Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

CẦU NGUYỆN KITÔ GIÁO

Thời sự Thần học
Số 5, tháng 8/1996, tr.15–22

Tsth____

Lịch sử cứu độ là lịch sử những hành vi của Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại, lịch sử đó cũng đi song song, hoặc được diễn tả trong một khía cạnh khác, là lịch sử việc cầu nguyện. Kitô giáo có cả một truyền thống lâu đời về cầu nguyện dựa trên lịch sử dân Israen, có một nền tảng vững chắc dựa trên lời cầu nguyện của Đức Giêsu và có một sức sống mãnh liệt vẫn đang luôn cháy trong lời cầu nguyện của Giáo hội hay lời cầu nguyện của các Kitô hữu trong suốt dòng lịch sử Giáo hội. Tất cả những diều đó chắc hẳn là một gia sản quý báu cho mỗi người chúng ta trên con đường đến với Chúa.
I. CẦU NGUYỆN CỦA ISRAEN

Lịch sử dân tộc Israen cũng là lịch sử tôn giáo. Người dân Israen sống lịch sử dân tộc đượm nhuần trong tôn giáo. Điều đó, trong sự mạc khải của Thiên Chúa, đã tạo nên một lịch sử cầu nguyện hết sức phong phú. Chúng ta thử ghi nhận một vài nét.

1. Cầu nguyện với một Thiên Chúa ngôi vị

Dân Israen đã không nghĩ ra Thượng đế như các triết gia HyLạp, họ kinh nghiệm Thiên Chúa như một Ngôi vị, nghĩa là như một ĐẤNG, một AI đó sống thực, có sự thấu hiểu, có tình cảm, có tự do… Lịch sử dân Israen được bắt đầu với lời kêu gọi của Thiên Chúa đối với Abraham: “Hãy ra đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi nhà Cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Lời kêu gọi đó là lời của một Đấng, luôn hiện diện và kêu gọi riêng với Ápraham. Từ đó Thiên Chúa đã trở thành một Thiên Chúa biết yêu thương, “giận dữ”, giúp đỡ, săn sóc dân Ngài. Người Israen cảm nhận được điều đó nên nhiều khi ta thấy cách diễn tả của họ về Thiên Chúa có nét như con người. Nhiều đường nét trong đó cần được gạn lọc trong dòng mạc khải, nhưng điều căn bản là Thiên Chúa của Dân không phải là một ý niệm trừu tượng. Chính vì thế mà người dân luôn luôn chăm chút tới sự phượng thờ cầu nguyện với Ngài.

2. Cầu nguyện với một Thiên Chúa của lịch sử

Khởi đầu từ biến cố kêu gọi Ápraham. Thiên Chúa vẫn luôn theo dõi dân. Ngài hướng dẫn và phù trợ dân Israen được thành hình nhờ Thiên Chúa, được bảo tồn nhờ bnàn tay Chúa dẫn đưa. Ngài hứa ban “đất chảy sữa và mật” cho dân, nên Ngài hướng dẫn bước đường đi của Ápraham, của Isaac, của Giacop, của các chi tộc, của vương quốc Đavít… Dân Israen sống giữa những biến chuyển quân sự và chính trị bị ảnh hưởng của các biến chuyển đó, nhưng lòng tin của dân vẫn chỉ là Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã làm tất cả những điều đó trên dân tiếng của Ngài. Thiên Chúa mà dân Israen cầu nguyện luôn là một vị Thiên Chúa đang thực sự có mặt trong lịch sử dân tộc, đang thi hành nhưngc dấu lạ điềm thiêng cho dân tộc mình.

3. Cầu nguyện với một Thiên Chúa của Giao ước

Mối tương quan giữa dân tộc Israen với Thiên Chúa được thành hình trong những khế ước. Thiên Chúa đã không chỉ trợ giúp dân lúc này hay lúc khác, nhưng Ngài cam kết sẽ thực hiện một công trình trong lịch sử của dân Israen. Lời cam kết hay giao ước là nền tảng cho tất cả mối tương giao Israen Thiên Chúa. Ban đầu, chính Ngài đã có sáng kiến chọn một dân riêng. Ngài tự mình cam kết với các tổ phụ (Xc St 15, 15-20). Rồi đến khi “chín mùi” khi mà Dân đã cảm nhạn được “cánh tay mạnh của Ngài”, thì đến một giao ước song phương, chính thức giữa hai bên. Thiên Chúa sẽ phù trợ Dân, và Dân chỉ có một mình Thiên Chúa là Chúa của mình mà thôi. Giao ước Sinai là tền tảng cho lịch sử dân Israen là nền tảng cho lời cầu nguyện của các Vị Trung gian đặc biệt cũng như của toàn thể dân chúng: “Ta sẽ duy trì giao ước của Ta với các ngươi… Ta sẽ đặt nhà tạm của Ta giữa các ngươi và hồn Ta sẽ không chán ghét các ngươi. Ta sẽ đi lại giữa các ngươi. Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của Ta” (Lv 9, 11-12). Chính nhờ một nền tảng vững chắc đó mà Dân có thể cầu nguyện với Thiên Chúa trong một niềm trông cậy, tin tưởng vững vàng. Lời cầu nguyện của dân không phải chỉ do lòng sốt sắng của con người, nhưng chính yếu là vì Thiên Chúa đã giao ước nhận Dân Ngài rồi.

