Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 75, THÁNG 2/2017

CHỦ ĐỀ: CÁNH CHUNG

LỜI GIỚI THIỆU


“Cánh-chung-luận” (dịch bởi danh từ gốc Hy-lạp eschatologia) mới trở thành quen thuộc với thần học Việt Nam từ sau công đồng Vaticanô II. Thuật ngữ này bao hàm hai ý nghĩa: luận về “mục đích” (cứu cánh) cũng như những thực tại “tối hậu” (chung cục) của lịch sử và của cá nhân. Như vậy nó rộng nghĩa hơn là “tứ chung” (de novissimis) trong các sách giáo khoa cổ điển, đề cập đến những gì xảy ra vào lúc tận cùng của đời người và của lịch sử. Lối tiếp cận này muốn trả lời cho những băn khoăn của con người về ý nghĩa của cuộc đời. Nói cho cùng, đó là lý do vì sao con người tìm đến các tôn giáo, như công đồng Vaticanô II giải thích ở đoạn mở đầu Tuyên ngôn về mối liên lạc giữa Hội thánh và các tôn giáo (Nostra aetate)[1]. Thật ra, đề tài này được đề cập trong nhiều khảo luận thần học[2]. Thời sự thần học cũng đã có nhiều bài viết về cánh chung[3]. Những bài viết trong số này muốn trình bày vấn đề trong viễn cảnh đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa.

1. Mở đầu là bài Cánh-chung-luận trong lịch sử các tôn giáo. Giáo sư Richard Landes lưu ý rằng tuy cánh-chung-luận xuất phát từ truyền thống của đạo Do Thái và Kitô, nhưng ta thấy nhiều tôn giáo và văn hóa cũng đề cập đến những thực tại tận cùng của cộng đồng và của cá nhân. Trước hết, tác giả xếp thành hai loại cánh-chung-luận xét theo quan điểm về thời gian: “huyền thoại” hay “lịch sử”; loại lịch sử cũng có thể mang ba hình thức: “cứu tinh”, “khải huyền”, “thiên niên”. Dựa theo những mô hình ấy, tác giả phân tích cánh-chung-luận trong các nền văn minh sơ khai và các tôn giáo châu Á, rồi đến các tôn giáo châu Âu (cách riêng Kitô giáo) và sau cùng là các ý thức hệ cận đại.

2. Trong bài Cánh chung luận trong lịch sử thần học Công giáo, linh mục Phan Tấn Thành cho thấy ảnh hưởng của các nền văn hóa đối với việc đặt vấn đề cánh chung. Điều này có thể nhận thấy ngay từ thời các giáo phụ, và tiếp tục trải qua thời Trung cổ và Cận đại. Chẳng hạn một trong những bận tâm của cánh-chung-luận của công đồng Vaticanô II là làm sao dung hòa lòng mong đợi “trời mới đất mới” với sự dấn thân xây dựng trần thế hôm nay. Dù sao, cánh chung luận ngày nay không phải là một khảo luận biệt lập, nhưng được đặt trong lịch sử cứu độ, nghĩa là trong tương quan với Đức Kitô, với mầu nhiệm Tam Vị, với Giáo hội, với nhân luận.

3. Tu sĩ Đinh Trí Dũng đối chiếu những quan niệm khác nhau về Thời gian theo các nền văn hóa và theo Kinh Thánh. Có nhiều quan niệm khác nhau trong ngôn ngữ thông thường (thời gian vật lý, thời gian sinh lý, thời gian tâm lý), trong các nền văn hóa nhân loại, và đặc biệt trong Kinh Thánh, qua sự sử dụng ba từ ngữ: chronos, kairos, aion. Dưới nhãn giới Kinh Thánh, thời gian có thể xét như niên đại, như thời cơ, như hoàn tất, như vĩnh cửu. Sau cùng, duy chỉ agape tồn tại mãi mãi.

4. Đối với mỗi người, cái chết đánh dấu sự tận cùng của cuộc đời dương thế. Có cả một môn học nghiên cứu đề tài này (thanatology). Ở đây chúng tôi chỉ bàn về vài vấn đề thần học. Trước hết là thần học luân lý, với bài viết của bác sĩ Trần Như Ý Lan “Làm chết êm dịu (euthanasia) và kinh nghiệm về cái chết trong bệnh viện”, trình bày đạo lý của Giáo hội về “trợ tử”, cùng với ý nghĩa của đau khổ và cái chết.

5. Đến lượt giáo sư Paul O’Callaghan muốn mở cuộc đối thoại với triết học cổ điển cũng như cận đại chung quanh đề tài “Chết và Bất tử”. Cái chết được coi là tự nhiên hay là trái nghịch bản tính con người? Con người khát khao được sống mãi, nhưng thế nào là sống mãi? Sống mãi trong ký ức cộng đồng hay nhờ sự tồn tại của linh hồn? Có giải đáp nào có thể bao gồm cả hai dạng bất tử ấy không? Tác giả chú ý cách riêng đến đạo lý “luân hồi” và “phục sinh”.

6. Thật ra, đối với người Việt, thuyết luân hồi đã trở thành quen thuộc do ảnh hưởng của Phật giáo; nhưng bên châu Âu, chịu ảnh hưởng của Kitô giáo, tư tưởng ấy không được chấp nhận vì trái ngược với đức tin Kitô giáo. Tuy vậy, gần đây thuyết luân hồi cũng đã thu hút nhiều người ở Âu-Mỹ, khiến một số nhà thần học cũng bắt đầu quan tâm. Giáo sư Giovanni Ancona, trong bài viết “Thần học với thuyết luân hồi” ghi nhận sự đóng góp tích cực của vài nhà thần học nhằm giúp tìm hiểu thuyết này: J. Hick, K. Rahner, H. Kueng, H. Urs von Balthasar. Nên lưu ý là “luân hồi” chỉ có nghĩa là: bánh xe quay vòng; còn trong các ngôn ngữ châu Âu, reincarnation có nghĩa là “tái nhập thể” (tái nhập vào thân xác), thường được hiểu là trở về với kiếp người, chứ không nhập vào động vật hoặc cỏ cây.

