Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

NHỮNG TRƯỜNG HỢP THÁO CỞI DÂY HÔN PHỐI NHỜ ĐẶC ÂN ĐỨC TIN

Thời sự Thần học - Số 59, tháng 02/2013, tr. 155-178

Tôma Aq. Nguyễn Trường Tam, O.P.

  • Nền tảng giáo luật và thần học về đặc tính bất khả phân ly của dây hôn phối
  • Đặc ân thánh Phao-lô
  • Tháo gỡ dây hôn phối in favorem fidei

I. Dẫn nhập


Trong thời đại ngày nay, sự bùng nổ về công nghệ thông tin và khuynh hướng toàn cầu hóa đang khiến thế giới dường như ngày càng bị thu nhỏ lại. Người ta có thể dễ dàng thiết lập các mối quan hệ, trong đó có cả quan hệ hôn nhân gia đình, vượt ra khỏi những ranh giới về ngôn ngữ, văn hóa, địa lý, hay tôn giáo. Bên cạnh đó, sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân và ý thức về các quyền tự do trong một thế giới tục hóa đang khiến nền tảng của đời sống hôn nhân gia đình trở nên mong manh và dễ vỡ hơn bao giờ hết.

Rất nhiều cuộc hôn nhân, trong đó có cả hôn nhân Công giáo, đã đổ vỡ và kết thúc bằng việc ly dị, từ đó tạo nên những bất ổn và những hậu quả tai hại cho cả xã hội và Giáo hội. Có thể nói vấn đề này không mới, nhưng nó lại đang ngày càng phổ biến và trở thành một mối ưu tư lớn cho Giáo hội và các xã hội dân sự.

Giáo huấn của Giáo hội Công giáo một mặt vẫn luôn khẳng định đặc tính bền vững và bất khả xâm phạm của dây hôn phối, mặt khác cũng bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với hoàn cảnh của những người đang phải hứng chịu những hậu quả của sự đổ vỡ hôn nhân. Trong số những nạn nhân đó, không ít người là Ki-tô hữu, và vì vậy vấn đề đức tin và ơn cứu độ của họ trở thành một mối bận tâm lớn của Giáo hội. Cần phải làm gì đó vừa không đi ngược lại giáo huấn của Đức Giêsu và truyền thống tông đồ, vừa có thể nâng đỡ đời sống đức tin của những người đang sống trong hoàn cảnh này, trong khi vẫn ý thức những giới hạn về thẩm quyền riêng của mình.

Trong năm đức tin này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những trường hợp tháo gỡ dây hôn phối nhờ “đặc ân đức tin” (privilegium fidei) mà ngày nay Giáo hội đang thực hành. Khi nói đến đặc ân đức tin, chúng ta hiểu bao gồm trong đó cả đặc ân thánh Phao-lô (privilegium paulinum) và đặc ân thánh Phê-rô (privilegium petrinum, hay còn có tên gọi khác là in favorem fidei). Các đặc ân này chỉ có thể được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt với những điều kiện cụ thể đòi buộc phải có, nhất là khi lợi ích đức tin và ơn cứu độ các linh hồn, vốn là đối tượng và đích điểm của đặc ân này, trở nên hiển hiện và cấp bách. Tuy nhiên, trước khi đi vào tìm hiểu chi tiết các đặc ân này, chúng ta cũng cần khẳng định lại đặc tính thiết yếu của hôn nhân là bền vững và bất khả phân ly, theo quan điểm thần học và trên nền tảng giáo luật.

II. Nền tảng giáo luật và thần học về đặc tính bất khả phân ly của dây hôn phối


Trái với khuynh hướng chung của hầu hết các xã hội dân sự ngày nay nhìn nhận việc ly dị như một quyền căn bản của những người kết hôn, Giáo hội vẫn luôn khẳng định sự bó buộc của dây hôn phối (vinculum matrimonii), một sự bó buộc mà không một quyền bính nhân loại nào có thể tháo gỡ một khi hôn nhân đã thành sự và đã hoàn hợp. Quan điểm này đặt nền trên giáo huấn của Đức Giê-su[1] và truyền thống các tông đồ, nhìn nhận hôn nhân như một thực tại tự nhiên được thiết lập bởi Đấng Sáng Tạo. Vì vậy, trong suốt dòng lịch sử, Giáo hội luôn giữ vững lập trường về tính bất khả phân ly của dây hôn phối. Công đồng Tren-tô thậm chí còn lên án mạnh mẽ quan điểm của một số hệ phái Tin Lành cho phép ly dị và tái hôn:

Nếu ai nói: Giáo hội sai lầm khi đã và đang giảng dạy rằng, theo giáo huấn của Tin Mừng và của các tông đồ, dây hôn phối không thể được tháo gỡ vì lý do ngoại tình của một trong hai vợ chồng, và không một bên phối ngẫu nào, cho dù là vô tội trong lý do ngoại tình, có thể được phép ký kết một cuộc hôn nhân mới trong khi người kia vẫn còn sống; và [Giáo hội sai lầm khi dạy rằng] người chồng sẽ phạm tội ngoại tình nếu đuổi người vợ ngoại tình đi để cưới vợ khác, hoặc người vợ sẽ phạm tội ngoại tình nếu chia tay người chồng ngoại tình để lấy người chồng khác; thì kẻ đó sẽ bị vạ tuyệt thông (Sessio XXIV, canon 7).[2]

