Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

THÁNH ĐA MINH : SỬ KÝ VÀ THÁNH KÝ

 Thời sự Thần học - Số 93, tháng 08/2021, tr. 43-86 

_Phan Tấn Thành_ 

Nhập đề. Vài khái niệm sử học: lịch sử / sử ký; tiểu sử / thánh ký
I. Nguồn tài liệu
  A. Liệt kê: Bốn cấp độ
  B. Nhận xét: Những giới hạn của các dữ liệu
II. Vài dữ kiện căn bản (sử ký)
  A. Những niên biểu chính của cuộc đời thánh Đa Minh
  B. Nhận xét: 1. Thân thế. 2. Âm thầm và công khai. 3. Thiết lập ngành nữ. 4. Qua đời
III. Nhân đức và phép lạ (thánh ký)
  A. Chung quanh việc chào đời và tuổi niên thiếu
  B. Cuộc đời công khai
  C. Sau khi qua đời
Kết luận.
  1. So sánh với thánh Phanxicô
  2. Vài cách chiêm ngắm khuôn mẫu Đa Minh trải qua thời gian
Phụ lục. Chân dung thánh Đa Minh qua cái nhìn của hai vị Giáo hoàng: Bênêđictô XV (1921) và Phanxicô (2021)

Nhập đề


Năm nay, Dòng Đa Minh mừng kỷ niệm 800 năm ngày kết thúc cuộc đời dương thế (dies natalis) của thánh Đa Minh. Đây là cơ hội tốt để ôn lại những chứng tích về cuộc đời của ngài. Chúng tôi sẽ không kể lại tiểu sử của vị thánh, nhưng chỉ trình bày vài điểm liên quan đến phương pháp nghiên cứu lịch sử. Tại sao có vấn đề?

1/ Khi nghiên cứu về cuộc đời Đức Giêsu, các sinh viên thần học đã được nghe nói đến sự phân biệt giữa “Đức Giêsu của lịch sử” và “Chúa Kitô của đức tin” (thuật ngữ trở thành phổ thông kể từ bài diễn văn của Martin Kaeler năm 1892: Der soggenannte historische Jesus und der geschichtliche, biblische Christus). Các sách Tin Mừng không phải là tiểu sử của Đức Giêsu, nhưng là chứng tích của niềm tin của các môn đệ vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Các sách Tin Mừng cung cấp rất ít dữ liệu về cuộc đời Đức Giêsu. Đại khái, chúng ta biết Người khai mạc sứ vụ ở Galilê, rồi kết thúc tại Giêrusalem, nơi mà Người bị bắt và chịu chết (xc. Cv 10,37-40). Sứ vụ của Người kéo dài bao lâu? Không biết! Người đã làm gì từ khi sinh ra cho đến khi giảng đạo? Không biết! Chỉ có Mátthêu và Luca để lại cho chúng ta ít chi tiết về thời thơ ấu của Người, nhưng những chi tiết ấy lại không hoàn toàn trùng hợp với nhau. Chẳng hạn, theo Mátthêu, ông Giuse quê ở Bêlem, như vậy có lẽ ông cũng lấy vợ cùng xứ. Còn theo Luca, Đức Maria quê ở Nazareth, sau đó về Bêlem sinh con vì muốn tuân hành sắc chiếu của hoàng đế Rôma. Luca không đả động tới việc di cư sang Ai-cập; Mátthêu không đề cập đến những lần đưa hài nhi Giêsu lên đền thờ. Để giải quyết những vấn nạn được nêu lên chung quanh sự khác biệt ấy, các học giả mời chúng ta hãy cố gắng khám phá dụng ý của các tác giả Tin Mừng là gì: họ có chủ ý viết tiểu sử của Đức Giêsu không; hay tiểu sử chỉ là phụ thuộc, còn việc củng cố lòng tin mới là cốt yếu (Ga 20,31)? Rồi cũng phải tìm hiểu xem tác giả nhắm tới độc giả nào: viết cho các tín hữu gốc Do-thái hay gốc dân ngoại? Đâu là điều Mátthêu muốn nói khi chọn quê hương cho Đức Giêsu là Bêlem (thay vì Nazareth): phải chăng vì muốn cho thấy rằng Đức Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít (Mt 1,5)? Tại sao cho Đức Giêsu lánh nạn sang Ai-cập: phải chăng là để cho thấy Người là ông Môsê mới dẫn đoàn dân ra khỏi Ai-cập (Mt 2,21)? (trong Mátthêu, rất nhiều sự kiện được kèm theo chú giải: “hầu ứng nghiệm”.)

2/ Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người: vì thế sự phân biệt giữa “lịch sử” và “đức tin” trong lối tiếp cận là chuyện dễ hiểu: con mắt người phàm chỉ nhận ra Đức Giêsu lịch sử; cần có đức tin mới nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa. Mặt khác, ngay cả trong lối tiếp cận lịch sử, ta cũng cần biết một sự phân biệt khác nữa, đó là giữa lịch sử và sử ký. Thời xưa, người Rôma đã phân biệt giữa “sự kiện” (res gesta, chuyện xảy ra) và “sử học” (historia, nghiên cứu và phê phán). Ngày nay, người ta phân biệt giữa “lịch sử” (histoire) và “sử ký” (historiographie): không ai có thể ghi chép hết tất cả mọi chuyện xảy ra trên đời (lịch sử); ta buộc phải chọn lọc những chuyện gì “đáng kể” (sử ký) mà thôi. Vì thế Friedlich Nietzche đã nhận xét chí lý rằng: “Không có sự kiện mà chỉ có giải thích”. Thực vậy, chọn lọc là giải thích rồi; ta chỉ lựa tin nào mình cho là quan trọng thì mới ghi lại. Và ta cũng có thể thêm một nhận xét nữa là: “Nhiều trang sử được viết bởi người thắng trận”, bởi vì những người thua không “làm nên lịch sử”.

3/ Khi bước vào chuyện các thánh, người ta còn thêm sự phân biệt giữa “tiểu sử” (biographie) và “hạnh thánh” (hagiographie). Theo nguyên gốc Hy-lạp, hagiographia (hagios: thánh; graphê: chữ viết) có nghĩa là viết về các thánh. Đôi khi từ ngữ này áp dụng cho Sách thánh (Thánh Kinh), nhưng ngày nay, người ta hiểu về các văn phẩm viết về các vị thánh. Khi kể lại tiểu sử các vị thánh, “hạnh thánh” không chỉ kể lại cuộc đời của một phàm nhân, nhưng còn muốn đề cao các nhân đức của đương sự (đáng cho ta ngưỡng mộ bắt chước) và các phép lạ (đáng cho ta tin tưởng cầu xin ơn lành).

Bây giờ áp dụng vào thánh Đa Minh, chúng ta thử tìm hiểu: đâu là “sử ký” (kể lại cuộc đời) và đâu là “thánh ký”? Bài này gồm có ba phần: 1/ Trước hết, chúng ta lược qua các nguồn sử liệu, kèm theo nhận xét về chủ đích của người viết. 2/Tiếp đến, điểm qua những niên biểu chính trong “cuộc đời” thánh Đa Minh. 3/ Cuối cùng, nêu bật những yếu tố thuộc về “thánh ký”.

I. Những nguồn sử liệu về thánh Đa Minh


Khỏi nói ai cũng biết, khi viết sử cần phải “nói có sách, mách có chứng”: không phải bất cứ chứng cớ nào, nhưng là chứng cớ đáng tin cậy của những người “mắt thấy tai nghe”, chứ không kể lại theo tin đồn. Những chứng cớ càng xa sự kiện thì càng giảm tín lực, và có nguy cơ là được thêu dệt theo óc tưởng tượng mà thôi (fake news)!

