Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

PHƯƠNG PHÁP TÂM NGUYỆN CỦA CÁC TÁC GIẢ PHÁP THẾ KỶ 17

Thời sự Thần học 
Số 5, tháng 8/1996, tr.44–49

Tsth___

Chúng tôi lần lượt trình bày phương pháp tâm nguyện của thánh I-nha-xi-ô Loyota, của cha Luis de Granada và Dòng Carmelô. Cả 3 đều xuất phát từ Tây ban nha vào thế kỷ XVI. Lần này chúng ta sang nước Pháp ở thế kỷ XVII, để nghiên cứu các phương pháp của thánh Phanxicô de Sales, Xuân Bích và Jean Baptiste de La Salle. Sau cùng, chúng ta sẽ lướt qua phương pháp của thánh Alfonso Maria Liguori, thuộc thế kỷ XVIII ở bên Ý.

I. Thánh Phanxicô de Sales (1567-1622)

Khi cầm bút để viết các tác phẩm tu đức, thánh Phanxico de Sales nhắm trước tiên đến những giáo dân sống giữa đời. Ngài muốn cho họ nên thánh nhờ những phương thế trong tầm tay của họ, chứ không phải bắt chước giới nhà tu. Dĩ nhiên, khi viết về cách thế cầu nguyện (đặc biệt trong quyển introduction à la vie dévote), tác giả không quên điều đó. Vì vậy Ngài cố gắng trình bày hết sức đơn giản và cụ thể. Ta có thể chia làm 3 phần: chuẩn bị, thân bài và kết luận.

A. Trong phần chuẩn bị, ngoài việc chọn lựa đề tài, thánh Phanxico de Sales ghi nhận 2 điểm sau:
  1. Đặt mình trước mặt Chúa.
  2. Cầu xin ơn Chúa giúp đỡ.

Về việc đặt mình trước mặt Chúa, thánh nhân đã thu lượm kinh nghiệm của các tác giả cổ truyền và gợi cho ta hãy tập nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa qua 4 đường lối sau:
  • Chúa hiện diện trong hết mọi loài thụ tạo, vì là chủ tể toàn năng.
  • Chúa hiện diện ngay trong hồn ta.
  • Đức Ki-tô hiện diện nơi các Ki-tô hữu như thủ lãnh để chuyển cầu.
  • Ta có thể hình dung cuộc đời dương thế của Chúa, như chứng kiến hiện diện truốc cảnh đó.

Cũng vì vậy mà thánh nhân cũng khuyên sử dụng óc tưởng tượng khi có thể được, như thể bày ra cảnh trí chuẩn bị cho việc suy gẫm.

B. Phần thân bài : bao gồm hai tác động chính:
  1. Suy diễn (tác động của lí trí);
  2. Tâm tình và quyết định (tác động của ý chí).

Suy diễn ở đây không có nghĩa là nghiên cứu lý luận, nhưng cốt là để đánh dộng ý chí tâm tình. Tâm tình thì nói được là đa dạng: mến Chúa yêu người, ước ao mộ mến điều lành, say mê nhiệt thành cứu rỗi tha nhân, hân hoan thán phục, lo sợ mất ơn nghĩa với Chúa, ghét tội lỗi,… từ những tâm tình đó nảy ra những lời than thở với Chúa, và những dốc quyết thực hành.

C. Phần kết luận gồm 3 tác động: tạ ơn, dâng hiến, cầu xin – giống như phương pháp của Luis de Granada và Carmelô. Thánh Phanxico còn thêm một điểm: hái lấy bó hoa thiêng liêng (buoquet spirituel), nghĩa là thu góp đôi ba tư tưởng nào đó từ bài suy niệm để tâm niệm và thực hành trong ngày.