Công đồng Vaticano II cũng khẳng định rằng, trong ý định đời đời của Thiên Chúa, dây hôn phối là một thực tại bền vững, và ngay từ khoảnh khắc hai người phối ngẫu tự do nói lên lời ưng thuận kết hôn thì nó không còn tùy thuộc vào ý muốn của con người nữa. Chính định chế hôn nhân, cùng với tình yêu vợ chồng, được thiết định nhắm tới việc sinh sản và giáo dục con cái, và vì vậy nó đòi hỏi một sự hiệp nhất và trung tín trọn vẹn giữa đôi vợ chồng.[3] Giáo huấn này chắc hẳn đã được tham chiếu theo thông điệp Casti connubii của đức Giáo Hoàng Piô XI, như chúng ta đọc thấy ở số 5:
[…] cần phải nhắc lại như một đạo lý nền tảng vững chắc và không thể thay đổi rằng hôn nhân được thiết định không phải do con người nhưng là do Thiên Chúa. Những điều luật nhằm củng cố, tăng cường và thăng tiến hôn nhân không do con người tạo ra, nhưng là do Thiên Chúa, Tác Giả của vạn vật, và do Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, nhờ Người mà muôn loài được cứu chuộc. Vì vậy, những điều luật này không thể tùy thuộc vào bất cứ quyền xét đoán nhân loại nào hay bất cứ sự thỏa hiệp trái ngược nào, thậm chí ngay cả sự thỏa hiệp của chính đôi hôn phối. Đây là đạo lý của Sách Thánh. Đây là truyền thống liên lỉ của Giáo hội hoàn cầu. Đây là một lời xác tín long trọng của thánh Công đồng Tren-tô. Bằng chính những lời của Sách Thánh, Công đồng đã khẳng định và tuyên bố rằng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên sự trường tồn và bất khả phân ly của dây hôn phối, là Tác Giả của sự bền vững và hiệp nhất của hôn nhân.[4]
Nguyên tắc bất khả phân ly trong hôn nhân có thể được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Từ góc nhìn của chính đôi hôn phối, sự liên kết thâm sâu trong đời sống hôn nhân, hiểu như một sự trao tặng cho nhau giữa hai ngôi vị, như một cách thế diễn đạt tình yêu vợ chồng của họ cũng như vì điều thiện hảo cho con cái, đòi hỏi một sự hiệp nhất không thể chia cắt. Vì vậy cả hai vợ chồng đều phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, duy trì và phát triển giao ước hôn nhân mà họ đã ký kết. Với cái nhìn hướng thần, từ hành vi nhân linh mà qua đó đôi hôn phối đã trao ban và đón nhận nhau phát sinh một mối dây bó buộc, và mối dây này đặt nền trên ý muốn của Thiên Chúa được tỏ lộ trong tự nhiên như lúc được tạo dựng. Sự ràng buộc này không lệ thuộc vào quyền bính nhân loại cũng như ý muốn của hai người phối ngẫu, và do đó tự nội tại nó không thể bị tháo gỡ. Trong chiều kích Ki-tô học, nền tảng sâu xa nhất của sự bất khả phân ly trong hôn nhân Ki-tô giáo nằm ở chính thực tại của hôn nhân như một hình ảnh, một bí tích, và một lời minh chứng cho sự liên kết bất khả phân ly giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, một sự liên kết vẫn được gọi là sự thiện hảo của bí tích (bonum sacramenti). Theo nghĩa đó, sự bất khả phân ly được hiểu như một khoảnh khắc của ân sủng (momentum gratiae). Với góc nhìn xã hội, chính định chế hôn nhân đòi buộc tính bất khả phân ly. Quyết định cá vị của hai người phối ngẫu cần phải được đón nhận, bảo vệ và củng cố bởi chính xã hội, đặc biệt là bởi cộng đoàn Giáo hội. Theo cách hiểu đó thì sự bất khả phân ly nhắm đến điều thiện hảo cho con cái cũng như những thiện ích chung của xã hội. Tất cả những chiều kích này đều có liên hệ và gắn kết với nhau. Thật vậy, lòng trung tín bó buộc giữa hai vợ chồng phải được xã hội, đặc biệt là cộng đoàn Giáo hội bảo vệ, và đó cũng là đòi hỏi của Thiên Chúa Sáng Tạo cũng như của Đức Ki-tô, Đấng củng cố nó qua ân sủng của Người.[5]

Những nguyên tắc trên được giáo luật đúc kết và phát biểu cách ngắn gọn trong điều luật 1141: “Hôn nhân thành nhận và hoàn hợp không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong.” Tự chính bản chất của nó, hôn nhân là bất khả phân ly. Tuy nhiên, không phải bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng mang tính bất khả phân ly theo nghĩa tuyệt đối ở cùng một mức độ như nhau. Điều 1141 đề cập đến sự bất khả phân ly theo nghĩa tuyệt đối, trong đó đòi buộc phải có hai yếu tố cốt lõi: đó là một cuộc hôn nhân thành nhận (ratum: hôn nhân thành sự được ký kết giữa hai người đã được rửa tội) và đã hoàn hợp (consummatum: hai người phối ngẫu “đã thực hiện hành vi vợ chồng với nhau theo cách thức hợp với nhân tính, mà hành vi này tự nó có khả năng dẫn tới sinh sản là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân và do hành vi đó mà hai vợ chồng trở nên một xương một thịt” – đ. 1061 §1). Vì vậy, trong một số hoàn cảnh cụ thể và với lý do chính đáng, những trường hợp hôn nhân non-ratum hoặc non-consummatum có thể được tháo gỡ nhờ đặc ân thánh Phao-lô hoặc nhờ quyền đại diện riêng của đức Giáo Hoàng (đặc ân thánh Phê-rô).

III. Đặc ân thánh Phao-lô


Hôn nhân của những người chưa rửa tội, một khi được ký kết hợp pháp, được gọi là hôn nhân tự nhiên. Dù không phải là bí tích và nằm ngoài phạm vi chi phối của giáo luật, hôn nhân tự nhiên đó vẫn được Giáo hội nhìn nhận có tính ràng buộc và không thể phân ly. Tuy nhiên, nếu một trong hai người sau đó được rửa tội và đời sống hôn nhân của họ trở nên “không thể sống chung hòa thuận” mà không do lỗi của người đã được rửa tội (đ. 1143), thì cuộc hôn nhân đó có thể được tháo cởi theo đặc ân thánh Phao-lô nhằm nâng đỡ đức tin của người đã được rửa tội. Đặc ân này có nền tảng Kinh Thánh dựa trên những lời giáo huấn của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô:

Còn với những người khác, thì tôi nói – chính tôi chứ không phải Chúa – : nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! (1Cr 7,12-15).