Từ những nền tảng như vậy ta thấy đời sống cầu nguyện của Dân Israen đã được triển nở phong phú, từ những lời cầu nguyện như chuyện trò thân mật giữa Thiên Chúa với Máien cho đến lời cầu nguyện của các vị ngôn sứ, các vị trung gian của Dân từ lời cầu nguyện cộng đồng cho đến những lời cầu nguyện được thanh luyện qua cơn lưu đầy, từ những lời cầu nguyện xin Chúa thứ tha những bất trung cho đến những lời cầu nguyện đặt niềm trông cậy, tin tưởng vào Thiên Chúa và lời Giao ước của Ngài.

II. CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC GIÊSU

Đức Giêsu chẳng những dạy các môn đệ cầu nguyện, nhưng chính Ngài cũng luôn cầu nguyện không phải Ngài làm gương nhưng vì Ngài đã gắn liền với thân phận con người thì Ngài luôn luôn kết hợp với Cha để thi hành ý muốn của Cha. Qua Tin mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu đã sống và đã thi hành trọn vẹn sứ mệnh của Ngài trong lời cầu nguyện (Mt 14, 23). Ngài cầu nguyện một mình trong nơi vắng vẻ (Lc 9,18). Ngài cầu nguyện ngay cả những lúc người ta đang đi tìm Ngài (Mc 1, 37), nhưng nhất là Ngài đã cầu nguyện trong những giây phút quan trọng của cuộc đời, của sứ vụ cứu độ: Khi lãnh phép rửa Gioan (Lc 3, 21), khi vào trong sa mạc để chuẩn bị cho sứ vụ công khai (Mt 4, 7), khi chọn nhóm 12 (Lc 6, 12), khi biến hình trên núi cao (Lc 9, 29). Nhất là cúng ta không thể quên được lời cầu nguyện tha thiết của Ngài với Chúa Cha trước khi chịu khổ hình (Ga 17, 1-26: Mc 14, 36. v.v…)

Với Đức Tin, chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài hằng luôn kết hiệp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, thế nhưng Ngài vẫn cầu nguyện, luôn cầu nguyện. Ngài cầu nguyện để công việc của Ngài hoàn toàn đúng theo thánh ý Chúa Cha. Nếu như thực sự cám dỗ lớn nhất của Chúa Giêsu là cám dỗ thi hành sứ mệnh cứu thế không theo ý Chúa Cha mà theo kiểu trần gian, thì chính nhờ cầu nguyện mà Ngài đã vượt qua cám dỗ và đã thực hiện trọn vẹn Thánh ý đó. Như vậy, chúng ta hiểu được lời cầu nguyện tha thiết nhất của Ngài “Xin đừng theo ý Con, nhưng xin vâng ý Cha” (Mt 14, 36) trước khi thi hành cao điểm của sứ mệnh cứu đọ. Và chúng ta cũng hiểu được tầm quan trọng của lời cầu nguyện trong cuộc đời Chúa Giêsu là thế nào rồi.

Nếu như biến cố tử nạn. Phuc sinh cảu Đức Giêsu là khúc quanh cho một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ là trung tâm, là cao điểm của ơn cứu độ, thhì lời cầu nguyện của Ngài cũng là một khúc quanh, một giai đoạn mới trong việc cầu nguyện Kitô giáo.

