Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

MỤC VỤ CHO NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ

Thời sự Thần học - Số 14 - Tháng 12/1998, tr. 33-42

_P.X. Nhứt_


Cha Px. Trần An, thuộc Đan viện Thiên An - Huế,
từng là nạn nhân của ma tuý đang giúp cho
những người nghiện ma tuý cai nghiện
bằng lần chuỗi mân côi mỗi ngày.

Nguồn: UB. Mục vụ Di dân - HĐGMVN
Thời gian chừng vài tháng nay, tình trạng sử dụng, nghiện ngập và mua bán ma tuy ở Việt Nam đã đến mức nguy hiểm. Nhà nước và các thành phần trong xã hội đang nỗ lực đối phó với vấn đề được coi là kẻ thù còn nguy hại hơn cả giặc xâm lược[1] này. Trước hiện tình đó, thiển nghĩ Hội Thánh Việt Nam nên có tiếng nói và việc làm cấp thời để góp phần vào trận chiến chống lại cái chết trắng, nhứt là vì trong số những người đã hoặc sẽ là nạn nhân có không ít các tín hữu của Đức Ki-tô. Trong tinh thần vừa nói, chúng tôi xin được chia sẻ chút cảm nghiệm sau thời gian tiếp cận với một số con chiên nghiện, đồng thời đưa ra vài gợi ý về một hướng mục vụ dành cho những anh chị em đồng đạo đáng thương của chúng ta.

Về Thủ Đức thức đủ năm canh 


Không biết ai đã đặt ra câu vè: “ Qua Cầu Sơn cơn sầu chưa dứt / Về Thủ Đức thức đủ năm canh ”, và cũng chẳng rõ nội dung muốn truyền đạt trong đó là gì. Song tính ngôn sứ của vế thứ hai thì quả tình đang ứng nghiệm nơi địa phương chúng tôi đang sống và phục vụ: quận Thủ Đức. 

Ra khỏi Sài Gòn khoảng 12 cây số về hướng Đông Bắc, hơn kém nửa giờ xe hon-đa là người nội thành có thể thở hít không khí trong lành, ngắm cảnh trí thiên nhiên, ruộng đồng xanh ngát, thưởng thức món nem nổi tiếng của địa phương. Nhưng đó là Thủ Đức của 5, 7 về năm trước, khi còn là một huyện ngoại thành đất rộng người thưa. Còn nay, khi đã trở thành một quận, có khu công nghiệp Linh Trung đồ sộ, có những nơi vui chơi nổi tiếng, hiện đại như Suối Tiên, Sài Gòn Water Park, giá nhà, giá đất gần bắt kịp với các nơi khác trong nội thành, thì quả Thủ Đức không còn là thị trấn bình yên nữa rồi. 

Tháng 06.98, chính quyền quận triệt phá một ổ buôn bán ma tuý lớn tại ấp Truông Tre, phường Linh Xuân, một trong những tụ điểm sôi động buôn bán và tiêu thụ hê-rô-in[2]. Điều đáng quan tâm là danh sách các điểm nóng có ghi khu vực Từ Đức, một trong những giáo xứ đông dân của Hạt Thủ Đức A, thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn. Khu vực Từ Đức thuộc phường Bình Thọ, lọt vào giữa một bên là Làng Đại học cũ và chợ Thủ Đức, một bên là Khu Chế xuất Linh Trung và Đại học Sư phạm, và chênh chếch xa một chút là ga xe lửa Sóng Thần. Khách sạn, nhà trọ, hàng quán ăn uống, giải khát, giải trí và vô số các dịch vụ khác mọc lên san sát. Số dân mới nhập cư, hợp pháp và bất hợp pháp, đột tăng một cách không thể kiểm soát. Những nơi này hiện là thửa đất màu mỡ cho các thứ tệ nạn và tội phạm. Hôm 29.09.98, chính quyền đã bắt giữ bốn thiếu niên can tội cướp xe đạp của học sinh để có tiền chơi hàng trắng3 – từ trong nghề để chỉ bột hê-rô-in. Trong bốn tội phạm vị thành niên đó, hai em là con nhà có đạo. Hiện có trên 20 thanh thiếu niên của giáo xứ này nhiều ít dính vào ma tuý, và một vài em trong số đó từng mang tiền án tiền sự. 