7. Kinh Tin kính kết thúc với lời tuyên xưng: “Tôi tin đời sống vĩnh cửu”. Chân lý này có ý nghĩa gì? Riccardo Battocchio ôn lại lịch sử của khái niệm “Đời sống vĩnh cửu”, khởi đi từ Kinh Thánh, trải qua truyền thống Kitô giáo . Tác giả cho thấy sự tiến triển không những từ Cựu Ước sang Tân Ước, mà kể cả trong lịch sử Hội thánh: từ nội dung phong phú của Kinh Thánh, dần dần thần học cô đọng vào khái niệm “nhìn thấy Thiên Chúa” (phúc kiến), với nguy cơ biến thành một ý niệm trừu tượng. Cuộc canh tân cánh chung luận trong thế kỷ XX muốn trả lại nội dung phong phú của Đời sống vĩnh cửu.

8. Bài cuối cùng được dành cho một đề tài “thời sự thần học”. Năm nay đánh dấu 500 năm cuộc Cải cách của Martin Luther (31/10/1517). Tại sao Đức Thánh Cha đến tham dự kỷ niệm của biến cố gây ra một cuộc ly giáo trong Giáo hội? Với bài viết Martin Lutero trong sử học Công giáo và trong Giáo hội Công giáo hiện nay, Giáo sư Antonio Rehbein Pesche ôn lại sự tiến triển của sử học Công giáo chung quanh khuôn mặt của Lutero: từ thế kỷ XVI cho đến XX, dư luận Công giáo chịu ảnh hưởng của Johannes Cochlaeus, mô tả ông ta như một con người sa đọa, tìm cách biện minh cho sự sa ngã của mình bằng đạo lý về sự công chính hóa. Những cuộc nghiên cứu lịch sử đầu thế kỷ XX trình bày một chân dung khác về ông, cũng như tìm hiểu đạo lý của ông trong bối cảnh tình hình Giáo hội đương thời. Một người góp phần quan trọng trong tiến trình này là cha Joseph Lortz S.J. (1887-1975), mở ra những hướng đối thoại đại kết được công đồng Vaticano II khuyến khích.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

[1] Tuyên ngôn về mối liên lạc giữa Hội thánh và các tôn giáo (số 1): “Con người mong đợi các tôn giáo đưa ra lời giải đáp về những bí nhiệm ẩn tàng trong thân phận con người, những điều xưa nay vẫn làm thâm tâm họ ưu tư trăn trở: Con người là gì? Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa và mục đích gì? Sự thiện và tội lỗi là chi? Đau khổ có nguyên nhân và mục đích nào? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực? Phải hiểu thế nào về cái chết, sự phán xét và thưởng phạt sau khi chết? Sau cùng, huyền nhiệm tối hậu và khôn tả bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta xuất phát từ đâu và chúng ta hướng về đâu?”
[2] Chẳng hạn: Phan Đình Cho, Giải đáp 101 câu hỏi về cái chết và sự sống vĩnh hằng, Tôn giáo, Hà Nội 2009. Ratzinger Joseph, Cánh chung luận - Sự chết và đời sống vĩnh cửu (dg. Nguyễn Văn Trinh), Tôn giáo, Hà Nội, 2013. Phan Tấn Thành, Niềm hy vọng hồng phúc, Tôn giáo, Hà Nội 2016.
[3] Kim Thao, Cánh chung luận số 1 (tháng 8/1994) trang 58-64. Jesus Castellano, Cánh chung và phụng vụ trong số 69 (tháng 8/2015) dành cho chủ đề “Hy vọng”, trang 109-141. Pedro Barrajon, Ý nghĩa của lịch sử theo Kitô giáo, trong số 72 (tháng 5/2016) dành cho chủ đề “Thần học lịch sử và Lịch sử thần học”, trang 37-57.

NỘI DUNG

  1. CÁNH CHUNG LUẬN TRONG LỊCH SỬ CÁC TÔN GIÁO__ Richard Landes
  2. CÁNH CHUNG LUẬN TRẢI QUA LỊCH SỬ HỘI THÁNH__Phan Tấn Thành
  3. ĐỐI CHIẾU THỜI GIAN THEO TRIẾT HỌC VÀ VĂN HÓA VỚI THỜI GIAN THEO CÁNH CHUNG LUẬN KITÔ GIÁO__Đinh Trí Dũng
  4. CHẾT VÀ BẤT TỬ__Paul O'Callaghan
  5. LÀM CHẾT ÊM DỊU VÀ KINH NGHIỆM VỀ CÁI CHẾT TRONG BỆNH VIỆN__Elizabeth Trần Như Ý Lan
  6. THẦN HỌC KITÔ GIÁO VÀ THUYẾT LUÂN HỒI__Giovanni Ancona
  7. ĐỜI SỐNG VĨNH CỬU TRONG KINH THÁNH VÀ TRUYỀN THỐNG__Riccardo Battocchio
  8. MARTIN LUTERO TRONG SỬ HỌC CÔNG GIÁO VÀ TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO HIỆN NAY__Antonio Rehbein Pesce