Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

CHỨC LINH MỤC DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 166-174.

_J.b Nguyễn Đăng Trực_

Gần đây, trong một bài phỏng vấn, Linh mục David Toups, phụ tá Giám Đốc văn phòng Giáo sĩ, đời sống thánh hiến và ơn gọi của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, khẳng định rằng: mãi tới hôm nay vẫn còn nhiều linh mục và giáo dân nhầm lẫn về khái niệm chức linh mục thừa tác và chức linh mục cộng đồng của mọi tín hữu đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy, gọi tắt là chức linh mục tín hữu. Việc đề cao hai chức linh mục thừa tác và tín hữu khiến nhiều người có cảm tưởng hai chức linh mục đó đang cạnh tranh nhau hay loại trừ nhau. Chính Đức Gioan Phaolô II cũng xác nhận có hiện tượng “giáo sĩ hóa” giáo dân và “giáo dân hóa” giáo sĩ, do quan niệm mơ hồ về hai chức linh mục. Nguyên nhân của sự hàm hồ này theo linh mục David Toups là do một thứ thần học mà theo từ ngữ ngài dùng là “bad” theology. Vì thế ưu tiên của triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II theo linh mục Toups là sửa chữa nhận thức sai lầm của loại thần học này.

Ngay trong chức linh mục thừa tác cũng có những quan niệm khác nhau: có người dựa vào văn kiện Công đồng Vat II trong sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục đưa ra một định nghĩa tổng quát về chức linh mục như mô hình chuẩn mực cho chức linh mục thừa tác: Các linh mục là những người điều hành các cộng đoàn tín hữu địa phương và thi hành thừa tác vụ bí tích trong sự hiệp thông với các Giám mục giáo phận mình. Chắc hẳn quan điểm này không có gì sai trái, nhưng chức linh mục trong Giáo hội còn có nhiều kiểu mẫu và hình thức khác nữa: chức linh mục trong cương vị mục tử khác với chức linh mục thuộc một dòng chiêm niệm và cũng khác với chức linh mục thuộc dòng tu tông đồ. Chức linh mục dòng Anh em Thuyết giáo là chức linh mục thuộc dòng giáo sĩ tông đồ.

Chức linh mục trong Giáo hội công giáo kết hợp hai vai trò: phụng tự và ngôn sứ (Karl Rahner: “Priestly existence”)

Chức linh mục phụng tự (cultic priesthood) tiến hành qua thừa tác vụ bí tích, chủ tọa kinh nguyện phụng vụ tại các cộng đoàn tín hữu đia phương. Vai trò này nổi bật nơi các linh mục dòng tu chiêm niệm hay đan tu, các linh mục thuộc kinh sĩ hội hay các linh mục trong vai trò mục tử. Chức năng của chức linh mục phụng tự chủ yếu hướng dẫn cộng đoàn qui hướng về Thiên Chúa qua kinh nguyện, phụng vụ và hồng ân bí tích.

Chức linh mục ngôn sứ (prophetic priesthood) tiến hành qua thừa tác vụ Lời dưới nhiều hình thức khác nhau để Lời có thể được nghe, được nhập thể, được thâm nhập vào đời sống con người. Qua thừa tác vụ Lời, Lời Chúa được truyền đạt tới con người, để chân lý Tin Mừng hướng dẫn đời sống của họ.

Trên bình diện thực hành, không thể tách biệt hai yếu tố hay giản lược yếu tố này vào yếu tố kia và nếu không vượt qua được khuynh hướng phân cực của hai yếu tố đó, có thể dẫn tới khủng hoảng về căn tính linh mục. Tuy nhiên, qua các giai đoạn lịch sử Giáo hội, yếu tố này có thể được diễn tả rõ nét hơn yếu tố kia.


CHỨC LINH MỤC NGÔN SỨ DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT

Một sự kiện gây ngạc nhiên là năm 1215, cha Đa Minh đến Roma, điều cha tìm kiếm và mong đạt được ở đó không phải là được Giáo hoàng chấp nhận một tu luật cho một dòng tu mới nhưng là phê chuẩn một dòng tu được mệnh danh là dòng Anh em Thuyết giáo. Đây là một sự kiện chưa từng có[1].