Nhưng Từ Đức không phải là trường hợp riêng lẻ: các giáo xứ lân cận như Thánh Khang, Tam Hà, Châu Bình, Tam Hải, thuộc các phường Tam Phú, Tam Bình, từ ít lâu nay đã không còn là những ngoại lệ, những thành trì bất khả xâm phạm đối với Con Quỷ Say. Tại khu vực này, ước tính có đến hơn 100 em đã biết mùi ma tuý, trở thành thánh giá của chính gia đình các đương sự và là nỗi ám ảnh ghê sợ khôn nguôi cho hàng trăm gia đình khác trong các họ đạo nói trên. 

Thực vậy, nạn trộm cắp, trấn lột, xô xát, do cá nhân hay băng nhóm thực hiện, xảy ra gần như cơm bữa. Tài sản nhà thờ, nhà xứ cũng từng là mục tiêu của các đồ đệ Tiên Nâu. Không phải là cá biệt đối với trường hợp chấp nhận làm gái để có thuốc mà xài. Đa số ở đây là dân lao động nghèo, sống bằng nghề dệt vải, kéo sợi mướn hoặc đi làm thuê bách nghệ, làm ngày nào ăn ngày nấy. Lo cái ăn hàng ngày đã là một gánh quá nặng, nên chuyện để giờ ra chăm lo cho con cái về trí, đức dục hầu như là điều bất khả thi, thì nói chi đến việc ngăn ngừa các em khỏi bị lây nhiễm cái xấu, chạy chữa khi các em chẳng may vướng vào tệ nạn. Giá hiện hành cho một lần cắt cơn không dưới 1 triệu đồng. Nhưng sức ép của dư luận – ở đây hiểu cụ thể là của cộng đoàn xứ đạo – mới là quá sức chịu đựng cho cha mẹ và gia đình. 

Lựa chọn chiết trung 


Từ những lý do chủ quan lẫn khách quan đã nêu, các gia đình thường có hai cách đối xử hoặc thái quá – chạy chữa tối đa, đồng thời cố che dấu vụ việc được bao nhiêu hay bấy nhiêu vì sợ tai tiếng –, hoặc bất cập – buông xuôi, bỏ mặc, coi như đã chết. 

