Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN TRẢI QUA LỊCH SỬ KI-TÔ GIÁO

Thời sự Thần học 
Số 5, tháng 8/1996, tr.23–27

Tấn Hứa

Chúng ta nhận thấy các linh đạo khác nhau trong Hội thánh dựa theo các thời kì lịch sử và dựa theo các bậc sống. Dù linh đạo có thế nào đi nữa, chắc chắn rằng không thể thiếu sự cầu nguyện. Và có tác giả đã dựa vào phương pháp cầu nguyện khác nhau để phân biệt các linh đạo.

Trong phần này, chúng ta sẽ đề cập tới những phương pháp cầu nguyện trải qua lịch sử Ki-tô giáo và những thứ thần bí khác nhau.

Ai ai cũng biết là có nhiều cách cầu nguyện. Tâm nguyện và khẩu nguyện chẳng hạn. Lại có lời nguyện ca ngợi, chúc tụng, tạ ơn, thống hối, khẩn nài. Chúng ta không đề cập tới các sự phân loại ấy ở đây, xét vì nhiều tác giả đã nói tới trong các sách giáo lý hoặc tu đức. Thiết tưởng, điều đáng lưu ý hơn là xem trải qua lịch sử Giáo hội có những thời kì người ta nhấn mạnh tới một hình thức nào đó đến nỗi có thể lãng quên những hình thức khác. Chúng ta hãy rảo qua những chặng chính: thời Giáo phụ (cho tới thế kỷ 8); thời trung cổ (tk 8-14); thời cận đại.

I. Thời Giáo phụ

Chúng ta bỏ qua giai đoạn thành hình Tân Ước, về cách thức cầu nguyện của Chúa Giê-su và cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi. Các nhà chú giải Kinh thánh đã ghi nhận rằng các thư của Thánh Phao-lô và sách Khải huyền đã ghi lại rất nhiều thánh ca lưu hành trong các cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi, mà sách các giờ kinh Phụng vụ đã lấy lại.

Lịch sử kinh nguyện thời các Giáo phụ có thể chia làm hai giai đoạn:

1. Từ đầu thế kỉ 4: thời của các sáng tác, theo nghĩa là Giáo Hội chưa ấn định những công thức Phụng vụ, kể cả trong việc cử hành Thánh lễ; các vị chủ tế ứng khẩu các lời kinh Phụng vụ.

2. Từ thế kỷ 4 đến hết thế kỷ 7: thời nảy sinh các gia đình Phụng vụ hoặc các nghi điển. Khi những cơn bách đạo đã qua rồi, Giáo hội bắt đầu tổ chức những định chế, đặc biệt trong việc xác định các tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi và về Đức Ki-tô. Song song với việc xác định đức tin, Giáo hội cũng kiện toàn đời sống Phụng vụ. Duy có điều là kỉ luật Phụng vụ không cứng nhắc, nhưng được thích ứng với nền văn hóa, từ đó mà ta có những lễ điển khác nhau. Ví như tại Italia có nghi điển Rôma và nghi điển Milano; sang các Giáo hội đông phương thì số nghi điển càng nhiều hơn nữa.

Riêng về việc cầu nguyện, có những điểm nổi bật sau:

1. Y tưởng muốn thánh hóa thời gian và đời sống. Đừng kể những ngày lễ lớn rải rác trong chu kì Phụng vụ của mỗi năm, kính nhớ các biến cố lịch sử cứu độ (Phục sinh, Giáng sinh,..), Giáo hội còn thánh hóa các thời khắc trong ngày qua các giờ nguyện. Tục lệ cổ truyền đã đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày ba lần vào các buổi sáng, trưa, tối. Về sau, con số các giờ kinh và lời kinh tăng thêm trong các cộng đồng đan tu, làm sao để cho đời sống luôn có dịp hướng về Chúa.