II. Phương pháp Xuân bích 

Gọi là phương pháp Xuân bích vì được áp dụng trong các chủng viện do các cha Dòng Saint Sulpice điều khiển. Khởi thuỷ của phương pháp này là trường phái tu đức của Pháp (Ecole Francaise) với các tác giả: Pierre de Berulle (1525-1629), Chales de Condren (1588-1641), Jean Jacques Olier (1608-1657). Phương pháp tâm nguyện dựa trên 4 nguyên tắc:
  1. Thiên Chúa thánh thiện và cao cả vô cùng, vì vậy chúng ta phải tôn kính thờ lạy Ngài.
  2. Tạo vật là loài hư không. Chúng ta được dựng nên từ hư không. Tội lỗi đã đưa chúng ta tới chỗ huỷ diệt. Chúng ta cần phải biết khiêm tốn từ bỏ mình để đi theo Đức Ki-tô.
  3. Giữa sự cao cả muôn trùng của Thiên Chúa và vực thẳm hư vô của chúng ta, Đức Ki-tô đã được đặt làm đấng Trung gian và Cứu độ. Do đó, chúng ta cần phải chạy tới Ngài để nhận lãnh ơn thánh, hợp với Người để thờ lạy Chúa Cha.
  4. Chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, do đó cần phải để cho Người chiếm hữu tất cả tư tưởng, tâm tình, cũng như hãy sốt sáng hoạ lại cuộc đời của Người.
Jean Jacques Olier
Sự tâm niệm là một phương thế để đạt tới mục tiêu ấy. Ta có thể nói rằng Đức Ki-tô là trung tâm điểm của tâm nguyện Xuân bích. Phương pháp tâm nguyện gồm có ba phần: chuẩn bị, thân bài và kết luận.

+ Phần chuẩn bị không có gì khác biệt so với các phương pháp khác, thí dụ như: chọn đề tài từ tối hôm trước, đặt mình trước mặt Chúa khi bắt đầu, xin Chúa giúp sức để thực hành tâm nguyện.

+ Cái độc đáo của phương pháp Xuân bích là ở chỗ thân bài, lấy Đức Ki-tô làm trung tâm: cần phải đặt Đức Ki-tô trước mặt, trong tim và trên tay. Đặt Đức Ki-tô trước mắt qua việc thờ lạy; đặt Ngài trong tim bằng việc thông hiệp; đặt trên tay có nghĩa là hợp tác. Như thế, thân bài gồm 3 điểm chính: thờ lạy, thong hiệp và hành động.
  • Tiên vàn, ta hãy đặt Đức Ki-tô trước mắt, nhìn ngắm những tâm tình của Người, chú ý tới những lời nói và việc làm của Người. Từ đó, chúng ta cảm tạ bằng: thờ lạy, thán phục, ngợi khen, yêu mến, cảm ơn, hân hoan.
  • Tiếp đến, ta hãy đặt Đức Ki-tô trong tim, để cho Người thu hút ta, uốn nắn tim ta giống như tim của Người. Chúng ta hãy đối chiếu đời ta với đời Người, nhờ đó mà ta có thể thấy được những lỗi lầm và ta hãy hổ thẹn ăn năn; cũng như hướng về tương lai mà quyết tâm cải tiến. Ta hãy than thở xin Người cho ta càng ngày càng nên một với Người hơn.
  • Sau hết, đặt Đức Ki-tô trên tay, có nghĩa là để Người hành động trong ta và nhờ ta, hợp với sức đẩy của Thánh thần. Đây là lúc dâng hiến cho Người, cũng như dốc tâm thi hành ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể.

+ Phần kết luận gồm có việc tạ ơn Chúa đã ban trong buổi cầu nguyện; xin lỗi vì những chia trí lơ đãng; kí thác cho Đức Maria, nhờ Mẹ giúp đỡ trong mọi hoàn cảnh. Sau cùng, thu góp vài tư tưởng giống kiểu bó hoa thiêng liêng của thánh Phanxico de Sales. 

III. Thánh Jean Baptiste de La Salle (1651-1719)

Trong khi mà phương pháp Xuân bích nhắm tới việc đào tạo các
linh mục tương lai, thánh Jean Baptiste de La Salle muốn đào tạo các sư huynh, tức là các tu sĩ chuyên lo việc giáo dục. Phương pháp của Ngài được trình bày trong cuốn “Explication de la méthode d’ oraison” và cuốn “Recueil de différents petits traités”. Phương pháp Lasan dường như là tổng hợp phương pháp của Luis de Granada, Phanxico de Sales và Xuân bích, và phân tích các hành vi rất tỉ mỉ. Ngoài phần chuẩn bị đề tài qua việc đọc sách thiêng liêng, ta có thể nói tới 3 phần của tâm nguyện: hồi tâm, vào đề, kết luận.