Thái độ bất cập, nhìn từ nhiều góc độ, tất nhiên không thể chấp nhận được. Về mặt xã hội, người nghiện, xét như là bịnh nhân, phải được đối xử như bao bịnh nhân khác, dầu có thể trầm trọng hơn kém người mắc bịnh phong, bịnh si-đa, bịnh tâm thần. Khuynh hướng chữa trị hiện nay của y học là không cách ly người bịnh ra khỏi cộng đoàn – được hiểu là gia đình của họ. Bầu khí yêu thương, cảm thông, đón nhận của cha mẹ, vợ hoặc chồng, họ hàng, chính là nhân tố quan yếu giúp bịnh nhân ổn định tâm lý, sẵn sàng hợp tác với mọi phương án chữa chạy. Không bao giờ được dùng biện pháp nào đó mang tính trả thù, trừng trị, hay chí ít nhằm răn đe, trong quá trình chữa trị. Một đàng, không thể lường trước bao nhiêu hậu quả có thể gây ra do việc dồn người bịnh đến cuối chân tường khiến họ thấy không còn lựa chọn nào khác hoặc không còn gì để mất. Đàng khác, cần nhận ra thực tại này là, cho dầu nguyên nhân dẫn họ đến tình trạng nghiện ngập có là gì đi nữa, người bịnh cũng thật đáng thương hơn là đáng ghét. Bản thân họ đã phải trả một giá quá đắt, đã tự nhận lãnh một hình phạt quá khắt khe rồi. Do ý thức được tính phi pháp và không bình thường của hành vi sử dụng ma tuý, người nghiện, ngay từ lần thử thứ nhứt, đã bắt đầu tự dệt cho mình một chiếc kén tự ti mặc cảm. Toàn bộ tiến trình chơi hàng được thực hiện rất thận trọng, kín đáo. Đối với bạn hút, nếu có, hoàn toàn trái ngược với các thứ nghiện khác, cũng phải chọn lọc theo những tiêu chuẩn nghiêm cẩn, mục đích chính vẫn là để bảo mật. Mặc cảm càng trở nên nặng nề một khi nhận ra mình đã trở thành con nghiện công khai, mặt mũi, hình hài không giống ai, mất tự tin, ý chí tê liệt, không đủ khả năng quyết định một điều gì. Bởi đó, người nghiện có khuynh hướng xa lánh mọi người, ra đường cúi mặt xuống mà đi, chẳng còn dám ngó nhìn ai, vì đâu đâu những ánh mắt thật khó chịu vẫn luôn soi mói họ. Giả như có còn muốn thi hành nghĩa vụ của một tín hữu chẳng hạn, họ phải tìm đến một nơi nào đó, xa lạ hẳn với cộng đoàn xứ đạo của mình. Ở giai đoạn này, người nghiện lâm vào tình cảnh cô đơn khủng khiếp. Những chiến hữu từng một thời chung lưng đấu cật nay buộc phải chia tay nhau, hoặc vì không còn khả năng bao biện nhau khi liều lượng ai nấy cũng đều mút chỉ leo thang, hoặc do có kẻ đã bỏ cuộc, vào nằm nhà thương, nhà đá, và ngay cả nhà mồ nữa. Đó sớm muộn sẽ là điểm hẹn của bất kỳ người nghiện nào, trừ phi được cứu vớt bằng một tình thương cũng vĩ đại như tình thương của Thiên Chúa. 

Tuy cơ bản có tích cực hơn, nhưng không phải cách chăm sóc gọi là thái quá không để lộ một số nhược điểm. Nguy cơ được nhận diện trước tiên phát sinh từ chỗ nuông chìu bịnh nhân một cách phi lý. Kinh nghiệm chứng thực rằng không một người nghiện nào có thể chết vì thiếu thuốc, ngay cả trong lúc cắt cơn. Không cầm lòng đặng khi lần đầu tiên chứng kiến cảnh con em mình bị vật vã, co giật, gào thét, nhiều phụ huynh đành tiếp tục để họ lây lất kiếp nô lệ cho con quỷ say. Đàng khác, do việc cắt cơn có vẻ hết sức dễ dàng đối với người mới nghiện – chỉ kéo dài khoảng 3 ngày –, nên họ thường phát sinh tâm lý tự phụ và mất cảnh giác, muốn tái tạo những khoái cảm một lần khó quên, nghĩ rằng có thể dừng lại bất kỳ lúc nào mình thích. Cơ hội tái vấp ngã càng hiển nhiên với tiền quà thân nhân hào phóng trao tặng để mừng vừa tai qua nạn khỏi! Về phần mình, cha mẹ và gia quyến của người bịnh cũng cần vượt qua tâm trạng ngượng ngùng, xấu hổ vì trong nhà có một con nghiện. Có lẽ trong tình thế hiện giờ, chẳng ai còn dám cho rằng nhà mình được hưởng quyền đặc miễn đối với nạn ma tuý để mà chê bai, dè bỉu nhà người. Điều chắc chắn sẽ được trao đổi cho nhau giữa các bậc phụ huynh đang và có thể sẽ lâm cảnh cùng cực đau khổ vì một ai đó trong gia đình mình vướng tật hút chích chất độc chết người hẳn là một tâm tình đồng cảm sâu xa, những lời động viên chân thành, những chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến quý báu trong việc phòng ngừa và chữa trị con em mình. 