Trước hết, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã thân thưa với Cha bằng từ ngữ ABBA (Cha yêu dấu). Dân Israen cũng đã biết gọi Thiên Chúa là Cha, nhưng đó là một người Cha của một dân tộc hơn là của mỗi cá nhân. Khi gọi tiếng Abba với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đảm nhận tất cả vận mệnh cảu Dân Tộc Thiên Chúa trong bản thân mình. Ngài mới thực là Con Chí Ái của Chúa Cha mà dân Israen xưa chỉ là hình bóng. Lời thưa thân tình này được Đức Giêsu thốt lên trong vườn Cây Dầu, trước khi chịu tử nạn, cho thấy chính giây phút này. Ngài sống trọn vẹn Thánh ý Chúa Cha. Ngài sống trọn vẹn như một Người Con Hiếu Thảo, tất cả vì Cha và cho Cha mà thôi. Và cuối cùng, lời thân thưa Abba, gắn liền với cuộc tử nạn đó đã tạo lập nên một nền tảng mới cho lời cầu nguyện Kitô giáo. Nhờ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, Người Kitô hữu từ nay cũng được thân thưa với Chúa Cha là Abba, nhờ thông phần với cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, người Kitô hữu cũng được thông phần vào địa vị là Con Chí Ái của Chúa Giêsu và cầu nguyện với Cha như Đấng yêu thương chăm chút cho chính cá nhân của mình. Từ nay lời cầu nguyện Kitô giáo đặt trên một nền tảng là tất cả mọi ân huệ đã được Chúa Cha ban cho ta trong Đức Giêsu, và y nguyên căn bản của lời cầu nguyện Kitô giáo cũng phải là mong ước cho ý muốn yêu thương của Chúa Cha được thể hiện trọn vẹn trong thế giới, trong Giáo hội và trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

III. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA KITÔ HỮU

Giáo hội tiếp nối một dân Israen cầu nguyện, Giáo hội được sinh ra từ cạnh sườn một Đức Kitô cầu nguyện nên Giáo hội cũng phải là một Giáo hội cầu nguyện. Trong Kinh thánh chúng ta có thể thấy không biết bao nhiêu lời cầu nguyện trong lòng Giáo hội sơ khai. Ngày nay vai trò của việc cầu nguyện cũng luôn là vai trò chính yếu của Giáo hội, được thể hiện qua các phụng vụ Bí tích. Kinh nguyện thần vụ, các dòng tu chuyên cầu nguyện, các chứng nhân, và toàn thể mọi Kitô hữu đều phải cầu nguyện. Hơn nữa, lời cầu nguyện đích thật cũng luôn phải là lời cầu nguyện của Giáo hội, cầu nguyện trong lòng Giáo hội. Ở đây, chúng ta chỉ có thể nêu lên một vài điểm hướng dẫn cho việc cầu nguyện của người Kitô hữu:

1. Cầu nguyện là ơn huệ của Chúa Thánh Thần

Lời cầu nguyện Kitô giáo phải là lời cầu nguyện dặt nền tảng trên Đức Giêsu, nhưng chính Chúa Thánh Thần mới là Đấng có thể hướng lòng chúng ta đến Chúa Cha và hội nhập chúng ta vào lời cầu nguyện của Đức Giêsu. “Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của con vào lòng cúng ta mà kêu lên: Abba. Cha yêu” (Gl 4,6). Vì thế, chúng ta chỉ có thể thực sự cầu nguyện khi Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong ta. Việc cầu nguyện , tuy đòi hỏi phải có nỗ lực của con người, phải kiên nhẫn, trung thành… nhưng tự căn bản, đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Ngày nay người ta nói nhiều đến những phương pháp cầu nguyện, trường phái cầu nguyện, môi trường cầu nguyện… và người ta cũng có nỗ lực tạo ra những dịp, những nơi thuận tiện để cầu nguyện. Tấy cả những điều đó thật quí báu và cần thiết, tuy nhiên chúng chỉ là sự chuẩn bị, sự sẵn sàng để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong ta. Chúng không sản xuất ra lời cầu nguyện. Sự cầu nguyện thực sự là một hành vi của Dức Tin và tình yêu mến của Người con thảo đối với Thiên Chúa. Điều đó luôn luôn là ân huệ của Chúa Thánh Thần mà thôi.

