Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

GIA ĐÌNH, TRỤ CỘT CỦA VĂN MINH VÀ TÌNH YÊU

(Thời sự Thần học - Số 1, tháng 03/2009)

Ngày 15 tháng 10 năm 2001, đức thánh cha Jean-Paul II đã gởi cho đức hồng y Camillo Ruini, Chủ tịch Hội đồng giám mục Italia, một thông điệp nhân kỷ niệm 20 năm ngày ban hành tông huấn Familiaris consortio. Nhận thấy giá trị thời sự của tài liệu này, chúng tôi xin giới thiệu với quý độc giả toàn văn bức thông điệp. Các tiểu đề do tạp chí La Documentation catholique thêm vào. 

Kính gởi hiền huynh hồng y Camillo Ruini, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia,

1. Tôi vô cùng vui sướng được biết Giáo hội Italia đang sẵn sàng cử hành 20 năm ngày ban hành Tông huấn Familiaris consortio bằng một loạt những sáng kiến: những sáng kiến này là một đóng góp quý báu cho dân Thiên Chúa, cho tất cả những ai đang còn tìm kiếm chân lý và cho cả xã hội nữa. Đó là những sáng kiến quan trọng, mà tôi muốn đồng hành bằng lời cầu nguyện và bằng lòng trìu mến chân thành của mình, trong lúc chờ đợi gặp gỡ những gia đình người Italia nhân buổi canh thức sẽ diễn ra trên Quảng trường Thánh Phê-rô, thứ bảy ngày 20 tháng 10, và thánh lễ mà tôi sẽ vui sướng cử hành vào ngày hôm sau nhân lễ phong chân phước của đôi hôn phối Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi.

Ngay từ những ngày đầu đời giáo hoàng, nhân lễ khai mạc Thượng Hội đồng về Gia đình, ngày 26 tháng 9 năm 1980, tôi đã phát biểu: “Gia đình là đối tượng cơ bản của công cuộc loan báo Tin mừng và của giáo lý của Giáo hội, nhưng gia đình cũng là chủ thể không thể thiếu và không thể thay thế: một chủ thể sáng tạo”, và tôi còn nói thêm rằng, do năng lực sáng tạo này, “một cách chính xác hơn, chính gia đình ban sự sống cho xã hội”. Sau đó tôi kết thúc bài diễn văn ngỏ cùng các nghị huynh bằng cách nhắc lại rằng, tất cả mọi bổn phận của gia đình được tóm lại trong bổn phận cơ bản này: “bảo vệ và gìn giữ nhân loại!”

2. Nhiều người tự nhủ: tại sao gia đình lại quan trọng đến như vậy? Tại sao Giáo hội lại quá nhấn mạnh đến hôn nhân và gia đình như vậy? Lý do rất đơn giản, mặc dù không phải ai cũng hiểu được điều này: số phận, hạnh phúc và khả năng tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống của con người phụ thuộc vào gia đình. Số phận của con người phụ thuộc vào số phận của gia đình, và vì lý do này mà tôi không ngừng khẳng định rằng, tương lai của nhân loại gắn liền với tương lai của gia đình (xc. Familiaris consortio, 86). Chân lý này hiển nhiên đến nỗi khiến cho cho thái độ của những kẻ thờ ơ lãnh đạm, chống đối hay tương đối hoá giá trị của hôn nhân, thật đáng buồn vì số người này không ít, trở nên nghịch lý. 

Tâm điểm của cuộc tranh luận đang gây ra những tác động sâu rộng đến số phận của gia đình xoay quanh vấn đề về nhãn quan của con người, sự giải thích tính thống nhất của nhân, nhờ đó mà chiều kích thân xác, trí tuệ và tâm linh, ý nghĩa của các mối liên hệ yêu thương và sự chuyển tải sự sống được thể hiện. Đối diện với tình thế này, nghĩa vụ hàng đầu của Giáo hội là đưa ra những lý do khiến cho việc dấn thân của tất cả mọi Ki-tô hữu vì gia đình trở nên khẩn thiết và cần thiết. Đồng thời, phải trở về với chính gia đình và tất cả những ai có thiện chí và bằng tất cả mọi nỗ lực nhằm làm cho những quyền lợi của gia đình, vì lợi ích của cá nhân và toàn thể xã hội, được nhìn nhận.

