Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 76, THÁNG 5/2017

CHỦ ĐỀ : THÁNH LINH

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành trong dịp chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Năm nay, tại Rôma, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ long trọng để kỷ niệm 50 năm khai sinh của phong trào “Canh tân Thánh Linh” (đôi khi cũng gọi là “canh tân đặc sủng”: charismatic movement / renewal), được đánh dấu bằng những buổi cầu nguyện tại Duquesne (Pittsburg USA) vào những ngày 17-19/2/1967. Lễ Hiện xuống năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 120 năm thông điệp Divinum illud munus của Đức Lêo XIII (15/5/1897) và 31 năm thông điệp Dominum et vivificantem của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (18/5/1986): hai thông điệp đề cập đến Chúa Thánh Thần.

Có lẽ không ít Kitô hữu chưa hề nghe nói đến Chúa Thánh Thần (x. Cv 19,2), nhưng trong những năm gần đây, các đề tài thần học về “Thần khí luận” khá dồi dào. Thời sự Thần học số 76 này sẽ tập trung vào những vấn đề lớn của Thánh Linh học: trước hết, là một cái nhìn tổng quan về bộ môn; tiếp đó, các bài viết được tập trung vào hai điểm chính: a/ lối tiếp cận cổ điển về Thánh Linh (các ân huệ và hoa trái); b/ những đề tài được gợi lên do phong trào canh tân đặc sủng (Đặc sủng là gì? Đặc sủng và cơ chế có tương quan giữa như thế nào? Phép rửa trong Thánh Linh là gì?)

1. Mở đầu là bài “Thần Khí luận: Những viễn ảnh”. Thần Khí luận (hoặc Thánh Linh học: Pneumatologia) là một môn học còn mới mẻ. Linh mục Phan Tấn Thành trình bày những vấn đề được đặt ra cho “thần học về Thánh Linh”, khi rảo qua những giáo huấn của Kinh Thánh, những cuộc tranh luận trong lịch sử Giáo hội, từ thời các Giáo phụ cho đến nay. Những đề mục ấy có thể xếp đặt hệ thống dựa trên những dữ kiện của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo[1].

2. Kể từ thời Trung cổ, tác động của Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu thường được cô đọng trong đạo lý về “bảy ơn Chúa Thánh Thần”. Dựa theo truyền thống từ thánh Augustinô, thánh Tôma Aquinô liên kết bảy ân huệ với bảy nhân đức. Cũng dựa theo một truyền thống có từ thánh Augustinô, trong bài viết tựa đề “Các ân huệ Thánh Linh và con đường nên thánh”, giáo sư Javier Sese trình bày bảy ân huệ dựa theo mô hình tiến triển của bảy cấp độ đời sống tâm linh, từ lúc khởi đầu (với ơn kính sợ) cho đến chóp đỉnh (ơn cao minh). Lối trình bày này cũng cho thấy sự tiến triển từ giai đoạn “tu đức” đến giai đoạn “huyền bí”.

3. Dựa theo truyền thống thần học từ thời Trung cổ, bên cạnh 7 ân huệ, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo còn nói đến các “hoa trái của Thánh Linh, là những điều trọn hảo mà Thánh Linh ban cho chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu” (số 1832). Bài viết của đức cha Raffaele Calabro sẽ giải thích “Các hoa quả của Thánh Linh”, dựa trên đoạn văn của thánh Phaolô trong thư gửi Galát (Gl 5,22-23), áp dụng vào các tương quan mục vụ.

4. Trong các sách thần học cổ điển, mỗi khi nói đến các “ơn Chúa Thánh Thần”, người ta nghĩ đến bảy ân huệ vừa kể. Từ sau Công đồng Vaticanô II, nhờ trở về với các bản văn Hy Lạp của Tân Ước cũng như nhờ cuộc đối thoại đại kết, thần học còn lưu ý đến các charisma (thường dịch là: đặc sủng, đoàn sủng). Charisma là gì? Tu sĩ Giuse Nguyễn Trị An khảo sát việc sử dụng từ ngữ này trải qua lịch sử: các bản văn Tân Ước, trong lịch sử thần học, các bản văn Huấn quyền trước và sau Vaticano II. Nên biết là ngày nay, do ảnh hưởng của ông Max Weber, charisma cũng được sử dụng trong xã hội học nữa.

5. Một phạm vi áp dụng thần học charisma vào đời sống Giáo hội là các Dòng tu, mà một trong những thần học gia tiên phong là cha Jean-Marie Roger Tillard, O.P. (1927-2000). Trong bài “Một suy tư về thần học đời tu”, nữ tu Lê Loan, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, muốn giới thiệu những nét nổi bật của sự đóng góp đó.

6. “Phép rửa trong Thánh Linh” là một trong những đề tài chủ chốt của phong trào Ngũ Tuần. Một vài nhóm của phong trào “đặc sủng Thánh Linh” cũng du nhập đề tài ấy vào sinh hoạt của mình. Phép rửa trong Thánh Linh có nghĩa là gì? Trong bài viết “Một lễ Ngũ tuần mới? Thần học Công giáo và Phép rửa trong Thánh Thần”, Giáo sư Ralph Martin trình bày các quan điểm của thần học Công giáo chung quanh đề tài này, được phân làm ba nhóm: a) làm sống lại ân sủng của bí tích Khai tâm; b) một sự tuôn đổ mới của Thánh Linh nhằm một ơn gọi mới; c) biến cố mang tính cánh chung cho thời đại chúng ta. Cả ba ý nghĩa có thể bổ túc cho nhau. 

7. Vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống năm ngoái (15/5/2016), Bộ Giáo lý Đức tin đã gửi cho các Giám mục một bức thư mang tựa đề “Iuvenescit ecclesia”, bàn về mối tương quan giữa ơn phẩm trật ơn charisma trong đời sống và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội. Luận đề căn bản: hai yếu tố “phẩm trật” và “charisma” đều là cốt yếu trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh; hai yếu tố này bổ túc cho nhau. Vì thế, không được phép tách biệt hoặc đối lập “Hội thánh của thể chế” và “Hội thánh của bác ái”. Dựa trên những nguyên tắc thần học, văn kiện rút ra những kết luận về việc nhìn nhận các “đoàn thể Giáo hội”. Cụ thể hơn nữa, văn kiện đề ra tám tiêu chuẩn để phân định các ơn charisma (số 18). Vì khuôn khổ báo in không cho phép, chúng tôi sẽ đăng tài liệu này trên https: vào ngày phát hành số báo này.

* Lưu ý về từ ngữ

1/ Trong tiếng Việt, Spiritus Sanctus có thể chuyển dịch là: “Thánh Thần, Thần Khí, Thánh Linh”. Trong các bài viết của TSTH số 76 này, từ ngữ “Thánh Linh” được sử dụng thông thường hơn.

2/ Danh từ Charisma thường được dịch là: “đặc sủng / đoàn sủng”. Tuy nhiên vì ý nghĩa của từ ngữ này rất phức tạp, nên trong hai bài số 4 và 5, chúng tôi giữ nguyên tiếng gốc Hy Lạp.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

[1] Bài này bổ túc cho “Thần học về Chúa Thánh Thần” trong Thời sự thần học, số 6 (tháng 11/1996) trang 55-106.

TRONG SỐ NÀY_______