Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

PHẢI CHĂNG... CÓ TỤC HÓA THỜI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM !!!???

Thời sự Thần học - Số 42, Tháng 12/2005, tr. 48-55

(Bài nói chuyện với các Sinh viên Công giáo tại Nhà thờ Vườn Xoài ngày 8.10.2005)

_Lê Văn La Vinh, O.P._


Tính từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến ngày hôm nay, đất nước Việt Nam chúng ta thật sự đã chuyển mình. Và sự chuyển mình để hoà nhập chung với đà tiến của thế giới được biểu hiện rõ nơi nhiều lãnh vực trong đời sống của người Việt Nam từ kinh tế, văn hóa, thông tin, xã hội… và sự chuyển mình đó đã gây ra những thay đổi không nhỏ trong đời sống của con người Việt Nam và đã ảnh hưởng trực tiếp (tích cực cũng như tiêu cực) đến từng con người trong đất nước chúng ta trong từng cách ăn, nếp nghĩ, cách sinh hoạt cũng như lối sống. Về mặt tích cực thì chúng ta cũng thấy được khá rõ nơi đời sống và sự phát triển về kinh tế, văn hoá và xã hội của người dân nhờ chính sách đổi mới kinh tế và việc giao thương văn hóa với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một số mặt tiêu cực bởi bước tiến “vượt bực” (của dân ta) trong nhiều lãnh vực để hội nhập với thế giới. Và đây chính là những thách đố, những cạm bẫy của người dân Việt Nam khi phải đối diện với nền kinh tế thị trường mà đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp đó là những người trẻ trong đất nước chúng ta.
Phải chăng có một cuộc Tục hoá đang diễn ra tại Việt Nam thời kinh tế thị trường?

Bầu khí sống của người trẻ hôm nay


Như đã nói ở phần trên, đất nước ta sau thời gian dài sống trong thời bao cấp nay đang chuyển mình để bước sang thời kỳ mở cửa của nền Kinh tế thị trường mà ở đó hàng hóa, thông tin, các phương tiện kỹ thuật, việc tìm kiếm lợi nhuận, nhu cầu tiêu dùng hưởng thụ được đề cao quá mức. Đây là một điều kiện thuận lợi cho một số đông những người trẻ có cơ hội tiến thân, học tập, phát huy sáng kiến và thành đạt trong nghề nghiệp cũng như trong đời sống xã hội rất đáng trân trọng và đáng cho nhiều người noi gương. Nhưng bên cạnh đó, nền kinh tế đã thay đổi, đã kéo theo nhiều vấn đề liên quan như tình trạng di dân, tạo nên một lớp người mới giàu, làm thay đổi lối sống lối nghĩ của ngươi dân. Điều này tác động mạnh đến đời sống của người dân Việt, nhất là những người trẻ, và từ đó người ta thấy nảy sinh ra trong dân chúng hai căn bệnh của thơì đại đó là nóng vội kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ.

Để có được nhiều tiền, con người hôm nay đã dùng đủ mọi phương thế: tham nhũng, lường gạt lẫn nhau, bòn rút của công, làm hàng giả hàng dỏm, tệ nạn cò… Và tệ hơn nữa con người hôm nay thường lấy đồng tiền lấy giá trị tài sản làm thước đo để đánh giá và xem xét giá trị của một con người. Chính vì điều này làm cho người trẻ hôm nay ra như đang mất phương hướng, không đủ thơì gian và sự sáng suốt để nhận chân giá trị của mọi sự việc, mọi vấn đề. Và ở một góc độ khác, người trẻ hôm nay khi tiếp xúc với các nền văn hóa tây phương đã mau chóng hội nhập (mà không đủ sáng suốt để chọn lọc) để rồi chạy theo lối sống yêu cuồng sống vội vơí các chủ trương nặng mùi thực dụng theo kiểu “một ngàn lời nói không bằng một làn khói Nouvo”, hay là “thứ nhất lương lãnh đola, thứ hai nhà ở mặt tiền…” chính lối sống thực dụng và hưởng thụ này đã gieo vào trong lòng con người hôm nay (trong đó cũng không ít người bạn trẻ) một lối sống vô luân, xem thường các quy tắc đạo đức truyền thống của gia đình, những kỷ cương của xã hội và hậu quả là buồn khóc ân hận vì bệnh tật khổ đau, tù tội, đánh mất nhân phẩm, không còn tương lai… Hơn nữa, lối sống thực dụng đã len lõi vào tận vào cách ăn, nếp nghĩ của những người trẻ hôm nay ngay cả trong chuyện yêu đương, chuyện hôn nhân và gia đình: Khi yêu thì phải tôn trọng nhau, khi yêu thì phải tạo hạnh phúc cho nhau và cùng giúp nhau thăng tiến; chứ nếu nói yêu mà có “ý đồ”, yêu nhau mà tính toán, lợi dụng thì ai dám bảo đó là tình yêu.

