Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

LINH MỤC, CÔNG CHỨC HAY NGƯỜI PHỤC VỤ?

Thời sự Thần học – Số 2, Tháng 2/2009, tr. 131-139

_Hoài Sơn_


Trong một bức email gởi về cho nhóm bạn thân, một sinh viên công giáo du học ở Mỹ đã rất bức xúc về tình hình sinh hoạt tôn giáo nơi đất người. Bạn mô tả cảm giác hụt hẫng khi chứng kiến cảnh một linh mục dâng lễ trên bãi biển, giữa cảnh da và thịt phô diễn trong những bộ bikini nhỏ xíu, xô bồ và bất xứng, chỉ với vài người tham gia. Sốc hơn, bạn còn thấy người ta chia nhau xưng tội dưới biển, rất vui vẻ, với linh mục vừa tắm vừa khoác thêm dây stola trên vai!

Không biết mức độ chính xác của lời chứng ấy tới mức độ nào, nhưng cũng đủ làm cho những ai quan tâm tới đời sống và việc thi hành chức vụ của các linh mục không khỏi băn khoăn chạnh lòng: đó chỉ là động thái đáp ứng theo nhu cầu của người mục tử thời đại mới? Hay là hiện thân của tình trạng tháo thứ? Hay công việc của người mục tử đã thực sự được quy hoạch trong phạm vi một nghề nghiệp? Hay đã đến thời để linh mục phải đem thánh chức của mình ra làm một ngành dịch vụ?

Người linh mục là công chức hay người phục vụ?

Linh mục - người đam mê


Công chức


Trong các bản khai lý lịch, có những linh mục vẫn ghi rõ ràng, liền mạch: “linh mục” trong phần ghi lời khai nghề nghiệp. Xét theo tương quan xã hội tính, tính chất nghề nghiệp được xác định là “công việc chuyên làm theo sự phân công của xã hội” với điều kiện “thành thạo trong công việc đó”.[1] Trong mỗi nghề, người thực hành có thể được gọi là công chức với điều kiện “làm việc hưởng lương từ ngân sách, trong cơ quan nhà nước”.[2] Điều căn bản để người ta có thể dựa vào đó để kiếm sống, để kiến thiết, tạo cái riêng.

Thế thì, qua những động thái, hành vi người linh mục lặp đi lặp lại hàng ngày, trong việc cử hành thánh lễ hay trong các loại mục vụ khác, cũng có thể người ta xét đó như là công việc, thậm chí là công việc dịch vụ. Người linh mục thể hiện công việc mỗi ngày đúng cách của một công chức, với chuyên môn riêng, thao tác riêng, lối sống riêng … Và cũng nhận bổng lộc độ nhật từ công việc của mình, theo qui định của tổ chức Giáo Hội, đúng cách “thợ thì đáng được trả công” xứng với việc mình làm.

Xã hội hiện đại đòi hỏi người ta xác định rõ ràng chuyên môn riêng để chỉ sống chết với chuyên môn của mình. Một thợ máy không làm công tác của người biên kịch, một kỹ sư không lo lắng chuyện quản lý nhân sự, một bác sỹ không kiêm nhiệm công tác của người thư ký… Những việc “tréo cẳng ngỗng” không liên quan đến chuyên môn được đào tạo sẽ làm người ta mất thời gian để tìm hiểu hơn, đôi khi cũng chẳng thích hợp với khả năng, tâm tính. Mà mỗi nghề nghiệp đều có những đặc trưng riêng, không phải ai cũng ưa thích, ai cũng say mê. Tóm lại, mỗi người một chuyên môn, đó là cách phân công công tác trong xã hội, để giảm tải, để chuyên chăm hơn với việc tạo ra sản phẩm hoàn hảo hơn… Giới hạn về thời gian sống trên cõi đời này thúc đẩy người ta không được bỏ phí thời gian vào những việc không phù hợp khả năng của mình.

Linh mục cũng thế. Một cách đạo đức, chúng ta quy về hai tiếng ơn gọi với luận điểm: “Chúa gọi thì nhiều, mà chọn thì ít”. Nhìn vấn đề cách trần tục hơn, trong cái nhìn xã hội học, là việc đào thải, phân biệt chuyện hữu dụng và vô dụng. Là chọn lựa đúng hay sai. Để nên một công chức, một người thợ lành nghề, mỗi linh mục cũng trải qua những thời kỳ khác nhau để được chọn lọc vào vị trí. Cũng như bước khởi đầu của các chương trình khởi nghiệp. Mỗi người sẽ được đặt trước hàng ngàn cơ hội để lựa chọn. Rồi thi thố. Rồi học hành. Sự căng thẳng kéo dài theo thời gian tích luỹ kiến thức, kỹ năng từ căn bản tới nâng cao. Số người bền bỉ theo đuổi tới cùng không gồm thâu tất cả những người đã hăm hở bước vào.

Người linh mục cũng phải trải qua khoảng thời gian dài để thích ứng với những đòi hỏi của công việc sẽ thi hành. Kiến thức nền tảng của những năm thụ huấn (ít là 6 năm – dài hơn chương trình đào tạo nghề chính qui của xã hội 2 năm) là thách đố cho người lựa chọn (và đã được chọn vào bước đầu). Chương trình triết học, thần học,… đào luyện ứng sinh từ chuyện biết suy tư về các vấn đề của cuộc sống, cách sắp xếp, tổ chức, hệ thống hoá nhân sự, … cho tới việc luyện tập kỹ năng về quản trị, sinh hoạt cộng đồng, quản trị, cách đi-đứng-quì-ngồi, cách đặt tay, giang tay… Tất thảy đều đòi hỏi khả năng thích ứng và nhuần nhuyễn để có thể thi hành như một người thợ lành nghề.

Kết thúc khoảng thời gian được huấn luyện, được chuẩn nhận như một người thợ có tay nghề căn bản, linh mục lại bắt đầu với hành trình “vào nghề”. Việc “học” trước nay được sử dụng như điều căn bản để mà “hành”, nhưng không phải cách “hành tội” người khác trong những ý tưởng cằn cỗi xa lạ, mà là hành nghề với hành trang đầy đủ hơn để phục vụ tốt hơn. Những tình huống công việc đòi hỏi người phải thích ứng nhiều hơn, có những phản xạ nhanh nhạy và thích hợp. Điều thường xuyên, cũng là điều để đánh giá năng lực, khả năng hoàn tất công việc, là khả năng linh hoạt áp dụng những gì đã được đào tạo vào thực tế. Nên, trong công việc, vẫn có linh mục nổi tiếng, có những người không hề có uy danh gì, chỉ thi hành tất cả các thao tác theo một qui chuẩn cụ thể, để không sai thao tác là được.

Về chuyện này, chúng ta càng xác định rõ ràng vai trò “công chức” của linh mục trong những hành vi của ngài. Linh mục cũng phải quan tâm tới chuyện nâng cao tay nghề! Việc cập nhật hoá thường xuyên trong mỗi khi việc thường huấn, với những xu hướng thần học mới… Không chỉ làm người linh mục trở nên “giàu kinh nghiệm” hơn, mà còn là cách để đạt hiệu năng trong công việc, để chuyên nghiệp hơn. Để một bộ máy vi tính xử lý nhanh hơn, bảo mật hơn, an toàn hơn, người ta vẫn phải liên tục “update” (cập nhật hoá). Người thợ chuyên nghiệp cũng phải theo dõi các kỹ thuật mới áp dụng trong phạm vi nghề nghiệp của mình để áp dụng hòng mong thu được kết quả tốt hơn, đỡ hao tốn tâm cơ đầu tư hơn mà chưa chắc đã thu hoạch được kết quả khả quan thế…

Mỗi điều liên quan tới các vấn đề về quyền hành, về lời giảng dạy, về việc mục vụ… của người linh mục đều áp dụng những kỹ năng của thuật quản trị, thuật hùng biện, thuật toán học, thuật phân tích… Với những kỹ năng ngày càng tiến bộ hơn, tiện lợi hơn, người linh mục hiện đại không xa lạ với việc soạn bài giảng trên internet, trao đổi, phân tích thông tin đạo nghĩa trên mạng; không xa lạ với những phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho bài giáo lý sinh động hơn qua việc sử dụng bộ khuếch đại âm thanh không dây với microphone bé tí teo đeo nơi ngực áo để rảnh tay rảnh chân đi lại nơi cử toạ một cách thân thiện hơn, không xa lạ với máy chiếu, chương trình biểu diễn trên máy của word, powerpoint…

Nghề dịch vụ


Trở lại với bức xúc của bạn sinh viên người Việt Nam ở Mỹ nọ, về việc chứng kiến cảnh linh mục cử hành Thánh Lễ và một số bí tích khác trên bãi biển, giữa chốn xô bồ. Hình ảnh ấy còn xa lạ với tình hình sinh hoạt của giáo hội địa phương chúng ta, nhưng là một nếp quen của xã hội Âu Mỹ. Trong hoàn cảnh văn hoá mỗi địa phương, người ta tuỳ nghi sắp xếp sinh hoạt tôn giáo theo cách thức của người dân sở tại. Đó cũng là cách hội nhập văn hoá theo tinh thần của Giáo Hội hiện đại vậy. Ngay như Việt Nam ta, trên các vùng lâm viên, các linh mục vẫn tổ chức lễ theo diễn tiến của một buổi hành lễ trang trọng của người anh em dân tộc vùng cao, với những điệu múa, dàn cồng chiêng âm vang… Hay như trong các buổi cắm trại, người tham dự Thánh lễ đêm vẫn có thể xông xênh với áo thun cổ tròn, với quần sooc ngang đầu gối… mà có mấy ai cảm thấy bất xứng đâu!

Đó là chuyện của hội nhập. Trở lại với vấn đề chúng ta đang bàn thảo, trước là để nhìn nhận hình ảnh người linh mục hôm nay đã được “quy hoạch” nghề nghiệp, được coi như một dạng công chức, thậm chí là một dạng công chức kết hợp cả yếu tố dịch vụ! Những hoạt động mục vụ không thường xuyên của các linh mục làm người ta dễ liên tưởng tới điều đó. Khi cần, người linh mục vẫn đi ra khỏi nơi cư trú, phạm vi “tác nghiệp” của mình là giáo xứ và văn phòng mục vụ của ngài; mang theo những vật dụng cần thiết để đi xức dầu kẻ liệt, đi làm phép nhà, làm phép xe, thậm chí chỉ là tham dự một bữa tiệc, tổ chức những buổi dã ngoại, cắm trại cho các thành phần dân Chúa trong xứ… Lịch sử đã từng ghi nhận cuộc ly khai đau đớn của Giáo Hội ở thế kỷ XVI, khi yếu tố “dịch vụ” đan xen trong những yếu tố chính, với hình thức mua bán bằng tiền các chứng nhận ân giải, đã tục hoá Giáo Hội. Trong mọi nơi hiện diện, dù thi hành thao tác tác vụ, công việc liên quan mục vụ của người mục tử hay không, linh mục vẫn hiện diện trong tư cách linh mục của mình. Ngài có tiếng nói quan trọng trong việc quyết định các đề xuất, các chương trình…

Như thế, trong công việc, người linh mục mang hình ảnh của người đa đoan. Ngài “chuyên nghiệp” trong công việc cử hành các thao tác qui định mỗi ngày như một công chức. Ngài cũng thể hiện khả năng lãnh đạo và cả khả năng thích ứng cho các nhu cầu khác của cộng đoàn như một người làm dịch vụ...