Không lạ gì Simon Tugwell đã ghi lại một câu truyện có liên quan đến biến cố được cho là do một anh em giảng thuyết tiên khởi kể lại: khi cha Đa Minh thỉnh cầu Đức Innocent III chấp nhận cộng đoàn mới của ngài với danh hiệu dòng Anh em giảng thuyết, Đức Thánh Cha tỏ vẻ ngạc nhiên và trộm nghĩ: tại sao vị linh mục này muốn thành lập một dòng gồm toàn các Giám mục[2]. Vì thời đó chỉ các Giám Mục mới là các nhà giảng thuyết chính thức. Các linh mục chủ yếu là những thừa tác viên phụng tự nghĩa là cử hành các bí tích mà thôi, họa hoằn lắm mới được ủy quyền giảng thuyết trong một vài trường hợp đặc biệt nào đó. Câu truyện có thực hay chỉ là hư cấu, điều đó không quan trọng. Điều đáng kể là nó đã cung cấp một thông tin hữu ích về một biến cố: năm 1217 Đức Honorio III đã chính thức phê chuẩn cộng đoàn cha Đa Minh là dòng Anh Em Giảng thuyết. Từ đó, giảng thuyết là nhiệm vụ chính yếu và là căn tính của Anh em Đa Minh. Quyền lợi và nhiệm vụ giảng thuyết từ nay không lệ thuộc các Giám mục nhưng lệ thuộc Dòng và trên hết là lệ thuộc Giáo Hoàng. Dầu vậy trong những năm tháng đầu mới khai sinh, Dòng phải đón nhận nhiều phê bình, chỉ trích. Trong một khảo luận được viết năm 1260, tu sĩ Pecham thuộc dòng Phan Sinh đã công khai phản đối danh hiệu dòng mới này. Ngài muốn danh hiệu đó chỉ dành cho các Giám mục mà thôi[3].

Tuy nhiên đâu phải vì ngẫu hứng mà cha Đa Minh muốn thiết lập một dòng chuyên về giảng thuyết. Mối bận tâm thôi thúc tâm can ngài phát xuất từ bối cảnh thực tế của Giáo hội nơi ngài đang công tác. Chúng ta đã biết, trước khi lập dòng Anh Em thuyết giáo, Đa Minh là linh mục thuộc kinh sĩ hội của giáo phận nhưng ngài được đặc cử thi hành thừa tác vụ lưu động với Giám mục Diego Osma trong chiến dịch chống lại bè rối Albigen miền nam nước Pháp. Tại nơi đây, ngài nhận ra nhiều tín hữu bị lạc giáo thu hút vì thiếu hiểu biết chân lý Tin mừng do không được truyền đạt thấu đáo. Chính nhu cầu này đã khơi lên nơi ngài ý định thiết lập một dòng giảng thuyết. Từ đó toàn thể linh đạo gia đình Đa Minh được khai triển theo chiều hướng này. Điều hệ trọng là phải hiểu đúng thuật ngữ giảng thuyết trong danh hiệu “dòng Anh Em Giảng thuyết”. Đã diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà thần học Đa Minh về vấn đề này. Chỉ biết rằng một số anh em đã quan niệm thuật ngữ “giảng thuyết” quá rộng, hầu như đồng hóa với “chứng tá Tin mừng”. Theo đó, toàn thể đời sống Kitô giáo đều là chứng tá cho Tin mừng. vì bao hàm mọi hình thức thừa tác vụ. Một số lại quan niệm thuật ngữ “giảng thuyết” quá hẹp, đồng hóa với hình thức diễn giảng lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ, một chức năng dành cho các linh mục thừa tác. Để tránh những thái quá và bất cập và tình trạng một giai đình lại có nhiều đặc sủng khác nhau, Hiến pháp dòng Anh Em Giảng thuyết năm 1969 đã sử dụng thuật ngữ “thừa tác vụ Lời” (the ministy of the Word) thay thế thuật ngữ “giảng thuyết” (preaching). Động thái này phát xuất từ công cuộc canh tân đời sống Giáo hội của công đồng Vat II.

Công đồng Vat II đã làm sáng tỏ thừa tác vụ của Đức Kitô và của mọi Kitô hữu về ba phương diện :

1) Thừa tác vụ Lời: Rao giảng, dạy dỗ, loan báo Tin mừng, truyền đạt chức năng ngôn sứ.

2) Thừa tác vụ xây dựng cộng đoàn: chức năng điều hành, chức năng mục tử.