Có lẽ, cũng cần phải nói lại cho nhau điều này, đó là tiền bạc, của cải vật chất tự nó không xấu; ngược lại nó là những phương tiện tốt nữa là khác. Thế nhưng, nếu mọi người chỉ biết mỗi một việc là kiếm sao cho được nhiều tiền, chỉ biết vơ vét của cải để thoả mãn tính ích kỷ và thoả mãn lối sống thực dụng của mình để rồi bán rẻ lương tâm, đánh mất nhân phẩm, quên đi những giá trị đạo đức căn bản như sự công bằng, lòng chân thật và nhân ái, sự chung thuỷ và tính hy sinh trong tình yêu, bo bo thủ lợi cho cá nhân mà không biết nghĩ đến những người xung quanh… thì đây là một dấu hiệu đáng báo động về sự xuống cấp tinh thần, sự băng hoại đạo đức của con người hôm nay để rồi những giá trị đạo đức như : - lương tâm nghề nghiệp – lòng trung thành với chủ – tôn trọng tha nhân – trung tín trong tình yêu – tôn trọng nhà giáo dục… dần dần bị đảo lộn và thay thế[1]. Và đáng buồn hơn nữa là sự xuống cấp và băng hoại này không những chỉ xảy ra nơi phố chợ, nhưng nó đã len lỏi vào tận các gia đình và làm sụp đổ luôn các hình ảnh cao quý sáng đẹp nơi chính người cha, người mẹ trong gia đình. Và ta có thể thấy được điều đó qua hai câu chuyện sau đây:
Thế là sinh nhật lần thứ 18 của bé Út cũng kết thúc trong tiếng cười rộn rã của gia đình và bạn bè. Thế nhưng con nghĩ hẳn Út sẽ vui vẻ thoải mái hơn biết chừng nào nếu như mẹ đừng tỏ ra bực mình khi so sánh “Sinh nhật người ta làm lớn mà tặng quà… không ra gì” khi cả nhà ngồi lại mở quà phụ em.
Khi mở gói quà của Tiến, cậu sinh viên năm III đang theo đuổi Út, mẹ nhăn mặt bảo “Hoa hồng có ăn được không?” chúng con thật bối rối, chưa hết bất ngờ thì mẹ lại tiếp: “Mẹ thấy thằng này keo đấy, ai đời sinh nhật ‘đối tượng’ tổ chức lớn thế này mà nó chỉ mua mỗi cánh hoa hồng đáng giá 10.000đ, chưa đủ tiền nước ngọt cho nó uống” Út chưa kịp nói gì thì mẹ với tay mở tấm thiệp nho nhỏ xinh xinh lôi ra bên trong một phong bì khá lạ rất đẹp: tờ 50 đola mơí toanh, mẹ cười vui vẻ nói: “Thằng này chơi được đây, thời buổi này thực tế vậy là được, chắc nhà nó có ngưòi ở nước ngoài hả con?”
Út đang muốn khóc, nhưng em cố kiềm lại với ngay cây bút viết lên phong bì: “Cám ơn bạn nhiều, cho mình gởi lại món quà”. Thấy thế, mẹ nổi quạu: “Nó tặng mày chứ có phải mày đi xin nó đâu mà tự ái. Sao cô không nghĩ tôi tốn bạc triệu cho cô. Sĩ diện vừa thôi!". Rồi mẹ bỏ về phòng, chẳng thèm muốn nghe Út giải thích vì sao em không muốn nhận món quà của Lâm.
Đành rằng, sống thực tế tốt hơn là mơ mộng, lãng mạn; nhưng chắc mẹ cũng hiểu, tiền bạc, vật chất không phải là tất cả. Bạn bè đến dự sinh nhật con gái của mẹ để chia vui là chính, chứ có phải để ta thu lại một món gì nhằm bù lỗ số tiền mẹ đã tổ chức cho em”
(Tác giả Hồng An, báo Phụ nữ 19.4.2000).
“Hôm nay T. con trai lớn của chị A. có bạn học đến chơi. Một cô đi xe Dream, còn cô kia đi xe đạp. Chị săn đón quá mức với cô H. (di xe Dream), còn cô L. (đi xe đạp) chị không thèm hỏi tới. Lát sau, chị cố ý kêu T. con mình chở H. đi mua hàng giùm chị, cô bé L. ngồi buồn nên xin phép ra về. T. về thì thấy mẹ đã để cho L. về nên tỏ ý không vui, sau khi tiễn H. về, chị nói với con: “Con L. nghèo kiết xác chơi với nó làm gì ? Con và con nhỏ H. đi, mẹ hỏi rồi, ba nó làm giám đốc, mẹ nó bác sĩ. Lấy được nó sướng cả một đời.” T. bất mãn bỏ lên phòng. Chị chì chiết nói theo “Đồ ngu, dạy mà không nghe.”
(Vương Huyền Cơ báo PNCN 30.9.01)