Nhưng, một cách công tâm, như thế vẫn chưa đủ để nói về hình ảnh người linh mục…

… Linh mục, ngoài những biểu hiện là “công chức của Chúa”, là người quản trị cộng đoàn, ngài còn là người phục vụ…

Linh mục - hơn là một công chức


Trên phương diện thực hành, với những gì liệt kê ở trên, hình ảnh người linh mục được gắn với hạn từ công chức quả không sai. Nhưng nếu vấn đề căn cốt của người linh mục chỉ dừng lại với những động thái nặng tính trần thế như thế, thì sắc thái “xôi thịt” đã cuốn trôi đi bản chất thật của người “fontionnaire de Dieu” (công chức của Chúa). Hình ảnh của người mục tử phải là “công chức của Chúa” trong việc lấy công tác mục vụ để phụng sự Chúa, phục vụ con người hèn kém, mới là phương thức sống chính đáng. Sự chính đáng đòi hỏi nơi con người linh mục, nơi “alter Christus”, là phép minh hoạ kiến giải thánh danh CHRIST qua tỗng hoà các động thái: Cross (thập giá), Humanity (nhân bản), Reconciliation (hoà giải), Interiority (nội tâm), Servanthood (phục vụ) và Teacher (thầy dạy).[3]

Đan xen các yếu tố liệt kê trên, người linh mục được đào luyện để “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em “ như đã được nhắn nhủ (Pr 3:15). Đức Giám mục Giu-se Vũ Duy Thống đã viết về con người linh mục lý tưởng với những hình ảnh đẹp của một altar christus – một hoạ bản của Đức Kitô, thầy chí thánh, đã đến và sống hết mình vì tình yêu nhân loại. Bằng những hình ảnh vừa đặc trưng tính nhân loại vừa tròn đầy những ý nghĩa thần học. Ngài miêu tả người linh mục qua những sắc thái khác nhau như sau:

Linh mục – người không thuộc về mình. Trên nền tảng bí tích truyền chức, linh mục nhân danh Chúa Kitô, là đầu và nhân danh Giáo Hội. Đó là người “mọi sự cho mọi người”. Ngài không thuộc về mình bởi đã thuộc về Đức Kitô một cách trọn vẹn, mật thiết. Ngài cũng là người thuộc về Giáo Hội và thuộc về cộng đoàn địa phương của mình. Trong những điều “thuộc về” ấy, linh mục xuất hiện với dáng vẻ cao cả của người thuộc Thiên Chúa, sâu rộng trong cách thuộc về Giáo Hội, quay quắt vì thuộc về con người. Những áp lực này làm cho người linh mục biết phận người nhỏ bé, biết giới hạn của những ranh giới cuộc sống, phải mệt mỏi vì những quay quắt…

Linh mục – người của sự dâng hiến. Qua chính cuộc đời, với những chuyên chăm học hỏi hầu mong phục vụ tốt hơn; trước mặt Chúa và trước mặt người đời, người linh mục vừa là của lễ hiến dâng, vừa là người thực hiện lễ hiến dâng. Trong thừa tác vụ, với tư cách của Chúa Kitô và của Giáo Hội, linh mục tái diễn lễ dạng trên đồi Calve hầu mưu ích cho toàn thể nhân loại.

Linh mục – người của hồng ân Thiên Chúa. Linh mục là hệ quả của một quá trình đào thải kỹ lưỡng giữa chọn và được chọn. Giữa những chọn lựa, giằng kéo của cuộc sống, của tâm tưởng, người linh mục được ghi dấu bởi hồng ân Thiên Chúa. Linh mục đón nhận sự sống Đức Kitô dồi dào cho mình. Cũng bởi gắn với điều kỳ diệu ấy, linh mục phải trở nên người đi gieo rắc hồng ân, phân phát để sự sống của Đức Kitô được lan toả ra môi trường xung quanh. Thậm chí, trong ân điển này, linh mục còn là người chấp nhận hao mòn đi một chút gì đó nơi bản thân mình để hồng ân Chúa được trọn vẹn nơi người khác.

Linh mục – người của sự chuyển tiếp giữa Chúa Kitô và cộng đoàn, giữa quyền bính và trách vụ, giữa lương và giáo.