Trước hết, chúng ta hãy liệt kê ra các nguồn tài liệu ra đời trong thế kỷ XIII[1]. Kế đó, chúng ta nhận xét về giá trị của các nguồn này.

A. Liệt kê các nguồn sử liệu


Các nguồn sử liệu có thể xếp thành bốn cấp, tùy theo mức độ xa gần với sự kiện.

1. Lẽ ra, cấp thứ nhất phải được dành cho các tác phẩm của chính thánh Đa Minh, cách riêng là hồi ký, thư tín. Thế nhưng, khác với các vị lập dòng khác (chẳng hạn như thánh Phanxicô Assisi)[2], thánh Đa Minh không để lại bút tích gì. Chúng ta cũng chẳng có dấu vết gì từ phía các môn đệ đầu tiên của Dòng. Vì thế, cấp thứ nhất được dành cho những nhân chứng công khai trong Vụ án phong thánh: Acta canonizationis sancti Dominici, mở ra tại Bologna (năm 1233 với 9 nhân chứng), và Toulouse (năm 1234 với 27 nhân chứng). Giá trị của các nhân chứng không đồng đều, người dài người ngắn. Mặt khác, họ chỉ kể lại các “nhân đức” của cha Đa Minh, chứ không thuật lại tiểu sử của ngài, và họ chỉ quen biết ngài trong thời gian hoạt động ở Toulouse và Bologna, chứ không cho biết gì thêm về những giai đoạn trước đó[3].

2. Cấp thứ hai là các tác phẩm của tổng quyền Giorđanô de Saxonia: Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum (1234-35), kèm theo thư luân lưu nhân dịp cải táng (24/5/1233): Epistola Encyclica de actis in translatione corporis S. Dominici. Cha Giorđanô là người kế vị thánh Đa Minh, lãnh đạo Dòng trong thời gian khá dài (1221-1236), và là người xúc tiến việc phong thánh cho vị sáng lập.

3. Cấp thứ ba là những tài liệu viết sau khi cha Đa Minh được phong thánh (3/7/1234).

Các tài liệu này được soạn ra để đọc trong buổi cử hành phụng vụ, nêu cao các nhân đức và các phép lạ. Đó là lý do của các “Legenda”. Legenda không phải là chuyện dã sử hoang đường (như là légende trong tiếng Pháp, legend tiếng Anh), nhưng là những bài đọc (legere, lectio) trong phụng vụ (giờ Kinh Sách dành cho chính ngày lễ và tuần bát nhật). Các bản văn được kiện toàn dần dần. Có ba legenda ra đời theo thứ tự thời gian: Pedro Ferrando, Constantino Orvieto, Humberto de Romans. Tại sao có ba bản? Chúng ta sẽ trở lại vấn đề trong mục nhận xét.

4. Cấp thứ bốn là các tài liệu tuyên dương và huấn đức.

Khi thế hệ đầu tiên của Dòng sắp qua đi, người ta lo thâu lượm các chứng từ về thánh tổ phụ và đồng bạn tiên khởi. Mục tiêu chính yếu không phải là xuất bản thành tư liệu sử học nhưng là để giúp vào việc huấn luyện tu đức cho các anh em mỗi khi chiêm ngắm những mẫu gương của các bậc tiền bối. Ngoài ra còn phải thêm một mục tiêu thứ yếu nhưng không kém phần quan trọng, đó là anh em thấy nhức nhối khi thấy Dòng Phanxicô xuất bản nhiều tư liệu về các phép lạ của thánh tổ phụ và các đồng bạn. Quân ta cũng quyết định cho ra đời các bộ sưu tập các thánh tích và phép lạ để thiên hạ biết rằng Dòng Giảng thuyết không thua kém gì Dòng Anh em Hèn mọn đâu![4] Đó là chưa kể những cuộc tranh đấu với các giáo sĩ triều ở đại học Paris, căng thẳng đến nỗi có người (Guillaume de Saint-Amour) vận động xin Giáo hoàng dẹp bỏ cả hai Dòng Đa Minh và Dòng Phanxicô.

Có thể xếp vào loại này (giới hạn vào những tác phẩm ra đời trong thế kỷ XIII):

- Vitae Fratrum Ordinis Praedicatorum necnon chronica Ordinis ab anno 1203 usque 1254 của Gérald de Frachet (1195-1270), được ấn hành trong tủ sách MOPH I (Rôma 1896). Tổng hội 1245 truyền cho các anh em nếu biết được phép lạ nào của thánh Đa Minh thì hãy thông báo cho bề trên tổng quyền. Lệnh này còn được lặp lại ở các tổng hội 1252, 1255 và 1260. Trong bối cảnh này mà cuốn sách Vitae Fratrum được biên soạn do cha Gérald de Frachet, giám tỉnh Paris (khoảng năm 1259), và được tổng hội 1260 phê chuẩn.

- Legenda aurea của Giacomo da Varazze (khoảng 1261-1266).

- Vita sancti Dominici của Rodrigo de Cerrato (khoảng 1270-1282).

- Miracula beati Dominici do chị Cêcilia Cesarini kể lại 14 phép lạ của thánh Đa Minh thực hiện tại Rôma (khoảng 1288).

- Libellus de vita et obitu et miraculis S. Dominici et de ordine quem instituit của Dietrich (Theoricus) Apolda (khoảng 1288-97).

- Những tác phẩm vô danh: Quomodo s. Dominicus orabat (chín cách cầu nguyện của thánh Đa Minh, viết khoảng 1260-1288), Tractatus de approbatione Ordinis Fratrum Praedicatorum (viết khoảng 1260-1270).

B. Phê bình dữ liệu


Dựa trên những chứng tích vừa rồi, chúng ta có thể viết lại cuộc đời thánh Đa Minh cách trung thực không?

Để lại cho câu hỏi này, trước hết cần phải phân biệt các cấp độ “tín lực” của các dữ liệu. Các dữ liệu vừa kể chỉ là các chứng tích. Như đã nói trên đây, chứng tích của những người “mắt thấy tai nghe” thì có giá trị hơn các chứng tích thuật theo tin đồn. Mặt khác, cũng cần biết dụng ý của người ghi lại chứng tích: một chứng tích dành cho con cháu nhớ đến công ơn tiền nhân thì khác với một bản báo cáo lưu trữ trong hồ sơ của sở công an. Dĩ nhiên, câu chuyện của một anh hùng dân tộc thì khác với câu chuyện của một tên phản động: tiểu sử của anh hùng được tô thêm điểm son, còn hồ sơ của tên phản động dễ bị chú thêm những lời nguyền rủa. Không nói ai cũng biết, cần phải tìm những chứng tích khách quan để tránh cảnh “mẹ hát con vỗ tay”, nhưng phải hiểu “khách quan” như thế nào? Phải chăng đó là những người đứng ngoài cuộc, chẳng dính líu gì đến nội vụ, hoặc chẳng có thiện cảm với nhân vật đang bàn? Không dễ gì trả lời cho những câu hỏi ấy, nhưng ít là câu hỏi cũng cho thấy tính cách phức tạp khi xét đến tính khách quan của chứng tích lịch sử!

Sau những nhận xét ấy, chúng ta phân tích những nguồn tài liệu vừa nêu. Điều ghi nhận trước hết là những nguồn kể trên đều do “người nhà” viết ra, chứ không do “người ngoài”. Rồi một lỗ hổng lớn đã được nhắc đến là chính thánh Đa Minh không để lại một tác phẩm nào. Ngoài ra, mỗi cấp độ tài liệu đều mang theo giới hạn của nó.