+ Sự hồi tâm. Tiên vàn, cần đặt mình trước mặt Thiên Chúa, qua việc thực tập nhận thức những cách thức hiện diện của Thiên Chúa: Ngài hiện diện khắp mọi nơi, hiện điện ở đâu có hai ba người họp nhau nhân danh Ngài: hiện diện trong ta, hiện diện trong nhà thờ, trong nhà tạm. Sau khi đã đặt mình trước mặt Chúa như vậy, linh hồn sẽ bộc lộ những tâm tình tin, thờ lạy, tạ ơn, khiêm nhường, hổ thẹn, thống hối, tin tưởng nơi công nghiệp của Đức Ki-tô và kêu cầu Chúa Thánh thần.

+ Phần thân bài. Chú ý vào một màu nhiệm Đức tin (Cách riêng mà nhiệm của Đức Ki-tô), một nhân đức, một châm ngôn, để suy nghĩ về đề tài suy niệm. Từ đó, linh hồn sẽ bộc lộ 9 hành vi sau:
  • Lòng tin nơi màu nhiệm (hoặc lời dạy gương lành của Chúa.)
  • Thờ lạy Chúa nơi màu nhiệm, lời nói hay nhân đức của Ngài.
  • Tạ ơn Chúa vì tình yêu mà Ngài tác động nơi màu nhiệm khi dạy dỗ và thi hành nhân đức.
  • Hổ thẹn vì đời sống của ta còn cách xa màu nhiệm, nhân đức.
  • Thống hối.
  • Dốc lòng áp dụng.
  • Kết hợp với Chúa.
  • Nài xin ơn biết sống tinh thần màu nhiệm hay nhân đức.
  • Kêu cầu vị thánh nào mà ta sùng mộ hay đã thực hành nhân đức ấy, để nhờ chuyển cầu cho ta được bắt chước.

+ Phần kết luận: xét mình đã suy gẫm thế nào, tạ ơn dâng hiến cho Chúa điều đã dốc lòng. Sau cùng, đọc một kinh dâng Đức Mẹ.

IV. Thánh Alphonsô Maria Liguori (1696-1787)

Thánh Alfonso Maria Liguori đã nói phương pháp cầu nguyện
nhiều lần trong các sách viết cho các tu sĩ (Regolamento di vita un cristiano; Homo Apostolicus; Paxis Confessarii; La vera di cristo). Đặc điểm của phương pháp này là sự nhấn mạnh tới việc cầu xin. Lược đồ gồm ba phần: chuẩn bị, thân bài và kết luận.

+ Chuẩn bị: ngoài việc thinh lặng hồi tâm, thánh Alfonso nói tới 3 hành vi chuẩn bị cầu nguyện:
  • Tin và thờ lạy Chúa đang hiện diện.
  • Khiêm nhường và thống hối vì những lỗi lầm quá khứ.
  • Xin ơn soi sáng để biết tận dụng buổi cầu nguyện.

+ Thân bài: gồm 4 tác động:
  • Suy gẫm, nhờ việc đọc sách hay là nhớ lại đôi ba tư tưởng thiêng liêng.
  • Những tâm tình: khiêm tốn, tín thác, biết ơn, thống hối, và nhất là yêu mến. Lòng mến Chúa sẽ lôi theo sự từ bỏ mình, phó thác tuân theo ý Chúa.
  • Cầu xin. Thánh Alfonso coi đây là tác động quan trọng nhất: xin Chúa ban ánh sáng, ban ơn bền đỗ, ban ơn chết lành, và nhất là ban ơn kính mến Chúa.
  • Dốc quyết (các tu sĩ lặp lại lời khấn).

+ Kết luận: Gồm có:
  • Tạ ơn vì những sự soi sáng đã nhận lãnh trong buổi cầu nguyện.
  • Dốc lòng thực hành điều đã quyết tâm.
  • Xin Chúa giúp sức cho được trung thành, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria và các thánh.

Đây cũng là lúc nhắc nhớ tới các linh hồn nơi luyện tội, các tội nhân, các bề trên, các bạn bè thân thuộc. Sau cùng, thu lượm bó hoa thiêng liêng. Buổi cầu nguyện kết thúc với kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng.