Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TÂM NGUYỆN THEO THÁNH INHAXIÔ

(Thời sự Thần học – Số 5, tháng 8/1996, tr.33–38)

Huyền Thông

Tranh của
Peter Paul Rubens
Bài trước là nhập đề về lịch sử vấn đề phương pháp tâm nguyện, trong bài này chúng ta sẽ nghiên cứu phương pháp của thánh Inhaxio Loyola. Trước khi đi vào chi tiết, cần ghi chú một nhận xét quangười trọng: thánh Inhaxio Loyola cũng như các tác giả tu đức khác luôn gắn liền tâm nguyện với toàn thể đời sống thiêng liêng: có một sự ảnh hưởng hỗ tương giữa tâm nguyện và đời sống thiêng liêng: tâm nguyện giúp cho sự thực hành các nhân đức, và việc thự hành các nhân đức giúp cho tâm nguyện. Do đó, chúng ta sẽ hiểu lệch lạc tư tưởng của các nhà tu đức nếu chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ nghiên cứu phương pháp tâm nguyện mà không để ý tới học thuyết của các vị về đường lới nên thánh; hoặc chỉ giới hạn việc tâm nguyện vào khoảng thời gian hai ba mươi phút mỗi ngày, rồi sau đó tạm biệt Chúa cho tới ngày hôm sau.

Thánh Inhaxiô nói tới ba bốn phương pháp khác nhau để suy gẫm. Tuy nhiên, phương pháp nổi tiếng nhất quen được gọi là phương pháp ba tài năng, được trình bày trong tuần lễ thứ nhất của tuần Linh thao. Gọi là “ba quan năng” vì nhấn mạnh tới việc huy động ba quan năng tinh thần vào việc suy gẫm, đó là: ký ức tức - trí nhớ , lý trí – trí hiểu, ý chí. Xét vì nó được trình bày trong sách linh thao, cho nên nhiều điểm liên quan tới tâm nguyện cần được bổ túc thêm ở những chương khác nữa, thí dụ về các đề tài suy gẫm, hoặc về những sự chuẩn bị trước khi suy gẫm. Để dễ nhận ra thứ tự mạch lạc hơn, các tác giả đã sắp xếp lại các tiết mục thành một lược đồ của phương pháp suy niệm. Chia thành 4 phần như sau:

  • Chuẩn bị.
  • Thân bài.
  • Kết luận.
  • Sau khi suy gẫm.
I. Chuẩn bị:

a. Có thứ chuẩn bị xa và thứ chuẩn bị gần. Nói tới chuẩn bị xa nghĩa là nói tới những thái độ tâm tình cần có khi bước vào lúc cầu nguyện. Gồm có tinh thần quảng đại, muốn cầu nguyện; do đó không cắt xén rút gọn thời gian. Kế đến, cần phải biết khổ chế và thống hối, nhằm thanh luyện lương tâm không còn dính bén với tội lỗi. Và dĩ nhiên, cũng cần phải chuẩn bị cho tâm trí không bị phân tán. Các tác giả của trường phái Inhaxio tóm lại thành 4 điểm thanh luyện nhằm tạo ra sự trong trắng trong 4 cơ quan:

  • Lương tâm trong trắng khỏi mọi tội lỗi.
  • Tâm trí trong trắng, biết kiềm chế khỏi những tư tưởng, kí ức xấu xa hoặc vô ích;
  • Con tim trong trắng, không để tình cảm quyến luyến tạo vật vô độ;
  • Hành vi trong trắng, nghĩa là động lực, chủ ý thức đẩy ta cầu nguyện là để tìm vinh quang Chúa, thánh hoá bản thân, tuân theo ý Chúa.
b. Việc chuẩn bị gần: Gồm có việc chọn lựa đề tài suy gẫm, nghĩ tưởng tới đề tài đó vào buổi tối trước khi đi ngủ cũng như ban sáng khi vừa mới thức dậy. Hơn thế nữa, trước khi bắt đầu suy gẫm, cần giục lòng tin, đặt mình trước mặt Chúa, xin Ngài ban ơn giúp đỡ, không những là soi sáng cho ta thấy đường lối của Ngài, nhưng còn biết mau mắn thi hành; nhất là xin biết tìm vinh danh Chúa chứ không đi tìm an ủi khi cầu nguyện.

II. Thân bài:

Như đã nói trên, đặc điểm của phương pháp thánh Inhaxio là huy động ba tài năng của tinh thần trong buổi tâm nguyện : trí nhớ, trí hiểu và ý chí.

a. .Huy động trí nhớ có nghĩa là nhớ lại những điều đã chọn để suy niệm. Nhưng các tác giả còn muốn coi đây như phương thế sư phạm nữa: ai ai cũng biết là kí ức và óc tưởng tượng của con người hoạt động không ngừng. Vì thế, thay vì nhốt chúng lại trong thời gian tâm nguyện, tốt hơn là biết xài chúng. Oc tưởng tượng có thể được sử dụng khi hình dung ra một cảnh tượng của cuộc đời Chúa, thí dụ khi sinh ra ở Bê-lem, khi Ngài bị đóng đanh trên thánh giá: chúng ta hãy tưởng tượng rằng mình được chứng kiến cảnh tượng đó trước mắt. Dĩ nhiên, lối dàn cảnh sẽ khó thực hiện hơn khi đề tài suy niệm không phải là một chi tiết lịch sử nhưng là một chân lý đức tin.

b. Huy động lí trí qua hai tác động chính: suy nghĩ và áp dụng.

1. Việc suy nghĩ nhằm đào sâu điều đã đọc hay đã nghe, làm sao để đưa tới việc thâm tín chân lí đó, khiến nó trở thành nguyên tắc điều khiển các hành vi của ta, và có khả năng đánh động ước muốn.

2. Sau đó sang phần áp dụng, nghĩa là đối chiếu chân lí đang suy niệm với lối sống thực tế của ta: cho đến nay, tôi đã sống điều đó thế nào? Tôi phải làm gì để sống hoạ chân lí đó? Có những chướng ngại nào cần vượt qua? Phải dùng những phương thế nào để mang ra thực hành?

c. Huy động ý chí. Có thể nói đây là phần quan trọng nhất. Thực vậy, mục tiêu của tâm nguyện không phải là suy gẫm, học hỏi; tâm nguyện không phải là lớp thần học hay giáo lý. Mục tiêu của tâm nguyện là tiếp xúc với Chúa, bộc lộ những tâm tình yêu mến cũng như thuận tuân theo ý Ngài. Nên lưu ý là ý chí không phải chỉ khởi sử làm việc sau khi trí nhớ và lí trí đã chấm dứt công tác. Phải nói là ý chí làm việc suốt buổi cầu nguyện, và khi nó đã làm việc rồi, thì không cần chi phải tư duy suy luận nữa. Có hai tác động chính của ý chí trong buổi cầu nguyện: tâm tình, dốc quyết.

Ở đây, tâm tình không phải là những tình cảm ướt át, nhưng là chính lòng tin, cậy, mến, thờ lạy, thán phục, ngợi khen, cảm tạ, dâng hiến, tín thác, hổ thẹn, ăn năn, thống hối,… Kế đến, dốc quyết có nghĩa là quyết định thực hành một điều gì đó để sửa đổi các tính hư nết xấu, hoặc thủ đắc nhân đức. Sự thực hành không luôn luôn có nghĩa là một việc làm sẽ thực hiện sau khi đã suy gẫm. Nếu đang suy gẫm về lòng biết ơn đối với Chúa, thì tâm tình tạ ơn tiếp đó cũng coi như bao gồm điều dóc lòng rồi. Cha Alfolso Rodriguez thêm rằng không cần phải thay đổi điều dốc quyết trong một thời gian và kiểm thảo về việc thực hành, cũng như những cơ hội hay chướng ngại trong sự thực hành điều dốc quyết.

III. Kết luận:

Thánh Inhaxiô muốn rằng phần kết thúc của buổi tâm niệm dành cho cuộc đối thoại với Thiên Chúa: đây là một cuộc chuyện trò thân mật, một cuộc đàm đạo như giữa hai người bạn tri kỉ, hoặc giữa hai cha con, giữa thầy trò, giữa lương y với bệnh nhân. Đối tượng của cuộc nói chuyện này có thể là xin Chúa ban ơn nào đó, hoặc xin Ngài tha thứ vì lỗi lầm đã phạm, hoặc bày tỏ cho những ưu tư, lo lắng, dự án, kế hoạch; hoặc bàn hỏi những chuyện riêng tư để xin Ngài chỉ dẫn. Dĩ nhiên ta có thể xin một ơn cho riêng mình, nhưng ta cũng có thể xin cho tha nhân. Lời cầu xin của chúng ta có thể dựa trên một ưu phẩm của Chúa, công nghiệp của Đức Ki-tô, và nhờ lời chuyển cầu của Đức Ma-ri-a và các thánh.

IV. Sau khi suy gẫm

Trong sách Linh Thao, thánh Inhaxio còn thêm rằng sau khi suy gẫm nên dành ra 15 phút để kiểm điểm xem mình đã suy gẫm thế nào: nếu tốt thì tạ ơn Chúa, nếu xấu thì tìm ran nguyên nhân để sửa chữa. Tuy nhiên, theo các nhà chú giải, công cuộc xét mình như thế được dành cho những người đang tham dự cuộc tĩnh tâm, hoặc những người mới bắt đầu suy gẫm. Ngoài ra, một số tác giả đồ đệ của thánh Inhaxio cũng thêm việc ghi chép những điều đã suy gẫm: ánh sáng đã nhận được, những điều quyết tâm thi hành.

Ngoài phương pháp vừa kể, thánh Inhaxio còn giới thiệu 3 cách thức cầu nguyện nữa, đơn giản hơn, và kể cả người ít học cũng có thể thực hành được.

1. Cầu nguyện dựa trên mười điều răn: hoặc có người gọi là “suy gẫm bằng cách xét mình”. Chúng ta lấy chất liệu từ 10 điều răn Đức Chúa Trời, hoặc 7 mối tội đầu, hoặc bản luật của dòng tu, các lời khấn Dòng, 8 mối phúc thật, các việc bác ái. Từ đó, chúng ta sẽ kiểm thảo xem mình đã tuân giữ như thế nào. Kế đó xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức để làm nhân đức đối lại. Cách thức này hữu ích cho những người mới từ bỏ con đường tội lỗi.

2. Suy gẫm lời của một kinh quen đọc: thí dụ Kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Tin Kính, Lạy Nữ Vương. Chúng ta sẽ dừng lại ở mỗi từ, mỗi lời, để tìm hiểu ý nghĩa của chúng, nhờ đó gây ra những tâm tình, và trở thành cơ hội để trò chuyện với Chúa. Cách thức này có thể thực hiện bất cứ ở đâu và lúc nào; và hữu ích cách riêng cho những ai có bổn phận cử hành kinh nguyện phụng vụ, không những vì họ có dồi dào chất liệu nhưng nhất là vì họ cần để cho lời kinh đọc ngoài miệng thấm nhiễm sâu trong tâm hồn.

3. Thánh Inhaxio còn đề nghị một cách thức khác nữa, tương tự như cách thức vừa nói, nghĩa là suy gẫm từ một kinh quen đọc. Nhưng thay vì dừng lại ở từng chữ, thì ta đọc suốt một cách khoan thai, chậm rãi.

Chúng ta cũng nên biết rằng trong tất cả các phương pháp vừa nói trên đây, thánh Inhaxio đều muốn vận dụng cả 3 tài năng vào việc cầu nguyện. Ngoài ra, thánh nhân còn đề ra 2 phương pháp nữa, trong đó vai trò của lí trí được giản thiểu, nhưng tăng cường tác động của tâm tình và tưởng tượng. Đó là hình thức chiêm ngắm các màu nhiệm của Đức Ki-tô và vận dụng giác quan.

a. Việc chiêm ngắm các màu nhiệm Đức Ki-tô. Giới hạn đề tài vào những màu nhiệm cửa đời sống, của tử nạn và vinh quang của Chúa Ki-tô. Trong cuộc chiêm ngắm này, hoạt động của lí trí giảm thiểu, nghĩa là không tìm cách suy luận cho bằng quan sát nhận xét: chúng ta tưởng tượng như được chứng kiến tận mắt một cảnh trong đời của đức Ki-tô. Chúng ta hãy quan sát các nhân vật, lắng nghe các lời nói, nhìn ngắm các cử chỉ, việc làm của họ, để rồi từ đó trào lên những tâm tình và dốc quyết.

b. Việc áp dụng các giác quan nhằm sử dụng ngũ quan theo nghĩa thiêng liêng như là nhìn, nghe, ngửi, rờ, đang khi hình dung ra một quang cảnh của cuộc đời Chúa Cứu Thế. Nhìn thấy nhân vật và cảnh tượng; thấy những lời nói, nếm sự ngon ngọt của lời Chúa, ước ao được ngửi thấy nghĩa là quyến rũ của hương thơm thiêng liêng.

Trên đây là tóm tắt những phương thế tâm niệm của Thánh Inhaxio. Ngài đề ra những cách thức khác nhau, không những vì nhằm tới những cá nhân với những cá tính khác nhau, nhưng còn vì chính một cá nhân cũng có thể thay đổi phương pháp tuỳ hoàn cảnh.