Thương tổn tâm linh 


Có thể chúng tôi bị xem như muốn làm cho vấn đề trở nên quá nghiêm trọng khi nêu lên xác quyết căn bản cho phương hướng làm việc của mình, đó là người nghiện ma tuý thật sự bị thương tổn nặng nề về mặt tâm linh. Ngược lại, chúng tôi thiết nghĩ thật là điều vô cùng sơ khoáng nếu chỉ tiếp cận công việc này như một vấn đề đơn thuần tâm sinh lý. Chúng tôi tin rằng có một cái gì đó như một lỗ hổng, một sự thiếu vắng, một tì vết hết sức tinh tế, sâu kín, vừa là hậu quả lại vừa là nguyên nhân của tình trạng nghiện ngập. 

Xét như hậu quả vì đó là kết tụ của một kinh nghiệm bản vị sống động, kinh sợ và đớn đau về sự thất vọng, vỡ mộng và dối trá. Tất cả mọi khoái cảm rúng động thể xác, xoáy buốt tâm hồn đến độ gần như tuyệt đối rốt cuộc chỉ là ảnh ảo, chỉ kịp tan theo làn khói. Mất tiền bạc, sức khoẻ, hay địa vị gì đó thật sáng giá đi nữa cũng không đáng cho anh buồn quá lâu, đau quá sâu. Nhưng cảm giác hoàn toàn hụt hẫng, tiếc nuối, tủi nhục vì đã đánh mất một giá trị anh tôn thờ, tìm kiếm, và tưởng chừng đã nắm bắt trong tay thì lại là chuyện khác. Những bước truy lùng liều lĩnh, thí mạng và vô vọng sau đó càng là lời thú nhận rằng anh thực sự thất bại ê chề và càng khiến anh cứ trượt mãi xuống vực thẳm vô tận. Thương tật, hay đúng hơn căn bịnh này nếu không được chẩn đoán và chữa trị đúng mức sẽ cứ mãi tồn tại và còn có nguy cơ tác hại nặng nề hơn nữa. 

Chúng tôi xác tín rằng vết thương đang gây đau buốt cho người nghiện chính là một thứ khoảng trống, một lỗ đen trong vũ trụ tâm linh của họ, nơi lẽ đáng phải lung linh tỏa sáng ánh mặt trời vĩnh cửu. Điều này tuyệt đối chuẩn xác theo góc nhìn Ki-tô giáo. Con người được sáng tạo giống như Thiên Chúa, mang trong sâu thẳm bản tính mình dấu ấn của Đấng Hoá Công – trí tuệ, tự do, và tình yêu –, không ngừng được mời gọi tiến đến hiệp thông với Sức Sống linh thánh, với Tình Yêu chân thật của Người. Đó là kế hoạch Thiên Chúa đã thiết lập và vẫn kiên trì theo đuổi mặc cho bao nhiêu trắc trở, ngay cả đổ vỡ, do phía con người gây ra. Với Đức Giê-su, Lời Thiên Chúa giáng trần, Chương Trình cứu độ được tiết lộ rành mạch cho con người và thực hiện dứt điểm một lần duy nhứt4. Người nghiện cần nhận thức được sai lầm của mình ở chỗ đã cho rằng có thể tìm gặp một giá trị tuyệt đối bên ngoài Đấng Tuyệt Đối, có thể sống bằng cách tự tách mình ra khỏi cái Thần của sự Sống. Nhận thức đó hàm ngụ vừa một cảm nghiệm sâu thẳm về những giới hạn của thân phận phàm nhân, về tình trạng tội luỵ – bước khởi động thiết yếu của một tiến trình hoán cải đích thực –, lẫn một thái độ khiêm hạ, phó thác nơi Lòng Xót Thương của Thiên Chúa, và niềm hy vọng mãnh liệt, kiên trì đặt tất cả vào Đấng “ không có gì là không thể làm được”[5]– điều kiện quan trọng để con người không bị hủy diệt trong cõi tuyệt vọng cùng cực. 

Thiếu vắng nhận thức tôn giáo thiết yếu như vừa trình bày cũng chính là nơi hở sườn, là gót chân Achilles, nguyên nhân dẫn tới chỗ thương tật và thua ngã thảm hại của Ki-tô hữu, nhứt là trong trận chiến đấu “không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao”[6]. Để có thể vững vàng bước vào trận mạc tâm linh này, người tín hữu cần phải được vũ trang thật đầy đủ: “lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa”[7]. 

Thế nhưng thực tế cho thấy phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết các tín hữu đã và còn tiếp tục được trang bị quá sơ khoáng, quánghèo nàn! Thử lướt mắt qua một số tài liệu huấn giáo hiện hành, có thể nhận ra đằng sau một số thay đổi về ngôn ngữ, về hình thức sắp xếp các đề tài cho có vẻ cập nhựt hoá phần nào, là hầu như nguyên vẹn nội dung truyền thống của sách bổn thời trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, chính xác hơn là của Công Đồng Tri-đen-ti-nô. Chúng ta dễ dàng tìm ra những điểm dị biệt rất lớn giữa sách giáo lý do đức Pi-ô V ban hành năm 1566 vốn nặng về luân lý và pháp lý, Thánh Kinh được trích dẫn thật chừng mực và chỉ nhắm hậu thuẫn cho một phán quyết thực hành – hoặc cũng có thể gọi là thực dụng – nào đó, với sách giáo lý ban hành năm 1992 thời đức Gio-an Phao-lô II chú trọng dến công cuộc giáo dục một đức tin sống động, hiện sinh và cá vị như khởi điểm của việc chấp nhận các quy luật luân lý Ki-tô giáo, thứ quy luật phải chủ yếu được đặt nền trên Tin Mừng. Khác biệt quan trọng đó phản ánh khúc ngoặc lớn của khuynh hướng thần học kể từ sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II: lấy con người cụ thể trong tương quan với Ơn Cứu Độ làm đối tượng nghiên cứu, ứng dụng các thành quả hiện đại của khoa học tự nhiên và nhân văn.  

Điều rất cần quan tâm nữa là cách thực hành giảng dạy giáo lý hiện nay tại các xứ đạo chú trọng quá đáng vào việc lãnh nhận bí tích hơn là sống bí tích, nghĩa là nỗ lực vun xới cho ơn sủng bí tích trổ sinh hoa trái trong đời sống tín hữu. Chính vì thế, tiến trình học hỏi giáo lý bị đứt đoạn theo từng thời kỳ như xưng tội rước lễ vỡ lòng, thêm sức, tuyên hứa bao đồng, và hầu như kết thúc sau khi lãnh Bí Tích Hôn Phối. Mục vụ sau hôn nhân hình như bị bỏ ngỏ. Mục vụ riêng cho các giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau được tiến hành tuỳ theo sáng kiến và điều kiện nhân lực mỗi địa phương. 

Rõ ràng hãy còn quá nhiều việc phải làm, mà trong hiện tình của Hội Thánh Việt Nam, do thiếu nhân sự và thiếu cả phương tiện, việc nào cũng vừa cấp bách lại vừa nhiêu khê hết! 

Một số thử nghiệm phòng và chữa 


Phòng ngừa là việc tương đối ít gian nan hơn, song khá quan trọng, vì nhờ đó chặn đứng tình trạng lây lan của nạn ma tuý. Các em thanh thiếu niên, nhứt là các em có nguy cơ vướng phải tệ nạn này, được chỉ dẫn về tác hại của ma tuý, được vui chơi thể thao, dự các lớp học hỏi nhân bản, giáo lý phù hợp lứa tuổi, và sinh hoạt đoàn thể. Các phụ huynh cũng được bồi dưỡng kiến thức về ma tuý, đặc biệt là cách phát hiện càng sớm càng tốt tình trạng nghiện ngập của con em mình, cùng với biện pháp đối phó thích hợp. 