Gia đình, bản chất của lịch sử nhân loại

Thượng Hội đồng về Gia đình để lại dấu ấn trong đời sống Giáo hội về cách thức áp dụng Công đồng Vatican II, và Familiaris consortio vốn rút tỉa từ những nghiên cứu quý báu nhất của Công đồng, thể hiện một bước quyết định trong việc xác định trách nhiệm của gia đình và của những gì cần thiết nhằm giúp đỡ gia đình hoàn thành những chức năng không ai có thể thay thế được. Hai mươi năm sau ngày ban hành Tông huấn này, chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa vì những hoa trái dồi dào mà Giáo hội và xã hội đã gặt hái được, và chúng ta hãy giữ gìn những hạt giống tốt nhất đã nảy mầm từ giữa lòng các gia đình, dưới ánh sáng của các giáo huấn, đã khai mở một mùa vụ mới rất nhộn nhịp. Hai mươi năm này đã làm chín muồi ý thức khuếch trương ơn gọi và sứ mạng của gia đình và, vì điều đó diễn ra trong dòng chảy tự nhiên của đời sống nhân loại, chính nhờ giai đoạn này mà một thời mới đang chín muồi, thời của những trách nhiệm được đảm nhận một cách trọn vẹn. Giáo hội cần đồng hành với con đường này theo một cách thích hợp với những đóng góp của con người, của văn hoá và xã hội để giúp đỡ gia đình tự thể hiện như tâm điểm và là giao lộ của đời sống Giáo hội và xã hội, bằng cách cung cấp sức sống tâm linh vốn ăn rễ sâu trong bí tích hôn nhân. Cũng cần phải vượt qua mọi chủ thuyết nhị nguyên ngây thơ muốn tách rời đời sống tâm linh ra khỏi đời sống xã hội. Di sản của gia đình là một di sản toàn vẹn còn những chiều kích khác nhau của sự hiện hữu của gia đình lại bất khả phân ly. Đời sống của gia đình, với tư cách là tế bào cơ bản của Giáo hội và xã hội, luôn mang trong mình một giá trị xã hội và công cộng, vì vậy nó cần được nhìn nhận, giữ gìn và thăng tiến.

4. Gia đình là nguồn cội của lịch sử cứu độ và cũng là nguồn cội của lịch sử nhân loại và chúng ta có thể nói rằng gia đình là bản chất của lịch sử, vì bản chất của lịch sử loài người là lịch sử tình yêu. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “người ta không thể sống không có tình yêu. Con người vẫn luôn là một hữu thể khó lòng hiểu nổi, và đời sống của con người sẽ vô nghĩa nếu con người không đón nhận mạc khải của tình yêu, nếu con người không gặp gỡ tình yêu, nếu con người không có kinh nghiệm yêu thương, nếu con người không trở thành tình yêu, nếu con người không tham dự vào tình yêu một cách mãnh liệt” (xc. Thông điệp Redemptor hominis, 10; được trích dẫn lại trong Familiaris consortio, 18). Gia đình xoay quanh hạt nhân này của sự hiện hữu của con người và xã hội loài người thoát thai từ hạt nhân này. Ngay cả ngày nay, chân lý này vẫn thường bị quên lãng, bị bóp méo và bị chà đạp. Vì vậy cần gia tăng những dịp nghiên cứu và suy tư, những hình thức mời gọi gia đình, những khởi xướng văn hoá, xã hội, và chính trị, trong sự tôn trọng các vai trò và khả năng, tuy nhiên vốn là biện pháp giúp đỡ những người có trách nhiệm về công ích để họ hành động sao cho phù hợp với chân lý về con người, chân lý này luôn bao hàm, và nhất là, việc bảo vệ sự sống con người, hôn nhân và gia đình. Đã từ lâu, Giáo hội Italia không ngừng nâng đỡ gia đình trong chiều hướng này, bằng cách kết hợp với các chương trình về văn hoá, hoạt động mục vụ với sự hiện diện một cách mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hoá và truyền thông. 

Vì một nền chính trị tốt nhất về gia đình 

5. Hội nghị này, vốn rất quan trọng đối với Giáo hội và đối với dân tộc Italia yêu quý, do Ủy ban Gia đình và Đời sống trực thuộc Hội đồng Giám mục và Diễn đàn của các Hiệp hội về Gia đình và Quốc vụ về chương trình văn hoá tổ chức với đề tài “Gia đình chủ thể xã hội. Nguồn gốc, thách đố và chương trình”; Hội nghị diễn ra ở Rô-ma từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 10 với sự tham dự của hơn một ngàn đại biểu thuộc các giáo phận và các hiệp hội về gia đình. Tôi ao ước chuyển đến các tham dự viên những lời chúc nồng nhiệt nhất và phép lành đặc biệt, ước mong sao cơ hội học hỏi và đối chiếu quý báu này củng cố cho những xác tín về giá trị của hôn nhân và gia đình, và thúc đẩy cảm hứng canh tân trong việc dấn thân phục vụ gia đình. Đề tài được chọn thể hiện một cách rõ nét đường hướng phải tuân theo để ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong tình hình xã hội, kể cả ở Italia, vẫn còn chưa có một chương trình cụ thể rõ ràng nào trong việc thực hiện những chính sách về gia đình, tuy thường hay được nhắc đến, nhưng vẫn còn đang bỏ ngõ. Đặc biệt cần phải chuyển từ quan niệm coi gia đình như một lãnh vực sang nhãn quan coi gia đình như tiêu chuẩn đo lường toàn bộ hoạt động chính trị, vì tất cả các chiều kích của đời sống con người và xã hội đều gắn liền với di sản của gia đình: duy trì sự sống của nhân loại, bảo vệ sức khoẻ và môi trường; các dự án đô thị hoá phải bảo đảm các điều kiện về nhà ở, các dịch vụ và không gian xanh thích ứng với số gia đình; hệ thống trường học phải bảo đảm tính đa dạng trong hoạt động, trong sáng kiến, cho dù những hoạt động này của nhà nước hay của các đối tác xã hội mà phụ huynh học sinh có quyền chọn lựa; việc rà soát lại các quá trình lao động và các tiêu chuẩn thuế khoá, do xao nhãng, đã coi mỗi người là một cá thể duy nhất, hay còn tệ hơn nữa, gây hại cho nhạt nhân của gia đình. 