1. Cấp một: Vụ án phong thánh

Thời nay, các hồ sơ phong thánh cần bắt đầu bằng phần lược thuật tiểu sử, nhưng trong vụ đang bàn thì thiếu điểm này. Các nhân chứng chỉ trả lời một số câu hỏi được nêu lên liên quan đến các nhân đức và phép lạ của cha Đa Minh. Họ cũng chỉ quen biết cha trong thời gian ở Toulouse và Bologna, nghĩa là trong giai đoạn cuộc đời công khai của cha. Phiên tòa Bologna gồm 9 nhân chứng, tất cả đều là tu sĩ của Dòng. Phiên tòa ở Toulouse có 27 nhân chứng (trong đó có 3 viện phụ, một kinh sĩ, nhiều đan sĩ, vài giáo sĩ, một nữ đan sĩ), nhưng không quen thân lắm với cha.

2. Cấp hai: Tổng quyền Giorđanô

Tác phẩm Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum (1234-35) được coi như cuốn tiểu sử đầu tiên viết về thánh Đa Minh, và trở thành nguồn tham chiếu cho các tác phẩm về sau. Tuy nhiên, tác phẩm này mang nhiều giới hạn. Trước tiên, cha Giorđanô chỉ gặp vị lập Dòng hai lần (tại Paris và Bologna) và không thuộc về nhóm môn đệ tiên khởi. Kế đến, từ khi thánh Đa Minh qua đời đến lúc biên soạn, 11 năm đã trôi qua: có lẽ nhiều ký ức không còn sốt dẻo nữa. Dù vậy, trong cương vị của tổng quyền, chắc là cha đã tiếp xúc với nhiều anh em thuộc nhóm tiên khởi. Giới hạn thứ ba là mục tiêu của tác phẩm: cha Giorđanô muốn viết về nguồn gốc của Dòng nhiều hơn là về tiểu sử của vị sáng lập. Chỉ có 9 đoạn dành cho chặng đường “ẩn dật” của vị sáng lập, trong khi hơn 110 đoạn còn lại nói về việc lập Dòng. Sau đây là dàn bài cuốn sách:
  • 1-3 Dẫn nhập
  • 4-13 Từ khi sinh ra cho đến khi đi Đan Mạch (1170-1204)
  • 14-43 Từ Languedoc cho đến khi lập nhà ở Toulouse (1206-1216)
  • 44-66 Từ khi lập nhà đầu tiên cho đến lúc cha Reginalđô qua đời (1216-1220)
  • 67-85 [Anh Henri de Cologne]
  • 86-88 Các tổng hội Bologna (1220-21)
  • 89-91 [Anh Everard de Langres]
  • 92-119 Qua đời (1221). Các nhân đức và phép lạ.
  • 120 Lập kinh Salve
  • 121-130 Lòng sùng kính bình dân. Di dời thi hài.
Chúng ta thấy rằng một đàng tác phẩm này cung cấp ít tài liệu về cuộc đời “ẩn dật” của cha Đa Minh, đàng khác lại chen thêm chuyện của hai anh Henri và Everard.

Mặt khác, khi so sánh với các tác phẩm viết sau này, cuốn Libellus kể ra ít phép lạ trong cuộc đời thánh Đa Minh (điềm báo trước khi sinh ra, lúc rửa tội; phép lạ thử lửa đốt sách; một vài phép lạ ở Rôma).

3. Cấp ba: Các legenda

Cha Đa Minh được ĐTC Grêgôriô IX tuyên thánh ngày 3/7/1234[5] với sắc chiếu Fons sapientiae đề cao những nhân đức của vị thánh (một người mà ngài quen biết ở Rôma khi còn là hồng y Hugolino) nhưng không đả động đến cuộc đời. Sau khi đã được phong thánh, cần phải soạn kinh để đọc. Trong bối cảnh này, các legenda ra đời. Legenda được hiểu như lectio (bài đọc) giờ kinh sách, không chỉ riêng vào lễ kính mà còn kéo dài suốt tuần bát nhật nữa. Lần lượt ba legenda được phát hành, tương tự như ấn bản mới cho ấn bản cũ (nên nhớ là vào thời ấy chưa có nhà in mà chỉ chép tay thôi).

a) Legenda Sancti Dominici của Pedro Ferrando, năm 1235 (được các tổng hội 1236, 1238, 1239 phê chuẩn). Hai phần ba tư liệu được lấy từ quyển Libellus của cha Giorđanô. Vì là người Tây Ban Nha, tác giả thêm nhiều chi tiết về thời thơ ấu của Đa Minh cũng như về các phép lạ: chẳng hạn như danh tánh của song thân; những cuộc hãm mình của Đa Minh khi còn nhỏ; ngôi sao trên trán, những lần hiến thân bán mình; ơn gọi của Reginalđô; di chúc thánh Đa Minh.

b) Legenda Sancti Dominici của Constantinô Orvietô, ra đời 10 năm sau (1245/46) và được các tổng hội 1246, 1247, 1248 phê chuẩn. Tại sao cần một legenda khác? Lý do tại vì cuốn trước được soạn hơi gấp, nên còn nhiều thiếu sót, vì thế cần được bổ túc. Tác giả (về sau làm giám mục Orvietô) nhận thêm tài liệu do cha tổng quyền Joannes Wildeshausen (1241-1252) cung cấp khi đi kinh lý trong Dòng. Điều mới mẻ là tác giả thêm nhiều phép lạ, cũng như trưng dẫn nhiều câu Kinh Thánh để chú giải các sự kiện được kể, chẳng hạn như có những điềm báo trước ngày sinh và sứ mạng của Đa Minh (cũng tựa như thiên sứ Gabriel đã hiện ra với ông Dacaria để báo trước sứ mạng của Gioan Tiền Hô); hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô hiện ra trao sứ mạng truyền giáo; phép lạ tăng bánh ở San Sisto; cho người chết sống lại.

c) Hơn kém mười năm sau, nhân dịp tu chính các bản văn phụng vụ trong Dòng, cha tổng quyền Humbertus de Romans (1254-1263) soạn ra một cuốn legenda thứ ba: Legenda Sancti Dominici vào năm 1254 (được các tổng hội 1254, 1255, 1256 phê chuẩn)[6].

Chúng ta nhận thấy rằng các legenda được tổng hội phê chuẩn giống như tiến trình ban hành hiến pháp. Như vậy, dưới khía cạnh pháp lý, chúng mang tính cách “chính thức” (officiel) của Dòng, chứ không còn là tác phẩm của một tư nhân nữa[7]. Về điểm này, chúng có giá trị hơn các bản văn cấp bốn tiếp theo đây.