Phương thuốc nào để giúp người trẻ hôm nay chữa được hai căn bệnh này?


Sự xuống cấp và băng hoại về đạo đức, cũng như những biểu hiện xấu trong lối sống trong cuộc sống của con người hôm nay, mà trong đó giới trẻ cũng chiếm một thành phần khá lớn đã được cảnh báo từ khá lâu nay; và người ta đã đưa ra nhiều biện pháp, nhiều phương cách để tái lập lại kỷ cương cũng như tái lập lại sự ổn định tốt đẹp vốn có từ ban đầu như giáo dục gia đình, tuyên truyền, gây ý thức, đề cao vai trò của tôn giáo, vai trò của các hội đoàn, đoàn thể, nhà trường… và tất cả những việc làm trên đây đã mang lại nhiều kết quả tích cực, và đã phần nào làm biến đổi được lối sống nếp nghĩ của nhiều người, nhất là những người trẻ trong xã hội chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết, có hai việc cần làm trước nhất, và được xem là hai liều thuốc tiêm phòng hữu hiệu để giúp con người hôm nay đặc biệt là những người trẻ có thể chống chọi và đứng vững được trước cơn lốc xoáy của nền kinh tế thị trường:

- Giáo dục nhân bản:


Như chúng ta đã từng nghe và từng biết là “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người tự bản chất sinh ra thì ai ai cũng là tốt lành lương thiện, và môi trường sống cũng như xã hội đã làm cho dần dần biến chất. Do vậy, cách phòng ngừa hữu hiệu đầu tiên mà chúng ta cần nhắm đến đó là đưa con người trở về lại với nguyên gốc của mình, để tất cả đều được trở thành người có nhân bản (là những đức tính căn bản của một con người). Điều này giả thiết phải được đào luyện, dạy dỗ và hướng dẫn. Nói đến việc đào luyện nhân bản, chúng ta thấy là hiện nay có nhiều trường phái, nhiều chủ trương và nhiều lập trường để đào tạo nên những thế hệ con người tuỳ theo chủ thuyết và lập trường của mỗi chính sách, mỗi chế độ chính trị… và thật là khó để có thể đưa ra một mẫu số chung cho việc đào tạo con người trong một thế giới đa nguyên, đa hệ như ngày hôm nay. Tuy nhiên như đã nói là nhân bản, có nghĩa là nói đến điều căn bản, điều căn nguyên cốt tuỷ của một con người thì chung quy lại, chúng ta có thể tóm gọn lại theo những đường hướng sau đây:

Quan niệm của người Á đông: Nổi bật nhất trong việc đào tạo nhân bản của người Á đông mà chúng ta ai ai cũng thấy rõ đó là hình ảnh người Quân tử trong Khổng giáo với các đức tính như Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín; và Công - Dung – Ngôn – Hạnh … với rất nhiều điều chỉ bảo răn dạy như: “Chí công vô tư, Quân tử nhất ngôn… Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”… để dạy cho muôn đời biết sống trọn đạo làm người của mình. Ở một chỗ khác, trong nền luân lý của người Á đông, chúng ta cũng tháy nổi lên một khuôn măt đáng kính khác trong việc dạy đạo làm người đó là Lão Tử với tập Đạo Đức Kinh mà có thể chọn câu sau đây làm tiêu biểu cho việc dạy đạo làm người: Toả kỳ nhuệ – Giải kỳ phân – Hoà kỳ quang – Đồng kỳ trần (Đạo Đức Kinh)[2]