Những lời trên đây của thánh Phao-lô đã thực sự gây bối rối cho những nhà chú giải. Phải chăng đó là việc cho phép các Ki-tô hữu được tự do ly dị vợ hoặc chồng ngoại đạo của mình để lấy một người khác? Hay đó chỉ là một lời khẳng định rằng họ không buộc phải cố gắng níu kéo người vợ hay chồng ngoại đạo đó trong trường hợp người này chủ động muốn ra đi? Mặc dù những lời của thánh Phao-lô chỉ minh nhiên cho phép sự phân ly (separatio) nhưng truyền thống Ki-tô giáo, ngay từ thế kỷ thứ IV, đã hiểu đoạn văn này cho phép các Ki-tô hữu được tự do cưới một người khác nếu như người kia “không chấp nhận sống chung hòa thuận.”[6]

Bằng chứng đầu tiên và rõ ràng về việc áp dụng đặc ân thánh Phao-lô được tìm thấy trong phần chú giải của một tác giả vô danh ở thế kỷ IV (đến thời Trung Cổ, người ta đặt tên cho tác giả này là Ambrosiater, vì họ tin rằng chính thánh Ambrosiô là tác giả của đoạn chú giải đó). Liên quan đến đoạn thư Cô-rin-tô trên đây, tác giả đó đã chú giải như sau:
[…] nếu như người ngoại đạo phân ly vì sự thù ghét Thiên Chúa, thì người tín hữu không bị xem là có tội khi chấm dứt cuộc hôn nhân đó, bởi lẽ lợi ích của Thiên Chúa thì lớn hơn lợi ích của hôn nhân. […] Kẻ thù ghét tác giả của hôn nhân thì cũng không thể có sự trân trọng tương xứng đối với hôn nhân. Một cuộc hôn nhân không được tôn vinh trong Thiên Chúa như thế thì cũng không thể được xem là bất khả phân ly. Vì vậy, nếu người tín hữu, vì niềm tin vào Thiên Chúa, bị vợ hoặc chồng ngoại đạo bỏ rơi, thì người đó sẽ không phạm tội nếu lấy một người khác. Chính thái độ (của người ngoại đạo) xúc phạm đến Đấng Sáng Tạo đã giải gỡ những ràng buộc của dây hôn phối đối với người tín hữu bị bỏ rơi, và trong trường hợp đó, một cuộc hôn nhân mới sẽ không thể bị kết án. Người ngoại đạo chủ động chia tay sẽ chịu trách nhiệm của mình trước cả Thiên Chúa lẫn cuộc hôn nhân.[7]
Đây được xem như một bằng chứng rõ ràng và sớm nhất về việc thực hành và áp dụng đặc ân thánh Phao-lô trong đời sống của Giáo hội. Sau này, Gratiano cũng đưa việc áp dụng này vào trong bộ sưu tập giáo luật của mình (Decretum Gratiani hay Concordia discordantium canonum), đồng thời nhấn mạnh thêm rằng đặc ân này không thể áp dụng đối với hôn nhân được ký kết sau khi một trong hai người đã lãnh bí tích Rửa tội, hay trong trường hợp bội giáo sau khi đã lãnh bí tích Rửa tội. Đến đầu thế kỷ XIII, những nền tảng thần học và giáo luật cho việc áp dụng đặc ân thánh Phao-lô đã được thiết định và được thực hành trong đời sống của Giáo hội. Đức Giáo hoàng Innocentê III tuyên bố rằng người đã lãnh bí tích Rửa tội được tự do lấy một người khác không chỉ khi bị bỏ rơi, mà còn cả trong trường hợp việc sống chung với nhau là không thể, xét về mặt luân lý, vì những lời phạm thánh của người ngoại đạo hoặc vì nguy cơ lôi kéo người tín hữu phạm tội.

Trong một cặp hôn nhân ngoại giáo, nếu một trong hai người hoán cải theo đức tin Công giáo, và người kia không muốn chung sống hòa thuận, hay chung sống nhưng lại có những lời lẽ xúc phạm Thánh Danh hoặc dẫn dắt người Công giáo vào con đường tội lỗi, thì người bị bỏ rơi (phía Công giáo), nếu muốn, có thể lấy một người khác.[8]

Như vậy, việc áp dụng đặc ân thánh Phao-lô ở đây đòi hỏi phải có ít nhất ba điều kiện: 1. Trước hết, đó phải là cuộc hôn nhân tự nhiên giữa hai người chưa được rửa tội; 2. Một trong hai người sau đó được rửa tội thành sự; 3. Phía người phối ngẫu không rửa tội từ chối sống chung hay không muốn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Thiên Chúa.

Bộ Giáo luật hiện hành dường như cũng có cùng cách hiểu và cách áp dụng này khi trình bày điều 1143 như sau:
§1. Hôn nhân giữa hai người không chịu phép rửa tội được tháo gỡ nhờ đặc ân thánh Phao-lô vì lợi ích đức tin của người đã được rửa tội do chính sự kiện người ấy tái hôn, miễn là người không được rửa tội chia tay người ấy.
§2. Người không chịu phép rửa tội được kể là chia tay, nếu không muốn sống chung với người đã được rửa tội hay không muốn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, trừ trường hợp sau khi chịu phép rửa tội, người được rửa tội đã gây ra nguyên nhân chính để người kia chia tay.
Như vậy, cuộc hôn nhân được ký kết trước khi một trong hai người phối ngẫu lãnh bí tích Rửa tội có thể được tháo gỡ nhờ đặc ân của thánh Phao-lô nhằm nâng đỡ đức tin của người được rửa tội. Tất cả những việc tháo gỡ này đều nhắm đến mục đích chính yếu là nâng đỡ đức tin của người tín hữu. Thánh Phao-lô đã thấy nhu cầu cần phải trợ giúp những người mới được rửa tội đang bị kẹt trong hoàn cảnh vợ hoặc chồng của họ, là người Do-thái giáo hoặc người dân ngoại, từ chối sống chung hoặc không muốn chung sống hòa thuận. Những người này cần được nâng đỡ để họ có thể sống đời sống đức tin mà họ vừa đón nhận.