4. Cấp bốn: Vita

Các tác phẩm ở cấp bốn ra đời cả chục năm sau khi thánh Đa Minh qua đời. Có thể là các tác giả đã đi thu thập tài liệu từ những người đã có cơ hội biết đấng sáng lập. Dù sao, người biên soạn không chỉ giới hạn vào việc lưu trữ ký ức mà còn nhắm tới nhiều mục tiêu khác nữa.

a) Vitae fratrum của Gerard de Frachet (k.1259). Tác phẩm được chia làm 5 phần: 1/ Các lời tiên tri về việc thành lập Dòng (7 chương). 2/ Các chuyện xảy ra trong đời thánh Đa Minh (45 chương). 3/ Các chuyện xảy ra trong đời chân phước Giorđanô (45 chương). 4/ Đời sống nhân đức của vài anh em vào buổi nguyên thủy (25 chương). 5/ Cái chết lành thánh của vài anh em (9 chương)[8]. Chúng ta thấy tiểu sử thánh Đa Minh chỉ là một trong 5 phần của tác phẩm. Đặc biệt, tác giả còn thêm chương mở đầu để giới thiệu những điềm báo trước khi Dòng được thành lập.

b) Legenda aurea của Jacobus a Voragine (Iacopo a Varazze), viết khoảng năm 1261-1266. Đây là bộ sách Hạnh các thánh nổi tiếng suốt thời Trung cổ, và trở thành best-seller, thậm chí còn hơn cuốn Kinh Thánh nữa[9]. Ở đây Legenda không còn viết để đọc trong phụng vụ, nhưng là cung cấp những sự tích để dùng vào bài giảng. Thánh Đa Minh chỉ là một trong các vị thánh.

c) Vita sancti Dominici của Rodrigo de Cerrato (khoảng 1270-1282).

d) Miracula beati Dominici do chị Cêcilia Cesarini viết khoảng năm 1288, kể lại 14 phép lạ của thánh Đa Minh thực hiện tại Rôma. Nội dung đã cho thấy mục tiêu của tác giả: đây không phải là một cuốn tiểu sử nhưng là tập hợp các phép lạ. Giá trị của tác phẩm ở chỗ chị đã tiếp xúc với thánh phụ, và để lại những nét mô tả chân dung của người.

e) Libellus de vita et obitu et miraculis S. Dominici et de ordine quem instituit của Dietrich (Theoricus) Apolda viết khoảng 1288-1297. Tuy cũng mang tên là Libellus giống như tác phẩm của cha Giorđanô, nhưng mục tiêu đã khác. Tác giả sống bên Đức, nhưng không biết dựa vào đâu mà trình bày nhiều chi tiết liên quan đến gia thế của cha Đa Minh, trong đó có cuộc thành hôn của song thân diễn ra năm 1170.

II. Vài dữ liệu căn bản (sử ký)


Trước hết, chúng ta tạm vạch ra vài niên biểu “thô”, rồi sau đó, thêm vài nhận xét.

A. Những niên biểu chính

  • 1173-1175? Sinh tại Caleruega.
  • 1179-1180 Lúc 6 tuổi, được gửi đến một người cậu làm linh mục để đào tạo về việc đạo hạnh.
  • 1186 Theo học tại Palencia.
  • 1195-1197 Gia nhập kinh sĩ đoàn Osma, thụ phong linh mục.
  • 1201 Phó bề trên kinh sĩ đoàn Osma.
  • 1203 Tháp tùng giám mục Diego đi Đan Mạch để cầu hôn cho hàng tử Castilla. Đi ngang Toulouse, tranh luận với chủ quán theo phái Cathares.
  • 1205 Chuyến đi Đan Mạch lần thứ hai, nhưng kế hoạch thất bại.
  • 1206 Trên đường về, Giám mục Diego ghé qua Rôma, xin từ chức để đi truyền giáo nhưng ĐTC không chấp nhận. Mùa hè, gặp phái đoàn Tòa thánh ở Montpellier. Thiết lập một đan viện nữ tu ở Prouilhe (27/12).
  • 1207 Giảng ở Montréal. Cuộc tranh luận công khai đầu tiên. Vào tháng 10, Đức Cha Diego trở về Osma và qua đời tại đây.
  • 1208 Giảng thuyết chống lạc giáo ở Prouilhe, Lauragais, Carcassonne.
  • 1210 Bắt đầu sứ vụ ở Toulouse, hợp tác với giám mục Fulco.
  • 1215 Mở tu viện đầu tiên ở Toulouse tại nhà của Pierre Seila (25/4). Tháng 6: giám mục phê chuẩn. Tháng 10: tháp tùng giám mục Fulco đi Rôma họp công đồng Lateranô IV, và xin Tòa thánh châu phê Dòng. Công đồng khai mạc ngày 11 tháng 11 và bế mạc ngày 14/12 cùng năm. ĐTC Innocentê III khuyên cha chọn một bản luật cổ, vì công đồng không cho châu phê bản luật mới.
  • 1216 Tháng 1: sau khi bế mạc công đồng, trở về Toulouse. Tháng 6: họp anh em (con số từ 6 đã lên đến 16 fratres), chấp thuận luật thánh Augustinô và soạn sách Tục lệ. Tháng 10: đi Rôma xin châu phê. Ngày 22/12: ĐTC Honorio III xác nhận Dòng: Bulla Religiosam vitam.
  • 1217 Ngày 21/1: nhận được danh xưng “Praedicatores” trong bulla Gratiarum omnium largitori. Tháng 3: trở về Prouilhe và Toulouse. Ngày 15/8: phân tán anh em. Ngày 13/12: lên đường đi Rôma cùng với Stephanô Metz, ngang qua Bologna.
  • 1218 Đến Rôma (tháng 1). Giảng thuyết tại giáo đô. Chuẩn bị thiết lập tu viện San Sisto. Mùa xuân: gửi anh em đi Bologna, Reginalđô nhập Dòng và cũng được cử về Bologna, ơn gọi gia tăng. Tháng 11-12: trở về Tây Ban Nha, ghé thăm Bologna, Prouilhe, Tolouse. Cử hành lễ giáng sinh tại Segovia.
  • 1219 Cuối tháng 1: thăm Madrid và thâu nhận nhiều tập sinh. Qua mùa xuân, lên Paris cùng với Bertrand de Garrigues. Tại Paris, tổ chức đời sống tu viện và học viện. Cử anh em đi lập nhà tại nhiều thành phố trong nước Pháp (Limoges, Reims, Metz, Poitiers, Orleans). Quen với Giorđanô.
  • Tháng 7 về Bologna. Tháng 11 về Rôma, gặp Đức Giáo hoàng ở Viterbo, và nhận nhiều sắc chỉ để giới thiệu Dòng với các giám mục. Cải tổ các nữ tu ở Rôma vào tu viện San Sisto.
  • 1220 Ngày 12/2: Giorđanô vào Dòng tại Paris. Reginalđô qua đời (ở Paris). Nhận tu viện Santa Sabina. Cử các anh em đi Aragon, Scandinavia, Anh.
  • Ngày 17/5 vào dịp lễ Hiện xuống: họp Tổng hội ở Bologna, soạn Hiến pháp (lúc đầu gọi là Consuetudines, sau đổi thành Institutiones). Sau đó, đi giảng ở Bắc Ý. Tháng 12: trở về Rôma.
  • 1221 Ngày 28/2: hoàn tất việc cải tổ nữ tu San Sisto. Anh em chuyển qua tu viện Santa Sabina. Ngày 29/3 một sắc chỉ nhìn nhận cha Đa Minh là “Prior Ordinis Praedicatorum”. Tháng 4: Lên đường đi Bologna, ghé qua Siena, Firenze.
  • Ngày 30/5: họp tổng hội lần II tại Bologna. Phân chia thành tỉnh dòng (5 cố định, và 3 đang chuẩn bị). Sau tổng hội, đi Venezia, thăm hồng y Hugolino. Cuối tháng 7: trở về Bologna.
  • Ngày 6/8 (thứ sáu): qua đời tại Bologna.
  • 1233 Ngày 24/5 (thứ ba sau lễ Hiện xuống): cải táng ở Bologna.
  • 1234 Ngày 3/7: ĐTC Grêgôriô IX tuyên thánh ở Rieti.