2. Các tín hữu tham gia vào các buổi cầu nguyện cộng đồng hoặc trong các đan viện hoặc tại các nhà thờ chánh tòa hay nhà thờ xứ đạo. Ngày đó không phân biệt kinh nguyện Phụng vụ và kinh nguyện tư; xét vì các tín hữu quen cầu nguyện chung với nhau, dựa trên thánh vịnh, thánh thi. Dĩ nhiên, ta đọc thấy những tác phẩm của các Giáo phụ khuyến khích cầu nguyện riêng tư; nhưng sự cầu nguyện tư (nội tâm hay ở tư gia) như vậy chỉ là một khía cạnh của lời cầu nguyện duy nhất của Giáo hội.

II. Thời Trung cổ

Sau thời các Giáo phụ, giai đoạn sáng tác Phụng vụ coi như đã chấm dứt. Qua thế kỷ 8, người ta bắt đầu công tác san định Phụng vụ. Các bản văn cổ truyền được duyệt lại. Qua thế kỷ 9, hoàng đế Charlemgne muốn thống nhất các nghi điển, đem áp dụng nghi điển của Giáo hội Rô-ma qua cả Pháp và Đức. Tiến trình này gặp nhiều phản kháng, và tới thế kỷ 13 mới hoàn tất.

Riêng về kinh nguyện, bên cạnh các kinh nguyện Phụng vụ, các đan sĩ bắt nguồn từ Ái-nhĩ-lan, kéo dài các kinh nguyện tư. Dần dà, do sự gia tăng của các qui luật Phụng vụ, việc nguyện kinh trở thành việc bắt buộc, nhấn mạnh tới chuyện “đọc” hơn là tâm tình nội tại. Vì thế, không lạ gì, những ai muốn cầu nguyện sâu xa hơn thì thường tìm về kinh nguyện riêng tư.

Ngoài những đặc tính vừa nói, cha Jugman thêm rằng, giai đoạn cải cách của Charlemagne còn gây hai điểm khác có ảnh hưởng sâu xa tới tâm tình cầu nguyện của các Ki-tô hữu sau này.

Thứ nhất, việc đề cao màu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi đưa tới hệ quả là người tín hữu chỉ nhìn thấy thiên tính của Đức Ki-tô hơn là nhân tính của ngài. Nói khác đi, Đức Ki-tô không còn được nhìn như vị Trung gian, đấng Bầu chủ của chúng ta, cho bằng Thiên Chúa uy nghi, vị Thẩm phán. Cho nên, không lạ gì mà vai trò Trung gian bầu cử được chuyển sang cho Đức Maria và các Thánh.

Thứ hai, người ta nhấn mạnh tới thân phận tội lỗi của con người trước mặt Thiên Chúa. Do đó, các kinh nguyện than van, thống hối chiếm nhiều chỗ hơn là kinh nguyện tạ ơn ngợi khen.

Khung cảnh cầu nguyện thay đổi khi bước sang thế kỷ XI-XII. Tâm tình tín hữu thích chiêm ngắm các màu nhiệm nhân tính của Đức Ki-tô, cách riêng là cuộc đời thơ ấu và cuộc tử nạn của Ngài. Thánh Bê-na-đô và Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di có thể được coi là những nhân vật điển hình của việc truyền bá việc kính mến đối với Chúa Giê-su hài đồng, Thập giá, cũng như đối với Đức Maria. Những kinh đọc cổ truyền kính Đức Maria ra đời vào thời này, thí dụ phần thứ hai của kinh Kính Mừng (Thánh Maria đức mẹ Chúa trời...), lạy Nữ Vương, Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Ave Maris Stella, các kinh cầu, cũng như manh nha của kinh Mân Côi.