Tuy nhiên, giáo luật cũng đưa ra những nguyên tắc để có thể áp dụng đặc ân này cách đúng đắn và hữu hiệu, với những điều kiện cụ thể như sau:
– Khi ký kết hôn nhân, cả hai người phối ngẫu đều là những người chưa được rửa tội.
– Sau đó, chỉ một trong hai người lãnh bí tích Rửa tội và lãnh thành sự. Nếu như cả hai đều lãnh bí tích Rửa tội thì đặc ân thánh Phao-lô không thể được áp dụng, vì khi đó cuộc hôn nhân của họ được xem là đã thành nhận (ratum matrimonium) nhờ đức tin trong bí tích Rửa tội, và vì thế không thể được tháo gỡ, cho dù họ có sống phân ly thì mối dây ràng buộc vẫn có giá trị.
– Người không rửa tội chủ động chia tay, hoặc không chia tay nhưng lại có những lời lẽ hay hành vi báng bổ đức tin hoặc xúc phạm Thiên Chúa, ngăn trở người được rửa tội sống và thực hành đời sống đức tin của mình.[9]
– Lý do của việc phân ly đó không phải do lỗi từ phía người đã được rửa tội, kể từ sau khi người này lãnh bí tích Rửa tội.
– Cần phải có thủ tục điều tra cuộc hôn nhân và thẩm vấn đối với người không rửa tội về quyết định từ chối sống chung của người đó, trừ khi họ khước từ cuộc thẩm vấn hoặc thực tế khách quan cho thấy việc thẩm vấn là không cần thiết hay không thể thực hiện được (đ. 1144-1145).
Cũng cần lưu ý về phạm vi áp dụng đặc ân này qua cách dùng từ ngữ ở đây. Bộ Giáo luật 1917, khi nói về việc áp dụng đặc ân thánh Phao-lô (đ. 1121, §1), đã đề cập đến một trong hai người phối ngẫu “hoán cải và được rửa tội” (conversus et baptizatus). Theo các nhà chú giải thì người “hoán cải và được rửa tội” ở đây phải hiểu là được rửa tội trong Giáo hội Công giáo. Trong khi đó, bộ giáo luật hiện hành chỉ dùng từ pars baptizata (đ. 1143) để nói về người đã được rửa tội. Vậy có nhất thiết phải hiểu đó là người đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo hay không? Và đặc ân thánh Phao-lô phải chăng chỉ áp dụng cho những người ngoại giáo hoán cải và rửa tội trong Giáo hội Công giáo? Theo Gianfranco Girotti, bí tích Rửa tội được nói đến ở đây có thể được mở rộng đến các Giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, nhưng được nhìn nhận là cử hành thành sự bí tích Rửa tội. Vì vậy “người được rửa tội” đó không nhất thiết phải là người Công giáo, và họ vẫn có thể được hưởng đặc ân thánh Phao-lô, được tháo gỡ dây hôn phối với người không rửa tội trong cuộc hôn nhân trước đó để kết hôn với một người Công giáo mà không buộc phải trở về với Giáo hội Công giáo.[10] Quan điểm của Girotti đã gây tranh cãi không ít trong giới luật gia trong suốt thời gian dài, và đến năm 2005 thì Bộ Giáo lý Đức tin đã chính thức khẳng định “người được rửa tội” được nói đến trong điều luật trên đây không nhất thiết phải là người Công giáo, nhưng phép rửa mà người đó đã lãnh nhận phải là phép rửa được Giáo hội Công giáo nhìn nhận là có hiệu lực (baptismum validum).[11]

Ngoài cách hiểu theo nghĩa chặt như được trình bày ở điều 1143 và được qui định theo các thủ tục tiến hành ở các điều 1144-1147, đặc ân thánh Phao-lô cũng được áp dụng mở rộng đến các trường hợp hợp hôn nhân đa thê hay đa phu như được nói đến ở các điều 1148-1149. Đây là cách áp dụng rất phổ biến ở thế kỷ XVI trong các miền truyền giáo[12], một phần để giúp các nhà truyền giáo có thẩm quyền giải quyết các khó khăn mục vụ trong các miền đất nơi mà tục đa thê hay đa phu khá phổ biến, một phần nhắm đến ý nghĩa chính yếu của đặc ân là nâng đỡ đức tin của người mới được rửa tội. Những quy định cụ thể về các trường hợp này được xác định trong các tông hiến Altitudo (Đức Phao-lô III, 01/06/1537), Romani Pontifices (Đức Piô V, 02/08/1571), và Populis (Đức Gregorio XIII, 25/01/1585). Tuy nhiên, vào thời đó, đặc ân này chưa được áp dụng cách phổ quát, nhưng chỉ giới hạn trong một số vùng truyền giáo được xác định danh tánh cụ thể. Bộ Giáo luật 1917 tái khẳng định hiệu lực của các tông hiến trên nhưng mở rộng phạm vi áp dụng đến những miền “có hoàn cảnh tương tự” (đ. 1125), và bộ luật hiện hành đúc kết lại trong hai điều 1148-1149 đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng lên mức phổ quát.[13]

IV. Tháo gỡ dây hôn phối in favorem fidei


Thông thường, khi nói đến các trường hợp tháo gỡ dây hôn phối in favorem fidei, người ta thường liên tưởng đến việc áp dụng đặc ân thánh Phao-lô. Nhưng ngày nay, người ta hiểu các trường hợp tháo gỡ hôn phối in favorem fidei là những trường hợp cá biệt và không bao hàm đặc ân thánh Phao-lô. Thật vậy, nếu như đặc ân thánh Phao-lô được áp dụng cách phổ quát và thuộc thẩm quyền của các đấng Bản quyền địa phương, thì việc tháo gỡ hôn phối in favorem fidei chỉ được cứu xét trong từng trường hợp cụ thể và thuộc thẩm quyền duy nhất của đức Giáo Hoàng Rô-ma. Chính vì vậy mà việc tháo gỡ này còn được gọi với một cái tên khác là “đặc ân thánh Phê-rô” (privilegium petrinum), bởi vì đức Giáo Hoàng Rô-ma, đấng kế vị thánh Phê-rô, có thể dùng quyền tối cao của mình như là vị Đại diện Chúa Ki-tô ở trần gian để ban đặc ân tháo gỡ một cuộc hôn nhân có hiệu lực giữa hai người phối ngẫu, trong đó có ít nhất một người không rửa tội.

Nếu tìm trong giáo luật, cả bộ luật cũ (1917) cũng như bộ luật mới (1983), chúng ta sẽ không thấy chỗ nào nói đến các trường hợp này cách minh nhiên rõ ràng, ngoại trừ trường hợp hôn nhân thành nhận nhưng chưa hoàn hợp (ratum et non-consummatum) giữa hai người đã được rửa tội hoặc giữa một người đã được rửa tội và một người không được rửa tội có thể được tháo gỡ bởi thẩm quyền duy nhất là đức Giáo Hoàng Rô-ma (đ. 1142 [1983]; x. đ. 1119 [1917]). Vậy đâu là nền tảng cho việc áp dụng đặc ân thánh Phê-rô và tại sao đặc ân này lại không được trình bày cách cụ thể và rõ ràng trong bộ giáo luật, vốn là bản văn luật chính thức của Giáo hội?