B. Vài nhận xét


1. Thân thế. Chúng ta không biết rõ năm sinh của thánh Đa Minh. Cho đến cách đây 50 năm, người ta cho rằng ngài sinh vào ngày 24/6/1170 (lễ thánh Gioan Tẩy giả), và Dòng đã tổ chức mừng 800 năm sinh nhật thánh tổ phụ (từ 7/5/1970 đến 4/8/1971). Nhưng ngày nay các sử gia đặt nhiều nghi vấn liên quan đến nguồn gốc thông tin này, và thậm chí liên quan đến song thân và các anh em của ngài[10].

a) Năm sinh. Người đầu tiên cho biết thánh Đa Minh sinh vào năm 1170 là cha Dietrich (Theodoricus) Apolda trong Libellus de vita et obitu et miraculis S. Dominici et de ordine quem instituit (viết khoảng năm 1298). Vấn nạn: tác giả dựa vào đâu mà khẳng định như vậy, vì ông xa cách nguồn gốc vừa về không gian (sống bên Đức) vừa về thời gian (sinh khoảng 1228 và qua đời khoảng 1302)? Tại sao các tác giả trước đó (trong đó có những người đồng hương với cha Đa Minh như Ferrandus và Rodrigo) lại không đả động gì? Nhất là cha đã cung cấp một dữ kiện quý báu, đó là song thân kết hôn vào năm 1170, mà không ngờ mình rơi vào nghịch lý: chẳng lẽ hai ông bà vừa mới lấy nhau mà đã sinh con? Mặt khác, chúng ta biết được là hai ông bà có ba người con, mà Đa Minh không phải là con cả! Vì thế ta phải xê dịch năm sinh muộn hơn (khoảng 1172-74), nhưng đừng muộn quá, kẻo không ăn khớp với các dữ kiện khác của cuộc đời (chẳng hạn muốn gia nhập kinh sĩ đoàn Osma thì phải hội đủ điều kiện về tuổi)[11].

b) Anh em. Cha Đa Minh có bao nhiêu anh em? Theo tục truyền, gia đình cha Đa Minh có ba người con trai, và tất cả đều làm linh mục: Antôn, Mannes và Đa Minh. Câu hỏi: Mannes (có khi viết là Mames) là anh hay là em của Đa Minh, hay là anh em sinh đôi? Cha Giorđanô viết rằng Mannes là uterinus frater với cha Đa Minh. Thế nhưng “uterinus” có nghĩa là gì? Phải chăng là “anh em ruột, hay là anh em cùng một dạ,” nghĩa là cùng mẹ mà khác cha? Có phải cha Giorđanô muốn nói rằng: Mannes và Đa Minh không chỉ là anh em trong Dòng mà còn là anh em ruột thịt nữa? Hay là phải giải thích rằng: Mannes và Đa Minh chỉ là anh em cùng mẹ (cùng một dạ) chứ không phải là cùng cha? Nếu hiểu như thế, phải chăng bà Joanna đã có con với chồng trước (và sinh ra Mannes), rồi chồng chết, bà tái giá với ông Felix Guzman (và sinh ra Đa Minh)? Nếu theo giả thuyết này, Mannes là anh của Đa Minh. Nhưng biết đâu Mannes là em thì sao? Thật vậy, cha Đa Minh qua đời năm 1221, còn Mannes thì đến năm 1234 vẫn còn sống (để ghi dấu việc Đa Minh được phong thánh, Mannes đã cất một nhà nguyện ở nơi sinh quán Caleruega). Không lẽ anh mà sống lâu hơn em 15 năm hay sao? Hay phải nói ngược lại: Đa Minh sinh trước Mannes? Câu chuyện còn thêm phần ly kỳ khi mà Gérard de Frachet (Vitae fratrum, p.II, c.1) nói rằng Đa Minh có hai người cháu trong Dòng Giảng thuyết: hai cháu này là con ai? Nếu trong gia đình có ba anh em trai đều làm linh mục, phải chăng cần phải thêm có một chị (hay em gái) lập gia đình nữa thì mới có thể có con (và gọi Đa Minh là cậu)? Một giả thuyết cũng được đặt ra là hai cháu là con của người anh cả Antôn (trước khi làm linh mục)[12].

2. Phần lớn cuộc đời cha Đa Minh sống trong ẩn dật. Cuộc đời “công khai” bắt đầu từ khi đi Đan Mạch với đức cha Diego (năm 1203, lúc ấy độ chừng 30 tuổi). Sau đó, ngài hoạt động ở miền nam nước Pháp (giai đoạn từ 1206 đến 1215), và cũng tạm coi là âm thầm. Khi nói đến âm thầm và công khai là chúng ta hiểu về sử liệu: phần lớn các sử liệu về cha Đa Minh chỉ liên quan đến giai đoạn thành lập Dòng, nghĩa là vào 6 năm cuối đời[13].

Tuy rằng cha Đa Minh đã rời bỏ quê hương từ năm 1203 rồi sau đó ở lại hoạt động ở miền nam nước Pháp, nhưng giai đoạn này cũng được coi như “âm thầm” xét về phương diện tài liệu. Giai đoạn “công khai” bắt đầu kể từ năm 2015 cha khi thành lập tu viện ở Tolouse, và mấy tháng sau, cha tháp tùng giám mục Toulouse đi họp công đồng Laterano IV. Lúc ấy cha được 45 tuổi. Từ đó các hoạt động trở nên dồn dập, nhưng chỉ kéo dài 5-6 năm.

3. Thành lập ngành nữ. Một đề tài hấp dẫn trong các truyện và phim về cuộc đời thánh Phanxicô là mối tương quan với cô Clara, tổ mẫu của dòng nữ Clarissa. Thánh Đa Minh có lập dòng nữ không? Câu trả lời là không. Cha được ủy thác coi sóc các thiếu nữ Cathare trở lại, và được quy tụ ở Prouilhe năm 1207. Đây là sáng kiến của cha Đa Minh hay là của giám mục Diego, hay giám mục địa phương? Điều này còn tranh cãi[14]. Mười năm sau (1218), một điều tương tự xảy ra ở Rôma khi ĐGH Honorio III ủy thác cho ngài cải tổ các nữ tu, quy tụ từ 8 đan viện khác nhau vào tu viện San Sisto. Cha định mở một đan viện ở Bologna để đón nhận chị Diana, nhưng đã qua đời trước khi dự án hoàn thành. Việc sát nhập các nữ đan viện vào Dòng diễn ra dưới thời tổng quyền Giorđanô[15].

4. Qua đời. Cha Đa Minh qua đời mà không để lại di chúc, và đây là điều khác biệt với thánh Phanxicô (bản di chúc đã trở thành đầu mối chia rẽ trong Dòng Anh em Hèn mọn sau này). Tuy nhiên, những lời trối trăn của cha cũng đã trở thành đề tài tranh luận cho các học giả: đâu là lời nói của cha, và đâu là chuyện phịa? Tôi không trở lại câu chuyện này vì đã đề cập trong cuốn sách Tìm hiểu Dòng Đa Minh (Học viện Đa Minh 2016), trang 226-239.

Trên đây mới chỉ là những dữ kiện “thô”. Mỗi thời đại và mỗi cá nhân sẽ sử dụng những tư liệu ấy để trình bày bức chân dung của thánh Đa Minh tùy theo những suy tư và cảm nghiệm của mình, lồng trong những bối cảnh lịch sử thế kỷ XIII hoặc thế kỷ XXI. Trong bài này chúng ta chỉ giới hạn vào thế kỷ XIII, và chúng ta chuyển sang phần thứ ba.