Đối với các em mắc bịnh trầm trọng, chúng tôi thuyết phục đi cai. Nói đi chứ thực sự mọi việc đều được tiến hành tại gia đình của mỗi em. Rất may, chúng tôi được cha mẹ, thân nhân của các em hưởng ứng hết lòng. Chúng tôi mời y sĩ theo dõi sức khỏe các em, đặc biệt lúc cắt cơn, và nhờ những người tình nguyện thường xuyên ghé thăm, khích lệ, đọc truyện, nếu cần xoa bóp cho các em. Chúng tôi mạnh dạn mời cả những người từng một thời vướng mắc tệ nạn này giúp đỡ thuyết phục các em về khả thể của việc chữa trị. Về phương diện tâm linh, chúng tôi xin các linh mục, tu sĩ mời gọi các em ý thức mạnh mẽ về căn tính của mình là nghĩa tử Thiên Chúa, không chịu cam tâm làm nô lệ cho bất kỳ một thứ ma lực nào, hết lòng tin tưởng nơi tình thương vô biên và quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa bằng việc trung thành cầu nguyện – dù chỉ là thật vắn tắt, đơn sơ –, lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể. Thân nhân của các em cũng được khuyến khích làm như con em mình, trong tinh thần đón nhận biến cố như lời mời gọi hoán cải của Chúa gởi đến cho gia đình. Chúng tôi có những buổi đọc kinh tối luân phiên tại gia đình của các em. Mỗi buổi kéo dài khoảng 45 phút, với phần chính là đọc Lời Chúa, nghe giải thích ứng dụng vào hiện tình của các em, lần hạt một chuỗi Mân Côi cầu cho các em khắc phục được bịnh tật, chí ít xin cho được trung thành với Chúa đến phút cuối đời. Không kể lời cầu nguyện của bà con ruột thịt, các em còn được bao nhiêu người tốt bụng, thương cảm chứ không ghét bỏ, cầu nguyện cho. Chúng tôi xin các cộng đoàn tu trì, các đoàn thể trong giáo xứ, các anh chị em cao tuổi, tật bịnh cầu nguyện cho các em nữa. Chúng tôi luôn xác tín vào sức mạnh của huyền nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh. Một cách nào đó, chúng tôi tổng động viên mọi thành phần trong Hội Thánh vào trận. 

Kết quả ban đầu còn rất mong manh, nhưng cũng đủ làm cho chút tia hy vọng nhen nhúm. Nhiều tháng đã trôi qua, hầu hết các em thuộc nhóm có nguy cơ mắc bịnh và nhóm thực sự bị nghiện vẫn còn kiên trì cùng những người muốn ra tay nghĩa hiệp tiếp tục hành trình trong niềm tin tưởng, phó thác. 

Vâng, chúng tôi không cậy nơi sức lực riêng mà dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, nắm chắc vũ khí tinh thần là lời cầu nguyện8, nhẫn nhục giành giựt từng người anh em đồng đạo của mình khỏi nanh vuốt của Tà Thần. 

----------
1 Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Hội nghị toàn quốc về triển khai chương trình phòng chống tệ nạn ma tuý 1998-2000. Tuổi Trẻ Thứ Ba 123/ 98 20.10.98 : 1. 
2 Công An TP HCM Thứ Bảy 625 04.07.98 : 1-2. 
3 Công An TP HCM Thứ Ba 679 06.10.98 : 1.11. 
4 Xc Dt 1, 1-2 ; 7, 27. 
5 Lc 1, 37. 
6 Ep 6, 12. 
7 Ep 6, 14-16.
8 “ Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng lời cầu nguyện thôi” (Mc 9, 29).