3) Thừa tác vụ phụng tự: là thừa tác vụ tư tế, cử hành các bí tích và chức năng chuyển cầu. Cha Đa Minh đã chọn phương diện (1) Thừa tác vụ Lời, là hướng đi ưu tiên cho Dòng của ngài. “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo phục dịch bàn ăn là điều không hợp lý… Do đó, chúng tôi sẽ dành trọn thời giờ để cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,2-4). Còn sự diễn giảng trong phụng vụ Thánh lễ chỉ là một phần trong tổng thể thừa tác vụ Lời. Không lạ gì, ngay những ngày mới khai sinh Dòng, đôi khi các anh em tập sinh chưa có chức linh mục cũng được sai đi rao giảng, như thánh Phaolô đã nói: “Hãy rao giảng trong thời vụ cũng như ngoài thời vụ” (in season and out of season. 2 Tm 4,2), hay “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (PVCGK). Đối với cha Đa Minh, thừa tác vụ Lời không bị giới hạn vào không gian và thời gian nhất định. Công cuộc rao giảng Tin mừng đích thực là truyền thông Lời Chúa bằng mọi cách cốt sao cho Lời đó đánh động con tim và soi sáng tâm trí con người. Với ý nghĩa này, tổng công hội dòng năm 1977 đã khẳng định : Thừa tác vụ Lời là ưu tiên của mọi ưu tiên đối với thừa tác vụ Đa Minh.

Thánh nữ Catarina Sienna cũng nắm bắt được ý hướng của cha Đa Minh về sứ vụ Lời nên thánh nữ thường nhắc đi nhắc lại với cha linh hướng: điều an ủi nhất của chị là được nói về Chúa với tha nhân[4]. Mới đây nữ tu viện trưởng Caire Marie de Jesus Rolf, OP, đan viện Prouilhe, đan viện đầu tiên do cha Đa Minh thiết lập, trong một bài viết có tựa đề “Nuns at the heart of the preaching” chị cũng nói về ý hướng của cha Đa Minh lúc chọn địa điểm xây dựng đan viện như sau: “Cha Đa Minh đã có thể chọn một nơi an toàn hơn để xây dựng cộng đoàn nữ đan viện tiên khởi, nhưng ngài đã xây dựng cộng đoàn ngay giữa mảnh đất hoang, hoàn toàn bị bao vây bởi những người theo lạc giáo Cathars vì cha Đa Minh muốn chị em trở thành ánh sáng, lan tỏa sự hiện diện sống động của Đức Kitô giữa một vùng tăm tối thiếu ánh sáng chân lý Tin mừng. Prouilhe chỉ rao giảng trong thầm lặng nhưng là một sự rao giảng đầy uy lực. Chị cũng nhắc lại quan điểm tương tự của cố bề trên tổng quyền Damian Byrne, OP.: “chính nơi đây qua chứng tá đời sống mà các chị em chiêm niệm của chúng ta trở nên trung tâm của gia đình giảng thuyết”. Các ngành khác trong gia đình Đa Minh cũng đã khẳng định những phương thức thể hiện các đặc sủng thừa tác vụ Lời một cách cụ thể do ủy ban khảo sát việc thực thi đặc sủng của dòng thực hiện năm 2006. Gia đình Đa Minh chỉ có một đặc sủng chung: thừa tác vụ Lời. Cùng được tham dự vào đặc sủng chung với những cách thức thể hiện khác nhau, nên không một ai, một ngành nào trong gia đình Đa Minh con mang mặc cảm mình là công dân hạng hai trong gia đình nữa.

Vấn đề linh đạo và đặc sủng thừa tác vụ Lời trên đây giúp hiểu tường tận hơn về chức linh mục ngôn sứ dòng Anh Em Giảng Thuyết; nhưng vì từ thuở ban đầu, đời sống Đa Minh đã mang chiều kích chiêm niệm và phụng vụ nên không thể tránh khỏi xuất hiện một sự căng thẳng giữa hai chức vụ phụng tự và ngôn sứ. Để duy trì nguyên tắc ưu tiên của thừa tác vụ Lời, hiến pháp dòng đã trù liệu trao cho các bề trên quyền chuẩn chước việc tuân thủ qui luật chung của dòng nếu qui luật ấy cản trở việc thi hành thừa tác vụ Lời và việc nghiên cứu của anh em. Như vậy, khía cạnh ngôn sứ vẫn chiếm vị thế ưu tiên hơn khía cạnh phụng tự và linh đạo vẫn đi theo sứ vụ.

