Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

TỪ CHÂN LÝ MẠC KHẢI ĐẾN SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

Thời sự Thần học – Số 3, tháng 8/2009, tr. 7-16

_Gioan PhêNy Ngân Giang, OP._

I. Chân lý mạc khải trong Kinh Thánh
  1. Ngữ nghĩa và ý nghĩa của từ alètheia
  2. Ngữ nghĩa và ý nghĩa của từ alètheia
  3. Kinh thánh Bản LXX
  4. Kinh thánh Tân Ước
II. Chân lý Kinh Thánh
    Đức tin và sứ vụ truyền giáo
  1. Đức tin, tự do và sự vâng phục
  2. Chân lý – Bác  ái và con đường truyền giáo
  3. Hiệp nhất: Tiếng nói của Chân lý trong Bác ái

I. CHÂN LÝ MẠC KHẢI TRONG KINH THÁNH

Chúng ta có thể bắt gặp nhiều lần hạn từ “Chân lý” hay “Sự thật” (trong tiếng Hylạp là alètheia, trong tiếng Latinh là veritas) được bàn đến dưới khía cạnh thần học trong các thư thánh Phaolô tông đồ và các dòng văn thuộc trường phái Gioan. Rõ ràng, có một chiếc cầu nối giữa những nền tảng Kinh thánh Hípri và tư tưởng văn hoá cổ Hylạp và sự tiếp cận này đã được khởi sự từ thế kỷ thứ III trước Chúa Giáng Sinh. Thế nên, một cách nào đó, Bản LXX đã chọn lựa từ ngữ Hylạp alètheia để chuyển dịch thay cho những hạn từ ’mỏnh (sự tin cậy, lòng trung tín) và nhất là ’mt trong Kinh thánh Hípri (sự bền vững, sự vĩnh cửu). Dù rằng người Dothái thật sự không biết đến những các cách nói đặc biệt này để diễn tả ý niệm về “Sự thật” hay “Chân lý”.[1]

1. Ngữ nghĩa và ý nghĩa của từ alètheia


Alètheia bắt nguồn từ chữ lathanô/lèthô (trong tiếng Latinh là lateo) vốn xác định một cái gì đó “bị che giấu” và được thêm vào tiền tố phủ định “a-”. Tiền tố này thay đổi ý nghĩa từ nguyên để chỉ rõ một cái gì đó được tỏ ra như chính nó là, như thể sự đúng đắn của lời (logos) được thiết lập. Không phải do việc sử dụng hiện hành, cũng không bởi cách dùng từ của triết học cổ điển khiến cho thuật ngữ này xa dần khỏi ý nghĩa ban đầu của nó (E. Heitsch). Thật thế, thời kỳ cổ điển, alètheia có nghĩa là “sự thật” ở khía cạnh không có sự che giấu và là sự mở ra của hiện tại thể vốn tỏ ra như vậy (Heidegger). Nghĩa là, một thực tại vốn vượt trên những vẻ bên ngoài, vượt trên mọi ý kiến và thành kiến. Đồng thời, nó cũng là sự đúng đắn của điều được trình bày. Xét trên bình diện chủ quan, alètheia cũng có thể xác định một “sự thật” thuộc về một ai đó.[2]

2. Sự thật hay Chân lý trong Kinh thánh Hípri


Từ ’mt (Hípri) và từ alètheia (Hylạp) không có cùng một trường nghĩa, và để chọn dịch thuật ngữ Hípri này, Bản LXX cũng quay lại với các từ pistis (sự tin cậy, lòng trung tín), dikaiosunè (sự công bằng)… Những từ ’mt và ’mỏnh cũng như từ “amen” trong Kitô giáo đều phát xuất từ một động từ gốc ’mn (vững bền). Vì thế, trong tiếng Hípri, “Sự thật” hay “Chân lý” là điều gì vững bền hầu người ta có thể đặt tin tưởng vào đó. Ý nghĩa của từ ’mt, theo H. Wildberger là gần sát với từ “Chân lý” hay “Sự thật” hơn bất kỳ từ nào khác vốn cũng phát xuất từ gốc ’mn, được xây dựng trong một số trường hợp dùng xác định. Chẳng hạn:

+ Trong Giêrêmia 28,9 có viết: “… còn ngôn sứ nào tuyên sấm có bình an, thì chỉ khi nào lời ngôn sứ ấy ứng nghiệm, ông mới được nhìn nhận là ngôn sứ ĐỨC CHÚA sai đến thật sự (’mt)!"

+ ’mt còn được tìm thấy như là từ xứng đáng nói về lòng tin tưởng trong 2 Sm 7,28; 1 V 17,24; 22,16. Xh 18,21 nói về “con người đáng tin cậy”

+ Để nói về các cá nhân, ’mt có thể mang lấy ý nghĩa của sự “tín nghĩa” Gs 2,14; Cn 3,3.

+ Tất cả những cách dùng này đều đặt nền tảng trên sự tuyên bố về một “Thiên Chúa thành tín” (Tv 31,6) như trong sách Thánh vịnh đã chép: “Những công trình tay Chúa thực hiện quả là chân thật và công minh. Huấn lệnh Người ban đều chắc chắn…” (Tv 111,7). “Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa” (Tv 25,10). Tuy nhiên, Thiên Chúa của lòng thành tín không phải là một vị thần trong số các vị thần nhưng Người là Thiên Chúa chân thật và duy nhất (Gr 10,10).[3]

3. Kinh thánh Bản LXX


Sự phiên dịch của Bản LXX đã hơn một lần đổi hướng khái niệm của từ “Sự thật” hay “Chân lý”. Thật ra, nếu những người Israen hiểu “Sự thật” hay “Chân lý” như là một sự hiểu biết và lòng thành tín như là thái độ thực hành thì ngôn ngữ Hylạp lại tách biệt thành hai thứ theo mức độ ngữ vựng, trong đó nghĩa thứ nhất được hiểu là alètheia và nghĩa thứ hai là pistis.

4. Kinh thánh Tân Ước


Đức Giêsu lịch sử đã không đưa chân lý hay sự thật thành đề tài trong lời loan báo của Người. Chỉ sau biến cố Phục sinh mà “Chân lý Tin mừng” mới trở thành điều được mất khi đặt thành vấn đề phải chống lại những sự đối nghịch cũng như những diễn giải sai lầm.

a. “Sự thật” hay “Chân lý” trong Gioan

Đối với Gioan, alètheia là ’mt của Tân Ước. Điều này được thấy rõ trong hai cách dùng ngay khởi đầu Tin mừng thứ tư: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1,14); “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có.” (Ga 1,17). Ân sủng và sự thật thay cho hesed và ’mt trong Cựu Ước và được đặt trong lối hiểu của Gioan về một Đức Kitô nhập thể của dòng lịch sử cứu độ luôn luôn được tiếp nối. Có thể nói chính ở chỗ này trong Tân Ước, chúng ta nhận thấy sự tương ứng hoàn hảo của Tân Ước với hesed và ’mt trong Cựu Ước. Giao ước tình yêu (hesed) và sự vững bền (’mt) mà Thiên Chúa đã thực hiện qua lịch sử Israen giờ đây được thành toàn trong mầu nhiệm nhập thể. Thật ra, việc hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử giờ đây có vẻ như trái ngược với tất cả những gì Người đã thực hiện trước kia; bởi lẽ để hiểu được ân sủng và sự thật nơi Thiên Chúa vốn chưa bao giờ được đạt tới trong những hạn từ thuộc về Lề luật của Môsê, thì giờ đây lại được mang lấy trong chính Đức Kitô. [4]

Hai cách nói này cho thấy rằng tất cả những biểu lộ trước đây của lòng thương xót (hesed) và sự tín trung (’mt) nơi Thiên Chúa thật ra chỉ để hướng đến thành quả của Người nơi Đức Kitô. Sự tương phản đó giữa Lề Luật và Đức Kitô không phải là điều gì tuyệt đối như trong cách nói ở Ga 5,39, nơi Cựu Ước tự mình chưa phải là điểm kết nhưng là một lời chứng cho sự thật mà Ga 5,33 có nơi Đức Kitô. Có thể thấy điểm so sánh giữa Luật và Đức Kitô ở Ga 1,16-17: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có.”

Vì thế, khi Đức Kitô nói: “Thầy là Sự Thật” (Ga 14,6), thì Người muốn nói rằng chính Người là sự mạc khải trọn vẹn và là chính mục đích ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vậy nên, “biết sự thật” (Ga 8,32) là biết chính mục đích cứu độ của Thiên Chúa như đã được thể hiện trong Đức Kitô, và lời hứa giải phóng khỏi tội (Ga 8,34) vốn không thể được thực hiện dưới giao ước cũ mà chỉ có thể thành toàn qua Người Con (Ga 8,36).

Lối hiểu về sự thật mang tính cứu độ này cũng được tỏ rõ hơn qua tính từ alethenos. Việc sử dụng tính từ này trong trường phái Gioan mang một nghĩa Hylạp nào đó về “cái thật”, nhưng cũng chính là sự thật trong sự mạc khải trọn vẹn về sự thật nơi Thiên Chúa. “Ánh sáng thật” (Ga 1,9) không hoàn toàn đối lập với cái sai và những ánh sáng không thật của những người ngoại, nhưng đúng hơn chính Đức Kitô là ánh sáng trọn vẹn nhất. Cũng thế, “bánh thật” (Ga 6,35) là của ăn thoả mãn được cái đói tinh thần, chứ không phải là manna chỉ là thứ bánh nuôi thân xác mà thôi. Đức Kitô cũng là rượu thật (Ga 15,1) bởi vì Người là nguồn sống cho những ai ở trong Người. Điều này đối lập Israen như thứ rượu của lối thờ phượng cũ (Gr 2,21; Tv 80,8-16; Ed 15,1-8). Những người thờ phượng thật (Ga 4,33) là những ai được tái sinh trong Đức Kitô thì hoàn toàn đối lập với những người Dothái vốn cho rằng việc thờ phượng phải ở Giêrusalem và những người Samari thì cho là phải ở Giêrikhô. Điều này không có nghĩa là việc thờ phượng của họ thì không thật hay sai trái; nhưng sau khi sự thật đã đến với dân nơi con người Đức Giêsu, giờ đây họ phải thờ phượng trong sự thật.[5]

Cũng vậy, “Thiên Chúa chân thật” (Ga 17,3) không phải vì sự đối lập với các thần giả trá và không thật cho bằng Người là Thiên Chúa hằng luôn hoạt động trong sứ vụ của Đức Kitô, là Đấng Tạo Hoá đối với thế giới thụ tạo mang nhiều tội lỗi. Bởi thế, khi Đức Giêsu đến và mang lấy sứ mạng làm chứng cho sự thật thì Người cũng mời gọi các tông đồ cùng một sứ vụ ấy như Người (Ga 17,18). Đức Giêsu đã tự “thánh hiến chính mình” cho chính sứ vụ của Người (Ga 17,19) để hầu những kẻ được Người sai đi vào thế gian cũng được “thánh hiến trong sự thật” (Ga 17,17.19). Điều này có nghĩa là các môn đệ cũng được hiến dâng cho sự thật như chính Đấng đã sai họ hoàn toàn hiến dâng cho mục đích cứu độ của Thiên Chúa thật. Vậy nên, hiến dâng cho sự thật trong sứ vụ của các tông đồ cũng chính là làm cho sự thật nơi Thiên Chúa, lời của Người được thế giới biết đến.

b. Các thư Phaolô

“Sự thật của Tin Mừng” cũng được thánh Phaolô nói đến trong các thư của người. Trong thư thứ hai Côrintô, alètheia được sử dụng lại nhiều lần với một ý nghĩa tuyệt đối.
“Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa… Bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa, chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ...Vì chúng tôi không thể làm gì chống lại sự thật, nhưng chúng tôi chỉ có thể hoạt động cho sự thật.” (2 Cr 4,2; 6,7; 13,8).
Ý nghĩa tuyệt đối này luôn luôn được sử dụng trong mối tương quan với Tin Mừng hầu để sức mạnh chiến thắng của các tông đồ tìm được chỗ tựa vững chắc. Điều đó cho thấy hoạt động thực sự của Thiên Chúa như đã được biểu lộ trong Lời của Người. Thế nên, thánh Tông đồ nói thêm: “Vì chúng tôi không thể làm gì chống lại sự thật, nhưng chúng tôi chỉ có thể hoạt động cho sự thật.” (2 Cr 13,8). Sự thật trong lời của Thiên Chúa là sự thật có sức mang lại ơn cứu độ. Rm 1,18 cho thấy rằng: “Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý”. Chân lý của Thiên Chúa tức khắc sẽ được thực thi đối với những kẻ giam hãm sự thật trong sự bất chính của mình. Vì thế, thánh nhân dám khẳng định rằng: “Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Dothái, sau là người Hylạp” (Rm 1,16).[6]