2. Cầu nguyện là lắng nghe

Có những người cầu nguyện suốt bốn mươi năm mà vẫn không biết cầu nguyện, bởi vì không biết lắng nghe. Cầu nguyện là đối thoại chứ không phải là độc thoại, là có hỏi có nghe chứ không phải là nói suốt, nói liên tục để rồi chẳng hở kẽ nào cho Chúa nói, vậy thì làm sao mà tiến bộ trên đường thiêng liêng được. Thường thường từ ngữ cầu nguyện làm cho người ta liên tưởng ngay đến những việc cầu xin. Cũng phải công nhậ rằng phần lớn chúng ta cầu nguyện, luôn luôn là xin Chúa cho được điều này điều kia. Đó là một điều chính đáng, chính Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cầu xin: Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Thế nhưng điều cần phải lưu ý là những lời cầu xin như vậy không nhằm mục đích làm thay đổi ý định của Thiên Chúa, ngược lại là để Thánh ý của Chúa được thể hiện trọn vẹn. Thiên Chúa là Đấng nhân lành, Người luôn luôn mong muốn ban mọi ơn lành cho chúng ta, vì vậy , những ý nguyện tốt lành của chúng ta cũng chính là điều Chúa muốn và lời cầu xin như vậy, chinh syếu, là để đón nhận trọn vẹn ơn Thánh ý của Người. Lời cầu xin không nhằm thay đổi ý định của Thiên Chúa, nhưng nhằm biến đổi con người để lãnh nhận ơn Chúa. Vì thế, điều chính yếu của cầu nguyện cũng là lắng nghe ý định của Thiên Chúa dành cho con người, cũng như lời cầu nguyện trong vườn Cây Dầu của Chúa Giêsu vậy.

3. Cầu nguyện là dấn thân

Việc cầu nguyện như Chúa Giêsu khuyên dạy cần phải vào phòng kín, khóa cửa lại nhưng đó không phải là một sự khép kín bản thân, không phải là một sự tự cô lập mà là một sự gặp gỡ thế giới và người khác trong Chúa. Vì thế cầu nguyện cũng mở lòng chúng ta để đón nhận người khác, tạo nên những cộng đồng liên đới yêu thương. Như vậy, cầu nguyện thực sự là một sự dấn thân, dấn thân vào tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người. Tinh thần tự mãn và coi thường tha nhân là một diều hoàn toàn trái ngược với Kitô giáo. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã nói rõ điều đó trong hình ảnh của người Biệt phái khi lên Đền thờ cầu nguyện (Lc 18, 9-14). Qua cái chết của Đức Giêsu, thực sự Ngài đã đảm nhận tất cả mọi nỗi đời, mọi đau khổ và niềm hạnh phúc của con người để biến thành hiến lễ dâng lên Chúa Cha. Ngài khuyên dạy chúng ta phải cầu nguyện cho kẻ thù (Mt 5, 43-48). Như thế lời cầu nguyện thực sự phải hướng lòng chúng ta đến với tha nhân mở lòng chúng ta để thu nhận anh chị em của mình, làm cho tâm hồn ta trở nên nhân ái hơn, hiền hòa hơn, bao dung hơn và đầy tinh thần trách nhiệm đối với cuộc đời. Chẳng thể có một lời cầu nguyện đích thực mà lại làm cho chúng ta chểnh mảng với trách vụ, xa lánh người khác, cho dù là ai đi nữa.

KẾT

Chúng ta được nuôi dưỡng trong bầu khí cầu nguyện, có thể nói được là, đậm đặc: phụng vụ, kinh nghiệm, sinh hoạt hội đoàn… cho tới những lời kinh sám hối, dấu thánh giá trước bữa ăn… Tất cả những điều đó phong phú quá, nhưng có thể trở nên nghèo nàn quá đối với lòng ta, nếu chúng ta khôn gcảm nhận được, không sống thực được những lời cầu nguyện đó. Một người Ấn độ sang châu Âu ngạc nhiên về mức độ thâm Tin mừng của người Kitô hữu tại đó, nó giống như một viên đá cuội hàng ngày dìm mình trong nước biển mà trong ruột vần khô rang. Đó có phải là tâm tình của chúng ta không? Bất cứ một sự lệch lạc nào cũng đều có hậu quả của nó. Chúng ta có dám tin rằng những rắc rối trong cuộc đời ta, những rắc rối trong những hoàn cảnh xung quanh ta, trong Giáo hội, trong xã hội, đất nước của ta cuãng có phần do sự thiếu cầu nguyện của ta? Ư. Grossouw nói: “Thế giới bệnh hoạn vì thiếu tình yêu, thiếu tình yêu vì chúng ta không cầu nguyện đủ”.

Sau hết, chúng ta hãy nghe lời nhắn nhủ của Đức Gioan Phaolô II với các tu sĩ:

“Cầu nguyện có giá trị là hoa quả lớn lao hơn cả hoạt động mạnh mẽ nhất, kể cả hoạt động tông đồ. Câu chuyện là một thách đố cấp bách nhất mà người tu sĩ phải trình bày cho xã hội, một xã hội mà tính hiêu năng đã được tôn lên làm ngẫu thân, và phẩm giá của con người được hiến tế cho ngẫu thân đó… các cộng đoàn của chúng con phải là trung tâm cầu nguyện”.