Cha Đa Minh đã bị thôi thúc bởi một hoàn cảnh cụ thể và đã can đảm mở ra một hướng đi mới, nhằm phục vụ Giáo hội qua vai trò ngôn sứ của chức linh mục, vai trò này ngày nay cần được diễn tả rõ nét hơn. Tuy nhiên trong bài nói chuyện với các tín hữu ngày 24/6/2009, Đức Bênêđictô 16 khẳng định: “Không bao giờ có sự đối nghịch giữa hai yếu tố phụng tự và ngôn sứ trong chức vụ linh mục; và ngày 1/7/2009, ngài nhắc lại điều đó nhưng với từ ngữ khác: “Căn tính bí tích và sứ vụ Tin mừng hóa của chức linh mục không thể tách biệt nhau”. Nếu giữa hai yếu tố này xuất hiện sự phân cực thì cuộc khủng hoảng căn tính linh mục không thể tránh khỏi. Cha nguyên bề trên tổng quyền Timothy Radcliffe OP cũng đã phân tích vấn đề này trong bài nói chuyện tại hội nghị các linh mục Anh quốc với tựa đề “niềm vui và nỗi buồn của chức linh mục hôm nay”: “Trước công đồng Vat II, chức linh mục có một căn tính rõ rệt, ngài là hình ảnh linh mục phụng tự thánh thiêng, có một cương vị nổi bật và được kính trọng mọi nơi vì nơi ngài có chức thánh, ngài trở nên cao quí vì mỗi ngày ngài cử hành thánh lễ misa, thánh hiến mình và máu Chúa Kitô, cho dù ngài có thể là vị mục tử và nhà giảng thuyết vụng về, buồn tẻ. Nhưng với công đồng Vat II, căn tính ấy đã bị đặt thành vấn đề, cùng với các vấn đề khác như tái khám phá chức linh mục cộng đồng của những ai đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy, tái khám phá ơn gọi nên thánh phổ quát của dân Chúa, tái khám phá ơn gọi linh thánh bậc hôn nhân. Đối với chức linh mục thừa tác, công đồng khai triển dưới khía cạnh phục vụ và lãnh đạo. Tuy nhiên, hầu hết các linh mục rất phấn khởi với căn tính mới này, ít là trên lý thuyết vì nó giải thoát các ngài khỏi những lời chỉ trích phê phán chua cay: những người của chủ nghĩa giáo sĩ độc đoán. Công đồng đề nghị một căn tính linh mục thừa tác theo căn tính linh mục của Đức Giêsu, Đấng loan báo Tin mừng. Thế nhưng hơn 40 năm sau công đồng, nhiều linh mục vẫn cảm thấy không thỏa mãn với căn tính này. Ý niệm về người linh mục là gia bộc và lãnh đạo chỉ đẹp trên lý thuyết. Thực tế lại hoàn toàn khác, người gia bộc lại thường bị dư luận coi là những người hầu hống hách, tương tự như những tiếp viên tại các nhà hàng Pháp quốc, lúc nào cũng chứng tỏ ta đây, nên thường nhanh nhảu khuyên các thực khách cần gọi món này, món nọ. Còn thần học về sự phục vụ lại thường tập trung vào những gì linh mục cần làm hơn là linh mục là ai. Điều này có thể dẫn đến quan điểm duy lợi về chức linh mục, quan điểm lấy nguyên tắc có lợi để đánh giá thành công của người linh mục; phải là một linh mục thật tốt, phải làm việc không ngừng, phải đem lại lợi ích thiết thực. Nhưng trong thế giới duy tục này, con người tỏ ra hờ hững và dửng dưng với nghĩa vụ tôn giáo thì mọi nỗ lực của người linh mục nhiều khi chỉ đạt được những thành quả rất khiêm tốn, nếu không nói là thất bại.

Hình ảnh lãnh đạo của người linh mục cũng không tạo được sự phấn khởi vì quan niệm về thừa tác vụ trong Giáo hội sau công đồng Vat II được dàn trải quá rộng như tại giáo hội Hoa Kỳ có đến 80% tín hữu là thừa tác viên và trong số đó 80% là nữ giới. Hiện tượng này khiến một số linh mục cảm thấy bị mất giá. Hơn nữa thần học lại quá lý tưởng hóa vai trò lãnh đạo theo khuynh hướng như đã đề cập trên đây: “vị lãnh đạo phải là một nhà Giảng thuyết sáng chói, một nhà quản trị hữu hiệu, một nhà phụng vụ đầy sáng tạo, một mục tử không biết mỏi mệt đi đến với mọi người.” Vì thế thật là dễ hiểu khi một số linh mục, thường là những linh mục trẻ bị cám dỗ quay về với hình ảnh linh mục phụng tự, với đôi tay thánh thiện và luôn được kính trọng với hình ảnh linh thánh thuở nào. Vấn đề coi như hoàn toàn bế tắc?