Xét về mặt lịch sử, đặc ân thánh Phê-rô mới chỉ xuất hiện đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, và trường hợp đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1920, đức Giáo hoàng Benedict XV đã ban đặc ân tháo cởi dây hôn phối in favorem fidei cho một người phụ nữ Congo. Bốn năm sau, ngày 02/05/1924, đức Piô XI cũng đã ban đặc ân tháo gỡ dây hôn phối cho một phụ nữ người Đức. Người này gốc là một Ki-tô hữu ngoài Công giáo, đã kết hôn với một người Do-thái và hai người đã ly dị theo thủ tục dân sự. Sau đó người phụ nữ này xin gia nhập Giáo hội Công giáo và xin kết hôn với một người Công giáo. Thỉnh nguyện này đã được chấp nhận và Đức Piô XI đã ban đặc ân thánh Phê-rô. Kể từ đó, các đức Giáo Hoàng vẫn thường cứu xét những trường hợp cụ thể để có thể ban đặc ân thánh Phê-rô, và hiện nay, mỗi năm có khoảng một ngàn đơn xin được gửi về Tòa Thánh để đức Giáo Hoàng cứu xét.[14]

Đặc ân này được củng cố theo chiều hướng phát triển thần học và Giáo hội học về quyền tối cao của đức Giáo Hoàng, xét như người kế vị thánh Phê-rô và đại diện Chúa Ki-tô ở trần gian. Giáo hội được nhìn nhận như một bí tích cứu độ phổ quát, như dân riêng của Thiên Chúa, gồm những người đã đón nhận niềm tin vào Đức Ki-tô qua bí tích Rửa tội. Tuy nhiên, Giáo hội cũng nhìn nhận “ngay cả những người chưa đón nhận ánh sáng Tin Mừng vẫn có thể được liên kết với dân Thiên Chúa theo những cách thức khác nhau” (LG, 6), và vì vậy, theo một cách thức và ở một mức độ nào đó, quyền đại diện của đức Giáo Hoàng cũng có thể được mở rộng đến cả những người ngoài Ki-tô giáo. Ơn cứu độ được ban qua Đức Giê-su, được thể hiện và được chia sẻ qua Giáo hội, là ơn cứu độ phổ quát được ban tặng cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, thời gian hay nơi chốn. Đối với những người chưa được rửa tội cũng như những người đã được rửa tội, ơn cứu độ của họ có thể được nâng đỡ và được củng cố vững vàng hơn nhờ đặc ân tháo gỡ khỏi những ràng buộc khỏi một điều luật tự nhiên vốn có tính bó buộc đối với tất cả mọi người. Chính Giáo hội phải có thẩm quyền đó và nó được thi hành qua quyền đại diện của đức Giáo Hoàng. Theo cách hiểu đó thì việc ban đặc ân thánh Phê-rô được nhìn nhận như một trong những cách thức thể hiện quyền đại diện của đức Giáo Hoàng nhằm nâng đỡ đức tin của các tín hữu. Đây là quyền đại diện chứ không phải quyền thừa ủy, và vì vậy chỉ một mình đức Giáo Hoàng Rô-ma mới có thẩm quyền cứu xét và quyết định trong việc ban đặc ân này.[15]

Bên cạnh việc đào sâu nền tảng đạo lý về thẩm quyền của Giáo hội, việc xây dựng nền tảng pháp lý để áp dụng trong các trường hợp này cũng được củng cố qua các văn kiện chính thức của Tòa Thánh. Ngày 01/05/1934, Bộ Thánh vụ (Congregatio Sancti Officii – Ngày nay là Bộ Giáo lý Đức tin) ban hành huấn thị Normae pro conficiendo processu in casibus solutioni vinculi matrimonialis in favorem fidei per supremam Summi Pontificis auctoritatem (Những qui định để tiến hành thủ tục xin tháo gỡ dây hôn phối vì lợi ích đức tin nhờ quyền tối thượng của đức Giáo Hoàng). Huấn thị này mở đầu bằng lời khẳng định quyền tối thượng của đức Giáo Hoàng trong việc tháo cởi dây hôn phối của những người ngoài Công giáo, trong đó có ít nhất một người không được rửa tội (art. 1), đồng thời cũng xác định thẩm quyền riêng của Bộ Thánh vụ trong việc xét duyệt các hồ sơ trước khi chúng được trình lên đức Giáo Hoàng (art. 2). Đặc biệt, huấn thị cũng thiết lập những nguyên tắc đòi buộc phải có để có thể xin đặc ân (art. 3) cũng như những hướng dẫn cụ thể trong việc tiến hành thủ tục pháp lý hoàn chỉnh từ các Giáo hội địa phương trước khi hồ sơ được gửi về cho Bộ Thánh vụ (art. 4-18). Huấn thị này được gửi riêng và trực tiếp đến các đấng Bản quyền địa phương chứ không được công bố cách chính thức trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis). Lý do của việc làm này được giải thích là vì sự cẩn trọng và khôn ngoan cần thiết, nhằm tránh sự hiểu lầm và thổi phồng của các phương tiện truyền thông xã hội, cho rằng Giáo hội ủng hộ hay cổ võ cho việc ly dị.[16]

Sau Công đồng Vaticano II, đức Phao-lô VI quyết định rằng phải duyệt xét lại toàn bộ vấn đề đồng thời phải sửa đổi lại huấn thị đã được ban hành năm 1934 nhằm thích nghi với những hoàn cảnh mới phát sinh. Ngài nhấn mạnh rằng đặc ân này không chỉ nhắm đến lợi ích đức tin như cách mà Giáo hội vẫn hiểu và vẫn áp dụng trong quá khứ, mà còn đặc biệt hướng đến những lợi ích thiêng liêng (bonum spirituale) của những những người phối ngẫu hoặc của chính con cái họ. Kết quả của tinh thần đổi mới đó là một bản văn mới được soạn thảo, Ut notum est, kèm với những qui định về thủ tục tiến hành, Normae procedurales. Huấn thị này được Bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 06/12/1973 và, giống như lần trước, nó cũng được gửi trực tiếp đến các đấng Bản quyền địa phương chứ không được công bố chính thức trên Công báo Tòa Thánh.

