bởi những “mạc khải” thời cánh chung, cho phép ám sát những thường dân, kể cả phụ nữ và nhi đồng.

Dù sao, cần ghi nhận rằng không phải tất cả các nhóm fundamentalist bên Hồi giáo đều chấp nhận lý thuyết khủng bố của Osama bin Laden. Nói cách khác, không phải tất cả các fundamentalist đều là khủng bố, và không phải tất cả mọi tên khủng bố đều chấp nhận học thuyết Bin Laden.

D. Fundamentalism Hồi giáo: bốn khuynh hướng, Traditionalism, Nazionalism


Như vừa nói, không phải tất cả các tín đồ Hồi giáo đều là fundamentalist và không phải tất cả các fundamentalist đều là khủng bố! Nói chung, nên phân biệt bốn khuynh hướng fundamentalist (theo nghĩa chặt) trong thế giới Hồi giáo cận đại: 1/ Hồi giáo bảo thủ; 2/ chủ nghĩa quốc gia; 3/ hệ phái sufi; 4/ phái tân thời. Dĩ nhiên sự phân biệt này nhằm giúp chúng ta hiểu biết phần nào tình hình, chứ thực tế phức tạp hơn nhiều.

1/ Theo chủ trương Hồi giáo bảo thủ (điển hình nơi chế độ wahhabit của Arab Saudit), cần phải tuyệt đối trung thành với chính quyền Hồi giáo, và chỉ được phép lật đổ chính quyền trong trường hợp hết sức nghiêm trọng. Việc bảo vệ truyền thống cổ điển thuộc về các ulamā (các kinh sư), những chuyên gia tôn giáo, thông thạo luật đạo hơn những người khác. Tại nhiều quốc gia, Nhà nước kiểm soát hệ thống các ulamā; vì thế các kinh sư cũng là những người trung thành bảo vệ Nhà nước.

2/ Trong lịch sử, khuynh hướng bảo thủ đã nhiều lần đụng độ với các chủ nghĩa quốc gia. Như vừa nói, theo chủ trương bảo thủ, vai trò lãnh đạo Hồi giáo thuộc về các kinh sư, và toàn thể Hồi giáo chỉ họp thành một “Giáo hội” (umma) chứ không phân chia thành quốc gia. Đối lại, trong thế kỷ XX, các phe quốc gia cố gắng thành lập các Nhà nước Hồi giáo tân thời, dựa theo yếu tố dân tộc, và phần nào muốn tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị: họ thiết lập hệ thống pháp luật không dựa theo sharī'a, họ ban cấp quyền lợi cho những người ngoài Hồi giáo (và có những Kitô hữu nắm giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền). Người thành lập đảng Ba'th (phục hưng arab) tại Damasco năm 1940 là ông Michel 'Aflāq (một Kitô hữu thuộc giáo hội chính thống và theo đảng xã hội); đảng này đã giúp các ông Ḥāfiẓ al-Asad lên nắm quyền ở Syria và Ṣaddām Ḥusain nắm quyền tại Iraq. Chủ nghĩa quốc gia thay đổi tuỳ theo vùng, chạy dài từ Algeria, Tunisia, Ai cập cho đến Indonesia, và gặp phải nhiều đụng độ đẫm máu với nhóm bảo thủ, điển hình là cuộc ám sát ông Sādāt tổng thống Ai cập năm 1981. Mặt khác, đứng trước những kẻ thù chung, nhóm quốc gia không thể huy động được sự ủng hộ của nhóm bảo thủ, như trường hợp Ṣaddām Ḥusain hồi năm 2003 khi phải chống lại cuộc xâm lăng của lực lượng Anh Mỹ.

3/ Đối với Hồi giáo, hệ phái sufi tượng trưng cho luồng thần bí, tìm cách kết hiệp với Thiên Chúa chứ không chỉ dừng lại ở chỗ tùng phục ý Chúa (Islam). Những người theo hệ sufi thường bị các phái chính thống hãm hại vì tội lạc đạo. Ở đây chúng ta không bàn về đạo lý của họ, nhưng chỉ lưu ý đến tổ chức của họ. Hệ sufi tổ chức thành các “hiệp hội” thay vì các “quốc gia” (như các khuynh hướng bảo thủ hoặc quốc gia). Điều đáng nói là các hiệp hội này đã trở thành linh hồn của phong trào kháng chiến chống lại chính quyền xô-viết ở miền Trung Á, và đã ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo tại nhiều quốc gia thời hậu-cộng-sản. Cũng nên nhấn mạnh rằng luồng sufi không có một học thuyết thống nhất về tương quan giữa tôn giáo và chính trị: có người tham gia chính trị, có người trung thành với cảm hứng nguyên khởi là chú trọng đến đời sống nội tâm hơn là các sinh hoạt xã hội. Mặt khác, nhiều nhóm fundamentalist cũng chẳng ưa thích các người sufi vốn bị coi là lạc đạo. Mặc dầu vậy, cũng có những người fundamentalist tự xưng là phần tử của hiệp hội sufi , chẳng hạn như Abd al-Salām Yāsīn đã nhắc nhở rằng Ḥasan al-Bannā vị sáng lập các Huynh đoàn Hồi giáo là một sufi.