Một đôi lần, Chân lý hay Sự thật được hiểu theo nghĩa là tính trung thực hay tính xác thực như trong 2 Cr 7,14; Pl 1,18 hay trong 2 Cr 11,10; Rm 9,1. Ở đây, alètheia nơi thánh Phaolô (Rm 3,7; 15,8) còn mang ý nghĩa thần học của một ’mt đã từng trải qua trong dòng lịch sử để nói về lòng tín trung trong sự liên minh. Trong ý nghĩa đó, chân lý của Thiên Chúa là sự trung tín của Người đối với Israen mà Người đã thực hiện cho đến cùng lời hứa ấy đối với các cha ông của họ và đã cứu lấy Israen (Rm 11,25). Vậy nên, thư gửi tín hữu Hípri là lời vọng lại của 1 Cr 13,6, trong đó alètheia đối lại với sự bất công do con người gây ra.

II. CHÂN LÝ KINH THÁNH – ĐỨC TIN VÀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO


Hành động mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử là cuộc bắc cầu để sự thật đi vào thế gian. Chân lý Thánh kinh không phải là những chuyện của thiên giới tách biệt khỏi sinh hoạt nhân loại, nhưng chân lý đó là cuộc nhập thể để trở nên người ta, để chân lý hay sự thật nơi thiên giới trở thành cuộc đối thoại trong ngôn ngữ con người. Tuy nhiên, cũng như bao cuộc đối thoại khác, sự khởi đầu và tiến trình trở nên thông hiểu trong sự thật luôn là một thách đố và đòi được đối thoại không ngừng.

Cần có một khoảng trống thông thoáng cho bất kỳ cuộc hội nhập, gặp gỡ hay đối thoại nào. Chân lý của đức tin không phải là những điều mê tín, nhưng là sự nảy mầm của sự thật trong một môi trường thông thoáng là chính đức tin. Thế nên, có thể nói, nhịp cầu đầu tiên và cần thiết để chân lý có tiếng nói là đức tin được mở rộng và không ngừng trở nên thông thoáng.

1. Đức tin, tự do và sự vâng phục


Đức tin tuy là ân ban nhưng không từ Thiên Chúa nhưng lại không thể được hiểu như một phạm trù thuộc lãnh vực của một tôn giáo nào đó. Vì lẽ, nền tảng căn bản của đời sống tâm linh con người không phải là tín ngưỡng nhưng là tôn giáo. Thế nên, đức tin cũng là nền tảng căn bản trong đời sống tâm linh của mọi con người.

Cần nói đến đức tin trong cái nhìn về chân lý vì chỉ duy có lý trí, con người không thể có cơ may biết được chân lý toàn vẹn. Đang khi được tham dự vào ơn hiểu biết và việc lưu truyền chân lý mạc khải, chính Thánh Thần mới là Đấng xức dầu và đưa các tín hữu đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13).[7]

Sự thật mạc khải cần có đức tin như cửa ngõ dẫn đến sự vâng phục trong tự do. Sự thật giải thoát theo thánh Gioan là chân lý được vâng phục trong tự do. Abraham, cha của những kẻ tin, là mẫu người cho những ai biết vâng phục chân lý trong đức tin. Ông đã bắt được cầu nối giữa sự thật, đức tin và chân lý cuộc sống. Rõ ràng, chân lý cuộc sống vẫn là điều gì cần được nhìn trong nền tảng của đức tin. Vì lẽ, chỉ có đức tin mới đảm bảo cho người khao khát sự thật thấy được đâu là chân lý giữa muôn ngàn những khẳng định xem như tuyệt đối.

"Mọi người đều có trách nhiệm đi tìm chân lý, đặc biệt là những gì liên quan tới Thiên Chúa và Hội Thánh của Người. Khi đã nhận ra chân lý, họ phải tiếp nhận và trung thành với chân lý ấy" (x. DH 1). Trách nhiệm này xuất phát từ "chính bản tính của con người" (x. DH 2), không ngăn cản chúng ta "chân thành tôn trọng" các tôn giáo khác "thường cũng mang lại những tia sáng của chân lý đang chiếu soi cho mọi người" (x. NA 2). Trách nhiệm này cũng không mâu thuẫn với đức mến đòi hỏi các tín hữu "phải yêu thương, khôn ngoan, kiên nhẫn để tiếp xúc với những ai còn lầm lạc hay thiếu hiểu biết về vấn đề đức tin" (x. DH 14).[8]

Trả lời cho việc làm chứng cho sự thật mà người Kitô giáo xem như sứ vụ của mình khi họ lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy cũng đồng thời là việc trả lời cho vấn nạn chân lý Kitô giáo là chân lý trong bác ái hay là một thứ chân lý độc tôn. Nói khác đi, ta phải hiểu sao lời khẳng định “Ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ”[9] dưới góc nhìn của đề tài chân lý được đưa ra ở đây? Phải chăng chỉ có Kitô giáo mới có chân lý trong mọi sự, kể cả ơn cứu độ?