Trong tiến trình soạn thảo lại bộ giáo luật mới, các ủy ban trù bị cũng đã chuẩn bị một khung luật áp dụng cho các trường hợp tháo gỡ dây hôn phối in favorem fidei. Tuy nhiên, với sự cẩn trọng và khôn ngoan cần thiết, đức Gio-an Phao-lô II đã quyết định tách riêng phần luật này ra khỏi bộ giáo luật, và trao cho Bộ Giáo lý Đức tin soạn thảo rồi trình lên để ngài phê chuẩn. Đó là lý do tại sao chúng ta không tìm thấy những điều luật liên quan đến đặc ân thánh Phê-rô trong cả hai bộ giáo luật Codex Iuris Canonici (1983) và Codex Canonum Ecclesiarum Orientalium (1990). Ngày nay, việc áp dụng đặc ân thánh Phê-rô được thực hiện theo huấn thị Potestas Ecclesiae, kèm theo những qui tắc và thủ tục hướng dẫn việc áp dụng đặc ân này, do Bộ Giáo lý Đức tin soạn thảo, được đức Gio-an Phao-lô II phê chuẩn ngày 16/02/2001, và được công bố ngày 30/04/2001.

Nền tảng giáo luật có thể áp dụng đặc ân thánh Phê-rô được huấn thị Potestas Ecclesiae phát biểu ngay ở articulus 1 như sau: “Hôn nhân được ký kết giữa hai người, trong đó có ít nhất một người không được rửa tội, có thể được tháo gỡ, vì lợi ích đức tin, bởi đức Giáo Hoàng Rô-ma, bao lâu mà cuộc hôn nhân đó chưa hoàn hợp (non-consummatum) kể từ khi cả hai người đã lãnh bí tích Rửa tội.” Có thể xem đây như một nguyên tắc chung mà từ đó chúng ta có thể xác định năm trường hợp cụ thể có thể áp dụng đặc ân này:[17]
1) Hai người chưa được rửa tội lấy nhau (hôn nhân tự nhiên), sau đó họ ly dị theo luật dân sự, và hiện nay một trong hai người muốn kết hôn với một người Công giáo.

2) Một người đã được rửa tội ngoài Giáo hội Công giáo kết hôn với một người chưa được rửa tội, sau đó họ ly dị, và hiện nay một trong hai người đó muốn lấy một người Công giáo.

3) Một người Công giáo lấy một người không được rửa tội với phép chuẩn ngăn trở hôn nhân dị giáo, sau đó hai người ly dị, và hiện nay bên Công giáo muốn kết hôn với một người khác đã được rửa tội.

4) Một người chưa được rửa tội kết hôn với một người đã được rửa tội, và cuộc hôn nhân của họ kết thúc bằng việc ly dị. Sau đó, người này đã được rửa tội (và kể từ lúc được rửa tội, không có sự hoàn hợp, tức là không chung sống như vợ chồng với người vợ hoặc chồng cũ) và hiện nay muốn lấy một người Công giáo.

5) Một người chưa được rửa tội kết hôn với một người đã được rửa tội và hôn nhân cũng kết thúc bằng việc ly dị dân sự. Sau đó người này được rửa tội trong Giáo hội Công giáo (và kể từ đó cũng không có sự hoàn hợp với người vợ hoặc chồng cũ), và hiện nay người này muốn kết hôn với một người khác đã được rửa tội.
Tuy nhiên, các trường hợp trên đây mới chỉ được xem như “điều kiện cần” chứ chưa “đủ” để có thể tiến hành thủ tục xin đặc ân thánh Phê-rô. Về phương diện đạo lý, đặc ân này chỉ có thể được ban khi hội đủ những yếu tố vốn được xem như nền tảng thiết yếu của đặc ân, là liệu nó có nhắm đến lợi ích đức tin và điều thiện hảo hay ơn cứu độ cho các linh hồn hay không.[18] Về thủ tục tiến hành, một đòi buộc nữa phải có là những lời cam kết (cautiones) của cả bên Công giáo cũng như bên không Công giáo (nếu như người này không có ý muốn gia nhập Công giáo) trước khi ký kết cuộc hôn nhân mới. Nội dung của cam kết này là bên Công giáo phải được tự do trong việc sống và thực hành đời sống đức tin của mình cũng như trong việc rửa tội và giáo dục con cái theo đức tin Công giáo. Lời cam kết đó phải được thực hiện trên giấy tờ và được ký nhận từ cả hai phía (Potestas Ecclesiae, art. 5).[19]

Ngoài ra, một vài điều căn bản khác cũng cần phải lưu ý: cuộc hôn nhân được xin tháo gỡ đó phải không có khả năng tái hợp trong hòa thuận; và giống như trường hợp xin đặc ân thánh Phao-lô, lỗi chính yếu đưa đến việc đổ vỡ của cuộc hôn nhân đó không phải do phía người xin đặc ân; đặc ân sẽ không được ban nếu một trong hai người chuẩn bị ký kết cuộc hôn nhân mới đã được ban đặc ân tháo gỡ hôn phối trước đó rồi (Potestas Ecclesiae, art. 6; cf. Ut notum est, art. 6).

Một khi tất cả các điều kiện cần và đủ trên đây đã được đáp ứng thì thủ tục xin đặc ân mới được tiến hành. Đức giám mục giáo phận sẽ là người có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục xin đặc ân tháo gỡ dây hôn phối này. Sau khi xem xét và thấy có nền tảng vững chắc để xin đặc ân, thì ngài sẽ thu thập đầy đủ các tài liệu và giấy tờ cần thiết, rồi gửi tất cả hồ sơ lên Bộ Giáo lý Đức tin. Tại đây, một lần nữa, hồ sơ sẽ được kiểm duyệt và rà soát lại với tất cả những thông tin chi tiết trong đó. Sau đó, nếu thấy có nền tảng vững chắc thì Bộ sẽ gửi hồ sơ lên đức Giáo Hoàng để xin ngài phê chuẩn việc ban đặc ân (cf. Potestas Ecclesiae, art. 7-25).

V. Kết luận


Trên đây là những trường hợp mà Giáo hội có thể can thiệp, dù phải nại đến đặc ân của thánh Phao-lô hay quyền đại diện của đức Giáo Hoàng, nhằm nâng đỡ đức tin cũng như những lợi ích thiêng liêng của các tín hữu. Sự tiến triển trong cách nhận thức cũng như trong cách áp dụng các đặc ân theo hướng mở rộng của Giáo hội không phải là một sự thỏa hiệp với những trào lưu mới của xã hội, đặc biệt là khuynh hướng tự do muốn xem việc ly dị như một trong những quyền chính đáng của con người ngày nay. Một mặt Giáo hội luôn phải trung thành với giáo huấn của Đức Ki-tô cũng như truyền thống các tông đồ, nhưng mặt khác, Giáo hội cũng ngày càng ý thức hơn về thẩm quyền của mình trong việc chăm sóc, can thiệp và nâng đỡ đàn chiên mà Chúa đã trao phó, ngõ hầu chúng có thể “sống và sống dồi dào” trong sự triển nở về lòng tin và lòng mến, đúng theo ước nguyện của Chúa Ki-tô.