4/ Phái tân thời (modernisme). Thoạt tiên, xem ra có sự kình địch giữa fundamentalism và phái tân thời. Thực tế không đơn giản như vậy. Một đàng người ta cho rằng phái tân thời bắt nguồn từ phong trào salafit (trở về nguồn[13]) của Muḥammad Abduh (1849-1905), tìm cách du nhập các giá trị của tân thời Tây phương vào Hồi giáo. Điều khó khăn là phong trào salafit được coi như nguồn gốc của cả hai khuynh hướng fundamentalist và tân thời. Sang thế kỷ XX, người ta đặt tên “tân thời” cho những nhà tư tưởng hoặc chính trị muốn tách rời chính trị khỏi tôn giáo. Theo nghĩa này, Kemāl Atatürk, nhà thành lập cộng hoà Thổ nhĩ kỳ đáng được coi như một nhân vật tân thời; thế nhưng, nhiều người kế vị Atatürk lại thuộc về khuynh hướng fundamentalist. Không có gì trái ngược giữa việc sử dụng các phương tiện tân thời để phục vụ cho lý tưởng fundamentalist, chẳng hạn các nhóm fundamentalist cũng như các nhóm cực đoan vẫn sử dụng internet vào việc thuyết giảng cho người đồng đạo tại những nơi chưa có thể thiết lập các đền thờ.

E. Fundamentalism sẽ suy sụp?


Tại các quốc gia mà phong trào fundamentalism của Hồi giáo lớn mạnh, các chính khách Tây phương tìm cách ủng hộ những nhà lãnh đạo “quốc gia” hoặc “tân thời”, hy vọng rằng họ sẽ ngăn chặn được đà tiến của fundamentalism, chẳng hạn như trước đây dùng Ṣaddām Ḥusain để ngăn chặn fundamentalism bên Iran. Nhưng kinh nghiệm cho thấy là chính sách này không đem lại kết quả mong muốn. Chính sách của chính phủ Pháp tại Algerie và Tunisie, mang danh là éradicateurs, nghĩa là “nhổ rễ” các fundamentalists không những đã không thành công mà còn gây tai tiếng vì những sự vi phạm nhân quyền (v. Burgat, 2002). Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, một số học giả người Pháp (v. Roy, 1992; v. Kepel, 1995) tiên đoán rằng fondamentalisme islamique sẽ suy sụp nhường chỗ cho các quốc gia Hồi giáo chấp nhận nguyên tắc tân thời; nhưng những dự đoán ấy đã không trở nên hiện thực. Theo Burgat (v., 2002, p. 284), các nhà chính trị học Âu Tây đã không để ý đến những khuynh hướng fundamentalism khác nhau: đôi khi họ chỉ dừng lại ở các dạng fundamentalist cực đoan, mà bỏ qua các hình thức bảo thủ. Dù sao, sau biến cố 11-9-2001, ít người còn dám khẳng định sự suy thoái của fundamentalism. Điều khó khăn về phía các nhà chính trị Âu Mỹ là tìm ra những người Hồi giáo có thể đối thoại. Nhưng có lẽ một lý do của sự khó khăn nằm ở chỗ các chính quyền Âu châu muốn áp dụng một sự tách rời rõ rệt giữa chính trị và tôn giáo theo chiều hướng của chủ trương thế tục hoá; điều này còn lâu mới xảy ra trong thế giới Hồi giáo. Cần phải kiên nhẫn khám phá bộ mặt đa dạng của fundamentalism bên Hồi giáo, một phần tuỳ theo lãnh thổ (chẳng hạn như Thổ nhĩ kỳ, Ấn độ, Indonesia, Arap, Phi châu), và tìm hiểu những quan điểm khác nhau giữa tôn giáo và chính trị. Có lẽ Israel đã hiểu như vậy, cho nên họ tìm cách đối thoại với những đại biểu trào lưu cải cách thuộc phe fundamentalist của Palestine, thay vì theo đuổi chính sách tiêu diệt bằng quân sự.