Thiết tưởng là không, nếu tìm đọc thư thánh Phaolô gửi tín hữu Do thái, văn kiện Tân Ước duy nhất khai triển thần học đích thực về chức linh mục. Trong đó, chúng ta tìm được chân dung Đức Giêsu Thượng tế, một hình ảnh thánh thiêng, cử hành phụng vụ thiên quốc. Nhưng sự thánh thiện nơi Ngài không hề tách biệt, trái lại luôn gắn bó với mọi người. Nơi Ngài người ta không thấy có thái độ phân cực giữa chức linh mục ngôn sứ hay phục vụ và chức linh mục phụng tự thánh thiêng.

Sự thánh thiện trong Cựu Ước bao hàm sự tách biệt vị linh mục khỏi những gì là ô uế và bất toàn. Vị Thượng tế không thể đến gần một xác chết. Còn trong thư Do thái sự thánh thiện của Đức Kitô ôm choàng lấy những con người bất toàn và tội lỗi. Sự thánh thiện của Đức Kitô được biểu lộ không phải bằng sự xa lánh nhưng là những cử chỉ gần gũi với mọi người. Đỉnh cao của thừa tác vụ thánh thiêng là lúc Ngài đón nhận cái chết, nghĩa là một cái gì được cho là ô uế nhất vì chính Ngài trở thành một xác chết.

Chính Tin mừng không bao giờ nói trực tiếp về Đức Kitô linh mục nhưng chúng ta lại nhận ra một nền thần học về chức vụ thánh thiêng đó. Ngài ôm lấy những gì không được phép đụng chạm tới, những người phong cùi. Ngài đồng bàn với những người tội lỗi. Ngài là chiên hiến tế chết trên bàn thờ thập giá, nhờ vậy toàn dân Chúa cũng trở thành dân thánh và tư tế vì được tham dự vào chức vụ tư tế của Đức Kitô.

Hình ảnh người linh mục như một gia bộc và lãnh đạo là hai hình ảnh khó dung hòa. Người lãnh đạo thường được mong đợi là người có khả năng chuyên môn, có óc quyết đoán, chứ không phải hạng người yếu đuối, do dự. Trên hết cương vị lãnh đạo thường được đánh giá về phương diện thành đạt. Chức linh mục lại không theo chiều hướng đó. Thư Do thái có thể cung cấp cho chúng ta một cái nhìn về cương vị lãnh đạo mang tính linh mục, Đức Giêsu lãnh đạo chúng ta bằng cách đi bước trước. Bao giờ Ngài cũng đi bước trước đến với những người bị khai trừ, những người bị gạt bên lề xã hội, những người tội lỗi. Trong dụ ngôn đứa con phung phá, sự hòa giải đạt được vì cả đứa con thứ và người cha đều đã đi bước trước theo hướng ngược nhau. Đứa con đi bước trước trở về mái nhà thân thương trước kia, người cha đi bước trước đến gặp người con yêu dấu của mình. Hiện tại chúng ta cũng có một mẫu gương sống động. Đức Bênêđictô 16 đã đi bước trước đến với những người Chính thống, người Do thái, người Hồi giáo, chấp nhận nguy cơ bị khước từ. Ngài đi bước trước để xin tha thứ vì những lầm lỗi của Giáo hội. Cương vị lãnh đạo theo mẫu gương Đức Kitô đối với người linh mục cũng vậy. Người lãnh đạo không có nghĩa là người tài cán, quyết đoán, luôn nói kẻ khác phải làm cái này, cái nọ. Cương vị lãnh đạo đòi hỏi người linh mục phải đi bước trước đến với con người để tha thứ hay xin tha thứ. Kết quả cuối cùng cũng có thể giống như Đức Kitô là dẫn người linh mục tới nỗi cô đơn của thập giá nghĩa là dẫn đến sự tổn thương.