III. Nhân đức và phép lạ (thánh ký)


Các dữ kiện sử ký được trang điểm thêm bằng các nhân đức và phép lạ và trở thành thánh ký. Nhân đức và phép lạ được coi là những yếu tố làm nên vị thánh. Có thể coi “nhân đức” là nỗ lực tập luyện về phía con người, còn “phép lạ” là dấu chỉ củng cố cho sự thánh thiện về phía Thiên Chúa.

Đứng trước các dữ kiện của nhân đức và phép lạ, nhà sử học có thể giữ hai thái độ: 1/ Gạt bỏ tất cả các chuyện này, được coi như do óc tưởng tượng bày ra, không thể kiểm chứng được. 2/ Cố gắng khám phá ra dụng ý của soạn giả, xem ông muốn gửi sứ điệp nào cho người đọc. Người viết bài này đi theo hướng thứ hai[16]. Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta có thể so sánh với các sách Tin Mừng: chủ đích sách Tin Mừng không phải kể lại tiểu sử của Đức Giêsu, nhưng là chứng tỏ rằng qua Đức Giêsu (cuộc đời, lời giảng, việc làm, đặc biệt là cuộc tử nạn và phục sinh) Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho loài người. Một cách tương tự như vậy, các “điềm thiêng dấu lạ” trong cuộc đời của các thánh muốn cho thấy rằng Thiên Chúa đã dùng các ngài như sứ giả của ơn cứu độ.

Trong các dữ liệu viết về thánh Đa Minh, các phép lạ đã được ghi nhận ngay từ tác phẩm Libellus của cha Giorđanô, và con số ấy tăng lên trong các legenda, nhất là trong Vitae fratrum[17].

Chúng tôi không muốn kể ra hết tất cả các phép lạ, nhưng chỉ muốn nêu bật ý nghĩa của vài phép lạ liên quan đến: 1/ lúc chào đời và giai đoạn ẩn dật; 2/ việc lập Dòng; 3/ sau khi qua đời.

A. Chung quanh việc chào đời và thời niên thiếu


- Song thân là những người thánh thiện. Danh tính của các ngài do Petrus Ferrando cung cấp: ông Felix và bà Ioanna de Aza. Trước khi sinh con, bà mẹ đã được thánh Đominicô Silos hiện ra và báo tin sẽ sinh con trai. Tên gọi Dominicus được giải thích là: “vir Domini” hoặc “Domini custos”. Bà mẹ nằm mơ thấy đứa con như chú chó ngậm đuốc (giống như bà mẹ thánh Bênađô, trước đó một thế kỷ: xc. PL 185, col.227; 440). Hình ảnh con chó tượng trưng cho nhà giảng thuyết đã có trong Isaia 54,10-11. Chú chó ngậm bó đuốc tượng trưng cho lòng nhiệt tâm giảng thuyết.

- Ngày rửa tội. Bà vú đỡ đầu thấy một ngôi sao trên trán (xc. Ông Simeon tiên tri về hài nhi Giêsu sẽ là “Lumen gentium” [Ánh sáng soi đường cho muôn dân]: Lc 2,32).

- Lúc thiếu thời, cậu bé bỏ giường xuống nằm ngủ dưới đất. Khi còn là sinh viên, anh không thích chơi đùa, không uống rượu. Hơn thế nữa, anh bán sách để giúp người nghèo, thậm chí còn muốn bán mình để chuộc kẻ làm nô lệ. Đây là những điềm tiên báo sự thánh thiện: hãm mình, bác ái, khó nghèo.

B. Cuộc đời công khai


Cuộc đời công khai có thể hiểu theo nghĩa rộng kể từ khi cha rời Osma đi Bắc Âu, hoặc một cách chặt chẽ hơn (nghĩa là nhiều tài liệu hơn) từ khi bắt đầu lập Dòng.

1. Khi bắt đầu thi hành sứ vụ

Phép lạ đầu tiên là trận thử lửa tại Fanjeaux được kể trong Libellus của cha Giorđanô: ba lần bỏ sách vào lửa mà không cháy. Điều này muốn nói lên tính cách chính thống của lời giảng của cha Đa Minh, đối lại với các lạc thuyết của nhóm Cathare đương thời. Nên biết là phép lạ cũng được ghi nhận bởi một tác giả ngoài Dòng[18].

2. Chung quanh việc lập Dòng


Các “điềm thiêng dấu lạ” có thể xếp thành nhiều loại: những thị kiến của chính mình hoặc của Giáo hoàng; những lần Đức Mẹ hiện ra; những phép lạ. Các tích này được thuật lại trong các Legenda và Vitae fratrum.

- Những thị kiến xảy ra tại Rôma. Lần đầu tiên, khi cha Đa Minh xin ĐTC Innocentê III châu phê thì ngài do dự; nhưng sau đó ngài thay đổi thái độ sau giấc mơ thấy đền thờ Lateranô nghiêng ngửa, và cha Đa Minh chống đỡ[19]. Khi trở lại Rôma lần thứ hai để xin châu phê Dòng, cha Đa Minh được hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô hiện ra trao gậy và sách Tin Mừng (tháng giêng năm 1217). Đây là lý do vì sao đi đâu cha cũng mang Tin Mừng Mátthêu và các thư thánh Phaolô[20].

- Những lần Đức Mẹ hiện ra (trao áo dòng cho Reginalđô, rảy nước thánh cho các tu sĩ)[21].

- Những phép lạ: chữa bệnh (chẳng hạn cho Reginalđô); phục sinh người chết ở Rôma (Napoleon, cháu của hồng y Stephano; người kiến trúc sư làm việc cho tu viện San Sisto); trừ quỷ. Phép lạ hóa bánh ở tu viện San Sisto[22]. Phép lạ nói tiếng nước ngoài cho đoàn hành hương (năm 1219, ở Toulouse).

C. Sau khi qua đời


- Vitae fratrum kể lại nhiều sự tích, chẳng hạn như cha đã tiên báo cái chết của mình, hoặc có người đã thấy cha về trời.

- Ngày cải táng cũng là cơ hội để anh em được chứng kiến phép lạ hương thơm tỏa ra từ quan tài.

Những điềm thiêng dấu lạ này không chỉ muốn nói rằng Đa Minh là một người thánh thiện, nhân đức, mà ra như còn là hiện thân của các nhân vật trong Kinh Thánh (Elia, Gioan Tẩy giả), hoặc các vị thánh lập dòng nổi tiếng trong lịch sử (thánh Antôn viện phụ, thánh Biển Đức, thánh Bênađô)[23]. Não trạng ấy đã gặp thấy từ trong Tân Ước rồi. Đức Giêsu chẳng phải là ông Môsê mới đấy ư? Đó là ý tưởng của Mátthêu, còn vua Hêrôđê lại nghĩ rằng Người là Gioan Tẩy giả tái sinh (Mc 6,16). Còn người đương thời thì lại nghĩ ông Gioan Tẩy giả là Elia mới (Mc 9,13). Đó là tâm trạng của con người trong Kinh Thánh, được gọi là anamnesis: Xin Chúa hãy nhớ lại điều đã làm cho tổ phụ chúng con, và xin lặp lại sự can thiệp trong thời đại hôm nay.

Kết luận


Để kết luận về “sử ký” và “thánh ký” của thánh Đa Minh, tôi xin đưa ra hai nhận xét: một là nhận xét đồng đại qua việc so sánh với thánh Phanxicô Assisi; hai là nhận xét lịch đại, nhìn lại những khuôn mẫu nhân đức mà hậu thế đã chiêm ngưỡng thánh Đa Minh.