Công việc đang chờ đợi các nghị viên rất nặng nề và khó khăn hơn bao giờ hết, nhưng ngày nay đang tồn tại những điều kiện để làm đảo lộn một cách có ý nghĩa các khuynh hướng, khởi đi từ sự tôn trọng có cơ sở vững chắc của nguyên tắc bổ trợ trong tương quan giữa nhà nước và gia đình, và lực đẩy mạnh mẽ của văn hoá có khả năng khiến tất cả mọi người lưu tâm đến các giá trị của hôn nhân và gia đình. Thật vậy, quan hệ đúng đắn giữa nhà nước và gia đình dựa trên luật pháp về hôn nhân vốn là, và phải là, theo như Hiến pháp của nước Cộng hoà Italia khẳng định, nguyên tố bảo đảm sự biết ơn của xã hội đối với gia đình. Hôn nhân cũng là một điều kiện giúp nhà nước thực hiện việc phân định đúng đắn và cần thiết giữa gia đình đích thực, với những quyền lợi không thể chuyển nhượng của mình, và các hình thức sống chung. Những gì tôi viết trong Familiaris consortio vẫn còn là một điểm tham chiếu nền tảng: “Thể chế hôn nhân không phải là sự can thiệp vô lý của xã hội hay của chính quyền, cũng không phải sự áp đặt ngoại tại của một hình thức; nó là một yêu sách nội tại của giao ước tình yêu hôn nhân duy nhất và chuyên nhất được tuyên bố một cách công khai trung thành trọn vẹn với chương trình của Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo” (Familiaris consortio, 11).

Chắc chắn sự đóng góp quý báu của các thuyết trình viên, của các chuyên viên và sự đóng góp của tất cả các thành viên tham dự Hội nghị sẽ rất hữu ích để tìm ra những con đường thích hợp nhất cho việc khẳng định và phát triển những điều ấy trong thời mới này. Thật vậy, các gia đình đang chờ đợi, một mặt, việc thực hiện các điều kiện xã hội tương ứng với những yêu sách của gia đình, mặt khác, gia đình phải góp phần xây dựng một khuôn mẫu xã hội mới qua sự dấn thân trực tiếp của mình và nhờ sự giúp đỡ của các hiệp hội đại cho gia đình. Tôi vô cùng mãn nguyện về những gì mà Diễn đàn các Hiệp hội về Gia đình đã thực hiện ở Italia, điều này đã khích lệ cuộc tranh luận với trình độ chuyên môn cao về những vấn đề của xã hội bằng những lời lẽ thích hợp với những yêu sách chính đáng của gia đình và như vậy đã góp phần vào lợi ích chung của xã hội Italia.

Tôi vui sướng chờ đợi cuộc gặp gỡ ngày thứ bảy 20 tháng 10 để kêu cầu Thiên Chúa cùng với rất nhiều gia đình. Đó sẽ là một thời điểm quan trọng để suy nghĩ về những thách thức liên quan đến gia đình và những người có trách nhiệm trong đời sống Giáo hội và xã hội. Con đường khúc khuỷu mà các gia đình Italia đang dấn thân vào, cũng như thông qua những suy tư và sự tham dự của họ vào đêm Canh thức do Hội đồng Giám mục Italia tổ chức, sẽ đạt đến đỉnh cao vào sáng Chúa nhật, nhân lễ phong chân phước cho đôi vợ chồng Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi. Trong khi chờ đợi cử hành những việc diệu kỳ mà Thiên Chúa đã thực hiện trên con đường nên thánh của đôi hôn phối này, tôi xin chân thành cám ơn tất cả các gia đình dấn thân vào việc xây dựng nền văn minh tình thương và tôi xin hiệp lời cầu nguyện cho những ngày suy tư và học hỏi nhờ lời cầu thay nguyện giúp và ơn phù trợ của Đức Maria, Nữ Vương gia đình.

Làm tại Vatican, ngày 5 tháng 10 năm 2001.