Chỉ có một sự thật duy nhất mà chúng ta nhận biết đó là mọi ơn cứu độ đều phát xuất từ Đức Kitô và chảy tràn qua Hội thánh là Thân Thể Người. Nhưng vì còn mang thân phận lữ hành đồng thời cũng là Hội thánh trong mối tương quan huynh đệ với công đồng nhân loại. Hơn hết, vì Máu Giao Ước Mới của Đức Kitô đổ ra cho muôn người được cứu nên thật chỉ có một ơn cứu độ duy nhất. Sự thật này đã không đến trong nhân loại thời Cựu Ước nhưng là Tân Ước. Vì lẽ, sự thật ấy cần được mặc lấy đức ái như hào quang công chính, ánh sáng rạng ngời vốn phát xuất tự chính bản chất của nó vậy.

"Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công Đồng dạy rằng: Hội Thánh lữ hành này cần thiết cho ơn cứu độ. Quả thế, chỉ một mình Đức Kitô là trung gian và là đường cứu độ; và Người hiện diện giữa chúng ta trong Thân Thể Người là Hội Thánh; chính Người đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và phép rửa nên đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Hội Thánh mà mọi người phải bước vào qua cửa phép rửa. Vì thế, những ai biết rằng Hội Thánh Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh này thì không thể được cứu độ" (LG l4).[10]

2. Chân lý – Bác ái và con đường truyền giáo


Làm sao giữ được sự quân bình giữa đòi hỏi của lòng mến Chúa và tình yêu đối với tha nhân (x. Mt 12,28), trong khi cả hai đều thiết yếu và là một điều duy nhất?

Có thể nói, Chân lý trong bác ái không phải chỉ là chuyện nói sự thật nhưng phải là sự thật của bác ái, sự thật toàn vẹn trong yêu thương của Đức Giêsu. Quả thế, Đức Giêsu đã không bao giờ gạt bỏ sứ vụ mà Người nhận từ nơi Cha nhưng loan báo sứ vụ ấy như một đòi hỏi bắt buộc của kẻ đến thực thi ý Cha. Thế nên, truyền giáo là sứ vụ được sai đi để thực thi ý Cha mà những người theo Đức Giêsu phải thừa hành. Nhưng truyền giáo có phải là việc thống trị hay bành trướng của một tôn giáo?

Hiến chế Tín lý về Giáo hội cho thấy trung tâm và đời sống Giáo Hội là hoạt động truyền giáo, và hoạt động ấy cần được đặt trong khung cảnh lịch sử và địa lý của thời đại ngày nay[11]. Tuy nhiên, con đường truyền giáo thì không phải là con đường của sự bành trướng hay đồng hoá. Bành trướng là quan tâm đến số lượng, còn đồng hoá lại cho thấy một cuộc “xâm lược thô bạo” của lối tư duy độc tài. Trong khi đó, ánh hào quang của chân lý mà Đức Kitô mang đến, rao giảng và sai những kẻ theo Người phải ra đi loan báo lại là một sự thật của bác ái và yêu thương. Thế nên, không có nhịp cầu yêu thương thì sự thật hay chân lý không tự nó trở nên điều đáng được nhận biết. Vì lẽ, như thánh Phaolô đã khẳng định, chỉ có một sự thật duy nhất này là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết để chúng ta được sống.[12]

Cây cầu của bác ái đưa chân lý thấm nhiễm cuộc sống chắc hẳn phải làm sinh hoa kết quả là sự hiệp nhất. Nên một trong Đức Kitô chính là nên một trong chân lý, là hiệp nhất trong tình yêu thương. Điều đó, thánh Phaolô cũng lại cho thấy trong viễn cảnh của một thân thể không có sự chia rẽ nào cả, nhưng tất cả đều được tôn trọng và gắn kết với nhau vì cùng làm nên một Thân thể duy nhất của Đức Kitô.