1. Thánh Đa Minh và thánh Phanxicô

Có hai điều đáng nói: một là về phương pháp nghiên cứu thánh Phanxicô nói riêng, hai là đối chiếu với thánh Đa Minh.

a) Việc nghiên cứu lịch sử thánh Phanxicô còn gặp những vấn nạn khó khăn hơn là việc nghiên cứu thánh Đa Minh. Vào đầu thế kỷ XX, câu hỏi được Paul Sabatier nêu lên hồi năm 1894 như sau: các sách viết về cuộc đời Phanxicô quen trình bày ngài như “alter Christus”, một nhân vật có một không hai trên đời này, không ai bắt chước nổi! Nhưng đó có phải là con người Phanxicô lịch sử (Francesco storico), người nghèo Assisi (il poverello) không? Phanxicô có phải là con người luôn phục tùng Tòa thánh, hay là con người cách mạng, chỉ trích bộ mặt cơ chế của Giáo hội, chủ trương trở về với nét đơn sơ của Tin Mừng?[24]

b) Khi đối chiếu với thánh Đa Minh, một câu hỏi tiên quyết dưới khía cạnh lịch sử được đặt ra là: hai vị có bao giờ gặp nhau không? Thoạt tiên, vấn nạn xem ra ngớ ngẩn bởi vì đã có biết bao nhiêu bức tranh vẽ lại cảnh hai vị ôm nhau, nhưng thử hỏi: có chứng cớ lịch sử nào của việc hai vị gặp gỡ không, hay chỉ là lưu truyền? Cha Guy Bedouelle O.P. nhận xét rằng, các nguồn cổ nhất của Dòng Đa Minh (Libellus và các legenda) không hề đả động đến việc này[25]. Sự kiện chỉ được nhắc đến trong Vitae fratrum của Gérard de Frachet, viết lại theo lời kể của một tu sĩ Hèn mọn. Đối lại, câu chuyện gặp gỡ được nói đến nhiều hơn trong các nguồn sử liệu về phía Dòng Anh em Hèn mọn (Tommaso de Celano, Vita secunda c.109; Fioretti, c.53)[26]. Vì dụng ý gì?

Cho dù hai vị không hề gặp nhau đi nữa, điều không thể chối cãi là tầm quan trọng của hai Dòng trong lịch sử Giáo hội không chỉ trong thế kỷ XIII mà còn kéo dài đến ngày hôm nay. Với cái nhìn của nhà sử học, giáo sư Giulia Barone đã đưa ra những nhận xét thú vị về hai vị như sau[27]: dưới khía cạnh tuyên truyền dân gian, thánh Đa Minh bị lép vế, vì nhiều lý do:

- Thánh Đa Minh xem ra không có tính cách sáng tạo, bởi vì ngài không viết một bản luật riêng mà chỉ lấy lại luật Dòng thánh Augustino rồi thích nghi cho hợp tổ chức của mình.

- Thánh Đa Minh không để lại một tác phẩm nào, trong khi thánh Phanxicô để lại nhiều văn phẩm trở thành đề tài cho các nhạc sĩ (chẳng hạn bài ca vạn vật) và thậm chí cho thông điệp Laudato si’ của ĐTC Phanxicô.

- Thánh Đa Minh là con người của lý trí, không gây nhiều ấn tượng tình cảm như thánh Phanxicô (dù là đối với chị Clara hay là đối với Chúa Giêsu chịu đóng đinh).

Nói tóm lại, thánh Đa Minh không phải là một nhân vật “giật gân”. Ngài là con người trí thức, làm việc âm thầm, có tổ chức; nhờ vậy tránh được những chia rẽ trầm trọng trong nội bộ sau khi ngài nhắm mắt.

2. Khuôn mẫu thánh Đa Minh trải qua tám thế kỷ

Trong bài này, chúng ta cố gắng phân biệt các yếu tố “sử ký” và “thánh ký” dựa theo các sử liệu về thánh Đa Minh ở thế kỷ XIII, với hy vọng tìm lại được chân dung lịch sử của ngài. Từ đó đến nay, tám thế kỷ đã trôi qua, và có rất nhiều cuốn sách đã được viết về cha. Phải thú nhận rằng bức chân dung của cha không cố định như một bức tượng đồng, nhưng thay đổi tùy nơi tùy thời[28]. Tôi chỉ gợi lên vài nét chấm phá để kết thúc.

a) Khi bàn về các nhân đức, vào thời Trung đại, hình như người ta chỉ kể lại một vài nhân đức điển hình được coi như tổng hợp của tất cả đời sống đức hạnh: khiêm tốn, khiết tịnh, vâng lời, bác ái (thương người cả phần hồn lẫn phần xác)[29]. Theo Pedro Ferrando, trên giường chết, thánh Đa Minh khuyến khích con cái hãy giữ “bác ái, khiêm nhường, khó nghèo”, nghĩa là các nhân đức tiêu biểu cho tất cả các tu sĩ[30].

b) Vào thời nay, người ta muốn nêu bật những nhân đức tạo nên “cá tính” hoặc “đặc sủng” của cha. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều nhất trí về đặc sủng này, bởi vì nó biến đổi tùy nơi tùy thời.

- Có thời người ta nhấn mạnh đến đời sống chiêm niệm của cha (contemplata aliis tradere), dựa theo khuôn mẫu của đời sống đan tu mà cha đã nghiền ngẫm trong các tác phẩm của Gioan Cassiano. Điều thú vị là Beato Angelico chuyên môn vẽ thánh Đa Minh trong tư thế cầu nguyện, chứ không thấy bức hình nào họa lại một nhà giảng thuyết hùng hồn.

- Có thời người ta nhấn mạnh đến tình huynh đệ, đời sống cộng đoàn; vì thế đề cao việc thánh Đa Minh lựa chọn bản luật thánh Augustinô. Xem ra đây là chủ trương của cuốn Hiến pháp sau công đồng Vaticanô II, mở đầu với chương về đời sống cộng đoàn, đặt lên trước cả phụng vụ và ba lời khuyên Phúc Âm.

- Có thời người ta nhấn mạnh đến “sứ vụ”: Dòng mang tên là “Giảng thuyết” và đó là định hướng cho tất cả đời sống của anh em. Theo khuôn mẫu này, thánh Đa Minh là con người “nói về Chúa và nói với Chúa”; ngài đã lãnh nhận officium Verbi một thuật ngữ trích từ tác phẩm “Đối thoại” của thánh Catarina Siena (chương 158).

- Cha Vicaire lại thích nêu bật công thức vita apostolica như tổng hợp tất cả các yếu tố vừa nói: cầu nguyện, khó nghèo, cộng đoàn, rao giảng Tin Mừng[31].

Dù sao, thời nay, ít người còn muốn nhắc đến cha như là “chiến sĩ đức tin”, vì không muốn cha dính líu đến định chế Inquisitio.

Để kết luận, tôi thích nhìn cha Đa Minh như là alter Christus, không theo nghĩa của thánh Phanxicô (bắt chước đức khó nghèo trần trụi và mang những dấu tích thương khó), nhưng theo nghĩa là Đức Giêsu đã sống 30 năm cuộc đời ẩn dật và chỉ giảng đạo 3 năm. Thánh Đa Minh trải qua hơn 40 năm trong bóng tối, và chỉ dành 6 năm cuối đời cho công cuộc lập Dòng. Thế nhưng khi cha qua đời (nghĩa là sau 6 năm thành lập), Dòng có 300 tu sĩ trong 30 tu viện (riêng nước Pháp đã có 11 tu viện với 110 tu sĩ). Năm 1236 (15 năm sau), ước chừng có khoảng 4 ngàn tu sĩ trong 300 tu viện. Một thế kỷ sau khi thánh Đa Minh qua đời, Dòng có 600 tu viện và khoảng chừng 12 đến 18 ngàn tu sĩ. Phải chăng đó mới thực sự là phép lạ, công trình của Thiên Chúa?