Thư mục

  1. Burgat, F., L'Islamisme au Maghreb: la voix du Sud (Tunisie, Algérie, Libye, Maroc), Paris: Karthala, 1988 (tr. it.: Il fondamentalismo islamico: Algeria, Tunisia, Marocco, Libia, Torino: Società editrice internazionale, 1995).
  2. Burgat, F., L'Islamisme en face, Paris: La Découverte, 2002.
  3. Cantoni, G., Aspetti in ombra della legge sociale dell'Islam. Per una critica della vulgata "islamicamente corretta", San Cataldo (Caltanissetta): Centro studi sulla cooperazione A. Cammarata, 2000. Elst, K., Decolonizing the Hindu mind: ideological development of Hindu revivalism, New Delhi: Rupa, 2001.
  4. Guolo, R., Il partito di Dio: l'Islam radicale contro l'Occidente, Milano: Guerini, 1994.
  5. ________. Terra e redenzione: il fondamentalismo nazional-religioso in Israele, Milano: Guerini e Associati, 1997.
  6. ________. Avanguardie della fede: l'islamismo tra ideologia e politica, Milano: Guerini e Associati, 1999.
  7. Huntington, S. H., The clash of civilizations and the remaking of world order, New York: Simon & Schuster, 1996 (tr. it: Lo scontro delle civiltà e il nuovo ordine mondiale, Milano: Garzanti, 1997).
  8. Introvigne, M., Osama bin Laden: Apocalisse sull'Occidente, Leumann (Torino): Elledici, 2001.
  9. ________. Hamas: fondamentalismo islamico e terrorismo suicida in Palestina, Leumann (Torino): Elledici, 2003.
  10. ________. Fondamentalismi. I diversi volti dell'intransigenza religiosa. Casale Monferrato (Alessandria): Piemme, 2004.
  11. Jaffrelot, C., Les nationalistes hindous: idéologie, implantation et mobilisation des années 1920 aux années 1990, Paris: Fayard, 1993.
  12. Kanungo, P., RSS's tryst with politics: from Hedgewar to Sudarshan, New Delhi: Manohar, 2002. Katju, M., Vishva Hindu Parishad and Indian politics, New Delhi: Orient Longman, 2003.
  13. Kepel, G., Jihad: expansion et déclin de l'islamisme, Paris: Gallimard, 1995 (tr. it.:Jihad, ascesa e declino: storia del fondamentalismo islamico, Roma: Carocci, 2001).
  14. LaHaye, T., Jenkins, J. B., Left behind: a novel of the Earth's last days, Wheaton, Ill.: Tyndale House Publishers, 1995 (tr. it.: Gli esclusi, Milano: Armenia, 2000).
  15. Marty, M. E., Appleby, R. S. (a cura di), The fundamentalism project, 5 voll., Chicago-London: The University of Chicago Press, 1991-1995.
  16. Mayer, J.-F., I fondamentalismi, Leumann (Torino): Elledici, 2001.
  17. Roy, O., L'échec de l'islam politique, Paris: Seuil, 1992.
  18. ________. Généalogie de l'islamisme, Paris: Hachette, 1995.
  19. Schworck, A., Ursachen und Konturen eines Hindu-Fundamentalismus in Indien aus modernisierungstheoretischer Sicht, Berlin: Verlag für Wissenschaft und Bildung, 1997.
  20. Weber, E., L'Islam sunnite contemporain, Turnhout: Brepols, 2001.
_____
[1] Tác giả là chủ nhiệm trung tâm CESNUR nghiên cứu các tôn giáo mới (Center for Study of New Religions) ở Italia www.cesnur.org và đã xuất bản nhiều tác phẩm về các phong trào tôn giáo. Bài này lấy từ mục từ “Fondamentalismo” của từ điển Enciclopedia del Novecento III Supplemento (2004). Thư mục ở cuối bài. Chúng tôi cắt bỏ một vài chi tiết chỉ liên quan đến thực trạng giáo hội Công giáo ở Italia. Những chú thích cuối trang do người dịch thêm vào.
[2] Cũng nên biết là hạn từ fundamentalism được sử dụng không những trong lãnh vực tôn giáo, mà còn trong lãnh vực nghệ thuật, chính trị, kinh tế. Có người đề nghị dịch sát tầm nguyên là “bảo căn” (bảo vệ căn gốc), khác với integrism (thủ cựu), traditionalism (bảo thủ), radicalism (quá khích), extremism (cực đoan), fanatism (cuồng tín).