3. Hiệp nhất: Tiếng nói của Chân lý trong Bác ái


Truyền giáo là sứ vụ được sai đi để nói tiếng nói của sự thật. Hơn bao giờ, việc nói lời chân lý trong thế giới hôm nay được nhìn dưới viễn cảnh rộng lớn hơn bằng tầm nhìn xa và con tim rộng mở hơn. Nói lời chân lý chưa hẳn là chọn lựa tối ưu nếu chỉ nhắm đến sự thống trị của một thứ sự thật thuộc về kẻ mạnh hay của một tập thể bành trướng. Nhưng tự bản chất, chân lý hướng đến sự thay đổi tận căn, chân lý làm người nghe nhận ra sự thật và khiến họ không thể không thay đổi. Nói khác đi, hoa quả sinh ra từ lời chân lý ắt là sự hiệp nhất sâu xa và sự hoán cải nội tâm triệt để.

Thách đố cho việc loan báo chân lý hôm nay cũng là việc can đảm sống tình liên đới trong cộng đồng nhân loại vốn hàm chứa nhiều mâu thuẫn và bất đồng. Đó cũng là cuộc chiến chống lại những xu thế ‘phi nhân’ đang lên ngôi trong thời kinh tế làm chủ. Tiêu chuẩn để người ta chọn lựa hay hành động theo sự thật không còn được đặt nặng về phía lòng nhân ái cho bằng lợi nhuận kinh tế. Thế nên, một cách nào đó, việc nói lời chân lý trong bối cảnh hôm nay trở thành đề tài cho việc truyền giáo trước thách đố của việc phát triển kinh tế.

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Lời khẳng định và đảm bảo của Đức Giêsu khi nói cho những kẻ theo Người biết rằng chân lý của Thiên Chúa thì đáng để cho họ ao ước và tìm kiếm biết bao. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không bao giờ phủ nhận thực tại trần thế này, mà chỉ xếp nó vào hàng thứ yếu chứ không là những đòi hỏi có tính sống còn. Phải chăng đó là một khẳng định khó chấp nhận? Sứ vụ truyền giáo hay việc loan báo chân lý hẳn nhiên không phải chỉ là việc nói lên sự thật nhưng cũng là sống sự thật trong điều kiện cụ thể. Rõ ràng, Đức Giêsu cũng nói rằng: Chính anh em hãy cho họ ăn!

Rõ ràng, cái đói nghèo thể chất sâu xa vẫn bắt nguồn từ cái đói nghèo tinh thần. Tại sao người ta vẫn chưa nhận ra sự thật này là họ có trách nhiệm phải cưu mang và giúp đỡ những kẻ bất hạnh hơn mình? Tại sao sự bất công vẫn còn đang đè nặng trên vai những người yếu thế, chẳng phải vì có những kẻ dẫm đạp chân lý vẫn còn được nhắm mắt làm ngơ? Giải quyết cái đói thể chất là công việc trước mắt, là giải quyết ‘cái ngọn’ của vấn đề. Phải cho những ai còn đang đói sự thật, đói chân lý được nghe lời sự thật hầu biến đổi tận căn con người cũ.

Chân lý hành động trong bác ái không chỉ dừng lại ở bề mặt của các sự kiện nhưng hướng đến những giá trị sâu xa hơn, siêu việt hơn: mọi người là anh em vì cùng một Cha trên trời. Lời sự thật cần mặc lấy ánh hào quang của bác ái để nối kết và xây dựng tình liên đới, sự hiệp nhất ngày càng bền chặt hơn, vì lẽ tất cả đều nên một trong một thân thể duy nhất của Đức Giêsu Kitô.

CHÚ THÍCH__

[1] “Vérité”, Jean-Yves Lacoste, Dictionnaire Critique de Théologie (Paris: PUF, 1998).
[2] Ibid.
[3] Ibid.
[4] George Eldon Ladd, A Theology of the New Testament (USA: William B. Eerdmans Publishing, 1993), tr. 302-305.
[5] Ibid.
[6] “Vérité”, Jean-Yves Lacoste, Dictionnaire Critique de Théologie (Paris: PUF, 1998).
[7] GLHTCG, các số 144, 1742.
[8] GLHTCG, số 2104.
[9] GLHTCG, số 864.
[10] GLHTCG, số 161.
[11] Xem thêm “Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II – Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội” (Ad Gentes).
[12] Xc. 1 Cr 8,11; 11,26; Pl 2,8; Cl 1,22.