Tuy nhiên, dù Giáo hội đã cố gắng can thiệp trong giới hạn thẩm quyền của mình để nâng đỡ đời sống đức tin của các tín hữu, nhưng cũng phải thừa nhận rằng nền tảng của đời sống hôn nhân hiện nay đang lung lay và trở nên dễ đổ vỡ hơn bao giờ hết. Vấn đề ly dị của những người Công giáo đang ngày trở nên trầm trọng, đe dọa sự bền vững của cơ cấu gia đình, Giáo hội và xã hội, chà đạp những giá trị vốn có của hôn nhân và cướp đi những điều thiện hảo mà định chế hôn nhân mang lại. Không chỉ là vấn đề ly dị, mà những hậu quả sau ly dị cũng thật khủng khiếp, trong đó đặc biệt là tác động tiêu cực trên con cái và tình trạng tái hôn bất hợp pháp dẫn đến những hoàn cảnh rối hôn nhân rất đau lòng. Dẫu vậy, Giáo hội không được bỏ rơi những con người đó, bởi lẽ họ rất cần được nâng đỡ và chăm sóc mục vụ.

Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nhắc nhở rằng mặc dầu tình trạng rối hôn nhân không cho phép một đời sống hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội, nhưng không vì thế mà các tín hữu đang sống trong tình trạng đó hoàn toàn bị loại ra khỏi đời sống ân sủng trong Chúa Ki-tô hay bị cắt đứt sự liên kết với Giáo hội. Hơn ai hết, họ cần phải nhận được những sự quan tâm chăm sóc mục vụ trong phạm vi mà luật cho phép. Họ không được miễn chuẩn khỏi những nghĩa vụ bó buộc phát sinh do bí tích Rửa tội mà họ đã lãnh nhận, kể cả nghĩa vụ giáo dục con cái theo đạo lý Ki-tô giáo. Họ không bị tách ly khỏi đời sống cầu nguyện trong cả phạm vi cá nhân cũng như cộng đoàn, họ được kêu gọi thực hiện việc sám hối cũng như tham gia một số hoạt động tông đồ. Họ không thể bị bỏ rơi, nhưng phải được nâng đỡ, như tất cả các Ki-tô hữu khác đang cố gắng thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi, nhờ sự trợ giúp của ân sủng Chúa Ki-tô.[20]

Trong một bài diễn văn được đăng tải trên báo L’Osservatore Romano, đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II cũng đã nói: “Những ai đang sống trong tình trạng hôn nhân rối hãy biết rằng Giáo hội vẫn yêu mến họ, không bao giờ xa lánh họ và cũng cảm thấy đau khổ vì tình trạng hiện tại của họ. Những người ly dị và tái hôn, dù sống trái với giáo luật cũng như Thiên luật, vẫn là thành viên của Giáo hội, bởi lẽ họ đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và vẫn còn lưu giữ niềm tin Ki-tô giáo.”[21]

Chắc hẳn những tâm tình và những lời giáo huấn trên đây phải luôn luôn được ghi nhớ, đặc biệt là đối với những ai có trách nhiệm hướng dẫn và chăm sóc mục vụ. Một mặt chúng ta vẫn phải luôn trung tín với giáo huấn của Chúa Ki-tô cũng như truyền thống của Giáo hội, nhưng mặt khác chúng ta cũng được mời gọi noi gương Đức Giê-su, vị Mục Tử nhân lành luôn quan tâm và chăm sóc những kẻ bé mọn, yếu đuối và tội lỗi. Đức Giê-su vẫn luôn tôn trọng và khẳng định tính bền vững của lề luật,[22] nhưng trong hành động, Ngài lại luôn cho thấy luật tối thượng là luật tình yêu phải luôn trổi vượt trên mọi thứ lề luật. Sở dĩ Đức Giê-su có thể hành động như vậy là vì Ngài đã sống được cái tinh thần của luật, đã sống được ý nghĩa cốt yếu nằm sau mặt chữ của lề luật được ghi trên giấy.

Có lẽ cũng cần phải điều chỉnh lại quan niệm sai lầm rằng tất cả những ai ly dị theo luật dân sự đều bị ngăn trở không thể lãnh nhận các bí tích. Đối với những người Công giáo ly dị, đặc biệt là việc ly dị đôi khi không hoàn toàn do lỗi của họ, nếu sau đó họ vẫn sống độc thân và vẫn giữ một đời sống Ki-tô giáo tốt lành thì không có lý gì họ lại bị tách ra khỏi đời sống ân sủng trong Chúa Ki-tô qua việc đón nhận các bí tích; nhưng nếu họ tái hôn khi vẫn còn ngăn trở dây hôn phối trước, thì họ không thể hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội qua việc đón nhận các bí tích, nhưng vẫn bị bó buộc với những nghĩa vụ của người Ki-tô hữu, trong đó có cả nghĩa vụ đi lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc. [23] Những người này vẫn rất cần được nâng đỡ, khích lệ để họ có thể thực hành đời sống cầu nguyện và sám hối.