[3] Được đánh dấu với việc xuất bản bộ sách The Fundamentals: A Testimony to the Truth, gồm 12 tập, vào những năm 1910-15, để bảo vệ 5 chân lý “căn bản” của đức tin Kitô giáo (chống lại thuyết tiến hóa và việc giải thích Kinh thánh của nhóm tự do): 1/ Kinh thánh không thể sai lầm. 2/ Đức Giêsu sinh ra bởi một trinh nữ. 3/ Các phép lạ của Đức Giêsu là xác thực (bằng chứng của quyền năng thần tính). 4/ Đức Giêsu chịu chết để cứu chuộc nhân loại. 5/ Đức Giêsu đã phục sinh theo nghĩa vật lý, và sẽ quang lâm. Năm 1919, hiệp hội Error! Main Document Only.World Christian Fundamentals Association được thành lập tại Philadelphia.
[4] “Tân thời”: modernity.
[5] Tiếng Pháp intégrisme, tên đặt cho những người chống lại modernisme, cách riêng từ sau thông điệp Pascendi dominici gregis của đức Piô X (1905).
[6] Sự phân biệt giữa laicité và laicisme bắt nguồn từ bên Pháp và khó tìm được những từ ngữ tương đương bên tiếng Anh. Đôi khi, người ta cũng dùng sự phân biệt tương đương sécularité và sécularisme. Nên biết là sự phân biệt này được áp dụng trong ngôn ngữ chính-trị-học hoặc xã-hội-học; còn trong ngôn ngữ thần học, laic là “giáo dân” (tiếng Anh: laity), đối lại với clerc (tiếng Anh: clergy) là “giáo sĩ”.
[7] Trong lịch sử của phong trào Cải cách, evangelical có bốn nghĩa: 1/ Theo nghĩa rộng nhất, evangelical được hiểu là theo phong trào Phản kháng (Protestant) đối lại với Công giáo (Catholic), bởi vì chỉ dựa vào Lời Chúa như là quy luật tối cao của đức tin. Theo nghĩa này, các Giáo hội Luther cũng xưng là Evangelical Church; một cách chính xác hơn, họ theo chủ trương evangelicalism. 2/ Vào đầu thế kỷ XIX, bên Hoa kỳ và bên Anh, evangelical ám chỉ những phong trào chấn hưng (revival) lấy lại lòng nhiệt thành truyền giáo, đẩy mạnh việc loan báo Tin mừng: evangelism. 3/ Sang đầu thế kỷ XX, bên Hoa kỳ evangelical là tên đặt cho một luồng bảo thủ chống lại khuynh hướng tự do (liberal) trong việc giải thích Kinh thánh cũng như chống lại phong trào đại kết (ecumenism); theo nghĩa này, evangelical đồng nghĩa với fundamentalist. 4/ Vào những thập niên gần đây, ở Nam Mỹ, evangelical được dùng như đồng nghĩa với Pentecostal. x. Phan Tấn Thành, Các Giáo hội Cải cách, Thời sự thần học số 63 (tháng 2/2014) trang 120. Tại Việt Nam, các “giáo hội Tin Lành” thuộc khuynh hướng evangelical hiểu theo nghĩa thứ hai, du nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ XIX, tuy rằng từ đó đến nay con số hệ phái không ngừng tăng gia.
[8] “Huynh đoàn”, tiếng Ý là Fratelli, nghĩa các “anh em”. Như sẽ thấy, hiện tượng Huynh đoàn cũng xuất hiện bên Hồi giáo và thường được gắn liền với fundamentalist.
[9] Mormon là tên đặt cho nhóm tín đồ được quy tụ bởi ông Joseph Smith dựa trên mặc khải từ “Sách Mormon” vào những năm 1820. Tên gọi chính thức là The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints (LDS Church).
[10] Tiếng Việt có hai từ ngữ tương đương để gọi tôn giáo này: “Hồi giáo / Islam”, cũng tựa như trong nhiều ngôn ngữ châu Âu “Muslims / Islam”. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn còn phân biệt nhiều khuynh hướng mà không thể nào dịch ra tiếng Việt được, chẳng hạn như trong tiếng Tây-ban-nha “islámicos/ islamistas / islamísticos”.
[11] Shari’a theo nghĩa đen là “con đường phải theo” (đạo?). Xét về tư tưởng, nó bao gồm luật của Hồi giáo (những nghĩa vụ và quyền lợi) bắt nguồn từ sách Coran và truyền thống (sunna) cũng như những giải thích của các nhà thần học (lityhad). X. Guolo, 1994, p. 22.
[12] Millenarism: thuyết thiên niên (một ngàn năm), một trào lưu bắt nguồn từ sách Khải huyền (20,1-6), theo đó, thế giới được hưởng một ngàn năm thái bình, trước khi có cuộc giao tranh chót của ngày tận thế.
[13] Tiếng arab as-Salafiyya gốc bởi salafa có nghĩa là tổ tiên, hiểu về Ngôn sứ Mohamet và những tín đồ đầu tiên tạo thành cộng đoàn Islam.