Thế kỷ 13 là thời của tổng hợp thần học. Các nhà thần học nổi tiếng đều viết những thiên luận về việc cầu nguyện. Thiết tưởng cũng nên biết là các giáo sư thần học tiếng tăm như Tô-ma, Bô-na-ven-tu-ra đều dùng Kinh thánh làMaria căn bản của đời sống cầu nguyện, học hành và giảng dạy, dựa theo truyền thống đã thịnh hành trong các đan viện: Lectio Divina (đọc sách Thánh), Meditatio (nghiền ngẫm điều đã đọc), Oratio (cầu nguyện đối thoại, đáp lại lời Chúa), Contemplatio (thưởng thức, chiêm ngắm vẻ đẹp của Lời Chúa). Tuy nhiên, các tu sĩ Dòng Phan-xi-cô và Dòng Đa-minh đã du nhập một tập tục mới trong việc đọc các giờ kinh Phụng vụ: xét vì họ phải đi lại nay đây mai đó, và không phải khi nào cũng có thể tham dự các buổi kinh chung được, nên họ soạn ra những sách nguyện để đọc riêng. Việc đọc sách nguyện riêng, trước đây là một trừ lệ, dần dần thành phổ thông trong hàng giáo sĩ.

III. Thời cận đại

Với công đồng Tren-tô, việc cử hành Phụng vụ được qui định tỉ mỉ chu đáo dưới sự kiểm soát của Tòa Thánh. Đây là thời của “chữ đỏ”. Hậu quả không những là sự đồng nhất trong việc cử hành Phụng vụ trong toàn Giáo hội, bất kể các dị biệt tôn giáo, nhưng nhất là tạo ra não trạng: Phụng vụ là kinh đọc theo luật, theo chữ đỏ. Người ta liệu sao cho đọc nguyện để đủ bổn phận chứ không còn coi đó là buổi cầu nguyện nữa. Hậu nhiên, khi nói tới cầu nguyện, người ta nghĩ ngay tới việc suy gẫm (vì lúc đó mới thật là cầu nguyện). Nếu các giáo sĩ đã có tâm tình ấy, thì nói chi tới các nữ tu hay giáo dân?

Thực vậy, xét vì sách nguyện đọc bằng tiếng La-tinh, nên chỉ các cha mới rờ tới. Các bổn đạo chỉ lần chuỗi Mân côi, các tuần Tam nhật ,cửu nhật kính Thánh Tâm, Đức Bà và các Thánh. Dù sao thì điều đáng tiếc là các tín hữu hầu như chẳng khi nào mở cuốn Kinh thánh để cầu nguyện.

Ngoài những nhân tố vừa kể, thiết tưởng cũng nên bàn thêm thêm về luồng tu đức chú trọng nội tâm, phát triển từ thế kỷ 15 với tên gọi “Dedivotio moderna”. Theo đó, đời sống đạo cốt tại sự kết hợp nội tâm với Chúa; những lễ nghi bên ngoài chỉ gây chia trí, lo ra. Trên đà ấy mà sang thời cận đại, trường phái Cát-minh của thánh Tê-rê-xa A-vi-la, Gioan Thánh giá, và nhất là trường phái thánh I-nha-xi-ô hết sức cổ động sự phát triển tâm nguyện. Nói được là các dòng tu cận đại đều chịu ảnh hưởng của trường phái này. Ta có thể thấy đây đó là các tác phẩm của các vị thánh nhân vừa kể. Chỗ đứng của Kinh thánh và Phụng vụ coi như không có.

Công đồng Vatican II đã đặt vấn đề về nguồn. Tuy không loại bỏ những giá trị của việc suy gẫm và lòng đạo đức bình dân, nhưng Công đồng mong mỏi cho các tín hữu tìm lại nguồn mạch của sự cầu nguyện từ Kinh thánh và Phụng vụ. Từ việc đó, việc cầu nguyện cộng đồng cũng được khuyến khích, xét vì từ nay vấn đề ngôn ngữ không còn là một ngăn trở như trước nữa. Dĩ nhiên lí tưởng là làm sao dung hợp được lời nguyện công với lời nguyện tư, chứ không tách rời đến nỗi chỉ coi một hình thức nào đó mới là cầu nguyện đích thực. Chính Phụng vụ đã gợi cho ta một đường hướng đó, tức là dành những giây phút thinh lặng trong các buổi cử hành Phụng vụ, để suy gẫm, thấm nhiễm hay để tâm tình được bộc phát hơn trong cuộc đối thoại riêng tư với Thiên Chúa, sau khi đã tiếp xúc với lời của Ngài.