Còn sự kiện Công đồng Vat II mời gọi người tín hữu tham gia rộng rãi vào các thừa tác vụ của Giáo hội nghĩa là trở thành những gia bộc của gia đình mình, hoàn toàn không nhằm tương đối hóa phía bên kia là chức linh mục thừa tác như một số người thầm nghĩ. Giáo hội chỉ muốn thừa nhận một ơn gọi phổ quát nghĩa là khả năng nên hoàn thiện và phẩm giá của cả đôi bên. Lại nữa, nếu chức linh mục thừa tác đảm nhiệm chức năng mục tử, người linh mục vẫn là thành phần trong đoàn chiên của Chúa. Cũng vậy các linh mục vẫn thường được mệnh danh là Kitô khác nhưng không có nghĩa là Chúa Kitô hoàn toàn vắng mặt và linh mục thay thế Ngài. Không một ai có thể thay thế Đức Kitô. Ngài vẫn luôn hiện diện, dĩ nhiên là cách huyền nhiệm. Thế nên mọi thừa tác vụ trong Giáo hội chỉ là những dấu chỉ hữu hình của một Đức Chúa Phục sinh vẫn hiện diện và hành động giữa chúng ta.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA CHỨC LINH MỤC NGÔN SỨ DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT HÔM NAY

Chức linh mục ngôn sứ Đa Minh là chức linh mục của sứ điệp Tin mừng (Kerygmatic). Do đó nó được cấu trúc theo những đòi hỏi của công cuộc loan báo Tin mừng, mang một số tính chất nổi bật:

* Tính uyển chuyển, lưu động: Rao giảng Tin mừng bất cứ nơi nào Đức Kitô cần được công bố. Trong lãnh vực này thánh Đa Minh đã thành công khi tìm được phương thức qua đó thừa tác vụ linh mục mang tính lưu động nhưng được thể chế hóa nghĩa là theo thể thức luật Giáo hội, lần đầu tiên dòng của ngài được thiết lập để rao giảng Lời, theo sự ủy thác của Giáo hội chứ không theo thể thức của đời sống tu trì hay theo cách tổ chức của đời sống đan tu Sđd tr 19.

* Phúc âm hóa: chức linh mục ngôn sứ được cấu trúc gắn bó với thừa tác vụ Lời chủ yếu là không ngừng loan báo Tin mừng vì hoàn cảnh thế giới ngày nay rất giống hoàn cảnh xã hội thời thánh Đa Minh nhiều tín hữu bị cuốn hút theo các giáo phái do chân lý Tin mừng được truyền đạt cho họ còn bị hạn chế. Đàng khác nhiều tín hữu vẫn sống theo nếp cũ, chỉ chú trọng khía cạnh phụng vụ và bí tích. Do đó chức linh mục ngôn sứ vẫn có thể phục vụ Giáo hội cách hữu hiệu như đã thể hiện trong Giáo hội thời thánh Đa Minh.

* Công bình xã hội: Giáo hội cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 rất ý thức về chiều kích xã hội của Tin mừng. Thượng hội đồng Giám mục năm 1971 tuyên bố rõ ràng “hoạt động nhân danh công lý là chiều kích thiết yếu của công cuộc rao giảng Tin mừng” (Công lý trên thế giới, tuyên ngôn Thượng Hội đồng Giám mục 1971). Công cuộc canh tân đời sống tu trì theo tinh thần Công đồng Vat II cũng vẫn tìm cách gắn liền công lý và sự liên đới với người nghèo như là thành phần cấu tạo của ơn gọi và sứ vụ đời sống tu trì. Công bình xã hội và sự liên đới với người nghèo cũng làm nên tính cách của chức linh mục ngôn sứ. Đức Bênêđictô 16 cũng nhấn mạnh đến mẫu gương Cha sở họ Ars về phương diện này.

* Đời sống trí thức, ngay khi dòng mới được hình thành, cha Đa Minh đã nỗ lực để anh em có được một nền giáo dục chất lượng cao nên đã gửi anh em đến hai trường đại học Âu Châu nổi tiếng thời đó là Paris và Bologna và ngài đã tạo điều kiện bằng cách chuẩn chước cho anh em khỏi giữ qui luật chung nếu nó cản trở việc học hỏi và nghiên cứu của anh em. Ngày nay, để Tin mừng có thể thẩm thấu vào nền văn minh kỹ thuật, người linh mục không những cần có một nền giáo dục tầm cao mà còn phải có một tâm thức nhạy bén và sâu sắc về các vấn đề xã hội quan tâm.

Cha Đa Minh đã hình dung một chức linh mục ngôn sứ theo ý nghĩa đó.

_______________

[1] Simon Tugwell, the way of the preacher, tr 5.

[2] Sđd tr 14.

[3] Sđd tr 18.

[4] Sđd tr 28.