Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

KỸ THUẬT VẼ ICON

(Thời sự Thần học – Số 27, tháng 3/2002, tr .20)

Trần Thái Hiệp

Họa sĩ vẽ Icôn áp dụng một kỹ thuật có từ rất lâu đời: họ lấy một tấm ván, dán một lớp vải, phết một lớp thạch cao mỏng lên, có khi thêm một lớp vàng làm nền, rồi vẽ bằng màu tán mịn trộn với lòng trắng trứng, sau cùng, phủ một lớp dầu lanh (lin) để giữ cho bền.
Về kết cấu Icon, họa sĩ theo những khuôn mẫu nhất định, không đi ra ngoài những quy ước khá chặt chẽ của truyền thống. Như khi vẽ Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay một vị thánh nào thì có những kiểu mẫu nhất định. Vẽ người thì vẽ nhìn trước mặt hay nhìn hơi nghiêng, ít khi nhìn ngang. Nét mặt thường nghiêm nghị nhưng cũng không thiếu vẻ hiền từ. Mắt vẻ rất to so với miệng (phải chăng để nói lên rằng tinh thần quan trọng hơn vật chất?) Dáng người và cử chỉ cũng nhẹ nhàng, không quá nhấn mạnh.

Về màu sắc, họa sĩ được tự do hơn, và chính ở điểm này có thể biểu lộ nét sáng tạo của mình. Màu sắc góp phần tạo nên bầu khí thiêng liêng của Icon. Trong số các trường phái lớn của nghệ thuật Icôn, trường phái Hy lạp thường dùng màu tối hơn, do đó bức học có vẻ nghiêm nghị khắc khổ hơn, còn trường phái Nga ưa dùng màu sáng hơn, nhưng vẫn hài hòa không chói chang, khiến bức họa toát vẻ nhân đạo hơn.

Tuy nhiên, Icôn không phải chỉ là một sản phẩm nghệ thuật, mà còn là một đồ dùng tôn giáo, vì thế vẽ Icon không phải chỉ có phương diện thuần túy nghệ thuật, mà còn là một hành vi tôn giáo: vẽ để dạy giáo dân, để giúp họ cầu nguyện. Do đó, học sĩ vẽ Icôn, thường là một linh mục hay tu sĩ, cũng phải qua cầu nguyện, suy niệm và khổ chế thì mới diễn tả được chiều sâu thiêng liêng trong bức họa của mình.