Linh mục – người mang lửa Chúa Kitô: Đức Kitô từng sánh mình như ánh sáng trần gian (Ga 8.12) và gọi các môn đệ là “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14). Linh mục được liên kết với Chúa Kitô là nguồn lửa đời đời. Bằng những gì mình sống, bằng những gì mình cử hành, người linh mục sẽ thắp lên cho đời Ngọn Lửa Kitô, đúng như bản chất của từ chỉ danh xưng này, trong tiếng Latinh, là sacerdos, nghĩa là người phân phát các mầu nhiệm thánh. Là người phục vụ mọi người trong những nơi mình được sai đến, khi cử hành các bí tích, linh mục thi hành nhiệm vụ “kiến tạo Đức Kitô” cho đời. Ngay cả khi ngài không làm gì cả, chỉ bình dị sống chung giữa cộng đoàn, linh mục cũng làm cho lửa Chúa Kitô nhen lên từ chính sự âm thầm của mình, như men, như muối Phúc Âm, và như văn hoá tình thương nồng nàn…

Linh mục – được xem là người của linh thánh, nghĩa là con người tôn giáo gắn liền đời mình với việc cầu nguyện. Nên, linh mục cũng là người của kinh nguyện.

Linh mục – người làm tái hiện Chúa Kitô qua việc kiên tâm chiến đấu với chính bản thân mình khỏi những phù hoa thế gian, kiên quyết lựa chọn lên đường theo Đức Kitô, qua việc kiên trì phục vụ người khác.

Linh mục – người của những địa chỉ gặp gỡ giữa hồng ân Thiên Chúa và thiện chí của con người, giữa đạo và đời, giữa những thành công lẫn thất bại trong đời mục vụ… Trong lịch sử truyền giáo, hình ảnh người linh mục khai hoá những điều căn bản cho người nghèo khó, vùng sâu vùng xa, thể hiện rõ nét điều này. Người linh mục không chỉ là cầu nối thông truyền ân sủng của Thiên Chúa, mà còn thể hiện tính năng động trong việc cứu rỗi nhân loại ngay trong trần gian này, bằng việc kết nối thế giới với những thành phần thấp cổ bé miệng…

Linh mục – người của sứ điệp Tin Mừng, luôn bừng bừng nhiệt huyết với trách vụ được sai đi rao giảng về tin mừng cứu rỗi cho muôn người, nhất là cho người nghèo khó.

Linh mục – người tập trung của những nghịch lý. Về bản chất, linh mục sống giữa thế gian như hết thảy mọi người, không là gì cả. Nhưng trong niềm tin thì ngài lại là tất cả, là người “nhân danh Chúa Kitô là Đầu và nhân danh Giáo Hội”. Cũng thế, ngài không lập một gia đình riêng, nhưng lại có cả một gia đình chung là Giáo Hội, được cả mọi người chăm sóc, lo lắng, chăm lo đủ điều….[4]

Linh mục - người trần mắt thịt như ta, nhưng có quyền tha bắt như Cha trên trời.

Là người thể hiện tinh thần “alter christus”, linh mục thể hiện những tính chất đặc biệt trên trong các chiều kích khác nhau giữa cuộc đời. Với riêng mình, ngài thiết tha đi theo Đức Kitô bằng con tim không chia sẻ, bằng tình yêu tuyệt đối. Với tha nhân, ngài thể hiện tình yêu của Thiên Chúa trên con người, qua công việc mục vụ, thi hành các bí tích… “Việc rao giảng trong Giáo Hội chính là sự tham dự vào đặc tính cứu độ của lời, không chỉ vì nói về Chúa Kitô, nhưng vì rao giảng với quyền năng đến từ việc dự phần vào sứ mạng hiến thánh của Lời nhập thể”.[5]

Trong mỗi linh mục, lý tưởng đòi buộc phải thể hiện tuyệt đối tinh thần mến Chúa yêu người mà Thầy Chí Thánh đã truyền dạy. Tông đồ trưởng Phê-rô, gương mặt đại diện cho mọi gương mặt linh mục nơi trần thế này, đã từng nhắn nhủ:

Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên (1 Pr 2-4).