Nên nhớ, bộ giáo luật hiện hành có tới 1752 điều, và sau khi đã trình bày hết mọi điều luật trong nhiều lãnh vực của đời sống Giáo hội, thì điều cuối cùng khẳng định rằng “ơn cứu độ các linh hồn phải được nhắm tới như luật tối thượng trong Giáo hội”!
___________
[1] Mt 19,3-11; x. Mt 5,31-32; Mc 10,2-12; Lc 16,18; 1Cr 7,10-11.
[2] “Si quis dixerit, ecclesiam errare, cum docuit et docet, iuxta evangelicam, et apostolicam doctrinam, propter adulterium alterius coniugum matrinomii vinculum non posse dissolvi; et utrumque, vel etiam innocentem, qui causam adulterio non dedit, non posse, altero coniuge vivente, aliud matrimonium contrahere; moecharique eum, qui, dimissa adultera, aliam duxerit, et eam, quae, dimisso adultero, alii nupserit; anathema sit.”
[3] X. Gaudium et Spes, s. 48.
[4] Pius XI, Casti connubii, 31/12/1930, số 5. (Dịch từ bản tiếng Ý được đăng trên website của Tòa Thánh: www.vatican.va).
[5] x. International Theological Commission, Texts and Documents, vol. I: 1969-1985, Ignatius Press, (San Francisco: 2009), tr. 176.
[6] x. R. Kuelman, “The First Letter to the Corinthians,” trong Brown, Fitzmyer, and Murphy (eds.), The Jerome Biblical Commentary, vol. 2, Prentice-Hall (New Jersy: 1968), tr. 264.
[7] Dịch từ bản tiếng Anh trong Wojciech Kowal & William Woestman, Special Marriage Cases and Procedures, 4th revised and updated ed., Saint Paul University (Ottawa: 2008), tr. 56.
[8] “Si enim alter infidelium coniugum ad fidem Catholicam convertatur, altero vel nullo modo vel sine blasphemia divini nominis, vel ut eum pertrahat ad mortale peccatum, ei cohabitare volente: qui relinquitur ad secunda, si voluerit, vota transibit” (IV Decretal., xix, 7, in cap. “Quanto”).
[9] Cụm từ “không muốn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa” (sine contumelia Creatoris) được các nhà giáo luật chú giải theo nghĩa rộng, bao gồm không chỉ những lời nói và thái độ trực tiếp xúc phạm đến Thiên Chúa, mà còn cả những hành vi gián tiếp như ngăn trở người vợ hoặc chồng đã được rửa tội có thể sống và thực hành đời sống đức tin của mình, ngăn cản việc giáo dục con cái theo đức tin Ki-tô giáo, hoặc cố chấp trong những hành vi tính dục trái luân lý và lôi kéo người vợ hoặc chồng đã được rửa tội vào con đường tội lỗi. [Xem John P. Beal, James A. Coriden, & Thomas J. Green, eds., New Commentary on the Code of Canon Law, The Canon Law Society of America, (New York: 2000), tr. 1366].
[10] X. G. Girotti, “La procedura per lo scioglimento del matrimonio nella fattispecie del privilegio paolino” trong I procedimenti speciali nel diritto canonico, Studi guridici, no. 27, Libreria editrice Vaticana (1992), tr. 162-163.
[11] Trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin, “Multiple Marriage Cases Involving Pauline Privilege and Ligamen” trong F.S. Pedone and J.I. Donlon (eds.), Roman Replies and CLSA Advisory Opinions, Canon Law Society of America (Washington: 2005), tr. 23-26.
[12] Các hoạt động truyền giáo của Giáo hội đặc biệt phát triển mạnh trong thế kỷ XVI. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà các nhà truyền giáo phải đối diện là hủ tục đa thê hay đa phu của những người dân bản địa tại các vùng đất mới như Á Châu, Nam và Trung Mỹ, hay vùng Ca-ri-bê. Những người này sẵn sàng đón nhận đức tin Công giáo, nhưng họ lại bị ngăn trở không thể lãnh bí tích rửa tội bởi chính tình trạng hôn nhân của họ. Một vấn đề khác cũng phát sinh là nạn buôn bán nô lệ khá phổ biến vào thời đó. Những người nô lệ bị mua đi bán lại nhiều lần, và thường thì họ bị buộc phải sống trong cảnh phân ly với người vợ hoặc chồng của mình. Những người này sau đó xin được rửa tội và cưới một người khác. Trong trường hợp đó, thật khó để có thể tìm và thẩm vấn người vợ hoặc chồng cũ của họ. Vì vậy, đặc ân thánh Phao-lô sẽ không thể được áp dụng nếu không có sự linh động trong cách hiểu và thích nghi với hoàn cảnh mới, và các Giáo Hoàng trong thế kỷ XVI đều ban cho các nhà truyền giáo thẩm quyền tháo gỡ dây hôn phối nhờ đặc ân thánh Phao-lô.
[13] x. Salachas, “Lo scioglimento del matrimonio non sacramento in favore della fede,” trong Iura Orientalia IV (2010), tr. 211.
[14] Silvestrelli, A., “Scioglimento del matrimonio in favorem fidei,” trong I procedimenti speciali nel diritto canonico, Studi giuridici, no. 27, Libreria editrice Vaticana (1992), tr.183.
[15] William H. Woestman, Canon Law of the Sacraments for Parish Ministry, 2nd revised and updated ed., Saint Paul University, (Ottawa: 2011), tr. 449-450.
[16] Xem phần nhập đề của huấn thị Potestas Ecclesiae, do Bộ Giáo lý Đức tin, với sự phê chuẩn của đức Gio-an Phao-lô II, ban hành ngày 30/04/2001 (tham khảo trên website của Tòa Thánh: www.vatican.va).
[17] John M. Huels, The Pastoral Companion: a Canon Law Handbook for Catholic Ministry, 4th updated ed., Wilson & Lafleur, (Montréal: 2009), tr. 318-319.
[18] Trong phần nhập đề của Potestas Ecclesiae, hai cụm từ được nói đến như nền tảng đạo lý của đặc ân này là “vì lợi ích đức tin và ơn cứu độ các linh hồn” (in favorem fidei salutemque animarum) và “vì lợi ích đức tin và điều thiện hảo của các linh hồn” (in favorem fidei et bonum animarum).
[19] Nhiều người lầm lẫn giữa hôn nhân được ký kết theo sau đặc ân thánh Phê-rô với hôn nhân được ký kết với phép chuẩn ngăn trở do khác đạo. Nếu như ở cuộc hôn nhân sau, Giáo hội không còn bó buộc bên không Công giáo phải cam kết về việc bảo đảm đời sống đức tin của người vợ hoặc chồng Công giáo cũng như của con cái sau này, thì trong trường hợp một cuộc hôn nhân mới được ký kết sau khi được ban đặc ân tháo cởi dây hôn phối của hôn nhân trước đó, việc cam kết này là bắt buộc và phải được thực hiện trên giấy tờ. [Xem William H. Woestman, Canon Law of the Sacraments for Parish Ministry, 2nd revised and updated ed., Saint Paul University, (Ottawa: 2011), tr. 450].
[20] International Theological Commission, op. cit., tr. 178.
[21] L’Osservatore Romano, 24/01/1997, tr.4
[22] Mt 5,18: “Cho dù trời đất có qua đi thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không qua đi.”
[23] John M. Huels, op. cit., tr. 308.