Theo luân lý Kitô giáo: Là phải luyện tập và sống theo các nhân đức luân lý Kitô giáo là:
  • Khôn ngoan –> Cẩn trọng; bình tĩnh; khiêm tốn
  • Dũng cảm –> Quyết tâm; thành thật; chuyên cần; phục thiện; trong sạch
  • Công bình –> Công bình
  • Tiết độ -> điều độ; trật tự; tiết kiệm; vệ sinh

- Giáo dục tâm linh:


Cách chung, chúng ta vẫn thấy là tự trong thâm tâm, mỗi con người ai ai cũng nhìn nhận rằng trong trời đất vũ trụ này vẫn hiện diện thường hằng một Đấng Tối Cao, Đấng Truyệt Đối mà tên gọi của Ngài thay đổi tuỳ theo tôn giáo, tín ngưỡng và lòng tin tâm linh của mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng… như là Ong Trời, là Đấng Tối Cao, là Thiên Chúa… Và khi mỗi người đều biết nhìn nhận rằng bên trên và bên trong cuộc đời mình vẫn còn một “Đấng Bề Trên”, thì chắc chắn mỗi người sẽ sống đàng hoàng hơn, lương thiện hơn và biết “lễ độ” hơn.

Cách riêng, đối với người Công giáo, việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa là điều cần thiết, là thước đo, là khuôn mẫu cho đời sống đạo đức cũng như đời sống xã hội của các tín hữu. Cũng có thể khi đề cập đến điều này, một số người trong chúng ta và phần nhiều là các bạn trẻ sẽ e ngại, cho là khó, cho là quá đạo đức, thậm chí còn “dị ứng” nữa là khác… Thế nhưng xét cho cùng thì đã là Kitô hữu thì cũng đồng nghĩa là chúng ta chấp nhận bước theo Thầy và thực thi điều Thầy truyền dạy. Mà Lời Thầy vẫn vang vọng hàng ngày hàng giờ trong lương tâm mỗi người và Lời Thầy vẫn được đọc lên hàng ngày, hàng tuần trong mỗi thánh đường nơi Bàn Tiệc Lời Chúa. Và nếu như tất cả mọi người kitô hữu chúng ta đều biết lắng nghe tiếng lương tâm, biết thực hành Lời Thầy truyền dạy thì chắc chắn không ai trong chúng ta sẽ làm điều sai lạc, xằng bậy trong cuộc đời mình đâu!

Tạm kết:


Phát triển là một quy luật sống động và tất yếu của vũ trụ và của kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy được là để hoà nhập, thích ứng và theo kịp với việc phát triển, mà không bị tha hóa, không gây đảo điên, không làm rối loạn tâm can cá nhân và cuộc sống xã hội thì mỗi người cần được trang bị cho mình một vốn liếng sống (mà từ ngữ hôm nay gọi là “Kỹ năng sống”). Điều đó rất đúng và rất cần. Và điều cần nhấn mạnh ở đây là mỗi người phải biết chọn cho mình một hướng đi, một khuôn mẫu làm nền tảng cho cuộc sống… Thì như đã đề cập ở phần trên, là không gì hay hơn khi chúng ta cùng trở về nguồn để tìm lại “nhân bản”, sống theo lương tâm ngay chính (là tiếng nói của Đấng Tối Cao hằng vang dội lên nơi tận đáy tâm hồn) thúc đẩy mỗi người phải biết luôn hành thiện và tránh điều ác. Được như thế, thì cho dẫu cuộc đời có đổi trắng thay đen hay xã hội có tiến triển theo cung cách nào đi chăng nữa thì trong cuộc sống mỗi người vẫn sẽ luôn được an-vui và mọi người trong đất nước, trong xã hội sẽ luôn được sống trong cảnh thái bình thịnh vượng.
[1] Điều này chắc hẳn bạn đọc cũng đã quá rõ khi từng nghe, từng đọc trên báo chí cũng như là các phương tiện truyền thông đại chúng các sự kiện, các câu chuyện vẫn hàng xảy ra trên đất nước chúng ta trong một vài năm gần đây về những hiện tượng không hay này.
[2] Toả kỳ nhuệ: Giảm bớt, gọt dũa bớt những gai góc sắt nhọn nơi bản thân mỗi người; Giải kỳ phân: Ra khỏi con người ích kỷ của mình, mở lòng mình ra để đi đến với những người khác; Hoà kỳ quang: biết hoà cái sáng của mình vơí cái sáng của ngưòi khác; Đồng kỳ trần: phải nhìn nhận là ta đây cũng có nhiều khuyết điểm, nhiều bụi bặm như người anh em của mình vậy.