[1] X. Guy Bedouelle, Thánh Đa Minh ân sủng Lời Chúa, Tủ sách Đại Kết, TPHCM 1992, trang 43-51.
[2] Các tác phẩm của thánh Phanxicô bao gồm: 1/ Luật (2 bản) và Chúc thư. 2/ Thư tín. 3/ Các kinh nguyện và bài thánh thi và thánh ca.
[3] Bản dịch tiếng Việt: Chân dung cha Đa Minh theo các nhân chứng, Học viện Đa Minh, 2012.
[4] Đối chiếu với các tài liệu do Dòng Phanxicô xuất bản: Dialogus de gestis sanctorum fratrum minorum (1246); Tommaso de Celano, Vita I (1228), Vita II (1246), Tractatus de miraculis (1253); S. Bonaventura, Legenda maior S. Francisci; Legenda minor (1260-1262). Ngoài ra cũng nên đối chiếu ngày phong thánh của hai vị tổ phụ (Phanxicô qua đời ngày 3/10/1226 và được phong thánh ngày 16/7/1228: chết sau mà làm thánh trước!) cũng như hai vị thánh đầu tiên của hai Dòng, nổi tiếng về các phép lạ: Antôniô Pađova OFM (+13/6/1231 - 30/5/1232) và Phêrô Verona OP (+6/4/1252 - 9/3/1253). Sự ganh đua nhiều khi đưa đến chỗ đả kích bôi nhọ lẫn nhau. Nhằm xoa dịu những căng thẳng, người ta “bịa” ra sự tích hai thánh tổ phụ ôm nhau: con cái hãy bắt chước cha mẹ nhé!
[5] Nên biết là cũng chính ĐTC Grêgôriô IX đã phong thánh cho Phanxicô Assisi (ngày 16/7/1228, với sắc chiếu Mira circa nos). Thủ tục phong thánh được kiện toàn dần dần. Vào thời ấy, sau khi hoàn tất thủ tục, đương sự được tuyên thánh ngay. Mãi đến thế kỷ XVII mới có sự phân biệt hai cấp: chân phước (beatus) và hiển thánh (sanctus) và hai nghi thức beatificatio và canonizatio.
[6] Ấn bản phê bình: Humberti de Romanis Legendae sancti Dominici, ed. Simon Tugwell, MOPH, 30, Institutum Historicum Fratrum Praedicatorum, Roma, 2008.
[7] Acta Capitulorum Generalium, I ad a. 1260, p. 105: “quod fratres utantur legenda b. Dominici que inserta est in lectionario et alie deinceps non scribantur”. Nên biết là một biện pháp tương tự cũng xảy ra cho Dòng Phan Sinh, khi tổng hội Pisa năm 1266 truyền đốt hết tất cả các legenda, và chỉ duy trì Legenda Maior của tổng quyền Bonaventura.
[8] Bản dịch tiếng Việt: Đời sống anh em, Học viện Đa Minh 2013, 438 trang.
[9] Alain Boureau, La légende dorée. Le système narratif de Jacques de Vorágine, Cerf, Paris, 1984. Id. ‘Legenda aurea'. Sept siècles de diffusion, Bellarmin, Montréal, 1986.
[10] Xem bài: Mừng 850 năm ngày sinh của thánh Đa Minh, trên địa chỉ: https://catechesis.net/mung-ky-niem-850-nam-ngay-sinh-cua-thanh-da-minh.
[11] Simon Tugwell, “Notes on the Life of Dominic IV: Dominic's Date of Birth”, AFP, LXVII, (1997), 46-50.
[12] Anthony Lappin, “On the Family and Early Years of St. Dominic of Caleruega”, AFP, LXVII, (1997),19-22.
[13] Ai muốn biết thêm về đời ẩn dật, có thể đọc: Kyle C. Lincoln, A Canon From Castile: The Early Life of St. Dominic of Osma (1170/4-1207), từ địa chỉ trên mạng internet https://media.musicasacra.com/dominican/Studies/lincoln.pdf (thư mục từ trang118-125).
[14] Simon Tugwell, ‘For whom was Prouille Founded?’, AFP 74 (2004): 5–66.
[15] X. Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh 2016, tr. 204-211.
[16] Antonio Rubial Garcia, “La hagiografia: su evolución histórica y su recepción historiografica actual”, in De sendas, brechas y atajos: contexto y crítica de las fuentes eclesiásticas, siglos XVI-XVIII , Mexico 2008, págs. 15-33. https://www.enah.edu.mx/publicaciones/documentos/175.pdf.
[17] Hai tác phẩm đương thời có lẽ đã gây ảnh hưởng đến phương pháp này là: Jean de Mailly O.P., Abbreviatio de gestis et miraculis sanctorum (k.1230) và Bartolomeo de Trento O.P., Liber Epilogorum in Gesta Sanctorum (k. 1245).
[18] Pierre de Vaux-de-Cernay, Historia Albigensis, tuy phép lạ xảy ra ở Montreal chứ không phải ở Fanjeaux.
[19] Theo Legenda của Constantino (1245, cap. 17). Sau này (năm 1260), Bonaventura, trong Leganda maior (cap. 3), sẽ khẳng định rằng người chống đỡ đền thờ là thánh Phanxicô.
[20] Cũng theo Legenda của Constantino (cap. 21), chứ không có trong Libellus và Legenda của Ferrando.
[21] Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh 2016, chương 16; Dòng Đa Minh với Đức Maria, tr. 240-256.
[22] Những phép lạ thánh Đa Minh thực hiện ở Rôma được chị Cecilia Cesarini (1203-1290) thu thập và kể lại trong tập hồi ký Miracula s. Dominici quae fecit apud Urbem Romam, viết khoảng năm 1288.
[23] Đó là chưa kể những sự tích mang tính “hộ giáo” để so sánh với Dòng Anh em Hèn mọn.
[24] Augustine Thompson, Francis of Assisi. A new biography, Cornell University Press, New York 2012. Part II: Sources and debates, p.153-170.
[25] Guy-Thomas Bedouelle, Saint Francois et saint Dominique, Conférence 4 Octobre 2010, đăng trên mạng: http://www.freres-capucins.fr/Notre-pere-saint-Francois-et-notre.html.
[26] Phan Tấn Thành, Thánh Phanxicô và thánh Đominicô, https://daminhtamhiep.net/2013/10/thanh-Phanxicô-va-thanh-dominico/.
[27] Giulia Barone. “L’agiografia domenicana alla metà del XIII secolo”. In: Aux origines de la liturgie dominicaine: le manuscrit Santa Sabina XIV L I. Institut de Recherche et d'Histoire des Textes (IRHT), 2004. p. 365-377.
[28] Barbara Beaumont, In our keeping, Dominican University, River Forest Illinois, June 2008. https://www.dom.edu/sites/default/files/pdfs/about/McGreal/IOK_Fanjeaux_France.pdf.
[29] André Vauchez, La sainteté en Occident aux derniers siècles du Moyen Âge d’après les procès de canonisation et les documents hagiographiques, Rôma, 1982.
[30] Raymond Creytens, Le testament de Saint Dominique, in AFP 43 (1973), 29-72.
[31] Maria Humbert Vicaire, Saint Dominique, la vie apostolique, Cerf, Paris, 1965.