Toàn thân toàn ý như thế, như một công chức, như một người phục vụ, để làm gì? Rồi sẽ đi tới đâu?

… Để dấn bước đi trên con đường thánh đức


Dẫu mang hình ảnh nào chăng nữa, người linh mục vẫn tha thiết trải mình ra như một Alter Christus, để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Khó khăn chông chênh trong mỗi bước đi của ngài. Là họa bản của Đức Kitô, linh mục rất thấm thía cảm giác của người vừa xưng là thầy – người lãnh đạo, vừa rửa chân cho các môn đệ – tư thế của người nô lệ, người phục vụ.[6] Điều ngài thể hiện, với cả hai thứ ơn dụng cụ và ơn phục vụ, dù cộng đoàn ghi nhận thế nào, thì hành động của linh mục cũng chỉ với mục đích thăng tiến con người trần gian hầu mong cho tất cả mọi người đều xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu, xứng đáng được đi về cùng Chúa trong sự chói lòa của thánh thiện, vẹn toàn đạo hạnh.

Con người hữu hạn. Người linh mục được đòi hỏi phải chu toàn nhiều hơn điều mình có thể thể hiện. Là người mục tử tốt, ai cũng phải tâm niệm một lẽ: “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Thập giá là vinh quang, nhưng thập giá cũng là gánh nặng… Thể hiện mình là con người của sự phục vụ cho cả hai chiều kích thiêng liêng (Phục vụ Thiên Chúa) và trần thế (Phục vụ nhân sinh), người linh mục cũng được coi là công chức khi cũng được đối tượng phục vụ của mình ra ơn để luôn đủ dùng (cả hai mặt thiêng liêng và trần thế), sẵn sàng cho sứ vụ của lòng mến. Trong thông điệp Spe Salvi gởi các giám mục, các linh mục và các phó tế, Đức thánh cha Bêneđictô XVI từng nhắn nhủ:

Người chăn chiên thực là người biết cả đến những nẻo đường băng qua thung lũng sự chết; người mà bước đi với tôi dẫu là nẻo đường cuối cùng của hiu quạnh, nơi mà không có ai có thể bước với tôi, hướng đạo cho tôi đi qua: thì chính Người đã bước qua nẻo đường đó. Người đã xuống tận cõi chết, đã chiến thắng sự chết và giờ đây đã trở về để dẫn đưa chúng ta và cho chúng ta niềm xác tín rằng, cùng với Người, chúng ta tìm ra một con đường đi qua được. Sự nhận thức rằng còn đó có một Đấng dù trong sự chết vẫn bước theo tôi và với “cây roi và cây trượng” của Người an ủi phấn chấn tôi, do đó “tôi không còn sợ chi” (Tv 22,4). Đó chính là hi vọng đã phát sinh trên cuộc sống của các tín hữu.[7]

… “Ơn ta luôn đủ cho anh” – câu nhắn nhủ đầy tính khích lệ ấy luôn là nguồn động lực để người linh mục lý tưởng tiến bước trên con đường thánh đức, trong sự hướng dẫn của Thánh Thần. Amen.
[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Bộ giáo dục và đào tạo, Trung tâm ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Nxb. VHTT 1998.
[2] Ibid.
[3] Giu-se Vũ Duy Thống, Chân dung linh mục, 2002.
[4] Xc. Giu-se Vũ Duy Thống, Chứng nhân không nhân chứng, Credo, 2000. Trang 53-127.
[5] Thư luân lưu của thánh bộ giáo sỹ gởi các linh mục, ngày 21.4.1999, về “Linh mục và thiên niên kỷ Kitô giáo thứ 3”.
[6] Xc. Linh mục. Đỗ Xuân Quế, O.P., Thần học Bí tích, Đức tin và Văn hoá, 2005. Trang 531.
[7] ĐTC Benedicto XVI, Thông điệp Spe Salvi.